Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Tác giả: John Grisham
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Chamber (1994)
Dịch giả: Hoàng Hải Thủy
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 934 / 34
Cập nhật: 2018-06-11 22:49:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II - Chương 4
ông ty luật Kravitz & Bane ở Chicago có đến gần 300 luật sư. Trụ sở công ty nằm trong toà nhà nhiều tầng cao hàng thứ ba của thành phố.
Như nhiều công ty lớn làm ăn phát đạt khác, công ty luật Kravitz & Bane thu được nhiều tiền đến nỗi Ban giám đốc công ty thấy cần phải mở rộng việc biện hộ miễn phí để phục vụ công ích xã hội. Phòng Phục vụ công ích xã hội thường trực do luật sư E. Gardner Goodman làm trưởng phòng. Thân chủ được công ty biện hộ miễn phí gồm nhiều loại người: trẻ em bụi đời, mồ côi; dân cả đời đi ở mướn bị đuổi khỏi nhà; người nhập cư bất hợp pháp; người nghiện ma túy và những tử tù chờ giờ chết.
Adam Hall cầm trên tay tập kỷ yếu viết về việc công ty Kravitz & Bane tự nguyện biện hộ miễn phí cho các tử tù trên đường dẫn đến văn phòng E. Gardner Goodman ở tầng lầu thứ 61.
Sáng nay, Adam Hall có hẹn gặp ông già Goodman. Chàng đến văn phòng ông sớm hơn giờ hẹn 10 phút. Trong lúc ngồi chờ, chàng mở hồ sơ lý lịch của chàng ra xem lại. Không có gì nhiều: Đại học Pepperdine, luật Michigan, trợ bút tạp chí luật của nhà trường, một số bài viết về những hình phạt tàn ác và bất thường, vài bài bình luận về một số vụ tử hình mới xảy ra. Thành tích của luật sư Adam Hall quả thật chưa có gì nhiều, nhưng chàng chỉ mới 26 tuổi và chàng mới vào làm việc trong công ty luật Kravitz & Bane có 9 tháng.
Luật sư E. Gardner Goodman, trưởng Phòng Phục vụ công ích xã hội là một ông già gầy và cao, tóc và ria màu xám. Ông bận sơ-mi trắng, thắt nơ. Đặc biệt ông chỉ thắt nơ, không bao giờ thắt cà-vạt. Ông không đứng lên khi luật sư trẻ Adam Hall bước vào phòng. Ông chỉ lạnh lùng đưa tay ra bắt.
Adam đưa tập hồ sơ cho Goodman. Chàng yên lặng ngồi chờ trong lúc ông già lật lật tập giấy.
– Tại sao anh muốn phục vụ công ích?
Goodman đột ngột hỏi sau vài phút im lặng. Ông hỏi mà không nhìn. Có tiếng đàn ghi-ta cổ điển thánh thót vang nhẹ từ giàn loa đặt khuất dưới trần phòng.
Adam bình thản trả lời:
– Thưa ông… Tại vì nhiều lý do…
– Để tôi đoán coi. – Ông già ngắt lời – Anh muốn phục vụ người khác, muốn đền đáp công ơn cộng đồng đã gây dựng, nuôi dạy cho anh nên người đàng hoàng. Cũng có thể anh cảm thấy có tội vì đã quá chú trọng đến việc học làm sao để vồ được một việc làm ra thật nhiều tiền. Anh muốn làm vài công việc lương thiện, bất vụ lợi để lương tâm đỡ cắn rứt, phải không?
Chàng trai mỉm cười:
– Thưa ông, cũng không hoàn toàn chỉ có thể vì thế.
Không chú ý đến câu trả lời của Adam, Goodman vừa đọc qua lá thư giới thiệu của Wycoff vừa hỏi tiếp:
– Anh về làm việc với Ed Wycoff bao lâu rồi?
– Chín tháng, thưa ông.
– Tức là từ ngày anh đặt chân vào công ty này?
– Vâng.
– Anh thấy công ty này thế nào? – Xếp tập hồ sơ lại, ông già gỡ cặp kính lão ra để nhìn chàng trai.
– Cho tới lúc này tôi rất thích được làm việc trong công ty. Tôi thấy hứng khởi.
– Tại sao anh chọn Kravitz & Bane?
– Vì việc tranh tụng hình sự. Tôi rất thích đấu trí, thử tài trong những vụ hình sự, trọng tội. Kravitz & Bane nổi tiếng vì từng phụ trách nhiều vụ tranh tụng hình sự ác liệt nhất.
– Ở đây, công ty trả anh bao nhiêu?
Câu hỏi của ông già làm Adam khó chịu. Ông ta là thành viên Ban quản trị, một người có quyền như chủ nhân công ty, lại là tay lão luyện trong nghề, tất nhiên ông ta thừa biết số tiền lương hàng năm của những luật sư mới vào nghề như chàng. Nhưng ông cứ hỏi, và chàng vẫn phải trả lời:
– Thưa ông, tôi được trả gần sáu mươi ngàn một năm. – Và chàng hỏi lại – Còn ông? Công ty chi cho ông bao nhiêu?
