Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Chương 3: Hiệu Ứng Ikea
Hay việc lý giải hiện tượng “Văn mình thì hẳn là hay”
Mỗi khi tôi bước vào một cửa hàng IKEA, tôi lại nghĩ ra vô số ý tưởng trang trí tổ ấm của mình. Cửa hàng đồ nội thất tự lắp giá rẻ rộng lớn này giống như một cái lâu đài đồ chơi khổng lồ dành cho người lớn. Tôi bước qua các phòng trưng bày đầy các loại đồ đạc khác nhau và tưởng tượng cái bàn kiểu cách, hay đèn bàn, hay tủ sách trông sẽ thế nào nếu được đặt vào ngôi nhà của mình. Tôi thích ngắm nghía chiếc bàn trang điểm hào nhoáng không mấy đắt tiền ở khu trưng bày nội thất phòng ngủ và xem xét các đồ vật và bát đĩa trong các gian nhà bếp sáng bóng đầy các tủ bếp tự lắp. Tôi chỉ muốn mua đầy một xe tải các đồ nội thất tự lắp này và để khắp nhà mình từ chiếc bình đựng nước bình dân đầy màu sắc đến cái bàn viết gắn vào chiếc tủ cao lừng lững.
Không phải lúc nào tôi cũng chạy theo những thôi thúc từ các món hàng IKEA, nhưng hễ khi nào có nhu cầu là tôi lại đến đó. Vào một lần như thế, tôi mua một món đồ Thụy Sĩ cực kỳ hiện đại để cất giữ những món đồ chơi vương vãi khắp nhà. Đó là một loại tủ có ngăn kéo tự lắp ghép dùng để đựng đồ chơi. Tôi mang nó về nhà, mở hộp ra, đọc bản hướng dẫn và ráp các thanh tủ vào với nhau. (Phải nói rõ là tôi không thực sự tài năng lắm trong việc lắp ráp đồ đạc, nhưng tôi vẫn thấy thích thú khi làm công việc này - có lẽ là dư âm của việc thích chơi Lego khi còn thơ ấu.)
Không may là các miếng ghép không được đánh dấu rõ ràng như tôi tưởng và bản hướng dẫn thì sơ sài, đặc biệt là ở những bước quan trọng. Giống như nhiều những thí nghiệm tôi đã tiến hành trong đời, quá trình lắp ghép thật quái quỷ lại theo đúng định luật của Murphy: mỗi lần tôi phải đoán xem một mảnh gỗ hay cái ốc vặn được đặt vào đâu là thế nào tôi cũng đoán sai. Thỉnh thoảng, sai lầm được phát hiện ngay. Có lúc tôi không hề nhận ra mình đã lắp sai đến ba hay bốn công đoạn, có nghĩa là tôi lại phải tháo ra làm lại.
Dù sao thì các trò lắp ghép vẫn luôn hấp dẫn tôi, thế nên tôi vẫn kiên nhẫn nghiên cứu cách lắp ghép món đồ IKEA của mình như thể đang chơi một trò ghép hình cỡ lớn. Tuy nhiên, vặn ra vặn vào mãi cùng một con ốc cũng khiến cho người ta khó mà giữ được lâu tâm trạng này, và cả quy trình đã ngốn mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Cuối cùng thì tôi cũng thấy mình đứng bên cái tủ đồ chơi đã hoàn thành. Tôi nhặt đồ chơi của bọn trẻ và cẩn thận xếp chúng vào. Tôi cảm thấy rất tự hào về công trình của mình và trong suốt cả mấy tuần sau đó, tôi không thể không nở một nụ cười mãn nguyện mỗi khi đi ngang qua nó. Khách quan mà nói, tôi chắc chắn rằng đây không phải là món đồ có chất lượng tuyệt nhất mà tôi có thể chi trả. Tôi cũng chẳng thiết kế, đo đạc, cũng chẳng cưa gỗ hay đóng dù chỉ một chiếc đinh. Nhưng hình như chính việc mất hàng giờ đồng hồ vật lộn với cái tủ đã khiến tôi trở nên gần gũi với nó hơn. Tôi cảm thấy gắn bó với nó hơn bất kỳ đồ vật nào trong nhà. Và tôi tưởng tượng rằng nó cũng yêu tôi hơn những đồ vật còn lại trong nhà mình.
Lấy ra từ lò nướng
Niềm tự hào vì sự sáng tạo và những thứ do chính mình làm ra luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người. Khi chúng ta nấu một bữa ăn từ rất nhiều nguyên vật liệu hay làm một cái giá sách, chúng ta vẫn mỉm cười và tự nhủ rằng "Những gì ta vừa làm thật đáng đồng tiền bát gạo!" Câu hỏi ở đây là: vì sao có những trường hợp chúng ta tìm cách làm chủ và có những trường hợp khác thì không? Những gì sẽ khiến ta hoàn toàn thỏa mãn với cảm giác tự hào vì chính ta đã làm ra nó?
Ở cấp độ thấp, sáng tạo có thể là món mì ống ăn liền hay pho-mát, những thứ mà cá nhân tôi cho rằng chẳng có tính nghệ thuật gì lắm. Để làm ra chúng, người ta chẳng cần một kỹ năng độc đáo nào, cũng như chẳng cần lao tâm khổ tứ gì: nhặt một gói mì ở cửa hàng, trả tiền, mang về nhà, mở nó ra, đun nước, nấu và để mì cho ráo nước, trộn nó với bơ, sữa và túi nước gia vị màu cam, rồi chén. Chỉ như vậy thì thật khó có thể gọi là tự hào khi làm ra được nó. Còn ở cấp độ cao, có những bữa ăn làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, chẳng hạn như món canh mì gà, món ớt chuông nhồi hay món bánh táo ngon lành bà nấu. Trong những trường hợp (hiếm hoi) đó, chúng ta rõ ràng là cảm thấy được sự sở hữu và niềm kiêu hãnh đối với sáng tạo của mình.
Thế còn những món ăn nằm giữa hai mức độ đó thì sao? Sẽ thế nào nếu chúng ta trộn được một bình nước sốt pasta mua sẵn với một ít rau thơm hái ngoài vườn và vài miếng pho-mát Parmigiano-Reggiano cắt lát đẹp mắt? Sẽ thế nào nếu chúng ta thêm vào đó một ít hạt tiêu rang? Và có gì khác nhau không giữa hạt tiêu được mua ở cửa hàng với hạt tiêu trồng ở vườn nhà? Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần phải bỏ ra bao nhiêu công sức để có thể nhìn ngắm một cách kiêu hãnh các thành quả của chúng ta?
