Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Chương 4 -
N
hụ rất tinh ý; chỉ chừng nửa tháng, cô bé đã biết hết tình hình nơi có thể gọi là gia đình thứ hai của cô. Cô không hỏi, chỉ qua những câu chuyện trao đổi của những người trong nhà rồi cô luận ra mà thôi.
Gia đình họ Đinh là một gia đình bậc trung. Cụ Đinh Công Trung sinh ra ba người con: ông Lễ, ông Tiết, ông Hiếu. Ông Lễ làm quan huyện gì đó nhưng ở xa chẳng thấy về nhà bao giờ. Ông Tiết sinh ra ông Chất và ông Phác (tức ông Huyền bố cô). Ông cụ Tiết đi tù về ốm yếu. Còn ông thứ ba tên là Hiếu, nghe bảo bị mắc chứng điên điên khùng khùng.
Cụ Tiết có vẻ hợp với cô bé Nhụ. Nhụ ít nói, nhưng khi đã nói thì cái giọng ríu ran làm căn nhà bừng lên tươi tắn. Từ khi có cô bé về, ngôi nhà thênh thang của ông con cụ Tiết bỗng ấm hẳn lên.
Khu đất nhà cụ Nho Tiết, hay nói cho đúng hơn là cái trang trại nhỏ ấy thật đẹp. Nó không rộng lắm, chỉ khoảng chừng hai mẫu đất chạy dài suất từ chân lên quá lưng chừng đồi. Ngọn đồi không cao lắm, nhưng dân ở đây vẫn tiện mồm gọi là núi. Đất quay mặt ra con đường chính của làng, cây cối mọc um tùm xanh tốt nên khu vườn có dáng một khu rừng. Chục gốc trám, chục gốc mít, rất nhiều sấu, rồi cả thị, nhãn, hồng, ổi, na, bưởi... Rất nhiều loại cây, trồng theo từng vạt riêng. Khu vườn tạp nhưng có duyên, mùa nào thức nấy. Người cháu tên là Tuấn, con ông Lễ ở Hà Nội về bảo:
- Vườn của chú thật là đẹp, thật thích mắt nhưng chẳng ra mấy tiền bạc. Chú phải chặt hết đi trồng toàn giống bưởi Đoan Hùng thì mới nhiều lợi. Tuấn thấy trong vườn có cây bưởi Đoan Hùng cho quả vừa ngọt, vừa thơm nên mới đưa ra ý kiến ấy. Cụ Tiết cười:
- Chú có định làm giàu đâu. Chú giống ông, chỉ thích cây nên trồng như thế. Thực ra cũng khối tiền đấy. Cũng đủ nuôi chú và cháu Điều.
- Cháu hiểu ông chú của cháu chứ. - Tuấn cười.
- Ấy, chú cũng định trồng thêm năm gốc bưởi Đoan Hùng để tết đến, có quà ngon biếu họ hàng và chỗ thân thiết.
Tuấn là họa sĩ. tính nết thoáng, cười giòn:
- Đó là cháu nói về cách sinh lợi nhiều, chứ thực ra cháu rất mê cái vườn của chú. Nếu trồng toàn một thứ cây, đối với con mắt cháu, sẽ là không đẹp. Còn như vườn của chú lúc này, theo cháu, nó đẹp nhất trần gian. Kìa... chú thử nhìn bụi nhót ở góc tường hoa kia. Lá của nó um tùm tự nhiên màu xanh xanh, trắng trắng. Cái màu trắng như quét nhũ, óng ánh trong nắng. Lại lấp ló những quả màu đỏ chót... Thích thật! Thích thật...
Nghỉ một lát, Tuấn lại tiếp tục những ý nghĩ chỉ nghiêng về cái đẹp của mình:
- Chả là cháu chỉ muốn ướm thử xem ý của chú thế nào thôi; chứ thực ra cháu chỉ cầu mong chú cứ giữ nguyên cái vườn mãi như thế này. Giữ nguyên mãi mãi chú ạ... để cho cháu mỗi lần về thăm chú, còn được ngắm cảnh, còn được vẽ vời, bôi màu lên giấy chứ.
Mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy, cụ đồ Tiết lại như có chút bùi ngùi. Mỗi người yêu khu vườn này theo một cách riêng. Cháu Tuấn yêu, vì nó là họa sĩ. Còn cụ Tiết, cụ yêu nó vì những kỷ niệm. Cây mít xù xì đầu nhà kia chắc đã gần trăm tuổi. Nghe nói nó được ông nội của cụ trồng, do vậy, nó đã cỗi, ra ít quả. Thân nó to và thẳng, nhiều người dạm mua để xẻ ván. Được tiền đấy nhưng cụ không bán. Còn phần đông các cây đang ra trái hiện nay đều do cụ thân sinh đã trồng. Cụ Đinh Công Trung là một lão nông tri điền. Chính cụ là người tạo thành khu vườn xum xuê như ngày nay. Cụ gây dựng khu vườn với ước muốn nó sẽ cung cấp đầy đủ cho mọi nhu cầu của gia đình. Cụ để hẳn ra một vùng đất trồng toàn tre bương. Cụ bảo để có đủ vật liệu mà dựng nhà, sửa chữa nhà. Đấy còn là nơi gọi chim cò về làm tổ, để hàng ngày được nghe tiếng líu lo của con chích chòe, con sáo sậu, để hằng đêm được nín lặng thầm dõi theo tiếng xáo xác hoặc rủ rỉ của lũ cò trên ngọn tre cao. Có tiếng chim, vườn mới thực là vườn và nhà mới thực là nhà. Tiếng chim cứ tưởng như rất bâng quơ chẳng có ý nghĩa, nhưng thực ra nó làm cho lòng người ấm áp đáo để. Ở chỗ chân đồi nơi thấp nhất, là một vạt ruộng chừng hai sào, cụ trồng đỗ, trồng ngô, khoai. Cạnh đó là cái ao nhỏ để thả bè rau muống. Cách ao một quãng là giếng nước, thành xây bằng gạch đá ong, nước trong veo. Bên giếng làm một nhà tắm lộ thiên; chung quanh trồng những bụi mây mọc rất dày, lá mây xanh mướt lá nọ đan vào lá kia kín mít. Đó là nơi để đám đàn bà con gái thỏa thuê với nước. Ngày xưa, bà Tiết và cô Loan, cô Mùi vẫn ríu rít nói cười giòn tan sau bức rào xanh kỳ thú của tòa nhà tắm thiên nhiên độc đáo ấy. Đến bây giờ, có những buổi chiều, cụ Tiết vẫn ngồi ở thềm nhà nhìn xuống cái buồng tắm màu xanh ấy, tưởng chừng như vẫn còn nghe thấy tiếng cười pha lê ấy của cô con gái và tiếng mắng yêu con khẽ khàng mà ấm áp của bà Tiết, ông già nghĩ tiếng của vợ ông như tiếng con chim câu gù, chẳng hiểu có đúng không nhưng ông Tiết vẫn thích ví von như thế.
Căn nhà chính năm gian nhìn xuống chân đồi, quay mặt hướng Tây. Thầy địa lý xem dương trạch bảo cụ cố ngày xưa phải làm như vậy. "Cái thế đất nó bắt phải thế mới thuận, mới hợp. Và có như vậy gia đình mới hưng thịnh". - ông thầy địa lý nói quả quyết như đinh đóng cột.
Quả là khi làm xong, vận khí nhà cụ Tiết sáng hẳn lên, trông thấy ngay. Mấy năm sau, Đinh Công Lễ và Đinh Công Tiết đi thi. Lễ đỗ cử nhân được bổ đi tri huyện, còn Tiết đỗ nhị trường vào tam trường thì trượt. Lão Cửu Nhậm lúc đó chưa làm tiên chỉ bảo rằng nhà họ Đinh huynh đệ đồng khoa. Tiết bị trượt đã tức liền nói:
- Xin ông đừng mỉa mai tôi. Đỗ nhị trường sao gọi là đỗ được.
- Cũng là đỗ chứ. Đỗ nhị trường, người ta chẳng gọi là ông Nhị đó sao?
- Nhị hay tam thì làm gì. Xin ông cứ gọi tôi là anh khóa Tiết cho nó tiện.
