Số lần đọc/download: 0 / 395
Cập nhật: 2021-01-12 19:45:42 +0700
Phần 2
5
SỰ LỪA DỐI LỚN NHẤT LỊCH SỬ
Trong 2,5 triệu năm, con người đã nuôi sống mình bằng cách hái lượm thực vật và săn bắt thú vật, những loài đã sống và sinh sản mà không có sự can thiệp của con người. Homo erectus, Homo ergaster và Neanderthal đã hái lượm những quả sung, quả vả mọc hoang và săn bắt những con cừu hoang dã, không để tâm đến những cây sung, cây vả này mọc ở đâu, bầy cừu hoang gặm cỏ ở cánh đồng nào, và những con dê đực thụ tinh cho những con dê cái nào. Homo sapiens đã lan rộng từ Đông Phi tới Trung Đông, đến châu Âu và châu Á, cuối cùng là châu Úc và châu Mỹ – nhưng ở bất cứ nơi nào họ đến, họ cũng đều tiếp tục hái lượm thực vật mọc hoang và săn bắt động vật hoang dã. Tại sao phải làm khác đi khi lối sống này khiến họ no đủ và giúp phát triển một thế giới phong phú của những cấu trúc xã hội, tín ngưỡng tôn giáo và động lực chính trị?,
Tất cả những điều này đã thay đổi cách đây khoảng 10.000 năm, khi Sapiens bắt đầu dành hầu hết thời gian và nỗ lực của mình nhằm thao túng cuộc sống của một số loài động thực vật. Từ sáng sớm cho đến lúc hoàng hôn, con người gieo hạt, tưới nước cho cây, nhổ cỏ dại, và lùa cừu tới những đồng cỏ tươi tốt. Họ nghĩ rằng việc này sẽ cung cấp cho mình thêm nhiều trái cây, ngũ cốc và thịt. Đó là một cuộc cách mạng trong lối sống của con người – Cách mạng Nông nghiệp.
Thời kỳ chuyển sang nông nghiệp bắt đầu vào khoảng thời gian 9500-8500 TCN ở khu vực đồi núi phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây Iran và miền Cận Đông. Nó bắt đầu diễn ra chậm chạp trong một khu vực địa lý hạn chế. Dê và lúa mì được nuôi trồng khoảng năm 9000 TCN; cây đậu Hà Lan và cây đậu lăng khoảng năm 8000 TCN, cây ô-liu khoảng năm 5000 TCN, ngựa khoảng năm 4000 TCN, và cây nho khoảng năm 3500 TCN. Một số loài động thực vật như lạc đà, cây điều được nuôi trồng còn muộn hơn, nhưng vào khoảng năm 3500 TCN, làn sóng thuần hoá chính đã kết thúc. Đến tận ngày nay, dù đã có mọi công nghệ tiên tiến, nhưng hơn 90% lượng calo nuôi dưỡng nhân loại đều đến từ một số ít loại cây trồng mà tổ tiên chúng ta đã thuần hoá trong thời kỳ 9500-3500 TCN: lúa mì, lúa, ngô (gọi là “corn” ở Mỹ), khoai tây, kê và lúa mạch. Không có loài động thực vật đáng chú ý nào được thuần hoá trong vòng 2.000 năm qua. Nếu trí tuệ của chúng ta là trí tuệ của những kẻ săn bắt hái lượm thì cách nấu nướng của chúng ta cũng là cách nấu nướng của những nông dân cổ đại.
Các học giả từng tin rằng nông nghiệp đã khởi nguồn từ một điểm duy nhất tại Trung Đông và lan ra bốn góc của thế giới. Ngày nay, họ đồng ý rằng nông nghiệp đã xuất hiện và phát triển hoàn toàn độc lập ở khắp nơi trên thế giới, chứ không phải do nông dân Trung Đông xuất khẩu Cách mạng Nông nghiệp của mình. Dân cư ở Trung Mỹ đã thuần hoá cây ngô và cây đậu, mà không biết gì về lúa mì và đậu Hà Lan trồng ở Trung Đông. Người Nam Mỹ đã học cách trồng khoai tây và thuần hoá lạc đà không bướu, mà không biết điều gì đang xảy ra ở Mexico và Cận Đông. Những nhà cách mạng đầu tiên ở Trung Quốc đã thuần hoá lúa, kê và lợn. Những người làm vườn đầu tiên ở Bắc Mỹ, vốn đã mệt mỏi với việc phải lùng sục trong những bụi cây thấp để tìm kiếm những trái bầu có thể ăn được, đã quyết định trồng bí đỏ. Người New Guinea đã trồng mía đường và chuối, trong khi những nông dân Tây Phi đầu tiên thì trồng kê châu Phi, lúa châu Phi, cao lương, lúa mì theo nhu cầu của mình. Từ những trung tâm đầu tiên này, ngành nông nghiệp đã tỏa đi xa hơn và rộng hơn. Vào thế kỷ 1, đại đa số người dân trên thế giới làm nông nghiệp.
Tại sao Cách mạng Nông nghiệp lại nổ ra ở Trung Đông, Trung Hoa và Trung Mỹ mà không phải ở châu Úc, Alaska hay Nam Á? Lý do rất đơn giản: hầu hết các loài động thực vật không thể thuần hoá được. Sapiens có thể đào xới để tìm loại nấm cục ngon ngọt, và săn bắt những con voi ma-mút có lông mịn như len, nhưng thuần hoá các loài này thì không thể. Nấm cục quá khó kiếm, còn những con thú khổng lồ thì quá hung bạo. Trong hàng ngàn loài động thực vật mà tổ tiên chúng ta đã sân bắt và hái lượm, chỉ một số ít là thích hợp với trồng trọt và chăn nuôi. Số ít loài này sống ở những khu vực đặc biệt, và đây là những nơi xuất hiện các cuộc Cách mạng Nông nghiệp.
Bản đồ 2. Các vị trí và thời điểm của Cách mạng Nông nghiệp. Dữ liệu vẫn còn tranh cãi, và bản đồ đang được vẽ lại liên tục để tích hợp những phát hiện khảo cổ mới nhất.
Các học giả một lần nữa tuyên bố rằng Cách mạng Nông nghiệp là bước nhảy vọt của nhân loại. Họ kể một câu chuyện về sự tiến bộ được thúc đẩy bằng sức mạnh trí tuệ loài người. Tiến hoá đã tạo ra ngày càng nhiều con người thông minh. Cuối cùng, con người trở nên thông minh tới mức họ có thể giải mã được những bí mật của tự nhiên, giúp họ thuần hoá cừu và trồng lúa mì. Và ngay khi điều này diễn ra, họ vui vẻ từ bỏ cuộc sống săn bắt hái lượm đầy khó khăn, nguy hiểm và khổ hạnh, để an cư lạc nghiệp và tận hưởng cuộc sống no đủ, dễ chịu của người nông dân.
Câu chuyện này là một sự hư cấu. Không có bằng chứng nào cho thấy con người đã trở nên thông minh hơn theo thời gian. Những người hái lượm đã biết được bí mật của tự nhiên từ trước Cách mạng Nông nghiệp rất lâu, bởi sự sống còn của họ phụ thuộc vào những kiến thức sâu sắc về các loài động thực vật mà họ đã săn bắt và hái lượm. Thay vì báo hiệu cho một kỷ nguyên mới dễ sống, Cách mạng Nông nghiệp lại đem tới cho nông dân cuộc sống nhìn chung có vẻ khó khăn hơn và ít thỏa mãn hơn so với người hái lượm. Người săn bắt hái lượm sử dụng thời gian của mình thú vị và phong phú hơn, ít bị cơn đói và bệnh tật đe dọa hơn. Cách mạng Nông nghiệp tất nhiên đã làm tăng tổng lượng thức ăn dự trữ của loài người, nhưng nhiều thức ăn không có nghĩa là có một chế độ ăn tốt hơn. Đúng hơn, nó biến thành những đợt bùng nổ dân số và tạo ra giới tinh hoa được nuông chiều. Những nông dân bình thường phải làm việc vất vả hơn những kẻ hái lượm bình thường, và lại có một chế độ ăn uống tồi hơn. Cách mạng Nông nghiệp là sự lừa dối lớn nhất của lịch sử.
Ai chịu trách nhiệm? Không phải vua, không phải tu sĩ, cũng không phải thương gia. Thủ phạm là một nhúm các loài thực vật, gồm lúa mì, gạo và khoai tây. Chúng đã thuần hoá Homo sapiens chứ không phải là ngược lại.
Thử suy nghĩ một chút về Cách mạng Nông nghiệp từ quan điểm về lúa mì. 10.000 năm trước đây, lúa mì chỉ là một trong nhiều loài cỏ dại, sống hạn chế trong một phạm vi nhỏ ở Trung Đông. Đột nhiên, chỉ trong một vài thiên niên kỷ ngắn ngủi, nó đã phát triển ra khắp thế giới. Theo các tiêu chí cơ bản về tiến hoá của sự sống và sinh sản, lúa mì đã trở thành một trong những loài cây thành công nhất trong lịch sử Trái đất. Ở những khu vực như Đại Bình Nguyên vùng Bắc Mỹ, nơi cách đây khoảng 10.000 năm không có một cây lúa mì nào mọc, giờ đây bạn có thể đi bộ hàng trăm cây số mà không bắt gặp loại cây nào khác ngoài lúa mì. Trên thế giới, lúa mì đã bao phủ khoảng 2,25 triệu km² bề mặt địa cầu, gấp gần 10 lần kích thước nước Anh. Tại sao loại cỏ này từ vị trí tầm thường lại có thể có mặt ở khắp nơi như vậy?
Lúa mì đã thành công bằng cách thao túng Homo sapiens sao cho có lợi cho nó. Loài vượn này đã sống một cuộc sống săn bắt và hái lượm vô cùng dễ chịu cho đến 10.000 năm trước, nhưng sau đó bắt đầu nỗ lực trồng lúa mì ngày càng nhiều. Trong vòng vài thiên niên kỷ, con người ở nhiều nơi trên thế giới hầu như đã dành thời gian từ sáng đến tối để chăm sóc lúa mì. Việc này không hề dễ dàng. Lúa mì đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Lúa mì không ưa sỏi đá, nên Sapiens phải dọn dẹp các cánh đồng đến gãy cả lưng. Lúa mì không chia sẻ không gian, nước và chất dinh dưỡng cho các loài cây khác, vì vậy đàn ông đàn bà phải lao động suốt ngày để rẫy cỏ dưới ánh nắng chói chang. Lúa mì dễ bị bệnh, nên Sapiens phải trông chừng sâu bệnh và rệp vừng. Lúa mì không có khả năng tự vệ trước những sinh vật thích ăn lúa, từ những bầy thỏ đến những đàn châu chấu, vì vậy nông dân phải trông chừng và bảo vệ lúa. Khi lúa mì khát nước, người ta phải lấy nước từ sông suối tưới cho nó. Khi nó đói, Sapiens phải thu gom phân động vật để bón cho đất trồng lúa mì.
Cơ thể của Homo sapiens đã không được tiến hoá cho những nhiệm vụ như vậy. Nó thích nghi với việc trèo lên cây táo hoặc đuổi theo những con linh dương, chứ không phải để dọn sạch đất đá hay xách những thùng nước. Xương sống, đầu gối, cổ và xương sườn của con người đã phải trả giá. Các nghiên cứu về những bộ xương cổ đại đã chỉ ra rằng, việc chuyển sang làm nông nghiệp dường như đã mang đến rất nhiều bệnh tật như trẹo khớp, viêm khớp và sa ruột. Hơn nữa, những công việc làm nông mới đòi hỏi rất nhiều thời gian nên con người buộc phải định cư lâu dài gần cánh đồng lúa mì của mình. Điều này đã thay đổi hoàn toàn lối sống của họ. Chúng ta không thuần hoá lúa mì. Nó đã thuần hoá chúng ta. Từ “thuần hoá” bắt nguồn từ tiếng Latin domus, nghĩa là “ngôi nhà”. Ai là người đang sống trong một ngôi nhà? Không phải lúa mì, mà đó chính là Sapiens.
Làm thế nào lúa mì có thể thuyết phục được Homo sapiens đánh đổi cuộc sống tươi đẹp để chịu cực khổ như vậy? Đổi lại, con người nhận được gì? Đó không phải là một chế độ ăn uống tốt hơn. Nên nhớ, con người thực chất là một loài vượn ăn tạp, phát triển mạnh nhờ vào việc ăn đủ loại thức ăn. Ngũ cốc chỉ là một phần rất nhỏ trong chế độ ăn uống của con người trước Cách mạng Nông nghiệp. Một chế độ ăn uống chỉ dựa vào ngũ cốc thì rất nghèo vitamin và khoáng chất, khó tiêu hoá, thực sự không tốt cho răng và lợi của bạn.
Lúa mì không mang lại an toàn lương thực cho con người. Cuộc sống của người nông dân kém an toàn hơn cuộc sống của kẻ săn bắt hái lượm. Người hái lượm dựa vào hàng chục loài động thực vật để sinh tồn, và vì vậy có thể vượt qua những năm tháng khó khăn kể cả khi không có những kho thức ăn dự trữ. Nếu số lượng một loài nào đó bị giảm, họ có thể săn bắt và hái lượm thêm loài khác. Cho đến gần đây, các xã hội nông nghiệp vẫn dựa vào một số ít loài thực vật đã được thuần hoá để lấy phần lớn lượng calo cho mình. Ở nhiều vùng, họ chủ yếu dựa vào chỉ một loại cây, như lúa mì, khoai tây hoặc lúa. Nếu không có mưa, hoặc có những đám mây châu chấu bay đến, hoặc có một loại nấm ký sinh gây bệnh cho những loại cây này, hàng ngàn hàng triệu nông dân sẽ chết đói.
Lúa mì cũng không thể bảo vệ con người trước bạo lực. Những nông dân đầu tiên ít nhất cũng hung dữ giống như tổ tiên hái lượm của họ, nếu không muốn nói là hơn. Với những nông dân có nhiều tài sản hơn, họ cần đất đai để trồng trọt. Việc bị hàng xóm cướp bóc đất đai đồng nghĩa với sự chết đói, vì vậy không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Khi một bầy hái lượm bị các đối thủ mạnh hơn chèn ép, họ có thể bỏ đi.
Việc này vất vả và nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện được. Nhưng khi một kẻ thù mạnh đe dọa một làng nông nghiệp, thì rút lui có nghĩa là bỏ lại ruộng đồng, nhà cửa, kho lương thực. Trong nhiều trường hợp, kết cục với những người tị nạn là chết đói. Vì vậy nông dân có khuynh hướng ở lại và chiến đấu đến cùng.
Hình 11. Chiến tranh bộ lạc ở New Guinea giữa hai cộng đồng nông nghiệp (1960). Những cảnh thế này phổ biến trong hàng ngàn năm tiếp sau Cách mạng Nông nghiệp.
Nhiều nghiên cứu về nhân học và khảo cổ học đã chỉ ra rằng trong một xã hội nông nghiệp giản đơn, không có cơ cấu chính trị nào ngoài làng xã và bộ lạc, bạo lực của con người là nguyên nhân cho khoảng 15% trường hợp tử vong, trong đó có 25% là đàn ông. Ở New Guinea ngày nay, bạo lực là nguyên nhân cho khoảng 30% trường hợp tử vong của đàn ông trong xã hội bộ lạc nông nghiệp Dani, và 35% trong bộ lạc Enga. Ở Ecuador, có lẽ khoảng 50% số người trưởng thành của bộ lạc Waoranis đã tử vong dưới tay người khác. Sau này, bạo lực của con người đã được kiểm soát bằng sự phát triển của những cơ cấu xã hội rộng hơn, như các thành phố, vương quốc và quốc gia. Nhưng phải mất hàng ngàn năm để xây dựng những cơ cấu chính trị khổng lồ và hiệu quả như vậy.
Cuộc sống làng xã chắc chắn đã mang lại cho người nông dân những lợi ích tức thì, như việc được bảo vệ tốt hơn trước những loài thú hoang dã, mưa và lạnh. Tuy nhiên, với một người bình thường thì lợi bất cập hại. Rất khó để người sống trong một xã hội phồn vinh như ngày nay hiểu được điều này. Từ khi chúng ta tận hưởng sự sung túc và an toàn, và từ khi sự sung túc và an toàn này được xây dựng dựa trên cơ sở Cách mạng Nông nghiệp, chúng ta đã cho rằng Cách mạng Nông nghiệp là một tiến bộ tuyệt vời. Song, thật sai lầm khi đánh giá hàng ngàn năm lịch sử từ góc nhìn của hôm nay. Một quan điểm toàn diện hơn là của một bé gái 3 tuổi, hấp hối do suy dinh dưỡng vào thế kỷ 1 ở Trung Hoa do người cha có mùa màng thất bát. Liệu bé gái có thể nói “con hấp hối là do thiếu ăn, nhưng trong 2.000 năm tới, con người sẽ có rất nhiều thứ để ăn, và sống trong những ngôi nhà lớn có lắp điều hòa, cho nên sự đau khổ của con là một hy sinh đáng giá?”
Vậy lúa mì đã mang lại gì cho những người làm nông, gồm cả bé gái Trung Hoa suy sinh dưỡng kia? Nó chẳng mang lại lợi lộc gì cho con người với tư cách cá nhân. Song, nó đã dành tặng một thứ gì đó cho Homo sapiens với tư cách một loài. Việc trồng lúa mì cung cấp thức ăn nhiều hơn trên mỗi đơn vị đất đai, vì vậy làm cho số lượng Homo sapiens tăng lên theo cấp số nhân. Khoảng năm 13000 TCN, khi con người nuôi sống mình bằng cách hái lượm những loài thực vật mọc hoang và săn bắt thú hoang, khu vực xung quanh ốc đảo Jericho thuộc Palestine có thể nuôi dưỡng tối đa một bộ lạc du cư gồm 100 thành viên tương đối khỏe mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Khoảng năm 8300 TCN, khi các loài thực vật mọc hoang nhường chỗ cho những cánh đồng lúa mì, ốc đảo này đã nuôi dưỡng một ngôi làng lớn nhưng chật chội gồm 1.000 thành viên, họ phải chịu đựng bệnh tật và suy sinh dưỡng thường xuyên hơn.
Diễn trình tiến hoá không nằm ở đói khát hay đau đớn, mà ở số bản sao của những vòng xoắn ADN. Giống như thành công kinh tế của một công ty được đo bằng số tiền có trong tài khoản ngân hàng chứ không phải là hạnh phúc của người làm thuê, sự tiến hoá thành công của một loài cũng được đo bằng số bản sao chuỗi ADN của nó. Nếu không còn bản sao ADN nào, loài đó sẽ bị tuyệt chủng, giống như một công ty không có tiền sẽ phá sản. Nếu một loài khoe mình có nhiều bản sao ADN, thì đó chính là một thành công và loài sẽ hưng thịnh. Tư góc nhìn này, 1.000 bản sao sẽ luôn luôn tốt hơn 100 bản sao. Đây chính là điểm cốt lõi trong Cách mạng Nông nghiệp: nâng lực giữ cho nhiều người sống sót hơn trong những điều kiện tồi tệ.
Song, tại sao các cá nhân lại phải quan tâm đến bài toán tiến hoá này? Tại sao bất cứ ai có đầu óc bình thường lại đi hạ thấp tiêu chuẩn sống của mình chỉ cốt để những bản sao trong bộ gen Homo sapiens được nhân lên? Không ai lại đồng ý với thỏa thuận này: Cách mạng Nông nghiệp là một cái bẫy.
Cái bẫy xa xỉ
Sự xuất hiện của nghề nông là một việc xảy ra từ từ qua các thế kỷ và thiên niên kỷ. Một bầy Homo sapiens đang hái nấm và quả hạch, đang săn hươu nai và thỏ, sẽ không đột nhiên định cư lâu dài ở một ngôi làng, cày ruộng, gieo hạt lúa mì và vác nước từ sông về. Sự thay đổi này tiếp diễn theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn đều liên quan đến một sự thay đổi nhỏ trong cuộc sống thường ngày.
Homo sapiens đã đến Trung Đông khoảng 70.000 năm về trước. Trong 50.000 năm tiếp theo, tổ tiên của chúng ta đã phát triển thịnh vượng mà không cần có nông nghiệp. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đủ để nuôi dưỡng cư dân của vùng đất này. Trong những lúc sung túc mọi người đã có thêm con, và trong thời kỳ khó khăn đã giảm đi một ít. Con người, cũng giống như nhiều loài động vật có vú khác, có những cơ chế hoóc-môn và gen có thể giúp kiểm soát sinh sản. Trong những thời điểm thuận lợi, phụ nữ sẽ đến tuổi dậy thì sớm hơn, và cơ hội mang thai của họ sẽ cao hơn. Ở các thời điểm khó khăn, dậy thì muộn và cơ hội mang thai sẽ giảm.
Việc kiểm soát dân số tự nhiên còn được hỗ trợ thêm bởi các cơ chế văn hoá. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vốn di chuyển chậm chạp và đòi hỏi nhiều sự quan tâm, sẽ trở thành gánh nặng cho những kẻ hái lượm du cư. Con người cố gắng sinh con cách nhau từ ba đến bốn năm. Phụ nữ làm được vậy nhờ chăm sóc con cái suốt ngày đêm cho đến khi lớn (cho con bú suốt ngày đêm đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm khả năng mang thai). Những phương pháp khác bao gồm sự kiêng khem tình dục một phần hoặc hoàn toàn (có thể được hỗ trợ bởi những kiêng kị văn hoá), nạo phá thai, và đôi khi là tục giết trẻ sơ sinh.
Trong suốt những thiên niên kỷ dài này, con người thi thoảng ăn hạt lúa mì, nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong chế độ ăn uống của họ. Khoảng 18.000 năm trước, thời kỳ băng hà cuối cùng đã chuyển sang thời kỳ ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ tăng nên lượng mưa cũng tăng theo. Kiểu khí hậu mới này lý tưởng cho lúa mì và các cây ngũ cốc khác ở Trung Đông, vốn đã sinh sôi nảy nở mạnh mẽ và lan rộng. Con người bắt đầu ăn nhiều lúa mì hơn và tình cờ thúc đẩy sự tăng trưởng của nó hơn nữa. Vì không thể ăn được ngũ cốc hoang dại nếu không chọn lọc, nghiền sàng và nấu chúng, nên con người sau khi hái lượm những loại ngũ cốc này đã mang chúng về khu lều trại tạm để chế biến. Hạt lúa mì nhỏ và nhiều, nên một số chắc chắn sẽ bị rơi vãi trên đường tới khu lều trại. Theo thời gian, ngày càng nhiều lúa mì sinh sôi dọc theo những tuyến đường yêu thích của con người và gần những khu lều trại.
Khi con người đốt rừng và bụi rậm, điều này cũng giúp ích cho lúa mì. Lửa sẽ xóa sạch cây cối và bụi rậm, cho phép lúa mì và những loài cỏ khác độc quyền hưởng ánh nắng, nước và chất dinh dưỡng. Ở đó, lúa mì phát triển cực thịnh, các con thú săn được và nguồn thức ăn cũng trở nên dồi dào, các bầy người có thể dần dần từ bỏ cuộc sống du cư để định cư theo mùa hoặc thậm chí vĩnh viễn ở khu lều trại.
Đầu tiên, họ có thể cắm trại bốn tuần trong mùa thu hoạch. Một thế hệ sau đó, khi những cây lúa mì nhân lên và lan rộng, thời gian cắm trại trong mùa thu hoạch có thể kéo dài năm tuần, sau đó là sáu tuần và cuối cùng nơi đó trở thành một ngôi làng định cư. Bằng chứng về những khu định cư như vậy đã được phát hiện trên khắp Trung Đông, đặc biệt ở Cận Đông, nơi mà nền văn minh Natuhan phát triển rực rỡ giai đoạn 12500-9.500 TCN.* Người Natuhan chuyên săn bắt hái lượm, sống dựa vào nhiều loài hoang dã, nhưng lại ở trong những ngôi làng cố định, và dành nhiều thời gian để hái lượm và chế biến tập trung các loại ngũ cốc hoang. Họ xây những ngôi nhà và kho chứa ngũ cốc bằng đá. Họ trữ ngũ cốc cho những lúc khó khăn. Họ phát minh ra những công cụ mới như lưỡi hái bằng đá để hái lượm lúa mì hoang, những cái chày và cối giã bằng đá để nghiền chúng.
Những năm tiếp theo sau năm 9500 TCN, hậu duệ của người Natuhan tiếp tục hái lượm và chế biến ngũ cốc, nhưng họ cũng đã bắt đầu trồng lúa mì nhiều hơn bằng những cách tinh vi hơn. Khi thu hoạch lúa mì hoang, họ dành ra một phần để gieo hạt trên cánh đồng cho mùa sau. Họ phát hiện ra rằng mình có thể đạt được những kết quả tốt hơn bằng cách gieo hạt vào sâu trong đất, thay vì rải chúng lung tung trên bề mặt. Vì vậy, họ bắt đầu cày và cuốc đất. Dần dần, họ cũng bắt đầu nhổ cỏ dại trên những cánh đồng, bảo vệ chúng khỏi những loài ký sinh, tưới nước và bón phân cho chúng. Khi ngày càng tập trung vào việc trồng trọt ngũ cốc, họ sẽ có ít thời gian hơn cho việc săn bắt và hái lượm những loài động thực vật hoang dã. Những kẻ hái lượm đã trở thành nông dân.
Không có một bước duy nhất nào có thể tách biệt người phụ nữ chuyên hái lượm lúa mì hoang với người phụ nữ làm nông chuyên trồng lúa mì, vì vậy thật khó để xác định được chính xác khi nào đã diễn ra thời kỷ chuyển tiếp có tính quyết định sang nông nghiệp. Tuy nhiên, vào khoảng năm 8500 TCN, những ngôi làng định cư đã xuất hiện khắp Trung Đông, ví dụ như Jericho, dân cư ở đó đã dành phần lớn thời gian để trồng trọt một vài loài cây đã thuần hoá.
Cùng với việc chuyển thành những ngồi làng định cư và nguồn cung thực phẩm tăng lên, dân số cũng bắt đầu gia tăng. Từ bỏ cuộc sống du cư khiến phụ nữ có thể sinh con mỗi năm. Những đứa trẻ được cai sữa từ rất sớm, được cho ăn cháo và bột nấu lỏng. Rất cần thêm những bàn tay phụ giúp trên ruộng đồng. Nhưng những miệng ăn thêm nhanh chóng ngốn hết lượng thực phẩm dư, nên phải mở rộng thêm đồng ruộng để trồng trọt. Vì con người bắt đầu sinh sống ở những khu định cư đầy mầm bệnh, vì trẻ con được cho ăn nhiều ngũ cốc hơn và ít sữa mẹ hơn, và vì mỗi đứa trẻ phải giành giật cháo với anh chị em ruột của mình, nên tỉ lệ tử vong ở trẻ em cũng tăng vọt. Ở hầu hết các xã hội nông nghiệp, ít nhất là có một trong ba đứa trẻ sẽ tử vong trước tuổi 20. Song, sự gia tăng tỉ lệ sinh vẫn cao hơn sự gia tăng tỉ lệ tử vong; con người tiếp tục đẻ nhiều con hơn.
Theo thời gian, “món hời lúa mì” đã trở nên ngày càng phiền toái. Trẻ em chết lũ lượt, còn người lớn thì ăn thứ bánh mì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Một người bình thường ở Jericho vào năm 8500 TCN sống cực khổ hơn tổ tiên của mình vào năm 9500 TCN hay năm 13000 TCN. Nhưng không một ai nhận ra điều gì đang xảy ra. Mỗi thế hệ đều tiếp tục sống cuộc đời giống như các thế hệ trước, chỉ có một số cải tiến nhỏ trong cách làm việc. Điều nghịch lý là một loạt “cải tiến” nhằm làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, lại càng khiến cuộc sống của nông dân vất vả hơn.
Tại sao con người lại có những tính toán sai lầm định mệnh như vậy? Vì cùng một lý do mà loài người trong toàn bộ lịch sử đã tính toán sai lầm. Họ không thể lường trước đầy đủ các hậu quả từ những quyết định của mình. Bất cứ khi nào họ quyết định làm thêm một chút công việc – Ví dụ, cuốc xới ruộng đồng thay vì chỉ rải hạt giống khắp nơi trên bề mặt – con người đều nghĩ: “Đúng, chúng ta sẽ phải làm việc vất vả hơn, nhưng mùa gặt sẽ bội thu! Chúng ta sẽ không phải lo lắng nữa về những năm mất mùa. Con cái chúng ta sẽ không bao giờ phải nhịn đói đi ngủ”. Điều này hợp lý đấy chứ. Nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn, bạn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là kế hoạch.
Phần đầu tiên của kế hoạch này diễn ra suôn sẻ. Quả thật con người đã làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng con người không đoán trước được số trẻ con sẽ tăng lên, nghĩa là cần thêm nhiều lúa mì để chia cho lũ trẻ đông hơn. Những nông dân đầu tiên cũng không hiểu rằng, việc nuôi trẻ con bằng cháo nhiều hơn và dùng ít sữa mẹ hơn sẽ làm hệ miễn dịch của chúng yếu đi, cùng với định cư sẽ là những ổ bệnh truyền nhiễm. Họ không thấy trước được việc gia tăng sự phụ thuộc vào một nguồn thực phẩm đơn lẻ sẽ thực sự làm họ dễ bị những đợt hạn hán làm tổn hại. Những nông dân cũng không thấy trước được rằng trong những tháng năm tươi đẹp, khi các kho lương thực của họ phình to lên sẽ cám dỗ những kẻ trộm cắp và kẻ thù, khiến họ bắt buộc phải xây tường bảo vệ và canh gác chúng.
Vậy tại sao con người không từ bỏ nông nghiệp khi dự định ban đầu bị đổ bể? Một phần là do phải cần đến vài thế hệ thì những thay đổi nhỏ mới tích lũy lại và biến đổi một xã hội, và đến lúc đó thì không ai còn nhớ rằng mình đã từng sống rất khác. Và phần vì sự gia tăng dân số đã làm cho nhân loại không thể trở về tình trạng ban đầu được nữa. Nếu chấp nhận việc cày cấy làm tăng dân số của một làng từ 100 lên 110 thì 10 người nào sẽ tình nguyện chết đói để cho những người khác có thể trở lại thời kỳ xưa cũ tốt đẹp đây? Không thể trở lại được nữa. Cái bẫy đã sập xuống.
Việc mưu cầu một cuộc sống dễ chịu hơn đã dẫn đến nhiều thử thách cam go hơn, không phải cho con người trước đó, mà cho chính chúng ta hôm nay. Có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp chấp nhận những công việc căng thẳng tại các công ty quyền lực, thề rằng họ sẽ làm việc chăm chỉ kiếm tiền để có thể về hưu và theo đuổi những công việc họ thực sự yêu thích ở tuổi 33? Nhưng theo thời gian và đến tuổi đó, họ lại có nhiều giấy vay nợ, những đứa con đi học, những ngôi nhà ngoại ô đòi hỏi ít nhất hai xe hơi cho một gia đình, và họ cảm thấy cuộc đời sẽ không đáng sống nếu thiếu rượu ngon và những kỳ nghỉ đắt tiền ở nước ngoài. Họ phải làm gì đây, quay trở lại đào xới đất? Không, họ sẽ nỗ lực gấp đôi và làm việc như nô lệ.
Một trong những quy luật sắt của lịch sử, đó là những thứ xa hoa có xu hướng trở thành những thứ phải có và sẽ tạo ra những nghĩa vụ mới. Một khi con người đã quen với sự xa hoa nào đó, họ sẽ cho đó là hiển nhiên. Rồi họ bắt đầu mong đợi nó. Cuối cùng họ sẽ không thể sống thiếu nó. Hãy lấy một ví dụ tương tự khác ở thời đại của chúng ta. Trong một vài thế kỷ gần đây, chúng ta đã phát minh ra vô số thiết bị để tiết kiệm thời gian, nghĩ rằng chúng sẽ làm cho cuộc sống dễ chịu và thảnh thơi hơn, như máy giặt, máy hút bụi, máy rửa bát, điện thoại, điện thoại di động, máy vi tính, email. Trước đây, người ta cần rất nhiều công sức để viết một bức thư, để địa chỉ, dán tem lên phong bì, và cho nó vào hòm thư. Phải mất vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài tháng để nhận được thư trả lời. Ngày nay, tôi có thể viết nhanh một bức thư, gửi nó đến một nơi cách xa nửa vòng Trái đất, và (nếu địa chỉ của tôi là trên mạng) tối sẽ nhận được thư trả lời trong vòng một phút sau đó. Tôi đã tránh được mọi phiền toái và tiết kiệm thời gian, nhưng tôi có đang sống một cuộc đời thảnh thơi hơn hay không?
Thật buồn là không. Quay trở lại kỷ nguyên của những bức thư chậm như sên, con người thường chỉ viết thư khi họ có điều gì quan trọng cần phải thuật lại. Thay vì viết ngay những điều vừa xuất hiện trong tâm trí mình, họ cân nhắc một cách cẩn thận những gì họ muốn nói và làm thế nào để diễn đạt nó. Họ mong đợi nhận được một câu trả lời cũng được suy nghĩ kĩ càng như vậy. Hầu hết mọi người viết và nhận rất ít thư trong một tháng và hiếm khi cảm thấy bị ép buộc phải trả lời ngay lập tức. Ngày nay, tôi nhận được hàng tá thư điện tử mỗi ngày, tất cả đều từ những người muốn được trả lời luôn. Chúng ta nghĩ rằng mình đang tiết kiệm thời gian; thay vào đó, chúng ta tăng tốc guồng quay cuộc sống lên chục lần so với tốc độ trước đây, làm cho những ngày làm việc của mình trở nên đầy lo âu và bối rối.
Ở đâu đó, một người bảo thủ lạc hậu từ chối mở một tài khoản email, cũng giống như cách đây hàng ngàn năm có những bầy người đã từ chối làm nông nghiệp và trốn chạy cái bẫy xa xỉ. Nhưng Cách mạng Nông nghiệp không cần đến mọi bầy người ở một vùng nào đó tham gia vào. Nó chỉ cần một. Ngay khi một bầy người ở lại sinh sống lâu dài và bắt đầu việc cày bừa, thì dù là ở Trung Đông hay Trung Mỹ, nông nghiệp đều có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Từ khi nông nghiệp tạo ra những điều kiện cho sự phát triển nhân khẩu một cách nhanh chóng, nông dân thường có thể vượt qua những kẻ hái lượm bằng số lượng người. Những kẻ hái lượm có thể chạy trốn, rời bỏ những vùng đất săn bắt của mình để tới cánh đồng và đồng cỏ, hoặc có thể nhặt cái cày lên. Cách nào đi nữa, cuộc sống cũ cũng đã kết thúc.
Câu chuyện về cái bẫy xa xỉ đã chỉ ra một bài học quan trọng. Sự tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn của nhân loại đã giải phóng những sức mạnh to lớn, biến đổi thế giới theo những cách mà không ai hình dung hay mong muốn. Không ai mưu tính Cách mạng Nông nghiệp hoặc tìm kiếm sự phụ thuộc của con người vào việc trồng trọt ngũ cốc. Từ một loạt những quyết định thông thường chủ yếu nhằm lấp đẩy những cái bụng rỗng và có được một chút an toàn, đã có tác động tích tụ trong việc ép buộc những người hái lượm cổ đại dành cả ngày của mình để gánh mấy thùng nước đầy dưới ánh nắng thiêu đốt.
Sự can thiệp của thần linh
Viễn cảnh trên đã lý giải rằng Cách mạng Nông nghiệp là một tính toán sai lầm. Rất có khả năng. Lịch sử chứa đầy những sai lầm còn ngớ ngẩn hơn nhiều. Nhưng còn một khả năng khác. Có thể không phải việc kiếm tìm một cuộc sống dễ chịu hơn đã tạo ra sự thay đổi. Có thể Sapiens có những mong muốn khác, và chủ ý làm cuộc sống của mình vất vả hơn để đạt được chúng.
Các nhà khoa học luôn muốn quy sự phát triển lịch sử cho các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học buồn tẻ. Nó phù hợp hơn với những phương pháp lý trí và toán học của họ. Trong lịch sử hiện đại, các học giả không thể tránh khỏi việc đưa vào các nhân tố phi vật chất như ý thức hệ và văn hoá. Bằng chứng thành văn ép buộc họ. Chúng ta có đủ các tài liệu, thư từ, hồi ký để chứng tỏ rằng Thế chiến II xảy ra không phải do thiếu hụt thực phẩm hay áp lực dân số. Nhưng chúng ta không có tài liệu từ nền văn hoá Natuhan, vì vậy khi nghiên cứu về những thời kỳ cổ đại, các nhà duy vật chiếm ưu thế tuyệt đối. Thật khó để chứng minh rằng con người trước khi có chữ viết đã bị thôi thúc bởi niềm tin hơn là những nhu cầu kinh tế.
Song, trong một vài trường hợp hiếm hoi, chúng ta có đủ may mắn để tìm ra được những manh mối tiết lộ. Vào năm 1995, các nhà khảo cổ học bắt đầu khai quật một khu vực thuộc phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Göbekli Tepe. Trong những địa tầng cổ xưa nhất, họ không phát hiện ra dấu hiệu nào của sự định cư, những ngôi nhà, hay những hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, họ đã phát hiện ra những kiến trúc vĩ đại được chống đỡ bằng cột trụ và trang trí bằng các hình chạm khắc vô cùng đẹp mắt. Mỗi cột đá nặng đến 7 tấn và cao tới 5 mét. Ở mỏ đá gần đấy, họ tìm thấy một cột đá đã được chạm trổ một nửa, nặng 50 tấn. Tổng cộng, họ phát hiện ra khoảng hơn 10 kiến trúc vĩ đại, cái lớn nhất có bề ngang gần 30 mét.
Các nhà khảo cổ học đã quá quen thuộc với những công trình kiến trúc hoành tráng như vậy được phát hiện ở nhiều di chỉ trên thế giới – nổi tiếng nhất là bãi đá cổ Stonehenge ở Anh. Song, khi nghiên cứu về Göbekli Tepe, họ đã khám phá ra một sự thật kinh ngạc. Stonehenge có niên đại khoảng năm 2500 TCN và được xây dựng bởi một xã hội nông nghiệp phát triển. Những kiến trúc ở Göbekli Tepe có niên đại khoảng năm 9500 TCN, và mọi bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng chúng do những người săn bắt hái lượm xây dựng nên. Cộng đồng khảo cổ học ban đầu cảm thấy khó mà tin vào những phát hiện này, nhưng các cuộc kiểm tra sau đó đã xác nhận niên đại sớm của những công trình kiến trúc đó, cũng như những người xây dựng nên chúng đã sống trong một xã hội tiền nông nghiệp. Các khả năng của người hái lượm cổ đại và sự phức tạp về văn hoá của họ có vẻ gây ấn tượng vượt xa những dự đoán trước đây.
Hình 12. Những gì còn sót lại của công trình vĩ đại ở Göbekli Tepe
Một trong những cột đá được trang trí (cao khoảng 5 mét)
Tại sao một xã hội hái lượm lại xây dựng được những công trình kiến trúc như vậy. Chúng không mang mục đích vị lợi rõ ràng. Chúng không phải là những lò sát sinh voi ma-mút, cũng không phải là nơi che mưa che nắng hay nơi ẩn nấp để trốn tránh sư tử. Chỉ còn một giả định là chúng được xây dựng cho một mục đích văn hoá thần bí nào đó mà các nhà khảo cổ học đã phải mất thời gian giải đoán vất vả. Dù là gì đi nữa, người hái lượm đã nghĩ rằng rất đáng để bỏ nhiều công sức và thời gian xây dựng những công trình này Cách duy nhất để xây dựng được Göbekli Tepe là hàng ngàn con người thuộc rất nhiều bầy người và bộ lạc khác nhau phải hợp tác trong một khoảng thời gian dài. Chỉ có tôn giáo hoặc hệ thống ý thức hệ phức tạp mới có thể duy trì được những nỗ lực như vậy.
Göbekli Tepe còn nắm giữ những bí mật lý thú khác. Trong nhiều năm, các nhà di truyền học đã truy tìm nguồn gốc của lúa mì thuần chủng. Những phát hiện gần đây đã chỉ ra rằng có ít nhất một biến thể đã được thuần chủng, giống lúa mì einkorn, có nguồn gốc từ đồi Karaçadag, cách Göbekli Tepe khoảng 30 km.
Đây khó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó kiểu như là trung tâm văn hoá Göbekli Tepe bằng cách nào đó có liên hệ giữa việc thuần hoá ban đầu của con người với lúa mì và giữa lúa mì với con người. Để có thể nuôi dưỡng được những người xây dựng và sử dụng các kiến trúc vĩ đại này, đòi hỏi phải có một lượng thực phẩm cực kỳ lớn. Như vậy có thể là con người đã chuyển từ việc hái lượm lúa mì hoang sang việc chăm chỉ trồng lúa mì, không chỉ để làm tăng lượng cung cấp thực phẩm bình thường mà còn để hỗ trợ xây dựng và vận hành một ngôi đền. Trong hình dung thông thường, những người đi khai hoang ban đầu sẽ xây dựng một ngôi làng, và khi nó trở nên thịnh vượng, họ sẽ xây dựng một ngôi đền ở khu trung tâm. Nhưng Göbekli Tepe lại cho thấy rằng, đền thờ có thể được xây dựng đầu tiên, sau đó làng mới mọc lên quanh nó.
Những nạn nhân của Cách mạng
Thỏa thuận Faust* giữa con người và ngũ cốc không phải là trường hợp duy nhất mà loài người đã thực hiện. Một thỏa thuận khác được ký kết liên quan đến số phận của các loài động vật như cừu, dê, lợn và gà. Những bầy người du cư lén đuổi theo những con cừu hoang dã đã dần làm thay đổi cấu tạo của bầy thú mà họ săn. Quá trình này có khả năng bắt đầu bằng việc săn bắt có chọn lọc. Con người đã nhận thấy rằng họ sẽ có lợi nếu chỉ săn bắt những con cừu đực trưởng thành hoặc những con cừu già hay ốm yếu. Họ tha cho những con cừu cái tốt giống và những con cừu còn non để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của đàn thú địa phương. Bước thứ hai có thể là tích cực bảo vệ đàn thú khỏi những động vật ăn thịt, đánh đuổi sư tử, chó sói và những bầy người thù địch khác. Tiếp theo, họ có thể dồn đàn thú vào trong những hẻm núi chật hẹp để kiểm soát và bảo vệ chúng tốt hơn. Cuối cùng, họ bắt đầu lựa chọn những con cừu một cách cẩn thận hơn để đáp ứng nhu cầu của mình. Những con cừu đực hung hăng nhất, kháng cự hùng hổ nhất sự quản lý của con người sẽ bị thịt đầu tiên. Tương tự như vậy với những con cái gầy gò nhất và thường phá phách nhất. (Người chăn cừu không thích những con cừu có tính tò mò hay tách khỏi bầy đàn của nó). Cứ mỗi lứa trôi qua, đàn cừu càng trở nên béo tốt hơn, ngoan ngoãn hơn và ít tò mò hơn. Thế đấy! Mary có một con cừu nhỏ, và mỗi khi Mary đi bất cứ đâu, nó cũng đi theo.*
Khả năng khác là những người đi săn có thể bắt và “nuôi dưỡng” một con cừu, vỗ béo nó trong những tháng sung túc và giết thịt nó trong mùa đói kém. Ớ một số giai đoạn, họ bắt đầu giữ lại nhiều hơn những con cừu như vậy. Một số con cừu đến tuổi động dục và bắt đầu sinh sản. Những con hung hăng nhất, ngỗ ngược nhất sẽ được đưa đến lò mổ đầu tiên. Những con ngoan ngoãn nhất, béo tốt nhất sẽ được phép sinh sản và sống lâu hơn. Kết quả là một đàn cừu đã được thuần hoá và biết nghe lời.
Những con vật đã được thuần hoá như cừu, gà, lừa và nhiều con khác, cung cấp thực phẩm (thịt, trứng, sữa), nguyên liệu thô (da, lông) và sức mạnh cơ bắp. Vận chuyển, cày xới, xay nghiền và các việc khác, cho tới lúc bấy giờ được thực hiện bởi con người, thì nay đã được các con vật thay thế ngày càng nhiều hơn. Trong hầu hết các xã hội nông nghiệp, con người chủ yêu tập trung vào việc trồng trọt, còn chăn nuôi là hoạt động thứ cấp. Nhưng một mô hình xã hội mới cũng đã xuất hiện ở vài nơi, chủ yếu dựa vào việc khai thác các loài vật: những bộ lạc chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ.
Khi con người lan ra khắp thế giới, theo đó những con vật mà họ thuần hoá cũng vậy. Cách đây khoảng 10.000 năm, chỉ có vài triệu con cừu, bò, dê, lợn và gà sống trong những hang hốc hạn hẹp ở Á-Phi. Ngày nay, thế giới có khoảng một tỉ con cừu, một tỉ con lợn, hơn một tỉ con gia súc và hơn 25 tỉ con gà. Và chúng ở khắp nơi trên địa cầu. Gà thuần chủng là loại thịt phổ biến nhất cho đến tận bây giờ. Sau Homo sapiens, các loài gia súc, lợn và cừu thuần chủng là những loài động vật lớn có vú lan tỏa rộng khắp hơn cả, vào hàng thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới. Từ góc nhìn hẹp về tiến hoá, vốn đánh giá sự thành công dựa vào số lượng bản sao ADN, Cách mạng Nông nghiệp là ấn huệ tuyệt vời cho gà, gia súc, lợn và cừu.
Thật không may, góc nhìn tiến hoá là một đánh giá không hoàn chỉnh về sự thành công. Nó phán xét mọi thứ bằng tiêu chuẩn về sống sót và sinh sản mà không quan tâm đến nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc của mỗi cá thể. Gà và gia súc thuần hoá có thể là một câu chuyện tiến hoá thành công, nhưng chúng cũng ở trong số những sinh vật khốn khổ nhất từng tồn tại. Thuần hoá động vật đã được dựa trên các biện pháp tàn bạo nhất, và ngày càng trở nên độc ác hơn theo các thế kỷ.
Đời sống trong tự nhiên của gà hoang kéo dài khoảng 7-12 năm, và đối với gia súc là khoảng 20-25 năm. Trong môi trường hoang dã, hầu hết gà và gia súc sẽ chết sớm hơn nhiều, nhưng chúng lại có cơ hội sống tốt hơn trong một vài năm tươi đẹp. Ngược lại, đại đa số gà và gia súc được thuần hoá đều bị giết thịt khi mới được vài tuần hoặc vài tháng tuổi, vì đó luôn là độ tuổi giết mổ tối ưu đứng trên quan điểm kinh tế. (Tại sao phải nuôi một con gà đến ba năm nếu như nó đã đạt cân nặng tối đa sau ba tháng?)
Gà mái đẻ, bò sữa và súc vật kéo xe đôi khi cũng được phép sống nhiều năm. Nhưng cái giá phải trả là sự nô dịch hoá trong một cuộc sống hoàn toàn xa lạ với những nhu cầu và khát vọng của chúng. Ví dụ, có thể giả định hợp lý rằng bò đực thích lang thang trên những đồng cỏ rộng rãi cùng với bò đực và bò cái khác, hơn là kéo những chiếc xe và cái cày dưới gông cùm của một con vượn cầm roi.
Hình 13. Một bức tranh từ ngôi mộ của người Ai Cập (khoảng năm 1200 TCN): một cặp bò đực thiến đang cày ruộng. Trong tự nhiên, gia súc đi lang thang, chúng thấy dễ chịu khi ở trong bầy với một cấu trúc xã hội phức tạp. Bò đực bị thiến và thuần hoá đã lãng phí đời mình dưới roi đòn và trong chiếc chuồng hẹp, lao động đơn độc hoặc theo cặp, một kiểu sống không thích hợp với cơ thể cũng như nhu cầu bầy đàn và cảm xúc của chúng. Khi một con bò đực không thể kéo cày được nữa, nó sẽ bị thịt. (Để ý tư thế cong người của người nông dân Ai Cập cũng rất giống bò đực, dành cả đời mình để lao động cực nhọc, ngược đãi cơ thể, tâm trí và các mối quan hệ xã hội của anh ta.)
Để có thể biến bò đực, ngựa, lừa và lạc đà thành những con vật kéo xe biết nghe lời, phải phá vỡ các bản năng tự nhiên và gắn kết bầy đàn, phải kìm lại tính hung hăng và bản năng tình dục, tước đi sự tự do di chuyển của chúng. Nông dân phát triển những kĩ thuật như nhốt súc vật trong chuồng, lồng, kìm giữ chúng bằng dây cương hoặc xích, huấn luyện chúng bằng roi da và gậy nhọn, cắt bỏ những bộ phận không cần thiết của chúng. Hầu hết những con đực đều bị thiến trong quá trình thuần hoá. Làm vậy sẽ kiềm chế tính hung hăng của con đực, giúp con người có thể kiểm soát có chọn lọc việc sinh sản của gia súc.
Trong nhiều cộng đồng xã hội New Guinea, theo truyền thống, sự giàu có của một người được đánh giá bằng số lợn mà anh ta hay chị ta sở hữu. Để ngăn lợn không đi mất, những nông dân ở phía bắc New Guinea đã cắt bỏ một mẩu mũi của chúng. Điều này sẽ gây ra đau đớn khủng khiếp mỗi khi con vật cố gắng đánh hơi. Vì lợn không thể tìm thức ăn và thậm chí không thể tìm được đường đi mà không đánh hơi, nên sự cắt bỏ này làm chúng phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ của mình. Ở vùng khác thuộc New Guinea, có tục chọc mù mắt lợn để chúng thậm chí không thể nhìn được mình đang đi đâu.
Ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa cũng có nhiều chiêu trò riêng để cưỡng ép các loài vật làm theo ý muốn của mình. Bò, dê và cừu chỉ tiết sữa sau khi đẻ, và chỉ khi những con con còn bú. Để tiếp tục vắt sữa động vật, nông dân cần những con con bú mẹ, nhưng lại phải ngăn chúng độc quyền nguồn sữa. Một trong những cách phổ biến trong lịch sử là đơn giản giết thịt những con con ngay sau khi sinh ra, vắt sữa con mẹ triệt để và sau đó lại làm con mẹ tiếp tục mang thai. Đây hiện vẫn là một phương pháp rất phổ biến. Trong nhiều trang trại sữa hiện đại, một con bò sữa thường sống được khoảng năm năm trước khi bị thịt. Trong suốt năm năm đó, nó thường mang thai liên tục, và lại được thụ tinh trong vòng 60 đến 120 ngày sau khi sinh con để duy trì việc cho sữa tối đa. Bò con bị tách khỏi mẹ rất sớm sau khi sinh. Con cái được nuôi để trở thành thế hệ bò sữa tiếp theo, trong khi đó con đực được chuyển cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thịt.
Một phương pháp khác là giữ cho những con con ở gần con mẹ, nhưng dùng nhiều mẹo để đánh lừa chúng, ngăn chúng bú quá nhiều sữa. Cách đơn giản nhất là cho những con dê con hoặc con bê bắt đầu bú mẹ, nhưng khi sữa bắt đầu chảy thì lại mang chúng đi chỗ khác. Cách này thường gặp phải sự kháng cự của cả con mẹ lẫn con con. Một số bộ lạc chăn cừu thường giết những con con, ăn thịt và nhồi da chúng. Những con con đã bị nhồi da sau đó sẽ được đưa đến chỗ con mẹ, và sự có mặt này sẽ kích thích sự tiết sữa của con mẹ. Bộ lạc Nuer ở Sudan thậm chí còn bôi nước tiểu của con mẹ lên những con con đã bị nhồi da, làm cho chúng có mùi quen thuộc và như thật. Một kĩ thuật khác của người Nuer là buộc một vòng cây có gai xung quanh mõm của con bê, khiến nó chọc vào con mẹ và con mẹ không muốn cho con con bú sữa. Người Tuareg chăn nuôi lạc đà ở Sahara thường đâm thủng hoặc cắt đi các phần mũi hoặc môi trên của lạc đà con, khiến chúng đau khi cố bú, do đó ngăn chúng tiêu thụ quá nhiều sữa.
Không phải mọi xã hội nông nghiệp đều tàn bạo như vậy với vật nuôi trong trang trại của mình. Cuộc sống của một số loài động vật thuần hoá có thể khá tốt. Cừu được nuôi để lấy len, chó, mèo, ngựa chiến, ngựa đua thường được hưởng những điều kiện sống cực kỳ thoải mái. Nghe đâu Hoàng đế La Mã Caligula từng có ý định phong chức quan chấp chính cho con ngựa yêu thích của mình là Incitatus. Trong lịch sử, những người chăn cừu và nông dân đều thể hiện tình cảm yêu mến của mình đối với vật nuôi và chăm sóc chúng rất chu đáo, giống như các chủ nô yêu quý và quan tâm đến nô lệ của mình. Không phải ngẫu nhiên mà những ông vua và nhà tiên tri đều tạo cho mình phong cách giống người chăn cừu, so sánh cách họ và những vị thần quan tâm đến thần dân như người chăn cừu châm sóc bầy cừu của mình.
Hình 14. Một con bê thời nay trong một trang trại thịt công nghiệp. Ngay sau khi ra đời, con bê sẽ bị tách khỏi mẹ và nhốt trong cái chuồng chật hẹp không lớn hơn kích thước thân nó là bao. Con bê sẽ ở đó trong toàn bộ đời mình, trung bình khoảng bốn tháng. Nó không bao giờ rời chuồng, cũng như không được phép chơi đùa cùng các con bê khác, thậm chí không được bước đi, tất cả chỉ để cơ bắp của nó không phát triển được.
Bắp mềm đồng nghĩa với món bít-tết mềm và ngon. Lần đầu tiên con bê có cơ hội đi bộ, kéo giãn cơ bắp và chạm vào các con bê khác là trên đường tới lò mổ. Theo quan điểm tiến hoá, gia súc đại diện cho một trong những loài động vật từng tồn tại thành công nhất. Đồng thời, chúng là một trong những loài động vật khốn khổ nhất hành tinh.
Song, nếu nhìn từ quan điểm của vật nuôi hơn là của người chăn chúng, thật khó tránh cảm giác là với đại đa số các loài vật đã thuần hoá, Cách mạng Nông nghiệp là một thảm họa tồi tệ. “Thành công” theo quan điểm tiến hoá thật vô nghĩa. Những con tê giác hoang dã quý hiếm đang bên bờ vực tuyệt chủng có thể sẽ thấy thỏa mãn hơn mấy con bê con với cuộc đời ngắn ngủi trong cái chuồng chật hẹp, bị vỗ béo để trở thành miếng bít-tết ngon lành. Những con tê giác thỏa mãn này cũng là những cá thể còn sống sót cuối cùng trong loài. Sự thành công về số lượng của loài bê chỉ là sự an ủi nhỏ nhoi cho những đau đớn mà mỗi cá thể phải chịu đựng.
Sự khác biệt giữa thành công về mặt tiến hoá và sự đau đớn của mỗi cá thể có lẽ là bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ Cách mạng Nông nghiệp. Khi chúng ta nghiên cứu câu chuyện của các loài thực vật như lúa mì, ngô, lý lẽ thuần tiến hoá nghe còn có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp các loài động vật như gia súc, cừu và Sapiens, với mỗi loài đều có thế giới cảm giác và cảm xúc phức tạp riêng, chúng ta phải xem xét sự thành công về mặt tiến hoá này chuyển dịch sang trải nghiệm của mỗi cá thể như thế nào. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy sự lặp đi lặp lại của việc gia tăng ngoạn mục sức mạnh tập thể và thành công bề ngoài của loài người đã đi kèm với sự gia tăng khổ đau của mỗi cá nhân ra sao.
