Số lần đọc/download: 6889 / 120
Cập nhật: 2015-01-09 21:32:56 +0700
Phần 3
Một tiếng đồng hồ sau khi anh em rút hết vào hang, bọn giặc từ mí vườn đã tràn tới khắp xóm Hòn Đất. Anh Hai Thép đứng với anh em trên triền Hòn rậm rạp mít và vú sữa, nhìn thấy bọn giặc đi lúc nhúc dưới xóm. Bóng chúng loáng thoáng hiện ra sau những vòm lá mít, măng cụt, lê - ki - ma. Có tên đã vội vã leo dừa. Tiếng chúng nói chuyện la hét ầm ĩ, mọi người đều nghe thấy. Trong ánh nắng sớm chiếu rực các vườn cây bên dưới, xóm Hòn Đất náo động cả lên, bởi tiếng giặc la ó, tiếng súng nổ "bóc đùng", tiếng gà kêu oang oác và cả tiếng bò rống nghe rất thảm thiết.
Những thằng lính áo rằn ngồi dưới các gốc dừa thì coi hệt như những bụi lá. Lúc chúng đi đứng tới lui mới phân biệt ra chúng được. Một toán vác xoong chảo vừa lấy của đồng bào kéo đi lểnh nghểnh. Một toán khác cũng chừng một trung đội lũ lượt tràn ra phía suối. Con suối này chảy uốn quanh Hòn Đất, nên gọi suối Lươn. Bà con gọi thế vì dưới suối từ lâu có một cặp lươn trắng rất lớn. Trước nay không ai dám bắt cặp lươn đó cả. Nhất là từ cái dạo có ông già Khơ me tên Suôn lén câu, chẳng những bao nhiêu lưỡi câu ông thả xuống đều bị cắn đứt, mà sau đó về nhà ông còn bị vật mình vật mẩy đau tới ba bốn tháng. Chuyện ông Suôn thì không biết ra sao, chớ cặp lươn thì có thật, và suối Lươn rõ ràng là một suối nước lành, bao đời nay vẫn là nguồn tươi trong cho cả Hòn Đất... Bọn giặc xổ ra suối đã bắt đầu đóng cọc che lều. Chúng cắm bốn năm cái lều vải bạt lớn cặp theo suối. Anh Hai Thép lo lắng nói với Ngạn:
- Tụi này bộ tính đóng lâu nghe? Nó chiếm suối kìa! Ngạn lẩm bẩm:
- Ờ, nó chiếm suối rồi! Hai Thép nói:
- Nó chiếm cái suối thì ngặt cho mình lắm!
- Trong hang nói mình có trữ nước mà!
- Có, nhưng sợ không đủ, nếu kéo dài đôi ba bữa thì kẹt lắm! Anh Hai Thép vẫn đau đáu nhìn xuống xóm, hỏi:
- Thôi, mình vô hang đi. Vô trỏng tính toán coi sao! Anh dạy bảo chú Đạt ở lại gác nếu có gì chạy về cho hay, rồi cùng mọi người men theo vách đá, đi lần xuống phía miệng hang.
Hòn Đất có một chu vi bao bọc lối bốn cây số. Nó hơi dài, giống như một chiếc mai rùa. Chiều dài Hòn Đất trên một cây số, còn chiều ngang ước độ bảy trăm thước. Cả Hòn chỉ có một miệng hang độc nhất. Luồn quá miệng hang một chút là gặp cái hang nhỏ bùng binh. Tại đây có ba ngách tối om, chạy sâu hút vào trong. Anh Hai Thép, Ba Rèn và Ngạn vừa khom lưng luồn vào tới hang nhỏ thì gặp hai anh du kích ngồi gác. Một anh nói:
- Anh em vô hang lớn hết rồi, mấy anh à! Ngạn hỏi:
- Mấy anh ngồi đây dòm thấy phía ngoài rõ không?
- Thấy!
- Để tôi coi thử! Ngạn quành lại gộp đá. Anh du kích nánh sang một bên. Ngạn ghé mắt nhìn ra ngoài. Anh thấy ở ngoài rất rõ, thấy bãi cỏ trống và những cây dừa trĩu quả sát Hòn, thấy cả bọn địch lố nhố. Anh reo lên:
- Hay lắm, ở đây quan sát được! Rồi anh bước ra, đi theo anh Hai Thép và chui vào cái ngách bên trái. Ba người đi vòng vèo, khi lội qua trái, khi lội qua phải.
Có tới năm phút sau họ mới tới một cái hang khá rộng, sáng mờ, đang có tiếng người lao xao. Đấy gồm toàn những anh chị em cán bộ lộ mặt, không ở lại xóm được và những anh em du kích. Đáng lẽ càng vào sâu hang càng tối, nhưng ở trong chỗ này lại sáng dần ra. Những gộp đá xếp chất chồng trên vòm hang có nhiều kẽ hở, nhờ vậy ánh sáng từ ngoài lan vào được. Nhưng ánh sáng len vào cũng không nhiều, nó chỉ vừa tạo ra cái cảnh tranh tối tranh sáng, khiến những ai ở trong hang đều cảm thấy như mình ở giữa đêm sắp hầu tàn mà ngày thì chưa rạng. ấy là màu của buổi tinh mơ mới chớm, màu bóng đêm nhòa xóa, nhưng bình minh lại chưa đến. Trong cái hang có vẻ sinh động riêng biệt, hơi huyền ảo, với những bước chân không động, tiếng nói cười nghe cũng ấm hơn và mọi người chỉ có thể vừa đủ nhận ra nhau chứ không trông thấy rõ mặt nhau lắm. Khi có người và hơi thở, khi có tiếng nói và những bước đi, cái hang liền khác trước, đến nỗi lúc Ngạn mới bước vào, anh nghe tiếng Quyên khẽ gọi, thì anh vẫn biết là tiếng Quyên đấy, mà sao nghe cứ lạ hẳn. Anh dừng lại, chưa trông thấy Quyên đâu, thì đôi bàn tay quen quen mát rượi của Quyên đã nắm chặt lấy tay anh. Đôi bàn tay ấy rờ rẫm người anh, rờ từ gáy dọc xuống lưng anh một cách gấp gấp, như để coi anh có phải thực là một Ngạn còn nguyên vẹn không vậy. Quyên thì thào:
- Đánh chông kết quả quá, hả anh? Hồi nãy, em nôn quá cứ đòi ra đó mà mấy ảnh không cho! Vậy thì hôm trước kêu em đi tập bắn súng chi cho uổng công...! Nghe nói tụi nó vừa chết vừa bị thương gần năm chục phải không anh? Trời ơi, em với chị Ba, với con Thúy đứng trên Hòn coi rõ hết. Coi thiệt là sướng.
- Chị Sứ với con Thúy đâu?
- Ngạn hỏi. Quyên không đáp, vội chạy đi kiếm Sứ dắt lại. Ngạn thấy một cái bóng nhỏ vụt nhào tới ôm chặt mình:
- Dượng út, dượng út!
- Con bé Thúy kêu lên mừng rỡ.
- Sao con cũng vô đây? Thôi, nguy rồi! Ngạn nói và nhắc bổng con bé lên. Chị Sứ nói:
- Nó đi theo chị từ sáng. Biểu ở nhà với má cứ không chịu... Bây giờ làm sao mà về được... Mày thấy chưa, Thúy?
- Con không về, con ở hang con chơi! Con bé ngẩng nhìn Ngạn:
- Vui quá hả dượng út! ở trong này vui quá. Hồi nãy dượng út có bắn chết tụi Mỹ - Diệm nào không? Con vỗ tay hoan nghinh ghê lắm, chắc dượng đâu có nghe. Con Thúy nói rối rít. Nó vui vẻ, lăng xăng trong vòng tay Ngạn. Hình như được ở trong hang nó thấy thú vị lắm. Lẽ khác, người nào trong hang cũng đều quen với nó cả. Nó đi lọ mọ thế mà ai cũng nhận ra và kêu đúng tên nó. Nên nó sung sướng.
- Ngạn à, nãy giờ em ở trên Hòn ngó thấy dưới xóm ra sao?
- Chị Sứ hỏi.
- Ngó thấy rõ lắm, chị ạ. Tụi nó tràn vô khắp xóm rồi. Đông lắm. Lính vác xoong chảo đi nghễu nghện. Tụi nó chiếm suối Lươn rồi. Coi bộ nó tính đóng quân...
- Cha...
- Quyên buột miệng kêu, lo lắng. Và cô nói khẽ với Ngạn:
- Trong hang mình thì có nước nhưng ít quá. Hồi sáng vô hang, em với chị Ba đi coi lại những cà - om nước thấy có chín cái mà bị chảy sạch không còn một giọt.
- Sao?
- Mấy cái cà - om đất đó để lâu quá bị rỉ chảy. Em với chị Ba, Năm Nhớ phải đội cà - om chạy ra suối múc nước. Đội ba chuyến được lại chín cà - om như cũ. Mà cái cà - om nước sau cùng thì Năm Nhớ làm rớt bể... lúc đó nghe anh Thẩm bị thương!
- Vậy thì bây giờ còn tất cả được mấy cà - om?
- Cũng còn được tám cà - om, nhưng mình hơi đông...
- Thôi được, để rồi... à, Thẩm với chú Bé bị thương giờ ở đâu?
- Ở kia! Quyên chỉ vào phía trong hang.
- Còn vợ chồng thằng cha trại đáy?
- Trói bỏ trong hang xẻo. Con vợ khóc thôi là khóc. Ngạn bảo Quyên dắt anh lại chỗ mấy anh bị thương. Bé Thúy cũng chạy theo. Quyên vừa dẫn Ngạn đi vừa thì thào:
- Tội nghiệp thằng Bé quá! Cũng bị miểng mọt - chê như anh Thẩm. Bộ hồi nãy tụi nó thụt trúng ngay hả anh? Ngạn gật đầu. Quyên lại nói:
- Em với Năm Nhớ mới rửa và băng vết thương cho hai người. Em thấy cánh tay của Bé nặng lắm. Còn vết thương nơi bắp chân Thẩm coi vậy chớ không sao... Ngạn nói:
- Không sao mà đã có người khóc rum lên rồi!
- Ai khóc? Năm Nhớ hả?
- Ngừng một chút, Quyên khẽ bảo:
- Ờ, thì nó thương anh Thẩm nó mới khóc!
- Thương, thương mà hồi trước tới giờ sao không chịu hé ra, cứ êm ru, bây giờ mới...
- Bộ phải nói ra mới thương à? Tại anh Thẩm, anh Thẩm không nói với nó. Chớ Năm Nhớ thì làm sao nó dám nói trước được! Ngạn nói giọng tỉnh như không:
- Vậy còn cô, sao hồi đó cô dám nói trước với tôi!
- Nói hồi nào, hồi nào? Quyên quay phắt lại, vảnh tay tát vào người Ngạn. Ngạn cười rúc rích. Đi gần đến góc hang, Quyên kêu:
- Năm Nhớ ơi!
- Quyên hả? Ngạn sắp bước vào, chợt thấy bàn tay nhỏ xíu của con Thúy rút ra khỏi tay mình. Anh nghĩ bụng:
“Chắc con nhỏ sợ". Anh bước tới, nhìn thấy Thẩm đang ngồi trên một phiến đá phẳng, lưng tựa vào vách hang, cái chân trái của Thẩm duỗi ra, co co. Thằng Bé thì nằm dài trên chiếu, tay mặt bị thương đặt lên tấm khăn rằn xếp gấp lại. Năm Nhớ ngồi bên thằng Bé, tay cầm một cái khăn ve vẩy. Thẩm cất tiếng hỏi:
- Mày đó hả Ngạn?
- Ờ, tao đây, sao?
- Không sao...
- Coi miểng còn dính trong đó không? Năm Nhớ nói:
- Không, em chắc là không có miểng. Nó bay luôn đi rồi!
- Chắc là vậy... Ngạn tháo lấy cây đèn pin móc ở thắt lưng. Anh bấm đèn soi chân Thẩm. Con bé Thúy giờ cũng rón đến coi. Thẩm giơ tay nắm lấy tay con bé Thúy, bảo nó ngồi xuống cạnh anh. Vết thương của Thẩm đã được băng kỹ. Máu không còn chảy nữa. Khi Ngạn cúi nhìn vết thương, anh nghe Thẩm khẽ nói:
- Tao biết, tao không hề gì đâu... Miểng mọt chỉ chém sơ qua bắp chuối thôi. Phải chú ý coi sóc cho thằng Bé, cái tay của nó nát quá. Thằng nhỏ ngon lắm, không rên la gì hết!
Ngạn bước tới chỗ thằng Bé nằm. Anh bấm đèn nhìn. ống tay áo rách nát đã được cắt gọn, cánh tay thằng Bé được băng giáp tới sườn, và máu sẫm bết dính các lớp băng lại. Bàn tay phải còn lại của thằng Bé cứ cấu chặt xuống mặt chiếc đệm. Đôi mắt thằng Bé nhắm nghiền, miệng thở phập phào. Da mặt nó hơi tái lại, nhưng đôi môi vẫn tươi bậu, hênh hếch. Nó nằm đây tợ như nằm ngủ chớ không phải bị thương. Cái khuôn mặt trẻ thơ ấy tưởng như không phải đang đau đớn, tưởng như hãy còn vương tiếng cười khanh khách khi nó trườn giỡn với thằng út em nó trên bãi biển hay hí hửng vụt la ré khi cùng cha nó kéo lên khoang ghe một vạt lưới đầy cá. Nó còn nhỏ quá. Nhìn cặp mắt nhắm nghiền, đôi môi tươi bậu hênh hếch kia. Ngạn có cảm giác tim anh như bị một bàn tay nào bóp mạnh, rồi khi bàn tay đó thả ra, máu trong huyết quản anh như sôi lên. Đầu anh nhức nhói hình dung ngay tới bóng mấy thằng giặc lom khom trí những khẩu mọt - chê lên mặt ruộng. Rồi thì cái bộ tịch loay hoay ngắm nghía của thằng pháo thủ, cùng những trái lựu đạn đuôi chia, bộ chân súng có bàn rộng bè như chân vịt từ đó không rời ra khỏi đầu Ngạn nữa. Mãi đến lúc anh nghe thấy có tiếng anh Hai Thép gọi ở trước hang, anh mới đứng dậy. Anh khẽ bảo Quyên bấy giờ đang ngồi kéo lại ống tay áo, sửa lại áo quần cho thằng Bé:
- Mấy ảnh kêu họp kìa. Đi Quyên! Con Thúy nãy giờ vẫn còn ngồi nép vào vai Thẩm, Quyên nói với nó:
- Thúy ở lại chơi với cô Năm, với mấy chú, nghe?