Khóa Tiết, Cửu Nhậm vốn đồng môn. Nhậm vẫn bị Tiết chê dốt nên họ hay châm chọc nhau như vậy. Mấy năm sau, Tiết đi theo cụ Đốc Ngữ. Phong trào khởi nghĩa của Đốc Ngữ bị tan. Cũng may, lúc thoái trào Đốc Ngữ thì Tiết bị sốt rét về nhà dưỡng bệnh nên không bị Tây bắt. Cũng có kẻ xấu bụng tố cáo, nhưng nhờ có cử Lễ lo lót, chạy chọt nên Tiết vẫn không việc gì. Sau đợt ấy, Tiết mở lớp dạy con em trong làng nên dân gọi là ông đồ Tiết.
Mấy năm sau, tới lúc anh em Chất, Phác đi theo quân Đề Nghĩa rồi biệt tăm biệt tích, lúc bấy giờ người Pháp mới bắt cụ Tiết, nhưng cũng chỉ phải tù mất vài năm. Ông cử Lễ ngẩng mặt lên trời mà than:
- Hình ngục nan đào! Tử vi của chú Tiết là thế. Chỉ thoát một lần, nhưng lần thứ hai cũng không thể thoát.
Cụ Đinh Công Trung thương con trai, ngã bệnh chết. Rồi bà Tiết thương chồng tù tội, nhớ mong hai đứa con trai bỏ làng biệt xứ, nên cũng héo hon mà qua đời.
Khi ông Tiết hết hạn tù, ông Hiếu điên điên rồ rồ bỏ ra chùa ở, ông cử Lễ nhường hẳn ngôi nhà gia tiên để lại cho em trai. Phần nào cũng do lòng tốt của ông, song phần nào cũng do ông sợ cái hướng nhà. Nghe nói có lão đồ Mốc, thầy địa lý khét tiếng cả vùng, phán rằng mộ phần nhà họ Đinh đều tốt cả, chỉ riêng dương trạch không ổn. Khí không tụ mà lại tán, sợ rằng phú quý tài lộc không dài lâu đến đời con, đời cháu, rồi thậm chí có người sa hình ngục. Cử Lễ ngẫm nghĩ thấy lão Mốc nói nhiều điều đúng, nhất là khi nghĩ đến cái chết của ông bố và cô em dâu sau khi ông Tiết bị tù. Còn Tiết sau khi đi tù về, ông lặng lẽ nói:
- Bác nhường cho thì em xin nhận. Em xin giữ gìn trông nom của gia tiên, sao cho nó vượng lên. Riêng em, dù ngôi nhà của cha chúng ta có dữ thế nào, em cũng không cần. Bởi vì bản thân em đã đi tù. Vợ cũng đã chết. Hai con thì lưu lạc chân trời góc biển nào cũng chẳng ai hay. Đứa con gái lớn số phận chẳng ra gì. Chỉ còn mụn con gái út, bác đã lo cho rồi. Thế cho nên em không sợ. Và biết đâu đấy... bởi vì vật cực tắc phản mà (vật đi hết đường sẽ quay trở lại).
Cái lý lẽ của ông em trai có vẻ cùn, bất cần. Điều ấy làm ông cử Lễ áy náy. ông bảo em:
- Hay là ta bán quách nó đi, tậu cho chú khu đất khác.
- Không được. Của gia tiên không nên bán... Vả lại... em hiểu rồi. Bác áy náy vì sợ mang tiếng là đùn đẩy cái phần xấu, phần không may về cho thằng em hứng chịu chứ gì. Em nói thật với bác: Em không tin rằng số phận lại tiếp tục đẩy em tới chỗ tuyệt diệt.
Ông đồ Tiết không tin vào sự tuyệt tình của số phận. Ông vật lộn với nó, và trước mắt, ông phải làm cho cái trang trại của mình được hưng thịnh lên. Mặc dù đi tù về ốm yếu, ông vẫn hàng ngày cặm cụi vun xới khu vườn, chặt tỉa những cây già cỗi sâu bệnh, trồng thêm những cây mới. Thằng cháu Điều, tuy nhỏ tuổi, nhưng hăng hái cũng chẳng kém gì ông. Hai ông cháu lần hồi sống cùng vườn cây. Nhìn thằng cháu lớn lên từng tháng, từng năm, điều ấy cũng tiếp sức cho ông rất nhiều. Bây giờ, khu vườn đã hồi sinh hoàn toàn. Nó lại càng thêm sức sống khi hai bố con Huyền và Nhụ trở về.
