Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Kim duong
Upload bìa: Lương Vũ
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 7
Cập nhật: 2024-09-01 17:37:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Gian Nan
rong túi chị còn được hai chục ngàn và mấy lượng vàng nhờ cái bụng bầu vượt mặt nặng nề mà chị đã không bị lục soát trong cái đêm hai cô con bác Hi bị hiếp. Thế nhưng sẽ không ai thèm mua vàng trong lúc nầy. Bên con mương dẫn thủy xác người nổi lềnh bềnh, chị đã thấy có người cầm cả sợi dây chuyền để đổi một ca nước sạch, có người cầm cả lượng vàng để đổi một tí muối mà không có. Thế mới biết có những lúc vàng ngọc không phải là cái quý nhất trên đời.
Chuyến xe cứu thương đưa chị từ trại tiếp cư qua bệnh viện Nha Trang. Người ta lo ngại những tai biến có thể xảy ra cho một người sanh con so lại vừa trải qua một cuộc hành trình hãi hùng. Thế nhưng, nhờ ơn trên phù hộ, mọi sự được yên lành. Chị sanh con trai.
Sáng ngày 28-3 mẹ chị đánh điện về Sài Gòn cho Ngạc báo tin chị sanh con trai và cũng đồng thời báo tin bố chị đã chết. Một con người chào đời và một con người nằm xuống; tất cả những điều ấy có nghĩa gì giữa thời buổi loạn ly nầy. Thật đúng là loạn ly, sự việc thì đảo lộn, gia đình thì ly tan. Đấy, thì gia đình bác Hi đó, gia đình chị đây là điển hình của hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người trên quê hương điêu linh nầy.
Mẹ chị thủ thỉ khi ra chợ về:
- Đà Nẵng cũng chạy rồi đấy con. Con không ra ngoài được mà coi, thành phố lộn xộn không thể nào nói được. Ngập cả người. Ở bãi biển người ta nằm la liệt chờ tàu về Sài Gòn. Giá mầy chưa sanh thì mình cũng ra đấy tìm cách mà về trong. Không chừng anh Vinh mầy nó cũng chạy về trong ấy rồi đấy con.
Tội nghiệp bà cụ. Từ ngày bố chị mang bệnh, bà cụ vẫn biết rằng mình sẽ phải chôn chồng; thế nhưng không bao giờ bà cụ có thể tưởng tượng nổi là mình lại phải chôn chồng trần trụi trong một hoàn cảnh bi đát như vậy. Cụ đã chết ngất bên mộ chồng và có lúc tưởng rằng cụ đã quỵ ngã trên đường đi. Thế nhưng, tiếc thương người đã chết không bằng nỗi lo cho người còn sống. Chị biết rằng cụ gắng gượng được là vì chị, vì anh Vinh của chị. Anh Vinh bây giờ không biết ở đâu, còn chị thì nằm đây như một người bất lực. Rồi đây, không biết nay mai, khi bệnh viện cho về thì chị sẽ về nằm đâu. Mẹ chị bảo:
- Thôi thì hãy cứ về lại trại tiếp cư đi con; có gì cho Ngạc nó dễ bề liên lạc vì trong điện gởi cho nó mẹ đã bảo mình xuống đến trại tiếp cư Nha Trang và con sanh nằm ở bệnh viện.
Chị cười buồn:
- Mẹ cứ là chu đáo quá chứ trong hoàn cảnh nầy thì còn liên lạc được gì nữa. Cầu xin cho tình hình dịu đi để xem người ta chia chát cái xứ nầy ra làm sao. Người thì bảo cắt cao nguyên, người thì bảo cắt từ đèo Cả, có người thì cắt từ Nha Trang vì Nha Trang có cảng. Có lẽ cắt từ đèo Cả là có lý hơn. Nếu được vậy thì mình còn hy vọng.
- Cũng chả biết ra làm sao cả. Phía trong thì Bình Long, Phước Long gì họ cũng chiếm hết rồi. Người ta bảo là Việt Cộng sử dụng chiến thuật da beo, chiếm được vùng nào hay vùng đó rồi thương thuyết.
- Mấy ổng làm gì thì làm, chỉ xin đừng làm khổ dân nữa. Mẹ coi, trên đường di tản, chỉ Pleiku mình thôi đã không biết bao nhiêu là người chết.
Nói tới chết là mẹ chị bật khóc:
- Chúa ôi! Sao mà khốn khổ thế nầy. Tử biệt sinh ly! Người chết không còn gặp lại đã đành, người sống biết rồi còn gặp lại được không? Tội nghiệp cho cháu tôi, sinh ra trong ly loạn. Biết đến bao giờ nó mới gặp cha nó đây!
Vậy mà nó đã gặp được ngay cha nó đấy.
Trưa ngày 2-4, Ngạc đưa cái đầu tóc rối bù dáo dác ngó qua ngó lại. Mẹ chị thấy Ngạc trước. Đang nói chuyện với người nằm cạnh chị, bà cụ bỗng ngưng bặt, đưa tay ra phía cửa rồi oà lên khóc. Nhìn theo tay cụ, chị thấy Ngạc.
Vừa khóc vừa cười, mẹ chị cứ lay lay thằng con rể:
- Làm sao mà con lại ra được vậy con? Anh chị nhà bên bình yên cả chứ? Con nhận được điện mẹ gửi không? Ôi! Thấy nó mà tôi cứ tưởng là mình đang mơ đấy, tôi sững cả lại, không biết có phải là thật hay không nữa.
Chị cũng vậy. Không làm sao dám nghĩ rằng Ngạc có thể ra trong tình trạng nầy. Thế mà, Ngạc đã ra. Ngạc đã lội ngược dòng người, như anh nói.
- Không làm sao tưởng tượng nổi. Người ta đổ hết về Sài Gòn. Sài Gòn bây giờ lộn xộn lắm.
Vừa nựng con, Ngạc vừa tỉ tê:
- Chả hiểu người ta nghĩ làm sao nữa. Kéo nhau về hết Sài Gòn để rồi chết cả nút trong ấy chắc. Mẹ nghĩ coi, ở đây nếu Việt Cộng có giã pháo vào thì mình còn chỗ chạy, còn chỗ núp. Ở Sài Gòn, nó giã bương vào thành phố một ngày là chết chùm cả, đố có đường tránh. Hơn nữa, tất cả lương thực, thực phẩm của Sài Gòn là từ các tỉnh chở về, bây giờ ai cũng lo chạy về Sài Gòn, còn ai là người vận chuyển, tiếp tế? Tụi Mỹ thì nó ngán Việt Nam mình đến tận cổ rồi. Nó đã put out miền nam nầy từ cái dạo hiệp định Paris rồi. Quý vị tướng lãnh cộng hoà cứ là ngây thơ tin vào cái chiêu bài dân tộc tự quyết. Con cứ cãi nhau với ba mẹ con hoài là vậy. Con cứ bảo là Mỹ nó đã trút miền Nam nầy cho Cộng sản để nó bắt tay với Bắc Kinh, nếu các cụ khôn ngoan thì các cụ hòa giải ngay đi còn không thì trước sau gì Việt cộng nó cũng tràn vào thành phố. Ba con thì bảo con là đồ thân cộng, đồ tả khuynh. Từ hôm nghe Pleiku di tản là con đã muốn đi Pleiku rồi mà các cụ cứ cản nên khi nhận được điện mẹ bảo vợ con sanh ở đây là con lấy cớ đi ngay. Con đi từ hôm 31 mà mãi đến nay mới đến được đấy. Mẹ coi, con lội ngược dòng mà mẹ.
Đêm đó, Ngạc nằm ngủ trước hàng hiên bệnh viện, anh dự định ngày mai sẽ đến nhà vài người quen để kiếm chỗ cho chị về. Nhưng rồi, suốt cả ngày 3 tháng tư anh đi khắp Nha Trang mà không tìm gặp được một người quen nào. Họ chạy cả rồi.
Mệt phờ người, anh ngồi dựa lưng vào thành giường lắc đầu:
- Chả còn biết thế nào là thế nào nữa. Người ta điên hết cả rồi. Chạy vào đâu nữa mà chạy? Nếu mất Nha Trang là coi như mất cả nước rồi. Cái mốc đèo Cả không chặn được là coi như họ đi suốt. Cái thành phố Sài gòn liệu có thể tử thủ được mấy ngày mà ùa nhau về đó. Về đó hết đi rồi chưa chết đạn đã chết đói. Anh đã nói hoài mà ba anh không tin. Ông cụ cứ bảo là lực lượng của Cộng sản miền Bắc làm sao bằng quân đội miền Nam. Phải, họ không được trang bị hiện đại và quy mô bằng, nhưng cái tinh thần, cái ý thức chiến đấu của họ thì hơn hẳn miền Nam nầy. Ông cụ bảo đó là vì họ bị bắt buộc, họ bị cưỡng ép, họ bị khống chế. Nhiều lúc, sự cưỡng ép, sự khống chế cũng rất cần thiết.
Chị cười cười nhìn anh:
- Cần thiết lắm chứ; bởi vì ông cụ nhà mình không cưỡng ép, không khống chế anh nên anh mới tự do cự nự lại cụ.
- Thôi, không thèm bàn tới tình hình quốc sự nữa. Mình lo cho mình cái đã. Anh đã đi khắp các nơi quen biết; không còn ai cả. Họ đùm túm nhau chạy hết rồi. Anh cũng đi đến những chỗ có thể cho thuê nhà nhưng cũng chả còn ai và có còn thì cũng không ai cho mướn. Tình hình này đang lộn xộn quá. Ngày mai, ngày mốt anh sẽ cố tìm nữa. Nếu cùng lắm thì mình về tạm bên trại tiếp cứ rồi từ từ tính tiếp.
Nhưng làm sao tính tiếp được nữa. Ngày 4-4 giải phóng Nha Trang. Bây giờ thì phải nói là giải phóng Nha Trang, không thể gọi là mất Nha Trang như nói mất Ban mê thuột, mất Pleiku.
Giải phóng Nha Trang.
Người ta thì thào với nhau những danh từ lạ tai. Những danh từ mà trước đây chỉ thỉnh thoảng bắt gặp trên báo chí với tính cách hơi châm biếm: bộ đội, đồng chí, đảng uỷ, uỷ ban, ngụy quân, ngụy quyền, vân vân. Bà lao công của bệnh viện đi ra đi vô rồi hỏi nho nhỏ:
- Mấy ổng nói “quỵ quân, quỵ quyền.” “Quỵ” là gì vậy?
Có người giải thích:
- Ngụy. Không phải quỵ. Ngụy quân Ngụy quyền là mấy ông quốc gia đó.
- Không, tui biết “quỵ quân” là lính quốc gia. Tui chỉ không biết “quỵ” là gì thôi.
Không ai giải thích được cho bà ta. Bà ta còn thì thào bảo:
- Mấy bà mấy cô, ai có sơn móng tay móng chân thì chùi hết đi. Cắt hết mấy cái móng nhọn nhọn đi. Ở ngoài người ta đồn quá chừng là mấy đồng chí bộ đội gặp mấy cái móng tay nhọn nhọn đỏ đỏ là lấy kềm rút hết. Mấy cái áo bông đỏ bông vàng, thêu rồng thêu phụng cũng dẹp luôn. Kiếm mấy cái áo màu đen, màu sẫm mà mặc. Mấy ổng ghét ba cái thứ loè loẹt xa xỉ lắm. Ba cái quần ống loe ống “bát” cũng dẹp. Son phấn, nước hoa nước hòe gì cũng dẹp. Thôi thì cũng chẳng cần ba cái thứ ấy làm gì phải không mấy bà, mấy cô? Cái mình cần lâu nay là làm sao được hoà bình để rồi yên ổn làm ăn. Tui cũng cầu mong cho hoà bình đi để rồi về quê làm ruộng. Có mấy mẫu ruộng bỏ hoang cả chục năm nay cũng vì bom đạn. Ôi! Cầu trời cho sớm bình an.
Mẹ chị không muốn Ngạc đi lang thang ngoài đường trong tình hình nầy nhưng làm sao bây giờ. Không thể nào nằm lì ở đây được. Mẹ chị rầu rầu tỉ tê với một bà cũng đang nuôi con gái. May mắn làm sao cụ gặp được người tốt bụng.
- Trời ơi! Vậy mà mấy ngày nay không nói. Cứ về bên tui ở đỡ đi. Nhà tui rộng lắm. Nói nào ngay, mấy năm trên tui cũng có cho mấy ông lính mướn nhưng từ dạo ông nhà tôi mất, rồi chồng con nhỏ nầy đổi đi xa thì tui để trống không cho mướn nữa. Bà cứ đem cô ấy về ở đỡ bên tui đi.
Vậy là gia đình chị nương náu với hai mẹ con bà Mười, người đàn bà tốt bụng mà chị biết rằng chị phải mang ơn cả đời. Phải, khi chịu ơn ai đó, nhất là chịu ơn trong hoàn cảnh cùng túng thì làm sao có thể quên được. Cảm ơn bà Mười, cảm ơn cô Ái. Nếu không về nhà bà Mười hôm đó thì cái đêm Nha trang bị bom chắc cũng phải một phen sảng hồn sảng vía.
Ngạc đứng nhìn những đám lửa cháy đỏ trong bóng đêm tức tối đến văng tục:
- Ngu không tưởng tượng được cái thằng tướng nào ra lệnh ném bom. Đến cái nước nầy rồi thì chỉ là đưa tay đầu hàng thôi chớ đánh đấm cái nỗi gì nữa mà đưa bom ra đây thả. Đây rồi người dân không chết vì đạn Cộng sản mà chết vì bom quốc gia đấy.
Mẹ chị vội vàng kéo Ngạc vào nhà:
- Con ơi! Đừng nói Cộng sản quốc gia gì nữa nhen con. Không phải là lúc có thể ăn nói văng mạng đâu; cẩn thận từng lời nói. Nhiều lúc cướp của giết người cũng không nặng tội bằng lỡ miệng chứ đừng nói gì là nói năng văng mạng. Con nghe lời mẹ đi. Không thể tranh luận phát biểu theo kiểu con vẫn thường tranh luận với ba con đâu.
Ngạc hậm hực vâng lời mẹ chị. Tin tức loan ra từ những cái loa công cộng cho biết quân giải phóng càng lúc càng tiến gần về Sài gòn. Theo đà tiến của quân giải phóng anh gầm gừ, cái gầm gừ của người thua cuộc.
- Đấy, để cho ba anh và mấy ông chính khách Sài gòn sáng mắt ra. Anh đã nói với ba hoài, các cụ không hoà giải thì các cụ sẽ đầu hàng. Ba anh cứ mắng anh là đồ khuynh tả, đồ thân Cộng. Đấy, bây giờ cho các cụ thấy.
Chị cười cười:
- Làm như anh là tướng lãnh không bằng, anh bảo các cụ phải nghe anh. Bây giờ các cụ không nghe anh, các cụ đầu hàng thì anh hậm hực. Trông anh đến tức cười. Cứ như là anh đang ở trong hội đồng các tướng lãnh vậy.
Mẹ chị càm ràm:
- Đã bảo là đừng có nói năng cái kiểu đó nữa mà cả vợ lẫn chồng! Chúng mầy tự do quen thói.
30-4
Tin Sài Gòn giải phóng lan ra. Ngạc thở phào như người trút gánh nặng.
Vâng, dầu sao thì cũng trút được cái gánh bom đạn trên vai của con dân hai miền Nam Bắc.
Sự thay đổi chính thể không có nghĩa gì nhiều đối với anh cũng như đối với phần nhiều những người thường dân khác. Ai cũng chán ngắt các cuộc chiến tranh nầy rồi và điều mà mọi người mong mỏi là súng dừng nổ, bom dừng rơi để người dân an tâm trở về với đất ruộng cũ, với xóm làng xưa. Bởi vì, đã từ ba mươi năm qua biết bao nhiêu người phải bỏ quê cha đất tổ, lưu lạc vào các thành phố xa lạ và làm đủ mọi nghề nhọc nhằn tủi nhục kể cả cái nghề bán trôn nuôi miệng. Bây giờ thì coi như tất cả đã dồn về một mối.
Mẹ chị hối Ngạc:
- Con coi về trong ấy xem thử anh chị bên nhà yên ổn không rồi sắp xếp.
- Có gì mà phải sắp xếp mẹ. Cứ thư thả để vợ con nó cứng cáp rồi thì con đưa mẹ và vợ con về trong ấy luôn chứ mẹ còn tính về lại Pleiku làm gì nữa. Nhà cửa mình như vậy là coi như cháy rụi cả rồi chứ còn gì đâu mà về. Phần ba mẹ con thì đâu vẫn yên đó. Sài gòn có bắn được viên đạn nào đâu mà lo.
Anh không ngờ rằng dầu Sài gòn không bắn được viên đạn nào nhưng không phải là đâu vẫn yên đó. Mọi sự đã thay đổi. Thì vẫn biết là mọi sự phải thay đổi nhưng anh không bao giờ nghĩ rằng gia đình anh cũng thay đổi, lại là sự thay đổi quá lớn. Ba mẹ, các anh chị và hầu hết bà con nội ngoại đã ra đi.
Cuối tháng năm, khi anh đưa mẹ con bà cháu chị về Sài gòn thì anh mới biết.
Bàng hoàng đến gần như ngây dại, anh đờ người đứng trước ngôi biệt thự bề thế của gia đình đã bị tiếp quản. Cái pharmacie, cái nhà của vợ chồng bà chị cả cũng vậy. Thế là hết!
Để chị và bà mẹ vợ ngồi ở một quán cóc ven đường, anh chạy khắp Sài gòn, chợ lớn và hầu như không gặp một ai quen biết. Vâng, hầu như, bởi vì những người anh tìm đến đều là những người có chức việc, có quyền thế của chế độ cũ. Họ chạy cả rồi và nhà cửa của họ cũng đã bị tiếp quản.
Anh như người bị hụt hẫng, bởi vì không bao giờ anh có thể nghĩ đến cái tình huống là người ta có thể bỏ nước ra đi hàng loạt như vậy. Mấy ông tướng lãnh chóp bu thì có thể, còn đằng nầy…
- Anh không ngờ. Cũng tại mình không theo dõi được thời sự. Nếu có thể nghe đài Voa hay đài BBC thì anh đã biết và đã đoán định được là mình có thể rơi vào tình cảnh nầy. Bây giờ coi như anh tứ cố vô thân, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Ngay trước mắt là đêm nay mẹ, em và con sẽ ngủ vào đâu đây? Không còn một người thân thích nào cả.
Mẹ chị an ủi:
- Thôi thì mọi sự là do Chúa quan phòng cả con à. Chúa đã sắp đặt thì Chúa sẽ lo liệu. Ta tìm một quán trọ nào nghỉ đỡ đêm nay rồi hẳn tính.
- Phức tạp lắm mẹ à. Tình hình chưa đâu vào đâu, vấn đề an ninh chưa ổn định. Con đã ngó qua một vài chỗ và thấy là không được. Con tính ngày mai con ra Phan Thiết coi thử gia đình cậu Bảy con bà Út thế nào. Hy vọng là họ không đi bởi vì bên mợ Bảy có bà con đi tập kết. Chỉ có điều là không biết sẽ gởi mẹ với vợ con ở đâu bây giờ thôi.
Chị hỏi:
- Gia đình Hồng thì sao?
- Bên Hồng cũng tính đi mà không lọt. Anh có ghé qua rồi nhưng nhà Hồng bây giờ chật chội lắm. Cái nhà đã nhỏ mà bà con bên thím ấy từ Đà Nẵng, từ Đà Lạt, từ Nha Trang đổ về vẫn còn nằm nghẹt tại đó, mình không tá túc được đâu.
- Bác tài xế của ba?
- Cũng đi luôn rồi, bà bếp và mấy người làm thì về quê.
Rồi anh sực nhớ:
- Phải rồi, mình vào bà Vú đi.
Bà Vú ở mãi tận Tân Hương, Tân Phú. Vú là bà vú nuôi mấy chị em Ngạc từ nhỏ. Vú không có con. Đáng lý ra thì Vú phải ở luôn với gia đình Ngạc, nhưng không hiểu có chuyện gì đó Vú buồn rồi Vú xin thôi. Kỳ đám cưới xong về dưới nầy Ngạc có đưa chị qua thăm Vú. Vú vừa mừng vừa tủi đưa tay đón thằng bé con chị. Bà không ngờ là Ngạc còn ở lại.
- Giải phóng đâu hơn mười bữa, Vú có ghé ra ngoài nhà nhưng thấy toàn là ai đâu không. Vú có hỏi thăm thì người ta bảo bộ đội tiếp quản rồi vì là nhà vắng chủ lại là nhà của viên chức cao cấp ngụy. Vú cứ đồ rằng cả nhà đã đi hểt rồi chứ.
- Con ra tìm vợ con vú à. Bây giờ thì xin vú cho mẹ con và vợ chồng con ở nhờ vú vài hôm.
- Thì nhà vú cũng như nhà con. Chỉ sợ con chê vú nghèo không thèm lui tới với vú thôi.
- Không, Vú đừng nghĩ vậy. Từ hồi nào tới giờ Vú biết đấy, trong nhà thì con thương Vú nhất. Còn cái chuyện giàu nghèo thì bây giờ Vú hơn con rồi đấy. Bây giờ con vô sản, vô sản chuyên chính. Không cha mẹ, không nhà cửa, không tiền bạc. Nghề nghiệp cũng chưa tới đâu mà không biết rồi có được tới đâu không đây.
Vú an ủi Ngạc:
- Đừng buồn con. Mỗi người có cái số phận của mình. Thôi thì hãy từ từ rồi tính.
Gởi được mẹ con chị, Ngạc bắt đầu chạy ngược chạy xuôi để hỏi thăn tin tức gia đình. Không ai biết gì nhiều hơn là việc họ đã ra đi. Đi đâu, tới đâu, sống chết ra sao thì không ai biết được. Cứ theo những chuyện kể từ người nầy qua người kia thì đã không biết bao nhiêu người bỏ mạng trên biển cả. Có người kể rằng khi những chiếc thuyền nhỏ sang người qua hạm lớn, thấy vừa đủ người rồi là hạm khép miệng bất kể là người ta lên được hay chưa. Đến nỗi có nhiều người bị bửng hạm khép treo dính tòng teng nửa trong nửa ngoài. Có người thì kể rằng người ta tràn lên những chiếc thuyền nhỏ đến nổi thuyền chìm mà những tàu thuyền khác không thèm vớt. Có chuyện thì bảo là trực thăng đi vớt người từ những ghe nhỏ lênh đênh trên biển, khi trực thăng dòng dây xuống thì người ta tranh nhau lên đến nỗi đứt dây, đến nỗi trực thăng phải rớt.
Biển đông ngập tràn xác chết, nhiều đến nỗi người ta không dám ăn cá biển vì có người nói rằng khi mua cá về mổ bụng, thấy còn nguyên cả lóng tay. Có người còn đoan quyết rằng người ta lượm được cả một cặp nhẫn kim cương từ trong bụng cá.
Ôi! Nhân loại ơi! Có đất nước nào điêu linh như quê hương nầy không? Ôi! Thiên Chúa ôi! Sao ngài đầy đoạ con dân ngài đến vậy!
Tâm hồn Ngạc như nổi chìm theo dư luận. Lúc thì phiền muộn vì sợ rằng có thể lắm người thân của anh ở trong số người kém may mắn bỏ xác trên biển đông. Rồi có lúc anh vui mừng hy vọng vì người ta đồn rằng… Vâng, chỉ là tin đồn thôi vì không ai tận mắt chứng kiến cái gì cả, cả đến việc không ai tận mắt thấy họ cập bến an toàn thế mà người ta vẫn có thể kể được cảnh các nước đón tiếp người tị nạn Việt Nam trân trọng và cảm động đến nước nào. Thế mới là hay!
Chị không khuyên gì được Ngạc. Khi anh vui, chị mừng; còn khi anh buồn thì chị hết lòng săn sóc, vì chị biết rằng những gì còn đọng lại trong anh không phải từ những lời nói mà là từ thực tế hành động.
Anh thủ thỉ với chị:
- Anh không buồn vì bị ở lại. Nếu anh có mặt trong lúc gia đình anh ra đi thì quyết định của anh cũng là ở lại mà thôi. Anh chỉ buồn vì mình bị rơi vào hoàn cảnh khốn đốn này một cách quá đột ngột. Đùng một cái anh mất tất cả: cha mẹ, anh em, nhà cửa và cả tiền bạc nữa, bởi vì số tiền ba mẹ cho anh khi bọn mình cưới nhau, anh gởi ở ngân hàng. Bây giờ coi như đi đứt.
Chị an ủi:
- Còn người còn của. Từ từ rồi mình làm lại. Chỉ cầu mong làm sao ba má và các anh chị bình an mà thôi.
Đầu tháng bảy năm bảy lăm, Ngạc ra Phan Thiết gặp cậu Bảy con bà Út rồi về và quyết định đưa mẹ con bà cháu chị ra gởi ngoài cậu Bảy.
- Em nghe anh đi. Trước mắt anh còn hai năm học nữa. Tạm thời em ra sống với cậu Bảy vì cậu mợ cũng như cha mẹ anh thôi. Em chịu khó với anh vài năm, anh học xong thì mình sẽ tính.
Chị nghe lời anh, ra với gia đình cậu Bảy.
Gia đình cậy Bảy sống ở Ma Lâm, một xã nhỏ của tỉnh Bình Thuậm. Gia đình cậu thuộc hàng cố cựu ở đây. Ông Út đến lập nghiệp ở xứ nầy từ khi Tây nó trồng bông vải. Lúc đầu thì ông trồng bông, hái bông cho người ta rồi sau từ từ mua đất, vỡ đất, dành dụm vốn tự trồng rồi bán cho Tây. Việt Minh nổi dậy, ông chuyển qua làm ruộng, đến thời quốc gia thì ông mở thêm lò gạch ngói. Cậu Bảy thừa hưởng cả gia tài của ông Út và thừa kế cái nghề làm gạch ngói của ông.
Bây giờ giải phóng, đất nước thoát khỏi sự chi phối của ngoại nhân, để tỏ lòng biết ơn cách mạng, cậu hiến cho cách mạng hai trong số ba lò gạch và hiến toàn bộ ruộng khô - là đất hồi xưa ông Út trồng bông - cho cách mạng. Cậu chỉ giữ lại một lò gạch và vài đám ruộng nước vừa đủ cung cấp lương thực cho gia đình mà thôi. Đó là những gì đã thể hiện bằng hành động cụ thể. Thế nhưng, thì thầm trong gia đình thì cậu bảo:
- Không thể làm một người giàu ở xã hội chủ nghĩa đâu con. Có giàu cũng không được giàu. Bình đẳng mà. Thằng siêng cũng như thằng làm biếng, thằng giỏi cũng như thằng dốt, bằng nhau cả. Bình quyền, bình đẳng. Ồ không! Chỉ bình đẳng thôi chứ không bình quyền. Nhớ nhá, đẳng thì bình, quyền thì không bình.
Ngạc bỏ học vào đầu năm 1976.
- Chịu hết biết. Những bài chính trị rỗng tuếch, chỉ toàn là những khẩu hiệu và các sáo từ vô nghĩa. Sao họ lại ấu trĩ đến vậy. Bây giờ là năm 1975 chớ không phải là năm 1945. Dân miền Nam đã ba mươi năm dầm mình trong vật chất của tư bản, cái nấc thang cần thiết để tiến lên chủ nghĩa xã hội mà miền Bắc tính nhảy vọt qua. Cái người dân cần bây giờ không phải là lý thuyết đầu môi mà là cuộc sống thực tế: dân giàu, nước mạnh. Anh khỏi cần kể lể công ơn cách mạng, anh khỏi cần phải tuyên truyền dài dòng. Thực tế cuộc sống là sự hùng biện không thể bác bỏ được.
Nhiều lúc Ngạc lắc đầu:
- Họ máy móc quá. Họ phân phối đồng đều khẩu phần lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Họ không chịu nghĩ rằng cái anh cần chưa chắc tôi đã cần. Cái anh cần thì anh không đủ, cái tôi cần thì anh dư; và thế là vô tình họ đã tạo ra một sự thiếu hụt giả tạo và tạo ra một tầng lớp trung gian bất lương. Anh sẽ gia nhập vào hàng ngũ những kẻ trung gian bất lương đó. Anh sẽ đi buôn.
Phải, anh đã đi buôn vì không thể nào cả vợ chồng con cái và cả bà mẹ vợ nữa lại cứ ở không mà ăn bám cậu mợ Bảy mãi. Đành rằng cậu mợ thừa sức nuôi vợ chồng anh năm năm, mười năm. Nhưng nếu là anh vẫn còn đi học thì được, còn đằng nầy anh đã nghỉ rồi. Khoẻ mạnh, lành lặn, anh không phải là loài ăn bám. Và thế là với số vốn ít ỏi chị còn giữ được trong loạn lạc và với kiến thức của một sinh viên năm năm y khoa, anh đã đi buôn thuốc Tây. Đi buôn lậu.
Mua thuốc từ các nguồn không hợp pháp ở thành phố Hồ Chí Minh - bây giờ Sài Gòn được gọi là thành phố Hồ Chí Minh - anh đem đi bất cứ nơi nào có thể đi tới được. Khi Đà Nẵng, khi Nha Trang, khi Sóc Trăng, khi Ban Mê Thuột. Anh trở thành người không có địa chỉ.
Anh Vinh bặt vô âm tín. Có lẽ anh đã ở trong số người được đưa đi cải tạo. Vâng, dầu sao thì đó cũng là một thủ tục cần thiết cho một sự thay đổi. Chị và mẹ đã cố liên lạc với bác Hi để nếu bác còn ở Pleiku, hy vọng rằng anh Vinh sẽ nhắn tin về đấy. Thế nhưng cũng không biết gia đình bác Hi đã trôi dạt về đâu sau khúc quanh của lịch sử nước nhà. Ngạc đi qua đi lại, mẹ chị cứ dặn.
- Đi nơi nầy nơi kia, con cố tìm thử các bác ấy nha con.
Noel 1976
Mấy ngày trước lễ, các cô chú con cậu Bảy người thì đi thành phố, người thì xuống Phan Thiết để chuẩn bị đón lễ. Nhà chỉ còn lại cậu mợ.
Sáng sớm ngày 24, cậu gọi chị dậy bảo là cậu mợ sẽ đi lễ ở nhà thờ Chánh Toà dưới Phan Thiết; rồi cậu cầm đưa cho chị một cái lắc, một sợi dây chuyền và một cái đồng hồ.
- Quà noel cho cháu bé. Kỳ đám cưới vợ chồng con cậu mợ không dự được nên chỉ chúc mừng sơ sịa. Bây giờ cũng coi như nhân thể vừa cho cháu vừa mừng vợ chồng con.
Cậu mợ đi ngày 24 thì đến chiều tối ngày 27, công an và du kích ập vào nhà, niêm phong nhà và đưa mẹ con chị lên ban công an xã. Lúc bấy giờ mẹ con chị mới bật ngửa. Gia đình cậu mợ Bảy vượt biên rồi. Thảo nào khi chị quầy quậy không nhận vàng thì mợ Bảy bảo:
- Con cứ giữ lấy mà phòng thân.
Công an họ hay thật! Mẹ con chị ở trong nhà chẳng hề nghe động tĩnh, thế mà bác ấy đi là công an họ biết ngay. Mãi sau mấy ngày bị quản thúc ở ban công an chị mới biết là gia đình cậu mợ Bảy đã thoát nhưng cái ghe bị bắt lại là ghe của người tổ chức nên họ đã khai ra tất cả.
Vì chị không phải là người địa phương nên người ta ký lệnh trục xuất. Chỉ là trục xuất, còn trục xuất đưa đi đâu thì không ghi. Mẹ con chị chỉ được mang ra khỏi nhà đồ dùng cá nhân của mấy mẹ con, còn thì nhà nước quản lý hết.
Không thể để Ngạc xuất hiện ở xã, mẹ con chị đùm túm nhau xuống nằm bờ nằm bụi dưới bến xe Phan Thiết - Ma Lâm đón Ngạc.
Đầu tháng 1 năm 1977, Ngạc đưa mẹ con chị về thành phố với bà Vú. Lại phải nhờ vả bà Vú.
Vú thì lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng chính quyền địa phương thì không như vậy. Cái giấy trục xuất của xã Ma lâm là tất cả giấy tờ tuỳ thân của mẹ con chị. Ai có thể chấp nhận được! Trong tình hình người dân đang sinh sống tại thành phố còn bị đưa đi xây dựng kinh tế mới thì lấy gì một người bị trục xuất từ một nơi khác có thể nhập về thành phố. Cũng là có lý thôi, không trách gì ai được.
Mẹ chị bàn:
- Thôi thì hãy cứ xin đi kinh tế Mới vậy. Ít nhất thì cũng được cái mái nhà và cái hộ khẩu. Thời buổi bây giờ mà không có cái hộ khẩu là không sống nổi. Hơn nữa người ta bảo rằng những người đi kinh tế Mới sẽ có thể bảo lãnh được người thân đang học tập cải tạo sớm về đoàn tụ.
Tội nghiệp bà cụ. Hằng đêm cụ đổ nước mắt đọc kinh, cầu cho con được bình yên, cầu cho con được khoẻ mạnh vì từ những lời đồn đãi biết bao nhiêu là tin tức không hay cho số phận những người đi cải tạo. Vì thế, nếu có thể đổi cả cuộc đời của mình để cho con trở về với cuộc sống bình thường bà cụ cũng đổi chứ đừng nói gì là đi kinh tế mới, mặc dầu những lời đồn đãi về kinh tế mới cũng chẳng tốt đẹp gì lắm.
Thế là quyết định. Gia đình chị đi kinh tế mới.
Khóc Cười Theo Mệnh Nước Khóc Cười Theo Mệnh Nước - Nguyễn Thị Kim Liên Khóc Cười Theo Mệnh Nước