Số lần đọc/download: 1087 / 4
Cập nhật: 2015-12-15 07:58:09 +0700
Chương 4
N
hững giờ học cuối năm không khác gì chợ chiều. Thầy cũng uể oải mà trò cũng mệt mỏi. Mặc dầu các giáo sư dụ dỗ: « các em nhớ có mặt đông đủ tới giờ chót, biết đâu có chuyện gì thay đổi trong việc thi cử hay có...đề thi », lớp học cũng thưa thớt trong thấy. Không khí hè đã rộn ràng, đột nhập vào sách vở. Trong sân trường, phượng nở đỏ rực, kéo ánh mắt và tâm hồn học trò vào cõi viễn mơ. Ngày thi gần tới, đồng với thời gian chiến trận sôi động tại các vùng giới tuyến. Tuổi 17, 18 có tên trong danh sách nhập ngũ. Chuyện thi cử đối với nam sinh bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Đa số học trò nam sinh không còn tâm trí để học. Đậu cũng đi mà rớt cũng đi, hưởng thụ đã. Lớp học cũng trở nên xác xơ. Những quyển lưu bút trao nhau, dầy đặc những từ ngữ giã biệt. Hè về, không còn « nắng tung nguồn sống khắp nơi », không còn « tiếng ca nhịp phách lên khơi, Đầu ghềnh suối mát. Reo vui giào giạt. Ngợp trời gió mát. Ven mây phiêu bạt » không còn « hồn say ý chơi vơi. Ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời... ». Nhưng những lo âu, khắc khoải và có cả chán chường hiện trên các khuôn mặt chưa có nếp nhăn và còn non mầu sữa. Thế hệ già trước tuổi...
Quyên lãng đãng nghe giọng giảng bài của ông thầy. Nàng thả hồn lên những bông phượng vĩ nở trên những cành cao nhất. Khung cảnh thật mơ màng. Quyên thấy tiếc nuối những năm học trước, không phải bận bịu một tý nào với những thi cử. Mỗi dịp hè là một kỳ hội lớn. Hát hò, phá phách và mộng mơ. Rồi rời ghế nhà trường là tiếp nối những ngày rong chơi thoả thích, nghỉ mát đây đó. Với biển cả bao la, với đồi núi trùng điệp, với vườn cây ăn trái, với ruộng đồng xanh rì ngọn mạ...chứ không khổ sở như hiện tại. Lúc nào cũng sách vở, cũng định lý, phương trình. Hết giam mình trong lớp học nóng như hoả ngục lại gò bó giữa bốn bức tường ở nhà. Khổ ơi là khổ. Nhiều khi quá mệt mỏi, Quyên cầu sớm đến ngày thi để được giải phóng khỏi lao tù thi cử, rồi muốn ra sao thì ra, đậu rớt không thành vấn đề; việc đầu tiên là phải vòi vĩnh ba mẹ cho lên Đà Lạt hít thở không khí lạnh và nghe thông reo, gột sạch những lao lực, bực dọc trong những ngày tháng khó thở...Sách vở ơi, chào mi!
- Quyên!
Cái đá chân của người bạn ngồi cạnh làm Quyên giật mình. Nàng trở về thực tế. Tiếng người bạn thì thầm:
- Mơ mộng hoài! Ổng nhìn mày từ nãy...
- Ông í nói gì vậy?
- Dặn vào phòng thi phải bình tĩnh, đừng vội vàng, phải đọc kĩ đề tài, phải tâm niệm « tôi phải đậu »!
- Nhàm quá!
- Nhưng quan trọng!
- Ai chả biết!
- Thôi, ổng nhìn kìa...
Lần này Quyên nhất định nghe giảng. Bao nhiêu tâm trí được tập trung lại. Ông thầy căn dặn về cách thức trình bày một bài vạn vật. Lại những thứ Quyên đã nghe nhiều lần. Chỉ ít phút sau hồn trí Quyên lại bay ra với những bông phượng vĩ, lên tận vùng cao nguyên thơ mộng và diễm tình, đùa giỡn với sóng biển bạc đầu...
Hai giờ học chấm dứt trong nhạt nhẽo. Quyên tìm đến Thuần và Nguyên:
- Tui bay có gì giải trí không?
Nguyên lắc đầu. Thuần chép miệng:
- Con Huyền mí con Trâm chiều nay lại « cúp ». Giá có mấy nhỏ đó cũng đỡ!
Quyên ừ hử rồi cũng không nói gì thêm. Ba người sánh bước dưới hàng phượng vĩ. Cơn nắng chiều nồng nực vẽ ô trên xác hoa đỏ thẫm. Sân trường kém vẻ nhộn nhịp. Một số lớp không đi thi đã nghỉ trước cả tháng. Chỉ còn lại những bộ mặt đượm vẻ trầm mặc hay cố ý làm ra vẻ suy tư, người lớn, một phần vì ít ngủ, phải thức khuya dậy sớm để học bài, phần khác cũng bởi không khí thi cử tạo nên hoặc là do chính những người sắp nhập cuộc tự cảm thấy mình quan trọng lên hẳn. Vào mùa hạ, các hoạt động như chùng xuống, chậm hẳn lại. Uể oải và rã rời!
Nhóm Quyên cũng không còn nguyên vẹn. Không kể Huyền và Trâm chủ trương ở nhà gạo bài có lợi hơn đến lớp vào những ngày tàn niên học, còn Lệ, từ dạo giận nhau với Quyên đã xin văn phòng cho đổi lên lớp buổi sáng. Ông thư ký già của trường nghe đồn mê Lệ nên chấp thuận ngay. Nhiều « sứ giả hoà bình » tìm mọi cách để làm hoà giữa Lệ và Quyên nhưng không thành. Cả Huy nữa, mấy ngày liền không thấy Lệ tới học, chàng cũng ngạc nhiên không ít, sau con bé Thảo cho biết: « chị Quyên mí chị Lệ nghỉ chơi nhau rồi » - Ủa, sao vậy – Cháu cũng khônh biết nữa, chú hỏi chị Quyên xem sao – Nhưng Huy đã không dám hỏi thẳng, sợ Quyên hiểu lầm. Tuy nhiên chàng nghĩ việc con gái giận nhau – nhiều khi vô cớ - là chuyện thường, xảy ra như cơm bữa, rồi chỉ ngày một ngày hai lại hoà hợp, cứ như chó với mèo. Nhưng trường hợp của Lệ, và Quyên, Huy thấy lạ, dai dẳng quá; người nào cũng tự ái lớn như cái đình, thành thử « cuộc chiến » không biết bao giờ chấm dứt. Có điều Huy ngạc nhiên hết sức là sau ngày hai người giận nhau, Quyên bỗng chăm học đến không ngờ, ít nói cười rộn ràng, trở nên hiền thục. Huy lại cười thầm quả đúng như danh nhân nào đó đã nhận xét: « đàn bà phức tạp và khó hiểu hơn cả những bức tranh lập thể của Picasso! »
Đến nay dường như ai cũng tránh đề cập đến chuyện Lệ, Quyên giận nhau, bởi mỗi lần nói tới, Quyên hay giận dữ - mà cô bé mà đã giận lên thì chỉ có...trời họa may mới dỗ nổi! Các cô gái đẹp thường hay khó tính. Cuối cùng mọi người hy vọng sau kỳ thi, dù kết quả buồn hay vui, hai kẻ giận nhau sẽ tự động tìm tới nhau, làm hoà và biết đâu lại chả oà khóc vì hối tiếc đã...giận nhau!
