One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thanh Hoa
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2256 / 37
Cập nhật: 2015-09-09 10:15:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ũng cứ ở vũ trường Tonkiti, một khách thường trực khác rất đáng chú ý, nhưng không biết cần theo dõi hay không. Xin chỉ thị của thượng cấp về người nầy.
Đó là trung úy Văn, vào vũ trường với dân phục cố nhiên. Nhưng trung úy Văn lại là một người văn nghệ và ký giả, nhưng người nầy ngoài tư cách làm văn nghệ lại còn là sĩ quan.
Tuy nhiên vẫn theo dõi trong khi chờ đợi thượng lịnh.
Trung úy Văn chỉ đi giải trí chớ không có nhơn tình, tuy nhiên ông ấy thường đi với bạn, mà bạn của ông ấy không phải người trong giới văn nghệ, không phải người trong làng báo, cũng không phải quân nhân.
Cũng đang tìm biết căn cước của những người ấy".
A.Z B 022 Choroforma 4 Pyrodoxyl
Một ác ý của chàng, làm cho chính Định cũng rùng mình, ghê tởm.
Loại báo cáo mật của chàng chỉ giúp nhà nước thanh lọc hàng ngũ công bộc chớ chẳng gây hại cho ai hết. Chàng mà có phao vu ông ký nầy, ông tham sự nọ, ông đại úy kia, các ông ấy cũng chẳng vào tù hay mất chức, vì người ta còn điều tra xem các ông ấy có hạm, có thụt két hay không, rồi mới trừng phạt họ được. Công việc của chàng là đưa tên người khả nghi lên ban điều tra mật nào đó không rõ, qua tay thượng cấp của chàng.
Nhưng rồi khi được tín nhiệm của thượng cấp, chàng có thể được chuyển qua các khu vực khác mà một bản báo cáo có thể đưa ai đó xuống âm ty như chơi.
Khi bỏ mấy tờ báo cáo vừa đánh máy xong vào bao thơ. Định đã nảy ra cái ý hại ông Mạnh bằng phương tiện đó, ngày nào mà có dịp.
Nhưng là người có thiện cảm, chàng bỗng nghe ghê tởm tà ý của mình.
Định là người con trai chưa bao giờ bị những ý nghĩ rắc rối làm mệt trí óc chàng. Chàng chỉ thích hưởng cuộc đời, còn những gì lôi thôi làm mệt trí óc chàng, chàng xua chúng nó đi cả, đuổi xô chúng nó như đuổi tà.
Nhưng tháng nầy, chàng biến thành một con người khác, một con người chỉ ham thảnh thơi, thư thả trí óc, mà trí óc lại nặng hai vấn đề phức tạp nó đeo đuổi chàng, khiến chàng khó chịu vô cùng.
Vấn đề thứ nhứt là việc chối bỏ trách nhiệm làm mẹ của Lan. Về vụ nầy, chàng đã có quan niệm sẵn, ngay từ thuở còn đi học:
l)
Không một cá nhơn nào có quyền truất sự sống của một cá nhơn khác.
2)
Nếu truất cái sự sống đang nằm ngay trong bụng ta, ta sẽ gánh hậu quả tai hại cho sức khỏe về sau, nếu ta thoát chết trong lúc làm công việc sát nhơn ấy.
Như vậy, chàng đã phải lên án Lan, lên án chị của nó, cho dầu chàng đã trót thương xót sai lầm trong một phút rối trí, tiếp tay với họ, chàng vẫn nhờm gớm họ sau đó mới đúng với quan niệm có sẵn của chàng.
Nhưng mà cái quan niệm có sẵn ấy đã bị xáo trộn rồi. Chàng chưa quan niệm khác được sự hoang mang đang diễn ra, nên chàng mới phải nhức đầu nhiều đêm và suy nghĩ.
Về cái vụ lăn đùng ra mà chết trên giường của chàng hay gánh chịu hậu quả tai hại về sức khỏe sau nầy, thì Lan nó cóc cần. Nó thấy rằng tuổi xuân của nó bị bẻ gãy, tai hại hơn hai thứ kia nhiều lắm.
Nó ốm nhom với một đứa con thơ trên tay, không làm ăn gì được mà cũng chẳng ai thèm rinh nó về để nuôi cơm cả mẹ lẫn con, cảnh đời ấy nó thấy đáng sợ hơn là chết ngay hoặc mười năm sau thì yểu tử, vì đã phá thai.
Chàng cũng nghĩ như nó. Nhưng chàng không thể bỏ xã hội và quan điểm của xã hội. Lan có cái lý của cá nhơn Lan mà xã hội cũng có cái lý của xã hội. Nếu xã hội không bảo vệ con người thì ngày kia loài người sẽ bị chính loài người tận diệt.
Bởi vậy cho nên mới có bài học luân lý ở các trường tiểu học, dạy rằng, tự tử là hèn nhát vì tự tử là đào ngũ phận sự làm người.
Nhưng có kỳ chưa? Sao xã hội không bỏ tù mấy đứa tự tử hụt? Tự tử thành công, tụi nó nặng tội lắm, nhưng lũ nó đã hui nhị tỳ rồi, không làm sao mà bỏ tù tụi nó được, thì ít ra cũng phải kiếm ăn với tụi "bị" người ta cứu sống chớ. Bởi vì theo pháp luật, thì "toan làm" có nhẹ tội hơn "đã làm" thật đó, nhưng nhẹ không có nghĩa là nên tha bổng.
Nếu tự tử thành công, đáng tội bị xử tử, vì tự tử thành công là sát nhơn cộng lại với đào ngũ, thì toan tự tử ít lắm phải bị một năm tù.
Vậy xã hội rất có lý mà muốn bảo vệ con người, nhưng bảo vệ rất là sơ sót, quên bỏ tù bọn chết hụt, quên bỏ tù mấy chị bán vi trùng dịch tả, trong những gánh hàng rong ruồi bu đen nghẹt.
Nhưng mà cá nhơn cũng đáng thương xót lắm thay, và quan điểm của họ cũng được ta cứu xét lắm thay! Đành rằng tại họ nghe lời đường mật, đáng kiếp họ lắm, nhưng họ đói, không đi bán mía ghim được bởi một cục nợ đời trên tay, họ đói, không nhờ chồng nuôi được vì dung nhan sa sút, không kể những cái ấy sao chớ?
Cái vấn đề thứ nhì làm chàng nhức đầu là hành vi của thằng cha Mạnh trọc phú. Nó phá đời con gái của người ta mà không thể cho nó vào tù vì có sự ưng thuận của cô gái. Nhưng cô gái vẫn mang thai như thường, mặc dầu có sự ưng thuận hay không. Tại sao xã hội chỉ kể đến điểm có sự ưng thuận hay không mà đã quên điểm có mang hại hay không?
Xã hội bảo vệ con người mà bất kể quan niệm riêng của cá nhơn trong vấn đề phá thai, sao ở đây xã hội lại chẳng bất kể sự ưng thuận của cá nhơn?
Có lẽ bởi vì không có ai chết trong vụ nầy cả, mà có thể lại có người còn làm giàu. Ừ, nếu Lan nó không ăn xài lớn, dùng một trăm ngàn ấy để mở một hiệu chạp phô nhỏ ở ngoài chợ thì có thể vài năm sau, nó trở thành triệu phú bằng giấu sữa hộp, giấu đường cát trắng, giấu hộp diêm quẹt, giấu đèn cầy, giấu dầu hôi, giấu gạo, giấu cây tăm xỉa răng, giấu xà bông, giấu tất cả mọi món hàng để bán chợ đen, hoặc để đợi giá mới mà bán hàng cũ.
Thế thì hóa ra thằng cha Mạnh lại đáng khuyến khích vì nó tạo triệu phú tương lai, chỉ tại các cô không thèm làm triệu phú đó thôi chớ.
"Ha... ha... ha... thật là điên cái đầu, những tội trạng có thể là tội trạng, mà cũng có thể không, vì một chút xíu gì đó, thật là mong manh. Lan chỉ cần thốt ra một tiếng ngắn là "ừ" hoặc "không" là thằng cha Mạnh thảnh thơi đi giải trí hoặc vô Chí Hòa nghỉ xả hơi. Cá nhơn có khi bị bắt ép phải theo lề lối nào đó, có khi được tự do thả giàn. Nhức đầu quá, trời ơi là trời!"
Đêm nay, Định về sớm, mà trót quen thức đêm, chàng cứ trằn trọc mãi, và tự nhiên, chàng cố nhớ Lan để lấp chỗ trống rất khó chịu nơi trí óc trong những giờ thao thức.
Chàng cố mà làm Tây, làm người da trắng, để bất kể đến sự hoen ố của Lan. Cái thằng Á Đông nơi chàng mà bị thủ tiêu rồi thì Lan là con người lý tưởng của chàng vậy.
Lan chưa hề yêu và nếu quan niệm rằng chữ trinh nằm nơi tim chớ không nằm nơi khác, thì Lan hẳn là một trinh nữ đứt đi rồi, không còn chối cãi gì được nữa hết.
"Không lẽ cái trái tim còn nguyên vẹn ấy lại không biết rung động lần nào hay sao, mà nếu lần nầy nó rung động được vì mình thì mình sẽ gặp hạnh phúc tuyệt đối. Mình mà xem tình yêu là một trò đùa chỉ vì mình chưa gặp "Tình Yêu", chớ con người không ai lại không cần yêu, ít lắm là một lần trong đời họ".
