Số lần đọc/download: 2300 / 36
Cập nhật: 2016-03-17 13:45:54 +0700
Nuôi Ghẻ
T
ới trước cửa trường tiểu học Trương Minh Kỷ 1, Trung nói:
- Thôi em đi một mình nhé.
Nói rồi chàng toan bước vào trong trường. Nhưng Hạnh nhỏng nhẻo:
- Hông, anh đưa em thêm một đỗi nữa hè. Đã tới giờ dạy ở đâu!
Trung xem lại đồng hồ đeo tay thì chỉ còn có 3 phút nữa là trống đánh. Nhưng vì mới yêu nhau nên chàng không dám để Hạnh mích lòng.
Hai người đi làm cùng một đường với nhau, nên quen nhau ít lâu nay. Hạnh là nữ y tá tập sự ở Bệnh viện Đô Thành. Cả hai đều là học trò mới ra trường nên đều còn hăm hở với hoài bão mà họ định thực hiện: Trung có tham vọng đào tạo một lớp thanh niên xứng đáng với thời buổi, còn Hạnh thì mộng giúp đỡ bình dân để họ hiểu biết vệ sinh hơn. Vì chí hướng gần nhau nên họ mến nhau rồi yêu nhau.
Họ vượt qua khỏi rạp chiếu bóng Đại Nam thì một đứa bé trạc độ lên mười ở đâu trong hàng rào cây sống của tiệm nhảy Văn Cảnh 2 cà nhắc bước ra nói, giọng như hát:
- Lạy cô cho con đồng bạc mua cơm ăn.
Hạnh không để ý tới đứa bé, tiếp tục nói cười với bạn, tuy nhiên tay nàng vẫn thờ ơ mở xắc lấy tiền ra để bố thí.
Nghe một mùi bắt buồn nôn, Trung nhìn kỹ lại thì thấy đứa bé mặc quần xà lỏn: Từ miệng ống quần ngắn ấy thòng xuống một cặp giò ốm như hai sợi rễ thòng non của cây da trước miễu nào.
Ruồi và lằng xanh bay vù vù quanh cẳng trái của con bé. Bắp chuối của nó như bị một lưỡi dao bén xắn xuống làm sứt mất mô thịt ở đó. Lớp thịt còn sót lại, vòng ngoài đỏ như thịt heo trên các thớt chợ. Vòng kế đỏ trắng đục như sữa đặc. Phần nhưn ở giữa thì mang màu xám tro và lấm tấm những đốm nhỏ li ti màu thạch lục.
Ba bốn con lằng xanh châu đầu vào lớp nhưn đó và mê say hút số tế bào chết ấy. Trung nhăn mặt nhưng con bé vẫn thản nhiên đứng đợi rồi tươi nét mặt ra lúc nhận tiền. Nó không buồn đuổi ruồi, đứng yên mà chờ người khác đi qua.
Hạnh kéo bạn mà nói:
- Đi chớ, anh sợ trễ giờ mà sao lại chần chờ mãi ở đây.
- Con bé! Trung nói, nhưng chàng chưa làm được một câu đầy đủ vì nhiều ý nghĩ lộn xộn trong đầu chàng, chàng chưa kịp sắp lại cho có mạch lạc.
- Ừ, con bé. Bữa nào em cũng phải cho nó một đồng bạc hết, không thôi nó đi theo nói lải nhải, khó chịu và ghê tởm quá!
Trung làm thinh, bước chân theo bạn, giây lâu mới tỏ ỷ nghĩ ra được:
- Chương trình xã hội của em lớn lao quá đối với địa vị nữ y tá của em. Sao em không làm công việc nho nhỏ như vầy.
- Công vuệc gì đó anh?
- Em săn sóc cho con bé.
Hạnh ngạc nhiên một lát, dường như sực tỉnh ra, rồi đáp:
- Ờ phải, em không nghĩ tới điều nầy bao giờ, thật bậy quá.