Một cánh phượng đã lìa cành, chao đi chao lại trong khoảng không, Quyên reo vui đỡ lấy. Nguyên bảo:
- Mày hên rồi đó.
- Hên gì?
- Gì cũng được. Như...thi đậu chẳng hạn.
Quyên nghe vui trong lòng. Có người học trò nào lại không thích thi đậu. Đó là niềm mong ước của Quyên, nhất là của cha mẹ nàng và của Huy nữa. Quyên không muốn phụ lòng ai và không muốn phản bội những hy sinh của người thân. Tuy nhiên nhắc tới thi cử, nàng vẫn lo lắng. Quyên phà hơi vào những cánh phượng đỏ óng nhung, cười nói:
- Đậu...ngọn tre í hả?...Mà thôi, quên chuyện thi cử đi mày ơi, nghe chán đời thí mồ!
Thuần chép miệng:
- Chán thiệt, phải chi mình được học hoài mà không phải thi há!
Quyên vân vê cọng hoa:
- Thi cũng được nhưng giá mình...biết trước được đậu hay rớt thì cũng đỡ khổ, khỏi phải lo lắng cho già người!
- Ừ há!
Nghe bạn nói Nguyên góp chuyện:
- Có là thánh hay...thầy bói mới đoán trước được! Nhỏ Quyên nói chuyện trời mây đâu ấy!
- Gì mà trời mây? Bộ mày không thích biết trước kết quả sao?
- Sao không, nhưng thích là một chuyện còn thực hiện được không lại là chuyện khác.
- Nhưng tao nói « giá », tức là thí dụ thôi chứ bộ...
- Thí dụ của mày không thực tế!
- Sao không?
- Chẳng ai có thể chắc chắn được chuyện tương lai.
- Cũng có khi chứ!
- Tỷ như mày, bây giờ mày đâu biết trước được sẽ đậu hay rớt!
Quyên cười cười, nửa đùa nửa thật:
- Biết được! Tao làm...thầy bói!
Giọng Nguyên cũng chùng xuống:
- Bói ra ma quét nhà ra rác!
- Này hé, tao bói mí nhỏ Thuần đậu còn mày...rớt!
Cả ba người cùng cười khúc khích. Thế rồi câu qua câu lại, hết chuyện thi cử lại tới chuyện bói toán, kéo dài cho đến khi chuông reo vào lớp hai giờ sau.
Lớp học đang như chợ vỡ bỗng im bặt vì sự xuất hiện của vị Tổng giám thị. Mọi người trong chờ một tin quan trọng:
- Giáo sư Hạnh bị đau...
Người đại diện trường chưa kịp chấm dứt câu nói, tiếng la ó đã ré lên:
- Nghỉ!
- Cho về, thầy!
- Giải tán có trật tự!
- Yêu cầu trả lại học phí!
- « Bụi đời », tụi bây!
Và rồi như một dòn nước vỡ bờ, đám học trò con trai ùa ra khỏi lớp, kéo theo vị Tổng giám thị. Nhóm Quyên phải ngồi lại, mãi một lúc sau mới rời khỏi ghế. Khi ra cửa lớp Quyên bắt gặp anh chàng Vĩnh đứng ngấp ngó ngoài hành lang, chờ đợi. Quyên hỏi ngay:
- Chuyện gì đó anh Vĩnh?
Ấp úng mãi Vĩnh mới nói nổi câu nhờ chị viết dùm cho mấy chữ vào cuốn sổ này, mai mốt tôi nhập ngũ rồi. Nhỏ Thuần trêu chọc:
- Viết về l’amour được không?
Câu đùa cợt của Thuần làm Vĩnh đỏ mặt, luống cuống quay đi mất. Quyên trách Thuần:
- Mày thuộc loại ác nhất thế giới!
- Con trai mà cũng bày đặt lưu bút, lưu biếc!
- Tao chỉ mong tới lượt mày để tụi tao cho mày...chết luôn!
- Mày nói « tới lượt » gì? À, yêu phải không? Tức là mày gián tiếp công nhận anh chàng Vĩnh yêu mày?
Biết mình nói hớ Quyên chữa thẹn:
- Nói nhảm, mày! « Tới lượt » ở đây là...tới lượt mày nhờ viết lưu bút đó...
- Giỏi chùi mép lắm! Mai mốt làm luật sư, nghe nhỏ!
Cười. Nguyên chen vào:
- Ê Quyên, lật ra xem có thư tình không?
Quyên nhăn mặt:
- Lại mày nữa!
Nhưng rồi cả ba mái đầu cũng chúi vào cuốn sổ. Trên trang đầu quyển lưu bút Vĩnh viết những lời giã từ bạn bè. Những dòng chữ thật cảm động. Của một người biết trước tính mình sắp rời bỏ bóng mát học trò...
Sau những lời bàn tán về Vĩnh, Quyên nhìn đồng hồ tay và nhin sân trường còn ngập nắng:
- Không lẽ bây giờ tụi mình về nhà? Uổng quá!
- Ừ há, hay « tếu ngạo giang hồ »?
- Mà ở đâu?
- Chỗ mọi khi!
- Kì này bò bía một bữa. Thay đổi chương trình đi.
Suy nghĩ, ba bộ mặt mang vẻ quan trọng. Rồi, có lẽ nớ lại câu chuyện dang dở nói hồi ra chơi, Nguyên đề nghị:
- Đi coi bói xem thi đậu hay rớt, tụi bây?
Quyên và Thuần thích lắm, đồng ý liền. Việc gì chứ coi bói đúng là sở thích của con gái. Coi bói đều đều, bất cứ ở đâu, lúc nào, việc gì... Nguyên nói thêm:
- Tao mới khám phá ra một chỗ coi bói thần sầu luôn!
- Tận đâu lận?
- Giồng Ông Tố, đầu xa lộ. Lão này là một thầy ngải coi luôn bói.
- Hay không?
- Rất nhiều người đã tới và đã phục sát đất!