Sớm nay, cụ đồ Tiết dẫn Nhụ đi thăm khu trại. Ông già rất yêu quý cô cháu gái. Bà cụ Tiết chết rồi. Cô con gái lớn, cô Mùi, tuy không chết cụ cũng coi là chết. Cô Loan, khi cụ mắc tù tội, được ông cử Lễ nuôi nấng, gả chồng cho lấy người làm nghề giáo học ở Hà Nội. Ba người đàn bà đi khỏi trang trại. Cái nhà tắm thiên nhiên xanh ngắt của cụ ở dưới chân đồi hầu như bỏ hoang, bởi vì thằng Điều không thích tắm nhà tắm, nó thích vùng vẫy bơi lội trên sông hoặc ngoài hồ Huyền. Những cây mây nơi nhà tắm bỏ hoang, được dịp tha hồ mọc bừa bãi. Cái nhà tắm xanh càng trở nên um tùm. Những ngọn mây như những con rồng vươn lên trời mà nhảy múa. Thấy có cô cháu gái, cụ Tiết lặng lẽ ra sửa sang, buộc bịu cho cái nhà tắm được gọn gàng. Nhụ trông thấy cái nhà tắm xanh, mắt sáng lên thích thú. Và ông lão lại được sung sướng, khi tiếng cười như pha lê của Nhụ lại cất lên ở đó, lúc cô dội làn nước mát lạnh lên đầu. Tiếng cười lanh canh từ cái buồng tắm thiên nhiên, từ cái vách lá mây xanh ngắt ấy vang lên, chợt làm hiện lại hình ảnh của người vợ, của những người con gái, những hình ảnh ấm áp của một gia đình mà ông cứ tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại. Cô cháu gái đã lấp đầy chỗ trống tình cảm trong trái tim ông, chỗ trống mà một con người cứng rắn như ông sẽ không khi nào chịu bộc lộ, thú nhận vì lòng kiêu hãnh.
Kìa, cô cháu gái đang đứng ở góc sân, dưới gốc cây thị thơm ngát. Cô cúi đầu, xõa tóc, rồi nắm lấy chân tóc ở sát đỉnh đầu mà quay vun vút cho nước văng đã tạo thành một đám mưa bụi mát rượi bay cả vào thềm hè.
Tối hôm ấy có trăng. Nhụ mắc võng dưới cây thị, đưa võng kẽo kẹt mà hát rằng:
Cô rong chơi mười tám cửa ngàn
Ba mươi sáu động sơn trang các tòa...
Lúc đó, ông già ngồi uống nước với Trịnh Huyền. Cụ Tiết ngẫm nghĩ rất lâu rồi bảo con trai:
- Tôi có câu chuyện này, chả biết đã nên nói với anh chưa.
- Dạ, xin thầy cứ nói.
- À mà thôi, để sau hãy hay.
- Vâng ạ, lúc nào tiện thầy nói cũng được.
- Ừ… Mà... vì... con bé ngoan đáo để.
- Thầy bảo ngoan thế nào ạ.
- Thì... con cái Nhụ chứ còn ai. Con bé ngoan lắm.
Ông già nhắc lại câu nói. Nhìn gương mặt vui vẻ của cha, Trịnh Huyền cũng thấy vui lây. Anh cũng thật không ngờ đứa con gái của anh lại làm cho cha anh hài lòng như vậy. Anh chợt thấy việc trở về làng của mình là rất đúng.
Đứa cháu gái hầu hạ ông khéo lắm. Sáng sớm nào cũng đúng như chiếc đồng hồ, khi con chim dẻ quạt đen nhánh bắt đầu xòe đuôi vừa nhảy vừa hót ở bụi trúc vàng đầu nhà là Nhụ mang lên ấm nước để ông pha trà: Cũng như mọi nhà nho khác, ông Tiết thích uống trà buổi sớm, nhưng trước đây, cảnh nhà ly tán, hết tai họa này đến tai họa khác đổ xuống đầu, nên hầu như ông già đã quên mất cái thú vui ấy. Nó chỉ trở lại khi cha con Trịnh Huyền về nhà. Ông già không nói ra, nhưng trong bụng rất cám ơn cha con Huyền. Bởi vì, bằng những hành động nhỏ nhoi, họ đã nhắc lại cho ông niềm vui sống gần như bị đánh mất trong ông.