Ngày hôm sau, nghi lễ hành khất vẫn diễn ra y hệt như mỗi ngày. Hạnh trao tiền cho con bé rồi hỏi nó:
- Sao em không đi tới nhà thương?
Con bé cười một cách đần độn và lâu lắm mới đáp:
- Con không biết.
- Không biết cái gì? Không biết nhà thương ở đâu à?
- Con không biết tại làm sao con không tới nhà thương.
- Em mắc mụt ghẻ hòm nầy từ bao lâu rồi?
- Không biết...
- Em đi nhà thương với cô nghe!
Con bé chành bành cái miệng ra cười rồi lắc đầu.
Những ngày sau đó Hạnh tiếp tục cho tiền nhưng lần nào cũng có phụ cấp: khi thì kẹo, khi thì quýt.
Con bé xem chừng cảm mến nàng lắm và nhứt là tín nhiệm nơi nàng. Hạnh gây cảm tình trong 5 hôm liền là con bé chịu đi theo nàng.
Muốn cho cuộc lành bịnh của con bé là tác phẩm riêng của mình, Hạnh không cho nó lấy thẻ đi tới bác sĩ khám, mà săn sóc nó riêng biệt như người nhà.
Ngày đầu tiên nàng nạo sơ lớp mủ ngoài rồi rửa ghẻ bằng nước tím lợt; đoạn băng bó lại.
Ngày kế, Hạnh chưng hửng mà thấy con bé đón nàng, cái giò trần như khi trước. Ruồi lằng cũng bu quanh mụt ghẻ hòm để ăn tiệc tế bào.
- Băng đâu rồi?
- Con đã tháo quăng đi rồi.
- Sao lại quăng đi?
Con bé cười mà không đáp. Hôm ấy nó vẫn đi theo ân nhân của nó.
Hạnh hỏi:
- Đêm rồi, em nghe có dễ chịu hay không?
- Dễ chịu lắm. Chừng nào hết hả cô?
- Độ hai tuần thì khỏi, miễn là em phải để y băng. Em mà tháo băng quăng nữa, ba tháng sau chưa chắc lành ghẻ.
Hôm đó Hạnh nạo mủ, rửa bằng nước tím, nhưng lần nầy nàng rắc bột thuốc thủy lên.
Con bé can đảm lắm. Lúc nạo mủ nó chỉ hít hà thôi và lúc rắc thuốc, thứ thuốc làm rát rần lên ấy, nó chỉ nhăn mặt một lát.
Ngày thứ ba Hạnh vừa thấy con bé thì cơn giận của nàng đã nổi lên đùng đùng:
- Trời ơi, sao em lại tháo băng nữa?
Con bé cũng chỉ cười trừ, Hạnh nguôi cơn giận được giây lát sau vì nàng xem xét lại thì thấy mụt ghẻ tuy vậy, có đỡ bớt phần nào. Mùi hôi thúi đã giảm, không phải vì bị mùi thuốc thủy lấn át đâu. Nước vàng hiện ra như nước ở những lạch con rịn chảy về suối, chỉ rõ sự lui bước của cuộc đọng mủ trắng.
Ngày thứ tư, Hạnh nhẫn nại mà kêu trời thầm chớ không còn nổ giận được nữa vì con bé lì lợm quá lắm. Nàng nghĩ có lẽ cuộn băng làm cho nó bực bội. Những đứa trẻ đầu đường xó chợ như vậy, ít khi phải vướng bận quần áo, khăn mền, nên đã quen quá với sự trần truồng thong thả da thịt đi rồi.
Không sao, nó làm như vậy thì chậm khỏi, chớ rốt cuộc rồi cũng khỏi, ruồi lằng cũng vắng bóng, mặt con bé cũng đã tươi tỉnh hẳn ra vì đã chắc chắn nó dễ chịu trong người nó.
Hôm ấy con bé do dự không đi.
- Ê, đừng có làm biếng. Em không đi nhà thương cho thật khỏi, vài ngày đây ghẻ cũng sẽ cương lên như cũ mà coi.
