Nguyên tác: Moon Palace
Số lần đọc/download: 2638 / 72
Cập nhật: 2015-09-18 01:22:47 +0700
Chương 4
L
ần đầu tiên gặp Thomas Effing, tôi có cảm giác mình chưa từng gặp một người nào yếu ớt đến thế. Chỉ còn lại toàn xương xẩu và da thịt run rẩy, ngồi trong một cái xe lăn dưới lớp chăn Scotland, người lật sang một bên, trông ông giống một con chim bị thương nhỏ xíu. Ông tám mươi sáu tuổi, nhưng người ta sẽ nghĩ ông già hơn thế, ít nhất là một trăm, và nếu có thể được, một độ tuổi vượt ra ngoài các con số. Như thể ông bị rào kín từ mọi phía, trống vắng, vẻ bất khả xâm nhập của một con nhân sư. Hai bàn tay xoắn lại, phủ đầy những đốm đồi mồi, nắm lấy thành ghế và đôi khi nhấc lên một lúc, nhưng đó là toàn bộ dấu hiệu của cuộc sống có ý thức. Người ta không thể có với ông một giao tiếp thị giác, vì Effing bị mù, hoặc ít nhất là vờ như vậy, và ngày tôi đến nhà ông để phỏng vấn, ông buộc vào mắt hai mảnh vải đen. Khi ngày nay nhớ lại khởi đầu ấy, tôi cho là đó là ngày mồng một tháng Mười một. Mồng một tháng Mười một: ngày lễ người chết, ngày kỷ niệm các vị thánh và những người tuẫn đạo vô danh.
Ra mở cửa cho tôi là một người đàn bà. Nặng nề, ục ịch, tuổi khó đoán, bà mặc trên người một cái váy bồng thêu vài bông hoa màu hồng và xanh. Ngay khi chắc chắn được tôi chính là ngài Fogg, người xin được gặp vào lúc một giờ, bà chìa tay ra và nói mình tên là Rita Hume, y tá và quản gia của ông Effing từ chín năm nay. Cùng lúc, bà nhìn tôi từ trên xuống dưới, nghiên cứu tôi với vẻ tò mò không che giấu của một người đàn bà lần đầu tiên gặp người chồng chưa cưới qua thư từ. Tuy nhiên, trong cách bà nhìn tôi, có điều gì đó thẳng thắn và đáng mến đến mức tôi không cảm thấy phật ý. Thật khó để mà không yêu bà Hume, với khuôn mặt tròn bè bè, đôi vai lực lưỡng và hai bầu vú khổng lồ, to đến mức như thể được làm bằng xi măng. Bà di chuyển cái sức nặng đó đi khắp nơi bằng một dáng vẻ dềnh dàng, hơi lắc lư một chút, và trong khi dẫn đường cho tôi đi qua phòng để quần áo rồi vào phòng khách, tôi nghe thấy hơi thở của bà rít lên qua lỗ mũi.
Đó là một căn hộ rộng mênh mông ở khu West Side với những hành lang dài, các căn phòng cách nhau bằng những vách dày bằng gỗ sồi, và những bức tường trang trí rất kỹ. Ở đó ngự trị một kiểu lộn xộn đậm nét trường phái Victoria, và tôi thấy khó lòng hấp thụ cho nổi sự tràn trề đột ngột của những thứ đồ vật bao quanh tôi: sách, tranh, bàn nhỏ, thảm chồng chất, cả một đống đồ gỗ tối màu. Nửa đường, bà Hume dừng lại trong phòng treo quần áo để nắm lấy tay tôi và thì thầm vào tai tôi: “Đừng lo lắng gì nếu ông ấy cư xử hơi lạ lùng,” bà nói. “Ông ấy thường nổi nóng, nhưng không có gì đâu. Mấy tuần vừa rồi với ông ấy vô cùng nặng nề. Người trông nom ông ấy từ ba mươi năm nay mới chết hồi tháng Chín, và ông ấy chưa quen được với điều đó.”
Tôi cảm thấy có được ở người đàn bà này một đồng minh, và điều ấy khiến tôi thấy mình như thể được bảo vệ chống lại điều có thể sẽ rất lạ thường. Phòng khách rộng khủng khiếp, cửa sổ mở xuống sông Hudson và dãy vách đá của New Jersey, trên bờ bên kia. Effing ngồi giữa phòng, trên chiếc ghế lăn, đối diện với một cái sofa, ngăn cách bằng một cái bàn thấp. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông có lẽ gắn liền với việc ông không phản ứng gì khi chúng tôi bước vào phòng. Bà Hume thông báo là tôi đã đến. “Ông M. S. Fogg đến để phỏng vấn,” nhưng ông không nói một lời, không chút rúng động. Sự trơ ì của ông mang vẻ siêu nhiên, và phản ứng đầu tiên của tôi là nghĩ ông đã chết. Nhưng bà Hume chỉ mỉm cười với tôi, và ra dấu cho tôi ngồi xuống sofa. Rồi bà đi khỏi, tôi còn lại một mình với Effing, chờ cho đến khi ông quyết định phá vỡ sự im lặng.
Phải mất một quãng thời gian dài, nhưng khi cuối cùng giọng ông vang lên, nó bao trùm cả căn phòng với một sức mạnh đáng kinh ngạc. Thật khó nghĩ cơ thể của ông lại có thể phát ra được những âm thanh như vậy. Từ ngữ thoát ra khỏi khí quản với một năng lượng gay gắt điên rồ, như thể đột nhiên người ta bật một cái radio đôi khi bắt được sóng từ một trạm phát xa xôi vào giữa đêm. Điều đó hoàn toàn không thể ngờ được. Một cái máy phóng electron tình cờ nào đó truyền đến cho tôi giọng nói ấy từ cách xa hàng nghìn cây số, và sự rõ nét của chúng khiến tai tôi phải kinh ngạc. Trong một lúc, tôi thực sự tự hỏi không biết trong phòng có một người nói giọng bụng nào đang lẩn trốn không.
“Emmett Fogg,” ông già nói, bắn ra từ ngữ với vẻ khinh miệt. “Tên kiểu gì thế?”
“M. S. Fogg ạ,” tôi đáp. “Mcho Marco, Scho Stanley.”
“Không khá hơn gì. Thậm chí còn tệ hơn. Thế nào mà lại thành ra như thế, anh bạn?”
“Tôi có làm gì đâu. Tên tôi và tôi đã cùng nhau sống qua rất nhiều điều, và với thời gian tôi đã gắn bó với nó.”
Effing cười khẩy, một kiểu cười xấu tính dường như tống khứ chủ đề một lần cho dứt điểm hẳn. Ngay tiếp sau đó, ông ngồi thẳng dậy trong ghế. Độ nhanh nhẹn trong sự chuyển hóa vẻ ngoài của ông thật đáng kinh ngạc. Ông không còn giống cái xác chết dở hôn mê bất động trong một giấc mơ xế chiều nữa; tập trung toàn bộ tinh thần và sự chú ý, ông đã trở thành một khối vật chất nhỏ sôi sùng sục lấy lại được sức lực. Như tôi sẽ biết được theo thời gian, đó mới là Effing đích thực, nếu có thể sử dụng từ đích thực khi nói về ông. Phần lớn con người ông được xây dựng trên sự lừa gạt và bịp bợm đến mức gần như không thể biết được khi nào thì ông nói thật. Ông yêu thích việc làm rối trí người khác bằng các thí nghiệm và cảm hứng bất chợt, và trong số tất cả những trò của ông, trò mà ông thích nhất là giả chết.
Ông cúi người ra phía trước, như thể nhằm hé lộ cho tôi biết là cuộc phỏng vấn sẽ thực sự bắt đầu. Dù có đeo hai tấm vải đen trên mắt, cái nhìn của ông vẫn hướng thẳng về tôi. “Trả lời tôi đi, anh Fogg,” ông nói. “Anh có phải là người nhìn rõ ràng mọi thứ không?”
“Tôi vẫn nghĩ là có, nhưng tôi không còn chắc chắn lắm nữa.”
“Khi có một thứ đồ ở trước mắt anh, anh có khả năng nhận ra nó không?”
“Phần lớn thời gian, có. Nhưng trong một số trường hợp thì cũng khó.”
“Ví dụ?”
“Ví dụ, thỉnh thoảng tôi thấy rất khó phân biệt đàn ông và phụ nữ trên phố. Bây giờ có nhiều người để tóc dài quá, thoáng nhìn qua không biết được đâu. Nhất là khi nhìn thấy một người đàn ông nữ tính hoặc một người phụ nữ nam tính. Những dấu hiệu khá là mù mờ.”
“Thế còn khi nhìn tôi, anh nghĩ đến điều gì?”
“Tôi sẽ nói tôi nhìn thấy một người đàn ông ngồi trong một chiếc ghế lăn.”
“Một ông già?”
“Đúng, một ông già.”
“Một ông rất già?”
“Đúng, một ông rất già.”
“Anh có nhận ra điều gì đó đặc biệt ở tôi không, anh bạn?”
“Hai miếng vải trên mắt ông, chắc thế. Và việc có vẻ như ông bị liệt hai chân.”
“Phải, phải, sự tàn tật của tôi. Ai cũng nhìn thấy ngay, đúng không?”
“Theo cách nào đó thì đúng vậy.”
“Thế anh có kết luận gì về hai miếng vải?”
“Không có gì chính xác. Trước tiên tôi nghĩ ông bị mù, nhưng cũng không nhất thiết là như vậy. Nếu không nhìn được, tại sao lại phải bảo vệ mắt nữa? Không có nghĩa gì hết cả. Vì vậy, tôi hướng đến các khả năng khác. Những miếng vải có thể che giấu điều gì đó còn tồi tệ hơn sự mù lòa. Một dị dạng xấu xí chẳng hạn. Hoặc giả ông vừa qua phẫu thuật, và ông phải đeo chúng vì lý do y tế. Mặt khác, cũng có thể ông chỉ bị mù một phần và ánh sáng quá mạnh làm đau mắt ông. Hoặc là ông thích đeo chúng, vì ông thấy như thế là đẹp. Có hàng đống câu trả lời có thể cho câu hỏi của ông. Lúc này, tôi chưa đủ thông tin để có thể nói đâu là câu trả lời đúng. Nói thật ra, điều duy nhất mà tôi chắc là ông đeo hai miếng vải đen trên mắt. Tôi có thể khẳng định là chúng ở đó, nhưng tôi không biết tại sao chúng lại ở đó.”
“Nói một cách khác, anh chưa biết chắc được gì hết?”
“Điều đó có thể nguy hiểm. Thường thì mọi thứ khác hẳn với những gì người ta tưởng, và người ta có thể chuốc lấy phiền hà khi suy nghĩ quá vội vã.”
“Thế còn chân tôi?”
“Tôi thấy câu hỏi này đơn giản hơn. Theo những gì nhìn thấy dưới chăn, chúng có vẻ khô héo và bị teo đi, điều đó cho thấy chúng đã không được sử dụng trong nhiều năm rồi. Nếu quả là như vậy, sẽ có lý khi suy ra là ông không thể đi được nữa. Có thể ông còn chưa bao giờ đi được.”
“Một ông già không nhìn thấy gì và không thể đi. Anh bạn, anh nghĩ gì?”
“Tôi nghĩ một người như thế phải phụ thuộc vào người khác hơn là ông ta muốn.”
Effing hực lên một tiếng, ngả người ra sau trên ghế, rồi ngửa đầu lên trần nhà. Mười hoặc mười giây trôi qua mà không ai trong chúng tôi lên tiếng.
“Giọng nói của anh thuộc dạng nào, anh bạn?” cuối cùng ông hỏi.
“Tôi không biết. Tôi không thực sự nhận xét nó khi tôi nói. Một vài lần khi nghe thấy nó được ghi âm, tôi thấy nó thật tồi tệ. Nhưng có vẻ như là ai cũng có cảm giác đó.”
“Nó có chịu được khoảng cách không?”
“Khoảng cách?”
“Nó có hoạt động được lâu không? Anh có thể nói liên tục trong vòng hai hoặc ba tiếng mà không bị khàn giọng không? Anh có thể ngồi cả buổi chiều đọc sách cho tôi nghe mà vẫn nói được rõ ràng không? Tôi muốn nói chịu được khoảng cách là như thế đấy.”
“Tôi tin là tôi có khả năng đó.”
“Như chính anh nhận xét, tôi đã mất khả năng nhìn. Quan hệ với anh do đó sẽ thông qua từ ngữ, và nếu giọng của anh không chịu được khoảng cách, với tôi anh không đáng giá một xu.”
“Tôi hiểu rồi.”
Effing lại cúi đầu ra phía trước, rồi ngừng một chút, để gia tăng hiệu ứng. “Anh có sợ tôi không, anh bạn?”
“Không, tôi không nghĩ vậy.”
“Anh phải sợ chứ nhỉ. Nếu tôi quyết định thuê anh, anh sẽ học được nỗi sợ, tôi đảm bảo với anh điều đó. Có thể tôi không có khả năng nhìn hoặc đi, nhưng tôi có những quyền lực khác, những quyền lực mà ít người có được.”
“Quyền lực như thế nào?”
“Tinh thần. Sức mạnh ý chí có thể làm uốn cong vũ trụ vật chất, quy định cho nó bất kỳ hình dạng nào mà tôi muốn.”
“Thuật viễn khiển.”
“Đúng, nếu anh thích. Thuật viển khiển. Anh còn nhớ vụ mất điện cách đây vài năm chứ?”
“Mùa thu năm 1965.”
“Chính xác. Chính tôi gây ra đấy. Khi đó tôi vừa mất khả năng nhìn, một hôm tôi ngồi một mình trong phòng này, nguyền rủa số phận. Khoảng năm giờ, chừng đó, tôi tự nhủ: mình muốn cả thế giới phải sống trong bóng tối giống như mình. Chưa đầy một giờ sau, tất cả ánh sáng của thành phố tắt ngấm.”
“Có thể chỉ là tình cờ.”
“Không có tình cờ nào hết. Chỉ những kẻ ngu dốt mới hay sử dụng từ đó. Trong thế giới này, tất cả đều là điện, những vật hữu tri hay những vật vô tri đều vậy cả. Ngay cả những ý nghĩ cũng tạo ra dòng điện. Nếu đủ mạnh, những ý nghĩ của một con người có thể thay đổi thế giới xung quanh anh ta. Đừng bao giờ quên điều đó, anh bạn.”
“Tôi sẽ không quên điều đó.”
“Còn anh, Marco Stanley Fogg, anh có sức mạnh gì?”
“Không có gì hết, theo như tôi biết. Những sức mạnh bình thường của một con người, tôi nghĩ vậy, nhưng không hơn. Tôi có thể ăn và ngủ. Tôi có thể đi từ nơi này đến nơi khác. Tôi có thể bị đau. Thậm chí đôi khi tôi còn suy nghĩ.”
“Một tinh thần mạnh đây. Anh là như vậy hả, anh bạn?”
“Không thực sự. Tôi không nghĩ mình có khả năng thuyết phục bất kỳ ai làm bất kỳ điều gì.”
“Thế thì là nạn nhân rồi. Hoặc cái này hoặc cái kia. Hoặc anh làm gì đó, hoặc anh bị làm gì đó.”
“Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của một cái gì đó, thưa ông Effing. Dù chỉ là tồn tại thôi.”
“Anh có chắc anh tồn tại không, anh bạn? Rất có thể là anh chỉ ảo tưởng.”
“Tất cả đều có thể. Có thể ông và tôi chỉ là điều tưởng tượng, trên thực tế chúng ta không tồn tại. Phải, tôi sẵn sàng chấp nhận đó là một khả năng.”
“Anh có biết giữ miệng không?”
“Nếu cần, tôi có thể im lặng bằng một người khác.”
“Thế người khác kia là ai vậy, anh bạn?”
“Bất kỳ ai. Đó là một cách nói. Tôi có thể im lặng hoặc không im lặng, điều đó tùy thuộc bản chất của tình thế.”
“Nếu tôi nhận anh, Fogg, có khả năng là anh sẽ căm ghét tôi đấy. Chỉ cần nhớ điều đó tốt cho anh. Có một động cơ ẩn giấu sau mỗi hành động của tôi, và anh không được quyền phán xét.”
“Tôi sẽ cố nhớ lời ông.”
“Tốt. Bây giờ thì lại gần đây, để tôi kiểm tra cơ bắp của anh. Tôi không thể để một thằng cha ốm o đẩy xe ngoài phố được, phải không nào? Nếu cơ bắp của anh không đủ sức, với tôi anh không đáng giá một xu.”
Tôi tạm biệt Zimmer buổi tối hôm đó, và sáng hôm sau, cho mấy thứ đồ vào ba lô, tôi đi về khu trung tâm để đến căn hộ của Effing. Mười ba năm sau tôi mới gặp lại Zimmer. Tình thế tách rời chúng tôi, và khi vào mùa xuân năm 1982 khi cuối cùng tôi gặp lại anh, một cách tình cờ ở góc phố Varick giao với West Broachvay, phía hạ Manhattan, anh đã thay đổi đến mức thoạt tiên tôi không nhận ra. Anh đã béo thêm từ hai mươi đến ba mươi pound, và khi nhìn thấy anh đi đến trước mặt tôi cùng với vợ và hai đứa con trai, tôi đã kinh ngạc trước vẻ ngoài không thể hợp chuẩn hơn được: cái bụng phệ và mái tóc thưa của tuổi chớm trung niên, vẻ phẳng lặng và hơi bối rối của một ông chủ gia đình mỏi mệt. Từ hai phía ngược chiều, chúng tôi đi lướt qua bên cạnh nhau. Rồi, đột nhiên, tôi nghe anh gọi tên tôi. Tôi chắc rằng không có gì đặc biệt ở chuyện một người hiện lên từ quá khứ, nhưng cuộc gặp Zimmer đó đã lay động bên trong tôi cả một thế giới những điều đã lãng quên. Những gì xảy đến với anh chẳng mấy quan trọng, rằng anh đang dạy tại một trường đại học đâu đó ở bang California, rằng anh đã xuất bản một tác phẩm nghiên cứu dày bốn trăm trang về điện ảnh Pháp, rằng đã mười năm trời anh không viết bài thơ nào. Điều quan trọng, rất đơn giản, là tôi đã gặp lại anh. Chúng tôi đứng sững ở đó, ở một góc phố nhỏ, mà nhắc lại cái ngày xưa đẹp đẽ trong vòng mười lăm hoặc hai mươi phút, và rồi anh cùng gia đình tiếp tục đi đến nơi họ cần đến. Kể từ đó tôi không gặp lại anh nữa, tôi không có tin tức gì của anh nữa, nhưng tôi ngờ là ý tưởng viết cuốn sách này đến với tôi lần đầu tiên sau cuộc gặp ấy, cách đây bốn năm, vào đúng lúc Zimmer biến mất ở cuối phố, và kể từ đó tôi lại biệt tin anh.
Khi đến nhà Effing, tôi được bà Hume cho ngồi trong bếp trước một tách cà phê. Bà giải thích rằng ông Effing như thường lệ đang ngủ và chỉ tỉnh dậy vào lúc mười giờ. Trong khi chờ đợi, bà nói cho tôi biết về các trách nhiệm của tôi ở trong nhà, giờ giấc những bữa ăn, thời gian mỗi ngày tôi phải cống hiến cho Effing, và nhiều điều khác nữa. Bà đảm nhiệm các công việc “chăm sóc cơ thể”, như bà nói: bà mặc quần áo cho ông và tắm cho ông, đưa ông đi ngủ và giúp ông tỉnh dậy, cạo râu cho ông, đưa ông đến nhà vệ sinh, trong khi nhiệm vụ của tôi vừa phức tạp vừa ít mang tính xác định hơn. Tôi không hoàn toàn được thuê để trở thành bạn của ông, nhưng cũng gần như vậy: một người đồng hành thấu hiểu, một ai đó phá vỡ sự nhàm chán của nỗi cô đơn của ông. “Có Chúa mới biết ông ấy còn sống được lâu hay không,” bà nói. “Điều nhỏ nhất mà chúng ta có thể làm là đảm bảo cho những ngày cuối cùng của ông ấy không quá bất hạnh.” Tôi trả lời là tôi đã hiểu.
“Ông ấy cảm thấy tinh thần phấn chấn khi có một người trẻ tuổi trong nhà,” bà nói tiếp. “Đấy là chưa nói đến tinh thần của tôi.”
“Tôi rất vui vì ông ấy đã nhận tôi.”
“Ông ấy đánh giá cao cuộc trò chuyện với cậu hôm qua. Ông ấy nói với tôi là cậu đã trả lời rất tốt.”
“Thực tế là tôi không biết phải nói gì. Đôi khi rất khó theo được ông ấy.”
“Còn phải nghi ngờ! Lúc nào trong đầu ấy cũng có điều gì đó nhảy nhót. Ông ấy hơi gàn dở, nhưng tôi sẽ không nói ông ấy là một người bệnh hoạn.”
“Không, ông ấy hết sức mẫn tiệp. Tôi có cảm giác sẽ không gặp phải chuyện gì đâu.”
“Ông ấy nói cậu có giọng nói rất dễ chịu. Khởi đầu hứa hẹn đấy.”
“Tôi khó tưởng tượng ông ấy nói từ dễ chịu như thế nào.”
“Có thể đó không phải là từ chính xác, nhưng đó là điều ông ấy muốn nói. Ông ấy còn nói giọng cậu gợi cho ông ấy ai đó ngày xưa ông ấy quen.”
“Tôi hy vọng đó là một người mà ông ấy yêu quý.”
“Ông ấy không nói rõ. Khi đã bắt đầu hiểu ông Effing hơn, cậu sẽ biết ông ấy chỉ nói những gì ông ấy muốn thôi.”
Phòng của tôi nằm ở cuối một hành lang dài. Đó là một căn phòng nhỏ sơ sài với chiếc cửa sổ duy nhất nhìn xuống phố nhỏ sau tòa nhà, một khoảng không gian thanh đạm không lớn hơn phòng riêng của một tu sĩ. Tôi đã quen với một lãnh thổ như vậy, và không mất bao nhiêu thời gian tôi đã cảm thấy thoải mái với những thứ đồ đạc hiếm hoi đó: một cái giường sắt theo kiểu cổ, với những song sắt theo chiều thẳng đứng ở hai đầu, một cái tủ và, dọc theo tường, một tủ sách chủ yếu gồm toàn sách tiếng Pháp và tiếng Nga. Có một bức tranh duy nhất, một bức họa lớn trong một cái khung sơn mài đen, vẽ một cảnh trong thần thoại với rất nhiều nhân vật phàm tục và vô số chi tiết kiến trúc. Sau này tôi được biết đó là một bức tranh chép đen trắng trong một loạt tranh của Thomas Cole tên là Dòng chảy của Đế chế, một bản saga mang tính thấu thị về sự sinh ra và sụp đổ của Thế giới Mới. Tôi lấy quần áo ra và thoải mái xếp tất cả đồ đạc của mình vào ngăn kéo trên cùng của cái bàn. Tôi chỉ có một cuốn sách, bản bỏ túi cuốn Suy tư của Pascal, quà tạm biệt của Zimmer. Tôi đặt tạm nó lên gối và lùi lại để ngắm nhìn căn phòng mới của mình. Nó không lớn, nhưng là chỗ của tôi. Sau từng ấy tháng bấp bênh, thật đáng khích lệ khi được ở giữa bốn bức tường này, được biết là trong cõi đời này tồn tại một nơi mà tôi có thể gọi là nhà mình.