6
XÂY DỰNG NHỮNG KIM TỰ THÁP
Cách mạng Nông nghiệp là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Một số người ủng hộ tuyên bố cuộc cách mạng này đã đưa nhân loại đi trên con đường tiến đến phồn vinh và tiến bộ. Số khác thì khăng khăng nói rằng nó dẫn tới diệt vong. Họ nói, đó là một bước ngoặt, nơi mà con người vứt bỏ mối quan hệ cộng sinh mật thiết với tự nhiên, trở nên tham lam và tha hoá. Dù con đường có đi theo hướng nào, cũng không còn đường lui. Nông nghiệp đã làm cho dân số tăng lên triệt để và nhanh chóng tới mức không một xã hội nông nghiệp phức tạp nào còn có thể duy trì được chính nó nếu quay lại thời kỳ săn bắt và hái lượm. Khoảng năm 10000 TCN, trước khi chuyển sang nông nghiệp, Trái đất là ngôi nhà của khoảng 5-8 triệu người hái lượm du cư. Vào thế kỷ 1, chỉ còn khoảng 1-2 triệu người hái lượm (chủ yếu ở châu Úc, châu Mỹ và châu Phi), nhưng con số này có vẻ nhỏ nhoi so với 250 triệu nông dân trên thế giới.
Đại đa số nông dân sống ở những khu định cư ổn định; chỉ một số ít là dân chăn cừu nay đây mai đó. Việc định cư khiến cho hầu hết đất đai của con người bị co lại đáng kể. Những người sân bắt hái lượm cổ đại thường sống ở những khu vực đất đai rộng hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số vuông. “Nhà” của họ chính là toàn bộ vùng đất, với núi đồi, sông suối, rừng cây và bầu trời rộng mở. Ngược lại, nông dân sử dụng hầu hết thời gian của họ để làm việc trên những cánh đồng hoặc vườn cây ăn quả nhỏ hẹp, và cuộc sống gia đình của họ tập trung trong những công trình xây dựng bằng gỗ, đá hoặc đất bùn tù túng, mỗi cái rộng không quá vài chục mét vuông. Một nông dân điển hình thường phát sinh sự gắn bó mật thiết với công trình này. Đó là một cuộc cách mạng có ảnh hưởng sâu rộng, có tác động tâm lý nhiều như kiến trúc. Từ đó trở đi, sự gắn bó với “nhà của tôi” và sự tách biệt với những người hàng xóm trở thành dấu hiệu tâm lý của loài sinh vật tự lấy mình làm trung tâm.
Những vùng nông nghiệp mới không chỉ nhỏ hơn rất nhiều so với vùng đất của người hái lượm cổ đại, mà còn mang tính nhân tạo hơn nhiều. Ngoài việc sử dụng lửa, người săn bắt hái lượm chỉ chủ ý tạo ra một số thay đổi đối với vùng đất mà họ đi qua. Ngược lại, nông dân sống trong những hòn đảo nhân tạo mà họ vất vả dựng lên từ thiên nhiên hoang dã quanh mình. Họ chặt rừng, đào kênh mương, phát quang cánh đồng, xây dựng nhà cửa, cày đất thành luống, trồng cây ăn quả theo hàng lối trật tự. Kết quả là, môi trường sống nhân tạo này chỉ dành cho con người cũng như các loài động thực vật “của họ”, và nó thường xuyên được bao kín bởi các bức tường và hàng rào. Các gia đình nông dân đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn những loài cỏ dại bướng bỉnh và thú hoang. Nếu chúng xâm phạm, họ sẽ đuổi chúng ra ngoài. Nếu chúng ngoan cố, con người sẽ tìm cách tiêu diệt chúng. Đặc biệt, những hàng rào kiên cố được dựng lên xung quanh nhà. Từ buổi bình minh của nông nghiệp cho đến hôm nay, hàng tỉ người với các loại vũ khí như cành cây, vỉ đập ruồi, giày dép và bình xịt chất độc, đã tiến hành một cuộc chiến liên tục chống lại những con kiến siêng năng, những con gián lén lút, những con nhện phiêu lưu, những con bọ cánh cứng đi lạc, là những kẻ liên tục thâm nhập vào nơi ở của họ.
Trong hầu hết lịch sử, những vùng đất do con người tạo ra này vẫn rất nhỏ bé, được bao quanh bởi những dải đất rộng của thiên nhiên chưa được chế ngự. Bề mặt Trái đất rộng khoảng 510 triệu km², trong đó 155 triệu km² là đất liền. Muộn nhất là năm 1400, đại đa số nông dân cùng với cây trồng và vật nuôi của mình đã chụm lại với nhau trên một diện tích 11 triệu km², chiếm 2% bề mặt hành tinh. Mọi nơi khác đều quá lạnh, quá nóng, quá khô, quá ẩm ướt, thêm nữa là không thích hợp cho trồng trọt. Lịch sử loài người đã mở ra trên 2% nhỏ xíu này của bề mặt Trái đất.
Con người cảm thấy rất khó rời bỏ những hòn đảo nhân tạo của mình. Họ không thể bỏ được nhà cửa, ruộng đồng, kho lương thực nếu như không phải chịu những nguy cơ tổn thất nghiêm trọng. Hơn nữa, theo thời gian, họ tích lũy được ngày càng nhiều thứ không dễ chuyển đi, nó đã trói buộc họ. Với chúng ta, nông dân cổ đại dường như rất nghèo, tuy thế một gia đình nông dân điển hình thường sở hữu đồ chế tác còn nhiều hơn cả một bộ lạc hái lượm.
Sự xuất hiện của tương lai
Trong khi vùng đất trống có thể sử dụng được trong nông nghiệp bị thu hẹp lại thì thời gian dành cho việc nhà nông lại kéo dài ra. Người hái lượm thường không tốn nhiều thời gian để nghĩ đến tuần tới, tháng tới. Nông dân còn mặc cho trí tưởng tượng của họ lướt đi thêm hàng năm, hàng chục năm trong tương lai.
Người hái lượm không tính đến tương lai, vì họ sống giật gấu vá vai, và chỉ có thể dự trữ thức ăn hoặc tích lũy tài sản một cách khó khăn. Tất nhiên, rõ ràng họ cũng lên kế hoạch tương lai. Hầu hết các tác giả của những bức vẽ trong hang Chauvet, Lascaux và Altamira đều muốn chúng tồn tại cho các thế hệ tiếp theo. Các liên minh xã hội và sự ganh đua chính trị đều là những vấn đề dài hạn. Thường phải mất nhiều năm để báo đáp một ơn huệ hoặc sửa chữa một sai lầm. Tuy nhiên, trong nền kinh tế tự cung tự cấp dựa vào săn bắt và hái lượm, những kế hoạch dài hạn như vậy có một giới hạn rõ ràng. Điều nghịch lý là nó giúp người hái lượm bớt âu lo khá nhiều. Thật phi lý khi lo lắng về những điều mà họ không thể tác động.
Cách mạng Nông nghiệp đã làm cho tương lai xa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nông dân luôn giữ tương lai ở trong đầu và phải làm việc để phục vụ nó. Nền kinh tế nông nghiệp dựa trên chu trình sản xuất theo mùa, bao gồm những tháng dài cày cấy trồng trọt, theo sau là những thời kỳ thu hoạch ngắn ngủi. Vào đêm tiếp theo sau khi kết thúc một vụ mùa bội thu, nông dân có thể tổ chức ăn mừng cho những gì mà họ xứng đáng được hưởng, nhưng trong vòng một tuần sau đó họ lại tiếp tục ra đồng từ sớm tinh mơ và làm việc cả một ngày. Mặc dù có đủ thức ăn cho hôm nay, tuần tới, và kể cả tháng tới, nhưng họ vẫn phải lo lắng về năm sau và năm sau nữa.
Lo lắng về tương lai đã bén rễ không chỉ trong những chu trình sản xuất theo mùa vụ, mà trong cả đặc điểm không chắc chắn của nông nghiệp. Vì hầu hết các làng đều nuôi trồng giới hạn các giống cây con đã thuần hoá, nên chúng là miếng mồi ngon của hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh. Nông dân buộc phải sản xuất nhiều hơn lượng họ tiêu thụ để dành cho việc dự trữ. Không có ngũ cốc trong kho lương thực, chai dầu ô-liu trong hầm chứa, pho mát trong chạn đựng, xúc xích treo trên xà nhà, họ sẽ bị chết đói trong những năm mất mùa. Và những năm mất mùa rồi sẽ đến, không sớm thì muộn. Người nông dân nào tin rằng những năm mất mùa sẽ không đến thì chẳng thể sống được lâu.
Kết quả là ngay từ khi nông nghiệp xuất hiện, các nỗi lo âu về tương lai trở thành những diễn viên chính trong rạp hát tâm trí của loài người. Ở những nơi mà nông dân dựa vào mưa để tưới tắm cho cánh đồng của mình, mùa mưa bắt đầu đồng nghĩa với việc mỗi buổi sáng, nông dân sẽ nhìn chằm chằm về chân trời, ngửi hít mùi gió và căng mắt lên. Có phải mây đó không? Những cơn mưa sẽ đến đúng lúc chứ? Mưa có đủ không? Liệu những trận bão dữ dội có quét sạch hạt giống trên cánh đồng hay làm dập nát cây con không? Trong lúc đó, ở thung lũng các sông Euphrates, Ấn và Hoàng Hà, những nông dân khác cũng không kém phần lo lắng khi theo dõi mực nước sông.
Họ cần những dòng sông dâng cao để bồi đắp cho tầng đất mặt màu mỡ đã bị rửa trôi nơi cao nguyên, và làm cho hệ thống tưới tiêu rộng lớn của họ tràn đầy nước. Nhưng những cơn lũ dâng nước lên quá cao hoặc tới không đúng thời điểm sẽ phá hủy mùa màng của họ giống như nạn hạn hán vậy.
Nông dân lo âu về tương lai không chỉ bởi họ có nhiều thứ để lo lắng, mà còn bởi họ có thể làm điều gì đó để tác động đến nó. Họ có thể phát quang những cánh đồng khác, đào những kênh mương tưới tiêu khác, gieo những giống cây khác. Người nông dân sầu muộn đã làm việc chăm chỉ như những con kiến thợ trong mùa hè, đổ mồ hôi trồng những cây ô-liu để con cái và bố mẹ họ ép lấy dầu, để dành những thực phẩm mà họ muốn ăn hôm nay cho mùa đông hoặc năm sau.
Sự căng thẳng của việc nhà nông có những hậu quả đáng kể. Nó là nền tảng cho các hệ thống chính trị và xã hội quy mô lớn. Nhưng thật đáng buồn, người nông dân cần cù hầu như không bao giờ đạt tới sự đảm bảo về kinh tế trong tương lai mà họ rất khao khát có được qua việc lao động cực nhọc ở hiện tại. Ở khắp nơi, những kẻ cai trị và giới tinh hoa xuất hiện, sống bằng thực phẩm dư thừa của nông dân và bỏ mặc họ với cuộc sống nghèo nàn.
Số thực phẩm dư thừa bị tước mất được cung cấp cho các hoạt động chính trị, chiến tranh, nghệ thuật và triết học. Người ta xây dựng các cung điện, pháo đài, công trình tưởng niệm và đền thờ. Cho đến tận kỷ nguyên hiện đại, hơn 90% nhân loại là nông dân, những người đã đổ mồ hôi từ sớm tinh mơ cho đến lúc tối mịt. Sản phẩm dư thừa mà họ làm ra chỉ để nuôi dưỡng một thiểu số của giới tinh hoa – vua chúa, quan chức nhà nước, binh lính, linh mục, nghệ sĩ, nhà tư tưởng – những kẻ chiếm hết chỗ trong sử sách. Lịch sử là cái gì đó do rất ít người đã và đang tạo ra, trong khi mọi người khác vẫn đang cày bừa trên những cánh đồng và vác các thùng nước đầy.
Một trật tự tưởng tượng
Sự dư thừa thức ăn do nông dân làm ra, đi cùng với công nghệ vận chuyển mới, ngày càng khiến nhiều người bị nhồi nhét bên nhau, ban đầu là trong những ngôi làng rộng lớn, sau đó là thị trấn và cuối cùng là thành phố. Tất cả họ đều cùng gia nhập các vương quốc và mạng lưới thương mại mới.
Song, để tận dụng lợi thế của những cơ hội mới này, sự dư thừa thực phẩm và giao thông vận tải cải tiến là chưa đủ. Thực tế là có thể nuôi sống cả ngàn người trong cùng một thị trấn và một triệu người trong cùng một vương quốc, nhưng không thể đảm bảo rằng họ có thể thống nhất với nhau về việc phân chia đất đai hay nguồn nước, cũng như làm thế nào để xoa dịu các cuộc tranh luận hoặc xung đột, và làm gì trong thời kỳ hạn hán hoặc chiến tranh. Và nếu không đạt được sự đồng thuận nào, xung đột sẽ lan rộng cho dù những kho chứa lương thực đang phình ra. Không phải thiếu thốn lương thực đã gây ra hầu hết các cuộc chiến tranh và cách mạng trong lịch sử. Những luật sư giàu có đã cầm đầu Cách mạng Pháp chứ không phải những nông dân chết đói. Cộng hòa La Mã đạt tới đỉnh cao quyền lực của nó trong thế kỷ 1 TCN, khi những hạm đội châu báu từ khắp nơi trên biển Địa Trung Hải làm giàu cho người La Mã, vượt quá cả những giấc mơ điên cuồng nhất của tổ tiên họ. Thời điểm giàu có tột cùng nhất cũng là lúc trật tự chính trị La Mã sụp đổ trong một loạt các cuộc nội chiến đẫm máu. Nam Tư vào năm 1991 có thừa tài nguyên để nuôi sống tất cả người dân của mình, nhưng vẫn tan rã bằng một cuộc chiến khủng khiếp.
Vấn để gốc rễ của những tai ương như vậy chính là việc con người đã tiến hoá trong hàng triệu năm từ những bầy nhỏ gồm vài chục thành viên. Một vài thiên niên kỷ ít ỏi phân tách Cách mạng Nông nghiệp với sự xuất hiện của các thành phố, vương quốc và đế quốc không đủ cho bản năng hợp tác rộng rãi tiến hoá kịp.
Mặc dù thiếu những bản năng sinh học như vậy, nhưng trong suốt thời đại hái lượm, hàng trăm con người xa lạ vẫn có thể hợp tác nhờ những huyền thoại chung giữa họ. Tuy nhiên, sự hợp tác này lỏng lẻo và hạn chế. Mỗi bầy Sapiens tiếp tục sống độc lập và tự đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình. Một nhà xã hội học cổ xưa sống cách đây 20.000 năm, không biết gì về những sự kiện tiếp sau Cách mạng Nông nghiệp, có thể đã kết luận rằng phạm vi của huyền thoại rất giới hạn. Các câu chuyện về những linh hồn tổ tiên và vật tổ của bộ lạc đủ mạnh để làm cho 300 con người trao đổi vỏ sò, ăn mừng một lễ hội kỳ quặc, và hợp sức đánh đuổi Neanderthal, nhưng tất cả chỉ có vậy. Các nhà xã hội học thời cổ đại có thể nghĩ rằng, huyền thoại không thể khiến hàng triệu con người xa lạ có thể hợp tác với nhau hằng ngày.
Nhưng suy nghĩ này hoá ra thật sai lầm. Thực tế là huyền thoại có sức mạnh lớn hơn những gì người ta từng tưởng tượng. Khi Cách mạng Nông nghiệp mở ra nhiều cơ hội cho việc hình thành những thành phố đông đúc và những đế quốc hùng mạnh, con người đã sáng tạo các câu chuyện về các vị thần vĩ đại, đất mẹ và công ty cổ phần để cung cấp những mối liên kết xã hội cần thiết. Trong khi sự tiến hoá của con người chậm chạp như ốc sên thì trí tưởng tượng của con người lại đang xây dựng nên những mạng lưới hợp tác đại chúng đáng kinh ngạc, không giống như những gì mà người ta đã từng thấy trên Trái đất.
Khoảng năm 8500 TCN, các khu định cư lớn nhất trên thế giới là những ngôi làng, ví dụ như Jericho, có khoảng vài trăm thành viên. Khoảng năm 7000 TCN, thị trấn Çatalhöyük ở Anatolia có khoảng 5.000 đến 10.000 dân. Rất có thể, nó là khu vực định cư lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Trong suốt thiên niên kỷ 4 và 5 TCN, những thành phố với hàng chục ngàn cư dân đã mọc lên ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (Fertile Crescent), và mỗi thành phố trong khu vực này đều kiểm soát nhiều ngôi làng lân cận. Năm 3100 TCN, toàn bộ vùng hạ lưu thung lũng sông Nile hợp nhất với nhau hình thành nên vương quốc Ai Cập. Các Pharaoh đã cai trị hàng ngàn cây số vuông đất đai và hàng trăm ngàn dân. Khoảng năm 2230 TCN, Sargon Đại đế đã xây dựng đế chế đầu tiên, Akkad. Đế chế này rất tự hào về một triệu thần dân của mình cùng đội quân thường trực 5.400 người. Vào khoảng giữa năm 1000 TCN và 500 TCN, những siêu đế chế đầu tiên xuất hiện ở Trung Đông: Đế chế Tân Assyria, Đế chế Babylon và Đế chế Ba Tư. Các nước này có nhiều triệu thần dân và hàng chục ngàn binh lính.
Vào năm 221 TCN, nhà Tần thống nhất Trung Quốc, và không lâu sau đó, Đế chế La Mã thống nhất lưu vực Địa Trung Hải. Thuế thu được từ 40 triệu thần dân nhà Tần để trả cho đội quân thường trực gồm hàng trăm ngàn binh lính và một bộ máy hành chính quan liêu phức tạp với hơn 100.000 quan lại. Đế chế La Mã ở thời kỳ đỉnh cao thu thuế khoảng trên 100 triệu thần dân. Nguồn thu từ thuế này dùng để chi trả cho đội quân thường trực từ 250.000-500.000 lính, cùng một mạng lưới đường bộ vẫn còn được sử dụng 1.500 năm sau, các rạp hát, khán đài hình vòng cung – được sử dụng để trình diễn cho đến tận ngày nay.
Hình 15. Một bia đá khắc Bộ luật Hammurabi, khoảng 1776 TCN.
Hình 16. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, ký ngày 4 tháng Bảy năm 1776.
Không có gì phải nghi ngờ, nhưng chúng ta không nên nuôi ảo tưởng lạc quan về “những mạng lưới hợp tác đại chúng” vận hành ở Ai Cập thời Pharaoh hay Đế chế La Mã. “Hợp tác” nghe có vẻ rất vị tha, nhưng không phải lúc nào cũng mang tính tự nguyện và hiếm khi bình đẳng. Hầu hết những mạng lưới hợp tác của con người đều đã bị hướng tới sự áp bức và bóc lột. Nông dân phải trả cho những mạng lưới hợp tác đang phát triển bằng lượng thực phẩm dư thừa quý báu của mình, tuyệt vọng khi người thu thuế tước đi toàn bộ một năm lao động vất vả chỉ bằng một nét chữ từ cây bút uy quyền của họ. Những khán đài La Mã hình vòng cung nổi tiếng thường được xây dựng bởi các nô lệ, để cư dân La Mã giàu có và nhàn rỗi có thể xem các nô lệ khác tham gia vào những trận giao chiến dữ dội giữa các đấu sĩ. Thậm chí cả các nhà tù, trại tập trung cũng là những mạng lưới hợp tác, và chỉ có thể hoạt động bởi hàng ngàn người xa lạ đã xoay xở để phối hợp các hành động theo cách nào đó.
Tất cả những hệ thống hợp tác này, từ những thành phố của khu vực Lưỡng Hà cổ đại đến đế chế nhà Tần và đế chế La Mã, đều là “những trật tự tưởng tượng”. Các quy tắc xã hội nhằm duy trì chúng đều không dựa trên những bản nâng cố hữu của con người cũng như sự quen biết cá nhân, mà thay vào đó là niềm tin vào những huyền thoại chung.
Làm thế nào huyền thoại có thể duy trì toàn bộ các đế chế? Chúng ta đã thảo luận một trường hợp như vậy: Peugeot. Bây giờ hãy nghiên cứu hai trong số những câu chuyện huyền thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử: Bộ luật Hammurabi năm 1776 TCN đã được sử dụng như bản hướng dẫn hợp tác của hàng trăm ngàn người Babylon cổ đại; và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, ngày nay vẫn được sử dụng như bản hướng dẫn hợp tác của hàng trăm triệu người Mỹ thời hiện đại.
Vào năm 1776 TCN, Babylon là thành phố lớn nhất thế giới. Đế chế Babylon cũng có thể là đế chế lớn nhất trên thế giới với hơn một triệu thần dân. Đế chế này cai trị hầu hết vùng Lưỡng Hà, bao gồm phần lớn Iraq cùng nhiều phần của Syria và Iran ngày nay. Nhà vua người Babylon nổi tiếng nhất cho đến nay là Hammurabi. Sự nổi tiếng của ông chủ yếu là do văn bản mang tên ông, Bộ luật Hammurabi. Đó là một tập hợp những luật lệ và quyết định của tòa án, mục tiêu là để biểu thị Hammurabi như hình mẫu của một ông vua chính trực, đóng vai trò nền tảng cho một hệ thống pháp luật thống nhất của Đế chế Babylon, giáo dục các thế hệ tương lai thế nào là công lý và một ông vua chính trực sẽ hành động như thế nào.
Các thế hệ tương lai đã để ý. Giới tinh hoa trí thức và quan chức của vùng Lưỡng Hà cổ đại đã tôn thờ Bộ luật này, những người sao chép bản thảo học việc đã tiếp tục sao chép nó rất lâu sau khi Hammurabi chết và đế chế của ông lụi tàn. Vì vậy, Bộ luật Hammurabi là một nguồn tài liệu tốt để hiểu về trật tự xã hội lý tưởng vùng Lưỡng Hà cổ đại.
Văn bản bắt đầu bằng việc tuyên bố rằng các vị thần Anu, Enlil và Marduk, đứng đầu trong tất cả các vị thần ở vùng Lưỡng Hà, đã cử Hammurabi “đem công lý phủ khắp mặt đất, để tiêu diệt kẻ xấu và cái ác, để ngăn kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu”. Sau đó nó liệt kê khoảng 300 phán quyết, được đưa ra ở dạng công thức được thiết lập “Nếu một điều là như vậy và xảy ra như vậy, thì đây là các phán quyết”. Ví dụ, các phán quyết từ 196-199 và 209-214 như sau:
196. Nếu một người đàn ông ưu tú làm mù mắt một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm mù mắt anh ta.
197. Nếu anh ta làm gãy xương của một người đàn ông ưu tú khác, người ta sẽ làm gãy xương anh ta.
198. Nếu anh ta làm mù mắt một thường dân hoặc làm gãy xương một thường dân, anh ta sẽ phải cân và nộp 60 shekel bạc.
199. Nếu anh ta làm mù mắt một nô lệ của một người đàn ông ưu tú hoặc làm gãy xương một nô lệ của một người đàn ông ưu tú, anh ta sẽ phải cân và nộp một nửa giá trị của nô lệ đó (quy ra bạc).
209. Nếu một người đàn ông ưu tú đánh một người đàn bà ưu tú và làm cô ta sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 10 shekel bạc đền cho cái thai của chị ta.
210. Nếu người đàn bà đó bị chết, người ta sẽ giết chết con gái anh ta.
211. Nếu anh ta đánh và làm cho một người đàn bà thường dân sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 5 shekel bạc.
212. Nếu người đàn bà đó bị chết, anh ta sẽ phải cân và nộp 30 shekel bạc.
213. Nếu anh ta đánh một nữ nô lệ của một người đàn ông ưu tú và làm cho cô ta sảy thai, anh ta sẽ phải cân và nộp 2 shekel bạc.
214. Nếu nữ nô lệ đó bị chết, anh ta sẽ phải cân và nộp 20 shekel bạc.
Sau khi liệt kê các phán quyết, Hammurabi tuyên bố lần nữa rằng:
Đây là những phán quyết công bằng mà Hammubari, vị vua tài ba xây dựng nên và do đó đã dẫn dắt mọi người đi theo con đường của chân lý và cách sống đúng đắn… Ta là Hammurabi, một vị vua cao quý. Ta đã không bỏ mặc hay lơ đễnh đối với con người mà thần Enlil ban cho ta chăm sóc và thần Marduk giao cho ta chăn dắt.
Bộ luật Hammurabi khẳng định rằng trật tự xã hội Babylon bắt nguồn từ những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu của công lý, được các vị thần xướng lên. Nguyên tắc của hệ thống phân tầng là hết sức quan trọng. Theo Bộ luật này, con người được chia thành hai giới tính và ba tầng lớp: người ưu tú, thường dân và nô lệ. Thành viên của mỗi giới và tầng lớp có giá trị khác nhau. Mạng sống của một nữ thường dân trị giá 30 shekel bạc, của một nữ nồ lệ là 20 shekel bạc, trong khi đôi mắt của một nam thường dân trị giá 60 shekel bạc.
Bộ luật cũng hình thành một sự phân tầng chặt chẽ trong các gia đình, theo đó con cái không phải là những người độc lập mà là tài sản của cha mẹ chúng. Vì vậy, nếu một người đàn ông ưu tú giết con gái của một người đàn ông ưu tú khác, con gái của kẻ giết người sẽ bị trừng phạt. Với chúng ta, thật kỳ lạ khi mà kẻ giết người vẫn bình an vô sự, trong khi cô con gái ngây thơ vô tội của anh ta lại bị giết, nhưng với Hammurabi và người dân Babylon thì điều này là công bằng tuyệt đối. Bộ luật Hammurabi dựa trên giả thuyết rằng nếu tất cả các thần dân của nhà vua đều chấp nhận vị trí của mình trong hệ thống phân tầng và hành động phù hợp, thì hàng triệu thần dân của đế quốc này có thể hợp tác một cách hiệu quả. Vì vậy xã hội của họ có thể sản xuất ra đủ thực phẩm cho tất cả thành viên, phân phối chúng hiệu quả, bảo vệ dân chúng khỏi kẻ thù, mở rộng lãnh thổ đế chế để đạt được sự giàu có hơn và an ninh tốt hơn.
Khoảng 3.300 năm sau cái chết của Hammurabi, dân cư ở 13 thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ cảm thấy rằng, nhà vua Anh đang đối xử không công bằng với họ. Các đại diện của họ đã tụ tập ở thành phố Philadenphia, và ngày 4 tháng Bảy năm 1776, các thuộc địa này đã tuyên bố rằng dân cư của họ không còn là thần dân của Vương quốc Anh. Tuyên ngôn Độc lập của họ đã tuyên bố những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu của công lý, điều mà giống như các nguyên tắc của Hammurabi, được truyền cảm hứng bởi một sức mạnh siêu phàm. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất được viết bởi vị thần của người Mỹ có phần khác so với nguyên tắc của những vị thần của người Babylon. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ khẳng định rằng:
Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.
Giống như Bộ luật Hammurabi, văn kiện sáng lập ra nước Mỹ đảm bảo rằng nếu con người hành động theo những nguyên tắc thiêng liêng của mình, hàng triệu người sẽ có thể hợp tác hiệu quả, sống an toàn và bình yên trong một xã hội công bằng và thịnh vượng. Giống như Bộ luật Hammurabi, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ không chỉ là một tài liệu được chấp nhận ở thời điểm và nơi sinh ra nó, nó còn được chấp nhận bởi các thế hệ tương lai. Trong vòng 200 năm qua, học sinh ở Mỹ đã sao chép và học thuộc lòng nó.
Hai văn bản trên cho chúng ta thấy một thế lưỡng nan hiển nhiên. Cả Bộ luật Hammurabi và Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ đều tuyên bố vạch ra những nguyên tắc phổ quát và vĩnh cửu về công lý, nhưng theo người Mỹ thì tất cả mọi người đều bình đẳng, trong khi theo người Babylon, con người rõ ràng là không bình đẳng. Tất nhiên người Mỹ nói rằng họ đúng và Hammurabi sai. Đương nhiên, Hammurabi sẽ trả miếng rằng họ đúng còn người Mỹ sai. Thực tế là cả hai đều sai. Hammurabi và những Tổ phụ Lập quốc Mỹ đều tưởng tượng ra một thực tế bị chi phối bởi các nguyên tắc phổ quát và bất biến về công lý, như là sự công bằng hay hệ thống phân tầng. Song, nơi duy nhất mà những nguyên tắc phổ quát như vậy tồn tại là trong trí tưởng tượng phong phú của Sapiens, và trong các huyền thoại mà họ sáng tác và kể cho nhau nghe. Những nguyên tắc này không có giá trị khách quan.
