I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Trường Nội Trú Chairman Ở Auckland - Lớn Và Bé - Nghỉ Hè Trên Biển - Du Thuyền Sloughi - Đêm 15 Tháng 2 - Tàu Trôi - Va Chạm - Bão - Cuộc Điều Tra Ở Auckland - Phần Còn Lại Của Du Thuyền
hời kì ấy, Chairman là một trong những trường nội trú được ưa chuộng nhất ở thành phố Auckland, thủ đô New Zealand*, một thuộc địa quan trọng của nước Anh trên Thái Bình Dương. Trường có khoảng một trăm nam sinh là con cái các gia đình thượng lưu nơi đây. Con cái người bản xứ Maori không được nhận vào đây mà học ở các trường khác. Ở trường Chairman có trẻ em Anh, Pháp, Mỹ, Đức, con trai các ông chủ, nhà thực lợi, doanh nhân hoặc viên chức xứ này. Tại đây, các em được giáo dục đầy đủ như ở các trường tương tự trong toàn Vương quốc liên hiệp*.
Thủ đô hiện nay của New Zealand là Wellington, còn Auckland là một trong những thành phố cảng lớn.
Khi câu chuyện này xảy ra thì Vương quốc liên hiệp gồm Anh và Ireland; từ năm 1922 trở đi thì gồm Anh và Bắc Ireland; bây giờ là Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Quần đảo New Zealand gồm hai đảo chính: phía bắc là đảo Ika-Na-Mawi hay đảo Cá; phía nam là đảo Tawai-Ponamou hay đảo Ngọc Bích*, nằm giữa vĩ tuyến ba mươi tư và bốn mươi lăm độ nam, tương ứng với nước Pháp ở châu Âu và Bắc Phi ở bán cầu Bắc. Phần nam của đảo Bắc hơi giống một hình thang không đều, kéo dài về phía tây bắc theo một đường cong, tận cùng là mũi Van Diemen. Chính ở chỗ bắt đầu của đường cong đó, nơi chiều rộng bán đảo chỉ có vài dặm là thành phố Auckland, giống như vị trí thành phố Corinthe của Hy Lạp - nên còn được gọi là Corinthe phương Nam - Auckland có hai hải cảng: cảng Tây và cảng Đông. Cảng Đông mở ra vịnh Hauraki. Vịnh không sâu nên phải làm một số cầu tàu để tàu trọng tải trung bình có thể cập bến. Một trong những cầu tàu đó bắt thẳng vào phố Queen. Trường nội trú Chairman ở phố này.
Sau đây gọi là đảo Bắc và đảo Nam.
Chiều ngày 15 tháng 2 năm 1860, khoảng một trăm cậu bé, có cha mẹ đi kèm, ra khỏi trường, hớn hở bước tung tăng như chim sổ lồng. Thật vậy, bắt đầu nghỉ hè rồi. Hai tháng độc lập, hai tháng tự do. Một số cậu còn có triển vọng làm một chuyến du lịch biển đã được bàn tán lâu nay trong trường. Khỏi phải kể đến sự sốt ruột của các cậu con nhà khá giả có điều kiện đi một chuyến tham quan vòng quanh bờ biển New Zealand trên du thuyền Sloughi. Cha mẹ các cậu đã thuê con tàu du lịch đẹp đẽ này cho chuyến đi sáu tuần lễ. Chủ tàu, cũng là cha một học sinh trong nhóm, ông William H. Garnett, nguyên là thuyền trưởng tàu buôn, được mọi người hoàn toàn tin tưởng. Các gia đình đã chia nhau đóng góp để bảo đảm cho chuyến du lịch an toàn và tiện nghi nhất. Tất cả các cậu bé đều rất vui vì khó mà tìm được cách nào để tận hưởng mấy tuần lễ nghỉ hè tuyệt vời hơn thế.