Định đã nghĩ đến Lan trong nhiều đêm rồi, nhưng chỉ nghĩ qua vậy thôi, thỉnh thoảng cũng có thèm muốn sơ sơ cô gái ấy, khi hình dung ra cái gương mặt kiều mị và rất dễ thương của thiếu nữ ấy, nhưng đêm nay chàng xem em gái của cô thu ngân viên của vũ trường Eldorado là một vấn đề, và nghiêm trang cứu xét vấn đề nầy.
Chàng lại vừa thành thật với chính mình rằng tiềm thức mình đã âm thầm yêu cô bé đó, và công khai được với chính mình, chàng nghe nhớ Lan ghê đi.
Lần đầu tiên trong đời chàng, Định nghe thiếu một phụ nữ bên cạnh chàng, không phải vì không thể tìm Lan ngay bây giờ được mà vì chàng rất cần tâm tư của Lan, Lan ở xa bao nhiêu cũng được, miễn nàng nghĩ đến chàng, yêu chàng, nhớ chàng là đủ rồi.
Thiếu ở đây là thiếu về mặt tinh thần ấy, chớ còn nếu chàng cần, chàng chỉ ngồi dậy thay y phục là năm mười phút sau, chàng sẽ có gái đẹp, có thể còn đẹp hơn Lan nữa.
Đêm nay Định mới biết thế nào là "tình yêu": chàng nghĩ luôn tới Lan, bị hình bóng Lan ám ảnh, nhớ Lan ghê lắm, mà không bao giờ nghe thèm muốn Lan cả. Thật là trái với những lần khác, có đêm chàng thấy lại cái eo rất khéo tạc của Lan, có khi đôi chơn Lan hiện rõ ra trên màn đêm, đôi chơn mặc duýp thật ngắn ấy không trắng trẻo lắm, nhưng no và rất ngay, có khi đôi môi thắm tự nhiên của Lan như mỉm cười với chàng, đôi môi mà chàng nghe như thèm cắn vào đó.
Chàng phân tích lòng mình xem tại sao mà chàng không tự thú với mình rằng chàng yêu cô bé ấy. Không phải vì chàng đã chứng kiến một cảnh phi pháp, trái đạo và ghê tởm và đã nghe kể một cuộc phiêu lưu bẩn thỉu. Nhứt định đó không phải là lý do nó xui chàng xua đuổi Lan ra khỏi lòng chàng.
Sở dĩ chàng không thèm yêu Lan là tại chị nó dại dột tặng nó cho chàng. Anh con trai nào cũng nhiều tự ái cả, về đường tình. Các cậu thì cha mẹ của các cậu có chọn vợ cho các cậu, luôn luôn các cậu từ chối, từ chối cả đi xem mắt các cô, từ chối nghe quảng cáo các cô. Các cậu thích tìm lấy hơn.
Đó là nói chuyện hôn nhơn. Việc tìm nhơn tình cũng thế. Trong một triệu anh con trai dễ thường chỉ có một anh thích nằm ngửa dưới gốc cây, hả miệng ra để đợi cho trái chín rụng ngay vào miệng anh ta mà thôi. Chín trăm chín mươi chín ngàn chín trăm chín mươi chín anh khác, ưa trèo lên cây hơn, cây có nhiều kiến vàng hoặc có nhiều kiến hôi, các anh càng thích chí, và nếu được đánh nhau với nhiều anh khác để giành một trái không ngon lắm, các anh lại càng hăng say đánh và càng mê cái trái không ngon ấy.
Ấy, hễ dễ ăn lắm thì các anh không thèm.
Định đã không thèm Lan, chỉ vì Lan được dâng lên cho chàng trên một chiếc mâm vàng. Tuy nhiên, tiềm thức chàng cứ ghi nhận hình bóng và tâm hồn cô gái ấy, len lén ấp ủ các thứ ấy trong đó.
Nếu đêm nay mà chàng không bắt chợt mình đến phải tự cung khai ra tình cảm thật của lòng mình thì có lẽ Lan sẽ được giá trong lòng chàng đến năm ba năm nữa, đến khi nào tái ngộ mà Lan lại hóa thành trái cấm thì chừng đó chắc chắn là chàng sẽ nỗ lực chinh phục Lan, càng bị Lan hất hủi, chàng càng mê.
Con gái không o con trai không phải vì sợ đạo đức và dư luận lên án, mà tại bản thể của con trai là bản thể chiến đấu, càng chiến đấu cam go, càng say sưa, còn bản thể con gái là bản thể lẩn trốn, hai bản thể ấy thật là bổ túc nhau một cách huyền diệu, hay vô cùng.
Thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ, có những cô gái o mèo, những anh trai mèo ướt, nhưng họ là một thiểu số thật nhỏ, trong một đô thị lớn như Sài Gòn, đông những hai triệu người, họ không vượt quá con số hai trăm đâu.
Định đã phải tự cung khai với mình và với mình chàng công khai yêu Lan, nhớ Lan, nhưng cũng chẳng đi tới đâu cả, nếu lần tái ngộ, chàng hôn đại Lan mà không bị phản ứng nào.
Đã bảo hễ dễ ăn quá thì các cậu không thèm kia mà.
Định ngủ quên với hình ảnh cô gái vừa bước vào lòng chàng.
Những đêm sau đó, chàng đi công tác rất trễ. Chín giờ tối mà chàng chưa ra khỏi nhà vì chàng cứ nán đợi, sợ nàng đến mà không gặp chàng.
Định không phải là dân chơi bời chánh hiệu con nai mà vào trễ ở các hộp đêm. Chàng phải tới sớm hơn thiên hạ để quan sát mọi việc, bởi chàng cần rõ mặt, thuộc tên không biết bao nhiêu người, mà đèn còn sáng thì dễ làm loại công việc nầy hơn là về khuya, không thấy được cả mặt người ngồi cách hai bàn nữa.
Chín đêm liên tiếp như vậy, Định muốn nổi khùng lên. Nếu cộng thêm những đêm trước sự khám phá ra lòng mình, tức là những đêm sau khi Lan đến thăm chàng cho tới đêm lịch sử thứ nhì ấy, (đêm lịch sử thứ nhứt là đêm chàng suýt vào tù vì Lan), thì chàng không thấy mặt em gái của Liên đã mười bảy ngày đêm rồi.
Chàng thử hình dung ra Lan xem sao, nhưng lạ quá, chàng không thể thành công. Gương mặt của Lan rất là mơ hồ nơi ký ức của chàng, cỡ gặp nàng đâu đó là chàng nhận diện được ngay,
còn cố tưởng tượng thì không sao thấy được.
Chàng nhớ mang máng rằng đôi mắt và cái miệng của Lan giống Liên vô cùng, chỉ có thế thôi, nhưng lại món ấy không đủ để tạo một nhân diện.
"Liên! à, Liên bây giờ ra sao rồi nhỉ? Cũng lâu lắm, hơn tháng nay mình không có trở lại Eldorado nữa, không biết nàng có nghĩ tới mình nữa hay không? Chị ba ơi, chị ngồi buồn, có nhớ lại thằng nầy, chắc chị buồn cười cho cái ngốc của nó ghê lắm phải không chị?
"Chị khá lầm đấy nhé! Chị lợi dụng mấy thằng si còn trẻ tuổi một cách tài tình như vậy thì chị cũng là một cây chớ chẳng vừa đâu nhé! Mấy thằng trẻ tuổi ít xu, nhưng nó lại giàu khờ khạo. Biết dùng tất cả mọi khả năng của con người chị là một tay thầy vậy. Lành làm thúng, rách làm mê phải không chị ba.
"Nhưng thằng em nầy không hờn chị ba đâu, chị ba đã dạy nó một bài học rất quan trọng, một thế võ ruột, gần gần như một sát thủ giản, có lợi ích cho nó không biết bao nhiêu."
Nghĩ tới đây, Định lại hình dung ra Liên. Gương mặt của Liên thì đã in rõ vào ký ức của chàng rồi, nên chàng chỉ bấm nút như vặn máy vô tuyến truyền hình là thấy mặt Liên ngay.
Liên đẹp kinh hồn, và nếu không có gì xảy ra, rất có thể chàng đã si Liên thật sự. Vì một tuần sau đó chàng bận công tác, buổi đầu phải làm việc cho đắc lực mới xong nên chàng tới lui với Liên, mà tai hại hơn nữa là Liên lại tự động dâng mình.
Ấy, Liên cũng là nạn nhơn của tự ái, của bọn mày râu. Dễ ăn quá thì không ai muốn ăn hết. Định đã bị xúc động trước nhan sắc của nàng, rồi sau khi ý thức về tuổi tác của nàng, vẫn còn hãnh diện mà tán tỉnh nàng chớ không bị mặc cảm với những người xung quanh.
Chỉ vì Liên bấn loạn việc nhà, lo tìm phương thoát chớ không lo bận yêu đương, nên không làm gì cả để khuyến khích chàng, rồi sau đó nó còn làm việc động trời khiến chàng suýt mang hại, không thôi thì...
Định đã muốn nổi khùng lên vì mỏi mòn trông đợi.
"Tại sao Lan không đến chơi? Nó đã thiết tha xin phép trở lại kia mà! Nhưng a...ha...ha...Tại sao nó lại đến? Nó chỉ xin phép để tỏ cảm tình hầu coi cho đẹp thôi. Có thể rồi nó cũng sẽ đến, nhưng lâu lắm, khi nào bạn bè của nó kẹt hết, nó buồn quá ghé bậy đây giây lát, chớ nó đến để làm gì? Không, nó không có lý do để mà đến. Mình đợi nó thật giống thằng cha ấp cây đợi thỏ!"
Những ý nghĩ trên đây thúc giục Định trở lại vũ trường Eldorado. Chàng sẽ đầu hàng vô điều kiện người đẹp, thú thật cái món quà chàng đã từ chối ấy, giờ chàng cần nó cho đến quýnh lên rồi. À, mà phải nói rõ là món quà nào, bởi có hai món, không nên để Liên ngộ nhận, càng không nên để Liên có dịp cố ý ngộ nhận.