Nói rồi Hạnh nắm tay nó mà kéo đi. Con bé để ân nhân lôi nó, nhưng mặt nó rầu lắm. Hôm ấy tới nhà thương, nó không nhìn đến muốn rớt con mắt những cô nữ y tá mà nó khen là đẹp như bà tiên, và không hỏi lăng xăng cô Hạnh về đủ thứ việc như mọi khi.
Không phải là nó đã thạo nhà thương rồi đâu. Còn rất lắm thứ mà nó không biết dùng để làm gì, chẳng hạn như hai ống cao su mà bác sĩ đeo nơi cổ để thòng xuống trước ngực như đàn bà đeo dây chuyền. Và chẳng hạn như tại làm sao mà bác sĩ lại lấy ống bơm, bơm hơi vào cánh tay con bịnh như người ta bơm bánh xe máy?
Những thứ ấy nó chưa kịp hỏi, mà hôm nay mắt nó lại chỉ nhìn vào một chỗ mà cỏ vẻ nghĩ tới đâu bên ngoài.
Qua hôm thứ năm; con bé quyết không đi. Hạnh nói thế nào nó cũng cứ lắc đầu. Sợ trễ giờ làm việc, nàng đành bỏ nó đó, định bụng sẽ tìm phương khác để dụ nó theo.
Tối hôm ấy, Hạnh tới nhà bạn. Đó là cuộc viếng thăm thường mỗi tuần giữa hai người. Khi chàng đến nàng, khi nàng đến chàng.
Nhưng câu chuyện không bắt đầu bằng những lời vui ngộ như mỗi lần. Vừa vào tới nhà Trung, là Hạnh đã băn khoăn than phiền:
- Có tức chết hay không anh Trung...
- Bị xếp quở phải không?
- Không, con bé ăn mày.
- À, con bé ra làm sao? Hổm nay không đưa em đi, không gặp nó nên anh quên mất.
- Hôm sau ngày anh gợi ý, em dẫn nó vô nhà thương, săn sóc cho nó tới ngày hôm qua đây. Nó đã đỡ nhiều lắm, nhưng lại không chịu theo em nữa.
- Thì cái thứ ngu dốt nó vẫn vậy. Thấy bớt đau, nó ngỡ cứ để vậy tự nhiên sẽ hết bịnh lần lần.
- Nhưng tức lắm là nó không chịu nói vì sao nó không chịu theo em.
- Bền chí, em nên bền chí mà dỗ nó. Thứ đó thì không bao giờ nói ra cái gì cả. Đừng thèm hỏi thì tốt hơn.
- Anh có giỏi thì dỗ nó. Em đã mất bình tĩnh khi sáng. Không chắc em sẽ bình tĩnh ngày mai nầy.
- Ai cũng nói đàn bà kiên nhẫn hơn đàn ông. Bây giờ mới rõ không phải luôn luôn họ nói đúng.
- Tại anh ở ngoài cuộc. Anh có phải đứng năn nỉ nó hàng mười lăm phút, anh có bị nó lấy sự im lặng mà đáp lại anh, anh mới biết bực mình.
Trung ra dáng không tin. Chàng cũng là tay luyện trẻ chuyên môn, đã gặp không biết bao nhiêu trẻ lì lợm rồi, thế mà chàng đều uốn nắn được cả.
- Thôi, chàng nói, bây giờ em đàn cho anh nghe vài bản cho quên bực trí. Ngày mai anh đưa nó tới nhà thương em xem.
Ngày hôm sau, họ đi thật sớm, phòng hờ phải tốn nhiều thì giờ với con bé ăn mày. Khi đôi bạn tới trước cửa quán Văn Cảnh, con hé đứng nép trong hàng rào mà lấm lét nhìn họ.
Hạnh trỏ nó mà nói:
- Bữa nay nó đến không thèm ra đây nữa, anh thấy hay không?
Trung cười hì hì, bỏ Hạnh, bước tới trước mặt con bé, tay móc tiền, miệng nói:
- Bữa nay em sạch sẽ quá, thấy dễ thương quá. Thầy cho tiền đây, cho thiệt nhiều, tới ba đồng lận, em càng sạch, càng được người ta cho nhiều hơn, phải không Hạnh?
Đoạn Sau, Trung day lại nói với bạn, đã nối gót theo chàng vừa tới nơi.
Con bé nhận tiền, nhìn Hạnh mà cười rồi cãi:
- Ở dơ họ cho nhiều hơn chớ!
- Sao lạ vậy? Ai nói với em như vậy?
- Má con nói!
Đoạn nó phân bua với Hạnh:
- Con cũng muốn đi theo cô, ngặt má không cho.
- Em cũng có má nữa hay sao? Nhưng má em sao lại biết em đi với cô, Hạnh hỏi.
- Từ hôm con đi nhà thương tới nay, tiền xin được cứ sụt lần lần. Mọi lần một buổi sớm mai, họ cho ít lắm cũng ba chục bạc. Bây giờ có bữa kiếm không được năm đồng, má con hỏi tại làm sao mà được ít tiền vậy, con không biết đâu mà nói. Má con nghi con lấy tiền để ăn bánh nên má con đánh con dữ lắm. Con thề thốt thế nào má con cũng không tin.
- Má em ở đâu, Hạnh hỏi.
- Má con cũng ăn xin dưới chợ Ông Lãnh.
Trung sực nhớ ra điều gì, nói:
- À, phải rồi, giờ nầy là giờ người ta qua lại tấp nập, mà mình dẫn nó đi nhà thương. Lát nữa trở về còn có ma nào để nó xin tiền.
- Không, con bé cãi. Lát nữa cũng có người qua lại nhưng người ta không cho.
- Hay là tại em bắt nó đợi lâu quá, mất hết thì giờ có mặt nó ở đây. Trung hỏi Hạnh như vậy.
- Không, em có bắt nó đợi lâu đâu. Nó theo em như người nhà và được săn sóc trước khi bác sĩ đến. Nó đã nói là má nó cấm đi với em, để em hỏi nó xem.
Rồi xoa đầu con bé, Hạnh nói:
- Thôi em không muốn đi thì tùy ý em. Nhưng em chưa nói cho cô biết tại sao má em lại biết rõ rằng em đã đi với cô.
- À, tại cô chận hỏi em cái nầy, cái kia mà em nói chưa hết. Vài hôm sau khi đi nhà thương, em nằm ngủ với má em, trước chùa Kim Chung: Má em khịt mũi giây lâu rồi nói một mình: "Cái mùi nghe khó chịu quá!" Lát sau má em ngồi dậy mà hỏi: "Mùi hôi thúi của mụt ghẻ mầy tao nghe quen rồi nên không thấy khó chịu. Bữa này sao mùi ghẻ không còn nữa mà mùi gì lạ xông lên đó?" Đoạn má con hửi mền, hửi gối và đánh hơi lần lần, bắt được cái ổ mùi hôi đó tại chơn con. Con cũng biết mùi ấy ở đó mà ra, nhưng không dám khai thật. Đó là mùi thuốc thủy.
- Tại sao lại không khai?
- Con cũng không biết tại sao nữa. Mấy lần con tháo băng ra cũng vì sợ má con. Mà tại sao lại sợ, con cũng không biết.
- Rồi má em nói sao?
- Má em đánh quẹt lên rọi cái chơn của em rồ kêu trời: "Trời ơi, mụt ghẻ của mầy sao lại gần lành như vầy nè? Mà hình như có ai xức thuốc gì cho mầy đó phải không?"
Con sợ quá, nín bặt. Má con véo con một cái đau điếng người rồi hét: "Ai xức thuốc cho mầy, phải khai thật ra, không thì chết với tao!" Không thể nín được nữa, con kể hết đầu đuôi vụ gặp cô cho má con nghe. Nghe xong má con nói: "Thôi tao biết rồi. Cái cô đó là 1 quỷ vương, dụ dỗ con nít đi xức thuốc cho nó chết đặng cướp hồn chúng nó. Tao cấm mầy đi theo cô đó nữa nghe không. Mầy mà cãi lời tao thì mầy sẽ biết tay tao!"
Cho nên hôm qua con mới không chịu đi với cô.
Hạnh và Trung cười ngất, rồi Hạnh hỏi:
- Em có tin cô là quỷ vương không?
- Không, nhưng con sợ má con lắm.
- Nhưng nếu bữa nay em đi, má em làm sao mà biết được, Trung hỏi.
- Biết chớ! Hôm qua không đi, em xin được tiền kha khá hơn mấy bữa trước. Bữa nay đi, về tay không sợ phải đòn.
- Em thương cô đây hay không?
- Em thương lắm.
- Thì liều bị đòn một bữa, đi lần chót với cô, cho cô khỏi buồn. Bữa nay thì đi xích lô cho nó lẹ.
Con bé ngần ngừ giây lát. Trung thấy nó có chiều thuận, sợ nó đổi ý, nên nắm tay nó mà kéo ra ngoài, miệng thì kêu xích lô.
Khi xe chạy xa rồi, chàng mới trở về trường Trương-Minh-Ký.
Sáng hôm kế đó, đôi bạn lại hăm hở đi thật sớm từ xóm nhà thờ Tin Lành để ra Saigon.
Trung khoe khoang:
- Em thấy hay không? Trẻ con thì phải quyết định cho chúng nó. Không thời chúng nó do dự mãi.
Hạnh không đáp, nhưng nàng có cảm giác rằng hôm nay, nói dai dẳng bao nhiêu, cương quyết đến đâu cũng không khiêng cược con bé đi nữa. Họ đã tới trước hàng rào tiệm nhảy Văn Cảnh. Đôi bạn dừng lại, nhìn con bé mà cười: Hạnh vừa đưa tay ngoắt nó thì một bộ xương người phủ áo quần từ trong hàng rào nhảy ra hỏi; giọng dữ tợn: "Bộ cô muốn dụ dỗ con tôi đi nữa hả?"
Chị đàn bà ấy dơ bẩn chỉ kém con chị một tí thôi. Nhưng mặt thi hung tợn hơn nhiều lắm. Hạnh lùi lại một bước vì ghê tởm, hỏi lại:
- Chị là mẹ của nó đó à?
- Ừ, tôi là mẹ ruột của nó. Tôi không muốn ai dụ dỗ con tôi hết. Tôi cấm cô...
- Chị cấm tôi? Tôi cấm chị để cho nó bịnh hoạn mới phải chớ.
Chị ta sừng sộ bước tới hỏi gằn:
- Cô nói sao? Tôi ăn thua đủ với cô đây!
Vừa hét lên đoạn sau của câu trên, chị ta vừa xăn tay áo, nghiến răng trèo trẹo. Hạnh sợ hãi, núp sau Trung và noi:
- Anh Trung, kêu cảnh sát mau lên. Cho con ác mẫu nầy ở tù về tội ngược đãi con cho nó biết chừng.
Nhưng Trung cũng thối lui, chân bước mau, tay ôm bạn mà kéo đi.
Hạnh tức giận vùng thoát ra mà nói:
- Anh hèn lắm, anh cũng sợ nó nữa à?
Trung nghiêm sắc mặt lại mà đáp:
- Không, nhưng ta lầm. Ta đã lầm nhiều lắm em à!
- Lầm cái gi? Giọng tức giận của Hạnh chưa dịu trong câu hỏi gằn đó.
- Ta lầm. Hai mẹ con nó đã sống nhờ mụt ghẻ ấy nên chúng nó nuôi ghẻ cẩn thận để kiếm ăn.
Ai mà làm cho mụt ghẻ con bé lành là mẹ nó "ăn thua đủ" thực sự đó. Chúng nó có sợ cảnh sát cảnh siết gì đâu!
Chú thích
1.Câu chuyện viết ra hồi trường chưa đổi tên.
2.V.C. cũ.