Ông già có vẻ thú vị vì câu hỏi ngược của chàng. Ông nhếch mép cười lần thứ nhất kể từ khi Adam bước vào phòng:
– Họ chi cho tôi bốn trăm ngàn đô-la một năm để họ có thể kiếm tiền cật lực, ăn chơi hưởng thụ dài dài mà vẫn có quyền kiêu hãnh ngẩng cao mặt nhìn thiên hạ vì đã đóng góp nhiều công sức trong việc phục vụ nhân quyền, bảo vệ xã hội. Bốn trăm ngàn một năm, anh tin được không?
Tuy không biết đích xác nhưng Adam đã từng nghe nói đến những số lương khổng lồ của các nhân viên cao cấp như Goodman. Chàng lại hỏi:
– Thưa ông, ông có điều gì than phiền hay không bằng lòng với công việc trong công ty không?
Ông già lắc đầu:
– Không. Tôi là một luật sư may mắn. Tôi được trả nhiều tiền để làm những việc tôi ưa thích. Tôi làm việc không nhìn đồng hồ, không lo âu đến việc làm sao lấy được tiền của thân chủ một cách nhanh, gọn. Làm công việc luật mà không cần đòi tiền thân chủ, đó là giấc mơ chung của tất cả những luật sư trên cõi đời này. Vì vậy tôi vẫn cứ miệt mài làm việc sáu mươi giờ một tuần. Tôi gần bảy mươi rồi, anh tin không?
Trong công ty truyền tụng một giai thoại về Goodman. Thời trẻ, cũng trong công ty này, Goodman hăng say làm việc kiếm tiền đến nỗi bị loạn trí. Ông uống quá nhiều rượu và thuốc an thần. Khi bình phục, ông yêu cầu công ty giao cho ông việc nào không bị hối thúc hay bị thời gian hạn chế. Văn phòng ông là nơi duy nhất trong công ty không có đồng hồ.
Ông già đổi chuyện:
– Wycoff viết thư giới thiệu anh khá dài và khá tốt. Lạ đấy! Hắn có cho ai là giỏi đâu!
Adam mỉm cười:
– Khi gặp người tài, ông ấy cũng chẳng tiếc gì vài lời giới thiệu tốt.
– Anh Hall, anh xin làm việc phục vụ công ích, tôi muốn biết thực sự anh có ý định gì. Tôi muốn nghe anh trình bày lý do cụ thể. Tại sao?
– Thưa ông, tôi muốn được phụ trách một vụ án tử hình.
Ông già nheo mắt:
– Án tử hình?
– Vâng.
– Tại sao?
– Tôi chống lại án tử hình.
– Ai mà chẳng chống lại án tử hình. Tôi từng viết mẩy quyển sách về nó. Tôi cũng phụ trách đến hơn hai tá án tử hình rồi. Tại sao anh lại muốn dấn thân vào việc chống lại nó?
Adam Hall trả lời khiêm tốn và đơn giản:
– Tôi có đọc sách ông viết. Tôi muốn được phục vụ.
Ông già nhìn chàng kỹ hơn:
– Anh còn quá trẻ, quá non.
– Thưa ông, tôi có thể làm ông ngạc nhiên đấy.
– Anh Hall, việc bảo vệ những tử tù để họ khỏi bị giết khác với việc anh mách nước cãi chày cãi cối cho bọn đàn ông say rượu lỡ tay đánh vợ mấy cái bạt tại. Án tử hình là chuyện sống và chết. Thần kinh căng thẳng khủng khiếp. Không phải chuyện chơi đâu!
Adam gật đầu công nhận Goodman nói đúng. Ông già và chàng trai nhìn thẳng vào mắt nhau khá lâu. Adam từ chối rời mắt đi trước. Có tiếng chuông điện thoại vang lên đâu đó nhưng cả hai cũng không để ý.
Rồi ông già lên tiếng:
– Anh muốn được giao vụ nào? Hay là anh có thân chủ mới cho Kravitz & Bane?
Adam nói chậm và rõ:
– Thưa ông, tôi muốn được giao phụ trách vụ Cayhall.
Ông già lắc đầu, đưa tay sửa nhẹ cái nơ trên cổ:
– Sam Cayhall vừa đuổi chúng ta rồi. Tuần qua, Đệ ngũ Pháp viện đã ra phán quyết nhìn nhận tù nhân Sam Cayhall có quyền không cho phép chúng ta đại diện hắn.
Adam vẫn thản nhiên:
– Vâng, tôi biết. Tôi có đọc kỹ phán quyết của Pháp viện. Nhưng người tử tù ấy vẫn cần và vẫn phải có luật sư.
Goodman lại lắc đầu:
– Không đâu. Tử tù Sam Cayhall chẳng còn cần gì nữa. Hắn sẽ chết nội trong vòng ba tháng dù hắn có luật sư hay không. Tôi thấy nhẹ người khi chính hắn cho chúng ta nghỉ việc.
Adam nhắc lại:
– Người tử tù ấy cần có luật sư.
– Hắn tự đại diện cho hắn. Sam Cayhall làm được việc đó. Phải thừa nhận là hắn rất khá về luật. Hắn có máy chữ trong phòng giam. Hắn viết đủ thứ giấy tờ, đơn từ khiếu nại, đề nghị, tranh luận. Hắn nghiên cứu, sưu tầm tài liệu linh tinh. Tôi còn nghe nói hắn còn cố vấn pháp luật cho một số tử tù khác trong khám. Dĩ nhiên là chỉ với những tù nhân da trắng.