Trong các trường nội trú nước Anh, việc giáo dục khác với các trường nội trú nước Pháp khá rõ. Các em được phát huy sáng kiến nhiều hơn vì được tự do tương đối. Điều đó có tác dụng tốt cho tương lai của các em. Các em chóng trưởng thành hơn. Nói gọn lại là ở đó giáo dục đi đôi với giáo dưỡng. Vì thế mà phần lớn các em đều lễ phép, ý tứ, ăn mặc chỉnh tề và - điều này thật đáng ghi nhận - không giả tạo, dối trá, kể cả để tránh bị phạt khi có lỗi. Cũng nên thấy là ở các cơ sở giáo dục này, học sinh ít bị gò bó theo các quy tắc sinh hoạt chung, trong đó có yêu cầu giữ trật tự. Học sinh thường có buồng riêng, được ăn ở đó vài bữa và khi đến nhà ăn thì được nói chuyện thả cửa. Học sinh được phân lớp theo lứa tuổi. Trường Chairman có năm lớp. Các em lớp một và lớp hai còn hôn cha mẹ nhưng đến lớp ba đã bắt tay như những chàng trai thực thụ. Vì vậy, không cần có giám thị trông coi; các em được phép xem truyện, đọc báo, thường xuyên có ngày nghỉ, giờ học không nhiều, rèn luyện thân thể rất đầy đủ: thể dục, quyền Anh và nhiều môn thể thao. Để ngăn ngừa tự do quá trớn, điều mà học sinh hiếm khi phạm, hình phạt bằng roi được phép áp dụng. Tuy nhiên, bọn trẻ Anglo-Saxon chẳng thấy có gì đáng xấu hổ và không hề kêu ca khi thấy bị phạt là xứng đáng.
Ai cũng biết trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, người Anh rất tôn trọng truyền thống. Trong các trường học cũng thế, kể cả những truyền thống phi lí. Khác với các trường học Pháp có chuyện ma cũ bắt nạt ma mới, ở các trường nước Anh, trò cũ nhận bảo vệ trò mới với điều kiện trò mới phải phục vụ trò cũ, làm một số việc như đi lấy đồ ăn sáng, chải quần áo, đánh giày, chạy việc vặt… được gọi là “chế độ cần vụ”, còn trò mới đó là “cần vụ” của trò lớn. Như vậy là các chú bé ở các lớp dưới phải làm “cần vụ”. Chú nào không chịu tuân theo thì sẽ gay go ngay. Nhưng chẳng có em nào chống lại, nhờ thế các em có thói quen phục tùng kỉ luật, điều không thấy ở các trường học Pháp. Vả lại, đó là truyền thống, mà nếu có nước nào tôn trọng truyền thống nhất thì đó là Vương quốc liên hiệp, nơi mà từ người dân thường ngoài phố cho tới ngài nghị sĩ Thượng viện đều phải tuân theo truyền thống.
Học sinh tham gia chuyến đi trên tàu Sloughi thuộc nhiều lớp khác nhau của trường Chairman. Ta đã thấy có các em từ tám đến mười bốn tuổi. Kể cả chú thủy thủ tập sự, mười lăm em nhỏ ấy bị cuốn vào cuộc phiêu lưu đáng sợ, xa lắc và dài ngày. Ta cũng nên biết tên, tuổi, khả năng, tính nết, hoàn cảnh gia đình từng em và quan hệ giữa các em ở trường.
Trừ hai anh em Briant là người Pháp, Gordon là người Mỹ, các học sinh khác đều là người gốc Anh.
Doniphan và Cross đều thuộc một dòng họ nghiệp chủ vào hàng giàu có nhất trong xã hội New Zealand. Hai cậu đều mười ba tuổi, là anh em họ và cùng học lớp năm. Thanh lịch và trau chuốt, khỏi cần bàn cãi, Doniphan là cậu học sinh xuất sắc nhất. Thông minh và chăm chỉ, vừa do ham hiểu biết, vừa do muốn trội hơn các bạn, cậu luôn cố gắng để không bao giờ bị sút kém. Với dáng vẻ kiêu hãnh có hơi hướng quý tộc, cậu được các bạn gán cho biệt hiệu “Ngài” Doniphan. Cậu còn có tính hách dịch, ở đâu cũng muốn làm chỉ huy. Vì thế, từ mấy năm nay đã có sự cạnh tranh giữa cậu và Briant. Sự cạnh tranh ấy càng lộ rõ khi hoàn cảnh khiến cho ảnh hưởng của Briant với các bạn tăng lên. Còn Cross thì chỉ là một học sinh bình thường, luôn luôn thán phục Doniphan về mọi mặt từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm.
Cùng lớp này còn có Baxter, mười ba tuổi, một cậu bé trầm lặng, chín chắn, siêng năng, sáng tạo và rất khéo tay. Cha cậu là nhà buôn, gia sản chỉ ở mức khiêm tốn.
