Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4816 / 81
Cập nhật: 2016-04-22 16:50:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 -
ào những ngày này, thời điểm sáng tươi, đẹp đẽ nhất của ông giáo Cần là buổi sớm mai, lúc ông trở dậy. Ông vẫn giữ thói quen dậy sớm. Lúc ấy rạng đông một ngày mùa hè vừa hé. Mở mắt, qua cái cửa sổ hẹp trổ ở vách tường cao, ông nhìn thấy một vòm trời tím biếc và giống như ân huệ của trời đất, một cành phượng xanh mướt la đà đỏ rực chùm hoa ở nơi đầu cành chấm vào khung cửa sổ như chào đón ông. Ngù hoa phượng làm ông nhớ tới câu thơ của Rông-xa “ Comme on voit, sur la branche au mois de Mai, la rose”, và câu thơ Việt do bạn ông dịch: “ Tháng năm, đầu cành hoa nở!” Câu thơ nguyên bản và câu thơ dịch đẹp cả tình; ý; lời và là một bức hoạ. Câu thơ dài như một nhành cây xanh. ở đầu mút của nó, một cụm nhỏ
ngôn từ nở hoa. Câu thơ đưa ông về những năm tháng còn ở trường Đại học và làm cho buổi bình minh tươi lành chứa chan bao xúc động. Ông trở dậy, tưới hoa, thắp hương trên bàn thờ người vợ đã quá cố. Công việc thật trầm tĩnh và hài hoà.
Thực ra thì cái ngõ có bị náo động lúc hai, ba giờ sáng. Vợ chồng ông Nhuần xích lô dậy sớm lắm. Ông phải đưa bà ra bến xe chạy lên các huyện miền núi: bà đi buôn. Họ dậy, sửa soạn hàng họ, gắt gỏng, chửi rủa nhau í om. Nhưng cũng may, sự hỗn loạn của cái gia đình đông đúc nhất ngõ này cũng chỉ kéo dài chừng nửa tiếng; đêm lại khép kín và êm đềm ngay sau đó.
Ông giáo Cần cầm cái xô tôn hoa ra giếng. Xách xô nước đầy qua sân, ông giáo chợt nhận ra thằng Lùng, con trai ông bà Nhuần, cả đêm bị xích chân vào chiếc xích lô hỏng ở góc sân, đang chơi với những con cá cảnh nuôi trong cái vỏ ắc- quy.. Những con cá thần tiên, những con cá kiếm, cá chọi, cá mã giáp, cá héc- mô- ni màu sắc rất lạ, ăn giun tơ thuỷ trần buổi sáng đang hứng khởi phùng mang trợn mắt, vè, xuỳ, chọi nhau, gây xao động, sóng gió ngay trong cái khối nước con con.
- Bác ơi, bác cho cháu ít nước, cháu thay cho cá. Bố cháu cấm cháu không được đi ra khỏi đây.
Thằng bé ngước lên, nói, rồi vừa thấy ông Cần đặt xô nước xuống đất, nó đã nghiêng cái vỏ ắc quy, đổ nước cũ, gạn cá.
- Cháu à...
Ông giáo Cần đổ nửa xô nước vào cái vỏ ắc-quy cho thằng bé, lập bập định nói cái gì đó mà không diễn đạt được. Tội nghiệp nó quá, trông nó thơ dại và trong sáng thế kia!
“ Mình thì chơi hoa, nó thì chơi cá. Khác nhau ở chỗ...” Lặng lẽ xách xô nước về tới nhà. Ông giáo nghĩ, ngậm ngùi, thoáng chút liên tưởng, và cúi xuống. Quanh gốc cây giao, những hoa, những cây, những lá đang ngóng đợi ông. Cây mai chiếu thuỷ hai mươi tám tuổi. Cây mai vàng mười sáu năm. Trà mi lá đỏ chuyển thành hoa. Tùng La Hán thế nghinh phong. Cây sanh dáng phượng vũ. Cây vọng cách hình phụ tử. Và hoa, bản hợp tấu dịu dàng của hồng, ngâu, nhài, cúc, quỳnh. Thảy đều là tặng vật của các bạn xa gần, từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn đến Đà Lạt, Sa Pa gửi cho ông, ngày ông về hưu trí. Người chọn cây, chọn hoa, nuôi cây, nuôi hoa. Còn hoa, cây tự giãi bầy. Ôi, cái thế giới hoan hỉ mà thầm lặng. Đứng ở đây, hồn như thoát khỏi cái biển huyên náo của bao nhiêu phiền luỵ, phồn tạp, bỏ qua tất cả những phàm tục, tầm thường nhỏ mọn và trở nên cao khiết, trang nhã lên rất nhiều.
Tưới xong cây và hoa, ông giáo Cần trở lại căn buồng. Bình minh một ngày mới tỏ mờ trên bàn thờ. Ông kéo ghế, đứng lên thắp tuần hương đầu rồi khẽ khàng bước xuống, rón rén đi lại bàn trà, không muốn làm Trọng đang ngủ trên sàn đất giật mình thức giấc.
Bấy giờ ông giáo mới pha trà và lặng lẽ ngước lên nhìn ảnh người vợ trên cái bàn thờ ấm khói hương. Bà âu yếm nhìn lại ông. Hương và hoa toả luyến nhớ sâu sa, tạo niềm giao cảm và âm hưởng của quá khứ vọng về
Mưa Mùa Hạ Mưa Mùa Hạ - Ma Văn Kháng Mưa Mùa Hạ