– Tôi có nghiên cứu toàn bộ hồ sơ của người tử tù ấy.
Goodman có vẻ suy nghĩ. Ông xoay xoay cặp kính viễn thị trên tay:
– Hồ sơ của hắn dễ đến nửa tấn giấy. Tại sao anh lại chịu khó đọc hồ sơ của Sam Cayhall?
– Tôi bị vụ án ấy hấp dẫn. Tôi theo dõi nó từ nhiều năm nay. Ông có hỏi tại sao tôi chọn đến làm việc trong công ty Kravitz & Bane, tôi xin thưa: tại vì tôi muốn được phụ trách vụ án Cayhall. Tôi phải đến đây vì công ty này biện hộ miễn phí cho Sam Cayhall. Đã mười năm rồi…
– Chín năm rưỡi, nhưng dài như hai mươi năm. Sam Cayhall không phải là người dễ tính đâu!
– Thưa ông, Sam Cayhall có khó tính cũng dễ hiểu thôi. Ông ấy đã sống trong khám tử hình cả mười năm nay rồi.
– Đừng giảng cho tôi nghe về đời sống trong tù. Anh đã bao giờ nhìn thấy bên trong nhà tù chưa? Nhà tù thường thôi, chưa nói đến khám tử hình.
– Thưa chưa.
– Tôi thì rồi. Tôi đã vào ra những khu tử hình của những nhà tù sáu tiểu bang. Với tôi, vụ án nặng nề u ám nhất là vụ Cayhall. Nhiều lần tôi bị hắn chửi rủa tàn tệ. Hắn là một tên phân biệt chủng tộc đến tận xương tủy. Không phải chỉ thù ghét người Do Thái và người da đen đâu, hắn thù ghét tất cả mọi người. Hắn sẽ thù ghét anh dù anh đến để giúp hắn khỏi bị người ta giết.
Adam tỏ vẻ nghi ngờ:
– Sao lại có thể như thể được?
– Anh không tin phải không? – Ông già nhếch môi, giọng cay đắng và mệt mỏi – Anh là luật sư. Hắn thù ghét luật sư hơn cả thù người da đen và người Do Thái. Hắn đã phải đối mặt với cái chết từ mười năm nay và hắn tự cho hắn là nạn nhân của bọn luật sư bất lương âm mưu thủ lợi. Hắn cho là chúng ta chỉ lợi dụng hắn để lấy tiếng cho công ty. Hắn đã tìm đủ mọi cách để đuổi chúng ta từ hai năm nay. Công ty đã chi cả triệu đô-la cho việc giữ hắn khỏi bị giết, còn hắn thì chỉ tìm cách ngăn công ty được giúp hắn. Tôi không nhớ xuể đã bao nhiêu lần hắn từ chối gặp chúng tôi dù chúng tôi đã phải vất vả đến tận nhà tù Parchman, nơi giam giữ hắn. Hắn điên. Anh chọn vụ khác mà làm. Bảo vệ trẻ em bị bạo hành cũng tốt lắm chứ.
– Cảm ơn ông. Tôi chỉ chú ý đến vụ án tử hình. Tôi bị vụ Sam Cayhall ám ảnh.
Ông già thoải mái gác một chân lên cạnh hàn:
– Tại sao, anh Hall? Anh có thể cho tôi biết tại sao anh bị vụ Sam Cayhall ám ảnh không?
– Thưa ông, vì đó là một vụ án ly kỳ, hấp dẫn; vụ án điển hình cho cả một thời kỳ có nhiều xáo trộn nhất của xã hội Hoa Kỳ. Nào là Ku Klux Klan, rồi phong trào đòi dân quyền, đòi nữ quyền, phong trào chống phân biệt chủng tộc và đòi phân biệt chủng tộc, những vụ đặt bom khủng khiếp, giết người, cướp máy bay đang bay, bắt con tin… Tuy những vụ xung đột về kỳ thị chủng tộc nay không còn nữa nhưng chúng mới chỉ xảy ra cách nay có trên dưới hai mươi năm. Thân xác xã hội Hoa Kỳ còn mang những vết thương chưa lành của thời kỳ ấy. Vụ án Sam Cayhall là một.
Hai người cũng im lặng. Lát sau, ông già chậm rãi:
– Anh Hall, tôi rất vui khi thấy anh sốt sắng làm việc phục vụ công ích. Song anh phải chọn vụ khác thôi. Chúng ta có nhiều việc để làm, đừng có nhất định phải làm vụ này, vụ nọ. Nhất là những vụ tử hình. Chúng không giống chút nào với những vụ án giả người ta dựng lên ở trường cho anh cãi đâu.
– Tôi đâu còn là sinh viên luật nữa.
Ông già nhún vai:
– Sam Cayhall đã chính thức chấm dứt việc chúng ta phục vụ hắn rồi. Bộ tôi nói anh không nghe sao?
– Thưa, tôi có nghe. Tôi xin ông cho tôi có điều kiện đến gặp tử tù Sam Cayhall trong khám.
– Để làm gì?
– Tôi nghĩ tôi có thể thuyết phục ông ta lại để cho chúng ta đại diện.
