Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Ghi Chép Về Đa-Mát
R
ỒI DẦN DẦN, những hình thù mấp mô trần trụi của một thành phố Ả Rập cũng thành ra quen mắt. Trên bước đường, không ai giữ mãi được cái thật muốn của riêng mình để mà chỉ thích hay không thích. Đôi khi đến lúc nào đấy, lại còn say mê trở lại nữa. Những thành phố Ả Rập triền miên tường đá xám đá trắng, những mảng tròn mảng vuông. Còn nhớ giữa đêm mùa hạ ở Bát-đa năm ấy, cả thành phố lên sân gác thượng với bóng đêm có hơi đất và trăng sao quanh mình.
Buổi chiều, nắng vàng rượi, tôi vào Đa-mát. Gió cuốn bụi đất mù mịt tưởng như đỏ hắt cả một vùng Trung Đông theo đến đây. Lại một thành phố Ả Rập, tường và nhà như những hàng gạch mộc chắp lại, lác đác trổ ra những cánh cửa sơn xanh, sơn đỏ và trên cửa sổ, lắc lư chùm đèn, khung gỗ mun - có phải những cây đèn thần A-la-din?
Nửa đêm, cùng bạn lên núi nhìn xuống Đa-mát. Không thấy những nhà cửa xù xì ban ngày với người ngồi trên gác thượng giữa những sống áo phơi loang lổ chung quanh. Người trên núi như ở đầu dây chuỗi đèn pha lê quàng xuống thành phố tráng lệ, ánh đèn xe vun vút, những ngôi sao xanh đỏ tíu tít đổi ngôi. Những thần thoại kỳ ảo nghìn đêm lẻ bây giờ mới lướng vướng hiện về trong bóng đêm.
Năm 1832, nhà thơ Pháp La Mác-tin đến Đa-mát.
Mắt tôi như đắm vào những quang cảnh và chân trời lạ lùng. Đó là Đa-mát với những mái đền tròn xoe, những nóc đài cao và nắng chiều xuống trên dòng sông xanh biếc lấp lánh lượn qua thành phố. Và ngoài kia là sa mạc đến chân trời.
Nửa thế kỷ sau, Hăng-ri Đơ Rê-nhi-ê gửi Đa-mát hai câu thơ sống mãi.
Đa-mát: Mùa hoa hồng đã tàn mà hương hồng còn vương lại.
Tôi yêu những kỷ niệm kín đáo nhưng có sức mạnh như ánh kiếm: Đa-mát.
Về đêm, tôi hiểu những câu thơ này hơn.
Ở ngã ba đường trước mặt, trong ánh đèn, bóng người tự vệ đứng cầm súng. Người ta bảo di chuyển theo rặng núi này tới được cao nguyên Gô-lan. Quân đội I-xra-en đã chiếm lấn đến đấy, cách Đa-mát có khoảng sáu mươi cây số.
o O o
Trên ba ngàn năm trước Công nguyên, Đa-mát đã được khai sinh, chữ của người A-ra-mê-en từ thời ấy: Đa-mát, thành phố thiêng. Từ cửa ô Va-lon vào đến trung tâm Đa-mát, nhiều nơi vẫn như cổ xưa. Cả dãy phố ở đẽo vào núi ẩn hẳn cửa nhà vào hõm đá, hõm đất. Ở Mu-buốc-la người ta vẫn nói tiếng A-ra-mê-en tiếng cổ thời chúa Giê-su ra đời. Trên cột đền Ba-chu các nhà khảo cổ tìm ra nhiều tranh khắc và mẫu chữ U-ga-rít, chữ tượng hình có 30 dấu và nét khác nhau từ thế kỷ 14 trước Công nguyên. Sau này, người Hy Lạp và người La Mã làm lại, thành chữ La tinh bây giờ.
