Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1607 / 45
Cập nhật: 2015-01-14 07:12:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ống trong Phòng Năm Phân Khu chừng 2 tháng, anh lại có dịp trở về Sàigòn. Lúc ấy thời gian vào khoảng tháng 4, tháng 5, năm 1954. Hòa hội Genève đã mở, người ta đang gặp nhau để tính chuyện cắt đôi nước Việt Nam ở chỗ nào. Đệ Nhất Quân Khu Quân Đội Quốc Gia mở khóa học về chính sách tác động tinh thần trong tình hình mới.
Thời ấy về mặt quân sự, nước ta chia làm 3 Quân Khu. Đệ Nhất Quân Khu là Nam phần, Đệ Nhị là Trung Phần, và Đệ Tam Quân Khu là Bắc phần. Trụ sở Đệ Nhất Quân Khu năm ấy nằm ở đường Hùng Vương, khoảng giữa Bệnh Viện Hồng Bàng và Bảo Sanh Viện Hùng Vương hiện nay.
Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng được, và có bổn phận, cử người về dự khóa học. Học viên phải từ cấp bậc Trung Sĩ trở lên. Ở Phòng Năm Phân Khu, ngoài anh ra, chỉ có một Trung Sĩ, anh này hơn anh vài tuổi và đã có vợ con. Không phải là dân Sàigòn cũng không có nhà người thân ở Sàigòn, Trung Sĩ này rất ngại phải về Sàigòn, dù chỉ là về trong một tháng để đi học. Về Sàigòn như thế anh phải mang thêm tiền nhà đi ăn xài mà anh thì một vợ, hai con, một bà mẹ già, bốn năm miệng ăn chỉ trông vào số lương tháng chừng ba nghìn bạc của anh. Việc phải về Sàigòn đi học với anh là một tai họa. Nhưng Phòng Năm Phân Khu không thể không cử người về học. Có anh sẵn đó, anh là người đang ngày đêm không phải là muốn mà là khao khát được về Sàigòn. Thiếu Úy Liễn hỏi anh:
- Muốn về Sàigòn một tháng không?
Còn phải hỏi nữa. Hỏi Trung Sĩ Bắc Kỳ có muốn về Sàigòn không thì cũng như hỏi cô Thúy Vân có muốn làm vợ Cậu Kim Trọng không. Ởỹ đây không có chuyện tranh nhau quyền được về Sàigòn. Nói rõ hơn là cả thành phố Sóc Trăng lúc ấy chẳng có ai muốn về Sàigòn cả, ngoài anh Trung Sĩ Bắc Kỳ lưu vong đang ngày đêm nhớ thương, thèm khát Sàigòn như nhớ thương, thèm khát tình nhân.
Và thế là tất cả mọi người trong Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng - Băỉc Liêu đều hài lòng. Vào lúc trời sáng tinh mơ, Thiếu Úy Liễn lái xe Jeep đưa anh ra bến xe. Anh thót lên xe đò Thiên Tân, xe chuyển bánh rời bến Sóc Trăng lúc 6 giờ sáng. Khoảng ba, bốn giờ chiều anh lại nôn nao nhìn thấy những ống khói Nhà Máy Rượu Bình Tây vươn lên ở chân trời. Anh về Sàigòn trước ngày khai giảng khóa học tới cả mười ngày.
Anh đi tìm em. Địa chỉ em cho anh ở đường Galiéni - đầu năm 1954, năm anh từ Sóc Trăng về Sàigòn tìm em theo địa chỉ em cho anh, tất cả những đường phố Sàigòn còn mang tên Pháp - bây giờ chỉ có những người ở lớp tuổi 60 từng sống ở Sàigòn những năm trước 1954 mới còn nhớ được một số những tên đường này: Catinat, Charner, Bonard, Paul Blanchy, Colonel Grimaud, Colonel Boudonnet, Vassoigne, Narbé, Barbier, Miss Cawell, Mayer, Duranton, Legrand de la Lyrae, Lagrandière, MacMahon, Audouit. Dixmude v.v.. Đa số là tên những sĩ quan Pháp từng tham dự vào cuộc đánh chiếm Nam Kỳ. Galiéni về sau đổi tên là đường Trần Hưng Đạo, một trong những con đường lớn nhất, dài nhất Sàigòn.
Nhưng nhà em không ở mặt tiền đường. Ở khoảng nhà hàng Tour d'Ivoire, nhà hàng vũ trường này là nơi mười mấy năm sau ngày anh đến tìm em xẩy ra vụ ông Thiếu Tá Mũ Đỏ Nguyễn Viết Cần, cùng một số sĩ quan Nhảy Dù bạn ông, bắn chết 2 Quân Cảnh Mỹ. Ở gần lối lên nhà hàng vũ trường Tour d'Ivoire có một lối vào. Nhà em ở trong dẫy nhà nằm bên trong lối vào ấy. Sàigòn khác với Hà Nội ở những khu xóm lao động như Bàn cờ và những khu nhà nằm bên trong những dẫy nhà mặt đường như thế này. Đây là một trong những cảnh mà dân gian thường gọi là "Sau dẫy nhà lầu" theo tên một tiểu thuyết tình cảm ăn khách của Ngọc Sơn, đăng trên nhật báo Tiếng Chuông thời ấy. Người đi ngoài đường không biết đằng sau những dẫy nhà mặt tiền đẹp đẽ đó của Sàigòn lại có những dẫy nhà không lấy gì làm đẹp đẽ, sáng sủa chi cho lắm. Anh đi vào một sân sau, lên một cầu thang, qua mấy hành lang mới đến nhà em.
Nhưng em không có nhà. Dường như em không sống ở đây với bà mẹ em, hoặc nếu em có sống thời gian nào trong gian phòng nhỏ này thì đó chỉ là thời em còn dưới mười ba, mười bốn tuổi. Anh vào đó và gặp trong gian phòng tối một bà chừng năm mươi tuổi. Giờ đây khi anh ở vào tuổi sáu mươi, anh thấy những người đàn bà năm mươi tuổi là đàn bà trẻ, nhưng vào năm anh hai mươi tuổi, anh thấy những người đàn bà bốn mươi tuổi đã là bà già.
Bà mẹ em gầy ốm, xanh xao, tô son, đánh phấn đầy mặt như một bà Me Tây già, như một bà bóng. Bà ngồi đó một mình.
- Thưa bà.. cho tôi hỏi cô Êlen..
Anh nói và bà mẹ em trả lời:
- Nó không có ở đây.
- Thưa bà khi nào cô ấy về?
Bà lắc đầu:
- Hổng biết.
- Tôi xin lỗi.. bà là mẹ cô Êlen?
