Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Số lần đọc/download: 257 / 41
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Chương 4 - Khung Hiện Trường Mở Rộng
T
a vẫn đôi khi cười thầm khi nhớ lại một việc mà ai đó đã nói từ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước. Với tôi, điều này là rất đúng khi tôi nhớ lại lời Poirot vào thời điểm nào đó của ngày hôm ấy: “Ngay cả một thám tử mưu trí nhất cũng khó mà biết phải làm gì để thoát khỏi Signor Lazzari. Nếu ca tụng chưa đủ mức khách sạn của ông ta thì ông ta sẽ đứng kè kè và bổ túc bằng những lời ca tụng của chính ông ta. Còn nếu ca tụng dài dòng và thái quá thì ông ta sẽ trụ lại để lắng nghe.”
Nhưng những cố gắng của Poirot đã thành công, và cuối cùng ông đã thuyết phục được Lazzari cho ông tự xoay xở trong căn phòng 238. Ông bước đến cánh cửa mà người quản lý khách sạn để ngỏ, khép nó lại, và thở phào nhẹ nhõm. Dễ dàng suy nghĩ mạch lạc hơn biết bao khi không có những giọng nói lải nhải bên tai.
Ông tiến thẳng đến cửa sổ. Một cánh cửa ngỏ, ông nghĩ thế khi từ đó nhìn ra ngoài. Hung thủ có thể mở ra để trốn thoát sau khi giết Richard Negus. Hắn có thể theo gốc cây trèo xuống.
Sao lại phải trốn thoát theo cách đó nhỉ? Sao không đơn giản là brời phòng theo cách thông thường, tức sử dụng hành lang? Có thể hung thủ nghe có tiếng nói bên ngoài phòng Negus và không muốn chịu rủi ro bị nhìn thấy. Đúng, đó là một khả năng. Nhưng khi đi qua bàn lễ tân và thả mảnh giấy công bố ba vụ giết người, hắn cũng chịu rủi ro bị nhìn thấy vậy. Hơn thế nữa, hắn còn chịu rủi ro bị bắt quả tang để lại một bằng chứng buộc tội.
Poirot nhìn xuống thi thể trên sàn. Không có ánh kim loại nào giữa đôi môi. Richard Negus là người duy nhất trong ba nạn nhân có chiếc khuy măng-xét nằm sâu trong miệng. Thật bất thường. Quá nhiều thứ bất thường trong phòng này. Vì lý do đó Poirot quyết định lục soát căn phòng này trước tiên. Ông đã… đúng, không việc gì phải chối… ông đã nghi ngờ căn phòng này. Trong ba căn, ông ưu tiên hàng đầu cho căn này. Có gì đó hỗn độn ở đây, có gì đó hơi bất trắc.
Poirot chau mày đứng bên xác Negus. Ngay cả với những chuẩn mực chính xác của ông, một cánh cửa sổ để ngỏ vẫn chưa đủ để coi là hỗn độn. Vậy điều gì đã khiến ông có ấn tượng đó? Ông nhìn quanh, đánh một vòng thật chậm. Không, hẳn ông đã lầm. Hercule Poirot ít khi lầm, nhưng điều đó thỉnh thoảng vẫn diễn ra, và trường hợp này hẳn là thế, bởi lẽ không thể nào phủ nhận sự ngăn nắp của phòng 238. Không có sự xáo trộn nào cả. Nó cũng ngăn nắp như phòng của Harriet Sippel và Ida Gransbury.
‘Mình đóng cửa sổ thử xem có gì khác biệt không,’ Poirot tự nhủ. Ông đóng cửa sổ và theo dõi căn phòng. Có gì đó vẫn không ổn. Ông không ưa phòng 238. Nếu đến trọ tại khách sạn Bloxham và được giới thiệu phòng này, ông sẽ không thoải mái…
Đột nhiên, câu trả lời bật ra, khiến cho những suy tư kết thúc một cách đột ngột. Cái lò sưởi! Một trong những viên gạch không được thẳng hàng. Nó nhô ra ngoài. Một viên gạch lỏng. Với chi tiết này, Poirot sẽ không chớp mắt được trong phòng. Ông nhìn thi thể của Richard Negus. “Nếu tôi ở hoàn cảnh như ông thì… Oui, nhưng chỉ giả dụ thôi đấy,” ông nói với xác chết.
