Số lần đọc/download: 3351 / 200
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Chương 1
G
iáng sinh năm 1979. Anh ở New York, cô đơn trong căn phòng nhỏ ở số 6 Phố Varick. Giống như nhiều tòa nhà ở quanh khu này, tòa nhà đó không được dùng vào việc gì khác ngoài mục đích làm văn phòng. Tàn dư của cuộc sống tại nơi này trước đây vẫn còn ở khắp nơi quanh anh: hệ thống đường ống bí ẩn, trần nhà bằng thiếc bám đầy bồ hóng, bộ tản nhiệt nhả hơi phì phò. Mỗi khi mắt anh tình cờ dừng lại ở ô kính ố mờ trên cánh cửa, anh có thể đọc được những dòng chữ in to vụng về bị đảo ngược: R. M Pooley, Thợ sửa điện có chứng nhận. Mọi người chẳng bao giờ sống ở đó. Đó là một căn phòng dành cho máy móc, ống nhổ và mồ hôi.
Anh không thể gọi đó là nhà, nhưng trong suốt chín tháng qua đó là tất cả những gì anh có. Một vài tá sách, một cái nệm trải trên sàn, một cái bàn, ba cái ghế, một cái bếp điện và một cái chậu đựng nước lạnh đã mòn. Nhà vệ sinh ở cuối hành lang, nhưng anh chỉ dùng đến nó khi cần đại tiện. Việc tiểu tiện anh làm luôn tại chỗ chậu rửa.
Trong ba ngày qua thang máy ngừng hoạt động, và vì ở tận tầng trên cùng, anh thấy ngại phải đi ra ngoài.
Chuyện phải leo đến mười lượt cầu thang khi quay trở về không khủng khiếp đến mức đó, nhưng anh thấy nản chí với việc làm mình kiệt sức với cả hành trình ấy chỉ để quay lại một chốn ảm đạm như vậy. Bằng cách ở lì trong căn phòng này nhiều ngày liên tục, anh thường có thể lấp đầy thời gian với dòng suy nghĩ, và cách ấy dường như cũng xóa tan đi cảm giác thê lương, hoặc ít nhất khiến anh không còn biết đến nó nữa. Mỗi lần ra ngoài, anh mang theo dòng suy nghĩ ấy cùng mình, và trong quãng thời gian anh vắng mặt, căn phòng lại xóa hết đi những nỗ lực để sưởi ấm nó của anh. Khi anh trở lại, anh lại bắt đầu quá trình ấy từ đầu, và chuyện ấy yêu cầu phải có lao động, lao động tinh thần thực sự. So với tình trạng cơ thể của anh sau lượt leo cầu thang (ngực phập phồng như ống bễ, chân cứng và nặng như thân cây), nỗ lực nội tại này với chừng đó sức lực phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể bắt đầu. Trong thời gian chuyển tiếp, trong sự rỗng không giữa khoảnh khắc anh mở cánh cửa và khoảnh khắc anh bắt đầu xua đuổi đi sự trống rỗng, tâm trí anh đập vào một nỗi sợ hãi không lời. Như thể anh buộc phải quan sát chính mình tan biến, như thể, bằng cách bước qua ngưỡng cửa của căn phòng, anh đã đi vào một chiều không gian khác ngự trị trong một lỗ đen.
Bên trên anh, những đám mây mờ bồng bềnh bay ngang qua ô cửa sổ lem luốc trên trần nhà, trôi khuất vào màn đêm Manhattan. Bên dưới anh, anh nghe thấy tiếng xe cộ hối hả xuôi về phía đường hầm Holland: những dòng xe hướng về nhà ở New Jersey trong đêm trước Giáng sinh. Căn phòng bên yên lặng. Anh em nhà Pomponio, những người đến đó mỗi sáng để hút xì gà và cần mẫn gọt những chữ cái dùng để quảng cáo bằng nhựa – một dịch vụ họ duy trì bằng cách làm việc mười hai đến mười bốn tiếng mỗi ngày – có thể đang ở nhà, chuẩn bị sẵn sàng để ăn một bữa tối ngày lễ. Thế là tốt nhất. Gần đây, một trong số họ ngủ đêm tại cửa hàng, và tiếng ngáy của anh ta lúc nào cũng khiến A. mất ngủ. Người đàn ông đó ngủ ngay đối diện A., ở bên phía bên kia bức tường mỏng ngăn cách hai căn phòng, và hết giờ này sang giờ khác A. nằm trên giường, nhìn chằm chằm vào bóng đêm, cố gắng bắt nhịp suy nghĩ với dòng chảy miên man và tan dần của những giấc mơ sưng họng, rắc rối của người đàn ông. Tiếng ngáy dần dần vỡ ra, và ở cao trào của mỗi chu kỳ chúng trở nên rất dài, the thé, gần như là kích động, như thể, khi đêm xuống, bộ phận phát ra tiếng ngáy phải bắt chước tiếng ồn của cỗ máy đã giữ lấy anh ta lúc ban ngày. Được một lần A. có thể trông mong vào một giấc ngủ yên ả, không bị gián đoạn. Thậm chí cả sự xuất hiện của ông già Santa cũng không làm phiền anh.
Ngày đông chí: thời điểm u tối nhất trong năm. Ngay khi thức dậy vào buổi sáng, anh đã cảm thấy ngày đang trôi tuột khỏi mình. Không có ánh sáng nào để anh ngoạm vào, không có cảm giác nào về thời gian biểu hiện ra. Thay vào đó, là cảm giác về các cánh cửa bị đóng chặt, hoặc khóa đã bị đổi chiều. Đó là một mùa đóng kín, một khoảnh khắc dài của việc tự nhốt mình. Thế giới bên ngoài, thế giới hữu hình của vật chất và các cơ thể, cũng chẳng có ý nghĩa gì hơn sự chuyển động của tâm trí anh. Anh cảm thấy mình trôi trượt qua các sự kiện, lãng đãng bay như một bóng ma xung quanh sự tồn tại của chính anh, như thể anh sống lảng vảng đâu đó gần bản thân mình – không hẳn ở là ở đây, nhưng cũng không hẳn là ở bất kỳ nơi nào khác. A. có cảm giác đã bị nhốt lại, và cùng lúc cũng có thể bước xuyên qua những bức tường kia. Anh ghi lại đâu đó giữa ranh giới của những ý nghĩ: bóng tối trong những mảnh xương; ghi chép lại những thứ này.
Trong ngày, hơi nóng tỏa ra từ các lò sưởi đạt mức cao nhất. Thậm chí cả lúc này, giữa lúc mùa đông lạnh nhất, anh vẫn phải mở tung các ô cửa sổ. Tuy nhiên vào đêm thì chẳng có tí hơi ấm nào cả. Anh mặc nguyên đồ đi ngủ, với hai hoặc ba chiếc áo len, cuộn chặt mình trong một chiếc túi ngủ. Trong suốt cuối tuần, cả ngày cả đêm đều chẳng có chút hơi ấm nào, và gần đây cũng đã có những lúc anh ngồi ở bàn, cố gắng viết mà không còn cảm giác về chiếc bút trong tay nữa. Bản thân việc thiếu thoải mái ấy không làm anh phiền lòng. Nhưng nó có khả năng làm anh mất cân bằng, đẩy anh vào trạng thái liên tục quan sát nội tâm của mình. Bất chấp việc vẻ ngoài của mình, căn phòng không phải là nơi trốn tránh khỏi thế giới. Chẳng có gì ở đây chào đón anh, không có lời hứa hẹn về ngày lễ sinh dưỡng nào kéo anh vào sự lãng quên. Bốn bức tường này chỉ giữ kín những dấu hiệu của sự ồn ã bên trong anh, và để có thể tìm thấy chút bình yên giữa những thứ vây quanh ấy, anh phải đào sâu và sâu hơn vào bản thân mình. Nhưng anh càng đào sâu, thì càng còn ít thứ để đào thêm. Chuyện đó dường như không thể chối cãi. Sớm hay muộn, anh sẽ khai thác kiệt cùng bản thân.
Khi đêm xuống, điện năng giảm xuống còn một nửa, rồi lại tăng lên, rồi lại xuống, chẳng vì lý do gì cả. Cứ như thể bóng đèn bị điều khiển bởi một vị thần linh nghịch ngợm nào đó. Công ty Con Edison chẳng có tài liệu gì về nơi này, và chưa từng có ai phải trả tiền điện. Cùng lúc đó, công ty điện thoại cũng phủ nhận việc biết tới sự tồn tại của A.. Chiếc điện thoại đã ở đây suốt chín tháng, hoạt động trơn tru, nhưng anh chưa từng nhận được một tờ hóa đơn nào. Khi anh gọi tới để chấn chỉnh lại vấn đề, họ khăng khăng rằng họ chưa từng nghe thấy tên anh. Bằng cách nào đó, anh đã thoát được sự kiểm soát của những chiếc máy tính, và không có một cuộc gọi nào của anh được ghi lại. Tên anh không có trong sổ sách. Nếu thích, anh có thể dùng những khoảng thời gian rỗi rãi để gọi tới những nơi xa xôi. Nhưng trên thực tế thì anh chẳng muốn nói chuyện với ai.
Không phải ở California, không phải ở Paris, không phải ở Trung Quốc. Thế giới đã co lại thành kích cỡ của một căn phòng đối với anh, và khi nào nó còn bắt anh phải hiểu về nó, anh phải ở lại nơi mình đang ở. Và nếu anh không tìm được nơi ở này, việc nghĩ tới việc tìm đến một nơi khác thật là ngớ ngẩn.
Cuộc sống bên trong một con cá voi. Lời chú giải về Jonah, và là điều từ chối nói ra thành lời. Văn bản song hành: Gepetto trong bụng của con cá mập (cá voi trong bản của Disney), và chuyện Pinocchio đã cứu ông như thế nào. Người ta có phải lặn xuống biển và cứu lấy cha mình để trở thành cậu bé thực sự?
Lời phát biểu khởi nguyên của những chủ đề này. Những diễn giải khác nằm phía sau.
***
Rồi con tàu chìm. Crusoe trên hoang đảo. “Cậu trai ấy có thể đã hạnh phúc nếu chịu ở nhà, nhưng nếu anh lên đường ra khơi anh sẽ trở thành kẻ khốn khổ bí ẩn nhất từng được sinh ra.” Sự ý thức về cô độc. Hoặc trong câu của George Oppen: “vụ đắm tàu của một cá thể.”
Cảnh tượng về những con sóng vây quanh, mặt nước cũng vô tận như không trung, và con quái vật đuổi phía sau. “Tôi bị tách rời khỏi nhân loại, là kẻ lưu đày, người bị tống cổ khỏi xã hội loài người.”
Và Thứ Sáu? Không, chưa đến đoạn ấy. Không có Thứ Sáu, ít nhất là không phải ở đây. Tất cả mọi thứ xảy ra trước khoảnh khắc ấy. Hoặc nếu không thì: những con sóng đã xóa tan mọi dấu chân.
* * *
Bình luận đầu tiên về quy luật của tình cờ.
Chuyện bắt đầu như thế này đây. Người bạn nọ kể cho anh nghe một câu chuyện. Nhiều năm đã trôi qua, và rồi anh lại thấy mình suy nghĩ về câu chuyện ấy. Mọi thứ không khởi phát với câu chuyện ấy. Thay vào đó, trong việc nhớ lại nó, anh bắt đầu thức nhận rằng điều gì đó đang xảy ra với mình. Vì câu chuyện đã không hiện đến với anh trừ phi có bất cứ thứ gì gợi lại những ký ức của nó không sẵn bắt nó phải cảm nhận thấy. Anh không hề biết mình đã đào xuống mảnh đất của những ký ức cơ hồ đã biến mất, và hiện giờ một điều gì đó đã trồi lên, anh thậm chí không thể đoán bao lâu thì cuộc khai quật này mới chấm dứt.
Trong quãng thời gian chiến tranh, cha M. đã trốn khỏi quận Nazi suốt nhiều tháng trong một căn phòng gọi là chambre de bonnetại Paris. Cuối cùng, ông đồng ý bỏ trốn, tìm cách đến được nước Mỹ, và bắt đầu một cuộc đời mới. Nhiều năm trôi qua, hơn hai mươi năm, M. được sinh ra, lớn lên, và giờ đã tới học tập tại Paris. Một lần, anh phải mất nhiều tuần khó khăn để tìm nơi ở. Ngay khi anh sắp bỏ cuộc trong vô vọng, anh tìm thấy một chambre de bonne. Ngay lập tức sau khi chuyển vào, anh viết một lá thư cho cha để báo tin vui. Một tuần sau anh nhận được thư trả lời: địa chỉ của con, cha M. viết, chính là tòa nhà mà cha đã trốn trong thời gian chiến tranh. Sau đó ông tiếp tục miêu tả chi tiết căn phòng. Hóa ra đó chính là căn phòng mà con trai ông đã thuê.
* * *
Vì thế, chuyện bắt đầu với căn phòng này. Và rồi chuyện bắt đầu với căn phòng ấy. Và hơn tất cả ở đó có một người cha, có một đứa con trai, và có chiến tranh. Để nói về nỗi sợ hãi, và để nhớ rằng người đàn ông đã trốn trong căn phòng nhỏ là một người Do Thái. Cũng để ghi lại: thành phố đó là Paris, là nơi A. vừa mới từ đó quay về (ngày mười lăm tháng Mười Hai), và trong suốt cả một năm trời anh từng sống ở một chambre de bonnetại Paris – nơi anh viết cuốn thơ đầu tiên, và nơi cha anh, trong chuyến đi tới châu Âu, đã từng tới thăm anh. Để nhớ về cái chết của cha. Và hơn tất cả, để hiểu điều quan trọng nhất – rằng câu chuyện của M. chẳng có ý nghĩa gì cả.
Dù sao đi nữa, đó là nơi mọi chuyện bắt đầu. Từ ngữ đầu tiên xuất hiện vào khoảnh khắc không có gì còn có thể giải thích, một khoảnh khắc bất chợt của trải nghiệm thách thức mọi cảm giác. Để lùi bước và chẳng nói gì nữa. Hoặc mặt khác, để nói với bản thân mình: đây là điều đã theo đuổi ta. Và rồi nhận ra, gần như cũng đúng trong nhịp thở ấy, đây chính là điều ta theo đuổi.
* * *
Anh trải tờ giấy trắng lên bàn trước mặt và viết những từ ngữ này với cây bút của mình. Lời đề từ có thể có cho Sách của Ký ức.
Rồi anh mở ra một cuốn sách của Wallace Stevens (Opus Posthumous) và viết lại câu sau.
“Trong sự tồn tại của hiện thực diệu kỳ, ý thức chiếm chỗ của trí tưởng tượng.”
Sau đó, cùng ngày, anh viết liên tù tì trong vòng ba hay bốn tiếng. Rồi khi đọc lại những gì mình đã viết, anh chỉ thấy một đoạn viết là có chút thú vị. Cho dù anh không biết chắc đoạn ấy dùng để làm gì, anh quyết định sẽ sử dụng để tham khảo trong tương lai, và chép lại nó vào một cuốn sổ tay có dòng kẻ.
Khi người cha qua đời, anh viết, người con trai trở thành cha của chính con trai mình. Anh nhìn vào con trai và thấy bản thân mình trong gương mặt của cậu bé. Anh tưởng tượng về điều cậu bé thấy khi nhìn vào anh và thấy mình biến thành cha của mình trước đây. Không hiểu tại sao, anh thấy xúc động vì điều ấy. Không chỉ hình ảnh của cậu bé làm anh xúc động, thậm chí cũng không phải việc hình dung ra rằng mình đang đứng trong vị thế của cha mình, mà là điều anh thấy trong cậu bé từ quá khứ đã biến mất của mình. Đó là nỗi hoài niệm về phần đời riêng mà anh cảm nhận, có thể, ký ức của thời thơ ấu với tư cách là đứa con trai của cha mình. Không hiểu tại sao, anh thấy mình run lên vào khoảnh khắc ấy vì cả hạnh phúc và buồn đau, nếu điều ấy có thể xảy ra, như thể anh vừa tiến lên trước vừa lùi lại sau, bước tới tương lai và lùi vào quá khứ. Và rồi có những lúc, thường xuyên có những lúc, khi những cảm giác ấy quá mạnh khiến cuộc đời anh như không còn cư ngụ trong hiện tại.
* * *
Ký ức về một địa điểm, ví dụ như một tòa nhà, một dãy cột, mái đua, mái cổng. Cơ thể bên trong một tâm trí, như thể chúng ta đang bước dạo quanh đó, đi từ nơi này sang nơi kế tiếp, và âm thanh của chân khi ta bước, đi từ nơi này sang nơi kế tiếp.
“Người ta vì thế phải chiếm hữu cơ số địa điểm,” Cicero viết, “nơi có đèn chiếu sáng tốt, được sắp xếp gọn gàng sáng sủa, chừa ra các khoảng trống vừa phải; và những hình ảnh sống động, được định nghĩa sắc sảo, bất thường, lẫn thứ có sức mạnh đụng độ và xuyên thấu linh hồn một cách mau chóng… Với một địa điểm quá giống những chiếc bàn sáp hay giấy cói, hình ảnh giống như chữ nghĩa, và sự sắp xếp cũng như tháo dỡ các hình ảnh cũng giống như kịch bản, và nói cũng như đọc.”
* * *
Anh trở về từ Paris cách đây mười ngày. Anh phải đến đó vì công việc, và đó là chuyến đi nước ngoài đầu tiên trong vòng hơn năm năm nay. Việc di chuyển, những cuộc nói chuyện liên miên, những trận uống túy lúy với bạn bè cũ, sự xa cách với cậu con trai nhỏ, cuối cùng đã khiến anh tơi tả. Còn một vài ngày rỗi rãi vào cuối chuyến đi, anh quyết định tới Amsterdam, một thành phố anh chưa từng đến. Anh nghĩ: những bức họa. Nhưng một khi đã tới đó, điều mà anh không hề lên kế hoạch thực hiện lại khiến cho anh ấn tượng nhất. Không vì lý do cụ thể nào (đờ đẫn nhìn qua một cuốn sách hướng dẫn anh thấy trong phòng khách sạn), anh quyết định tới ngôi nhà của Anne Frank, giờ đã được bảo quản như một bảo tàng. Đó là một buổi sáng Chủ Nhật, trời xám vì mưa, và những con phố dọc các bờ kênh vắng tanh. Anh bước lên chiếc cầu thang dốc và hẹp bên trong ngôi nhà và bước vào chái nhà bí mật. Khi anh đứng trong căn phòng của Anne Frank, căn phòng nơi cuốn nhật ký đã được viết ra, giờ đây trống trơn, với những tấm ảnh đã bạc màu của những ngôi sao Hollywood cô sưu tập vẫn còn dán trên tường, anh đột nhiên thấy mình đang khóc. Không phải khóc nức nở, vốn có thể để phản ứng với một nỗi đau đớn sâu thẳm bên trong, mà là khóc trong im lặng, nước mắt chảy dọc xuống má, như thể chỉ thuần túy đáp lại với thế giới. Vào khoảnh khắc ấy, anh sau này nhận ra, rằng cuốn Sách của Ký ức đã bắt đầu. Như trong câu sau: “cô viết nhật ký của mình trong căn phòng này.”
Từ cửa sổ căn phòng ấy, đối diện với sân sau, bạn có thể nhìn thấy cửa sổ phía sau ngôi nhà mà Descartes từng sống. Giờ có những đứa trẻ đang chơi xích đu trong sân, đồ chơi vương vãi trong đám cỏ, những bông hoa xinh đẹp bé xíu. Khi anh nhìn ra ngoài cửa sổ ngày hôm ấy, anh tự hỏi liệu những đứa trẻ có đám đồ chơi ấy có biết chút ít gì về những điều đã từng xảy ra ba mươi lăm năm trước ở nơi mà anh đang đứng. Và nếu chúng biết, thì việc lớn lên trong bóng đổ của căn phòng Anne Frank sẽ như thế nào.
Nhắc lại lời Pascal: “Tất cả sự bất hạnh của loài người khởi đầu từ một điều duy nhất: anh ta không có khả năng giữ im lặng trong căn phòng của mình.” Vào đúng lúc đó những lời ấy bước vào Pensées, Descartes viết cho một người bạn tại Paris trong căn phòng của mình thuộc tòa nhà Amsterdam. “Liệu có đất nước nào,” ông hỏi đầy hoa mỹ, “mà ở đó người ta có thể tận hưởng tự do một cách sung sướng như ở đây?” Tất cả mọi điều, theo một lối nào đó, có thể được coi như sự chú giải của tất cả những điều khác. Để tưởng tượng rằng Anne Frank, chẳng hạn thế, nếu cô tiếp tục sống sót qua chiến tranh, đọc Meditationscủa Descartes khi đang là một sinh viên đại học tại Amsterdam. Để tưởng tượng sự cô độc quá khắc nghiệt, không thể nguôi ngoai, tới mức người ta có thể ngừng thở trong suốt nhiều năm.
* * *
Anh chú ý thấy, với một sự thích thú nhất định, rằng sinh nhật của Anne Frank trùng với sinh nhật con trai anh. Mười hai tháng Sáu. Dưới chòm sao Song tử. Hình ảnh của một cặp song sinh. Một thế giới mà tất cả mọi thứ đều sinh đôi, thế giới mà một điều luôn xảy ra hai lần.
Ký ức: chốn không gian mà một điều nào đó được xảy ra thêm lần thứ hai.