Để hiểu được công thức căn bản của thái độ được sở hữu cũng như niềm tự hào, chúng ta hãy cùng xem xét một chút lịch sử của những thức ăn bán sẵn. Từ khi mà những thứ hỗn hợp để nướng ăn ngay (như bích quy, vỏ bánh nướng và những thứ tương tự) xuất hiện từ cuối thập niên 1940, chúng đã nhanh chóng chiếm lĩnh các xe chở hàng, kho đựng đồ ăn và cuối cùng là trên các bàn ăn. Tuy nhiên, không phải món nào trong đó cũng được chào đón nhiệt liệt như nhau. Những người nội trợ đặc biệt dè dặt với món hỗn hợp trộn sẵn để làm bánh ngọt mà họ chỉ cần làm một hành động đơn giản là chế thêm nước vào, thế là bánh đã thành hình. Một số nhà sản xuất cũng băn khoăn liệu những hỗn hợp bánh ngọt đó liệu có quá ngọt hay thiếu vị tự nhiên không. Tuy nhiên, chẳng có ai giải thích được vì sao những hỗn hợp khác là vỏ bánh nướng hay bích quy - làm từ những thành phần mà cơ bản là giống với bánh ngọt - lại được ưa chuộng trong khi hỗn hợp bánh ngọt bán rất chậm. Vì sao những người nội trợ cần mẫn lại không bận tâm lắm đến việc liệu cái vỏ bánh nướng họ sử dụng có phải là lấy từ trong hộp ra không? Tại sao họ lại thận trọng với bánh ngọt như vậy?
Có một lý thuyết giải thích rằng hỗn hợp bánh ngọt làm đơn giản hóa quy trình làm bánh đến mức mà những người phụ nữ không còn cảm thấy những cái bánh ngọt là "do họ làm ra" nữa. Như một tác giả chuyên viết về ẩm thực là Laura Shapiro chỉ ra trong cuốn sách Lấy ra từ lò nướng, bích quy và vỏ bánh nướng rất quan trọng, nhưng tự bản thân chúng lại chẳng thành cái món gì. Một bà nội trợ có thể sẽ vui vẻ nhận lời khen ngợi về một món ăn mà bà ta phải sử dụng một số mua sẵn mà không hề cảm thấy lời khen đó không xứng đáng. Một chiếc bánh ngọt, ngược lại, tự bản thân nó đã là một món ăn hoàn chỉnh, một quy trình khép kín. Và trên hết, bánh ngọt thường mang những ý nghĩa tinh thần to lớn, là biểu tượng của những dịp đặc biệt. Một người nướng bánh khó có thể vui vẻ khi tự thấy mình (hay tự thú nhận trước mọi người) là đã làm bánh sinh nhật chỉ bằng "một hỗn hợp trộn sẵn". Cô ấy không chỉ cảm thấy hổ thẹn hay tội lỗi mà còn làm thất vọng những vị khách, những người có thể sẽ cảm thấy họ không được thết đãi tương xứng trong một dịp đặc biệt thế này.
Khi đó, một nhà tâm lý học và chuyên gia tiếp thị có tên là Ernest Dichter nghĩ rằng việc bớt đi một số thành phần và cho phép những người nội trợ pha chế thêm chúng vào đồ ăn có thể sẽ giải quyết được vấn đề. Ý tưởng này sau đó được biết đến với cái gọi là "lý thuyết quả trứng". Chưa hết, hồi ấy Pillsbury còn loại trứng khô ra khỏi hỗn hợp bột, và yêu cầu các bà nội trợ tự trộn trứng tươi cùng với sữa và dầu ăn vào hỗn hợp bánh khi chế biến, doanh số đã tăng chóng mặt. Với những người nội trợ những năm 1950, rõ ràng chỉ cần thêm trứng và một vài thứ gia vị khác là đủ để biến một hỗn hợp bánh trộn sẵn từ địa vị là “đồ ăn sẵn” lên “chiếu trên” của “đồ chế biến”, thậm chí khi sự “chế biến” món bánh tráng miệng đó chỉ là thêm một chút pha trộn. Động cơ căn bản là được làm chủ trong nhà bếp, kèm theo mong muốn được tận hưởng sự tiện lợi, là lý do ra đời của câu khẩu hiệu rất thông minh của Betty Crocker “Bạn và Betty Crocker sẽ mang đến món nướng hạnh phúc". Sản phẩm vẫn là của bạn, chỉ tốn chút ít thời gian chế biến với sự giúp sức của một biểu tượng nhà bếp. Chẳng có gì phải xấu hổ, phải không nào?
THEO TÔI NGHĨ, người hiểu hơn ai hết sự cân bằng tinh tế giữa mong muốn có được niềm tự hào của người làm chủ với ước ao không phải mất quá nhiều thời gian trong nhà bếp chính là Sandra Lee, người nổi tiếng với cuốn sách "Semi-Homemade" (Tạm dịch: Tự-làm-một-nửa). Thực ra, Lee còn làm thủ tục để cấp bằng sáng chế cho công thức chỉ ra điểm gặp nhau giữa hai yếu tố này, đó là "Triết lý 70/30 Semi-Homemade®". Theo Lee thì việc một đầu bếp phải nấu nướng quá nhiều sẽ cảm thấy rất vui sướng khi tiết kiệm được thời gian làm bếp bằng việc sử dụng những thứ đã được chế biến sẵn tới 70% (ví dụ như hỗn hợp bột bánh ngọt trộn sẵn, tỏi băm sẵn, một hũ nước tương cà chua kiểu Ý) và 30% dành cho việc "sáng tạo của người đầu bếp" (với một ít mật ong, va-ni cho thêm vào bánh ngọt hay thêm một ít húng quế vào nước sốt). Người phụ nữ này đã tạo ra một sự kết hợp những thứ làm sẵn với mong muốn tạo dấu ấn của mình trong món ăn ở đúng mức độ cần thiết, trước sự hào hứng của các bà nội trợ và sự thất vọng của các đầu bếp chuyên nghiệp.
Ví dụ, đây là công thức nấu món "Nấm cục Sô-cô-la đánh thức mọi giác quan" của Sandra Lee:
Thời gian nấu: 15 phút
Cấp độ: Dễ
Nguyên liệu: khoảng 36 viên nấm cục
Thành phần:
1 hộp kem phủ sô-cô-la (16 ao-xơ)
¾ tách đường, loại hạt nhỏ
1 thìa cà phê vani
½ tách bột cô ca nguyên chất không đường
Hướng dẫn:
Xếp hai khay bánh tròn bằng giấy da, dùng máy trộn tay đánh nhuyễn sô-cô-la, đường cát, va-ni. Dùng thìa cà phê khuôn bột thành hình tròn và đặt vào khay bánh. Rắc bột cô-ca lên các viên nấm cục. Gói vào giấy và để lạnh cho đến khi dùng được.
Về bản chất thì Sandra Lee đã hoàn thiện lý thuyết quả trứng, chứng minh rằng những người hưởng ứng công thức của mình có thể tạo ra được món ăn có dấu ấn riêng của họ chỉ với một cố gắng nho nhỏ. Các chương trình truyền hình, tạp chí và hàng loạt các cuốn sách nấu ăn của bà là bằng chứng cho thấy một muỗng cảm giác làm chủ là nguyên liệu tất yếu trong món ăn tâm lý có tên là nấu nướng.
