Số lần đọc/download: 7902 / 14
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 4 -
K
hi Lăng tỉnh giấc thì cô bé đã đi mất. Anh bước xuống bãi cát. Bờ biển dài vắng tanh. Triều lên xóa tất cả dấu chân của hai người, Lăng mơ hồ như có như không. Anh cảm giác mình vừa qua một cơn mộng. Cô gái bẻ bỏng ấy là thiên thần hay một nàng tiên cá vừa dưới biển lên bờ ngao du? Sao cô bé lại lạ lùng thế nhỉ? Có phải cô là hiện thân của một người hoang sơ, mộc mạc mà một gã sống ở chốn phồn hoa đô hộ, quen bon chen như anh bỗng muốn quay về tìm sự bình yên.
Ngóng mắt về phía xa ngút ngàn nhưng không thấy ai, Lăng lủi thủi trở lại lều. Anh khó chịu khi nhận ra người đang ngồi phả khói bên hòn đá gần đó là Hiển.
Búng điếu thuốc hút dở ra cát, Hiển đứng dậy, giọng châm chọc:
- Nhìn cậu lang thang dọc biển tôi lại liên tưởng đến công dã tràng ngay xưa. Chắc trước khi chết dã tràng cũng lang thang nhứ thế để tìm viên ngọc bị rơi mất.
Xoa cằm, Hiển nhấn mạnh:
- Cậu sẽ không tìm thấy gì ở đây đâu. Đừng bới móc nữa. Về Sài Gòn không sướng hơn sao?
Lăng gằn:
- Anh xéo đi, nếu không đừng trách tôi hỗn.
Hiển cười hề hề:
- Tôi đùa chút thôi, làm gì cậu dễ cáu thế.
Lăng dịu giọng:
- Tìm tôi chi vậy?
- Ông cụ muốn gặp cậu. Nếu thấy cậu sống kiểu Robinson trên hoang đảo, chắc ông cụ lên máu quá.
Lăng nhíu mày nghĩ ngợi. Nhìn vẻ hiu hiu tự đắc của Hiển, anh ghét quá nhưng nếu cứ tỏ thái độ thẳng thắng quá chỉ khổ chị Hải Uyên. Chị hai anh yêu và tôn thờ Hiển như một thần tượng mà không biết anh ta là đồ sâu bọ.
Lăng khoát tay:
- Tôi sẽ gặp ba, anh về trước đi.
Hiển lại cười hề hề:
- Thì cứ về một lượt xem ông cụ nói gì.
- Tôi thích đi một mình hơn.
Hiển nhún vai:
- Tùy cậu vậy.
Lăng đốt thuốc. Anh không đoán được ba mình sẽ nói gì. Nếu ông buộc anh về Sài Gòn thì sao? Có lẽ Lăng phải hết sức mềm mỏng thuyết phục ông tin những thẩm định của anh về toàn bộ công trình đang xây dang dở. Anh phải tập trầm tĩnh, điềm đạm mới được.
Vào lều mang đôi bata. Lăng bước về hướng Cầu Cảng, khu du lịch gia đình Lăng đầu tư dự định sẽ có độ ba mươi phòng với đầy đủ tiện nghi và nhiều hạng mục khác đạt tiêu chuẩn quốc tế. Anh muốn công trình phải đúng chất lượng để ra trong khi Hiển lại muốn bòn rút vật liệu để làm của riêng. Anh ta về phe với chủ thầu qua mặt bố vợ mà ông không hay.
Tim Lăng lại nhức nhối khi nhớ tới thái độ của ba mình hôm trước. Anh không muốn bị rơi vào tình huống ấy thêm lần nào nữa. Khổ nổi đã làm việc thế nào cũng có đụng chạm. Cha con … va vào nhau xót xa lắm chứ …
Bước vào công trường, Lăng đến ngôi nhà dành cho ban giám đốc. Ba anh và Hiển đang ngồi trong văn phòng.
Thấy anh vào, ông Vĩ hất hàm bảo Hiển:
- Ba muốn nói chuyện riêng với Lăng.
Ngập ngừng một chút, Hiển mới miễn cưỡng đứng dậy giống ra chiều mình là người quan trọng:
- Nếu ba cần thêm sơ liệu cứ gọi, con sẽ cung cấp ngay. Không ai chính xác bằng con đâu.
Ông Vĩ gật đầu:
- Được rồi.
Đợi Hiển đi khỏi, ông mới bảo:
- Sao lại ra biển ở? Con muốn làm tình làm tội ba à?
Lăng nói:
- Con muốn sống một mình để tự kiểm điểm bản thân. Sống một mình người ta dễ trầm tĩnh hơn, nhất là ở nơi quá nguyên sơ như vậy. Con nhận ra so với thiên nhiên kỳ bí, mình chỉ là hạt cát.
Ông Vĩ bật cười:
- Con thành triết gia rồi. Ba đang cần một kỹ sư xây dựng giỏi chớ không cần triết gia.
Lăng nhếch môi:
- Tiếc rằng con không phải kỹ sư xây dựng giỏi và điều đó đã làm ba phiền lòng.
Ông Vĩ cau mặt:
- Hừ! Đàn ông gì lại giận dỗi như đàn bà. Ba phiền lòng vì con quá kiêu ngạo, không biết kính trên nhường dưới chớ không phải đánh giá chuyên môn của con.
Im lặng vài giây như chờ xem phản ứng của Lăng, ông nói tiếp:
- Ngày mai ba về Sài Gòn. Ba muốn con và Hiển hợp tác vui vẻ. Ba không muốn người ngoài nhìn thấy những mâu thuẫn ở hai anh em.
Lăng nhìn ông:
- Bản thân con không có gì mâu thuẫn với anh Hiển hết, nhưng trong chuyên môn thì có. Con và ảnh bất đồng về nhiều điểm. Ai cũng bảo vệ quan điểm của mình, song mục đích thì rất khác.
- Ba hiểu con muốn nói gì. Mấy hôm nay ba đã kiểm tra lại các dư kiện và thấy con đúng. Hiển cũng thừa nhận những sai sót của nó với ba. Thôi thì anh em phải nhường nhau để công việc thuận lợi.
Lăng ra điều kiện:
- Con muốn nhận nhiệm vụ cụ thể.
Ông Vĩ gật đầu:
- Được, tối nay ba sẽ trực tiếp giao việc cho cả hai. Bầy giờ con cho người nhổ lều ngoài biển, dọn đồ đạc vào phòng đi.
Lăng ương ngạnh:
- Ở ngoài biển con thích hơn.
Ông Vĩ nghiêm nghị:
- Đừng gàn bướng nữa. Con phải hòa đồng với công nhân, với mọi người. Hiển khôn khéo ở điểm đó. Mà tại sao con phải ở ngoài lều khi con là cậu chủ của khu giải trí liên hợp này?
Vỗ vai Lăng ông nói:
- Con cần chững chạc hơn, hiểu không?
Lăng lặng lẽ:
- Vâng.
Anh trở về căn phòng của riêng mình. Cửa sổ phòng hướng ra biển, nhưng biển ở đây nhộn nhịp chớ không hoang vu như vùng biển anh vừa bình an ngủ một giấc dài.
Ước gì anh có thể được ngủ như vậy nữa. Chắc là khó đấy! Đối mặt với công việc tức là khó tránh sự quỷ quyệt, ma giáo, Lăng sẽ bị cuốn phăng vào guồng quay phức tạp với bao nhiêu mắc mưu, mẫu thuẫn sẽ chẳng có giấc ngủ vô tư nào cho anh nữa đâu.
Ngay lúc ấy Lăng thấy Hiển. Anh ta đang bước vào khu bếp của công nhân với hai người. Một đàn bà và một thanh niên.
Người đàn bà tướng tá phốp pháp to cao khoảng bốn mươi mấy tuổi đi cạnh gã thanh niên cũng cục mịch to cao, có lẽ là hai mẹ con hay hai chị em gì đó. Họ là dân địa phương. Hiển có quan hệ thế nào với họ vậy kìa?
Dù không muốn, Lăng cũng xuống khu bếp. Anh định thử xem Hiển sẽ ứng xử thế nào với anh trước mặt mọi người.
Đang cao giọng giảng giải gì đó, Hiển chợt im bặt khi thấy Lăng, mọi người trong bếp kẻ tò mò, người dè dặt nhìn anh.