Vùng Đa-mát đã chứng kiến sự hình thành của nền văn minh triết học các đạo Ki-tô, đạo Hồi... Dấu vết của mười hai dân tộc lớn đã đến ở đây, người Phê-ni-xiêng, người Hy Lạp, người Ba Tư, người La Mã, người Ả Rập, người Thổ... Di tích các thời kỳ khác nhau ấy ngày nay vẫn còn ở con người, ở mọi sinh hoạt đời sống. Vùng An Sa-mát có lối múa gươm và cưỡi ngựa không đâu ở Si-ri có. Các khung dệt vải và cách nhuộm màu mỗi nơi một kiểu. Điệu múa điệu nhảy ở Đa-bếch, ở Ta-lúp, ở A-lép, ở Hom... những nơi này không xa nhau mấy mà cách ăn mặc, giọng nói thật khác nhau. Mới thoạt trông váy áo đã biết người ấy ở Hô-ren, ở Gu-ta hay ở Son-grat...
Từ Đa-mát đến đất thánh Giê-ru-sa-lem có một giờ bay. Ngay bên kia thung lũng, thành phố Ba-bếch um tùm những cây sến nghìn năm in bóng lá trong quốc kỳ Li Băng. Vùng Đa-mát, nơi giao lưu ba lục địa, biết bao nền văn minh đã qua, mà bây giờ thỉnh thoảng còn khám phá dấu vết một thành phố cổ trong lòng đất, dưới sa mạc...
o O o
Quả nhiên rồi người mới đến lại có những thói quen mới. Một ngày kia, thấy khoảng không và những bức tường trơ trụi, dần dần quen mắt. Trong các thung lũng A-lép, Y-lép, Đa-mát... thành phố và làng mạc, những mái nhà sân thượng, những đình tháp đền đài tròn, không đâu tìm ra một bóng cây, cũng thấy là được.
Người ta đứng ngồi núp vào tường. Bóng tường và bóng người hòa làm một. Cả thành phố như vậy. Vào những nơi thờ phượng lại càng dễ cắt nghĩa được những phong tục sinh sống của người Ả Rập đã hàng triệu năm ở vùng mặt đất nhăn nhúm, trong lòng đầy của cải dầu lửa này.
Các phố Đa-mát, đâu đâu cũng chen chúc những người, và nhà và những bức tường. Trời đã nhạt nắng. Hoàng hôn xám mờ như tấm tranh thủy mạc.
Nhưng mà trên bức tranh nét bút đơn sơ ấy có thấp thoáng những tòa nhà trụ sở quân Liên Hiệp Quốc “kiểm soát cao nguyên Gô-lan” và những chiếc xe trắng cờ xanh chạy loăng quăng. Nhưng bọn I-xra-en chẳng thi hành nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc. Từ 14 năm nay, I-xra-en vẫn nằm lỳ trên cao nguyên Gô-lan nhòm xuống Đa-mát.
Sông Ba-ba-đa mải miết chảy qua thành phố, hai bên bờ san sát những nếp nhà trọc lốc, sầm uất các hàng ăn uống. Những con gà quay đỏ hắt treo cạnh cây đèn lồng. Hàng hoa, hàng vàng bạc, đồ cổ, chen chúc từng ô cửa nhỏ. Những sọt cà chua, dưa hấu, những thồ quả ô liu xanh ngắt. Trên đầu hè, từng chồng bánh đa xếp cao cạnh những vò rượu, quanh một ông già áo choàng đen bán cà phê quế. Chậu thau đồng, chiếc bình đồng, khay chén sứ trắng. Người ngồi xúm xít uống rượu, uống cà phê.
Một người dắt mấy con cừu chen đi. Lại người cưỡi la thủng thỉnh bước vào giữa đám đông.
Những kiểu phố chợ hổ lốn loăng quăng đủ thứ hàng và người của các thành phố châu Á, châu Phi - lạ mắt với dân du lịch phương Tây. Ở Đê-li cũ, ở Viêng Chăn, ở Sa-mac-can, ở Hàng Ngang, Hàng Đào... Cửa hiệu vàng bạc cạnh hàng vải, hàng đồ cổ. Người đi trên hè dưới đường, những chiếc xe Tô-y-ô-ta ba bánh len lỏi, lọc xọc, tải hành và táo xanh, mận xanh. Mỗi lúc đường một chật hẹp, chen chúc hơn. Rồi đến những hàng bán tràng hạt treo từng cụm vàng hổ phách trên tường đá, đường cụt hẳn.