– Thật ư? Điều gì làm anh tin Sam Cayhall sẽ đối xử đặc biệt với anh?
Adam Hall hít vào một hơi dài. Chàng đứng lên đi đến cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Goodman nhìn theo, chờ đợi.
– Ông Goodman, tôi có chuyện riêng cần nói với ông để trả lời câu ông vừa hỏi. Ở đây chỉ có mình Wycoff biết chuyện của tôi thôi. Tôi bị bắt buộc phải nói với ông ấy. Và bây giờ tôi phải nói với ông. Xin ông giữ kín cho.
– Tôi nghe đây.
– Ông có hứa giữ kín chuyện riêng của tôi không?
– Tôi hứa.
– Cảm ơn ông. Tôi là thân thích của Sam Cayhall.
– Thân thích như thế nào?
– Ông Cayhall có người con trai tên là Eddie Cayhall…
Trở về ghế ngồi, chàng trai bắt đầu kể. Ông già không tỏ ý ngạc nhiên. Ông có vẻ như đã đợi nghe chuyện này.
– Eddie Cayhall đưa vợ con đi khỏi Mississippi như đi trốn sau khi ông bố bị bắt về tội đặt bom làm chết hai trẻ em. Đến California, Eddie đổi họ tên và cố gắng quên quá khứ. Nhưng ông ta không thể quên. Ông ta đã tự tử sau khi ông bố bị kết án tử hình năm 1981. Eddie Cayhall là bố tôi.
Goodman tỏ ra chú ý đến câu chuyện:
– Như vậy Sam Cayhall là ông nội của anh?
– Vâng. Tôi chỉ được biết chuyện gia đình khi tôi 17 tuổi. Đó là năm bố tôi chết. Cô ruột tôi đến đưa đám tang, kể cho tôi biết về ông nội tôi sau khi chôn xong bố tôi.
Ông già thở nhẹ:
– Chà…
– Ông đã hứa là ông sẽ không nói…
– Tất nhiên. Sam Cayhall có biết anh là…?
– Thưa không. Thưa chưa. Tôi chắc là chưa. Khi tôi ra đời, bố mẹ tôi ở quận Ford gần nhà ông nội tôi. Ông tôi biết là có thằng cháu nội nhưng lúc ấy tôi còn bé. Gia đình tôi ra đi năm tôi mới hai ba tuổi. Tôi không nhớ gì hết về thời gian ấy. Tôi cũng không biết là tôi có ông nội nữa. Lớn lên, khi tôi hỏi, bố tôi bảo ông nội tôi mất từ lâu. Mẹ tôi cũng không nói gì với tôi, bà tin là bố tôi và ông nội tôi không liên lạc gì với nhau cả kể từ khi chúng tôi bỏ đi, cho đến khi mẹ tôi viết thư cho ông nội ở trong tù báo cho ông biết con trai ông đã chết. Ông không trả lời thư.
Ông già chặc lưỡi:
– Chà… Chà…
– Nếu ông chịu nghe chuyện gia đình tôi chắc ông sẽ phải chặc lưỡi nhiều nữa. Một gia đình bệnh hoạn.
– Đâu phải lỗi tại anh.
– Theo lời mẹ tôi thì ông bố của ông nội tôi trước kia là một thành viên KKK hung hãn, từng tham gia nhiều vụ treo cổ người da đen. Tôi chắc trong máu tôi có chất KKK khá nặng.
– Bố anh thì sao? Nếu nói có tính di truyền thì bố anh còn giống các vị tiền bối trong dòng họ anh nhiều hơn anh chứ. Nhưng ông ấy có như ông nội của anh đâu!
– Bố tôi tự tử. Tôi xin không kể với ông những chi tiết ghê rợn. Tôi chỉ nói tôi là người thấy xác bố tôi trước nhất. Tôi đã dọn dẹp sạch sẽ trước khi mẹ tôi và em gái tôi về nhà.
– Lúc đó anh mới 17 tuổi?
– Thưa gần 17 tuổi, năm 1981, mười năm trước. Sau khi cô tôi cho tôi biết sự thật, tôi bị cuộc sống quái dị và những việc làm ghê rợn của Sam Cayhall hấp dẫn. Tôi đọc tất cả những bài báo viết về ông và vụ đặt bom văn phòng Kramer. Rồi tôi đọc hồ sơ của những phiên toà xử. Ở trường luật, tôi theo dõi việc công ty Kravitz & Bane làm để bảo vệ quyền lợi của tử tù Sam Cayhall. Ông và Wallace Tyner đã thực hiện công việc ấy thật hoàn hảo.
Lần thứ hai nụ cười thoáng nở trên môi ông luật sư già:
– Rất mừng khi thấy anh tán thưởng.
– Tôi đã đọc hàng trăm quyển sách và hàng ngàn bài viết về Tu chính án thứ tám[3] và về án tử hình. Ông là tác giả bốn quyển sách và khoảng một trăm bài pháp luận. Tôi nhận tôi là lính mới nhưng tôi dám nói hành trang nghiên cứu của tôi nặng ký hơn rất nhiều người.
– Và anh cho là Sam Cayhall sẽ thấy anh xứng đáng làm luật sư cho ông ấy?
