You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Final Diagnosis
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ối nghịch hẳn với bầu không khí oi ả và náo nhiệt của các tầng lầu, hành lang lót gạch men trắng của tầng hầm rất mát mẻ và yên tĩnh. Sự yên tĩnh không hề bị khuấy động vì đám rước nho nhỏ kia - cô y tá Penfield bước bên cạnh chiếc băng ca nằm trên xe lăn được đẩy đi bởi một anh hộ lý khoác áo bờ lu trắng và đi giầy cao su.
Đã bao lần mình đi vào cuộc hành trình này rồi nhỉ? Cô y tá tự hỏi trong khi đưa mắt nhìn xuống cái xác người bọc khăn nằm trên băng ca. Có lẽ là năm mươi lần trong mười một năm qua. Biết đâu còn hơn nữa vì có ai cần bận tâm ghi chép lại những lần bước theo cuộc hành trình cuối cùng giữa phòng bệnh và nhà xác, giữa cõi sống và cõi chết.
Theo tập tục, việc chuyển xác được định giờ một cách cẩn thận và luôn luôn đi theo những hành lang phía sau rồi xuống thang máy để tránh cho người sống khỏi não lòng hay thất vọng vì trông thấy cái chết ở kế bên. Đây là cử chỉ phục vụ cuối cùng của người điều dưỡng nhằm nói lên rằng mặc dù nền y học đã bó tay, bệnh viện không tống khứ bệnh nhân đi một cách gọn lỏn. Việc săn sóc, phục vụ và điều trị vẫn còn tiếp tục ít ra là cho hết những giây phút sau cùng.
Hành lang trắng bỗng rẽ thành hai nhánh.Từ nhánh bên phải vọng đến tiếng máy chạy ù ù. Dưới đó là khoa cơ khí của bệnh viện, phụ trách hệ thống sưởi và nước nóng, màng lưới điện, còi hụ cấp cứu. Nhánh bên kia chỉ có một tấm bảng đề: “Khoa Xét nghiệm - Nhà xác”.
Khi Weidman, y công bệnh viện, đẩy xe lăn rẽ vào hành lang bên trái, một người giữ cửa chẳng biết đang giải lao hay ăn cắp giờ hành chánh - hạ chai bia đang uống dở xuống và đứng tránh sang một bên. Ông dùng mu bàn tay lau miệng rồi phác một cử chỉ về phía chiếc băng ca.
- Chưa đến lượt cậu hả? Câu nói nhắm vào Weidman. Một trò đùa dễ thương đã diễn ra nhiều lần rồi.
Weidman cũng đã quen với câu nói ấy.
- Lần này người trúng số là ông cụ đây.
Người giữ cửa gật đầu rồi đưa chai bia lên tu một hơi dài.
Giữa cõi sống và phòng mổ xét nghiệm sao mà ngắn ngủi quá, cô y tá Penfield thầm nghĩ. Cách đây chưa đầy nửa giờ đồng hồ, cái xác chết nằm dưới lớp vải liệm kia là ông George Andrew Dunton, còn sống, tuổi năm mươi ba, kỹ sư dân sự. Cô còn nhớ rõ các chi tiết trong tập bệnh án đang cặp ở dưới nách. Thân nhân của người chết vẫn tỏ ra rất mực đàng hoàng - gắn bó, xúc động nhưng không vật vã. Như vậy, bác sĩ McMahon dễ dàng xin được mổ xét nghiệm tử thi.
- Thưa bà Dunton - ông nói nhỏ nhẹ - Tôi biết lúc này tình cảnh tang gia rất là bối rối, nhưng có một điều cần hỏi xem ý bà thế nào. Chúng tôi mong bà cho phép mổ xét nghiệm ông nhà đây.
Ông tiếp tục nói những lời đã quen dùng, rằng bệnh viện luôn tìm tòi để phục vụ mọi người mỗi ngày một tốt hơn, rằng việc mổ xét nghiệm giúp cho bệnh viện đánh giá được sự chẩn đoán của bác sĩ và góp phần nâng cao kiến thức y học, rằng đây cũng là việc phòng bị cho những người trong gia đình rất có thể một mai sẽ phải nhập viện. Nhưng trước tiên phải có sự chấp thuận...
Cậu con trai ngăn ông lại và dịu đàng nói:
- Chúng tôi hiểu. Xin ông cứ làm những gì cần thiết, mẹ tôi sẽ ký.
Cô Penfild lập chứng từ xét nghiệm. Thế là giờ phút này và tại đây có ông George Andrew Dunton, quá cố, thọ năm mươi ba tuổi, sẵn sàng đón nhận lưỡi dao của nhà phẫu thuật bệnh lý.
Cửa phòng mổ tử thi bật mở.
George Rinne, người da đen giữ nhà xác của khoa xét nghiệm nhìn lên khi chiếc xe chở băng ca lăn bánh vào. Ông ta đang lau bàn mổ, lúc này đã sạch bóng.
Weidman chào ông ta trong câu bông đùa cũ rích:
- Có bệnh nhân cho ông đây.
George Rinne nhe răng cười chiếu lệ một cách lịch sự như thể đây không phải là lần thứ một trăm được nghe câu bông đùa ấy. Ông ta khoát tay về phía chiếc bàn lót men trắng:
- Lại đây!
Weidman đưa băng ca nằm dọc theo mép bàn. George Rinne nhấc tấm vải đang che phủ thân thể trần truồng của ông George Andrew Dunto, gấp lại gọn gàng rồi trao cho Weidman. Vải che xác chết cũng phải được hoàn trả cho phòng bệnh.
Hai người nắm chặt hai đầu tấm vải lót dưới thân mình xác chết và kéo sang bàn mổ.
George Rinne càu nhàu vì nặng. Đây là một con người to lớn, vào cuối đời bỗng nhiên phát phì. Lúc đẩy băng ca đi, Weidman toét miệng cười:
- George ơi, ông lụ khụ rồi đó. Chẳng mấy chốc là đến lượt ông thôi.
George Rinne lắc đầu:
- Tôi sẽ còn ở đây để lôi cậu lên bàn.
Cảnh vừa qua diễn ra một cách tự nhiên vì đã được làm đi làm lại bao nhiêu lần rồi. Có lẽ trước kia hai người bông đùa với nhau vì bản năng muốn dựng lên một hàng rào ngăn cách con người họ với cái chết thường gặp hàng ngày. Đến nay công việc ấy chỉ còn là chuyện thường lê, một nghi thức không hơn không kém. Đã quá quen với cái chết, họ không còn cảm thấy khó chịu hay sợ hãi nữa.
Đứng ở cuối phòng mổ là bác sĩ bệnh lý học tập sự Mc Neil. Anh đã mặc xong áo bờ lu trắng khi cô y tá Penfield đưa xác chết vào. Đón lấy tập bệnh án và đọc sơ qua. Anh cảm thấy sự gần gũi nồng ấm của Penfield ở bên mình - với áo hồ cứng, mùi nước hoa thoảng khoảng, làn tóc hơi lòa xòa dưới mũ vải - êm ái biết bao nếu anh được lùa tay vào mái tóc ấy. Anh cố đưa tâm trí trở lại với tập giấy trên tay.
- Tốt lắm, xem ra không thiếu gì cả.
Mình có nên tiến tới với Penfield chăng? Đã sáu tuần lễ rồ còn gì! Ở cái tuổi hai mươi bảy, sáu tuần lễ cô đơn là cả một khoảng thời gian đằng đẳng. Penfield đẹp trên mức trung bình, tuổi có lẽ là ba mươi hai, vừa đủ trẻ để có sức thu hút và vừa đủ già để hết ngây thơ. Cô thông minh, thân thiện và có thân hình hấp dẫn. Anh nhìn thấy rõ chiếc áo coóc xê bên dưới lớp áo đồng phục trắng. Vì trời nóng, có lẽ cô không mặc nhiều những thứ khác nữa làm gì. Roger Mc Neil thầm tính toán. Có lẽ anh sẽ phải mời cô đi chơi đôi ba lần rồi mới mong cô chiều ý anh được. Thế nhé! Nhưng tháng này thì chưa được. Đương kẹt tiền. Cho anh khất nhé, cô em Penfield thân yêu. Cô em còn trở lại đây mà. Bệnh nhân còn chết thì cô em còn trở lại đây hoài hoài.
- Cảm ơn bác sĩ -Penfield mỉm cười rồi lui ra. Rồi đây chuyện sẽ đâu vào đó, Mc Neil tin chắc trong bụng.
Anh nói với theo:
- Cô năng đưa họ đến đây cho nhé, chúng tôi cần thực tập nhiều.
Lại một câu bông đùa cũ rích tỏ ra thái độ coi thường cái chết.
Elaine Penfield theo người hộ lý ra ngoài. Cuộc hành trình đã kết thúc, truyền thống đã được tôn trọng và công việc phục vụ trôi chảy, nghĩa cử đã trao tặng xong. Cô đã đi hết dặm đường thứ hai ([7]), giờ đây nhiệm vụ của cô là chăm sóc bệnh nhân: những người còn đang sống. Cô có cảm tưởng như bác sĩ Mc Neil định ngỏ ý với cô điều gì.
Nhưng chuyện ấy hãy để chờ đến lần sau.
Trong khi George Rinne đặt chiếc gối bằng gỗ dưới cổ xác chết và vuốt chân tay cho ngay ngắn, Mc Neil bày ra các dụng cụ mổ xẻ: dao, kẹp, cưa sườn, cưa sọ,... tất cả đều sạch bóng- Rinne là nhân viên rất có lương tâm - nhưng không cần phải vô trùng như ở các phòng mổ bệnh nhân.
Xác chết không sợ bị nhiễm trùng nữa; chính các bác sĩ mổ xẻ phải lo giữ gìn sức khỏe của mình.
George Rinne ngước lên nhìn Mc Neil như có ý hỏi.
Bác sĩ tập sự gật đầu:
- Nhờ ông gọi lên văn phong điều dưỡng. Báo với họ rằng có thể cho các cô y sinh xuống được rồi. Sau đó báo cho bác sĩ Pearson biết đã chuẩn bị xong.
- Vâng, thưa bác sĩ.
George Rinne tuân lệnh lui ra. McNeil, bác sĩ bệnh lý học tập sự, cũng có ít nhiều quyền hành tuy đồng lương của anh không hơn người giữ cửa là bao. Chẳng còn bao lâu nữa sự cách biệt giữa hai người sẽ càng xa rộng thêm. Anh đã trải qua ba năm rưỡi tập sự, chỉ còn sáu tháng nữa là nghiễm nhiên được gia nhập hội đồng thầy thuốc. Lúc đó anh có thể nghĩ tới những việc làm kiếm được mười nghìn đô mỗi năm bởi vì hiện còn thiếu rất nhiều bác sĩ bệnh lý. Lúc đó anh không còn phải băn khoăn liệu có đủ điều kiện để tán tỉnh cô Penfield hay không.
Nghĩ như thế, Roger Mc Neil mở cờ trong bụng tuy anh không để lộ ra ngoài mặt. Tiếp xúc với Mc Neil người ta tưởng lầm anh là một kẻ nghiêm nghị, thiếu tính hài hước. Thật ra anh không dễ kết thân với đàn ông, nhưng cánh phụ nữ thấy anh rất quyến rũ. Anh sớm nhận ta được điều ấy và dùng nó làm lợi thế. Trong thời gian thực tập nội trú, các bạn học của anh rất sửng sốt khi thấy Mc Neil, con người lù đù sống cùng nhà với họ, đã rủ được hàng loạt các cô y sinh vào giường, điều mà những chàng luôn tự hào là đào hoa không làm được.
Cửa phòng mổ bật mở và Mike Seddons nhẹ nhàng bước vào. Seddons là bác sĩ phẫu thuật tập sự được bố trí tạm thời vào khoa Xét nghiệm. Anh luôn luôn đi lại rất nhẹ nhàng. Mái tóc đỏ dựng đứng lên cơ hồ như có một cơn gió triền miên không cho phép nó được nằm yên. Khuôn mặt cởi mở, trẻ trung lúc nào cũng như điểm một nụ cười. Mc Neil coi Seddons là kẻ thích phô trương tuy phải nhận rằng Seddons hăm hở với môn xét nghiệm bệnh lý hơn hẳn các bác sĩ phẫu thuật thực tập khác mà Mc Neil đã gặp.
Seddons nhìn thoáng qua cái xác trên bàn:
- Ồ, lại có việc nữa rồi!
Mc Neil ra hiệu về phía tập bệnh án. Seddons cầm lên và hỏi:
- Chết vì bệnh gì vậy - Đọc qua mấy dòng chữ, anh nói tiếp - Nghẽn động mạch vành à?
- Bệnh án ghi như thế - Mc Neil đáp.
- Cậu phụ trách ca này chứ?
Mc Neil lắc đầu:
- Ông Pearson sắp đến.
Seddons nhìn lên, thắc mắc:
- Đích thân sếp cơ à? Có gì đặc biệt không?
- Không. Mc Neil gắn bốn trang biên bản lên một tấm bìa kẹp-Có mấy cô y sinh đến xem. Có lẽ ông ta muốn gây ấn tượng với họ...
Seddons cười:
- Thế ra đây là buổi trình diễn do lệnh của đức vua? Bỏ qua rất uổng.
- Vậy thì làm việc đi thôi - Mc Neil đưa tấm bìa ra - cậu điền vào đây giúp cho.
- Được.
Seddons nhận biên bản và bắt đầu ghi chép chi tiết.
Vừa làm việc anh vừa lẩm bẩm: “Một vết sẹo do cắt ruột thừa. Nốt ruồi nhỏ trên cánh tay trái.” Anh kéo mở cánh tay xác chết: “Xin lỗi ông cụ nhé”. Anh ghi vào biên bản: “Xác chết cứng đờ”. Vạch mí mắt, anh viết: “Đồng tử đường kính 0,3cm.” Anh kéo mạnh quai hàm đã cứng đờ: “Xem bộ răng thế nào?”
Có tiếng chân bước ngoài hành lang. Cửa phòng mổ bật mở và một cô y tá nhìn vào. Mc Neil nhận ra cô này thuộc ban giảng huấn của trường điều dưỡng.
- Chào bác sĩ Mc Neil. Phía sau cô ta là một nhóm các cô y sinh trẻ.
- Xin chào - Bác sĩ khoát tay - Mời tất cả vào đây.
Sáu cô y sinh nối gót nhau đi qua khung cửa. Ai nấy đều bối rối khi trông thấy xác chết nằm trên bàn mổ.
Mike Seddons cười:
- Mau lên các cô ơi. Kiếm chỗ tốt để xem cho rõ.
Seddons nhìn lướt qua nhóm thiếu nữ bằng đôi mắt cân sắc đo tài. Có hai người mới anh chưa gặp bao giờ, kể cả cô tóc nâu kia nữa. Anh nhìn kỹ lại. Phải rồi, tuy ngụy trang dưới lớp áo đồng phục khắc khổ, cô gái này đặc biệt lắm đây! Anh bước vẩn vơ rồi quay lại cố ý chọn vị trí ở gần cô gái vừa lọt mắt xanh.
Anh cười thật tươi rồi nói nhỏ với nàng:
- Tôi nhớ chưa được gặp cô lần nào.
- Em vào học cùng ngày với các bạn đây.
Nàng nhìn anh bằng ánh mắt thành thật pha lẫn tò mò rồi nói thêm, giọng châm biếm - vả lại, em nghe người ta nói là các bác sĩ đâu có thèm để mắt đến đám y sinh năm thứ nhất.
Seddons tỏ vẻ nghĩ ngợi:
- Phải, sự thường là như vậy, nhưng đôi khi cũng có trường hợp ngoại lệ, tất nhiên là tùy ở phía các cô - ánh mắt nhìn say đắm, anh nói thêm - Nhân tiện xin giới thiệu tôi là Mike Seddons.
- Còn em là Vivien Loburton - Nàng phá lên cười và bỗng nhiên im bặt vì bắt gặp ánh mắt không bằng lòng của cô giáo hướng dẫn. Vivian thích dáng vẻ bề ngoài của chàng bác sĩ trẻ tuổi tóc đỏ, nhưng tại nơi này bông đùa thì không được. Dù sao người nằm trên bàn kia cũng đã là người quá cố cần được tôn trọng. Lúc còn ở trên lầu, nàng được thông báo là ông ta vừa mới chết. Cũng chính vì thế mà nàng cùng các bạn được lệnh ngưng ngay các công việc để xuống xem mổ xét nghiệm tử thi. Nghĩ đến “mổ xét nghiệm”, tâm trí nàng liền trở lại với những gì sắp diễn ra tại gian phòng này. Liệu rồi nàng sẽ có phản ứng ra sao. Mới đó mà nàng đã cảm thấy khó chịu lắm rồi. Nàng hiểu rằng trong nghề điều dưỡng nàng sẽ quen dần với cái chết, nhưng lúc này đây cái chết vẫn còn là cái gì đó mới mẻ và đáng sợ.
Có tiếng chân bước ngoài hành lang. Seddons sờ vào cánh tay nàng, thì thầm:
- Ta nói chuyện sau nhé.
Cửa phòng mổ bật mở. Nhóm y sinh hơi lùi lại ra vẻ kính cẩn khi bác sĩ Joseph Pearson bước nhanh vào. Ông mau mắn cất tiếng chào rồi không đợi đáp lễ, bước thẳng đến tủ áo, cởi bờ lu trắng, mặc áo mổ và ra hiệu cho Seddons đến thắt giúp mấy sợi dây sau lưng. Sau đó, như cái máy, hai người bước đến bên bồn rửa. Seddons lấy một chiếc hộp, đổ chất bột trong đó lên hai bàn tay Pearson rồi cầm sẵn hai chiếc găng tay bằng cao su cho vị bác sĩ già. Không ai nói với ai một lời nào.
Pearson đẩy điếu xì gà hơi lệch sang một bên miệng và làu bàu:
- Cảm ơn.
Ông bước đến bàn mổ, nhận tập bệnh án từ tay Mc Neil và bắt đầu đọc chăm chú như quên hết mọi chuyện trên đời.
Mãi đến lúc này ông vẫn chưa để mắt đến cái xác người.
Seddons cũng bước đến và kín đáo quan sát cuộc trình diễn. Anh có cảm tưởng Pearson là Maestro ([8]) bước ra trước dàn nhạc giao hưởng, chỉ còn thiếu tiếng vỗ tay ầm ĩ.
Ngốn xong tập bệnh án, Pearson cúi xuống xem xét xác chết để so sánh sự nhận xét của ông với những điều Seddons đã ghi chép. Sau đó ông đặt tập bệnh án xuống, gỡ điếu xì gà ra khỏi miệng và nhìn thẳng vào nhóm y sinh đứng ở mép bàn bên kia.
- Có lẽ đây là lần đầu tiên các cô đến xem mổ xét nghiệm tử thi.
Nhóm y sinh lí nhí: “Vâng, thưa thầy” hoặc “Thưa bác sĩ, vâng ạ”.
Pearson gật đầu:
- Xin được giới thiệu, tôi là bác sĩ Pearson, chuyên viên xét nghiệm bệnh lý của bệnh viện. Hai vị này là bác sĩ Mc Neil, thực tập xét nghiệm, và bác sĩ Seddons, thực tập phẫu thuật năm thứ ba...
Ông quay sang Seddons:
- Tôi nói có đúng không?
Seddons mỉm cười:
- Rất đúng, thưa bác sĩ Pearson.
Pearson nói tiếp:
- Thực tập năm thứ ba và đang làm nhiệm vụ giúp đỡ chúng tôi bên khoa Xét nghiệm - ông liếc nhìn Seddon - Nay mai bác sĩ Seddons sể đầy đủ tài năng để hình nghề phẫu thuật và tha hồ mà ăn khách.
Hai cô y sinh cười khúc khích; các cô khác mỉm cười; Seddons cũng nhoẻn miệng cười vui vẻ và cảm thấy thích thú. Pearson không bao giờ bỏ qua một cơ hội nào đó đâm thọc vào ngành phẫu thuật và các bác sĩ mổ xẻ. Ắt hẳn cũng có lý do - trong bốn mươi năm xét nghiệm; vị bác sĩ già nua đã lật mặt vô khối những ca giải phẫu bê bối. Anh liếc nhìn Mc Neil. Anh chàng này đang cau mày nhăn nhó, chắc là không tán đồng.
Bác sĩ Pearson vẫn thao thao:
- Nhà bênh lý học thường ít được bệnh nhân biết đến, nhưng trong bệnh viện ít có khoa nào ảnh hưởng đối với bệnh nhân hơn khoa Xét nghiệm.
Ông cụ sắp lên giọng quảng cáo rồi đây. Seddons nghĩ thầm và quả đúng như thế.
- Khoa Xét nghiệm thử máu, thử phân, tìm bệnh và phán quyết khối u thuộc loại lành tính hay ác tính. Chính Khoa Xét nghiệm góp ý với bác sĩ điều trị và đôi khi - ông ngừng lại, nhìn xuống cái xác với ánh mắt đầy ý nghĩa trong khi các cô y sinh chăm chú theo dõi - Và đôi khi chính khoa Xét nghiệm đưa ra lời chẩn đoán cuối cùng.
Pearson lại ngừng nói. Ông cụ trình diễn đạt quá, Seddons thầm nghĩ. Tài năng diễn xuất tự nhiên không chê vào đâu được!
Pearson chỉ trỏ bằng điếu xì gà và tiếp tục nói với nhóm y sinh:
- Xin lưu ý các cô hàng chữ thường thấy viết trên tường của nhiều phòng mổ Xét nghiệm tử thi - Ai nấy đều nhìn theo ngón tay ông chỉ về phía câu khẩu hiệu viền khung - Mortui Vivos Docent. Pearson đọc hàng chữ Lan tinh lớn tiếng rồi phiên dịch: “Người chết dạy kẻ sống” - ông lại nhìn xuống cái xác - Đó chính là điều sắp diễn ra tại đây. Người này rõ ràng - ông nhấn mạnh chữ rõ ràng - chết vì nghẽn động mạch vành. Nhờ mổ xét nghiệm ta biết được điều đó có đúng hay không.
Pearson hít một hơi thuốc dài. Seddons đoán biết được điều gì sắp xảy ra, bèn bước đến gần hơn. Anh chỉ đóng một vai rất nhỏ trong màn kịch này, nhưng cũng nên đóng cho trót. Pearson thở ra một luồng khói xanh mù mịt rồi trao điếu thuốc cho Seddons.. Anh đón lấy và đặt cách xa bàn mổ. Pearson xem xét các dụng cụ đặt trước mắt và nhón lấy một con dao. Ông tính toán vị trí trên xác chết rồi nhanh nhẹn xuống dao một cách gọn gàng.
Mc Neil kín đáo quan sát các cô gái. Kẻ yếu bóng vía không nên xem mổ xét nghiệm tử thi - Anh thầm nghĩ - nhưng đôi khi ngay cả những người đã quen cũng không đủ bình tĩnh chứng kiến nhát dao đầu tiên. Cho đến lúc này cái xác trên bàn kia vẫn chẳng khác chi người còn sống.
Nhưng sau nhát dao đầu tiên, ảo giác không còn nữa. Đó không phải là một người đàn ông, phụ nữ hay đứa trẻ mà chỉ là mớ thịt xương giống như sự sống nhưng không phải là sự sống. Chân lý tối thượng, chỗ kết cục của muôn đời là đây. Lời Kinh thánh Cựu ước đã ứng nghiệm: “Là bụi đất, ngươi sẽ trở về bụi đất”.
Với bàn tay nhẹ nhàng khéo léo và nhanh nhẹn của nhiều năm kinh nghiệm, Pearson khởi đầu ca mổ xét nghiệm bằng đường rạch hình chữ Y thật sâu. Bằng ba nhát dao mạnh, ông vạch hai nhánh chữ Y từ hai bên vai vào gặp nhau ngay giữa ngực. Từ điểm này ông cắt một đường thẳng mở phanh bụng suốt từ ngực xuống tới bộ phận sinh dục.
Có tiếng gì như tiếng xé rách khi lưỡi dao chuyển động và thịt tách ra để lộ một lớp mỡ vàng dưới da.
Vẫn quan sát nhóm y sinh, Mc Neil thấy hai cô mặt mày tái nhợt, cô thứ ba thở hổn hển quay mặt đi chỗ khác. Ba cô kia gắng gượng nhìn. Anh dán mắt vào cô mặt mày tái nhợt - Lần đầu tiên xem mổ xét nghiệm, khó có cô nào giữ nổi bình tĩnh. Nhưng sáu cô này xem ra cứng cỏi lắm. Hai cô yếu nhất cũng đã tươi tỉnh trở lại, cô thứ ba đã quay mặt lại, tuy vẫn giữ chặt khăn tay trên miệng.
Mc Neil dịu dàng bảo họ:
- Nếu cần, các cô có thể ra ngoài nghỉ một chút. Lần đầu tiên bao giờ cũng khó khăn đôi chút. Các cô nhìn anh bằng ánh mắt biết ơn, nhưng không ai động đậy. Anh có cảm tưởng họ sẽ xem hết từ đầu đến cuối, đó là điều anh rất tán thưởng. Nghề y tá phải chứng kiến rất nhiều hình ảnh gớm ghê: vết thương nhầy nhụa, chân tay cụt, thịt thối, mổ xẻ.... họ phải được quen mắt, quen mùi bệnh viện càng sớm càng tốt...
Mc Neil xỏ găng tay làm việc với Pearson. Bằng một con dao lớn hơn, vị bác sĩ già nhanh tay tách lớp thịt ngực để lộ ra những nhánh xương sườn. Ông dùng cưa sườn mở lồng ngực cho thấy rõ màng ngoài tim và hai lá phổi. Lúc này găng tay của nhà phẫu thuật, các dụng cụ và bàn mổ bắt đầu nhuốm máu. Ở cạnh bàn bên kia, đôi bàn tay mang găng của Seddons đang mở bụng xác chết. Anh đi lấy một cái chậu và đặt vào đó bộ ruột cùng dạ dày sau khi nhìn sơ qua đôi chút. Mùi hôi thối bắt đầu xông lên đến mức khó chịu. Pearson và Seddons cùng thắt các động mạch chủ trước khi cắt đi để đội mai táng không gặp trở ngại khi ướp xác Với tay lấy một cái ống trên chiếc giá nằm cao trên mặt bàn, Seddons thông máu trong lồng bụng ra ngoài, và khi Pearson gật đầu, anh chuyển ống lên lồng ngực.
Trong khi đó Mc Neil làm việc trên đầu xác chết. Anh rạch một đường sau ót, từ tai này sang tai bên kia, ở trên đường chân tóc để sau này thân nhân người chết không nhìn thấy vết cắt. Dồn hết sức vào các ngón tay, anh bóc nguyên lớp da đầu về phía trước mặt cho phủ lên đôi mắt. Xương sọ lộ ra, Mc Neil nhấc cái cưa điện đã cắm điện lên.
Trước khi bật công tắc, anh liếc nhìn các cô y sinh và thấy họ đang theo dõi anh bằng ánh mắt vừa hiếu kỳ vừa sợ hãi. Mấy em gái ơi, bình tĩnh nhé - anh nhủ thầm - chỉ một lát nữa đây là các em được thấy hết thôi.
Trong lúc Pearson thận trọng tách trái tim và hai lá phổi, Mc Neil đưa lưỡi cưa vào xương sọ. Tiếng rồn rột của răng thép ăn vào xương sọ vang lên nghe rờn rợn trong phòng. Nhướng mắt lên, anh thấy cô gái cầm khăn tay có vẻ giao động. Hy vọng cô em không ói mửa ngay tại chỗ.
Anh hạ cưa xuống khi nắp sọ đã mở ra. Lát nữa George Rinne sẽ lau rửa hết máu me trên dụng cụ mổ xẻ. Mc Neil thận trọng gỡ nắp sọ để lộ ra lớp màng mỏng bao bọc bộ óc.
Anh lại liếc nhìn các cô gái. Họ vẫn giữ được bình tĩnh. Đã chịu đựng được cảnh tượng này thì sẽ không còn sợ hãi điều gì nữa. Gỡ nắp sọ xong, Mc Neil dùng kéo sắc mở tĩnh mạch chủ chạy từ trước ra sau giữa màng óc. Máu phọt ra đầy lưỡi kéo và bàn tay nhà phẫu thuật. Máu loãng rất tốt, không có dấu hiệu gì của bệnh nghẽn mạch. Anh ngắm nghía cẩn thận rồi xé rách chiếc màng để lộ ra khối óc bên dưới; sau đó dùng dao tách bộ óc ra khỏi dây sống. Seddons mang đến một chiếc hũ chứa đầy dung dịch formalin. Mc Neil nhẹ nhàng thả bộ óc vào đó.
Quan sát bàn tay ung dung và khéo léo của Mc Neil, Seddons tự hỏi bạn mình đang nghĩ gì. Anh quen biết Mc Neil đã hai năm trời với tư cách đồng nghiệp tập sự nội trú; tuy Mc Neil trên lớp anh trong hệ thống cấp bậc chằng chịt của bệnh viện. Sau này, trong mấy tháng anh thực tập bên khoa Xét nghiệm, hai người thân nhau hơn. Bộ môn xét nghiệm bệnh lý quyến rũ Seddons, nhưng anh vẫn lấy làm sung sướng đã không chọn nó làm nghề nghiệp chuyên ngành. Chưa bao giờ anh ân hận vì đã chọn ngành phẫu thuật. Mấy tuần nữa anh sẽ trở lại với nghề chính của mình, nghĩ thế anh cảm thấy vui vui. Trái ngược hẳn với vùng chết chóc này, phòng mổ bệnh nhân trên kia là cõi sống, có mạch máu còn đập, có tiếng thở nơi những thân thể động đậy, và có tâm trạng chiến thắng mà ở nơi này không bao giờ cảm thấy được. Người nào việc nấy, anh thầm nghĩ, việc xét nghiệm dành chó các nhà xét nghiệm.
Nhà xét nghiệm dễ bị mất đi ý thức về thực tại và quên rằng y học thuộc về con người và phục vụ cho con người. Như bộ óc này đây. Bỗng nhiên Seddons nghĩ rằng chỉ mấy tiếng đồng hồ trước, đây bộ óc còn là trung tâm tư duy của một con người, còn là cơ quan điều phối xúc giác, vị giác, thị giác, khứu giác. Mới lúc nào đây nó còn nắm giữ các ý nghĩ, cảm nhận và yêu thương, sợ hãi, đắc thắng. Mấy hôm trước đây, thậm chí hôm nay, nó còn gọi mắt tuôn rơi dòng lệ, giục miệng ứa nước miếng. Bệnh án ghi rõ người quá cố là kỹ sư dân sự. Vậy thì bộ óc này đã từng làm các con toán, ước lượng sức ép, áp dụng các phương pháp kiến trúc để xây nhà, đắp đập, đắp lề đường, dựng nhà thờ... những di sản cho con người còn sống tiếp tục sử dụng. Nhưng bộ óc lúc này ra sao - chỉ là một khối mô vừa được ngâm vào trong hóa chất trước khi cắt vụn để xem xét, rồi thiêu hủy.
Seddons không tin có Thượng đế và không hiểu tại sao niềm tin ấy lại có ở nơi những con người học thức. Sự hiểu biết, khoa học, tư duy, càng phát triển thì mọi tôn giáo càng lu mờ đi. Nhưng anh tin chắc vào cái tạm gọi là “Tia sáng lấp lánh của nhân loại, credo ([9]) hướng đến cá nhân”.
Tất nhiên với tư cách bác sĩ, anh không luôn luôn tiếp xúc với các cá nhân hoặc biết rõ các bệnh nhân của mình, và cho dù có biết rõ đi nữa anh cũng quên họ đi để tập trung tư tưởng vào những vấn đề chuyên môn. Thế nhưng từ lâu anh đã quyết tâm để không bao giờ quên rằng, bên dưới tất cả mọi điều là một bệnh nhân, một cá nhân. Suốt những năm theo học nghề thày thuốc, anh nhận thấy các bạn đồng nghiệp mặc một cái vỏ kén để khỏi phải tiếp xúc thân mật với cá nhân người bệnh. Đôi khi đó là một biện pháp có tính cách phòng ngự, một sự cách ly cố ý để khỏi bộc lộ tình cảm với từng cá nhân cụ thể. Anh cảm thấy mình vẫn có thể làm việc hữu hiệu mà chẳng cần phải giữ thái độ cách ly. Hơn nữa, để bảo đảm mình không bọc vỏ kín, đôi khi anh bắt mình phải suy nghĩ và độc thoại - như lúc này đây. Có lẽ một số bạn bè lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh, một con người hướng ngoại sôi nổi, lại có những ý nghĩ sâu lắng như thế. Cũng có thể họ chẳng ngạc nhiên chút nào bởi lẽ bộ óc con người - hay gọi bằng danh từ gì đi nữa - là một bộ máy hoạt động biến ảo khôn lường.
Mc Neil thì sao nhỉ? Anh ta có cảm thấy gì chăng, hay cũng bọc một cái vỏ kén quanh người? Seddons không biết rõ nhưng nghĩ là có. Còn Pearson.. Không còn nghi ngờ gì nữa. Ông ta lúc nào cũng lạnh lùng và chăm chăm chú chú vào kỹ thuật chuyên môn. Tuy là con người thích khoa trương, những năm tháng trong nghề xét nghiệm đã làm cho ông se sắt đi. Seddons nhìn sang vị bác sĩ già đã tách quả tim ra khỏi xác chết và lúc này đang ngắm nghía nó một cách chăm chú. Ông quay sang các cô y sinh:
- Bệnh án cho biết ba năm về trước người này bị sốc nghẽn mạch tim ([10]) lần đầu tiên; cú sốc thứ hai xảy đến hồi đầu tuần vừa qua. Thành thử ta nên xem ngay động mạch vành. Nhận thấy nhóm y sinh đã tập trung theo dõi, Pearson nhẹ tay mở các cơ tim.
Chỗ nghẽn mạch chỉ ở quanh quẩn đây thôi. À, đây rồi!
Ông dùng đầu que thép chỉ ngay vào vị trí vừa phát hiện. Trên nhánh chính của động mạch vành bên trái có một cục huyết khối, đường kính chừng một phân. Ông chìa ra cho các cô xem.
- Bây giờ ta hãy xem bên trong quả tim.
Ông đặt quả tim xuống bàn mổ rồi dùng dao xẻ ngay chính giữa. Tách rời hai mảnh, ông chăm chú xem xét rồi ra hiệu cho các cô đến gần hơn. Tất cả rụt rè bước lên.
- Các cô có thấy vết sẹo trên cơ tim đây không? Pearson vạch rõ khoảng mô bị xơ. Nhóm y sinh vươn dài cổ trên cái xác rỗng hoác đỏ lòm để nhìn cho rõ hơn:
- Có bằng chứng xác nhận chứng nghẽn mạch ba năm về trước - nhồi máu cơ tim đã lành.
Ngừng một lúc, ông nói tiếp:
- Tâm thất trái có dấu hiệu của cú sốc tim gần đây nhất. Xuất huyết chung quanh, ở giữa tái nhợt - ông chỉ tay vào một khoảng đỏ sậm với một vết mờ ở tâm điểm, khác hẳn với màu nâu ở khắp quả tim.
Ông quay sang chàng bác sĩ thực tập:
- Bác sĩ Seddons, anh có đồng ý với tôi rằng lời chẩn đoán về chứng nghẽn động mạch vành là đúng không?
- Vâng, tôi đồng ý - Seddons lễ độ đáp. Còn nghi ngờ gì nữa - anh thầm nghĩ. Cục huyết khối rất nhỏ, chẳng hơn gì một đoạn mì ống, thế mà đủ đưa con người sang cõi nghìn thu. Anh quan sát vị bác sĩ già nua đặt quả tim sang một bên.
Vivian đã cảm thấy bình tĩnh lại. Ban đầu, khi lưỡi cưa ăn vào xương sọ người chết, nàng tưởng chừng như đầu mình ráo máu. chân tay bủn rủn. Nàng biết mình sắp ngất đi nhưng quyết gắng gượng chịu đựng. Bỗng đâu nàng nhớ lại một biến cố thời thơ ấu. Vào một ngày nghỉ, ở sâu trong rừng Oregon, cha nàng ngã vào lưỡi dao săn và bị thương nặng ở chân. Lạ thay, con người to khỏe như ông cũng hoảng hốt vì thấy máu ra quá nhiều, và mẹ nàng vốn quen việc nhà hơn việc đường rừng lại tỏ ra gan dạ lạ lùng. Bà thắt dây ga-rô cầm máu và sai Vivian chạy đi kêu cứu. Sau đó cha của Vivian được khiêng ra khỏi rừng bằng một chiếc cáng chắp tạm bằng mấy cành cây, cứ nửa giờ bà mẹ lại nới ga- rô cho máu lưu thông rồi thắt cầm máu như cũ. Sau này các bác sĩ nói rằng bà đã cứu cho cái chân khỏi bị cưa. Vivian đã quên đi biến cố này từ lâu, lúc này bỗng nhiên nhớ lại và cảm thấy can đảm hơn. Nàng biết rằng từ nay việc xem mổ xét nghiệm tử thi không còn là vấn đề nữa.
- Có ai thắc mắc gì không? Bác sĩ Pearson hỏi.
Vivian nêu câu hỏi:
- Xin bác sĩ cho biết sẽ làm gì với những bộ phận được cắt rời khỏi xác chết?
- Chúng tôi giữ lại khoảng một tuần. Tim, phổi, dạ dầy, thận, gan, tụy, lá lách và bộ óc. Tất cả sẽ được xem xét một cách tổng hợp và ghi chép lại tỉ mỉ từng chi tiết. Đồng thời chúng tôi cũng nghiên cứu các bộ phận được giữ lại từ những lần mổ trước, có lẽ từ sáu đến mười hai ca một lúc.
Giọng nói sao mà lạnh lùng và vô tình quá đi thôi, Vivian thầm nghĩ. Có lẽ nếu cứ làm mãi một công việc mổ xẻ thì ai cũng đi đến chỗ như vậy cả. Bất giác nàng rùng mình.
Mike Seddons bắt gặp ánh mắt của nàng và anh khẽ mỉm cười. Nàng phân vân không biết nụ cười ấy biểu lộ một ý nghĩ vui vui nào đó hay vì có cảm tình với nàng. Khó mà biết được.
Một cô rụt rè hỏi:
- Cái xác đem chôn... nguyên vẹn chứ ạ?
Câu hỏi rất ư là quen thuộc. Pearson đáp:
- Còn tùy. Những cơ sở đào tạo như bệnh viện này thường phải nghiên cứu các ca mổ xét nghiệm tử thi nhiều hơn các bệnh viện không có hệ đào tạo. Bệnh nhân này chỉ giao cái vỏ xác chết cho đội mai táng. Họ còn cầu mong chúng tôi đừng trả lại các bộ phận ấy để việc ướp các được dễ dàng hơn.
Đúng như thế, Mc Neil nghĩ thầm: Tuy Pearson nói không được khéo, nhưng đúng là như thế. Chính anh đôi lúc cũng tự hỏi không biết tang gia và khách phúng điếu có hiểu rằng chẳng còn bao nhiêu thứ trong cái xác đã bị mổ xét nghiệm. Sau khi mổ, tùy theo mức độ bận rộn của khoa Xét nghiệm, các bộ phận được giữ lại cả mấy tuần lễ mới đem hủy bỏ, nhưng người ta vẫn giữ lại vĩnh viễn những mảnh nhỏ của từng bộ phận.
- Không bao giờ có trường hợp ngoại lệ ư? - Cô y sinh xem ra muốn hỏi đến kỳ cùng mới thôi.
Pearson không tỏ vẻ gì là phật ý cả. Chẳng mấy khi ông nhẫn nại như thế - Mc Neil thầm nghĩ.
- Có chứ - ông đáp - Trước khi mổ phải có phép của gia đình người quá cố. Đôi khi họ cho phép vô giới hạn như trường hợp này đây, lúc ấy ta có thể xem hết cả đầu lẫn thân người. Có khi họ cho phép nhưng hạn chế ít nhiều, chẳng hạn như yêu cầu không đụng đến cái đầu. Bệnh viện này tôn trong tuyệt đối những yêu cầu ấy.
- Cám ơn bác sĩ - Cô gái thỏa mãn ra mặt, mặc dù không ai biết cô ta hỏi để làm gì.
Nhưng Pearson chưa nói hết.
- Có những trường hợp vì lý do tôn giáo, gia đình người chết đòi chúng tôi phải hoàn trả đầy đủ các bộ phận. Cố nhiên phải chịu thôi.
- Người công giáo có yêu cầu như vậy chăng? - Một cô khác lên tiếng.
- Hầu hết là không. Nhưng một số bệnh viên Công giáo luôn luôn trả lại nguyên vẹn xác chết. Thói quen ấy thường gây trở ngại cho việc xét nghiệm.
Vừa nói ông vừa nhìn Mc Neil bằng ánh mắt châm biếm. Hai bác sĩ trẻ hiểu ngay ý nghĩ của Pearson. Một trong những bệnh viện Công giáo lớn nhất của thành phố còn buộc phải hoàn trả tất cả các bộ phận sau khi mổ xét nghiệm. Nhưng thỉnh thoảng trong cuộc đời vẫn diễn ra những trò tinh quái. Khoa Xét nghiệm tất bật công việc của bệnh viện ấy thường để dành một số bộ phận. Mỗi lần mổ xét nghiệm tử thi các bác sĩ đánh tráo các bộ phận mới để nghiên cứu khi có thời giờ rảnh rỗi, thành thử họ vẫn đi trước luật lệ.
Mc Neil biết rằng Pearson tuy không phải là người Công giáo, ông luôn luôn phản đối trò chơi tinh quái ấy. Mặc ai muốn nói gì thì nói, ông luôn luôn mổ xét nghiệm theo đúng mức độ cho phép trên giấy trắng mực đen và ý nghĩa đích thực của ngôn từ. Biên bản xét nghiệm đôi khi dùng câu này: “Mổ giới hạn ở vùng bụng”. Anh biết một vài bác sĩ chỉ cần rạch một đường ở vùng bụng là đủ xét nghiệm toàn bộ cơ thể. Có người nói: “chỉ cần một đường rạch từ vùng bụng, nếu muốn ta có thể thọc sâu vào tất cả, thậm chí đến tận lưỡi”. Mc Neil biết Pearson không bao giờ cho phép làm như thế. Tại bệnh viện Three Counties mổ vùng bụng có nghĩa là xét nghiêm một vùng bụng mà thôi.
Pearson đã hướng sự chú ý về với cái xác chết:
- Nào, tiếp tục.
Ông cút xuống, nhặt một con dao và mò mẫm một cách cẩn thận rồi reo rên khe khẽ:
- Mc Neil, Seddons, xem này.
Pearson đứng tránh sang một bên. Mc Neil nghiêng mình nhìn vào vị trí Pearson đang xem xét. Anh gật đầu. Màng phổi lẽ ra phải trong suốt thì lại bị sơ trắng đục, dấu hiệu của bệnh lao. Bệnh lao cũ hay mới, chỉ một lát nữa đây sẽ biết. Anh nhường chỗ cho Seddons.
- Seddons, anh sờ thử hai lá phổi mà xem - Pearson nói - Có lẽ anh sẽ tìm thấy bằng chứng ở đó.
Chàng bác sĩ phẫu thuật tập sự đưa các ngón tay dò dẫm trên hai lá phổi. Anh nhận ra ngay những khoảng rỗng toác ở dưới bề mặt. Anh ngước lên nhìn Pearson và gật đầu. Trong khi đó Mc Neil dùng một con dao sạch lật các trang giấy bệnh án để khỏi làm bẩn chúng.
- Có chỉ định chụp X-quang vùng ngực không?
- Mc Neil lắc đầu:
- Bệnh nhân bị choáng! Bệnh án ghi rõ là không có chụp X-quang.
- Rạch một đường thẳng xem thế nào.
Paerson nói với nhóm y sinh rồi trở lại bàn mổ. Ông rạch một đường rất ngọt ở chính giữa một lá phổi sau khi đã tách cả hai lá đem ra ngoài. Không còn nghi ngờ gì nữa - Bệnh lao đang tiến triển nhanh. Lá phổi có hình dáng tổ ong, như những trái bóng pingpông kết lại với nhau và bị cắt ở chính giữa - một khối u ác tính mà khả năng gây tử vong chỉ thua kém một bệnh tim mà thôi.
- Anh thấy không?- Pearson hỏi.
- Vâng - Seddons đáp - xem ra có thể nghi ngờ không biết ông ta chết vì tim hay phổi.
- Luôn luôn có nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến tử vong - Pearson nhìn nhóm y sinh - Người này mắc bệnh lao nặng. Như bác sĩ Seddons đã nhận xét, bệnh này có thể giết chết ông ta rất sớm. Có lẽ bản thân ông ta cũng như y sĩ điều trị đều không hay biết.
Pearson tháo găng tay và bắt đầu cởi áo. Buổi trình diễn đã kết thúc, Seddons thầm nghĩ. Các diễn viên phụ và lao công “sân khấu” sẽ làm nốt phần hạ màn. Mc.Neil và Seddons sẽ đặt các bộ phận chính vào thùng chứa và dán nhãn, đánh số hiệu. Những bộ phận còn lại được trả cho cái xác, nếu cần thì kèm thêm một ít dăm bào để độn vào những khoảng trống. Sau đó khâu kín các đường rạch bằng chỉ to sợi đùng để khâu bóng đá. Đường khâu không cần đẹp vì đã có quần lành áo tốt che phủ. Cuối cùng, cái xác được đưa vào phòng lạnh chờ ngàymai táng.
Pearson đã mặc lại áo bờ lu lúc mới vào phòng mổ và đang châm điếu xì gà mới. Ông có cái tật ném bừa bãi các mẩu xì gà hút dở trên khắp các ngõ ngách của bệnh viện để người khác phải khổ công thu dọn.
Ông nói với nhóm y sinh:
- Rồi đây khi hành nghề, các cô sẽ có bệnh nhân tử vong. Nhớ xin thân nhân của họ cho phép mổ xét nghiệm. Người đứng ra xin phép có khi là bác sĩ, có khi là chính các cô. Đôi khi sẽ gặp phải sự phản đối, mấy ai đành lòng để người thân yêu của mình dù đã chết rồi đi nữa, bị cắt vụn ra đâu. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.
Pearson ngừng nói. Trong khoảnh khắc, Seddon chợt thấy ông khác hẳn đi. Phải chăng nơi con người ông vẫn còn ít nhiều từ bi nhân ái?
- Khi cần thuyết phục thân nhân người chết cho phép mổ xét nghiệm - ông nói tiếp - mong rằng các cô nhớ những gì đã thấy hôm nay để đem ra làm thí dụ.
Ông vảy điếu xì gà về phía bàn mổ.
- Người này mắc bệnh lao phổi nhiều tháng trời, rất có thể ông ta đã truyền bệnh cho những người chung quanh, trong gia đình, nơi công sở, thậm chí tại bệnh viện này nữa. Nếu ta không mổ xét nghiệm, rất có thể một số người này sẽ bị bệnh lao mỗi ngày một nặng hơn mà chẳng một ai hay biết. Đến lúc biết ra thì đã muộn mất rồi.
Theo bản năng, hai cô y sinh bước lui khỏi bàn mổ.
Pearson lắc đầu:
- Tại đây thì không sợ bị nhiễm bệnh, vì lao phải lây lan bằng đường hô hấp. Tuy nhiên vì những điều đã phát hiện được qua ca mổ này, tất cả những ai đã tiếp xúc gần gũi với người này đều sẽ được theo dõi và kiểm tra định kỳ suốt nhiều năm sắp tới.
Seddons ngạc nhiên vì thấy mình xúc động trước những lời của Pearson. Ông cụ nói hay quá, anh thầm nghĩ. Điều đáng kể là anh tin những lời ông đang nói. Bỗng nhiên anh cảm thấy mến vị bác sĩ già này.
Như đọc được ý nghĩ của Seddons, ông quay sang nhìn anh và nở một nụ cười giễu cợt:
- Bác sĩ Seddons ơi, ngành xét nghiệm cũng có những chiến công của nó chứ!
Ông gật đầu với nhóm y sinh rồi bước ra ngoài để lại sau lưng một đám khói thuốc lá mịt mù.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng