Love is like a glass door… sometimes you don’t see it, and it smacks you right in your face.

 
 
 
 
 
Tác giả: Émile Gaboriau
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Vu Duy
Upload bìa: Vu Duy
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-11-18 15:22:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hính vào lúc Nina Gypsy đi tìm chỗ ẩn náu tại khách sạn Đại Thiên Thần thì Prosper Bertomy bị tống vào nhà tạm giam của Sở Cảnh sát.
Từ lúc lấy lại được thái độ bình thường, anh luôn luôn giữ vẻ lạnh lùng. Anh ngồi tại phòng làm việc của ông thanh tra hơn hai tiếng đồng hồ trong khi ông này đi xin lệnh, anh ngồi đó dưới sự canh gác của hai người lính cảnh sát. Đến trưa, thấy đói bụng anh liền tuyên bố là cần phải ăn một chút gì đó. Thế là người ta mua thức ăn tại hiệu ăn bên cạnh đem về cho anh. Anh ăn khá ngon lành và uống gần hết một chai rượu vang.
Trong suốt thời gian anh có mặt ở đó, có ít nhất khoảng mười nhân viên cảnh sát và nhiều viên chức khác của Sở Cảnh sát đã tò mò đến xem thái độ của anh. Tất cả đều có ý kiến giống nhau và đều bảo:
- Đây là một con chó ngao cứng đầu!
Đến khi người ta bảo cho anh biết là xe ngựa đang đợi dưới đường thì anh nhanh nhẹn đứng lên. Nhưng trước khi xuống đường, anh xin phép được hút một điếu xì gà. Dưới cổng có một chị hàng hoa luôn luôn đứng đó. Prosper mua một bó hoa violet nhỏ. Chị hàng hoa biết là anh đang bị bắt nên đã nói như thể cảm ơn:
- Chúc ông may mắn! Tội nghiệp ông!
Dường như cảm động trước thái độ quan tâm ấy, anh đáp:
- Cảm ơn, chị thật là tử tế, nhưng tôi sẽ không còn gặp may trong một thời gian dài nữa.
Thời tiết thật là đẹp. Đó là một ngày mùa xuân rực rỡ. Suốt dọc phố Montmartre, Prosper đã nhiều lần thò đầu ra cửa xe mỉm cười dưới ánh nắng đẹp trời.
- Trời đẹp quá, anh nói, chưa bao giờ tôi lại thèm được đi dạo chơi như hôm nay.
Một anh lính béo tròn nghe thấy thế liền bật cười bảo:
- Tôi hiểu.
Đến phòng lục sự, trong khi người ta làm giấy nhận tù, Prosper kiêu kỳ và khinh bỉ trả lời những câu hỏi của viên thư lại. Nhưng khi người ta ra lệnh cho anh bỏ hết mọi thứ trong túi ra bàn rồi bước tới để khám xét anh thì một tia chớp phẫn nộ lóe lên trong mắt anh, sau đó là một giọt lệ lăn trên gò má nóng bỏng và lập tức bị khô biến ngay. Điều đó chỉ diễn ra trong nháy mắt. Anh lại lấy lại vẻ bình thản để mặc cho người ta khám xét. Cuộc khám xét chắc là sẽ còn tiếp diễn xa hơn nữa và trở nên nhục nhã nếu như không có sự can thiệp của một người đàn ông đã luống tuổi và có vẻ có vai vế, thắt cravát trắng, đeo kính gọng vàng, đang ngồi bên lò sưởi với phong thái thoải mái như thể ở nhà mình. Khi nhìn thấy Prosper bị cảnh sát áp giải bước vào, ông làm một cử chỉ kinh ngạc và tỏ ra vô cùng xúc động. Thậm chí ông còn bước tới như thể muốn chào hỏi anh nhưng lại thôi…
Cho dù có bối rồi đến mức nào chăng nữa thì anh thủ quỹ cũng không thể không nhận thấy rằng người đàn ông này không rời mắt khỏi anh. Ông quen anh sao? Anh cố lục tìm trí nhớ mà không nhớ nổi mình đã gặp ông bao giờ.
Người đàn ông với dáng điệu thủ trưởng ấy chính là một viên chức nổi tiếng của Sở Cảnh sát: ông Lecoq.
Đúng lúc những người cảnh sát đang khám xét Prosper sửa soạn bắt anh cởi giày thì ông Lecoq ra hiệu báo:
- Thôi đủ rồi.
Những người kia nghe theo. Mọi giấy tờ đã được làm xong. Cuối cùng người ta dẫn anh chàng thủ quỹ bất hạnh vào một xà lim hẹp. Cánh cửa có khóa và chốt chắc chắn đóng lại sau lưng anh. Anh cất tiếng thở dài. Chỉ còn lại một mình.