- Dạ. Tất cả đảng viên hiện có mặt trong hang đều được triệu tập. Nhưng khi các đảng viên đã đến ngồi vây quanh thì anh Hai Thép lại nói:
- Ban nãy tôi định triệu tập các đồng chí đảng viên họp trước, nhưng có lẽ không cần, mình cứ họp tất cả anh em, trừ anh em đang có nhiệm vụ canh gác và trông coi thương binh. Các đồng chí thấy sao?
- Đồng ý, nên họp tất cả! Ba Rèn chạy đi gọi anh em lại. Anh Hai Thép lên tiếng:
- Không nói thì các đồng chí cũng biết lần này địch đánh lớn. Có thể nói đây là một trận càn quy mô hơn hết trong tỉnh. Sau khi đụng độ với ta ở ngoài Vạn Thanh, giặc đã tràn vô xóm. Ban nãy, chúng tôi có đứng trên Hòn coi thì thấy rõ ý đồ tụi nó định vây hang. Hiện tụi nó đã chiếm suối nước, và vòng quân của địch đã ngăn cắt chúng ta với trong xóm. Mới đây, anh em gác trên Hòn về cho biết có mười tàu mặt dựng vừa tới đậu cặp bãi, cách bờ chừng một cây số. Theo tôi tụi nó sẽ đánh hang. Tình hình là như vậy, nên chúng ta phải tìm cách đối phó... Giữa lúc Hai Thép đang nói, thình lình có những tiếng nổ vang rền cắt ngang lời anh. Bụi cát trên vòm hang vụt đổ xuống rào rào. Mọi người đều nhổm bật dậy. Không ai biết là cái gì. Kế đó tiếng nổ dội đến liên tiếp làm cho những gộp đá bên trên đều rung chuyển như sắp đổ sụp. Ngạn nói:
- Tôi nghi nó thụt mọt - chê 81 lên triền Hòn!
- Có lẽ! Anh Ba Rèn phủi tay:
- Ối, mình ở đây dẫu nó có bỏ bom tấn mình cũng khỏi sợ! Tiếng nổ vẫn tiếp tục không ngớt. ở trong hang mọi người nghe tiếng rền vang dội rất lâu, có đến mười phút sau mới dứt. Ai cũng lấy làm bực vì không biết bọn chúng đang làm gì. Mãi một lúc sau, Đạt nhỏ từ ngoài chạy xổ vào, la:
- Tụi nó bắn cà - nông lên Hòn quá sức. Bắn gẫy cây gẫy cối hết. Cháu núp sau mô đá, nghe tiếng miểng nó đi rẻng rẻng. Hai Thép hỏi Đạt:
- Còn tụi ở dưới xóm có động tĩnh gì không?
- Tụi nó siết chặt hơn hồi nãy. Quân nó đóng dày chung quanh đây hết. Từ chân Hòn mình trở ra chừng hai công đất đều có tụi nó!
- Ở gần miệng hang thì sao?
- Nó chưa vô sát miệng hang. Hai Thép nói:
- Tụi này bắn đại bác lên Hòn để dọn dẹp đây. Kiểu này thế nào nó cũng đánh vô. Tôi đề nghị bố trí ngay bốn tổ ba ba. Một tổ ở ngoài miệng hang, hai tổ thủ ở trong. Nên tập trung lựu đạn và tôm - xông cho các tổ đó. Ba Rèn và Ngạn đi bố trí liền đi. Còn bao nhiêu ở lại đây, tôi sẽ phân công. Anh Ba Rèn và Ngạn đứng lên. Hai tổ du kích và hai tổ của đội võ trang được chọn đi ngay. Ra cửa hang, Ngạn nói với anh Ba Rèn bấy giờ đã rút cây mã tấu cầm lăm lăm:
- Anh Ba à, anh thủ ở ngách, để tụi tôi trấn ngoài bìa cho.
- Được mà điều tôi dặn: nếu chú chịu với nó không xiết thì cứ rút. Tụi tôi đón nó.
- Đồng ý! Ngạn cùng hai tổ của mình đi qua khỏi các bùng binh, luồn ra miệng hang. Anh chọn những mô đá có lợi thế tốt nhất ở hai bên. Tới phụ trách một tổ và anh phụ trách một tổ. Tổ của Tới được phân cho hai khẩu tôm - xông và bảy quả MK3. Tổ của Ngạn thì có một tôm - xông, một trường mát và tám lựu đạn, cũng là lựu đạn MK3. Bố trí xong, Ngạn thấy Đạt ở trong hang chạy ra hớn hở:
- Chú Hai biểu em ra đây với mấy anh.
- Vậy hả? Tốt lắm! Vậy em ở đây với anh. Cây cạc - bin của em được bao nhiêu đạn?
- Bốn mươi lăm viên!
- Nghe nói em bắn "cạc" khá lắm hả? Đạt cười ngượng nghịu:
- Em bắn cũng được thôi. Chắc không bằng anh đâu!
- Anh chỉ bắn mát, chớ "cạc" anh ít bắn lắm! Đạt nói:
- Anh bắn mát giỏi thì nhứt định anh bắn "cạc" giỏi. Cây "cạc" bắn dễ trúng lắm. Mà bắn cây gì cũng vậy, em gẫm mình tỉnh thì bắn trúng. Ngạn nhìn bộ mặt chất phác dễ thương của Đạt, cười hỏi:
- Thường thường thì em có tỉnh không?
- Em tỉnh chớ! Đạt đáp dứt khoát.
Nghe Đạt đáp. Ngạn tin ngay là cậu ta nói thật. Đối với cậu thanh niên mười tám tuổi này, từ lâu Ngạn đã đem lòng thương mến. Mỗi lần gặp anh Tám trên huyện, Ngạn để ý thấy Đạt hay đi cắm câu, đi bẫy chim. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ, Đạt còn ra sức cải thiện để anh Tám có được bữa ăn khá. Chính cậu ta đã đãi Ngạn mấy bữa cá nướng và chim cu đất "rô - ti" ngon lành. Nhưng điều khiến Ngạn thương Đạt hơn cả là hiện nay Đạt không còn cha mẹ. Mẹ Đạt chết khi sinh ra Đạt. Cha Đạt là cán bộ xã hồi kháng chiến, năm năm mươi tám bị bọn Diệm bắt đập đầu vứt xác trong bàu rừng. Hài cốt của cha Đạt và những người khác được chính chị em Quyên, Sứ gom về, bây giờ cũng hãy còn để chung trong hang. Nay Đạt chỉ còn có bà ngoại, trên sáu mươi tuổi, hiện ở bên Lình Quỳnh. Đạt đi bảo vệ anh Tám được hai năm. Nghe đâu có lần bà ngoại Đạt nhớ Đạt quá cứ đi lần mò kiếm nó thăm. Ngạn hỏi:
- Chiều hôm qua về Lình Quỳnh, em gặp bà ngoại rồi hả?
- Em gặp rồi... Ngoại em mừng quýnh, cứ ngồi rờ mình mẩy em mà khóc. Rồi ngoại em đi kiếm đu đủ hườm về nạo trộn gỏi cho em ăn. Em khoái ăn gỏi đu đủ trộn tôm xé lắm. Lần nào về ngoại cũng làm cho em ăn "đã" thôi.
- Món đó anh cũng khoái lắm.
- Ngạn nói.
- Em có đem về cho mấy anh năm xâu tôm lụi của ngoại em gởi... Ngạn đặt tay lên khẩu cạc - bin của Đạt, hỏi:
- Cây "cạc" em lên đạn chưa? Đạt gật đầu:
- Em lên rồi, nhưng đã khóa lại. Ngạn dặn:
- Em lựa chỗ núp chỗ day trở cho thiệt ngon đi! Đạt ngắm nghía chỗ mình, nói:
- Em ngồi đây được rồi! Đạt nâng khẩu cạc - bin lên, chĩa ra miệng hang, nhắm nghiền mắt trái. Cậu ta nheo mắt mấy lượt, đoạn liếm môi, bảo:
- Ở đây bắn sướng lắm! Đạt để súng dựa vào đùi, mở lấy bi - đông nước ra uống. Hớp mấy hớp nước, Đạt đưa bi - đông về phía Ngạn:
- Anh uống? Ngạn chỉ bi - đông nước đeo bên thắt lưng mình nói:
- Anh có đây...
- Dừng lại một giây, anh bảo:
- Uống nước in ít thôi nghe Đạt. Khi khát lắm hãy uống! Rồi Ngạn cũng dặn tất cả:
- Anh em nhớ phải tiết kiệm nước đấy. Trong hang có rất ít nước. Còn cơm khô, cốm dẹp của mỗi người là lương thực chính, đừng có buồn miệng đem ra nhai chơi đó! Tới hỏi:
- Ở trong hang có gạo mà?
- Có, nghe nói có hai giạ gạo. Nhưng hai giạ thì cao lắm là chịu được ba bốn ngày.
- Ba bốn ngày thì nó rút mất rồi, sợ gì?
- Chuyện đó chưa biết được. Ví dụ tụi nó vây riết mình độ một tuần lễ thì sao? Nghe Ngạn hỏi thế, không ai nói chi nữa. Mọi người lựa chỗ, ngồi im. Tất cả các mũi súng đều chĩa ra miệng hang. Ngạn đăm đăm nhìn cái lối mòn trên bãi cỏ cú. Anh nhìn những cây dừa đứng yên, những tàu lá dừa nhẫy nhượt, loáng nắng. Thấp thoáng vài tên lính áo quần xám xịt đang tới lui khuân vác những thứ gì không trông thấy rõ. Anh nghe tiếng xoong chảo khua loảng xoảng, tiếng la ó nhốn nháo từ xa vẳng tới và có cả tiếng dừa rụng bịch bịch.
2
Quyên bấm đèn pin cho chị Sứ coi lại những cà - om nước. Nhìn chị mình lòn bàn tay rà vuốt từng cái cà - om, Quyên hồi hộp hỏi:
- Sao, nó có rỉ chảy nữa không chị?
- Hơi ri rỉ... Và Sứ bảo:
- Em đứng đây, để chị chạy đi lấy tấm ni - lông. Phải cho mấy cái cà - om này vào ni - lông túm lại mới được. Nếu có chảy thì cũng chảy ra ni - lông.
Sứ chạy đi, lát sau chị trở lại tay cầm tấm vải nhựa rộng của chị. Chị mở tấm vải nhựa ra:
- Rọi đèn coi! Ánh đèn pin trong tay Quyên bật lên, quơ quơ soi tấm vải nhựa màu cánh gián. Sứ chăm chú nhìn rồi nói:
- Không sao, không bị lủng... Chị Sứ đem tấm vải nhựa trải xuống một chỗ phẳng nhất. Quyên soi đèn cho chị mình lần lượt khuân từng cái cà - om đặt xuống. Khuân xong tám cái cà - om nước, Sứ túm bốn chéo góc tấm vải nhựa, buộc lại. Vừa buộc chị vừa chép miệng:
- Phải Năm Nhớ nó không đập bể một cái thì có phải bây giờ được chín cà - om nước không! Buộc xong, chị đứng lên, bảo Quyên:
- Thôi, đi coi lại mấy khạp gạo coi! Hai chị em đi vào tận trong một cái hang xẻo nhỏ ở bên phía tay trái. Chợt trong hốc hang bên tay mặt có tiếng thở khì khì của tên chủ trại đáy và tiếng nói lí rí của mụ vợ. Nghe tiếng người nói đi ngang, mụ vợ cất tiếng nói như rên:
- Mấy ông ơi, cho vợ chồng tôi xin miếng nước! Quyên cấu tay chị:
- Nó xin nước kìa!
- Chuyện này để còn hỏi anh Hai đã? Quyên bước dấn tới, nói lớn:
- Xin nước uống à? Khoan đã!
- Trời... Ai như cô út Quyên đó phải không?
- Tiếng con mụ trại đáy kêu lên
- Tôi lạy cô, cô út ơi, xin cô làm ơn làm phước, xin cô nói giùm vài lời cho vợ chồng tôi được nhờ. Quyên không ngờ mụ Ba Phi nhận ra được tiếng mình. Cô vừa ngạc nhiên vừa bực bội:
- Lạy lạy cái gì, tôi không nói giùm gì được đâu. Chừng nào đem ra cho đồng bào xét xử, chừng đó mấy người muốn xin sao đó thì xin! Mụ Ba Phi càng thêm hoảng sợ:
- Đem ra xử... Trời ơi, vậy vợ chồng tôi làm sao mà sống cho đặng hở trời! Kêu thế xong, mụ đàn bà vùng khóc rống. Chợt có tiếng thằng chồng nạt: Nín, tao bảo nín. Quyên nghe thế, nghĩ bụng:
“À, thằng này gan, để coi mày gan được bao lâu? " Hai chị em tạt vào cái hang xẻo, thăm gạo. Sứ giở nắp, vốc gạo lên ngửi. Chị mừng rỡ nói:
- Còn tốt! Lia ánh đèn pin qua hai miệng khạp đầy gạo, Quyên thấy hơi vững dạ. Cô thì thào:
- Hai khạp này được ba giạ không chị?
- Không tới ba giạ đâu! Từ trong hang xẻo đi ra, chị Sứ vẫn lo lắng:
- Gạo thì có đấy, nhưng làm sao nấu cơm? Không thể lấy nước dự trữ đem nấu cơm được.
- Vậy thì làm sao bây giờ?
- Chị tính bữa nay thì mình đã có cơm đem theo, còn ngày mai đành rang gạo cho anh em ăn, được không?
- Cùng lắm thì cũng phải làm như vậy... Hai chị em Quyên, Sứ trở ra hang lớn gặp anh Hai Thép, trình bày cho anh nghe về tình hình gạo nước. Anh Hai Thép cười bảo:
- Thì tùy hai cô thôi, có ít tính theo ít chứ biết sao!...