Nhưng rồi chàng cũng thôi, không thi hành ý định. Tự ái đực rựa cấm chàng nằm dưới gốc cây hả miệng ra để hứng trái chín rụng xuống.
Hơn thế, Liên có thể nói: "Em không bao giờ nuốt lời hứa, nhưng tâm trạng của nó nay đã khác rồi, em không còn làm áp lực được nữa, xin anh biết cho".
À, nếu thế thì mới đau không biết tới đâu, đã đầu hàng mà người ta không cho đầu hàng thì mắc cỡ chết đi thôi.
Quả thật tâm trạng của Lan nay có thể khác rồi. Cái ơn mà nàng đã thọ, càng ngày nàng thấy nó nhỏ lần đi. Đó là khuynh hướng tự nhiên của con người. Họ không bội bạc, nhưng cái gì lâu rồi, cũng phải mòn, đến cả sắt đá còn không giữ nguyên mãi được khối cũ thì một tấm lòng biết ơn là cái gì mơ hồ, mong manh quá, họ không quên mất biệt là quý lắm.
° ° °
Định xối nước ào ào. Chàng phải tắm cho thật đã thèm, mới đi ăn cơm mà nuốt cho trôi được. Giữa hai gáo nước kia, chàng nghe là hình như có tiếng gõ cửa.
Nhưng khách của căn nhà khít vách với chàng gõ cửa bên ấy, chàng vẫn nghe y hệt như họ gõ cửa nhà chàng, chàng đã lầm nhiều lần rồi, nên lần nầy cũng tưởng là như vậy nên cứ liếp tục xối nước.
Cái cách tắm cho mát, chớ không phải tắm cho sạch, thì cứ xối nước mãi chớ chẳng kỳ cọ gì nữa, gáo nầy vừa trút xong là bồi tiếp gáo khác liền, bên ngoài họ có biểu tình, kẻ tắm chưa dễ đã hay biết.
Nhưng rồi chàng nghe văng vẳng: "Anh Định ơi!". Mặc dầu thế chàng cứ tiếp tục xối nước, cho đó là ảo ảnh, ảo âm, vì quả thật chín đêm rồi, đã có vài lần chàng nghe như vậy.
- Anh Định ơi!
A, lần nầy thì thật đây. Rõ ràng là có tiếng gọi ngoài trước.
Định thôi tắm ngay, mặc dầu chàng còn thèm nước ghê lắm. Chàng vội choàng vào người chiếc áo dài may bằng vải khăn lông, loại áo mà những người sang họ mặc để đi từ nhà tắm vào buồng ngủ, vừa kín đáo vừa để lau khô toàn thân luôn thể, rồi đi mau lên nhà trên.
Tới ngưỡng cửa buồng trong, chàng hỏi lớn lên:
- Ai đó?
Tim chàng đập mau lắm, mặc dầu chàng có gái tới gõ cửa rất thường, nhưng lần nầy linh tánh của chàng cứ cho là không phải những cô ả bá vơ đâu. Thật ra thì tại mong chờ ai lâu ngày quá, chàng tưởng tượng mạnh vậy thôi, chớ không có linh tánh khỉ khô gì hết ráo.
- Lan đây, anh Định ơi!
Định suýt đứng tim. Chàng mặc luôn chiếc áo kỳ dị đó để chạy ra trước mở cửa hầu tránh cho Lan khỏi phải chờ đợi lâu, vì chàng biết Lan gọi cửa đã lâu lắm rồi.
Cửa mở ra, chàng vừa nói mau, vừa bước lùi vào trong:
- Em cứ vô chơi, anh xin lỗi em vì anh đang tắm ngoài sau, không nghe gì hết.
Rồi chàng biến mất vào trong.
Định thay y phục tốc hành như sợ trễ xe lửa hay trễ máy bay, mang săng đan chớ cũng chẳng kịp diện đôi giày đẹp nhứt của chàng để, nếu may mắn, thì đi với người đẹp cho coi được.
Khi chàng trở ra ngoài thì cô khách nói trước:
- Em đến quá sớm, có bất tiện cho anh lắm không?
- Không. Anh tắm cũng vừa xong, chỉ có em là phải chịu khổ vì phải đợi cửa lâu quá.
- Em may mắn ấy chớ. Mặc dầu kêu cửa rất lâu, em cũng không thất vọng. Nhờ cửa sổ mở, em nghe được tiếng xối nước sau nhà, nên em mừng khỏi phải về không. Em tới sớm quá chỉ cốt khỏi lật anh đó thôi.
- Chắc em chưa ăn cơm tối?
- Chưa.
- Vậy đi ăn cơm cá kèo với anh được không?
- Rất hoan nghinh.
- Nhưng sợ chị Liên đợi cơm em? Chị ấy sẽ nói sao?
- Chỉ sẽ không nói gì hết. Tới bữa không về thì chỉ để phần cho.
- Nhà có bao nhiêu người?
- Chỉ có hai chị em với lại bà bếp làm đủ thứ công việc nhà khác nữa.
- Gia trưởng của em quá dễ dãi.
- Đó là rủi ro của em và của rất nhiều gia đình hiện nay. Muốn có giáo dục, trong nhà phải cần một người. Hai người đi chạy gạo hết thì con cái phải hỏng. Phương chi trong gia đình em, hai người ấy lại là một, chị ba em vừa là gia trưởng đi chạy gạo, vừa là bà mẹ cần thiết ở trong nhà.
Định hỏi đùa:
- Thành thử muốn giáo dục con em thì phải lạc hậu?
- Là thế rào?
- Nghĩa là phải bỏ cái vụ phụ nữ chức nghiệp mà đàn bà họ đã làm giặc lên để đòi hỏi.
- Nếu suy cho kỹ thì đúng như vậy. Trong gia đình không thể thiếu cả hai người mà con em khỏi hỏng.
- Nhưng nhà nghèo họ phải hy sinh con em để cả hai người cùng chạy gạo thì đành rồi, mà anh thấy lắm nhà giàu họ cũng thế. Bà vợ có ông chồng xuất nhập cảng, vẫn bỏ nhà đi cả ngày đêm để làm áp phe thêm.
- Thế nên xã hội ta ngày nay mới ra thế nầy. Họ cứ tưởng tối về, quất cho mỗi đứa vài roi là đủ rồi, là giáo dục đó. Họ quên rằng chính sự có mặt mới là giáo dục, có mặt mà làm thinh, một trăm lần hiệu quả hơn là dạy mười lăm phút, đánh đòn năm phút rồi bỏ đi cả ngày lẫn đêm.
Nếu chị ba em là vợ của một công chức, thủ phận làm nội trợ, chắc em không ra thế nầy. Chị ấy đi làm, mà tai hại lắm lại là làm đêm. Chị ấy đi cả đêm, còn ngày chị ấy ngủ, có mặt cũng như không.
- Em bỏ học hồi nào?
- Hồi năm kia, năm em lên đệ ngũ, mười lăm tuổi.
- Sao lại bỏ học?
- Dễ hiểu quá. Tối lại ai bắt em học bài, làm bài? Sáng ra, ai bắt em đi học. Em cúp cua, ai kiểm soát. Nếu ngày sau, em lấy chồng được, có con, em sẽ thủ phận làm nội trợ. Em thấy rằng, rất cần thiết cho tương lai dân tộc mà phải lạc hậu như vậy. Không, trong một gia đình, thiếu cả hai người là hỏng bét.
Định là một anh con trai không những coi tình yêu là một trò đùa, mà xem tất cả cái gì cũng là trò đùa tuốt, hay không bao giờ thèm nghĩ về cái gì cả. Nhưng chàng bỗng cảm động vô cùng khi nghe cô bạn mới, lên án gia đình cô, lên án nếp sống của các gia đình Việt Nam ngày nay.
Chàng thấy rằng cô bé nầy nói rất hữu lý và cô ta là nạn nhơn của nếp sống ấy, một nạn nhơn ý thức rằng mình là nạn nhơn và có thiện chí muốn lành lặn.
- Thôi, ta đi em nhé. Định bứt ngang câu chuyện vì chàng rất không ưa bị xúc cảm.
Lan chỉ làm thinh, đứng lên. Cả hai ra khỏi nhà một lượt, Lan đợi Định trên vỉa hè, còn Định thì bận khóa cửa bên ngoài.
Giây lát sau, họ thả bộ và Định than:
- Anh phải có một chiếc xe mới được, nhưng chắc phải còn lâu. Anh muốn có xe ngay đêm nay vì đưa em đi dạo bằng tắc xi nó làm sao ấy.
Câu nói không có gì, mà chàng nói bằng giọng than, vì chàng than thật tình và Lan cũng nghe như vậy. Nếu không ăn gian trong tiền ứng trước để ăn chơi rồi phải làm bút toán sau để trình lên thượng cấp hẳn hoi thì Định chẳng có gì hết, vì lương của chàng còn kém hơn lương của một thầy ký nữa.
Nếu có kẻ nào mà biết rằng có cái sở của chàng, họ không thể dè rằng nhơn viên lại không được hậu đãi đến như thế.
Thật là khổ? Phải ăn mặc sang, phải ăn chơi cho có cô hồn, nhưng túi lại trống không, khuya ra về, dân chơi lên xe Huê Kỳ, còn chàng thì không dám gọi tắc-xi, sợ bọn kia biết tẩy nên phải lết bộ rất xa, làm như nhà mình ở gần đâu đó, hoặc xe mình đậu tuốt ở đằng kia vì đầu hôm tới đây, không tìm được chỗ trống.
