A blessed companion is a book, - a book that, fitly chosen, is a lifelong friend,... a book that, at a touch, pours its heart into our own.

Douglas Jerrold

 
 
 
 
 
Tác giả: Charlotte Bronte
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Phạm Thu Hông
Upload bìa: Ngô Thúy Ngọc
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2551 / 74
Cập nhật: 2015-10-19 19:57:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Ở Lowood
ôi thức dậy trước năm giờ sáng ngày mười chín tháng giêng, và khi Bessie mang vào phòng tôi một cây đèn, chị đã thấy tôi áo quần chỉnh tề. Tôi sẽ rời Gateshead bằng chuyến xe ngựa chạy qua cổng nhà vào lúc sáu giờ sáng.
Bessie cố chuẩn bị cho tôi ăn trước khi đi, nhưng tôi lại qúa nôn nóng ra đi. Cho nên chị gói cho tôi một ít bánh trong tờ giấy báo, và nhét vào túi xách của tôi.
Khi chúng tôi đi qua phòng ngủ của bà Reed, Bessie bảo tôi:
– Cô có vào phòng chào bà không?
– Không, chị Bessie à! Đêm qua khi chị đi ăn thì bà có đến giường tôi, bảo tôi khỏi cần quấy rầy bà vào buổi sáng, và cũng khỏi chào các anh chị em họ của tôi. Bà lại còn nhắc tôi nhớ rằng, bà luôn luôn là bạn tốt của tôi, và tôi phải biết ơn bà.
Bessie hỏi:
– Thế cô nói sao?
– Không nói gì hết. Tôi lấy vải trải giường che lấy mặt và quay lưng lại với bà.
– Cô Jane à, thế là sai rồi.
– Không, hoàn toàn đúng đấy, chị Bessie. Bà Reed không phải là bạn của tôi mà là kẻ thù của tôi.
– Ôi, cô Jane, cô đừng nói thế.
Khi chúng tôi đi qua phòng khách, ra khỏi cửa, tôi la lên:
– Vĩnh biệt Gateshead!
Hôm ấy là một buổi sáng mùa đông rất lạnh, hai hàm răng tôi đánh vào nhau lập cập. Chúng tôi đi vội đến nhà bác giữ cổng. Khi chúng tôi tới đó, vừa đúng sáu giờ, vợ bác giữ cổng đang nhóm lửa. Cái rương của tôi đã được mang tới đây đêm qua, và bây giờ tôi thấy nó ở gần cửa.
Tôi bước ra khỏi căn nhà lá và nghe thấy tiếng chân ngựa và tiếng bánh xe lăn khi xe đến gần.
Vợ bác giữ cổng hỏi sau lưng tôi:
– Cô ấy đi một mình thôi à?
– Vâng.
– Xa lắm không?
– Mười lăm dặm.
– Như thế thì xa qúa cho một cô bé. Tôi ngạc nhiên tại sao bà Reed lại để cô đi một mình xa đến thế.
Chiếc xe dừng lại. Nó ở nơi cổng đây rồi, bốn con ngựa và nhiều hành khách. Người ta đưa cái rương của tôi lên xe. Bessie đưa hai cánh tay đỡ tôi lên, tôi ôm chị lần cuối.
Khi người phụ xế đỡ tôi lên xe, chị Bessie nói lớn với anh ta:
– Coi chừng giúp cô ấy nghe!
Có tiếng đáp lớn:
– Đưọc rồi.
Chiếc xe lăn bánh.
Tôi nhớ ít về chuyến đi, nhưng ngày ấy đã qúa dài, và chiếc xe như đã đi hàng trăm dặm.
Sau một buổi chiều ẩm ướt mù sương, có một người như là gia nhân chặn xe lại. Anh ta đến đón tôi, anh đứng giữa mưa và bóng tối khi chiếc xe chạy đi.
Tôi bị tê cứng vì ngồi lâu và mỏi mệt vì bị xe nhồi, cho nên tôi qúa đỗi vui mừng khi thấy mình được dẫn đến một tòa nhà rộng rãi.Người gia nhân để tôi đứng một mình trong căn phòng, tôi hơ những ngón tay tê cứng trên lò lửa, nhưng chẳng bao lâu sau một cô giáo trẻ tên là Miller đến dẫn tôi đi qua những lối đi lạnh lẽo.
Chúng tôi đi từ phòng này qua phòng khác cho đến khi chúng tôi nghe tiếng ồn của một đám đông, rồi chúng tôi đến một nơi đông đúc con gái đủ lứa tuổi. Qua ánh sáng của những ngọn đèn cầy, họ ngồi đầy cả phòng học dài và rộng, đông không đếm xuể, nhưng chắc cũng phải đến tám mươi người. Đang giờ học, còn tiếng ồn tôi nghe được là những tiếng thì thào họ nhắc cho nhau về bài học ngày mai.
Cô Miller ra dấu cho tôi ngồi vào chiếc ghế dài cạnh cửa, rồi cô nói lớn ở đầu lớp:
– Lớp trưởng, thu sách lại và cho nghỉ.
Bốn cô gái cao đứng dậy ở các bàn khác nhau và làm theo lời cô.
Cô Miller lại ra lệnh:
– Lớp trưởng, đi lấy các khay thức ăn.
Bốn cô gái cao ấy lại bước ra rồi trở vào, mỗi cô mang một cái khay trên có một bình nước, một cái cốc lớn và vài miếng bánh lúa mạch mỏng đặt trên một cái đĩa. Khi thực phẩm được chia quanh cho mọi người, thì ai cần nước cứ uống chung một cốc. Đến phiên tôi, tôi chỉ uống vì quá khát và không thể ăn được vì qúa mệt trong chuyến đi.
Bữa ăn xong, cô Miller đọc kinh rồi tất cả đi theo hàng hai lên lầu. Mệt mỏi, tôi không để ý mình được sắp xếp ngủ ở đâu, chỉ biết phòng ngủ dài, kê hai dãy giường, mỗi cái hai người. Đêm nay tôi ngủ chung giường với cô Miller, và nằm xuống là tôi ngủ liền. Gian phòng tối thui và yên lặng.
Tôi bừng mắt dậy khi chuông đang reo vang, và tất cả đám con gái đã chỗi dậy, đang mặc áo quần, mặc dù trời chưa sáng hẳn.Trời rất lạnh. Tôi miễn cưỡng ngồi dậy, mặc áo quần vừa run rẩy rửa mặt trong một cái chậu trống, kê ở giữa phòng. Một cái chậu dùng chung cho sáu người, thật không phải dễ.
Chuông lại reo, tất cả lại xếp hàng hai và đi xuống thang lầu, vào một phòng học lờ mờ và lạnh lẽo.
Có lệnh sắp xếp học sinh vào bốn lớp. Tôi được xếp vào lớp học sinh nhỏ nhất, ngồi ở cuối phòng học, do cô Miller phụ trách. Một hồi chuông khác xa hơn, ba giáo viên khác bước vào nhóm khác đang đợi.
Công việc bắt đầu. Đọc kinh và tập đọc trong sách kinh suốt một giờ liền. Khi vừa xong thì trời đã sáng hẳn. Chuông lại reo lần thứ tư và các lớp lại xếp hàng đi vào một phòng khác để ăn điểm tâm. Tôi vui sướng làm sao khi nghĩ đến ăn một cái gì! Hầu như tôi đói lả người vì hôm trước ăn rất ít.
Phòng ăn rộng, thấp, thê lương. Mấy cái thau đựng thức ăn nóng hổi đặt trên hai bàn dài. Nhưng vừa bước vào, tôi ngửi thấy mùi khó chịu, tôi thấy ớn người. Từ hàng đầu có tiếng xì xầm:
– Tởm qúa! Cháo lại cháy nữa.
Một giọng nói la lớn ở một bàn khác:
– Im lặng đi!
Học sinh đọc lời tạ ơn dài, rồi hát. Rồi một gia nhân mang trà đến cho giáo viên và bữa ăn bắt đầu.
Bây giờ thì tôi xỉu vì đói; bất kể mùi vị ra sao, tôi ăn liền mấy muỗng phần ăn của mình. Rồi tôi thấy những cái muỗng quanh tôi hoạt động như tôi, và mọi người rồi cũng cố gắng ăn cái thứ thực phẩm thừa mứa ghê tởm ấy. Bữa điểm tâm đã xong và ai cũng phải ăn hết. Rồi lại đọc lời cảm tạ những cái chúng tôi không nhận được, lại hát. Rồi chúng tôi trở lại phòng học.
Mười lăm phút trước khi giờ học bắt đầu, phòng học ồn ào náo nhiệt vì chúng tôi được phép nói chuyện lớn và tự do lúc này.
Đồng hồ điểm chín giờ. Cô Miller đứng ở giữa phòng nói lớn:
– Tất cả im lặng. Vào chỗ ngồi.
Trật tự được lập lại.
Những giáo viên khác đến đúng giờ, họ ngồi vào chỗ, nhưng vẫn còn như đợi một cái gì. Tám chục nữ sinh ngồi trên những dãy ghế dài kê dọc theo hai bên phòng học, lưng thẳng, yên lặng, tóc chải thẳng ra sau, không một ai cuộn tóc lên. Tất cả đều mặc áo màu nâu, cổ cao cài kín, mang bít tất len và giày thô ráp. Khoảng hai chục học sinh lớn nhất, gần trưởng thành, mặc áo quần màu xám nhạt, trông buồn tẻ, xấu xí mặc dù có cô rất xinh.
Tôi đang nhìn quanh thì bỗng cả lớp đứng dậy như có một phản xạ quen thuộc từ lâu. Cái gì vậy? Tôi không nghe có lệnh gì hết, nhưng tất cả đều đổ dồn mắt đến một người cao đang đứng ở cuối căn phòng dài. Đó chính là bà đêm qua tôi đã thấy một lần. Cô Miller đến hỏi bà, rồi hình như nhận lệnh, cô quay về chỗ cũ và nói to lên:
– Lớp trưởng lớp nhất, đi lấy địa cầu!
Cô hiệu trưởng Lowood (vì chính bà ấy) ngồi vào chỗ trước hai qủa địa cầu để trên một cái bàn và bắt đầu giảng một bài địa lý cho các học sinh lớn học. Bây giờ trong ánh sáng ban ngày,trông cô cao và trang nghiêm.Cô mặc áo màu tím và tôi để ý thấy một chiếc đồng hồ vàng đeo nơi thắt lưng của cô (loại đồng hồ này bây giờ không còn phổ biến nữa). Đôi mắt màu nâu long lanh trên khuôn mặt tai tái, tóc cuốn lên bao quanh chân mày theo kiểu lúc bấy giờ. Độc giả chắc sẽ thêm vào hình ảnh cô Temple dáng dấp nghiêm nghị và thái độ trầm tĩnh. Sau này khi đi nhà thờ với cô, cô để tôi mang cuốn sách kinh cho cô, tôi mới thấy tên cô trên cuốn sách là Maria Temple.
Các lớp dưới do các giáo viên khác dạy lịch sử và các môn học khác trong một giờ, rồi tiếp theo là học viết, học toán. Cô Temple dạy nhạc cho các học sinh lớn, cho đến lúc đồng hồ đánh mười hai giờ, cô hiệu trưởng đứng dậy.
Cô bảo:
– Các em, Cô có đôi lời nói với các em. Sáng nay người ta dọn điểm tâm cho các em, các em không ăn được. Chắc là các em đói. Cô đã ra lệnh dọn bánh mì và phó – mát cho các em.
Các cô giáo khác có vẻ ngạc nhiên. Cô Temple nói tiếp:
– Tôi chịu trách nhiệm về việc này.
Nói xong cô rời phòng học.
Bánh mì và pho mát tức thì được mang vào và phân phát cho học sinh, cả trường đều hân hoan. Rồi có lệnh ” ra vườn”. Mỗi cô, kể cả tôi, khoác một chiếc áo choàng màu xám, đội một cái nón rơm, rồi tất cả nhộn nhịp bước ra ngoài trời.
Khu vườn rộng rãi có tường cao bao quanh, ở ngoài không nhìn thấy. Một hành lang kín đáo chạy dọc mỗi bên khu vườn, và các lối đi rộng rãi chạy quanh khu trung tâm, khu này được chia thành nhiều luống hoa, mỗi cô có một luống. Khi mùa hoa nở, chắc là chúng rất đẹp mắt, nhưng bây giờ thì đang cuối tháng giêng, chỉ toàn thấy cảnh tàn úa xám xịt của mùa đông mà thôi.
Tôi rùng mình khi nhìn quanh, một lớp sương mù vàng vọt khắp nơi và mặt đất nhão nhẹt dưới chân. Mấy cô mạnh khỏe thì chạy nhảy nô đùa, còn mấy cô ốm yếu thì tụ tập dưới hành lang để tránh lạnh và được ấm áp. Trong hơi sương ẩm ướt, tôi nghe nhiều cô khúc khắc ho.
Tôi không nói chuyện với ai, và cũng không ai chú ý đến tôi, nhưng tôi đã quen cảnh cô đơn rồi, cho nên tôi không thấy có gì đáng ngại.Tôi đứng tựa vào một chiếc cột ở hành lang, kéo chặt chiếc áo choàng và cố quên đói quên lạnh, tôi đứng nhìn và suy nghĩ. Gateshead và đời sống cũ đã xa rồi, hiện tại thì mơ hồ và xa lạ, còn tương lai thì tôi không dám nghĩ đến.
Tôi nhìn ra khu vườn lạnh lẽo rồi nhìn lên ngôi nhà – một tòa nhà rộng, một nửa có màu xám, cổ; nửa kia thì mới. Phần còn mới bao gồm phòng học chính và dãy phòng ngủ, qua những cánh cửa sổ mắt cáo, người ta thấy phòng ngủ sáng sủa ra. Nhìn qua, nó giống như một nhà thờ. Một tấm đá gắn vào cửa có khắc hàng chữ:
“Viện Lowood. Phần này do Naomi Brocklehurst ở Brocklehurst Hall của quận này xây cất”. ” Hãy để cho ánh sáng tỏa ra trước mọi người cho họ thấy công đức của ngươi và hãy vinh danh Cha ở trên Trời. Thánh Matt. Tập 16″.
Tôi đọc lui đọc tới những chữ này mà vẫn thấy khó hiểu. Tôi tự hỏi ý nghiã của từ ” Viện” và câu Thánh vịnh theo sau nó, thì bỗng nghe có tiếng ho ở đằng sau, nên quay đầu lại.
Tôi thấy một cô gái ngồi trên chiếc ghế đá, đầu cúi xuống trên một cuốn sách. Từ chỗ tôi đứng, tôi có thể nhìn thấy nhan đề cuốn sách, ” Rasselas”, một cái tên xa lạ và hấp dẫn với tôi. Nhân lật một trang sách, chợt cô gái nhìn lên và tôi nói với cô:
– Cuốn sách hay không?
Tôi đã cố gắng dạn dĩ hỏi mượn cô trong vài ngày. Cô nghỉ đọc, nhìn tôi chằm chằm rồi đáp:
– Tôi thích đọc nó.
Tôi hỏi tiếp:
– Viết về cái gì thế?
Tôi không hiểu sao mình lại dám gợi chuyện với một người lạ như thế này, nhưng tôi cũng thích đọc, mặc dù tôi đang còn bé hơn cô ta.
Cô gái đưa cuốn sách cho tôi,rồi đáp:
– Bạn có thể xem nó đi.
Xem lướt qua, tôi thấy nội dung cuốn sách có vẻ buồn hơn cái nhan đề.Tôi không thấy nói gì về các vị tiên, không có tranh ảnh nào trong các trang đầy chữ in. Tôi trả cuốn sách lại cho cô ta, cô định tiếp tục đọc thì lại bị tôi quấy rầy:
– Bạn có thể giải thích cho mình ý nghĩa của hàng chữ trên không? tại sao gọi là Viện? Nó có khác những trường học khác không?
– Nó là một phần của trường từ thiện. Bạn và tôi, và tất cả chúng ta ở đây là trẻ từ thiện. Mình chắc bạn cũng mồ côi, không cha mẹ chứ?
– Cả hai đều chết khi mình chưa biết.
– Đấy, tất cả con gái ở đây đều mất một hay cả cha lẫn mẹ, cho nên người ta gọi đây là Viện Giáo Dục Trẻ Mồ Côi.
– Chúng ta khỏi trả tiền ư?
– Chúng ta trả chứ, hoặc bạn bè chúng ta trả cho chúng ta, mười lăm bảng một năm.
– Thế tại sao họ gọi mình là trẻ từ thiện – Họ có nuôi chúng ta đâu?
– Vì mười lăm bảng chỉ đủ tiền ở và tiền học. Sự thiếu hụt đều do tiền quyên góp đóng bù vào.
– Ai góp vào cho?
– Nhiều thành phần trong quận này và ở Luân đôn
– Naomi Brocklehurst là ai thế?
– Là bà xây toà nhà mới và con trai bà bây giờ là thủ qũy và quản lý.
– Vây thì trường không phải của bà đã cho bảo chúng ta phải có bánh mì và phó- mát.
– Của cô Temple ấy à? Không phải – mình ước gì là của cô ấy. Cô ấy phải trả lời cho ông Brocklehurst tất cả công việc cô làm. Ông ấy mua thực phẩm và áo quần cho chúng ta. Ông ở trong một ngôi nhà lớn cách đây hai dặm.
– Ông có tốt không?
– Ông ấy là một mục sư, và người ta bảo ông ấy làm rất nhiều việc.
– Bồ biết hết tên các giáo viên chứ?
– Cô phụ trách hôm nay là cô Miller. Có cô Smith, cô dạy may vì tất cả chúng ta phải may lấy áo quần và các thứ. Cô nhỏ con có tóc đen là cô Scatcherd, cô dạy lịch sử và văn phạm. Người trùm khăn là bà Pierrot, bà ta ở Pháp và dạy tiếng Pháp.
– Bạn có thích các cô giáo không? Bạn có thích cái cô nhỏ tóc đen không?
– Cô Scatcherd nóng nảy, bạn nhớ đừng xúc phạm đến cô ấy. Bà Pierrot không phải là người xấu.
Tôi hỏi:
– Cô Temple tốt nhất, phải không?
– Cô Temple rất tốt và rất khéo léo. Cô hơn hết thảy vì cô biết rộng hơn tất cả.
– Bạn ở đây lâu chưa?
– Hai năm.
– Bạn mồ côi hả?
– Mình mất mẹ.
– Bạn có được hạnh phúc ở đây không?
Hellen Burns đáp:
– Bạn hỏi nhiều qúa đấy nhé! Mình đã trả lời cho bạn đầy đủ rồi đấy. Thôi bây giờ mình cần đọc sách nghe.
Nhưng khi cô ta vừa giới thiệu tên của cô thì chuông reo báo giờ ăn và tất cả chúng tôi đi vào nhà.
Thực phẩm dọn ra bây giờ cũng không hơn gì bữa điểm tâm. Hai cái thùng thiếc lớn hơi bốc lên tỏa mùi thịt mỡ ôi, chúng tôi nhận khẩu phần trong thùng gồm khoai tây và mấy miếng thịt xỉn màu kỳ lạ nấu chung với nhau. Tôi ăn cái gì có thể ăn được và tự hỏi không biết rồi ngày nào cũng vậy sao.
Sau bữa ăn chúng tôi trở lại phòng học, tiếp tục học cho đến năm giờ.
Trong buổi chiều có chuyện đặc biệt duy nhất xảy ra là tôi thấy cô Scatcherd đuổi Hellen Burns ra khỏi lớp học sử. Cô ấy bị ra đứng một mình ở giữa phòng học rộng. Lối phạt xem ra thật khó chịu đối với một cô gái lớn như vậy, cô ta khoảng mười bốn tuổi, nhưng tôi ngạc nhiên khi cô không tỏ ra buồn phiền hay xấu hổ gì hết, khi đứng giữa phòng trước mặt mọi người.
Tôi tự hỏi:” Tại sao cô ta chịu phạt một cách bình tĩnh và yên lặng như thế? Tôi thì ước chi nền nhà có thể nứt ra để mình có thể chui xuống dưới. Còn cô ấy thì có vẻ như đang suy nghĩ đến điều gì ngoài hình phạt của cô.”Đôi mắt cô dán thật chặt xuống nền nhà, nhưng tôi chắc cô không thấy nó, đôi mắt hình như chạy tọt vào trong và nhìn xuống con tim mình. Tôi tin rằng cô đang nhìn thấy cái gì đó mà cô đang nhớ lại. Tôi tự hỏi cô ta là loại con gái như thế nào, ngoan hay là nghịch.
Không lâu sau năm giờ, chúng tôi lại có bữa ăn gồm một ly cà phê nhỏ và nửa lát bánh mì nâu. Tôi ăn phần ăn của mình với sự thích thú, ước gì tôi cứ có thêm mãi bởi vì tôi vẫn còn đói lắm.
Nghỉ nửa giờ rồi học lại, rồi lại một bình nước và miếng bánh bột kiều mạch, rồi cầu nguyện và đi ngủ.
Ngày đầu tiên của tôi ở Lowood là như vậy.
Jane Eyre Jane Eyre - Charlotte Bronte Jane Eyre