Số lần đọc/download: 10409 / 21
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 4 -
Út Tẹo cố gắng lê tấm thân xiêu vẹo đi cho mau về phía trường mẫu giáo. Hôm nay Tẹo tới hơi trễ, cổng trường đã mở và phụ huynh vào trong đón con về cả rồi, thế là mất những mối quen thường mua vé số của Tẹo. Thất vọng, Út Tẹo đưa mắt tìm kiếm và bước về phía một thanh niên ăn mặc sang trọng đang ngồi chờ ai trên chiếc cúp.
- Mua giúp em một tờ anh 2!
Gã thanh niên nhíu mày khó chịu, anh ta hơi né người tránh khi Tẹo chìa xấp vé số ra. Tẹo đọc trong ánh mắt người khách sự ghê tởm lẫn khinh rẻ... nhưng điều đó chẳng nghĩa lý gì, vì đã biết bao nhiêu lần rồi Út Tẹo đã phải chịu đựng những ánh mắt như vậy.
- Không mua!
Thái độ cộc và phũ phàng của gã thanh niên không làm Tẹo nản:
- Mua giúp em đi! Số em bán hay trúng lắm.
Gã thanh niên hất mặt lên rồi khinh khỉnh quay đi chỗ khác. Tẹo vừa định rút lui cho xong thì một giọng nói nũng nịu níu chân anh lại.
- Kìa anh! Mua dùm người ta vài vé. Đây cũng là một trong nhiều cách làm giàu mau nhất đó nha.
Tẹo gật đầu, nói theo như một phản xạ:
- Phải rồi anh 2! Cô giáo nói đúng đó.
Út Tẹo thấy anh chàng đang quạu quọ bỗng tươi ngay nét mặt, giọng điệu cộc lốc thay bằng lời dịu ngọt:
- Em lựa vé đi! Bao nhiêu tờ cũng được.
- Em đâu biết lựa. Anh lựa dùm em đi.
Tẹo lại nghe gã thanh niên cười, tiếng cười ròn rã nhưng lạnh làm sao.
- Thích chơi trò may rủi thì phải biết lựa chọn sự rủi may chứ! Em thử vận may xem sao Bảo Hân?
Thuấn lấy xấp vé số trên tay Út Tẹo đưa cho Hân. Cô tủm tỉm cười rồi rút đại hai tờ đưa Thuấn:
- Em gởi vận may của em cho anh cất hộ!
Thuấn trả tiền vé số kèm theo câu nói:
- Khỏi thối tiền thừa!
Út Tẹo cám ơn rồi quay lưng đi. Anh nghe loáng thoáng giọng gã thanh niên:
- Người với ngợm trông phát khiếp! Cứ y như con rối dây lặc lìa, lặc lẹo. Cái con rối ấy biết em là cô giáo. Hay thật!
Tẹo cố ý bước thật chậm, nhưng anh không đoán được lời Hân nói, cô đã ngồi phía sau anh chàng của mình và xe họ đã xa rồi. Tự dưng Út Tẹo thấy buồn, cái buồn thật vô duyên. Anh không buồn vì gã thanh niên sang trọng bảnh trai kia gọi mình là con rối dây lặc lìa lặc lẹo mà buồn vì cô giáo Hân. Sao cô ấy lại quen cái gã trông lõi đời quá sức ấy nhỉ?
Vừa bước đi với dáng xiêu vẹo muốn té xấp về phiá trước, Tẹo vừa lầm bầm với câu tự hỏi. Không ăn nhập gì tới mình. Mà sao lại không ăn nhập chứ? Thật ra đã rất nhiều lần Tẹo nhìn trộm Hân. Anh để ý đến cô từ lúc cô giáo Hân còn là học sinh phổ thông. Hồi đó ngày nào Tẹo cũng đi bán vé số ngang nhà Hân, cô bé có nụ cườì rất hồn nhiên bỗng dưng chiếm lĩnh tâm hồn của kẻ tật nguyền luôn phải nhận những cái nhìn soi mói của người đời. Tẹo nhớ lần đầu tiên Hân trông thấy anh, cô đã đứng sững lại, nhướng mắt nhìn chằm chặp, dáng vẻ như một con sẻ nhỏ nhút nhát sẳn sàng cất cánh bay, chỉ cần anh bước thêm một bước cô sẽ bay mất ngay.
Hôm ấy Út Tẹo đã chìa ngay xấp vé số cho Hân thấy như một lời phân bua, rồi chệnh choạng bước ra xa. Từ đó Tẹo không khi nào đi sát hàng rào nhà Hân để ghé mắt nhìn vào trong tìm kiếm như anh đã từng làm cô hoảng sợ. Đi bán ngang nhà, anh sẽ đi bên phiá nhà đối diện và lòng rào rạt niềm vui khi thấy cô bé ấy luôn dành cho anh những nụ cườì thân thiện, dầu anh chưa bao giờ... dám đến gần để mời cô mua một tờ vé số. Với anh, Hân cao xa quá!
Mấy năm rồi nhỉ từ cái ngày đầu tiên ấy? Út Tẹo bước vào sân trường đã vắng ngắt. Buổi chiều ở đây gợi nhớ khu Ký Nhi Viện, nơi anh lớn lên. Nhưng những đứa trẻ được cha mẹ cưng quý gởi vào đây là những đứa may mắn có phúc, có phần chớ đâu phải như anh, bị bỏ vào Ký Nhi Viện vì là con hoang vô thừa nhận.
Tẹo mỉm cười nhăn nhó, ngước mắt nhìn những tàn lá phượng vĩ đã xếp cánh ngủ. Chiều bình yên lạ lùng vì những màu lá xanh mượt mà ấy.
- Ê! Út Tẹo! Vào đây! Vào đây!
Triều ló đầu ra khỏi phòng bảo vệ rồi đưa tay vẫy. Út Tẹo như tỉnh mộng, anh phản đối.
- Ra đây mát hơn. Ở trong cái phòng gì như cái hộp, chán thấy mồ! Xách cái đờn ra luôn nha ông hộ pháp gác chùa.
Ngồi xuống trên chiếc ghế đá kế Út Tẹo, Triều thảy bịch thuốc rê lên mặt ghế rồi hỏi:
- Làm gì chiều nay đòi đờn vậy Út? Anh không biết đờn vọng cổ đâu nhen. Nhất là hát theo cái kiểu hụt hơi đếm chữ rồi chạy như Vũ Linh thì thú thật, bàn tay chắc phải sáu ngón họa may đờn theo mới kịp.
Út Tẹo làm thinh, Triều nhận ra Tẹo im lặng không phải vì lo tập trung vấn điếu thuốc cho khéo mà vì anh ta đang nghĩ ngợi gì đó. Biết tánh Út Tẹo, Triều chẳng hỏi thăm mà cầm đàn lên dạo khúc dạo đầu bài “Sóng nước biếc”. Mới đàn vài đoạn chưa đủ mềm tay Tẹo đã càu nhàu:
- Đờn bài nhạc nghe lạ hoắc, đã vậy còn không chịu hát, ai mà hiểu gì đâu để nghe chớ!
- Chú mầy muốn nghe bài nào phải nói ra chứ. Tự nhiên ngồi ngậm tăm rồi bây giờ cằn nhằn.
- Bài “Đời tôi cô đơn” đi! Bài đó hay!
- Cô đơn! Cô đơn! Xin đừng gọi tên tôi, để tôi đi cho đẹp lòng người... Xin đừng gọi tên tôi, thiết tha...
- Không phải! “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn... ” kìa! Chớ bài này kỳ thấy mồ...
Triều cười. Anh khoanh hai tay trên thùng đờn hỏi nhỏ:
- Yêu ai vậy?
Tẹo gượng gạo:
- Có ai đâu mà yêu. Anh hỏi gì mà ác quá! Bộ có yêu ai mới được nghe nhạc tình yêu à!
- Tại anh thấy chú mày nãy giờ là lạ nên đùa vậy mà! Sáng giờ bán được không?
- Ngày hôm nay thì hết vé rồi. Ba mớ này là vé số mai xổ.
- Mở hàng chưa?
- Rồi. hai tấm. Cho luôn phần tiền thừa nữa chứ.
- Vậy là hên rồi. Sao cau có thế?
- Anh biết ai mở hàng cho em lúc nãy không?
Nghe Tẹo hỏi đố, tự dưng Triều tò mò:
- Ai vậy?
- Bảo Hân! Cô giáo trường này nè.
- À thì ra thế! Con bé ấy hôm nay cũng biết làm việc thiện nên út Tẹo tự ái chớ gì?
Tẹo phản ứng ngay:
- Mua vé số rồi trả tiền chớ có bố thí đâu mà anh nói làm việc thiện. Em bực cái khác kìa.
Tay chậm rãi vấn điếu thuốc nhưng Triều nao nao khi nghe nhắc đến “khắc tinh” của mình. Từ buổi trưa Hân lên mặt... dạy đời anh tới nay, hai người tránh đụng mặt nhau. Buổi sáng Hân có... tài xế đưa, buổi chiều có xế đón nên việc “xuống xe dẫn bộ” không còn là điều Triều chờ đợi để xem con bé giáo viên giỏi ở trường sẽ đổ lì ra tới chừng nào mới thôi. Hôm nay chẳng biết cô ta làm gì mà Út Tẹo có vẻ bực dọc đến thế.
Rít một hơi dài, Trieu hỏi dò:
- Hân xách mé gì em à?
- Không! Hân rất tế nhị với Út Tẹo này.
Buồn cười vì từ “tế nhị” được Út Tẹo... trịnh trọng thốt ra, Triều thản nhiên rít một hơi thuốc nữa chớ không thèm hỏi tới. Đó là cách chọc tức cho gã xấu xí tật nguyền khao khát có người tâm sự này thố lộ tất cả.
Vờ như không quan tâm đến nỗi niềm của Tẹo, Triều vớ cây đàn rồi cất tiếng hát đùa:
- ”Cô Hân ơi, chú Út yêu cô lắm! Cô dạy chú Út múa đẹp xinh... Cô dạy chú Út yêu đời mình, tình tang tính, tang tính tình, dạ chú Út yêu hết “mình”.
- Thôi đừng có hát bậy nữa! Em tức sao Hân có thằng bồ mặt mày già đời quá, nhìn khó coi thiệt là khó coi.
Triều ngừng đàn, giọng anh tự nhiên cay cú:
- Ông bà nói “Nồi nào úp vung nấy” ít bao giờ trật lắm! Chú mày tức cái gì kỳ vậy? Mặt mày già đời mới xứng với cái vẻ chua ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền, khờ khạo của Hân chứ?
- Cô ta khờ thật chớ đâu có giả bộ.
- Sao em biết Hân... khờ thật?
Út Tẹo gật đầu quả quyết:
- Biết chứ. Em biết Hân từ hồi còn học lớp 11, 12 lận, chớ không phải mới biết khi vô trường này chơi với anh đâu.
Không ngờ mình bị hố to, Triều buông câu cụt ngủn cho đỡ quê:
- Vậy sao! Chú mày kín mồm quá, ai mà biết... Anh nói thật. Ở nhà chẳng hiểu Hân ngoan hiền, khờ khạo cở nào, chớ ở đây, trong quan hệ đồng nghiệp cô ta tự cao, chua ngoa, hợp hĩnh đến mức chẳng mấy người ưa vô.
Út Tẹo ngần ngừ:
- Anh cũng ghét Hân phải không?
Triều bối rối, anh phá ra cười để che dấu sự mâu thuẫn chợt bùng lên trong tâm hồn vì câu hỏi hết sức đột ngột của Tẹo rồi lờ lững nói:
- Hân đẹp như vậy, đàn ông nào ghét cho đành. Nhưng anh đâu dám trèo cao. Cái chân khập khễnh này mà té thì vô phương ngồi dậy. Với lại Hân không ưa dân gác cổng như anh, chưa bao giờ anh nhận được cái chào, hoặc nụ cười mỉm của cô nàng. Có lẽ phải nói Hân ghét anh thì đúng hơn.
- Anh nói sao á! Chớ em biết mà, gia đình Hân nổi tiếng khó, con cái được dạy dỗ nên thân, nên người hàng xóm khen lắm. Em đi bán rồi la cà khu phố nhà Hân, em biết mà! Gia đình đó đi thưa về trình, gọi dạ, bảo vâng, ăn uống phải mời. Hân là con gái út không những được cha mẹ dạy dỗ, mà còn được anh chị lớn trong nhà lo lắng chỉ bảo từng chút, mọi điều, nên Hân ngoan lắm chớ đâu có đanh đá chua ngoa như anh nói. Chắc mấy cô giáo kia ganh với Hân mới nói xấu cô ấy với anh cho bỏ ghét đó thôi.
- Cô ta là út trong nhà à?
- Ừ!
- Thảo nào! Con út nên vừa ngông vừa quậy là chí phải. Anh cũng là con út nên anh hiểu quá! Ngoan ngoãn vâng lời cho vừa lòng tất cả người lớn, nhưng đến khi hết vâng lời nổi rồi thì... hết biết luôn.
- Nghĩa là sao? Em cũng là út nè, mà em không hiểu ý anh nói.
Triều gãi tai:
- Anh cũng chẳng biết giải thích sao đây nữa. Đại khái là... là... ừ, thí dụ như anh chẳng hạn. Hồi nhỏ anh sợ ba anh lắm, ổng khó tày trời, quyền hành với mẹ anh và anh chị anh ghê gớm, trong nhà ai cũng riu ríu vâng lệnh ổng. Anh cũng vậy, nhưng khi vào lớp anh lại khác. Anh nghịch ngợm, phá phách, thậm chí ăn nói ngang ngược, bắt nạt kẻ khác, như để cho thỏa những giây phút bị ép xác ở nhà vậy mà. Anh không nghĩ Hân ở đây khác ở nhà với lý do cô ta cũng muốn thoát ra khỏi cái cùng cực trong gia đình như anh, vì Hân là phụ nữ lại lớn rồi. Mà nếu không phải vậy thì hóa ra bản chất Hân chua ngoa, đanh đá thật hay sao?
- Không đâu! -- Út Tẹo lại buột miệng bênh vực, rồi im lìm mân mê quyển sổ carô nhỏ ghi chi chít những hàng số. Đó là quyển sổ ghi những lô trúng mỗi ngày của các loại vé số. Nhìn dáng ngồi cú rũ với chiếc đầu to, tóc cứng, đen sì của Tẹo mà Triều thấy xót xa.
Nghĩ ông trời cũng trớ trêu, sanh chi con người đã xấu xí lại tật nguyền. Tên Út Tẹo như đi đôi với một nét gì xiêu vẹo mất thăng bằng giống dáng đi của người mang tên có vần trúc trắc. Bù lại Tẹo có duyên buôn bán, ít khi nào Tẹo phải “Ôm” vé số như những người khác, vì vé số Út Tẹo bán hay trúng, không nhiều, chỉ lai rai đủ các tay mê số có món tiền nhỏ để mua tiếp sự rủi maỵ Vì vậy ở địa bàn của quận này có rất nhiều người bán vé số nhưng nói đến Út Tẹo vé số, thì ai cũng bắt gặp ngay trong trí nhớ mình cái dáng đi muốn té sắp về trước với cánh tay trái có tật teo đi, cổ tay khoèo lại tự như móng chim, lúc nào cũng đong đưa giữ thăng bằng cho cánh tay phải cầm xấp vé số chào mời.
Hình thù quái dị thường làm người có tật hận thù loài người. Nhưng với Út Tẹo thì không, anh đặc biệt thích trẻ con và thú vật. Tâm hồn anh tràn đầy lòng thương xót và cảm thông với mọi sự bất hạnh trên đời, vì xét cho cùng có ai trên đời này bất hạnh hơn anh.
Triều quen Tẹo trong trường hợp khá hi hữu. Dạo ấy Triều mới xuất ngũ, anh buồn khổ vì thương tật nên hầu như suốt ngày ngồi một mình ngoài quán rượu, cứ ly này qua ly khác, lắm khi nằm gục luôn trên bàn.
Có một lần quá say Triều té nằm trên lề đường giữa đêm. không biết bằng sức lực và cách thức nào mà Út Tẹo đã kè Triều về căn chòi tồi tàn trong hốc của mình. Tẹo cạo gió, xoa dầu cho Triều. Anh ngủ suốt đêm trong nhà người ta, đến sáng thức giấc, ngồi bật dậy Triều đã kinh hoàng lẫn lạ lẫm khi thấy một gương mặt lạ hoắc, xấu xí đang cười với mình trong không gian lụp xụp, tối tăm, kỳ cục ở một nơi Triều chưa bao giờ tới.
Sau đó hai người tự dưng thân thiết với nhau. Tẹo trước đây luôn phải hứng chịu sự hất hủi nên khi tìm thấy nơi Triều một tình bạn thực sự thì bao nhiêu tình cảm nồng nàn chất chứa trong lòng anh tuôn trào ra. Triều nhận thấy Tẹo rất nhạy cảm và cũng đàn ông như ai, vì vậy anh chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi chiều nay Út Tẹo tỏ vẻ bứt rứt buồn phiền vì một cô gái đẹp.
- Anh biết bồ của Hân chứ?
- Không! Nhưng biết cô ta có bồ. Cô ta đẹp mà làm gì chẳng có kẻ đeo đuổi. Dĩ nhiên những kẻ đó phải vừa giàu vừa đẹp, chớ không phải què quặt như anh em mình.
Nói dứt lời tự dưng Triều thấy kỳ. Hình như trong câu anh nói có chút gì chua chát ghen tuông. Anh có nghĩ xấu cho Hân không khi bảo rằng những kẻ đeo đuổi cô phải vừa giàu vừa đẹp? Rõ ràng Tẹo không đồng ý với anh nên cậu ta lên tiếng ngay:
- Em lại nghĩ không phải vậy, lời anh nói giống như Hân ham thích bề ngoài và tiền bạc. không phải vậy đâu!
- Nhưng ít ra cô ta cũng rất cao vọng, ánh mắt ấy có khi nào nhìn xuống để biết thông cảm với cái khổ của người khác.
Giọng Tẹo thật trầm:
- Tại sao anh lại bắt cô ấy nhìn xuống những người như em để thông cảm? Hân còn trẻ quá, lại sống bình an trong gia đình hạnh phúc. Nếu cô ta có cảm thông cái khổ của ai đó đi chăng nữa cũng chỉ là sự thương hại thoáng qua thôi, rồi sẽ quên ngay, vì hầu như Hân có khổ hồi nào đâu để biết cảm thông sâu sắc cái khổ của kẻ khác.
Tẹo ngập ngừng nói tiếp:
- Đôi lúc em nghĩ. Nếu như anh không bị thương để phải hơi... thọt chân, biết anh có hiểu mà thương em như hiện giờ anh đang thương không?
- Vậy té ra em nghĩ anh thân thiết với em là vì sự đồng cảm về thân phận à?
Không nghe Tẹo trả lời, Triều vớ cây đàn nghêu ngao hát:
- ”Anh về,
Một nắng, hai sương,
Da chia, thịt xe?
thiên đường vỡ tan.
Lưng khom,
áo lạnh, tay đàn,
Thương em nhớ mẹ.
cung đàn vỡ đôi.
Anh về chân thọt
tình phai,
Nương cau, vườn chuối
với ai ngọt bùi.
Chiều xuân
chống gậy nhìn trời,
Lòng nghe mưa bụi
hết thời thanh xuân.
Anh về
mặt đất nhá nhem,
Đồng không mông quạnh
sầu điên trong hồn... ”
Bài hát thất chí này của thằng bạn cùng nằm viện với anh sáng tác. Một lần uống ngà ngà, anh đem đàn ra sân ngồi hát, ba anh nghe được, ổng nổi xung thiên nên đập vỡ cây đàn và mắng anh một trận nên thân. Ông bảo “Chuyện bị tàn tật là hoàn toàn do ý của mày, bây giờ không được than thân trách phận hay làm phiền mọi người trong gia đình”. Với ông, Triều biết mình bị coi như đã chết, vì anh là đứa duy nhất trong nhà dám cãi ý ông, để bây giờ thân tàn ma dại, ngày hai buổi ngồi nhìn thiên hạ ra rồi vào.
Nghĩ cũng tội cho cha mình, Triều biết ông đặt nhiều kỳ vọng vào thằng con út, cố vun xới cho nó một tương lai rực rỡ. Khi tốt nghiệp phổ thông có giấy gọi Triều đi nghĩa vụ, ông chạy chọt hết mình lo được cả giấy chứng nhận đau tim bẩm sinh để anh được miễn, song song với các thứ giấy tờ đó là hồ sơ đi hợp tác lao động ở Đức, buộc anh phải đi nước ngoài.
Người ta bảo ở cái lứa tuổi của anh hồi đó hay có những cơn điên tự ái lắm. Không hiểu anh có điên không mà tự ái đùng đùng, kiên quyết đi nghĩa vụ. Triều ý thức được rằng anh không làm như vậy thì suốt đời anh chẳng bao giờ thành người lớn trong gia đình cũng như ngoài xã hội, vì bao giờ dưới ánh mắt của ba mẹ, anh chị, Triều cũng là thằng bé út khờ khạo cần phải được che chở, cưng chiều.
Anh đã được che chở, cưng chiều nhiều đến mức ngán ngẩm rồi, bây giờ Triều muốn chống lại bất cứ sự bảo hộ nào, để sau này được sống đúng với mình nhất, không bị lệ thuộc vào bất kỳ ai.
Triều nhớ ngày anh lên đường, gia đình không đi tiễn, mẹ anh nằm khóc trong buồng, ba anh tuyên bố trong sự tuyệt vọng rằng sẽ từ... để coi mày cãi lời cha mẹ, một thân một mình sẽ làm được cái gì cho đời mày.
Đến bây giờ đúng là anh chưa làm được gì cho đời mình cả, đã vậy còn què quặt khi trở về. Triều rất đau khổ nhưng anh không hề ân hận... Phải! Anh không hề ân hận.
Với Triều, gia đình vẫn là nơi cần thiết cho tinh thần, cho tâm hồn anh, anh không rời bỏ nó được, nhưng anh cũng không răm rắp làm theo ý ba mình được. Và cứ thế anh sống dai dẳng không lối thoát trong tình thương, sự phẫn nộ của những người thân.
Triều buông đàn nghe giọng Út Tẹo nhỏ nhỏ:
- Anh Triều à. Anh từng là một người lính bị thương rồi trở về, thân phận của em làm sao giống anh được, em chỉ là đứa con hoang lớn lên từ Ký Nhi Viện, em què quặt tật nguyền như vầy chẳng qua tại người ta... à... Cha mẹ em không muốn em có mặt trên đời này.
Nhìn Triều với vẻ ngưỡng mộ, Tẹo ao ước:
- Em luôn luôn mơ ước làm được việc gì đó có ích cho mọi người, một công việc thật sự có ý nghĩa...
- Giống như anh, nhỏ vài giọt máu xuống chiến trường, phải không?
Út Tẹo thẫn thờ gật đầu rồi cười bẽn lẽn, Triều lắt đầu nhìn Tẹo ái ngại, anh chợt nhớ những lời mai mỉa như gai nhọn của Hân mà đau rồi liền tức thời, anh tự an ủi mình... Ít ra trên đời vẫn còn có nhiều người biết nghĩ tới sự hy sinh của anh như Út Tẹo.
Không muốn trở lại vấn đề làm mình buốt nhức, Triều hỏi sang chuyện khác:
- Má em hết bịnh chưa Tẹo?
- Đỡ thôi chớ không bao giờ hết đâu. Khổ cái là vừa ngồi dậy nổi, bả lại kéo ngay cái xe đi đổ rác. Nghĩ mà thương, số má em, khổ lắm anh Triều!
Triều sực nhớ tới bà Xe Rác, tên mà mọi người thường gọi mẹ Út Tẹo mỗi khi bà khòm lưng kéo chiếc xe đổ rác rồi đập vào miếng sắt kêu mọi người đem thùng rác ra đổ.
Triều nghe các ông xích lô già ngồi cà kê ngoài quán kể rằng ngày xưa bà Xe Rác cũng đẹp người, chỉ có tội quá nghèo mà lại cao số, rốt cuộc phải làm bé hết người này tới người khác, một bầy con không cha cứ tiếp nối ra đời như kết quả của những món nợ tình. Tẹo là đứa út, què quặt tàn tật từ buổi lọt lòng, cũng như ba thằng anh mình, cha của Tẹo đã biến mất trước khi đứa con ra đời.
Cũng là thói quen, bà mẹ lại ôm con để trước cửa Ký Nhi Viện của mấy bà Phước. Bà đã bỏ đi mấy ngày rồi không hiểu nghĩ sao bà trở lại nơi bà từng vứt bốn đứa con để xin vào làm không công, miễn sao ngày có ba bữa ăn.
5 tháng nối tiếp trôi qua, cái Ký Nhi Viện xưa không còn, người ta lấy cơ sở ấy làm thành trường mẫu giáo. Phường cấp cho 4 mẹ con Út Tẹo một miếng đất trũng, vài tấm tôn cũ, vài miếng ván cong queo, thế là họ có chỗ để ở, dù xấu xí cũng là cái nhà riêng của mình.
Bốn anh em thật sự sống chung với nhau nhưng hình như chưa bao giờ chúng coi nhau như là anh em, nếu có chăng là trừ Út Tẹo. Phải chăng càng ở lâu trong viện mồ côi, người ta càng quên để khó tin rằng mình có quan hệ ruột thịt với bất cứ ai, dù rằng những người thân đó đã từng sống chung với họ, cùng hít thở cái không khí lạnh, ẩm, tối của Ký Nhi Viện.
Tự dưng Triều hỏi:
- Ba ông anh của Tẹo sao không ở chung với bác?
- Có chứ! Nhưng mấy ổng đi suốt.
Tẹo nói vậy rồi im lặng, hình như anh không thích nói tới các anh mình. Có vài lần Triều loáng thoáng thấy họ trong các quán nhậu và anh nhận ra Út Tẹo khác xa ba ông anh. Ở họ có vẻ gì lầm lì, bậm trợn nếu không muốn nói là hung ác.
- Em về.
Tẹo đột ngột đứng dậy làm Triều ngạc nhiên:
- Còn sớm mà. Ở Lại ăn cơm với anh cho vui.
Tẹo ngần ngừ rồi dứt khoát:
- Để hôm khác. Em phải tới chỗ ông thầu Quế cho ổng lựa số trước. Ổng dặn mà em quên.
- Vậy thì anh không dám giữ. Mai rảnh ghé chơi.
- Anh cứ ở đây hoài, không về nhà sao?
- Có về chứ. Nhưng ban đêm phải ở Lại.
Tẹo nhe răng cười:
- Cứ như anh chắc ế vợ. Cô nào mà dám ưng vì sợ tối ngủ chỉ có một mình.
- Ôi! Hơi đâu chú mày lo. Bao giờ có ai ưng thì anh đây chuyển ngành.
- Quan trọng là anh ưng ai chưa đã?
- Anh ưng nhiều người lắm nên rốt cuộc vẫn “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”.
Tẹo nghe Triều hát bài mình thích nên gật đầu nhịp theo khoái chí. Anh lại xiêu vẹo lê tấm thân xấu xí của mình trở lại cổng. Thành phố giờ này đã lên đèn, mọi người đang quây quần bên mâm cơm. Tẹo nghĩ tới bà mẹ của mình rồi nghĩ tới Triều. Anh đang một mình giữa ngôi trường vắng lặng rộng thênh thang với bốn bức tường cao chia cách anh với bên ngoài ồn ào náo nhiệt.
Bước vào một quán cà-phê định mời khách, Tẹo bỗng quay trở ra ngay, trong đó có nhiều cặp đang nghiêng đầu thầm thì bên nhau... Nhỡ gặp Hân và tên người yêu có bộ mặt cáo già của cô ta thì sao?
Tẹo ngả nghiêng bước đi. Anh buồn bã nghĩ: Với Hân, anh cũng như những người bán vé số khác chớ có gì đâu để anh phải ngại ngùng sợ chạm mặt... Cắn môi Tẹo đưa mắt nhìn trời. Ngôi sao hôm chiều nay đẹp quá. Trên trời mới vừa sẩm tối, trông nó non nớt và trong sáng lạ lùng. Nhưng ngôi sao ấy không phải của mình đâu. Vì chiều nào cũng vậy, Tẹo luôn bắt gặp sao hôm trên đường về nhà, đến khi vào tới con hẻm sâu tăm tối thì trên trời đã mọc rất nhiều sao. Anh đứng ở cái sân dơ bẩn phơi đầy những mảnh bao mủ của mẹ anh mót từ bao nhiêu cái thùng rác, để nhìn lên trời... Từ mảnh sân bé xíu thấp chủm, khoảng trời trên cao tự nhiên nhỏ lại và ngôi sao hôm nằm đâu đó trên khoảng trời khác chớ không trên khoảng trời của sân nhà anh.