Trong giây phút, Định có cái ý muốn dị kỳ là ăn cắp đại một chiếc xe, đi chơi vài giờ rồi bỏ bậy đâu đó, không thể nào bị bắt đâu mà phải lo, vì chủ xe, có hay xe mất, cũng phải một tiếng đồng hồ sau nữa rồi họ mới cớ bót, mà bót đâu có làm việc như máy bay phản lực đâu. Khi lịnh ra khắp đô thành để nhơn viên công lực đón bắt chiếc xe mất cắp thì, chàng đã nằm ngủ yên lành tại nhà.
Chàng bật cười. Thật là giòi trong xương giòi ra, chàng cũng thuộc vào bộ máy bảo vệ xã hội ấy chớ, vậy mà chàng lại tính chuyện phá đám an ninh, không phá nặng lắm, nhưng cũng là phá, chỉ vì chủ của bộ máy hà tiện dầu mỡ quá nên các "dẹt" nó cháy khô, nó mới có ý muốn cho bộ máy ăn bánh như vậy.
Lan nói:
- Anh nầy lạ, vừa than thở đó, lại vụt cười khan lên.
Định giải thích trớ đi:
- Anh mời em đi ăn cơm cá kèo là nói thật chớ không phải làm bộ khiêm nhượng đâu. Nhưng em bảnh quá, vô đó chắc họ ngó dữ lắm.
Hai lần trước, lần đi theo bà mụ vườn móng tay dài đầy cổ trầu và cáu, ghét, với lại lần đi thăm đáp lễ Định, Lan đều mặc đầm trên sơ mi, dưới duýp, nàng đẹp, biết ăn mặc, nhưng cũng không đặc biệt như lần nầy mà nàng mặc camisole màu ngà cũ, giống như màu tussor đời xưa.
- Em đâu có sợ dư luận, mà cũng chẳng nhột nhạt khi bị một ngàn con mắt nhìn em.
- Vậy thì tốt. Anh quen đi đứng nên chững chạc được trước đám đông. Chỉ lo em xấu hổ phải vào một hiệu ăn bình dân.
- Cũng không xấu hổ nữa.
- Nay mới có 20 mà anh đã cháy túi, nên không dám mời em vào một hiệu cơm Tây sang trọng.
- Không hề gì. Em chỉ cần gặp anh, ở đâu cũng tốt.
- Có việc gì quan trọng hay không?
- Đâu có. Chỉ nghe nhơ nhớ anh vậy thôi.
Định vừa mừng, vừa thích, vừa tủi. Thế là Lan có nhớ chàng, nhơ nhớ nghĩa là chỉ nhớ ít thôi, nhưng cũng là có nhớ. Như vậy Lan đáng được đưa bằng xe nhà, đến một tửu lầu sang trọng.
Chàng tủi thân vì đêm đêm vào vũ trường chàng chỉ gọi một cái nước trà, cho đỡ tốn mà làm sổ bút toán thì ghi là ba công-som-ma-xông, ăn gian như vậy mà cũng chẳng đủ đâu là đâu cả.
"Mình phải làm tiền mới được. Định nghĩ thầm, nhưng khổ, mình thuộc vào một khu không hại ai được. Không ai thèm sợ mình, thì làm tiền cái khỉ khô gì!"
Rồi chàng lại nghĩ miên man về cái bộ máy thiếu dầu, mỡ, nhớt, các dẹt họ làm tiền, thật không đáng trách. Họ có quyền hại thiên hạ mà họ không đủ tiền tiêu thì dĩ nhiên là họ nghĩ ngay đến mẹo khai thác quyền của họ.
Và rồi Định lại nghĩ tới gái. Gái nguy hiểm thật. Nó chưa xin đồng xu nào mà anh hùng đã muốn hóa lưu manh để le với nó, hay ít ra cũng để không bắt nó phải chịu cảnh ăn cơm cá kèo. Ngày kia mà nó nhõng nhẽo đòi áo, đòi ăn cơm tây, đòi nghe nhạc, thì trời cũng không ngăn được chàng làm xằng.
Đôi bạn đi bộ rất xa mà không biết mỏi chưn, giống hệt đôi nhơn tình khiêm tốn, cậu làm tùy phái, cô làm thợ may.
Lan lấy làm lạ cho nàng hết sức. Từ thuở giờ, nàng không chịu đi bộ, có thằng nào rủ đi chơi, thì thằng ấy mạt lắm cũng phải có xe gắn máy. Đêm nay, nàng tập thể thao nhiều quá mà không nghe sao cả, trái lại, còn vui dạ không biết bao nhiêu!
Nàng đinh ninh rằng Định làm thầy ký, mà nàng ác ý muốn cam phận làm nội trợ, thì thầy ký là phải chỗ lắm rồi. Mà đây lại là một thầy ký bảnh, cũng dân nhảy nhót, nên mới quen biết với chị nàng, lại có hy vọng sắm xe, thì cái tánh ham vui chưa hết của nàng vẫn sẽ được thỏa mãn, chớ nàng không phải chết rục bên đít ông táo, như nếu ràng làm nội trợ cho thầy ký thường.
"Gái nguy hiểm quá, Định tiếp tục nghĩ, nhưng họ không nguy hiểm, chính vì họ là gái, mà chính vì thằng đực rựa muốn làm anh hùng rơm. Nó muốn làm anh hùng rơm bằng tiền như trong trường hợp nầy và nó sẽ vào tù là vì thụt kết hay ăn hối lộ, có khi nó lại làm anh hùng rơm bằng dao găm, súng lục, vỏ chai băm ba, nhưng con đường nào cũng đưa nó về thành La Mã tuốt hết.
Họ đã tới ngã sáu Quẹt Đon và thấy Định quẹo vào Ngô Tùng Châu thì Lan cười nói:
- Té ra ăn cơm ta ở đây? Cơm ta ở đây ngon lắm chớ, em ưa lắm đó.
- Vậy à? Định rất sung sướng mà khỏi phải thấy bộ mặt bất mãn của Lan.
° ° °
Xong bữa ăn, Định hỏi:
- Giờ Lan thích đi đâu?
- Tùy anh.
- Vào một hộp đêm nào đó nhé?
Định liếc mắt rình xem coi cô bé phấn khởi trước đề nghị ấy hay không? Nhưng chàng rất hài lòng mà thấy Lan cứ tỉnh bơ. Chàng đang cháy túi, chàng lại không thích Lan xao lãng vì khung cảnh chung quanh mà quên chàng.
- Không.
Lan đáp.
- Em thật lạ! Đã nói tùy anh, giờ lại từ chối một đề nghị của anh.
- Tại em không dè mà anh rủ đi tới những nơi ấy. Em cũng ham vui lắm. Nhưng đêm nay thì không. Em chỉ muốn thăm anh mà thôi.
- Rồi đi về nhà?
- Ừ.
- Vậy để anh đưa em về nhà nhé?
- Đuổi hả?
- Đâu dám. Còn trái lại nữa chớ.
- Em còn muốn nghe tiếp câu chuyện anh kể dở chừng trong bữa ăn.
- À, vậy ta tìm một hiệu giải khát cũng cá kèo để ngồi chơi một hồi.
Họ băng qua ngã sáu và Định đưa bạn vào một hiệu cơm Ấn Độ chỉ còn có một người khách Ấn kiều thôi. Chàng gọi hai ly sữa dê rồi hỏi:
- Khi nãy anh kể tới đâu rồi?
- Tới cái chỗ mà em cười gần sặc ấy, chỗ mà khi hai người vừa lòng thấy nhau thì...
- À, anh nhớ lại rồi.
Số là Lan nó bắt Định cho nó biết trong trường hợp nào mà chàng gặp gỡ chị nó. Dĩ nhiên là trong tiệm nhảy Eldorado, nhưng nó muốn biết là do tình cờ hay do gì. Cố nhiên, là Định đã nói láo rằng vì trông lầm. Chàng kể tiếp:
- Khi Liên ngước lên thì...
- Anh nầy hỗn! Phải gọi chị ấy bằng chị ba, biết chưa?
- Cố nhiên là giờ thì đáng lý gì anh phải gọi như vậy, bởi Liên là chị của bạn anh. Nhưng đã quen miệng rồi.
- Thì làm sao?
- Thì cả hai đều chưng hửng chớ sao? Anh đâu có dè cô thu ngân viên đáng chị cả của anh. Còn cô ả rất ngạc nhiên mà thấy một cậu em bấm ra sữa lại lò mò đến quầy để toan tán cô ấy.
Lan cười giòn, thích chí lắm, và hỏi tới:
- Rồi sao nữa?
- Thú thật với em anh đã bị xúc động trước nhan sắc của Liên, mặc dầu liền khi đó, anh đoán được ngay tuổi tác của Liên...
- Xúc động mà người ta ưng thuận lại từ chối? Lạ quá!
- Vì anh bận lo ra nhiều việc, em không thể hiểu đâu nhưng đó là cái may cho anh.
- May ở chỗ nào?
- Anh mê nhứt là đôi mắt với hai bộ lông nheo của Liên nó giống hệt hai con mắt và lông nheo của phụ nữ ấn Độ. May là may ở chỗ ấy, vì một tuần lễ sau đó, anh lại gặp đôi mắt ấy, lông nheo ấy nhưng trẻ hơn nhiều lắm. Nếu anh trót si Liên anh sẽ hối hận khi gặp cô thứ nhì.
- Và đã được cô thứ nhì chưa?
- Chưa, vì anh chưa tỏ tình.
- Còn đợi cô thứ ba, trẻ hơn nữa hả?
- Không. Anh không tin là còn cô thứ ba.
- Gái đẹp đông hằng vạn, ở cái đất Sài gòn nầy.