Bà gật đầu:
- Phải
Bà ngồi chồm hổm trên đi văng. Có cái bàn nhỏ và cái ghế ở đó nhưng bà không mời anh ngồi, anh cũng chẳng có chuyện gì để nói nhiều với bà. Trong thời gian anh trẻ tuổi, anh có cái bệnh bất mãn với cuộc đời hơi nặng. Động gặp chuyện gì không vừa ý là hờn dỗi, mặt mũi nặng như đá đeo. Bây giờ, bốn mươi năm sau, anh vẫn còn nguyên cái bệnh ấy. Chỉ có điều qua năm tháng và kinh nghiệm, anh thấy càng hờn dỗi chừng nào anh càng thua thiệt, càng khốn khổ, khốn nạn nhiều chừng ấy, nên anh dấu bớt nó đi mà thôi. Việc đến nhà em tìm em mà không có em ở nhà đã dư đủ để anh hờn giận bà mẹ em và tất cả loài người.
- Êlen không ở đây, phải không bà?
Bà mẹ em hỏi lại:
- Cậu nói chi?
- Êlen không ở đây. Êlen chỉ về thăm bà rồi lại đi, phải không bà?
Anh nghĩ đúng. Mẹ em gật đầu:
- Phải.
- Thế cô ấy ở đâu? Bà cho tôi biết chỗ cô ấy ở đi. Tôi đến đó tìm cô ấy.
Bà mẹ em lắc đầu:
- Nó ở đâu tôi không biết chắc...
Rồi bà tiếp:
- Lúc này nó không có ở Sàigòn...
Nghe bà nói, anh lại càng thất vọng:
- Lúc này cô ấy ở đâu?
- Nó đi Nam Vang...
- Đi Nam Vang?? Bà có biết bao giờ cô ấy về không?
Bà lại lắc đầu:
- Tôi không biết.
° ° °
Anh không ưa bị người khác ép buộc hay thúc đẩy anh làm những việc anh không thích làm, vì vậy anh cũng không thích ép buộc hay thúc đẩy, thuyết phục bất cứ ai làm bất cứ việc gì, kể cả làm những việc mà họ có thể thích làm. Với cái bản tính thiên phú này anh không thể nào là một nhân viên tuyên truyền hữu hiệu. Điều anh sắp nói có thể làm cho nhiều vị chuyên viên tuyên truyền kiêm cái gọi là "Tác động tinh thần - Chiến tranh Tâm Lý Ghe Sích cô lô gích" nhà nghề không bằng lòng: cái trò "đánh võ mồm" thúc đẩy người khác chịu khổ sở, chịu chết.. là cái nghề không khá được.
Vì vậy chưa phải học ngày nào mà anh đã chán ngấy cái khóa huấn luyện tuyên truyền được tổ chức ở cái gọi là Đệ Nhất Quân Khu đường Hùng Vương vào những tháng giữa năm 1954 hơn chán cơm nếp nát, anh chán nó ngay cả từ khi nó chưa được khai giảng. Anh đến đó và thấy lớp học có chừng ba mươi học viên - anh nào chân chỉ hạt bột thì quá đỗi khờ khạo, anh nào tinh ranh thì lại quá đỗi thạo việc "mồm miệng đỡ chân tay" - mấy ông giảng viên lại càng làm cho anh nản hơn. Anh thấy những ông này, ngay đến việc thuyết phục hay tuyên truyền vợ con mấy ổng cũng chưa xong, nói đến việc mấy ông thuyết phục người khác sốt sắng, hoặc miễn cưỡng, cầm súng ra mặt trận bắn nhau là một chuyện khôi hài nhạt nhẽo. Trong số giảng viên này có hai ông Đại Úy ăn nói hấp dẫn đôi chút, cả hai ông đều là xi-zin, tức dân sự, được "đồng hoá" vào quân đội với cấp bậc Đại Úy. Hai ông là hai nhân vật có tên tuổi trong giới văn học nghệ thuật và theo thông lệ, cả hai ông đều là dân Hít Tô Phe, tức là nghiện thuốc phiện.
Buổi tối, anh theo mấy người bạn lên lầu tiệm thuốc phiện Amy ở đường Verdun - về sau là đường Hàm Nghi. Tiệm Amy nằm trong dẫy nhà mười mấy năm về sau tòa nhà Việt Nam Thương Tín được xây lên - vào năm 54 như anh đã nói những trò "tứ đổ tường: yên, đổ, tửu, sắc" được hành nghề công khai, thoải mái và hợp pháp ở Sàigòn - anh thấy hai ông Đại Úy "Ghe Sích cô"â giảng viên chính của Khóa Huấn Luyện Tác Động Tinh Thần nằm còng queo bên bàn đèn thuốc phiện. Hai ông đều có bàn đọi ở nhà nhưng thỉnh thoảng các ông cũng đến tiệm nằm chơi, đấu hót với các ông bạn. Sáng hôm sau vào lớp học, anh thấy hai ông quân phục chỉnh tề, lên lon Đại Úy, hùng hồn diễn giảng về cái gọi là "chính nghĩa quốc gia...". Tất nhiên là trong lúc thao thao hùng biện như thế nhị vị Đại Úy không biết rằng trong số những tên học viên ngồi nghe các ông huấn giảng lại có một tên vừa tối hôm qua nhìn thấy các ông nằm bên khay đèn dầu lạc.
Học được ba ngày là - chuyện tự nhiên thôi - anh bỏ học. Trong hoàn cảnh ấy anh theo học đàng hoàng mới là lạ, anh cúp cua là chuyện không lạ chút nào. Một trong những nguyên nhân chính nữa làm cho anh không đến cái khóa huấn luyện tuyên truyền nhạt nhẽo, vô tích sự ấy là thời gian ở Sàigòn nó trôi qua nhanh quá. Vèo một cái là qua một ngày, một đêm. Vèo hai ba cái là thời gian trôi qua đã một tuần lễ. Kể cả cuộc sống buồn phiền ở Sàigòn cũng đỡ khổ và nhẹ nhàng hơn cuộc sống buồn phiền ở tỉnh lẻ. Lần đầu anh cúp cua một buổi, thấy không có ai phiền hà hay hỏi han gì, lần thứ hai anh cúp cua trọn ngày. Thế rồi hai ba ngày anh mới đảo đến lớp một buổi rồi lại đi biệt. Cũng phải nói rằng anh chẳng phải là tay ăn chơi dữ dội hay hào hoa phong nhã gì cho cam, trình độ ăn chơi của anh thuộc loại hạng bét thời ấy ở Sàigòn, nhưng cuộc sống Sàigòn nó cuốn anh vào dòng trôi chẩy diệu kỳ của nó. Anh cứ để mặc cho nó đưa anh đến đâu thì đưa, chỉ có điều là anh không làm qua một cử động nào để tự đưa anh dạt vào bờ
Giờ đây mỗi lần chia tay với những người đi hay với những người ở lại, anh không còn hò hẹn hay mong ước sẽ gặp lại nhau nữa, anh thường nói: "Nếu còn duyên với nhau thì còn gặp nhau..."
Thật thế... Cái gọi là "duyên nợ" của loài người là một trong những điều huyền bí của cuộc đời. Những người có duyên với nhau dù có ra đời ở những nơi cách xa nhau ngàn vạn dậm những bước chân đời cũng đưa họ đến một đoạn đường đời nào đó để họ gặp nhau, để họ yêu nhau. Ngược lại, những kẻ thù hận nhau cũng vậy. Chúng ta vẫn cứ đùa với câu nói mà ta cho là có vẻ cải lương: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng...". Nhưng đó là chuyện có thật. Những người yêu nhau sớm hay muộn chém chết thế nào rồi cũng gặp nhau, những kẻ thù hận nhau cũng vậy. Chỉ có điều là những kẻ thù hận nhau thường gặp gỡ nhau nhiều hơn, dễ hơn là những người yêu nhau.
Trong những ngày sống ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng, gần ngay Nhà Băng-ga-lô, nơi em đã cho anh đến sống ba ngày, ba đêm ân ái với em, anh vẫn mơ có ngày em trở lại Sóc Trăng và anh sẽ lại được đến đó sống với em. Nhưng em đã không trở lại. Khi về đến Sàigòn, anh vội vã đi tìm em, nhưng em không có mặt trong căn nhà em cho anh địa chỉ.
Và như vậy là anh đã tưởng anh không thể nào gặp lại được em trong lần anh về Sàigòn kỳ này. Dù có muốn tìm em, anh cũng chẳng biết tìm em ở đâu. Cho đến một buổi chiều...
Lúc ấy gần tối, khoảng sáu giờ, trời Sàigòn u ám sau cơn mưa, anh từ trong Rạp Xi nê Eden bước ra, đứng vẩn vơ trên hè phố Catinat chưa biết đi đâu, bỗng nghe tiếng đàn bà hỏi trống không sau lưng:
- Đi một mình hay đi với ai đây??
Tiếng đàn bà quen quen, tiếng đàn bà anh từng nghe thấy văng vẳng trong vô thức, trong những giấc mơ. Anh quay lại. Có người đàn bà đi qua sau lưng anh. Nàng đi thẳng không quay lại nhìn anh. Nhưng anh biết người đàn bà đó là em ngay. Hélène... Cuộc sống tuyệt vời đến là chừng nào, huyền diệu đến không thể tưởng tượng nổi. Trong số cả 50.000 người phụ nữ Sàigòn vào năm ấy bằng tuổi em, đa tình như em, nẩy nở, gợi cảm như em, ở giữa thành phố Sàigòn lớn nhất Đông Dương này, anh lại được nhìn thấy đôi mông tròn của em trên hè phố Catinat... Và em lịch sự, em khôn khéo đến là chừng nào! Người phụ nữ đa tình, từng trải và khôn ngoan khi nhìn thấy tên đàn ông mình quen, mình muốn hỏi chuyện trên đường phố, trong nhà hàng hay ở bất cứ đâu, không bao giờ chạy đến hỏi chuyện nó, dù cho tên đàn ông ấy có là tên tình nhân yêu mến nàng nhất đời. Vì tên đàn ông ấy có thể đang cùng đi với người phụ nữ nào đó và gã có thể bối rối khi bị một phụ nữ khác đến hỏi chuyện. Việc đó thường xẩy ra. Tên đàn ông lúc ấy có thể đang xớ rớ đứng một mình nhưng không có gì bảo đảm là không có một người phụ nữ nào đó cùng đi với gã đang đứng ở đâu gần đó. Người phụ nữ Sàigòn đa tình, lịch sự, khôn ngoan chỉ cần làm cho gã đàn ông ấy nghe thấy tiếng mình nói, nhìn thấy đôi mông tròn của mình, rồi không thèm nhìn gã, không thèm cười tình với gã, nàng cứ thản nhiên bước đi. Nếu gã đàn ông ấy chạy theo đôi mông tròn của nàng thì nàng tiếp gã, bằng gã vì lý do nào đó không chạy theo thì nàng cho gã đi luôn vào quên lãng.
Anh chạy theo em ngay lập tức, liền một khi. Anh bắt được em trước cả khi câu hỏi tình tứ của em kịp tắt trên môi em. Đời có em rồi, bao nhiêu khắc khoải, ưu tư, hờn giỗi trong anh tan biến trong nháy mắt, trong một sát na. Không, tan biến trong một nửa sát na, trong một phần triệu một sát na.
Anh đẩy em vào Givral. Anh không chịu rời đôi mông tròn của em, anh không chịu để em ra khỏi tầm tay của anh. Người ta nói: "Lon xon như con gặp mẹ, ngầm ngập như mẹ gặp con..". anh thấy trong trường hợp của anh, ngôn ngữ Việt Nam cần có thêm câu diễn tả nữa là "Ngẩn ngơ như trai tơ gặp đàn bà đa tình...". Quên uống nước, quên cả hút thuốc, anh nhìn em và anh nói anh nhớ em, anh đi tìm em, anh đến nhà gập mẹ em, mẹ em nói em đi Nam Vang, anh về Sàigòn dự khóa huấn luyện, anh sẽ phải trở xuống Sóc Trăng v.v...
Em mỉm cười:
- Tối nay em bận, không đi chơi với anh được. Hẹn anh hôm khác. Anh còn ở Sàigòn lâu mà??
Em nói. Anh không biết là em nói thật hay em nói đùa. Hôm nay hồi tưởng cuộc tái ngộ tình cờ tuyệt diệu của đôi ta trên hè phố Sàigòn xanh thắm ba mươi tám năm trước, anh chắc lúc đó em nhìn thấy sự tuyệt vọng, và cả sự phẫn nộ của anh, từ trong đáy tim anh hiện lên mặt anh, trong mắt anh, trên toàn thân anh. Em nhìn thấy chiều cao, chiều rộng, chiều sâu, em nhìn thấy cả bề ngang, bề dọc, bề dài nỗi tuyệt vọng và phẫn nộ của anh. Em biết anh sẽ không để em yên lành đi ra khỏi đời anh, khỏi vòng tay anh, anh sẽ làm những cử chỉ thô bạo, anh sẽ nói những lời khiếm nhã nếu anh phải xa em ngay lúc đó mà không được hưởng chút ân huệ nào của em. Sự tuyệt vọng và phẫn nộ bùng nổ của anh sẽ làm cho cuộc tình của chúng ta bị sứt mẻ hay mất đẹp. Trong anh lúc đó đang tranh nhau sống lại cả Quasimodo và Romeo.. Em thấy như thế và điều đó làm cho nàng Juliet và nàng Esmeralda ở trong em nở nụ cười đa tình trên môi em. Em nói lại:
- Em đi ăn cơm với anh. Tám giờ cho em về. Tối nay em mắc bận thiệt mà. Hôm khác em đi với anh cả ngày...
Anh vẫn ngơ ngác không biết nói gì, làm gì. Em nhắc lại:
- Tối nay em đi ăn cơm với anh thôi. Chịu không?
Chịu quá chứ sao lại không chịu. Cứ đi ăn cái đã rồi hãy hay, rồi tính sau. Miễn là không phải chia tay với em ngay khi từ trong Givral bước ra. Em lại là người điều khiển chương trình. Quy luật tự nhiên là như vậy. Anh chỉ biết đi theo đôi mông tròn của em, anh không có sáng kiến mà cũng không có ý kiến, ý cò chi cả.
Anh theo em vào tắc xi. Em nói với ông taxi:
- Cho zô Chợ Lớn...
Anh theo em vào một hàng ăn Tầu ở đường Jaccareo. Chợ Lớn 50-54 có không biết bao nhiêu là hàng ăn tối tân, văn minh, lịch sự, tiện lợi như hàng ăn này. Vậy mà trước khi em đưa anh đến đây, anh không biếtụ Chợ Lớn lại có những hàng ăn-khách sanỉ, đúng hơn là phòng ngủ, tiên tiến đến như thế. Trên lầu nhà hàng có phòng riêng. Em mở một phòng, gọi mang thức ăn lên phòng. Một bữa ăn bốn món, hai người ăn, mang lên tận phòng chưa vượt quá 100 đồng. Tiền phòng 50 đồng là 150 đồng. Tắc xi đi về gói tròn trong 20 đồng. Công tử Hà Đông Bắc Kỳ Ri Cư có tới 500 đồng bạc Đông Dương để chi vào việc được sống với đôi mông tròn của Kiều Nữ Sàigòn Đa Tình trong vài giờ đồng hồ vàng ngọc.. Yên tâm, thoải mái và hào tình tứ đến là chừng nào...
Phòng riêng của đôi ta năm 54 nằm trong một cao lâu kiêm phòng ngủ ở đường Jaccaréo -- sau 1956 là đường Tản Đà -- phòng riêng kín đáo đầu tiên trong đời anh ở Chợ Lớn, là một căn phòng không rộng, không hẹp. Đúng ra là nó vừa vặn, nó thật xinh, thật dễ thương. Phòng chính có một bộ ván gỗ, một bàn ăn, vài cái ghế. Bên trong là phòng ngủ. Phòng ngủ kê vừa vặn chiếc giường nệm bông, bàn ngủ, bàn bên giường ngủ - đây là tên dịch không đúng của cái gọi là table de nuit: bàn đêm thường để bên đầu giường ngủ. Trên bàn có ngọn đèn nhỏ, chúng ta không bật đèn. Ánh đèn ở phòng ngoài đủ mơ hồ, huyền ảo quá rồi. Khi cánh cửa phòng đóng lại, cài khóa đàng hoàng, đôi ta cách ly hoàn toàn với vũ trụ, với loài người. Tất cả loài người lúc ấy, với anh, chỉ là mình Em thôi.
Tiếng em hỏi như tiếng em thở:
- Nhớ em không?
Một trong những nỗi sợ hãi của con người là bị quên, nhất là bị quên bởi những người mình yêu thương. Đàn ông đôi khi còn mong muốn được người quên nhưng đàn bà, nhất là đàn bà đa tình như em thì - dường như - rất không muốn bị người mình yêu quên lãng. Có thể trong thời gian anh được em yêu, được gần em, anh có nói vài lời gian dối với em. Em hãy tha thứ cho anh vì lúc đó anh còn trẻ, anh mới hai mươi tuổi. Nhưng em cũng thấy anh nói thật với em ít nhất là một điều: anh nhớ em, anh không quên em, anh nhớ từng dáng đi, từng ánh mắt, từng tiếng nói, từng tiếng thở, từng câu hỏi, anh nhớ mùi da thịt gái Sàigòn độ lượng, đa tình và bao dung, và giầu có, và sẵn sàng ban phát của em... Anh nhớ mãi từ ấy cho đến bây giờ...!
Chín giờ tối, anh đưa em trở lại Sàigòn. Anh chỉ được sống gần em hôm ấy, lần cuối cùng ấy, có ba tiếng đồng hồ. 180 phút, 10.800 dây đồng hồ, 10.000 nhịp đập của trái tim yêu đương.. Từng ấy thời gian qua thật nhanh nhưng từng ấy - ba giờ đồng hồ - cũng quí báu hơn thời gian ba mươi năm sống bên nhau của một cặp đàn ông - đàn bà không yêu nhau như anh yêu em, như em yêu anh.
Trời lại mưa. Ánh đèn đường loáng loáng trên mặt đường láng nước mưa của Sàigòn. Chiếc tắc xi dừng trước một vi la đường Richaud, nơi hai bên đường có hai hàng me ướt lướt thướt.
Em nắm tay anh lần cuối:
- Thứ Bẩy nghen. Tám giờ sáng...
Ngồi trong xe anh nhìn theo em đi rảo bước dưới hàng me, đẩy cánh cổng sắt vào vi la. Việc em hẹn gặp lại anh sáng Thứ Bẩy ở một nơi khác, không hẹn anh đến đây đón em, cho anh biết việc anh vào vi la này là không tiện. Và không cần thiết. Tám giờ sáng Thứ Bẩy anh chờ em ở Tiệm Phở Minh đường Pasteur.
° ° °
Sàigòn 54, những tiệm Phở Bắc còn đếm được trên đầu những ngón tay của một bàn tay. Đó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 mới mở ở đường Frère Louis. Tiệm Phở Minh em sẽ đến với anh nằm ở đằng sau dẫy nhà mặt tiền đường Pasteur cạnh rạp Xi-nê-ma Casino. Nguyên tên của rạp là Casino de Saigòn. Ở Dakao còn một rạp Casino nữa: Casino Dakao. Cạnh rạp Casino de Saigon có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dẫy nhà, đa số là nhà dân Bắc Kỳ di cư từ những năm 1900-1920. Phở Minh ở trong khu nhà đó.
Không biết Phở Minh có từ năm nào, chỉ biết khi anh vào Sàigòn năm 1951 thì Sàigòn đã có Phở Minh; anh thích ăn Phở Minh, nhất là phở gà. Vào những năm đầu thập niên 60 tại tiệm Phở Minh có trưng bầy trang trọng một bài thơ do Thi sĩ Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt thành chữ trang kim lồng trong khung kiến lớn, treo trên tường cao. Anh thật có tội với những thế hệ mai sau vì anh không nhớ được trọn 8 câu của bài thơ Đường Luật tuyệt cú này. Anh chỉ nhớ được có 4 cây đầu:
Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh.
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.