Rất nhanh chóng, Hiển oang oang mồm:
- Qúy hóa quá, cậu ba Lăng xuống thăm bếp. Tổng khẩu đâu, mau làm món đặc sản vùng hải đạo đãi cậu ba coi.
Lăng điềm tĩnh:
- Bày vẽ làm chi vậy anh hai. Em xuống bếp xin vài chai nước lọc thôi mà.
Hiển kêu lên:
- Trời đất! Xin nước uống! Bậy thiệt! Dì Tám đâu. Bằt đầu từ hôm nay dì lo cơm nước cho cậu ba chu đáo nghen. Cậu ấy ngán cơm chợ rồi đó.
Lăng nhìn hai người anh thấy lúc nãy với vẻ dò hỏi. Hiển liền giải thích:
- Dì Mí sẽ vào phụ dì Tám chuyện bếp núc.
Người đàn bà đon đả:
- Dạ chào cậu ba.
Hiển vỗ vai gã thanh niên:
- Cư! Con trai dì Mí, ngư dân thứ thiệt đó. Ghe của cậu ấy cung cấp cá cho nhà bếp.
Gã thanh niên nhếch môi thay cái chào. Lăng mỉm cười, anh không thích lắm vẻ vai u thịt bắp phàm phu tục tử của Cư nhưng vẫn đưa tay theo kiểu lịch sự.
Lăng nhìn bà Mí:
- Nhà dì ở đâu?
Người đàn bà còn ngập ngừng, cậu con trai đã trả lời thay:
- Cũng gần đây thôi ạ.
Lăng nói:
- Vậy cũng tiện. Tôi tưởng nếu hai người ở xa thì cứ dọn vào đây cho gần. Sau này xong công trình chắc vẫn còn việc cho dì.
Bà Mí khúm núm:
- Cám ơn cậu Ba đã thương mẹ con tui.
Hiển cười kha khả:
- Ai cậu ba cũng thương hết chớ không chỉ mỗi mẹ con dì đâu. Cứ cố gắng siêng năng vào là sẽ được chiếu cố.
Lăng bước ra ngoài. Anh chịu hết nổi mồm mép của Hiển. Anh ta sống nhờ cái miệng bởi vậy nên dù nhỏ hơn chị Hải Uyên sáu tuổi, nghĩa là nhỏ hơn cả Lăng, Hiển vẫn thừa... ngọt ngào để … dụ chị Hải Uyên. Bà chị tưởng là rất khôn ngoan, lọc lõi của anh coi vậy mà nhẹ dạ u mê nên quen Hiển chưa đầy một năm đã nhắm mắt gật đầu, mặc kệ gia đình phản đối.
Hiển về làm cho công ty du lịch của gia đình Lăng với vai trò một nhân viên quèn, nhưng nhờ cái mã đẹp trai, khéo ga lăng với phụ nữ mà lọt vào mắt xanh của con gái rượu của giám đốc một cách ngon ơ.
Lấy được vợ giàu, cuộc đời anh ta rẽ qua lối khác. Mặc kệ miệng lưỡi thế gian, Hiển nhơn nhơn tự đắc.
Lăng ghét cay ghét đắng hạng đàn ông ngoi lên nhờ bám váy phụ nữ nhưng vì thương chị mình, anh luôn giừ hòa khí với Hiển. Khổ nỗi anh ta lại tưởng Lăng sợ mình nên đã nhiều lúc tỏ vẻ ta đây và xem thường … thằng em vợ.
Ở Sài Gòn Lăng thường " cho qua " những thứ anh nghĩ là lẻ tẻ, nhưng ở đây thì khác. Hiển cần phải biết chỗ đứng của mình và Lăng sẽ làm rạch ròi vị trí của từng người.
Hôm mới từ Sài Gòn ra, vì tự ái Lăng đã dại dột đi ngủ lều ngoài biển. Ba anh đã nhận sự nhầm lẫn của mình, ông đã gọi anh về, Lăng nhất quyết không để ông thất vọng.
Vừa đặt mình xuống ghế, Lăng đã nghe Tín, trợ lý của ba minh gọi:
- Anh Lăng có điện thoại.
Lăng đứng dậy, anh bước qua văn phòng cầm ống nghe lên.
Giọng Minh Hân kéo dài ra:
- Gớm! Em tưởng anh bị " bà tiên cá " nào đó xơi mất rồi chứ! Tội anh nặng lắm nghe. Ra đây cả tuần không gọi về cho em lấy một lần.
Lăng dối như thật:
- Anh xin lỗi. Nhưng công việc ngập mặt, anh không có thời gian.
- Anh làm việc cả ban đêm à?
Lăng lên giọng:
- Chứ sao! Xong việc đặt lưng xuống giường là ngủ như chết.
Minh Hân cười khúc khích trong máy:
- Ngủ một mình hay ngủ với ai?
Lăng nói:
- Anh và ba chung một phòng. Được không?
- Được quá đi chớ. Thế chừng nào anh về?
- Chưa biết.
Minh Hân phụng phịu:
- Không có anh buồn muốn chết.
Lăng ão não một cách dối trá:
- Anh cũng buồn vậy.
- Nhưng giọng nói của anh chả buồn chút nào.
Lăng lim dim mắt:
- Để anh khóc cho em nghe nhé.
- Hổng thèm … Em chỉ muốn có anh hà.
- Vậy thì bay ra đây chớ anh không về được đâu.
Minh Hân phụng phịu:
- Sắp tới sinh nhật của em rồi.
- Anh nhớ nhưng không dám hứa về hay không.
- Nếu anh không về em sẽ đi nhảy với người khác cho mà xem.
Lăng từ tốn:
- Cứ tự nhiên, anh có cấm đâu!
Minh Hân cười khúc khích:
- Cách nhau hàng trăm cây số anh có cấm cũng không được.
- Gọi cho anh để nói chuyện vớ vẩn này sao?
- Sinh nhật của em mà là chuyện vớ vẩn à?
- Tổ chức sinh nhật là tốt nhưng những chuyện ăn theo sinh nhật là vớ vẩn. Anh không thích, nên có về cũng không đi nhảy với em.
Minh Hân chua ngoa:
- Bạn bè em gọi anh là ông cụ non thật đúng. Thôi thì cụ cứ giam mình trên đảo, về Sài Gòn làm chi rồi nói những trò giải trí của người ta là vớ vẩn.
Lăng chưa kịp nói thêm lời nào, Minh Hân đã gác máy thật mạnh. Anh nhún vai bước ra ngoài, lòng bực bội chớ không buồn gì, vì tính Minh Hân là thế. Lăng không ngăn được ý muốn đắm mình dưới làn nước xanh biếc. Anh chợt thấy rõ mình yêu cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên biết bao nhiêu, nhưng trước đây ở thành phố anh không nhận thức được chuyện đó nên nhiều khi bực bội, nặng nề vì áp lực công việc quá tải song không có nơi thích hợp để thư giãn, Lăng chỉ biết thu người vào góc phòng nghe nhạc. Anh ghét đám đông và những trò giải trí của giới trẻ nên bạn của Minh Hân gọi lén Lăng là cụ non, là ông già Kốt-ta-bít. Nhiều khi muốn chiều Minh Hân, anh cũng miễn cưỡng theo cô vào vũ trường để chịu không nổi âm thanh mêtal, ánh sáng điện tử lóe mắt cùng những đám bạn cuồng loạn của cô.
Minh Hân biết anh ghét vũ trường nhưng cô vẫn cố ý lôi anh vào cho bằng được, Minh Hân muốn thể hiện quyền lực của mình, Lăng vì yêu nên đã chiều trong mệt mỏi. Anh không hiểu tình yêu của mình đối với Minh Hân có đủ mạnh để anh tiếp tục chiều theo cô cho đến hết cuộc đời không.
Hân là con một, được cưng chiều như trứng, cô quen muốn gì được nấy và coi việc mọi người phải " tuân lệnh " mình là chuyện hiển nhiên. Yêu một người chỉ biết mỗi bản thân thật đáng ngao ngán. Nhưng đã lỡ yêu rồi biết làm sao khi Lăng không phải tuýp đàn ông ưa thay đổi. Anh chỉ mong sao Minh Hân sẽ đằm tính lại để có thể trở thành một người vợ mẫu mực.
Bước về phía biển, Lăng vươn vai hít hơi, gió thổi căng phồng chiếc áo anh đang mặc. Lăng bỗng kháo khát được bay lên cao như những cánh hải âu đang lượn vòng ngoài khơi.