Phải, anh tưởng là anh chỉ có một mình! Anh không biết rằng nhà tù giống như một loại nhà kính. Người bị buộc tội vào đây chẳng khác gì con côn trùng nằm dưới ống kính hiển vi của nhà côn trùng học. Anh không biết rằng bốn bức tường nhà tù đều có những đôi tai luôn luôn dỏng lên nghe ngóng, còn những ô cửa con là những con mắt lúc nào cũng chăm chú ngắm nhìn.
Anh quá tin là không còn ai trông thấy mình, đến nỗi anh để mặc lòng kiêu hãnh của mình tan biến thành những dòng nước mắt tràn trề, để mặc cho chiếc mặt nạ lạnh lùng rơi xuống đất. Cơn giận bị kiềm chế quá lâu giờ đây nổ bùng ra dữ dội và khủng khiếp, giống như một cơn hỏa hoạn âm ỉ từ lâu đã làm khô héo mọi thứ dễ cháy. Anh nổi khùng như điên dại. Anh kêu gào nguyền rủa. Anh đấm tay vào tường như lên cơn điên loạn.
Đó là vì Prosper Bertomy đã không đạt được như anh mong muốn.
Anh chàng quân tử kiêu kỳ và đứng đắn này, một loại công từ bột lạnh lùng, đã có những dục vọng cháy bỏng và một tính khí bốc lửa. Nhưng đến một hôm, lúc ấy anh vào khoảng hai mươi bốn tuổi, trái tim anh bắt đầu bị nỗi tham vọng cắn rứt. Trong khi mọi ước mong của anh đang đau khổ vì chúng bị giam hãm trong địa vị tầm thường của anh thì, khi nhìn thấy những kẻ giàu có sống quanh mình mà đồng tiền đã cho phép họ có được chiếc roi thần của những câu chuyện “một nghìn lẻ một đêm”, anh bắt đầu thèm khát số phận của họ. Anh bắt đầu tìm hiểu gốc gác và xuất phát điểm của tất cả những ông chủ giàu có của các doanh nghiệp tài chính cỡ lớn, và anh nhận ra rằng ban đầu phần lớn trong số họ không có được tài sản bằng anh. Vậy làm thế nào họ đã nổi lên? Đó là nhờ nghị lực, nhờ trí thông minh và tính táo bạo. Đối với họ, lối suy nghĩ có hiệu quả giống như cây đèn thần trong tay Aladin. Anh liền thề là sẽ bắt chước họ và sẽ thành đạt như họ. Từ ngày đó, với một sức mạnh ý chí, anh đã kìm giữ bản năng của mình. Anh bắt đầu cải cách, nhưng không phải là cải cách cá tính của mình, mà là cải cách cái vẻ ngoài của cả tính. Và những nỗ lực của anh đã không phải là vô ích. Người ta tin vào bản lĩnh và năng khiếu của anh. Vậy mà bây giờ anh đang ngồi đây, trong nhà tù, bị buộc tội ăn cắp, nghĩa là anh đã toi đời.
Bởi vì anh không cho phép mình có ảo tưởng. Anh biết rằng dù vô tội hay có tội thì con người bị nghi ngờ sẽ mang một vết nhơ không thể xóa bỏ được, chẳng khác gì con dấu đóng bằng sắt nung trên vai những người tù khổ sai năm xưa. Thế thì còn chống đối làm gì nữa! Thắng cuộc để làm gì nếu như nó không rửa được vết nhơ!…
Đến tối, khi người cai ngục đem cơm vào cho anh thì ông ta thấy anh nằm dài trên giường vùi đầu vào gối khóc giàn giụa nước mắt. Ôi! Bây giờ khi phải ở một mình anh không còn thấy đói nữa. Một sự chán ngán không thể cưỡng nổi xâm chiếm lòng anh… Ý chí điên loạn của anh đang trôi nổi trong một đám sương mù dày đặc. Rồi màn đêm dài buông xuống đầy vẻ kinh hoàng. Lần đầu tiên anh phải nằm nghe tiếng bước chân đổi gác của cai ngục để đoán giờ giấc. Anh thấy lòng mình tan nát.
Tuy nhiên đến gần sáng anh cũng chợp được mắt. Và trong khi anh vẫn còn đang ngủ thì có tiếng gọi vang lên của người cai ngục:
- Nào anh bạn, lên phòng xét hỏi.
Anh đứng phắt dậy. Như vậy là anh sẽ bị hỏi cung đây.
- Đi thôi! - anh nói mà không cần sửa sang lại quần áo.
Dọc đường người cai ngục bảo anh:
- Anh gặp may đấy, anh sẽ được làm việc với một người rất tử tế.
Người cai ngục đã nói đúng. Với một đầu óc minh mẫn khác thường, một tính tình cương quyết mà không có định kiến, đồng thời cũng hoàn toàn không có một lòng thương hại giả tạo và một tính nghiêm khắc thái quá, ông Patrigent có tất cả những phẩm chất cao quý mà cái nghề tế nhị và khó khăn của một cán bộ điều tra đòi hỏi. Có thể là ông thiếu tinh thần khẩn trương, nhưng ông lại có một đức tính kiên trì không gì lay chuyển nổi. Ông có thể theo đuổi điều tra một vụ án hàng mấy năm liền không nản chí. Cho nên văn phòng của ông là nơi tồn đọng những vụ án dở đang kéo dài không dứt. Đó chính là chân dung của con người mà Prosper đang được dẫn đến. Và con đường dẫn đến phòng ông thật là khó khăn vất vả. Prosper được dẫn đi qua một dãy hành lang dài, qua một căn phòng đầy lính hiến binh, bước xuống một cầu thang, qua một gian nhà giống như kiểu hầm ngầm, sau đó lại leo lên một cầu thang hẹp và dốc đứng dài dằng dặc. Cuối cùng anh được dẫn vào một hành lang thấp và hẹp, hai bên có những chiếc cửa được đánh số. Người cai ngục bảo anh dừng lại trước một cánh cửa.
- Chúng ta đến rồi. Đây là nơi số phận của anh sẽ được định đoạt.
Nghe câu nói với giọng thương hại sâu sắc của người cai ngục, Prosper không thể không rùng mình. Dù sao đó cũng là sự thật: Đằng sau cánh cửa này có một người sẽ hỏi cung anh, và tùy theo câu trả lời của anh mà anh được thả hay chính thức bị giam giữ. Tuy nhiên, khi anh lấy hết sức can đảm đặt tay lên quả đấm cửa thì người cai ngục liền giữ anh lại:
- Ồ! Chưa vào như thế được. Anh hãy ngồi đợi khi nào đến lượt người ta sẽ gọi anh.
Anh chàng bất hạnh ngồi xuống chiếc ghế dài bằng gỗ sồi thô kê sát tường, người cai ngục cũng ngồi xuống bên cạnh anh. Chiếc ghế đen bóng lên bởi hàng ngày có biết bao nhiều kẻ đã từng ngồi. Đó là tất cả những kẻ bị can, những tên ăn cắp, những tên giết người của cả thủ đô. Sớm hay muộn thì tội ác cũng sẽ dẫn bị can đến cái hành lang khủng khiếp này, nơi chỉ có hai cửa ra: một cửa dẫn thẳng đến nhà tù khổ sai còn một cửa dẫn ra máy chém.
Vào lúc Prosper được dẫn tới thì hành lang đang chật ních người. Ngồi sát bên Prosper là một người đàn ông ăn mặc rách rưới với bộ mặt ảm đạm. Dọc hành lang luôn có lính hiến binh nện gót giày đi đi lại lại dẫn tới hoặc dẫn về những người tù nhân. Thỉnh thoảng có những tiếng nấc cất lên và người ta thấy một người đàn bà nào đó đưa khăn mùi soa lên lau mắt. Chốc chốc lại có một cánh cửa mở ra đóng vào, và người ta nghe thấy tiếng nhân viên tiếp khách gọi tên hay đọc số của ai đó.
Nhìn thấy cái cảnh nhục nhã ấy, viên thủ quỹ đang cảm thấy tinh thần suy sụp thì một ông già nhỏ nhắn mặc áo đen, đeo phù hiệu và dây chuyền bắt chéo, mở cửa gọi to:
- Prosper Bertomy!
Anh chàng bất hạnh đứng thẳng dậy, rồi chẳng hiểu thế nào mà anh đã thấy mình bị đẩy vào phòng của ông cán bộ điều tra.
Thoạt tiên anh thấy mình bị lóa mắt. Bởi vì anh vừa ở ngoài hành lang u tối bước vào căn phòng có cửa sổ mở rộng đối diện với cửa ra vào làm cho căn phòng tràn ngập ánh sáng rạng rỡ. Đối diện với cửa ra vào là một chiếc bàn làm việc lớn trên đó chất đầy hồ sơ, phía sau bàn là vị cán bộ điều tra ngồi quay mặt ra cửa, trong tư thế ấy mặt ông luôn chìm trong bóng tối, còn những kẻ bị can và nhân chứng thì phải phơi mặt trước ánh sáng. Bên phải là bàn viết của viên lục sự, một người giúp việc không thế thiếu được của ông cán bộ điều tra.
Nhưng Prosper không để ý đến những chi tiết ấy. Anh chỉ tập trung chú ý vào vị cán bộ điều tra, và càng nhìn kỹ anh càng thấy là viên cai ngục của mình đã không lừa dối anh. Đúng là bộ mặt của ông Patrigent, một bộ mặt có những nét khác thường với hai mai dài màu hung cùng đôi mắt linh lợi hóm hỉnh đầy vẻ hiền từ, là một bộ mặt hấp dẫn và làm cho người ta vững tâm.
- Ngồi xuống đi, - ông bảo Prosper.
Lời nói ân cần ấy đã làm cho bị can xúc động, nhất là khi anh đang nghĩ là mình sẽ bị đối xử với một thái độ khinh bỉ nhất. Điều đó có vẻ báo hiệu điềm lành và đem lại cho anh sự thoải mái về tinh thần.
Nhưng ông Patrigent đã ra hiệu cho viên lục sự:
- Chúng ta bắt đầu, Sigault, chú ý nhé.
Rồi ông quay sang Prosper:
- Anh tên là gì?
- Auguste-Prosper Bertomy, thưa ngài.
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Đến mùng 5 tháng Năm tới tôi sẽ tròn ba mươi tuổi.
- Nghề nghiệp của anh là gì?
- Thưa ngài tôi là, hay đúng hơn tôi đã là thủ quỹ của nhà băng André Fauvel.
Ông cán bộ điều tra ngắt lời anh để tra một cuốn sổ nhật ký đặt bên cạnh. Xem sổ xong, ông Patrigent lại hỏi tiếp:
- Nhà anh ở đâu?
- Từ bốn năm nay tôi ở nhà 39 phố Chaptal. Trước đây tôi ở số 7 đại lộ Batignolles.
- Nơi sinh của anh?
- Tại Beaucaire, tỉnh Gard.
- Bố mẹ anh vẫn còn chứ?
- Thưa ngài, mẹ tôi mất cách đây hai năm, tôi chỉ còn bố.
- Ông ấy sống ở Paris à?
- Không, thưa ngài, bố tôi sống ở Beaucaire cùng với vợ chồng chị gái tôi. Anh rể tôi là kỹ sư ở kênh đào Midi.
Prosper trả lời những câu hỏi sau cùng bằng một giọng xúc động đau đớn.
- Thế bố anh làm nghề gì?
- Thưa ngài, trước đây bố tôi là kỹ thuật viên cầu đường, sau đó làm việc tại kênh đào Midi, cũng như anh rể tôi, giờ bố tôi đã về hưu.
Im lặng một lát. Ông cán bộ điều tra xoay lại ghế sao cho những lúc làm ra vẻ như quay mặt đi nhưng ông vẫn không bỏ sót một điều gì hiện ra trên mặt Prosper.
- Đây này! - ông bỗng nói. - Anh bị buộc tội là đã ăn cắp của ông chủ anh 350.000 franc.
Từ hai mươi tư tiếng đồng hồ qua Prosper đã có đủ thời gian để quen với điều buộc tội khủng khiếp ấy, vậy mà lời buộc tội chính thức đó vẫn làm cho anh rụng rời đến nỗi không nói được một lời.
- Anh có gì trả lời không? - ông cán bộ điều tra lại hỏi.
-Thưa ngài, tôi vô tội, tôi thề với ông là tôi vô tội!
- Tôi cũng muốn cho anh được như vậy. Anh có thể tin là tôi sẽ đem hết sức mình giúp anh chứng minh sự vô tội ấy. Ít nhất anh có thể dẫn ra vài bằng cớ để chứng minh cho sự vô tội của mình không?
- Ôi, thưa ngài, tôi có thể nói được gì khi mà bản thân tôi cũng không hiểu được điều gì đã xảy ra! Tôi chỉ có thể viện dẫn cả tính mạng của tôi thôi…
Ông cán bộ điều tra giơ tay ngắt lời Prosper:
- Chúng ta hãy xác định rõ rằng vụ trộm xảy ra trong hoàn cảnh mà chỉ có thể nghi ngờ ông Fauvel hoặc anh thôi. Có thể nghi cho người nào khác được không?
- Không, thưa ngài.
- Anh nói là anh vô tội, vậy người phạm tội phải là ông Fauvel.
Prosper không đáp.
- Anh có lý do nào để tin rằng ông chủ của anh tự ăn cắp tiền của mình không? Cho dù lý do đó có mơ hồ đến đâu chăng nữa thì anh cũng cứ nói cho tôi biết.
Khi thấy bị can vẫn không trả lời, ông nói tiếp:
- Thôi được, tôi thấy là anh đang cần suy nghĩ thêm… Anh hãy nghe ông lục sự đọc lại biên bản hỏi cung, sau đó anh ký vào rồi người ta sẽ dẫn anh về phòng giam.
Anh chàng bất hạnh cảm thấy chán ngán rã rời. Niềm hy vọng cuối cùng của anh đã tắt. Anh chẳng nghe thấy viên lục sự đọc gì cả. Rồi anh ký bừa mà chẳng cần nhìn.
Anh lảo đảo bước ra khỏi phòng, đến nỗi viên cai ngục phải khuyên anh dựa vào người mình. Ông hỏi anh:
- Công việc không ổn hả? Thôi anh bạn, hãy can đảm lên.
Nhưng khi phải trở lại xà lim thì Prosper không còn giữ được can đảm nữa, mà trong anh chỉ có lòng căm giận và nỗi thù hằn. Anh đã quyết là sẽ khai hết với ông cán bộ điều tra, đã quyết tự bào chữa, nhưng người ta không cho anh có thời gian làm việc đó. Anh cay đắng tự trách mình là đã tin vào cái vẻ tử tế bề ngoài.
- Thật nực cười! - anh nói. - Phải chăng đó là một cuộc hỏi cung?
Không, quả thực đó không phải là một cuộc hỏi cung, mà chỉ là một thủ tục đơn thuần. Ông Patrigent triệu Prosper đến phòng xét hỏi chỉ là để tuân theo điều 93 của Bộ luật Tố tụng Hình sự nói rằng, “bất cứ một người nào bị bắt đều phải được hỏi cung chậm nhất trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ”. Nhưng với một vụ án không hề có tang chứng gì như thế này thì trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ một viên cán bộ điều tra không thể thu thập được đủ yếu tố cho một cuộc hỏi cung. Đế thắng được thái độ chống cự ngoan cố của bị can cần phải có đầy đủ vũ khí. Và ông Patrigent đang lo lắng tìm kiếm những thứ vũ khí đó.
Nếu Prosper còn ngồi lại thêm một tiếng nữa tại dãy hành lang tối tăm ấy; thì sẽ được nhìn thấy chính người nhân viên tiếp khách đã gọi mình khi nãy bây giờ lại ló đầu ra khỏi phòng gọi to:
- Người số ba.
Nhân chứng mang số ba đang ngồi trên dãy dài chính ông là André Fauvel.
Giờ đây ông chủ nhà băng đã đổi khác. Trước đây ông tử tế bao nhiêu thì bây giờ ông bực bội bấy nhiêu. Chỉ sau mấy câu hỏi mở đầu ông đã tuôn ra những lời đả kích, thậm chí cả những lời thóa mạ, chống lại Prosper. Ông Patrigent đã phải yêu cầu ông im lặng, nhắc nhở nghĩa vụ của chính bản thân ông, cho dù nhân viên của ông có mắc sai lầm đến đâu đi chăng nữa.
Trong khi vừa rồi tỏ ra dễ dãi với bị can thì giờ đây ông cán bộ điều tra lại trở nên chăm chú và tỉ mỉ. Bởi vì cuộc hỏi cung Prosper chỉ là một thủ tục. Giờ đây mới là lúc phải tìm kiếm sự việc phụ trợ, những yếu tố cá biệt, phải tập hợp lại những tình tiết có vẻ vô nghĩa nhất để rút ra một kết luận.
- Chúng ta hãy tiến hành có tổ chức, thưa ngài, - ông bảo ông Fauvel. - Trong lúc này tôi xin ngài hãy chỉ trả lời khi nào tôi hỏi thôi. Trước đây ngài có nghi ngờ tính trung thực của viên thủ quỹ của ngài không?
- Tất nhiên là không! Thế nhưng cũng có rất nhiều ly do đáng ra phải làm cho tôi lo lắng.
- Những lý do gì vậy, thưa ngài?
- Anh Bertomy, viên thủ quỹ của tôi, hay chơi cờ bạc. Nhiều lần tôi đã được biết rằng anh ta thua những khoản rất lớn. Anh ta có những người quen không tốt. Có một lần, một trong những khách hàng của tôi, ông de Clameran, bị dính líu vào một vụ bê bối cờ bạc và đã phải ra tòa tiểu hình.
Rồi ông chủ nhà băng hết lời buộc tội Prosper. Cuối cùng ông ngừng lời. Ông cán bộ điều tra liền bảo:
- Thưa ngài, ngài hãy thú nhận rằng ngài đã rất thiếu thận trọng, nếu không nói là có lỗi, là đã dám giao két cho một con người như vậy.
- Ồ, thưa ngài, - ông Fauvel đáp. - Anh Prosper không phải lúc nào cũng như vậy. Cho đến năm ngoái anh ta vẫn còn là một con người mẫu mực của thế hệ anh ta. Từ khi được nhận vào nhà băng của tôi, anh ta gần như đã trở thành thành viên trong gia đình tôi, tối nào anh ta cũng ở bên chúng tôi, anh ta kết bạn thân với thằng con cả Lucien của tôi. Rồi bỗng dưng anh ta không đến chơi nhà chúng tôi nữa. Tuy nhiên tôi hoàn toàn có lý lẽ để tin rằng anh ta rất yêu con cháu gái Madeleine của tôi.
Ông Patrigent hơi nhíu mày, đó là thói quen mỗi khi ông nghĩ là mình vừa bắt được một dấu hiệu nào đó.
- Liệu có phải vì mối tình ấy mà anh Bertomy xa lánh ngài không?
- Tại sao? - ông chủ nhà băng kinh ngạc hỏi. - Tôi sẵn sàng vui lòng gả con bé Madeleine cho anh ta, và thực tình tôi cũng cứ tin là anh ta sẽ hỏi nó làm vợ. Con bé cháu tôi là một đám tốt, một đám không dám mơ ước đối với anh ta. Nó rất xinh, và nó sẽ được nửa triệu tiền hồi môn.
- Thế thì ngài không tìm thấy lý do nào giải thích cho thái độ cư xử ấy của anh thủ quỹ à?
Ông chủ nhà băng có vẻ suy nghĩ tìm kiếm.
- Hoàn toàn không, - ông đáp. - Dù sao tôi vẫn nghĩ rằng Prosper bị lung lạc bởi một anh chàng mà anh ta đã làm quen ở nhà tôi, đó là Raoul de Lagors.
- Ồ!… Thế chàng trai ấy là người thế nào?
- Một người họ hàng của vợ tôi, một chàng trai dễ thương, vui tính, có giáo dục, hơi khờ khạo, nhưng đủ giàu để có thể trả tiền cho những chuyện khờ khạo của mình.
Ông cán bộ điều tra có vẻ như không nghe nữa. Ông đang ghi tên Lagors vào số nhật ký công tác, kế tiếp một dãy tên đã được ghi khá dài.
- Bây giờ, - ông nói tiếp, - chúng ta hãy đi thẳng vào việc: Ngài tin rằng không còn ai thuộc nhà băng của ngài là thủ phạm của vụ ăn cắp đó chứ?
- Về mặt thực tế thì tôi tin như vậy, thưa ngài.
- Ngài có bao giờ rời chìa khóa ra không?
- Rất ít khi. Và khi nào tôi không giữ nó trong người thì tôi đều cất nó trong ngăn kéo tủ bàn giấy của tôi trong phòng ngủ.
- Trong đêm mất cắp ngài để nó ở đâu?
- Trong tủ bàn giấy.
- Thế thì…
- Xin lỗi, thưa ngài, cho phép tôi được lưu ý với ngài rằng đối với một két sắt như của tôi thì chìa khóa chẳng có nghĩa lý gì cả. Trước hết phải biết mật mã để điều chỉnh năm nút bấm di động. Nếu biết mật mã thì cùng ra vẫn có thể mở được két mà không cần chìa khóa. Nhưng nếu không biết mật mã…
- Thế ngài không nói cho ai biết mật mã này chứ?
- Không một ai trên đời, thưa ngài. Và ngài biết không, đôi khi tôi còn lúng túng nghĩ mãi mới nhớ ra mật mã. Bởi vì Prosper luôn thay đổi mật mã khi nào anh ta thích, sau đó anh ta báo cho tôi biết và thế là có lúc tôi không nhớ nổi.
- Vào ngày mất cắp ông có quên nó không?
- Không, bởi vì mật mã mới được đổi cách đấy hai hôm mà tính chất kỳ cục của nó đã làm cho tôi ngạc nhiên.
- Mật mã như thế nào?
- “Gypsy”.
Ông Patrigent cũng ghi cả chữ này vào sổ.
- Thêm một câu hỏi nữa, - ông bảo. - Hôm trước ngày mất cắp ngài có ở nhà không?
- Không, thưa ngài. Tôi dự bữa ăn tối tại nhà một người bạn và cả buổi tối tôi có mặt ở đó. Khi về nhà, lúc ấy vào khoảng một giờ đêm, thì vợ tôi đã đi ngủ và tôi cũng đi ngủ ngay.
- Và ngài không biết trong két có bao nhiêu tiền chứ?
- Hoàn toàn không. Theo lệnh dứt khoát của tôi thì tôi nghĩ trong két chỉ có một ít tiền không đáng kể. Tôi đã tuyên bố điều đó với ngài thanh tra rồi, và anh Bertomy cũng đã công nhận.
- Đúng, biên bản đã xác nhận như vậy.
Ông Patrigent im lặng. Đối với ông, tất cả được gói gọn trong câu này: “Ông chủ nhà băng không biết là trong két có 350.000 franc, và Prosper đã thiếu trách nhiệm trong việc rút tiền ở ngân hàng Quốc gia về”, như vậy… có thể dễ dàng rút ra kết luận.
Khi thấy ông cán bộ điều tra không hỏi gì thêm nữa, ông chủ nhà băng nghĩ rằng cuối cùng mình có thể thổ lộ tâm can:
- Thưa ngài, tôi tin là tôi hoàn toàn ngoại phạm, nhưng tôi cũng sẽ chỉ có thể ngủ yên được khi mà tội trạng của viên thủ quỹ của tôi hoàn toàn được xác lập. Sự vu khống thường hay nhằm vào những người thành đạt. Tôi có thể bị vu khống, 350.000 franc là một tài sản có khả năng cám dỗ cả những người giàu có nhất. Tôi sẽ rất biết ơn ngài nếu ngài cho kiểm tra tình hình nhà băng của tôi, cuộc kiểm tra này sẽ chứng minh rằng tôi không thể có một lợi lộc gì mà tự ăn cắp tiền của mình, sự thịnh vượng trong công việc làm ăn của tôi…
- Thôi đủ rồi, thưa ngài.
Quả thực là ông Patrigent không cần nghe nữa. Ông đã có đủ tin tức để hiểu rõ chẳng kém gì ông chủ nhà băng về tình hình làm ăn của ông ta. Ông yêu cầu ông chủ nhà băng ký vào biên bản và tiễn ông ra tận cửa, đây là một đặc ân rất hiếm hoi của ông cán bộ điều tra.
Sau khi ông Fauvel ra khỏi, anh chàng lục sự tự cho phép mình có một nhận xét:
- Thật là một vụ án khó hiểu. Nếu tay thủ quỹ mà khôn khéo và cương quyết thì tôi cho rằng khó mà có thể bắt anh ta nhận tội được.
- Có thể, nhưng chúng ta hãy nghe những nhân chứng khác nữa đã.
Nhân chứng số bốn chính là Lucien, con trai cả của ông Fauvel. Chàng thanh niên cao lớn và đẹp trai này năm nay hai mươi mốt tuổi, anh trả lời là anh rất quý Prosper, rất gắn bó với anh ấy và luôn luôn coi anh ấy là một người trung thực, thậm chí ngay cả một chuyện khiếm nhã anh ấy cũng không thể phạm phải được. Anh khai rằng cho đến tận bây giờ anh vẫn không thể hiểu nổi tại sao và do những hoàn cảnh định mệnh nào mà Prosper đã đi tới chỗ phạm tội ăn cắp. Anh cũng biết là Prosper có đánh bạc, nhưng không tới mức như người ta gán cho. Chưa bao giờ anh thấy Prosper tiêu xài quá khả năng tài chính của mình. Được hỏi về cô em họ Madeleine, anh đáp:
- Tôi luôn luôn nghĩ rằng Prosper yêu Madeleine, và cho đến hôm qua tôi vẫn tin rằng anh ấy sẽ lấy cô làm vợ, vì tôi biết rằng bố tôi sẽ không phản đối cuộc hôn nhân này. Tôi luôn luôn cho rằng sở dĩ Prosper xa lánh chúng tôi là do anh bất hòa với cô em họ tôi, nhưng tôi vẫn tin rằng cuối cùng họ sẽ làm lành với nhau.
Những lời khai của anh Lucien còn có khả năng làm sáng tỏ quá khứ của viên thủ quỹ hơn cả lời khai của ông Fauvel, nhưng hình như chúng vẫn chưa đưa ra được một dấu hiệu nào để có thể rút ra kết luận trong hoàn cảnh hiện tại.
Lucien ký vào bản khai rồi rút lui.
Đến lượt Cavaillon được gọi vào hỏi cung. Khi trình diện trước ông cán bộ điều tra, chàng trai khốn khổ đang ở trong một tình trạng đáng thương hại. Hôm qua anh đã bí mật kể cho một người bạn của mình, một anh chàng thư ký luật sư, về câu chuyện của mình với anh nhân viên an ninh, anh này đã cười nhạo tính nhát gan của anh. Thế là anh tỏ ra vô cùng hối hận và suốt đêm anh tự trách mình là đã bỏ mặc Prosper. Nhưng bây giờ ít ra anh cũng có nhiệm vụ là sẽ cố sửa chữa điều mà anh gọi là sự phản bội của mình. Anh không tố cáo đích xác ông Fauvel, nhưng anh dũng cảm tuyên bố rằng anh là bạn thân của anh thủ quỹ, là người chịu ơn anh, và rằng anh tin chắc anh Prosper cũng như chính bản thân anh là vô tội. Khốn thay, vì anh chẳng có một bằng chứng nào để xác minh cho lời tuyên bố của mình nên việc anh tự nhận là bạn thân đã làm cho lời khai mất giá trị.
Sau Cavaillon là khoảng bảy, tám người thuộc nhân viên nhà băng Fauvel lần lượt bước vào phòng điều tra. Nhưng những lời khai của họ hầu như không có giá trị gì. Tuy nhiên có một người khai một chi tiết làm cho ông cán bộ điều tra chủ ý. Anh ta quả quyết là thông qua môi giới của Raoul de Lagors, Prosper đã có hành động đầu cơ ở Sở Giao dịch Chứng khoán và đã thu được những khoản tiền lớn.
Đến năm giờ chiều thì danh sách các nhân chứng đã được hỏi hết. Nhưng nhiệm vụ của ông Patrigent vẫn chưa hoàn tất. Ông lắc chuông gọi nhân viên tiếp khách rồi bảo:
- Đi gọi Fanferlot lại đây cho tôi ngay.
Fanferlot bước vào phòng điều tra và cúi chào sát đất. Mặc dù vẻ mặt anh tỏ ra tươi cười nhưng trong lòng vô cùng lo lắng. Để tự mình theo đuổi vụ Bertomy, anh phải đóng hai vai mà có thể sẽ bị phát giác. Để chiều lòng luật pháp lẫn tham vọng của mình, anh phải đương đầu với nhiều rủi ro mà ít nhất là có thể bị mất việc làm. Anh lập tức báo cáo công việc của mình, cố gắng cân nhắc xem cần phải nói những gì và những gì cần phải giấu kín. Thế là anh kể lại câu chuyện về bức thư mà Prosper nhờ Cavaillon gửi, thậm chí anh còn trao lại cả bức thư đó cho ông cán bộ điều tra, nhưng anh không hề nói một lời về Madeleine. Ngược lại anh kể khá chi tiết về lai lịch của Prosper và của Gypsy mà anh đã điều tra được.
Anh càng kể thì niềm tin của ông Patrigent càng được củng cố.
- Thế là rõ rồi, - ông lẩm nhẩm. - Chàng trai này là kẻ có tội.
Fanferlot không bác lại ý kiến ấy. Nó không giống như ý kiến của anh, nhưng anh khoái chí là ông cán bộ điều tra đang đi nhầm đường, vì như vậy thì công lao sau này của anh sẽ được vinh hiển hơn. Điều đáng tiếc là hiện thời anh vẫn chưa biết làm thế nào để đạt tới được kết quả mong muốn.
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, ông cán bộ điều tra giao cho anh nhân viên an ninh của mình mấy nhiệm vụ rồi cho anh lui sau khi đã hẹn gặp anh vào ngày mai.
- Nhất là, - ông kết luận, - anh đừng để mất hút cô Gypsy đấy. Cô ta chắc là phải biết số tiền ăn cắp được để ở đâu và có thể giúp chúng ta lần ra dấu vết.
Fanferlot mỉm cười ranh mãnh:
- Ngài có thể yên tâm, cô ta đang được trông nom cẩn thận.
Còn lại một mình, mặc dù trời đã tối, nhưng ông Patrigent vẫn còn ngồi để tính toán các biện pháp làm sao lấy được nhiều lời khai hơn nữa. Ông đang hoàn toàn bị cuốn hút vào vụ án này. Ông có cảm giác như đã phát hiện thấy một vài khía cạnh mờ ám và bí hiểm của vụ án mà ông thề là sẽ khám phá bằng được.
Ngày hôm sau ông đến phòng làm việc sớm hơn thường ngày. Ông nghe lời khai của Gypsy, lại gọi Cavaillon đến và cho người đi tìm ông Fauvel. Rồi mấy ngày sau ông vẫn tiếp tục hỏi cung các nhân chứng. Chỉ có hai nhân chứng được mời nhưng đã vắng mặt. Người thứ nhất là anh nhân viên bảo vệ nhà băng mà Prosper đã sai ra ngân hàng Quốc gia rút tiền, anh ta bị thương do tai nạn ngã xe. Người thứ hai là Raoul de Lagors. Nhưng sự vắng mặt của họ không làm cho tập hồ sơ về Prosper kém dày lên, và đến thứ Hai sau đó, nghĩa là năm ngày sau hôm xảy ra vụ mất cắp, ông Patrigent tin rằng ông đã có đủ chứng lý để kết tội bị can.
Hồ Sơ Số 113 Hồ Sơ Số 113 - Émile Gaboriau Hồ Sơ Số 113