Uống trà xong, cụ Nho Tiết dắt cháu gái ra khu nuôi ong. Cụ nho quý những đàn ong của mình vô cùng. Trước đây, không một ai được bén mảng đến khu nuôi ong. Hình như trước cũng có một người được phép, nhưng người ấy đi rồi. Bây giờ, tự tay cụ chăm sóc lấy. Cụ không muốn theo lối cổ truyền nuôi ong bằng đõ như người miền núi. Cậu cháu Tuấn nhờ một người bạn học canh nông dạy cụ nuôi ong theo kiểu mới bằng thùng đóng hình hộp, rồi gài cầu vào bên trong cho ong làm tổ. Hôm ấy ông cụ bảo Nhụ:
- Xem ra cháu nuôi ong được đấy.
- Nuôi ong khó lắm phải không ông?
- Cũng khó mà cũng dễ.
- Cháu sợ ong đốt lắm.
Ông tươi cười nhìn cháu:
- Người nuôi ong phải biết kiên nhẫn, lặng lẽ và dịu dàng. Người nóng nảy, thô lậu khó có thể nuôi ong. Ong rất ưa sự khẽ khàng, mềm mại. Đến với ong phải giống như người mẹ đến với con mình. Âu yếm, ấm áp. Ong cũng có thể cảm nhận được bàn tay nào yêu thương chúng, không muốn làm hại chúng. Ong cũng thích người có da thịt thơm tho. Sở dĩ ông không cho người khác đến nơi đây, bởi vì họ vụng về và thô thiển. Họ chưa đến đã nghĩ đến ăn mật. Hơn nữa, mùi khác lạ cũng làm ong sợ. Loài ong cũng biết đánh hơi. Có đàn ong rất sợ mùi mồ hôi dầu. Người có mùi này chỉ đứng cạnh, chưa kịp làm gì, đàn ong đã nhốn nháo như sôi lên, chỉ chực bay ra đốt kẻ địch.
Cô bé Nhụ ngây người, nghe ông kể về ong. Cô được phép núp sau lưng cụ Tiết đi vào khu nuôi ong. Năm thùng ong được đặt dưới những gốc nhãn, chung quanh một cái lều nhỏ. Những cây nhãn cổ thụ tỏa bóng che mát cả một vùng. Dần dà Nhụ đã dám từ sau lưng đi ra đứng cạnh ông già. Những con ong bay vù vù quanh người cô bé. Ông bảo:
- Đừng sợ, chàng đang tìm hiểu xem cháu là người thế nào. Cứ bình tĩnh, đừng hốt hoảng.
Mấy con ong sáp lại, đậu trên má Nhụ. Ông cụ lại nói:
- Mặc chúng? Đừng cử động mạnh. Ví dụ có con nào đốt cũng phải cắn răng mà chịu. Vả lại, loài ong ruồi không hung dữ. Chỉ khi nào thấy bị tấn công nó mới đốt lại để tự vệ…
Đi theo cụ Tiết vài hôm, Nhụ bắt đầu quen những đàn ong. Cô học dần dần để trở thành một trợ thủ đắc lực cho ông trong nghề nuôi ong.
Mới đầu, cụ Tiết nuôi ong để chữa bệnh. Ở tù ra, người cụ chỉ còn da bọc xương. Người ta bảo cụ mắc lao. Cụ đã uống mật ong liên tục ngày hai lần. Rồi còn dùng cả tắc kè sấy khô tán bột, lúc ăn trộn một thìa với mật ong. Ong thì nuôi. Tắc kè thì cu Điều lần mò bẫy trong rừng. Chẳng mất tiền thuốc mà sức khỏe của cụ Tiết cũng dần hồi phục.