Người đeo mạng che mặt, áo dài đen, con la thồ vắt cương đứng lại ngoài tường đá. Người và la từ xa tới, bụi đường còn trắng mờ quanh gấu áo. Trong khung cửa trước mắt mở ra một khoảng sàn rộng lát đá. Bỗng như thấy lại sa mạc giữa phố phường lậm lụi. Những nếp nhà thờ đạo Hồi thật đồ sộ mà rỗng không, nhưng người ta lấy cái rỗng không làm thiêng liêng. Có phải vì gốc đạo này sinh ra từ những vùng sa mạc, nhìn đâu cũng chỉ thấy suốt đời mênh mông. Cái mênh mông ấy mang hình ảnh những mong ước đời đời của con người.
Trên sân thấp thoáng bóng áo choàng đen bước vội vội. Trên đầu, tiếng tụng kinh ra rả, vời vợi. Vào mãi trong đền vẫn thăm thẳm như thế. Từng gian một, trống rỗng như ngoài sân. Lũ lượt tín đồ ngồi nhắm mắt tựa đầu vào chân tường. Nghĩ về trăng sao trên ngân hà thiên hà nào. Mỗi tôn giáo có mội triết lý thần bí, một lối suy tưởng, một hình ảnh cho con người ghi nhớ. Không biết ai đầu tiên đã nghĩ ra cái trống không trong khoảng sân, trong đền mà phép thánh đã hóa ra cái thiêng liêng cho con người run rẩy trước định mệnh, gởi nỗi lo và sự chờ đợi vào đấy.
Đấy là Đa-mát. Đa-mát cổ kính trong yên vui và trong lo toan, cũng trong sẵn sàng.
o O o
Phải đi từ Đa-mát tới Pan-mia mới cảm hết được vẻ cổ kính và lạ lùng của đất nước Si-ri mà thế kỷ trước, La Mac-tin đã thấy.
Trong những mảng nắng trên sườn đồi quanh thành phố, từng đàn cừu đi như sóng đất, nhìn rõ những dấu chân chi chít, líu tíu quanh con chó lài đương chồm lên dồn cừu về chuồng trại trước khi tắt nắng. Rồi lại chỉ còn cát vàng rợn đến chân trời.
Pan-mia cách Đa-mát hơn ba tiếng đường bay máy bay Y-AC 47, ngót sáu trăm cây số sa mạc sâu vào lục địa. Đàn lạc đà ròng rã hàng tháng mới tới được. Pan-mia thành phố cây cọ. Cũng có nghĩa là thành phố mơ ước của những đoàn người qua sa mạc, lúc nào cũng ngong ngóng đến được nơi có bóng cây và giếng nước.
Vào Pan-mia, người ta được trở lại với hàng trăm thế kỷ lịch sử cuộc sống con người. Xung quanh tường đá lỗ chỗ tổ ong, những cây cọ và chà là lơ lửng, lúp xúp.
Những con lạc đà bước lững thững qua cửa di tích đền Ben như vẫn từ 31 năm trước Công nguyên, khi đền Ben mới xây dựng, vẫn những đàn lạc đà nhịn khát từ đâu về đây, lững thững như thế qua ngoài tường đá, trước những bức tượng, những bàn đá lễ chúng sinh, những cột đài kỷ niệm chiến thắng, những bức tranh hoành tráng trên nắp quan tài đá. Tượng người chết được tạc ngồi bưng chén cà phê, tay tựa gối, bụng phệ bóng qua nếp áo, chân đi ủng hoa. Xúm xít quanh chúa đất, một lũ quan hầu, nét mặt trầm ngâm mỗi người một vẻ. Đấy chính là cái chết đương sống, thật là thần tình.
Thành cổ Pan-mia cho ta thấy được nghệ thuật thật sự đã ra đời từ khi có loài người. Trên ba nghìn năm trước công nguyên, những nghệ sĩ tài năng đã tạc được tất cả mọi cảnh đời sống với những ước mơ xa vời.
o O o
Từ Pan-mia, lại vượt sa mạc, đến một vùng đất nước trái ngược hẳn quang cảnh của nền văn minh hôm nay. Nhà máy thủy điện Táp-ka của Liên Xô xây dựng giúp Si-ri - nhà máy có công suất điện loại lớn nhất thế giới.
Trên sông Ơ-prát, thành phố Táp-ka hiện lên đều tăm tắp hàng loạt những dãy phố nhà tám tầng. Cây chà là và tàn lá cọ ven đường chỉ cao lửng thửng ngang gác ba. Thành phố trẻ, người đến ở mới trồng cây.
Trên mặt hồ, đằng kia nhô lên tòa nhà khách sạn du lịch, đường đá đỏ hồng, đê sông Ơ-prát kẻ chỉ sau lưng. Năm trước tôi đã gặp sông này qua Bát-đa, nước đục lờ chảy giữa bờ cỏ có những quán rượu bán cá nướng bốc khói nghi ngút thơm. Bây giờ đến đây đương mùa cạn, nước Ơ-prát trong xanh. Những bụi sậy ven nước càng xanh ngắt.
Ai đoán được chỗ nhà máy thủy điện ở vùng Táp-ka mười năm trước chỉ là vùng đất cằn, nối tiếp với khoảng cách sa mạc từ Đa-mát lên, từ Pan-mia lên và từ đây sang biên giới I-rắc. Ngày xưa, đoàn lái buôn và lạc đà khát nước ngày đêm thụt chân trên cát đường trường, chỉ mong nhìn thấy đằng chân trời những chòm cây cọ thành Pan-mia. Đến được đấy mới gặp cái sống. Bây giờ, giữa hoang vu, con người đã làm ra hồ nước và những con kênh, và những cánh đồng lúa mạch.
Trong phòng trưng bày của nhà máy, treo gần kín tường một tấm bảng đồng lớn, khắc dòng chữ:
Đời đời tình hữu nghị Si-ri - Liên Xô...
Tháng tám, ở Y-an-ta trên Hắc Hải, tôi ngồi viết lại những trang ghi chép này về Đa-mát.
Tháng tám, tháng chín Y-an-ta vào thu, thấp thoáng mưa như mưa ngâu. Cả đêm nghe vẳng tiếng còi tàu rúc hiệu vào bến ra bến dưới cảng. Những cánh rừng bạch dương đã bắt đầu vàng, vàng suốt mùa thu. Cả chuỗi lá đã vàng từ hôm mới đến, nửa tháng rồi vẫn vàng nguyên thế.
Mùa thu Y-an-ta đẹp đến nỗi lúc nào cũng dường như bỡ ngỡ mới gặp nhau.
Nhưng mà cuộc sống con người trên trái đất thì đương quay cuồng, quay cuồng...
Ghi lại một vài việc trong tháng.
Kỷ niệm bom nguyên tử ném xuống Nhật.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, một quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma, chết 30 vạn người.
Từ khi có lịch sử loài người, hơn một nghìn năm qua, chỉ kể những cuộc chiến tranh đã được sử sách ghi lại, ước lượng có trên một vạn rưỡi cuộc chiến tranh và chết chừng hơn bốn tỷ người - bằng số người hiện sống trên trái đất.
Bây giờ, chỉ trong vài phút, có thể chết hết loài người: 5 vạn tấn nguyên tử đã được tích trữ trong kho, 30 vạn bom, mỗi quả bằng quả bom đế quốc Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma.
Báo Đời sống công nhân (Thụy Sĩ)
Thế giới sôi sục chống Ri-gân ra lệnh sản xuất bom N.
Ở Hy Lạp nhà thơ nổi tiếng thế giới Y-a-nit Rít-xôt ra lời kêu gọi:
...“Chúng ta có thể tưởng tượng ra một thành phố sau trận bom nơ-tơ-rông như thế này: hàng chục vạn, hàng triệu người chết khắp nơi, ở phố, ở công viên, trong nhà, trên xe lửa, tắc xi, xe buýt, trên thuyền... trong khi đó, đài phát thanh đến giờ ca nhạc, vẫn truyền đi một bài hát dí dỏm. Trong khi đó, giữa tủ kính, những người mẫu bằng nhựa mặc áo mốt vẫn đứng cười... Và tất cả trẻ em đã chết rồi, trong khi những con ngựa gỗ trong công viên vẫn tiếp tục vòng quay… Loài người không thể để cảnh khủng khiếp ấy xảy ra...”
Báo Tin tức Mát-xcơ-va đưa tin:
“Con báo tuyết mẹ I-ly - một giống báo rất hiếm, năm trước bắt được trên núi ở Kiếc-ghi đưa về vườn thú Mát-xcơ-va - mới sinh được ba con. Tên là Ô-lin, Ô-ri-on và Ô-lít. Tháng mười này Ô-lít được đưa sang làm quà tặng vườn thú Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ)”
Thời sự và cuộc sống con người hôm nay, mỗi lúc cứ bồng bột những giằng co quyết liệt. Bóng tối chồm lên, muốn xóa đi những thư thái và những mơ ước bình thường của chúng ta.
o O o
Cao nguyên Gô-lan cách bờ Tây Địa Trung Hải chưa đầy năm mươi cây số. Vùng đồi đất núi lửa cũ nhưng bây giờ lúc nào cũng mát trời, mỗi năm chỉ thấp thoáng vài ngày tuyết. Đất trồng lúa mạch, ngô, táo, nho, ô liu. Ngựa và cừu đi hàng đàn. Trong rừng thưa, mỗi gốc cây một đỗ ong. Cá chép được nuôi ở hai hồ lớn Ti-bê-ri và Ma-sa-đê.
Qui-nây-tra, tỉnh lỵ cao nguyên. Trong cuộc chiến tranh 1967, quân I-xra-en tràn sang, phá trụi thành phố. Mười bốn vạn dân của 163 làng trên cao nguyên Gô-lan phải bỏ chạy hết. Bọn I-xra-en chiếm lỳ từ ngày đó rồi đưa người đến, chia cao nguyên thành mười kia-bút - kiểu ấp chiến lược thời Mỹ Thiệu ở miền Nam.
Các bạn Si-ri nói hôm nay đưa khách đi Qui-nây-tra để chúng tôi được chứng kiến tận nơi một tội ác của I-xra-en.
Nhưng đi từ khu Đa-mát cổ qua vùng Đa-mát mới rồi ra khỏi thành phố chỉ thấy nhộn nhịp yên vui. Nhà nhà chen nhau giữa màu xám xi măng, có ô vuông cửa sổ xám. Những cây đề lá xanh, bên cây liễu đỏ thướt tha. Đỉnh núi xa xa băng đóng từng vệt trắng dài.
Quanh vườn, ngôi nhà ở giữa, sân thượng vuông bằng kín mít. Lại lố nhố trẻ con ngồi chơi trên nóc nhà. Ngoài cánh đồng, từng đám trẻ áo đỏ đùa chạy trên những bờ cỏ hoa dại vàng li ti. Người cưỡi la đi gieo hạt, thong thả bước một trên luống cày. Các chị váy áo hoa dài tím đội vò nước từ ven đường bước ra.
Bạn bảo chúng ta tới Qui-nây-tra rồi, mà chưa dấu hiệu gì cho hay biết về nơi bị chiến tranh tàn phá. Đường vẫn tấp nập người đi và hớn hở những trẻ con và những con la gầy bé nhỏ có hai cái tai to tướng. Những rừng ô liu, những cánh đồng ngô...