Trời mưa không ngớt trong hai ngày đầu tiên. Vì không thể đi dạo ngoài trời vào buổi chiều, chúng tôi ngồi suốt trong phòng khách. Effing tỏ ra ít hiếu chiến hơn trong cuộc gặp đầu tiên, và phần lớn thời gian không nói năng gì, lắng nghe những cuốn sách mà tôi đọc cho ông. Thật khó để đoán định sự im lặng của ông, để biết được liệu có phải nó được dành để thử thách tôi theo một cách mà tôi không hay biết, hay chỉ là sản phẩm tính khí của ông. Như rất thường xuyên trong khoảng thời gian sống với ông, trước thái độ của Effing, tôi luôn băn khoăn giữa xu hướng gán cho các hành động của ông một chủ đích u ám và xu hướng chỉ coi chúng là kết quả của những xung động ngẫu nhiên. Những điều mà ông nói với tôi, những cuốn sách mà ông bắt tôi đọc, những nhiệm vụ kỳ lạ mà ông giao cho tôi, chúng thuộc vào một kế hoạch bí mật và tinh vi, hay chỉ có vẻ như vậy với độ lùi thời gian? Đôi khi tôi có cảm giác ông đang cố truyền cho tôi một điều gì đó huyền diệu và bí ẩn, rằng ông trở thành người chăm lo cho sự thăng tiến nội tâm của tôi, nhưng không cho tôi biết điều đó, rằng ông buộc tôi phải chơi một trò mà ông không nói cho tôi biết luật lệ. Effing với tư cách một người hướng dẫn tinh thần điên rồ, một ông thầy quái đản cố gắng hướng lối cho tôi xâm nhập các bí mật của thế giới. Những lúc khác, ngược lại, khi ông bị cuốn đi bởi những cơn giông tố của tính ích kỷ và sự kiêu ngạo, tôi chỉ còn thấy ông là một lão già độc ác, một thằng điên kiệt sức sống vạ vật ở biên giới giữa bệnh điên và cái chết. Người này ở trong người kia, ông bắt tôi phải chịu một số lượng đáng kể những điều quá đáng, và tôi nhanh chóng nghi ngại ông, mặc cho sự hấp dẫn ngày càng tăng mà ông gây cho tôi. Nhiều lần, khi tôi đã sắp sửa từ bỏ, Kitty thuyết phục tôi ở lại, nhưng xét cho cùng tôi nghĩ là mình cũng muốn vậy, ngay cả khi tôi thấy không thể chịu thêm được một phút nào nữa. Có những giai đoạn nhiều tuần liền chỉ riêng việc quay đầu nhìn ông đã là không chịu nổi, tôi phải tập trung toàn bộ sự can đảm của mình chỉ để có thể ngồi được cùng ông trong một căn phòng. Nhưng tôi đã kháng cự được, tôi đã trụ vững cho đến cuối cùng.
Ngay cả những khi tâm trạng thoải mái nhất, Effing vẫn thích thú việc tạo ra những bất ngờ nho nhỏ. Chẳng hạn như buổi sáng đầu tiên ấy, khi đi vào phòng trên chiếc ghế lăn, ông đeo một cặp kính râm đen cho người mù. Hai miếng vải che mắt từng trở thành đề tài cho cuộc tranh luận hăng hái ở lần đầu gặp mặt đã biến mất. Effing không bình luận gì về sự thay thế này. Bước vào trò chơi của ông, tôi cho rằng đó là một trong những hoàn cảnh mà tôi phải giữ miệng, và tôi cũng không nói gì về chuyện đó. Sáng ngày hôm sau, ông đeo một cặp kính viễn bình thường, gọng kim loại và hai mắt kính dày đến khó tin. Chúng làm mắt ông to lên đến dị dạng, trông như trứng chim, hai hình cầu màu xanh nhợt lồi ra khỏi đầu ông. Tôi không chắc chúng có nhìn thấy gì hay không. Một số lúc tôi chắc chắn tất cả những thứ đó chỉ là một trò lừa gạt và ông nhìn rõ cũng như tôi vậy; những lúc khác, tôi tin là ông bị mù hoàn toàn. Chắc chắn đó là điều mà Effing muốn. Ông tạo ra những dấu hiệu mù mờ cố ý rồi vui sướng với sự bối rối của người khác, nhất định từ chối nói ra sự thật. Một vài ngày, ông để mắt không, không có vải che cũng chẳng đeo kính. Lại có những lần ông đến với một cái khăn màu đen quàng quanh đầu, khiến cho ông có vẻ của một tên tù sắp bị đội hành quyết hạ gục. Tôi không thể đoán được ý nghĩa của những lần cải trang đó. Ông không bao giờ ám chỉ đến chúng, và tôi không bao giờ có đủ can đảm để hỏi.
Điều quan trọng, tôi quyết định, là không để rối trí vì những trò hề của ông. Ông có thể làm những gì ông muốn, nhưng chừng nào không rơi vào bẫy, điều đó sẽ không có ảnh hưởng gì đến tôi. Ít nhất đó là điều tôi tự nhắc đi nhắc lại. Dù cho quyết tâm đến vậy, cũng có lúc rất khó chống lại ông. Đặc biệt là những ngày ông không mang đồ bảo vệ mắt, tôi thường xuyên nhìn chằm chằm vào mắt ông, không tài nào quay đi nổi, không đủ sức chống lại sức cuốn hút của chúng. Như thể tôi có ý định phát hiện ở đó một chân lý, một cánh cửa mở thẳng vào bóng tối bộ não của ông. Tuy nhiên chưa bao giờ tôi tìm được gì cả. Trong hàng trăm giờ đồng hồ mà tôi dùng để nhìn vào chúng, đôi mắt của Effing không bao giờ hé lộ cho tôi điều gì hết.
Ông lựa chọn từ trước tất cả những cuốn sách, và biết chính xác mình muốn nghe gì. Những buổi đọc sách đó khác hẳn giờ nghỉ thư giãn, chúng giống hệt một sự tìm kiếm mang tính hệ thống, một sự truy lùng gay gắt một số chủ đề cụ thể với số lượng ít ỏi. Điều này không làm cho tôi hiểu rõ hơn được các động cơ của ông, nhưng ít nhất ở đó cũng có một lối lôgic đầy uy quyền nào đó. Loạt sách đầu tiên liên quan đến khái niệm du hành, thường là chuyến đi vào cái không biết, và sự khám phá các thế giới mới. Chúng tôi bắt đầu với những cuốn sách của thánh Brendan và của Sir John de Mandeville, tiếp theo là Colombus, Cabeza de Vaca và Thomas Harriot. Chúng tôi đọc những đoạn trong Những chuyến đi đến Arập hoang vắng của Doughty, đọc qua toàn bộ tác phẩm của John Wesley Powell kể về những chuyến thám hiểm vẽ địa đồ của ông dọc theo sông Colorado, và để kết thúc là một số lượng khá lớn những câu chuyện tù nhân thế kỷ mười tám và mười chín, lời kể của các nhân chứng trực tiếp là những nhà thực dân da trắng bị người Da đỏ bắt. Tôi thấy những cuốn sách đó thú vị ngang nhau, và khi đã quen với việc sử dụng giọng nói của mình trong nhiều giờ liền, tôi nghĩ mình đã gặt hái được một phong cách đọc phù hợp. Tất cả dựa trên sự sáng sủa của giọng đọc, cái đến lượt mình lại phụ thuộc vào những biến âm, những quãng dừng tinh tế, và một sự chú tâm không ngắt quãng đến từ ngữ trên trang giấy. Effing ít khi bình luận trong khi tôi đọc, nhưng tôi biết ông lắng nghe nhờ vào các tiếng động ông phát ra mỗi khi chúng tôi đến một đoạn đặc biệt gay cấn hoặc hấp dẫn. Những buổi đọc sách đó chắc chắn là những thời điểm tôi cảm thấy hòa hợp nhất với ông, nhưng tôi nhanh chóng học được cách không lẫn lộn sự tập trung trong im lặng với thiện ý của ông. Sau cuốn bút ký du hành thứ ba hay thứ tư, tôi nhân tiện đề xuất hẳn ông sẽ thích được nghe vài đoạn chuyến đi của Cyrano lên mặt trăng. Điều đó chỉ gọi lên ở ông một sự nhạo báng. “Giữ lấy những ý tưởng cho riêng anh đi, cậu bé,” ông nói. “Nếu muốn biết ý kiến của anh, tôi sẽ tự hỏi.”
Bức tường phía sau phòng khách dựng một tủ sách chạy từ sàn lên đến trần nhà. Tôi không biết trên giá có bao nhiêu quyển sách, nhưng hẳn là phải có ít nhất năm trăm hoặc sáu trăm, có thể là một nghìn. Effing có vẻ biết vị trí mỗi quyển, và khi đến lúc bắt đầu một quyển mới, ông chỉ cho tôi thật chính xác phải tìm nó ở đâu. “Giá thứ hai,” ông nói, “quyển thứ mười hai hoặc mười lăm từ bên trái sang. Lewis và Clark. Một quyển sách màu đỏ, gáy bọc bìa vải.” Không bao giờ ông nhầm lẫn, và tôi không thể ngăn mình bị ấn tượng trước bằng chứng hiển nhiên của trí nhớ phi thường của ông. Một hôm tôi hỏi ông có biết các hệ thống ghi nhớ của Cicero và Raymond Lull không, nhưng ông phẩy tay đuổi câu hỏi của tôi đi. “Những cái đó không phải học mà được,” ông nói. “Đó là một tài năng bẩm sinh, một phẩm chất tự nhiên.” Ông dừng một chút rồi nói thêm, giọng ranh mãnh, chế nhạo. “Nhưng làm thế nào mà anh có thể chắc chắn được những quyển sách đó nằm ở đâu? Suy nghĩ một lúc xem nào. Có thể trong đêm tôi đã đến đây để xếp lại chúng trong khi anh đang ngủ. Hoặc là tôi đã dùng thần giao cách cảm để di chuyển chúng trong khi anh quay lưng đi. Có phải thế không nào, anh bạn?” Tôi coi đó là một câu hỏi tu từ, và tránh không phản đối ông. “Anh hãy nhớ, Fogg,” ông tiếp, “đừng bao giờ coi bất kỳ điều gì như là hiển nhiên. Nhất là khi anh phải đối mặt với một người như tôi.”
Hai ngày đầu tiên đó chúng tôi ở trong phòng khách trong khi cơn mưa tầm tã tháng Mười một đập vào cửa sổ bên ngoài. Trong nhà Effing rất tĩnh lặng, và một vài lúc khi tôi dừng đọc để lấy hơi, những gì tôi nghe thấy rõ nhất là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ phía trên lò sưởi. Khi đó bà Hume gây vài tiếng động trong bếp, và từ phía dưới vẳng lên tiếng ồn đùng đục của xe cộ đi lại, tiếng bánh xe chạy trên mặt phố ướt. Tôi vừa thấy kỳ lạ vừa thấy dễ chịu được ngồi ở bên trong nhà trong khi thế giới tiếp tục nhịp điệu của mình, và cảm giác tách biệt đó hẳn là được củng cố thêm bởi các cuốn sách. Tất cả những gì chúng chứa đựng đều thật xa xôi, mù mờ, đầy những điều kỳ diệu: một vị tu sĩ Ailen đi thuyền buồm vượt Đại Tây Dương vào năm 500 và khám phá một hòn đảo mà ông ta nghĩ là Thiên đường; vương quốc huyền thoại của thầy tư tế John; một bác học người Mỹ cụt tay hút tẩu với người Da đỏ Zuni ở New Mexico. Giờ nối giờ trôi qua và cả hai chúng tôi đều không động cựa, Effing trong chiếc ghế lăn, tôi trên sofa đối diện với ông, và có những lúc tôi nhập thân vào những gì tôi đọc sâu đến mức không còn biết mình đang ở đâu nữa, đến mức tôi thấy như thể không còn ở bên trong con người mình nữa.
Chúng tôi ăn trưa và ăn tối trong bếp vào mười hai giờ và sáu giờ mỗi ngày. Effing kiên quyết theo giờ giấc một cách hết sức chính xác, và ngay khi bà Hume thò đầu qua khe cửa để thông báo bữa ăn đã sẵn sàng, ông thôi quan tâm ngay đến cuốn sách của chúng tôi. Đoạn văn mà chúng tôi đang đọc không có ý nghĩa gì hết. Ngay cả khi chỉ còn lại một hoặc hai trang trước khi kết thúc, Effing cũng cắt ngang câu tôi đang đọc và đòi tôi dừng lại. “Vào bàn thôi,” ông nói, “chúng ta sẽ đọc tiếp sau.” Không phải vì ông háu ăn - trên thực tế, ông ăn rất ít - mà chẳng qua nhu cầu sắp xếp trật tự trong ngày một cách nghiêm ngặt và duy lý của ông quá mạnh. Một hoặc hai lần, ông có vẻ thành thật tiếc là chúng tôi phải ngừng giữa chừng, nhưng không bao giờ tiếc đến mức định làm khác với giờ giấc. “Chán quá,” ông kêu lên, “đúng đến đoạn hay.” Lần đầu tiên, tôi đề nghị ông tiếp tục đọc thêm một lúc. “Không thể được,” ông đáp. “Chúng ta không được phép làm rối loạn thế giới vì một ham muốn nhất thời. Ngày mai có thừa thời gian.”
Effing ăn không nhiều, nhưng những gì ít ỏi mà ông ăn là cái cớ cho một màn diễn khó chịu: ông nhỏ nước dãi, càu nhàu, đánh đổ các thứ. Tôi thấy cảnh tượng đó thật đáng tởm, nhưng tôi không có lựa chọn nào. Nếu chẳng may mà Effing cảm nhận được là tôi đang nhìn, ông sẽ ngay lập tức sáng tạo ra một loạt những cử chỉ bẩn thỉu hơn nữa: ông để thức ăn trớ ra từ miệng chảy xuống đến cằm, ợ hơi, vờ như sắp sửa nôn ọe hoặc lên cơn đau tim, rút hàm răng giả ra đặt lên bàn. Ông rất thích ăn xúp, và trong cả mùa đông bữa nào chúng tôi cũng khởi động bằng một món xúp khác nhau. Bà Hume tự tay nấu chúng, những bát xúp rau tuyệt diệu, rau cải cúc, rau cần và khoai tây, nhưng tôi nhanh chóng sợ đến lúc phải ngồi xuống mà nhìn Effing ngốn ngấu chúng. Nói rằng ông gây tiếng động xì xụp vẫn chưa đúng; trên thực tế ông mút chúng chùn chụt, giống như tiếng một cái máy hút bụi rệu rã. m thanh đó khủng khiếp, đặc biệt đến mức tôi bắt đầu lúc nào cũng nghe thấy nó, ngay cả ngoài các bữa ăn. Đến bây giờ, khi đủ tập trung, tôi vẫn có thể tái hiện được những đặc điểm tinh tế nhất: tiếng đập đầu tiên, khi cái thìa chạm vào môi Effing và sự im ắng bị cắt đứt bởi một cái hít hơi thật mạnh; tiếng ồn nhức tai và kéo dài tiếp nối, một sự ầm ĩ không thể chịu đựng nổi gây ra cảm giác thứ chất lỏng đang chạy xuống cổ họng ông đã chuyển hóa thành một hỗn hợp sỏi và thủy tinh vỡ; một quãng nghỉ ngắn, khi ông nuốt, tiếng thìa chạm vào bát kêu lanh canh, rồi một tiếng xì ra thật dài, rung lên bần bật. Đến thời điểm đó, ông liếm môi, thậm chí còn có thể nhăn nhó vì khoái cảm, và thực hiện trở lại toàn bộ tiến trình: ông múc đầy thìa, đưa nó lên miệng (cái đầu vẫn luôn cúi về phía trước - để rút ngắn khoảng cách giữa cái bát và miệng ông - nhưng tuy thế lại với một bàn tay run rẩy, khiến cho những dòng suối xúp nhỏ rơi trở lại vào bát kêu lõm bõm trong khi cái thìa tiến đến gần cặp môi hơn), và rồi lại nghe thấy một tiếng nổ mới, tai ù đi vì tiếng mút lại bắt đầu. Nhờ trời, hiếm khi ông ăn hết cả một bát. Ba hay bốn thìa vang động âm thanh thường đã đủ làm ông kiệt sức, sau đó ông đẩy bát ra và bình thản hỏi bà Hume món chính hôm nay là gì. Tôi không biết đã bao nhiêu lần nghe thấy tiếng ồn ã đó, nhưng điều mà tôi biết, là tôi sẽ không bao giờ quên nó, rằng tôi sẽ giữ nguyên nó trong đầu cho đến cuối đời.
Bà Hume chứng tỏ một sự kiên nhẫn đáng kể trong những màn trình diễn ấy. Không bao giờ tỏ ra lo lắng hay kinh tởm, bà cư xử như thể những thói quen của Effing thuộc về trật tự tự nhiên của mọi vật. Giống như một người sống kề bên đường tàu hay sân bay, bà đã quen với những tiếng ồn khó chịu chốc chốc lại vang lên, và mỗi lần ông bắt đầu lại màn diễn của mình, bà chỉ làm một việc là ngừng nói chờ cho đến khi cơn náo động lắng xuống. Chuyến tàu nhanh Chicago chạy qua ầm ĩ trong đêm làm rung kính cửa sổ và móng nhà, rồi cũng biến đi nhanh như khi nó đến. Thỉnh thoảng, khi Effing tỏ ra đặc biệt đáng ghét, bà Hume nháy mắt với tôi, như thể muốn nói: cậu đừng để ý; ông già lẩm cẩm mất rồi, chúng ta không làm được gì đâu. Giờ đây khi nhớ lại chuyện ấy, tôi mới nhận ra vai trò quan trọng của bà trong việc bảo đảm một mức độ cân bằng trong nhà. Ai đó kém vững vàng hơn hẳn sẽ muốn phản ứng lại trước những khiêu khích của Effing, và điều đó hẳn sẽ càng làm cho chúng trở nên nghiêm trọng hơn, vì khi bị thách thức, ông già sẽ trở nên vô cùng dữ tợn. Tính khí bình thản của bà Hume vô cùng thích hợp để bình ổn những cơn kịch phát đang ở giai đoạn khởi đầu và những cảnh tượng khó chịu. Con người to béo của bà chứa ở bên trong một tâm hồn cũng to lớn như thế, có khả năng hấp thụ rất nhiều mà không tạo ra hiệu ứng gì đặc biệt.
Thoạt đầu, tôi khó chịu khi thấy bà chấp nhận từng ấy điều thô lỗ ở ông, nhưng tôi nhanh chóng hiểu ra rằng đó là chiến lược hữu lý duy nhất để đương đầu với những trò quái đản của ông. Mỉm cười, nhún vai, không gây chuyên. Chính nhờ bà mà tôi học được cách cư xử với Effing, và nếu không có tấm gương của bà, tôi nghĩ mình sẽ không giữ được công việc đó trong một thời gian dài được.
Bà luôn đến bàn ăn vũ trang bằng một khăn lau sạch và một cái yếm dãi. Cái yếm được buộc vào cổ Effing từ ngay đầu bữa ăn, và cái khăn dùng để lau mặt cho ông khi khẩn cấp. Theo cách nhìn đó, cứ như thể chúng tôi ăn cùng với một đứa bé. Bà Hume lo liệu mọi việc với rất nhiều uy quyền của một người mẹ chăm chút con. Bà đã nuôi ba đứa con, một hôm bà giải thích cho tôi, và bà không gặp bất kỳ vấn đề nào hết. Ngoài việc chăm lo cho những vấn đề cụ thể ấy, còn có trách nhiệm nói chuyện với Effing theo cách nào đó để kiểm soát lời lẽ của ông. Bà chứng tỏ mình có đầy đủ sự khéo léo của một cô gái làm tiền lành nghề đang chiều chuộng một ông khách khó tính. Với bà không có lời đề nghị nào phi lý đến mức phải từ chối, không gợi ý nào khiến bà phải thấy sốc, không lời bình luận nào lố bịch đến mức bà phải quá bận tâm. Một hoặc hai lần một tuần, Effing lên tiếng kết tội bà âm mưu chống lại ông - tẩm thuốc độc vào đồ ăn của ông chẳng hạn (và ông khinh bỉ nhổ ra đĩa của mình những mẩu cà rốt và những miếng thịt nhai dở), hoặc kết tội bà ăn cắp tiền của ông. Không hề thấy bị xúc phạm, bà bình thản trả lời rằng cả ba chúng tôi đều sẽ chết, vì chúng tôi đang cùng ăn một thứ. Hoặc, nếu ông cứ đay đi đay lại, bà sẽ thay đổi chiến thuật, công nhận điều đó. “Đúng thế đấy,” bà nói. “Tôi đã cho sáu thìa thạch tín vào món khoai tây nghiền đấy. Chỉ mười lăm phút nữa chúng sẽ có tác dụng, và khi đó sẽ không còn phải lo lắng gì nữa. Tôi sẽ trở thành một người giàu có, ông Thomas ạ” - bà luôn gọi ông là ông Thomas - “và cuối cùng thì ông cũng sẽ thối rữa trong mồ!” Thứ ngôn ngữ đó lần nào cũng làm ông Effing thấy vui thích. “Ha,” ông phá lên cười. “Ha, ha! Bà sẽ có hàng triệu đô la, đồ đàn bà tham lam. Tôi đã ngờ rồi mà. Rồi sẽ mua áo lông thú và kim cương, phải không nào? Nhưng cũng không thay đổi được gì đâu, bà béo của tôi ạ. Dù có khoác lên người bộ cánh nào thì bà vẫn luôn có cái dáng vẻ của một con mẹ thợ giặt béo ị.” Sau đó, không mảy may quan tâm đến sự mâu thuẫn, ông ních cho thật lắm thứ đồ ăn bị tẩm thuốc độc đó.
Effing bắt bà phải trải qua những thử thách nghiệt ngã, nhưng tôi tin là trong thâm tâm Hume rất yêu quý ông. Khác với phần lớn những người phục vụ người cao tuổi khác, bà không đối xử với ông như với một đứa trẻ con lớn đầu hay một khúc gỗ. Bà để ông tự do nói và tự do cư xử như một người bình thường, nhưng cũng có thể, khi cần thiết, tỏ ra hết sức cứng rắn. Bà đã nghĩ sẵn cho ông một danh sách tính từ và biệt hiệu, và không ngần ngại sử dụng khi ông khiêu khích bà: thằng già, đồ đểu giả, quạ xám, kẻ cặn bã, bà có cả một kho dự trữ vô tận. Tôi không biết bà tìm được chúng ở đâu, từ miệng bà chúng bắn ra thành từng chùm, mà bà luôn biết cách phối hợp với một âm sắc miệt thị và một vẻ trìu mến thô lỗ. Bà đã sống với Effing chín năm, và vì rõ ràng không thuộc vào những kẻ thích tự làm khổ mình, hẳn là bà phải thấy trong công việc này một chút ít vui thú nào đó. Về phần mình, tôi thấy ý nghĩ về chín năm trời thật đáng sợ. Và khi nghĩ đến chuyện mỗi tuần bà chỉ được nghỉ một ngày, tôi thấy gần như chuyện này thật không hình dung nổi. Ít nhất tôi cũng được thảnh thơi vào ban đêm, sau một giờ nào đó tôi có thể đi về theo ý thích. Tôi có Kitty, và cộng thêm niềm an ủi vì biết rằng việc ở bên cạnh Effing như thế này không phải là mục đích tối hậu của cuộc đời tôi, rằng sớm hay muộn tôi cũng sẽ đi nơi khác. Với bà Hume, không hề giống như vậy. Bà luôn ở chỗ của mình, và chỉ có dịp đi ra khỏi nhà vào mỗi buổi chiều, một hay hai giờ đồng hồ để mua đồ ăn. Khó có thể nói đó là một cuộc đời thực thụ. Bà có các tạp chí Reader’s Digest và Redbook, thỉnh thoảng một cuốn truyện trinh thám khổ bỏ túi, và một chiếc vô tuyến đen trắng nhỏ mà bà xem trong phòng sau khi đã đưa Effing đi ngủ, luôn giảm tiếng nhỏ hết cỡ. Chồng bà chết vì bệnh ung thư cách đây mười ba năm, và ba đứa con của bà, đã lớn, sống ở xa: một con gái ở California, một cô con gái khác ở Kansas, một cậu con trai đi lính đóng ở Đức. Bà viết thư cho cả ba, và không có gì mang lại nhiều niềm vui cho bà hơn là nhận được ảnh những đứa cháu, mà bà treo ở các góc tấm gương bàn trang điểm của mình. Những ngày được nghỉ, bà đi thăm ông anh Charlie ở bệnh viện dành cho cựu chiến binh tại Bronx. Ông từng là phi công máy bay ném bom trong chiến tranh, và theo những gì ít ỏi bà kể cho tôi, tôi biết được rằng đầu óc ông không được bình thường cho lắm. Bà đến gặp ông, một cách đều đặn, hàng tháng, không bao giờ quên mang cho ông một túi sôcôla nhỏ và một chồng tạp chí thể thao, và không một lần nào, trong suốt khoảng thời gian mà tôi quen bà, tôi nghe được bà phàn nàn về nghĩa vụ đó. Bà Hume là một tảng đá. Xét cho cùng, không có ai dạy cho tôi nhiều điều bằng bà.
Effing là một ca khó, nhưng cũng không chính xác nếu chỉ định nghĩa ông bằng từ khó. Nếu ông chỉ tỏ ra độc ác và khó chịu, người ta sẽ có thể dự đoán trước tâm trạng của ông và qua đó quan hệ với ông sẽ được đơn giản hóa đi rất nhiều. Người ta sẽ biết được mình đang chờ đợi điều gì; sẽ có thể biết được mình đang ở đâu. Nhưng ông già khó nắm bắt hơn thế nhiều. Theo nghĩa rộng, ông càng khó tính hơn nữa vì không phải lúc nào cũng khó tính, và vì lý do ấy, ông thành công trong việc đặt chúng tôi vào một tình trạng bất ổn thường trực. Trong nhiều ngày liền, ông chỉ nói ra những lời châm chích nặng nề, và đúng đến lúc tôi nghĩ chắc là ở ông không thể còn một gam lòng tốt hay tình thân ái con người nào, thì đột nhiên ông lại có một ý kiến thấm đẫm sự cảm thông gây chấn động, một câu hé lộ sự thấu hiểu và một sự hiểu biết người khác sâu sắc đến mức tôi phải nhận ra rằng mình đã đánh giá sai ông, rằng xét cho cùng ông không xấu xa đến như tôi đã tưởng. Dần dần, tôi khám phá ở ông một khía cạnh khác. Tôi không dám nói là một khía cạnh tình cảm, nhưng một số lúc ông ở rất gần với điều đó. Thoạt tiên tôi nghĩ đó chỉ là một trò hề, một trò láu cá dành để làm tôi rối trí, nhưng nếu như vậy thì phải đặt giả thuyết rằng Effing đã tính toán trước những sự ân cần ấy, trong khi những cái đó luôn luôn diễn ra theo một cách vô cùng bộc phát, do một chi tiết tình cờ ở một sự kiện cụ thể hoặc một cuộc trò chuyện nào đó gây ra. Tuy nhiên, nếu khía cạnh tốt ấy ở Effing là có thật thì tại sao ông lại không cho phép nó được thể hiện thường xuyên hơn? Liệu đó là một sự lạc điệu của bản chất thực thụ của ông, hay ngược lại là điều cốt yếu trong tính cách thật của ông? Không bao giờ tôi có được kết luận nào về điều này, ngoài việc cho rằng không thể loại trừ cả hai cái. Effing là cả hai cùng lúc. Một con quái vật, nhưng cùng lúc đó trong ông cũng có cốt cách của một con người tốt, một người mà tôi thậm chí còn ngưỡng mộ. Điều đó ngăn cản tôi thật lòng căm ghét ông, như là tôi muốn. Vì không thể đuổi ông khỏi tâm trí bằng cách dựa trên một tình cảm duy nhất, tôi thấy mình gần như lúc nào cũng nghĩ đến ông. Tôi bắt đầu thấy ở ông một tâm hồn đau khổ, một người bị quá khứ ám ảnh, phải đấu tranh để che giấu nỗi sợ hãi bí mật nào đó đang gặm mòn ông từ bên trong.
Lần đầu tiên tôi thoáng nhận ra Effing khác đó là vào buổi tối thứ hai, trong bữa ăn. Bà Hume hỏi tôi vài câu về tuổi thơ của tôi, và tôi kể đến chuyện mẹ tôi bị một chiếc xe bus cán chết ở Boston. Effing, cho đến lúc đó không hề chú ý đến cuộc nói chuyện, đột nhiên đặt dĩa xuống và quay mặt về phía tôi. Bằng giọng nói mà tôi chưa bao giờ nghe thấy ở ông - thấm đẫm dịu dàng và nồng ấm - ông nhận xét: “Thật là một điều khủng khiếp, cậu bé. Thật là một điều thực sự khủng khiếp.” Không có gì có thể khiến tôi nghĩ là ông không thành thật. “Đúng,” tôi trả lời, “tôi đã rất chấn động về việc đó. Khi chuyện xảy ra tôi mới mười một tuổi, và trong khoảng thời gian rất dài tôi vô cùng nhớ mẹ. Nói trung thực thì đến giờ tôi vẫn nhớ bà.” Bà Hume gật đầu khi nghe thấy điều đó, và tôi nhận thấy một nỗi buồn nặng nề làm mắt bà rực lên. Sau một lúc im lặng, Effing nói tiếp: “Ôtô là một điều nguy hiểm chung. Nếu không cẩn thận, chúng đe dọa tất cả chúng ta. Điều tương tự đã xảy đến với người bạn Nga của tôi, cách đây hai tháng. Ông ấy ra khỏi nhà vào một buổi sáng đẹp trời để mua báo, bước xuống khỏi vỉa hè để qua đường Broadway, và bị một cái xe Ford màu vàng bẩn thỉu đâm phải. Tay lái xe vẫn tiếp tục đi, không buồn dừng lại. Không có thằng điên đó thì Pavel vẫn ngồi ở đây, ở đúng chỗ mà anh đang ngồi, Fogg ạ, ăn đúng những thứ mà anh đang cho vào mồm. Thay vì đó, ông ấy đã nằm sáu thước dưới đất trong một góc hoang vắng của Brooklyn.”
“Pavel Shum, bà Hume nói. Ông ấy bắt đầu làm việc cho ông Thomas ở Paris, vào khoảng những năm ba mươi.”
“Điều đó giải thích vì sao có từng ấy sách tiếng Nga trong phòng tôi,” tôi nói.
“Sách tiếng Nga, sách tiếng Pháp, sách tiếng Đức,” Effing nói thêm. “Pavel nói thành thạo sáu hay bảy thứ tiếng. Đó là một người rất hiểu biết, một nhà bác học thực thụ. Khi tôi gặp ông ấy hồi năm ba mươi hai, ông ấy rửa bát trong một quán ăn và sống trong một căn phòng cho người hầu ở tầng bảy, không có nước lẫn lò sưởi. Một trong những người Nga bạch vệ đến Paris trong thời Nội chiến. Họ đã mất tất cả. Tôi đã mang ông ấy về nhà, cho ông ấy một chỗ ở, và đổi lại ông ấy giúp đỡ tôi. Việc đó kéo dài ba mươi bảy năm, Fogg ạ, và điều hối tiếc duy nhất của tôi là đã không chết trước ông ấy. Ông ấy là người bạn đích thực duy nhất mà tôi từng có.”
Đột nhiên, môi Effing bắt đầu run lên, như thể ông sắp sửa khóc. Mặc cho tất cả những gì đã xảy ra trước đó, tôi không thể ngăn được mình thấy thương ông.
Mặt trời xuất hiện trở lại vào ngày thứ ba. Effing ngủ một giấc ngắn như thường lệ vào buổi sáng, nhưng khi bà Hume đẩy xe cho ông ra khỏi phòng vào lúc mười giờ, ông đã được trang bị sẵn sàng cho cuộc đi dạo đầu tiên của chúng tôi: ấm áp trong quần áo len dày, ông vung vẩy một cây gậy bên tay phải. Dù cho người ta có thể nói gì về ông, Effing không bao giờ sống mà không say mê. Ông tận hưởng một cuộc dạo chơi trên các phố trong khu với toàn bộ sự hứng thú của một nhà thám hiểm chuẩn bị thực hiện chuyến đi đến Bắc Cực. Cần phải quan tâm đến vô cùng nhiều thứ: kiểm tra thời tiết và vận tốc gió, ấn định trước một lộ trình, chắc chắn rằng đã mặc đủ quần áo. Khi trời lạnh, Effing mang đủ thứ đồ bảo vệ bên ngoài; ông quấn mình trong những chiếc áo chui đầu và khăn len, một chiếc pacđơxuy khổng lồ phủ đến mắt cá chân, một cái chăn, găng tay, và một chiếc mũ lông Nga che kín tai. Nếu nhiệt độ đặc biệt thấp (khi nhiệt kế chỉ dưới ba mươi[14]), ông còn mặc thêm một cái mặt nạ dùng khi trượt tuyết. Tất cả những thứ quần áo đó chôn kín ông dưới sức nặng của mình, và khiến cho ông có vẻ còn yếu ớt và kỳ dị hơn bình thường, nhưng Effing không chịu đựng được bất kỳ sự thiếu tiện nghi về thể chất nào, và vì ông không thấy phiền gì về triển vọng thu hút sự chú ý vào mình, ông thả sức chơi những trò kỳ quái với quần áo đó. Ngày chúng tôi đi ra ngoài lần đầu tiên, trong khi chuẩn bị, ông hỏi tôi có áo pacđơxuy không. Tôi trả lời là không, tôi chỉ có chiếc jacket bằng da. Thế thì không đủ, ông tuyên bố, không đủ chút nào. “Tôi không muốn anh đóng đá giữa một cuộc đi dạo, ông giải thích. Anh cần có quần áo đủ để đảm bảo có thể đi được xa, Fogg ạ.” Bà Hume nhận được lệnh đi tìm chiếc áo khoác từng một thời thuộc về Pavel Shum. Đó là một thứ thánh tích cũ kỹ đáng kính, trong một thứ vải tuýt màu nâu nhạt điểm những đốm đỏ và xanh lá cây; nó gần như vừa vặn với tôi. Mặc những lời phản đối của tôi, Effing bắt bằng được tôi phải giữ lấy nó, và ngay từ lúc đó tôi không còn có thể nói ngược lại ông điều gì mà không gây ra một cuộc cãi cọ. Chính bằng cách ấy mà tôi được thừa kế chiếc áo pacđơxuy của người tiền nhiệm. Tôi cảm thấy hơi khó ở khi đi dạo trong chiếc áo mà tôi biết rằng người chủ đã chết, nhưng tôi tiếp tục mặc nó trong tất cả những chuyến đi dạo cho đến cuối mùa đông. Để làm giảm bớt những suy nghĩ bực bội của mình, tôi gắng sức coi nó như một thứ đồng phục phù hợp với công việc, nhưng không mấy thành công. Mỗi lần mặc nó, tôi lại không thể ngăn được cảm giác đang chui vào lớp da của một người chết, trở thành bóng ma của Pavel Shum.
Tôi không mất nhiều thời gian để học cách điều khiển cái xe đẩy. Sau vài cú xóc nảy ngày đầu tiên, ngay khi tôi phát hiện làm thế nào để nghiêng cái xe theo một góc phù hợp để lên và xuống vỉa hè, mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều. Effing vô cùng nhẹ cân, đẩy ông đi không hề làm tay tôi bị mỏi. Tuy vậy, xét theo các khía cạnh khác, tôi thấy những cuộc dạo chơi của chúng tôi khá khó khăn. Ngay khi ra đến ngoài, Effing liền giương cây gậy lên, oang oang hỏi đồ vật ông đang chỉ vào là gì. Ngay khi tôi nói cho ông xong, ông liền bắt tôi miêu tả ông nghe. Thùng rác, cửa kính, lối vào các ngôi nhà: ông đòi phải có những báo cáo chính xác về tất cả những cái đó, và nếu tôi không tìm nhanh được từ chuẩn để làm ông hài lòng, ông sẽ nổi giận kinh khủng. “Trời đất ơi, cậu bé,” ông nói, “dùng mắt của anh đi xem nào! Tôi không nhìn thấy gì, thế mà anh chỉ toàn nói cho tôi những điều tầm phào như là ‘cột đèn chuẩn’ và ‘nắp cống hoàn toàn bình thường.’ Không có thứ gì giống hệt nhau, thằng ngu nào cũng biết điều đó. Tôi muốn nhìn thấy những gì mà chúng ta nhìn được, trời đất ạ, tôi muốn anh làm cho tôi cảm thấy được những thứ đồ vật đó!” Thật nhục nhã vì bị mắng xơi xơi như thế trên phố, phải chịu đựng không được phản ứng những lời nhục mạ của lão già, phải nhẫn nhục thu nhận những lời đó trong khi người qua đường quay lại nhìn. Một hoặc hai lần, tôi đã định bỏ đi, để mặc ông ở đó, nhưng rõ ràng là Effing không sai hoàn toàn. Tôi làm việc không được tốt lắm. Tôi nhận ra mình chưa bao giờ học được thói quen nhìn mọi vật một cách chăm chú, và giờ đây khi được yêu cầu làm như vậy, kết quả thật là thảm hại. Cho đến khi ấy, tôi vẫn thường có thiên hướng nghiêng về những khái quát hóa, một thói quen nhìn ra những tương đồng giữa các đồ vật hơn là sự khác biệt giữa chúng. Giờ đây tôi phải lao vào một thế giới toàn những điểm dị biệt, và việc toan tính diễn đạt chúng bằng lời nói, nhận biết ở chúng những dữ kiện cảm giác tức thì là cả một thách thức mà tôi chưa được chuẩn bị tốt. Để có được cái mình muốn, Effing hẳn là phải thuê Flaubert để đẩy ông đi trên phố - nhưng ngay Flaubert cũng làm việc rất chậm chạp, thỉnh thoảng còn phải trầy trật nhiều giờ đồng hồ mới viết xong được một câu. Tôi cần không chỉ miêu tả chính xác những gì mình nhìn thấy, mà còn phải làm được việc đó trong vòng vài giây. Tôi ghét nhất là sự so sánh không thể tránh khỏi giữa tôi và Pavel Shum. Một lần, khi tôi miêu tả kém một cách đặc biệt, Effing lao ngay vào một cuộc ca ngợi kéo dài nhiều phút người bạn quá cố của mình, miêu tả ông ta như một bậc thầy về hành văn đầy chất thơ, một nhà sáng chế vô song những hình ảnh tương hợp và nổi bật, một người có phong cách, mà mỗi từ đều gợi lên cái thực tế nồng nàn của các đồ vật một cách kỳ diệu. “Và nghĩ mà xem,” ông nói thêm, “tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của ông ấy đâu nhé.” Đó là lần duy nhất tôi đáp lại ông về chủ đề này, nhưng là vì nhận xét của ông làm tổn thương tôi đến độ tôi không thể nhịn được nữa. “Nếu ông muốn một thứ tiếng khác,” tôi nói, “tôi sẽ rất vui sướng được phục vụ ông. Ông nghĩ gì về tiếng Latinh? Kể từ giờ trở đi, tôi sẽ nói với ông bằng tiếng Latinh, nếu ông muốn. Hoặc hay hơn nữa, thứ tiếng Latinh dùng trong bếp. Ông sẽ không phải vấp phải khó khăn để hiểu đâu.” Thật là ngốc khi nói điều đó, và Effing nhanh chóng đặt tôi về vị trí của mình. “Im mồm ngay, cậu bé, và kể đi,” ông nói. “Kể cho tôi biết trông những đám mây ra sao. Tả cho tôi tất cả những đám mây ở phía Tây, cho đến những đám mây xa nhất mà anh có thể nhìn thấy.”
Để đáp ứng được sự đòi hỏi của Effing, tôi phải học giữ khoảng cách. Điều cốt yếu là không cảm thấy những yêu cầu của ông là một thứ cực hình, mà phải chuyển hóa chúng thành điều gì đó mà chính tôi cần đến. Dù thế nào đi nữa, bản thân công việc này không hẳn là không mang lại lợi ích. Nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ hợp lý, nỗ lực miêu tả mọi thứ một cách chính xác chính là kiểu môn học có thể dạy cho tôi những gì tôi muốn học nhất: sự nhẫn nhục, sự kiên trì, độ chính xác. Thay vì cảm thấy bị bắt buộc làm việc đó, tôi bắt đầu coi nó là một thứ bài tập trí óc, một phương pháp rèn luyện nghệ thuật nhìn nhận thế giới như thể tôi phát hiện ra nó lần đầu tiên. Bạn thấy gì? Và nếu bạn nhìn thấy nó, làm thế nào để dùng lời lẽ mà miêu tả? thế giới đi vào chúng ta qua đôi mắt, nhưng chúng ta không hiểu được gì hết chừng nào nó còn chưa đi xuống đến miệng chúng ta. Tôi bắt đầu nhận thức đầy đủ hơn cái khoảng cách đó, hiểu ra rằng chặng đường mà một điều nào đó phải đi giữa hai điểm dài đến đâu. Về mặt vật chất thì không quá vài xăngtimet, nhưng nếu tính đến số lượng những tai nạn và mất mát có thể xảy đến trên đường đi, nó có thể kéo dài bằng cả chuyến đi từ trái đất lên mặt trăng. Những thử nghiệm đầu tiên của tôi với Effing mơ hồ đến thảm hại, những cái bóng thoáng qua trên một hậu cảnh rối mù. Mình đã nhìn thấy những thứ đồ vật đó, tôi tự nhủ, tại sao mình lại phải cảm thấy dù chỉ chút ít khó khăn khi miêu tả chúng? Một cái vòi chữa cháy, một chiếc taxi, một làn khói từ vỉa hè bay lên - chúng thân thuộc với tôi, đến mức chừng như tôi biết chúng nằm lòng. Nhưng đó là nhìn nhận chúng mà bỏ qua mất tính chuyển động của chúng, cách thức chúng chuyển hóa theo lực và góc độ ánh sáng, cách thức mà dáng vẻ của chúng có thể biến đổi bởi những gì xảy đến xung quanh: một người qua đường, một cơn gió bất chợt, một phản chiếu không chờ đợi. Tất cả những cái đó chuyển động trong một sự lưu chuyển không ngừng nghỉ, và nếu hai viên gạch trên một bức tường có thể nhìn rất giống nhau, thì khi phân tích chúng sẽ không bao giờ đồng nhất hoàn toàn. Hơn thế nữa, cùng một viên gạch trên thực tế cũng không bao giờ là chính nó. Nó cũ đi, mòn đi mà không ai nhìn thấy dưới tác động của không khí, của cái lạnh, cái nóng, những cơn giông, và xét về dài hạn, nếu người ta còn có thể theo dõi nó sau nhiều thế kỷ, nó sẽ biến mất. Mọi thứ đồ vật vô tri đều đang tan rã, tất cả sinh vật đều đang chết đi. Trí óc tôi trở nên bấn loạn khi tôi nghĩ đến tất cả những điều đó và tưởng tượng ra những chuyển động tức tối và hỗn độn của các phân tử, những bùng nổ vật chất không ngừng, những va đập, sự hỗn loạn sôi trào dưới bề mặt mọi thứ. Theo lệnh của Effing ngay trong ngày đầu tiên: không coi bất kỳ điều gì như đã biết rõ, tôi chuyển từ một sự thờ ơ vô lo sang một giai đoạn lo âu căng thẳng. Các miêu tả của tôi trở nên chính xác một cách thái quá trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm nắm bắt mọi sắc thái có thể có của những gì tôi nhìn thấy, tôi tập hợp những chi tiết với mối lo điên rồ không để rơi rụng điều gì. Lời lẽ bắn ra từ miệng tôi như những loạt đạn súng máy, những ngắt quãng trong một tràng đạn không dứt. Effing thường xuyên buộc phải bảo tôi nói chậm lại và than phiền là không thể theo kịp. Vấn đề không nằm ở cách nói của tôi mà ở lối tiếp cận chung. Tôi dồn nén quá nhiều từ, chồng chất chúng lên nhau và thay vì miêu tả được đối tượng của chúng, trên thực tế chúng lại biến đối tượng trở nên mù mờ bằng cách chôn sâu nó dưới một đợt tuyết lở các sắc thái và sự trừu tượng mang tính hình học. Điều quan trọng là lúc nào cũng phải nhớ Effing bị mù. Tôi không được làm ông kiệt sức vì những bảng thống kê bất tận đó, mà phải giúp ông nhìn được. Xét cho cùng, từ ngữ là những thứ không đáng kể gì. Nhiệm vụ của chúng là cho phép ông nắm bắt thực tế nhanh hết mức có thể, và để làm được điều đó tôi phải làm cho chúng biến mất ngay đi khi vừa mới nói ra xong. Phải mất hàng tuần tập luyện hăng say tôi mới học được cách đơn giản hóa các câu của mình, tách được cái mù mờ khỏi cái cốt yếu. Tôi phát hiện rằng kết quả sẽ tốt hơn khi mà tôi để lại nhiều không gian hơn quanh một điều gì đó, bởi vì việc ấy khiến cho Effing có thể tự mình hoàn thiện công việc mang tính quyết định: xây dựng một hình ảnh dựa trên nền tảng một vài gợi ý, và cảm thấy chuyển động của trí tuệ chính mình hướng về đối tượng mà tôi vừa tả cho ông. Bực mình vì những kém cỏi đầu tiên, tôi học thói quen luyện tập khi không có ai, chẳng hạn tối đến khi nằm trên giường, quan sát những gì có ở trong phòng, để xem liệu mình có tự hoàn thiện được không. Càng áp dụng cách thức đó, tôi càng coi công việc này là nghiêm túc hơn. Tôi không còn nghĩ nó là một công việc mang tính mỹ học nữa, mà mang tính đạo đức, và tôi ít cảm thấy tức giận đi mỗi khi bị Effing chỉ trích, vì tôi tự hỏi không biết có phải sự sốt ruột và không hài lòng của ông thật ra là để hướng tới một mục tiêu cao hơn. Tôi là một thầy tu đang đi tìm thiên khải, và Effing là phương tiện, cái roi mà tôi dùng để hành xác. Nếu như rõ ràng là tôi đã tiến bộ, thì điều đó không đồng nghĩa với việc tôi có lúc nào đó hoàn toàn hài lòng với những cố gắng của mình. Từ ngữ đòi hỏi nhiều hơn thế, chúng ta gặp phải quá nhiều thất bại để có thể sung sướng với một thành công riêng lẻ. Với thời gian, Effing tỏ ra độ lượng hơn với các miêu tả của tôi, nhưng tôi không biết liệu điều đó có muốn nói là trên thực tế chúng đã đến được gần với những gì ông mong muốn chưa. Có thể là ông đã thôi không hy vọng gì nữa, hoặc cũng có thể mối quan tâm của ông đã bắt đầu giảm đi. Thật khó biết điều này. Cuối cùng, cũng có thể đơn giản là ông đang quen dần với tôi.
Trong mùa đông, những chuyến đi chơi của chúng tôi không vượt quá vùng lân cận. Đại lộ West End, Broadway, các phố cắt ngang, những phố trong khoảng bảy mươi và tám mươi. Rất nhiều người chúng tôi gặp trên đường nhận ra Effing và, ngược lại với những gì tôi có thể tưởng tượng, cư xử như thể họ rất hài lòng khi nhìn thấy ông. Một số người thậm chí còn dừng lại để chào ông. Những người bán rau, bán báo, người già cũng đang đi dạo. Effing nhận ra tất cả qua giọng nói, và nói với họ vô cùng lịch thiệp, tuy hơi xa cách: một nhà quý tộc từ lâu đài đi xuống hòa mình vào dân chúng trong làng. Có vẻ như họ kính trọng ông, và trong những tuần đầu tiên họ hay nhắc đến Pavel Shum, mà dường như tất cả đều có biết và quý mến. Câu chuyện về cái chết của ông vô cùng nổi tiếng (một số thậm chí còn tận mắt nhìn thấy tai nạn), và Effing phải nhận rất nhiều cái bắt tay thể hiện lòng thương tiếc và những lời chia buồn, mà ông đón nhận với một vẻ tự nhiên tuyệt đối. Ông có một khả năng đáng chú ý, khi ông muốn, là có thể cư xử đầy nhã nhặn, tỏ ra hiểu biết sâu sắc các quy ước xã hội. “Đây là người bạn mới của tôi,” ông thông báo cùng với một cái chỉ tay về phía tôi, “ông M. S. Fogg, vừa lấy bằng cử nhân ở đại học Columbia.” Tất cả những cái đó đều vô cùng đúng đắn, hết sức lịch duyệt, như thể tôi là một nhân vật rất đáng chú ý, người đã thu xếp rất nhiều công việc khác để có mặt ở đây với ông. Cùng sự biến chuyển đó trong hiệu bánh ở phố Bảy mươi hai nơi thỉnh thoảng chúng tôi đến uống một tách trà trước khi quay về nhà. Không hề có chuyện dây nước ra ngoài, không có khạc nhổ, không có tiếng động nào phát ra từ môi ông hết. Trước những cái nhìn xa lạ, Effing là một nhà quý phái hoàn hảo, một hình mẫu mang tính trang trí gây ấn tượng mạnh.