Rất dễ để chúng ta chấp nhận rằng việc phân chia con người thành “đẳng cấp ưu tú” và “thường dân” là một điều tưởng tượng. Song, quan niệm cho rằng mọi người đều bình đẳng cũng chỉ là một huyền thoại. Mọi người đều bình đẳng với nhau theo nghĩa nào? Có sự thật khách quan nào, nằm ngoài trí tưởng tượng của con người, trong đấy chúng ta thực sự bình đẳng? Mọi người bình đẳng với nhau về mặt sinh học ư? Hãy thử cắt nghĩa dòng chữ quan trọng nhất trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ theo ngôn ngữ sinh học:
Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.
Theo sinh học, con người không phải được sáng tạo ra. Họ tiến hoá. Và chắc chắn, họ không tiến hoá để “bình đẳng”. Ý tưởng bình đẳng gắn bó chặt chẽ với quan niệm về sáng tạo. Người Mỹ lấy ý tưởng bình đẳng từ Ki-tô giáo, trong đó lập luận rằng mọi người đều có một linh hồn tuyệt diệu được tạo ra, và mọi linh hồn này đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tin vào các huyền thoại Ki-tô giáo về Thiên Chúa, về sự sáng tạo và linh hồn, thì khi nói mọi người đều “bình đẳng” có nghĩa là gì? Tiến hoá dựa trên sự khác biệt, chứ không phải sự bình đẳng. Mỗi người đều mang một bộ gen khác nhau chút ít, và nó chịu các ảnh hưởng môi trường khác nhau từ khi sinh ra. Nó dẫn đến sự phát triển các phẩm chất khác nhau, mang đến những cơ hội sống sót khác nhau. Vì vậy “được sinh ra bình đẳng” nên được hiểu là “tiến hoá khác nhau”.
Giống như con người chưa bao giờ được sáng tạo ra, nên trên phương diện sinh học, chẳng có “Đấng tạo hoá” nào “ban cho” con người bất cứ cái gì? Chỉ có một quá trình tiến hoá không nhìn thấy được, không có bất cứ mục đích nào, dẫn tới sự sinh ra của các cá nhân. “Được tạo hoá ban cho” nên được hiểu đơn giản là “sinh ra”.
Công bằng mà nói, không có những điều như là quyền trong sinh học. Chỉ có các bộ phận cơ thể, các khả năng và các đặc điểm. Con chim bay không phải vì nó có quyền được bay, mà bởi vì nó có cánh. Và cũng không đúng khi nói rằng các bộ phận cơ thể, các khả năng và các đặc điểm này là “không thể xâm phạm được”. Nhiều trong số chúng trải qua quá trình biến đổi không ngừng, và có thể biến mất hoàn toàn theo thời gian. Đà điểu là một loài chim đánh mất khả năng bay của mình. Vì vậy “quyền không thể xâm phạm được” phải được hiểu là “những đặc điểm có thể biến đổi”.
Và những đặc điểm nào ở con người đã tiến hoá? “Cuộc sống”, chắc chắn rồi. Nhưng còn “tự do”? Không có một khái niệm nào như vậy trong sinh học. Giống như sự công bằng, các quyền và những công ty trách nhiệm hữu hạn, tự do là một khái niệm mà con người tự sáng tạo ra và nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ. Từ quan điểm sinh học, sẽ vô nghĩa khi nói rằng con người trong những xã hội dân chủ thì tự do, trong khi con người trong những chế độ độc tài thì không tự do. Thế còn “hạnh phúc” thì sao? Cho đến nay, các nghiên cứu sinh học đã thất bại trong việc đưa ra một định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc hoặc cách để đo lường nó khách quan. Hầu hết các nghiên cứu sinh học đều chỉ thừa nhận sự tồn tại của lạc thú, thứ dễ định nghĩa và đo lường hơn. Vì vậy, “sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” nên được hiểu là “sống và theo đuổi lạc thú”.
Vì vậy ở đây, những dòng trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ được hiểu theo ngôn ngữ sinh học như sau:
Chúng tôi khẳng định những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người tiến hoá một cách khác nhau, họ sinh ra với những đặc điểm có thể biến đổi nhất định, và trong số đó là sống và theo đuổi lạc thú.
Những người ủng hộ cho sự công bằng và quyền con người có thể bị tổn thương bởi dòng tranh luận trên. Phản ứng của họ có thể kiểu như “Chúng tôi biết rằng con người không bình đẳng về mặt sinh học! Nhưng nếu chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta bình đẳng về bản chất, nó sẽ giúp chúng ta tạo ra một xã hội phồn vinh và ổn định”. Tôi không tranh luận về điều này. Nó chính xác là những gì tôi muốn nói về “trật tự tưởng tượng”. Chúng ta tin vào một trật tự riêng biệt không phải vì nó là một sự thật khách quan, mà bởi tin vào nó sẽ làm chúng ta có thể hợp tác hiệu quả và tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Những trật tự tưởng tượng không phải là những âm mưu xấu xa hoặc những ảo tưởng vô ích. Hơn nữa, chúng còn là cách duy nhất để một số lớn người có thể hợp tác hiệu quả. Tuy vậy, cũng nên nhớ rằng Hammurabi có thể bảo vệ nguyên tắc về sự phân tầng của ông ta bằng việc sử dụng cùng một logic: “Ta hiểu rằng, những người ưu tú, thường dân và nô lệ không phải là những hạng người khác nhau. Nhưng nếu chúng ta tin như vậy, nó sẽ giúp chúng ta có thể tạo ra một xã hội ổn định và phồn vinh”.
Những người thực sự tin tưởng
Có vẻ nhiều người cảm thấy lúng túng khi đọc những đoạn trước. Hầu hết chúng ta ngày nay được giáo dục để phản ứng như vậy. Rất dễ dàng để chấp nhận Bộ luật Hammurabi là một huyền thoại, nhưng chúng ta không muốn nghe rằng nhân quyền cũng là một huyền thoại. Nếu con người nhận thức được rằng nhân quyền chỉ tồn tại trong tưởng tượng, liệu có mối nguy hiểm nào làm xã hội của chúng ta sụp đổ hay không? Voltaire đã nói về Chúa rằng, “Không có Chúa, nhưng đừng nói điều đó cho người đầy tớ của tôi, e rằng anh ta sẽ giết tôi vào ban đêm”. Hammurabi hẳn sẽ nói điều tương tự như vậy về nguyên tắc trong hệ thống phân tầng của ông ta, giống như Thomas Jefferson khi nói về quyền con người. Homo sapiens không có những quyền tự nhiên, giống như loài nhện, linh cẩu, tinh tinh. Nhưng đừng nói điều này với lũ đầy tớ của chúng ta, vì chúng sẽ giết chúng ta trong đêm.
Những nỗi sợ hãi như vậy được bào chữa rất hợp lý. Một trật tự tự nhiên là một trật tự ổn định. Lực hấp dẫn không thể ngừng hoạt động vào ngày mai, ngay cả nếu con người ngừng tin vào nó. Ngược lại, một trật tự tưởng tượng luôn ở trong tình trạng nguy hiểm của sự sụp đổ, bởi nó phụ thuộc vào huyền thoại, và huyền thoại sẽ biến mất khi con người ngừng tin vào chúng. Để có thể bảo vệ một trật tự tưởng tượng, đòi hỏi những cố gắng liên tục và vất vả. Một vài trong những nỗ lực này được thực hiện dưới hình thức bạo lực và áp bức. Các lực lượng quân đội, cảnh sát, tòa án và nhà tù đang làm việc liên tục để cưỡng ép con người hành động theo một trật tự tưởng tượng. Nếu một người Babylon cổ đại làm mù mắt hàng xóm của anh ta, những hình thức bạo lực luôn là cần thiết để luật lệ “một mắt đổi một mắt” được thi hành. Vào năm 1860, khi phần lớn người Mỹ đã quyết định rằng, nô lệ châu Phi cũng là những con người và vì vậy phải được hưởng quyền tự do, thì một cuộc nội chiến đẫm máu đã diễn ra để ép các bang miền Nam đồng thuận với quyết định này.
Tuy nhiên, một trật tự tưởng tượng không thể được giữ vững chỉ bằng bạo lực. Nó còn đòi hỏi phải có cả những người thực sự tin tưởng. Nhà quý tộc Talleyrand, người bắt đầu sự nghiệp tắc kè hoa của ông ta dưới thời Louis XVI, sau này phục vụ dưới cả chế độ cách mạng lẫn chính quyền Napoleon, và chuyển lòng trung thành kịp thời lúc cuối đời sang chế độ quân chủ vừa được phục hồi, đã tổng kết kinh nghiệm làm việc cho các chính phủ qua nhiều thập kỷ như sau: “Bạn có thể làm được nhiều việc bằng lưỡi lê, nhưng ngồi lên chúng sẽ khá khó chịu”. Hơn nữa, bất kể lưỡi lê có hiệu quả thế nào, quan trọng là phải có ai đó sử dụng chúng. Tại sao những binh lính, cai ngục, thẩm phán và cảnh sát lại duy trì một trật tự tưởng tượng trong khi họ không tin vào chúng? Trong mọi hoạt động tập thể của con người, khó nhất trong việc tổ chức chính là bạo lực. Khi nói rằng trật tự xã hội được duy trì bởi lực lượng quân đội, lập tức một câu hỏi nảy ra: cái gì đang duy trì trật tự quân đội? Sẽ không thể tổ chức được quân đội nếu chỉ dùng sự ép buộc. ít nhất, phải có một số chỉ huy và binh lính phải thực sự tin vào điều gì đó, có thể là Chúa, danh dự, tổ quốc, nhân cách hay tiền.
Một câu hỏi thú vị hơn liên quan đến nhóm đứng trên đỉnh kim tự tháp xã hội. Tại sao họ lại mong muốn thi hành một trật tự tưởng tượng, nếu bản thân họ không tin vào nó? Người ta hay cho rằng giới tinh hoa làm vậy do tính tham lam, không tin người. Song, một kẻ hoài nghi không tin vào điều gì cả thì khó mà tham lam được. Không khó để đáp ứng những nhu cầu sinh học khách quan của Homo sapiens. Sau khi những nhu cầu này được đáp ứng, thêm nhiều tiền sẽ được sử dụng vào việc xây dựng kim tự tháp, đi nghỉ vòng quanh thế giới, tài trợ những chiến dịch tranh cử, góp tiền cho những tổ chức khủng bố bạn thích, hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán kiếm thêm nhiều tiền – tất cả đều là những hoạt động mà một kẻ hoài nghi thực sự sẽ thấy cực kỳ vô nghĩa. Diogenes, triết gia Hy Lạp sáng lập trường phái hoài nghi,* sống trong một thùng gỗ. Alexander Đại đế có lần đến thăm Diogenes khi ông đang thư giãn trong nắng và hỏi liệu mình có thể làm điều gì cho ông hay không, triết gia hoài nghi đã trả lời người chinh phục quyền năng, “Vâng, có một điều ngài có thể làm cho tôi. Làm ơn dịch sang bên một chút. Ngài đang che mất ánh nắng”.
Đó là lý do mà những người hoài nghi không xây dựng các đế chế, và tại sao một trật tự tưởng tượng chỉ có thể được duy trì nếu phần lớn dân chúng, đặc biệt là phần đông giới tinh hoa và lực lượng an ninh, thực sự tin vào nó. Nền dân chủ của Mỹ sẽ không thể kéo dài 230 năm nếu như đa số các tổng thống và nghị sĩ không còn tin vào nhân quyền. Hệ thống kinh tế hiện đại sẽ không thể tồn tại dù chỉ một ngày nếu phần lớn các nhà đầu tư và chủ ngân hàng không còn tin vào chủ nghĩa tư bản.
Những bức tường tù ngục
Làm thế nào bạn có thể khiến con người tin vào một trật tự tưởng tượng như nền dân chủ hoặc chủ nghĩa tư bản? Đầu tiên, bạn chẳng bao giờ thừa nhận trật tự đó được tưởng tượng ra. Bạn luôn khăng khăng rằng trật tự duy trì xã hội là một thực tế khách quan được những vị thần vĩ đại hay các luật lệ tự nhiên tạo ra. Con người không bình đẳng, không phải bởi Hammurabi nói như vậy, mà bởi thần Enlil và Marduk quy định như vậy. Con người bình đẳng không phải vì Thomas Jefferson nói như vậy, mà vì Chúa đã tạo ra họ theo cách như vậy. Thị trường tự do là hệ thống kinh tế tốt nhất không phải bởi Adam Smith đã nói như vậy, mà bởi đó là những luật lệ bất biến của tự nhiên.
Bạn cũng có thể giáo dục con người một cách kĩ lưỡng. Từ thời điểm mà họ sinh ra, bạn có thể luôn nhắc cho họ nhớ về những luật lệ của trật tự tưởng tượng, cái có thể kết hợp với bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ. Chúng có thể được lồng vào những câu chuyện cổ tích, phim truyền hình, tranh ảnh, bài hát, phép xã giao, tuyên truyền chính trị, kiến trúc, đơn thuốc và thời trang. Ví dụ, ngày nay mọi người tin vào sự công bằng, nên thời trang với bọn trẻ nhà giàu là mặc quần jean, vốn ban đầu là của tầng lớp lao động. Trong thời trung cổ, con người tin vào sự phân chia giai cấp, vì vậy không có nam quý tộc trẻ tuổi nào lại mặc một chiếc áo khoác của nông dân. Vào thời đó, được gọi là “Ông” hoặc “Bà” là một đặc quyền hiếm hoi dành cho giới quý tộc, và thường được đánh đổi bằng máu. Ngày nay tất cả các thư từ lịch sự, bất kể người nhận là ai, đều bắt đầu bằng “Ông hoặc Bà thân mến”.
Khoa học xã hội và nhân văn dành phần lớn năng lực của mình để giải thích chính xác cách một trật tự tưởng tượng được dệt vào tấm thảm cuộc sống. Trong phạm vi giới hạn của mình, chúng ta chỉ có thể bàn luận lướt qua bề ngoài. Có ba nhân tố chính ngăn cản con người nhận thức rằng trật tự tổ chức cuộc sống của họ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của mình:
a. Trật tự tưởng tượng được nhúng vào thế giới vật chất. Mặc dù trật tự tưởng tượng chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta, nhưng nó có thể được đan xen vào thực tế vật chất quanh chúng ta, và thậm chí được khắc trên đá. Hầu hết người phương Tây ngày nay tin vào chủ nghĩa cá nhân. Họ cho rằng mỗi người là một cá nhân mà giá trị của anh ta không phụ thuộc vào việc người khác nghĩ gì về mình. Mỗi người chúng ta đều có một tia sáng lấp lánh bên trong, mang đến giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời mình. Ở các trường học phương Tây hiện đại, cha mẹ và thầy cô nói với bọn trẻ rằng, nếu bị bạn cùng lớp trêu chọc, chúng nên lờ đi. Chỉ bản thân chúng, chứ không phải người khác, biết được giá trị thực của mình.
Trong kiến trúc hiện đại, những biến đổi huyền thoại này đã vượt qua cả trí tưởng tượng để tạo hình trên đá và vữa. Một ngôi nhà hiện đại lý tưởng được chia ra làm nhiều phòng nhỏ, do đó mỗi đứa trẻ có thể có không gian riêng tư, tránh khỏi tầm nhìn, cấp cho nó một sự tự trị tối đa. Căn phòng riêng tư này thường có cửa, và trong nhiều gia đình phải chấp nhận một thực tế là đứa trẻ sẽ đóng và có thể là khoá cửa. Thậm chí cha mẹ bị cấm bước vào nếu không gõ cửa và xin phép. Căn phòng được trang trí theo sở thích của đứa trẻ, với những tấm áp phích của các ngôi sao nhạc rock dán đầy trên tường và tất bẩn vứt đầy trên sàn. Ai đó lớn lên trong một không gian như vậy sẽ không thể không tưởng tượng mình là “một cá nhân” mà giá trị thực sự được bắt nguồn từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài.
Người quý tộc trung cổ không tin vào chủ nghĩa cá nhân. Giá trị của mỗi người được xác định dựa vào vị trí của họ trong hệ thống phân tầng xã hội và bởi những gì người khác nói về họ. Bị cười nhạo là một sự sỉ nhục kinh khủng. Các quý tộc đã dạy dỗ con cái mình phải bảo vệ thanh danh bằng mọi giá. Giống như chủ nghĩa cá nhân hiện đại, các hệ thống giá trị trung cổ đã rời trí tưởng tượng và thể hiện trên viên đá của các lâu đài trung cổ. Những lâu đài này hiếm khi có các căn phòng riêng cho trẻ con (hoặc bất cứ ai). Cậu con trai đến tuổi thiếu niên của một nam tước thời trung cổ không có phòng riêng ở tầng hai của lâu đài, với những áp phích của Richard Tim Sư tử (Richard the Lionheart) và Vua Arthur trên tường, khoá cửa phòng không cho phép cha mẹ mở ra. Cậu ta ngủ cùng với nhiều đứa trẻ khác trong một gian rộng. Cậu ta luôn lộ diện và phải để ý đến những gì người khác nhìn và nói. Ai đó lớn lên trong những điều kiện như vậy dĩ nhiên sẽ quyết định rằng giá trị thực sự của một con người được xác định bằng vị trí của anh ta trong hệ thống phân tầng xã hội và bằng những gì người khác nói về anh ta.
b. Trật tự tưởng tượng định hình khát vọng của chúng ta. Hầu hết con người đều không muốn chấp nhận rằng trật tự đang chi phối cuộc sống của họ chỉ là tưởng tượng, nhưng trong thực tế mỗi người sinh ra đều bị đưa vào một trật tự tưởng tượng đã tồn tại trước đó, và khát vọng của anh ta hoặc chị ta được hình thành từ khi sinh ra bởi những huyền thoại thịnh hành. Vì vậy, khát vọng cá nhân của chúng ta trở thành sự phòng thủ quan trọng nhất của một trật tự tưởng tượng.
Ví dụ, các khát vọng được ấp ủ nhất trong lòng của người phương Tây hiện đại được hình thành từ các huyền thoại lãng mạn về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa nhân văn đã tồn tại trong hàng thế kỷ. Bạn bè khi đưa ra lời khuyên thường nói với nhau, “Hãy đi theo trái tim của cậu”. Nhưng trái tim là một điệp viên hai mang, thường lấy chỉ dẫn từ những huyền thoại thịnh hành và chính lời khuyên “Hãy đi theo trái tim của cậu” đã in dấu trong tâm trí chúng ta bởi sự kết hợp giữa những huyền thoại lãng mạn thế kỷ 19 và những huyền thoại tiêu thụ thế kỷ 20. Công ty Coca Cola là một ví dụ, đã quảng bá sản phẩm Diet Coke (Coke dành cho người ăn kiêng) ra khắp thế giới với khẩu hiệu “Diet Coke. Hãy làm những gì bạn cảm thấy tốt”.
Kể cả những gì mà mọi người coi là khát vọng cá nhân nhất của họ cũng thường được lên chương trình bằng trật tự tưởng tượng. Ví dụ, hãy xét đến một khát vọng phổ biến là đi nghỉ ở nước ngoài. Chẳng có gì tự nhiên hoặc hiển nhiên về nó. Một con tinh tinh alpha sẽ không bao giờ nghĩ tới việc sử dụng sức mạnh của mình để đi nghỉ trên vùng lãnh thổ của một bầy tinh tinh láng giềng. Giới tinh hoa ở Ai Cập cổ đại sử dụng tài sản riêng để xây dựng kim tự tháp và ướp xác của mình, nhưng không một ai trong số họ nghĩ đến việc đi mua sắm ở Babylon hoặc đi trượt tuyết ở Phoenicia. Con người ngày nay dành một số tiền lớn vào các kỳ nghỉ ở nước ngoài, vì họ là những người cực kỳ tin tưởng vào những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu thụ được lãng mạn hoá.
Chủ nghĩa lãng mạn nói với chúng ta rằng, để có thể phát triển tối đa năng lực của mình, chúng ta phải có càng nhiều trải nghiệm khác nhau càng tốt. Chúng ta phải cởi mở mình trước những trạng thái cảm xúc đa dạng; chúng ta phải thử nghiệm nhiều loại mối quan hệ; chúng ta phải thử nghiệm nhiều cách nấu nướng khác nhau; chúng ta phải học cách thưởng thức những phong cách âm nhạc khác nhau. Một trong những cách tốt nhất để làm tất cả những điều này là phá vỡ thói quen hằng ngày của mình, bỏ lại đằng sau những khung cảnh sống quen thuộc, và đi du lịch tới các vùng đất xa xôi, nơi chúng ta có thể “trải nghiệm” văn hoá, hương vị, thị hiếu và những chuẩn mực của người khác. Chúng ta nghe đi nghe lại những huyền thoại lãng mạn về việc “một trải nghiệm mới đã mở mắt và thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào”.
Chủ nghĩa tiêu thụ nói với chúng ta rằng để hạnh phúc, chúng ta phải tiêu thụ càng nhiều sản phẩm và dịch vụ càng tốt. Nếu chúng ta cảm thấy có điều gì đó thiếu vắng hoặc chưa ổn, thì có lẽ chúng ta cần phải mua một sản phẩm (xe hơi, quần áo mới, thực phẩm hữu cơ) hoặc một dịch vụ (dọn nhà, trị liệu tâm lý, các lớp yoga). Mỗi quảng cáo truyền hình là một huyền thoại nhỏ khác nhau về việc tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hình 17. Kim tự tháp vĩ đại ở Giza. Cách để những người giàu có ở Ai Cập cổ đại tiêu tiền của mình.
Chủ nghĩa lãng mạn khuyến khích sự đa dạng và hoàn toàn ăn khớp với chủ nghĩa tiêu dùng. Cặp đôi này đã sinh ra một “thị trường của những trải nghiệm” vô tận mà trên đó ngành du lịch hiện đại đã được hình thành. Ngành du lịch không chỉ bán những tấm vé máy bay và các phòng khách sạn. Nó bán các trải nghiệm. Paris không phải là một thành phố, cũng như Ấn Độ không phải là một quốc gia, cả hai đều là những trải nghiệm mà sự tận hưởng chúng được cho rằng sẽ mở rộng tầm nhìn, phát huy hết năng lực bản thân của con người và làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Kết quả là, khi mối quan hệ giữa một triệu phú và vợ mình phải trải qua một con đường đầy chông gai, ông ta sẽ đưa vợ mình tới Paris trong một kỳ nghỉ đắt đỏ. Chuyến đi không phản ánh khát vọng độc lập nào đó, mà nó phản ánh niềm tin mãnh liệt vào những huyền thoại của chủ nghĩa tiêu dùng lãng mạn. Một người đàn ông giàu có ở Ai Cập cổ đại sẽ không bao giờ mơ đến việc giải quyết khủng hoảng của một mối quan hệ bằng cách đưa vợ mình đi nghỉ ở Babylon. Thay vào đó, ông ta sẽ xây cho vợ mình một ngôi mộ lộng lẫy như bà ta hằng mơ ước.
Giống như giới tinh hoa ở Ai Cập cổ đại, đa số con người ở hầu hết các nền văn hoá đều dâng hiến cuộc sống của mình cho việc xây dựng kim tự tháp. Chỉ có những cái tên, hình dáng, và kích cỡ của các kim tự tháp là khác nhau giữa các nền văn hoá. Ví dụ, họ có thể lấy hình dáng của một mái nhà tranh ở vùng nông thôn cùng với bể bơi và bãi cỏ xanh mướt, hoặc một căn áp mái bóng bảy với tầm nhìn đáng ghen tị. Chẳng mấy ai băn khoăn trước những huyền thoại vốn là nguyên nhân khiến chúng ta thèm khát ban đầu.
c. Một trật tự tưởng tượng mang tính liên-chủ quan. Kể cả nếu do những nỗ lực siêu anh hùng khiến tôi giải phóng được những khát vọng cá nhân của mình ra khỏi một trật tự tưởng tượng, tôi cũng chỉ là một cá nhân mà thôi. Để có thể thay đổi một trật tự tưởng tượng, tôi phải thuyết phục hàng triệu người xa lạ cùng hợp tác với mình. Bởi một trật tự tưởng tượng không phải là một trật tự chủ quan tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi – nó là một trật tự liên-chủ quan, tồn tại trong một trí tưởng tượng được chia sẻ của hàng ngàn, hàng triệu người.
Để hiểu được điều này, chúng ta cần hiểu được sự khác nhau giữa “tính khách quan”, “tính chủ quan” và “tính liên-chủ quan”.
Một hiện tượng khách quan tồn tại độc lập với nhận thức và niềm tin của con người. Ví dụ, phóng xạ không phải là một câu chuyện huyền thoại. Những hiện tượng phóng xạ xảy ra rất lâu trước khi con người phát hiện ra chúng, và chúng rất nguy hiểm kể cả khi con người không tin vào điều đó. Marie Curie, một trong những người phát hiện ra phóng xạ, không biết rằng trong suốt những năm tháng dài nghiên cứu về vật liệu phóng xạ, có thể chúng đã gây hại cho cơ thể mình. Bà đã không tin rằng phóng xạ có thể giết mình, nhưng bà đã chết vi bệnh thiếu máu bất sản, một căn bệnh do sự phơi nhiễm quá mức đối với các vật liệu phóng xạ.
Tính chủ quan là những gì tồn tại dựa vào nhận thức và niềm tin của một cá nhân đơn lẻ. Nó sẽ biến mất hoặc thay đổi nếu cá nhân đó thay đổi niềm tin của mình. Nhiều đứa trẻ tin vào sự tồn tại của một người bạn tưởng tượng vô hình và vô thanh trong thế giới này. Người bạn tưởng tượng này chỉ tồn tại trong nhận thức chủ quan của đứa trẻ, và khi đứa trẻ lớn lên sẽ không còn tin vào điều đó nữa, và người bạn tưởng tượng sẽ biến mất.
Tính liên-chủ quan là thứ gì đó tồn tại trong mạng lưới thông tin kết nối giữa nhận thức chủ quan của nhiều cá nhân. Nếu một cá nhân đơn lẻ thay đổi niềm tin của mình, hoặc thậm chí chết đi, điều đó cũng không quan trọng lắm. Tuy nhiên, nếu hầu hết các cá nhân trong mạng lưới này bị chết hoặc thay đổi niềm tin của họ, thì hiện tượng liên-chủ quan sẽ thay đổi hoặc biến mất. Những hiện tượng liên-chủ quan không phải là những sự dối trá ác ý, cũng không phải là trò bịa đặt vô nghĩa. Chúng tồn tại theo một cách khác với những hiện tượng vật lý như phóng xạ, nhưng chúng ảnh hưởng đáng kể lên thế giới. Nhiều yếu tố thúc đẩy quan trọng nhất trong lịch sử mang tính liên-chủ quan: pháp luật, tiền bạc, các vị thần, các quốc gia.
Ví dụ, Peugeot không phải là một người bạn tưởng tượng của vị CEO Peugeot. Công ty này tồn tại trong sự tưởng tượng được chia sẻ của hàng triệu người. CEO tin vào sự tồn tại của công ty vì ban giám đốc cũng tin vào nó, giống như các luật sư của công ty, các thư ký của văn phòng gần đó, các giao dịch viên trong ngân hàng, những người mua bán chứng khoán và những đại lý xe từ Pháp tới Úc. Nếu CEO đột nhiên không còn tin vào sự tồn tại của Peugeot, ông ta sẽ nhanh chóng bị đưa đến bệnh viện tâm thần gần nhất và một người nào đó sẽ chiếm văn phòng của ông ta.
Tương tự như vậy, đồng đô-la, nhân quyền và Hợp chúng quốc Hoa Kỷ đều tồn tại trong trí tưởng tượng được chia sẻ của hàng tỉ người, và không một cá nhân nào có thể đe dọa sự tồn tại của chúng. Nếu mình tôi ngừng tin vào sự tồn tại của đồng đô-la, nhân quyền hoặc Mỹ, thì sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra. Những trật tự tưởng tượng này mang tính liên-chủ quan, vì vậy để có thể thay đổi chúng, chúng ta phải đồng thời thay đổi nhận thức của hàng tỉ người, và thực hiện điều này không hề dễ dàng. Một sự thay đổi tầm cỡ như vậy chỉ có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của một tổ chức phức hợp, như một đảng phái chính trị, một phong trào tư tưởng hoặc một giáo phái. Tuy nhiên, để có thể hình thành nên những tổ chức phức hợp như vậy, chúng ta cần phải thuyết phục rất nhiều người xa lạ cùng hợp tác với nhau. Và điều này sẽ chỉ xảy ra nếu những người xa lạ này cùng tin vào các câu chuyện huyền thoại chung nào đó. Do đó, để có thể thay đổi một trật tự tưởng tượng đang tồn tại, trước hết chúng ta phải tin vào một trật tự tưởng tượng khác để thay thế.