Quyên và Thuần ra lấy xe, để Nguyên đứng chờ dưới gốc cây phượng vĩ. Vừa cho máy nổ, Thuần sực nhớ ra một điều quan trọng, hỏi lớn:
- Kiểm điểm lại tài chính, đủ không?
Giở chiếc ví tay nhỏ nhỏ xinh xinh, đồ dùng đựng nào bút, khăn tay, nào thẻ căn cước và tiền nong, Quyên reo lên:
- Tao có tới ba trăm, giầu ghê!
- Tao còn năm chục thôi; hồi trưa kẹt mua chiếc ruột bút nguyên tử. Nhỏ Nguyên, nhiêu?
- Vừa chẵn bốn bò!
- « Xứ dân gầy » mà giầu hơn tụi tao!
Sau khi góp tiền nhau lại, Quyên giắt tà áo dài vào yên xe, quay lại hỏi Quyên:
- Họ lấy đắt không?
- Mỗi đứa một trăm.
Thuần tính toán ngay:
- Ba đứa ba trăm, vốn tụi mình những bảy trăm rưỡi, như vậy còn dư những bốn trăm năm mươi đồng, thừa sức để ghé bánh cuốn Đình.
- Mày không chừa để đổ xăng à?
- Rồi, năm chục thôi! Phải hà tiện để...ăn!
Sau câu nói là những tiếng cười giòn giã. Thuần chỏ Nguyên. Hai chiếc xe chạy song song ra hướng ngoại ô thành phố. Khi ngang qua một ngôi thánh đường cổ kính Nguyên chỉ tay:
- Trong kia có một ông thánh linh lắm, ai xin gì cũng được.
Quyên cười:
- Sao nhỏ này hôm nay biết nhiều quá vậy?
Nheo một bên mắt Nguyên cười lại:
- Vào không?
- Để chi?
- Xin...thi đỗ!
Con ma thi cử luôn luôn ám ảnh những người học trò này, ngay cả những lúc họ vui đùa. Thông thường tâm lý của những người sắp đi thi dễ bị hoang mang, dễ tin đến độ dị đoan luôn. Chẳng thế mà có nhiều học trò kiêng ăn chuối, sợ.... trượt vỏ chuối, lại chỉ ăn đậu đỏ để được may mắn! Trước khi ra khỏi nhà, họ nhìn trước, ngó sau để tránh gặp...đàn bà, con gái, ngược lại, các cô cậu thí sinh bỗng ngoan đạo lạ lùng, lui tới nhà thờ, chùa chiền luôn, hay làm việc thiện để mua đức. Ở đâu có ông thánh, đức Phật nào nghe nói linh thiêng, họ tìm tới ngay... Bởi thế, nghe Nguyên giới thiệu, Quyên và Thuần biểu đồng tình không chít do dự, mặc dù không đồng tôn giáo.
Thấy Nguyên quỳ gối, cúi đầu, Quyên và Thuần cũng làm theo. Trên đài hoa, bức tượng nhìn xuống với đôi mắt bao dung. Cả ba người lâm râm cầu nguyện mà ý chính là xin thi đậu. Trước khi đi ra Nguyên thắp sáng một ngọn nến, cắm lên chân tượng. Quyên nhìn chung quanh không thấy ai, ngắt vội một bông hoa trong bình.
Vừa ra khỏi thánh đường, giọng Thuần đã bô bô:
- Nguyên, ông thánh của mày tên gì?
- An Tôn!
- Đẹp trai ác! Tao mê ông í rồi!
Nguyên nhăn mặt trong khi Quyên không giữ nổi tiếng cười.
- Con này, trẻ không tha già không thương!
Hai chiếc xe lại trực chỉ địa điểm đã định. Lần này Nguyên sang ngồi sau xe của Quyên, bảo không thèm đi chung mí nhỏ Thuần tội lỗi kẻo bị thánh giận lây.
Ra khỏi thành phố, con đường nhựa mở rộng nhưng lại đông xe cộ qua lại. Gió từ hai bên cánh đồng thổi lộng. Mát rượi. Bên vệ đường có những chiếc lều tranh lụp xụp nhưng lại đeo những bảng tên rất thơ mộng. Lều Cỏ. Quán Mộng. Lều Gió. Quán Trăng… Phía xa xa là màu xanh thẳm của lúa mạ. Có những con trâu đang gặm cỏ hay cày ruộng. Phong cảnh mơ màng hơn nhờ những bóng dừa cao vút, vẽ mạnh nét trên nền trời xanh lơ.
Đến đầu một con đường đất đỏ trải đá lởm chởm, Nguyên ra hiệu cho các bạn rẽ xe vào. Đường hẹp và có nhiều cây dại mọc. Nhà cửa phần nhiều bằng gỗ hay được ghép bằng những tấm tôn, nhưng được cái nhà nào cũng có vườn nên giảm bớt được vẻ nghèo nàn. Thuần sát xe nó vào xe Quyên:
- Gì mà ghê thế này, vắng quá!
Nguyên trấn an:
- Không sao đâu, yên mà!
- Thế này mà mày cũng mò ra!
Sau khi luồn qua lại thêm hai ba đường hẻm nữa, nhóm Quyên được mấy người đàn bà có tuổi chỉ nhà ông thầy ngải cho (vì Nguyên bảo đã lâu lắm không tới nên quên lối vào). Trẻ con thấy người lạ chạy ra trước nhà ngó chùng chừng.
Quyên mạnh bạo đập cánh cổng. Một con chó không biết từ đâu xổ ra khiến ba người phải lùi ra xa, níu lấy tay nhau. Một lúc sau, ở bên trong nhà đi ra một gã thanh niên lực lưỡng với vẻ mặt cô hồn. Hắn hỏi cộc lốc:
- Có chuyện chi vậy?
Nhóm Quêyn khó chịu cái giọng thiếu thanh nhã, nhưng vẫn cố làm ra vẻ tự nhiên:
- Chú cho hỏi nhà ông thầy ngải.
- Để chi?
- Chúng tôi muốn…coi bói!
Gã không nói gì thêm, co chân đá con chó rồi mở cổng. Khoá xe cẩn thận xong nhóm Quêyn đi theo gã thanh niên. Thinh lặng. Tim đập mạnh, hồi hộp. Vòng lại sau nhà, leo lên một thang gác bằng gỗ, gã đưa ba người vào một căn gac thấp lè tè, chỉ tay rồi rút lui. Chiếm một khoảng rộng giữa gian nhà, một bàn thờ lớn với những tấm hình kì quái lờ mờ sau những làn khói nhang nghi ngút, với những đĩa trái cây, và đặc biệt với những chiếc lọ thuỷ tinh dựng những vật đen đen mà Quyên đoán là bùa ngải. không khí có vẻ ghê gợn ma quái. Đang còn ngơ ngác trước vẻ vắng lặng của căn gác, nhóm Quyên bỗng nghe tiếng chân lẹp xẹp phát xuất từ một căn phòng kế bên. Cửa mở một ông già gầy gò, ốm yếu, khuôn mặt dài, má lõm, mắt sâu, bước ra. Cả ba đều cuối đầu chào. Giọng ông già khàn đục như của người sắp hết hơi:
- Muốn chi?
Thuần mạnh dạn:
- Dạ thưa thầy… coi bói!
- Vào đi!
Ông thầy ngải ngồi trên chiếc ghế chõng tre ra hiệu cho nhóm Quyên ngồi đối diện. ông với lấy trong tường một chiếc hộp, nậy nắp rồi lấy ra một cái đĩa trên đựng mấy đồng xu thời xưa:
- Ai coi trước đây?
Bọn Quyên nhìn nhau. Lão già thu mấy đồng xu lại rồi thả xuống lòng dĩa. Những tiếng kêu khô khan và sắc cạnh vang trong không gian thinh lặng. Quyên đẩy Thuần ra. Cô bé le lưỡi. ông thầy ngải bình thản, hỏi Thuần:
- Tuổi gì?
- Dạ…tỵ…
Miệng lầm bầm như đọc thần chú, tay gieo những đồng xu trên đĩa, ông thầy ngải trầm ngâm:
- Ba ngửa, hai sấp…mà lại tuổi tỵ thì…không được tốt lắm. tính nóng nẩy và đòi cầm đầu thiên hạ, cái gì cũng muốn hơn kẻ khác, không chịu nhường nhịn hay chịu thua ai bao giờ…
Quyên khúc khích, nói chen vào:
- Nó dữ lắm thầy!
Đồng thời với cái nguýt dài Thuần thích cùi tay vào người Quyên. Ông thầy ngải lại gieo những đồng xu:
- Đường gia đạo cũng không tốt đẹp lắm đâu, nếu không biết dằn tính nóng…À…à…đây rồi, số cô phải kết nghĩa với người đứng tuổi, goá vợ mới hạnh phúc…
Mặt nhỏ Thuần đỏ bừng đến tội nghiệp. Con bé vội hỏi sang chuyện khác trong khi Quyên và Nguyên nháy máy với nhau.
- Thưa thầy còn đường học vấn có tốt không?
- Tốt, nhưng tôi cá với cô là chỉ một hai năm nữa cô sẽ tự ý bỏ học về đi buôn, mà con đường buôn bán hợp với cô hơn.
- Dạ…còn thi cử năm nay thì sao?
- Nếu trong tháng tới cô không bị đau ốm nặng thì đậu. Ấy cũng nhờ quới nhân hộ phù mà tai qua nạn khỏi. rồi, cô muốn hỏi chi nữa không?
- Thưa thầy, sau này tôi có…tiền của hay…
- Giàu, mà không phải đợi sau này, chỉ trong năm nay thế nào cô cũng có một số tiền lớn, tự nhiên tới, chẳng hạn cô…trúng số!
- Thua thầy, tôi không bao giờ mua vé số cả!
- Hay cũng có thể một người giàu có nào đó họ đem đến cho. Đây này đồng cái sấp nằm trên đồng con ngửa là dấu hiệu núi vàng lở đấy, mà lở ngay dưới chân cô. Tôi dám nói rằng nếu bằng rầy sang năm mà cô không được số tiền to đó, tôi cho cô tới đốt nhà này đi!
Xong Thuần tới Nguyên. Ông thầy ngải gieo quẻ:
- Bốn sấp, một ngửa…con người nhiều phước đức nhờ ông bà để lại. À, cầm tinh con chi?
- Dạ, con khỉ!
- Con gái kị nhất tuổi dần, tỵ, thân. Số cô với cô lúc nãy cũng không được tốt lắm, nhưng với cô thì nhờ thuần tính hơn nên được nhiều người giúp đỡ. Tính hay tủi thân lắm đây, nghĩ ngợi nhiều lại dễ tin người. Coi chừng đấy, cô có thể bị người ta lợi dụng mà không biết, tránh đừng quá thân với ai. Hồi nhỏ cô hay đau yếu lắm phải không?
- Dạ.
- Có chồng rồi lại khoẻ. Con đường gia cang của cô này tốt hơn cô trước nhiều. cô sẽ có ba đứa con, đứa nào cũng kháu khỉnh, hiếu nghĩa…
Thuần ngắt lời thầy bói:
- Chừng nào nó lấy chồng, thầy?
- Cuối năm nay thế nào cũng có người đem trầu cau tới dạm hỏi, mà người này quen biết gia đình cô từ hồi nhỏ nhưng đi xa nay mới về, cô thì cô đã quên người này nhưng anh chàng này chung tình lắm, vẫn nhớ tới cô…nhưng phải đợi ba năm nữa hai người mới làm đám cưới, đám cưới vội.
Ghé sát vào tai Nguyên, Thuần hỏi nhỏ:
- Anh chàng nào vậy mày?
Nguyên đỏ mặt, không trả lời. Giọng ông thầy ngải vẫn đều đều:
- Cô học được lắm, thi cử vững vàng, chỉ có điều tính hay lo sợ quá nên dễ hỏng chuyện. Mà rồi cũng không can chi, ăn ở hiền hậu thì thánh nhân ở trong nhà. Xong, có muốn hỏi thêm chi không?
Mục đích đến đây là để biết thi đậu hay không, nay ông thầy đã cho biết “thi cử vững vàng” nên Nguyên vui vẻ:
- Dạ thôi!
Quyên ngồi lên chỗ Nguyên; mặt lo lắng trông thấy.
- Cô này tuổi chi?
- Dạ…thìn.
- Con gái tuổi thìn cũng sang…nhưng hay mơ mộng, ít thực tế lắm. Rồng thường hay bay bổng trời cao, không chịu chơi với mấy con khác. Người mang tuổi thìn hay giả vờ lắm, kiêu căng tự phụ, thích được người khác để ý tới, thích quyền hành và bao giờ cũng muốn chỉ huy…
Quyên thở ra nhè nhẹ. Chưa có gì nguy hiểm. những điều ông thầy vừa nói Quyên nhận thấy đúng gần hết. Nàng tủm tỉm cười:
- Như vậy tốt hay xấu, thầy?
- Tốt, xấu tuỳ từng người, nếu khéo xử thì mọi việc êm xuôi hết…
Sau khi gieo quẻ, ông thầy bói trầm tư, suy nghĩ. Quyên mở lớn mắt nhìn ông ta, nóng mặt chờ đợi. Chợt ông kêu lên:
- Hay!
- Dạ…
- Cô đào hoa lắm!
Quyên thở phào. Đào hoa thì có gì đáng lo, hơn nữa là con gái, đứa nào cũng thích tiếng này, hãnh diện với bạn bè vì được nhiều con trai theo đuổi. Quyên chăm chú theo dõi.
- Hiện giờ có đến ba anh theo cô, nhưng cô chỉ dành tình cảm cho anh chàng đến sau cùng. Đúng không?
Quyên chột dạ, nóng ran mình mẩy. Thuần và Nguyên che miệng cười, nói thầm với nhau:
- Chắc trong đó có chàng Vĩnh “đít chai”.
Ông thầy bói gục gặc đầu, thủng thỉnh, càng làm cho sự chờ đợi thêm căng thẳng:
- Anh chàng cô đang để ý này tuy nghèo nhưng được cái tính tốt, học giỏi và đẹp trai nữa. Xứng đôi lắm!
Quyên đỏ mặt, cúi đầu. Thuần chen vào:
- Chừng nào đám cưới, thầy?
- Cũng khó khăn lắm đây, nếu vượt được ba bức tường thì cô với anh chàng đó mới nên duyên…nhưng rồi gia đình cũng êm thấm. Về sau cô không giàu nhưng có địa vị; tôi nói địa vị đây là của chồng, cô được hưởng…
Bắt chước Thuần, Nguyên cũng hỏi thêm trong khi Quyên ngồi thẹn thùng:
- Thầy nói “ba bức tường” là những…bức tường gì?
- Ừ…ừ… tôi cũng không rõ, ở đây thánh không dậy. Nhưng…cũng có thể…như gia đình hai bên không chịu hoặc do hoàn cảnh éo le hay…gì gì đó. Nhưng mà không sao, mạng cô này đa hoả có thể đốt cháy tất cả, vả lại tướng cũng phước đức lắm đấy.
- Thế năm nay nó có thi đậu không thầy?
- Khoan để xem… Không! Tôi dám lấy mạng mình mà cá với các cô rằng cô này thi rớt!
Như một tiếng sét đánh ngang tai, Quyên choáng váng; mặt tái mét; đôi tay run rẩy, siết chặt chiếc khăn mùi soa. Nàng không muốn nghe thêm nữa nhưng ông thầy bói vẫn bình thản:
- Thi cử cũng như đánh bạc, mà đen bạc thì đỏ tình!
Quyên chán nản thật tình, rã rời.
Thuần lấy tiền đặt trên đĩa rồi ba người tiu nghỉu đứng lên chào ông thầy ngải ra về. Khi nhóm Quyên đi ngang bàn thờ, tiếng ông thầy gọi lại:
- Này, các cô!
Vừa cho chân xuống gầm chõng tìm đôi dép, ông thầy vừa chỉ những lọ thuỷ tinh:
- Mua ngải không? Ngải này linh lắm!
Thuần hỏi đùa:
- Nhiêu một cái, thầy?
- Người ta thì tôi lấy bảy ngàn, các cô còn học sinh tôi bớt cho phân nửa.
Bọn Quyên nhìn nhau. Ông thầy quảng cáo tiếp:
- Mang ngải của tôi trong người rồi muốn gì cũng được, muốn ai thương mình chỉ giả vờ đụng vào họ là thánh bảo họ cũng không rời mình…hoặc…nếu số mệnh mình phải thi rớt, nhưng khi đi thi đem ngải này vào phòng thi, ngậm trong miệng thì chắc chắn sẽ đậu cao! Ngải của tôi các cô me mẽo mua nhiều lắm; họ tới đây tạ ơn tôi thiếu gì!
Bằng giọng nói mang vẻ ương ngạnh cố hữu Thuần mạnh bạo hỏi:
- Tỷ như thầy mang nó chắc cũng…giàu sang, phú quí, không cần làm nghề này nữa, nhất là không ở nơi hẻo lánh, trong căn nhà chật chội, nóng nực này nữa, phải không thầy?
Có lẽ trong suốt quãng đời hành nghề thầy bói chưa từng nghe một khách hàng nào hỏi một câu xỏ xiên như vậy, ông già mở to mắt nhìn thao láo ba cô gái, không kịp đáp ứng gì.
Buổi chiều đi coi bói có vẻ không khá, lúc mới đến hào hức bao nhiêu, lúc bước ra lại tiu nghỉu không kém, chỉ vì lời ông thầy ngải bảo Quyên thi rớt khiến nàng buồn, lây sang các bạn. Ba đứa không ai nói một câu. Nắng chiều đã úa tàn thoi thóp, như cùng chia sẻ với tâm hồn giao động của ba cô học trò áo trắng.
Xe chạy tới xa lộ, mãi sau Nguyên mới nói:
- Quyên nè, tao chắc hắn ta bói láo quá. Mày học giỏi hơn tụi tao, vô lý lại có thể rớt.
Quyên làm thinh, dù không tin tưởng mấy vào lời nói của ông thầy bói nhưng cũng vẫn cảm thấy lo âu, mất vui. Nguyên tìm cách gợi chuyện, ý hẳn muốn an ủi bạn:
- Mày thấy không, nghe nhỏ Thuần hỏi, hắn ta đâu có trả lời được!
Quyên vẫn không có ý kiến, lơ đãng lái xe.
Về ngang qua một ngôi đình, nơi thờ nhà cách mạng họ Phan và cũng là nơi có hàng bánh cuốn nổi tiếng, Thuần nhắc nhở:
- Bánh cuốn, tụi bây?
Nhưng Quyên uể oải:
- Tự nhiên mất hứng. Thôi để chiều mai!
Tuy nhiên vì muốn khuây khoả Thuần nhất định không chiều Quyên. Nàng vượt xe lên trên, lách vào trong một ngõ hẻm. bất đắc dĩ Quyên phải lái xe theo.
Những chiếc bàn, chiếc ghế bằng gỗ thùng thấp lè tè kê trước sân đình. Quán ăn lộ thiên này có vẻ “văn nghệ” nên được các cặp tình nhân chiếu cố đông. Nhóm Quyên phải đứng chờ một lúc mới có bàn. Trong khi chờ đợi chủ quán tráng bánh, câu chuyện xem bói lại được khơi dậy, tuy nhiên Thuần và Nguyên đều cố ý tránh nói tới những lời tiên đoán của ông thầy ngải về thi cử. Bất chợt Thuần hỏi:
- Hồi nãy lão thầy bói nói con Quyên được tới ba tên chạy theo, vậy tụi nó là những đứa nào?
Quyên nhún vai:
- Ai mà biết!
- Đừng giấu! Tao đoán chắc trong đó có anh chàng Vĩnh “đít chai” rồi, còn hai tên kia?
- Ủa, sao lúc nãy không hỏi ông thầy bói í, giờ hỏi tao!
Nguyên góp chuyện:
- Tao biết nhân vật thứ hai!
Thuần hí hửng:
- Ai mày?
- Tên sinh viên Dược khoa vẫn hay “trồng cây si” dưới cột đèn đó!
- Phải tên đi chiếc Honda đen bóng láng bóng đến…đốt đèn bảy ngày không tìm ra hạt bụi không?
- Chính hắn!
- Còn tên thứ ba nữa, biết không?
- Chịu! Hỏi nhỏ Quyên!
Tự nhiên tim đập mạnh trong lồng ngực Quyên – như một đang ẩn nấp trốn tránh sắp bị phát giác. May lúc đó đứa con gái nhỏ của bà chủ quán bưng bánh ra. Khói thơm bốc lên làm ba người chảy nước miếng. Mùi cà cuống quyến rũ thoang thoảng từ chén nước mắm vắt chanh. Quyên đã mừng thầm, tưởng đã thoát nạn, không ngờ sau mấy miếng bánh, Thuần lại tiếp nối câu chuệyn bỏ dở:
- Quyên, nhân vật thứ ba là ai vậy?
- Làm sao tao biết được!
- Trời, vai chính mà nói vậy, ai tin!
- Ngộ nhỡ nó để ý tao trong…bóng tối thì sao?
- Người ta bảo gì chứ “chuyện đó” con gái tụi mình tinh lắm, mày ơi!
- Trong đó không có tao!
- Đóng kịch!
- Dối mày ăn cái giải gì!
Trong khi đó Nguyên có vẻ suy ngghĩ hơn. Sau khi lần lượt “điểm danh” những chàng trai trong lớp cũng như xa lạ thường hay nhìn theo, tán tỉnh hoặc chạy sau xe Quyên, trí nhớ của Nguyên chợt dừng lại một bóng hình. Nàng reo lên:
- Tao khám phá ra rồi!
Cả Quyên, Thuần đều ngưng nhai, nhìn Nguyên chờ đợi. Giọng Nguyên quả quyết:
- Chú Huy!
Quyên giật nẩy mình – như người bị bắt quả tang đang phạm lỗi gì – luống cuống đánh rơi chiếc đũa. Giống như bắt được một vật quí giá bất ngờ, Thuần tấn công tới tấp:
- Khà! Khà! Trúng phóc rồi! Khen nhỏ Nguyên thông minh! Ờ há, thế mà tao không nghĩ ra!
Được thể Nguyên phụ hoạ theo:
- Ông thầy ngải chả nói anh chàng thứ ba tuy nghèo nhưng tính tốt, học giỏi, đẹp trai là gì!
Thuần đắc chí:
- Lão í còn nói xứng đôi lắm chứ!
- Thế mà tụi mình nãy cứ chê ông ta bói sai. Tội nghiệp “mái đầu bạc”!
- Hi! Hi!
- À, mày còn nhớ không, lão í bảo tuy có ba anh chàng theo nhỏ Quyên nhưng nhỏ Quyên chỉ chịu người thứ ba đến sau thôi!
- Nó bị tơ vương rồi!
- Hèn chi dạo này nó chịu lối học kèm trẻ tại gia!
- Đúng là một mối tình trong bóng tối!
- Sức mấy mà bóng tối, với tụi mình nhỏ Quyên còn giấu, nhưng biết đâu… “anh chị” lại chả thơ mộng quá trời rồi!
- Một loại “vòng tay học trò” há?
- Ừa. Tao dám nói chuyện của nhỏ Quyên với chú Huy còn tuyệt vời hơn trong “Mourir d’ aimer”. Mày coi phim này chưa, Anne Giradot đóng đó?
- Rồi, nhưng mày so sánh vậy không đúng. Trong phim mối tình đẹp thật nhưng đau khổ, cuối cùng cô giáo phải tự tử chết, còn chuyện của nhỏ Quyên tao nghĩ sẽ xuôi chảy hết.
- Thế mà cũng đòi nói, mày quên là lão thầy bói nói nhỏ Quyên “phải vượt qua ba bức tường” mới nên duyên với anh chàng?
- Ờ há, nhưng can chi, ba chứ mười bức tường nhỉ Quyên cũng vượt được. Nó vẫn tự hào là tay tổ mà!
- Chú Huy cũng thuộc loại lì có tiếng!
- Thật tụi mình có mắt cũng như đui!
- Mày nói sao?
- Mắt nhỏ Quyên đầy những “đóm khói” mà mình không để ý!
- Vui quá ha!
Thuần và Nguyên cười giòn giã. Quyên ngồi chết lặng, không nói nổi một câu nào. Thuần và Nguyên không để ý, vẫn vô tình vui đùa. Nửa như bị rơi vào một khoảng trống với một cảm giác lâng lâng, mơ hồ, nửa lo lắng câu chuyện sẽ bị hai nhỏ bạn phóng đại rồi không biết sẽ còn lan truyền đến đâu nếu một khi thêm một đứa nào trong lớp biết được, Quyên nghĩ thầm phải “phủ đầu” tụi này mới được. Nghiêm nét mặt lại, dằn đôi đũa xuống bàn, Quyên gằn giọng:
- Im, tụi bay!
Tiếng cười nói ngưng bặt. Thuần và Nguyên như chợt nhớ lại có Quyên ngồi cạnh, thoáng ngạc nhiên trước sự nổi nóng của nàng. Không để chúng có thời giờ phản ứng, Quyên tiếp liền:
- Tui bây nói hơi nhiều! Nhìn kỹ bộ mặt tao xem, tao thế này mà…đi chịu “Linh hồn tượng đá” hả?
Thuần cười gượng:
- Duyên số mà mày! Nhiều khi mình không chịu mà vẫn mắc phải như thường!
- Nhưng tao đâu có gì!
- Thì…ông thầy ngải nói đó!
- Hắn nói láo!
Thuần nín thinh, biết chắc Quyên đã giận thật sự. Nguyên cũng ngồi lặng yên không nói gì. Biết “phe địch” đã xuống tinh thần, Quyên đe doạ:
- Tụi bay nói ẩu, nếu người nào không hiểu chuyện đi đồn ầm lên có phải hại tao không? Tao nói thật nếu tụi bây còn này nọ nữa tao…nghỉ chơi liền!
Nguyên đấu dịu:
- Ai mà đi nói! Tại thấy ông thầy ngải bói mày vậy tụi tao mới bàn cho vui chứ...
- Nhưng cũng tùy cái chứ!
- Nếu mày không thích thì thôi!
- Nếu đúng thật tao với...chú Huy, cho tụi bay tha hồ!
Bầu không khí chùng xuống. Bà chủ quán mắc chiếc bóng điện lên đầu một cây sào, bật sáng. Quyên dịu giọng:
- Thanh toán lẹ đi còn về, tối rồi!
Và không ai nói gì nữa cho đến khi ba người đứng lên.
Quyên lái xe về một mình, Thuần nhận đưa Nguyên vì hai người ở cùng đường phố. Đèn hai bên đường cháy rực. Sinh hoạt về đêm trở mình, trỗi dậy nhộn nhịp...
Trên đường về nhà Quyên cho xe chạy thật chậm. Gió mát. Những lo âu có bởi những lời tiên đoán thi rớt của ông thầy bói đã dần biến đi; hiện hữu là một thứ tình cảm nhẹ nhàng, khó tả. Như một đống than âm ỉ lâu ngày được khơi dậy, bắt lửa cháy, Quyên có cảm tưởng con người mình vừa có một sự thay đổi hoàn toàn mới, kỳ lạ. Hình ảnh Huy chờn vờn trong tâm trí nàng ngay khi ông thầy ngải nói tới « anh chàng thứ ba ». Thật gần gũi. Một cảm giác vừa mơ hồ, vừa xa vắng nhưng cũng đủ làm nàng nôn nao như mong đợi một cái gì sắp tới. Đã có một cái gì không ổn trong Quyên từ lâu - bắt trông ngóng mỗi sáng Huy tới chậm, bắt ngường ngượng khi nhìn Huy giảng bài hay bắt lúng túng khi bị ‘‘người ta’’ nhìn lại. Sự đều đặn có mặt Huy mỗi buổi sáng đã khiến Quyên chấp nhận lấy sự đều đặn đó làm niềm vui đầy, nỗi hạnh phúc lớn. Đã khởi sự xa rời bạn bè, xa rời những nô đùa nói cười ồn ào để một mình ngồi trong suy tư, để nhìn mây bay thả hồn viễn du. Thoáng buồn, thoáng vui, thoáng giận mình vô duyên, ghét mình vô cớ để rồi chính Quyên cũng không hiểu được lòng mình muốn gì. Quyên có cảm giác mình mềm yếu vô cùng, nhỏ lại và ngây thơ. Nàng tự hỏi mình sẽ ra sao đây. Bây giờ câu hỏi này trở lại dồn dập, thôi thúc nhiều hơn, càng đưa nàng vào những rối bời giăng mắc. Lo sợ thật nhưng Quyên vẫn nghe lòng minh nao nao...Cảm giác này theo Quyên về tới nhà và cả khi đã vào giường rồi, quấy rầy giấc ngủ của nàng. Gần suốt đêm...
° ° °
Vừa thấy Huy đến Quyên đã khoe ngay:
- Chiều qua Quyên đi coi bói!
Huy cười:
- Đó là mục hấp dẫn nhất của các cô!
- Quyên đi với mấy người bạn nữa.
- Chắc phải thú vị lắm?
- Buồn muốn chết!
- Sao vậy?
Hai người cùng sánh bước lên nhà, vào phòng khách, ngồi xuống chỗ mọi ngày vẫn ngồi. Sau khi tả địa điểm, quang cảnh trong nhà và con người ông thầy bói, Quyên xịu mặt giọng buồn buồn:
- Ông ta bảo thể nào Quyên cũng thi rớt!
Huy bình thản:
- Sợ không?
- Làm Quyên...lo cả đêm, ngủ không đựơc!
- Hèn chi sáng nay coi cái mặt phơ phờ!
Câu nói của Huy vô tình làm Quyên xao động và cảm giác được bao dung săn sóc, che chở. Quyên hơi bối rối, ngó mãi xuống những ngón tay trắng nuột. Người ơi, Quyên chỉ buồn ít nói thôi, thật ra Quyên không ngủ được vì...chuyện khác cơ, chả thèm nói ra cho người nghe đâu, Huy cười nho nhỏ trong miệng:
- Thế bây giờ còn lo không?
- Còn!
- Nếu vậy phải đọc lại cuốn « Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống » của Dale Carnegie!
Quyên cười. Huy cười. Cô bé vui vui trong hồn và ánh mắt có cái gì lạ lạ:
- Sáng nay cho Quyên nghỉ học đi!
- Chi vậy?
- Buồn buồn sao í!
- Bị ảnh hưởng đến thế cơ à?
- Khi không đang tin tưởng lại bị...thất vọng!
Huy lấy bao thuốc ra, giơ trước mặt, Quyên gật đầu mời thầy. Chàng gắn điếu thuốc trên môi, bật lửa, hít hơi đầu tiên, nhả khói rồi nối lại câu chuyện:
- Mấy ông thầy bói sống được là nhờ các cô!
- Sao lại các cô?
- Dễ tin!
- Ông í bảo nếu bói sai sang năm cho tụi Quyên đến đốt nhà ông í!
Huy cười mỉm:
- Nếu thế thì Quyên nên dự trữ « ét-săng » từ bây giờ đi là vừa!
- Thầy không tin?
- Tôi quả quyết nếu Quyên thi rớt, cho...hoả thiêu tôi luôn!
Quyên ôm mặt:
- Thầy nói ghê quá!
- Phải tin tưởng nơi mình. Không lẽ người khác lại rõ khả năng của mình hơn mình? Sức học của Quyên thừa sức thi đậu!
- Thầy...an ủi Quyên!
- Thật ra thi cử không có gì ghê gớm cả; thường đề thi bao giờ cũng vừa sức học của một học sinh trung bình, hơn nữa ngừơi ta ra đề thi là đề cho thí sinh làm được, chứ không phải đề bắt bí!
- Biết vậy..., nhưng còn...học tài thi phận?
- Một phần rất nhỏ nào thôi, chính yếu vẫn là mình có chịu học hay không, một khi đã thông suốt chương trình, dễ gì ai có thể đánh rớt nổi!
- Nghe thầy nói Quyên muốn lạc quan luôn vậy đó!
- Nếu tôi...bói đúng, hay hơn ông thầy ngải hôm qua, định...thưởng tôi cái gì nào?
Quyên nghiêng nghiêng đầu, ra vẻ nghĩ ngợi:
- Một chầu cà rem?
- Sợ sún răng lắm!
- Thế gì?
- Bò bía trước Bưu điện!
Nói xong Huy nheo mắt cười. Quyên cũng cười theo, đỏ mặt. Nơi đó bọn Quyên vẫn « có mặt » sau mỗi chiều tan học. Mấy đứa đứng bao quanh chiếc xe ba bánh, ăn uống tỉnh bơ. Những cuốn bò bía ở đây thật thơm, nhiều tôm và thịt ngậy; nước tương chấm cũng tuyệt vời, vừa đậm đậm, ngọt ngọt lại bùi nữa. Cô bé ngạc nhiên sao Huy lại biết. Như đoán được ý nghĩ của học trò, Huy cười cười:
- Mấy lần bắt gặp cô bé đang « lâm trận »!
Quyên càng thẹn hơn, kêu khẽ:
- Thầy trêu Quyên!
- Thấy sao nói vậy, không hề thêm bớt!
- Sao lúc đó thầy không gọi?
- Trời đánh phải tránh miếng ăn, sợ các cô...mắc cỡ, lại bắt đền!
Hai người cùng cười nhỏ. Câu chuyện xoay quanh các món ăn và các quán ăn. Quyên không ngờ ông thầy đạo mạo này biết nhiều đến thế. Điểm này càng tạo thêm sự gần gũi. Phải chăng những tình cảm đặc biệt thường bắt nguồn từ những tầm thường đó? Âm thầm nhưng đậm đà, Quyên nghe ấm lại trong tâm hồn, thầm ước mong những giây phút này kéo dài mãi, đến vô tận, không có một áng mây xám hay cánh quạ đen nào vờn quanh. Chỉ có hoa và nắng ấm.
Thấy học trò tư lự, Huy hỏi dò:
- Hãy còn buồn vì lời ông thầy bói hả?
Quyên chớp mắt, lắc đầu:
- Hết rồi!
- Sao có vẻ...trầm ngâm vậy?
Hơi bối rối Quyên trả lời do dự:
- Ờ...Quyên đang nghĩ tới...chuyện khác cơ!
- Cho nghĩ ké được không?
- Thầy...đoán thử xem!
Huy hít thêm một hơi thuốc, thở ra:
- Nhất định không ngoài chuyện coi bói!
Quyên chúm chím:
- Lý do?
- Thông thường những ông bà thầy bói hay “dụ khỉ” thân chủ của mình về ba khía cạnh: sự nghiệp, công danh, nhất là chuyện tình yêu!
Quyên im lặng, mím môi nhìn Huy. Nét cuống quít trong mắt nàng thoáng hiện, dễ nhận ra. Huy vẫn bình thản, như nói một câu chuyện hết sức tầm thường:
- Quyên đã nói về thi cử rồi này, mà theo lão thầy bói…ngu muội đó Quyên thi rớt, tức là đường công danh, sự nghiệp…khá lận đận – cứ tạm coi như vậy nhé – Chắc chuyện…tình yêu của Quyên mới là vấn đề chính, làm Quyên băn khoăn. Phải không nào?
Nói xong Huy nhìn Quyên cười cả bằng mắt. Quyên biết mình sắp thua rồi đó. Bạn ơi, sao khôn quá vậy. Lúc này Quyên thấy mình thật bé bỏng. Giọng nàng gượng gạo:
- …Ừ…cũng gần đúng…
- Đúng bong chứ còn “gần đúng” gì nữa!
Quyên mạnh bạo hơn:
- Thế theo thầy ông í bói Quyên gì nào?
- Tôi đâu phải thầy bói!
- Thì Quyên mới đố thầy chứ!
Huy chậc lưỡi:
- Thế nào ông ta cũng bảo Quyên có số đào hoa!
Quyên kêu lên khẽ:
- Sao thầy biết?
Huy hạ giọng:
- Quyên cứ soi gương, nhìn lại khuôn mặt mình thì hết ngạc nhiên ngay!
Mặt Quyên hồng lên; mắt nàng chớp nhanh không giấu được cảm xúc. Huy lên tiếng khỏa lấp khoảng trống yên lặng trong căn phòng:
- Các ông thầy bói tâm lý lắm, thấy thân chủ nào mặt mũi…sáng sủa một chút thể nào cũng nói là có số đào hoa.
Quyên làm thinh, theo dõi. Huy thản nhiên tiếp:
- Rồi các ông ấy bói thêm, hiện có đến ba bốn người theo tán. Điều này dĩ nhiên, chả có người con gái nào lại…không được một hai người để ý. Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta theo. Bao giờ chả vậy! Hơn nữa theo tâm lý thông thường, con người ai cũng muốn quan trọng hoá mình, nên nghe nói như thế tự nhiên tự ái được ve vuốt, thành thử cho rằng họ bói đúng.
Tiếng Huy như xoáy trong tâm thần Quyên. Nàng nghe lòng mình nao nao, có cảm tưởng như vừa mất mát, bị tuột khỏi tay một vật yêu quí. Tai nàng mơ hồ đón nhận những âm thanh trầm trầm của Huy:
- Trường hợp thân chủ nào nhất định quả quyết mình không hề quen biết một người nào thì các ông thầy liền chữa lại câu nói, chẳng hạn nhiều người để ý cô lắm, nhưng cô thì vẫn vô tình không hay biết gì cả mà những người kia lại kín đáo thành thử…chưa đi đến đâu. Bói như vậy ai chả bói được! Chắc hôm qua cô Quyên cũng được nghe những lời “tán dương” đại loại vậy chứ gì!
Quyên như pho tượng. Dưới chân nàng có những gì đang vỡ, trôi đi. Tiếng Huy vô tình đào thêm khoảng sâu, đẩy Quyên đứng trên bờ vực:
- Một công thức nữa của các ông thầy bói là đoán thân chủ mình cũng chỉ…để ý đến một người trong số những người theo tán mình. Điều này cũng coi như đương nhiên. Bởi vì các cô thường hay so sánh, ít nhất trong số những người mến mộ mình cũng có một tên…nổi hơn cả! Hoặc thí dụ thân chủ không chịu nhận, các vị thầy bói thế nào cũng nói cô hãy xét kỹ lại lòng mình đi, có khi vì bận học hay bận việc nọ, chuyện kia mà không để ý đấy thôi…Còn sự thật đâu có gì…
Bờ vực thẳm đã lở, Quyên chới với trong khoảng trống. Đầu gục trên cánh tay. Tự nhiên nước mắt ứa ra. Ngậm ngùi. Huy chợt nhận ra, hoảng hốt, dụi mạnh điếu thuốc cháy dở vào chiếc gạt tàn:
- Quyên! Ủa, sao vậy?
Đôi vai của Quyên khẽ rung. Nàng thấy ghét Huy cay đắng. Nàng đứng bật dậy, bỏ chạy vào trong phòng. Huy ngơ ngác, hoàn toàn không hiểu gì. Chàng muốn chạy theo Quyên để hỏi nguyên do và nếu cần, dỗ dành, nhưng rồi không dám. Huy cũng nghe lòng mình sao đâu. Đúng là con gái khó hiểu. Đưa mắt nhìn cánh cửa căn phòng đóng kín, Huy khẽ thở dài, lững thững đi xuống sân. Đôi chim câu đang đứng mớm nhau trên bờ tường, nghe động, cất cánh bay. Huy dừng lại trước cụm hoa hồng, đưa tay bứt một nhánh nụ mới hé. Một chiếc gai xước vào tay chàng. Rớm máu…
Nắng đã lên cao.