Nói chuyện là việc không hề dễ trong những lần đi dạo đó. Cả hai chúng tôi quay đầu về cùng một hướng và đầu tôi ở trên cao so với đầu của Effing đến mức những câu nói của ông có xu hướng đi lạc mất trước khi đến được tai tôi. Tôi phải cúi đầu xuống mới nghe được ông nói gì, và vì không thích dừng lại hay giảm tốc độ, ông để dành những lời bình luận của mình cho những lúc đi đến góc phố, khi chúng tôi chờ đèn đỏ để qua đường. Khi không bắt tôi miêu tả, Effing thường chỉ có những nhận xét ngắn gọn, một vài câu hỏi. Chúng ta đang ở phố nào? Mấy giờ rồi? Tôi bắt đầu thấy lạnh. Vài ngày, ông gần như không nói gì từ đầu đến cuối; buông mình theo chuyển động của chiếc xe lăn dọc theo vỉa hè, mặt hướng về phía mặt trời, ông rên rỉ nho nhỏ, trong một trạng thái đờ đẫn sung sướng. Ông vô cùng thích sự tiếp xúc của không khí với da, tận hưởng say sưa thứ ánh sáng vô hình lan tỏa xung quanh ông, và nếu tôi đẩy được xe đi theo một nhịp điệu đều đặn, phối hợp được nhịp nhàng giữa bước đi của tôi và nhịp lăn của bánh xe, tôi cảm thấy rằng dần dần ông thả mình theo thứ âm nhạc đó, lim dim giống như một đứa bé con nằm trong xe nôi.
Cuối tháng Ba đầu tháng Tư, để lại sau lưng khu thượng Broadway để hướng đến các khu phố khác, chúng tôi thực hiện những cuộc đi dạo dài hơn. Mặc dù nhiệt độ đã cao, Effing vẫn tiếp tục ủ kín người trong những bộ quần áo dày, và ngay cả khi thời tiết mát dịu dễ chịu, vẫn từ chối không chịu đối mặt với bên ngoài trước khi mặc xong áo choàng và phủ một cái chăn lên hai chân. Sự nhạy cảm trước thời tiết này rõ rệt đến mức có cảm giác ông sợ những gì có ở bên trong mình sẽ bị lộ ra nếu không thực thi các biện pháp mạnh tay để bảo vệ chúng. Nhưng khi cảm thấy ấm áp, ông sung sướng đón nhận sự tiếp xúc của không khí, và không gì có thể làm ông có được tâm trạng vui vẻ hơn là một cơn gió nhẹ. Nếu gió thổi lên người ông, không bao giờ ông bỏ lỡ dịp cười và chửi thề, cây gậy huơ lên như thể đe dọa các lực tự nhiên. Ngay cả vào mùa đông, công viên Riverside vẫn là nơi mà ông thích nhất, và ông ngồi ở đó hàng giờ, im lặng, không bao giờ ngủ gật như tôi nghĩ; ông lắng nghe, tìm cách dõi theo những gì đang diễn ra xung quanh ông: tiếng sột soạt của chim và sóc trong những tán lá và cành cây, tiếng rên của gió trong cành lá, tiếng xe cộ đi lại vẳng đến từ đường cao tốc phía dưới. Tôi có thói quen mang theo một quyển sách hướng dẫn tìm hiểu thiên nhiên khi chúng tôi đến công viên để tìm trong đó tên các cây bụi và những loại hoa, khi ông hỏi tôi về chúng. Bằng cách ấy tôi học được cách phân biệt hàng chục loại cây, tôi xem xét lá của chúng, cấu tạo chồi của chúng với sự quan tâm và sự tò mò mà tôi chưa từng bao giờ cảm thấy đối với những thứ đó. Một hôm Effing có tâm trạng đặc biệt tốt, tôi hỏi tại sao ông không sống ở nông thôn. Chuyện này diễn ra ở khoảng thời gian đầu tiên, cuối tháng Mười một hoặc đầu tháng Mười hai, khi tôi còn chưa sợ đặt câu hỏi cho ông. Có vẻ như công viên mang lại cho ông nhiều niềm vui đến mức thật đáng tiếc, tôi gợi ý, nếu ông không sống ở giữa thiên nhiên. Ông chờ đợi một lúc lâu trước khi trả lời tôi, lâu đến mức tôi đã nghĩ là ông không nghe thấy tôi nói gì: “Tôi đã làm điều đó rồi,” cuối cùng ông nói. “Tôi đã làm điều đó rồi, và giờ đây nó ở trong đầu tôi. Một mình, xa tất cả mọi người, tôi đã sống trong sa mạc hàng tháng, hàng tháng và hàng tháng… cả một cuộc đời. Một khi đã biết điều đó rồi, anh bạn, người ta không bao giờ có thể quên được. Tôi không cần phải đi đâu cả. Ngay khi bắt đầu nghĩ đến nó, tôi đã ở đó rồi. Tôi thường ở nơi đó nhiều nhất, những ngày này - tôi quay lại nơi đó, xa với tất cả.”
Giữa tháng Mười hai, Effing đột nhiên thôi không quan tâm đến chuyện về những cuộc du hành nữa. Chúng tôi đã đọc hàng chục cuốn sách và đang đọc đến A Canyon Voyage[15] của Frederick S. Dellenbaugh (kể về cuộc thám hiểm thứ hai của Powell dọc sông Colorado) thì ông bảo tôi ngừng lại giữa một câu văn và tuyên bố: “Tôi nghĩ thế là đủ rồi, anh Fogg ạ. Bắt đầu chán rồi, mà chúng ta thì không có thời gian để mất. Còn có việc phải làm, những việc không thể bỏ qua được.”
Tôi không hề biết ông ám chỉ đến những việc gì, nhưng tôi rất vui vẻ xếp cuốn sách vào tủ sách và chờ đợi những mệnh lệnh mới của ông. Chúng gây khá nhiều thất vọng. “Anh xuống phố, ông nói, và mua tờ The New York Times đi. Bà Hume sẽ đưa anh tiền.”
“Chỉ có thế thôi à?”
“Chỉ có thế thôi. Và nhanh lên. Không phải lúc để lờ đờ đâu.”
Cho đến lúc ấy, Effing chưa bao giờ tỏ ra quan tâm chút nào đến thời sự. Bà Hume và tôi thỉnh thoảng cũng nói chuyện trong bữa ăn, nhưng không bao giờ ông tham gia các cuộc trò chuyện đó, không bao giờ ông bình luận gì về thời cuộc. Giờ đây ông không muốn biết gì ngoài đó nữa, và trong hai tuần sáng nào tôi cũng chăm chỉ đọc cho ông nghe các bài báo trên The New York Times. Tin tức về chiến tranh Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng ông cũng tìm hiểu nhiều chủ đề khác: những cuộc tranh luận ở nghị viện, những vụ cháy ở Brooklyn, những cú đâm dao ở Bronx, giá cổ phiếu, phê bình sách, kết quả các trận bóng chày, động đất. Trong tất cả những cái đó, dường như không có gì liên quan đến cái giọng khẩn thiết mà ông dùng vào ngày đầu tiên khi bảo tôi đi mua báo. Rõ ràng Effing có một ý tưởng nào đó trong đầu, nhưng tôi không đoán nổi đó là gì. Ông đang tiến lại gần nó theo một lối xiên chéo, bằng cách chậm chạp đi vòng tròn xung quanh ý định của mình, như một con mèo đang vờn chuột. Rõ ràng là ông muốn làm tôi điên đầu, nhưng cùng lúc các chiến lược của ông rõ rệt đến mức như thể ông báo trước cho tôi là phải đề phòng.
Chúng tôi luôn kết thúc buổi sáng chuyên đề thời sự bằng một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng các trang đăng tin cáo phó. Có vẻ như Effing quan tâm đến chúng hơn bất kỳ cái gì khác, và đôi khi tôi ngạc nhiên khi thấy ông chăm chú đến thế nào khi lắng nghe thứ văn xuôi nhợt nhạt của những mẩu tin ấy. Những ông chủ doanh nghiệp, chính trị gia, vận động viên ma ra tông, nhà sáng chế, ngôi sao của nền điện ảnh câm: tất cả gợi lên ở ông sự chú ý ngang bằng nhau. Ngày qua ngày, dần dần chúng tôi bắt đầu dành cho mảng tin cáo phó phần thời gian lớn nhất của buổi sáng. Ông bắt tôi đọc lại nhiều lần một vài câu chuyện, và khi nào không có nhiều người chết lắm, ông bảo tôi đọc những mẩu tin phải trả tiền để được in bằng chữ nhỏ phía cuối trang. George Nào đó, sáu mươi chín tuổi, người chồng và người cha thân yêu, được gia đình và bạn bè vô cùng thương tiếc, chiều nay sẽ được chôn cất vào lúc mười ba giờ ở nghĩa trang Our Lady of Sorrows. Dường như không bao giờ Effing mệt mỏi với các thông báo buồn bã đó. Cuối cùng, sau hai tuần giấu giếm, ông từ bỏ hoàn toàn sự vờ vịt muốn nghe tin tức và bảo tôi bắt đầu ngay bằng trang cáo phó. Tôi không bình luận gì về sự thay đổi trật tự này, nhưng khi đã nghiên cứu xong những thông báo ấy, ông không bắt tôi đọc thêm gì nữa, tôi hiểu ra rằng cuối cùng chúng tôi đã tìm ra điều đó.
“Bây giờ chúng ta đã biết phải viết như thế nào, phải không cậu bé?” Ông tuyên bố.
“Có vẻ như vậy,” tôi trả lời. “Hẳn là chúng ta đã đọc đủ để hình dung được chúng phải thế nào.”
“Thật nặng nề, tôi hiểu. Nhưng tôi nghĩ một chút nghiên cứu là cần thiết trước khi bắt đầu dự án của chúng ta.”
“Dự án của chúng ta?”
“Đến lượt tôi rồi. Thằng ngu nào cũng có thể nhận ra điều đó.”
“Tôi không chờ đợi ông sẽ sống muôn đời, thưa ông. Nhưng ông đã sống lâu hơn phần lớn những người khác, và không có lý do gì để không tưởng tượng ông sẽ tiếp tục như vậy trong một thời gian rất dài nữa.”
“Có thể. Nhưng nếu tôi phạm sai lầm thì đó sẽ là lần đầu tiên trong đời tôi nhầm lẫn.”
“Ông nói thế đấy nhé.”
“Tôi nói những gì tôi biết. Hàng trăm dấu hiệu nhỏ báo cho tôi điều đó. Tôi bắt đầu bị thiếu thời gian rồi, và chúng ta phải bắt tay vào việc ấy trước khi quá muộn.”
“Tôi vẫn chưa hiểu.”
“Cáo phó của tôi. Giờ đây chúng ta phải làm việc đó.” “Tôi chưa từng nghe nói có ai tự viết tin cáo phó cho mình, về nguyên tắc, những người khác sẽ làm việc đó thay cho ông - sau khi ông chết.”
“Đúng, nếu họ biết. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các hồ sơ đều trống trơn?”
“Tôi hiểu ông muốn nói gì rồi. Ông muốn tập hợp một số chi tiết.”
“Chính xác.”
“Nhưng điều gì khiến ông nghĩ người ta sẽ muốn đăng?”
“Người ta đã đăng cách đây năm mươi hai năm. Tôi không thấy tại sao họ lại không nắm lấy cơ hội được bắt đầu một lần nữa.”
“Tôi không theo kịp ông.”
“Tôi đã từng chết. Người ta không đăng tin cáo phó cho người sống, phải không nào? Tôi đã từng chết, hoặc ít nhất là người ta từng tin là tôi chết.”
“Và ông không nói gì?”
“Tôi không muốn. Tôi rất hài lòng vì được chết, và một khi báo chí đã đưa tin, tôi có thể tiếp tục chết như vậy.
“Hẳn ông phải từng là một người hết sức quan trọng.” “Tôi từng hết sức quan trọng.”
“Thế thì tại sao tôi chưa bao giờ nghe nói đến ông?”
“Tôi từng có một cái tên khác. Sau cái chết của tôi, tôi bỏ nó rồi.”
“Tên gì?”
“Lố bịch lắm. Julian Barber. Tôi vẫn luôn ghét nó.”
“Tôi cũng chưa bao giờ nghe nói đến Julian Barber.”
“Lâu quá rồi, nhớ làm sao được. Điều mà tôi nói đây xảy ra đã năm mươi năm, Fogg ạ. Một chín mười sáu, một chín mười bảy. Tôi đã trượt vào bóng tối, như người ta nói ấy, và chưa bao giờ tôi quay trở lại.”
“Ông từng làm gì khi còn là Julian Barber?”
“Tôi là họa sĩ. Một họa sĩ lớn của Mỹ. Nếu tiếp tục, hẳn là tôi sẽ được công nhận là nghệ sĩ quan trọng nhất của thời tôi.”
“Với tất cả sự khiêm tốn, dĩ nhiên.”
“Tôi sẽ kể cho anh các sự kiện. Sự nghiệp của tôi ngắn ngủi quá, và tôi vẽ không đủ nhiều.”
“Tác phẩm của ông giờ ở đâu?”
“Tôi hoàn toàn không biết. Tất cả đã mất rồi, tôi nghĩ thế, tất cả đã biến mất, tan biến. Không còn liên quan đến tôi nữa rồi.”
“Thế thì tại sao ông lại muốn viết tin cáo phó?”
“Bởi vì tôi sắp chết và đến khi đó không còn quan trọng gì việc bí mật phải được giữ nữa. Người ta đã từng săm soi rất kỹ vào lần trước. Có lẽ họ sẽ có được phiên bản chính xác khi nó thực sự xảy ra.”
“Tôi hiểu rồi,” tôi nói. Tôi không hiểu gì hết.
“Chân tôi đóng một vai trò lớn trong đó, dĩ nhiên,” ông tiếp tục. “Hẳn là anh cũng băn khoăn về chúng. Mọi người đều đặt câu hỏi, hoàn toàn tự nhiên thôi. Chân tôi. Đôi chân bại liệt, vô dụng của tôi. Phải biết là khi sinh ra tôi không bị tàn tật, điều này phải thật rõ ràng ngay từ đầu. Tôi từng là một chàng trai đầy sức sống, khi còn trẻ, đầy sức lực và ranh mãnh, tôi cũng điên rồ như tất cả những người khác. Chuyện đó xảy ra ở Long Island, tại ngôi nhà lớn nơi chúng tôi đến nghỉ hè. Giờ đây chỗ đó toàn xe caravan và bãi đỗ xe, nhưng vào thời đó nơi ấy là thiên đường, chỉ có toàn cánh đồng và bãi biển, một chốn thiên giới nho nhỏ dưới mặt đất. Khi tôi đi Paris năm 1920, không cần thiết phải kể sự thật với bất kỳ ai. Những gì người ta nghĩ, dù thế nào đi nữa, cũng không mấy quan trọng. Khi mà tôi tỏ ra đầy thuyết phục, ai còn buồn quan tâm đến thực tế nữa? Tôi đã bịa ra vô số câu chuyện, mỗi câu chuyện lại hoàn thiện thêm cho câu chuyện trước đó. Tôi lôi chúng ra phục vụ cho các hoàn cảnh và tùy theo tâm trạng của tôi, thỉnh thoảng cũng thay đổi chút ít cho phù hợp, tô vẽ một đoạn này, chỉnh lại một chi tiết khác, nghịch ngợm chúng trong nhiều năm cho đến khi chúng đạt đến mức độ hoàn hảo. Những cái hay nhất chắc chắn là các câu chuyện chiến tranh, cái đó thì tôi rất lão luyện. Tôi muốn nói đến cuộc Đại chiến[16], cuộc chiến tranh lật tung mọi thứ, cuộc chiến tranh để kết thúc mọi cuộc chiến tranh. Anh phải nghe tôi miêu tả chiến hào và bùn mới thấy được. Tôi nói say sưa lắm, đầy hứng thú. Tôi có thể giải thích nỗi sợ hay hơn bất kỳ ai, những khẩu đại bác rền vang trong đêm, những khuôn mặt sợ hãi của mấy tay nhà quê Mỹ són cứt ra xà cạp. Những viên đạn pháo, tôi cứ nói tướng lên thế, hơn sáu trăm mảnh trong hai chân tôi - nói như thế đấy. Người Pháp tin tất cả những điều ấy, họ không bao giờ chán cả. Tôi còn có một câu chuyện khác nữa, về đội bay La Fayette. Tôi miêu tả nó sống động, cặn kẽ đến mức người ta sởn tóc gáy khi nghe tôi kể bị bọn Đức chó chết bắn hạ như thế nào. Chuyện đó tuyệt vời lắm, tin tôi đi, họ vẫn luôn đòi được nghe đấy. Vấn đề là phải nhớ được đã kể chuyện nào trong hoàn cảnh nào. Tôi giữ được trật tự rất tốt trong nhiều năm, tôi chắc chắn được vào việc khi gặp những ai mà mình đã kể cho nghe một lần thì không kể lại y nguyên dị bản đó nữa. Việc ấy càng trở nên kích thích hơn khi nghĩ vào bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể bị lật tẩy, bất kỳ lúc nào cũng có thể có ai đó xuất hiện đột ngột để bảo tôi là một kẻ nói dối. Nếu nói dối, lúc nào người ta cũng có nguy cơ rơi vào trong trạng thái nguy hiểm.”
“Và trong tất cả những năm đó, ông không hề kể cho ai câu chuyện thật?”
“Không một ai.”
“Cả Pavel Shum?”
“Nhất là Pavel Shum. Ông ấy chính là hiện thân của sự kín đáo. Ông ấy không bao giờ hỏi tôi, tôi không bao giờ nói gì với ông ấy.”
“Và giờ đây ông đã sẵn sàng làm điều đó?”
“Khi đến lúc, cậu bé ạ, khi đến lúc. Kiên nhẫn đi.”
“Nhưng tại sao lại cho tôi? Chúng ta mới biết nhau được vài tháng thôi mà.”
“Bởi vì tôi không có lựa chọn nào khác. Ông bạn người Nga của tôi đã chết, và bà Hume không đủ tầm cho những việc tương tự. Còn ai khác nữa hả Fogg? Dù muốn hay không, anh là thính giả duy nhất mà tôi có.”
Tôi nghĩ sáng ngày hôm sau ông sẽ nói tiếp, ông sẽ tiếp tục câu chuyện của mình từ chỗ chúng tôi dừng lại. Nếu nhìn vào những gì diễn ra vào hôm đó, điều ấy hoàn toàn lôgic, nhưng lẽ ra tôi phải biết rằng không được hy vọng gì vào lôgic từ phía Effing. Không hề ám chỉ gì tới cuộc nói chuyện ngày hôm trước, ông lao ngay vào một bài diễn văn rối beng và lẫn lộn về một người có vẻ như ngày trước ông từng biết, với những đoạn ngoại đề điên rồ chuyện này xọ sang chuyện khác, một mớ hỗn độn những hồi ức phân mảnh mà tôi không thấy chút ý nghĩa nào. Tôi gắng hết sức để theo kịp ông, nhưng dường như ông không thèm chờ đợi tôi, và khi cuối cùng tôi bén được gót ông thì lại là đã quá muộn để bắt kịp ông.
“Một gã lùn,” ông nói. “Kẻ điên khùng khốn kiếp đó có dáng vẻ của một thằng lùn. Tám mươi pound, cùng lắm là chín mươi, và trong mắt là cái nhìn sâu hoắm, xa vắng, mắt của một thằng điên, vừa phấn khích vừa bất hạnh. Đó là ngay trước khi người ta nhốt ông ấy lại, lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông ấy. Ở New Jersey. Chúa tôi, ở đó không khác gì tận cùng thế giới. Orange, Đông Orange, mẹ kiếp tên với tuổi. Edison cũng ở một trong những thành phố đó. Nhưng ông ta không biết Ralph, hẳn cũng chưa bao giờ nghe nói đến. Đồ ngu ngốc dốt nát. Quỷ tha ma bắt Edison. Quỷ tha ma bắt Edison và những cái bóng đèn dở hơi của ông ta. Ralph bảo tôi ông ấy hết tiền rồi. Người ta có thể trông chờ điều gì khác khi có tám đứa nhóc lổn nhổn trong nhà cùng với một cái tương tự gọi là vợ như thế? Tôi đã làm những gì có thể. Thời đó tôi giàu có, không có vấn đề gì về tiền bạc. Đây, tôi nói và cho tay vào túi, cầm lấy đi, không vấn đề gì đâu. Tôi không biết là bao nhiêu nữa. Một trăm đô la, hai trăm đô la. Ralph biết ơn đến mức ông ấy òa khóc, cứ đứng trước mặt tôi mà khóc như thế, nức nở như một đứa trẻ. Thật là thảm thiết. Giờ thì hình ảnh đó làm tôi muốn lộn mửa. Một trong số những con người vĩ đại của chúng ta, hoàn toàn gục ngã, chuẩn bị mất trí. Ông ấy thường kể cho tôi về những chuyến đi về phía Tây, hàng tuần hàng tuần ông ấy lang thang trong sa mạc, không gặp bất cứ ai. Ông ấy ở lại đó trong ba năm. Wyoming, Utah, Nevada, California. Thời đó vùng ấy hoang vu lắm. Không có bóng đèn cũng không có rạp chiếu phim, chắc thế đi, cũng không có những cái xe ôtô chuyên chẹt người khốn nạn đó. Ông ấy nói rằng ông ấy yêu quý người Da đỏ. Họ rất tốt với ông ấy và cho phép ông ấy ngủ trong làng của mình khi ông ấy đi qua. Thế rồi cuối cùng ông ấy suy sụp. Ông ấy mặc quần áo của người Da đỏ, bộ quần áo mà một vị tù trưởng cho ông ấy hai mươi năm trước, và đi lang thang trong bộ cánh ấy trên phố phường của New Jersey xấu xa đó. Lông chim cắm trên đầu, vòng cổ, thắt lưng, tóc dài, dao đeo bên hông, đầy đủ lệ bộ. Một con người tội nghiệp. Và, như là chưa đủ, ông ấy còn nhồi nhét vào đầu mình ý tưởng tự in tiền. Tay cầm những tờ một nghìn đô la vẽ bằng tay, với chân dung của ông ấy in trên đó - ngay chính giữa, như chân dung của một tổng thống lập quốc vậy. Một hôm ông ấy vào ngân hàng, chìa một tờ tiền đó cho thủ quỹ và đề nghị được đổi tiền. Không ai thấy chuyện đó buồn cười cả, nhất là khi ông ấy bắt đầu gây rối. Không thể có chuyện báng bổ tờ đô la chí thánh mà hy vọng thoát được. Thế là người ta lôi ông ấy ra, vẫn trong bộ quần áo Da đỏ bẩn thỉu mặc cho ông ấy đá đạp và la hét loạn xị để phản đối. Không mất nhiều thời gian lắm cho đến lúc người ta quyết định thanh toán xong xuôi ông ấy. Nơi nào đó ở bang New York, tôi nghĩ thế. Cho đến cuối đời ông ấy sống trong một trại điên, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục vẽ, tin điều ấy đi nếu anh có thể, cái thằng con hoang đó không thể dừng vẽ được. Ông ấy vẽ lên tất cả những gì rơi vào tay. Giấy, bìa cactông, bao xì gà, cả rèm cửa nữa. Và điều kỳ quặc là khi đó những tác phẩm đầu tiên của ông ấy lại bắt đầu bán được. Và giá cao nhé, đừng có nhầm, những món tiền kinh khủng cho những bức tranh mới chỉ vài năm trước còn chưa ai thèm nhìn đến. Một tay nghị sĩ chó chết nào đó của bang Montana đã bỏ mười bốn nghìn đô la để mua Moonlight - giá cao nhất mà người ta từng trả cho tác phẩm của một nghệ sĩ Mỹ còn đang sống. Nhưng Ralph và gia đình chẳng được gì từ đó cả. Vợ ông ấy sống với năm mươi đô la một năm trong một túp lều gần Catskill - ở vùng đất mà Thomas Cole vẫn có thói quen đến vẽ - và không bao giờ có tiền mua được một chiếc vé xe khách để đi thăm chồng ở trại điên. Ông ấy là một gã bé nhỏ đầu óc bấn loạn, thôi thì nói vậy, sống trong sự điên rồ thường trực, vừa gõ nhạc xuống một chiếc piano vừa vẽ những bức tranh của mình. Tôi nhìn thấy ông ấy một lần, ông ấy lao từ chiếc piano đến giá vẽ, rồi từ giá vẽ đến đàn piano, tôi sẽ không bao giờ quên được điều ấy. Chúa ơi, bây giờ tất cả những cái đó quay trở lại trong óc tôi. Bàn chải, dao, đá bọt. Quất vào, trét lên, chà xát. Nữa và nữa. Quất vào, trét lên, chà xát. Chưa từng bao giờ có điều gì tương tự. Không bao giờ. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ.” Effing dừng một chút để lấy hơi, và rồi, như vừa thoát ra khỏi trạng thái lên đồng, lần đầu tiên quay về phía tôi. “Anh nghĩ gì về điều đó? Hả cậu bé?”
