Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Tác giả: John Grisham
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: Theodore Boone
Dịch giả: Nguyễn Huy
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1739 / 47
Cập nhật: 2016-06-17 12:05:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ạp xe từ tòa án tới trường cấp hai mười lăm phút nếu đi nghiêm chỉnh, nghĩa là tuân theo đúng luật giao thông và kềm chế không xâm phạm lối dành cho người đi bộ. Thông thường Theodore vẫn làm vậy, chỉ trừ khi cậu hơi bị muộn. Cậu lao thẳng xuống phố Market, đi ngược chiều, chồm qua lề đường ngay trước mũi một chiếc ô tô, lao phăm phăm qua một bãi để xe và len lỏi vào mọi khoảng trống trên vỉa hè, rồi - điều cậu cấm kỵ nhất - lách xe đi xuyên giữa hai ngôi nhà trên phố Elm. Theodore nghe thấy ai đó đang đứng bên hàng hiên mà la oai oái đằng sau cậu, cho tới khi cậu an toàn lọt vào con hẻm chạy thẳng đến khu đỗ xe phía sau trường dành cho giáo viên. Theodore ngó đồng hồ - chín phút. Không tệ.
Cậu dựng xe bên cạnh cột cờ, vòng xích khóa, rồi hòa vào dòng học sinh vừa ùa xuống từ xe buýt. Chuông 8 giờ 40 đang kêu reng thì cậu bước vào lớp và chào thầy Mount, giáo viên môn Chính trị của cậu đồng thời cũng là người thường tư vấn cho cậu.
“Em đã nói chuyện với Thẩm phán Gantry,” Theodore tiến đến bên bàn giáo viên, chiếc bàn vốn nhỏ hơn nhiều so với chiếc bàn mà cậu vừa rời khỏi trong tòa án. Cả phòng học ong ong trong không khí hỗn độn thường thấy vào mỗi sáng. Cả mười sáu cậu nhóc đều đã có mặt, đứa nào đứa nấy đều có vẻ như đang cười đùa, xô đẩy, huých chọc nhau.
“Sao nào?”
“Có chỗ rồi thầy ạ, sáng mai, được ưu tiên.”
“Tuyệt. Được lắm, Theodore.”
Thầy Mount cuối cùng cũng ổn định trật tự, điểm danh, dặn lớp vài điều, rồi mười phút sau cho cả lũ xuống hội trường để học tiết đầu tiếng Tây Ban Nha của cô Monique. Có tiếng tán tỉnh vụng về khi các cậu nhóc gặp vài cô bé. Trong giờ học, trò nam, trò nữ ngồi riêng, theo quy định mới của những người thông minh sáng suốt phụ trách vấn đề giáo dục của thị trấn. Trong khi với các hoạt động khác thì không hề phân biệt giới tính.
Cô Monique là một phụ nữ da đen cao lớn, đến từ Cameroon, Tây Phi. Ba năm trước, cô chuyển đến Stattenburge khi chồng cô, cũng đến từ Cameroon, nhận dạy ngôn ngữ cho trường trung học trong thị trấn. Cô không giống một giáo viên phổ thông bình thường, không hề. Sinh ra ở châu Phi, cô lớn lên với tiếng Beti, ngôn ngữ của bộ tộc mình, và tiếng Pháp tiếng Anh, thứ ngôn ngữ chính ở Cameroon. Bố cô là bác sĩ, vì thế ông có đủ tiền cho cô du học ở Thụy Sĩ nơi cô học tiếng Đức và tiếng Ý. Tiếng Tây Ban Nha của cô được hoàn thiện trong thời gian cô học đại học ở Madrid. Cô hiện đang học tiếng Nga và dự định sẽ chuyển sang tiếng Trung Quốc phổ thông. Lớp học của cô treo la liệt những tấm bản đồ thế giới cỡ lớn đầy màu sắc, và học trò của cô luôn tin rằng cô đã đi khắp nơi, đã nhìn thấy mọi thứ và có thể nói bất cứ ngôn ngữ nào. Thế giới này rất rộng lớn, nhiều lần cô đã nói vậy, và hầu hết mọi người ở các nước khác đều nói được hai thứ tiếng trở lên. Học sinh học tiếng Tây Ban Nha của cô cũng vẫn được khuyến khích khám phá các ngôn ngữ khác.