Nhưng gì thì gì cũng phải ưu tiên cho anh em bị thương. Phải nấu cháo cho anh em đó! Sứ và Quyên bắt đầu mò mẫm đi kiếm mấy hòn đá đem vào góc hang, kê bếp. ở đây có xoong nồi, cả củi khô chẻ sẵn phòng khi giặc càn quét. Sứ móc bật lửa, quẹt xạch xạch. Chị lúi húi, một lúc sau bếp lửa mới chịu cháy. Quyên nhấc cái xoong nhỏ đi lấy gạo nấu cháo. Đem cái xoong vô đặt lên bếp xong, cô ngồi ấp hai bàn tay vào má, nhìn ngọn lửa nhảy nhót. Con bé Thúy từ chỗ anh Thẩm mon men đi ra. Nó đến sau lưng Quyên, đưa tay lên ôm cổ Quyên. Quyên quàng tay ra sau như cõng lấy nó. Con bé thỏ thẻ:
- Dì út nấu cơm cho con ăn đó hả? Quyên day lại, bậm trợn:
- Nấu cho mày? Không ở nhà với ngoại, vô đây cơm gạo đâu mà cho mày ăn. Nấu cháo cho chú Thẩm với chú út đó chớ! Con bé Thuý cười lỏn lẻn trên cổ Quyên. Sứ hỏi con:
- Nãy giờ con ngồi chơi với chú Thẩm có nghe chú ấy rên không? Con bé lắc đầu:
- Chú Thẩm đâu có rên! Nó buông cổ Quyên ra, tới ngồi bên mẹ nó, thủ thỉ:
- Má ơi, chú Thẩm nói chuyện đời xưa cho con nghe hay ghê lắm!... Chú nói hồi xửa hồi xưa có một con nhỏ con của vợ chồng người đốt than. Một hôm, má nó đau nặng. Nó nghe người ta nói ở trong rừng có một thứ lá trị bịnh hay lắm. Con nhỏ đi lơn tơn vô rừng kiếm hái lá đó. Ai dè hái được lá thuốc đó rồi, nó không nhớ đường về nữa. Nó đi lạc, gặp một cái nhà ở giữa rừng, chủ nhà là một bà già giàu có sung sướng lắm. Bà già đó rủ nó ở lại và hứa sẽ nhận nó làm con, sẽ cho nó vòng vàng, cho nó ăn uống đủ thứ... mà nó không chịu, tay nó cầm bó lá thuốc cứ nằng nặc hỏi thăm đường về. Lát sau, bà già hiện hình thành một cô tiên đẹp thôi là đẹp... Khi con bé Thúy mới nói đến chỗ:
“một cô tiên hiện ra đẹp thôi là đẹp... ", khi đôi môi nhỏ của nó còn đang xuýt xoa về cái vẻ đẹp tuyệt trần của nàng tiên nọ, thì phía ngoài hang chợt có tiếng súng nổ vang. Trung liên rộ lên hàng tràng dài giòn giã. Tiếp đó, những phát ga - răng nổ "bầm bầm bầm". Con Thúy vụt ôm mẹ nó chặt cứng. Quyên đứng phắt dậy:
- Chắc tụi nó mò vô cửa hang rồi! Sứ nói:
- Sao chỉ nghe súng của tụi nó mà chưa nghe súng của mình? Sứ mới dứt lời đã nghe tiểu liên tôm - xông bắn từng loạt ngắn "tạch tạch tạch", và tiếng súng trường, tiếng cạc - bin nổ "đoàng đoàng" từng phát một. Quyên la lên:
- Đó, đó, mấy ảnh bắn rồi! Đoạn Quyên chạy vụt ra. Sứ gọi giật:
- Quyên! Quyên! Nhưng Quyên vẫn không quay lại. Cô gặp anh Hai Thép và một số anh em ở ngách hang. Hai Thép nói:
- Nên ra thêm một tổ nữa, đi với tôi.
- Tôi.
- Tôi. Quyên sấn tới giơ tay đòi đi nhưng anh Hai Thép kéo cô qua một bên, làm cô tiu nghỉu. Hai anh du kích bước ra, đi theo Hai Thép. Chú Tư Nghiệp xách cây súng ngựa trời nói với anh Hai Thép:
- Cho tôi ra làm một phát này coi, ông!
- Còn một cây nữa đâu?
- Đây!
- Đem ra ngoài luôn đi! Tổ do Hai Thép dẫn đầu đi ra gần tới ngoài thì nghe tiếng Ba Rèn cười rúc rắc sau gộp đá:
- Thôi mấy cha ơi, cứ ở trỏng nghỉ cho khỏe, chưa tới lượt tôi mà đâu đã tới lượt mấy cha! Tụi nó vô bao nhiêu bị tổ chú Ngạn ở ngoài đó vật chết rồi. Cha nào muốn coi thì lại đây coi. Tụi nó nằm trước hang cả đống đây nè!
- Đâu, đâu? Ai cũng giành chen tới các gộp đá. Hai Thép ghé mắt nhìn qua kẽ đá hở. Anh đếm được sáu thằng giặc nằm rải dọc ngoài cửa hang. Hầu hết chúng đều nằm ngã ngửa, súng vất bên cạnh. Đạn địch vẫn bắn "cháo cháo" vào cửa hang. Quanh những cái thây sõng sượt, đạn cắm chít chịt, tóe từng bụm khói nhỏ cỡ bàn tay. ánh nắng mặt trời chiếu qua kẽ hở các tàu lá dừa. Bóng lá dừa in xuống các thây chết những vệt đen dài, coi sắc tợ những lưỡi gươm. Đạn địch bắn xối xả, bay sướt sượt qua vành nón sắt của các tên lính chết. Những khuôn mặt của bọn này trông đen đúa, láng nhờn, gây cho mọi người một cảm giác tởm tởm, buồn bã, bởi chúng đã chết rồi mà đạn phía bên chúng vẫn không tha, vẫn bấu quanh và lát lát có một viên bắn xuyên qua một bàn chân khiến cho bàn chết đó lại giật lên một cái. Anh Hai Thép sốt ruột nhìn những khẩu ga - răng Mỹ báng đen mun, nòng bạc sáng loáng nằm bên các thây chết. Mấy khẩu tôm - xông báng đỏ au, mấy xanh - tuya đạn mới xanh còn dính trên mình chúng. Đó đều là những thứ mà anh và anh em ước ao bấy lâu, có khi nó là đầu đề cho cả một câu chuyện, một cuộc cãi vã, và có khi nó còn hiện ra ngay trong giấc mơ của anh nữa. Bây giờ, các võ khí Mỹ ấy hiện sờ sờ trước mắt, thật sự, tưởng như có thể với tay mà lấy được. Nhưng rõ là bây giờ bọn giặc đang bắn để giữ các thứ đó không cho anh em xông ra cướp. Anh Hai Thép nôn nao mong sao cho hỏa lực địch dịu bớt. Anh nghĩ nếu tụi nó bắn lơi một chút thì thế nào cũng xông ra được. Nhưng lưới đạn của địch vẫn còn rất dày. Quanh trước miệng hang, đạn kêu "choé choé" như chuột lắc cắn ổ. Hai Thép ngó một lúc, chịu không nổi, quay lại bảo Ba Rèn:
- Phải tổ chức ra kéo súng vô hang mới được! Ba Rèn gật đầu.
Hai người lách men ra ngoài tổ của Ngạn. Đạn xẹt vô hang chạm đá, nhoáng lửa. Họ phải đi mon men theo các mô đá, nhảy thoắt từ sau mô đá này sang phía sau các mô đá khác. Anh Hai Thép đến bên Ngạn, hỏi:
- Sao, nó bắn rát quá không ra nổi hả? Ngạn lắc đầu. Vẻ mặt anh suy tính, căng thẳng. Trong lúc đó, Đạt ngồi chồm hổm dưới chân anh thì cứ nhăn mặt năn nỉ:
- Trời ơi, cứ để em bò ra... Em nhỏ con, nó không bắn trúng đâu mà... Cho em ra đi! Em ra nghe anh, em bò ra à? Đạt vừa nói vừa dợm mình nằm rạp xuống. Ngạn nhíu mày không đáp. Đạt ngỡ là Ngạn đã đồng ý, liền chống khuỷu tay trái xuống đất tính bò tới. Ngờ đâu Ngạn nghiêm nghị nói rành rọt từng lời:
- Tôi không cho chú đi. Chú không được đi, nghe chưa? Đạt nghe Ngạn bảo thế thì không dám trườn tới. Cậu ta cắn môi như sắp khóc:
- Anh không cho em đi, đây một chút nữa tụi nó tới lấy hết cho coi!
Ngạn không nói gì cả. Hồi nãy, anh em trong tổ cũng đòi bò ra, Ngạn đã không cho. Anh thấy đạn địch bắn khít quá, để anh em bò ra rất dễ trúng đạn. Những khẩu súng Mỹ ngoài cửa hang có quý thật, nhưng nếu vì những khẩu súng ấy mà để mất đi một vài anh em thì Ngạn không dám có ý nghĩ đánh đổi. Anh nghĩ:
“Súng kia còn có thể kiếm ra được, chứ một anh em mình mất đi khó kiếm lại được lắm". Anh cũng có ý định tự mình bò ra thì tốt hơn, vì anh tin mình trườn thành thạo hơn. Nhưng rốt cuộc chính anh cũng không dám tự cho phép mình làm điều ấy. Anh không sợ chết, nhưng anh sợ cái chết không đáng, và anh thấy cuộc chiến đấu này còn ngày mai, ngày kia nữa chứ không phải anh chỉ có mặt bấy nhiêu rồi ngã quay lơ ra. Đối với Đạt, lòng anh lại càng không cho phép. Đạt nằn nì đến sắp khóc để được anh cho bò ra, nhưng chính vì Đạt quyết tâm như thế, mà anh càng muốn giữ Đạt lại. "Nó mới có mười tám tuổi, không thể để nó chết được! " Ngạn nghĩ vậy. Anh còn thấy hiện ra trước mắt mình mớ tóc bạc phơ của bà ngoại Đạt, thấy ánh hy vọng cuối cùng còn lại của một bà cụ già sáu mươi hai tuổi không thể nào để cho tắt nốt đi được.
- Tôi ra!
Lại có tiếng một người thốt lên, giọng kiên quyết. Đó là chú Tư Nghiệp. Người du kích trạc bốn mươi tuổi này nói xong cởi phăng áo. Chú cởi luôn cả quần dài, chỉ còn mặc một chiếc quần cụt. Tất cả những động tác chuẩn bị của chú như nói rằng chú đã quyết rồi và chú có thể làm được việc ấy. Chú hỏi:
- Anh em nào có dây dù hay dây gì gom lại cho tôi mượn coi!
- Chi vậy?
- Tôi cầm dây bò ra ngoài buộc vô súng, mấy cha ở trong này cứ nắm mối dây kéo vô. Ngạn lắc đầu:
- Thôi chú Tư, khoan ra đã chú!... Lát đây thế nào nó cũng tấn công... Tôi tính... Tư Nghiệp hậm hực:
- Nếu nó tấn vô thì nó lượm súng lại ráo. Như vậy kể như mình hút gió. Ngạn bảo:
- Không đâu, nếu nó tấn công mình sẽ đánh cho nó dội lại như lần trước, không cho nó kịp lấy thây, lấy súng. Và lần này khi nó dội lại, tôi đề nghị mình sẽ ào ra giựt súng liền. Tôi sẽ cùng Tới, Trọng bắn kềm cho anh em lấy súng đạn, anh em đồng ý không? Hai Thép gật gù tán thành ý kiến Ngạn. Ai cũng cho đó là cách tốt nhất. Ngạn nói tiếp:
- Nếu làm thì phải làm thiệt mau... Còn bây giờ thì thôi, cho nó bắn "đã" đi, mình cứ ngồi nghỉ. Lát nữa đánh bật nó rồi, hễ tôi phóng ra là anh em theo tôi liền nghe!
- Được rồi! Đạt nghe cái kế hoạch chớp nhoáng đó thì nét mặt cậu ta hớn hở lại. Tư Nghiệp lẩm bẩm:
- Làm vậy được. Nhưng phải cho lẹ đa. Thế là mọi người ngồi đợi một cuộc tấn công mới của địch. Kế hoạch của Ngạn đề ra vừa táo bạo, vừa chắc ăn, khiến cho ai cũng vừa thích thú vừa hồi hộp. Trong lúc ấy, đạn địch vẫn bắn xối xả vào hang. Ngạn móc cái bì thuốc nhỏ nhỏ xinh xinh, lấy thuốc cuộn một điếu. Nguyên cái bì thuốc này do Quyên may cho anh. Vải túi là vải dù pháo sáng mà cô nhặt được trên bờ biển, của bọn khối xâm lược Đông Nam á tập trận năm ngoái thả xuống. Ngạn nhớ lại lúc anh cầm cái túi này của Quyên đưa cho, anh đã reo lên:
- A, hoan nghinh! Thì Quyên lườm anh:
- Ghiền thuốc mà không biết kiếm cái gì đựng, người ta mới tội nghiệp may cho đó. - Rồi Quyên còn cấu tay anh
- Chớ không phải "xúi" ông hút nhiều nữa đâu nghe "ông"?
Mỗi lần móc thuốc từ trong bì ra vẫn hút, anh lại tủm tỉm nhớ lại câu nói đe đó của Quyên. Giữa những phút căng thẳng gay go, những câu nói như vậy chừng như đến với anh rõ hơn. Như lần anh bị bắt. Lúc chúng dắt anh đem bắn và lúc anh nung nấu cái ý định tự giải thoát, thì Quyên chính là cái bóng người vẫy gọi, thúc giục anh nhiều nhất. Hầu như anh luôn có cảm tưởng là không đời nào anh lại chết mà không gặp lại Quyên cho được. Bây giờ cũng thế, dù cuộc xô xát sắp tới có quyết liệt đến dường nào, anh cũng tin rồi sẽ bình yên, sẽ ngó thấy lại khuôn mặt trái xoan đầy đặn của Quyên. Anh tin thế nào cũng sẽ được nhìn lại đôi mắt to đen luôn mở trố như ngạc nhiên, và rồi anh lại đặt cằm mình lên mớ tóc dày mướt mượt cứ ngan ngát cái mùi hương của những bông cau non tơ. Mà tất cả những cái ấy thực ra nào có phải chỉ là Quyên! Người con gái anh thương yêu đó vốn chỉ là cái biểu tượng kết đọng lại của bao nhiêu thứ khác.
Trong Quyên hình như có trái măng cụt ngọt thau, có những cây tre vàng nắng, có lá cành li - ki - ma xanh um, có tiếng nói yêu thương âu yếm của các mẹ già cùng tiếng bập bẹ ngây thơ của các em bé. Thật là trong Quyên như chứa đựng đủ mọi thứ đó. Quyên là tiếng xạc xào của rừng dừa, tiếng sóng biển vỗ lên bờ bãi, tiếng thét của đoàn người đấu tranh, ánh đuốc bập bùng, tiếng khóc và tiếng cười vui. Quyên là cô, nhưng đồng thời cũng là anh em đồng chí khác. Mối thương yêu riêng tây này gắn liền Ngạn với cái chung quý giá là cách mạng, là cuộc sống mới giành lại được ở miền đất nằm kề biển cả này. Cứ mỗi một năm, mỗi một tháng, Ngạn lại càng thấy thương thêm những ngôi nhà sàn, những bà con Khơ me thật thà, những đàn cò trắng chiều nào cũng trở về lượn cánh trên đầu các cô gái đi đội nước suối Lươn, vây vẫy đôi bàn tay dịu nhĩu, cười nói râm ran. Mọi hình ảnh ấy giờ đây nổi lên rõ quá, gắn bó với Ngạn quá. Cho đến khi Ngạn ngó thấy những chiếc nón sắt nhô ra khỏi vườn dừa thì anh liệng vội tàn thuốc, nhét cất túi thuốc, khẽ kêu:
- Kia kìa, tụi nó ló ra rồi kia kìa! Tất cả mọi người mím chặt môi, gật đầu. Ngạn nhắc Đạt:
- Mở khóa súng chưa?
- Em mở rồi!
- Tôi nhắc lại, lát nữa khi tôi, Tới, Trọng vọt ra thì anh em vọt theo, không sớm, mà cũng không chậm, nghe chưa? Miệng nói với anh em, mắt Ngạn dõi nhìn bọn giặc đang nổ súng và tiến tới. Chúng đi lom khom, súng cắp nách bắn bừa vào miệng hang. Ngạn áng chừng bọn giặc cỡ khoảng hai trung đội. Đi trước là bọn biệt kích, coi rất táo tợn. Ban đầu chúng còn đi, về sau chúng chạy tới như ngựa sải. Ngạn trông thấy một thằng ở trần, ngực đeo lòng thòng những sợi dây bùa và một vật gì lóng lánh. Vừa lúc đó Ba Rèn chợt kêu lên:
- Thằng Xăm! "A, đúng nó rồi! "
Ngạn nhận ra và anh nheo mắt giương tôm - xông bắn ngay một loạt. Tên trung úy biệt kích ác ôn chợt đứng sững, vai phải rủ xuống. Chỗ ấy cách miệng hầm chừng mười bước. Ngay lúc đó hai thằng giặc nhảy vụt đến xốc nách thằng Xăm, lặt lìa chạy đi. Tiếp theo loạt súng của Ngạn là những loạt súng của Tới, Trọng, Đạt bắn chĩa vào đám giặc đang ùa tới. Bọn chúng té nhào, la rú. Ngạn bắn hết băng đạn còn lại, đóng ngay một băng mới vào, lia tiếp. Bọn giặc xổ tới liền bị hất lật ngửa, nằm sát miệng hang. Nhưng chúng chưa bỏ chạy. Bọn còn lại lùi lũi xông lên. Tới mở một trái MK3, để chậm tới ba tiếng mới vụt ra. Trái lựu đạn Mỹ nổ vang động, khói che kín cửa hang. Ngạn thét:
- Một trái nữa! Quả MK3 thứ hai của Trọng ném vụt tới đám giặc vừa nhổm dậy. Quả này nổ ra đã chặn đứng ngay cuộc xung phong. Bọn giặc ùa trở lại hết cả. Ngạn thoáng thấy hai tên biệt kích cõng xác tên Xăm chạy xồng xộc. Ngạn nổ theo một loạt ngắn. Chúng vẫn còn vác thằng Xăm chạy. Anh nhảy phắt ra, lia thêm một loạt nữa và thét to:
- Xung phong! Rồi anh phóng vụt ra miệng hang. Tới, Trọng cũng lao theo. Ba Rèn, Hai Thép và anh em ùa cả ra kéo súng, chạy vội vào. Chú Tư Nghiệp và Đạt lúi húi tháo mở xanh - tuya trên những xác giặc, mãi một lúc sau khi vừa mở được hai cái xanh - tuya đạn và mấy băng tôm - xông thì địch đã bắt đầu dừng lại bắn trả. Hai người bò vào hang dưới làn đạn rát rạt của địch và làn đạn của anh em từ trong hang bắn ra yểm hộ. Đạt bò như một con ếch, hai cái đùi mập chắc của Đạt cứ co lên duỗi xuống, còn một tay Đạt lôi hai cái xanh - tuya đạn. Chú Tư Nghiệp bò chậm nhưng kỹ hơn, đôi chân dài ngoẵng đầy lông của chú cứ chòi chòi, đạp đạp. Ngạn vừa bắn vừa theo dõi hai người. Chỉ còn có mấy với tay nữa là tới miệng hang. Hai Thép khích lệ:
- Ráng chút nữa! ... Rốt cuộc hai người bò vào đến nơi, mình mẩy sây sát, đầu gối đều rớm máu, nhưng không bị trúng viên đạn nào. Đôi mắt của Đạt sáng ngời. Cậu ta kéo hai dây xanh - tuya đạn ga - răng vô hốc hang, dựa lưng vào vách đá ngồi thở và cười, cái miệng cậu ta chành bành. Còn chú Tư Nghiệp thì đặt hai bàn tay nơi đầu gối, thở dốc:
- Đạn nó đi biết nóng lưng nghe! Chú cầm một băng đạn tôm - xông lẩy ra một viên coi thử. Đạn mới tinh, vàng chóe, sau đít có một chấm sơn tím. Chú đưa viên đạn lên mũi ngửi rồi nói:
- Mẹ, thơm nhản hết sức mấy cha! Bộ nó mới khui đạn thùng ra mà! Chú chuyền các băng đạn cho anh em bắn tôm - xông và hỏi:
- Lấy được mấy cây súng?
- Sáu cây, năm ga - răng, một tôm - xông. Ba Rèn đáp, và phát ngay cho Tư Nghiệp một khẩu ga - răng kẹp đầy những lam đạn óng ánh nơi dây đai. Tư Nghiệp mừng quá, đưa tay run run đỡ lấy cây súng nặng trĩu mà bụng dạ cứ bán tín bán nghi, ngỡ như chiêm bao. Chú ôm cây súng vuốt ve từ nòng tới báng. Ba Rèn nói:
- ạng thấy đời ông tươi chưa? Mới vác "ngựa trời" đó mà bây giờ ông cầm ga - răng rồi!
- Thì phải tươi vậy mới được chớ... Có gan làm giàu mà! ‰, súng này phát luôn chớ ta?
- Phát luôn. Mình còn lấy nữa, thiếu gì!
- Tôi được thủ cây ga - răng này thì chơi với nó có chết cũng mát bụng. Ngạn cười, móc vắt cơm ra. Trời đã gần đứng bóng. Ai cũng chợt thấy đói bụng, liền lấy cơm vắt hồi hôm ăn nghiến ngấu. Mọi người đang ăn nửa chừng thì Quyên từ trong luồn ra. Cô cầm một xâu tôm búi nướng, rút chia cho từng người. Chia hết xâu tôm, Quyên ngồi nép vào vách đá, hớn hở rờ coi những cây súng mới lấy được. Lát sau, cô đến bên Ngạn, hai tay đặt lên ngực mình như nén nỗi hồi hộp hãy còn dâng đầy:
- Hồi nãy, em thấy anh chạy vụt ra!
- Em ngồi ở gộp đá phía sau anh à? Quyên gật đầu. Cô chăm chú nhìn Ngạn bẻ cơm đưa lên miệng ăn ngon lành. Lát sau, Quyên nói giọng giận dỗi:
- Mấy anh không tin tưởng em, không chịu cho đánh chác gì hết!
- Không phải không tin đâu, tại chưa cần đó thôi. Chừng nào cần tới em thì em đánh, đừng nóng.
3
Thằng Xăm từ từ mở hé mắt... Hắn thấy bả vai trái đau ê ẩm dưới lớp băng. Hồi nãy, hai viên đạn tôm - xông đã ghim vào đấy. Nhưng hai viên đạn đó chưa giết chết hắn. Bây giờ hắn tỉnh lại dần. Nằm trong lều vải, hắn nhớ lại sự việc vừa xảy đến. Cái khuôn mặt của tên Việt cộng nhú lên sau mô đá đã nổ súng vào hắn hình như là hắn có gặp ở đâu rồi. Nhưng hắn không nhớ rõ. Làm sao hắn có thể nhớ cho hết được hàng trăm người mà hắn đã giết hoặc đã giết hụt. Tuy nhiên hắn ngờ ngợ kẻ bắn hắn là một trong số người đã từng giáp mặt với hắn mà hắn đã để sẩy. Đây là lần đầu tiên hắn bị bắn, phải bỏ cuộc. Hắn nghĩ bụng:
“Đáng lẽ mình phải bóp cò trước nó". Một tên chuẩn úy y tá trưởng đeo kính ngồi nhổm bên cạnh hắn, bảo:
- Vết thương của trung úy không sao đâu.
- Không sao hả?
- Không... Nhưng có thể hơi lâu lành...
Xăm không hỏi nữa. Hắn đưa tay lên ngực, rờ rẫm cái hình mặt chằn có nanh ngà, mê muội nghĩ rằng nếu không có cái mặt chằn ấy, chắc đâu hắn đã còn sống. Lâu lắm rồi hắn mới trở lại Hòn Đất, mà lần này hắn lại bị đánh trả dữ dội. Đó là điều hắn không ngờ. Qua cái bãi chông ban sáng và hai lần thọc vào hang đều bị đánh giạt ra, hắn thấy Hòn Đất hôm nay có cái gì không giống với Hòn Đất thuở hắn còn làm xếp bót. Hắn ngạc nhiên và tức giận lồng lộn. Hắn nghĩ:
“Không thể như thế được đâu, tao sẽ bắn nát đầu tụi bay! " Hắn liếc nhìn vết thương rồi đột ngột hỏi tên y tá trưởng:
- Đã bắt đầu đánh vô hang nữa chưa?
- Thưa anh Hai chưa!
- Sao không đánh?
- Chưa có lịnh của Bộ chỉ huy. Xăm vụt nhổm dậy, nghiến răng trèo trẹo:
- Đ. mẹ, gần một ngàn thằng mà không vô hang được, để tụi nó bắn mình cứ té sụm sụm, tức muốn ói máu.
- Thưa anh Hai, tụi nó núp trong hang đó có thế lắm! Xăm nín lặng. Hắn thấy tên chuẩn úy y tá trưởng nói đúng. Thật, đánh vô cái hang đó đâu phải dễ, thì chính việc hắn bị thương nằm đây đã nói rõ điều đó.
- Hồi trưa có mấy ông cố vấn Mỹ đi trực thăng xuống. Nghe đâu mấy ổng cho lịnh cứ vây siết, thì tụi nó thế nào cũng chết đói chết khát. Tôi cũng mới được lịnh của mấy ổng biểu bỏ thuốc độc xuống suối... Tên Xăm nghe nói, giật mình nhổm dậy, hỏi lại:
- Bỏ thuốc độc à? Tên y tá gật đầu. Xăm lo lắng ra mặt. Hắn nói:
- Rồi nước đâu mình uống? Dân trên Hòn không biết, uống chết hết còn gì?
- Ngăn suối lại, bỏ thuốc độc ở khúc gần hang thôi! Thằng Xăm ngả đầu xuống. Hắn nghĩ tới mẹ hắn và Cà Mỵ. Hồi sáng, khi kéo quân đến, hắn có ghé qua nhà. Mẹ hắn hỏi hắn với giọng không hằn học, mà có vẻ hơi mừng là khác. Thành ra hắn đâm vui. Bây giờ, hắn chợt nảy ra cái ý nghĩ giá hắn được về nằm ở nhà thì chắc sướng hơn nằm trong cái lều oi bức này. Hắn liền nói với tên y tá:
- Tao muốn về nhà bà già tao nằm quá! Tên này lắc đầu:
- Không được, anh Hai nằm ở đây để còn làm thuốc chớ. Chừng nào vết thương anh Hai lành miệng thì có thể về.
- Nhắm vài ngày nữa lành miệng chưa?
- Vài ngày nữa thì chắc khá! Tên Xăm nằm im, không nói chuyện nữa. Xung quanh hắn vẫn dậy lên những tiếng ồn ào. Bọn lính đang ăn ơm. Vòng vây của chúng bao quanh hang có tới hai lớp. Lớp ở gần hang và một lớp ở gần xóm. Vào giờ này, bọn lính ở xóm la cà thả rểu vào các nhà dân. Một toán lính bảo an đến quán thím Ba ú ngồi nói chuyện om sòm. Thím Ba ú tay không rời được cái cóng đong rượu. Hôm nay, thím tỏ ra là một người chủ quán vui tính hết sức. Thím gọi bọn lính bằng cậu, nói chuyện với chúng ngọt xớt:
- Mấy cậu đi như vầy mỗi tháng lãnh được mấy ngàn?
- Mấy ngàn? Một ngàn tám chớ mấy! Thím coi nhắm bấy nhiêu đó có đủ đút lỗ miệng không? Thím Ba ú liền trố mắt, vẻ ngạc nhiên:
- Một ngàn tám à, bộ mấy cậu nói giỡn sao chớ? Một ngàn tám làm sao sống! Vậy vợ con chắc lãnh riêng?
- Lãnh riêng cho mà ham. Nội vụ chỉ có bấy nhiêu đó thôi, bà ơi! Thím Ba ú liền buông xuôi hai tay lên bắp vế, chặc lưỡi:
- Vậy mà lâu nay tôi cứ ngỡ mấy cậu ăn lương tệ gì cũng cỡ ba ngàn sắp lên! Bọn lính đều cười về sự hiểu lầm của thím Ba. Một người hạ sĩ tuổi trạc hăm lăm, mặt mày đen đúa, tóc bờm xờm trổ tới mang tai, uống hết ly rượu, chép chép miệng ngó thím Ba:
- Thím làm như tụi Mỹ nó không biết tiếc tiền!
- Nghe nói Mỹ nó giàu lắm mà?
- Thì tụi nó giàu chớ... Bởi giàu nên nó mới bỏ tiền ra mướn tụi tôi đi đây. Nhưng nó dại gì mướn giá cao. Chỉ có tụi tôi là dại... Người hạ sĩ nói tới đó chợt dừng lại đưa bàn tay luồn vào mớ tóc bờm xờm của mình, vẻ mặt coi mòi chán ngán và rầu rĩ lắm. Thím Ba ú hỏi y:
- Xin lỗi, cậu người xứ nào?
- Tôi gốc gác ở Mặc - cần - dưng! Thím Ba ú sững sờ:
- Ủa, té ra cậu ở Mặc - cần - dưng, tức làng Bình Hòa?
- Phải, thím biết xứ đó sao?
- Trời đất, hồi chưa giặc giã, tôi lên đó làm mắm hoài mà! Rồi thím Ba nói tiếp, vẻ hồ hởi:
- Cha chả... cái xứ gì mà tới mùa cá dại nổi đặc sông! Ai muốn xúc bây nhiêu thì xúc. Thiệt ham làm sao. Cá lóc, cá trèn, cá lìm kìm, đủ hết, mạnh ai nấy bắt... Còn ruộng lúa sạ ở đó trúng đổ đồng cứ một công hai chục giạ cầm chắc! Người hạ sĩ nhổm tới, nhìn thím Ba ú trân trân:
- Ủa, coi bộ thím này biết xứ tôi rành dữ đa?
- Tưởng ở đâu, chớ Mặc - cần - dưng thì sao tôi không biết! ở đây đi Mặc - cần - dưng cũng gần xệu thôi, cậu à! Bọn lính chẳng chú ý gì về cái làng mang tên Khơ me xa lắc xa lơ đó. Chúng uống rượu, trả tiền rồi vác súng đi lệt bệt về chỗ đóng quân. Chỉ còn người hạ sĩ đen đúa kia ngồi lại. Đôi con mắt của y giờ đỏ hoe. Ngồi xổm gối trên bộ ván giữa tiệm, y cười coi như mếu, rồi lấy mu bàn tay vụng về chùi mấy giọt rượu giây trên bộ râu lún phún chưa cạo. Thím Ba ú hỏi:
- Cậu uống nữa thôi? Hai tay y vội chắp cái ly đưa tới:
- Cho tôi một ly nữa. Thím Ba ú múc rượu trong hũ, rót đầy tràn cái ly người hạ sĩ đang cầm:
- Hồi ở Mặc - cần - dưng, cậu sanh sống nghề chi?
- Tôi mần ruộng. Tháng nước thì dăng câu đặt lờ.
- Cậu đi lính lâu chưa?
- Hai năm rồi. Thím Ba ú vảnh bàn tay chặn nhẹ ống tay áo của người hạ sĩ:
- Khoan, cậu đợi chút xíu, để tôi đi nướng con mực cho cậu nhậu! Nói đoạn, thím mau mắn với tay lên túm mực treo bán, rút lấy một con. Rồi cầm con mực, thím lạch bạch đi vào bếp. Người hạ sĩ để ly rượu xuống, ngồi đợi. Coi bộ y cảm động. Khi mùi mực nướng trong bếp tỏa lên thơm tho, y hít hít cánh mũi:
- Cha... mực thơm quá! Thím Ba ú trở ra, tay kẹp chiếc đĩa nhôm đựng con mực nướng. Trong đĩa còn có một cái chén nhỏ. Thím trỏ cái chén nói:
- Có chén dấm ớt đây, cậu chấm mà ăn!
- Dạ. Người hạ sĩ cầm con mực, dứt mấy cái râu bỏ vô chén dấm, rồi lấy hai ngón tay kẹp vớt ra, thong thả đưa lên miệng nhai. Thím Ba ngồi khoanh tay rế nơi góc ván nhìn người hạ sĩ uống rượu. Chợt thím hỏi:
- Sao cậu không ở nhà mần ruộng, đi lính chi cho cực? Người hạ sĩ để ly rượu xuống, lặng thinh, gãi gãi đầu. Một lát sau y mới nói:
- Tại tôi ngu. Tôi ngu quá. Mà không phải chỉ có một mình tôi...
- Đi đây có cậu nào cùng xứ sở với cậu không?
- Có bốn năm đứa... Tụi nó không ở tại Mặc - cần - dưng nhưng cũng ở cận đó. Thằng thì ở Vĩnh Hanh, thằng thì ở Năng Gù...
- À, xin lỗi cậu, nói chuyện nãy giờ mà tôi sơ ý quên không hỏi thăm cậu thứ mấy chớ?
- Dạ tôi tên Cơ, thứ chín. Thím Ba ú gật đầu. Rồi thím nói, vẻ sợ sệt:
- Hồi sáng tới giờ "đụng" trong hang Hòn dữ quá, không biết ra sao? Nghe súng bắn điếc tai. Hạ sĩ Cơ bảo:
- Ờ, tụi biệt kích đột vô hang đó, mà đều bị đánh chạy dội ra hết rồi. Mấy ổng ở trỏng bộ đông lắm hay sao mà chống cự gắt mấu. Hồi sáng tới giờ "liểm" tụi tôi gần hai chục thằng rồi.
- Tôi thấy bao nhiêu võng bố ở trong xóm đều bị lấy hết.
- Thì để khiêng tụi bị thương mà... Hạ sĩ Cơ cầm ly rượu nhóng tới, hỏi nhỏ:
- Nè, thím nói thiệt cho tôi biết, mấy ổng rút vô trong hang có đông không thím?
- Tôi đâu có biết mấy ổng đông hay ít. Hạ sĩ Cơ buông ly rượu, nét mặt rầu rầu:
- Thím mà không biết... Thím nói để tụi tôi còn biết mà lánh né. Đây rồi thế nào cũng tới lượt tụi tôi phải vô hang. Thiệt là ngán. Coi bộ mấy ổng trong hang quyết tử quá xá! Thím Ba ú đập khẽ bàn tay xuống gối nghe cái "chách":
- Chớ không quyết tử? Tôi hỏi cậu, giả tỷ cậu bị người ta đè xuống cắt cổ, cậu muốn sống thì phải làm sao? ít ra cậu phải lừa thế chụp dao hoặc bóp họng cái người tính cắt cổ cậu, rồi phóc chạy, thì mới sống được, chớ cậu nằm im, ắt cậu phải chết... Mấy ổng cũng vậy đó, cậu à! Hạ sĩ Cơ gật đầu:
- Ờ, con trùn đạp riết nó cũng còn phải oằn huống chi là mấy ổng. Y dừng lại giây lâu, rồi tiếp:
- Nói thiệt với thím, tôi không ham đụng độ với mấy ổng đâu. Tôi muốn về nhà mần ruộng, dặng câu đặt trúm bắt lươn cá nhậu chơi khỏe hơn. Chắc thím biết kinh Hội - đồng?... Vợ tôi nó ở đó dệt chiếu nuôi con. Tội nghiệp...
- Đó, đó!
- Thím Ba ú kêu lên:
- Rốt cuộc người đờn bà cũng chịu cảnh khổ, cậu thấy chưa? Tôi khen cho cậu đành lòng bỏ vợ con mà đi. Kể cậu cũng là người lòng gang dạ đá! Hạ sĩ Cơ nghe nói đưa tay rờ rẫm bứt dứt cổ áo:
- Trời ơi, thím Ba, thím Ba... Tôi khổ lắm, thím Ba à! Y kêu lên như thế rồi bỏ ly rượu, bước xuống đất lê đôi giày bố có mắt cá đi xềnh xệch tới bên cây cột. Đứng dựa cột, người hạ sĩ ngó mông qua miệt Vàm Răng. Y ngó qua những cánh đồng nâu nhạt trải dài tới ven cây xanh mù. Và núi Ba Thê tim tím, vòi või ở trước mặt làm bụng dạ y chết điếng. Mãi một lúc lâu, y mới trở vào khoác cây súng trường mát, móc túi áo gom nhóp mấy đồng bạc lẻ:
- Thím tính bao nhiêu tôi trả. Thím Ba lắc đầu:
- Thôi, chút đỉnh mà tiền bạc gì cậu! Hạ sĩ Cơ ấp úng:
- Không, để tôi trả, để tôi trả mà!
- Tôi đã nói là tôi không lấy... Gặp cậu, tôi coi như người bổn sở... Hạ sĩ Cơ nói:
- Vậy tôi cám ơn thím... Thôi tôi về, nghe thím!
Trên đường về chỗ đóng quân, lòng hạ sĩ Cơ thấy vui vui khi nghĩ tới thím Ba ú, người đàn bà chủ tiệm béo mập mà tốt bụng. Và nhất là thím ta lại biết rất rõ xứ quê của y. Trời ơi, thím ta nhắc làm chi mùa cá, nhắc làm chi đồng ruộng khiến lòng y bồi hồi quặn thắt. Y nhớ ngày nào y đánh cộ trâu chở lúa mướn. Cộ trâu chạy băng băng trên đồng lúa mới gặt. Đó đây, các trại ruộng nổi khói cơm chiều. Rồi thì mùi thơm của những nồi cơm gạo mới, mùi cá lóc nướng trui khen khét. Lũ con nít đi bắt hôi cá đìa, đi mót lúa thấy y đánh cộ ngang đều chạy ùa theo kêu cho chúng đi ké. Thiệt là vui làm sao! ấy, cũng vào cái dạo tháng chạp này đây. Mùa tát đìa nối đuôi mùa gặt. Y nhớ khôn xiết cái cảnh ngày chạng vạng trong đồng. Sau bữa cơm mắm kho bông súng ngon lành, các trại ruộng đốt đống un lên, sửa soạn xây cà lan (3) đạp lúa tối. Và y cầm cây mỏ sẩy xốc lúa cho trâu kéo trục đạp qua.
Tụi đàn bà con gái giê lúa gần đó cười nói vang rân. Rồi trăng lên. Y vẫn vừa tiếp tục xốc lúa, vừa nói cà rỡn với mấy đứa con gái giê lúa bên cạnh. Đôi khi, táo bạo hơn, y còn dám bước trớ qua, quơ mỏ sẩy phệt nhẹ vào mông một cô nào đó, tùy theo sự trửng giỡn của cô ta đến mức độ nào, và y có thích cô gái đó hay không. Hồi đó y. còn xôm trai kia. Tuy cũng không trắng trẻo gì hơn bây giờ, nhưng y làm ăn xốc vác, lanh lẹ. Qua ngày mùa, tối tối y hay diện bộ "py - gia - ma" trắng, chải đầu ốp, mua khúc mía róc cầm tay, thả rểu ra cầu sắt chơi. Cái đời y cũng có lúc vui vẻ thảnh thơi như thế. Lúc kháng chiến, y cũng vô du kích đánh Tây. Hòa bình y cưới vợ, rồi cờ bạc. Y cờ bạc riết mà xa đồng ruộng, bỏ bê vợ con, bỏ cái lợp cái lờ để vô lính dân vệ. Từ dân vệ y trở thành lính bảo an không mấy chốc. Ban đầu còn đóng ở Long Xuyên, sau lên Rạch Giá. Y đi lính lâu mà không lên khỏi chức hạ sĩ, vì y không dám giết người như những thằng lính khác. May thay, cái gốc của ruộng đồng còn giữ y lại ở mức người lính đánh thuê. Nhiều trận càn, tụi lính cứ đạp bừa lên mạ, nhưng y lại đi tránh lối khác, vì chính y đã có lúc gieo cây mạ đó. Cũng như chưa lúc nào y dám cầm súng nhắm một con trâu mà bắn. Đến Hòn Đất này, y là một trong số những người lính chẳng thiết tha gì sự đánh chác. Lúc lên đường hành quân, y chỉ những mong sớm sớm trở về. Khi thấy chỉ mới có một buổi sáng mà lính đã chết và bị thương ba bốn chục, y ghê quá. Y đâu lạ gì những người du kích. Y hay ngẫm nghĩ nếu y vót chông cặm ruộng thì cây chông của y cũng sẽ đâm chết bất cứ thằng nào xông qua ruộng y như vậy. Cái khoảnh cách biệt, cái rãnh ngăn đôi giữa hạ sĩ Cơ và những người mà bọn giặc gọi là "Việt cộng" buộc y phải đi đánh đó, không có gì là sâu xa cả. Y cầm súng bắn vào họ không đành. Ngón tay y bóp cò súng không quả quyết chi hết. Y thấy những người du kích đó giống hệt như y, vì hầu hết họ cũng đều là dân ruộng, dăng câu đặt trúm như y vậy. Nghe nói cuộc bao vây này có thể kéo dài, y đâm lo. Trên đường đi từ quán thím Ba ú trở về tiểu đội, hạ sĩ Cơ tâm trí cứ để đâu ở miệt làng cũ. Và cái câu của thím Ba ú nói "từ đây đi Mặc - cần - dưng gần xệu! " cứ gợi đến cho y một ý định táo bạo.
4
Cho tới chiều, không có một cuộc xô xát nào xảy ra. Người ta không nghe tiếng súng nổ dữ dội như ban sáng và trưa. Chỉ có tiếng súng của bọn giặc bắn trâu nổ lẻ tẻ ở ven đồng. Những con trâu bị bắn khuỵu giữa ruộng rống dài. Khắp Hòn Đất ai cũng nghe tiếng rống thảm thiết của những con vật hiền lành ấy. Bấy giờ nắng bắt đầu nhòa đi trong vườn lá. Và khi gió biển thổi về Hòn mỗi lúc một nhiều hơn thì từ rặng Thất Sơn xanh mù kia thấy chớp trắng những cánh cò. Chiều nào cũng vậy, vào lối này, đàn cò lại trở về. Sau một ngày đi kiếm ăn ở chốn xa, những con cò bay về Hòn Đất, nơi có không biết bao nhiêu cái tổ rơm vắt vẻo trên đọt xoài, nơi chúng sống từ đời này đến đời khác. Đàn cò cứ mỗi lúc một hiện rõ, với những đôi cánh hình dấu ớ. Và khi sau lưng chúng sắc núi đã chuyển từ màu xanh sang màu tím ngát, thì đã có thể đếm được từng con cò đang bay vẫy, la lả. Nhưng chiều hôm nay đàn cò đầu tiên về tới vừa hạ xuống vườn xoài Hòn Đất thì chúng xáo xác vụt bay lên hết cả. Súng từ bên dưới bắn lên "bóc bùm, bóc bùm". Trong buổi chiều tà, có mấy con cò bị trúng đạn, xoạc đôi cánh trắng, từ không trung rơi thẳng xuống. Những con cò sau sắp hạ cánh đều kinh hãi kêu ré, cất lên. Chúng liệng nhiều vòng trên cao rồi cuối cùng chấp chới bay về phía Hòn Me. Mẹ Sáu đứng nơi bậc thang nhà nhìn thấy đàn cò không hạ cánh xuống vườn được, lòng mẹ đau như cắt. Mẹ ngồi bệt xuống bậc thang, ngó về phía Hòn bị cây cối che phủ. Bụng dạ mẹ càng thêm lo bấn. Hồi sáng tới giờ mẹ có làm được công việc gì đâu. Hết chạy vào lại chạy ra. Bỗng dưng bây giờ cái nhà chỉ còn trơ lại có mỗi mình mẹ. Hai chị em Quyên, Sứ vào hang thì đã đành, đến như con bé Thúy nó vào trong đó làm chi, để mẹ đã lo lại càng lo thêm. Hồi sáng, khi bọn giặc vào tới xóm, thằng Xăm đã ghé nhà mẹ sục kiếm. Nó hỏi:
- "Hai đứa con gái nhà bà đâu? " Mẹ đáp:
- "Thấy mấy ông vô, tụi nó sợ chạy đâu tôi cũng không biết! " Bọn giặc nói: - "Trốn vô hang hết rồi chứ gì, tưởng tụi tôi không biết hả? Cho bà hay, chuyến này tụi tôi tiêu diệt hết Việt cộng ở đây rồi đóng bót luôn chớ không phải như lần trước đâu. Tưởng chốn vô hang là êm sao. Tụi tôi đánh vô, bắt được đứa nào mổ bụng đứa nấy cho coi!"
Chúng nói thế rồi bỏ đi. Một lát sau, súng lớn ngoài tàu bắn lên Hòn nổ rung rinh nhà cửa. Mẹ Sáu phải xuống hầm núp. Dứt trận súng lớn rồi, mẹ vừa chui lên thì lại nghe súng to súng nhỏ rộ lên phía hang Hòn. Mẹ bắc thang leo lên dòm qua mái nhà sau, thấy cây cối ở hang Hòn bị đạn chém sả, như có bàn tay vô hình đang phát cho các nhánh mãng cầu, nhánh xoài rụng xuống một cách không thương tiếc. Kế mẹ nghe súng từ trong hang Hòn bắn ra. Tiếng lựu đạn nổ ầm ầm. Chị Hai Thép bồng con từ đằng nhà chạy đến, kêu
- Má Sáu ơi! Chị Hai Thép chạy rầm rầm vô nhà. Không thấy mẹ Sáu đâu, chị hốt hoảng kêu lên:
- Má Sáu, má Sáu!
- Tao ở đây nè! Mẹ Sáu ở trên mái nhà nói. Chị Hai Thép ngước lên hỏi:
- Má lên coi đó hả? Có ngó thấy gì không?
- Đâu có thấy gì. Chỉ thấy nhánh cây ngã liệt. Mẹ Sáu hai tay vịn thang, bước xuống. Mẹ nắm tay chị Hai Thép, nói tiếng được tiếng không:
- Đánh rồi, nó đánh vô hang rồi, vợ Hai Thép à!... Trời ơi, không biết trong đó anh em chống cự ra làm sao. Tao lo cho mấy đứa nó quá. Súng ống đâu có bao nhiêu... Chị Hai Thép đặt thằng nhỏ bảy tháng xuống ván, đứng im, lắng tai. Chị nói:
- Má nghe không, lính nó la dữ quá! Mẹ Sáu cũng lắng tai nghe, nhưng tai mẹ không nghe được tiếng la ở đằng xa vẳng tới. Chị Hai Thép hạ giọng:
- Không sao đâu, con nghe ba sắp nhỏ nói ở trong hang đó vững lắm, tụi nó không dễ dầu gì tràn vô được đâu!
- Ừ, nó không tràn vô được liền, nhưng cho là nó không tràn vô được đi, mà nó cứ vây riết, rồi anh em ở trỏng lấy cơm gạo đâu mà ăn?
- Má đừng lo, có gạo! Mẹ Sáu không nói nữa, kéo rổ đựng trầu, têm gấp một miếng. Sắp bỏ miếng trầu vô miệng, bỗng mẹ lại nói:
- Tao hỏi vợ Hai Thép, có gạo là có vậy, chớ lấy nước đâu mà nấu cơm, không lẽ nhai gạo sống à? Chị Hai Thép đang vảnh tay quệt mũi cho thằng con nhỏ lồm cồm bò trên ván, nghe mẹ Sáu hỏi chị cũng lo, vì chị cũng biết giặc đóng chiếm suối Lươn rồi. Nhưng chị đáp:
- Mấy ông mình thế thần dữ lắm, lẽ nào chịu ăn gạo sống... ít nhất cũng rang gạo mà ăn chớ!
Suốt buổi sáng, mẹ Sáu thấp thỏm không yên. Chị Hai Thép sang thăm mẹ Sáu một chút rồi bồng con về ngay. Từ tối hôm kia, anh Tám Chấn đã đến ở tại nhà chị mà không một ai trong xóm biết cả. Ngay mẹ Sáu cũng không biết nữa. Lúc chị Hai Thép trở về bên nhà rồi, mẹ Sáu đi cho heo ăn. Ngồi lùa tay vào máng cám, miệng mẹ kêu heo, nhưng lòng mẹ thì hướng cả về hang Hòn. Thật, bỗng nhiên mà tất cả ruột rà của mẹ đều bị dứt ra để trong hang Hòn đó. Con gái lớn, con gái út, con cháu ngoại cưng như trứng mỏng đó chẳng phải là nguồn sống của cả đời mẹ là gì? Rồi còn con rể và những anh em khác, đều như ruột thịt cả. Bây giờ tất cả đều đang đặt mình trong tình huống khó khăn. Sự sống và cái chết như đã để lên cân, mà bà mẹ là người đang hồi hộp nhìn coi cái cân ấy. Mặc dầu mẹ cũng đã từng nếm những nỗi lo âu kiểu như thế, nhưng trước kia nỗi lo âu của mẹ dàn trải ra, chớ đâu có câu thúc, gom lại ghê sợ như bữa nay. Đêm xuống tối mịt. Mẹ Sáu quờ quạng đi đốt đèn. Cây đèn ống khói cháy lên càng soi rõ sự trống trải của gian nhà. Mẹ ngồi dưới ván một lúc, bồn chồn chịu không nổi, mới đi thắp ba cây nhang. Mẹ chấp nhang đứng trước bàn thờ chồng, lâm râm khấn:
- ạng sống khôn thác thiêng, phen này ráng phò hộ cho sắp con cháu của ông được tai qua nạn khỏi...
Mẹ xá xá mấy cái rồi cặm nhang vào chiếc lư hương đặt trên bàn thờ. Vừa lúc ấy chợt trong xóm có tiếng loa đột ngột nổi lên. Mẹ giật mình chạy ra cửa. Tiếng loa đang thét vang vang:
- Nghe đây, nghe đây. Quân đội Việt Nam cộng hòa thông báo cho dân trên Hòn được rõ, hôm nay quân đội đã chạm súng và tiêu diệt được nhiều tên cộng phỉ. Hiện chúng còn ngoan cố chui rúc trong hang để chống lại. Quân đội sẽ tiếp tục tiêu diệt chúng. Chúng tôi xin báo cho đồng bào biết, bắt đầu từ chín giờ sáng mai cấm tuyệt không ai được léo hánh ra suối. Nghe đây, nghe đây, quân đội Việt Nam cộng hòa... Mẹ Sáu nghĩ bụng:
“Cấm dân không được ra suối à? Tụi mày mưu tính chi đây? Chà... nó nói nó tiêu diệt được nhiều anh em mình. Chắc nói láo. Hồi sáng nghe chỉ có hai người mình bị thương, một chú là Thẩm, hai là thằng Bé con của Tư Râu... Không biết sau còn có ai bị thương thêm không? " Tiếng loa của giặc vẫn còn thét ré trong xóm. Lúc tiếng loa im đi, chợt có tiếng kêu ăng ẳng ngoài ngõ. Mẹ Sáu vào nhà cầm cây đèn. Trở ra, mẹ thấy một con chó mực nhỏ chạy quấn tới bậc thang. Đi sau con chó còn có bóng người. Mẹ Sáu nhướn mắt nhận ra là thằng út, con của chú Tư Râu. Thằng út mặc cái áo đen dài tay, vạt áo nhét trong quần cụt. Nó đi lon ton tới bậc thang, nhảy riết lên. Mẹ Sáu hỏi:
- Mày đó hả út? Thằng út vừa thở vừa đáp:
- Dạ, ba con biểu con vô đây ngủ. Ba con nói tối nay bà Sáu ở nhà có một mình...
- Vậy à?... Bộ mày ở ngoài bãi chạy u vô đây sao mà thở hào hển dữ vậy?
- Dạ! Thằng út nói và đi vào. Năm nay thằng út mới mười ba tuổi, mà coi tướng đã vạm vỡ. Nước da nó đen, đầu hớt trọc, tóc xửng rửng như bông gáo. Bộ mặt nó coi liếng lắm, nhất là cái trán vồ của nó coi mới lỳ lợm làm sao. Vô nhà rồi, nó vẫn không ngồi yên được, cứ chạy lòng vòng, tắc lưỡi kêu con mực chạy theo. Giỡn với con chó một hồi, thằng út nằm lăn kềnh ra ván. Lát sau, nó ngóc đầu hỏi mẹ Sáu nhà có còn cơm nguội không. Mẹ Sáu ngạc nhiên nhìn nó:
- Bộ mày chưa ăn cơm sao?
- Con ăn cơm hồi xế lận! Mẹ Sáu đứng dậy cầm đèn, nói với nó:
- Đi xuống đây! Thằng út lồm cồm trở dậy, theo mẹ Sáu xuống bếp. Mẹ bưng nồi cơm và một ơ cá kho dọn ra bộ ván kê cạnh bếp. Thằng út đi lấy chén, leo lên ván. Nó tự xúc cơm, chan nước cá, rồi ngồi xếp bằng ăn riết. Mẹ Sáu nói:
- Hồi chiều tao nấu nồi cơm đó chớ tao có ăn hột nào đâu. Ba mày có ghé đây. Nghe nói thằng Bé anh mày bị thương, ba mày lo lắng mà không nói chi hết!
- Ba con nói không đánh giặc thì thôi chớ hễ đánh giặc thì bị thương là thường. Mẹ Sáu hỏi:
- Còn mày, nghe anh mày vậy, mày sợ không, út?
- Con khỏi sợ, bà Sáu à. Con liệng lựu đạn chết bà nó hết chớ sợ! Mẹ Sáu phì cười:
- Mày còn con nít ai dám giao lựu đạn cho mày mà mày liệng! Thằng út ngó mẹ Sáu, mấp máy môi tính nói gì rồi thôi, bưng chén cơm lên ăn. Và hết cơm, nó thọc chén vô nồi mà xúc. Mẹ Sáu la:
- Cái thằng này, có đũa bếp sao không chịu bới? Thằng út cười hề hề:
- Xúc mau hơn. ở đó bới thì ăn thêm được một chén nữa rồi! Mẹ Sáu hết biết nói sao với nó, lắc đầu:
- Cha con mày tính hệt như nhau. Tới ăn cơm thì cũng ăn hốt ăn táp! Thằng út làm thinh, ăn thêm ba chén cơm nữa rồi bỏ đũa đứng dậy. Nó xớn xác bước ra sau lấy gáo múc nước trong lu uống ừng ực. Trở vô, nó thè lưỡi liếm vòng quanh mép, đưa tay vuốt vuốt cái bụng no ướng, đủng đỉnh đi ra nhà trước. Ngồi nơi bộ ván, nó đong đưa chân chơi một lúc rồi nằm ngả ra:
- Con nằm đây, còn bà Sáu nằm ở trong nghen!
- Mày nằm đâu đó thì nằm! Mẹ Sáu nói và liệng cho nó cái mền. Nó chụp cái mền hất tung ra đắp kín cả người. Mẹ Sáu ngồi xổm một gối ngoáy trầu, chép miệng:
- Cha... Đêm nay không biết con Thúy ở trong hang ngủ nghê ra làm sao? Sợ tụi nó đánh vô nữa quá! Thằng út nằm trong mền nói:
- Ban đêm tụi nó không dám vô hang đâu!
- Sao mày biết? Mày thì cái chi cũng biết hết hà!
- Thiệt mà... Phải chi con được ở trong hang con khoái gắt. Ngủ ở trỏng chắc ấm lắm! Mà hơi ngán...
- Ngán cái gì?
- Ở trong hang có chôn xương mấy chú chết hồi đó đó. Ghê lắm! Sợ mấy ổng nhát lắm!
Mẹ Sáu nghiêm nét mặt bảo:
- Nói bậy nè, mấy chú bác của mày hy sinh cho cách mạng mà không lẽ đi nhát mày sao? Từ rày tao cấm mày không được nói vậy nữa, nghe út? Thằng út bị mẹ Sáu rầy, nó nằm im không nói nữa. Mẹ Sáu ngồi nhai trầu bỏm bẻm một lát rồi bước ra đóng cửa. Mẹ thổi tắt đèn, đi nằm. Thằng út tốc mền, hỏi khẽ:
- Bà Sáu gài cửa kỹ hôn?
- Tao gài rồi! Thằng út lại trùm mền. Nhưng nó cứ lăn qua trở lại. Mẹ Sáu hơi lấy làm lạ:
“Thằng này bữa nay không biết có chuyện gì mà cứ rột rẹt hoài. Nó còn hỏi mình có gài cửa kỹ không. Mọi bữa lại đây ngủ, hễ nằm xuống là nó ngáy liền mà! " Nhưng mẹ nghĩ chắc nó ăn cơm no nên tức bụng khó ngủ, và mẹ không để ý nữa. Mẹ nằm trăn trở, không sao dứt được nỗi lo. Mẹ lại hình dung ra hang Hòn. Cái hang đó càng chất thêm vào lòng mẹ bao nhiêu là lo âu, hồi hộp. Cứ mỗi lúc mẹ càng cảm thấy phải làm một cái gì để ngăn chặn bớt sức tấn công của bọn giặc, để những vòng vây của chúng phải giãn ra. Mẹ muốn bứt cái vòng đai hung hãn siết chặt lại hòng dập tắt nguồn thương yêu và sự sống của đời mẹ. Trong đêm tối, khi mẹ Sáu trở về với nỗi lo lắng của mẹ thì thằng út vẫn chưa ngủ. Nó có nỗi lo riêng của nó mà mẹ Sáu không hề hay biết. Thằng út đang mường tưởng nhớ lại dáng dấp một trái lựu đạn, một trái lựu đạn MK3 mới tinh, thực sự chính tay nó đã được cầm, và hiện giờ đang thuộc về nó. Suýt nữa thì ban nãy nó đã để lộ ra với mẹ Sáu là nó có trái lựu đạn ấy rồi. May quá, nó kịp ghìm lại. Nó không thể nói với ai khác. Bây giờ, mỗi một tiếng động ngoài ngõ, một tiếng chó sủa trăng cũng khiến thằng út giật mình, dợm bật dậy. Nó đã sửa soạn đôi chân của nó rồi. Hễ nghe tiếng giày lính đi vô là nó sẽ vọt ngay ra cửa sau. Cái sàn lảng nhà mẹ Sáu nó đã để ý, thấy có hơi cao, nhưng nó lượng sức nó có thể nhảy xuống để chạy. Nhưng tại sao thằng út lại cứ lo ngay ngáy sợ lính vô nhà?
Sao nó nằm đây mà nó cứ tính chuyện chạy trốn? Chuyện này cũng chỉ có mỗi mình nó biết. Hồi xế, nhà nó ăn cơm sớm. Ba nó bảo:
- "út à, tối nay mày đi lại nhà bà Sáu ngủ. Bà Sáu ở nhà có một mình! " Thằng út liền "dạ" rồi kêu con Mực xuống xuồng bơi đi ngay. Nhưng lúc nó cặp xuồng đi tới vườn dừa thì một tốp lính ngồi dưới gốc dừa ngó thấy ngoắc nó:
- ??????, lại đây tao nói cái này nghe mày nhỏ!
- ạng nói cái chi? Nó hỏi.
- Mày biết leo dừa không? Thằng út mới dơm miệng trả lời "không", mặc dù leo dừa là nghề của nó. Nhưng nó thấy tụi lính tháo xanh - tuya đạn và lựu đạn bỏ đầy trên tấm vải bạt thì nó lại đổi ý, sanh ra muốn cà rà làm quen với tụi lính. Nó đáp:
- Biết chớ... Mấy ông muốn bẻ dừa ăn hả?
- ờ, leo bẻ vài trái dừa mầy! Bẻ xuống tụi mình chặt uống chơi!
- Bẻ thì bẻ! Thằng út nói rồi thót leo liền. Tụi lính đứa nào cũng khen thằng út leo dừa giỏi hơn sóc. Mà thật, trong nháy mắy, nó đã lên tới một ngọn dừa. Nó vặn cho dừa rụng xuống bịch bịch. Tụi lính hí hửng ôm mỗi thằng một trái. Thằng út bẻ tất cả bốn trái rồi tuột xuống. Một thằng lính lăn về cho nó một trái. Nó lắc đầu:
- Tôi không uống đâu, thứ này tôi uống hoài! Bọn lính lấy dao găm chém vạt dừa sạt sạt. Thằng út ngó thấy bọn lính chém vụng quá, nó mới giành dao chém. Nó chém trái dừa nào coi cũng muốn uống chớ không sần sùi dơ dáy. Nó ngắm nghía cây dao găm Mỹ của tụi lính, khen cây dao tốt, đoạn chồm tới đút dao vô cái vỏ giắt nơi xanh - tuya. Tụi lính uống dừa xong nằm ngả ngớn ca vọng cổ. Thằng út vui vẻ bảo:
- Để tôi đờn miệng cho mấy ông hát, nghe! Nói rồi nó uốn lưỡi tăng tằng dạo qua một câu. Tới chỗ nhịp vào, nó tróc lưỡi một cái giòn khướn nghe hệt như tiếng nhịp của song loan. Tụi lính phục nó quá hỏi:
- Ai dạy mày đờn miệng vậy?
- Tự ên tôi!
- Dóc, mày phải bắt chước ai mới đờn được chớ?
- Tôi bắt chước ông Tư Đờn, tôi nghe rồi nhái theo ổng!
- Thằng nhỏ này tài quá bây! Thằng út nghe bọn lính khen, mặt nó cứ tỉnh bơ, chẳng hề tỏ vẻ đắc chí như tụi con nít khác. Tánh nó vậy, nó đâu thèm hí hửng ra mặt. Thành ra bọn lính càng thêm phục nó, cứ giữ nó nấn ná ở lại chơi. Thằng út thì nãy giờ đã nhắm một trái lựu đạn ở cái xanh - tuya. Nó rắp tâm đợi trời tối là lấy trái lựu đạn. Trong lúc chờ đợi, nó kể cho tụi lính nghe chuyện cặp rắn hổ mây lớn thường nổi lên ngoài biển, quãng giữa Hòn Tre và Hòn Quéo. Bọn lính hỏi nó có thấy tận mắt lần nào chưa, thì nó nói:
- Tui ngó thấy có một con hè. Mà bây giờ cũng còn có một con thôi. Hồi còn nguyên cặp, nó hay nổi lên nhận chìm ghe, ăn thịt người ta thiếu gì! Ba tui nói hồi đó có một ông bự con lắm, kêu là ông cai Thoại. Bữa nọ vợ chồng ổng chạy ghe bườm ra gần Hòn Tre. ạng để vợ coi lái, còn ổng ngồi trước mũi thủ một cây roi mạnh tông dài. Lúc cặp rắn nổi lên xô ghe như mọi khi ổng không thèm nói. Đợi lúc đầu con rắn đực ngóc lên tính táp, ồng quơ ngọn roi, quật ngang, con rắn gãy cổ chết... Từ đó chỉ còn lại con rắn cái... Chồng nó chết rồi, một mình nó không dám đón đường nhận ghe người ta nữa... Thằng út kể dứt câu chuyện cai Thoại giết rắn thì trời nhá nhem. Không chậm trễ, nó nhè nhẹ thò tay tháo trái lựu đạn. Miệng nó vẫn nó leo lẻo:
- Con rắn cái bây giờ cũng còn nổi lên hoài... Lúc nó nói câu ấy thì trái lựu đạn đã nằm nặng trĩu trong túi áo nó rồi. Nó thọc tay vào túi nâng giữ trái lựu đạn và đứng lên:
- Thôi, mấy anh nghỉ, tôi về!
- ?????, lâu lâu lại đây chơi nghe bồ!
- Mấy anh còn ở đây lâu lắm sao?
- Còn lâu, chừng nào tiêu diệt hết Việt cộng trong hang mới đi! Thằng út bỏ bước chậm rãi. Con mực vẫn theo sau. Đi khuất bọn lính, thằng út mới vụt chạy. Về gần tới nhà mẹ Sáu, nó tạt vô vườn li - ki - ma, bới một cái lỗ ém trái lựu đạn. Nó làm dấu, khỏa đất kỹ lưỡng, rồi chạy về nhà mẹ Sáu.
5
Giữa lúc thằng út đang nằm thao thức nghĩ tới trái lựu đạn thì thằng Bé anh nó ở trong hang Hòn đang trải qua những giờ phút gay go. Thằng Bé vốn gan là thế, mà hồi chiều tới giờ bỗng cất tiếng rên hư hư. Nó đòi uống nước liên tiếp. Quyên thay Năm Nhớ trông coi nó, chỉ cho nó uống thấm giọng bằng nước cháo chớ không dám cho uống nước. Nó phều phào nói:
- Chị út ơi, sao không cho em uống nước? Em khát em chết... Quyên cầm cây nến trắng mới thắp, dỗ dành:
- Em bị thương uống nước đâu được. Uống chút chút nước cháo thôi... Chừng nào em bớt thì chị cho em uống! Thằng Bé vẫn phều phào:
- Cho em uống bây giờ đi!... Em uống một chút thôi. Quyên bậm môi, day mặt chỗ khác... Thằng Bé nói giọng giận dỗi:
- Chị út ơi, sao chị không cho em uống. Bộ chị không thương em à? Quyên đang nhễu những giọt sáp nến xuống phiến đá, nghe thằng Bé nói cách đó thì không chịu nổi, nước mắt muốn trào ra. Cô cặm nến lên phiến đá rồi đi lại chỗ anh Thẩm, nghèn nghẹn nói:
- Anh Thẩm à, em Bé đòi uống nước quá, tính làm sao bây giờ? Thẩm lắc đầu:
- Đòi thì đòi chớ cũng không cho uống. Cô đừng cho Bé uống đấy!
- Em nói hết lời mà Bé không chịu. Nó nói em không thương nó... Thẩm im lặng một chút rồi bảo:
- Tôi thấy cánh tay của Bé phải tính sao chớ để bầy nhầy vậy không được. Về vụ này tôi có thấy rồi, để lâu e nguy đến tính mạng. Theo ý tôi thanh toán cái mớ xương thịt bầy nhầy đó đi. Phải chặt đứt đi! Quyên buột miệng kêu:
- Trời ơi! Thẩm tiếp tục bảo:
- Đành phải làm vậy thôi. Mình làm vậy mới là thương Bé. Cô nghe tôi, đi ra báo cáo cho mấy ảnh biết, nói cả ý kiến của tôi cho mấy ảnh nghe, coi mấy ảnh tính sao? Quyên lắc nhẹ đầu:
- Sợ nó đau quá chịu không nổi! Quyên mới nói thế thì chợt ở đằng kia thằng Bé lên tiếng:
- Đi đi, chị út, đi hỏi mấy chú đi! Hỏi coi nhắm được thì cứ lấy dao chặt. Em không sợ đâu. Anh Thẩm nói phải đó, chặt khúc bầy nhầy này chắc khỏe hơn!...
Quyên không dè tự nãy giờ cô nói chuyện với anh Thẩm, thằng Bé đều nghe. Cô càng ngạc nhiên khi nghe thằng Bé thúc giục như thế. Nhưng cô cứ đứng trơ trơ ra đó, chưa chịu đi. Tưởng tượng cái cảnh chặt khúc tay, Quyên thấy sợ và tội nghiệp cho thằng Bé quá. Lâu nay cô coi thằng Bé như là em trai ruột. Từ ngày thím Tư má nó đội cơm vô cứ cho anh em cán bộ bị giặc bắt giữa đường đem mổ bụng, ba cha con nó sống côi cút với nhau. Chú Tư cương quyết không kiếm vợ khác. Vắng bàn tay người đàn bà thu vén cho, cái cảnh nhà chú Tư Râu ai trông thấy cũng thương. Thỉnh thoảng, Quyên hoặc Sứ vẫn bơi xuồng ra trại nò chú Tư quét dọn bếp núc, lấy quần áo rách của hai anh em thằng Bé đem vá. Ba cha con chú Tư làm nò khi có con cá con tôm ngon vẫn thường đem vào cho nhà cô. Hai anh em thằng Bé mến chị em cô lắm. Chúng gọi Sứ và Quyên bằng chị Ba, chị út ngọt xớt. Quyên nói gì nó cũng nghe, sai làm gì nó cũng chạy bay. Nhớ dạo nọ thằng Bé cứ theo năn nỉ Quyên nói giùm nó một tiếng để nó được vô du kích. Quyên thấy nó tuy tuổi còn nhỏ, nhưng có vóc dạc khỏe mạnh, nhất là nó gan dạ và có chí quyết trả thù cho má nó, cho bà con, nên cô nói với chú Tư Râu, nói với anh Ba Rèn thu nhận cho nó vô đội du kích. Thằng Bé vào du kích trước tuổi cũng như bao nhiêu đứa thiếu niên khác ở khắp miền Nam này buộc phải cầm súng khi hãy còn ở tuổi vị thành niên. Vào du kích rồi, thằng Bé tỏ ra không thua sút một anh du kích nào khác. Tới phiên nó gác, thì dù đêm ấy trời đổ mưa to thế nào chăng nữa, nó cũng đi giáp xóm, lội vườn bọc ruộng không nệ gì cực khổ. Hoặc như đi xuống chông, nó xuống kỹ và có mánh lới lắm. Nó đã chịu cực khổ ngoài biển giả quen rồi. Cũng như nó đã từng đánh bẫy chim quen rồi. Nó thường nói với Quyên:
- Chị út à, em mà "đụng trận" nào nột quá, thì một là tụi nó chết, hai là em chết.
Quyên tin là thằng Bé nói thật. Nhìn cái trán vồ, và nhất là nhìn đôi mắt rưng rưng của nó mỗi khi có ai nhắc tới má nó, thì biết là nó đã nói thật. Nhưng có điều là giờ đây thằng Bé không chết. Sau trận đánh đầu tiên, nó còn sống, với cánh tay trái dập nát ngày càng thêm nhức nhối. Quyên biết rằng thằng Bé rên hư hử như vậy là nó đau lắm. Mà nó dám ngỏ ý chịu chặt đứt cánh tay đi, ắt là nó không muốn để cánh tay bầy nhầy đó hành hạ nó nữa. Nhưng Quyên thì lại do dự. Cô không thể nào bước tới được. Cô không thể nào truyền đạt lại ý kiến của Thẩm cho anh Tám hay anh Hai Thép được, mặc dù cô cũng thấy rằng Thẩm nói là có lý. Và rất có thể mấy anh cũng tán thành ý kiến ấy, nhưng Quyên đau lòng quá. Quyên thương thằng Bé quá. Cô thương cho cánh tay nó thì ít, mà thương cho tuổi nhỏ và cảnh ngộ mồ côi mẹ của nó thì nhiều. Nhớ có một hôm, nó chép miệng nói với cô:
- Em thèm ăn bánh bèo nhưn tôm quá. Hồi đó, má em mần cho tụi em ăn hoài... Quyên liền nói:
- Chị cũng biết làm bánh bèo nhưn tôm. Để bữa nào chị làm cho mà ăn! Rồi, ngay tối hôm đó, Quyên ngâm gạo. Sáng ngày, cô xay bột đổ bánh bèo, kêu chú Tư và hai anh em thằng Bé vô ăn. †n xong, lúc cô đi rửa chén đĩa, thằng Bé lại ngồi phụ rửa chén với cô và nói:
- Chị làm bánh bèo ăn cũng ngon... mà điều em khoái ăn mấy cái bánh bèo vỉ đầu má em gỡ cho em ăn thử quá hè! Trời ơi, khi nghe thằng Bé nói thế, Quyên mới chợt hiểu rằng mình không thể nào đem lại những cái bánh bèo hệt như những cái bánh bèo trước kia thằng Bé đã ăn. Thật là cô không sao làm ra được những chiếc bánh ấy... Ngoài chuyện đó ra, còn những chuyện khác về thằng Bé, lúc này bỗng hiện đến với cô. Nhưng tiếng Thẩm lại giục:
- Đi đi út Quyên, đi hỏi ý kiến mấy ảnh coi! Để lâu không có lợi. Và thằng Bé cũng bảo:
- Chị út cứ nói với mấy chú là em chịu nổi, em đủ sức chịu nổi mà! Quyên quay phắt nhìn Thẩm nói:
- Không, tôi không... Quyên dừng lại. Dưới ngọn nến không lay động, thằng Bé từ từ mở mắt nhìn Quyên:
- Chị út đi đi!... Em thấy cái tay em nó lướng vướng lắm. Nó... Nó không phải là cái tay của em nữa... Quyên quay nhìn thằng Bé đăm đăm rồi cô cúi xuống quỳ một gối, đặt tay lên vầng trán ướt rịn mồ hôi của nó. Chợt thằng Bé hỏi:
- Chị út ơi, chị có nhớ anh La Văn Cầu tự chặt tay mình hồi ảnh mấy tuổi không? Quyên nhìn thằng Bé, bối rối, một lát mới đáp:
- Chị không nhớ rõ lắm, hình như lúc đó anh Cầu hăm hai hăm ba tuổi... Câu nói của thằng Bé làm Quyên lặng đi giây lâu. Quyên từ từ đứng dậy, đi ngay. Cô sợ thằng Bé lại đòi uống nước, mà cô không cho, thì khổ lắm. Quyên đi ra chưa tới ngách hang thì gặp mấy anh ở ngoài đi vào. Anh Hai Thép hỏi:
- út Quyên đi đâu?
- Em đi kiếm mấy anh... Vết thương của Bé nặng lắm. Đề nghị mấy anh...
Anh Hai Thép đẩy nhẹ Quyên lại:
- Đi, đi vô coi coi sao! Mấy anh có nghe rồi. Bộ thằng Bé nó rên dữ lắm hả?
- Cũng không rên nhiều. Em Bé ráng lắm, lúc đau quá em mới rên nho nhỏ... Theo anh Thẩm, thì không thể để cánh tay nát đó được...
- Được rồi, mình cứ vô coi kỹ, rồi tính! Bốn năm người, trong đó có cả anh Ba Rèn và Ngạn đi vào hang lớn. Quyên dẫn họ về phía ánh nến. Thằng Bé mở mắt ra nhìn mọi người, cười gượng gạo. Anh Hai Thép ngồi xuống coi cánh tay nó. Anh tháo băng ra. Thằng Bé nhăn mặt, vì những lớp băng bị máu dán bệt dính lại. Anh Hai Thép vừa đưa mắt nhìn nó vừa kiên quyết tháo tất cả các lớp băng. Anh nói:
- Ráng nghe Bé, mình có gan đánh giặc thì mình có gan chịu đau chớ, hả Bé? Thằng Bé lại cười. Anh Hai nhè nhẹ gỡ lớp băng cuối cùng còn dính chặt trên cánh tay nó. Đau lắm, nhưng nó cắn răng chịu chớ không rên. Cánh tay nó bị dập nát xương thịt, chỗ gần khuỷu nhầy nhụa, xám ngoét. Nghe chừng như đã có mùi hôi hôi. Anh Hai Thép nhìn kỹ vết thương rồi kéo đoạn băng che lại. Anh bước sang chỗ Thẩm hỏi han vết thương của Thẩm. Thẩm nói:
“không sao", rồi ghé tai nói với anh:
- Cánh tay của Bé phải giải quyết ngay mới được, anh à. Tôi thấy nên chặt bỏ khúc dưới đi. Đừng chần chờ nữa, để lâu nó đuối sức thì càng khó... Hai Thép im lặng một chốc và nói:
- Tôi cũng thấy như chú. Anh Hai rời chỗ Thẩm, gọi anh em ra một chỗ. Anh cho kêu cả Năm Nhớ đến:
- Các đồng chí thấy sao? Tôi thì tôi nghĩ rằng muốn cứu lấy tính mạng của chú Bé chỉ còn có cách là chặt đứt trên khuỷu tay đó một chút. Việc này chúng ta phải có gan làm, chú Bé sẽ đau trong một lúc nào đó, và chú sẽ cụt mất một tay, nhưng chú sẽ sống. Tôi tin rằng chúng ta sẽ cứu được Bé. Bây giờ không có chú Tư ba nó ở đây, nhưng nếu chúng ta nhứt trí làm việc đó, tất cả chúng ta sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước chú Tư.
- Tôi đồng ý!
- Ba Rèn giơ tay lên.
- Phải làm vậy thôi! Người tán thành thứ hai là Ngạn. Nhưng anh nói:
- Cần hỏi lại Bé coi nó nhắm sức chịu nổi không? Quyên hơi cúi thấp mặt xuống, nói giọng khó khăn:
- Em Bé cứ giục em đi hỏi mấy anh... Nó nói nó chịu nổi...
- Hỏi lại nó một lần nữa đi!
- Được, để tôi nói chuyện với nó. Anh Hai Thép đứng lên. Tấn lo lắng:
- Nhưng ai lãnh làm chuyện đó? Mà làm ra sao? Ngạn nói:
- ở đây không có cưa. Cứ lấy mã tấu khử trùng cho sạch mà làm. Anh Hai Thép hỏi:
- Đồng chí nào cáng đáng chuyện này được nè? Không có ai đáp cả. Rõ là không ai muốn lãnh chặt tay thằng Bé. Anh Hai Thép nhìn Ba Rèn:
- Sao, Ba Rèn được không?
Ba Rèn ngó lơ chỗ khác. Đây là lần đầu tiên anh không dám nhận lãnh một công việc cần phải làm, vì cách mạng. Có lẽ đây cũng chính là lần đầu tiên Ba Rèn bỗng trở nên rụt rè, nhát sợ. Người Trưởng ban quân sự xã, vai vế bành bạnh đó bây giờ trông mới nặng nhọc làm sao! Mặt anh cứ đuỗn ra, đăm đăm vẻ khó. Nếu trước kia Ba Rèn cảm thấy vô cùng hăm hở khi tự tay mình sắp được cầm cây mã tấu để lìa cổ một thằng ác ôn nào đó, thì bây giờ khi nghĩ rằng tự tay mình phải cầm mã tấu để chém đứt rời cánh tay chú du kích của mình, anh cảm thấy chuyện đó như vượt quá sức. Anh có thể chém luôn một lúc mười cái đầu của tụi ác ôn mà tay không biết mỏi và lòng vẫn thanh thản. Nhưng đối với cánh tay của thằng Bé, thì mới nói cắt đi, lòng anh đã đau nhói tợ kim châm, và đôi tay anh chưa chi đã thấy bủn rủn. "Sao Hai Thép ổng lại cho rằng chỉ có mình làm được chuyện đó? Bộ ổng tính đâu mình là người mạnh tay chém tụi ác ôn thì là mình có thể mạnh tay làm việc này sao?... Mình sẽ nói mình không làm được! " Ba Rèn nghĩ thế và lắc đầu:
- Thôi, ông nào làm đi, tôi không làm đâu! Anh Hai Thép nhìn Ba Rèn, không nói sao cả, rồi đi về phía chú Bé. Ngạn nói:
- Thiệt ra tôi cũng có thể chặt được... hay bất cứ đồng chí nào ở đây cũng đều có thể chặt được. Vì rõ ràng là mình làm thế để cứu chú Bé. Nhưng tôi nghĩ anh Ba Rèn thì tốt hơn, anh có thể chặt gọn hơn, chặt một nhát một thôi, để Bé ít đau... Mọi người ngồi quanh đều gật đầu cho ý kiến của Ngạn là phải. Vừa khi ấy, anh Hai Thép trở lại:
- Tôi đã nói chuyện với chú Bé, chú nói sẵn sàng chịu chặt khúc tay đó. Nhưng chú yêu cầu là làm cho mau... Mọi người lại đưa mắt nhìn Ba Rèn lần nữa. Ba Rèn bấy giờ như cố sức hất tung một tảng đá vô hình đang đè trĩu trên ngực mình, rồi nói:
- Thôi được, để tôi!
Nói xong, Ba Rèn vùng đứng dựng:
- Nhưng tôi đề nghị nhân tiện để tôi xử luôn vợ chồng thằng Ba Phi cho rảnh. Không có gạo nước cho mình, có đâu để nuôi nó? Anh Hai Thép nói:
- Khoan đã, để khai thác thêm vài bữa nữa rồi xử nó cũng không muộn. Nên để nó lại, có đông đủ bà con xử tội nó thì hay hơn.
- Phải, bây giờ nó ở trong tay mình, gấp gì? Hai Thép nói:
- Thôi, Năm Nhớ đi lấy thuốc đỏ với bông băng lại đây. Chỉ cần Ba Rèn và tôi ở lại với chú Bé thôi. Còn tất cả các đồng chí trở về chỗ mình hết đi. Phải cảnh giác mới giữ được, biết đâu ban đêm tụi nó lại mò vô! Ngạn đứng dậy cùng anh em xách súng trở ra ngoài. Quyên cũng đi theo. Lát sau, Năm Nhớ đã đem túi dụng cụ y tế vào. Anh Hai Thép nói với Năm Nhớ:
- Cô nấu nước, để anh Ba Rèn khử cây mã tấu của ảnh. Nước đó để uống luôn. à, còn mũi thuốc tê nào không?
- Còn hai mũi.
- Vậy trước khi chặt, tiêm cho chú Bé được không?
- Được, tiêm thì đỡ đau hơn!
- Vậy cô nói với Ba Rèn chuẩn bị, chừng nào xong cho tôi hay! Hai Thép cùng một anh du kích lại chỗ thằng Bé nằm. Thằng Bé ngó anh, như có ý hỏi:
“Sao lâu vậy? " Hai Thép ngồi xuống bên nó. Anh nói chuyện bình thường, kể cho nó nghe hôm nay giặc bị đánh chạy khỏi hang ra sao, ta lấy được những súng gì. Thằng Bé nghe nói mắt sáng long lanh. Nó chặc lưỡi, tiếc rẻ:
- Phải chi cháu không bị thương...
- ờ, không bị thương thì tốt hơn... Nhưng bị thương rồi cũng không sao. Chặt đứt khúc tay bầy nhầy thì cháu khỏe. Có thuốc tê, cũng không đau lắm đâu!
- Có đau cháu cũng cắn răng chịu. Chỉ tiếc cái là mất một tay...
- Mất một tay cháu buồn không? Thằng Bé ngần ngừ giây lâu rồi đáp:
- Buồn mà không buồn! Hai Thép khẽ nhếch miệng cười. Thằng Bé cũng cười. Nó nói:
- Cháu buồn là sợ không bắn được súng thời, chớ cháu không sợ bị tật đâu. Hồi vô du kích, cháu gẫm mình giết được tụi nó thì có khi mình cũng phải bị thương. Cháu tính rủi có chết, cháu cũng không buồn! Anh Hai Thép rất đỗi ngạc nhiên về câu trả lời của thằng Bé. Bản thân anh cũng có lúc nghĩ như thế. Anh lẩm nhẩm:
“Phải, nếu thấy rõ mọi cái đó để sẵn sàng chịu đựng thì sẽ không biết sợ. Thằng Bé mới mười bảy tuổi nhưng thật có đầy đủ tư thế của người cầm súng chiến đấu lắm! " Anh day lại, khẽ bảo anh du kích:
- Ra coi Ba Rèn chuẩn bị xong chưa? Thằng Bé chợt hỏi:
- Chú Hai ơi, chị út đâu rồi, sao chị út không vô đây với cháu? Kêu chị út vô đây đi!
- Được rồi, chú sẽ kêu chị út vô. Anh Hai Thép nói với anh du kích:
- Kêu út Quyên vô đây luôn nghe! Nét mặt thằng Bé vẫn không thay đổi. Khi Quyên vào đến thì nó day qua phía Quyên. Nó đưa cánh tay phải bíu lấy tay Quyên. Còn cánh tay trái bị thương của nó thì được Hai Thép khẽ nhấc đặt lên một lớp khăn xếp dày. Hai Thép đốt thêm một cây nến nữa, cầm trên tay. Quyên nghe tiếng Năm Nhớ cưa ống thuốc và cả tiếng Năm Nhớ búng khẩy cho đầu ống thuốc văng đi. Bàn tay phải của Bé lúc này lại bíu chặt tay Quyên hơn chút nữa.