Webb và Wilcox mười hai tuổi rưỡi, học lớp bốn. Thông minh thuộc hàng trung bình, khá quyết đoán, hay gây gổ, cả hai đều rất khắt khe trong việc thực hành chế độ “cần vụ”. Gia đình các cậu giàu có, thuộc giới quan chức cao cấp xứ này.
Garnett và anh bạn chí cốt Service đều mười hai tuổi và học lớp ba. Cha một cậu là thuyền trưởng hưu trí, còn cha cậu kia là một nhà thực nghiệp phong lưu. Họ đều cư trú tại North Shore trên bờ bắc cảng Waitemala. Hai gia đình rất gắn bó với nhau, nên Garnett và Service cũng thân thiết không rời. Hai cậu đều tốt bụng nhưng không mấy chăm chỉ và nếu được phép ra ngoài thì họ không để rỗi chân cẳng đâu. Garnett mê phong cầm, thứ nhạc cụ rất được ưa chuộng trong ngành hàng hải nước Anh. Với tư cách con nhà thủy thủ, cậu dành mọi thời gian rảnh cho cây đàn và không quên đem theo lên tàu Sloughi. Còn Service thì chắc chắn là cậu học trò vui tính, hồn nhiên, là cây pha trò đích thực của trường Chairman. Cậu chỉ mơ tưởng đến những chuyến phiêu lưu xa xôi, thuộc lòng Robinson Crusoe và Robinson Thụy Sĩ, những truyện đọc ưa thích của cậu.
Bây giờ đến lượt hai em khác, chín tuổi. Một cậu là Jenkins, con ông giám đốc “Hội khoa học Hoàng gia New Zealand”, cậu kia là Iverson, con ông mục sư nhà thờ Saint Paul. Tuy mới học lớp hai và lớp ba, các cậu vẫn được kể là những học sinh tốt của trường.
Tiếp đến là hai em Dole, tám tuổi rưỡi, và Costar, tám tuổi, đều là con sĩ quan quân đội Anh - Zealand, cư trú ở Ouchhunga, một thành phố nhỏ, cách Auckland sáu dặm, trên bờ cảng Manukau. Về các “chú nhóc” này thì chưa kể được điều gì, ngoài chuyện Dole rất bướng còn Costar thì rất tham ăn. Tuy không nổi bật ở lớp một, nhưng các chú cũng tự cho là mình rất tiến bộ vì đã biết đọc, biết viết - ở lứa tuổi các chú thì còn điều gì khác để tự hào nữa.
Thế đấy, các em đều thuộc những gia đình đáng kính đã định cư lâu năm ở New Zealand.
Hành khách của du thuyền chỉ còn ba cậu: một người Mỹ, hai người Pháp.
Cậu người Mỹ là Gordon, mười bốn tuổi, nét mặt và cử chỉ đã có vẻ cứng cỏi hoàn toàn “Yankee”. Tuy hơi nặng nề, chậm chạp nhưng hiển nhiên cậu là học sinh chững chạc nhất lớp năm. Không nổi bật như Doniphan, cậu lại thường tỏ ra công bằng, thực tiễn, có khả năng quan sát, tính cách trầm lặng, thích sự nghiêm túc. Cậu làm việc có phương pháp đến từng chi tiết, dường như các ý nghĩ cũng được cậu sắp xếp trong óc như xếp đồ vật trong ngăn bàn, mỗi thứ đều được phân loại, dán nhãn và ghi sổ. Tóm lại, cậu được các bạn mến, công nhận các ưu điểm và hoan nghênh, mặc dầu không phải là người Anh.
Gordon quê ở Boston, mồ côi cả cha lẫn mẹ, họ hàng không còn ai ngoài người cha đỡ đầu là nhân viên lãnh sự quán, sau khi làm giàu đã định cư ở New Zealand từ mấy năm nay tại một trong những biệt thự xinh đẹp rải rác trên các quả đồi cạnh làng Mount Saint Jones.