Thi sĩ Trần Rắc là ông chủ tiệm giày Trần Rắc đường Lê Lợi, đoạn có nhiều nhà bán giầy ngay sau Dinh Gia Long. Từ cửa sau nhà ông qua tiệm Phở Minh chỉ có mấy bước. Anh từng được hân hạnh gặp gỡ ông Trần Rắc, nhưng anh biết ông mà ông không biết anh là ai. Vì anh chỉ là khách hàng của ông, một năm đôi kỳ đến tiệm giày Trần Rắc của ông để mua giày, đóng giày. Khi thấy bài thơ của ông xuất hiện trên tường nhà tiệm Phở Minh, anh rất thán phục ông với tư cách ông là Thi Sĩ. Bởi vì, anh chắc em cũng thấy, dân tộc ta có rất nhiều thi sĩ. Ở nước ta ngõ ngách nào cũng đầy nhóc thi sĩ, thi sĩ ta nhan nhản ở đầu đường, góc phố. Nhưng đó đều là những Thi Sĩ ca tụng Tình Yêu. Số thi sĩ ca tụng Tình Yêu thì ta có rất nhiều xong số thi sĩ ca tụng Phở thì ta lại có rất ít. Nhà thơ Trần Rắc là một nhà thơ ca tụng Phở Bắc tuyệt vời. Trong kho tàng Thi Văn của dân tộc ta chắc có nhiều bài Thơ viết về Phở, chỉ có điều là chúng ta chưa sưu tầm đầy đủ mà thôi. Mai sau nếu có bao giờ ta có một tập Thơ về Phở, anh chắc bài Thơ Phở Bắc Trần Minh Pasteur của Thi Sĩ Trần Rắc sẽ ở trong số những bài Thơ hay nhất. Chỉ cần hai câu của ông thôi:
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh...
là đã diễn tả đầy đủ những đặc tính, đặc chất của Phở Bắc. Hai câu Thơ này thuộc loại Thơ "nhất tự thiên kim", Thơ không thừa, không thiếu một chữ. Nếu ta thêm vào một chữ, chữ đó sẽ thừa, nếu ta bớt đi một chữ, lời thơ sẽ thiếu ý. Đừng nói gì đến những thi sĩ lục lục thường tài, ngay cả đến Thi Sĩ Tản Đà là người viết nhiều nhất và có thẩm quyền nhất về Nghệ Thuật Ăn Uống và Rượu Thịt khi đứng trước hai câu Thơ của Thi Sĩ Trần Rắc viết về Phở Bắc:
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh...
chắc cũng phải ngả nón, cúi đầu.
Vào những năm 54-64, hai ông Trần Minh Phở Bắc hẻm Casino, ông Trần Rắc Thi Sĩ kiêm chủ Tiệm Giầy Lê Lợi, đều còn sống. Hai ông những năm ấy trạc trên dưới 50 tuổi. Nay thì cả hai ông đều đã quy tiên. Anh chắc hồi sinh thời, hai ông chẳng bao giờ nghĩ rằng ba mươi năm sau, nhiều năm sau khi hai ông vĩnh biệt cõi đời, vào những năm 90, ở một góc cư xá nghèo nào đó của Sàigòn lại có một anh đàn ông mà hai ông có thể quen mặt mà không biết tên, một anh đàn ông vô danh về già ngồi hoài niệm thời hoa niên của hắn ở Sàigòn ngày xưa, hắn nhớ hai ông và trang trọng đưa hai ông vào cái gọi là "Văn Học Sử Phở".
° ° °
Khi chúng ta chia tay nhau buổi tối, trời mưa, dưới hàng me ướt lướt thướt đường Richaud, em hẹn em sẽ đến với anh vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Bẩy sắp tới ở tiệm Phở Minh. Việc đó chắc như bắp, chắc hơn cua gạch: sáng Thứ Bẩy trời trong, anh lại được gặp em, anh lại được hưởng Tình Yêu của em, anh lại được sống với em suốt một ngày dài. Anh dám chắc không có ông bà thầy bói nào, dù là thầy bói nổi tiếng nhất thế giới, dám nói với anh rằng sáng Thứ Bẩy tới anh sẽ không được gặp em. Nhưng em yêu ơi "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nhân định như thử, như thử, thiên lý vị nhiên, vị nhiên...". Đó là lời than đứt ruột của quân tử Tầu khi bị thất bại trong toan tính, khi gặp chuyện bất như ý. Quân tử Tây cũng than y hệt: "L'home propose, Dieu dispose.." Ba mươi tám năm trước, anh đã không được gặp lại em trong tiệm Phở Minh cũng như anh không còn lần nào được gập lại em nữa ở bất cứ đâu trên trái đất này.
Chiều Thứ Sáu, anh ghé vào lớp học. Không khí trong phòng học có một cái gì đó khang khác với những buổi học trước. Nhiều học viên nhìn anh bằng những ánh mắt khác lạ. Anh chẳng quen biết ai nên chẳng có ai báo động cho anh. Trước giờ học, một ông Thượng Sĩ ôm quyển sổ vào lớp điểm danh. Đây mới thật là chuyện lạ đáng kể: những buổi học trước có thấy ai điểm danh, điểm lợi gì đâu.
Khi tên anh được gọi, anh dơ tay đáp: "Có mặt!", ông Thượng sĩ nhìn anh hơi lâu, rồi ông ghi gì đó trong quyển sổ trực. Điểm danh xong, ông ngoắc ngoắc ngón tay ra hiệu cho anh đi theo ông. Lôi thôi rồi, trong những ngày gần đây người ta đã làm cái trò điểm danh mỗi buổi học và lòi ra anh là tên vắng mặt. Ác một nỗi là trong những ngày học đầu người ta đã không làm cái trò điểm danh rắc rối này. Nếu người ta điểm danh ngay từ ngày đầu tất nhiên anh có đủ thông minh tối thiểu để biết rằng học viên không có thể cúp cua tự do và liên miên cả ba bốn ngày liền được. Hậu quả chưa biết rồi sẽ ra sao nhưng có gì thì cũng đành thôi, bây giờ có hối cũng muộn rồi...
Anh theo ông Thượng Sĩ điểm danh lên văn phòng. Ông ngồi vào bàn còn anh vẫn đứng, vì thượng cấp chưa cho phép ngồi. Nhưng sau cùng, tuy mới tám giờ sáng ông ngáp dài mệt mỏi rồi cũng lạnh lùng bảo anh:
- Ngồi... giấy tờ coi...
Ông coi rồi hỏi:
- Anh thuộc quân số Đại Đội Trọng Pháp 102 nhưng lại mang giấy giới thiệu của Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng về học là..sao?
Anh cố gắng trình bày, bằng những lời dễ hiểu nhất, để ông biết về tình trạng của anh. Nhưng coi bộ ông không hiểu, và rõ ràng là ông không cần hiểu. Mặc cho anh kể lể một hồi, sau cùng ông nói:
- Về học nhưng không đến học. Chờ gặp Đại Úy.
Chẳng biết là phải gặp Đại Úy nào nhưng cái ông Đại Úy mà anh phải gặp đó chiều ấy không có mặt ở văn phòng. Hết giờ làm việc, Ông Thượng Sĩ điểm danh thu giấy tờ của anh rồi dắt anh xuống Phòng Tạm Giữ, giao cho một ông Thượng Sĩ khác. Đây là Tổng Hành Dinh Đệ Nhất Quân Khu. Ở đây có Phòng Tạm Giữ đàng hoàng. Anh ở đó suốt buổi tối, hút thuốc lá vặt, ăn thì nhờ anh lính đi mua cho ổ bánh mì, chai nước ngọt, ruột gan, phèo, phổi, dạ dày, lá lách anh nóng hơn bị lửa đốt. Nhưng đành chịu trận thôi. Anh hỏi chuyện và dược biết nội vụ đổ bể tùm lum như vầy:
Số là trong nhóm gọi là Hạ Sĩ quan Tác Động Tinh Thần huynh đệ chi binh của anh từ các quân khu, phân khu, tiểu khu quân sự khắp Đệ Nhất Quân khu, tức là miền Nam, về dự Khoá Huấn Luyện không phải chỉ có anh là học viên duy nhất bỏ học, cúp cua. Còn tới ba bốn anh ham vui, chịu chơi chứ không chịu học như anh. Vì Khóa Huấn Luyện Đánh Võ Mồm được tổ chức lem nhem cho nên trong những ngày đầu chẳng ai thèm để ý đến ai. Ban tổ chức gần như không nắm được con số học viên là bao nhiêu.. Cuộc sống êm ả trôi và tất cả mọi người đều hài lòng cho đến một hôm vô phúc có một Trung Sĩ học viên cúp cua chở người yêu em gái SèGòong đi chơi Lái Thiêu bằng xe Mobylette bị xe ô tô cũng nhà binh đụng lăn đùng, ngaã ngửa ở giữa đường. Chàng Trung Sĩ đào huê này chết ngay tại chỗ hay là ôm đầu máu vào nhà thương Cộng hòa rồi trở về đơn vị "lãnh củ" thì những người kể chuyện lại cho anh không được biết rõ, điều biết rõ nhất là Quân Cảnh đến nơi xẩy ra tai nạn xem giấy tờ của đương sự, thấy đương sự là học viên Khóa Huấn Luyện chi đây ở Phòng Năm Đệ Nhất Quân Khu, bèn báo tin về Tổng Hành Dinh Đệ Nhất Quân Khu. Các vị cấp trên ở cái Tổng Hành Dinh này bèn đánh xuống cấp giữa, cấp giữa nện xuống cấp dưới. Và thế là người ta điểm danh những anh học viên, anh nào vắng mặt bị ghi tên, và khi những anh lính ham chơi này xạo xạo sập sí sập ngầu vác mặt vào lớp mập mờ đánh lận con đen đều bị tóm cổ, lôi ra, đuổi về đơn vị.
Chuyện rắc rối chỉ có vậy thôi. Với anh thì cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Chỉ có điều sui tận mạng cho anh là anh lại dẫn xác vào lớp học ngay buổi chiều ngày Thứ Sáu, và ông Đại Uý phụ trách việc đuổi học viên cúp cua lại vắng mặt ở nhiệm sở suốt buổi chiều. Ông chỉ ra lệnh cho thuộc cấp là..".. tên nào cúp cua tới thì giữ nó lại gặp tôi." Chỉ có thế thôi và thuộc cấp của ông đã thi hành lệnh đúng từng chữ một, quan Tây gọi việc "đúng từng chữ" này là "à la lettre..". Và thế là anh bị giữ lại đêm Thứ Sáu trong Tổng Hành Dinh Đệ Nhất quân Khu. Lỉnh kỉnh mãi đến 10 giờ sáng thứ Bảy anh mới cầm lại được giấy tờ và cái lệnh Đuổi Về Đơn Vị.
Về thì về, chết thằng Tây nào đâu mà sợ. Với anh thì việc học hết khóa huấn luyện, thi và đậu Major, tức là Thủ Khoa, hay trở về Sóc Trăng cũng chẳng "ảnh hưởng gì đến tình hình chính trị thế giới". Chỉ có điều là anh không đến được Phở Minh sáng Thứ Bẩy với em. Anh yêu và em sẵn sàng, em tự nguyện, em trìu mến, em vui vẻ, em rộng rãi cho anh yêu em, nhưng số anh là số con rệp, với tất cả những điều kiện tối ưu như vậy anh cũng chẳng bao giờ còn được Hưởng Tình Yêu của em nữa.
Bốn giờ chiều Thứ Bẩy, anh vọt đến vi la đường Richaud xanh mướt lá me tìm em. Khi anh đến, ở ngay cổng sắt có một em người làm đang đứng nhìn vẩn vơ ra đường. Em Tiểu Siêu này cũng trạc tuổi em. Em có cái vẻ lẳng lơ rất đĩ. Khi anh nói:
- Cho tôi hỏi cô Êlen..
Em Sến không nói với anh nửa lời, em chỉ tay cho anh vào nhà, ngụ ý dzô trỏng mà hỏi. Anh đi lên thềm vi la. Từ đó nhìn qua cửa vào phòng khách, anh thấy có hai ông Tây đang nói chuyện với nhau. Thấy anh đứng xớ rớ ở cửa, ông Tây Chủ Nhà bước ra.
Ông Tây trạc năm mươi tuổi, người nhỏ nhắn, mặt mũi vui vẻ. Năm nay anh sáu mươi tuổi, anh thấy những người năm mươi còn rất trẻ, xong năm đó anh mới hai mươi tuổi, anh thấy những người năm mươi tuổi đã là già. Ông Tây Chủ Nhà rất hóm và nhanh trí. Khi thấy anh "lắp véc" hỏi ông:
- Je demande à parler à Mademoiselle Hélène...
Thấy anh bận đồ mi-li-te kaki, ông cười tủm và nói:
- Il n'y a pas de mademoiselle Hélène ici. Vous allez vous faire parachuter ailleur, monsieur le militaire..!
Trong khi ông Tây Đàn Anh vẫn lịch sự, vui vẻ, hoà nhã, hóm hỉnh, văn minh thì anh bị quê, anh quay ngoắt đi ra. Buổi chiều đó là một chiều Tháng Sáu, và buổi chiều nay khi anh ngồi viết những dòng này, cũng là một chiều Tháng Sau. Nhưng chiều Tháng Sáu đó là Tháng Sáu năm 1954, nhưng chiều Tháng Sáu này là Tháng Sáu năm1992, đã 38 năm trôi qua cuộc đời chúng ta. Những hàng me đường Richaud đã qua 38 mùa lá rụng, anh vẫn còn nhớ rõ nét mặt hóm hỉnh của ông Tây Chủ Vi-la Richaud và nguyên văn lời ông nói: "Không có cô Hélène ở đây. Anh đi nhẩy dù chỗ khác, anh quân nhân...!".
° ° °
Từ đó em ra khỏi đời anh, từ đó anh không còn lần nào được gặp em nữa. Mãi đến hai, ba năm sau, một buổi chiều - cũng vào một buổi chiều - anh tình cờ gặp Marta bạn em cũng trên vỉa hè đường Tự Do - đường Catinat năm 54 nay đã thành đường Tự Do - anh chặn Marta lại:
- Mácta... Nhớ tôi không?
Marta nhìn anh nhưng nàng chỉ thấy anh quen quen, anh nói tiếp ngay:
- Năm 54 Mácta đi Bạc Liêu với Êlen và chị Luyxi... Bọn mình gập nhau giữa đường. Êlen rủ tôi đi sang Băỉc Liêu...Mình gập nhau ở chỗ kẹt xe vì mìn nổ ở Phụng Hiệp đó. Năm ấy tôi ở lính. Nhớ không?
Marta cười:
- Nhớ...Nhớ rồi...
Anh - rất bất lịch sự - hỏi ngay về em:
- Mácta cho tôi biết hồi này Êlen ra sao?? Nó ở đâu?
Nàng nói:
- Nó sang Pháp rồi...
Anh đứng ngẩn người. Mácta nói tiếp:
- Nó lấy chồng Tây. Chồng nó đưa nó về Pháp...
- Lâu chưa? Anh hỏi.
- Cuối năm 55 đầu năm 56 chi đó...
- Có lần tôi đến tìm Êlen ở cái vi la đường Richaud. Êlen bảo tôi nó ở đó nhưng khi tôi đến, gặp ông Tây chủ nhà, hỏi Êlen thì ông ấy nói không có cô Êlen nào ở đó cả...
Marta cười:
- Ông Tây ấy là chồng nó đó. Ổng là kỹ sư Hãng Máy bay. Ổng góa vợ, thương nó lắm. Nghe nói về Pháp nó đẻ cho ông ấy một đứa con, ổng lại càng thương dữ. Nó sướng lắm, anh mà gặp nó bây giờ thì chắc anh chết...
Chẳng cần phải gặp em lúc này, khi em ở Paris, Nice trở về anh mới chết. Anh đã chết ngay từ buổi sáng anh gặp em trên đường Phụng Hiệp từ Cần Thơ sang Sóc Trăng đầu năm 54 mùa xuân xanh ngày xưa; ngày xưa, năm anh hai mươi tuổi. Nếu chết là như thế thì anh muốn được chết đi, chết lại cả triệu lần. Trong ánh sáng và bóng tối mờ ảo của căn phòng ngủ trong hàng ăn đường Jaccaréo chiều mưa mùa thu năm 54, khi anh chết lịm trên bộ ngực tròn nây của em, trên da thịt ngà mịn của em, trong vòng tay ôm chặt của em, anh nghe tiếng em hỏi trong tiếng em thở:
- Nhớ em không?
Anh không biết em có nhớ anh không, anh chỉ biết là anh nhớ em. Anh nhớ ánh nắng vàng buổi sáng năm xưa trên đường Phụng Hiệp - Sóc Trăng, nhớ làn sương mồ hôi ẩm mịn trên lưng áo em, trên ót em khi anh đưa em từ chỗ chiếc Thiết Vận Xa trúng mìn chạy về. Anh nhớ hình ảnh của anh: chàng Trung sĩ Bắc Kỳ hai mươi tuổi, bận áo thung ba lỗ, quần kaki, đi giép, ngồi viết tiểu thuyết ba xu trong căn nhà vách tôn, mái tôn của Đại Đội Trọng Pháo 102 ở cạnh sân bay Sóc Trăng, sân bay không có hàng rào, không cần có lính gác cả ngày lẫn đêm, khi chú lính vào cho biết.." Có bà dzợ ông ở SèGòong xuống kiếm...". Anh nhớ em áo bà ba, quần sa teng trắng, tay cầm cái khăn mùi-soa trong có mấy chục bạc, ngồi bên anh trong chiếc xe lôi bon bon về Nhà Băng-ga-lô Sóc Trăng. Gió lồng lộng thổi nhưng anh vẫn ngửi thấy đậm hương da thịt em bên anh trên chiếc xe lôi thời hoa niên, khi anh hai mươi tuổi, anh chưa biết đau thương, chưa biết nợ nần, đời anh chỉ có hoa và mật ngọt, và da thịt thơm mùi phấn ái ân.. Anh nhớ tiếng người đàn bà vang lên sau lưng anh trên lối vào Nhà Xi-Nê Eden một chiều nào xanh xưa:
- Đi một mình hay đi với ai đây?
Anh không biết năm nay em bao nhiêu tuổi, anh chỉ biết ba mươi tám năm trước em hai mươi tuổi. Em đừng buồn khi anh nói câu này: năm nay dù ở tuổi nào, em vẫn đẹp, vẫn đa tình, vẫn quyến rũ, vẫn gợi cảm, da thịt em vẫn nây tròn, vẫn thơm hồng, như lan, như sen, như quế; bọn đàn ông vẫn chết mê, chết mệt vì em. Xong dù gì đi nữa em cũng chẳng thể nào bằng được em năm em hai mươi tuổi. Nhưng em đừng lo. Vì trong tim anh, trong trí nhớ của anh, em vẫn mãi mãi là Helene Hai Mươi Tuổi. Em không già đi, em không thay đổi. Thời gian tàn phá tất cả, nhưng thời gian vô hiệu trước hình ảnh huyền diệu, tươi mát của em trong ký ức, trong tim anh.
Chú học trò nhỏ trường Tự Đức ở tỉnh lỵ Hà Đông ngồi mở trang sách vẽ hình đám ma Bà Sơ ở thị trấn Sóc Trăng xa vời, anh chàng Trung Sĩ bất đắc dĩ cô đơn trên con đường quận Phụng Hiệp, người thiếu nữ Sóc Trăng thơm mát trong căn phòng Băng-ga-lô 14, người đàn ông tóc bạc trắng ở tù trở về mái nhà xưa, ngồi hoài niệm hoa niên, lọc cọc gõ máy chữ bằng Mê-tót Đơ Đoa ghi lại những gì đã qua.. Đến tuổi này anh mới thấy:
Năm nay mái tóc không xanh nữa,
Tôi đã đau thương, đã nợ nần...
"Đau thương" chưa chắc đã đúng. Cho đến lúc này đời anh thực chẳng có gì đáng gọi là "đau thương". Anh đã yêu thương, anh đã được yêu thương, anh đã nợ nần mới đúng. Anh quý trọng những gì anh đã được hưởng, anh cám ơn những người đã ban ơn cho anh, như em...
Khi đôi ta có duyên với nhau, đôi ta gặp nhau. Khi đôi ta hết duyên với nhau, dù cùng sống trong lòng thành phố Sàigòn, anh chẳng lần nào còn được gặp em. Anh gặp người đàn bà khác, anh gặp Tình Yêu và anh có Tình Yêu, anh có hạnh phúc. Nhưng anh vẫn nhớ em. Em là một hình ảnh đẹp trong thời hoa niên của anh. Anh còn muốn viết nhiều nữa về em, về cuộc tình của đôi ta, về Tình Yêu nói chung. Xong như người xưa đã nói:"Tống quân thiên lý, tất hữu nhất biệt...". Tiễn đưa nhau ngàn dặm rồi cũng có lúc phải rời xa nhau. Anh mượn ý bài thơ "Love and Age" của thi sĩ Thomas Peacock để tạm kết cuộc hoài niệm về Tình Yêu của Em và Anh.
LOVE and AGE
I play'd with you 'mid cowlips blowing,
When I was six and you were four,
When garlands weawing, flower-balls throwing,
Were pleasures soon to please no more
Through groves and meads o'er grass and heather,
With little playmates, to and fro,
We wander'd hand in hand together,
But that was sixty years ago.
You grew a lovely roseate maiden,
And still our early love was strong,
Still with no care our days are laden,
They glided joyously along,
And I did love you very dearly,
How dearly words want power to show,
I thought your heart was touch"d as nearly,
But that was fifty years ago.
Then other lovers came around you,
Your beauty grew from year to year,
And many a splendid circle found you
The centre of its glittering sphere,
I saw you then, first vous forsaking
On rank and wealth your hand bestow
O then Ithought my heart was breaking...!
But that was forty years ago.
And I lived on, to wed another:
No cause she gave me to repine.
And when I heard you were a mother,
I did not wish the children mine.
My own young flock, in fair progression,
Made up a pleasant Christmas row:
My joy in them is past expression,
But that was thirty years ago.
You grew a matron plump and comely,
You dwelt in fashion's brightest blaze,
My earthly lot was more homely,
But I too had my festal days.
No merrier eyes have ever glisten'd
Around the hearth-stone's wintry glow,
Than when my youngest child was christen's,
But that was twenty years ago.
Time pass'd. My eldest girl was married,
And I am now a grand sire gray,
One pet of four years old I've carried
Among the wild-flower'd meads to play
In our old fields of childish pleasure
Where now, as then, the cowlips blow.
She fills her basket's ample measure,
And that is not ten years ago.
But though first love's impassion's blindness
Has pass'd first love's impassion'd blindness
Has pass'd away in colder light,
I still have thought of you with kindness
And shall do, till our last goodnight.
The ever-rolling silent hours
Will bring a time we shall not know,
When our young days of gathering flowers
Will be a hundred years ago.
Thomas Love Peacock
1785-1866
Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông năm 1989, cuộc đời đưa đẩy anh đến sống trong Trại Lao Động Cải Tạo Z 30A dưới chân núi Chứa Chan. Nơi này có những ngọn đồi cỏ mượt trong mùa mưa, có những cánh rừng bạch đàn rì rào trong gió thu. Con anh đem đến đó cho anh tập The Oxford Book or English Verse. Trong tập này có 967 bài thơ. Ở chân núi Chứa Chan, trong tiếng lá bạch đàn rì rào, anh dịch được hơn 50 bài thơ trong tập này ra thơ Việt. Trong số có bài Love and Age trên đây. Bài thơ làm cho anh cảm động dù đời anh không có mối tình nào giống hệt như mối tình của Thomas Love Peacock, người thơ đã sống, đã yêu, đã chết trước anh hơn 100 năm. Bài thơ cũng không hoàn toàn đúng với cuộc tình Sóc Trăng Mùa Hạ 54 của anh, anh chỉ mượn nó để ca tụng Tình Yêu. Tình Yêu không bao giờ chết, Tình Yêu không thể nào chết. Chừng nào trái đất còn Loài Người thì vẫn còn có Tình Yêu.
Em và anh, đôi ta đã trong một buổi sáng nào đó gặp nhau, yêu nhau trên con đường Cần Thơ - Phụng Hiệp - Sóc Trăng vàng nắng; sau chúng ta có cả triệu cặp tình nhân trẻ tuổi, da thịt măng non, mật ngọt sẽ gặp nhau, sẽ yêu nhau trên con đường vàng nắng Cần Thơ - Phụng Hiệp - Sóc Trăng... Mãi mãi như thế.. Vĩnh biệt Hélène... Em hãy đọc những lời anh nói riêng với em trong bài thơ:
TÌNH và TUỔI
Anh với Em, trong vườn tầm xuân
Khi Anh lên sáu, Em lên bốn
Ta kết hoa trong lá xanh ngần,
Dưới vòm hoa, Anh tìm, Em trốn,
Với các bạn, ta đi, tay trong tay
Như đôi chim non trên cành lá mượt
Chuyện đôi ta đó, sáu mươi năm trước.
Rồi Em lớn, đôi má hồng tươi mướt,
Chúng ta yêu nhau, trong tuổi dậy thì
Những đường mơ, lối mộng chúng ta đi,
Ngày với tháng qua, chúng ta không biết
Anh chỉ biết Anh yêu Em tha thiết,
Không có lời Anh nói hết Tình Anh
Và trái tim Em, Anh biết, băng trinh
Em cũng như Anh, yêu nhau trên hết.
Đó là chuyện của năm mươi năm trước.
Rồi quanh Em có những người yêu khác,
Mỗi năm hơn Em đẹp gấp trăm lần.
Quanh đời Em rực rỡ những mùa xuân.
Em tâm điểm của vầng hào quang ấy.
Rồi Em bắt đầu, Anh buồn nhận thấy
Tính chuyện sang hèn, tính chuyện giầu nghèo...
Ôi - Trái tim Anh vỡ nát vì yêu
Đó là chuyện của bốn mươi năm trước.
Rồi Anh vẫn sống, Anh lấy người khác,
Nàng không làm Anh phải tủi, phải buồn.
Rồi Anh nghe tin Em đã có con,
Chúng ta cùng năm trở thành bố mẹ.
Cuộc đời trôi đi, êm đềm như thế,
Anh vui vợ con, mái ấm gia đình,
Những ngày đón xuân, những đêm Giáng Sinh...
Đó là chuyện của ba mươi năm trước.
Em trở thành bà, sang đẹp, nõn nà
Trong nhung lụa, phấn son, vàng với ngọc
Anh sống bình thường, đời không gấm vóc,
Những ngày vui thanh thản, những đêm đông,
Với vợ con bên lò sưởi đỏ hồng
Dậy con học, đưa đón con đi học
Đó là chuyện của hai mươi năm trước.
Rồi Anh già đi, tóc râu Anh bạc,
Rồi các con Anh cưới vợ, lấy chồng,
Cháu Anh ra đời, Anh đã thành Ông,
Dắt cháu đi chơi trên những cánh đồng
Trong vườn cỏ mượt, nơi ta ngày xưa
Hái hoa tầm xuân, khi ta còn thơ
Hoa tầm xuân xưa nở mượt bây giờ
Đó không là chuyện mười năm về trước
Dù cho Tình Đầu, qua năm, qua tháng
Có nhạt phai đi với niềm cay đắng
Anh vẫn mến Em, Anh vẫn nhớ Em,
Nhớ Em cả phút cuối cùng im vắng
Khi Thời Gian đưa chúng ta vào quên
Vào cuộc sống chưa bao giờ biết đến
Khi ta hái hoa ngày xưa hoa niên
Đó sẽ là chuyện trăm năm về trước
Mùa Hạ Hai Mươi Mùa Hạ Hai Mươi - Hoàng Hải Thủy