– Tôi không biết ông nội tôi sẽ nghĩ sao và quyết định như thế nào. Song dù muốn dù không, Sam Cayhall vẫn là ông nội tôi, tôi phải đến gặp ông.
– Anh có liên hệ gì với ông ta không, kể từ ngày anh biết?
– Thưa không. Khi đi khỏi Mississippi tôi mới có hơn hai tuổi, tôi không biết gì và không nhớ gì về ông tôi cả. Khi được cô tôi cho biết, tôi đã viết cho ông tôi cả trăm lá thư nhưng lại xé đi, không gửi. Tôi không biết tại sao. Có lẽ tôi không gửi vì tôi nghĩ những là thư ấy chẳng giúp gì được mà còn làm cho ông tôi thêm buồn phiền.
– Cũng dễ hiểu thôi. Có thể anh có mặc cảm bị chối bỏ. Anh sợ ông ấy không trả lời.
– Có thể ông nói đúng. Tôi vẫn thấy cuộc sống có nhiều điều không dễ hiểu chút nào. Chẳng hạn như ngay lúc này đây, tôi đứng đây kể lể những chuyện riêng tư trong gia đình tôi với ông để làm gì? Từ nhỏ tôi vẫn muốn lớn lên sẽ làm phi công lái máy bay dân dụng, bận đồng phục hào hoa phong nhã, bay đến những thủ đô đẹp nhất cũng như xấu nhất trên trái đất, đi du lịch hạng nhất không mất tiền… vậy mà rồi tôi theo học luật. Dường như khi quyết định học luật, tôi có cảm giác mơ hồ có người nào đó rất cần tôi giúp đỡ. Bây giờ tôi biết người đó chính là ông nội tôi. Ông nội điên khùng của tôi. Ra trường, tôi được bốn nơi gọi về làm việc, trong số đó có Kravitz & Bane. Tôi chọn Kravitz & Bane vì ở đây người ta đã tự nguyện biện hộ miễn phí cho ông nội tôi.
– Anh nên nói chuyện này với mấy ông chóp bu ở đây trước khi chúng tôi ký hợp đồng với anh.
– Tôi biết. Nhưng tôi không nói vì chẳng ai hỏi tôi cả.
– Không ai hỏi anh cũng nên nói.
– Mấy ông có đuổi tôi vì việc này không?
Ông già lắc đầu:
– Chắc là không đâu, nhưng anh có thể gặp khó khăn, rắc rối đấy. Tôi sợ ông Rosen sẽ đòi đuổi anh vì anh cố ý giấu không cho công ty biết ý định thật của anh khi gia nhập công ty: anh chỉ vào công ty với mục đích sẽ làm luật sư đại diện cho ông nội anh. Để xem. Chín tháng qua anh làm những gì?
– Tôi làm việc 90 giờ một tuần, ngủ ở bàn giấy, ăn ở thư viện, chuẩn bị thi vào luật sư đoàn, làm tất cả những công việc tôi được giao. Không có gì khác những anh lính mới tò te ở cõi đời này.
Đứng lên đi tới cửa sổ, Adam mở hé rèm cửa sổ nhìn ra ngoài:
– Sao ông không mở rèm? – Chàng nói mà không quay lại – Cảnh đẹp quá!
– Tôi nhìn chán rồi.
– Nếu sau hai, ba giờ ngồi làm việc được ra đứng ngắm cảnh vài phút chắc tôi sẽ hào hứng lắm. Chỗ tôi ngồi làm việc như cái hộp, không có một cửa sổ nào cả. Muốn đến chỗ có cửa sổ ít nhất phải nửa cây số.
– Làm việc hết sức, làm nhiều hơn người khác, làm giỏi hơn người khác… rồi một ngày nào đó anh sẽ có một văn phòng như thế này.
– Không dám đâu, thưa ông. Chuyện đó không có tôi.
– Anh định bỏ chúng tôi sao?
– Thưa rất có thể. Nhưng đó là chuyện về sau. Đây cũng là chuyện riêng tôi thưa với ông. Tôi dự định sẽ làm việc chết bỏ chừng 4, 5 năm hay 6, 7 năm nếu cần, để dành một khoản tiền ra mở cơ sở làm ăn riêng. Tôi muốn làm chủ văn phòng luật của riêng tôi. Tôi muốn làm những việc phục vụ công ích xã hội như ông vậy.
– Như vậy chỉ mới có 9 tháng thôi, anh đã thất vọng về Kravitz & Bane?
– Thất vọng thì không. Tôi chỉ nhìn thấy trước những gì tôi sẽ làm. Tôi sẽ không dành trọn đời tôi vào việc phục vụ bọn doanh gia bất lương và những tổ hợp công nghiệp gian lận thuế.
Lần thứ ba ông già mỉm cười:
– Nếu vậy thì anh đang ở lầm chỗ rồi đấy.
Chàng trai trở lại bàn:
– Vâng, ông nói đúng. Tôi đang ở vào chỗ không đúng với tôi. Tôi muốn đổi việc làm. Wycoff sẽ vui lòng cho tôi đến làm việc ở văn phòng của công ty tại Memphis trong vài tháng để tôi có điều kiện nghiên cứu tại chỗ vụ án Cayhall. Tôi vẫn còn là lính mới, công ty chẳng cần giữ tôi lại đây để làm công việc gì đặc biệt.
