Số lần đọc/download: 1750 / 27
Cập nhật: 2015-12-03 17:33:58 +0700
No.2 Thủ Chính
T
hế nào là “thủ chính”? “Thủ” có nghĩa là tuân thủ, giữ gìn; “chính”, có nghĩa là chính phái, chính đạo.
“Thủ chính” có nghĩa là tuân thủ, giữ gìn đạo lý đúng đắn; không đi vào con đường tà đạo, bất chính, tất cả lời nói, hành vi, cử chỉ đều phải phù hợp với đạo lý đúng đắn.
Đối với nhân viên, thủ chính vô cùng quan trọng. Bất kỳ một nhân viên nào, nếu có lời nói, hành vi đi ngược lại với đạo lý nhất định sẽ không được người khác chấp nhận, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp.
“Tôi thực sự rất hối hận về hành vi trước đây của mình” Trương Vĩ vô cùng ăn năn, hối hận giãi bày.
Trương Vĩ vốn phụ trách tuyển chọn nhân tài ở một công ty của Đài Loan. Vào cuối năm ngoái, công ty yêu cầu anh tuyển hai giám sát tiếp thị, sau nhiều lần sàng lọc, tuyển chọn, trong gần hai trăm hồ sơ, cuối cùng anh đã chọn ra được 20 người vào phỏng vấn sơ bộ, xác định được mười ứng cử viên. Mười ứng cử viên sau khi được tổng giám đốc phỏng vấn, còn lại sáu người được xác định tham gia thi viết. Đến giai đoạn này, Trương Vĩ đã có thể được xem là làm đúng chức trách. Nhưng, sau khi xác định nội dung thi viết, Trương Vĩ đã phạm phải một sai lầm là nhận quà của ứng cử viên và tiết lộ nội dung bài thi viết cho người này. Cuối cùng, người này đã trở thành một trong hai giám sát tiếp thị mới của công ty với thành tích thi viết ưu tú.
Nhưng, chuyện tiết lộ nội dung thi viết đã nhanh chóng đến tai các đồng nghiệp, rồi đến tai tổng giám đốc, tổng giám đốc vô cùng tức giận, đầu tiên là cho giám sát tiếp thị đó nghỉ việc, sau đó mới thực hiện thủ tục cách chức Trương Vĩ.
Sau khi bị cách chức, Trương Vĩ đã xin việc ở vài doanh nghiệp cùng ngành, nhưng khi đối phương biết chuyện thì đều từ chối Trương Vĩ. Cho đến nay, anh vẫn là người thất nghiệp.
“Thủ chính” bao gồm hai mặt: ngôn ngữ và hành vi của bản thân. Khi đối diện với hành vi và lời nói không đúng đắn, tuyệt đối không được hùa theo.
Trước tiên, “thủ chính” đại diện cho tất cả hành vi đều phù hợp với “nghĩa”. Mà thế nào là “nghĩa”? Theo như lời của Mạnh Tử, “nghĩa” chính là đạo lý đúng đắn của nhân sinh, chính là chuẩn tắc hành vi mà mỗi người chúng ta ai cũng đều phải tuân thủ. Đương nhiên, với Khổng Tử, “nghĩa” không chỉ là đạo lý đúng đắn của nhân sinh, mà còn đại diện cho cái “thiện”, bao gồm việc thiện, hành thiện và con người từ thiện, “thủ chính” là làm việc thiện, làm người lương thiện.
Thứ hai, “thủ chính” còn đại diện cho việc không đi cửa sau, không tham cái lợi nhỏ mọn.
Thứ ba, “thủ chính” có nghĩa là không lôi bè kéo cánh, không mượn việc công để tư lợi riêng.
Cuối cùng, “thủ chính” còn có nghĩa là đối xử công bằng với người khác, không vì tình cảm cá nhân mà làm mất đi sự công bằng.
Bài học:
1. Bất kỳ một nhân viên nào cũng phải “thủ chính” (giữ gìn đạo lý đúng đắn).
2. “Thủ chính” của nhân viên bao gồm hai phương diện: lời nói và hành vi của bản thân; tuyệt đối không được đồng lõa, hùa theo người không ngay thẳng.
Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi
Người quân tử chỉ biết đến việc nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ ham cái lợi.