“Sẽ tốt hơn nếu tôi biết được Ralph là ai,” tôi lịch sự trả lời.
“Blakelock,” Effing thì thầm với vẻ đang cố gắng chiến đấu để chế ngự cảm xúc. “Ralph Albert Blakelock.”
“Tôi không nghĩ là đã từng nghe đến tên ông ấy.”
“Anh không biết chút gì về hội họa sao? Tôi lại cứ nghĩ anh có học hành chứ. Trong trường đại học người ta dạy anh những thứ quỷ quái gì thế, hở ông Biết Tuốt?”
“Không nhiều thứ lắm. Dù sao thì cũng không có gì về Blakelock.”
“Thế thì không được. Tôi không thể tiếp tục nói với anh nếu anh không biết gì như thế này được.”
Có vẻ như là không thể làm gì để tự vệ, nên tôi im lặng chờ đợi. Một quãng dài trôi qua - hai hay ba phút, một khoảng vô tận đối với người chờ một ai đó cất tiếng. Effing để đầu gục xuống ngực, như là vì không thể làm gì được nữa, ông đã quyết định ngủ một giấc. Khi ông ngẩng đầu lên, tôi đã hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tin mình bị đuổi việc. Tôi chắc chắn rằng, nếu không cảm thấy bị lệ thuộc vào tôi, thì hẳn ông đã đuổi tôi đi rồi.
“Đi vào bếp,” cuối cùng ông nói, “bảo bà Hume đưa ít tiền để đi tàu điện ngầm. Sau đó mặc áo choàng đi găng tay và ra khỏi cửa. Đi thang máy xuống mặt đất, ra khỏi nhà, và đi bộ cho đến bến tàu điện ngầm gần nhất. Khi đã ở đó, đi vào bến và mua hai vé. Nhét một vé vào túi áo. Nhét vé kia vào máy soát, xuống cầu thang, và đi đường số một theo hướng Nam cho đến phố Bảy mươi hai. Xuống phố Bảy mươi hai, đi qua ke tàu, và đợi chuyến tàu tốc hành nội đô - số hai hoặc ba, tàu nào cũng được. Ngay khi nó đến, ngay khi cửa tàu mở, trèo lên và tìm một chỗ ngồi. Qua giờ cao điểm rồi, anh sẽ không gặp khó khăn gì đâu. Tìm một chỗ ngồi và không nói câu nào, không nói chuyện với ai. Rất quan trọng đấy. Từ lúc anh rời khỏi đây cho đến lúc anh về, tôi muốn anh không được mở miệng nói một câu. Không một lời nào hết. Nếu có ai nói với anh thì cứ giả vờ là người câm điếc. Khi mua vé ở quầy, giơ hai ngón tay lên để người ta hiểu anh muốn gì. Khi đã ngồi vào ghế trên tàu tốc hành nội đô, ngồi nguyên ở đó cho đến Grand Army Plaza ở Brooklyn. Chuyến đi sẽ mất từ ba mươi đến bốn mươi phút. Trong thời gian đó, tôi muốn anh nhắm mắt. Cố suy nghĩ ít nhất có thể được - đừng nghĩ gì hết nếu có thể - nếu như thế là đòi hỏi quá nhiều, thì hãy nghĩ đến đôi mắt của anh và cái khả năng kỳ diệu mà anh sở hữu là ngắm nhìn thế giới. Hãy tưởng tượng điều sẽ xảy đến với anh nếu anh không thể nhìn được nó. Hãy tưởng tượng rằng anh đang nhìn cái gì đó dưới những ánh sáng khác nhau, những ánh sáng khiến chúng ta nhìn được thế giới: ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, ánh đèn điện, những ngọn nến, đèn nê ông. Lựa chọn một cái gì đó đơn giản, thông thường. Chẳng hạn một hòn đá, hoặc một khu rừng nhỏ. Suy nghĩ thật kỹ về cách thức vật đó thay đổi khi nó được đặt dưới các loại ánh sáng kia. Không nghĩ đến cái gì khác cả, nếu anh không thể không nghĩ ngợi gì. Khi tàu điện ngầm đến Grand Army Plaza, mở mắt ra. Ra khỏi tàu và lên cầu thang. Từ đó tôi muốn anh đi đến Bảo tàng Brooklyn. Nó nằm ở Eastern Parkway, không quá năm phút đi bộ từ lối ra của bến tàu điện ngầm. Đừng hỏi đường. Ngay cả nếu như anh bị lạc đường, tôi cũng không muốn anh nói chuyện với ai. Chắc chắn cuối cùng anh cũng sẽ tìm được nó, không khó đâu. Bảo tàng đó là một tòa nhà lớn bằng đá, do McKim, Mead và White thiết kế, đó là các kiến trúc sư đã xây nên cái trường đại học đã cấp bằng cho anh. Hẳn anh sẽ thấy phong cách của nó quen thuộc. Nhân tiện, Stanford White đã bị một tay tên là Henry Thaw bắn chết trên mái nhà Madison Square Garden. Chuyện đó xảy ra vào năm một chín bao nhiêu đó, bởi vì White đã làm một số việc không nên làm với bà Thaw. Thời ấy, chuyện đó lên trang nhất báo chí, nhưng đó không phải chuyện của anh. Anh chỉ cần tìm ra bảo tàng thôi. Khi đã ở đó, trèo lên cầu thang, vào sảnh lớn và trả tiền vé vào cửa cho người mặc đồng phục ngồi sau quầy tính tiền. Tôi không biết giá vé là bao nhiêu, nhưng không quá một hay hai đô la đâu. Anh có thể xin bà Hume số tiền đó cùng với tiền đi tàu điện ngầm. Nhớ là khi trả tiền không được nói gì. Tất cả phải diễn ra trong im lặng. Tìm tầng trưng bày các bộ sưu tập thường kỳ hội họa Mỹ và đi vào gallery đó. Cố gắng đừng nhìn cái gì từ khoảng cách quá gần. Trong phòng thứ hai hoặc thứ ba, anh sẽ tìm thấy trên một bức tường bức Moonlight của Blakelock, và hãy dừng lại ở đó. Nhìn bức tranh đó. Nhìn bức tranh đó trong vòng ít nhất một giờ, bỏ qua tất cả những cái khác trong phòng. Tập trung vào. Nhìn nó từ các khoảng cách khác nhau - mười feet, hai feet, một inch. Nghiên cứu bố cục chung của nó, nghiên cứu các chi tiết của nó. Không ghi chép gì hết. Xem liệu anh có nhớ được hết tất cả các yếu tố của bức tranh không, học thuộc thật chính xác vị trí các nhân vật, các đồ vật tự nhiên, màu sắc của mỗi điểm trên toan. Nhắm mắt lại để xem đã nhớ chưa. Mở mắt ra. Xem liệu anh đã xâm nhập được phong cảnh nằm trước mặt anh đó chưa. Xem liệu anh có xâm nhập được đầu óc của người nghệ sĩ đã vẽ bức phong cảnh nằm trước mặt anh đó chưa. Tưởng tượng rằng anh là Blakelock, chính anh đang vẽ bức tranh đó. Sau một giờ, nghỉ một chút. Đi dạo một chút trong gallery, nếu anh muốn xem các bức tranh khác. Rồi quay lại với Blakelock. Đứng trước đó mười lăm phút nữa, thả mình vào trong đó như thể trên toàn thế giới chỉ tồn tại bức tranh ấy thôi. Xong rồi thì rời khỏi đó. Đi qua bảo tàng, ra ngoài, đi bộ ra đến bến tàu điện ngầm. Bắt chuyến tốc hành về đến Manhattan, đổi tàu ở phố Bảy mươi hai, và quay trở về đây. Trong suốt chuyến về, làm giống như lúc đi: nhắm mắt lại, không nói chuyện với ai. Nghĩ đến bức tranh. Thử nhìn nó trong óc. Thử nhớ lại nó; thử bám vào nó lâu nhất có thể được. Đã rõ ràng chưa?”
“Tôi nghĩ là rồi,” tôi trả lời. “Còn gì khác không?”
“Không có gì khác. Nhưng hãy nhớ: nếu anh không làm chính xác những gì tôi vừa nói, tôi sẽ không bao giờ nhìn mặt anh nữa.”
Tôi nhắm chặt mắt trong tàu điện ngầm, nhưng thật khó để không nghĩ ngợi gì. Tôi cố tập trung chú ý vào một viên sỏi, nhưng ngay điều đó cũng khó hơn người ta tưởng. Quanh tôi có quá nhiều tiếng động, quá nhiều người nói chuyện và xô đẩy tôi. Thời ấy trong toa tàu còn chưa có loa thông báo ga đến, và tôi phải dùng trí óc để phán đoán mình đang ở đâu, dùng các ngón tay để đếm số ga: trừ một, còn mười bảy; trừ hai, còn mười sáu. Cám dỗ lớn nhất là những cuộc trò chuyện của các hành khách ngồi quanh tôi. Giọng nói của họ cứ len vào, tôi không thể ngăn cản được. Mỗi khi nghe thấy một giọng nói mới, tôi lại muốn mở mắt xem nó thuộc về người như thế nào. Ý muốn đó gần như không thể cưỡng lại. Ngay khi nghe một ai đó nói, chúng ta sẽ tưởng tượng ra vẻ ngoài của anh ta. Trong vài giây chúng ta hút lấy đủ loại thông tin đặc trưng: giới tính, tuổi tác áng chừng, tầng lớp xã hội, quê quán và thậm chí cả màu da. Khi mắt nhìn được, chúng ta có phản ứng tự nhiên là liếc nhìn để so sánh hình ảnh trong tâm trí đó với thực tế. Thường thì chúng khá tương hợp với nhau, nhưng chúng ta cũng có thể nhầm lẫn theo cách hết sức đáng ngạc nhiên: các giáo sư đại học nói năng như tài xế xe tải hạng nặng, những cô bé lại hóa ra là các bà già. Da đen lại hóa ra là da trắng. Tôi không thể ngăn mình nghĩ đến tất cả những điều ấy trong khi tàu điện ngầm lao đi trong bóng tối. Trong khi tự buộc mình phải nhắm mắt, tôi bắt đầu thèm khát được nhìn thế giới, và sự thèm khát này làm cho tôi nhận ra mình đang suy nghĩ đến việc bị mù nghĩa là như thế nào, đúng là điều mà Effing chờ đợi ở tôi. Tôi tiếp tục suy nghĩ theo hướng đó trong nhiều phút nữa. Khi ấy, trong một nỗi sợ bất chợt, tôi nhận ra mình đã quên đếm số ga. Nếu không nghe thấy một người phụ nữ hỏi một người khác có phải bến sắp tới là Grand Army Plaza thì hẳn là tôi đã ngồi tiếp trên tàu cho đến tận đầu kia của Brooklyn.
Đó là một buổi sáng mùa đông, bảo tàng gần như không có ai. Sau khi trả tiền vé ở quầy thu tiền, tôi giơ sáu ngón tay cho người gác thang máy và im lặng đi lên. Hội họa Mỹ nằm ở tầng sáu, và ngoài một người gác thiu thiu ngủ ở phòng thứ nhất, cả khu chỉ có một mình tôi. Tôi rất hài lòng với điều này, như thể bằng một cách nào đó chuyện ấy làm tăng thêm độ trang trọng của dịp này. Tôi đi qua nhiều căn phòng không bóng người trước khi tìm được Blakeblock, vừa phải cố gắng theo lệnh của Effing, không nhìn những bức tranh khác trên tường. Tôi nhìn thấy vài mảng màu, ghi nhận vài cái tên - Church, Bierstadt, Ryder - nhưng đấu tranh cưỡng lại ham muốn thực thụ được ngắm nhìn chúng. Cuối cùng tôi đến được trước bức Moonlight, mục đích cuộc du hành kỳ lạ và được chuẩn bị kỹ càng, và trong cú sốc của khoảnh khắc đầu tiên, tôi không thể ngăn mình cảm thấy thất vọng. Tôi không biết mình chờ đợi điều gì - một cái gì đó kỳ vĩ, có thể, một khai triển dữ dội và chói lòa tài năng ngay ở vẻ bên ngoài - nhưng rõ ràng là không phải bức tranh nhỏ bé trước mặt tôi. Nó chỉ có kích cỡ hai mươi bảy inch nhân ba mươi hai inch và thoạt nhìn thì dường như không hề có màu sắc: màu nâu đậm, xanh thẫm, một mảng đỏ nhỏ bé ở một góc. Hẳn là nó được vẽ rất khéo, nhưng không hề sở hữu cái vẻ kịch tính thấy rõ mà tôi đã nghĩ là Effing cảm thấy bị cuốn hút. Có thể là tôi thất vọng vì bức tranh ít hơn là thất vọng về chính mình, vì đã không hiểu rõ ý của Effing. Đây là một tác phẩm đòi hỏi phải chiêm ngưỡng thật sâu, một cảnh trí nội tâm yên bình, và tôi bối rối với ý nghĩ ông chủ điên rồ của tôi hiểu được gì từ đó.
Tôi gắng sức gạt Effing khỏi suy nghĩ, lùi lại một hay hai bước và bắt đầu ngắm nhìn bức tranh cho chính mình. Một mặt trăng nhỏ tròn vành vạnh nằm chính giữa toan - tôi thấy đúng ở trung tâm theo nghĩa toán học - và sự nhợt nhạt của cái đĩa màu trắng này rọi sáng tất cả những gì nằm phía trên và phía dưới: bầu trời, một cái hồ, một cái cây lớn cành lá chằng chịt, và những ngọn núi thấp ở chân trời. Ở tiền cảnh, người ta nhìn thấy hai vùng đất nhỏ, ngăn cách bởi một dòng suối. Trên bờ trái là một túp lều của người Da đỏ và một ngọn lửa trại; quanh đống lửa đó, có vài người đang ngồi, nhưng rất khó nhìn rõ mặt, đó chỉ là những hình ảnh con người nhạt nhòa, có thể là năm hoặc sáu người, mặt ửng đỏ vì phản chiếu của than hồng; bên phải cái cây lớn, tách biệt hẳn với những người khác, một người kỵ sĩ đơn độc ngắm nhìn bờ hồ bên kia - trong sự im lìm tuyệt đối, như thể chìm vào một suy tư sâu thẳm. Cái cây nằm sau lưng ông ta lớn hơn ông ta từ mười lăm đến hai mươi lần, và sự tương phản khiến ông ta trở nên nhỏ xíu, không chút quan trọng. Ông ta và con ngựa chỉ là những bóng hình, những cái bóng đen không độ dày cũng như tính cách cá nhân. Ở bờ đối diện, mọi thứ còn sẫm màu hơn, gần như chìm hẳn vào trong bóng tối. Có vài cái cây nhỏ, cùng những cành lá rậm rạp chằng chịt như cái cây lớn, và rồi, tận phía dưới, một điểm màu rất khó nhìn mà tôi thấy dường như có thể để thể hiện một nhân vật khác (đang nằm ngửa - có thể là đang ngủ, có thể đã chết, hoặc có thể là đang ngắm nhìn đêm) hoặc là vết tích của một đống lửa khác, tôi không thể xác quyết được. Tôi chìm sâu vào việc nghiên cứu những chi tiết tối tăm nằm ở phần dưới của bức tranh đến nỗi khi cuối cùng ngẩng đầu lên để xem xét bầu trời một lần nữa, tôi bị sốc vì thấy mọi thứ ở phần trên bức tranh tươi sáng đến bao nhiêu. Ngay cả khi chỉ chú mục vào vầng trăng tròn trặn, bầu trời vẫn có vẻ quá lộ liễu. Dưới lớp men rạn phủ trên bề mặt, bức tranh bừng sáng với một cường độ siêu nhiên, và cái nhìn của tôi càng di chuyển xa hơn về phía chân trời, cái ánh sáng đó càng mạnh thêm lên - như thể ở đó trời đã sáng, và những ngọn núi đã được mặt trời chiếu rọi. Khi nhận ra điều này, tôi cũng bắt đầu thấy thêm đủ thứ khác nữa trong bức tranh. Chẳng hạn như bầu trời về tổng thể mang một sắc xanh lá cây nhạt. Được tô điểm bởi màu vàng chạy theo viền những đám mây, nó quay cuồng xung quanh cái cây lớn, với những nét vẽ mạnh tay trông nó có dáng vẻ của một cầu thang xoáy ốc, một xoáy nước làm từ chất liệu bầu trời ở nơi tận cùng không gian. Làm thế nào mà bầu trời lại có thể mang màu xanh lá cây? tôi tự hỏi. Đó cũng là màu của cái hồ phía dưới, và có vẻ như điều này là không thể. Trừ trong thời khắc đen tối nhất của đêm tối nhất, bầu trời và mặt đất luôn luôn khác nhau. Rõ ràng Blakelock là một họa sĩ quá ư lành nghề để có thể không biết điều đó. Nhưng nếu như không phải là ông cố tái hiện một phong cảnh có thực, thì đâu là chủ ý của ông? Tôi cố hết sức để tìm kiếm câu trả lời, nhưng màu xanh lá cây của bầu trời ngăn cản tôi làm được việc đó. Một bầu trời mang cùng màu sắc với mặt đất, một màn đêm giống với ban ngày, và tất cả các nhân vật bị thu nhỏ thành những chú lùn bởi sự hùng vĩ của cảnh vật - chỉ còn là những bóng hình không rõ ràng, những nét ký hiệu đơn giản của cuộc sống. Tôi không muốn sa đà quá sớm vào một sự diễn giải mang tính biểu tượng, nhưng trước các bằng chứng hiển nhiên của bức tranh, tôi nghĩ mình không có lựa chọn nào khác. Mặc cho vẻ bé nhỏ so với khung cảnh chung, những người Da đỏ không có dấu hiệu nào của sợ hãi hay lo lắng. Họ thoải mái trong môi trường của mình, yên ổn với nhau và với thế giới, và càng nghĩ về điều này, tôi càng thấy sự thanh thản đó ngự trị bức tranh. Tôi tự hỏi không biết liệu có phải Blakelock vẽ bầu trời màu xanh để nhấn mạnh thêm sự hài hòa ấy, để chỉ ra sự kết nối giữa trời và đất. Nếu con người có thể sống thoải mái trong môi trường của mình, hẳn ông gợi ý như vậy, nếu họ có thể học được cách cảm nhận mình là một phần của những gì vây quanh, cuộc sống trên trái đất hẳn sẽ mang một cảm giác thật thánh thiện. Tôi chỉ đoán vậy thôi, dĩ nhiên, nhưng tôi có cảm giác Blakelock vẽ một khung cảnh điền viên nước Mỹ, cái thế giới của người Da đỏ trước khi người da trắng kéo đến hủy hoại nó đi. Tấm bảng gắn trên tường cho biết bức tranh được vẽ vào năm 1885. Nếu tin được vào trí nhớ của tôi, điều này trùng hợp gần như chính xác tuyệt đối với giai đoạn nằm giữa trận đánh cuối cùng của Custer và vụ thảm sát Wounded Knee[17] - nghĩa là gần như ở thời điểm kết thúc, khi đã quá muộn để có thể hy vọng điều gì đó trong số những thứ này sống sót được. Có thể, tôi tự nhủ, tác phẩm này được hình dung như một lời chứng về những gì chúng ta đã mất đi. Đó không phải là một bức tranh phong cảnh, đó là một hình thức tưởng niệm, một khúc tang lễ dành cho một thế giới biến mất.
Tôi ở lại bên bức tranh đó hơn một giờ đồng hồ. Tôi lùi ra xa, tôi tiến lại gần, dần dần tôi thuộc lòng nó. Tôi không chắc đã khám phá được điều mà Effing nghĩ là tôi sẽ khám phá, nhưng khi rời khỏi bảo tàng tôi biết rằng mình đã học được điều gì đó, ngay cả khi tôi còn chưa biết đó là điều gì. Tôi kiệt sức, toàn thân bải hoải. Trong chuyến quay trở về trên tàu tốc hành, phải gắng sức lắm tôi mới không ngủ thiếp đi.
Đúng ba giờ, tôi về đến nhà Effing. Theo lời bà Hume, ông già đang nằm nghỉ. Vì chưa bao giờ ông ngủ trưa vào giờ này, tôi kết luận ông đang không muốn nói chuyện với tôi. Thật là tốt. Tôi cũng không muốn nói chuyện với ông. Tôi uống một tách cà phê trong bếp cùng bà Hume, rồi ra khỏi căn hộ, mặc lại áo choàng và lấy xe bus đi về hướng Morningside Heights. Tôi có hẹn với Kitty vào lúc tám giờ, và trong khi chờ đợi tôi muốn tìm kiếm một chút trong thư viện nghệ thuật Columbia. Tôi nhận ra là có rất ít thông tin về Blakelock: vài bài báo đây đó, một số catalô cũ kỹ, không nhiều nhặn gì. Tuy nhiên, khi tập hợp tất cả các thông tin đó lại tôi cũng hiểu ra được rằng Effing đã không nói dối tôi. Tôi cũng đến đây chủ yếu vì mục đích ấy. Ông hơi nhầm lẫn một chút trong một số chi tiết, trong tiến trình của các sự kiện, nhưng tất cả những gì quan trọng đều đúng. Cuộc đời Blakelock hết sức khốn khó. Ông bệnh tật, điên khùng, bị người ta lãng quên. Trước khi bị nhốt vào nhà thương điên, quả thực ông đã tự mình vẽ những tờ giấy bạc ngân hàng với chân dung của chính ông trên đó - không phải những tờ một nghìn đô la như Effing đã kể, mà là một triệu đô la, một số tiền vượt ra ngoài tất cả mọi tưởng tượng. Bé nhỏ đến khó tin (cao chưa đến năm feet, nặng dưới chín mươi pound), là bố của tám đứa con, thời trẻ ông đã đi qua khắp miền Tây và sống giữa những người Da đỏ - tất cả những chuyện này đều đúng. Tôi đặc biệt hứng thú khi biết rằng một số tác phẩm đầu tiên của ông, hồi những năm 1870, được vẽ tại Công viên Trung tâm. Ông đã tái hiện những túp lều ở đó khi công viên vừa xây xong, và khi nhìn thấy những bức tranh chép các khung cảnh nông thôn ấy tại một nơi đã từng là New York, tôi không thể tự ngăn mình nghĩ đến khoảng thời gian đáng buồn của bản thân tôi ở đó. Tôi cũng được biết rằng Blakelock đã dành những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời sáng tạo của mình để vẽ ánh trăng. Có hàng chục bức giống với bức mà tôi đã khám phá ở Bảo tàng Brooklyn: cùng khu rừng, cùng mặt trăng, cùng sự im lặng. Trong những bức tranh ấy trăng bao giờ cũng tròn, và giống hệt nhau: một đường vòng cung nhỏ rất tròn trịa, ngay chính giữa bức tranh, từ đó tỏa ra một thứ ánh sáng trắng nhợt nhạt. Sau khi tôi xem được năm hoặc sáu bức, chúng dần bắt đầu tách biệt khỏi không gian của mình, và tôi không còn nhìn thấy mặt trăng ở đó nữa. Chúng trở thành các lỗ thủng trong bức tranh, những cái hố trắng dẫn sang một thế giới khác. Con mắt của Blakelock, có lẽ. Một đường tròn trống rỗng treo lơ lửng trong không trung, chiêm ngưỡng những điều đã mất đi.