Hai chú bé người Pháp, Briant và Jacques, là con một kĩ sư tài năng đã hai năm rưỡi nay chỉ huy công trình tiêu nước các đầm lầy ở trung tâm đảo Bắc. Cậu anh mười ba tuổi rất thông minh nhưng ít chăm chỉ nên thường là một trong những học sinh đứng cuối lớp năm. Tuy nhiên, khi cậu muốn thì với khả năng tiếp thu dễ dàng và trí nhớ tốt, cậu lại vươn lên đầu lớp ngay và chính điều đó làm Doniphan ghen tức. Vì vậy, hai cậu không hòa hợp nhau trong trường và ta đã thấy hậu quả ở trên tàu Sloughi. Briant là cậu bé táo bạo, dám nghĩ dám làm, khéo léo trong các môn rèn luyện thể chất, đối đáp nhanh, lại sẵn sàng giúp đỡ người khác, tốt tính, không kiêu căng như Doniphan, phải cái hơi cẩu thả, chẳng hạn như ăn mặc lôi thôi - tóm lại là rất Pháp và do đó mà rất khác với các bạn người Anh. Ngoài ra, cậu thường bênh vực các em bé bị các anh lớn bắt làm những việc quá sức, còn về “chế độ cần vụ” thì cậu không thể nào tán thành được. Vì vậy mà đã xảy ra những vụ va chạm, vật lộn, ẩu đả mà nhờ có sức khỏe và sự dũng cảm, cậu thường là kẻ thắng. Nói chung, trừ vài ngoại lệ, các bạn trong trường đều mến cậu nên khi cậu điều khiển tàu Sloughi, các bạn đều chấp nhận không do dự, vả lại họ cũng biết cậu đã ít nhiều làm quen với việc hàng hải qua chuyến đi từ châu Âu sang New Zealand.
Cho đến lúc đó, chú em Jacques được coi là học sinh tinh nghịch nhất lớp ba, nếu không muốn nói là nhất trường, không ngoại trừ Service. Chú ta luôn nghĩ ra các trò tai quái để chơi khăm các bạn nên khỏi cần nói là bị phạt nhiều nhất. Nhưng rồi ta sẽ thấy, không rõ vì nguyên nhân gì mà từ khi du thuyền rời bến, tính nết chú ta thay đổi hẳn.
Đó là những đứa trẻ mà trận bão vừa xô dạt vào một mảnh đất trên Thái Bình Dương.
Cuộc du hành quanh bờ biển New Zealand mấy tuần lễ này của tàu Sloughi do chính ông chủ tàu, cha của Garnett, chỉ huy. Ông là một trong những thuyền trưởng gan dạ nhất vùng biển Australasia. Đã bao lần du thuyền của ông xuất hiện ở bờ biển New Caledonia, New Holland, từ eo biển Torres đến mũi phía nam của Tasmania, cả đến vùng biển Molucca, Philippines và Celebes là những nơi nguy hiểm đối với những con tàu có trọng tải lớn nhất! Nhưng Sloughi là du thuyền được đóng rất chắc chắn, chịu sóng tốt, rất vững vàng ngoài khơi kể cả khi thời tiết xấu.
Thủy thủ đoàn gồm một thủy thủ trưởng, sáu thủy thủ, một đầu bếp và một thủy thủ tập sự, chú bé da đen Moko mười hai tuổi, gia đình chú đã giúp việc lâu năm cho một nhà thực nghiệp ở New Zealand. Còn phải tính cả Phann, một con chó săn đẹp, giống Mỹ của Gordon, không bao giờ rời chủ.
Ngày xuất phát đã định là 15 tháng 2. Trong khi chờ đợi, đuôi tàu Sloughi được cột vào cầu tàu Commercial nhô xa về phía biển khơi. Tối 14, khi đám hành khách trẻ con xuống tàu thì thủy thủ đoàn chưa có mặt. Phải đến lúc tàu rời bến thuyền trưởng Garnett mới tới. Chỉ có thủy thủ trưởng và chú Moko tiếp đón Gordon và các bạn. Các thủy thủ khác đi cạn ly whisky cuối cùng. Và cả thủy thủ trưởng, sau khi thu xếp cho các em ngủ, cũng ra quán với các bạn. Ông ta lại mắc sai lầm không thể tha thứ là ở lại quán quá khuya. Còn chú thủy thủ tập sự cũng ngủ gục trong khoang thủy thủ.
Vậy điều gì đã xảy ra? Rất có thể là ta chẳng bao giờ biết được. Chỉ có điều chắc chắn là do sơ ý hoặc do ý đồ xấu mà dây buộc tàu đã tuột. Trên tàu không ai hay biết.
Cảng và vịnh Hauraki tối đen trong màn đêm. Gió thổi mạnh từ phía đảo ra và thủy triều đang xuống làm du thuyền bị cuốn ra khơi.