- Lý Nhân – Chương 4.16
Theo Khổng Tử, hành vi phù hợp “nghĩa” là căn bản của đối nhân xử thế. Ông đã từng nói: “Quân tử không có phương thức cố định và cũng không có mô thức cố định để đối xử với chuyện trong thiên hạ, chỉ mong là phù hợp với nghĩa mà thôi.”
“Lợi” là lợi ích, nói một cách khách quan, trong thiên hạ không có người nào là không thích chữ “lợi”. Tư Mã Thiên đã nói trong Sử ký - Hóa Thực liệt truyện: “Thiên hạ hy hy, giai vi lợi giai, thiên hạ nhưỡng nhưỡng, giai vi lợi vãng.” (Thiên hạ hớn hở đều vì lợi đưa đến, thiên hạ nháo nhác đều vì lợi mất đi). Cho dù là như vậy, nhưng tại sao Khổng Tử lại nói “người quân tử chỉ biết đến việc nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ ham cái lợi ích”? Rất nhiều người cho rằng, đối với Khổng Tử, “nghĩa” và “lợi” xung đột với nhau. Cách nghĩ này đúng là sai lầm.
Bởi vì, Khổng Tử chưa từng phủ định phú quý, ngược lại, Khổng Tử cho rằng nếu có thể cầu được phú quý, cho dù là làm một người đánh xe ngựa, ông cũng cam lòng. Hơn nữa, Khổng Tử cũng từng thừa nhận phú quý là điều ai cũng mong muốn. Nhưng, một người cho dù hy vọng đạt được phú quý đến đâu cũng nên ghi nhớ: không được đi ngược lại với đạo lý.
Trong tư tưởng của Khổng Tử, “nghĩa” và “lợi” không xung đột với nhau. Khi đối mặt với lợi ích, trước tiên phải suy tính xem “lợi” trước mắt có phù hợp với “nghĩa” không, nếu phù hợp với “nghĩa” thì cố mà giành được; còn nếu trái với “nghĩa” thì phải cự tuyệt không chút do dự. Đây chính là “thấy cái lợi phải nghĩ đến điều nghĩa”.
Nhưng trong thực tế có rất nhiều người không thể ngăn nổi sự cám dỗ của lợi ích, cho dù là biết rất rõ lợi ích trước mắt trái với đạo nghĩa cũng thản nhiên tiếp nhận, trở thành kẻ tiểu nhân “chỉ biết đến cái lợi”.
Lưu Phong đảm nhận chức phụ trách nhập nguyên liệu trong một doanh nghiệp chế tạo. Anh ta mới bị khai trừ do nhận tiền hoa hồng của nhà cung cấp. Khi vụ việc vỡ lở, anh không những không ý thức được sai phạm của bản thân, mà còn rất hùng hổ nói rằng: “Tôi nói cho các anh biết, thứ nhất, ở vị trí của tôi không có ai là không lấy tiền hoa hồng, tôi chẳng qua là không may mắn, bị các anh phát hiện. Thứ hai, bản thân là nhân viên nhập nguyên liệu, nhà cung cấp trả hoa hồng cho anh, anh mà không nhận thì quả là thằng ngốc, tôi không phải là thằng ngốc. Thứ ba, thế nào gọi là đạo nghĩa? Đạo nghĩa chính là lấy tiền hoa hồng của nhà cung cấp, cố gắng để họ cũng kiếm được tiền.”
Khi “lợi” và “nghĩa” xảy ra xung đột cũng chính là lúc kiểm tra xem cá nhân có giữ gìn sự chính trực hay không. Rất nhiều người không thể nào vượt qua cám dỗ này, đứng trước lợi ích, họ không nghĩ gì đến đạo nghĩa. Cũng giống như Lưu Phong trong ví dụ này, họ cho rằng chỉ cần là lợi ích thì phải lấy, nếu không sẽ là “thằng ngốc”. Số người có tư tưởng này quả thực không phải là ít.
Ngược lại, người chính trực có thể trải qua sát hạch kiểu này, họ coi phú quý bất nghĩa như phù du, khi lợi ích xung đột với đạo nghĩa, sẽ không do dự lựa chọn đạo nghĩa mà vứt bỏ lợi ích. Đây chính là điều mà Khổng Tử đề xướng. Ông đã từng nói:
“Cho dù là ăn cơm thừa canh cạn, đêm kê tay làm gối thì niềm vui của cuộc sống con người cũng là ở đó. Những người dùng cách không có đạo nghĩa để đạt được phú quý, đối với ta mà nói cũng giống như những tảng mây trôi vậy.”