Mẹ Theodore học tiếng Tây Ban Nha suốt hai mươi năm qua, nên ngay từ hồi mẫu giáo cậu đã biết nhiều từ và câu cơ bản. Nhiều thân chủ của mẹ từ Trung Mỹ đến và mỗi khi gặp họ ở văn phòng, Theodore sẵn sàng thực hành luôn. Họ luôn thấy thế thật dễ thương.
Cô Monique từng khen Theodore có năng khiếu về ngôn ngữ, điều đó càng tiếp thêm hứng khởi cho cậu chịu khó học hơn. Mấy đứa học sinh hiếu kỳ thường yêu cầu cô “Cô nói gì đấy bằng tiếng Đức.” Hay, “Tiếng Ý.” Cô sẽ nói, có điều bao giờ cũng yêu cầu bạn học sinh ấy đứng lên, nói mấy từ bằng chính thứ ngôn ngữ đó. Cô lại cho điểm thưởng, càng khiến học sinh nhiệt tình với môn của cô. Hầu hết các bạn trong lớp Theodore đều biết mấy chục từ của vài thứ tiếng khác. Aaron, cậu bạn có mẹ là người Tây Ban Nha và bố là người Đức, cho đến giờ vẫn là nhà ngôn ngữ tài năng nhất. Nhưng Theodore đã quyết tâm sẽ bắt kịp cậu ta. Sau môn Chính trị, tiếng Tây Ban Nha là giờ học cậu yêu thích, và cô Monique cũng là giáo viên yêu thích của cậu, ngay sau thầy Mount.
Mặc dù vậy, ngày hôm nay, Theodore thấy khó lòng tập trung vào bài học. Cả lớp đang học động từ trong tiếng Tây Ban Nha, thật là những âm thanh tẻ ngắt trong một ngày như thế này và đầu óc Theodore đang vẩn vơ đâu đó. Cậu lo nghĩ về April và cái ngày khủng khiếp của cô bé trên bục nhân chứng. Cậu không thể hình dung được nỗi khủng hoảng khi buộc phải chọn giữa bố và mẹ. Đến khi cố dẹp được chuyện April sang một bên, đầu óc cậu lại bận rộn với vụ án giết người, và cậu nóng lòng chờ đến ngày mai, để được xem phần trình bày mở đầu của các luật sư.
Hầu hết các bạn cùng lớp đều mơ có được những tấm vé tới xem các chương trình ca nhạc và các cuộc thi đấu lớn. Theodore Boone sống vì các vụ xử hoành tráng.
o O o
Tiết thứ hai là môn Hình học của cô Garman. Rồi đến giờ ra chơi, sau đó cả lớp trở về phòng học chính với thầy Mount và giờ học thú vị nhất trong ngày, ít nhất là theo ý kiến của Theodore. Thầy Mount ngoài ba mươi, từng làm luật sư trong một công ty khổng lồ có trụ sở trên tòa nhà chọc trời ở Chicago. Anh thầy là luật sư. Bố thầy, ông thầy cũng từng là luật sư, thẩm phán. Dù vậy, do quá mệt mỏi với những giờ làm việc kéo dài và áp lực nặng nề, thầy Mount đã, ừm, bỏ cuộc. Thầy đã từ bỏ cả đống tiền lớn ấy và tìm được cho mình cái gì đó thầy thấy đáng giá hơn nhiều. Thầy thích dạy học, và dẫu vẫn tự cho mình là luật sư, thầy coi lớp học quan trọng hơn phòng xử án gấp vạn lần.
Nhờ thầy rất am hiểu về luật nên tiết Chính trị của thầy dành phần nhiều thời gian thảo luận các vụ cụ thể, cũ có, mới có, thậm chí cả những vụ hư cấu trên truyền hình.
“Nào, các chàng trai” thầy mở màn sau khi học sinh ổn định chỗ ngồi. Thầy luôn gọi học trò là “các chàng trai” và đối với cái tuổi mười ba mà nói thì không có lời khen ngợi nào tuyệt hơn thế. “Ngày mai, thầy muốn các em có mặt lúc 8 giờ 15. Mình đi xe buýt đến tòa án và sẽ phải ngồi một chỗ lâu đấy. Đây là một buổi thực nghiệm, đã được Hiệu trưởng duyệt, nên các em được nghỉ các tiết học khác. Nhớ mang theo tiền ăn trưa, chúng ta ăn ở quán Pappy’s Deli. Ai hỏi gì không?”
