Số lần đọc/download: 1723 / 10
Cập nhật: 2017-07-24 16:07:30 +0700
Chương II
N
hụ có bốn chị em đặt tên thứ tự là Chim, Thu, Nhụ, Đé. Đé đã năm tuổi. Những hôm cả nhà đi vắng, cửa ra vào khóa lại. Đé ở nhà một mình. Nó tự bày ra đủ mọi trò chơi, ngổn ngang trên giường và trên nền đất những mẩu tre, những chiếc ghế và chai lọ. Thỉnh thoảng nó lại leo lên cửa sổ, hai tay nắm chắc song, hai chân thõng ra ngoài. Cái chìa khóa cửa, buộc vào sợi dây ni-lông gỡ ra từ một mảnh lưới rách, màu trắng, đeo lòng thòng ở cổ. Mắt nó hớn hở nhìn những cánh buồm qua lại. Có khi khoái chí, nó bỗng hát tướng lên, lời ca bao giờ cũng rất ngộ nghĩnh:
Ông Sấm ông Sét
Ông hét đùng đùng
Làm con cá Ngùng(*)
Cắn con cá Vược
Kiện mãi chẳng được
Cá Vược ra về
Gặp vua Thủy Tề
Đang nhai vụng tép
Ông Sấm, ông Sét...
Chị cả là Chim, lớn lên đổi là Chiêm. Năm 1972, học hết lớp bảy, chị tình nguyện đi thanh niên xung phong. Chị đã hy sinh ở miền Nam vào những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hôm làng chài làm lễ truy điệu chị, những bạn học của chị đều khóc thút thít. Còn mẹ thì vẫn ngồi yên... Nét mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có đôi mắt của mẹ là bỗng bạc phếch đi, đờ đẫn nhìn vào một cái gì không thật rõ ràng. Đêm ấy về nhà, Nhụ thấy mẹ thắp một nén hương lên bàn thờ, rồi lại lặng lẽ ngồi vá lưới cho đến sáng. Đêm hôm sau, mẹ cũng ngồi vá lưới như vậy. Tấm lưng người dân chài vốn khá dày của mẹ, cứ mỏng dần đi, như cái xương cá...
Năm chị Chiêm lên đường, Nhụ mới lên sáu tuổi. Ở tuổi ấy, Nhụ còn nhớ được những hình ảnh lẻ tẻ. Khuôn mặt chị Chiêm, Nhụ vẫn hình dung là khuôn mặt mẹ, nhưng trẻ hơn độ mười lần. Chiếc ảnh duy nhất của chị chụp lúc chị cười thế nào mà gần như nhắm hết cả hai mắt lại. Chẳng biết có phải do ý muốn của chị hay không, mà ông thợ ảnh còn bôi cho chị những má hồng với môi son, trông không giống chị mấy. Tấm ảnh ấy, mẹ Nhụ cũng cất đi rồi. Cả nhà nhìn lên góc tường, thấy trống trếnh hẳn đi, nhưng không ai nỡ hỏi.
Dạo ấy đang vào kỳ đông ken. Nước ngọt rất khan hiếm. Có mấy cái giếng công cộng, rất to, cạn trơ cả những hòn đá cuội, nhẵn lì, mốc thếch. Trẻ con rủ nhau xuống tận đáy giếng mà chơi đình chùa. Giá một gánh nước ở ngoài chợ Rừng, lên đến ba đồng, bốn đồng, rồi năm đồng, sáu đồng, vẫn cứ phải mua về để uống. Sà lan cứu khát cập vào mé sông Bạch Đằng, cũng chỉ đủ nước phân phối cho mỗi gia đình liệt sĩ nửa gánh một ngày. Những ngày cuối cùng ở nhà, chị Chiêm chỉ đi gánh nước. Cái giếng còn nước cách nhà đến bốn cây số ở trong bóng mát của hai cây lim cổ bảy trăm năm có từ thời cụ Trần Hưng Đạo. Thùng cứ xếp thành hàng dài. Người ta nhường lối cho chị. Chị đổ đầy nước vào cái bể con. Chị đổ đầy nước vào các phuy và thùng. Chị đổ đầy nước vào các nồi to và chậu thau. Lúc vai chị rời đòn gánh, chị gác đòn gánh lên hai cái đinh thuyền, đóng ở đầu hồi nhà. Những hạt cát đen xỉn bám vào gấu quần, chị chỉ kịp phủi qua qua, rồi lấy lược làm bằng mảnh máy bay giặc Mỹ, giắt ở đằng sau cái gương, chải sơ sơ lên mái tóc. Thế rồi chị đi. Đơn giản như đi ra chợ Rừng mua mấy hào bồ kết về gội đầu. Mọi người trong nhà, và cả chính chị nữa, không ai ngờ rằng, lần ấy chị đi là đi mãi mãi...
Anh thứ hai là Thu, mới đi bộ đội hải quân, hiện đang đóng ở quần đảo Trường Sa xa tít tắp. Buổi sáng anh Thu đi, mẹ Nhụ gói cho anh một cái chả cá rất to, rồi tiễn anh ra tận bến Ngự. Thấy mẹ vui cười, tự nhiên anh Thu lại bật khóc. Nhụ hiểu là anh thương mẹ. Còn Nhụ thì thương cả mẹ lẫn anh. Nhụ nắm lấy tay anh, rồi lại nép vào nách mẹ. Nhụ chợt nhận ra chiếc áo mẹ mặc hôm ấy, chính là chiếc áo chị Chiêm may cho. Chị lặn hà dưới đáy sông Bạch Đằng. Chị bán hà đi, mua vải về nhà, tự tay khâu áo cho mẹ. Chiếc áo màu nâu sẫm, vạt hơi thô, nhưng đường chỉ nhỏ và rất mềm, lẩn dưới những sợi vải, mới trông cứ tưởng như máy.
Bữa ấy, vừa về đến cửa, Nhụ đã trông thấy ông ngồi một mình trên phản ở trong nhà. Ông giơ tay vẫy ngoắt một cái. Thế nghĩa là ông bảo Nhụ vào cho ông hỏi. Ông thường nói bằng mắt và bằng tay. Ở trên mặt biển thì đó là một điều rất bình thường. Nhưng ở nhà, ông cũng "nói" theo cách đó. Dần dần, con cháu cũng phải quen. Đến mười năm nay, ông không đi biển. Đôi khi chạnh lòng buồn, nhớ lại thuở ngủ gió ăn sóng, ông lại cởi trần trùng trục, một mình một con lẵng đi đến dăm bảy ngày, hoặc câu cá ở ven biển, hoặc soi cua ở trên cồn, chân các đảo đá, lang thang sương khói dọc theo triều lên xuống của con nước. Thi thoảng ông cho Nhụ đi theo, để móc mồi, gỡ cá bị kẹt trong hốc đá hay đám sú vẹt và dạy Nhụ hàng trăm chi tiết của nghề biển, nghề sông. Vài tháng gần đây, ông hay đến chơi nhà các bạn già, có khi ăn và ngủ luôn ở đấy.
- Thế nào? - Ông hỏi.
Bao giờ ông cũng hỏi quá ngắn và không hết ý. Người nghe cứ phải đoán ra. Thế nghĩa là ông hỏi việc anh Thu đi như thế nào.
- Tàu đưa anh ấy đi rồi ạ. - Nhụ trả lời.
- Tốt!
- Vâng. Tốt. - Nhu đáp theo và lập tức, nó thấy ông lừ mắt. Đôi mắt ông to và hơi lồi.
- Vui không? - Ông hỏi.
- Ở bến tàu vui lắm. Nhưng anh cháu lại khóc.
Ông cau mặt lại và tay phác ra một cử chỉ, tỏ ý không hài lòng. Nhụ nghĩ ngay là ông đã hiểu sai ý nó. Nó vội giảng giải:
- Không, ông ạ. Cháu thấy anh Thu cũng vui. Khóc nhưng vui, ông ạ.
- Hầy! - Ông buột ra một tiếng đó rồi đứng dậy, đi quanh quẩn trong nhà, dáng đi băm bổ như một ngọn sóng.
Đã tám mươi tuổi, nhưng vóc người ông vẫn còn gọn và chắc. Nước da nâu sẫm và dày, dấu ấn của cả một đời chèo kéo trên mặt biển. Kết thúc một câu nói hay một ý nghĩ, ông hay dùng tiếng hầy. Đó là tiếng hô chèo thuyền của người dân chài xưa, khi trên mặt biển sắp có giông.
Tuy thế, ông lại là người mau nước mắt. Nhụ biết ông phải vội vàng đứng lên, đi đi lại lại như thế, là để che đi giọt nước mắt đã bất ngờ ứa ra, ướt đẫm hai hàng mi...