Cho dù là ăn cơm thừa canh cạn, đêm kê tay làm gối, cũng không thèm quan tâm đến sự “phú quý bất nghĩa”.
Đây là thái độ chính trực.
Bài học:
1. “Nghĩa” và “lợi” không đối lập với nhau, càng không xung đột với nhau.
2. Khi “nghĩa” và “lợi” xảy ra xung đột, hãy lựa chọn “nghĩa”.
Đạo bất đồng, bất tương vi mưu
Người không cùng một đạo lý thì không thể ngồi bàn luận công việc cùng nhau được.
- Vệ Linh Công – Chương 15.40
Giữa tháng 11 năm 2009, sau gần hai tuần suy nghĩ, Khương Phong đã trình báo cáo từ chức cho cấp trên.
Khương Phong là một nhân tài công nghệ xuất sắc. Anh làm quản lý nghiên cứu khai thác cho một doanh nghiệp game online (trò chơi trực tuyến). Tháng 10 năm 2009, tôi nhận lời mời đến làm khách của chương trình “Kích thích trí tuệ”, chủ đề của kỳ này là “Việc nghiện game online từ đâu mà ra và hậu quả là gì?” Khi bàn đến ảnh hưởng của Internet đối với trẻ nhỏ, tôi đã nói đến “tội ác” của ngành công nghiệp game online. Điều này đã khiến Khương Phong chú ý cao độ – Lúc đó anh đang ngồi ở hàng ghế khán giả của trường quay. Sau khi kết thúc buổi ghi hình, tôi vội đi ra phía hội trường, lúc đó, Khương Phong chặn tôi lại.
Ngày hôm đó, chúng tôi đã bàn luận rất nhiều về vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp game online: Khương Phong đã nhận thức được rất nhiều tác hại nghiêm trọng của game online đối với trẻ nhỏ. Đương nhiên, chúng tôi cũng thảo luận một vài phương án giải quyết, ví dụ như dùng trò chơi “tam tự kinh”, “đệ tử quy” với chủ đề nhân ái, chính trực, hiếu học để thay thế cho các trò chơi sặc mùi giết chóc, ái tình như hiện nay. Khương Phong cho thấy nhiệt huyết muốn khai thác những trò chơi kiểu mới này, nhưng tôi biết ngành công nghiệp game online với mục đích lợi nhuận duy nhất như hiện nay thì ý tưởng của anh có phần hơi ngây thơ và đơn giản. Quả nhiên không ngoài dự đoán, kiến nghị của anh đã vấp phải sự phản đối của cấp trên: “Phải biết rằng, chúng ta là doanh nghiệp, lợi nhuận là mục đích duy nhất, những việc có giá trị xã hội đó hãy để các nhà từ thiện làm đi!”
Khi kiến nghị của mình bị từ chối, Khương Phong đã gọi điện thoại cho tôi, nêu ra ý tưởng của mình: “... Suy nghĩ không giống nhau, khó mà cùng làm việc với nhau được. Tôi cảm thấy tôi không thể nào tiếp tục làm việc ở công ty này nữa, tôi quyết định xin thôi việc!” Cho dù ủng hộ cách nghĩ của anh, nhưng tôi vẫn khuyên anh hãy suy nghĩ cẩn trọng thêm.
Tôi rất tán đồng và tôn trọng lựa chọn của Khương Phong, nếu tôi là anh, tôi cũng làm như vậy. Khổng Tử cũng đã từng có hành động tương tự như vậy, người nước Tề đã gửi một đoàn ca nữ tặng cho thượng khanh cầm quyền lúc bấy giờ của nước Lỗ là Lý Hằng Tử. Sau khi nhận đoàn ca nữ này, Lý Hằng Tử chìm đắm trong hoan lạc, ba ngày liền không lên triều. Khổng Tử không thể chấp nhận được việc này, nên đã từ chức.
Đây đúng là “đạo bất đồng, bất tương vi mưu”.
Đương nhiên, để làm được “không cùng suy nghĩ, chí hướng thì khó mà cùng làm việc” là vô cùng khó khăn. Nhiều khi phải trả một cái giá rất đắt, thậm chí là sẽ bị mất việc, bất kể là Khương Phong thời nay, hay là Khổng Tử thời xưa đều đã chứng minh được điều này.
Trái với “đạo bất đồng, bất tương vi mưu” là “đạo tương đồng nhi tương vi mưu” – Khi quan niệm giá trị thống nhất mới có thể cùng nhau mưu sự. Điều này có nghĩa là chúng ta phải phục vụ cho doanh nghiệp có cùng giá trị quan với chúng ta, làm việc mà bản thân yêu thích và am hiểu, đây chính là mấu chốt của việc đạt được thành tựu to lớn.
Bài học:
Là nhân viên, cần phải lựa chọn công việc và sự nghiệp mà bản thân mình yêu thích, phục vụ cho tổ chức và doanh nghiệp có cùng quan niệm giá trị với mình.
Bất tẩu tiệp kính
Không đi đường tắt
Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi.
Dục tốc, tắc bất đạt; kiến tiểu lợi, tắc đại sự bất thành.
Chớ vội vàng, đừng tham lợi nhỏ. Muốn nhanh thì không đến đích, tham lợi nhỏ thì bỏ mất việc lớn.
- Tử Lộ – Chương 13.17
Tử Hạ làm quan phụ mẫu ở một địa phương, thỉnh giáo Khổng Tử về việc làm thế nào mới có được thành tích trong sự nghiệp. Khổng Tử biết Tử Hạ làm việc hay nóng vội, nên đã nói với Tử Hạ rằng: Chớ vội vàng, đừng tham lợi nhỏ. Muốn nhanh thì không đến đích, tham lợi nhỏ thì bỏ mất việc lớn.
Một số người thường phạm phải tật nóng vội, đều hy vọng có thể tìm được phương pháp xử lý tốt công việc sao cho nhanh nhất, tiết kiệm thời gian và sức lực nhất, nên chỉ chú tâm suy nghĩ tìm con đường tắt để đi cho nhanh. Nhưng, đường tắt chỉ được phát hiện sau khi đã tốn tương đối thời gian và sức lực. Thực tế, làm việc theo thứ tự là phương pháp tiết kiệm sức lực nhất.
Cùng với sự mở rộng không ngừng của quy mô công ty, các bộ phận cũng nhiều thêm, chế độ quản lý và quy tắc quản lý cũ đã không còn thích hợp. Thế là, chúng tôi quyết định lập ra quy trình quản lý hoàn thiện phù hợp với nhu cầu phát triển của công ty. Nhiệm vụ này giao cho bộ phận nhân sự. Bộ phận nhân sự đã tiến hành tìm hiểu nhiệm vụ này, cuối cùng phát hiện ra rằng đây là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp, khó khăn, cho nên họ đã nghĩ ra phương pháp “nhanh, hiệu quả cao” – tức là chỉ thị cho các bộ phận tự tiến hành lập ra quy trình quản lý của riêng mình, sau đó bộ phận nhân sự sẽ tập hợp và chỉnh lý lại.
Bộ phận nhân sự tự cho rằng đây là một biện pháp hết sức tuyệt vời, nhưng, thực tế lại trái với kế hoạch Thời gian định sẽ phải xong trong hai tháng, cuối cùng kéo dài đến nửa năm cũng chưa hoàn thành. Các bộ phận viện lý do công việc bận rộn nên đùn đẩy thời gian bàn giao công việc. Sau khi đốc thúc nhiều lần, cuối cùng các bộ phận đã bàn giao quy trình cho cấp trên, nhưng lúc này nhân viên của bộ phận nhân sự mới tá hỏa rằng: Những quy trình này căn bản không thể áp dụng được, tất cả các quy trình mà bộ phận nhân sự được bàn giao dường như đều là nội dung sao chép từ trên các trang web về, những quy trình này không hề phù hợp với tình hình thực tế của công ty.
Do đó, bộ phận nhân sự đã triệu tập những người phụ trách của tất cả các bộ phận và mở cuộc họp, hy vọng các bộ phận có thể tiến hành cải tiến quy trình cho thiết thực với tình hình thực tế. Nhưng cuộc họp này đã thất bại hoàn toàn, kiến nghị của bộ phận nhân sự đã vấp phải sự phản đối của tất cả mọi người, ý kiến của mọi người đều thống nhất: Lập ra quy trình quản lý vốn là chức trách và nhiệm vụ của bộ phận nhân sự, dựa vào cái gì mà chiếm dụng thời gian làm việc của chúng tôi? Cho dù là chúng tôi đồng ý phối hợp, thì cũng chỉ là đưa ra một vài ý tưởng góp ý.
Trong công việc, rất nhiều người luôn thích giở thói khôn vặt, tự cho rằng bản thân mình đã tìm ra được lối đi tắt, tiết kiệm được thời gian và sức lực. Nhưng đến cuối cùng, lại phát hiện rằng không phải là lối đi tắt, cái gọi là “lối đi tắt” luôn yêu cầu phải bỏ ra nhiều thời gian, sức lực. Cũng giống như bộ phận nhân sự của công ty chúng tôi, tự cho rằng mình đã tìm được phương pháp “thông minh”, có thể ngồi mát để hưởng kết quả, cuối cùng đã lãng phí gấp ba thời gian mà không đạt được mục đích.
Bài học:
1. Dục tốc bất đạt.
2. Trong thực tế, không hề có lối đi tắt.
Quần nhi bất đảng
Hòa hợp với người nhưng không kết bè phái
Trong “Luận Ngữ” đã phân biệt rất nhiều lần quân tử và tiểu nhân: “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu” (Quân tử đoàn kết rộng rãi mọi người chứ không kéo bè cánh. Tiểu nhân kéo bè kết cánh mà không đoàn kết). “Quân tử cầu giả kỷ, tiểu nhân cầu giả nhân” (quân tử mọi thứ đều dựa vào mình, tiểu nhân đều dựa tất cả vào người khác), “quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” (Quân tử hòa hợp nhưng không về hùa với ai, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa hợp với ai) v.v…
“Chu nhi bất tỉ, hòa nhi bất đồng” nhấn mạnh hài hòa, đoàn kết, hiệp đồng nhưng không câu kết, không kết bè kết đảng. Đối với doanh nghiệp, nhân viên có thể làm được “Chu nhi bất tỉ, hòa nhi bất đồng” hay không là rất quan trọng. Rất nhiều doanh nghiệp còn tồn tại cạnh tranh bè phái, có một vài cạnh tranh thậm chí tạo ra tiêu hao nội bộ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu suất và phát triển của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp thực phẩm của Đông Bắc đã từng bị lao đao vì nhân viên trong nội bộ cạnh tranh với nhau. Từ vị trí đi đầu tạo ra thị hiếu trong thị trường, doanh nghiệp này trở thành kẻ chạy theo thị trường. Trong doanh nghiệp này, từ chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch, tổng giám đốc đều có thân tín và trợ thủ riêng, những thân tín và trợ thủ này bỏ lơ chỉ thị của người khác nên rất nhiều quyết sách có lợi cho phát triển của doanh nghiệp đến tay họ đều bị biến thành đống giấy lộn, căn bản không thể thực thi, do đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp này. Cuối cùng, cạnh tranh nội bộ của doanh nghiệp này đã phát triển thành đấu tranh nội bộ. Qua gần nửa năm tranh đoạt quyền lực, chủ tịch và tổng giám đốc công ty đã bị đẩy lui khỏi cục diện, nhưng, họ đã mang theo thân tín, nhanh chóng thành lập ra một doanh nghiệp thực phẩm mới. Còn doanh nghiệp kia do đấu tranh một thời gian dài sức mạnh đã bị suy yếu, nên đến nay vẫn chưa thể hồi phục được quy mô thị trường ban đầu.
Hiện tượng này không hề hiếm gặp trong doanh nghiệp tư nhân. Một doanh nghiệp mong muốn được phát triển liên tục và lâu dài, thì phải tránh không để xảy ra cạnh tranh đảng phái nội bộ. Điều này không chỉ quyết định bởi phẩm chất và tố chất của người quản lý, mà còn được quyết định bởi các nhân viên có thể có tác phong quân tử – có thể làm được “đoàn kết rộng rãi với mọi người chứ không kéo bè kéo cánh” hay không.
Hòa mình vào tập thể có nghĩa là có thể đối xử hài hòa với người khác, đây là một trong những tố chất mà một nhân viên phải có. Nhưng nếu hòa mình vào tập thể phát triển để kéo bè kết đảng thì sẽ trở thành tai họa của doanh nghiệp. Do đó, là nhân viên, cần phải coi lợi ích của doanh nghiệp là kim chỉ nam, đối xử, phối hợp hài hòa với cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới; chứ không được kết bè kết đảng.
Bài học:
Đối xử hài hòa với người khác, không lôi bè kéo cánh.
Dĩ trực báo oán
Lấy ngay thẳng báo oán
Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức.
Lấy chính trực mà đáp lại sự oán nghịch, dùng ân đức để báo đáp ân đức.
- Hiến Vấn – Chương 14.34
Có người hỏi Khổng Tử: “Lấy ân đức để báo đáp oán hận, như vậy có nên chăng?” Khổng Tử đáp: “Vậy, lấy gì để báo đáp ân đức? Cần phải lấy công bằng, ngay thẳng để báo đáp oán hận, dùng ân đức để báo đáp ân đức.”
Khi mọi người khen ngợi một người có tấm lòng lương thiện, thường nói: “Người này có thể lấy đức báo oán.” Ngược lại, đối với một người vong ân phụ nghĩa, thì mọi người sẽ nói: “Người này khẩu phật tâm xà, chắc chắn sẽ lấy oán trả ơn, là lấy oán báo đức”.
“Lấy đức báo oán” nghe thì rất hay, nhưng làm thì vô cùng khó khăn, thậm chí có thể nói là phi hiện thực. Một người làm tổn thương bạn, làm cho bạn oán hận, bạn còn lấy ân đức để đối xử với người đó, khó có thể chấp nhận điều này. Cho nên, Khổng Tử đã không đề xướng “lấy đức báo oán”, do đó, ông đã dùng ngữ khí phản vấn để phủ định quan điểm của người đặt ra câu hỏi: “Vậy, lấy gì để báo đáp ân đức?”
Khổng Tử không đề xướng “lấy đức báo oán”, là bởi vì ông biết làm được điều này rất khó, đồng thời, một khi “lấy đức báo oán” thì dùng cái gì để báo đáp ân đức của người khác? Vậy, cần phải dùng cái gì để đáp trả lại oán hận? Câu trả lời của Khổng Tử là: “trực”.
“Trực” có nghĩa là công bằng, ngay thẳng. Tại sao phải “lấy trực báo oán”? Điều này cần phải kết hợp với hiện thực để phân tích: Khi chúng ta bị người khác chỉ trích và phê bình trong công việc và cuộc sống, thâm tâm nhất định sẽ tạo ra tâm lý bất mãn. Lúc này sẽ có tâm lý không tốt “lấy oán báo oán”: nhất định phải tìm cơ hội để đáp trả đối phương. Như vậy, sẽ làm mất đi đánh giá công bằng, công chính liêm minh với đối phương. Sự việc như thế này không hề hiếm gặp.
Trước mùa xuân, Lưu Khải bị công ty khai trừ với lí do rất đơn giản: Ngụy tạo sự thực để phỉ báng đồng nghiệp. Hóa ra, trong một cuộc họp, một đồng nghiệp đã xảy ra tranh chấp với Lưu Khải, lần tranh chấp này đã làm cho Lưu Khải mất mặt với mọi người, cho nên Lưu Khải đã tìm cơ hội để trả thù người đồng nghiệp này. Nhưng, mãi anh ta không tìm ra cơ hội, nên anh ta đã tạo ra một tội danh là người đồng nghiệp này nhận hối lộ của công ty quảng cáo, rồi phát tán cho các đồng nghiệp khác biết. Thời gian sau đó, người đồng nghiệp này bị mọi người chỉ trích, Lưu Khải rất thoải mái vì được trút cơn giận. Nhưng, rất nhanh sau đó sự việc được bộ phận nhân sự điều tra làm rõ.
Nếu Lưu Khải hiểu được “lấy trực báo oán” thì có thể tránh được rủi ro bị khai trừ.
Trong quá trình công tác, xảy ra xung đột với đồng nghiệp là điều không thể tránh khỏi, mấu chốt của vấn đề là: Sau khi xảy ra xung đột, có thể tiếp tục giữ thái độ khách quan với đối phương hay không. Thực tế, trong cuộc sống rất nhiều người do mâu thuẫn oán hận nảy sinh, mong muốn tìm được cơ hội trả thù đối phương, giống như Lưu Khải ở trong ví dụ trên.
“Lấy trực báo oán” nói cho chúng ta biết rằng cần phải dựa vào sự việc, chứ không được tham gia vào thiên kiến và tình cảm của bất kỳ một người nào, phải coi sự thực là căn cứ, đối xử với đối phương công bằng, khách quan.
Chỉ có như vậy mới là một nhân viên đúng nghĩa.
Bài học:
Bất kể bạn có ân oán gì với đối phương, cũng đều phải đối xử công bằng, khách quan với họ.