Các chàng trai đang dỏng tai nghe như nuốt từng lời, sự hứng khởi lộ rõ trên gương mặt.
“Ba lô thì sao ạ?” ai đó hỏi.
“Không mang,” thầy Mount trả lời. “Các em không được mang gì vào trong phòng xử cả. An ninh chặt lắm. Hơn nữa, từ lâu lắm rồi, đây là phiên xử tội giết người đầu tiên ở đây. Còn thắc mắc gì nữa không nào?”
“Bọn em mặc gì ạ?”
Tất cả các con mắt đều từ từ hướng sang Theodore, cả thầy Mount cũng vậy.
Ai cũng biết Theodore dành thời gian ở tòa án còn nhiều hơn khối luật sư.
“Áo vest, cà vạt, phải không Theodore?” thầy Mount hỏi.
“Không, không cần đâu. Như chúng mình đang mặc đây là ổn.”
“Tốt rồi. Còn câu hỏi nào nữa không? Tốt. Giờ thế này, thầy đã đề nghị Theodore đại loại là phác thảo trình tự các việc sẽ diễn ra tại tòa ngày mai. Phác sơ đồ phòng xử, thành phần tham dự cho chúng ta biết chúng ta đang tham gia vào cái gì. Nào Theodore!”
Laptop của Theodore đã được nối với đầu chiếu. Cậu đi lên trước lớp, bấm phím, và một sơ đồ lớn hiện ra trên màn chiếu kỹ thuật số rộng. “Đây là phòng xử chính” Theodore bắt đầu bằng giọng điệu chuẩn nhất của một luật sư trong cậu. Cậu cầm bút laze, huơ huơ chấm sáng đỏ của nó quanh sơ đồ. “Trên cùng, ngay chính giữa đây, là ghế băng, nơi thẩm phán ngồi điều khiển phiên tòa. Không rõ vì sao lại gọi là ghế băng. Trông nó giống một chiếc ngai hơn. Nhưng thôi, chúng ta vẫn cứ gọi là ghế băng. Thẩm phán lần này sẽ là Henry Gantry.” Theodore lại bấm phím, một bức chân dung lớn của Thẩm phán Gantry hiện ra. Áo chùng đen, mặt gườm gườm. Theodore co bức ảnh lại, kéo nó sang ghế thẩm phán. Khi ngài thẩm phán đã yên vị trên ghế, cậu mới tiếp tục, “Ngài Gantry làm thẩm phán đã được hai mươi năm nay, và chỉ chuyên các vụ hình sự. Ông là một quan tòa khó tính nhưng được hầu hết các luật sư quý trọng.” Chấm laze chuyển hướng ra giữa phòng xử. “Đây là bàn bên bị, nơi ông Duffy, người bị buộc tội giết người, sẽ ngồi.” Theodore lại bấm phím, và một tấm ảnh đen trắng cắt ra từ báo hiện ra. “Đây là ông Duffy. Tuổi 49, từng lấy bà Duffy, người đã qua đời, và như chúng ta đều biết, ông Duffy bị cáo buộc đã giết bà.” Theodore lại co ảnh, kéo nó sang bàn bên bị. “Luật sư của ông Duffy là Clifford Nance, có lẽ là luật sư bào chữa mảng hình sự giỏi nhất ở vùng này.” Luật sư Nance hiện ra trong một tấm ảnh màu, với bộ com lê sẫm và nụ cười tinh quái. Tóc ông ta xám, xoăn dài. Bức ảnh luật sư Nance được thu nhỏ và đặt cạnh bức ảnh thân chủ của ông. “Cạnh bàn bên bị là bàn bên nguyên. Đứng đầu bên nguyên là Jack Hogan, mọi người cũng biết, ông là chánh án tòa án quận.” Bức ảnh của ông Hogan hiện ra vài giây rồi cũng được thu nhỏ và đặt vào chiếc bàn cạnh bàn bên bị.
“Cậu mò đâu ra những tấm ảnh này?” có ai đó hỏi.
“Mỗi năm, hội luật sư đều phát hành niên giám luật sư và thẩm phán,” Theodore trả lời.
“Có cậu trong đó chứ?” Câu hỏi khiến mấy học sinh rúc rích cười.
“Không đâu. Trở lại nhé, sẽ có cả các luật sư và trợ lý luật sư khác ngồi tại hai bàn, bên nguyên và bên bị. Khu vực này thường rất đông. Ở đây, cạnh phía bên này của bên bị, là khu bồi thẩm đoàn. Khu này có mười bốn ghế - mười hai ghế cho các vị bồi thẩm chính thức và hai ghế cho người dự khuyết. Hầu hết các bang vẫn áp dụng bồi thẩm đoàn mười hai ghế, tuy nhiên có nhiều hay ít hơn cũng chẳng có gì bất thường cả. Dù số lượng thế nào, lời buộc tội vẫn phải đồng thuận, ít nhất là trong các vụ xử án hình sự. Người ta chỉ định bồi thẩm dự khuyết trong trường hợp có vị nào đó bị ốm hay vắng mặt có lý do hay gì đó. Bồi thẩm đoàn lần này đã được chọn từ tuần trước, nên ngày mai chúng ta sẽ không phải theo dõi phần này. Nó chán ngắt ấy mà.” Chấm laze chuyển tới một điểm trước băng ghế. Theodore tiếp tục, “Thư ký tốc ký ngồi chỗ này. Cô có một chiếc máy gọi là máy tốc ký. Trông thì gần giống máy đánh chữ, nhưng kỳ thực rất khác. Công việc của cô là ghi lại từng lời phát biểu trong suốt phiên xử. Nghe thì tưởng không thể kịp, nhưng cô ấy làm trông rất đơn giản. Sau đó, cô ấy phải soạn cái gọi là biên bản gửi tới các luật sư và thẩm phán. Có những biên bản dài đến vài nghìn trang.” Chấm laze lại di chuyển. “Còn đây, kế bên thư ký tốc ký và ngay bên dưới trước bàn thẩm phán là ghế nhân chứng. Nhân chứng bước tới ghế này, tuyên thệ chỉ nói sự thật, rồi mới được ngồi.”
“Vậy bọn mình sẽ ngồi đâu?”
Chấm laze chuyển tới giữa sơ đồ. “Đây được gọi là vành móng ngựa. Cũng đừng hỏi tại sao lại gọi vậy nhé. Vành móng ngựa là hàng rào bằng gỗ ngăn cách người xem với khu vực xử án. Mười hàng ghế, có lối đi ở giữa. Thường thế là quá đủ cho mọi người tới xem, nhưng phiên xử tới đây sẽ khác.” Chấm laze chuyển tới phía sau phòng xử án. “Ngay đây, phía trên mấy hàng ghế cuối, là ban công với ba ghế băng dài. Chúng ta sẽ ngồi ở ban công, nhưng đừng lo. Chúng ta sẽ nghe và thấy hết mọi thứ.”
“Còn câu hỏi nào nữa không?” thầy Mount hỏi.
Các cậu học trò vẫn ngó trân trân vào sơ đồ. “Ai sẽ mở màn?” ai đó hỏi.
Theodore dợm bước qua lại. “ừm, luật sư bên nguyên có trách nhiệm chứng minh tội trạng, nên phải nêu cáo trạng trước. Sáng mai, việc đầu tiên chúng ta thấy sẽ là luật sư bên nguyên bước lên phát biểu trước bồi thẩm đoàn. Thủ tục này gọi là tuyên bố mở màn. Ông sẽ trình bày lý lẽ bên nguyên. Tiếp đến, luật sư bên bị cũng làm tương tự. Sau đó, bên nguyên bắt đầu cho gọi nhân chứng. Mọi người cũng biết rồi, ông Duffy được cho là vô tội, nên việc của bên nguyên là chứng minh ông ấy có tội, và lý lẽ của họ phải vượt qua được nghi vấn hợp lý. Ông ấy khăng khăng nói mình vô tội, điều này trên thực tế không thường hay xảy ra. Khoảng tám mươi phần trăm người bị cáo buộc giết người cuối cùng đều nhận tội, vì thực tế là họ có tội. Hai mươi phần trăm còn lại ra tòa, và rồi chín mươi phần trăm số này bị chứng minh có tội. Vì thế một bị cáo tội giết người mà cuối cùng không bị chứng minh là có tội thì rất hiếm.”
“Bố mình nghĩ ông ấy có tội,” Brian nói.
“Nhiều người cũng nghĩ vậy,” Theodore nói.
“Cậu đã theo dõi bao nhiêu phiên tòa rồi, Theodore?”
“Mình không rõ. Mấy chục.”
Vì chưa bạn nào trong số mười lăm cậu trò còn lại trong lớp từng có mặt ở một phòng xử án nên con số ấy gần như ngoài sức tưởng tượng. Theodore tiếp tục: “Với bất kỳ ai trong các cậu hay xem ti vi, thì đừng trông đợi có màn pháo hoa nhé. Một phiên tòa ngoài đời thực rất khác, không phải là gay cấn lắm đâu. Sẽ không có nhân chứng bất ngờ, không có những màn kết tội đầy kịch tính, không có những cuộc tranh tụng nảy lửa giữa các luật sư. Còn trong phiên xử lần này, không có nhân chứng chứng kiến tận mắt vụ giết người. Nghĩa là, mọi chứng cứ của bên nguyên đều mang tính suy diễn. Mọi người sẽ được nghe nhiều đến từ này, đặc biệt là từ ông Cufford Nance, luật sư bào chữa bên bị. Ông ấy sẽ bám sát yếu tố bên nguyên không có bằng chứng trực tiếp, rằng mọi thứ chỉ là suy diễn.” “Mình vẫn thấy lơ mơ,” ai đó nói.
“Nghĩa là chứng cứ chỉ là gián tiếp, không phải trực tiếp. Ví dụ, cậu có đi xe đạp đến trường không?”
“Có.”
“Thế cậu có xích nó vào giá để xe gần cột cờ không?”
“Có.”
“Vậy, nếu chiều nay tan học, cậu ra chỗ cột cờ, và xe cậu đã biến mất, xích bị cắt, thì cậu có bằng chứng gián tiếp là ai đó đã ăn cắp chiếc xe. Không ai trông thấy tên trộm, nên không có bằng chứng trực tiếp. Và ta cứ cho là đến hôm sau, cảnh sát tìm thấy xe cậu ở một hiệu cầm đồ trên phố Raleigh, nơi nổi tiếng chuyên bán xe đạp ăn cắp. Chủ tiệm cung cấp cho cảnh sát một cái tên, họ điều tra và tìm ra một gã có tiền sử ăn cắp xe đạp. Lúc này, thông qua dẫn chứng gián tiếp, cậu có thể khởi kiện rằng tên này là kẻ trộm chiếc xe của cậu. Không hề có chứng cứ trực tiếp, mà chỉ là suy diễn.”
Ngay cả thầy Mount cũng đang gật gù. Thầy là tư vấn luật cho Đội Hùng biện khối Tám, và chẳng hề ngạc nhiên, Theodore Boone là ngôi sao của thầy. Thầy chưa bao giờ có cậu trò nào nhạy bén thông minh lanh lợi đến thế.
“Cảm ơn Theodore,” thầy Mount lên tiếng. Cả việc em lo được chỗ cho lớp trong buổi nữa.”
“Việc đó không có gì ạ,” Theodore trả lời không khỏi tự hào khi về chỗ.
Đây là một lớp ưu tú của một trường công có tiếng. Justin trước giờ vẫn là vận động viên xuất sắc nhất, dù cậu có thể chưa bơi nhanh được như Brian. Ricardo thì chấp tất cả trong hai môn golf và tennis. Edward chơi cello, Woody ghi ta điện, Darren trống, Jarvis kèn trumpet. Joey có chỉ số IQ cao nhất và năm nào cũng là học sinh giỏi. Chase là nhà khoa học điên rồ, lúc nào cũng như chực làm nổ tung phòng thí nghiệm. Aaron nói tiếng Tây Ban Nha theo mẹ, tiếng Đức theo bố, và dĩ nhiên là cả tiếng Anh. Brandon sáng sớm đi đưa báo, mua bán chứng khoán Online, và dự định sẽ trở thành tỉ phú đầu tiên của lớp.
Tất nhiên, vẫn còn hai cậu chàng chưa có gì sáng sủa, và một ở diện triển vọng.
Lớp thậm chí còn có luật sư riêng, với thầy Mount đây là lần đầu tiên.
Luật Sư Nhí Luật Sư Nhí - John Grisham Luật Sư Nhí