Lần này ông già cười lên thành tiếng. Ông có vẻ có cảm tình với chàng luật sư trẻ tuổi:
– Anh đã tính trước mọi việc. Anh chỉ vào đây làm vì công ty này đại diện cho Sam Cayhall và có văn phòng ở Memphis.
Adam vẫn nghiêm trang:
– Một số việc diễn ra đúng ý tôi, nhưng tôi không biết rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra.
Ông luật sư già trở lại thực tế:
– Ông Cayhall của anh sẽ bị chết nội trong ba tháng nữa nếu không nói là sớm hơn.
– Chính vì vậy nên tôi mới phải gấp rút đến với ông tôi. Nếu công ty không cho phép, tôi sẽ phải xin nghỉ việc để đến với ông tôi với tư cách cá nhân.
Ông già lắc đầu:
– Đừng làm vậy. Đừng có nóng. Để tôi tính… Xem nào… Tôi sẽ phải nói trước về anh với Daniel Rosen.
Adam bậm môi:
– Tôi nghe nói ông giám đốc Công vụ khó tính lắm.
Ông già đứng lên:
– Rất khó tính, rất khó chịu, nhưng chúng ta phải chịu thôi. Vì Wycoff và tôi cùng nói, chắc ông ấy cũng thuận.
Ông đột ngột hỏi:
– Anh đói không?
– Vâng, cũng hơi đói.
– Chúng ta đi ăn, rồi nói chuyện tiếp.
o O o
Phòng ăn chưa đến giờ đông khách ăn trưa. Cả hai ngồi ở cái bàn cạnh cửa kính nhìn ra đường.
– Hiện nay có bao nhiêu người ở trong khám tử hình Mississippi? – Ông già hỏi.
Không vấp váp, chàng trai trả lời ngay:
– Bốn mươi tám, theo số liệu của tháng vừa qua. 25 người da đen, 23 người da trắng. Vụ thi hành án tử hình cuối cũng xảy ra cách đây hai năm, người thụ án tên là Willie Farris. Nếu không có phép lạ xảy ra, người sắp tới sẽ là Sam Cayhall.
Ông già lắc đầu:
– Phép lạ, mà phải phép lạ thật lớn mới được. Theo tôi thì chẳng còn hy vọng gì. Nhưng hãy để dành việc thảo luận cho đến khi anh được công ty chính thức giao việc tới nhà tù Parchman. Anh đã đến đó lần nào chưa?
– Thưa chưa. Tôi vẫn muốn về Mississippi nhưng cố chờ đến khi tôi có điều kiện giúp ông tôi.
– Parchman nguyên là một nông trại lớn, rộng đến mười bảy ngàn mẫu nằm giữa đồng bằng Mississippi cạnh xa lộ 49, trông giống một thôn xóm bình yên và thơ mộng với nhiều toà nhà lớn và những dãy nhà nhỏ. Khí hậu nơi đó có lẽ nóng nhất nước. Điều mỉa mai với Sam Cayhall là nó không xa thị trấn Greenville lắm. Mặt tiền nó là những văn phòng Ban giám thị. Toàn trại có đến 30 khu nhà giam khác nhau với tường kín và hàng rào dây thép gai bao quanh. Nhiều khu nhà giam cách nhau đến 5, 7 cây số. Anh có thể lái xe chạy hàng giờ giữa những hàng rào thép gai, thấy từng đám tù nhân lờ phờ đi lại trong sân hay đứng ngây mặt sau hàng rào nhìn anh đi qua. Họ mặc quần áo khác màu nhau tùy theo loại tù. Trông họ như những thanh thiếu niên da đen nhàn rỗi, bọn chơi bóng rổ, bọn ngồi phơi nắng, bọn ngồi dưới bóng cây, thỉnh thoảng mới có một khuôn mặt trắng. Cảnh tượng khám tử hình Parchman thì khác. Đó là một toà nhà hơi thấp, mái bằng, có vọng gác chung quanh, trông như một ngục tối dưới hầm. Người ta gọi tắt nó là Khám tử.
Adam có vẻ phấn khởi:
– Tôi mong được sớm vào đấy.
– Đừng có mong! – Ông già lắc đầu – Anh sẽ bị chấn động. Đó là một nơi tối tăm, ảm đạm, ghê rợn, nơi có những người thiểu não ngày đêm chờ đợi bị giết. Người bệnh nặng nằm chờ chết trên giường bệnh cũng buồn đấy nhưng không ghê rợn như người tù chỉ sống để chờ bị người ta… làm chết. Kinh khủng lắm. Tôi đã 50 tuổi khi tôi đặt chân vào đấy lần thứ nhất. 50 chứ không 30 như anh bây giờ đâu. Vậy mà sau đến sáu bảy ngày tôi cứ sầu buồn như người thất tình, đêm ngủ không yên, ác mộng vớ vẩn.
Ông già uống một hớp cà phê:
– Tôi không thể tưởng tượng được anh sẽ cảm thấy gì, sẽ nghĩ gì khi anh vào đó. Vào khám tử để gặp một người hoàn toàn xa lạ với mình đã đủ thương tâm rồi. Anh định sẽ nói gì với ông nội của anh?