Niềm tự hào làm chủ tất nhiên không phải chỉ gắn với phụ nữ hay việc bếp núc. Local Motors, một công ty có tính nhân văn còn đưa lý thuyết quả trứng đi xa hơn. Công ty này cho phép bạn thiết kế và sau đó tự mình lắp chiếc ô tô cho chính mình trong thời gian khoảng bốn ngày. Bạn có thể chọn một trong các thiết kế cơ bản và sau đó điều chỉnh sản phẩm cuối cùng theo sở thích của mình, có lưu ý đến yếu tố khu vực và thời tiết. Tất nhiên tự bạn không thực hiện được; một nhóm kỹ thuật viên và chuyên gia sẽ giúp bạn. Ý tưởng thông minh của Local Motors chính là để cho khách hàng trải nghiệm quá trình ra đời của chiếc ô tô của chính mình và qua đó tạo ra một mối liên hệ sâu sắc với thứ mà họ cảm thấy nó gần gũi và quý giá. (Liệu có bao nhiêu người coi chiếc xe ô tô như "đứa con của mình"?) Đó thật sự là một chiến lược đầy sáng tạo; công sức và thời gian bạn bỏ ra để lắp chiếc ô tô của mình tạo ra tình cảm đối với nó giống như tình cảm đối với đứa con yêu quý của bạn.
Tất nhiên, đôi khi những thứ mà ta cảm thấy quí giá sẽ biến mối dây liên hệ thoải mái giữa ta và nó sang mối quan hệ cực kì bền chặt, giống như là trường hợp chiếc nhẫn quý của Gollum trong bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn của J. R. R. Tolkien. Cho dù đó là chiếc nhẫn có phép lạ, hay một chiếc ô tô được lắp rất dễ thương, hay một tấm thảm mới, chúng đều có thể là vật báu đối với một số người nhất định. (Nếu bạn khó chịu khi bị lệ thuộc quá nhiều bởi tình yêu với một thứ đồ vật như vậy, hãy nhắc lại theo tôi: "Đó chỉ là [rồi điền vào chỗ trống tên của nó: cái ô tô, cái thảm, cuốn sách, cái hộp...] thôi mà.”) Nhìn chung, tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay để tránh bị ảnh hưởng từ những thứ quí giá mà ta có, chuyển từ cảm giác thoải mái sang cảm giác hoàn toàn bị ràng buộc.
Tuyệt tác Origami của tôi
Tất nhiên, quan niệm rằng việc bỏ công sức sẽ mang lại sự gắn kết không phải là điều mới lạ. Trong những thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nỗ lực cao hơn có thể mang lại những giá trị lớn hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, khi người ta cảm thấy khó khăn bao nhiêu để được gia nhập các nhóm xã hội như huynh đệ hội hay hội làm vườn, thậm chí đôi khi những nỗ lực ấy khiến người ta mệt mỏi, tức tối và bẽ bàng bao nhiêu đi nữa, thì các thành viên của các hội ấy lại càng cảm thấy nhóm của mình có giá trị bấy nhiêu. Một ví dụ khác là một khách hàng của Local Motors, người đã bỏ ra 50.000 đô-la cộng thêm vài ngày để thiết kế và dựng lên chiếc xe của mình. Người này có thể sẽ tự nhủ: "Với ngần ấy nỗ lực, mình thực sự, thực sự ấy, cảm thấy yêu chiếc xe này. Mình sẽ chăm chút và yêu thương nó mãi mãi.”
Tôi kể lại câu chuyện về chiếc tủ đựng đồ chơi đẹp đẽ của tôi cho Mike Norton (hiện đang là Giáo sư tại Trường Đại học Harvard) và Daniel Mochon (một cộng sự đang tham gia chương trình đào tạo sau tiến sĩ tại Đại học California ở San Diego) và chúng tôi phát hiện ra rằng tất cả đều đã có những trải nghiệm tương tự. Tôi tin là bạn cũng như vậy. Ví dụ là bạn đang đi thăm Dì Eva của bạn. Các bức tường trong nhà Dì đều được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tự làm: những bức tranh vẽ những loại hoa quả hình thù lạ mắt nằm cạnh một cái bát, những loại cây nằm bên hồ được tô bởi những màu sắc rất ngẫu nhiên, một cái gì đó giống hình thù một người lờ mờ, và tương tự thế được đóng khung cẩn thận. Khi nhìn những tác phẩm nghệ thuật thách đố nghệ thuật này, bạn có thể băn khoăn không hiểu sao dì của mình có thể treo nó lên tường. Nhìn gần hơn, bạn thấy ở góc dưới cùng của các bức tranh là chữ ký của Dì Eva. Ngay lập tức bạn hiểu ngay rằng vấn đề không phải là Dì Eva có một thị hiếu thẩm mỹ kỳ quặc; thực ra là dì ấy bị choáng ngợp bởi sự hấp dẫn của những sáng tạo của chính mình. “Ôi, Dì ơi!” bạn hướng về phía dì nói to. "Cái này thật đẹp. Dì đã tự vẽ nó đấy ư? Nó thật là, ừm,... khó hiểu!” Được nghe lời khen dành cho tác phẩm của mình, Dì Eva đáp lại bằng việc khoản đãi bạn món bánh nho và bột yến mạch tự làm, cái đó, may thay, có chất lượng cao hơn nhiều so với các tác phẩm nghệ thuật của bà.
Mike, Daniel và tôi quyết định rằng ý tưởng về sự kết dính giữa chúng ta với đồ vật của mình thật đáng để kiểm nghiệm, đặc biệt khi chúng tôi muốn tìm hiểu quá trình lao động làm nảy sinh tình yêu. Bước đầu tiên (giống như trong tất cả các thí nghiệm quan trọng), chúng tôi phải nghĩ ra một cái tên cho hiệu ứng này. Trân trọng nguồn cảm hứng của việc nghiên cứu này, chúng tôi quyết định gọi việc đánh giá một sự cao hơn giá trị thực của nó nhờ lao động này là "Hiệu ứng IKEA.” Nhưng chúng tôi không chỉ định làm công việc đơn giản là đưa hiệu ứng IKEA vào tài liệu nghiên cứu. Chúng tôi còn muốn tìm hiểu xem cái giá trị lớn lao có được từ hiệu ứng IKEA có phải là dựa trên sự gắn kết mang tính cảm xúc ("Nó tạo dáng đẹp mắt và đủ để cất những quyển sách của tôi, nhưng hơn thế, nó là giá sách của chính tôi") hay chỉ là sự tự dối mình ("Cái giá sách này đẹp chẳng kém gì cái có giá sách trị giá 500 đô-la ở cửa hàng Thiết kế Trong Tầm tay ".)
TIẾP TỤC VỚI DÌ EVA và chủ đề nghệ thuật, Mile, Daniel và tôi quyết định dạo một vòng các phòng trưng bày nghệ thuật trong khu vực để tìm các tài liệu thí nghiệm. Nhận thấy rằng đất sét và màu vẽ có phần dễ bôi bẩn, chúng tôi quyết định tiến hành thí nghiệm dựa trên nghệ thuật xếp giấy origami của Nhật Bản. Một vài ngày sau, chúng tôi lại lập một lều gấp origami trong trung tâm sinh viên ở Đại học Harvard và mời các sinh viên gấp cò hoặc ếch theo phương pháp origami (hai hình gấp này có mức độ phức tạp tương đương). Chúng tôi cũng thông báo trước với các sinh viên rằng các sản phẩm gấp giấy của họ sẽ thuộc về chúng tôi, nhưng họ sẽ có cơ hội tham gia đấu giá sản phẩm đó tại một buổi đấu giá.
Chúng tôi nói với các sinh viên rằng họ sẽ đấu giá với máy tính theo một phương thức đặc biệt được gọi là quy trình Becker-DeGroot-Marschak (gọi theo tên người nghĩ ra nó) và sau đó giải thích kỹ hơn cho họ. Nói một cách ngắn gọn, một cái máy tính sẽ đưa ra một con số ngẫu nhiên sau khi người chơi bỏ giá cho sản phẩm. Nếu giá trả của người chơi cao hơn so với máy tính, họ sẽ nhận được tác phẩm origami của mình và trả theo giá máy tính đưa ra. Ngược lại, nếu giá của người chơi thấp hơn máy tính, họ sẽ không phải trả gì cả và cũng không nhận được origami. Lý do chúng tôi sử dụng quy trình này là để đảm bảo kích thích những người chơi đưa ra mức giá cao nhất mà họ muốn trả để nhận lại đồ chơi mình đã gấp - không hơn hay kém một xu.
Có sự chênh lệch rõ ràng về mức định giá giữa hai điều kiện. Những người không phải là người tạo ra sản phẩm, như Jason, nhìn những miếng giấy được gấp nghiệp dư như thể một thứ gấp khúc đột biến do một khoa học gia hắc ám tạo ra trong phòng thí nghiệm nào đó dưới tầng hầm. Trong khi đó, người sáng tạo những miếng giấy gấp thì lại thấy chúng thật có giá trị. Tuy nhiên, qua sự trả giá chênh lệch này thì chúng ta vẫn chưa biết điều gì tạo ra sự khác biệt trong cách đánh giá. Liệu có phải là người làm ra sản phẩm đơn giản là thích thú với nghệ thuật origami nói chung, trong khi người không tạo ra sản phẩm (không tham gia vào việc làm origami) thì thờ ơ với các mảnh giấy gấp? Hay những người tham gia ở cả hai điều kiện đều đánh giá origami với mức độ tương đương nhau, chỉ có điều là người tạo ra nó dành sự yêu quý đặc biệt đối sản phẩm của chính mình.
Nhìn nhận theo một cách khác, liệu có phải Scott và những người thuộc điều kiện của anh ta thích origami nói chung hay chỉ là thích sản phẩm origami do chính tay mình gấp?
Hướng dẫn gấp Origami
Để sớm có câu trả lời cho các câu hỏi này, chúng tôi đề nghị hai chuyên gia origami gấp ếch và cò. Sau đó chúng tôi đề nghị nhóm những người không làm ra nó trả giá cho các tác phẩm mà phải nói một cách khách quan là rất đẹp mắt này. Lần này, những người không làm ra nó trả mức giá trung bình là 27 xu. Mức độ mà những người không làm ra sản phẩm định giá cho những tác phẩm origami được gấp một cách chuyên nghiệp rất gần với mức mà Scott và những người bạn của anh ta trả cho những sản phẩm nghiệp dư của chính họ (23 xu) và cao hơn nhiều so với mức mà những người không sáng tạo trả cho các tác phẩm nghiệp dư (5 xu).
Kết quả này cho chúng ta thấy rằng những người tự tạo ra sản phẩm có sự thiên vị đáng kể đối với sản phẩm của chính mình. Những người không tạo ra nó thì nhìn những tác phẩm nghiệp dư như là những thứ vô tích sự và xem những tác phẩm chuyên nghiệp có giá trị hơn rất nhiều. Ngược lại, những người sáng tạo thì thấy sáng tạo của họ cũng tốt gần bằng của các chuyên gia. Có vẻ như là sự chênh lệch về mức trả giá giữa người tạo ra sản phẩm và người không tạo ra sản phẩm không phải là cách họ nhìn nhận các tác phẩm origami nói chung mà là ở cách người tạo ra sản phẩm nảy sinh tình yêu và định giá quá cao tác phẩm của mình.
Tóm lại, những thí nghiệm ban đầu này cho thấy một khi đã tự thân làm ra cái gì đó, chúng ta sẽ, trên thực tế, nhìn nó với cái nhìn ưu ái hơn. Như một câu ngạn ngữ cổ A-rập "Khỉ con trong mắt khỉ mẹ cũng thành con linh dương."
Dấu ấn cá nhân, Lao động và Tình yêu
Ở giai đoạn sơ khởi của ngành công nghiệp ô tô, Henry Ford nói một cách ẩn dụ rằng khách hàng nào cũng có thể có được một chiếc Model T sơn bất kỳ mầu nào họ muốn khi nó màu đen. Sản xuất ô tô chỉ cho ra có một mầu sẽ tiết kiệm được chi phí và vì vậy, sẽ có thêm nhiều người đủ tiền để mua. Với sự phát triển của công nghệ chế tạo, Ford có thể sản xuất ra những nhãn hiệu và kiểu dáng khác nhau mà không phải bỏ thêm quá nhiều kinh phí.
Tới ngày hôm nay, bạn có thể tìm được hàng triệu những sản phẩm hợp với ý thích của bạn. Chẳng hạn, bạn không thể đi dọc theo Đại lộ số Năm ở New York mà không bị choáng ngợp bởi những đôi giày khác thường và tuyệt đẹp được trưng bày trên kệ của các gian hàng. Nhưng khi ngày càng có nhiều công ty mời khách hàng tham gia thiết kế sản phẩm thì những kiểu dáng này cũng biến đổi liên tục. Nhờ sự phát triển của công nghệ Internet và tự động hóa, các nhà sản xuất đang để cho các khách hàng tạo ra những sản phẩm phù hợp với phong cách của mỗi người.
Hãy xem trang web Converse.com, một Website mà ở đó bạn có thể thiết kế được những đôi giày tiện lợi cho bản thân. Sau khi bạn đã nhấn vào kiểu giày bạn thích (loại phổ thông hoặc thiết kế chọn lọc hạng thấp, hạng cao, hạng siêu đẳng) và chất liệu (vải, da, da Thụy Điển), bạn sẽ tha hồ sử dụng hàng loạt các màu sắc đã được đánh số. Bạn nhấn vào một bảng màu và hoa văn, chỉ vào một bộ phận của giày (phần trong giày, má đệm cao su, dây giày) và trang trí từng bộ phận theo ý thích của bạn. Bằng cách cho bạn được thiết kế đôi giày của mình cho phù hợp với sở thích, Converse không chỉ bán cho bạn một sản phẩm bạn thích mà còn mang lại một sản phẩm mà bạn cho là độc nhất vô nhị.
Ngày càng có nhiều công ty áp dụng mô hình cá nhân hóa sản phẩm. Bạn có thể tự thiết kế tủ bếp của nhà bạn, lắp chiếc ô tô Local Motors của chính mình, tạo ra đôi giày mình đi, và nhiều những thứ khác nữa. Nếu bạn đi theo lý lẽ ca tụng những thứ được thửa riêng cho từng cá nhân, có lẽ bạn sẽ cho rằng việc chọn hình thức sử dụng các website để cá nhân hóa là một ý tưởng sáng suốt - nó có thể nhanh chóng dựng lên hình ảnh đôi giày lý tưởng đối với bạn và sau đó được chuyển đến cho bạn với công sức mà bạn bỏ ra ở mức thấp nhất. Và vì nghe nó có vẻ dễ dàng như vậy, nếu bạn sử dụng quy trình thiết kế riêng cho cá nhân rất hiệu quả này, bạn có thể sẽ đánh mất cơ hội tận dụng hiệu ứng IKEA mà ở đó, nhờ phải bỏ ra sức lực cũng như tư duy, chúng ta sẽ nảy sinh tình cảm nhiều hơn với những thứ chúng ta tạo ra.
Điều này liệu có phải có nghĩa là các công ty lúc nào cũng nên yêu cầu khách hàng của họ phải thiết kế và bỏ công ra cho tất cả các sản phẩm? Tất nhiên là không. Có một mối quan hệ mang tính đánh đổi khá tế nhị giữa sự chẳng mất gì và sự phải đầu tư. Cứ yêu cầu mọi người phải bỏ công quá nhiều, bạn sẽ khiến họ bỏ đi; yêu cầu mọi người bỏ ra quá ít công sức, bạn không cho họ cơ hội để cá nhân hóa, tạo ra đặc trưng và sự gắn kết. Tất cả phụ thuộc vào tầm quan trọng của nhiệm vụ và vào sự đầu tư của mỗi cá nhân trong từng loại sản phẩm. Với tôi, sử dụng các màu đã được đánh số để tô màu cho đôi giày hay lắp cái tủ đựng đồ chơi thiết kế kiểu lắp ráp là một sự cân bằng vừa phải; nếu đòi hỏi thêm một chút thì có thể niềm say mê với hiệu ứng IKEA của tôi sẽ giảm, nhưng nếu phải thêm một chút công sức nữa chắc tôi cũng bỏ cuộc. Khi các công ty bắt đầu hiểu được lợi ích thực sự của việc cá nhân hóa, họ có thể bắt đầu sản xuất ra sản phẩm cho phép khách hàng thể hiện chính mình, và sau đó sẽ đem lại giá trị cao hơn cũng như niềm vui lớn hơn.
TRONG THÍ NGHIỆM tiếp theo, chúng tôi muốn kiểm tra xem việc những người tạo ra sản phẩm đánh giá quá cao công sức của mình có duy trì thái độ này nếu chúng tôi tước bỏ tất cả các cơ hội cá nhân hóa cho từng người. Với lý do này, chúng tôi yêu cầu những người tham gia thí nghiệm lắp ráp các hình con chim, vịt, chó hoặc máy bay từ các bộ đồ chơi Lego. Với việc sử dụng các bộ Lego, chúng tôi sẽ đạt được mục đích là không tạo ra dấu ấn của từng cá nhân vì những người chơi phải làm theo các hướng dẫn và không có chỗ cho sự khác biệt. Như vậy, tất cả những người chơi sẽ cho ra những sản phẩm hoàn toàn giống nhau. Có thể bạn đoán ra được, những người tạo ra sản phẩm vẫn sẵn lòng trả cao hơn cho tác phẩm của chính mình, bất kể một thực tế là công trình của họ trông giống hệt như của những người khác.
Kết quả của thí nghiệm này cho thấy rằng những nỗ lực bỏ ra trong quá trình tạo ra sản phẩm chính là thành phần thiết yếu để làm phát sinh tình cảm đối với sản phẩm đó. Và cho dù việc tạo ra dấu ấn riêng là là một yếu tố bổ sung khiến cho chúng ta đánh giá quá cao những thứ mà chúng ta làm ra, thì khi không có việc tạo ra dấu ấn riêng, chúng ta vẫn cứ đánh giá quá cao nó.
Tôi sẽ cược mức nào?
Các thí nghiệm về origami và Lego cho thấy rằng chúng ta sẽ trở nên gắn bó với những thứ mà chúng ta bỏ công sức ra để tạo nên nó, và khi hoàn thành, chúng ta bắt đầu có xu hướng đánh giá nó cao hơn thực tế. Câu hỏi tiếp theo mà chúng tôi đặt ra là liệu con người có ý thức được xu hướng gán giá trị cao hơn vào những tạo vật mà chúng ta yêu quý không.
Hãy lấy ví dụ về con cái. Giả sử bạn là một bậc phụ huynh, giống như những bậc phụ huynh khác, bạn đánh giá rất cao con của mình (ít nhất là cho đến khi chúng trở nên kinh khủng khi bước vào tuổi vị thành niên). Nếu không nhận thức được rằng mình đang quá đề cao con cái của mình, bạn sẽ đi đến một niềm tin sai lầm (cũng có thể chỉ là tạm thời) rằng những người khác cũng thấy con của bạn thông minh, tài năng và đáng ngưỡng mộ. Ngược lại, nếu bạn hiểu rằng con bạn đang được đề cao quá, thì bạn cũng sẽ hiểu, có thể hơi đau lòng, rằng những người khác không thấy chúng sáng chói như bạn thấy.
Là một người cha thường xuyên phải di chuyển bằng máy bay, tôi đã biết đến cảm giác này khi khoe ảnh con mình với người đồng hành. Một lần, khi máy bay của chúng tôi đã ổn định ở độ cao 9.000 mét. Tôi lấy máy tính xách tay của mình ra, trong đó có rất nhiều ảnh và những video về bọn trẻ nhà tôi. Và tất nhiên người ngồi bên cạnh tôi không thể không liếc mắt vào màn hình. Nếu tôi phát hiện được thậm chí chỉ là một sự chú ý nhỏ nhất từ người ngồi cạnh, tôi sẽ cho trình chiếu hàng loạt hình của hai đứa nhỏ, những đứa trẻ đáng yêu nhất trên thế giới này. Tất nhiên, tôi nghĩ là người đồng hành của mình cũng thấy hai đứa nhà tôi thật tuyệt vời và đặc biệt, nụ cười của chúng thật đáng yêu, trông chúng thật ngộ nghĩnh trong bộ trang phục Halloween, và nhiều thứ khác nữa. Có lần, sau khi đã thưởng thức hình ảnh bọn trẻ nhà tôi, người ngồi cạnh mời tôi xem hình lũ trẻ nhà anh ta. Sau một hoặc hai phút xem như thế, tôi bắt đầu băn khoăn "Gã này nghĩ gì ấy nhỉ? Mình đâu có muốn mất tới 25 phút để xem ảnh những đứa trẻ xa lạ mà mình chưa bao giờ gặp trong đời! Mình còn phải làm việc cơ mà! Không biết khi nào chiếc máy bay quái quỉ này mới hạ cánh?"
Thực tế, tôi ngờ rằng có rất ít người hoặc là hoàn toàn không ý thức được, hoặc là thấu hiểu hoàn toàn tài năng cũng như khiếm khuyết của con cái mình, nhưng tôi có thể cá rằng hầu hết các bậc cha mẹ, một cách vô thức, đều gần với tuýp người yêu con cái (theo kiểu thiên vị những đứa con của mình). Có nghĩa là người làm cha mẹ không chỉ nghĩ rằng con mình thuộc vào số những đứa trẻ đáng yêu nhất trên hành tinh này, mà còn tin rằng người khác cũng cho như thế.
Có vẻ như đây chính là lý do mà câu chuyện "Chuộc lại Thủ lĩnh Tóc đỏ" của O. Henry lại gây bất ngờ đến vậy. Truyện kể về hai tên trộm tìm cách bắt cóc một cậu công tử bột của một gia đình nổi tiếng ở bang Alabama và đòi 2.000 đô-la tiền chuộc. Người bố từ chối trả tiền cho bọn bắt cóc, những kẻ không lâu sau nhận ra là cậu bé tóc đỏ (Thủ lĩnh Tóc đỏ) hóa ra lại thích ở với chúng. Có điều, đó là một đứa trẻ quậy kinh khủng, thích những trò chơi khăm và làm cho lũ trộm thất điên bát đảo. Những kẻ bắt cóc giảm tiền chuộc xuống, trong khi Thủ lĩnh Tóc đỏ vẫn tiếp tục những trò làm cho chúng phát điên. Cuối cùng thì ông bố đồng ý nhận cậu con trai của mình về với điều kiện bọn bắt cóc trả cho ông ta 250 đô-la. Vậy là mặc cho Thủ lĩnh Tóc đỏ kịch liệt phản đối, 2 tên bắt cóc vẫn thả cậu ta ra và chuồn cho lẹ.
GIỜ HÃY TƯỞNG tượng bạn là người chơi trong một thí nghiệm gấp origami khác. Bạn vừa gấp xong một con ếch hoặc con cò, và giờ là lúc đấu giá. Bạn suy nghĩ và đưa ra một mức giá khá cao. Bạn có ý thức được rằng mình đang trả giá quá cao và những người khác sẽ không đánh giá cao hình gấp mà bạn tạo ra như bạn? Hay là bạn cũng nghĩ những người khác cũng đồng cảm với bạn về tác phẩm đó?
Để tìm hiểu, chúng tôi đối chiếu kết quả của hai quy trình đấu giá khác nhau có tên là giá một và giá hai. Nói một cách sơ lược, nếu bạn muốn đấu giá với quy trình giá hai, bạn chỉ cần suy nghĩ cẩn thận xem con vật nhỏ bằng giấy của mình đáng giá bao nhiêu. Còn nếu bạn sử dụng quy trình giá thứ nhất, bạn nên xem xét không chỉ việc bạn yêu nó thế nào mà cả việc những người khác sẽ sẵn sàng trả cho nó giá bao nhiêu. Vì sao chúng tôi lại phải làm cho nó phức tạp như vậy? Logic của nó là: nếu những người tạo ra sản phẩm nhận thấy họ chỉ có họ mới ấn tượng như vậy với những con cò và ếch do chính họ làm ra, họ sẽ trả giá cao hơn với quy trình đấu giá hai (khi chỉ có mức giá của họ là quan trọng) so với quy trình giá một (khi họ còn xem xét cả mức trả giá của người khác). Ngược lại, nếu những người này không nhận thấy rằng chỉ có họ là đề cao những hình gấp origami của họ và nghĩ rằng những người khác cũng thích chúng giống như họ thì họ sẽ trả giá giống nhau trong cả hai quy trình đấu giá.
Vậy có phải những người gấp origami hiểu được là những người khác không nghĩ về những tác phẩm origami do họ tạo ra giống như họ? Điều chúng tôi nhận thấy là những người này khi chỉ phải cân nhắc sự đánh giá của chính mình (quy trình đấu giá hai) vẫn trả mức giá bằng với khi họ phải cân nhắc xem liệu những người không tự gấp origami trả cho nó bao nhiêu (quy trình đấu giá một). Việc không có sự khác biệt giữa hai cách đấu giá cho thấy chúng ta không chỉ đánh giá quá cao tác phẩm của mình mà chúng ta còn, phần lớn, không hiểu được xu hướng này; chúng ta nhầm tưởng rằng người khác cũng yêu sản phẩm của chúng ta, giống như chính chúng ta vậy.
Tầm quan trọng của Sự hoàn thiện
Thí nghiệm của chúng tôi về sự sáng tạo và đánh giá quá cao gợi cho tôi nghĩ đến một số những kỹ năng tôi học được trong quãng thời gian điều trị ở bệnh viện. Trong số những thứ đau đớn và phiền phức mà tôi phải chịu đựng (6 giờ sáng thức dậy để thử máu, nghiến răng chịu đau để thay băng, quá trình chữa trị đầy ác mộng, và nhiều thứ khác) thì hoạt động ít đau đớn nhất và cũng buồn chán nhất là điều trị bằng cách làm việc. Hàng tháng trời, những nhà trị liệu bằng phương pháp làm việc đặt trước mặt tôi một cái bàn và không chịu bỏ đi cho đến khi tôi hoàn thành xong nhiệm vụ vặn 100 con ốc, dán những mảnh gỗ có miếng cao su gắn vào những mảnh gỗ khác rồi lại bóc ra, tra các con chốt vào lỗ, và những thứ buồn tẻ đại loại như vậy.
Trong trung tâm phục hồi có khu dành cho những đứa trẻ phát triển không bình thường đặt tại khu vực ngang qua sảnh, ở đó những đứa trẻ được dạy các kỹ năng khác nhau. Vì muốn làm điều gì đó lý thú hơn một chút so với các công việc vặn ốc, tôi đã tìm cách để tham gia vào những hoạt động hấp dẫn đó. Trong suốt thời gian một tháng, tôi học cách sử dụng máy khâu, đan và làm một số kỹ thuật mộc căn bản. Vì tay tôi khi đó rất khó cử động nên những công việc đó cũng chẳng dễ dàng gì. Những thứ tôi làm ra không phải lúc nào cũng theo đúng dự định, nhưng tôi đã rất cố gắng để làm ra được sản phẩm. Bằng cách tham gia vào những hoạt động này, tôi đã thay đổi cách trị liệu bằng lao động chán ngắt và đáng sợ sang thứ mà tôi mong đợi mỗi ngày. Mặc dù những người chịu trách nhiệm điều trị bằng cách bắt làm việc vẫn tìm cách đều đặn bắt tôi quay trở lại với những công việc chán ngắt ở trên - có thể là vì tác dụng điều trị đối với cơ thể của chúng cao hơn - nhưng sự hài lòng và kiêu hãnh mà tôi có được từ việc làm ra một cái gì đó vẫn có vị trí rất đặc biệt với tôi.
Thành tựu lớn nhất mà tôi tạo được là với cái máy khâu, và tôi may không biết chán những cái vỏ gối và quần áo kỳ cục cho bạn bè của mình. Những thứ tôi may được giống như những tác phẩm origami nghiệp dư mà những người tham gia thí nghiệm của chúng tôi đã tạo ra. Góc của các vỏ gối thì không được vuông vắn lắm, còn áo sơ mi thì chẳng ra dáng được, nhưng dù gì thì tôi cũng thấy tự hào về chúng (tôi đặc biệt tự hào về một cái áo sơ mi kiểu Hawaii màu xanh trắng mà tôi may cho cậu bạn Ron Weisberg). Tính coi, tôi đã bỏ biết bao công sức để làm ra chúng cơ mà.
Điều đó diễn ra cách đây đã hơn 20 năm, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những chiếc áo mà tôi đã may, thậm chí là cả những công đoạn khác nhau để làm ra chúng cho đến thành phẩm cuối cùng. Trên thực tế, mối liên hệ giữa tôi và chiếc áo đó mãnh liệt đến mức mà chính tôi cũng thấy ngạc nghiên, khi vài năm sau rồi tôi vẫn còn hỏi Ron về cái áo tôi may cho cậu ta. Cho dù tôi đã gợi ý lại hết sức rõ ràng, Ron cũng chỉ nhớ một cách hết sức mơ hồ về nó.
TÔI CÒN NHỚ cả những thứ khác mà tôi đã làm ra ở trung tâm phục hồi. Tôi đã thử thêu một cái thảm, khâu một cái áo khoác, và thử làm một bộ quân cờ bằng gỗ. Tôi đã tiến hành các công việc đó một cách hết sức háo hức và bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng tôi hiểu rằng chúng vượt quá khả năng của mình và đành phải bỏ dở. Điều thú vị là khi tôi nghĩ đến những tác phẩm dở dang đó, tôi nhận ra tôi không có tình cảm đặc biệt nào với chúng. Bằng cách nào đó, cho dù tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức với những tác phẩm dở dang, tôi cũng không nảy sinh tình cảm với những thứ mới hoàn thành nửa chừng đó được.
Sự hồi tưởng lại quá khứ ở trung tâm phục hồi khiến tôi băn khoăn về tầm quan trọng của sự hoàn thành công việc đối với thái độ đề cao nó. Nói một cách khác, để có thể thích thú với hiệu ứng IKEA, có cần thiết hay không việc nỗ lực của chúng ta đạt được thành công, cho dù thành công đó chỉ đơn giản là ý định đã hoàn thành?
Theo những lý lẽ ẩn chứa bên trong hiệu ứng IKEA, nỗ lực càng nhiều thì mức độ giá trị cũng như sự đề cao càng lớn. Điều này có nghĩa là để làm gia tăng cảm giác tự hào và được làm chủ trong cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn nên tự làm ra nhiều hơn cho mình những vật dụng hàng ngày. Nhưng liệu có phải bỏ công sức ra là chưa đủ? Liệu có phải hoàn thành công việc cũng là một thành tố quan trọng để tạo ra sự gắn kết? Nếu đúng là như vậy thì chúng ta nên không chỉ nghĩ đến những thứ mà chúng ta đang yêu thương nó mà còn phải nghĩ cả đến những cái giá lung lay, những thứ đồ nghệ thuật xấu xí, những bình hoa gốm vẹo vọ hình như đã bị bỏ dở trong ga-ra hàng năm trời.
NỖ LỰC ĐỔ XUỐNG SÔNG XUỐNG BIỂN
Dĩ nhiên là sự liên hệ giữa lao động, công việc hoàn thành và sự đề cao hơn thực tế kết quả công việc không chỉ có trong thời hiện đại. Khoảng những năm 1600, một nhà viết kịch người Anh đã viết một vở hài kịch về một ông vua tìm cách theo đuổi một công chúa và ba cận thần thì theo đuổi ba người phụ nữ khác. Đó là một vở hài kịch khá lạ bởi hai lý do. Thứ nhất là chơi chữ nhiều quá, khiến nhiều người nghĩ là nhà viết kịch này mới học nghề. Thứ hai là thay vì kết thúc vở hài kịch theo kiểu các đôi đến với nhau và làm đám cưới thì nhà viết kịch lại để cho công chúa và ba người phụ nữ trả lời những người đàn ông như sau "Bọn thiếp không biết là có nghiêm túc trong tình cảm của mình không; nếu sau một năm và một ngày nữa mà các chàng vẫn muốn cưới bọn thiếp thì chúng ta sẽ nói chuyện lại." Các chàng trai không có được các cô gái mơ ước, cho dù họ không làm gì sai trong suốt năm hồi của vở kịch, họ - tất cả, và đó là cách vở kịch kết thúc! Bao công sức đổ xuống sông xuống biển hết! Một vở kịch nói về sự thất vọng.
Chắc bạn đang tự hỏi nhà viết kịch nào lại viết ra vở kịch chán đến vậy? Đó chính là William Shakespeare với vở kịch mà ông đặt tên là Nỗ lực Vô vọng cho Tình yêu. Cũng phải nói thêm là vở kịch đã bị chê bai suốt hai thế kỷ và cho đến nay nó cũng rất ít khi được diễn. Tôi chỉ có thể dự đoán rằng nếu công sức của các nhân vật chính không bị bỏ đi, như người ta mong đợi, thì có lẽ công chúng sẽ yêu quý vở kịch, và Nỗ lực Vô vọng cho Tình yêu có thể đã trở thành một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Shakespeare.
Ở một khía cạnh khác, có thể Shakespeare muốn đưa ra một quan điểm: rằng nỗ lực của chúng ta bỏ ra, cho dù để lắp ráp đồ vật, nấu một món ăn hay để tán tỉnh, cũng đều chỉ làm tăng sự gắn bó của ta nếu chúng ta thành công.
Để tìm hiểu xem liệu sự hoàn thành có phải là yếu tố quan trọng để làm phát sinh tình yêu đối với tác phẩm của con người hay không, Mike, Daniel và tôi lại tiến hành một thí nghiệm tương tự với nghiên cứu ban đầu trên origami, nhưng có thêm một bổ sung quan trọng, đó là yếu tố thất bại. Chúng tôi làm điều đó bằng việc tạo ra một bản hướng dẫn origami mới mà - không khác với hướng dẫn của IKEA - nó bị bỏ đi một số thông tin quan trọng.
Để bạn có thể hiểu rõ hơn, hãy thử làm theo các hướng dẫn mà chúng tôi dành cho những người chơi ở điều kiện khó. Cắt một tờ giấy kích thước 21cm và 27cm bình thường (khổ A4) ra thành hình vuông mỗi cạnh 21cm và làm theo hướng dẫn ở trang dưới đây.
Nếu con ếch của bạn trông giống với cái đàn accord bị xe tải lăn qua, đừng thất vọng. Khoảng một nửa những người tham gia thí nghiệm của chúng tôi khi nhận được hướng dẫn chơi với điều kiện khó cũng chỉ gấp được những thứ trông kỳ cục như vậy, trong khi những người còn lại thậm chí còn không gấp được cái gì và chỉ có kết quả là một tờ giấy gập méo mó.
Nếu bạn so sánh những hướng dẫn ở điều kiện khó này với những hướng dẫn ở điều kiện dễ trong thí nghiệm origami ban đầu (hãy xem trang...), bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng tôi đã bỏ đi thông tin gì. Những người chơi trong điều kiện khó không biết được rằng mũi tên với một cái vạch ở đuôi có nghĩa là "lặp lại" và mũi tên có đầu hình tam giác có nghĩa là "mở ra".
Sau khi một thời gian tiến hành thí nghiệm này, chúng tôi đã có ba nhóm: nhóm những người chơi với điều kiện dễ và hoàn thành nhiệm vụ của mình; nhóm thứ hai chơi với điều kiện khó và dù gì cũng đã hoàn thành được công việc; nhóm thứ ba cũng với điều kiện khó và đã không kết thúc được nhiệm vụ. Liệu những người chơi ở điều kiện khó, về lý thuyết là phải làm việc vất vả hơn, có đánh giá sản phẩm kém may mắn của mình cao hơn so với những người có điều kiện dễ dàng hơn và thành công hơn trong việc làm ra những con ếch hay con cò trông ra hồn hơn hay không? Và những người phải vật lộn với bản hướng dẫn phức tạp nhưng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ của mình so với những người cũng phải chiến đấu vất vả với nó nhưng không thành công thì sao?
Chúng tôi nhận thấy rằng những người đã hoàn thành được nhiệm vụ origami của họ trong điều kiện khó khăn đánh giá tác phẩm của mình cao nhất, chiếm đa số hơn nhiều so với người trong điều kiện dễ dàng. Ngược lại, những người trong điều kiện khó khăn và không hoàn thành được đánh giá kết quả của mình thấp nhất, thấp hơn nhiều so với người trong điều kiện dễ dàng.
Kết quả này cho thấy một điều rằng việc bỏ thêm công sức thực tế đã làm gia tăng tình cảm trong lòng chúng ta, nhưng chỉ khi công sức đó đưa đến thành công. Khi nỗ lực không thành, tình cảm với công trình của mỗi người sẽ bị sụt giảm. (Đây cũng là lý do mà việc tạo ra những vật cản hay thử thách khó khăn nào đó là một chiến lược thành công trong trò chơi tình ái. Nếu bạn đặt ra một vật thử thách trên con đường tiếp cận đến bạn đối với người mà bạn thích và sau cùng hai người vẫn đến được với nhau, bạn có thể tin chắc rằng bạn sẽ càng trở nên quý giá hơn đối với người đó. Ngược lại, nếu bạn đẩy người đó đi quá xa và vẫn khăng khăng từ chối, đừng mong rằng có thể giữ được quan hệ với họ dù cho "chỉ là bạn bè").
Lao động và Tình yêu
Thí nghiệm của chúng tôi đã minh chứng rõ ràng về bốn nguyên tắc cho những nỗ lực của con người:
• Nỗ lực mà chúng ta đặt vào một thứ gì đó không chỉ biến đổi nó mà còn biến đổi cả chính chúng ta cũng như cách mà chúng ta đánh giá về nó.
• Lao động nhiều hơn sẽ nảy sinh tình yêu lớn hơn.
• Sự đề cao quá mức những thứ chúng ta tạo ra nằm sâu trong tâm trí của chúng ta, đến mức mà chúng ta cũng tưởng người khác đồng tình với quan điểm thực ra là thiên vị của chúng ta.
• Khi chúng ta không thể hoàn thành được một thứ mà chúng ta đã bỏ vào đó không ít công sức, chúng ta sẽ không có được tình cảm gắn bó với nó nữa.
Dựa vào những khám phá này, chúng tôi muốn nhìn nhận lại những ý tưởng của chúng tôi về nỗ lực và sự nghỉ ngơi. Mô hình kinh tế đơn giản cho rằng chúng ta là những con chuột trong mê cung; khi chúng ta phải bỏ công sức ra tức là chúng ta không còn được ở trong khu vực dễ chịu nữa, nó khiến chúng ta phải bỏ công một cách không mong muốn, nó làm cho chúng ta thất vọng và mệt mỏi. Nếu chúng ta áp dụng mô hình này, có nghĩa là con đường để chúng ta tối đa hóa sự vui vẻ của mình phải là tìm cách tránh không phải làm việc và được nghỉ ngơi thư giãn càng sớm càng tốt. Đó là lý do khiến nhiều người cho là một kỳ nghỉ lý tưởng là kỳ nghỉ mà bạn được nằm dài trên một bãi biển ở nước ngoài với ly coctail mojito được bưng đến tận nơi cho bạn.
Tương tự, chúng ta sẽ cho là chúng ta chẳng thích thú gì phải tự lắp ráp các thứ đồ nội thất trong nhà, nên chúng ta sẽ chọn mua những thứ đã làm sẵn. Chúng ta muốn được thưởng thức phim với dàn âm thanh tuyệt hảo, nhưng chúng ta thấy ngại vô cùng khi phải tìm cách lắp hệ thống âm thanh nổi bốn loa vào ti vi, và vì thế chúng ta đi thuê người làm cho chúng ta. Chúng ta thích ngồi trong vườn nhưng không muốn vã mồ hôi và lấm đất vì phải đào đất hay cắt cỏ, nên chúng ta trả công cho một người làm vườn để cắt cỏ và trồng hoa cho mình. Chúng ta muốn có bữa ăn ngon, nhưng thấy đi chợ và nấu nướng thật là phiền phức, vì thế chúng ta đi ăn nhà hàng hoặc nấu bằng cách bỏ cái gì đó vào lò vi sóng.
Đáng buồn thay, bằng việc từ bỏ nỗ lực cho những công việc này, chúng ta có được sự thư giãn, nhưng chúng ta cũng đang thực sự từ bỏ niềm vui từ trong huyết quản bởi, trên thực tế, thường là chính những nỗ lực lại tạo ra sự thỏa mãn về lâu dài. Tất nhiên, những người khác có thể làm công việc lắp dây điện hoặc làm vườn tốt hơn chúng ta (trường hợp của tôi thì đúng là như thế), nhưng bạn có thể hỏi chính mình, "Ta sẽ thích thú với cái ti vi mới / bộ dàn âm thanh / cái vườn / bữa ăn đến mức nào sau khi chính ta làm nên nó?" Nếu bạn cảm thấy là bạn có thể thích thú nhiều hơn với nó, thì đó chính là trường hợp mà công sức bỏ ra nhiều hơn sẽ được đền đáp.
IKEA thì sao? Chắc chắn những thứ đồ nội thất đó đôi khi rất khó để lắp, và hướng dẫn thì cùng rất khó để làm theo. Nhưng khi tôi thích sắm đồ trong nhà theo cách "tự mình hoàn thiện", tôi sẽ bỏ công ra để làm cái việc vặn các con ốc. Có thể tôi sẽ cảm thấy bực bội lúc này lúc khác khi sắp tới đây tôi phải lắp cái tủ sách, nhưng rốt cuộc, tôi nghĩ là mình sẽ có được tình cảm với những đồ gỗ theo kiểu nghệ thuật hiện đại mà tôi đã tự tay làm và gặt hái được nhiều niềm vui hơn trong cả quãng thời gian dài sau đó.