- Đành vậy. Nhưng phải giống hệt Liên mới được.
- Té ra cô thứ nhì...
Lan vụt chợt hiểu lời nói bóng gió của Định. Nàng giựt nẩy mình rồi thừ người ra bỏ dở câu hỏi trên đây...
Cả hai đều im lặng và không ai dám nhìn ai cả.
Lan bối rối và chợt trấn tĩnh lại được, nàng ngạc nhiên hết sức và đâm ngờ rằng mình đã đoán đúng. Nàng đã bị dùng làm một món quà đáp ơn, người ơn không thèm đếm xỉa tới, lẽ nào người ấy lại yêu nàng.
Nàng rất hối hận đã ức đoán vội vàng rồi yếu bóng vía, không thẳng thắn hỏi lại cho cặn kẽ, giờ bán tính bán nghi, lại không dám hỏi nữa.
Lan lại rất lấy làm kỳ cho mình. Nàng là một đứa con gái rất tinh nghịch rất đầu bò, nhứt là đối với lũ con trai. Nàng lại có hàng chục tá bạn trai. Thế thì nàng đâu có phải là một cô nữ sinh ngây thơ và nhát trai. Vậy mà trong lúc nầy, nàng là một cô gái thuộc loại cả thẹn ấy.
Mà Định cũng thế. Hắn là một gã con trai dịch vật, vậy mà gã cũng đương đưa cái bản mặt ngốc của gã ra mà nhìn bức tranh Phật Ấn Độ treo trên tường. Những cái phút hồi hộp, rồi im lặng, rồi nghẹt thở, rồi hồi hộp trở lại trong đời con người, những phút đó chỉ xảy ra có một lần thôi mà không cứ gì ở lần đầu, bởi chưa chắc lần đầu có mèo, là lần người ta yêu.
Lâu lắm, Định cắt đứt sự im lặng hỏi thật khẽ:
- Lan ơi, chắc Lan đã hiểu.
- Hình như là em hiểu. Nhưng...
Trong khi nàng bỏ dở câu nói một lần nữa thì Định thì thầm:
- Em nên nhìn bà chủ tiệm cơm Ấn Độ bình dân nầy xem. Đó, mắt và lông nheo như vậy đó. À, nhưng thế nào?
- Em hiểu, nhưng em không tin.
- Không tin cái gì?
- Không tin rằng, anh đã xúc động trước người thứ nhì giống chị Liên của em.
- Lan nè, anh không muốn nhắc đến chuyện cũ, một chuyện cũ rất gần, vì nó không đẹp. Anh tán em làm gì đêm nay, vì nếu anh thèm muốn em, anh đã được nhờ áp lực của chị Liên. Em có thể chống lại áp lực ấy, nhưng em không muốn chống lắm vì em đã vâng lời ở phần đầu là đã đến thăm anh khi em chưa muốn đến.
- Rất có thể là anh chơn thật, nhưng cũng chỉ ở một đoạn thôi, vì biết đâu đêm nay anh đang buồn, anh tán vậy cho qua giờ.
- Nếu Lan nghĩ như vậy cũng chẳng sao, ta còn gặp nhau nhiều lần nữa, và ta sẽ biết nhau nhiều hơn.
Đôi bạn xuống tắc-xi ở cách nhà Lan lối một trăm thước để chia tay nhau và, khi Định bước lên chiếc tắc-xi ấy, Lan đứng đó nhìn theo xe thì nàng có cảm giác rằng nàng biết tại sao nàng yêu Định. Cái ông tỷ phú đã cho tiền nàng rất nhiều, ông ta đã gần là một ông già. Còn lũ bạn trai của nàng toàn là bạn đồng lứa.
Con gái mà đồng tuổi với con trai thì họ già giặn hơn con trai, cả về thể chất lẫn tâm hồn. Nàng đã xem lũ ấy là một đám trẻ con, đi chơi với nhau thì vui lắm, nhưng nàng không thể rung động được trước những tấn công tình ái của chúng nó. Phương chi chúng nó lại nóng tánh như bất kỳ lũ trẻ con nào. Nhứt là ở vào cái thời buổi mà nhịp sống quay cuồng nầy nên chúng nó cứ muốn tỏ tình là được ngay tức khắc, mà chúng nó tỏ tình lại rất là dùi đục chấm nước mắm, có đứa không thèm tỏ tình gì cả, cứ rình, hễ có dịp thuận tiện là hôn đại nàng rồi có bị tát tai chúng nó cũng không lấy đó làm xấu hổ, thật còn kém xa lão Mạnh nhiều.
Đó là tác phong mà con gái rất không ưa, trừ những cô ả bất cần tình yêu, cứ vui được là đủ rồi.
Cái tuổi của Định là tuổi lý tưởng đối với lứa của Lan, chàng vừa không già mà lại vừa già giặn. Hơn thế, chàng vừa không thủ phận nằm nhà như một thầy ký khiêm tốn, tức sẽ thỏa mãn tính ham vui của nàng được, lại vừa thủ phận đi ăn, đi giải khát ở các xó kẹt tối tăm được, tức không phải là một tay ăn chơi chuyên nghiệp, tức còn một tấm lòng biết yêu.
° ° °
Đêm nay, vào vũ trường Tonkiti, Định hành động sai chỉ thị của thượng cấp của chàng một cách cố ý, một sự cố ý có nghĩ kỹ có đắn đo, cân nhắc.
Chàng kéo viên quản lý, một người Tàu rất sành tiếng Việt và chữ Việt, vào một xó rồi xuất trình thẻ chứng minh thư ra cho y coi.
Thẻ nầy, đáng lý gì thượng cấp chàng không phát cho chàng, nhưng chàng đã tìm được lý do khéo léo để nài xin.
Viên quản lý đã biết mặt chàng, và chỉ coi chàng là một người khách xoàng, thình lình thay đổi thái độ ngay. Y nói:
- Rất hân hạnh được biết Thiếu tá.
Ấy, hắn tôn nịnh Định vậy thôi, chớ trong chứng minh thư không có để chức tước khỉ khô gì hết. Rồi hắn lại thêm:
- Thiếu tá có cần sự giúp đỡ của tôi, tôi xin hết lòng.
- Có chớ. Vì cần bồ nên tôi cho bồ biết tôi là ai. Thứ nhứt, phải giữ mồm giữ miệng, không thì chết đó đa nghen!
Người quản lý sợ hãi vâng dạ liền miệng.
- Sao, ở đây có gì lộn xộn không?
- Dạ, tuyệt nhiên không có.
Y không biết Định nói về vụ gì, nên cứ sợ như là chàng dòm ngó tất cả mọi việc.
- Chắc không có chớ?
- Tôi xin thề.
- Còn Thu Mai?
Viên quản lý bỗng tái mặt, mặc dầu Định chỉ hỏi bậy vậy thôi, vì chàng thấy Thu Mai quá thông minh, chỉ có hơi nghi nghi một tí xíu thôi, hỏi để dằn mặt viên quản lý, tỏ rằng có biết một việc mà y không biết.
Không dè chó ngáp phải ruồi, và rất sung sướng, chàng nhìn thẳng vào mắt chú ấy khiến chú ta không còn hồn vía nào.
- Vậy mà chú dám nói là không có gì. Chú liệu hồn.
Viên quản lý ấp úng:
- Dạ, thật ra thì Thu Mai hợp tác chớ phải là kẻ nghịch đâu.
- Đành thế nhưng người ngoài mà hợp tác, là người nguy hiểm, chú có bổn phận cho tôi biết để tôi tránh né chớ.
- Dạ xin thiếu tá tha cho. Tôi đâu có biết là Thiếu tá cần tránh né những người hợp tác.
- Không ai được biết tôi trừ chú, chú có hiểu không?
- Dạ hiểu.
- À, Thu Mai đã hợp tác mấy lần rồi?
Định vừa được một mỏ vàng một cách tình cờ, không khai thác thì uổng quá.
- Dạ, chỉ có một lần thôi.
- Nhứt định là phải có chú nhúng tay vô.
- Ơ dạ, thật ra thì ơ... tôi không muốn cũng không được. Ông ấy cũng có giấy như Thiếu tá.
- Nhưng nó ưng thuận ngay hay từ chối lúc chú mới đề nghị.
- Dạ nó từ chối.
- Ấy, nguy ở chỗ đó. Nó từ chối hợp tác là nó hợp tác cách miễn cưỡng, mà kẻ làm việc vì bắt buộc thường khi bất mãn, có thể cố oán nữa, nguy hiểm lắm.
Định để yên cho viên quản lý sợ hãi vì chàng đã tiến đến chỗ khó khăn rồi đây. Chàng cần biết xem Thu Mai đã làm cái gì nhưng không thể hỏi tạch hoạch ra, phải để cho chú nầy ngỡ
chàng đã biết hết cả rồi, có thế y mới ngán và ngỡ chàng là cấp trên của cái thằng cũng có giấy như chàng.
Quả viên quản lý tưởng như vậy thật vì nếu chàng không ở cấp trên, làm thế nào mà chàng biết được cái vụ đó.
Chàng tìm mẹo một lát rồi hỏi khéo:
- Đâu chú lặp lại y lời chú đề nghị với nó, và lặp lại y lời từ chối của nó cho tôi nghe thử coi.
- Dạ chẳng như vầy. Cách đây ba tháng cũng có một ông có giấy như Thiếu tá bảo tôi làm thế nào cho con Thu Mai chịu đi với một ông bự tại một căn nhà kia mà Thu Mai phải nhận là nhà của nó.
Lẽ cố nhiên là Thu Mai nó sẽ hồ nghi sợ hãi vì các điều kiện bất thường ấy là nhận nhà lạ làm nhà nó, mà tại sao nhứt định phải bảo nhà ấy nên tôi nói ra lẽ đó cho ông ấy nghe, xin được biết phần nào sự thật. Và lẽ cố nhiên là ông ấy phải nói rõ cái phần sự thật ấy ra là ông ấy cần cho người chụp hình. Nhiếp ảnh viên phải có chỗ ẩn thật kín, ánh sáng phải là ánh sáng của căn phòng, chớ ánh sáng plat thì ông bự biết mình trúng kế ngay và có thể hoảng sợ phản ứng lôi thôi.
Như vậy căn nhà ấy phải là một căn nhà đặc biệt cả chỗ ẩn của nhiếp ảnh viên, cả ánh sáng đều được chuẩn bị chu đáo.
Định mừng rỡ vô cùng, nhưng vẫn làm bộ chưa hài lòng hỏi:
- Rồi nó từ chối cách nào và đòi hỏi được thưởng bằng gì?
- Nó chỉ giẫy nẩy nói nó mắc cỡ lắm nếu có đệ tam nhơn rình nhưng tôi hăm dọa nó, nó đành phải nhận. Nó không dám đòi hỏi gì hết chỉ nài xin một bức ảnh để làm kỷ niệm thôi.
Ông ấy từ chối, nhưng không biết nó bom hót với ổng thế nào mà rồi cả ông ấy với nó đều có ảnh.
Định cười ha hả rồi hỏi:
- Và chú cũng có? À ông bự có phải là một ông bộ trưởng không?
- Tôi xin thề rằng tôi không có, cả người nhiếp ảnh viên cũng không, vì y bị lấy lại máy liền sau đó, máy của ông ấy! Còn ông bị chụp hình là ông nghị Mân.
- Thôi được, Chú đã thành thật thì tôi biết cho chú và bỏ qua thái độ giấu giếm của chú buổi đầu. Cái thằng có ảnh ấy, nó sẽ chết với tôi.
- Trời ơi, Thiếu tá ơi, ông ấy mà biết tôi nói thì tôi hui nhị tì liền.
- Không, chú là bồ của tôi rồi, ai để chú mang hại mà lo.
- Cám ơn Thiếu tá vậy.
- Nè, con Thu Mai, bao hết đêm, tính mấy tíc-kê?
- Dạ, nó ăn khách lắm, tính hai chục cái.
- Được, vậy để nó hết đêm cho tôi nhé?
- Dạ.
- Cả tiền giải khát cũng biên sổ luôn.
- Dạ.
- Mà đừng để tên thật trong sổ đa nghe. Để là Ông Hổ.
- Dạ.
- Thôi, lần sau nói chuyện nhiều.
Định đi ngay lại một bàn trống, vừa đi vừa buồn cười cho cái tên Hổ mà chàng đã nghĩ ra. Hổ là cọp. Từ đây, chàng sẽ khỏi phải trả đồng xu tiền nước nào cả, vì tiên tổ nó cũng không dám đòi tiền chàng.
Thế là giải quyết được một khoản chi phí, khoản nầy sẽ được kê vào bút toán mà chàng đệ lên thượng cấp của chàng một tính ba, mà một hai ba gì, cũng vào túi chàng cả chớ không vào két của vũ trường.
Đêm nay chàng uống rượu đây, chớ không uống nước trà nữa.
- Cưng ơi, nhớ cưng lắm đó nghen!
Thu Mai cười rất xinh với anh chàng lấy hai chục tíc-kê nầy, định bụng hẳn anh ta ghiền mồ hôi của nàng rồi.
- À, em nhỏ, mấy đêm rồi, anh nằm chiêm bao luôn nên đêm nay quyết bắt cóc em nhỏ luôn đây.
- Khéo bày đặt cho tốn tiền, chủ nó ăn uổng quá. Bữa nào cần, nói em biết, em ở nhà đi chơi với anh có phải thú hơn không.
Thu Mai định đi lần, dọ khéo coi thằng nầy làm nghề gì, có xu nào hay không, bằng vào chiếc xe của nó mà nó sẽ dùng để đưa nàng đi chơi. Với lại nó như vậy, tức là nhảy ra ngoài hàng rào quyền lợi đứng về phe của khách, tức là cảm tình với chàng ghê lắm rồi.
- Vậy à? Càng hay. Nhưng hơi bất tiện.
- Sợ bà xã hả?
- Không, anh vừa bán xe.
- Thì mua chiếc khác. Anh bán để lấy xe hơi mới hả?
- Ừ.
- Hoan hô.
- Nhưng lại gặp trở ngại.
- Trở ngại nào?
- Hết tiền.
- Thôi đi bồ, không ai tin đâu mà làm bộ.
- Nói thiệt ấy chớ. Nhưng nếu em hợp tác để "mần ăn" với anh thì anh lấy xe được ngay mà còn tặng em một trăm ngàn, tiền mặt chớ không phải ngân phiếu không bảo chứng đâu nhé.
- Rồi. Nhưng mần cái gì? Em không dám váy tai thiên hạ đâu nhé.
- Làm gì có chuyện lưu manh ấy. Ta mần ăn lương thiện mà.
- Ô KÊ vậy.
- Nè, anh hỏi em phải trả lời cho chơn thật, nói láo một tiếng là đứt cặp giò, hết mong nhảy nhót nữa đa nhé.
Thu Mai hơi sợ. Nàng đã hồ nghi anh chàng nầy không phải là một người khách chơi thường. Nàng nhìn Định mà hồi hộp trong im lặng, và Định nhìn thẳng vào mắt nàng mà hỏi:
- Cái thằng nó bắt em chụp hình mấy tháng trước nó có trở lại không?
Thu Mai chết lặng đi, mồ hôi lạnh toát ra dầm dề.
Nhưng không phải tay vừa, nàng cố trấn tỉnh, rồi cười giòn lên mà hỏi lại:
- Bộ anh cũng muốn tái bản cái trò ấy hả? Lần nầy thì em đòi tiền đa. Ông gì mặc kệ, cũng không sợ.
Định nghiêm sắc mặt, cố làm ra đanh thép và nói:
- Không có vấn đề ấy. Anh cần truy nã thằng đó, chỉ có thế thôi.
Thu Mai nghe nhẹ nhõm cả người. Nhưng nàng rất ngạc nhiên mà nói:
- Anh nói khó tin. Nó đã chết rồi, anh không thể không hay biết, nếu quả thật anh là người có quyền truy nã nó.
Định bối rối nhưng cũng rán cãi bướng:
- Không, nó chưa chết. Cái xác mang thẻ căn cước của nó là xác người khác.
- Té ra nó giả chớ không phải thứ chánh hiệu.
- Ừ. Nó là một tên gián điệp lợi hại.
- Trời, vậy thì chết em rồi. Nó có một bức ảnh ấy.
- Em đừng lo, anh sẽ bảo vệ em. Vậy nó trở lại đây mấy lần?
- Chỉ có một lần thôi, đêm sau. Nó đưa em đi chơi, nhờ vậy mà em biết tên họ của nó. Hai ngày sau, đọc báo em thấy tin nó lái xe díp bị xe GMC đụng chết trên xa lộ. Nhờ tên họ kỳ cục của nó nên em mới biết chắc là nó, không thể có người thứ nhì nào trùng tên họ và tuổi tác với nó được.
- Tên họ gì?
- Tên họ kỳ lắm. Họ Nghê, lót chữ Hựu, tên là Thang, Nghê Hựu Thang, người Ninh Thuận.
Định làm bộ thạo:
- Đúng là cái tên họ thật của nó, nhưng xác là xác của người khác.
- Khổ quá, năm nay em xui xẻo gặp toàn chuyện ông vật bà hại không mà thôi. Hèn chi mà thằng cha thầy bói trên đường Chi Lăng nó dặn em coi chừng cái tháng giêng là tháng mà em bị bắt ép chụp hình với lại tháng tư là tháng nầy đây, không biết rồi anh sẽ làm gì em.
- Chẳng những anh không làm gì em, anh lại còn tặng tiền em nữa, thật mà.
Thu Mai đã hoàn hồn, vui vẻ trở lại và hỏi:
- Ờ, té ra hai chục tíc-kê là để bàn chuyện mần ăn. Em cứ ngỡ em được một ông nhà giàu chiếu cố?
- Chiếu cố sao được. Anh đã uống giấy súc với lại rượu chát đâu nào?
Định nhắc lại cái bùa yêu mà chàng đã mách Thu Mai, khiến Thu Mai cười muốn sặc hôm nọ, và hai người lại cười xòa với nhau.
Tuy vậy Thu Mai vẫn chưa hết lo và hỏi:
- Mần ăn thật chớ.
- Cố nhiên.
Định rất may mắn. Nếu Nghê Hựu Thang không chết, hắn đã khai thác bức ảnh rồi thì chàng khó mà mần ăn một lần nữa, bởi đồng tiền là núm ruột, ai lại không tiếc, họ mà liều thì mình mệt.
- Em chưa đoán được. Mần ăn nghề gì mà lại cần em. Hay anh định mở sòng sờ-nách-bar?
- Không. Ráng nghe đây và ráng mà hiểu tình thế nguy hiểm của em. Em là kẻ thứ nhì có bức ảnh ấy. Kẻ thứ nhứt là ai thì em đã đoán biết rồi, không kể thằng Thang nó đã chết.
Thu Mai lại tái mặt. Son phấn không che giấu nổi màu da mặt mất hết máu thình lình của nàng bên trong, Định tấn công:
- Em nên biết thêm là cái ông chụp hình con heo với em là một nghị sĩ ở phe đối lập. Ông ấy có con gái sắp gả lấy chồng, rất sợ tai tiếng. Người ta cần bức ảnh đó để bịt mồm ông ấy lại. Người thứ nhì có món quà đó là kẻ nguy hiểm vì bức thứ nhứt sẽ bớt quyền lực đi.
Em có thấy là mạng em như cái chuông treo bằng sợi chỉ mành hay không?
Thu Mai suýt ngã gục trên bàn. Nàng gượng gạo rồi ngồi dựa ngửa lên lưng ghế để thở.
Định vô đề chính ngay:
- Giờ em giao bức ảnh ấy cho anh là em hết gánh nặng. Anh hứa danh dự sẽ tặng em một trăm ngàn.
Thu Mai cố ngồi ngay ngắn trở lại và nói giọng thểu não:
- Anh gọi rượu mạnh cho em để em lên tinh thần, không thôi em xỉu ngay bây giờ.
Rượu giúp cho lên tinh thần thật đó, không biết nó lên rồi ở cái mức cao ấy có lâu bền hay chăng, hình như là không lâu, nhưng quả nó có lâu thật. Thế nên con người bại trận suýt ngất đi ấy lại biến ra một đồng minh đòi hỏi đồng quyền.
Thu Mai cười rất giòn rồi nói:
- Nếu để làm tiền ông nghị Mân thì chính em đây cũng biết làm, đâu có phải mượn tay anh.
- Ha... ha... ha. Em tưởng như vậy à? Nhưng em sẽ bị mò tôm trước khi lợi dụng bức ảnh đó. Anh nói đó là bức ảnh phá đám, nó làm giảm uy lực của bức ảnh thứ nhứt nhiều lắm. Anh mà tố cáo em có bức ảnh thì em hui nhị tì tức khắc.
Rất thông minh, Thu Mai biết mình đã bị bại trận. Nàng cười rất giòn để che giấu căm hận rồi hỏi:
- Nhưng một trăm ngàn anh hứa, lấy gì bảo đảm?
- À, có điều kiện đấy nhé, chớ không phải thưởng không đâu.
- Điều kiện gì?
- Anh cần sự hợp tác thường xuyên của em, mỗi lần hợp tác em sẽ có tiền còm.
- Ô KÊ.
- Vậy anh sẽ viết cho em một ngân phiếu không tiền bảo chứng đề ngày trước mười lăm hôm.
- Thôi đi tía nội. Ban đầu hứa tiền mặt, chưa chi đã sai lời rồi. Bộ em dốt sao mà không biết rằng kẻ nhận séc ấy cũng ở tù như kẻ viết séc.
- Nhưng anh đâu có muốn ở tù, thì anh phải dàn xếp cho êm chớ.
Thu Mai chỉ làm thinh. Nàng biết rằng anh chàng nầy đang túng thì có cho hắn đi tàu bay, tàu ngầm, hắn cũng chẳng có tiền mà "chi". Hơn thế, nàng đã thua trận rồi thì đành phải chịu chớ biết sao giờ.
Định móc bóp ra, xem lại coi tập séc của thằng cha Nguyễn Văn Chấp nào đó mà chàng tình cờ bắt được trên băng tắc-xi hôm kia, nhưng chưa kịp tìm trả lại cho chủ nó, có còn trong ấy hay không.
May quá! Tập séc ốm nhom vì còn có ba tờ nầy, được xếp đôi lại, đang nằm giữa thẻ căn cước của chàng và mớ giấy tờ lặt vặt khác, Chàng rút tập ngân phiếu đó ra, lấy viết, viết liền, vừa viết vừa nói:
- Anh không muốn tò mò về tên thật của em thì để "Au porteur" nhé?
- Cũng được. Nhưng mấy thằng ngồi gần đây nó dòm anh kìa.
- Càng hay. Nhứt là càng nên để chúng nó thấy anh trao séc cho em. Chúng nó phải tưởng rằng anh là một thằng mê gái mới được, và nhứt là một thằng ngốc.
Vì tối nên Định viết gần như viết mò. Xong chàng xé tờ ngân phiếu trao cho Thu Mai và nói:
- Vậy là vui vẻ cả làng.
- Em cầm bằng như đánh bạc. Loại séc nầy không ăn nhằm gì hết.
- Bậy. Anh đang có chỗ làm. Đang cần chỗ làm để sống, chớ có phải là một thương gia sắp vỡ nợ đâu mà liều. Suy gẫm xem có đúng hay không? Nè, thằng quản lý nó nói hết đêm nay là hai chục tíc-kê, vậy là em đi được rồi đó. Ta đi thôi nhé?
- Đi đâu?
- Ai biết. Đi tới chỗ nào mà em cất hình chớ còn đi đâu bây giờ. À, có chồng hay không? Nếu có, anh ngồi đây, anh đợi em.
- Ừ, anh đợi em là hay nhứt.
- Nhưng có chồng hay không cái đã nào?
- Không.
- Như vậy anh đi với em chắc ăn hơn. Ngồi đây sẽ sốt ruột chết đi thôi. Em có thể dại dột trốn luôn, anh sẽ mất công đi lùng. Em trốn trong hang anh cũng moi ra được, nhưng mất công lắm.
- Anh có súng lục không? Thu Mai cười hỏi.
- Để chi?
- Coi chừng em dụ khị anh vào sào huyệt du đãng thì anh ăn đấm mệt lắm đa nhé.
Cả hai đều đứng dậy một lượt và Thu Mai đã vững dạ khi thấy không có vụ tính tiền. Nàng nghĩ thầm: "Thằng nầy chắc chắn là thứ thiệt chính hiệu con nai nên mới đi ngang xương được như vầy. Thôi, tại mình gặp năm vận tháng hạn thì phải chịu biết sao. Vả nó có thể giữ lời hứa thì cũng đỡ khổ!"
Giây lát sau, xe ngừng lại trước ngõ hẻm đình Tân Kiểng, nhưng Thu Mai dẫn Định đi rất xa, quanh quẹo không biết mấy mươi lần, chàng cố nhớ, nhưng chịu là không thể tìm lại được nhà riêng, nếu muốn tìm. Mà ngay bây giờ, nếu cần phải chạy tháo lui trước một cuộc tấn công nào, chàng cũng chẳng biết đường đâu mà chạy.
Thoạt tiên Định có hơi lo, nhưng rồi chàng không sợ nữa. Thu Mai đâu có làm nghề dụ khách về cho em út mần thịt. Còn có oán hận thì nàng cũng đâu có kịp chuẩn bị.
Chàng chỉ buồn cười mà thấy nàng tiên sang trọng vào bực nhứt đô thành ở lối ăn mặc, ở tướng mạo, lại sống trong một xóm như thế nầy, vì họ vừa qua mấy đoạn hẻm nhà cửa rất là lụp xụp.
Cái khoản "ở" có lẽ là khoản tiền thấp nhứt của những nàng nầy, thấp hơn cả khoản ăn quà vặt, khoản gọt móng tay nữa, vì họ rất là không cần cái nơi mà họ chỉ sống qua trong đó có mấy tiếng đồng hồ trong một ngày hăm bốn tiếng. Khuya về, họ lăn đùng ra mà ngủ cho tới mười giờ sáng hôm sau.
Ăn xong bữa trưa, họ lại ngủ trưa cho tới xế. Xế họ lại đi hiệu may, mua sắm nầy nọ, hoặc làm tóc vân vân... thì cái nhà thật là một thứ gì rất là không đáng kể.
Nhưng rốt cuộc họ cũng tới nơi.
Thì ra, Thu Mai ở nằm về phía đường Nguyễn Trãi. Có lẽ đại lộ Trần Hưng Đạo dễ tìm xe hơn, nên nàng phải đi về bằng ngã ấy.
Nàng bấm chuông, và họ đợi giây lát thì cửa mở ra, nhưng đèn buồng ngoài không được thắp lên. Chắc đã có lịnh như vậy cho người nhà, vì buồng ngoài tối thì kẻ qua ngõ và người ở những căn nhà đối diện không thấy được nàng về một mình hay về với ai.
Bóng đèn chong ở buồng trong yếu lắm chỉ soi lờ mờ buồng ngoài thôi. Thêm vào đó một bức màn may bằng vải thật dày, buông xuống sau hai cánh cửa thì có mở cửa người ngoài cũng chẳng thấy được thứ ánh sáng yếu ớt trong xa.
Người mở cửa là một chị đàn bà trạc bốn mươi. Chị ta không ngạc nhiên trước sự có mặt của chàng và toan trở gót đi ngay, nhưng Thu Mai hỏi:
- Em ngủ sớm hay không?
- Dạ, cô đi rồi thì em ngủ liền.
Thì ra tiên nga có con, không biết mấy đứa, bao nhiêu tuổi và không biết da nó màu gì.
Định không phải là thi sĩ, nhưng dầu sao chàng cũng vỡ mộng phần rào. Cũng may là chàng chưa hề có dịp nghe các nàng tiên ấy văng tục.
Thu Mai đóng cửa lại liền và mở đèn lên. À, thì ra nhà không có buồng tiếp khách và đây là buồng ngủ có lẽ là của tiên nga vì giường, nệm, chăn, gối đẹp lắm, với lại không có ai nằm trên giường cả.
Buồng trong là buồng ngủ của con cái tiên nga chắc là được đóng lại bằng một cánh cửa ba nô giả, kín mít nhưng đơn sơ, ghép bằng ba tấm ván đứng, kẽ ván được lắp lại bằng lách.
Cửa lại có móc bên ngoài và Thu Mai đi móc cửa lại trước hết.
Nàng chỉ một chiếc ghế bành khá đẹp và Định lặng lẽ ngồi lên đó.
Buồng nầy chỉ có một tủ kiếng rộng để máng lu bù áo của chủ nhà trong đó và Định tự hỏi Thu Mai cất tiền, cất ảnh ở đâu...
Nhưng không có gì bí mật hết, Thu Mai ngồi trên mép giường với tay lên mở hộc tủ của chiếc tủ thấp đầu giường mà trên đó đặt một cây đèn xinh xắn, kéo cái hộc tủ không khóa ra, lấy một bao thơ thật to và thật dày cộm, rồi lật từng bức ảnh trong đó để tìm.
- Cho xem với. Định xin.
- Thôi đi
- Không cho xem ảnh, thì cho xem thứ thiệt nhé?
- Dịch vật.
Nàng đã tìm được bức ảnh ấy rồi. Nàng bịt tất cả lại, chỉ chừa cái mặt của nàng ra thôi, dí ảnh dưới mũi Định và nói:
- Em mong anh lịch sự mà đừng xem trọn bức ảnh tại đây.
- Được, anh biết lịch sự.
Chàng móc bóp ra cất ảnh vào đó, nhờ bóp lớn nên bức ảnh khổ Carte-postale nầy vẫn tạm nằm được giữa hai túi của chiếc bóp. Chàng cho bóp vào túi quần sau rồi cười hỏi:
- Anh ở lại nhé?
- Không. Việc chính em đã nhượng bộ rồi thì anh không có quyền đòi hỏi gì nữa cả.
- Có chớ, anh đã lấy hai chục tíc-kê thì anh có quyền giữ em cho tới giờ vũ trường đóng cửa.
- Ừ, nhưng chỉ giữ thôi. Nhưng để làm gì? Để cho hai đứa cùng ngáp à? Thật là vô lý.
Định làm một cử chỉ nó nhắc chàng một chuyện xưa, chuyện xảy ra thuở chàng còn ấu thơ và buồn cười vô cùng.
Thuở chàng còn bé, một hôm rất thèm cà rem mà trong túi không có xu, chàng cứ mua đại rồi co giò tẩu thoát. Nhưng cuộc cướp giựt ấy lại diễn trước nhà chàng lên chú chệt bán cà rem chú ta biết chàng, và những lần sau chú ta nhứt định không chịu múc cà rem cho chàng nữa.
Thành thử lần nào chàng cũng phải đưa năm cắc bạc ra trước mới được chú ấy phục dịch.
Cử chỉ của Định bây giờ là thò tay vào túi sơ mi để lấy ra tờ giấy năm trăm cuối cùng của chàng mà với Lan, chàng cũng không chịu xài, vì đây là số tiền hộ thân, đề phòng bất trắc, có mắc dịch mắc gió thình lình cũng có tiền để mua thuốc.
Chàng với tới, đặt nhẹ tờ giấy bạc lên nệm rồi hỏi:
- Bộ em tưởng anh loại cọp đói hay sao chớ? Chi sòng phẳng mà!
Thu Mai mỉm cười, đứng lên, tát vào má chàng một cái rồi nói:
- Tiện thiếp bắt đầu tín nhiệm tướng quân phần nào rồi đó. Vậy nhắm mắt lại cho tiện thiếp thay y phục bực bội lắm rồi.
° ° °
Định đi tới đầu ngõ trổ ra đường Nguyễn Trãi thì day lại ngắm nghía để định vị trí hầu tìm lại nhà của Thu Mai, khi nào cần.
Rồi một chiếc xích lô máy chạy trờ tới, chàng bắt lại để đi về nhà. Chàng đã làm mặt xấu xin lại của Thu Mai năm chục bạc, để đi xe và sáng ra uống cà phê, rồi hãy xoay xở kiếm chút đỉnh tiêu xài đỡ vài ngày.
Đây là lần thứ nhì mà chàng biết thế nào là "Tình Yêu". Thu Mai gương mặt không kém Lan và Liên tí nào, còn thân mình của nàng thì chắc ăn đứt cả Liên lẫn Lan. Nhưng chàng không nghe yêu Thu Mai một gram nào cả, không phải vì Thu Mai đã xuống thấp quá ở cái thang đạo đức đâu, mà vì Thu Mai chỉ là cái xác không hồn.
Nếu "Tình Yêu" chỉ đặt nền móng trên sắc đẹp, thì bao nhiêu phụ nữ không đẹp chắc phải làm gái già tuốt hết. Nhưng không. Còn trái lại nữa. Chính những cô không đẹp lại có chồng đàng hoàng.
Và chính vì đàn ông cần cưới những cô không đẹp, nên những chốn ăn chơi mới đông khách, vì họ lại cần cái khác hơn là đức hạnh của vợ họ.
Lan bây giờ thì đẹp đấy. Nhưng mười năm sau, chàng sẽ bỏ Lan nằm nhà với lũ con của hai người, đi tìm một thứ Thu Mai của thế hệ sau. Ha... ha... ha... cuộc đời lộn xộn lắm thay, và tình cảm rắc rối lắm thay!
Về tới nhà, Định tắm rửa vội vàng để lo vụ ông nghị Mân.
Nhìn bức ảnh, chàng buồn cười ghê lắm. Không thể nào mà ai tưởng tượng được rằng một ông gia trưởng nghiêm trang đứng đắn thế ấy, lại lố bịch và bẩn thỉu đến thế nầy.
Ông nghị Mân chỉ đối lập để kiếm bạc cắc mà thôi, nhưng người ta thấy rằng xỉa bạc cắc ra, tốt hơn là hù ông bằng bức ảnh con heo nầy nên người ta mới hành động theo lối rẻ tiền.
Kẻ nào lên tuổi, có đi giải trí lành mạnh chớ có nên dại dột mà le với em út cho chúng biết căn cơ gốc ngọn của mình mà có khi phải mắc vào một cái bẫy gỡ không ra như thế nầy.
Ông Mân không dại dột, nhưng ông bất cẩn. Là khách thường xuyên của vũ trường, ông không thể giấu mãi căn cước của ông, mà như thế, ông chẳng nên rớ tới vũ nữ, nhứt là trong những điều kiện khả nghi: một căn phòng đẹp quá sức, sáng đèn, là không có vẻ là nhà ở.
Đã quen thức khuya rồi, Định lấy giấy ra viết thơ ngay.
Sài Gòn, ngày... tháng... năm...
Kính thưa ông,
Tôi rất xấu hổ mà kính gởi đến ông bức thơ xin tiền nầy. Ông tin hay không, tôi cũng đành chịu, chớ biết sao giờ, nhưng quả thật tôi không phải là một tay làm săng-ta, nên tôi nghe khó chịu lắm mà phải hành động như vầy.
Nhưng tôi đang ở vào một thế cần tiền ghê lắm, không có số tiền ấy, gia đình tôi sẽ nguy mất.
Thưa ông, do một tình cờ hết sức bất ngờ một bức ảnh của ông đã lọt vào tay tôi. Bức ảnh nầy, ông bị chụp lén trong lúc ông cụp lạc với người vũ nữ hiệu là Thu Mai của vũ trường Tonkiti, đó là bức ảnh thứ nhì, còn bức thứ nhứt thì ai đang nắm chắc ông biết rồi.
Nhưng ông chớ lo. Không có bức thứ ba đâu.
Ông sắp gả cô trưởng nữ của ông lấy chồng, mà suôi gia của ông là một nhà đạo đức, ông nên tự hỏi nếu chẳng may cho ông là bức ảnh kỳ cục nầy lọt dưới mắt của suôi gia thì có phải lỡ duyên cô ấy hay chăng?
Vậy tôi xin chơn thành mang ảnh đến giao cho ông hủy bỏ tại đâu tùy ông quyết định. Ông xem coi phải đó là ảnh của ông với cô Thu Mai hay không, rồi thì ông thưởng công tôi ba trăm ngàn đồng tiền mặt, toàn bằng giấy năm trăm (tôi không nhận séc).
Tôi không sợ ông gài bẫy bắt tôi, vì tôi có một bản chụp lại bức ảnh đó mà người bạn thân nhứt của tôi cất giữ. Nếu ông tráo trở, bạn tôi sẽ không xin tiền ông mà chỉ mang bức ảnh ấy đến gia đình thông gia của ông mà thôi.
Tôi buộc lòng phải làm thế để tự vệ, nhưng xin thề với ông là lấy được tiền rồi, tôi đốt ảnh đó ngay.
Nếu ông nhận những điều kiện trên, xin ông đăng vào báo "Buổi Chiều" lời nhắn tin con sau đây:
Con
Nguyễn Văn Hai
Con cứ về, ba tha thứ cả mọi tội lỗi của con. Bằng như con không về, cũng cho ba gặp mặt để con giãi bày nỗi lòng của con. Ta sẽ gặp nhau tại hiệu ăn Cheong Nam phía ngoài, ngày... hồi... giờ.
Ba
Nguyễn Văn Nớ.
"T.B.
- Tôi sắp xuất ngoại, không đợi lâu được. Kỳ cho ông 60 tiếng đồng hồ".
Ông Mân là chủ đồn điền cao su, có văn phòng tại bến Bạch Đằng. Định có một quyển niên giám điện thoại của sở chàng đưa cho để dễ làm việc, chàng tìm một hơi là được địa chỉ ông ta, và đề phong bì theo địa chỉ ấy.
Xong chàng vặn đồng hồ đánh thức chàng dậy thật sớm hầu đi bỏ phong thơ nầy vào thùng thơ ở góc đường đằng kia cho người lấy thơ họ lấy vào chuyến mở thùng thứ nhứt trong ngày, cho thơ khỏi trễ nải.
Xong chàng tắt đèn đi ngủ.
Lữ Đoàn Mông Đen Lữ Đoàn Mông Đen - Bình Nguyên Lộc Lữ Đoàn Mông Đen