Lúc này, khỏe rồi, cụ đồ vẫn say mê nuôi ong; bởi vì ở đây gần rừng nhiều hoa, hơn nữa ngoài chuyện bổ dưỡng, nó còn là một nghề, một mối lợi. Trong gian buồng đầu hồi, nơi cụ ở, lúc nào cũng thấy phảng phất hương mật ong.
Cuối xuân đầu hạ, hoa núi ê hề, trong rừng có hàng trăm thứ hoa đua nở. Những cây nhãn rừng, rồi dâu da rừng đơm hoa trắng xóa. Những cây mai vàng khắp tán lá trổ hoa vàng ối làm sáng cả những góc rừng. Ở đây có cả khu rừng sấu, hoa ngà ti li nhưng rất quyến rũ ong vì hương của nó ngon ngọt; khi ngồi dưới khu rừng sấu mát rượi, ngửi mùi hương của nó, đến con người còn bị quyến rũ. Ngoài ra, ở những vạt đất thoáng ven suối, còn có bao nhiêu loài hoa dại: những bông hoa tím không tên, những bụi mẫu đơn đỏ rực, những bông hoa vông vang to như những cánh bướm vàng rung rinh, những bông hoa loa kèn trắng nõn nà... Bướm cũng nhiều vô kể. Chúng cũng cần mẫn chẳng kém gì ong. Hết vờn trên mặt đất, lại bay vút lên cao, nơi có những giò phong lan rực rỡ. Thiên đường hoa!
Vào mùa hoa như vậy, lũ ong thợ dậy rất sớm. Chúng rung cánh bay qua trảng cỏ trống đầy hoa dại để tới những khu rừng rậm rịt bên kia sông. Nhụ cũng dậy khi lũ gà trống gáy dồn. Cô ra chuồng gà nhặt trứng, sau đó đi một vòng quanh vườn xem có dấu vết gì của lũ cầy cáo hay không. Tiếp đó, cô đến chỗ nuôi ong.
Mùa này mật mau đầy tổ. Lũ ong hầu như đã vào rừng hết cả, chưa kịp về. Tổ ong vắng vẻ. Chỉ thấy lưa thưa dăm chú ong thợ đậu ngoài cửa. Hai ông cháu bắt tay vào việc. Họ mở nắp thùng ong mà họ đã thăm dò từ mấy hôm trước. Các cầu ong đã đầy và bít nắp. Cụ Tiết dùng một lưỡi dao thật mỏng, sắc như dao cạo, khéo léo cắt những tầng ong nhiều mật, để lại những tảng còn đang xây dở dang, để lại cả những tầng có nhộng con. Cụ lấy được bốn tầng đầy mật, cắt chúng thành những miếng nhỏ. Sau đó, lấy một chiếc chậu sạch và khô, đặt mấy chiếc đũa dài lên miệng chậu, rồi đặt những miếng tổ ong lên đũa ngáng. Nhụ bê chậu đặt ra giữa sân, chỗ dãi nắng. Cùng lúc ấy, mặt trời đã lên cao tới đầu ngọn tre. Mấy con gà trống trong chuồng trông thấy Nhụ cứ cục cục như van xin cô cho ra. Nhụ quay lại, cười:
- Hôm nay lấp mật. Bị nhốt hiểu không.
Đến trưa, lúc mặt trời đứng bóng, sáp bịt miệng lỗ tổ ong chảy ra, mật theo lỗ tổ ong đã mở rơi xuống đáy chậu từng giọt. Mật trong chậu màu vàng nhạt, trong như hổ phách. Cụ Tiết bảo đó là mật thượng hạng dùng để chữa bệnh. Khi mật không chảy nữa, Nhụ mang những miếng tầng ong xếp vào nồi, đem lên bếp đun nhỏ lửa, sau đó mang ra lấy tay bóp nhẹ. Nước mật thứ hai theo kẽ ngón tay của Nhụ chảy vào liễn. Nước mật này màu nâu trông như mật mía thơm phức. Cụ Tiết bảo Nhụ đi chợ mua bánh đa quết mật nước hai này vào rồi cả nhà đến tối ngồi ở hiên vừa ăn bánh đa, vừa uống nước chè tươi, vừa ngắm trăng non. Ôi chao? Những quãng ngày này với Nhụ, với Điều, với cụ Tiết, cả với bố Huyền nữa, sao mà đẹp thế.