Nguyên tác: Thượng Hải Đích Hồng Nhan Di Sự
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:21 +0700
Chương 3
Tôi đã nhìn thấy tấm ảnh chụp chung của ba mẹ con Thượng Quan Vân Châu, Diêu Diêu và Đăng Đăng, đó là một ngày hè năm 1965, Đăng Đăng đã rất lớn, cao hơn cả chị, anh vừa từ Bắc Kinh xuống Thượng Hải thăm nhà. Đi học trở về, Diêu Diêu mừng quá, hỏi Đăng Đăng đâu, biết rằng em đang tắm, chị vẫn chạy thộc vào buồng ôm cho được Đăng Đăng ngay trong bồn nước. Cách đó mấy hôm bà Thượng Quan Vân Châu và Diêu Diêu đều mới về lại Thượng Hải sau một đợt công tác khá lâu ngày ở nông thôn. Diêu Diêu cùng sinh viên Học viện Âm nhạc Thượng Hải đi Phụng Hiền và ở đó đúng bảy tháng tham gia phong trào tứ thanh, cho nên ta có thể nhìn trên tấm ảnh da dẻ chị đã sạm chắc bởi vừa dãi dầu nắng gió vùng biển. Các thầy cô trường nhạc về nông thôn Phụng Hiền đã sáng tác nhiều ca khúc mang sắc thái dân dã, còn sinh viên thì tranh thủ thời gian cũng dàn dựng một số tiết mục để biểu diễn báo cáo ở Thượng Hải. “Không quên nỗi khổ giai cấp” là một bài hát mới ở nông thôn hồi phong trào tứ thanh mà Diêu Diêu từng biểu diễn, lời ca có đoạn “trên trời đầy sao và trăng sáng, dưới đất đội sản xuất khai hội tố khổ kêu oan”, ca từ mộc mạc ngây ngô là thế, nhưng qua giọng hát của cô gái Thượng Hải Diêu Diêu ý tứ bỗng trở nên mượt mà, êm ấm, khiến người trong ngành âm nhạc đều chẳng thấy khổ, thấy oan đâu cả. Nghe nói học sinh sinh viên về nông thôn vung tay “bốn thanh toán” cũng mạnh mẽ lắm, cũng bức tử nhiều phú nông, địa chủ, cũng gây cho đám con em họ nhiều nỗi đảo điên. Tương tự ở thành phố nhiều nhà tư sản tuy đã công tư hợp doanh, tuy trong tay không còn một tài sản nào nữa, vẫn bị bức đi học tập cải tạo ở ven đô. Dưới lá cờ đấu tranh giai cấp, quan hệ giữa người và người bắt đầu cọ xát đâm chém lẫn nhau, tôi chẳng rõ bà Thượng Quan Vân Châu và chị Diêu Diêu đã cảm nhận được điều này hay chưa.
Tấm ảnh ba mẹ con họ giờ đã ngả vàng, bốn cạnh đều cắt răng cưa, tuy đơn giản mà lại rất trau chuốt, đặc trưng cho các hiệu ảnh ở Thượng Hải những năm 60. Ba nhân vật mẹ, con trai, con gái toàn mặc sơ mi màu trắng, một loại trang phục giản dị nhất lúc bấy giờ, có cái gì đó khiến người ta cảm thấy sự gò bó, nghiêm túc, lạnh lẽo của thời đại. Con người bắt đầu xóa mờ bản ngã, nghĩ cách trà trộn với nhân quần, ngõ hầu tìm một chút ấm áp nơi tập thể, có lẽ gia đình bà Thượng Quan Vân Châu phải làm như thế, chẳng còn cách nào khác. Một màu trắng trơn tru như quả trứng, điểm ba nụ cười hồn nhiên và bóng đen của ánh đèn chiếu, mà nguồn sáng rọi từ phía trái.
Đây là một hiệu ảnh nổi danh của Thượng Hải thời ấy, khách đến chụp ảnh xin mời đăng ký viết hóa đơn ở dưới lầu, nhận một phong bì đựng ảnh rồi lên lầu giao cho thợ. Người đàn ông nọ đang bận rộn “tút” lại các tấm ảnh, cặm cụi làm việc và nói bâng quơ “gương lược đấy, hãy tự chỉnh lý trước đi”. Thật là cái thời quá ư hà tiện, hà tiện cả lời ăn tiếng nói, và dùng từ rất đỗi ngây ngô, sao không gọi chải đầu, trang điểm mà chỉ cộc lốc hai chữ “chỉnh lý” giống như tóc tai là một loại đồ vật mà thôi. Hiệu ảnh cẩn thận dùng sợi dây đay nối cái lược với đinh trên tường, chỉ có thể chải, chứ đừng hòng đánh cắp, răng lược chải chung nhiều cái đầu và còn lưu giữ nhiều mùi vị, thỉnh thoảng dính lại tý chút va-dơ-lin “chơi sang”, khiến người ta tưởng tượng khách vừa chải chắc là một tay viên chức ngân hàng, tuổi đã trung niên mà vẫn thích ăn diện.
Thuở nhỏ tôi cũng từng đến hiệu ảnh này, tôi còn nhớ phòng chụp ảnh không lớn lắm, nhưng hay hay, chẳng có cửa sổ, mà không khí trong phòng thì sặc mùi chua của thuốc hiện hình từ buồng tối bên cạnh bay sang. Giữa phòng đặt một băng ghế gỗ, bề mặt rộng hơn các loại ghế thông thường, góc phải là giá đèn chiếu với những cái bóng khá to hình trống, giống như nhãn cầu người cận thị độ cao, còn dưới sàn cơ man là dây điện thô tháp bò ngoằn ngoèo, mỗi lần khách đi qua đi lại, ông thợ ảnh không quên nhắc nhở, cẩn thận kẻo vướng dây làm đổ dàn đèn. Hình như ông thợ ảnh nào cũng giống nhau, có chút gì đó ra vẻ tài năng, phong lưu nhưng chẳng đặng, tôi sợ hạng người này vì cảm thấy không bao giờ làm họ hài lòng. Nhưng tôi nghĩ, Thượng Quan và con cái của bà không đến nỗi như vậy, bởi không khí ở trường quay từng khiến họ hưng phấn lắm rồi, mỗi một khi ánh đèn bật sáng là đôi mắt diễm huyền của họ lại như kim cương rực lên, tỏa ngời. Ông thợ ảnh chui đầu vào cái hộp trùm khăn đen kịt và qua ống kính ngắm nhìn họ hồi lâu rồi bước lại sửa sang tư thế, đẩy nhẹ vai người này, bảo người kia hơi nghiêng một tý. Chẳng rõ tốp thợ ảnh ôn hòa hay giả tạo mà nói năng cứ nhỏ nhẹ, thầm thì, “nào chếch sang trái một tý, thế, thế, tý nữa, rồi, tốt lắm” hệt như người lớn nựng trẻ con, hoặc một cậu chàng đối đãi với bạn gái mà hắn đã chán chường nhưng vẫn tỏ ra lịch sự, nhẫn nại và không khỏi cảm phiền. Đoạn trở lại với cái hộp trùm khăn đen, ngắm nhìn khách lần cuối, rồi lôi ra quả bóng cao su, vân vê trong tay và bắt đầu chọc cười. Bởi vì ông ta làm bộ tài giỏi, phong lưu nên chỉ cần nhác trông là bạn đã tức cười, đợi tới lúc ông ta “nựng” ông ta “dỗ” mới thật khôi hài, dẫu khó tính mấy bạn cũng sẽ cười toe toét và thế là bấm máy, xong một kiểu ảnh. Nếu bạn không cười thì người thợ ảnh sẽ không vui, bởi vì đứng chân trong những hiệu ảnh tiếng tăm ở Thượng Hải vô lẽ lại đi chụp một tấm hợp ảnh gia đình mà buồn thiu buồn thỉu hay sao.
Tôi ngắm kỹ tấm ảnh của gia đình bà Thượng Quan và nhận ra ngay nụ cười thỏa hiệp ôn hòa ở Đăng Đăng, “ờ đã bảo là cười, thì cười, chứ mất mát gì”, lúc bấy giờ anh hãy còn là một thiếu niên sống nhờ nhà ông nội, anh thấy quần áo của các anh, chị thúc bá hễ mỗi lần đổi mùa là lôi ra từ thùng to tủ nhỏ hệt như ba má anh dưới Thượng Hải, còn của anh, xuân hạ thu đông tất cả đều bỏ chung vào một cái giỏ đan bằng cọng cây liễu, và bất kỳ lúc nào cũng có thể mang theo một cách dễ dàng, anh dùng riêng thau và khăn rửa mặt, mọi người rất khách sáo đối với anh, bởi họ đâu phải là cha sinh mẹ đẻ ra anh. Anh khâm phục hay nói đúng hơn là ngưỡng mộ chị Diêu Diêu từng bị má mắng chửi, tát tai, má là người thân, má là ruột thịt nên bà mới làm như thế, má thương con, má quý chị thì bà cần chi khách sáo. Còn nay bà Thượng Quan và Diêu Diêu đều phải gượng cười, nhất là Diêu Diêu, chị đã dùng sức lực mới có thể làm cho làn môi hé nở, kỳ thực thì chị đang rất trẻ, vẫn chưa hiểu cách thức ngụy tạo một nụ cười hay một cái mặt nạ. Phần Thượng Quan, bà biết mình già rồi, đang phát phì, thật giống như từ mẫu đoan trang yên ổn, tôi chỉ có thể nhìn qua đôi mắt mà nhận thấy bà chẳng được vui, dẫu chúng diễm huyền và hơi cong xuống.
Năm 1965, đây là lúc Diêu Diêu chia tay với anh kỹ sư trẻ và bà Thượng Quan đã không được diễn kịch hay đóng phim nữa, người ta cũng gạt bà ra khỏi danh sách văn nghệ sĩ thường có may mắn tham dự những cuộc đón chào Mao Chủ tịch. Diêu Diêu chính thức là đoàn viên thanh niên cộng sản, chị lớn lên nhiều và hiểu rõ vì sao mình đã mất cả cha lẫn bạn trai, vì vậy chị phải thay tên đổi họ thành Vi Diệu theo bên mẹ, ghi rõ ràng trong thẻ sinh viên. Bà Thượng Quan Vân Châu vừa về già vừa lâm bệnh, số phận không cho bà thực hiện nổi ước mơ, được đóng một bộ phim nào đó để bộc lộ, phát huy hết mọi tài năng, thế mà giờ đây bà vẫn cứ nỗ lực, bà chưa biết trong cặp vú của mình những tế bào ung thư đang sinh sôi nảy nở, đang trở thành nguy cơ chực nuốt chửng gia đình bà. Bà và con gái Diêu Diêu cứ một mực nỗ lực, phấn đấu, họ ôm ấp cái thế giới quan “sự tại nhân vi”, con người quyết định tất cả, vì vậy mà liều thân cho danh hiệu một thanh niên đỏ, một diễn viên hồng, chỉ riêng Đăng Đăng thì khác, với anh là “muôn sự tại trời”.
Đúng vậy, bên ngoài xã hội phong trào này tiếp nối phong trào kia như sấm dậy đùng đùng, liên miên không dứt, chắc chắn là Thượng Quan Vân Châu và Diêu Diêu nhất định phải nghe thấy những tiếng sấm này, nhưng có điều họ không biết vì sao lại nổi sấm, càng không biết chúng sẽ xé tan những lớp bảo hộ bởi ba cái áo trắng kia, dẫu đó là cờ trắng đầu hàng, chúng cũng chẳng thương tình hay tha thứ. Ba nụ cười, ba cái áo trắng của họ vào mùa hè năm 1965 tựa như ánh sáng leo lét, tội nghiệp tỏa ra từ quả trứng đang nằm dưới tảng đá. Có lẽ người viết quá ư đa tâm nghĩ ngợi, cũng do ngày ngày ngắm nhìn ảnh họ, cũng do ngày ngày cùng “đi” với họ, nay đứng ở thời điểm 40 năm sau khi xảy ra sự việc tôi đã có thể đoán được cuộc đời họ rồi sẽ đi tới đâu.
Tôi đã gặp Trình Ngọc Tiên bạn học với Diêu Diêu, ông cho biết, tháng 6 năm 1965, Diêu Diêu trở về trường sau đợt công tác tứ thanh ở nông thôn Phụng Hiền, tháng 9 thì Học viện Âm nhạc Thượng Hải biên chế sinh viên toàn trường thành 17 phân đội, mỗi phân đội do các giáo viên trẻ dẫn đầu, mỗi tuần xuống nhà máy nửa ngày vừa lao động vừa tham gia biểu diễn nghệ thuật. Tháng 11, lại là phong trào học tập Vương Kiệt, một chiến sĩ kiểu Lôi Phong, thầy trò khẩn trương luyện tập, dàn dựng tiết mục để biểu diễn trong đêm “Ngợi ca Vương Kiệt”, Diêu Diêu đứng trong dàn đại hợp xướng và đã hát hết mình với những bài “Một lòng vì cách mạng”, “Cùng bí thư vượt qua ngàn dặm”, “Thay trời đổi đất, chiến đấu với thiên nhiên” và nhất là “Tỏ rõ tráng khí trước Hồng Tùng Cương”, loại ca khúc chỉ mới nghe giới thiệu tựa đề là đã hừng hực lửa.
Năm 1965, Diêu Diêu đã là sinh viên năm thứ ba, theo gợi ý của Trương Xuân Kiều - Trưởng ban Tuyên truyền thành ủy Thượng Hải, đảng ủy Học viện Âm nhạc Thượng Hải - trường mà Diêu Diêu đang theo học - đứng ra tổ chức phê phán viện trưởng Hạ Lục Thing. Thoạt đầu sinh viên vẫn còn được lên lớp, chỉ chiều thứ hai, tư, sáu hàng tuần thì tập trung học tập văn kiện Đại cách mạng văn hóa. Đến hạ tuần tháng 5, đảng ủy yêu cầu đình chỉ học tập để huy động toàn bộ sinh viên và giáo chức vào phong trào đấu tố Hạ viện trưởng. Tại đại hội đấu tố người ta bắt Hạ tiên sinh già cả, thân hình gầy còm đội cái mũ nhọn làm bằng bìa cứng màu trắng, hóa trang thành quỷ sứ như các truyện cổ tích Trung Hoa. Trong vườn trường nho nhỏ của học viện dán đầy 4000 tờ báo chữ lớn, học viện có hơn 300 giáo chức, nhân viên mà 116 người đã bị nêu tên trên mặt báo.
Năm ấy tôi học lớp 1, ba má về nhà ăn cơm tối rất muộn, còn anh tôi thì ở hẳn trong trường để làm cách mạng, nhà chỉ mỗi tôi với bà cô già, lúc nào cũng văng vẳng tiếng loa cường độ mạnh gắn trên các xe ô tô chạy khắp hang cùng ngõ hẻm, người ta gọi chúng là xe tuyên truyền của sinh viên, tôi háo hức muốn đi xem những chiếc xe tuyên truyền đó, nhưng bị bà cô ngăn lại, bà nói, đàn bà con gái phải tránh xa chỗ nào náo nhiệt, vả lại loa phóng thanh la hét cái gì chúng ta làm sao hiểu nổi, tỷ như “cách mạng vô tội, tạo phản có lý”... Trọng Uyển kể rằng, viện trưởng họ Hạ bị giam trong trường không cho về nhà. Hạ Nguyên Nguyên - con gái út Hạ viện trưởng, năm ấy 18 tuổi, mới vào học viện học môn vĩ cầm, bổ sung:
- Và đâu đâu cũng hát mỗi bài ca “Ra khơi nhờ tay lái vững” để ca ngợi Mao Chủ tịch và luôn mồm đọc như vẹt những lời của ông ta. Ba tôi bị đưa đi “du đấu” (đấu tố lưu động) trong trường, không sót một xó xỉnh hay bộ môn nào, tôi và chị Hạ Hiểu Thu không được vắng mặt trong những buổi “du đấu” đó, lúc hô khẩu hiệu “đả đảo tên đầu trâu mặt ngựa Hạ Lục Thing” thì mọi người trợn mắt giám sát chị em tôi có giơ tay hay không. Học viện Âm nhạc Thượng Hải lúc bấy giờ chia thành 141 tổ chiến đấu, tất nhiên con em thuộc “hắc ngũ loại” (năm thành phần đen) như chúng tôi thì nằm ngoài tổ chiến đấu. - Tôi nghi ngờ và hỏi:
- Rất có thể khi ấy Diêu Diêu đang có mặt trên xe tuyên truyền, vì tôi đã thấy ảnh Diêu Diêu múa điệu chữ “trung”, người đeo kính đứng hàng sau chính là Diệp Dữ Nhân, sinh viên khoa chỉ huy của học viện, có phải không thưa bà Trọng Uyển - Trọng Uyển lắc đầu:
- Chúng tôi đều là sinh viên có thành phần gia đình phi công nông, riêng Diêu Diêu thì lại càng nghiêm trọng, cha cô ta ở Mỹ, mà Mỹ là kẻ thù số 1 của nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ, mẹ là diễn viên điện ảnh xã hội cũ nên Diêu Diêu không đủ tư cách leo lên xe tuyên truyền đi hò la cho tư tưởng Mao Trạch Đông, giỏi lắm thì người ta để yên đứng dưới đất mà nhìn, phải như Yến Khải - con cán bộ “hồng ngũ loại” (năm thành phần đỏ) mới hòng này nọ, anh ta thuộc lớp sinh viên tạo phản đầu tiên của học viện.
- Khi ấy Diêu Diêu đã quen với Yến Khải? - tôi hỏi.
- Hình như chưa, Yến Khải học sau Diêu Diêu một năm, ngành thổi sáo khoa âm nhạc dân tộc.
Trương Tiểu Tiểu, bạn thân của Diêu Diêu lên tiếng:
- Thực tình thì Đại cách mạng văn hóa đã thai nghén từ lâu, tôi còn nhớ một hôm ba tôi thầm thì gì đó với má, rồi òa ra mà khóc. Ba má cho tôi hay ở tòa báo người ta kết tội ông là phái học thuật phản động, nêu tên lên báo chữ lớn, dặn tôi đừng lộ chuyện ra bên ngoài, sau đó đến lượt chị tôi cũng bị công kích. Buổi ban đầu báo chữ lớn là ghê gớm lắm, chĩa vào ai là người đó chỉ có tiêu, thế mà ba vẫn lựa lời an ủi chị, thật tội nghiệp cho ông.
- Ở đâu cũng có báo chữ lớn hay sao? - Tôi hỏi.
- Mãi sau mới đại trà.
- Còn nhà anh thì thế nào? - Tôi quay sang Đăng Đăng.
- Chị tôi nói, nhà chúng tôi ở đường Kiến Quốc Lộ dán kín báo chữ lớn, tất cả đều bêu xấu má chúng tôi, nhiều bài lời lẽ bẩn thỉu, mất dạy. Lúc ấy má đã phẫu thuật chữa bệnh ung thư vú, hễ ai đến gõ cửa là bà run bắn lên, cho nên Hạ Lộ đành để ngỏ, ảnh chụp của má, kể cả ảnh diễn kịch, đóng phim đã bị Hồng vệ binh soát nhà đem ra đốt, số còn lại ông Hạ sợ quá cũng thiêu hủy luôn, 20 năm sau khi má được phục hồi danh dự tìm một tấm hình đặt lên bàn thờ truy điệu mà chẳng có.
Bước sang năm 1966, ngoài đường phố Thượng Hải tràn đầy cảnh tượng hãi hùng, Hồng vệ binh bắt đầu lấy kéo cắt những mái tóc xoăn, xẻo những quần ống chẽn và lột giày cao gót, quyết triệt nọc “lối sống” Tây Âu, tư bản chủ nghĩa và đêm đêm rực ánh lửa, nơi này đốt sách, chỗ kia thiêu đĩa hát, băng nhạc. Tháng 8, phó giáo sư khoa âm nhạc dân tộc, người đầu tiên của học viện tự sát, bà Thượng Quan sau phẫu thuật bỗng nói năng rất khó khăn, phải có người “thông dịch”, thế mà tháng 9 Diêu Diêu vẫn lên đường đi Bắc Kinh đến Quảng trường Thiên An Môn để nghe Mao Chủ tịch hiệu triệu Hồng vệ binh cả nước. Tháng 9 năm 1966, tình thế cách mạng đổi thay, phái tạo phản ngoi lên vũ đài chính trị, kẻ ngày xưa đánh người, đấu người nay đến phiên bị đánh, bị đấu, ông Mao quyết một phen làm cho thiên hạ đại loạn, phe này phái kia, nhưng ai cũng tôn ông là “mặt trời đỏ trong trái tim” của họ. Con em năm thành phần đen được đổi ngôi là “có khả năng giáo dục” và yêu cầu phải phân vạch ranh giới với cha mẹ, nghĩa là cách mạng bắt đầu đi vào mỗi gia đình, trò đã đấu thầy cô, nay đến lượt con đấu cha mẹ.
- Nhưng chị tôi và tôi đã không làm như vậy - Hạ Nguyên Nguyên cương nghị - Chúng tôi xuống nhà ăn và chẳng ai ngồi cùng bàn, cuối cùng chị Hạ Hiểu Thu phải quyên sinh vì ba, ba tôi lắc đầu bảo Hiểu Thu quá ư dại dột, sao không bình tĩnh chờ thời, sau đêm tối, ắt sẽ đến khi trời sáng.
- Tôi cũng thế - Trương Tiểu Tiểu đồng tình - ba tôi là họa sĩ, ba tôi rất tốt, cớ sao lại đi cắt bỏ quan hệ cha con với ông.
- Vậy còn Diêu Diêu? - Tôi hỏi mọi người, tất cả đều im lặng, hình như họ muốn nói “chị ấy đã chìm trong cách mạng”...
Nhà ga Thượng Hải người đông hơn trẩy hội, ai cũng ăn mặc như nhau một màu xanh quân phục, ngực cài huy hiệu Mao Chủ tịch, chen chúc lên tàu một cách thân ái, bởi “chúng ta đều là Hồng vệ binh của người”, không phân nam nữ, giới tính. Trên ghế, dưới sàn và cả dàn hành lý, chỗ nào cũng nêm chặt người, bởi vì chính phủ đã chỉ thị cho ngành đường sắt thi hành chế độ miễn phí. Đoàn tàu bị nhuộm đỏ với muôn ngàn ngọn hồng kỳ, đoàn tàu như một dàn loa cường độ lớn liên tục phát ra tiếng hát lời ca và cứ ở mỗi ga lại bổ sung thêm Hồng vệ binh, cho tới lúc đến Bắc Kinh thì hóa thành tổ ong, toàn là người đeo bám. Ba ngày ba đêm nhịn ăn, nhịn uống, nhịn đại tiểu tiện, nhịn rửa mặt để làm cách mạng, để đến được Bắc Kinh nhìn thấy người và tung hô “vạn vạn tuế”. Tại trạm tiếp đón ở Bắc Kinh, Diêu Diêu và Trọng Uyển được phân về Học viện Âm nhạc Trung ương, tự động tìm một phòng học còn trống để ngã người lấy lại sức ngày mai tập trung ra Quảng trường Thiên An Môn. Trọng Uyển ngủ khì, còn Diêu Diêu cứ trằn trọc, nằm xuống ngồi lên không sao chợp mắt nổi vì xung quanh chị toàn là mùi lạ tập trung từ bốn phương tám hướng về đây.
Mao Chủ tịch đứng trên xe jeep mui trần giơ tay nhẹ vẫy, xe của ông lướt giữa biển người, đi tới đâu là nơi ấy rộ lên “vạn tuế, vạn vạn tuế” râm ran như sấm dậy. Trên thế giới hiếm có một quảng trường nào rộng như Thiên An Môn, thế mà chẳng thừa phân vuông nào để trống, kín hết chân người, các ký giả năm 1966 đã hình dung “thật là biển đỏ”. Lẫn trong tiếng hô khẩu hiệu, đọc sách đỏ, hát bài ca cách mạng là lũ trẻ cảm động, sung sướng khóc hu hu.
- Khóc giàn giụa, cả tôi và Diêu Diêu đều thế. - Trọng Uyển thuật lại.
Mao Trạch Đông quả là nhân vật kỳ lạ, ông đã có một cái uy, một sức hấp dẫn, cuốn hút triệu triệu trái tim con trẻ vào trào lưu đại loạn, nổi loạn cho hả giận mà chẳng hề biết chung cuộc sẽ là gì.
Diêu Diêu mượn cớ đi đọc báo chữ lớn trên đường phố Bắc Kinh một mình tìm đến trường Dục Anh để gặp em trai Đăng Đăng, lúc này đã 15 tuổi, cũng ở hẳn trong trường vì sự nghiệp cách mạng, vẽ tranh Mao Chủ tịch, viết biểu ngữ và tham gia đội ca hát, luôn mồm chỉ mỗi bài ca “Hồng vệ binh hành khúc”. Tôi hỏi lại anh chuyện 34 năm về trước:
- Chị Diêu Diêu có kể cho anh nghe là chị ấy đã đi dán báo chữ lớn ở Xưởng phim Thượng Hải để phân vạch ranh giới với bà Thượng Quan hay không?
- Không.
- Chị Diêu Diêu đã biểu thị như thế nào khi báo cho anh biết bà Thượng Quan bị đấu tố, hành hạ, hoặc lo lắng, hoặc đau lòng?
- Cũng không luôn.
- Chị Diêu Diêu có nói rõ lý do vì sao lại đi Bắc Kinh?
- Chị ấy bảo để kết bè kéo mảng với Hồng vệ binh cả nước.
- Còn để nhìn thấy Mao Chủ tịch lần thứ tư gặp gỡ Hồng vệ binh nữa chứ?
- Điều ấy thì chị Diêu Diêu không nói.
- Chị Diêu Diêu lúc đó thế nào?
- Rất vui, có vẻ rất bận, chị em nói chuyện với nhau đâu được một lát thì chia tay.
Trong chuyến thượng kinh ấy cũng có Hạ Hiểu Thu và Hạ Nguyên Nguyên, hai chị em họ không ra Quảng trường Thiên An Môn hòa trong biển đỏ mà đi tìm Chu Ân Lai kêu oan cho cha mình - viện trưởng Hạ Lục Thing.