– Tôi chưa biết, chưa định. Đến lúc gặp ông tôi, tôi sẽ tùy.
– Ông cháu gặp lại nhau trong khám tử hình. Ông là tử tù, cháu là luật sư. – Ông già bùi ngùi – Đúng là cuộc đời có nhiều chuyện kỳ quái. Ai dàn xếp những cuộc gặp gỡ như vậy? Mà có sự dàn xếp trước không chỉ hoàn toàn ngẫu nhiên?
Hai người lại cùng im lặng.
– Tôi nhớ ra rồi. – Ông già nói – Tôi nhớ ông già Sam có hai người con, một trai, một gái. Bố anh và bà cô anh. Tyner biết những chi tiết ấy kỹ hơn tôi. Tôi không nhớ là vì cả hai người con ông Cayhall đều không liên lạc gì với chúng tôi.
– Tôi đã kể về bà cô tôi với ông rồi. Cô tôi là bà Lee Cayhall Booth. Cô tôi rất muốn quên cái họ Cayhall. Bà lấy chồng giàu ở Memphis. Ông chồng bà là chủ một hay hai ngân hàng. Ông bà giấu kín không cho ai biết ông bà có liên hệ gia tộc với tử tù Sam Cayhall.
– Bà mẹ anh bây giờ ở đâu?
– Portland. Bà đã tái giá cách đây mấy năm. Mẹ con tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại mỗi năm hai lần, mỗi lần mười phút không hơn không kém. Tôi đã thử nhìn đồng hồ. Từ ngữ “không thích hợp” áp dụng trong trường hợp mẹ con tôi là quá nhẹ.
– Sao anh có điều kiện đi học ở Pepperdine?
– Bảo hiểm nhân thọ. May mắn cho anh em tôi là bố tôi có bảo hiểm nhân thọ khá nhiều tiền. Chắc ông tính trước việc tự tử nên ông mua bảo hiểm và đóng trước hết tiền. Bảo hiểm của ông cho các con ông được hưởng tiền kể cả trường hợp ông tự tử.
Ông già thở dài:
– Sam Cayhall chẳng bao giờ kể chuyện gia đình ông ta với chúng tôi.
– Và gia đình ông cũng chẳng bao giờ nhắc đến ông. Bà nội tôi qua đời vài năm trước khi ông tôi bị kết án tử hình. Dĩ nhiên là tôi chỉ được biết sơ sơ những chuyện đó sau khi bố tôi mất. Cô tôi đến đưa đám, ở lại ít ngày rồi đi mất. Tôi chỉ có thể hỏi về phổ hệ nhà tôi ở mẹ tôi. Mà mẹ tôi thì biết rất ít về dòng họ Cayhall, bà còn muốn quên hẳn nó đi nữa. Mẹ tôi không thích tôi chú ý đến gia phổ.
– Anh nói anh có cô em?
– Vâng. Em tôi tên là Carmen. Carmen Hall. Năm nay nó 23 tuổi. Em tôi ra đời ở Los Angeles nên nó không phải đổi họ như bố mẹ tôi và tôi.
– Cô ấy có biết chuyện không?
– Thưa biết. Cô Lee kể cho tôi biết trước, rồi tôi nói lại với em tôi. Năm ấy nó 14 tuổi. Nó chỉ thấy không được vui thôi chứ không xúc động mấy. Nó chẳng để ý gì đến ông già nó chưa từng gặp tên là Sam Cayhall. Ông chẳng có liên hệ gì đến nó. Nói cho đúng, tôi thấy tất cả những người trong gia đình tôi; cũng chẳng có mấy người… mà tôi, cô tôi, em tôi… đều muốn chấm dứt vụ án Sam Cayhall càng sớm càng tốt. Nhất là đừng có ồn ào làm thiên hạ nhắc đến mình.
– Ông ấy sắp ra đi rồi nhưng chắc là có ồn ào đấy. Chỉ trong ít ngày nữa thôi, ta sẽ thấy Sam Cayhall là nhân vật được nói đến nhiều nhất khắp nước. Chúng ta sẽ lại thấy trên tivi những hình ảnh của vụ đặt bom hai mươi năm trước, những chứng nhân, cảnh đổ nát, hai em bé nạn nhân, những phiên toà, những đám người KKK biểu tình trước pháp đình… Những cuộc tranh luận về án tử hình lại nổ ra. Nên giữ hay nên bỏ? Giới truyền thông lại kéo đến nhà tù Parchman. Rồi người ta sẽ giết ông ấy và hai ngày sau người ta sẽ quên ông ấy. Chuyện như thế vẫn cứ xảy ra dài dài.
Adam nói sau tiếng thở dài:
– Mẹ tôi năn nỉ tôi đừng dây dưa gì đến cái họ Cayhall. Bà nói tôi không có trách nhiệm, bổn phận gì với người tử tù tên là Sam Cayhall. Bố tôi đã đoạn tuyệt với cái họ ấy khi mang vợ con đi và đổi họ. Nhưng ông nội tôi vẫn là ông nội tôi…
Chàng không hiểu tại sao mình lại kể chuyện nhà ra với ông già chàng chỉ mới gặp độ một giờ đồng hồ. Chàng tin ông ta thông cảm với chàng, hiểu chàng và có thể giúp chàng rất nhiều. Việc được thổ lộ những chuyện riêng tư khổ tâm cũng làm chàng thấy dễ chịu.