Ý nghĩ duy nhất của ông khi khom xuống, chạm vào viên gạch là làm sao nắn cho nó thẳng lại và đẩy nó thụt trở vào, khớp với các viên khác. Để cứu các vị khách tương lai khỏi sự tra tấn khi biết có thứ gì đó không ổn trong căn phòng nhưng không thể nào nghĩ ra là thứ gì. Một việc làm thật hữu ích! Và có lợi cả cho Signor Lazzari nữa đấy!
Khi Poirot chạm vào, viên gạch rơi ra, và có thứ gì đó cũng rơi theo: một chiếc chìa khóa ghi số 238. “Sacré tonnere,” Poirot thì thầm. “Hóa ra cuộc lục soát thấu đáo đã chẳng hề thấu đáo.”
Poirot đặt lại chìa khóa vào nơi ông tìm ra nó, rồi bắt đầu xem xét những thứ khác trong phòng, từng inch, từng inch một. Ông không phát hiện gì thêm, nên chuyển sang phòng 317 rồi đến phòng 121, cũng là nơi mà tôi gặp lại ông sau khi đi loanh quanh và trở về với những tin tức đáng phấn khởi.
Poirot vẫn là Poirot. Ông đòi kể trước cho tôi nghe tin tức từ phía ông, về việc tìm ra chiếc chìa khóa. Tôi chỉ có thể nói rằng ở Bỉ, thái độ đó có lẽ không được xem là hể hả. Trông ông cứ dương dương tự đắc.
“Anh thấy ý nghĩa của nó chưa, mon ami! Cánh cửa sổ để ngỏ không phải do Richard Negus mở ra. Nó được mở sau khi ông ta chết! Sau khi đã khóa cửa phòng 238 từ bên trong, hung thủ cần thoát ra. Hắn trèo qua gốc cây ngoài cửa sổ phòng ông Negussau sau khi giấu chìa khóa sau viên gạch bị lỏng chỗ lò sưởi. Có thể chính hắn đã làm nó lỏng ra.”
“Tại sao hắn không bỏ nó vào túi quần túi áo rồi mang đi, để lại một căn phòng bình thường?” tôi hỏi.
“Đó là câu hỏi mà tôi cũng đặt ra, và tạm thời vẫn chưa có lời giải,” Poirot nói. “Tôi tạm thời thỏa mãn với việc không có chiếc chìa khóa nào được giấu trong phòng 121 lẫn phòng 317. Nhưng nếu hung thủ đã mang theo hai chìa khóa đó khi rời khách sạn Bloxham thì tại sao không mang cả chiếc thứ ba? Tại sao hắn lại đối xử khác với Richard Negus?”
“Tôi chẳng có chút ý tưởng nào cả,” tôi nói. “Ông nghe đây, tôi đã trao đổi với trưởng quầy lễ tân John Goode…”
“Viên trưởng quầy lễ tân đáng tin cậy bậc nhất,” Poirot bổ sung với một tia giễu cợt trong ánh mắt.
“Vâng… Đáng tin hay không thì ông ta cũng đã mang đến một tin rất quan trọng. Ông đã có lý: ba nạn nhân có liên quan với nhau. Tôi đã xem địa chỉ của họ. Harriet Sippel và Ida Gransbury đều sống ở một nơi gọi là Thung lũng Culver.”
“Bon. Còn Richard Negus?”
“Ông ta sống ở Devon, một nơi có tên là Beaworthy. Nhưng ông ta cũng liên quan nốt. Ông ta là người đã đặt chỗ cho cả ba căn phòng – của Ida, Harriet và của chính ông ta – và ông ta đã trả tiền trước cho cả ba.”
“Thật sao? Tôi thấy điều này thú vị đấy…” Poirot lẩm bẩm, vân vê bộ ria mép.
“Phải nói là tôi thấy hơi rối,” tôi nói. “Rối rắm chủ yếu là: nếu đến từ cùng một làng và vào cùng một ngày thì tại sao Harriet Sippel và Ida Gransbury lại không đi cùng nhau? Tại sao họ không cùng nhau đến khách sạn? Tôi đã vặn John Goode nhiều lần mà ông ta vẫn cứ khăng khăng rằng Harriet đến trước Ida hai giờ vào hôm thứ tư… những hai giờ cơ đấy.”
“Còn Richard Negus?”
Tôi quyết từ đây sẽ nêu mọi chi tiết liên quan đến Negus ngay khi có cơ hội sớm nhất vì chỉ có cách đó mới khỏi phải nghe Poirot cứ lặp đi lặp lại “Còn Richard Negus?”
“Ông ta đến trước Harriet Sippel một giờ. Ông ta là người đến đầu tiên trong ba người, nhưng không phải John Goode tiếp ông ta mà là một nhân viên lễ tân tên Thomas Brignell. Tôi còn phát hiện ra cả ba nạn nhân đều đến London bằng tàu hỏa, chứ không phải bằng xe. Tôi không chắc ông có muốn biết điều đó không, nhưng…”
“Tôi phải biết mọi thứ,” Poirot nói.
Nguyện vọng rõ rệt của ông được phụ trách vụ án và tự mình điều tra vừa trêu tức nhưng cũng vừa trấn an tôi. “Khách sạn Bloxham có bố trí vài xe chuyên đón khách ở nhà ga,” tôi nói với ông. “Dịch vụ này không rẻ, nhưng họ rất thích được phục vụ cho khách. Ba tuần trước, Richard Negus đã thỏa thuận với John Goode về việc đưa xe của khách sạn đến đón ông ta, Harriet Sippel và Ida Gransbury. Đón riêng rẽ, mỗi xe một người. Tất cả các khoản – cả phòng lẫn xe – đều được Negus thanh toán trước.”
“Tôi đang thắc mắc không biết ông ta có giàu không,” Poirot nói ra suy nghĩ. “Những vụ giết người rất hay xuất phát từ vấn đề tiền bạc. Nay khi ta đã biết hơn đôi chút, anh nghĩ sao hả Catchpool?”
“Thì…” ông đã hỏi thì tôi cũng quyết thử một phen. Poirot luôn chủ trương phải tưởng tượng điều gì có thể xảy ra, vậy thì tôi sẽ dựng lên lý thuyết của tôi, vận dụng những sự kiện để làm cơ sở. “Richard Negus hẳn phải biết cả ba chuyến đến vì ông ta là người đặt và trả tiền các phòng, nhưng có lẽ Harriet Sippel không biết Ida Gransbury cũng đang đến Bloxham, và Ida không biết rằng Harriet đang đến.”
“Oui, c’est possible.”
Được khích lệ, tôi tiếp tục: “Có lẽ trong kế hoạch của hung thủ, điều quan trọng là cả Ida lẫn Harriet đều không được biết về sự hiện diện của nhau. Nhưng nếu vậy, và nếu Richard Negus biết ông ta và hai người phụ nữ sẽ là khách ở Bloxham…” Những ý tưởng đang ngon trớn của tôi chợt cạn kiệt ở đó.
Poirot đỡ lời: “Anh bạn ơi, dòng suy nghĩ của chúng ta đang đi theo những con đường tương tự nhau. Phải chăng Richard Negus là đồng phạm vô tình cho cái chết của chính ông ta? Có lẽ hung thủ đã thuyết phục ông ta dụ dỗ các nạn nhân đến khách sạn Bloxham vì một lý do nào khác, trong khi đó hắn lại lên kế hoạch giết chết cả ba người. Vấn đề đặt ra là: việc Ida và Harriet không được biết về sự hiện diện của nhau tại khách sạn, vì lý do nào đó, liệu có phải là một mấu chốt? Và nếu nó là mấu chốt thì mấu chốt cho Richard Negus, hay cho hung thủ, hay cho cả hai?”
“Lẽ nào Richard Negus có một kế hoạch và hung thủ có kế hoạch khác?”
“Chắc vậy rồi,” Poirot nói. “Điều kế tiếp là phải tìm ra tất cả mọi thông tin về Harriet Sippel, Richard Negus và Ida Gransbury. Họ là ai khi còn sống? Những hoài vọng, những buồn đau, những bí mật của họ là gì? Làng Great Holling sẽ là nơi chúng ta tìm kiếm những câu trả lời. Có thể chúng ta sẽ tìm được cả Jennie ở đó, và cả PIJ, le mystérieux nữa!”
“Không có khách nào ở đây tên Jennie, cả lúc này lẫn tối qua. Tôi đã kiểm tra rồi.”
“Tôi cũng nghĩ là không có. Cô phục vụ Fee Spring cho tôi biết Jennie sống trong ngôi nhà ở đầu bên kia thành phố tính theo quán cà phê Pleasant. Có nghĩa là ở London chứ không phải Devon hay Thung lũng Culver. Jennie không cần thuê phòng ở khách sạn Bloxham nếu cô ta sống ở ngay ‘đầu bên kia thành phố’.”
“À, Henry Negus, em của Richard Negus, đang trên đường từ Devon tới. Richard Negus sống cùng Henry và gia đình ông ta. Tôi cũng đã cử vài nhân viên tốt nhất lần lượt phỏng vấn tất cả các khách trọ.”
“Anh làm việc rất hiệu quả, Catchpool ạ.” Poirot vỗ cánh tay tôi.
Tôi cảm thấy buộc lòng phải xin lời khuyên của Poirot về một thất bại của mình. “Chuyện về các bữa ăn phục vụ tại phòng xem chừng rất khó chốt,” tôi nói. “Tôi không tìm được bất cứ ai cụ thể tham gia vào việc nhận đặt món và giao tận phòng. Có gì đó nhập nhằng trong chuyện này.”
“Đừng lo,” Poirot nói. “Tôi sẽ chốt lại những gì cần thiết khi chúng ta tập hợp ở phòng ăn. Trong khi chờ đợt, ta hãy cùng đi dạo một vòng quanh khu vườn của khách sạn. Biết đâu một cuốc đi dạo nhẹ nhàng lại khơi dậy cho chúng ta ý tưởng mới nào đó.”
Ra đến bên ngoài, Poirot bắt đầu ca cẩm về thời tiết, vốn quả thật đang xấu đi. “Chúng ta trở vào trong nhé,” tôi gợi ý.
“Không, không. Chưa phải lúc này. Thay đổi môi trường cũng tốt cho các tế bào xám nho nhỏ mà, và có lẽ cây cối cũng sẽ che bớt gió. Tôi vốn không sợ lạnh, nhưng lạnh cũng có loại tốt loại xấu, mà hôm nay lại là lạnh xấu.”
Chúng tôi dừng lại khi ra đến cổng vườn của khách sạn Bloxham. Luca Lazzari đã không cường điệu về vẻ đẹp của nó, tôi nghĩ vậy khi nhìn hàng cây đoan xoắn. Đầu bên kia là những bụi cây được cắt tỉa một cách nghệ thuật nhất, khắp London chẳng đâu bằng. Đó là một toà thiên nhiên không chỉ bị chế ngự mà còn bị cưỡng bức phục tùng. Dù gió rét, khung cảnh đó vẫn cực kỳ thích mắt.
“Thế nào?” tôi hỏi Poirot. “Chúng ta vào trong chưa?” Sẽ rất dễ chịu khi bước trên lối đi xanh giữa những hàng cây. ‘Đích thực phong cách La Mã,’ tôi nghĩ.
“Tôi không biết.” Poirot chau mày. “Thời tiết này…” Ông rùng mình.
“… sẽ còn kéo dài. Căn vườn khó mà tránh được,” tôi hoàn tất câu nói của ông với đôi chút sốt ruột. “Ông Poirot, chúng ta chỉ có thể ở một trong hai nơi: bên trong hoặc bên ngoài khách sạn. Ông muốn nơi nào?”
“Tôi có một ý tưởng hay hơn!” ông đắc thắng tuyên bố. “Chúng ta sẽ đón xe buýt!”
“Xe buýt? Đi đâu cơ chứ?”
“Chẳng đi đâu cả, hay là đi đâu đó! Không quan trọng. Chúng ta sẽ sớm leo ra khỏi xe buýt và trở về trên một xe buýt khác. Đi xe buýt sẽ giúp ta thay đổi khung cảnh mà không bị lạnh. Nào! Chúng ta sẽ ngắm thành phố qua kính xe. Ai biết được chúng ta sẽ quan sát được gì?” Ông quả quyết lên đường.
Tôi lắc đầu đi theo. “Ông đang nghĩ đến Jennie, đúng không?” tôi hỏi. “Rất khó có khả năng chúng ta tìm được cô ta…”
“Nhiều khả năng hơn so với đứng đây và nhìn ngắm cỏ cây!” Poirot khăng khẳng nói.
Mười phút sau chúng tôi đã chen chúc trong một chiếc xe buýt với cửa sổ mờ sương đến mức nhìn qua không thể thấy được gì. Dùng khăn để lau cũng chẳng có tác dụng.
Tôi định nói chút lý lẽ với Poirot. “Về Jennie…” tôi mở lời.
“Oui?”
“Cô ta có thể đang gặp nguy, nhưng, thực sự, cô ta chẳng liên quan gì đến vụ án ở Bloxham cả. Chẳng có chứng cớ nào cho thấy cô ta liên quan. Hoàn toàn không!”
“Tôi không đồng ý đâu, bạn tôi ạ,” Poirot rầu rầu nói. “Tôi tin tưởng vào mối liên hệ đó hơn bao giờ hết.”
“Thế ư? Chết tiệt! Ông Poirot, tại sao chứ?”
“Vì hai vụ việc này có chung nhau hai yếu tố cực kỳ bất thường…”
“Yếu tố gì vậy?”
“Chúng sẽ đến với anh, Catchpool ạ. Thật ra chúng không thể không đến, chỉ cần anh chịu mở đầu ra và suy nghĩ những thứ anh đã biết.”
Trên hàng ghế phía sau, một bà mẹ già và cô con gái tuổi trung niên đang tranh cãi về sự khác biệt giữa bột nhồi tốt và bột nhồi cực tốt.
“Anh đã nghe thấy chưa, Catchpool?” Poirot thì thào. “Difference! Chúng ta đừng tranh cãi về sự tương đồng mà hãy tranh cãi về sự khác biệt. Đó là điều sẽ chỉ ra cho chúng ta tên hung thủ.”
“Khác biệt nào cơ?” tôi hỏi.
“Giữa hai vụ giết người ở khách sạn so với vụ thứ ba. Tại sao các tình huống chi tiết lại khác biệt đến thế trong trường hợp Richard Negus? Tại sao hung thủ lại khóa cửa từ bên trong căn phòng thay vì từ bên ngoài? Tại sao hắn giấu chìa khóa sau viên gạch lỏng thay vì mang theo? Tại sao hắn lại mượn gốc cây, đi bằng lối cửa sổ chứ không đường đường chính chính đi theo hành lang? Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ hắn nghe có tiếng người nói ngoài hành lang nên sợ là bị bắt gặp lúc ra khỏi phòng ông Negus.”
“Cũng có lý đấy chứ,” tôi nói.
“Non. Không có lý đâu.”
“Ồ. Tại sao không?”
“Vì vị trí khác biệt của chiếc khuy măng-xét trong miệng của Richard Negus: nó nằm sâu trong miệng, gần cuống họng, thay vì giữa đôi môi.”
Tôi rên rỉ. “Đừng vậy nữa mà. Tôi thực sự không nghĩ…”
“A! Đợi đã, Catchpool. Chúng ta hãy xem…”
Chiếc xe buýt dừng lại. Poirot ngoái cổ nhìn những hành khách mới bước lên xe rồi thở dài khi hành khách cuối cùng là một người đàn ông mảnh khảnh khoác bộ đồ bằng vải len, có lông tai nhiều hơn cả tóc ở trên đầu.
“Ông thất vọng vì không có Jennie,” tôi nói. Tôi nghĩ mình cần nói điều đó ra thành lời thì mới tin nổi đó là sự thật.
“Non, mon ami. Anh chỉ đúng về mặt tình cảm thôi, chứ không đúng về mặt nguyên do. Tôi cảm thấy thất vọng khi nghĩ rằng trong một thành phố énorme như London này, tôi khó gặp lại Jennie. Thế mà… tôi vẫn cứ hy vọng.”
“Dù ông nói suốt về các phương pháp khoa học, ông vẫn cứ là một người mơ mộng, đúng không ông?”
“Anh tin hy vọng là kẻ thù của khoa học chứ không phải là động lực sao? Nếu thế thì tôi không đồng ý đâu, cũng giống như tôi không đồng ý với anh về chiếc khuy măng-xét vậy. Trường hợp Richard Negus là một khác biệt đáng kể so với hai người phụ nữ kia. Việc hung thủ nghe thấy có người nói ngoài hành lang và muốn tránh bị bắt gặp không thể giải thích cho sự khác biệt về vị trí chiếc khuy măng-xét trong miệng ông Negus,” Poirot nói. “Do đó phải có một cách giải thích nào khác. Chừng nào chưa giải thích được thì ta không thể biết cái gì khác biệt trong việc cửa sổ để ngỏ, chiếc chìa khóa giấu trong phòng và cửa khóa từ bên trong.”
Có những vụ việc – và chắc chắn không chỉ những vụ có Hercule Poirot dính vào – có lúc ta bắt đầu cảm thấy nói với mình là dễ chịu hơn, mà cũng không kém phần hiệu quả, và ta bỏ qua mọi nỗ lực giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Ở trong đầu, tôi lẳng lặng đưa ra lập luận như sau, dành cho những thính giả nhạy cảm và biết tán thưởng của riêng tôi: chiếc khuy măng-xét nằm ở vị trí hơi khác biệt trong miệng của Richard Negus tuyệt đối chẳng có gì quan trọng. Miệng vẫn là miệng, chẳng có gì khác biệt. Trong đầu hung thủ, hắn chỉ muốn làm cùng một điều như nhau cho cả ba nạn nhân: cạy miệng họ và đặt vào đó những chiếc khuy măng-xét vàng có khắc chữ.
Tôi không thể nghĩ ra cách lý giải nào cho việc giấu chìa khóa sau viên gạch lỏng. Sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn cho hung thủ nếu hắn đem theo hoặc vứt xuống thảm sau khi lau sạch dấu vân tay.
Phía sau chúng tôi, bà mẹ và cô con gái đã cạn kiệt với chủ đề bột nhồi và chuyển sang chuyện dầu mỡ.
“Chúng ta phải tính đường quay về khách sạn thôi,” Poirot nói.
“Nhưng chúng ta chỉ mới vừa lên xe buýt thôi mà!” tôi phản đối.
“Oui, c’est vrai, nhưng chúng ta không muốn đi quá xa Bloxham. Chẳng mấy nữa chúng ta đã phải có mặt ở phòng ăn.”
Tôi chầm chậm thở ra, biết rằng sẽ vô ích nếu hỏi vì sao ông lại nói như thế trong khi chính ông là người đòi đi khỏi khách sạn.
“Chúng ta phải ra khỏi xe này và bắt một chiếc khác,” ông nói. “Có thể xe kế tiếp sẽ nhìn ra đường dễ hơn.”
Poirot không thấy dấu vết nào của Jennie. Dù sửng sốt trước sự trông đợi của ông, tôi vẫn bắt gặp vài khung cảnh thú vị khiến một lần nữa tôi nhận ra vì sao mình yêu London: một anh chàng trong trang phục thằng hề đang diễn trò tung hứng vụng về chưa từng thấy, thế mà người đi đường vẫn cứ thả tiền xu vào chiếc nón đặt dưới chân anh ta. Những khung cảnh khác là con chó xù có khuôn mặt y hệt một chính khách nổi tiếng, và một gã lang thang ngồi bên lề đường, cạnh chiếc vali mở toang – hắn lấy thực phẩm từ trong đó ra ăn cứ như thể đó là cửa hàng ăn uống di động vậy.
“Coi kìa, ông Poirot,” tôi nói. “Gã kia không màng đến cái lạnh. Hắn sung sướng cứ như mèo gặp mỡ vậy. Gã lang thang thích bánh kem, tôi sẽ gọi hắn là thế. Ông Poirot, nhìn con chó kìa. Nó có làm ông nghĩ đến ai không? Một nhân vật nổi tiếng. Nào, ông nhìn đi, chắc chắn ông sẽ nhận ra thôi.”
“Catchpool,” Poirot nghiêm khắc nói. “Đứng dậy đi, nếu không chúng ta sẽ lỡ chuyến đấy. Anh cứ toàn nhìn đâu đâu, tìm thứ gì vui nhộn.”
Tôi đứng dậy. Khi ra khỏi xe buýt, tôi nói: “Chính ông là người lôi tôi vào cuộc dạo chơi London vô nghĩa này. Ông không thể trách tôi ngắm nhìn những điều thú vị.”
Poirot dừng bước. “Anh nói đi, tại sao anh không chịu xem xét ba tử thi trong khách sạn? Điều gì khiến anh không chịu đựng nổi khi quan sát?”
“Chẳng có gì đâu. Tôi xem kỹ các tử thi chẳng kém gì ông. Thực sự, tôi đã xem rất kỹ trước khi ông tham gia vào.”
“Nếu anh không muốn bàn việc đó thì cứ nói thẳng với tôi là được mà, mon ami.”
“Có gì mà bàn đâu. Tôi chưa từng thấy ai thích nhìn xác chết lâu hơn mức cần thiết. Chỉ thế thôi.”
“Non,” Poirot điềm tĩnh nói. “Không phải chỉ có thế.”
Thú thật, tôi cũng muốn thổ lộ cùng ông lắm, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại không làm vậy. Ông ngoại tôi mất khi tôi mới lên năm. Ông hấp hối rất lâu trong một căn phòng ở nhà tôi. Tôi không thích ngày nào cũng phải thăm hỏi ông trong căn phòng đó, nhưng cha mẹ tôi thì cứ khăng khăng rằng việc đó là rất quan trọng với ông, cho nên tôi đã tuân theo để chiều lòng cha mẹ. Và cũng vì ông của tôi nữa. Tôi nhìn da của ông dần dần chuyển màu vàng, nghe hơi thở ông ngày một yếu ớt, thấy mắt ông ngày một đờ đẫn. Lúc đó tôi không nghĩ là tôi sợ, nhưng tôi vẫn nhớ cái cảnh ngồi đếm từng giây để được ra ngoài, được khép cửa lại phía sau và không phải nhẩm đếm thời gian nữa.
Khi ông ngoại tôi mất, tôi cảm thấy như thoát khỏi ngục tù, như sống lại. Ông tôi sẽ được mang đi, và sẽ không còn cái không khí chết chóc trong nhà. Rồi mẹ bảo tôi đến chào ông lần cuối trong phòng. Mẹ sẽ đi cùng tôi, bà nói thế. Mọi thứ sẽ ổn cả.
Bác sĩ đã sắp đặt thi thể ông. Mẹ giải thích cho tôi việc sắp đặt thi thể người chết. Tôi đếm từng giây trong im lặng. Nhiều giây hơn thường lệ. Ít nhất là một trăm ba mươi giây tôi đã đứng bên mẹ, nhìn thân hình bất động và teo tóp của ông ngoại. “Cầm tay ông đi, Edward,” mẹ bảo tôi. Khi tôi nói không muốn cầm, mẹ khóc òa lên cứ như thể sẽ chẳng bao giờ nín được.
Cho nên tôi đã cầm bàn tay xương xẩu của ông ngoại. Hơn hết mọi điều, tôi chỉ muốn buông xuống và bỏ chạy, nhưng tôi đã giữ tay ông cho đến khi mẹ thôi khóc và bảo rằng hai mẹ con tôi có thể đi xuống nhà.
Cầm tay ông đi Edward. Cầm tay ông đi.