Ví dụ, để có thể phá hủy được Peugeot, chúng ta cần tưởng tượng ra cái gì đó quyền lực hơn, chẳng hạn hệ thống pháp luật của Pháp. Và để có thể phá hủy được hệ thống pháp luật của Pháp, chúng ta cần phải tưởng tượng ra cái gì đó có quyền lực hơn nữa, chẳng hạn nhà nước Pháp. Và nếu chúng ta muốn phá hủy luôn cả nhà nước Pháp, thì chúng ta sẽ phải tưởng tượng ra thứ gì đó quyền lực hơn thế nữa.
Không có cách nào để thoát khỏi trật tự tưởng tượng. Khi chúng ta phá vỡ những bức tường nhà tù của mình và chạy tới tự do, thực tế là chúng ta đang chạy tới một sân tập thể dục rộng rãi hơn của một nhà tù lớn hơn mà thôi.
7
BỘ NHỚ QUÁ TẢI
Sự tiến hoá không ban tặng cho con người khả năng chơi bóng đá. Đúng là nó đã tạo ra những đôi chân để đá, những cái khuỷu tay để huých và những cái miệng để chửi thề, nhưng tất cả những điều này có lẽ chỉ cho phép chúng ta thực hành những cú đá phạt đền với chính mình. Để có thể tham gia vào một trò chơi với những người xa lạ mà chúng ta tìm thấy trên sân trường vào buổi chiều nào đó, chúng ta không chỉ phối hợp với 10 người cùng đội có thể chưa gặp bao giờ, mà chúng ta còn cần biết rằng 11 cầu thủ của đội đối phương cũng đang chơi bằng những luật lệ tương tự. Các loài động vật khác có nghi thức tiếp cận những kẻ lạ mặt với sự hung hăng bản năng, như những chú chó con trên khắp thế giới có các luật lệ cho những cuộc chơi đùa vật lộn được viết sẵn trong gen của chúng. Nhưng những người trẻ thì không có gen cho môn bóng đá. Tuy vậy, họ có thể chơi bóng với những người hoàn toàn xa lạ, vì tất cả họ đều đã học một tập hợp các ý tưởng được thiết lập giống nhau về bóng đá. Những ý tưởng này mang tính tưởng tượng hoàn toàn, nhưng nếu mọi người cùng chia sẻ chúng, thì tất cả chúng ta đều có thể chơi môn này.
Ở phạm vi lớn hơn, điều này cũng áp dụng tương tự với các vương quốc, giáo hội, mạng lưới thương mại với một sự khác biệt quan trọng. Các luật lệ bóng đá tương đối đơn giản và ngắn gọn, giống như thứ luật lệ cần thiết cho sự hợp tác trong một bầy người hái lượm hoặc trong một ngôi làng nhỏ. Mỗi cẩu thủ có thể dễ dàng nhớ chúng trong đầu mình, và vẫn còn chỗ dành cho các bài hát, hình ảnh và danh sách mua sắm. Nhưng những hệ thống hợp tác với quy mô lớn không chỉ liên quan giữa 22 người, mà hàng ngàn hoặc thậm chí hàng triệu người, thì đòi hỏi sự kiểm soát và ghi nhớ khối lượng thông tin khổng lồ, lớn hơn rất nhiều so với khả năng ghi nhớ và xử lý của một bộ não người đơn lẻ.
Các xã hội lớn tìm thấy ở một số loài động vật khác, như loài kiến và loài ong, tính ổn định và dẻo dai bởi hầu hết thông tin cần thiết để duy trì xã hội này được mã hoá trong bộ gen. Ví dụ, một ấu trùng ong mật cái có thể phát triển để trở thành ong chúa hoặc ong thợ, tùy thuộc vào loại thức ăn dùng để nuôi dưỡng nó. ADN của nó sẽ lên chương trình những hành vi cần thiết cho cả hai vai trò: ong chúa và ong thợ siêng năng. Các tổ ong có thể là những cấu trúc xã hội phức tạp, bao gồm nhiều loại ong thợ, chẳng hạn những con kiếm thức ăn, những con điều dưỡng, và những con dọn dẹp. Nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được những con ong luật sư. Loài ong không cần đến luật sư, vì chẳng có nguy cơ nào trong việc chúng có thể cố gắng phá vỡ hiến pháp tổ ong, bằng cách từ chối những con ong dọn dẹp quyền được sống, được tự do và được theo đuổi hạnh phúc.
Nhưng con người lại luôn làm những điều như thế. Vì trật tự xã hội của Sapiens là tưởng tượng, nên con người không thể gìn giữ được những thông tin then chốt cho sự hoạt động của nó, đơn giản chỉ bằng việc tạo ra những bản sao ADN của họ và truyền lại chúng cho thế hệ sau. Những nỗ lực có ý thức phải được tạo ra để duy trì luật pháp, truyền thống, các thủ tục, cách cư xử, nếu không trật tự xã hội sẽ nhanh chóng bị sụp đổ. Ví dụ, Vua Hammurabi đã ra sắc lệnh, rằng con người được chia thành ba tầng lớp: ưu tú, thường dân và nô lệ. Đây không phải là một sự phân chia tự nhiên – không có dấu vết nào của nó trong bộ gen của con người. Nếu như người Babylon không thể giữ được “sự thật” này trong đầu, xã hội của họ sẽ ngừng hoạt động. Tương tự, khi Hammurabi chuyển ADN của ông ta cho hậu duệ của mình, nó đã không mã hoá luật lệ của ông ta rằng một người đàn ông ưu tú nếu giết hại một người đàn bà thường dân sẽ phải trả 30 shekel bạc. Hammurabi phải truyền kiến thức về luật pháp của đế chế cho những người con trai của mình một cách kĩ lưỡng, và những người con trai, cháu trai của ông ta cũng phải làm điều tương tự.
Các đế chế tạo ra những lượng thông tin khổng lồ. Ngoài luật pháp, các đế chế phải giữ các tài khoản giao dịch và các loại thuế, bản kiểm kê vật tư quân đội và các tàu buôn lớn, lịch của các lễ hội và chiến thắng. Trong hàng triệu năm, con người chứa thông tin ở một nơi duy nhất – bộ óc của mình. Thật không may, bộ óc con người không phải là một thiết bị lưu trữ tốt cho những cơ sở dữ liệu có kích cỡ đế chế, vì ba lý do chính.
Thứ nhất, năng lực của nó bị giới hạn. Đúng là có một số người có trí nhớ siêu phàm, và ở thời kỳ cổ đại có những chuyên gia ghi nhớ có thể chứa trong đầu họ địa hình của toàn bộ các tỉnh hoặc bộ luật của toàn bộ các nhà nước. Tuy nhiên, có một giới hạn mà thậm chí các bậc thầy ghi nhớ giỏi nhất cũng không thể vượt qua. Một luật sư có thể thuộc lòng cả bộ luật về Thịnh vượng chung Massachusetts, nhưng không thể nhớ các chi tiết của từng vụ kiện ở Massachusetts kể từ vụ án xử những phù thủy Salem về sau.
Thứ hai, khi con người chết đi, bộ óc của họ cũng chết theo. Bất cứ thông tin nào chứa trong bộ óc đó cũng sẽ bị xóa sạch trong chưa đến một thế kỷ. Tất nhiên, có thể chuyển giao kí ức từ bộ óc này sang bộ óc khác, nhưng sau ít lần chuyển giao như vậy, thông tin có xu hướng bị cắt xén hoặc bị mất đi.
Thứ ba, cũng là quan trọng nhất, bộ não con người đã thích nghi để lưu trữ và xử lý không chỉ những dạng thông tin cụ thể. Để sống sót, người săn bắt hái lượm cổ đại phải ghi nhớ được những hình dạng, đặc tính và cách thức hành động của hàng ngàn loài động thực vật. Họ phải ghi nhớ rằng, loại nấm vàng có nếp nhăn mọc vào mùa thu dưới gốc cây du có thể là loại độc nhất, trong khi đó loại nấm nhìn giống vậy mọc vào mùa đông dưới gốc cây sồi dùng để chữa bệnh đau bụng rất tốt. Người săn bắt hái lượm cũng buộc phải nhớ trong đầu các quan điểm và mối quan hệ của vài tá thành viên trong bầy. Nếu như Lucy muốn một thành viên trong bầy giúp đỡ để John dừng việc quấy rối cô, điều quan trọng là cô phải nhớ rằng John vừa cãi nhau với Mary vào tuần trước, nên Mary sẽ là một đồng minh có khả năng và nhiệt tình. Kết quả là, áp lực tiến hoá đã làm bộ não con người phải thích nghi để chứa được lượng thông tin rộng lớn về thực vật, động vật, địa hình và xã hội.
Nhưng khi những xã hội đặc biệt phức tạp bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh của Cách mạng Nông nghiệp, một dạng thông tin mới hoàn toàn bắt đầu trở nên quan trọng – những con số. Những người hái lượm chưa bao giờ phải xử lý một lượng lớn các dữ liệu toán học. Không một ai cần phải nhớ số quả trên mỗi cái cây trong rừng. Vì vậy bộ óc con người đã không thích nghi được với việc chứa và xử lý thông tin về các con số. Tuy vậy, để có thể duy trì một vương quốc rộng lớn, các dữ liệu toán học rất quan trọng. Chỉ tạo ra luật pháp và kể mấy câu chuyện về những vị thần giám hộ là chưa đủ. Còn phải thu thuế. Để có thể thu thuế hàng trăm ngàn người, bắt buộc phải thu thập số liệu về thu nhập và tài sản của từng người, số liệu về những khoản thanh toán, số liệu về số nợ còn khất lại, số tiền vay chưa trả và tiền phạt, số liệu về phần tiền được giảm giá và miễn thuế. Tất cả đã thêm vào đến hàng triệu bit dữ liệu, cần được lưu trữ và xử lý. Nếu không có khả năng này, nhà nước đó sẽ không bao giờ biết được nguồn lực mình có và nguồn lực nào có thể khai thác thêm. Khi đối mặt với nhu cầu phải ghi nhớ, hồi tưởng và xử lý tất cả các con số này, hầu hết bộ não con người sẽ bị quá tải hoặc cảm thấy buồn ngủ.
Sự giới hạn trí óc này đã hạn chế rất nhiều kích thước và sự phức tạp của những tập hợp người. Khi tổng số người và tài sản trong một xã hội nào đó vượt qua ngưỡng tới hạn, việc lưu trữ và xử lý những khối lượng lớn dữ liệu toán học trở nên cần thiết. Vì bộ óc của con người không thể làm được điều này, nên hệ thống đã sụp đổ. Trong hàng ngàn năm sau Cách mạng Nông nghiệp, các mạng lưới xã hội con người vẫn còn tương đối nhỏ bé và đơn giản.
Tộc người đầu tiên vượt qua vấn đề này là người Sumer cổ đại, sống ở phía nam Lưỡng Hà. Ở đó, Mặt trời chói chang trên các vùng đồng bằng đẩy phù sa màu mỡ, tạo ra những vụ mùa sản lượng dồi dào và những thị trấn thịnh vượng. Khi số lượng dân cư tăng, tổng lượng thông tin cần để phối hợp các công việc của họ cũng tăng theo. Thời kỳ 3.500-3.000 TCN, những thiên tài vô danh Sumer đã phát minh ra một hệ thống để lưu giữ và xử lý thông tin bên ngoài bộ não của họ, được chế tạo theo nhu cầu xử lý những khối lượng lớn dữ liệu toán học. Do đó, người Sumer đã giải phóng trật tự xã hội của họ khỏi giới hạn của bộ não con người, mở đường cho sự xuất hiện của các thành phố, vương quốc và đế chế. Hệ thống xử lý dữ liệu được người Sumer phát minh ra gọi là “chữ viết”.
Ký tên, Kushim
Chữ viết là một phương pháp để lưu trữ thông tin bằng những ký hiệu cụ thể. Hệ thống chữ viết Sumer đã làm như vậy bằng cách kết hợp hai dạng ký tự, được vạch trên những phiến đất sét. Có những ký tự cho 1, 10, 60, 600, 3.600 và 36.000. (Người Sumer đã sử dụng kết hợp giữa các hệ thống số thập phân và lục phân. Hệ thống số lục phân của họ đã để lại cho chúng ta nhiều di sản quan trọng, chẳng hạn sự phân chia một ngày thành 24 giờ và một vòng tròn là 360 độ). Một dạng ký tự khác biểu thị cho con người, động vật, hàng hoá, đất đai, dữ liệu và nhiều hơn nữa. Bằng việc kết hợp hai dạng ký tự, người Sumer có thể lưu giữ nhiều hơn các dữ liệu mà bộ óc con người có thể nhớ hay bất cứ một chuỗi ADN nào có thể mã hoá.
Hình 18. Một phiến đất sét với một văn bản hành chính từ thành phố Uruk, khoảng 3400-3000 TCN. “Kushim” có thể là tên chung của một chức vụ hành chính, hoặc tên của một cá nhân nào đó. Nếu Kushim quả thực là một người, thì ông ta có thể là cá nhân đầu tiên trong lịch sử có tên được chúng ta biết đến! Tất cả những cái tên được đặt trước đó trong lịch sử loài người – Neanderthal, Natutian, Chauvet Cave, Göbekli Tepe – đều là những phát minh hiện đại. Chúng ta không biết những người xây dựng nên Göbekli Tepe trong thực tế gọi nơi này là gì.
Với sự xuất hiện của chữ viết, chúng ta bắt đầu nghe thấy lịch sử thông qua cái tai của những người giữ vai trò chủ đạo. Khi những hàng xóm của Kushim gọi anh ta, họ có thể phải hét to thực sự “Kushim!” Điều này có nghĩa là cái tên được ghi lại đầu tiên trong lịch sử thuộc về một người giữ sổ sách kế toán, hơn là một nhà tiên tri, một nhà thơ hoặc một kẻ chinh phục vĩ đại.
Ở giai đoạn đầu, chữ viết bị giới hạn trước các sự kiện và con số. Nếu người Sumer đã từng có một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, thì nó hẳn không bao giờ được ghi trên những phiến đất sét. Việc viết tiêu tốn thời gian, và số người biết đọc cũng rất ít, vì vậy không ai thấy bất cứ lý do gì để sử dụng nó cho mục đích khác ngoài việc lưu trữ những hồ sơ quan trọng. Nếu chúng ta đi tìm những ngôn từ thông thái đầu tiên của tổ tiên mình cách đây khoảng 5.000 năm, chúng ta sẽ bị thất vọng hoàn toàn. Những thông điệp sớm nhất mà tổ tiên để lại cho chúng ta đọc, ví dụ, “29.086 đơn vị lúa mạch 37 tháng Kushim”. Cách giải thích khả dĩ nhất cho câu này là: “Tổng số 29.086 đơn vị lúa mạch được nhận trong thời gian 37 tháng. Ký tên, Kushim”. Than ôi, những bản vãn đầu tiên trong lịch sử không mang ý nghĩa triết học, thơ phú, huyền thoại, luật pháp hoặc thậm chí những chiến thắng hoàng gia. Chúng là những tài liệu kinh tế buồn tẻ, ghi lại việc trả thuế, sự tích lũy các món nợ và quyền sở hữu tài sản.
Chữ viết khuyết thiếu không thể diễn tả được toàn bộ phạm trù của một ngôn ngữ nói, nhưng có thể diễn tả những điều nằm ngoài phạm vi ngôn ngữ nói. Chữ viết khuyết thiếu như các chữ trong toán học và chữ Sumer không thể dùng để viết thơ được, nhưng chúng có thể lưu giữ các tài khoản thuế rất hiệu quả.
Chỉ có một dạng khác của văn bản còn tồn tại từ thời cổ đại, và nó thậm chí còn kém thú vị hơn: danh sách các từ, được sao chép lại nhiều lần như những bài luyện tập bởi người chép thuê chuyên nghiệp đang tập sự. Thậm chí, nếu một sinh viên chán nản muốn viết thơ thay vì sao chép hoá đơn bán hàng, anh ta cũng không thể làm thế. Chữ viết Sumer sớm nhất không phải là một hệ chữ viết đầy đủ. Chữ viết đầy đủ phải là một hệ thống các ký tự cụ thể, có thể biểu thị được gần như hoàn toàn ngôn ngữ nói. Vì vậy, nó có thể biểu thị mọi thứ mà con người có thể nói ra, bao gồm cả thơ ca. Ngược lại, chữ viết khuyết thiếu là một hệ thống các ký tự cụ thể chỉ thể hiện được một loại thông tin đặc biệt nào đó thuộc về phạm vi hoạt động bị giới hạn. Ký tự Latin, ký tự tượng hình của Ai Cập cổ đại và chữ nổi Braille là những chữ viết đầy đủ. Bạn có thể dùng chúng để viết các tờ đăng ký thuế, thơ tình, sách lịch sử, công thức nấu ăn và luật kinh doanh. Ngược lại, chữ viết Sumer thời kỳ đầu, giống như những ký hiệu toán học và âm nhạc hiện đại, là kiểu chữ viết khuyết thiếu. Bạn có thể sử dụng chữ viết toán học để tính toán, nhưng không thể dùng nó để viết thơ tình.
Hình 19. Một người đàn ông đang cầm quipu, một dụng cụ tính toán, được miêu tả trong một bản thảo tiếng Tây Ban Nha, sau sự sụp đổ của Đế chế Inca.
Người Sumer không khó chịu khi chữ viết của họ không phù hợp để viết thơ ca. Họ phát minh ra nó không phải để sao chép ngôn ngữ nói, mà dùng để làm những việc mà ngôn ngữ nói không thể làm được. Có một số nền văn hoá, như là nền văn minh Amdes tiền Colombus, chỉ sử dụng một phần chữ viết trong toàn bộ lịch sử của họ mà không hề bối rối về sự giới hạn này, và cảm thấy không cần một phiên bản hoàn chỉnh hơn. Chữ viết Andes rất khác so với chữ viết Sumer. Trong thực tế, nó khác biệt đến mức nhiều người còn tranh luận rằng, nó không phải là chữ viết. Nó không được viết trên những phiến đất sét hoặc những mẩu giấy, mà được viết bằng những nút thắt trên mấy sợi dây đầy màu sắc gọi là quipu. Mỗi quipu gồm nhiều sợi dây với màu sắc khác nhau, được làm bằng len hoặc bông. Ở mỗi sợi dây, một số nút được thắt ở những vị trí khác nhau. Một quipu có thể gồm hàng trăm sợi dây với hàng ngàn nút thắt. Bằng việc kết hợp các nút thắt khác nhau trên những sợi dây khác nhau có nhiều màu, người ta có thể ghi nhớ được lượng lớn các dữ liệu toán học liên quan, ví dụ như việc thu thuế hay các quyền sở hữu tài sản.
Trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, quipu rất cần thiết cho hoạt động kinh doanh của các thành phố, vương quốc và đế chế.3 Chúng đã đạt tới năng lực tối ưu của mình dưới Đế chế Inca với 10-12 triệu người và bao phủ toàn bộ Peru, Ecuador, Bolivia ngày nay cùng một phần Chile, Argentina, Columbia. Nhờ có những quipu, người Inca có thể lưu giữ và xử lý lượng lớn các dữ liệu mà nếu như không có chúng, họ không thể duy trì được bộ máy hành chính phức tạp của một đế chế với quy mô lớn như vậy.
Trong thực tế, quipu hiệu quả và chính xác tới mức trong những năm đầu tiên sau khi Tây Ban Nha xâm lược Nam Mỹ, bản thân người Tây Ban Nha cũng sử dụng quipu trong các công việc quản trị đế chế mới. Vấn để là người Tây Ban Nha không biết làm cách nào để ghi lại và đọc quipu, vì vậy họ phải phụ thuộc vào các chuyên gia địa phương. Những người trị vì mới của lục địa nhận thấy điều này đã đặt họ vào một tình huống nhạy cảm – những chuyên gia quipu bản địa có thể dễ dàng lừa dối và gian lận các ông chủ của mình. Vì vậy, ngay khi các thuộc địa của Tây Ban Nha được hình thành một cách vững chắc hơn, quipu đã bị loại bỏ, sổ sách ghi chép của đế chế mới được lưu giữ hoàn toàn bằng các chữ số và hệ thống chữ viết Latin. Còn rất ít các quipu tốn tại trong sự chiếm đóng của Tây Ban Nha, và hầu hết chúng đều không thể giải mã được, vì thật không may, nghệ thuật đọc quipu đã bị thất lạc.
Những điều phi thường của bộ máy hành chính
Cư dân Lưỡng Hà cuối cùng bắt đầu muốn viết những điều khác với các dữ liệu toán học buồn tẻ. Khoảng năm 3000-2500 TCN, ngày càng nhiều các ký tự được thêm vào chữ viết Sumer, và dần biến nó trở thành một hệ thống chữ viết đầy đủ mà ngày nay chúng ta gọi là chữ hình nêm. Vào khoảng năm 2500 TCN, các vị vua đã sử dụng chữ hình nêm này để ban bố các sắc lệnh, các tu sĩ cũng sử dụng chúng để ghi lại những lời tiên tri, và những cư dân có thân phận thấp hơn cũng dùng nó để viết thư cá nhân. Gần như cùng thời kỳ này, người Ai Cập cũng phát triển thêm một kiểu chữ viết đầy đủ khác được gọi là chữ tượng hình. Những hệ thống chữ viết đầy đủ khác cũng được phát triển tại Trung Quốc vào khoảng năm 1200 TCN và ở Trung Mỹ vào khoảng năm 1000-500 TCN.
Từ những trung tâm khởi phát như vậy, các hệ thống chữ viết đầy đủ đã lan rộng với những hình thức mới và nhiệm vụ mới phong phú. Con người bắt đầu viết thơ ca, sách lịch sử, những câu chuyện lãng mạn, kịch, những lời tiên tri và sách dạy nấu ăn. Song, nhiệm vụ quan trọng nhất của chữ viết vẫn là lưu giữ hàng tập dữ liệu toán học, và nhiệm vụ này cũng thuộc đặc quyền của hệ thống chữ viết chưa đầy đủ. Kinh Do Thái, Iliad của Hy Lạp, Mahabharata của Hindu, Tam tạng kinh điển Phật giáo, tất cả đều bắt đầu từ truyền miệng. Trải qua nhiều thế hệ, chúng được lưu truyền bằng miệng và có thể tồn tại ngay cả khi chữ viết chưa được phát minh. Nhưng những cơ quan thuế vụ và hành chính phức tạp đã được sinh ra cùng với những loại chữ viết chưa đầy đủ, và mối liên kết bền vững giữa chúng vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay như anh em sinh đôi dính nhau – hãy thử nghĩ về những mục khó hiểu trong các cơ sở dữ liệu của máy vi tính và bảng tính mà xem.
Vì ngày càng có nhiều thứ được viết ra, đặc biệt do công việc lưu trữ hành chính phát triển với quy mô khổng lồ, nên những vấn đề mới đã nảy sinh. Thông tin lưu trữ trong bộ não con người rất dễ lấy ra dùng. Bộ não của tôi có thể chứa hàng tỉ các bit dữ liệu, song tôi có thể nhanh chóng, gần như tức khắc, nhớ ra tên của thủ đô Ý, và sau đó lập tức có thể nhớ lại những gì tôi đã làm vào ngày 11 tháng Chín năm 2001, và sau đó có thể tái hiện con đường dẫn từ nhà tôi tới Đại học Hebrew ở Jerusalem. Chính xác làm thế nào bộ não có thể làm được như vậy vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng hệ thống khôi phục dữ liệu của bộ não hoạt động hiệu quả một cách đáng kinh ngạc, trừ khi bạn đang cố nhớ xem mình để chìa khoá xe hơi ở đâu.
Thế nhưng, làm cách nào để bạn tìm và khôi phục thông tin được lưu giữ trên những sợi dây quipu và các phiến đất sét? Nếu bạn chỉ có 10 hay 100 phiến đất sét, điều này không thành vấn đề. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn đã tích trữ hàng ngàn phiến, giống như một người cùng thời với Hammurabi, Vua Zimrilim xứ Mari?
Thử tưởng tượng vào thời điểm năm 1776 TCN. Hai người Mari đang tranh chấp quyền sở hữu một ruộng lúa mì. Jacob khăng khăng rằng anh ta đã mua cánh đồng này từ Esau cách đó 30 năm. Esau vặn lại rằng trong thực tế anh ta cho Jacob thuê ruộng lúa mì trong thời hạn 30 năm, và đến nay đã hết hạn, anh ta có ý định đòi lại nó. Họ la hét, cãi nhau và bắt đầu xô đẩy nhau trước khi nhận ra rằng họ có thể giải quyết cuộc tranh cãi này bằng việc đến thư khố hoàng gia, nơi lưu giữ các văn bản và hoá đơn mua bán được áp dụng cho mọi bất động sản của vương quốc. Sau khi đến thư khố, họ đã đi lại như con thoi để gặp hết viên chức này đến viên chức khác. Họ chờ đợi qua vài lần nghỉ uống trà thảo mộc, được thông báo là hãy quay lại vào ngày mai, và cuối cùng được đón tiếp bởi một nhân viên đang rất bực bội tìm kiếm phiến đất sét liên quan. Nhấn viên này mở cửa và dẫn họ vào trong một căn phòng lớn, từ sàn lên đến trần nhà chứa hàng ngàn phiến đất sét xếp thành hàng. Không cần phải thắc mắc về gương mặt cáu kỉnh của nhân viên này nữa. Làm thế nào anh ta có thể xác định được vị trí của văn bản liên quan đến ruộng lúa mì đang bị tranh chấp đã được viết cách đấy 30 năm? Thậm chí nếu anh ta tìm thấy nó, anh ta sẽ làm thế nào để kiểm tra chéo nhằm chắc chắn rằng văn bản từ 30 năm trước là tài liệu mới nhất liên quan đến ruộng lúa mì đang bị tranh chấp? Nếu anh ta không tìm thấy nó, điều đó có chứng minh được rằng Esau chưa bao giờ bán hoặc cho thuê ruộng này? Hoặc do tài liệu bị thất lạc, hoặc hoá bùn do nước mưa lọt vào thư khố?
Rõ ràng là, chỉ in dấu một tài liệu vào phiến đất sét thôi chưa đủ để đảm bảo cho việc xử lý dữ liệu hiệu quả, chính xác và thuận tiện. Nó đòi hỏi những phương pháp tổ chức như các danh mục liệt kê, các phương pháp sao chép giống như máy photocopy, các phương pháp khôi phục dữ liệu nhanh và chính xác giống như các thuật toán máy vi tính, cùng những người quản lý thư viện nghiêm túc (nhưng hy vọng là vui vẻ) biết cách sử dụng những công cụ này.
Việc phát minh ra những phương pháp trên còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc phát minh ra chữ viết. Nhiều kiểu chữ viết được phát triển độc lập ở những nền văn hoá cách xa nhau cả về không gian lẫn thời gian. Mỗi thập kỷ, các nhà khảo cổ học lại phát hiện ra một số kiểu chữ viết khác đã bị lãng quên. Trong số đó, có một vài kiểu thậm chí còn lâu đời hơn cả chữ Sumer in trên đất sét. Nhưng hầu hết chúng đều là những sự kỳ lạ, vì những người sáng tạo ra chúng đều thất bại trong việc tạo ra các cách hiệu quả để phân mục và khôi phục dữ liệu. Điều đã khiến Sumer trở nên khác biệt, cũng như Ai Cập thời những Pharaoh, Trung Hoa cổ đại và Đế chế Inca, đó chính là các nền văn hoá này đã phát triển những kĩ thuật tốt trong việc lưu trữ, ghi mục lục và tra cứu sổ sách ghi chép. Họ cũng lập ra trường học dành cho những người chép thuê, thư ký, quản lý thư viện và kế toán.
Một bài tập viết ở trường thuộc vùng Lưỡng Hà cổ đại, được các nhà khảo cổ học hiện đại phát hiện, đã cho chúng ta một cái nhìn lướt qua cuộc sống của những người đi học cách đây 4.000 năm.
Tôi đi vào và ngồi xuống, thầy giáo đã đọc bảng của tôi. Ông ấy nói: “Có gì đó thiếu!”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Một trong những người phụ trách nói, “Tại sao anh lại mở mồm nói mà chưa xin phép tôi?”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Người phụ trách việc thực hiện các quy tắc nói, “Tại sao anh đứng lên mà chưa xin phép tôi?”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Người gác cổng nói, “Tại sao anh ra ngoài mà chưa xin phép tôi?”
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Người giữ chiếc bình đựng bia nói, “Tại sao anh lấy bia mà chưa xin phép tôi?” Và ông ấy đánh đòn tôi.
Thầy giáo người Sumer nói, “Tại sao anh lại nói tiếng Akkad?”*
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Thầy giáo của tôi nói, “Chữ viết của anh không đẹp”.
Và ông ấy đánh đòn tôi.
Những người chép thuê cổ đại đi học không chỉ để đọc và viết, mà còn để sử dụng các bản thống kê, từ điển, lịch, mẫu đơn và bảng biểu. Họ nghiên cứu và tiếp thu các kĩ thuật thống kê, khôi phục và xử lý thông tin rất khác so với cách mà bộ não đã làm. Trong bộ não, mọi dữ liệu đều liên kết tự do. Khi tôi cùng với vợ mình ký vào văn tự thế chấp ngôi nhà mới của chúng tôi, tôi nhớ lại nơi đầu tiên chúng tôi sống cùng nhau, nó làm tôi nhớ đến tuần trăng mật ở New Orleans, nó nhắc tôi nhớ đến những con cá sấu, nó làm tôi nhớ lại những con rồng, nó khiến tôi nhớ về bộ phim The Ring of the Nibelungen, và đột nhiên, trước khi tôi nhận thức được, ở đó tôi thấy mình đang ngân nga một giai điệu chủ đạo của vở opera Siegfried khiến nhân viên ngân hàng bối rối. Trong công việc hành chính, mọi thứ đều phải được sắp xếp riêng biệt. Có một ngăn kéo cho các văn tự cầm cố nhà, một cái khác cho các giấy chứng nhận kết hôn, cái khác nữa cho các bản đăng ký thuế, và cái thứ tư cho các tài liệu tố tụng. Nếu không thì làm sao bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì? Những thứ liên quan đến nhiều ngăn kéo, như vở nhạc kịch của Wagner (tôi có nên sắp xếp chúng dưới dạng “âm nhạc”, “rạp hát”, hoặc thậm chí nghĩ ra một phân mục hoàn toàn mới?) là bài toán cực kỳ đau đầu. Vì vậy, người ta có thể không ngừng thêm vào, bỏ đi và sắp xếp lại các ngăn kéo.
Để có thể hoạt động, người vận hành một hệ thống ngăn kéo như vậy phải lên lại chương trình để dừng việc suy nghĩ như người thường, và bắt đầu suy nghĩ như những nhân viên sổ sách hoặc kế toán. Giống như mọi người từ thời cổ đại cho đến ngày nay, họ đều biết rằng những nhân viên sổ sách hoặc kế toán suy nghĩ theo cách không phải của con người. Họ suy nghĩ như những cái tủ có ngăn kéo đựng tài liệu. Đó không phải là lỗi của họ. Nếu họ không suy nghĩ theo cách đó, các ngăn kéo của họ sẽ bị lẫn lộn hết và họ không thể cung cấp các dịch vụ mà chính phủ, công ty và các tổ chức yêu cầu. Tác động quan trọng nhất của hệ thống chữ viết lên lịch sử loài người là nó thay đổi dần cái cách mà con người suy nghĩ và nhìn nhận về thế giới. Sự liên kết tự do và lối suy nghĩ tổng thể đã nhường chỗ cho sự chuyên môn hoá và hành chính.
Ngôn ngữ của những con số
Nhiều thế kỷ trôi qua, việc xử lý dữ liệu bằng các phương pháp hành chính phát triển ngày càng khác nhiều so với cách suy nghĩ tự nhiên của con người và ngày càng quan trọng hơn. Một bước quyết định đã được tiến hành ở một thời điểm nào đó trước thế kỷ 9, khi một kiểu chữ viết phần nào đó mới mẻ được phát minh, nó có thể lưu trữ và xử lý các dữ liệu toán học với hiệu quả chưa từng thấy. Kiểu chữ viết chưa đầy đủ này được cấu tạo bởi 10 ký tự, đại diện cho các số từ 0 đến 9. Rắc rối ở chỗ, các ký tự này được biết đến như là các số Ả-rập mặc dù chúng do người Hindu phát minh ra đầu tiên (còn rắc rối hơn nữa, người Ả-rập hiện đại sử dụng một bộ số nhìn hoàn toàn khác so với các con số của phương Tây). Nhưng người Ả-rập được công nhận là tác giả bởi vì khi xâm lược Ấn Độ, họ đã bắt gặp hệ thống này, hiểu được sự hữu dụng của nó, cải tiến nó, và truyền bá nó khắp Trung Đông và sau đó tới cả châu Âu. Sau đó, một vài kỷ tự khác được thêm vào các số Ả-rập (như là các ký hiệu cộng, trừ, nhân), và cơ sở của các ký hiệu toán học hiện đại ra đời.
Mặc dù hệ thống chữ viết này còn chưa đầy đủ, nhưng nó đã trở thành ngôn ngữ thống trị thế giới. Hầu hết các quốc gia, công ty, tổ chức và cơ quan – bất kể nói tiếng Ả-rập, tiếng Hindi, tiếng Anh hoặc tiếng Na Uy – đều sử dụng ngôn ngữ toán học để lưu trữ và xử lý dữ liệu. Mỗi lượng thông tin có thể chuyển sang ngôn ngữ toán học đều được lưu trữ, truyền bá và xử lý với tốc độ và hiệu quả khó tin.
Vì vậy, ai đó muốn gây ảnh hưởng đến những quyết định của chính phủ, tổ chức hoặc công ty thì phải học cách nói chuyện bằng các con số. Các chuyên gia đã làm hết sức mình để thể hiện các quan điểm về “sự nghèo nàn”, “hạnh phúc” và “sự trung thực” bằng các con số (“mức thu nhập tối thiểu”, “mức độ hài lòng chủ quan về đời sống”, “xếp hạng tín dụng”). Toàn bộ các lĩnh vực tri thức, như vật lý và kĩ thuật, hầu như đã mất liên lạc với ngôn ngữ nói của con người và được duy trì chỉ bằng ngôn ngữ toán học.
Một phương trình để tính toán gia tốc khối lượng i dưới ảnh hưởng của trọng lực theo thuyết tương đối. Hầu hết những người nghiệp dư khi nhìn vào những phương trình như vậy đều thường sợ hãi ớn lạnh, giống như một con hươu bắt ánh đèn pha của một chiếc xe đang lao nhanh. Phản ứng này hoàn toàn tự nhiên, và không phải là biểu lộ sự thiếu thông minh hoặc tính ham học hỏi. Ngoài những ngoại lệ hiếm có, bộ não con người đơn giản không thể nghĩ đến những khái niệm như tính chất tương đối và cơ học lượng tử. Tuy nhiên, những nhà vật lý học có thể làm được vì họ đã gác sang một bên cách suy nghĩ truyền thống, và học cách nghĩ mới với sự giúp đỡ của các hệ thống xử lý dữ liệu bên ngoài. Những quyết định trong quá trình suy nghĩ của họ không xảy ra trong đầu, mà trong các máy vi tính hoặc trên bảng đen của lớp học.
Gần đây, ngôn ngữ toán học đã có thêm một hệ thống chữ viết mang tính cách mạng hơn, hệ thống chữ viết nhị phân vi tính chỉ gồm hai ký tự: 0 và 1. Những chữ mà tôi đang gõ trên bàn phím máy vi tính của mình được viết bởi những sự kết hợp khác nhau của 0 và 1.
Chữ viết được sinh ra để làm kẻ hầu cho ý thức con người, nhưng dần dần nó lại đóng vai trò ông chủ. Những chiếc máy vi tính của chúng ta khó có thể hiểu được cách Homo sapiens nói, cảm nhận và mơ ước. Vì vậy, chúng ta đang dạy Homo sapiens cách nói, cảm nhận và mơ ước bằng ngôn ngữ của những con số mà máy vi tính có thể hiểu được.
Và đây không phải là điểm kết thúc của câu chuyện. Lĩnh vực trí thông minh nhân tạo đang nghiên cứu để tạo ra một dạng trí thông minh mới chỉ dựa trên hệ chữ viết nhị phân của máy vi tính. Những bộ phim khoa học viễn tưởng như Ma trận và Kẻ hủy diệt kể về cái ngày hệ nhị phân phá bỏ gông xiềng của loài người. Khi con người cố gắng giành lại quyền kiểm soát hệ nhị phân nổi loạn này, nó đáp trả bằng cách quét sạch loài người.
8
KHÔNG CÓ CÔNG LÝ TRONG LỊCH SỬ
Để hiểu lịch sử loài người trong thiên niên kỷ sau Cách mạng Nông nghiệp, cần tập trung vào một câu hỏi duy nhất: làm thế nào con người có thể tổ chức mình trong những mạng lưới hợp tác đại chúng, khi họ thiếu những bản năng sinh học cần thiết để duy trì những mạng lưới như vậy? Câu trả lời ngắn gọn là con người đã sáng tạo ra các trật tự tưởng tượng và các kiểu chữ viết. Hai phát minh này đã lấp đầy những khoảng trống mà sự kế thừa sinh học của chúng ta để lại.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự xuất hiện của những mạng lưới này là một sự may mắn đáng ngờ. Những trật tự tưởng tượng duy trì những mạng lưới này không trung lập và cũng không công bằng. Chúng phân chia con người thành những nhóm không có thật, sắp xếp họ vào một hệ thống phân tầng. Những tầng lớp trên được hưởng đặc quyền đặc lợi và quyền lực, trong khi những tầng lớp dưới phải chịu sự phân biệt đối xử và áp bức. Bộ luật Hammurabi là một ví dụ, nó đã thiết lập một tôn ti trật tự xã hội gồm có giới ưu tú, thường dân và nô lệ. Giới ưu tú nhận được mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Thường dân nhận được những gì còn lại. Nô lệ nhận được sự đánh đập nếu họ phàn nàn.
Bất chấp tuyên bố của mình về sự công bằng cho tất cả mọi người, trật tự xã hội do người Mỹ thiết lập năm 1776 cũng đã tạo ra một sự phân tầng. Nó sinh ra sự phân tầng giữa đàn ông được hưởng lợi từ nó với phụ nữ bị nó tước mất quyền lợi. Nó sinh ra sự phân tầng giữa người da trắng được hưởng tự do với người da đen và da đỏ bị xem là loại người thấp kém hơn, vì vậy không được chia sẻ quyền bình đẳng của con người. Nhiều người từng ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập là những chủ nô. Họ đã không giải phóng nô lệ của mình dù đã ký vào bản Tuyên ngôn, và cũng không thấy mình là đạo đức giả. Theo quan điểm của họ, hầu như không có nhân quyền dành cho người da đen.
Trật tự Mỹ cũng đã tạo ra sự phân tầng giữa người giàu và người nghèo. Hầu hết người Mỹ ở thời điểm đó đều không coi đấy là bất bình đẳng, khi cha mẹ giàu có để lại tiền và sự nghiệp kinh doanh của mình cho con cái. Theo quan điểm của họ, sự công bằng đơn giản có nghĩa là những luật lệ giống nhau được áp dụng cho cả người giàu và người nghèo. Nó chẳng liên quan gì đến trợ cấp thất nghiệp, giáo dục hòa nhập hoặc bảo hiểm y tế. Tự do cũng vậy, nó mang rất nhiều ý nghĩa khác so với ngày nay. Vào năm 1776, nó không có nghĩa là những người bị tước quyền (chắc chắn không phải là người da đen, da đỏ hay phụ nữ) có thể giành được và sử dụng quyền lực. Nó đơn giản có nghĩa là, trừ những trường hợp bất thường, nhà nước không thể tịch thu tài sản cá nhân của người dân hoặc bảo anh ta phải làm gì với chúng. Vì vậy, trật tự Mỹ duy trì sự phân tầng tài sản, mà một số người nghĩ rằng do Chúa ủy thác và số khác thì nhìn nhận nó là đại diện cho những luật lệ tự nhiên bất biến. Họ khẳng định tự nhiên đã ban tặng sự giàu có cho công lao xứng đáng, và trừng phạt những kẻ lười biếng.
Tất cả những sự khác biệt được để cập ở trên – giữa người tự do và nô lệ, giữa người da trắng và người da đen, giữa người giàu và người nghèo, đều bắt nguồn từ những điều hư cấu. (Sự phân tầng giữa nam và nữ sẽ được thảo luận sau). Song, một quy luật sắt của lịch sử là mỗi sự phân tầng tưởng tượng đều từ chối những nguồn gốc hư cấu của nó, khẳng định tính tự nhiên và tất yếu của mình. Ví dụ, nhiều người có quan điểm rằng sự phân tầng thành người tự do và nô lệ là tự nhiên và đúng đắn, rằng chế độ nô lệ không phải là phát minh của con người. Hammurabi đã coi nó là do những vị thần quy định. Aristotle lập luận rằng nô lệ mang “bản tính nô lệ” trong khi người tự do có “bản tính tự do”. Thân phận của họ trong xã hội đơn giản chỉ phản ánh bản tính tự nhiên bẩm sinh của họ.
Hình 20. Một tấm biển trên bờ biển Nam Phi có từ thời kỳ phân biệt chủng tộc, quy định chỉ dành cho người da trắng sử dụng. Những người với làn da sáng màu thường có nguy co bị cháy nắng hơn những người da sẫm màu. Song, không có logic sinh học nào đằng sau sự phân biệt trên những bờ biển Nam Phi. Những bờ biển dành cho những người có làn da sáng màu không phải vì chúng có cường độ bức xạ cực tím thấp hơn.
Hãy hỏi một người theo thuyết người da trắng ưu việt về sự phân tầng chủng tộc, bạn sẽ được nghe một bài thuyết giảng ngụy khoa học liên quan đến sự khác nhau về mặt sinh học giữa các chủng tộc. Khả năng là bạn sẽ được bảo rằng có một thứ gì đó trong dòng máu hay bộ gen chủng tộc da trắng làm cho người da trắng về bản chất là thông minh hơn, đạo đức hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Hãy hỏi một nhà tư bản bảo thủ đến cùng về sự phân tầng giàu nghèo, có vẻ như bạn cũng sẽ được nghe rằng nó là kết quả không thể tránh khỏi của sự khác nhau khách quan trong năng lực. Người giàu có nhiều tiền hơn là do họ có khả năng hơn và siêng năng hơn. Vì vậy, đừng có ai phàn nàn gì nếu như người giàu nhận được sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giáo dục tốt hơn và dinh dưỡng tốt hơn. Người giàu xứng đáng với những đặc quyền mà họ được hưởng.
Những người Hindu trung thành với chế độ đẳng cấp tin rằng sức mạnh vũ trụ đã làm cho người ở tầng lớp này ưu việt hơn tầng lớp khác. Theo một thần thoại sáng thế nổi tiếng của người Hindu, những vị thần tạo ra thế giới từ cơ thể của một sinh vật nguyên thủy gọi là Purusa. Mặt trời được tạo ra từ mắt của Purusa, Mặt trăng từ bộ óc, Brahmin (các thầy tu) từ miệng, Kshatriya (các chiến binh) từ cánh tay, Vaishya (những nông dân và các nhà buôn) từ hai đùi và Shudra (những đầy tớ) từ đôi chân. Việc chấp nhận sự giải thích này và sự khác nhau về mặt chính trị xã hội giữa Brahmin và Shudras là chuyện tự nhiên và vĩnh cửu như sự khác nhau giữa Mặt trăng và Mặt trời. Người Trung Hoa cổ đại tin rằng thần Nữ Oa đã tạo ra con người từ đất, bà nhào trộn ra giới quý tộc từ đất vàng nhỏ mịn, trong khi thường dân được tạo thành từ bùn nâu.
Song, với hiểu biết tốt nhất của chúng ta, những sự phân tầng này đều là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Brahmin và Shudra đều không thực sự được các vị thần tạo ra từ những phần khác nhau của một sinh vật nguyên thủy. Thay vào đó, sự khác nhau giữa hai đẳng cấp này được sinh ra bởi luật pháp và các quy tắc do con người tạo ra ở phía bắc Ấn Độ cách đây khoảng 3.000 năm. Trái với Aristotle, không có sự khác biệt nào về mặt sinh học được biết đến giữa nô lệ và người tự do. Chính luật pháp và các quy tắc của con người đã biến một số người trở thành nô lệ và một số khác trở thành ông chủ. Giữa người da trắng và người da đen có một vài điểm khác nhau khách quan về mặt sinh học, như màu da, kiểu tóc, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy có sự khác nhau liên quan đến trí thông minh và đạo đức.
Hầu hết mọi người đều khẳng định rằng sự phân tầng xã hội của họ là theo tự nhiên, còn của các xã hội khác là dựa vào những tiêu chí sai lầm và vô lý. Người phương Tây hiện đại được dạy dỗ để chế giễu quan niệm về sự phân biệt chủng tộc. Họ bị sốc bởi những bộ luật cấm người da đen sống trong khu vực gần người da trắng, hoặc học tập trong trường dành cho người da trắng, hoặc được chữa trị ở bệnh viện của người da trắng. Nhưng sự phân tầng giàu nghèo đã đặt người giàu có sống trong những khu vực riêng biệt và sang trọng hơn, học tập trong những trường học riêng biệt và có uy tín hơn, nhận được điều trị y tế riêng biệt với cơ sở hạ tầng được trang bị tốt hơn, thì lại có vẻ hoàn toàn hợp lý với nhiều người Mỹ và châu Âu. Song, thực tế đã chứng minh rằng hầu hết người giàu thì đều giàu có bởi những lý do hết sức đơn giản, vì họ sinh ra trong gia đình giàu có, trong khi hầu hết người nghèo cũng sẽ tiếp tục nghèo cả đời, đơn giản vì họ sinh ra trong gia đình nghèo.
Thật không may, các xã hội loài người phức tạp có vẻ lại đòi hỏi những sự phân tầng tưởng tượng và sự phân biệt đối xử bất công. Tất nhiên, không phải mọi sự phân tầng đều giống nhau về phương diện đạo đức, và một số xã hội còn phải chịu đựng những dạng phân biệt đối xử cực đoan hơn, song các nhà nghiên cứu biết rằng không có xã hội lớn nào có thể bỏ qua hoàn toàn sự phân biệt đối xử. Con người đã thường xuyên tạo ra trật tự xã hội bằng việc phân loại cư dân thành những phạm trù tưởng tượng như tầng lớp ưu tú, thường dân và nô lệ; người da trắng và người da đen; quý tộc và bình dân; Brahmin và Shudra; hoặc người giàu và người nghèo. Các phạm trù này đã quy định những mối quan hệ giữa hàng triệu người bằng việc làm cho một số người trở nên ưu việt hơn về mặt pháp luật, chính trị hay xã hội so với những người khác.
Những sự phân tầng đóng một chức năng quan trọng. Chúng làm cho những người hoàn toàn xa lạ biết được cách đối xử với người khác mà không cần tốn thời gian và công sức để làm quen cá nhân. Trong vở kịch Pygmalion của George Bernard Shaw, Henry Higgins không cần kết thân với Eliza Doolittle thì mới biết được ông nên đối xử với cô như thế nào. Chỉ cần nghe cách cô nói, ông đã biết rằng cô là thành viên của tầng lớp dưới mà với họ ông có thể làm điều mình thích – ví dụ, sử dụng cô như con tốt khi ông cá rằng một cô gái bán hoa thô lỗ có thể biến thành một nữ công tước. Một Eliza hiện đại làm việc ở cửa hàng hoa biết phải đổ bao nhiêu công sức để bán được hoa hồng và hoa lay ơn cho hàng tá khách tới cửa hàng mỗi ngày. Cô không thể điều tra chi tiết về sở thích và ví tiền của từng cá nhân. Thay vào đó, cô sử dụng những tín hiệu xã hội – cách ăn mặc của mỗi người, tuổi của ông ta hoặc bà ta, và nếu như cô không ngại động chạm chính trị thì cả màu da của ông ta nữa. Đó là cách để cô ngay lập tức phân biệt giữa cổ đông của một công ty kế toán, người có khả năng đặt một đơn hàng lớn gồm những bông hồng đắt tiền cho sinh nhật mẹ mình, và một chàng đưa thư chỉ đủ tiền mua một bó cúc cho cô thư ký nọ kèm theo nụ cười đáng mến.
Tất nhiên, sự khác nhau trong các năng lực tự nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những khác biệt xã hội. Nhưng sự đa dạng về năng khiếu và cá tính như vậy thường bị ảnh hưởng thông qua những sự phân tầng tưởng tượng. Điều này xảy ra theo hai cách quan trọng. Cách đầu tiên và chính yếu, là hầu hết các năng lực đều phải được nuôi dưỡng và phát triển. Kể cả ai đó sinh ra với một tài năng đặc biệt, thì tài năng đó sẽ vẫn chỉ ẩn giấu nếu nó không được cổ vũ, mài giũa và luyện tập. Không phải mọi người đều cùng có cơ hội nuôi dưỡng và cải thiện năng lực của họ. Việc họ có cơ hội hay không sẽ luôn phụ thuộc vào vị trí của họ trong sự phân tầng xã hội tưởng tượng. Harry Potter là một ví dụ tốt. Bị tách khỏi gia đình phép thuật xuất sắc của mình và được nuôi dưỡng bởi dân muggle ngu dốt, cậu bé tới Hogwarts mà không có bất cứ kinh nghiệm gì về phép thuật. Phải qua bảy tập sách thì cậu mới điều khiển thành thạo sức mạnh của mình và hiểu biết về những năng lực độc nhất vô nhị của mình.
Cách thứ hai, kể cả những người thuộc các tầng lớp khác nhau phát triển những năng lực y như nhau, nhưng họ cũng sẽ khó có thể đạt được những thành công giống nhau, bởi họ sẽ phải tham gia trò chơi với những luật lệ khác nhau. Nếu trong thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, một tiện dân, một Brahmin, một người Ireland theo Công giáo và một người Anh theo đạo Tin Lành bằng cách nào đó cùng phát triển khả năng kinh doanh nhạy bén giống hệt nhau, nhưng họ sẽ vẫn không có cơ hội giàu có như nhau. Trò chơi kinh tế luôn bị can thiệp bởi những giới hạn luật pháp và những rào cản tiến thân bất thành văn.
Cái vòng luẩn quẩn
Mọi xã hội đều dựa trên sự phân tầng tưởng tượng, nhưng không nhất thiết phải cùng một sự phân tầng. Nguyên nhân của sự khác nhau này là gì? Tại sao xã hội Ấn Độ truyền thống lại phân chia con người theo đẳng cấp, còn xã hội Ottoman dựa theo tôn giáo, và xã hội Mỹ thì theo chủng tộc? Trong hầu hết các trường hợp, sự phân tầng đều là kết quả của một tập hợp các hoàn cảnh lịch sử ngẫu nhiên, sau đó được duy trì và tinh lọc qua nhiều thế hệ do những nhóm khác nhau phát triển những lợi ích riêng trong đó.
Ví dụ, nhiều học giả phỏng đoán rằng, hệ thống đẳng cấp Hindu đã hình thành khi tộc người Indo-Arya xâm lược tiểu lục địa Ấn Độ khoảng 3.000 năm trước, nô dịch cư dân bản địa. Những kẻ xâm lược hình thành một xã hội phân tầng, trong đó tất nhiên họ chiếm những vị trí hàng đầu (các thầy tu và chiến binh), để cho người dân bản địa sống như những đầy tớ và nô lệ. Những kẻ xâm lược chỉ chiếm số ít, họ sợ đánh mất vị trí đặc quyền và bản sắc độc đáo của mình. Để ngăn chặn nguy cơ này, họ phân chia dân cư thành đẳng cấp, mỗi đẳng cấp được yêu cầu theo đuổi một nghề nghiệp cụ thể hoặc thực hiện một vai trò nhất định trong xã hội. Mỗi đẳng cấp có những vị trí hợp pháp, đặc quyền và bổn phận khác nhau. Sự hòa trộn giữa những đẳng cấp này - tương tác xã hội, kết hôn, thậm chí là chia sẻ các bữa ăn – đều bị cấm.
Và những sự phân biệt này không chỉ hợp pháp, chúng còn trở thành phần cố hữu trong thần thoại tôn giáo và thực tế.
Những kẻ cai trị đã biện luận rằng, hệ thống đẳng cấp phản ánh một thực tại vũ trụ vĩnh cửu hơn là một sự phát triển lịch sử tình cờ. Khái niệm về sự trong sạch và ô uế là những yếu tố cơ bản trong đạo Hindu, chúng đã được khai thác để củng cố kim tự tháp xã hội. Những người Hindu sùng đạo được dạy rằng, việc liên hệ với các thành viên của một đẳng cấp khác không chỉ làm ô uế bản thân họ mà còn là toàn xã hội, do vậy nên ghê tởm. Những quan niệm như vậy không chỉ có ở đạo Hindu. Trong suốt lịch sử, và trong hầu hết các xã hội, khái niệm về sự ô uế và trong sạch giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện phân hoá chính trị và xã hội, được nhiều tầng lớp cầm quyền khai thác để duy trì những đặc quyền của họ. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi bị ô uế không phải là sự bịa đặt hoàn toàn của các thầy tu và các quân vương. Nó có thể bắt nguồn trong các cơ chế sinh tồn sinh học làm con người cảm nhận được nỗi khiếp sợ bản năng trước những kẻ mang mầm bệnh tiềm tàng, như những người ốm và xác chết. Nếu bạn muốn cô lập bất cứ nhóm người nào – phụ nữ, Do Thái, La Mã, đồng tính nam, da đen – cách tốt nhất để làm điều đó là thuyết phục mọi người rằng những người trên là nguồn gốc của sự ô uế.
Hệ thống đẳng cấp Hindu và những luật lệ về sự trong sạch đi kèm đã gắn chặt vào nền văn hoá Ấn Độ. Rất lâu sau khi cuộc xâm lược của người Indo-Arya bị lãng quên, người Ấn Độ tiếp tục tin vào hệ thống đẳng cấp và ghê tởm sự ô uế gây ra bởi sự trộn lẫn giữa các đẳng cấp. Các đẳng cấp không chống cự được sự thay đổi. Thực tế, khi thời gian trôi đi, những đẳng cấp lớn được phân chia thành những đẳng cấp nhỏ. Thậm chí bốn đẳng cấp ban đầu được chia thành 3.000 nhóm khác nhau gọi kjati (nghĩa đen là “sự ra đời”). Nhưng sự sinh sôi nảy nở của các đẳng cấp này không làm thay đổi nguyên tắc cơ bản của hệ thống, theo đó mỗi người đều sinh ra ở đẳng cấp riêng mà bất cứ sự xâm hại nào đến nguyên tắc của nó đều sẽ làm ô uế con người và toàn thể xã hội.Jati của một người xác định nghề nghiệp của cô ta, loại thức ăn mà cô ta có thể ăn, nơi cô ta ở và chồng hợp lệ của cô ta. Một người chỉ có thể kết hôn với người cùng đẳng cấp, và những đứa con sẽ thừa kế địa vị xã hội này.
Bất cứ khi nào một nghề mới phát triển hoặc một nhóm người mới xuất hiện, họ cần được thừa nhận như một đẳng cấp để có một chỗ đứng hợp pháp trong xã hội Hindu. Nhóm nào thất bại trong việc giành được sự công nhận là một đẳng cấp, theo nghĩa đen, sẽ bị ruồng bỏ – trong xã hội phân tầng này, họ thậm chí còn không được đứng ở vị trí thấp nhất. Họ trở thành những tiện dân. Họ phải sống tách biệt với những người khác và phải kiếm ăn lần hồi theo những cách nhục nhã và ghê tởm, ví dụ như nhặt nhạnh khắp các bãi rác để tìm phế liệu. Thậm chí những người thuộc đẳng cấp thấp nhất còn tránh tiếp xúc với họ, ăn cùng họ, chạm vào họ và kết hôn với họ. Ở xã hội Ấn Độ hiện đại, các vấn đề về hôn nhân và việc làm vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của hệ thống đẳng cấp, mặc cho tất cả các cố gắng của chính phủ dân chủ Ấn Độ để phá vỡ những sự phân biệt đối xử như thế, thuyết phục những người Hindu rằng không có gì bị ô uế do sự pha trộn đẳng cấp.
Sự thuần khiết ở châu Mỹ
Một cái vòng luẩn quẩn tương tự cũng duy trì trong sự phân biệt chủng tộc ở châu Mỹ hiện đại. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, những kẻ châu Âu đi chinh phục đã nhập khẩu hàng triệu nô lệ châu Phi để làm việc trong các khu mỏ và các khu đồn điển ở châu Mỹ. Họ thích nhập khẩu nô lệ từ châu Phi hơn là từ châu Âu hoặc Đông Á do ba yếu tố về hoàn cảnh. Thứ nhất châu Phi gần hơn, do vậy nếu đưa nồ lệ từ Senegal đến sẽ rẻ hơn là từ Việt Nam.
Thứ hai, ở châu Phi, ngành kinh doanh buôn bán nô lệ đã tồn tại và phát triển mạnh (xuất khẩu nô lệ chủ yếu sang Trung Đông) trong khi ở châu Âu chế độ nô lệ là rất hiếm. Rõ ràng là việc mua nô lệ từ một thị trường sẵn có sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra một cái mới từ vạch xuất phát.
Thứ ba, và quan trọng nhất, những đồn điển ở châu Mỹ như Virginia, Haiti và Brazil đều bị dịch sốt rét và sốt vàng da có nguồn gốc từ châu Phi hoành hoành. Người châu Phi qua nhiều thế hệ đã có được sự miễn dịch di truyền một phần đối với những dịch bệnh này, trong khi người châu Âu hoàn toàn không có khả năng phòng vệ và bị chết lũ lượt. Vì vậy, các chủ đồn điển khôn ngoan đầu tư tiền của mình vào nô lệ châu Phi hơn là nô lệ châu Âu hoặc nhân công có giao kèo. Ngược đời là, ưu thế về gen (khả năng miễn dịch) lại được hiểu thành sự thấp kém hơn về mặt xã hội: chính xác là người châu Phi thích hợp với khí hậu nhiệt đới hơn là người châu Âu, nhưng sau cùng họ lại là nô lệ của những ông chủ châu Âu! Do những yếu tố về hoàn cảnh như vậy, một xã hội mới đang phát triển ở châu Mỹ được phân chia thành tầng lớp cai trị châu Âu da trắng và tầng lớp bị nô dịch hoá châu Phi da đen.
Nhưng con người không thích nói rằng họ giữ nô lệ thuộc chủng tộc hoặc nguồn gốc nào đó đơn giản chỉ vì những lợi ích kinh tế. Giống như những kẻ xâm lược Arya đến xâm chiếm Ấn Độ, người châu Âu da trắng ở châu Mỹ muốn được nhìn nhận không chỉ là những người thành công về kinh tế mà còn ngoan đạo, công bằng và khách quan. Các câu chuyện huyền thoại về khoa học và tôn giáo được dùng để biện minh cho sự phân chia này. Các chuyên gia về thần học tranh luận rằng người châu Phi có tổ tiên là Ham, con trai của Noah, bị người cha chất gánh nặng lên vai với lời nguyền rằng hậu duệ của cậu cũng sẽ là những nô lệ. Những nhà sinh học cũng tranh luận rằng người da đen kém thông minh hơn và ý thức đạo đức cũng kém phát triển hơn. Các bác sĩ cũng đồn rằng người da đen sống trong rác rưởi và lan truyền bệnh tật – nói cách khác, họ là nguồn gốc của sự ô uế.
Những câu chuyện huyền thoại này đã đánh đúng vào tình cảm của văn hoá châu Mỹ và văn hoá phương lây nói chung. Chúng vẫn còn ảnh hưởng rất lâu sau khi các điều kiện sinh ra chế độ nô lệ đã biến mất. Vào đầu thế kỷ 19, đế quốc Anh đã cấm chế độ nô lệ và dừng việc buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương. Trong những thế kỷ tiếp theo, chế độ nô lệ đã dần bị cấm trên toàn lục địa châu Mỹ. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, các xã hội nô lệ tự nguyện bãi bỏ chế độ nô lệ. Nhưng kể cả khi nô lệ đã được trả tự do, những câu chuyện huyền thoại về chủng tộc để biện minh cho chế độ nô lệ vẫn tồn tại dai dẳng. Sự phân biệt chủng tộc được duy trì dựa trên pháp luật kỳ thị chủng tộc và tập quán xã hội.
Kết quả là một cái vòng luẩn quẩn của chu trình nguyên nhân và kết quả tự củng cố. Ví dụ, hãy xem xét miền Nam Hoa Kỳ ngay sau Nội chiến. Vào năm 1865, Tu chính án thứ 13 trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã bãi bỏ chế độ nô lệ, còn Tu chính án thứ 14 đã tuyên bố rằng quyền công dân và quyền được luật pháp bảo vệ công bằng là không thể bị từ chối dựa trên cơ sở về chủng tộc. Tuy nhiên hai thế kỷ của chế độ nô lệ đồng nghĩa với việc hầu hết các gia đình da đen đều rất nghèo và kém giáo dục hơn so với những gia đình da trắng khá nhiều. Một người da đen sinh ra ở Alabama năm 1865 không có nhiều cơ hội nhận được sự giáo dục tốt và một công việc được trả lương cao so với người hàng xóm da trắng của mình. Con cái của anh ta, sinh ra trong giai đoạn 1880-1890, bắt đầu cuộc đời với các bất lợi tương tự – chúng cũng được sinh ra trong những gia đình nghèo và kém giáo dục.
Nhưng sự bất lợi về kinh tế không phải là toàn bộ câu chuyện. Alabama còn là quê hương của nhiều người da trắng nghèo khổ, những người thiếu những cơ hội sẵn có như những anh chị em khá giả cùng chủng tộc. Hơn nữa, Cách mạng Công nghiệp và làn sóng di dân đã biến Hoa Kỳ thành một xã hội cực kỳ linh động, nơi mà những kẻ khố rách có thể giàu lên nhanh chóng. Nếu như tiền là tất cả vấn đề, thi sự phân chia rõ ràng giữa các chủng tộc sẽ sớm bị lu mờ, đặc biệt là qua hôn nhân dị chủng.
Nhưng điều này đã không xảy ra. Vào năm 1865, người da trắng cũng như nhiều người da đen, trên thực tế thừa nhận rằng người da đen kém thông minh hơn, bạo lực hơn, phóng đãng tình dục hơn, lười biếng hơn và ít quan tâm đến vệ sinh cá nhân hơn so với người da trắng. Vì vậy, họ là những nhân tố của bạo lực, trộm cắp, hiếp dâm và bệnh tật – nói cách khác, ố uế. Nếu như một người da đen sinh ra ở Alabama vào năm 1895 có thể xoay xở một cách thần kỳ để được hưởng một sự giáo dục tốt, và sau đó nộp đơn xin việc vào một công việc đáng trọng, ví dụ như thu ngân ở ngân hàng, khả năng trúng tuyển của anh ta thấp hơn rất nhiều so với các ứng viên da trắng có năng lực tương đương. Định kiến bấy giờ là nếu được dán nhãn người da đen, thì về bản chất đồng nghĩa với việc anh ta không đáng tin cậy, lười biếng và kém thông minh, tất cả hiệp lực để chống lại anh ta.
Bạn có thể nghĩ rằng con người dần sẽ hiểu rằng những vết nhơ như vậy chỉ là huyền thoại, không có trong thực tế, và theo thời gian người da đen sẽ chứng minh được bản thân họ cũng giỏi, cũng tôn trọng pháp luật và sạch sẽ như người da trắng. Trong thực tế, xảy ra điều ngược lại – những định kiến đã trở nên ngày càng bền vững theo thời gian. Vì mọi công việc tốt nhất đều bị người da trắng nắm giữ, nên càng dễ tin là người da đen thực sự thua kém. “Hãy nhìn xem”, một công dân da trắng bình thường nói, “người da đen đã tự do trong rất nhiều thế hệ, tuy vậy, hầu như không có các giáo sư, luật sư, bác sĩ và kể cả thu ngân ở ngân hàng là người da đen. Chẳng phải điều đó đã chứng minh rằng người da đen đơn giản là kém thông minh hơn và làm việc thiếu chăm chỉ sao?” Kẹt trong cái vòng luẩn quẩn này, người da đen không được thuê làm những công việc văn phòng, trí thức, vì họ bị cho rằng không thông minh, và bằng chứng về sự thấp kém của họ là việc có rất ít người da đen làm các công việc này.
Cái vòng luẩn quẩn không dừng lại ở đó. Khi những vết nhơ chống lại người da đen phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, chúng được chuyển sang một hệ thống các luật lệ và các tiêu chuẩn “Jim Crow”, được dùng để bảo vệ cho trật tự chủng tộc. Người da đen bị cấm đi bầu cử, bị cấm học tập trong những trường học dành cho người da trắng, bị cấm mua bán trong những cửa hàng dành cho người da trắng, bị cấm ăn ở trong nhà hàng dành cho người da trắng, bị cấm ngủ trong khách sạn dành cho người da trắng. Sự biện hộ cho tất cả những điều trên là người da đen rất hôi hám, lười biếng và xấu xa, vì vậy người da trắng phải được bảo vệ tránh khỏi họ. Người da trắng không muốn ngủ trong cùng một khách sạn, hay ăn cùng một nhà hàng với người da đen, vì sợ bị lây bệnh. Họ không muốn con cái học cùng trường với những đứa trẻ da đen, vì sợ bị bạo lực và những ảnh hưởng xấu. Họ không muốn người da đen đi bầu cử vì người da đen ngu dốt và vô đạo đức. Những nỗi sợ hãi này đã được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học, đã “chứng tỏ” rằng người da đen quả thực kém giáo dục, mắc nhiều bệnh tật hơn và tỉ lệ phạm tội cao hơn rất nhiều (những nghiên cứu này đã phớt lờ thực tế rằng “những sự thật này” là kết quả của việc phân biệt đối xử đối với người da đen).
Vào giữa thế kỷ 20, tình trạng chia tách giữa các bang liên minh trước đây có thể tệ hơn nhiều so với cuối thế kỷ 19. Clennon King, một sinh viên da đen, nộp đơn vào Đại học Mississippi năm 1958, đã bị ép đưa đến một nhà thương điên. Chánh án đã phán quyết rằng, một người da đen chắc chắn bị điên khi nghĩ rằng mình có thể được chấp nhận vào Đại học Mississippi.
Không có gì ghê tởm với dân miền Nam nước Mỹ (và cả nhiều người miền Bắc) bằng vấn đề quan hệ tình dục và kết hôn giữa một đàn ông da đen và một đàn bà da trắng. Tình dục giữa các chủng tộc trở thành một điều cấm kị kinh khủng nhất, bất cứ sự vi phạm nào, hoặc nghi ngờ vi phạm, đều được cho là đáng để trừng phạt ngay lập tức bằng hành hình kiểu lynch.* Ku Klux Klan, một hội kín của những người theo thuyết người da trắng ưu việt đã gây ra nhiều vụ giết người như vậy. Họ có thể dạy cho giới Brahmin của Hindu một hoặc hai luật lệ về sự trong sạch.
Cái vòng luẩn quẩn: hoàn cảnh lịch sử tình cờ đã bị hiểu thành một hệ thống xã hội cứng nhắc.
Theo thời gian, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày càng lan rộng trên nhiều vũ đài văn hoá. Văn hoá thẩm mĩ của người Mỹ được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn về cái đẹp của người da trắng. Những thuộc tính cơ thể của chủng tộc da trắng – ví dụ, da sáng màu, tóc vàng và thẳng, mũi cao thẳng – được cho là đẹp. Còn những đặc điểm của người da đen điển hình – da sẫm màu, tóc đen và rậm rạp, mũi bẹt – bị cho là xấu xí. Những định kiến này đã nhiễm vào sự phân tầng tưởng tượng ở mức độ sâu hơn trong nhận thức con người.
Những cái vòng luẩn quẩn như vậy có thể đi xuyên qua các thế kỷ, thậm chí là các thiên niên kỷ, duy trì sự phân tầng tưởng tượng, thứ xuất phát từ một sự kiện lịch sử tình cờ. Theo thời gian, sự phân biệt đối xử không công bằng ngày càng tệ hơn chứ không hề tốt lên. Tiền đẻ ra tiền, và nghèo khổ lại dẫn đến nghèo khổ. Giáo dục dẫn đến giáo dục, và ngu dốt lại hoàn ngu dốt. Những người từng là nạn nhân của lịch sử có thể sẽ trở thành nạn nhân lần nữa. Và những người mà lịch sử ban cho đặc quyền có thể lại nhận được đặc quyền.
Hầu hết các hệ thống phân tầng chính trị xã hội đều thiếu một nền tảng logic hay sinh học cơ bản – chúng chẳng là gì ngoài việc duy trì các sự kiện tình cờ, được hỗ trợ bởi những huyền thoại. Đây là một trong những lý do chính đáng để nghiên cứu về lịch sử. Nếu như sự phân biệt giữa người da đen và da trắng hoặc giới Brahmin và Shudra căn cứ vào những thực tế sinh học – nghĩa là, nếu giới Brahmin thực sự có những bộ óc tốt hơn giới Shudra – thì chỉ cần sinh học cũng có thể giúp hiểu được xã hội loài người. Nhưng vì sự phân biệt về mặt sinh học giữa những nhóm Homo sapiens khác nhau là không đáng kể trong thực tế, nên sinh học không thể giải thích được những sự phức tạp của xã hội Ấn Độ hoặc những động cơ kỳ thị chủng tộc của người Mỹ. Chúng ta chỉ có thể hiểu được những sự kiện trên bằng cách nghiên cứu các sự kiện, sự việc và mối quan hệ quyền lực đã biến những điều bịa đặt của trí tưởng tượng thành những cấu trúc xã hội tàn nhẫn và rất thực tế.
Anh ta và chị ta
Những xã hội khác nhau sẽ đi theo những kiểu phân tầng tưởng tượng khác nhau. Chủng tộc rất quan trọng với người Mỹ hiện đại, nhưng lại tương đối vô nghĩa với người Hồi giáo trung cổ. Đẳng cấp là một vấn đề sống chết ở Ấn Độ trung cổ, trong khi ở châu Âu hiện đại nó thực tế không tồn tại. Tuy nhiên, một sự phân tầng đã trở nên tối quan trọng trong tất cả xã hội loài người từng biết đến: hệ thống phân tầng về giới tính. Con người ở tất cả mọi nơi tự phân chia bản thân họ thành đàn ông và đàn bà. Và ở mọi nơi, hầu hết đàn ông đều được đối xử tốt hơn, ít nhất là từ sau Cách mạng Nông nghiệp.
Một số văn bản tiếng Hán sớm nhất được khắc trên những mảnh xương, gọi là giáp cốt văn, có niên đại khoảng năm 1200 TCN, được dùng để tiên đoán về tương lai. Một mảnh xương có khắc câu hỏi: “Việc hạ sinh của phu nhân Hao sẽ may mắn chứ?” Và câu trả lời được khắc là: “Nếu đứa trẻ được sinh ra vào ngày Đinh thì sẽ may mắn, nếu vào ngày Canh thì sẽ rất có triển vọng”. Tuy nhiên, phu nhân Hao lại sinh con vào ngày Giáp Dần. Và văn bản đã kết thúc với một lời nhận xét buồn rầu: “Ba tuần trăng và một ngày sau, đứa trẻ được sinh ra vào ngày Giáp Dần. Thật không may, đó là một bé gái”. Và khoảng hơn 3.000 năm sau, khi Trung Quốc ban hành chính sách “một con”, nhiều gia đình tiếp tục coi việc sinh con gái là một điều không may mắn. Cha mẹ cũng thỉnh thoảng bỏ hoặc giết những bé gái mới sinh để có thể có cơ hội sinh con trai.
Ở nhiều xã hội, phụ nữ đơn giản chỉ là vật sở hữu của đàn ông, thường là cha, chồng và con trai họ. Hiếp dâm, trong nhiều hệ thống pháp luật, bị coi là xâm phạm tài sản – nói cách khác, nạn nhân không phải là người phụ nữ bị hiếp dâm mà là người đàn ông sở hữu cô ta. Trong trường hợp này, biện pháp pháp lý là chuyển quyền sở hữu – kẻ hiếp dâm được yêu cầu phải trả một khoản tiền bằng với giá mua một cô dâu cho cha hoặc anh trai của người phụ nữ, và cô ta trở thành tài sản của kẻ hiếp dâm. Kinh Thánh tuyên bố rằng: “Nếu một người đàn ông gặp một trinh nữ chưa hề đính hôn, bắt cô ta và ngủ với cô ta, và họ bị bắt quả tang, thì người đàn ông sẽ phải đưa cho cha của cô gái 30 shekel bạc, và cô ta sẽ trở thành vợ của người này” (Đệ nhị Luật 22:28-9). Người Do Thái cổ đại đã xem đây như một sự dàn xếp hợp lý.
Hiếp dâm một phụ nữ không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ người đàn ông nào hoàn toàn không bị xem là phạm tội, giống như nhặt một đồng bạc bị rơi trên phố đông người thì không bị coi là ăn cắp. Và nếu người chồng hãm hiếp chính người vợ của mình, anh ta cũng không bị coi là phạm tội. Trong thực tế, quan niệm người chồng có thể hiếp dâm vợ mình là một cách nói đầy mâu thuẫn. Làm chồng nghĩa là hoàn toàn kiểm soát đời sống tình dục của vợ mình. Nói rằng chồng “hiếp dâm” vợ là một điều phi lý giống như nói người đàn ông ăn cắp chiếc ví của chính anh ta. Những suy nghĩ như vậy đã không chỉ tồn tại ở Trung Đông cổ đại. Vào năm 2006, vẫn còn 53 quốc gia mà người chồng không bị khởi tố vi đã hiếp dâm vợ mình. Thậm chí ở Đức, luật về hiếp dâm chỉ được sửa đổi vào năm 1997 để tạo ra một phạm trù pháp luật về hiếp dâm trong hôn nhân.
Liệu sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà có là một sản phẩm của trí tưởng tượng giống như hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ và hệ thống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, hoặc liệu nó có phải là một sự phân biệt tự nhiên với nguồn gốc sinh học sâu xa? Và nêu nó quả là một sự phân biệt tự nhiên, thì liệu có sự lý giải nào về mặt sinh học cho sự thiên vị dành cho đàn ông hơn đàn bà?
Một số bất bình đẳng văn hoá, pháp luật và chính trị giữa đàn ông và đàn bà phản ánh sự khác nhau sinh học hiển nhiên giữa các giới. Mang thai đã luôn là công việc của người phụ nữ, vì đàn ông không có tử cung. Song, xung quanh phần lõi phổ biến khắc nghiệt này, mỗi xã hội đều tích tụ hết lớp này tới lớp khác các quan điểm và quy tắc văn hoá, có rất ít liên quan về mặt sinh học. Các xã hội liên kết một loạt các thuộc tính với nam tính và nữ tính, hầu hết chúng đều thiếu một nền tảng sinh học vững chắc.
Ví dụ, ở Athens dân chủ vào thế kỷ 5 TCN, một cá nhân sở hữu tử cung không có tư cách pháp nhân độc lập, và bị cấm tham gia các cuộc họp hội đồng phổ thông hoặc làm quan tòa. Với một số ngoại lệ, những cá nhân như vậy không thể được hưởng lợi ích của sự giáo dục tốt, cũng như không được kinh doanh hoặc thảo luận triết học. ở Athens, không ai trong số những nhà lãnh đạo chính trị, triết gia vĩ đại, nhà hùng biện, nghệ sĩ hoặc nhà buôn, là phụ nữ. Liệu việc có tử cung đã làm cho một người không phù hợp về mặt sinh học với những nghề nghiệp trên? Người Athens cổ đại đã nghĩ như vậy. Người Athens hiện đại thì không đồng tình. Ở Athens ngày nay, phụ nữ được bầu cử, được lựa chọn vào các cơ quan nhà nước, được diễn thuyết, được thiết kế mọi thứ, từ đồ trang sức, đến nhà cao tầng, phần mềm, và được học đại học. Tử cung của họ không ngăn họ có thể làm được những việc này và cũng thành công như đàn ông. Đúng là họ vẫn là chỉ là thiểu sổ trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh – chỉ có khoảng 12% thành viên trong Nghị viện Hy Lạp là phụ nữ. Nhưng không có một rào cản pháp lý nào đối với sự tham gia của họ vào chính trị, và hầu hết người Hy Lạp hiện đại đều nghĩ rằng một phụ nữ làm việc trong bộ máy nhà nước là điều hoàn toàn bình thường.
Nhiều người Hy Lạp hiện đại còn nghĩ rằng một phần không thể thiếu của người đàn ông là chỉ bị đàn bà hấp dẫn tình dục và chỉ có quan hệ tình dục với giới tính đối lập. Họ không thấy rằng, do những thành kiến về văn hoá hơn là những thực tế sinh học – các mối quan hệ giữa hai người thuộc hai giới khác nhau là tự nhiên và giữa hai người đồng giới là không tự nhiên. Mặc dù vậy, trong thực tế, Mẹ Thiên nhiên không quan tâm nếu những người đàn ông cảm thấy hấp dẫn tình dục với nhau. Chỉ có những người mẹ của loài người, đắm chìm trong những nền văn hoá đặc biệt, sẽ gây chuyện cãi lộn nếu con trai mình phải lòng cậu hàng xóm. Những cơn thịnh nộ của người mẹ không mang tính cưỡng ép sinh học. Một số đáng kể các nền văn hoá của con người đều nhìn nhận các mối quan hệ đồng tính không chỉ hợp pháp mà thậm chí còn mang tính xây dựng xã hội, người Hy Lạp cổ đại là một ví dụ rất nổi tiếng. Trường ca Iliad không nói gì về việc Thetis có bất cứ phản đối nào về mối quan hệ giữa Achilles con trai bà với Patroclus. Nữ hoàng Olympias của Macedon là một trong những phụ nữ nóng nảy và quả quyết nhất của thế giới cổ đại, có chồng là Vua Philip bị ám sát. Song, bà ta không chút tức giận khi con trai mình, Alexander Đại đế, đưa người yêu là Hephaestion về nhà ăn tối.
Làm thế nào để chúng ta phân biệt được những gì do sinh học xác định với những gì mà con người cố gắng bào chữa qua những câu chuyện huyền thoại sinh học? Một kinh nghiệm hữu ích là “Sinh học cho phép, Văn hoá cấm đoán”. Sinh học sẵn sàng dung thứ một phạm vi rất rộng các khả năng có thể xảy ra. Chính văn hoá mới cưỡng ép con người nhận thức một số khả năng trong khi lại cấm đoán những khả năng khác. Sinh học cho phép phụ nữ có con – một số nền văn hoá cưỡng ép phụ nữ nhận thức được khả năng này. Sinh học cho phép đàn ông tận hưởng tình dục với người khác – nhưng một số nền văn hoá lại cấm họ nhận thức được khả năng này.
Văn hoá thường tranh luận rằng, nó chỉ cấm những cái không tự nhiên. Nhưng từ quan điểm sinh học, không có gì là không tự nhiên. Bất cứ cái gì có thể xảy ra, theo định nghĩa đều là tự nhiên. Một hành xử không tự nhiên thực sự, chống lại các quy luật của tự nhiên, thì đơn giản là không thể tồn tại, vì vậy nó không cần bất cứ sự cấm đoán nào. Không một nền văn hoá nào từng cấm người đàn ông quang hợp, người phụ nữ chạy nhanh hơn tốc độ của ánh sáng hoặc những electron tích điện âm hút lẫn nhau.
Sự thật là những định nghĩa của chúng ta về “tự nhiên” và “không tự nhiên” không dựa trên khía cạnh sinh học, mà từ thần học. Ý nghĩa của “tự nhiên” theo thần học là “tuân theo những ý muốn của Chúa người đã tạo ra tự nhiên”. Những nhà thần học cho rằng Chúa đã tạo ra cơ thể của con người, với ý muốn là mỗi chi và mỗi cơ quan phục vụ cho một mục đích riêng biệt. Nếu chúng ta sử dụng các chi và các cơ quan theo ý muốn của Chúa, đây là một hành động tự nhiên. Nếu chúng ta sử dụng khác với mục đích của Chúa, thì điều này là không tự nhiên. Nhưng tiến hoá không có mục đích. Những cơ quan cơ thể không tiến hoá vì một mục đích nào cả và cách sử dụng chúng được thay đổi liên tục. Không một cơ quan đơn lẻ nào trong cơ thể con người chỉ thực hiện công việc mà nguyên mẫu của nó đã làm khi lần đầu tiên xuất hiện hàng trăm triệu năm về trước. Các cơ quan tiến hoá để thực hiện một chức năng riêng biệt, nhưng một khi đã tồn tại, chúng có thể được dùng cho những cách khác nữa. Ví dụ như cái miệng, xuất hiện bởi vì các sinh vật đa bào đầu tiên cần một cách nào đó để lấy chất dinh dưỡng vào trong cơ thể mình. Cái miệng vẫn được chúng ta sử dụng cho mục đích này, nhưng chúng ta còn dùng chúng để hôn, để nói, và nếu chúng ta là Rambo, miệng còn được dùng để kéo chốt an toàn của lựu đạn. Liệu những cách dùng này có không tự nhiên, đơn giản vì những tổ tiên giống sâu của chúng ta 600 triệu năm về trước không làm những việc này bằng miệng của họ?
Tương tự, những đôi cánh không đột nhiên xuất hiện trong tất cả hào quang khí động học của chúng. Chúng được phát triển từ những cơ quan phục vụ cho mục đích khác. Theo một học thuyết, cánh của côn trùng tiến hoá hàng trăm triệu năm trước đây từ những phần lồi ra trên thân những côn trùng không biết bay. Con côn trùng có bướu sẽ có một diện tích bề mặt rộng hơn so với những con không có bướu, và nó làm cho chúng có thể hấp thụ ánh sáng Mặt trời nhiều hơn và do đó sẽ ấm áp hơn. Trong một quá trình tiến hoá chậm, những cái lò sưởi Mặt trời này sẽ phát triển rộng hơn. Những cấu trúc tương tự rất tốt cho sự hấp thụ tối đa ánh sáng Mặt trời – có diện tích bề mặt lớn và khối lượng nhỏ – cũng vậy, bằng sự trùng hợp ngẫu nhiên, đã cho loài côn trùng một chút lực nâng khi chúng nhảy xa và nhảy lên. Loài côn trùng với những chỗ nhô ra lớn hơn thì có thể nhảy xa hơn và nhảy cao hơn. Một số loài côn trùng bắt đầu sử dụng những thứ này để lướt đi, và từ đó chỉ cần thêm một bước nhỏ là đôi cánh để có thể thực sự đẩy côn trùng lướt đi trong không khí. Lần tới một con muỗi vo ve bên đôi tai của bạn, hãy buộc tội nó có hành vi không tự nhiên. Nếu con muỗi được đối xử tốt và bằng lòng với những gì mà Chúa ban cho nó, nó sẽ chỉ dùng đôi cánh của mình như những tấm thu năng lượng Mặt trời.
Loại đa nhiệm vụ tương tự được áp dụng cho các cơ quan và hành vi tình dục của chúng ta. Tình dục ban đầu tiến hoá dành cho sinh sản, những nghi thức tán tỉnh là cách để đánh giá sự phù hợp của người bạn đời tiềm năng. Nhưng nhiều loài động vật bây giờ đã đem cả hai để sử dụng vào vô số các mục đích xã hội, những mục đích có rất ít liên hệ với việc tạo ra một số bản sao của chúng. Loài tinh tinh là một ví dụ, sử dụng tình dục để thắt chặt mối liên kết chính trị, tạo ra tình cảm thân mật và xoa dịu những căng thẳng. Điều đó có tự nhiên không?
Tình dục và giới tính
Do đó, việc tranh luận rằng chức năng tự nhiên của phụ nữ là sinh con, hoặc tình dục đồng tính là không tự nhiên chẳng có ý nghĩa nhiều. Hầu hết các bộ luật, các quy tắc, các quyền và nghĩa vụ để xác định nam tính và nữ tính phản ánh trí tưởng tượng của con người hơn là một thực tế sinh học.
Về mặt sinh học, con người chia ra thành giống đực và giống cái. Một giống đực Homo sapiens là một người có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y; một giống cái là người có hai nhiễm sắc thể XX. Nhưng cái tên “đàn ông” và “đàn bà” là các phạm trù xã hội, không phải sinh học. Trong khi đại đa số những trường hợp của hầu hết xã hội loài người, đàn ông là giống đực và đàn bà là giống cái, thì các thuật ngữ xã hội mang theo nhiều ngụ ý mà chỉ có một mối quan hệ mong manh với các thuật ngữ sinh học, nếu có. Một người đàn ông không chỉ là một Sapiens với những tính chất sinh học đặc biệt như là cặp nhiễm sắc thể XY, tinh hoàn và rất nhiều testosterone. Mà anh ta còn phù hợp với một vị trí riêng trong trật tự tưởng tượng của xã hội anh ta đang sống. Những câu chuyện huyền thoại của nền văn hoá anh ta đã chỉ định cho anh ta những vai trò nam tính cụ thể (tham gia chính trị), các quyền (quyền bầu cử) và các nghĩa vụ (phục vụ trong quân đội). Tương tự, một người đàn bà không chỉ là một Homo sapiens với hai nhiễm sắc thể XX, một tử cung và nhiều oestrogen. Đúng hơn, chị ta còn là thành viên nữ trong một trật tự tưởng tượng của con người. Những huyền thoại trong xã hội mà chị ta đang sống đã ấn định cho chị ta những vai trò nữ tính cụ thể (nuôi dạy con cái), các quyền (được bảo vệ khỏi bạo lực) và các nghĩa vụ (tuân lệnh chồng mình). Bởi vì những huyền thoại, hơn là khía cạnh sinh học, đã xác định vai trò, quyền và nghĩa vụ của người đàn ông và người đàn bà, nên ý nghĩa của cụm từ “nam tính” và “nữ tính” đã thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác.
Một người giống cái = một phạm trù sinh học
Một người phụ nữ = một phạm trù văn hoá
Athens cổ đại
Athens hiện đại
Athens cổ đại
Athens hiện đại
Cặp nhiễm sắc thể XX
Cặp nhiễm sắc thể XX
Không thể bầu cử
Có thể bầu cử
Tử cung
Tử cung
Không thể là một thẩm phán
Có thể là một thẩm phán
Buồng trứng
Buồng trứng
Không thể làm việc trong cơ quan nhà nước
Có thể làm việc trong cơ quan nhà nước
Có ít testosterone
Có ít testosterone
Không thể tự quyết định sẽ cưới ai
Có thể tự quyết định sẽ cưới ai
Có nhiều oestrogen
Có nhiều oestrogen
Thường mù chữ
Thường biết chữ
Có thể sản xuất sữa
Có thể sản xuất sữa
Bị sở hữu về pháp lý bởi cha hoặc chồng
Độc lập về pháp lý
Giống hệt nhau
Rất khác nhau
Hình 21. Khí chất đàn ông thế kỷ 18: chân dung chính thức của Vua Louis XIV nước Pháp. Chú ý mái tóc giả dài, tất dài, giày cao gót, dáng điệu của một vũ công – và cây kiếm lớn. Ở châu Âu hiện nay, những thứ này (trừ cây kiếm) sẽ bị coi như dấu hiệu của tính nhu nhược đàn bà. Nhưng ở thời đại đó, Louis là một hình tượng mẫu mực của châu Âu về nam tính và sự rắn rỏi.
Hình 22. Khí chất đàn ông thế kỷ 21: Chân dung chính thức của Barack Obama. Điều gì xảy ra với bộ tóc giả, tất dài, giày cao gót, và thanh kiếm? Một người đàn ông uy quyền chưa bao giờ trông buồn tẻ và ảm đạm như ngày nay. Trong hầu hết lịch sử, những người đàn ông có ảnh hưởng lớn phải sặc sỡ và khoa trương, như những tù trưởng da đỏ châu Mỹ với lông chim cắm trên mũ và những vị vua Ấn Độ tô điểm bằng lụa và kim cương. Trong thế giới động vật, con đực có xu hướng sặc sỡ hơn và có nhiều đồ phụ tùng hơn con cái – hãy nghĩ đến cái đuôi của công trống hay cái bờm của sư tử đực.
Để bớt gây khó hiểu hơn, những nhà nghiên cứu luôn phân biệt giữa “giới tính” – một phạm trù sinh học, với “giới” – một phạm trù văn hoá. Giới tính được chia ra thành nam và nữ, tính chất của sự phân chia này là khách quan và bất biến trong lịch sử. Giới được chia ra thành đàn ông và đàn bà (một số nền văn hoá công nhận cả những dạng khác nữa), cái gọi là “nam tính” và “nữ tính” mang tính liên-chủ quan và có sự thay đổi liên tục. Ví dụ, hành vi, ước muốn, trang phục và thậm chí cả dáng điệu cơ thể kỳ vọng về người phụ nữ Athens cổ đại và người phụ nữ Athens hiện đại có nhiều sự khác nhau sâu xa.
Giới tính là trò trẻ con, nhưng giới lại là một việc nghiêm túc. Để trở thành thành viên của giới tính nam là một điều đơn giản nhất trên thế giới. Bạn chỉ cần sinh ra với cặp nhiễm sắc thể XY. Trở thành giới tính nữ cũng đơn giản tương tự như vậy. Một cặp nhiễm sắc thể XX sẽ làm điều đó. Ngược lại, để trở thành một người đàn bà và một người đàn ông thì phải có những cam kết khắt khe và phức tạp. Vì hầu hết đặc điểm nam tính và nữ tính đều mang tính văn hoá hơn là tính sinh học, nên không một xã hội nào tự động ban vinh dự cho một nam giới là một người đàn ông và một nữ giới là một người đàn bà. Cũng không phải những danh hiệu vinh quang này có thể mãi mãi được đặt trên đầu họ một khi họ đã có được nó. Một người đàn ông phải chứng minh một cách liên tục nam tính của mình trong suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra cho tới lúc xuống mồ trong hàng loạt các lễ nghi và sự thật hiện không ngừng nghỉ. Và công việc của người đàn bà thì cũng không bao giờ hết: phải liên tục thuyết phục bản thân và những người khác rằng mình đầy nữ tính.
Thành công không phải là một sự đảm bảo. Nam giới nói riêng sống trong sự khiếp sợ liên miên về việc đánh mất lời tuyên bố của họ về nam tính của mình. Xuyên suốt lịch sử, nam giới sẵn sàng mạo hiểm, thậm chí hy sinh cuộc sống của họ chỉ để cho mọi người sẽ nói rằng “Anh ta là một người đàn ông đích thực!”
Có gì tốt đẹp đến thế về nam giới?
Ít nhất kể từ Cách mạng Nông nghiệp, hầu hết xã hội loài người đều là những xã hội gia trưởng, và đánh giá đàn ông cao hơn đàn bà. Bất kể một xã hội xác định “đàn ông” và “đàn bà” như thế nào, là một người đàn ông vẫn luôn tốt hơn. Những xã hội gia trưởng giáo dục đàn ông suy nghĩ và hành động theo cách nam tính, đàn bà suy nghĩ và hành động theo cách nữ tính, trừng phạt những ai dám vượt qua những ranh giới này. Tuy thế, những người tuân theo cũng không được thưởng một cách công bằng. Phẩm chất được coi là của đàn ông thì có giá trị hơn phẩm chất được coi là của đàn bà, và những thành viên thể hiện lý tưởng nữ tính sẽ nhận được ít hơn những thành viên thể hiện lý tưởng nam tính trong một xã hội. Nguồn tài nguyên đầu tư cho sức khỏe và giáo dục ở đàn bà cũng ít hơn; họ ít có cơ hội kinh tế hơn, ít có quyền lực về chính trị hơn, và ít có tự do di chuyển hơn. Giới là một cuộc đua mà ở đó một số người tham gia chạy thi chỉ để đạt được huy chương vàng.
Trong thực tế, một số ít ỏi đàn bà từng giành được vị trí đứng đầu, như Cleopatra của Ai Cập hay Võ Tắc Thiên của Trung Hoa (năm 700) và Elizabeth I của Anh. Song, họ là những trường hợp ngoại lệ đã chứng tỏ được quy luật. Trong suốt 43 năm trị vì của Elizabeth, mọi thành viên Nghị viện đều là đàn ông, mọi sĩ quan Hải quân Hoàng gia và quân đội là đàn ông, mọi thẩm phán và luật sư là đàn ông, mọi giám mục và tổng giám mục là đàn ông, mọi chuyến gia thần học và linh mục là đàn ông, mọi bác sĩ và nhà giải phẫu là đàn ông, mọi sinh viên và giáo sư của tất cả các trường đại học và cao đẳng là đàn ông, mọi thị trưởng và thuyền trưởng là đàn ông, và hầu hết các nhà văn, kiến trúc sư, nhà thơ, nhà triết học, họa sĩ, nhà soạn nhạc và nhà khoa học là đàn ông.
Chế độ gia trưởng đã là tiêu chuẩn trong hầu hết các xã hội công nghiệp và nông nghiệp. Nó đã kiên trì vượt qua những biến động chính trị, cách mạng xã hội và biến đổi về kinh tế. Ai Cập là một ví dụ, bị xâm lược vô số lần trong nhiều thế kỷ. Người Assyria, Ba Tư, Macedonia, La Mã, Ả-rập, Mameluk, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đều đã xâm lược nước này, và xã hội ấy vẫn duy trì chế độ gia trưởng. Ai Cập đã bị cai trị bởi luật pháp Pharaoh, luật pháp Hy Lạp, luật pháp La Mã, luật pháp Hồi giáo, luật pháp Ottoman và luật pháp Anh – tất cả đều phân biệt đối xử với những ai không phải là “đàn ông thực sự”.
Bởi chế độ gia trưởng có ở mọi nơi, nên nó không thể là sản phẩm của một vài cái vòng luẩn quẩn, được khởi phát bằng một sự kiện ngẫu nhiên. Đặc biệt đáng chú ý là kể cả trước năm 1492, hầu hết các xã hội ở cả châu Mỹ và Á-Phi đều có chế độ gia trưởng, dù họ không tiếp xúc với bên ngoài trong hàng ngàn năm. Nếu như chế độ gia trưởng ở Á-Phi là kết quả của một vài sự kiện xảy ra ngẫu nhiên, vậy tại sao Inca và Aztec lại gia trưởng? Khả nâng cao là cho dù định nghĩa chính xác về “đàn ông” và “đàn bà” biến đổi tùy theo văn hoá, nhưng có một vài lý do sinh học phổ quát giải thích tại sao hầu hết các nền văn hoá đều đánh giá cao đàn ông hơn đàn bà. Chúng ta không biết lý do này là gì. Có nhiều học thuyết, nhưng không cái nào có tính thuyết phục.
Sức mạnh cơ bắp
Học thuyết phổ biến nhất đã đưa ra một thực tế là đàn ông khỏe hơn phụ nữ, họ thường sử dụng thể lực mạnh hơn của mình để ép buộc đàn bà phục tùng mình. Một phiên bản tinh tế hơn của sự khẳng định này cho rằng sức khỏe của họ đã cho phép đàn ông độc quyền thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi lao động chân tay nặng nhọc, như cày bừa và thu hoạch. Nó cho họ quyền kiểm soát việc sản xuất thực phẩm, qua đó biến thành quyền lực chính trị.
Có hai vấn đề với việc nhấn mạnh đến sức mạnh cơ bắp. Thứ nhất, lời tuyên bố “đàn ông khỏe hơn phụ nữ” chỉ đúng khi xét trung bình, và chỉ nói đến một số loại sức mạnh nào đó. Đàn bà nhìn chung chống chịu đói khát, bệnh tật và mệt mỏi tốt hơn đàn ông. Thậm chí có nhiều phụ nữ chạy nhanh hơn và nâng được khối lượng nặng hơn đàn ông. Ngoài ra, vấn để lớn nhất của học thuyết này là trong lịch sử, đàn bà chủ yếu bị loại ra khỏi những công việc ít đòi hỏi những nỗ lực về thể lực (như đi tu, luật và chính trị), nhưng lại tham gia lao động chân tay nặng nhọc trên các cánh đồng, trong các ngành nghề thủ công và trong các hộ gia đình. Nếu quyền lực của xã hội được phân chia theo mối quan hệ trực tiếp với sức mạnh thể lực hoặc khả năng chịu đựng, thì đàn bà hẳn sẽ có nhiều vị thế hơn.
Quan trọng hơn nữa, đơn giản là không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa sức mạnh thể lực và quyền lực xã hội giữa con người với nhau. Những người ở tuổi 60 thường xuyên luyện tập thể lực hơn là những người ở độ tuổi 20, nhưng những người trên 20 tuổi vẫn khỏe mạnh hơn những người lớn tuổi. Một người chủ đồn điền điển hình ở Alabama vào giữa thế kỷ 19 thường bị hạ đo ván trong vài giây bởi bất kỳ một nô lệ nào đang trồng trọt trên những cánh đồng bông của ông ta. Đấm bốc không được sử dụng để lựa chọn các Pharaoh của Ai Cập hoặc những giáo hoàng Công giáo. Trong xã hội hái lượm, quyền lực chính trị thường dành cho những người sở hữu những kĩ năng xã hội tốt nhất chứ không phải những người có bắp thịt phát triển nhất. Trong băng đảng tội phạm có tổ chức, bố già không nhất thiết phải là người khỏe nhất. Ông ta thường là người lớn tuổi và hiếm khi sử dụng nắm đấm của mình; ông ta dùng những gã trẻ hơn và cường tráng hơn để làm những công việc bẩn thỉu cho mình. Một kẻ nếu nghĩ rằng cách để chiếm ngôi đầu là đánh nhừ tử ông ta, thì có vẻ như hắn sống chưa đủ lâu để rút ra bài học từ sai lầm của mình. Thậm chí giữa những con tinh tinh với nhau, con đực alpha giành được vị trí của mình bằng việc xây dựng một liên minh ổn định với các con đực và con cái khác, chứ không phải thông qua bạo lực dại dột.
Thực tế lịch sử loài người cũng chỉ ra rằng, thường có những mối quan hệ đảo ngược vị trí giữa sức mạnh thể lực và sức mạnh xã hội. Ở hầu hết các xã hội, những tầng lớp thấp hơn sẽ làm công việc lao động chân tay. Điều này phản ánh vị trí của Homo sapiens trong chuỗi thức ăn. Nếu nhân tố quyết định chỉ là những năng lực thể lực đơn thuần, Sapiens sẽ chỉ ở nấc giữa của chiếc thang. Nhưng những kĩ năng xã hội và trí óc đã đặt họ lên đỉnh. Vì vậy, cũng tự nhiên khi chuỗi quyền lực giữa các loài được xác định bởi khả năng về xã hội và trí óc hơn là sức mạnh cục súc. Vì vậy, rất khó để tin rằng phân tầng xã hội có ảnh hưởng nhất và ổn định nhất trong lịch sử được lập ra dựa trên khả năng về thể lực của đàn ông để ép buộc đàn bà.
Cặn bã xã hội
Một học thuyết khác đã lý giải rằng địa vị thống trị của đàn ông không bắt nguồn từ thể lực mà từ sự hung hăng. Hàng triệu năm tiến hoá đã làm cho đàn ông trở nên bạo lực hơn đàn bà khá nhiều. Đàn bà có thể đối chọi với đàn ông trên các khía cạnh như sự thù hận, lòng tham và sự lạm dụng, nhưng khi tình hình trở nên gay go, học thuyết này cho rằng, đàn ông sẵn sàng tham gia vào những cuộc chiến thô bạo. Điều này giải thích tại sao trong lịch sử, chiến tranh là đặc quyền của nam giới.
Trong thời gian chiến tranh, sự kiểm soát của đàn ông trong các lực lượng quân đội cũng làm cho họ trở thành những ông chủ trong xã hội dân sự. Sau đó họ sử dụng quyền kiểm soát trong xã hội dân sự của mình để gây ra nhiều cuộc chiến hơn nữa, và càng nhiều chiến tranh, thì càng nhiều quyền kiểm soát xã hội thuộc về đàn ông. Cái vòng lặp hồi tiếp đã lý giải sự có mặt khắp nơi của các cuộc chiến và chế độ gia trưởng.
Những nghiên cứu gần đây về hệ thống hoóc-môn và nhận thức của đàn ông và đàn bà đã củng cố thêm giả định rằng, quả thật đàn ông có khuynh hướng hung hăng và bạo lực hơn, và do vậy xét về trung bình thì họ phù hợp để làm chiến binh hơn. Song, cứ cho là hầu hết chiến binh thông thường đều là đàn ông, vậy những người điều khiển chiến tranh và tận hưởng quả ngọt của nó có nhất thiết phải là đàn ông? Điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó giống như việc thừa nhận rằng, do mọi nô lệ trồng trọt trên các cánh đồng bông đều là người da đen, nên các ông chủ đồn điền cũng sẽ là người da đen. Giống như việc một lực lượng lao động toàn người da đen bị điều khiển bởi những người quản lý da trắng, tại sao một đội quân toàn đàn ông lại không thể được chỉ huy bởi chính phủ toàn là nữ giới hoặc ít nhất có một phần là nữ giới? Thực tế ở nhiều xã hội trong lịch sử, những kẻ đứng đầu không leo lên vị trí của mình từ bậc thấp nhất. Giới quý tộc, giới giàu có và giới học thức đã được mặc nhiên bổ nhiệm vào cấp sĩ quan mà chưa bao giờ phục vụ một ngày nào trong quân đội.
Khi Công tước Wellington, người đã đánh bại Napoleon, gia nhập quân đội Anh ở tuổi 18, ông ta ngay lập tức được bổ nhiệm sĩ quan. Ông ta không nghĩ nhiều đến những người thuộc tầng lớp xã hội thấp dưới quyền mình. “Chúng ta đang có sự phục sự từ những kẻ cặn bã của Trái đất như những người lính thường”, ông ta viết cho người quý tộc đồng nghiệp của mình trong những cuộc chiến với Pháp. Những người lính thường này thường được tuyển từ những người thuộc tầng lớp nghèo nhất, hoặc từ những tộc người thiểu số (như là tộc người Ireland Công giáo). Cơ hội được thăng cấp trong quân đội của họ là không đáng kể. Cấp bậc cao cấp thường dành cho những công tước, hoàng tử và vua. Nhưng tại sao chỉ dành cho các công tước mà không phải là cho các nữ công tước?
Đế quốc Pháp tại châu Phi đã được hình thành và bảo vệ bằng máu và nước mắt của những người Senegal, Algeria và tầng lớp lao động Pháp. Tỉ lệ đàn ông Pháp sinh ra trong các gia đình quý tộc có cấp bậc trong quân đội không đáng kể. Song, tỉ lệ đàn ông Pháp quý tộc có mặt trong giới tinh hoa nhỏ lãnh đạo quân đội Pháp, cai trị đế quốc và tận hưởng quả ngọt của nó lại rất cao. Tại sao chỉ là đàn ông Pháp mà không phải đàn bà Pháp?
Ở Trung Hoa, có một truyền thống lâu dài trong việc bắt quân đội phục tùng giới quan chức dân sự, vì vậy quan chức, vốn không bao giờ cầm tới thanh gươm, lại thường điều khiển các cuộc chiến tranh. “Bạn không nên tốn sắt tốt để làm ra những cái đinh”, tục ngữ Trung Hoa nói, nghĩa là những người tài năng thực sự tham gia vào giới quan chức dân sự, chứ không phải quân đội. Vậy tại sao tất cả giới quan chức này chỉ toàn đàn ông?
Không hợp lý nếu tranh luận rằng, do sự yếu ớt về thể chất hay hàm lượng testosterone thấp mà đàn bà đã không thể trở thành những vị quan thành công, những tướng lĩnh và chính trị gia xuất sắc. Để có thể điều hành một cuộc chiến tranh, bạn chắc chắc cần có sức bền, nhưng không cần quá nhiều sức mạnh thể lực hoặc tính hung hăng. Chiến tranh không phải là một cuộc cãi lộn ầm ĩ trong quán rượu. Chúng gồm những kế hoạch rất phức tạp đòi hỏi trình độ tổ chức, hợp tác và xoa dịu phi thường. Khả nâng duy trì hòa bình tại quê hương, thu phục đồng minh bên ngoài và hiểu người khác đang nghĩ gì (đặc biệt là kẻ thù của bạn) thường là chìa khoá đến chiến thắng. Vì vậy, sẽ là tệ nhất nếu lựa chọn những kẻ cục súc hung hăng điều hành một cuộc chiến tranh. Tốt hơn nhiều là tìm một người biết hợp tác, biết khuyên giải, biết thao túng và biết nhìn mọi thứ từ những quan điểm khác nhau. Đây là phẩm chất của những người kiến tạo đế chế. Augustus kém cỏi về mặt quân sự đã thành công trong việc tạo dựng nên một triều đại đế chế ổn định, đạt được thành tựu vượt qua cả Julius Caesar và Alexander Đại đế, hai nhà chiến lược quân sự xuất sắc hơn ông rất nhiều. Cả những người cùng thời với ông lẫn những sử gia hiện đại ngưỡng mộ ông đều cho rằng, kỳ công này là do sự xuất sắc về mặt đạo đức của ông – sự hòa nhã và lòng nhân từ.
Đàn bà thường được cho là kiểu người thao túng và xoa dịu tốt hơn đàn ông, họ nổi tiếng với khả năng nhìn nhận tài tình mọi thứ từ quan điểm của kẻ khác. Nếu như có bất kỳ sự thật nào trong những khuôn mẫu này, thì đàn bà phải là những chính trị gia xuất sắc và kiến tạo nên đế chế, nhường lại công việc bẩn thỉu trên chiến trường cho các đấng nam nhi đầy hoóc-môn nam tính nhưng tâm hồn lại đơn giản. Tuy có một vài huyền thoại nổi tiếng, nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong thế giới thực. Cũng chẳng rõ tại sao lại hiếm.
Những gen gia trưởng
Cách lý giải sinh học thứ ba xem nhẹ vai trò của sự cục súc và bạo lực, nó cho rằng trải qua hàng triệu năm tiến hoá, đàn bà và đàn ông đã tiến hoá theo nhiều chiến lược sinh tồn và sinh sản khác nhau. Vì đàn ông phải cạnh tranh với những kẻ khác để giành cơ hội thụ thai cho những đàn bà tốt giống, nên những cơ hội sinh sản của một cá nhân phụ thuộc trước hết vào khả năng vượt lên trên và đánh bại những đàn ông khác. Thời gian trôi đi, những gen nam tính được truyền cho thế hệ sau sẽ là gen của những người đàn ông tham vọng nhất, hung hăng nhất, và cạnh tranh nhất.
Mặt khác, một người đàn bà sẽ không gặp vấn đề gì khi tìm một người đàn ông sẵn sàng làm cho mình thụ thai. Tuy nhiên, nếu cô ta muốn con cái mình sẽ cho cô ta những đứa cháu, thì cô ta phải mang những đứa con trong tử cung của mình suốt chín tháng đầy gian khổ, sau đó nuôi dưỡng chúng trong nhiều năm. Trong suốt thời gian này, cô ta sẽ ít có cơ hội kiếm thức ăn hơn và cần nhiều sự giúp đỡ hơn. Cô ta cần một người đàn ông. Để có thể đảm bảo cho sự sống sót của mình và của những đứa con, đàn bà có rất ít lựa chọn ngoài việc phải đồng ý với bất cứ điều kiện nào mà đàn ông đưa ra, có như vậy người này mới quanh quẩn xung quanh và chia sẻ một số gánh nặng. Thời gian trôi đi, gen nữ giới được truyền cho thế hệ sau sẽ là gen của những đàn bà chăm sóc phục tùng. Những đàn bà dành quá nhiều thời gian để tranh giành quyền lực sẽ không để lại bất cứ gì trong bộ gen quyền lực đó cho những thế hệ tương lai.
Theo lý thuyết trên, kết quả của những chiến lược sinh tồn khác nhau này là đàn ông đã được lên chương trình để trở nên tham vọng, cạnh tranh và trội hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh, trong khi đàn bà có xu hướng bỏ qua những bận tâm đó và dành đời mình để nuôi dạy con cái.
Nhưng cách tiếp cận này cũng có vẻ như đi ngược lại với bằng chứng thực nghiệm. Vấn đề ở đây là giả thiết cho rằng sự phụ thuộc của đàn bà vào sự giúp đỡ bên ngoài đã làm cho họ phụ thuộc vào đàn ông hơn là vào đàn bà khác, và tính cạnh tranh của đàn ông đã làm cho họ trở nên vượt trội về mặt xã hội. Có nhiều loài động vật như voi, tinh tinh lùn, mà trong đó động lực giữa những con cái phụ thuộc và những con đực cạnh tranh đã dẫn đến một xã hội mẫu quyền. Vì con cái cần sự giúp đỡ bên ngoài, nên chúng bắt buộc phải phát triển kĩ năng xã hội của mình và học cách làm thế nào để hợp tác và xoa dịu. Chúng xây dựng nên những mạng lưới xã hội toàn con cái để giúp đỡ mỗi thành viên trong việc nuôi dưỡng con mình. Trong khi đó, những con đực sử dụng thời gian của mình để đánh nhau và cạnh tranh. Những kĩ năng xã hội và ràng buộc xã hội của chúng vẫn còn kém phát triển. Các xã hội loài voi và tinh tinh lùn được điều hành bởi những mạng lưới vững chắc của những con cái luôn sẵn sàng hợp tác, trong khi những con đực luôn coi mình là trung tâm vũ trụ và không sẵn sàng hợp tác nên đã bị đẩy ra ngoài đường biên. Mặc dù con cái nói chung yếu ớt hơn con đực, nhưng chúng thường kéo bè cánh để đánh những con đực vượt quá giới hạn của mình.
Nếu điều này có thể xảy ra với loài voi và tinh tinh lùn, thì tại sao lại không thể với Homo sapiens! Sapiens là một loài động vật tương đối yếu ớt mà lợi thế của họ dựa trên khả năng hợp tác với số lượng lớn. Nếu vậy, chúng ta mong rằng những đàn bà phụ thuộc, kể cả phụ thuộc vào đàn ông, sẽ sử dụng những kĩ năng xã hội giỏi hơn của mình để hợp tác tốt hơn, vượt lên và thao túng đàn ông hung hăng, độc lập, tự coi mình là trung tâm.
Làm thế nào mà trong một loài có sự thành công phụ thuộc trước hết vào sự hợp tác, những cá nhân bị coi là kém hợp tác hơn (đàn ông) lại kiểm soát những cá nhân được cho là sẵn sàng hợp tác hơn (đàn bà)? Hiện nay, chúng ta không có câu trả lời thỏa đáng. Có thể những giả định phổ biến này là sai lầm. Có thể những con đực của loài Homo sapiens không chỉ đặc trưng bởi sức mạnh thể lực, tính hung hăng và tính cạnh tranh, mà hơn thế còn là những kĩ năng xã hội giỏi hơn và xu hướng hợp tác tốt hơn. Chúng ta không thể biết được.
Tuy nhiên, những gì chúng ta đã biết đó là trong suốt thế kỷ trước, vai trò của giới đã trải qua một cuộc cách mạng dữ dội. Hiện nay, ngày càng có nhiều xã hội trao cho đàn ông và đàn bà địa vị pháp lý, các quyền về chính trị và các cơ hội kinh tế bình đẳng với nhau. Mặc dù khoảng cách về giới vẫn là đáng kể, nhưng những sự kiện này vẫn đang xảy ra với một tốc độ nghẹt thở. Năm 1913, ý tưởng trao quyền bỏ phiếu cho nữ giới nhìn chung được coi là điên rồ ở Mỹ; nữ giới đã từng mơ rằng vào năm 2013, năm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, trong đó có ba nữ, sẽ quyết định ủng hộ việc hợp thức hoá hôn nhân đồng tính (bác bỏ sự phản đối của bốn thẩm phán nam).
Những sự thay đổi đáng kinh ngạc này chính xác là những gì đã làm cho lịch sử về giới gây bối rối. Như đã được chứng minh rất rõ ràng ngày nay, nếu hệ thống gia trưởng dựa trên những huyền thoại không có cơ sở thay vì những thực tế sinh học, thì điều gì giải thích cho tính phổ quát và ổn định của hệ thống này?