– Mẹ tôi, cô tôi, em gái tôi chẳng có gì đáng trách. Ai cũng sợ bị người ta biết mình có dính líu đến một tên tử tù, một kẻ giết người. Nhất là bà cô tôi. Gia đình chồng bà là gia đình tư bản nhất nhì Memphis, bà tê tái sợ bị phát hiện là con gái lão tử tù.
– Bà ấy sợ là đúng. Giới truyền thông sẽ khai thác vụ này đến nơi đến chốn. Anh hãy chờ đợi người ta đưa lên báo, lên tivi những tấm ảnh mà anh không bao giờ ngờ lại có trên cõi đời này. Đó là những tấm ảnh chụp ông nội anh nhảy bi-bốp với bà nội anh; ảnh ông bà nội anh đi picnic với hai người con khi bố anh và cô anh còn là những thiếu nhi mười, mười hai tuổi. Có khi anh thấy cả tấm ảnh ông nội anh bồng chính anh đứng trong vườn, những tấm ảnh mà ngay bà cô anh cũng không ngờ là có.
Adam Hall gượng cười:
– Nếu có những tấm ảnh như thế tôi sẽ thích lắm.
– Và người ta cũng sẽ chú ý đến công ty của chúng ta nữa.
– Việc đó có làm cho mấy ông chóp bu khó chịu lắm không, thưa ông?
– Không đâu. Công ty luật cũng giống như đào kép điện ảnh. Thiên hạ khen càng tốt, thiên hạ chửi cũng không sao. Miễn là người ta phải biết là cuộc đời này có mình. Không có ai hèn nhát trong ban lãnh đạo nhà Kravitz & Bane. Chúng tôi đã sống, đã thắng và đã làm giàu được qua những năm náo loạn của ngành luật Chicago. Chúng tôi được coi là bọn luật sư nhiều thủ đoạn ác ôn côn đồ nhất thành phố ác ôn côn đồ này. Da chúng tôi dày lắm. Đừng lo ngại gì về công ty.
Chàng trai nhìn thẳng vào mắt ông già:
– Như vậy có nghĩa là ông bằng lòng cho tôi làm vụ này?
Ông già đưa ly cà phê lên, không trả lời thẳng vào câu hỏi:
– Đề nghị của anh hay đấy. Ta cứ giả thiết như ông nội anh thuận cho anh làm luật sư đại diện. Ông ký hợp đồng với anh và chúng ta trở lại đấu trường. Anh sẽ là võ sĩ mặc áo Kravitz & Bane để quyết đấu. Chúng tôi đứng sau lưng anh, cung cấp tất cả những gì anh cần mà khả năng chúng tôi cho phép. Riêng tôi, tôi sẽ là cái bóng của anh. Chúng ta sẽ cùng chiến đấu. Rồi người ta sẽ giết thân chủ của chúng ta và anh sẽ thất vọng ghê gớm. Anh sẽ không còn là anh hôm nay nữa sau khi ông ấy từ giã anh để đi vào phòng hơi ngạt. Tin tôi đi. Tôi đã chia tay lần cuối với ba thân chủ của tôi trước cửa phòng hơi độc. Trong số có một người ở Mississippi…
Adam thấy trong mắt ông luật sư già ánh lên một vẻ gì vừa bùi ngùi vừa thương cảm.
– Rồi anh sẽ đến đứng trước cửa phòng hơi ngạt cũng như tôi. Anh sẽ đứng tim vì những cảm giác ghê rợn như tôi đã trải qua. Anh sẽ xúc động hơn tôi nhiều vì thân chủ anh không cứu được, người anh đưa đến chỗ chết lại chính là ông nội anh, người thân ruột thịt của anh. Anh sẽ đau lắm đấy…
Chàng trai yên lặng.
Ông già nói tiếp:
– Nhưng đừng sợ. Anh không đến với ông nội anh không được, phải thế không? Vậy thì đến. Anh chỉ cần chuẩn bị tinh thần để chịu đòn thôi. Chúng tôi sẽ xúm xít bên anh để nâng đỡ anh khi họ giết ông ấy. Anh sẽ không cô đơn.
– Ông thấy chúng ta hoàn toàn tuyệt vọng hay sao?
Ông già nhún vai:
– Gần như hoàn toàn. Nhưng khi họ chưa giết thân chủ của ta thì ta vẫn cứ phải giành giật với họ thôi. Bây giờ ta trở về văn phòng. Tôi gặp Daniel Rosen trước. Anh gặp ông ấy sau. Khó chịu lắm đấy. Gồng mình lên là vừa. Rồi anh sẽ đi Parchman gặp ông nội anh. Hai ông cháu đoàn tụ gia đình và tính toán với nhau. Khi nào ông ấy ký giấy nhận anh là luật sư, chúng ta sẽ bàn tiếp.
Adam Hall thở nhẹ:
– Cảm ơn ông.
– Không đám đâu. Đừng cảm ơn vội. Khi vụ này xong, tôi sợ anh sẽ không còn thèm nhìn mặt tôi nữa.
Mang Xuống Tuyền Đài Mang Xuống Tuyền Đài - John Grisham Mang Xuống Tuyền Đài