Sáng hôm sau, Effing có vẻ đã sẵn sàng để bắt tay vào việc. Không một lời ám chỉ tới Blakelock lẫn Bảo tàng Brooklyn, ông bảo tôi sang bên Broadway mua một quyển sổ và một cái bút. “Đến lúc rồi đây,” ông tuyên bố, “đã đến lúc nói ra sự thật. Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu viết.”
Ngay khi quay về đến nhà, tôi ngồi lại xuống sofa, mở trang đầu quyển vở và đợi ông bắt đầu. Tôi cho rằng ông sẽ tiến hành theo kiểu trước hết cho tôi vài sự kiện và con số - ngày sinh của ông, tên bố mẹ ông, các trường mà ông đã học - và sau đó chuyển sang những điều quan trọng hơn. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Ông chỉ đơn giản là cất giọng nói, và chúng tôi ngay lập tức chui tọt vào chính giữa câu chuyện của ông.
“Ralph cho tôi ý tưởng đó,” ông nói, “nhưng Moran mới là người thúc đẩy tôi. Ông già Thomas Moran, với bộ râu trắng và cái mũ rơm. Thời đó ông ấy sống ở điểm mút của Island, vẽ cái eo biển trên những bức tranh màu nước. Những đụn cát và cỏ, những con sóng và ánh sáng, toàn bộ cái thứ mẹo vặt đồng quê ấy. Giờ thì hàng đống họa sĩ đến đó, nhưng ông ấy là người đầu tiên, chính ông ấy đã mở đầu trào lưu. Vì lẽ đó mà tôi tự đặt cho mình cái tên Thomas khi quyết định đổi tên. Để vinh danh ông ấy.
Effing thì lại là một chuyện khác, phải mất một thời gian tôi mới nghĩ đến nó. Anh sẽ có thể tự tìm hiểu. Đó là một trò chơi chữ.
“Khi ấy tôi còn trẻ. Hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, thậm chí còn chưa lấy vợ. Tôi có một ngôi nhà ở phố Mười hai, New York, nhưng phần lớn thời gian tôi ở Island. Tôi thích ở đó, đó là nơi tôi vẽ những bức tranh và mơ những giấc mơ của mình. Giờ thì khu đất đã biến mất, nhưng anh còn muốn gì nào? Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, mà mọi thứ thì thay đổi, như người ta vẫn hay nói đấy. Sự tiến bộ. Các bungalow và xe caravan đến chiếm chỗ, mỗi thằng đần lái một cái xe riêng. Hallelujah.
“Thành phố tên là Shoreham. Giờ vẫn tên là Shoreham, theo như tôi được biết. Anh đang viết đấy chứ? Tôi sẽ không nhắc lại đâu, thế nên nếu anh không ghi lại thì tất cả sẽ vĩnh viễn biến đi. Hãy nhớ điều này, cậu bé ạ. Nếu anh không làm công việc của anh thì tôi sẽ giết anh. Tôi sẽ tự tay bóp cổ anh.
“Thành phố tên là Shoreham. Sự tình cờ đã khiến Tesla xây dựng Wardenclyffe Tower của mình ở đó. Tôi đang nói đến những năm 1901, 1902, Hệ thống Không dây Quốc tế. Hẳn là anh chưa bao giờ nghe nói đến cái đó đâu. Dự án có được sự hậu thuẫn của J. P. Morgan về tài chính, và chính Stanford White là người vẽ mẫu công trình. Hôm qua chúng ta đã ám chỉ đến ông ấy. Ông ấy đã bị giết trên nóc tòa nhà Madison Square Garden, và công trình bị bỏ xó. Nhưng di chứng vẫn còn lại trong vòng mười lăm hoặc mười sáu năm nữa, cao hai trăm feet, từ bất kỳ đâu cũng có thể nhìn thấy. Khổng lồ. Một dạng rô bốt lính gác cai quản khu vực xung quanh. Nó làm tôi nghĩ đến tháp Babel: những chương trình phát thanh bằng mọi thứ ngôn ngữ, toàn bộ cái thế giới khốn kiếp này trao đổi những câu chuyện tầm phào, ngay tại thành phố nơi tôi sống. Cuối cùng công trình bị phá hủy trong Thế chiến thứ nhất. Người ta vu cho nó là căn cứ gián điệp của Đức để có cớ đập nó đi. Dù sao thì khi ấy tôi cũng đã đi khỏi đó, việc này chẳng còn can hệ gì đến tôi nữa. Mà nếu có còn ở lại thì tôi cũng sẽ chẳng khóc thương nó. Rồi tất cả cũng sẽ sụp đổ mà thôi, tôi nói vậy đấy. Rồi tất cả cũng sẽ sụp đổ và biến mất, một lần cho tất cả.
“Lần đầu tiên tôi gặp Tesla là vào năm 1893. Khi ấy tôi mới chỉ là một thằng nhóc, nhưng tôi còn nhớ rất rõ ngày tháng. Triển lãm Colombus mở ở Chicago và bố tôi dẫn tôi đến đó bằng tàu hỏa, đó là lần đầu tiên tôi rời khỏi nhà. Ý tưởng chung là kỷ niệm bốn trăm năm ngày Colombus khám phá châu Mỹ. Trưng bày toàn bộ các vật dụng, các sáng chế, cho thấy các bác học của chúng ta khôn lanh đến mức nào. Hai mươi lăm triệu người đã đến tham quan cái đó, giống như là đi xem xiếc. Ở đó người ta được nhìn thấy cái phecmơtuya đầu tiên, bánh xe Ferris đầu tiên, tất cả những thứ kỳ quan của thời đại mới. Tesla chịu trách nhiệm khu Westinghouse, mà người ta gọi là Quả trứng Colombus, và tôi còn nhớ là khi bước vào nhà hát đã nhìn thấy, người đàn ông cao lớn vận bộ tuxedo màu trắng đó, đang đứng trên sân khấu, nói với cử tọa bằng một âm điệu kỳ cục - âm điệu Serbia, sau này tôi sẽ biết - và bằng cái giọng sầu thảm nhất mà anh từng nghe thấy trên đời. Ông biểu diễn nhiều trò ảo thuật dựa vào dòng điện: những quả trứng kim loại nhỏ quay xung quanh bàn, vừa chuyển động vừa quay quanh trục của chúng, những ngón tay ông bắn ra tia sáng, và tất cả mọi người đều há hốc mồm ngạc nhiên, cả tôi nữa, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy cái gì tương tự. Đó là thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh dòng điện một chiều-dòng điện xoay chiều giữa Edison và Westinghouse, và trò biểu diễn của Tesla mang một giá trị quảng bá nhất định. Khoảng mười năm trước đó, Tesla đã phát hiện dòng điện xoay chiều - từ trường quay - và đó là một tiến bộ lớn so với dòng điện một chiều mà Edison sử dụng. Mạnh hơn rất nhiều. Với dòng điện một chiều, cứ một hoặc hai dặm lại cần một trạm phát; với dòng điện xoay chiều, chỉ cần một trạm phát cho toàn bộ một thành phố. Khi Tesla đến Mỹ, ông đã tìm cách bán ý tưởng của mình cho Edison, nhưng gã khốn kiếp ở Menlo Park[18] đó đã giở trò. Lão ta sợ cái bóng đèn của mình sẽ bị lạc hậu. Chúng ta lại quay lại với nó đây, cái bóng điện tởm lợm ấy. Thế là Tesla bèn bán dòng điện xoay chiều của ông cho Westinghouse, và họ đã tiến trước một bước, họ bắt đầu xây dựng nhà máy ở chỗ thác Niagara, nhà máy điện lớn nhất nước. Edison lao vào cuộc chiến. Dòng điện xoay chiều quá nguy hiểm, lão ta khẳng định, nó có khả năng giết chết những ai lại gần. Để chứng minh điều mình vừa nói, lão gửi người đi biểu diễn tại tất cả các hội chợ quốc gia hoặc vùng trên toàn quốc. Tôi từng có mặt tại một buổi trình diễn đó khi còn nhỏ xíu, và tôi đã tè ra quần. Họ mang những con thú lên trên bục để gí điện chúng. Những con chó, những con lợn, cả những con bò nữa. Họ giết tươi chúng ngay trước mắt anh luôn. Chính bằng cách ấy mà người ta đã phát minh ra ghế điện. Edison đã nghĩ ra cái thứ đó để chứng tỏ sự nguy hiểm của dòng điện xoay chiều, và rồi sau đó lão ta đã bán nó cho nhà tù Sing Sing, đến giờ tại đó người ta vẫn còn sử dụng đấy. Thật là duyên dáng, phải không nào? Nếu thế giới không đẹp đẽ đến thế này, hẳn là tất cả chúng ta đều có nguy cơ trở thành những kẻ vô sỉ.
“Quả trứng Colombus đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh cãi này. Quá nhiều người đã nhìn thấy Tesla, điều đó đã làm cho họ yên tâm. Ông ấy điên rồ, dĩ nhiên, nhưng ít nhất thì cũng không bị tiền làm mờ mắt. Vài năm sau, Westinghouse gặp khó khăn về tài chính, và Tesla đã xé bản hợp đồng quy định các khoản tiền họ phải trả cho ông ấy, như một cử chỉ bày tỏ tình bạn. Hàng triệu hàng triệu đô la. Ông ấy chỉ đơn giản là xé tan nó, và chuyển sang một công việc khác. Cũng khỏi cần nói thêm là ông ấy đã chết trong tình trạng không một xu dính túi.
“Ngay khi nhìn thấy ông ấy, tôi bắt đầu đọc tất cả những gì báo chí kể về Tesla. Thời ấy lúc nào cũng có gì đó để nói về ông ấy: những bài phóng sự về các phát minh mới nhất, trích dẫn những lời tuyên bố kỳ quặc mà ông ấy thốt ra cho những ai muốn nghe ông ấy nói. Đó là một chủ đề bằng vàng. Một bóng ma không tuổi tác, sống một mình ở Waldort: nỗi hãi hùng chết chóc dành cho những con vi trùng, tê liệt bởi tất cả những nỗi sợ bệnh hoạn có thể có, thường xuyên rơi vào những cơn kịch phát liên quan đến thần kinh khiến cho ông ấy gần như bị điên hẳn. Tiếng vo ve của một con ruồi ở phòng bên cạnh với ông ấy cũng ồn ào ngang với cả một phi đội máy bay tiêm kích. Nếu bước đi dưới một cây cầu, ông ấy sẽ cảm thấy sức nặng của nó trên đầu mình, như thể ông ấy sẽ bị nó đổ xuống đè lên. Phòng thí nghiệm của ông ấy nằm ở khu hạ Manhattan, ở West Broadway, tôi nghĩ vậy, đoạn West Broadway giao với phố Grand. Chúa mới biết ông ấy đã không phát minh ra cái gì ở chỗ đó. Các ống điện từ cho radio, ngư lôi điều khiển từ xa, một dự án về điện không dây. Đúng thế đấy nhé, không dây. Người ta chôn xuống đất một cây cột kim loại để hút trực tiếp năng lượng của bầu khí quyển. Một hôm, ông ấy tuyên bố đã phát minh ra một cái máy sóng âm dồn tụ được hết các xung lực của trái đất và tập trung chúng lại tại một điểm nhỏ xíu. Ông ấy đã gắn nó lên tường một tòa nhà ở Broadway, thế là trong vòng chưa đầy năm phút toàn bộ kết cấu nhà bắt đầu rung chuyển, và sẽ đổ sụp nếu ông ấy không dừng tay. Khi còn nhỏ tôi rất thích đọc những câu chuyện đó, đầu óc tôi thấm đẫm chúng. Người ta tha hồ tưởng tượng đủ mọi thứ về Tesla. Ông xuất hiện như một nhà tiên tri đến từ thời tương lai, và không một ai có thể cưỡng lại trước ông. Sự chinh phục hoàn toàn tự nhiên! Một thế giới nơi tất cả các giấc mơ đều là có thể! Đỉnh cao của sự phi lý thuộc về một người tên là Julian Hawthorne, chính là con trai Nathaniel Hawthorne, nhà văn lớn của Mỹ. Julian. Đó cũng là tên tôi, nếu anh còn nhớ, và vậy là tôi dõi theo tác phẩm của anh chàng Hawthorne trẻ tuổi với một mức độ quan tâm cá nhân riêng. Khi ấy ông ta là một nhà văn rất thành công, một bôi sĩ thực thụ, viết dở ngang với mức hay của ông bố. Một mẫu người tệ hại. Cứ tưởng tượng mà xem, lớn lên với Melville và Emerson trong nhà, thế mà lại thành ra như vậy. Ông ta đã viết hơn năm mươi cuốn sách, hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí, tất cả đều xứng đáng vứt vào sọt rác. Có lúc ông ta còn phải vào tù vì một trò gian lận chứng khoán nào đó, ông ta đã lừa gạt nhân viên ngành thuế, tôi quên mất các chi tiết rồi. Dù thế nào đi nữa thì cái tay Julian Hawthorne này cũng từng là một người bạn của Tesla. Năm 1899, cũng có thể là 1900, Tesla đi Colorado Springs để dựng một phòng thí nghiệm trên núi nhằm nghiên cứu tác động của sét hòn. Một đêm, ông ấy làm việc muộn và quên tắt máy nhận. Những tiếng ồn kỳ lạ vang lên từ trong cái máy. Dòng điện tĩnh, tín hiệu điện đàm, ai biết được? Khi Tesla kể lại chuyện này cho các phóng viên vào ngày hôm sau, ông ấy vờ vịt rằng điều này chứng tỏ sự tồn tại của một thứ trí tuệ sống động trong không gian, rằng mấy tên người sao Hỏa điên khùng đã nói chuyện với ông ấy. Dù anh có tin hay không, thì khi đó cũng không có ai cười lời khẳng định này. Bản thân Lord Kelvin, khi say sưa trong một bữa tiệc, cũng đã nói rằng đó là một trong những phát minh khoa học vĩ đại nhất của mọi thời. Không lâu sau sự cố đó, Julian Hawthorne viết một bài báo về Tesla đăng trên một tạp chí phát hành cả nước. Tesla sở hữu một trí tuệ cao cấp đến nhường ấy, ông ta viết thế, nên đó không thể nào là một con người được. Sinh ra tại một hành tinh khác - tôi tin đó là sao Kim - ông đã được phái đến Trái đất trong một sứ mạng đặc biệt, dạy cho chúng ta các bí mật của thiên nhiên, để hé lộ cho con người những con đường của Chúa. Cả ở đây nữa, có thể nghĩ rằng người ta sẽ cười cợt, nhưng hoàn toàn không đâu nhé. Phần lớn coi điều này là hết sức nghiêm túc, và ngay cả giờ đây, sáu mươi, bảy mươi năm đã qua, vẫn còn hàng nghìn người tin vào điều này. Ngày nay, ở Califomia, Tesla được thờ phụng cung kính với tư cách là người ngoài hành tinh. Anh không cần phải tin lời nói của tôi đâu. Ở đây tôi có một ít những gì họ viết ra, tự anh cũng có thể xem. Pavel Shum đã đọc chúng cho tôi vào những ngày mưa. Cả một mớ om sòm. Cười đến trật quai hàm được.
“Tôi kể cho anh tất cả những chuyện đó là để anh có một ý tưởng về việc với tôi ông ấy là hiện thân của điều gì. Tesla, đó không phải là bất kỳ ai, và khi ông ấy đến Shoreham xây dựng tòa nhà tôi gần như không thể tin nổi vào vận may của mình. Con người vĩ đại, đích thân ông ấy, tuần nào cũng sẽ đến thành phố bé nhỏ của tôi. Tôi ngắm nhìn ông ấy xuống tàu hỏa, tôi tưởng tượng ra rằng mình có thể học được điều gì đó chỉ riêng bằng cách quan sát ông ấy, rằng chỉ riêng việc ở gần ông ấy tôi đã được lây nhiễm một ít thiên tài của ông - như thể đó là một thứ bệnh hay lây vậy. Tôi chưa bao giờ có đủ can đảm để nói chuyện với ông ấy, nhưng cũng chẳng sao cả. Tôi thấy thật phấn khích vì biết ông ấy ở đó, biết rằng mình có thể nhìn thấy ông ấy khi muốn. Một hôm, ánh mắt của chúng tôi giao nhau, tôi còn nhớ rất rõ, điều này rất quan trọng, ánh mắt của chúng tôi giao nhau và tôi cảm thấy cái nhìn của ông đi xuyên qua người mình, như thể tôi không hề tồn tại. Đó là một khoảnh khắc thật khó tin. Tôi cảm thấy ánh mắt ông ấy đi thẳng vào hai mắt tôi và đi ra khỏi từ phía sau đầu tôi, làm bộ não bên trong đầu tôi cháy xèo xèo cho đến khi biến nó thành một đống tro nhỏ bé. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra mình không là gì cả, hoàn toàn không là gì cả. Không, tôi không cảm thấy bị chấn động theo cách chắc là anh tưởng ra đâu. Trước tiên tôi bàng hoàng, nhưng khi cú sốc đã bắt đầu giảm cường độ, tôi cảm thấy sức lực hồi phục, như thể đã sống sót được qua chính cái chết của mình. Không, không hoàn toàn là như vậy. Tôi mới chỉ mười bảy tuổi, gần như vẫn là một đứa bé. Khi cái nhìn của Tesla đi xuyên qua người tôi, lần đầu tiên tôi có trải nghiệm về mùi vị cái chết. Như vậy thì gần với những gì tôi muốn nói hơn. Tôi cảm thấy trong miệng vị của cái chết, và vào chính khoảnh khắc đó tôi hiểu ra là mình sẽ không sống vĩnh viễn. Phải mất nhiều thời gian mới học được điều ấy, nhưng một khi đã phát hiện được nó rồi, sự thay đổi bên trong đã hoàn bị, sẽ không bao giờ người ta quay trở về với con người trước đây nữa. Tôi mười bảy tuổi, và đột nhiên, không một chút xíu bóng dáng của nghi ngờ nào, tôi hiểu rằng cuộc đời tôi là của tôi, nó thuộc về tôi, về bản thân tôi, chứ không thuộc về bất kỳ ai khác.
“Đây chính là vấn đề tự do, Fogg ạ. Một cảm giác tuyệt vọng trở nên lớn đến vậy, đè nén đến vậy, tình trạng thảm họa đến mức người ta không còn lựa chọn nào khác là thoát ra khỏi nó. Đó là lựa chọn duy nhất, ngoại trừ việc lê lết mà chết trong một góc. Tesla đã tặng cho tôi cái chết của tôi, và ngay từ thời khắc đó tôi đã biết rằng mình sẽ trở thành họa sĩ. Đó là điều tôi vẫn từng muốn, nhưng cho đến khi ấy tôi vẫn chưa có đủ dũng khí để thừa nhận nó. Bố tôi chỉ sống loanh quanh với thị trường chứng khoán và các loại cổ phiếu, một tay kinh doanh chuyên nghiệp, ông ấy coi tôi là một kẻ ủy mị. Nhưng tôi đã cả quyết, tôi đã làm điều đó, tôi đã trở thành nghệ sĩ và khi ấy, vài năm sau, ông già lăn ra chết trong văn phòng của mình ở phố Wall. Tôi mới hai mươi hai hoặc hai mươi ba tuổi, và trở thành người thừa kế toàn bộ tài sản của ông ấy, được thừa kế đến từng đồng xăng tim một. Ha! Tôi là người giàu nhất trong số tất cả lũ họa sĩ khốn kiếp từng sống trên đời. Một nghệ sĩ triệu phú. Anh thử tưởng tượng điều đó đi, Fogg. Tôi cùng tuổi với anh bây giờ, và tôi có tất cả, Chúa ạ, tất cả những gì mà tôi có thể thèm muốn.
“Tôi đã gặp lại Tesla, nhưng là sau này, mãi sau này. Sau khi tôi biến mất, sau cái chết của tôi, sau khi tôi đi khỏi Mỹ và sau khi tôi quay trở lại. Một chín ba chín, một chín bốn mươi. Tôi rời Pháp cùng với Pavel Shum trước khi người Đức tấn công, chúng tôi đã sửa soạn hành lý và biến khỏi đó. Đó không còn là một nơi dành cho chúng tôi, không còn là chỗ của một tay người Mỹ tàn tật và một nhà thơ Nga, không còn lý do gì để ở lại đó nữa. Trước tiên chúng tôi định sang Argentina, và rồi tôi nghĩ mẹ kiếp, nhìn thấy lại New York rất có thể sẽ làm máu tôi sôi trào trở lại. Dù thế nào thì cũng đã qua hai mươi năm rồi. Triển lãm hoàn cầu vừa bắt đầu khi chúng tôi đến nơi. Lại thêm một bài ca vì sự tiến bộ, nhưng lần này tôi thấy khá nguội lạnh trước nó, sau những gì đã nhìn thấy ở châu u. Tất cả những thứ đó đều là trò lừa đảo. Tiến bộ sẽ thổi tung tất cả chúng ta, bất kỳ thằng cha ngờ nghệch nào cũng có thể nói với anh điều ấy. Hôm nào anh phải gặp ông anh của bà Hume mới được, Charlie Bacon ấy. Ông ấy từng là phi công trong chiến tranh. Đến cuối cuộc chiến, ông ấy được cử đến Utah để tập luyện với cái lũ đã ném quả bom nguyên tử xuống nước Nhật. Ông ấy đã mất trí khi phát hiện ra chuyện đang được sửa soạn. Thật là khốn khổ, làm gì có ai trách cứ gì ông ấy đâu? Chúng ta nói đến nó nhé, tiến bộ ấy. Một cái bẫy chuột mỗi tháng lại to hơn, hiệu quả hơn. Rồi sẽ sớm đến lúc chúng ta đủ khả năng một phát giết sạch lũ chuột luôn.
“Tôi lại ở New York, rồi Pavel và tôi bắt đầu dạo chơi trong thành phố. Cũng như là chúng ta hiện nay ấy, ông ấy đẩy xe cho tôi, chúng tôi dừng lại để ngắm nhìn thứ này thứ kia, nhưng lâu hơn, nhiều khi chúng tôi đi cả ngày luôn. Đó là lần đầu tiên Pavel đến New York, và tôi chỉ cho ông ấy các cảnh vật, chúng tôi đi từ khu phố này sang khu phố khác, và cũng nhân dịp đó tôi tìm cách tự làm quen với bản thân mình trở lại. Một hôm, trong mùa hè năm ba mươi chín, sau khi đến thăm thư viện công cộng ở góc phố Bốn mươi hai và đại lộ số Năm, chúng tôi dừng chân nghỉ tại công viên Bryant. Tôi đã gặp lại Tesla ở đó. Pavel ngồi trên một cái ghế băng bên cạnh tôi, và cách chúng tôi mười hay mười hai feet, một ông già đang cho lũ bồ câu ăn. Ông ta đứng, và lũ chim bay xung quanh, đậu lên đầu lên tay ông ta, hàng chục con chim bồ câu miệng gù gù ỉa lên quần áo ông ta và ăn đồ ăn trong bàn tay ông ta, và ông già nói chuyện với chúng, ông ta gọi chúng là các bạn thân mến, tình yêu của ta, thiên thần của ta. Ngay khi nghe thấy giọng nói đó, tôi đã nhận ra Tesla rồi. Ông ta quay về phía tôi, và đó chính là ông ấy. Một ông già tám mươi tuổi. Trắng như một hồn ma, gầy gò, xấu xí y hệt tôi hiện tại ấy. Tôi những muốn phá lên cười khi nhìn thấy ông ấy. Cựu thiên tài, người đến từ một thế giới khác, người anh hùng của tuổi trẻ tôi. Từ tất cả những cái đó chỉ còn lại một đống tàn tạ già nua, một kẻ cầu bơ cầu bất. Ông là Nikola Tesla, tôi nói với ông ấy. Đúng như thế đấy, không rào đón trước sau gì cả. Ông là Nikola Tesla, ngày xưa tôi từng biết ông. Ông ấy mỉm cười với tôi và thoáng có động tác chào tôi. Bây giờ thì tôi đang bận, ông ấy tuyên bố, có lẽ chúng ta sẽ bàn luận một lần khác vậy. Tôi quay sang Pavel: đưa một ít tiền cho ông Tesla đi, Pavel, ông ấy có thể dùng tiền đó mua ngũ cốc cho chim. Pavel đứng dậy, tiến lại gần Tesla và đưa cho ông ấy một tờ mười đô la. Đó là một khoảnh khắc của vĩnh cửu, Fogg ạ, một khoảnh khắc vô tiền khoáng hậu. Ha! Tôi sẽ không bao giờ quên được cái nhìn bối rối của cái lão con nhà điếm đó. Quý ông của Tương lai, nhà tiên tri của thời đại mới! Pavel chìa cho ông ấy tờ mười đô la, và tôi thấy rõ rằng ông ấy đấu tranh để vờ như không nhìn thấy nó, để quay mặt đi khỏi - nhưng ông ấy không làm nổi. Ông ấy đứng chôn chân ở đó, nhìn chằm chằm vào nó như một lão ăn mày điên. Và rồi ông ấy cũng nhận tiền, ông ấy giật lấy nó trong tay Pavel và nhét vào túi áo. Rất đáng mến, ông ấy nói với tôi, anh bạn rất đáng mến. Lũ chim nhỏ này cần đến từng mẩu bánh nhỏ mà chúng có thể tìm được. Rồi ông ấy quay lưng về phía chúng tôi, lẩm bẩm điều gì đó với lũ chim. Pavel dẫn tôi đi khỏi, chỉ có vậy thôi. Tôi không bao giờ gặp lại ông ấy nữa.”
Effing im lặng một lúc lâu để nhấm nháp kỷ niệm về sự tàn ác của mình. Rồi, bằng một cái giọng đã bình tĩnh hơn. Ông tiếp tục. “Chúng ta sẽ đi tiếp, cậu bé ạ,” ông nói với tôi, “đừng lo lắng gì hết. Chỉ cần anh lo sao cho cây bút của anh hoạt động, chỉ cần thế thôi. Đến cuối cùng mọi điều sẽ được nói ra, tất cả đều sẽ được tiết lộ. Tôi đã nói đến Long Island, phải không nào? về Thomas Moran và cách thức sự việc khởi đầu. Anh thấy đấy, tôi có quên đâu. Chỉ cần anh viết lại thôi. Sẽ chẳng có tin cáo phó nào nếu anh không viết ra.
“Moran là người đã thuyết phục được tôi. Ông ấy đã đến miền Tây trong những năm bảy mươi, ông ấy đi khắp vùng từ cao xuống thấp. Ông ấy không đi du lịch một mình, dĩ nhiên, không phải theo cách của Ralph, người đã đi qua sa mạc như một lữ khách lỡ đường nào đó, ông ấy không, nói thế nào nhỉ, ông ấy không đi tìm cùng một dạng sự việc như vậy. Moran có đẳng cấp cao lắm. Ông ấy là họa sĩ chính thức của đoàn thám hiểm Hayden vào năm bảy mươi mốt, sau đó ông ấy lại đi cùng với Powell vào năm bảy mươi ba. Chúng ta đã đọc sách của Powell cách đây vài tháng, tất cả các minh họa trong đó đều là của Moran đấy. Anh còn nhớ bức tranh vẽ cảnh Powell bám vào rìa vách đá, toàn bộ sinh mạng treo trên một cánh tay không? Bức tranh rất đẹp, phải công nhận thế, lão già rất biết vẽ. Moran trở nên nổi tiếng cũng nhờ những gì ông đã làm ở đó, ông là người đầu tiên cho người Mỹ thấy miền Tây trông ra sao. Người đầu tiên vẽ Grand Canyon là Moran, bức tranh đó nằm ở Washington, tại Capitol; người đầu tiên vẽ Yellowstone, người đầu tiên vẽ Great Salt Desert, người đầu tiên vẽ vùng canyon ở Utah - vẫn là Moran thôi, số phận thật rực rỡ! Người ta đã lập các bản đồ vạch lại con đường hồi ấy, người ta đã mang về những hình ảnh, tất cả đều được tiêu hóa trong cái máy sinh lợi nhuận khổng lồ của Mỹ. Đó là các mảnh đất cuối cùng của châu lục, những không gian trắng chưa có ai khai phá. Giờ đây tất tật đều ở đó rồi, nằm trên một mảnh toan đẹp đẽ, bày ra trước tất cả những cái nhìn. Một mũi tên vàng cắm thẳng vào trái tim chúng ta!
“Tôi không vẽ giống như Moran, đừng có nghĩ vậy đấy nhé. Tôi thuộc thế hệ mới, và tôi không phải người ủng hộ những thứ trò vè lãng mạn ngớ ngẩn ấy. Tôi đã ở Paris trong những năm không sáu và không bảy, và tôi biết những gì diễn ra ở đó. Trường phái Dã thú, Lập thể, tôi đã sống trong bầu không khí ấy suốt tuổi trẻ, và một khi đã được nếm mùi tương lai người ta sẽ không thể bước lùi lại sau được nữa. Tôi thường giao du với nhóm người quen thuộc của gallery Stieglitz trên đại lộ Năm, chúng tôi uống rượu cùng nhau và nói chuyện về nghệ thuật. Họ thích những gì tôi làm, coi tôi như là một trong số các họa sĩ tạo ra những đột phá mới. Marin, Dove, Demuth, Man Ray, tất tật tôi đều quen biết cả. Vào thời ấy tôi là một chàng thanh niên bé nhỏ tinh quái, trong đầu tràn ngập những ý tưởng to tát. Giờ đây tất cả mọi người đều nói đến Armory Show[19], nhưng với tôi khi diễn ra nó đã là một câu chuyện cũ rích rồi. Tôi cũng khác biệt với phần lớn những người khác. Tôi không quan tâm đến đường nét. Trừu tượng máy móc, bức toan như một thế giới, nghệ thuật mang tính trí thức - tôi chỉ thấy ở chúng một ngõ cụt. Tôi là người sử dụng màu sắc, và chủ đề của tôi là không gian, không gian thuần túy và ánh sáng: sức mạnh của ánh sáng khi nó đập vào mắt. Tôi vẫn còn vẽ thiên nhiên, và chính vì vậy tôi rất thích những cuộc trò chuyện với Moran. Ông ấy thì cũ kỹ lắm, nhưng ông ấy chịu ảnh hưởng của Tumer, và giữa chúng tôi có điểm này chung, cũng như niềm say mê đối với tranh phong cảnh, niềm say mê đối với thế giới thực. Moran không ngừng nói với tôi về miền Tây. Nếu không đến đó, ông nói, anh sẽ không bao giờ hiểu được không gian nghĩa là thế nào đâu. Tác phẩm của anh sẽ ngừng tiến bộ nếu anh không chịu đi. Anh phải cảm nghiệm bầu trời ấy, nó sẽ làm thay đổi cuộc đời anh. Cứ thế cứ thế, mãi một câu chuyện ấy. Lần nào ông cũng bắt đầu trở lại mỗi khi gặp tôi, và sau một thời gian tôi tự nhủ tại sao lại không nhỉ, sẽ không có gì hại nếu đến tận nơi để ngắm nhìn.
“Đó là năm 1916. Tôi ba mươi ba tuổi và đã lấy vợ được bốn năm. Trong số tất cả những gì tôi từng làm, hôn nhân là sai lầm lớn nhất. Cô ta tên là Elizabeth Wheeler. Gia đình cô ta giàu có, vì vậy cô ta không lấy tôi vì tiền, nhưng cũng có thể lắm chứ, nếu nhìn vào mối quan hệ giữa chúng tôi. Tôi không mất nhiều thời gian lắm để phát hiện ra sự thật. Cô ta khóc như một đứa trẻ vào đêm tân hôn, và kể từ đó mọi cánh cửa đều đóng chặt lại. Ô, thật ra thỉnh thoảng thì bằng cách tấn công tôi cũng chiếm được ngôi thành, nhưng chủ yếu là vì giận dữ, nhiều hơn hẳn so với bất kỳ lý do nào khác. Chỉ để cô ta biết rằng không phải lúc nào cô ta cũng có thể trốn tránh nổi chuyện đó. Ngay cả bây giờ tôi vẫn tự hỏi điều gì đã khiến mình cưới cô ta. Khuôn mặt cô ta, có thể, nó quá đẹp, cơ thể quá tròn trịa và mỡ màng của cô ta, tôi cũng không biết nữa. Thời ấy tất cả bọn họ đều lấy chồng khi còn trinh, và tôi đã nghĩ dần dần cô ta sẽ quen thôi. Nhưng chuyện này không bao giờ khá lên cả, chỉ có những giọt nước mắt và những trận chiến, những cơn kịch phát, những tiếng hét, sự chán ngán. Cô ta coi tôi như một con thú, một loài quỷ. Một cái mụn bẩn ở trên cái đồ tủ lạnh khốn kiếp đó! Lẽ ra cô ta nên vào sống ở nhà tu kín. Tôi đã cho cô ta thấy bóng tối và sự bẩn thỉu điều hành thế giới, và cô ta không bao giờ tha thứ cho tôi về việc ấy. Homo erectus, đó chỉ đơn giản là một nỗi kinh hoàng đối với cô ta: bí ẩn của cơ thể đàn ông. Khi nhìn thấy những gì xảy đến với mình, người cô ta tan rã ra. Tôi chưa bao giờ nằm được lên trên đó. Đó là một câu chuyện cũ, hẳn là anh đã từng nghe thấy. Tôi đi tìm khoái lạc ở chỗ khác. Tôi không thiếu các cơ hội, tôi đảm bảo với anh đấy, dương vật của tôi chưa bao giờ phải chịu cảnh ngồi chơi xơi nước cả. Tôi là một chàng thanh niên rất bảnh, chưa tính đến tiền bạc, lúc nào tôi cũng hừng hực. Ha! Giá mà chúng ta có thời gian để nói một chút về chuyện này! Những bông hoa sen giữa hai đùi mà tôi từng biết tới, những cuộc phiêu lưu của cái chân giữa của tôi. Có thể hai chân tôi đã chết rồi, nhưng đứa em nhỏ của chúng thì vẫn tiếp tục sống cuộc đời mình. Ngay cả bây giờ, Fogg ạ, anh có tin không? Cậu chàng bé nhỏ vẫn chưa bao giờ chịu đầu hàng.
“Được rồi, được rồi, tôi dừng lại đây. Có gì quan trọng đâu. Tôi đang phác họa cho anh hậu cảnh, tôi sẽ cố định vị khung cảnh. Nếu anh cần có lời giải thích cho những gì đã xảy ra, cuộc hôn nhân của tôi với Elizabeth chính là một trong số chúng đây. Tôi không có ý định nói đó là lý do duy nhất, nhưng chắc chắn là nó có đóng một vai trò. Khi ở trong hoàn cảnh ấy, tôi không hề thấy hối tiếc với ý nghĩ biến mất. Tôi đã nhìn thấy cơ hội được chết, và đã tận dụng nó.
“Chuyện này không hề cố ý. Tôi đã tự nhủ, hai hoặc ba tháng, rồi mình sẽ quay về. Những người mà tôi hay giao du ở New York thấy tôi thật điên khi đi đến đó, họ không thấy có lợi ích gì cả. Sang châu u đi, họ nhắc đi nhắc lại với tôi, ở Mỹ này thì có gì để học đâu. Tôi giải thích với họ các lý do của mình, và chỉ riêng việc nói về điều đó đã khiến tôi mỗi lúc một cảm thấy sốt ruột hơn. Tôi bắt tay vào việc chuẩn bị, tôi nóng lòng cho thời điểm ra đi. Tôi quyết định khá sớm là sẽ mang theo một người, một chàng thanh niên tên là Edward Byrne - Teddy, như bố mẹ anh ta vẫn gọi. Bố anh ta là một người bạn của tôi, và ông đã thuyết phục tôi mang theo chàng trai. Tôi không có gì để phản đối cả. Tôi nghĩ rằng cũng nên có một người bạn đồng hành, và Byrne lại là người có khí chất, tôi đã nhiều lần đi thuyền buồm với anh ta, và tôi biết anh ta rất có đầu óc. Rắn rỏi, trí tuệ nhanh nhạy, đó là một chàng trai săn chắc và lực lưỡng trạc mười tám mười chín tuổi. Anh ta mơ trở thành thợ trắc địa và muốn bắt tay vào nghiên cứu địa chất nước Mỹ, dành cả đời để đi qua những khoảng không gian vô tận. Ở cái tuổi đó mà, Fogg. Teddy Roosevelt, ria mép ghi đông, tất cả những thứ khoe khoang nam tính ấy. Bố Byrne đã mua cho anh ta đầy đủ trang thiết bị - kính lục phân, la bàn, máy kinh vĩ, đầy đủ hết - và tôi mua đồ vẽ đủ dùng cho vài năm. Bút chì, chì than, phấn màu, cọ, toan, giấy - tôi có ý định làm việc rất nhiều. Những lời nói của Moran hẳn đã thuyết phục được tôi một cách sâu sắc, và tôi nóng lòng chờ đợi cuộc hành trình này. Ở đó tôi sẽ hoàn thành được tác phẩm đẹp nhất của mình, và tôi không muốn bị rơi vào tình trạng thiếu phương tiện.
“Mặc dù băng giá đến vậy ở trên giường, Elizabeth lại hoảng hốt trước ý nghĩ tôi sẽ ra đi. Thời điểm đó càng đến gần, cô ta càng suy sụp: cô ta òa khóc, cầu xin tôi bỏ ý định. Tới giờ tôi vẫn không hiểu. Thế mà người ta hẳn phải nghĩ cô ta sẽ rất vui sướng nếu thoát được khỏi tôi. Người phụ nữ đó thật khó lường, lúc nào cô ta cũng ngược lại với những gì người ta chờ đợi. Trước hôm tôi đi, thậm chí cô ta còn thực hiện sự hy sinh tối thượng. Tôi nghĩ trước hết cô ta cũng hơi say - anh biết đấy, để tự tạo ra lòng can đảm ấy mà - và rồi cô ta đi thẳng đến để dâng hiến cho tôi. Vòng tay rộng mở, mắt nhắm chặt, chó chết thật, một nữ thánh tử vì đạo thực thụ. Tôi sẽ không bao giờ quên được. Ôi, Julian, cô ta nhắc đi nhắc lại, ôi người chồng yêu quý của em. Cũng như phần lớn những kẻ điên khùng, hẳn cô ta cảm thấy mọi chuyện sẽ thay đổi hoàn toàn. Đêm đó tôi đã ngủ với cô ta - dù sao thì đấy cũng là trách nhiệm của tôi - nhưng điều đó không ngăn cản tôi rời bỏ cô ta vào ngày hôm sau. Đó chính là lần cuối cùng tôi gặp cô ta. Như vậy đấy. Tôi thông báo cho anh các sự kiện, anh có thể diễn giải chúng tùy ý. Đêm ấy cũng để lại hậu quả, sẽ thật không đúng đắn nếu không nói đến nó, nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian tôi mới biết được. Ba mươi năm, quả thực, cả một cuộc đời trong tương lai. Hậu quả. Chuyện đã xảy ra như vậy đó, cậu bé ạ. Luôn luôn có hậu quả, dù cho có muốn hay không.
“Chúng tôi lên tàu, Byrne và tôi. Chicago, Denver, cho đến Salt Lake City. Thời ấy đó là chặng đường bất tận, và khi cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi, tôi thấy như thể cuộc hành trình đã kéo dài được một năm trời. Khi đó là tháng Tư năm 1916. Ở Salt Lake, chúng tôi tìm được một người dẫn đường nhưng ngay trong ngày hôm đó, anh cứ tin đi, vào cuối buổi chiều hắn ta bị nghiến nát chân trong một cái lò rèn, và chúng tôi buộc phải thuê một người khác. Một điềm xấu, nhưng vào thời điểm đó anh không bao giờ nghĩ ngợi đến những thứ tương tự, anh chỉ cứ tiếp tục đi lên phía trước mà làm những gì phải làm thôi. Người mà chúng tôi tìm được tên là Jack Scoresby. Đó là một cựu lính kỵ binh, từ bốn mươi tám đến năm mươi tuổi, một người hơi quá nhiều tuổi, nhưng người ta nói rằng ông ta biết rất rõ khu vực, rõ hơn bất kỳ ai khác. Tôi buộc phải tin vào những lời đó. Những người này đều là người lạ, họ có thể nói lăng nhăng với tôi, họ có cần gì đâu. Tôi chỉ là một kẻ măng tơ, một kẻ măng tơ giàu có từ phía Đông tới, thế thì vì cái quái quỷ gì mà bọn họ phải lo lắng cho tôi nào? Mọi chuyện đã xảy ra như vậy đấy, Fogg ạ. Chẳng còn việc gì khác để làm ngoài việc mù quáng đâm đầu vào cuộc hành trình, hy vọng rằng mọi việc sẽ ổn.
“Ngay từ đầu, tôi đã có những nghi ngờ về phía Scoresby, nhưng chúng tôi quá vội bắt đầu chuyến thám hiểm nên không thể mất thêm thời gian. Đó là một gã người bé nhỏ bẩn thỉu miệng lúc nào cũng cười khẩy, để ria và đầy cáu ghét, nhưng phải thừa nhận là ông ta có một cách nói năng rất êm ái. Ông ta hứa sẽ đưa chúng tôi đến những nơi ít người từng đặt chân, ông ta nói vậy đấy, và sẽ chỉ cho chúng tôi những thứ mà chỉ có Chúa và người Da đỏ từng nhìn thấy. Có thể thấy rằng ông ta rất khốn nạn, nhưng làm thế nào để kháng cự lại sự sốt ruột đây? Chúng tôi trải một tấm bản đồ lên cái bàn trong khách sạn để quyết định về tuyến đường sẽ đi. Scoresby có vẻ rất biết việc, và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng chứng tỏ mức độ hiểu biết của mình bằng những lời bình luận và thả mồi: cần phải có bao nhiêu ngựa và lừa, cần đối xử với các Mormon[20] như thế nào, làm thế nào để đương đầu với sự hiếm nước ở phía Nam. Rõ ràng là ông ta coi chúng tôi như những kẻ ngu ngốc. Ý tưởng đi chiêm ngưỡng các cảnh đẹp trong mắt ông ta không có nghĩa lý gì, và khi tôi nói mình là họa sĩ, ông ta phải cố lắm mới không phá lên cười. Tuy nhiên chúng tôi cũng thỏa thuận được một mức giá có vẻ hợp lý, và cả ba ký kết nó bằng một cái bắt tay. Tôi hình dung mọi việc sẽ ổn khi chúng tôi biết rõ về nhau hơn.
“Đêm hôm trước khi lên đường, Byrne và tôi trò chuyện cho đến đêm khuya. Anh cho tôi xem các dụng cụ đo đạc, và tôi còn nhớ mình ở vào trạng thái phấn khích đến nỗi đột nhiên mọi thứ trở nên hòa hợp theo một cách thức khác hẳn. Byrne giải thích cho tôi rằng người ta không thể xác định được vị trí chính xác của mình nếu không tham chiếu đến một điểm nào đó trên trời. Điều này có một điểm chung nào đó với phép đo tam giác, kỹ thuật đo đạc, tôi quên mất chi tiết rồi. Nhưng tôi đã sửng sốt với sự phức tạp ấy, tôi vẫn chưa bao giờ ngừng như vậy. Người ta không thể biết được mình ở đâu trên trái đất này, nếu không phải là trong mối liên hệ với mặt trăng hoặc một ngôi sao. Trước tiên phải có thiên văn học cái đã; các loại bản đồ dưới đất sẽ từ đó mà có. Chính xác là ngược lại những gì người ta trông chờ. Nếu nghĩ thật lâu đến điều này, tâm trí người ta sẽ bị rối tinh lên. Ở đây chỉ tồn tại trong mối liên hệ với ở đó; nếu không nhìn lên cao, chúng ta sẽ không bao giờ biết có những gì ở dưới thấp. Hãy suy nghĩ điều ấy đi, cậu bé ạ. Chúng ta sẽ chỉ phát hiện ra chính mình khi quay về phía những gì không phải là chúng ta. Người ta không thể đặt chân lên mặt đất chừng nào chưa chạm đến bầu trời.
“Thoạt đầu tôi làm việc cũng khá. Chúng tôi rời khỏi thành phố và đi về hướng Tây, cắm trại một hoặc hai ngày gần hồ, rồi tiếp tục trong Great Salt Desert. Nó không giống một chút nào với những gì tôi từng nhìn thấy trước đó. Chốn bằng phẳng nhất, hoang vu nhất của hành tinh, một bãi xương cốt lãng quên. Anh đi hết ngày này sang ngày kia, và Chúa ơi anh không nhìn thấy gì hết cả. Không một cái cây, không một bụi rậm, không cả đến một cọng cỏ. Chỉ có màu trắng toát, một mặt đất nứt nẻ chạy khắp mọi hướng về phía xa tít tắp. Đất có vị của muối, và ở đó, nơi tận cùng, chân trời được bao bọc bởi những ngọn núi, một vòng cung núi non mênh mông run rẩy trong ánh sáng. Bị vây bủa bởi những tia sáng lấp lánh đó, toàn bộ ánh sáng chói lòa đó, người ta có cảm giác mình đang tiến lại gần nước, nhưng đó chỉ là một ảo ảnh. Đó là một thế giới chết, và điều duy nhất người ta còn tiến lại gần được là thêm một chút sự hư vô ấy. Chúa mới biết được bao nhiêu người tiên phong đã nằm lại trên sa mạc này và để linh hồn lại đó, người ta nhìn thấy những khúc xương trắng ởn của họ thòi lên từ mặt đất. Đó chính là số phận của đoàn thám hiểm Donner, mọi người ai cũng biết điều này. Họ đã bị kẹt trong muối, và khi cuối cùng họ cũng đến được những ngọn núi dãy Sierra Mountains tại California, trời đã sang đông, tuyết vây kín lấy họ, và sau cùng họ đã ăn thịt nhau để mong sống sót. Mọi người ai cũng biết điều đó, đó chính là truyền kỳ kiểu Mỹ, nhưng tuy vậy cũng là một sự việc có thật, một sự việc có thật và không thể tranh cãi được. Những bánh xe, đầu lâu, vỏ đạn rỗng - ở đó tôi đã thấy tất cả, dù đã là năm 1916. Một nghĩa trang khổng lồ, chính thế đấy, một trang giấy trắng tinh, một trang chết chóc.
“Trong những tuần đầu tiên, tôi vẽ như điên. Thật là kỳ cục, tôi chưa bao giờ làm việc như vậy hết cả. Tôi chưa từng tưởng tượng được rằng tỉ lệ sẽ tạo ra một khác biệt, nhưng quả là như thế, không có cách nào khác để đương đầu với kích thước các vật. Các nét trên trang giấy ngày càng nhỏ hơn, nhỏ đến mức gần như biến mất. Bàn tay tôi như thể được truyền cho một cuộc sống riêng. Mày cứ ghi chép đi, tôi tự nhủ, mày cứ ghi chép đi đã và đừng lo lắng, sau này mày sẽ suy nghĩ sau. Chúng tôi đã lợi dụng một quãng nghỉ ngắn ở Wendover để tắm giặt, rồi sang Nevada và đi về hướng Nam, dọc theo dãy núi đồ sộ tên là Confusion Range. Cả ở đây nữa, tôi cũng bị xâm chiếm bởi những ấn tượng mà tôi không hề được chuẩn bị để đón nhận. Những ngọn núi, tuyết trên đỉnh những ngọn núi, những đám mây trên tuyết. Sau một lúc, tất cả những cái đó hòa lẫn vào với nhau và tôi không còn phân biệt được gì nữa. Chỉ toàn màu trắng, vẫn cứ là màu trắng. Làm thế nào để vẽ được điều gì đó mà người ta không biết là có tồn tại hay không? Anh hiểu tôi nói gì, phải không nào? Cái đó thật phi nhân. Gió thổi dữ dội đến mức không còn suy nghĩ được nữa, và rồi nó đột ngột ngừng lại, và không khí trở nên bất động đến nỗi người ta tự hỏi không biết mình có bị điếc hay không. Một sự im lặng siêu nhiên, Fogg ạ. Điều duy nhất người ta còn có thể cảm nhận được, đó là nhịp tim đập, tiếng máu chảy dồn dập ở trong não.
“Scoresby không làm cho mọi việc của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn. Không nghi ngờ gì nữa, ông ta đang làm công việc của mình, ông ta dẫn đường cho chúng tôi, nhóm lửa, đi săn để kiếm thịt cho chúng tôi, nhưng không bao giờ ông ta ngừng khinh bỉ chúng tôi, cái ý chí xấu xa toát ra từ ông ta đậm đặc trong bầu không khí. Ông ta giận dỗi, khạc nhổ, lầm bầm bên trong bộ râu, bắt chúng tôi phải chịu đựng các trạng thái tâm lý u ám của ông ta. Sau một thời gian, Byrne nghi ngại ông ta đến mức không hé răng nói nửa lời mỗi khi Scoresby có mặt quanh quẩn đâu đó. Scoresby đi săn trong khi chúng tôi bắt tay vào việc - chàng trai Teddy trèo lên các tảng đá lớn để đo đạc, tôi lúi húi trên một rìa đá cùng với bức tranh và những mẩu chì than của mình - và tối đến chúng tôi chuẩn bị bữa ăn quanh đống lửa trại. Một hôm, với hy vọng chấn chỉnh tình hình một chút, tôi đề nghị Scoresby cùng chơi bài. Ông ta có vẻ thích ý tưởng này, nhưng cũng như phần lớn những kẻ ngu ngốc, ông ta đánh giá quá cao trí thông minh của mình. Ông ta nghĩ sẽ đánh bại được tôi và kiếm thật nhiều tiền. Không phải chỉ là chiến thắng tôi trong trò bài bạc, mà còn thống trị tôi ở mọi mặt, cho tôi thấy một cách thật rõ ràng ai mới là ông chủ. Chúng tôi chơi trò blackjack, và các quân bài của tôi rất tốt, ông ta liên tiếp thua sáu hay bảy ván. Sự tự tin của ông ta bị lung lay, ông ta bắt đầu chơi rất dở, đặt những món tiền lớn quá mức, tìm cách lừa tôi, làm hỏng hết mọi thứ. Tối đó hẳn tôi phải kiếm được từ ông ta năm mươi hoặc sáu mươi đô la, cả một gia tài đối với một kẻ nghèo khó như ông ta. Nhìn thấy ông ta tức tối, tôi tìm cách sửa chữa các thiệt hại bằng cách hủy món nợ. Với tôi thì món tiền đó có ý nghĩa gì? Tôi nói với ông ta, thôi đừng nghĩ ngợi gì, chẳng qua là tôi quá may mắn thôi, tôi sẵn sàng quên nó đi, không để bụng, một điều gì đó tương tự như vậy. Có khả năng đây chính là việc tệ hại nhất mà tôi đã làm. Scoresby tin rằng tôi khinh miệt ông ta, rằng tôi muốn làm nhục ông ta, và lòng kiêu hãnh của ông ta bị tổn thương, tổn thương hai lần. Kể từ giây phút đó, mối quan hệ giữa chúng tôi bị nhiễm độc, và tôi không làm sao chữa lành được nó nữa. Bản thân tôi cũng là một dạng cứng đầu xuẩn ngốc, hẳn là anh cũng đã nhận ra điều đó rồi. Tôi không buồn tìm cách xoa dịu ông ta. Nếu muốn cư xử như một con lừa, thì ông ta cứ việc kêu rống lên cho đến hết đời. Dù cho chúng tôi đang ở trong cái vùng đất mênh mông ấy, không có gì xung quanh, chỉ không gian trống trải hàng cây số, thì tình thế cũng không khác nào bị nhốt trong một nhà tù - giống như là ngồi chung xà lim với một người không lúc nào chịu rời mắt khỏi anh, cứ ngồi ì ra đó chờ đến lúc anh quay lưng đi để cắm dao vào lưng anh.
“Vấn đề chính là thế đấy. Vùng đất quá rộng, ở nơi đó ấy, và sau một thời gian nó bắt đầu nuốt chửng anh. Tôi đã đi đến một điểm nơi tôi không còn có thể bao quát được nữa. Toàn bộ sự im lặng khốn kiếp đó, toàn bộ sự trống rỗng đó. Người ta cố công tìm những điểm mốc, nhưng nó quá lớn, các kích thước thật kinh khủng và cuối cùng, tôi cũng không biết có thể nói như thế nào, cuối cùng nó không còn ở đó nữa. Không còn thế giới, không còn vùng đất, không còn gì cả. Điều này tạo ra ấn tượng đó, Fogg ạ, cuối cùng tất tật chỉ còn là tưởng tượng. Anh chỉ còn tồn tại duy nhất ở cái đầu của chính anh.
“Chúng tôi cứ tiếp tục đi theo con đường ngang qua trung tâm bang, rồi đi xiên chéo về phía vùng các canyon, ở Đông Nam, cái mà người ta gọi là Bốn Góc, điểm giao của Utah, Arizona, Colorado và New Mexico. Đó là chốn lạ thường bậc nhất, một thế giới mộng mị, chỉ có đất đỏ và những tảng đá hình thù kỳ quái, những đống đổ nát to lớn mọc lên từ mặt đất như thể phế tích một thành phố do người khổng lồ xây lên. Những cây cột, những tòa tháp, các cung điện: tất cả vừa dễ nhận dạng vừa xa lạ, khi ngắm nhìn chúng người ta không thể tự ngăn mình nhìn thấy những hình dáng quen thuộc, ngay cả khi vẫn biết rằng đó chỉ là hiệu ứng của sự tình cờ, những món mửa ra hóa đá của các sông băng và sự xói mòn, của cả triệu năm gió thổi và thiên tai. Những ngón tay cái, hốc mắt, dương vật, nấm, người, mũ. Giống như là khi người ta tưởng tượng ra các hình ảnh trên những đám mây ấy. Giờ đây ai cũng biết các vùng đất đó trông ra sao, bản thân anh cũng đã hàng trăm lần nhìn thấy chúng. Glen Canyon, Monument Valley, thung lũng Các vị thần. Các bộ phim cao bồi và Da đỏ đã được quay ở đó, cái thằng cha Marlboro ngu ngốc tối nào cũng phi ngựa ở đó trên truyền hình. Nhưng những hình ảnh ấy không nói gì với anh hết cả, Fogg ạ. Những cái đó quá to lớn để có thể vẽ hay họa lại; ngay cả nhiếp ảnh cũng phải bó tay thôi. Tất cả đều bị biến dạng, giống như khi người ta tìm cách tái tạo khoảng cách giữa các ngôi sao ấy: càng nhìn nhiều, canyon càng khó đến được hơn. Nhìn thấy nó cũng đồng nghĩa với làm cho nó biến mất.
“Chúng tôi đã lang thang tại các canyon đó trong suốt nhiều tuần. Nhiều lúc chúng tôi phải qua đêm trong các khu đổ nát cổ xưa của người Da đỏ, những ngôi làng đào vào vách đá của người Anasazi. Đó là các bộ lạc đã biến mất đến cả nghìn năm nay, không ai biết chuyện gì đã xảy đến với họ. Họ để lại sau mình những thành phố xây bằng đá, những bức vẽ, các mảnh đồ gốm còn sót lại, nhưng bản thân những con người thì lại bốc hơi mất. Đó là cuối tháng Bảy, hoặc đầu tháng Tám, và sự thù địch của Scoresby mỗi lúc một tăng, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chuyện gì đó bùng nổ, điều này đã có thể cảm nhận được lơ lửng trong không khí. Vùng đất trần trụi và khô cằn, khắp nơi là những khoảng cây bụi khô khốc, nhìn hút tầm mắt cũng không thấy một cái cây lớn nào. Trời nóng kinh khủng, và chúng tôi buộc phải chia nước thành các khẩu phần, điều này khiến tất cả chúng tôi mang một tâm trạng khó chịu. Một hôm chúng tôi phải giết một con lừa, do đó hai con còn lại phải gánh thêm một trọng lượng phụ. Lũ ngựa bắt đầu có những dấu hiệu mệt mỏi. Chúng tôi còn cách thị trấn Bluff khoảng năm hay sáu ngày đường, và tôi nghĩ chúng tôi cần phải đến được đó càng nhanh càng tốt để chấn chỉnh lại về mọi mặt. Scoresby nói rằng có một con đường tắt có khả năng rút ngắn được chặng đường đi một hoặc hai ngày, và do vậy chúng tôi đi theo hướng đó, trên nền đất gập ghềnh và mặt trời lúc nào cũng chiếu thẳng vào mặt. Chuyến đi thật cực nhọc, khó khăn hơn tất cả những gì chúng tôi đã làm cho đến thời điểm đó, và sau một chặng đường tôi đinh ninh với ý nghĩ Scoresby đang dẫn chúng tôi đến một cái bẫy. Byrne và tôi không phải là kỵ sĩ ngang hàng với ông ta, và phải khó nhọc lắm mới vượt qua được những thử thách của vùng đất. Scoresby đi phía trước, Byrne thứ hai, và tôi đi sau cùng. Sau khi đã nặng nề trèo lên nhiều vách đá dốc ngược, chúng tôi đi dọc theo một triền dốc để lên đến đỉnh. Ở đó rất hẹp, điểm xuyết đá sỏi, và ánh sáng nhảy nhót trên những viên đá như thể muốn làm quáng mắt chúng tôi. Đến đây thì chúng tôi không thể nào trở ngược được nữa, nhưng tôi cũng không thấy được làm cách nào để có thể đi xa hơn. Đột nhiên, con ngựa của Byrne bước hụt. Anh ở trước mặt tôi cách chưa đầy ba mét, và tôi còn nhớ tiếng ồn ào đáng sợ của những viên đá rơi, tiếng hí của con ngựa đang vùng vẫy để tìm một điểm tựa dưới vó. Nhưng đất tiếp tục lở, và trước khi tôi kịp phản ứng, Byrne đã hét lên một tiếng, và rồi anh cùng con ngựa lao thẳng xuống dưới chân vách đá. Cao kinh khủng, phải đến cả hai hay ba trăm feet, và từ đỉnh xuống tới đó chỉ có toàn những tảng đá lởm chởm răng cưa. Nhảy từ con ngựa xuống đất, tôi cầm lấy hộp cứu thương và lao xuống dốc để xem có thể làm được gì không. Thoạt tiên tôi tưởng Byrne đã chết, nhưng tôi thấy mạch anh vẫn còn đập. Ngoài đó ra, không có gì hứa hẹn hết cả. Mặt anh đầy máu, chân và tay trái đều giập nát, có thể nhìn thấy ngay điều đó. Tiếp theo tôi xoay anh nằm ngửa ra và nhìn thấy vết thương há miệng toang hoác ngay dưới mạng sườn - một vết thương trầm trọng phập phồng dài đến sáu hay bảy inch. Thật là khủng khiếp, cậu bé nát nhừ cả người. Tôi vừa định mở hộp cứu thương thì nghe tiếng súng nổ ngay sau lưng. Tôi quay lại và nhìn thấy Scoresby đứng gần con ngựa đang nằm đó của Byrne, một khẩu súng ngắn bốc khói trên bàn tay phải. Gãy chân rồi, chẳng còn gì để làm nữa đâu, ông ta dùng một giọng nói khô khốc giải thích với tôi. Tôi nói với ông ta Byrne đang rất đau và cần được cứu chữa ngay lập tức, nhưng khi Scoresby tiến lại gần, ông ta chỉ cười khẩy và tuyên bố: Thôi đừng mất thời gian với thằng cha này nữa. Phương thuốc duy nhất của anh ta đó là thứ tôi vừa cho con ngựa kia dùng. Nâng khẩu súng lên, Scoresby hướng nòng về phía đầu Byrne, nhưng tôi đã đẩy tay ông ta chệch đi. Tôi không biết liệu ông ta thực có ý định bắn hay không, nhưng tôi không thể để xảy ra nguy cơ đó. Khi bị tôi đánh vào tay, Scoresby nhìn tôi vẻ căm ghét và khuyên tôi quản lý tay mình kỹ hơn. Tôi sẽ làm vậy nếu ông thôi dùng súng đe dọa những người không có khả năng tự vệ, tôi đáp. Thế là ông ta quay sang tôi và chĩa súng vào tôi. Tôi đe dọa ai mà tôi muốn, ông ta nói, và đột nhiên ông ta mỉm cười, nụ cười ngoác miệng ngu độn, sung sướng với thứ quyền lực mà ông ta có đối với tôi. Tuyệt vọng, ông ta nhắc lại. Ngài đang chính xác ở vào tình trạng đó đấy, thưa ngài Họa sĩ, một nhúm xương tuyệt vọng. Khi ấy tôi đã nghĩ chắc ông ta sẽ giết tôi. Trong khi chờ đợi ông ta nhấn cò súng, tôi tự hỏi mình sẽ mất bao nhiêu thời gian để chết sau khi viên đạn chui vào tim. Tôi nghĩ: Đây là ý nghĩ cuối cùng của mình. Nó kéo dài như thể vĩnh viễn, quãng thời gian ông ta dùng để quyết định, hai chúng tôi cứ thế nhìn chằm chằm vào mắt nhau. Rồi Scoresby phá lên cười. Ông ta hoàn toàn thỏa mãn với bản thân, như thể vừa giành được một chiến thắng to lớn. Ông ta đút khẩu súng vào lại trong bao và nhổ nước bọt xuống đất. Có thể nói rằng ông ta đã giết tôi, rằng tôi đã chết rồi.
“Ông ta quay lại chỗ con ngựa để gỡ yên cương và những cái túi buộc trên đó. Mặc dù vẫn còn choáng váng về câu chuyện với khẩu súng, tôi vẫn ngồi xuống bên cạnh Byrne và bắt tay vào việc, cố hết sức để lau rửa và băng bó những vết thương của anh. Vài phút sau, Scoresby quay trở lại thông báo với tôi rằng ông ta đã sẵn sàng để lên đường. Lên đường? tôi nhắc lại, ông định nói gì thế? Chúng ta không thể mang theo cậu bé được, cậu ta không đủ sức để chịu sự di chuyển. Thế cho nên phải để cậu ta lại đây, Scoresby nói. Cậu ta tèo rồi, dù thế nào thì tôi cũng không có ý định dựng trại ở lại trong cái canyon khốn kiếp này để chờ đợi trong khi có Chúa mới biết bao giờ cậu ta mới chịu ngừng thở. Không đáng để làm đâu. Làm như ông muốn đi, tôi đáp, nhưng tôi sẽ còn chưa rời khỏi Byrne chừng nào cậu ấy còn sống. Scoresby gầm gừ. Anh nói như là một gã anh hùng trong một quyển sách ngớ ngẩn nào đó ấy. Anh có nguy cơ mắc kẹt lại đây cả một tuần trước khi cậu ta rồi đời, và điều đó thì được tích sự gì chứ? Tôi chịu trách nhiệm về cậu ấy, tôi nói. Chỉ vậy thôi. Tôi chịu trách nhiệm về cậu ấy, và tôi sẽ không bỏ rơi cậu ấy đâu.
“Trước khi Scoresby đi khỏi, tôi xé một trang giấy trong quyển sổ vẽ để viết một bức thư cho vợ tôi. Tôi không còn nhớ mình đã viết gì ở trong đó nữa. Một điều gì đó thảm thiết, tôi khá chắc về điều này. Hẳn đây sẽ là lần cuối cùng em có tin tức của anh, tôi tin quả thực mình đã viết điều ấy. Scoresby sẽ gửi lá thư đi khi nào ông ta đến thị trấn. Đó là việc chúng tôi thỏa thuận với nhau, nhưng tôi rất nghi ngờ việc ông ta có ý định giữ lời hứa của mình. Việc này hẳn sẽ làm ông ta dính líu vào sự biến mất của tôi, và tại sao ông ta lại phải rơi vào nguy cơ bị ai đó tra hỏi cơ chứ? Với ông ta tốt hơn hết là cưỡi ngựa đi khỏi và quên đi tất cả. Đó cũng chính xác là cách mọi việc diễn ra. Ít nhất là tôi tin vậy. Rất lâu sau này, khi đọc các bài báo và tin cáo phó, tôi không hề thấy người ta nhắc gì đến Scoresby - mặc dù tôi đã cố tình ghi tên ông ta vào trong bức thư.
“Ông ta cũng nói đến việc tổ chức một đoàn cứu nạn nếu tôi không xuất hiện trở lại sau một tuần, nhưng tôi cũng không biết liệu ông ta có làm gì cho chuyện này không. Tôi nói thẳng điều đó vào mặt ông ta, và không hề chối cãi, ông ta dành cho tôi một cái nhăn mặt đầy láo xược. Cơ may cuối cùng của ngài, thưa ngài Họa sĩ, ngài có đi cùng tôi hay không nào? Quá tức tối để có thể thốt nên lời, tôi lắc đầu. Scoresby bèn nhấc mũ lên ra dấu chào vĩnh biệt, rồi bắt đầu trèo lên vách đá để lấy ngựa và đi khỏi. Vậy đấy, không thêm một lời. Phải mất vài phút ông ta mới lên được trên đó, và tôi không rời mắt khỏi ông ta một giây phút nào. Tôi không muốn mạo hiểm. Tôi nghĩ ông ta sẽ tìm cách giết tôi trước khi đi, với tôi chuyện này gần như là không thể tránh khỏi. Loại bỏ các bằng chứng, bảo đảm rằng tôi sẽ không kể với ai những gì ông ta đã làm - bỏ mặc một chàng trai trẻ trong cơn hấp hối như vậy, ở nơi xa xôi tất cả mọi người như vậy. Nhưng Scoresby không hề quay đầu lại. Không phải vì lòng tốt đâu, tôi đảm bảo với anh đấy. Lời giải thích duy nhất khả dĩ là ông ta thấy không cần thiết phải làm vậy. Ông ta nghĩ rằng không cần phải giết tôi, bởi vì ông ta không tin tôi có khả năng tự mình quay trở về được.
“Scoresby đi khỏi. Không đầy một giờ sau đó, tôi đã tưởng chừng ông ta chưa bao giờ tồn tại. Tôi không thể miêu tả cho anh sự kỳ quặc của cảm giác ấy. Không giống như là khi tôi quyết định không nghĩ về ông ta nữa: tôi còn không thể nhớ ông ta khi nghĩ đến. Vẻ ngoài của ông ta, giọng nói của ông ta, tôi không còn nhớ gì hết cả. Đó là hiệu ứng của sự im lặng đấy, Fogg ạ, nó khỏa lấp tất cả. Scoresby bị xóa đi khỏi ký ức của tôi, và về sau này, mỗi lần tìm cách nhớ đến ông ta, tôi lại thấy như thể mình đang cố nhìn thấy lại một nhân vật thoáng thấy trong mơ, tìm kiếm một ai đó chưa từng bao giờ ở đó.
“Ba hay bốn ngày sau thì Byrne chết, về phần tôi, sự chậm chạp ấy có thể lại là một điều tốt. Tôi bận rộn, và vì lẽ đó, tôi không có thời gian để sợ. Nỗi sợ chỉ đến sau này, khi tôi còn lại một mình, sau khi đã chôn Byrne. Ngày đầu tiên, hẳn là tôi đã leo lên núi hàng chục lần để gỡ lương thực và đồ dùng trên lưng con lừa rồi mang xuống dưới. Bẻ gãy giá vẽ, vậy là tôi có gỗ dùng để làm nẹp băng bó tay chân cho Byrne. Nhờ một tấm chăn và bộ chân giả, tôi dựng một mái chìa nhỏ để che mặt anh khỏi bị mặt trời chiếu vào. Tôi chăm sóc con ngựa và con lừa. Tôi thay băng làm từ những mảnh vải xé khỏi quần áo. Tôi nhóm lửa, chuẩn bị đồ ăn, làm những gì cần phải làm. Cảm giác tội lỗi thúc đẩy tôi, tôi không thể không cảm thấy có trách nhiệm trong sự việc vừa xảy đến, nhưng ngay cả cảm giác đó cũng tạo ra một chỗ dựa. Đó là một cảm giác con người, nó cho thấy tôi vẫn còn gắn kết với cái thế giới nơi những con người khác đang sống. Một khi Byrne đã chết đi, tôi không còn phải bận tâm đến điều gì nữa, và sự trống rỗng đó làm tôi hoảng sợ, tôi mang một nỗi sợ ghê gớm đối với nó.
“Tôi biết là không có hy vọng nào cả, tôi đã ngay lập tức biết điều này, nhưng tôi cứ tiếp tục nuôi dưỡng ảo tưởng rằng anh sẽ qua khỏi. Không lúc nào anh ra khỏi được trạng thái hôn mê; thỉnh thoảng anh lẩm bẩm trong miệng, kiểu của một người nói mơ trong khi ngủ. Đó là một loạt những từ không sao hiểu nổi, những thanh âm không thực sự tạo thành các từ, và mỗi lần chuyện ấy xảy ra tôi lại tưởng biết đâu anh sắp hồi phục trở lại. Tôi có cảm giác anh tách biệt khỏi tôi qua một lần vải mỏng, một tấm màng vô hình giữ anh lại ở bờ bên kia của thế giới này. Tôi cố khích lệ anh bằng giọng nói của mình, tôi không ngừng nói chuyện với anh, tôi hát anh nghe những bài hát, tôi cầu nguyện để có điều gì đó cuối cùng cũng đến được với anh và đánh thức anh dậy. Việc này hoàn toàn không có tác dụng nào. Tình trạng của anh cứ trầm trọng mãi thêm. Tôi không sao đút cho anh ăn được một chút thức ăn nào, tất cả những gì tôi làm được là thấm ướt môi anh bằng một cái khăn mùi soa nhúng nước, nhưng cái đó không đủ, nó không nuôi sống được anh. Dần dần, tôi thấy sức lực của anh giảm sút. Vết thương ở dạ dày đã ngừng chảy máu, nhưng nó không đóng sẹo được. Nó bắt đầu ngả sang màu xanh lá cây nhạt, mủ rỉ ra thấm ướt cả bên ngoài băng gạc. Không ai, dù có bằng cách thức nào, có thể sống sót được qua chuyện đó.
“Tôi đã chôn anh tại chỗ, dưới chân núi. Tôi sẽ không đi sâu vào các chi tiết. Đào mộ, kéo xác anh đến miệng hố, cảm thấy anh rời thoát khỏi tôi vào giây phút tôi đẩy anh vào bên trong. Tôi nghĩ là mình đã trở nên điên khùng một chút. Phải khó nhọc lắm tôi mới có thể tự buộc mình lấp cái lỗ lại. Chôn lại, ném đất xuống khuôn mặt đã chết của anh, với tôi là một việc quá sức. Tôi vừa làm việc ấy vừa nhắm tịt mắt lại, cuối cùng tôi cũng tìm ra giải pháp đó, tôi hất đất xuống mà không nhìn chút nào. Xong việc, tôi không làm cây thập ác nào, cũng không có lời cầu nguyện nào. Chúa khốn kiếp, tôi tự nhủ, Chúa khốn kiếp, ta sẽ không để mi có được sự thỏa mãn đó đâu. Tôi cắm một cây gậy xuống đất và gắn lên đó một mẩu giấy. Edwad Byrne, tôi viết lên đó, 1898-1916. Được chôn bởi người bạn của anh, Julian Barber. Sau đó tôi hú lên. Chuyện đã xảy ra như vậy đó, Fogg ạ. Anh là người đầu tiên mà tôi kể nó ra. Tôi đã hú lên, và rồi tôi quay cuồng phát điên.”