Khi tỉnh giấc, chú thủy thủ tập sự thấy con tàu bập bềnh trên sóng, không giống kiểu lắc lư quen thuộc do sóng dồi gần bờ, chú vội lên ngay trên boong… Du thuyền đang trôi!
Nghe tiếng kêu của Moko, Gordon, Briant, Doniphan và vài cậu nữa từ giường ngủ tụt xuống, lao qua ca pô kêu cứu nhưng vô ích. Chẳng thấy một ánh đèn nào của thành phố hay của cảng, họ đã ra tới giữa vịnh, cách bờ đến ba dặm. Thoạt đầu, theo lời bàn của Briant, có chú thủy thủ tập sự phụ họa, họ cố căng buồm để trở về cảng. Nhưng buồm quá nặng, không điều khiển được theo ý muốn nên rốt cuộc buồm chỉ có tác dụng bắt gió tây để càng ra xa hơn. Tàu Sloughi vượt mũi Colville rồi băng theo eo biển giữa mũi đất này với đảo Grand Barrier, chẳng bao lâu đã cách xa New Zealand.
Tình hình thật nghiêm trọng. Briant và các bạn hiểu rằng không thể trông mong được ở sự cứu giúp từ trong bờ. Trường hợp cảng cho tàu đi tìm thì cũng phải mất nhiều giờ đồng hồ mới đuổi kịp, ấy là cho rằng họ có thể tìm được du thuyền giữa đêm tối mịt mùng! Hơn nữa, ngay cả ban ngày, làm sao có thể nhận ra được con tàu bé tí, lọt thỏm giữa biển khơi mênh mông! Còn chỉ dựa vào sức lực của mình thì các em có thể tự cứu được không? Nếu hướng gió thay đổi thì các em làm thế nào mà trở về được? Chỉ còn một cơ may là gặp được con tàu nào đó đang trên đường tới New Zealand. Mặc dầu khả năng này khá mong manh, nhưng Moko cũng vội vàng kéo một đèn hiệu lên đỉnh cột buồm trước. Chỉ còn đợi cho trời sáng ra nữa thôi.
Sự náo động trên tàu cũng chẳng làm các em bé thức giấc. Tốt hơn hết là cứ để các em ngủ, nếu không sự sợ hãi của các em sẽ làm cho tình hình càng thêm rắc rối.
Trong khi đó, các cậu vẫn cố gắng điều khiển con tàu hợp với hướng gió, nhưng lại làm nó trôi càng nhanh về phía đông.
Đột nhiên, có ánh đèn ở khoảng cách hai, ba dặm. Đèn hiệu màu trắng ở đỉnh cột buồm báo cho biết đó là một con tàu động cơ hơi nước đang vận hành. Chẳng bao lâu đèn vị trí một xanh, một đỏ cùng xuất hiện, cho biết con tàu đang hướng thẳng đến du thuyền. Các chú bé cố gắng hét to nhưng vô ích. Tiếng sóng vỗ, tiếng hơi nước phì ra từ các ống xả, tiếng gió thổi mạnh ngoài khơi, tất cả hợp lại át hẳn tiếng kêu của các chú.
Dẫu sao nếu thủy thủ tàu hơi nước không nghe được tiếng các chú thì vẫn còn cơ may cuối cùng là họ có thể nhìn thấy đèn hiệu của tàu Sloughi.
Khốn thay, một cái lắc mạnh của du thuyền làm đứt dây kéo khiến chiếc đèn hiệu rơi xuống biển. Chẳng còn gì để báo hiệu sự hiện diện của Sloughi trong khi con tàu hơi nước đang lao về phía nó với tốc độ mười hai dặm một giờ.
Va chạm xảy ra trong vài giây. Nếu bị đâm ngang mạn thì hẳn là du thuyền chìm nghỉm. May sao nó chỉ bị quệt phải ở phía đuôi tàu, làm vỡ một phần bảng đề tên, còn vỏ tàu thì không sao. Va quệt rất nhẹ, tàu hơi nước tiếp tục hành trình, bỏ mặc du thuyền Sloughi trước cơn bão tố đang tới gần.
Rất thường có những thuyền trưởng phớt lờ, không dừng lại cứu giúp tàu thuyền bị họ đụng phải. Có thể nêu ra khá nhiều vụ xử sự tội lỗi đó. Tuy nhiên, về vụ đang được nói tới thì rất có thể ở trên tàu hơi nước, người ta không cảm thấy có sự va chạm với chiếc du thuyền nhẹ mà họ không trông thấy trong đêm tối.
Thế là bị gió cuốn đi, các cậu bé lâm vào tình thế tuyệt vọng. Khi trời sáng, đại dương trải ra mênh mông, vắng ngắt. Tàu thuyền ít qua lại vùng biển này của Thái Bình Dương. Từ Australasia sang châu Mỹ hoặc từ châu Mỹ sang Australasia người ta thường theo các đường hàng hải thấp hơn ở phía nam hoặc cao hơn ở phía bắc. Từ du thuyền chẳng thấy bóng dáng một con tàu nào. Đến đêm thời tiết xấu đi. Tuy có lúc lặng bớt nhưng gió tây vẫn không ngừng thổi. Cuộc vượt biển còn kéo dài bao lâu? Các em làm sao biết được. Muốn điều khiển tàu trở về New Zealand mà vô hiệu. Các em không đủ kiến thức để điều chỉnh tốc độ con tàu và cũng chẳng có đủ sức khỏe để giương buồm.
Chính trong những điều kiện ấy, Briant đã tỏ ra có nghị lực hơn tuổi rất nhiều và bắt đầu có ảnh hưởng tới các bạn, kể cả Doniphan. Với sự giúp đỡ của Moko, tuy cậu không đưa được con tàu trở về vùng biển phía tây, nhưng chí ít bằng hiểu biết nhỏ nhoi của mình, cậu đã giữ cho tàu ở trạng thái vận hành được. Cậu không tiếc sức ngày đêm theo dõi phía chân trời để tìm cơ hội thoát nạn. Cậu còn viết những thông tin cần thiết về tàu Sloughi cho vào chai thả xuống biển, tuy biết phương sách này rất ít hi vọng, nhưng cậu không bỏ qua.
Trong khi ấy, gió tây cứ đẩy mãi du thuyền trên Thái Bình Dương, không cản lại mà cũng không cho giảm tốc độ. Chúng ta đã biết tình hình vừa qua. Sau khi du thuyền lọt qua các lạch biển của vịnh Hauraki vài ngày thì một trận bão dữ dội khác thường nổi lên hoành hành suốt hai tuần lễ. Bị những con sóng khổng lồ tấn công, hàng trăm lần tưởng chừng vỡ nát, may nhờ được đóng thật chắc, chất lượng hàng hải tuyệt vời, tàu Sloughi mới cập bờ một vùng đất xa lạ của Thái Bình Dương. Và bấy giờ số phận các nạn nhân bị dạt tới đây, cách New Zealand một nghìn tám trăm dặm sẽ ra sao? Nếu không tự cứu được thì các em biết trông cậy vào đâu?
Dù thế nào thì gia đình các em đã có đủ căn cứ để tin rằng các em đã bị biển khơi chôn vùi cùng với con tàu rồi. Sự tình như sau:
Tại Auckland đêm 14 rạng ngày 15 khi phát hiện tàu Sloughi mất tích, người ta báo ngay cho thuyền trưởng Garnett và gia đình các nạn nhân. Chẳng cần nói cũng biết sự kiện này làm cả thành phố bàng hoàng xôn xao đến mức nào!
Nhưng nếu dây buộc du thuyền tuột ra hoặc đứt thì có thể nó vẫn còn ở trong vịnh và còn tìm được, mặc dầu mọi người lo lắng vì gió tây thổi mạnh. Vì vậy, không để mất thời gian, ông giám đốc cảng cho thi hành ngay các biện pháp cần thiết. Hai con tàu hơi nước nhỏ được phái đi tìm bên ngoài vịnh Hauraki nhiều dặm. Cả đêm họ quần thảo vùng biển này trong lúc nó động lên rất mạnh. Sáng ra, khi trở về họ chỉ làm gia đình các nạn nhân tan biến mọi hi vọng mà thôi. Thật vậy, không thấy tàu Sloughi nhưng họ vớt được mảnh biển tên của nó bị vỡ khi va quệt với con tàu Quito của Peru mà tàu này cũng không biết. Trên mảnh vỡ còn đọc được ba, bốn chữ trong cái tên Sloughi. Hiển nhiên bị sóng biển vùi dập, du thuyền đã vỡ, cả người và tài sản đã chìm xuống đáy biển khơi cách bờ New Zealand khoảng mười hai hải lí.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo