Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngọc Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: vân trầm
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1147 / 5
Cập nhật: 2015-11-28 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
anh đã đẻ. Như ý cả hai người mong muốn, cô con gái đã ra đời. Cô thường bảo: "Em sẽ tìm trong đôi mắt con gái chúng ta hình bóng những ngày đầu của tình yêu. Tình yêu chỉ có những ngày đầu là đáng kể, còn thì…". Và Linh đã xen vào: "Ừ, mình nói phải. Đứa con đầu lòng anh chỉ thích con gái. Chúng mình sẽ soi vào đôi mắt trong trẻo đen lánh của con. Nó sẽ nhiều tình cảm, nó sẽ dịu dàng như mẹ nó, tuy thực ra thì mẹ nó cũng không lấy gì làm dịu dàng cho lắm. Chứ đẻ con trai thật là vô vị. Bé sẽ nghịch ầm ĩ cả nhà, không cho anh viết. Lớn lên thì làm giặc, đập cả bút nghiên của bố". Oanh cười: "Trai thời loạn phải thế. Cứ như bố thì chỉ hại áo cơm của vợ."
Ấy thế, đôi vợ chồng non già nhân ngãi ấy đã thì thầm bàn tán nhiều về đứa con trong bụng. Họ mong ngóng, sốt ruột mãi chưa có em bé ẵm. Mặc dầu, sự thực, Oanh đã có con gái lớn chừng tám tuổi vất bỏ ở quê. Còn Linh thì cũng cứ làm ra thèm khát một cách ngây thơ thành thực, cô con gái xinh đẹp như anh tả trong thi phẩm để cả ngày hôn, ẵm, mặc dầu sự thực, ở cái bến Hồ ngút lửa kia, ba đứa trẻ trai gái một đàn đang đói cơm rách áo, chui bờ rúc bụi, nheo nhóc vì không bố.
Cô gái hoa mộng, kết quả của mối duyên giai nhân tài tử đã ra đời sau một cơn kêu la dữ dội của người mẹ gầy còm, tại một ngôi nhà nát tạm dùng làm nhà hộ sinh miền Yên Thế. Vợ Thảo đã đóng cửa hàng, tay ôm thúng áo quần, tã lót, tay dìu Oanh nhăn nhó lê bước một trên con đường ba cây số đắp ụ và xẻ rãnh để tới nhà hộ sinh. Lúc đó trời xẩm tối, gió se lạnh, trăng thượng tuần treo như nửa vành gương vỡ khuất trong sương.
Linh, Thảo bị vời lên phủ, chưa về kịp. Bởi vì, cả hai cùng say rượu sau khi rời quán nhậu. Nửa đêm, về tới nhà, được tin Oanh sinh con gái, Linh trợn mắt gieo mình xuống chõng, thở dài một tiếng, như là mọi khi nghe vợ anh lại vừa sản xuất thêm một đứa con nữa ở bến Hồ.
Linh có cảm tưởng đứng trước một bài tính vô cùng khó khăn. Giải quyết làm sao? Lấy gì nuôi đứa trẻ khi không có một đồng bạc rách. Ném nó cho ai, trong khi cả cái vòm trời đất tối tăm địa ngục này có lẽ chẳng còn nhà đạo đức nào dám nghĩ tới việc lập một cô nhi viện. Mọi người cùng lang thang tay bế tay bồng, coi cái việc chửa đẻ là tai họa, ngay cả những người trước kia hằng năm vẫn vào chùa Hương cầu tự, xoa bụng Phật.
- Khổ lắm, Thảo ôi!
Linh kêu to một tiếng, ôm mặt gục xuống chồng bản thảo. Anh nghĩ đến số kiếp của đàn con anh đang xanh xao nhem nhuốc núp sau lưng ông bà nội chúng ở cái làng xơ xác nọ bên sông. Anh nghĩ đến số kiếp đứa con đỏ hỏn trên cánh tay gầy guộc của Oanh ẩn trong gian đình tối ẩm, đầy chuột bọ hứng mưa đón gió giữa cánh đồng, bao quanh những rừng cùng núi. Chao ôi, đứa trẻ tội tình kia, rồi đây chắc chắn sẽ gây cho anh bao nhiêu điều phiền não.
Anh thở rộn. Một ý nghĩ tàn nhẫn vụt hiện trong đầu: "Giá nó chết đi! Ừ, nếu không có giọt máu ấy thì cũng không sao cả, lại càng nhẹ nợ. Mình với Oanh, còn gần nhau được ngày nào, lại tênh tênh dắt nhau đi xuôi ngược đông đoài, kiếm ăn ngoài thiên hạ. Vợ chồng Thảo xử quá hậu với mình, trước kia ở tỉnh phong lưu cũng như bây giờ lưu lạc ra đây nghèo túng. Mình đã không biết lấy gì đáp tạ, lại còn gieo vạ thêm đứa con đỏ nữa, thực là vô lý." Anh vùng dậy, ra phía sau nhà, leo lên giữa đỉnh đồi, trông về phía Oanh nằm đẻ ở mé rừng thông lờ mờ in bóng dưới sương trăng, khẽ thốt:
- Vô lý quá! Trời ôi, sao lại còn thêm một chướng ngại vật này cho thêm khổ. Giá nó chết đi! Giá nó chết đi!
Linh chớp mắt. Trong đêm tối, mặt anh hằn nét dữ tợn như một kẻ sắp giết người. Quyết định, anh bước xuống đồi. Anh bước rất nhanh, vội vã, sợ rằng ý nghĩ ghê gớm ấy nguội mất chăng. Bỗng anh vấp ngã. Anh cáu kỉnh, vùng trở dậy, gỡ sợi dây leo quấn chặt giầy.
Xuống dưới đường, ngang qua bờ ruộng, sợ Thảo trông thấy gọi về, hay đi theo "thăm mặt cháu" anh sẽ không thể thi hành độc kế.
Hai tay nắm chặt, anh đâm đầu chạy chứ không còn là bước nữa. Mấy lần suýt lao mình xuống hố xẻ hình thước thợ sâu đầy nước. Chạy lên hết chặng đường ngược dốc, anh hoa mắt ù tai, ôm ngực thở, đầu gối rã rời, lao đao bước, tưởng chừng không còn sức. Anh đứng lại, ngồi xẹp xuống bãi cỏ may bên đường, le lói phía sau ánh lửa của túp lều ai mới dựng, mái rạ sẫm vàng trong bóng tối.
Mắt anh mở trừng trừng, nhận ra một bóng người đang đi tới, tiếng guốc khua lách cách trên mặt đường đá rắn, vọng vào tịch mịch trời đêm. Anh hổn hển:
- Ai?... Chị Thảo đấy phải không?
Vợ Thảo thở phào một tiếng:
- Anh làm tôi giật nảy mình. Sao lại ngồi đây thế?
Linh đứng lên, phủi đũng quần. Vợ Thảo nhanh nhảu nói:
- Cô Kiều lớn lên sẽ thành hoa hậu. Trông hay quá mất thôi. Nhờ trời sinh voi sinh cỏ, chị ấy sinh cháu cũng dễ dàng mau chóng. Thực tình tôi đã sợ… lỡ ra gặp khó khăn thì ở đây, đành khoanh tay chịu. Anh vào mà ẵm một tí. Chị ấy đang mong ngóng. Tôi về sửa soạn đem các thứ vào nấu nướng chị ăn lấy sữa cho cháu bú!
Vợ Thảo bước vội xuống con đường dốc gồ ghề. Tiếng guốc đã mất ở phía xa, Linh còn đứng trơ trơ, băn khoăn, ngơ ngác với ý nghĩ hung bạo dường như đã dịu dần trong óc.
Anh lùi lũi bước đi. Lát sau anh rẽ vào ngôi đình nát. Ông lão trước kia làm thủ từ đình bây giờ được người ta cho ở đấy trông coi mấy gian giải vũ, bên tả dùng tạm làm trường học và mấy gian bên hữu dùng làm nhà hộ sinh. Ông lão đang quét lá đánh gọn vào một đống ở góc tường, cạnh đó có pho tượng gãy, đầu gục vào con chó đá lúc nào cũng ngóc mõm sủa trời. Thấy Linh, ông ta dừng chổi hỏi:
- Ông đến thăm bà ấy vừa mới đẻ phải không?
Linh chưa kịp đáp, lão đã trỏ vào cánh phên, vọng ra tiếng hài nhi o oe khóc.
- Bà nhà ta mau mắn, sinh chóng quá. Cô đỡ ở trên phủ chưa kịp đến thì bà đã đòi lên bàn đẻ, tôi đành phải làm thay cô đỡ vậy. Nhờ trời, không khó khăn gì cả, mẹ tròn con vuông ông ạ. Ông vào xem mặt cô gái quý…
Lão hé cánh liếp để Linh vào. Một mùi hôi tanh nồng nặc khiến anh choáng váng. Anh đưa mắt nhìn trong ánh sáng lờ mờ giữa đêm. Gian phòng có ba chiếc giường con, Oanh đang nằm thiêm thiếp ở chiếc giường phía trong cùng, đứa trẻ bọc kín mình bằng chiếc sơ mi cũ phá ra làm khăn lót, nằm bên cạnh mẹ.
Anh thấy lòng đau xót, cúi xuống hôn vào trán Oanh. Cô hé mắt, nhìn anh, khẽ đặt bàn tay lên mép chăn dạ mỏng cho anh nắm. Giọng cô yếu ớt:
- Ngoài đường lạnh lắm hả mình? Trời tối, mình vội vã đến đây với em, chắc là mệt lắm? Đã ăn uống gì chưa?...
Cô giơ tay lên vuốt tóc, xoa má anh nghẹn ngào nước mắt:
- Anh ơi!...
Cô cắn chặt môi nén tiếng nấc, nhắm nghiền mắt lại. Da mặt cô xanh xao một cách khác thường. Anh bùi ngùi, thương cảm:
- Mình cứ nằm tĩnh dưỡng vài ngày. Anh sẽ tìm cách xin việc làm để lấy tiền giúp đỡ anh chị Thảo. Mình cứ yên tâm tạm ở với anh chị ấy, nuôi con cho nó cứng cáp lên rồi sẽ liệu sau. Biết thế nào mà lo trước. Đừng khóc nữa. Đàn bà khi sinh nở không nên khóc lóc, nghĩ ngợi nhiều. Chỉ cần nhớ một điều là lúc nào anh cũng yêu mình, yêu con.
Cô mở mắt, mỉm nụ cười nhợt nhạt, nắm chặt tay anh:
- Em trông cậy ở anh. Anh nhìn xem con có giống bố tí nào không?
Linh bật que diêm, nhìn qua hài nhi đỏ hỏn.
- Giống lắm, và xinh lắm. Giống mẹ nhiều hơn bố… để rồi lại hồng nhan bạc mệnh…
Oanh không bằng lòng, gắt khẽ:
- Anh! Đừng nói gở. Con còn trứng nước.
Linh cười gượng:
- Chỉ có gái hồng nhan mới được lưu truyền hậu thế. Không hồng nhan thì Tây Thi vẫn chỉ là cô gái quê giặt lụa, cô Kiều chỉ an phận làm máy đẻ cho anh học trò nghèo, và cô Oanh không hồng nhan thì cũng đã là cô hàng tạp hóa hay giỏi lắm là bà phán bà tham, chứ biết thơ văn kịch cỡm là gì nữa.
Cô bấm tay anh:
- Chỉ vì thơ văn kịch cỡm mà em mới biết mùi nằm đình nằm điếm thế này. Thật là vinh dự lớn. Bây giờ anh đặt tên con đi, để rồi mai lên Phủ khai sinh cho con chứ.
Linh chẳng nghĩ ngợi gì, chặc lưỡi:
- Thì gọi ngay là Kiều Hoa.
Cô lầm bẩm:
- Kiều Hoa! Cũng được. Nhân tiện nhớ đến nhan đề một tác phẩm mình ưng nhất. Nhưng hiềm nỗi Kiều Hoa trong kịch là một gái điên dại vì nước vì nhà, vì tình nữa. Em ngại rằng con ta…
- Em vẽ, kiêng khem cho phiền phức. Điên được như Kiều Hoa thì bao nhiêu con gái trong thiên hạ đều là kỳ nữ hết. Chẳng hạn như bây giờ chúng mình chẳng điên dại là gì. Không điên dại, sao có thể sinh ra giọt máu này! Không điên dại thì ta mỗi người ở một phương đã từ lâu…
Có tiếng động ngoài cánh liếp, và tiếng guốc giẵm thềm rêu. Vợ Thảo đã cùng một đứa gái gánh cả nồi niêu, củi gạo, chăn chiếu đến.
Oanh kêu thảng thốt:
- Trời ơi, chị… chị khó nhọc vì em. Em biết lấy gì tạ lại công ơn của chị.
Linh đỡ cây đèn dầu ở tay vợ Thảo, anh cảm động vô cùng.
- Đêm tối rét mướt thế này, chị còn lặn lội. Chị nghĩ đến chúng tôi nhiều quá.
Vợ Thảo tươi cười:
- Có gì mà ơn huệ, có gì mà vất vả. Tôi vẫn thường bảo chị Oanh là bọn đàn bà chúng tôi có trải qua cái nợ mang nặng đẻ đau mới càng biết thương nhau. Không loạn lạc, vị tất chị em mình đã được giúp đỡ, phiền lụy nhau thế này.
Vừa nói vợ Thảo vừa tháo chăn bông đắp lên mình Oanh và cười bảo:
- Chăn ấm, bà chớ ngủ say gác bẹp cả con gái quý nhá!
Rồi cô cùng đứa gái đặt lên chiếc khay con niêu nước mắm chưng, bát thịt rim, trứng luộc, và liễn cơm ủ nóng.
- Nào, chị ăn đi cho lại sức. Còn cháu bé thì tôi đã sắc nước cam thảo pha đường phèn đổ vào chai vú cao su đây rồi. Con bé này tôi cho nó ở liền đây trông nom, thổi nấu. Mọi việc, tôi đã dặn kỹ nó rồi. Nó sạch sẽ, tỉnh ngủ, chị có thể tin cậy được.
Oanh rớm nước mắt:
- Chị thương em, em tin tưởng rằng tình mẹ con cũng chưa được thế này.
Cô chạnh niềm sầu tủi khóc nấc lên. Vợ Thảo ngồi bên, cầm tay cô an ủi:
- Khóc mãi rồi toét mắt, lông quặm đấy. Ông ấy chê cho thì dại dột. Có phải không anh? Đàn ông các ông bạc bẽo thì không ai theo kịp. Cứ suy ông Thảo nhà tôi thì đủ rõ. Mỗi lần tôi có mang là y như ông ấy thở dài sườn sượt. Đến ngày nằm cữ thì ông ấy xách va ly đi chơi xa hàng tháng. Chờ cho con gắm gỏi rồi mới bò về nhìn mặt. Ông ấy bảo sợ đàn bà đẻ, sợ mùi hộ sinh, không thích trẻ con đỏ hỏn, nhất là đi khai sinh cho con ngoài đốc lý.
Oanh lau nước mắt:
- Các ông ấy thực giống nhau. Anh Linh cũng vậy, anh ấy rất buồn phiền từ khi em thai nghén, em biết lắm…
Vợ Thảo đã xới cơm ra bát, rồi đỡ cô ngồi dậy:
- Đẻ xong nằm thẳng nửa ngày thế là đủ lắm rồi, miễn đừng cựa mạnh. Chị xơi hết liễn cơm này, mai tha hồ tốt sữa.
Bỗng bà lão quét dọn nhà hộ sinh, tức là mụ đỡ thường thay cô đỡ trẻ tuổi tân thời tuy ăn lương mà ít khi đến đỡ đẻ vì còn bận công tác riêng trên phủ bộ, bà lão rón rén bước vào, xoa tay chào Linh, chào vợ Thảo, rồi kể công cắt rốn, tắm rửa sạch sẽ cho đứa trẻ. Linh hiểu thầm mụ muốn vòi tiền, và cũng nghĩ rằng bổn phận mình cần biếu mụ, nhưng anh sờ các túi, không có một đồng nào hết. Vợ Thảo biết ý Linh, liền móc túi lấy ra hai chục đưa mụ đỡ:
- Ban chiều tôi đã biếu cụ rồi, bây giờ ông Linh đây lại thưởng riêng cụ số tiền này nữa để cụ mua trầu cau, diêm thuốc.
Đêm ấy, vợ Thảo đã ngồi chịu rét chờ trời sáng bên mẹ con Oanh, như đêm nọ Thảo đã cùng Oanh và Linh chia cái khổ thức thâu canh sương gió ở ngôi đền hoang, chia cơm với bọn người hành khất.
Mưa Thu Mưa Thu - Ngọc Giao Mưa Thu