Trên gác tầng bốn tòa nhà bệnh viện thành phố. Nhà đã bị bom đánh, các trần lỗ chỗ còn lủng lẳng như sắp rơi ra từng tấm xi măng. Đứng đấy nhìn ra, thấy được Qui-nây-tra hoang tàn.
Bọn I-xra-en phá nhà, đặt mìn rồi cho xe húc, cuối cùng ném bom. Mười bốn năm đã qua. Cả thành phố đen sì những đống vụn xi măng cọc sắt.
Bốn phía ngoại ô, những vườn ô liu xanh rờn. Một ổ súng máy in hình khoảng tường trắng bên kia. Mỗi nhà trong nông trại kia-bút của I-xra-en đều đặt súng, họng hướng sang Si-ri như thế. Rồi thì dây thép gai. Những mảnh chiến lũy gỗ sơn trắng, sơn đỏ đặt các ngả đường. Phía nào cũng một cảnh giống nhau: ở giữa, trạm gác kéo cờ xanh Liên Hiệp Quốc. Bên kia, lính I-xra-en xách súng đứng dưới lá cờ xanh lồng cánh. Chỉ có xe Liên Hiệp Quốc qua được hai bên.
Đây cách biên giới Li Băng có hai mươi bốn cây số. Chốc lại nghe tiếng bom nổ vang động không rõ phía nào. Sớm hôm qua súng phòng không Si-ri vừa bắn rơi một máy bay lên thẳng I-xra-en trên thung lũng Bê-ka đằng kia. Máy bay ném bom I-xra-en vẫn đương nối nhau gầm rú kẻ khói trên bầu trời thành phố.
Giữa Qui-nây-tra hoang tàn, những bông huệ dại, như trẻ con không biết gì cả, cứ khoe màu vàng hơn hớn. Cơn gió xôn xao đến từ các trại lính Si-ri, lính Liên Hiệp Quốc, lính I-xra-en từ vườn ô liu các kia-bút đưa lại. Cũng từ phía ấy, đàn chim sẻ rập rờn lướt trên bãi mìn và dây thép gai bay tới bên này.
Ở đây, cuộc sống thật can đảm và dữ dội. Cái chết và mọi thủ đoạn giết người kề bên vết chân những con la thồ người đi gieo hạt đỗ đến những luống cày sát bờ rào trại lính I-xra-en. Cả cao nguyên chạy giặc lang thang mười bốn năm nay, hàng chục triệu người Ả Rập, ở Pa-let-tin, hơn ba mươi năm đã qua, mấy thế hệ nối tiếp phải lang bạt đi ở lều trại tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cứu trợ khắp Trung Đông. Nhưng lúc nào cũng đinh ninh trông ngóng có ngày trở về.
Trong căn phòng được dựng lại giữa nhà thị chính đã bị đánh sập, ông thị trưởng Qui-nây-tra mời khách uống cà phê - pha kiểu Ả Rập không đường và thoảng mùi quế.
Chúc gặp nhau lần sau, cao nguyên Gô-lan đã được giải phóng.
Mọi người im lặng. Lần sau... Tôi tin các dân tộc ở Si-ri, ở Pa-let-tin, cũng như dân tộc Việt Nam. Đã thành sự thật những cuộc gặp lại lần sau ở Hà Nội, ở Sài Gòn...
Hoa cỏ dại gió thổi vàng rực lên, trong tiếng máy bay địch vẫn gầm rú.
o O o
Ở Đa-mát về, qua sân bay quốc tế Bây-rút.
Mới bốn giờ chiều, mà không một bóng máy bay lên xuống. Hơn mười năm trước, tôi đã có dịp đến Bây-rút, sân bay lúc nào cũng vui như chợ phiên. Cứ ba phút một máy bay cất cánh hạ cánh. “Thụy Sĩ của phương Đông” bây giờ không có gì. Thành phố im rợn giữa nắng, như phấp phỏng một trận pháo kích, một cơn ném bom.
Sân bay Bây-rút bị máy bay I-xra-en dội bom tháng trước, vừa mới được mở cửa lại.