Số lần đọc/download: 3860 / 93
Cập nhật: 2018-08-03 13:40:57 +0700
Chương 4 - Kỳ Phùng... Địch Thủ
S
au khi trình qua sở cảnh sát Hàng Trống về việc "hành hung của một người Thổ lạ mặt" và nhờ họ đi lùng bắt ngay chiếc xe A. X. 332, Lê Phong nhân tiện mượn tê-lê-phôn gọi về báo Thời Thế. Anh dặn người túc trực ở tòa soạn bảo thợ in ở lại cho đến sáng để in thêm hai trang báo về vụ án mạng ở phố Richaud; bài tường thuật vắn tắt, thì anh đọc ứng khẩu những đoạn cần cho người quen viết lại; anh cũng không quên bảo "gửi đến" cho anh ngay một cái máy ảnh, các thứ cần để chụp tối, và một người phóng viên.
Dặn dò xong, anh bảo Văn Bình:
- Sở cảnh sát không tìm được người Thổ của ta, nhưng cũng có ích cho tôi chút đỉnh... Thôi thế bây giờ đến Richaud thì vừa.
Phố vắng im. Một bên là khu nhà thương tối và âm thầm sau dãy tường thấp. Một bên là dãy nhà tĩnh mịch ẩn hiện trong bóng cây và ánh sáng không đều.
Trước cửa nhà 44 bis, ô-tô của sở phóng liêm đỗ sát lề đường. Một chiếc xe đạp ghé bên cạnh. Khắp nhà đèn mở sáng. Trên gác có bóng người đi lại thấp thoáng cùng những tiếng hỏi, nói xì xào. Cửa nhà dưới mở nửa chừng, một người quần áo cộc trắng ló ra. Đó là người phụ mật thám.
Phong không quen, nhưng cũng lại đưa tay cho người ấy bắt. Anh thân mật hỏi:
- Ông đứng gác dưới này?
- Phải.
- Ông Mai Trung đã đến lâu chưa?
- Được nửa giờ rồi. Ông ấy đang hỏi ông cụ chủ.
- À, hỏi cụ Lương. Họ ở cả trên gác?
- Phải.
- Thế thì chúng tôi phải lên ngay.
Người mật thám muốn ngăn, nhưng Lê Phong tươi cười để tăng thêm sự thân mật vào cái bắt tay lúc nãy:
- Tôi biết.... Cấm không cho người ngoài được lên gác. Nhưng không hề gì. Chúng tôi có phải là người ngoài đâu. Ông Bình là một người làm chứng tối cần. Còn tôi, ông Mai Trung biết đã lâu... Tôi là phái viên một tờ báo lớn: báo Thời Thế.
Rồi anh từ tốn nhưng thẳng thắng bước vào, dáng điệu bình tĩnh và dễ dàng như làm một việc rất hợp lý. Anh vừa lên bực thang vừa cười bảo Văn Bình:
- Các nhà chuyên trách gà mờ thực. Nhưng thế được việc cho mình hơn. Anh phải nhớ rằng người ta có hỏi thì chỉ nói những điều trông thấy trong nhà này thôi. Còn việc ở nhà tôi, anh phải để tôi nói. Anh hay vô ý lắm, hỏng việc của tôi mất...
Phong bước rất nhẹ, ra hiệu cho Văn Bình cũng bước vào như thế, rồi lại nói khẽ vào tai Bình:
- Ông Mai Trung hẳn đang lấy làm lạ rằng bạn Lê Phong sao bây giờ chưa đến... Nhưng tí nữa thì ông sẽ phải nổi tam bành.
Mai Trung làm thanh tra mật thám ở sở liêm phóng. Ông ta là người rất mẫn cán, thường lập được nhiều công trạng trong mấy năm gần đây. Ông thành công vì kiên tâm, vì chịu đem hết mưu mẹo "kinh điển" trong khoa do thám ra thực hành, nhưng cũng vì nhờ có những tai mắt của ông ở khắp nơi, tức là những người "điểm chỉ" rất lanh lợi.
Phong cũng nhận rằng ông thạo việc song không phục. Phong thấy người Thanh tra mật thám ấy không có trí xướng xuất, ít tưởng tượng, suy nghĩ kỹ nhưng chậm, và vì thế khi lầm lạc thì lầm lạc rất xa.
Cũng như ông F. Letout, ông Mai Trung không ưa Lê Phong mấy. Vì người phóng viên này hay "chõ" vào những việc ông đang tra xét. Điều đó không đáng trách lắm, nhưng Phong lại hay khám phá "giúp" ông những cái bí mật mà ông không tìm ra, hay tìm được ra sau hai, ba năm công phu, trong lúc đó kẻ bị oan vẫn phải chịu thay cho thủ phạm.
Phong biết rằng lần này sẽ lại bị nhà "thám tử" nhìn bằng con mắt không hiền lành, và đã có sẵn những lời rất lễ phép, rất mỉa mai để trêu ông ta, nhất là để viết lại trong những bài tường thuật. Bình cũng biết thế. Anh mỉm cười khi cả hai cùng tiến lên khung cửa gác và cùng đợi lúc trông thấy đôi lông mày cau có của Mai Trung.
Nhưng cả hai cùng ngạc nhiên. Ông thanh tra mật thám đổi ngay ra mặt vui tươi đến đón Lê Phong vồn vã mời vào:
- Kìa, ông Lê Phong, ông Văn Bình! Nhà báo sao đến chậm thế?
Phong đáp trả miếng:
- Vì chúng tôi đã mạn phép ông thanh tra mật thám điều tra từ lúc nãy. Điều tra ở chung quanh vụ này...
Mai Trung vẫn không thay đổi sắc mặt:
- Ố ồ, thế thì giỏi quá nhỉ!
- Để mong có thể giúp đỡ ông thanh tra một tay nho nhỏ...
- Cám ơn ông Lê Phong lắm, nhưng phiền một nỗi tôi đã có một ông bạn khác cũng muốn đỡ một tay...
Rồi Mai Trung quay vào, thủng thỉnh đến bên người lạ mặt đứng giữa nhà, cạnh cái xác chết, lúc ấy đang nhìn Lê Phong một cách tò mò yên lặng.
Phong mở to mắt, reo lên một tiếng và xăm xăm bước vào.
Tiếng kêu của Lê Phong là một tiếng reo mừng. Anh hớn hở như người tìm được của báu. Phong lại gần người lạ mặt tươi cười nói:
- Thế này thì thủ phạm có trốn đi đàng trời!
Sự vui vẻ của anh hơi quá ồn ào và tương phản hẳn với lúc nghiêm trọng lạnh lẽo. Đôi mắt chăm chú của người kia vẫn lẳng lặng nhìn những cử chỉ lanh lẹ của Phong. Anh vẫn cười, nhận lấy sự quan sát kia như đứa trẻ có bộ cánh đẹp, và nhắc lại câu vừa mới nói:
- Thủ phạm trốn đằng trời!
Người lạ mặt lúc ấy mới hơi mỉm miệng hỏi khẽ Phong:
- Ông Lê Phong sao biết sớm thế?
Phong vui vẻ nhưng kính cẩn:
- Vì tôi được gặp ông...
- Sự gặp gỡ của ta có những phép thần thông gì mà...
- Không có phép thần thông, nhưng có tài lực của sự công tác. Tôi không dám nói là được cái vinh dự cộng tác với một tay trinh thám rất sắc sảo của nước Nam, vì từ phút này công việc của tôi chỉ là chỉ là công việc dễ dàng của một người làm báo. Tôi chỉ xin là một phóng viên chứng kiến và tường thuật kỳ công của các bậc kỳ tài mà tôi phục... Bậc kỳ tài ấy, (Phong ngả đầu trước người lạ mặt) khi đi đôi cùng bậc quyền thế (Phong nhìn sang phía ông thanh tra mật thám) sẽ thành một sức mạnh lạ lùng. Trí khôn cộng tác với lực lượng! Bởi thế tôi mới nói rằng kẻ giết người dẫu quỷ quyệt đến đâu cũng không thoát khỏi lưới trời...
Đoạn văn kiểu cách ấy Phong nói được rất tự nhiên và giọng nói không để lộ một vẻ gì là mai mỉa... Phong ngừng lại thì đôi mắt anh đã có đủ thì giờ mà nhận hết mọi người mọi vật trong nhà.
Người đàn ông ban đầu đối lãnh đạm với người phóng viên đến lúc đó cũng trở nên có cảm tình với anh. Ông ta hỏi Phong một cách thân thiện:
- Vậy ông Lê Phong cũng nhận hung thủ là một tay ghê gớm?
- Hơn thế, là một người trí thức nữa kia! Kẻ trí thức mà gian ác thì đáng lo sợ hơn nhiều. Nhưng có hạng gian ác ấy thì lại có tay đối thủ xứng đáng, tức là ông Kỳ Phương mà tôi đã hầu chuyện đêm nay đây.
Hai tiếng Kỳ Phương khiến mọi cái đầu đều nhìn dồn về phía người lạ. Không ai để ý đến Đường nữa. Cái xác chết chỉ như một người ngồi yên trong cuộc hội họp ở nhà này.
Văn Bình kéo tay Lê Phong hỏi, nhưng anh không đáp. Còn Mai Trung thì không dấu được sự ngạc nhiên:
- Kỳ Phương? Ông vừa nói ông này là ông Kỳ Phương à?
Phong gật:
- Vâng. Một người bí mật có đủ các tên và các hình thể. Là Kiều Phong khi tra xét vụ án mạng tỉnh Thanh hai năm về trước, là Kiếm Pháp khi tìm được kho của nhà họ Hoàng, là Phương Kiều khi bắt được năm tên hung đồ giết cô Liên ở Thái Bình và hồi giúp ty mật thám ở Sài Gòn tìm sào huyệt của tụi Năm Chơi thì ông lấy tên Kính Phiệt.
Người lạ mặt mỉm cười, đặt hai tay thân thiện lên vai Lê Phong ôn tồn nói:
- Chẳng ai dấu nổi ông Lê Phong điều gì hết... Duy có một điều... có lẽ ông quên.
- Không, tôi chưa nói hết. Ngày 30 tháng 8 năm ngoái, một vụ án mạng làm náo động dư luận ở Vinh, hung thủ không ai tìm được ra thì có người gửi cho tôi một bức thư bảo đến chỗ vắng sau nhà thương Thái Bình sẽ rõ; tôi đến, thấy một người bị trói, và thú nhận là hung thủ. Bức thư ký hai chữ tắt K. P. Nhưng xét kỹ ra thì lần ấy ông K. P. bắt lầm, hung thủ tự tử rồi, khi tôi viện được đủ chứng cớ, thì lại nhận được bức thư thứ hai ông K. P cải chính cái lầm trước.
Người lạ mặt cười:
- Lầm mà biết được là lầm, đó là đức tính cốt yếu của chúng ta.
Phong thêm:
- Mà biết nhận ngay cái lầm, là một sự can đảm... Nhưng chuyện đó không còn liên lạc gì đến vụ án mạng này.
Rồi ông ngoảnh lại nói với ông Mai Trung:
- Hẳn bây giờ thì ông thanh tra không ngạc nhiên về sự chúng tôi quen biết nhau nữa. Quen tên, biết tiếng thôi, vì bây giờ tôi mới được gặp mặt ông Kỳ Phương.
- Tôi cũng vậy.
Mai Trung nói đoạn, cắt nghĩa cho Phong biết rằng buổi sáng hôm ấy một người đến chơi giới thiệu với ông một chàng trai trẻ tuổi tên là Kỳ Pháp. Kỳ Pháp ngỏ ý muốn đem tài trí giúp ông Mai Trung. Ông nhận lời vì ông vẫn mến những người hữu chí. Ông có ý đợi dịp thử tài người trẻ tuổi thì ngay tối hôm nay xảy ra vụ án mạng ở nhà này. Mấy câu thẩm vấn ban đầu đã tỏ cho ông biết Kỳ Pháp là người thông minh khác thường, khiến ông yêu tài ngay, nhưng điều ông không ngờ là bực kỳ tài ấy lại chính là nhà trinh thám bí mật Kỳ Phương mà nhiều người vẫn nói đến.
Mai Trung cám ơn Lê Phong đã cho ông biết danh hiệu thực của người giúp ông khám phá vụ án mạng này. Trong giọng nói và trên vẻ mặt của viên thanh tra, Phong biết rằng sự mừng rỡ của ông ta cũng rất chân thực.
- Tôi thực không ngờ (lời ông Mai Trung ) lại gặp may đến thế. Nếu không có ông Kỳ Pháp tức Kỳ Phương ở đây, có lẽ vụ này lại phải đến ông Lê Phong mới tìm ra manh mối... Vì từ xưa đến nay, ở Bắc Kỳ có việc bí mật nào mà ông Lê Phong phóng viên trinh thám chẳng tìm ra trước sở liêm phóng?
Phong hiểu ngay giọng mai mỉa trong câu nói nhũn nhặn đó. Anh chỉ mỉm cười. Vì trong sự mai mỉa của viên thanh tra, có cả sự oán trách ngấm ngầm.
Anh nhớ lại bao nhiêu lúc chạm trán với "người thám tử nhà nước" ấy cùng với bao nhiêu cuộc đắc thắng vẻ vang của mình. Mai Trung thường kinh ngạc về cách luận đoán, rất nhanh chóng và cách hành động rất khôn khéo của Phong, và một đôi khi bắt buộc phải dẹp lòng tự ái nhà nghề, ông ta đem việc khó đến nói chuyện với Phong, như một người đưa tin tức đến cho nhà báo. Phong rất nhã nhặn tiếp đãi, và bày cho Mai Trung biết những ý kiến anh. Song không bao giờ Phong bỏ lỡ những cơ hội hiếm có ấy. Anh nhờ những tin tức và tài liệu mà chính Mai Trung đưa đến, điều tra cẩn thận và tức khắc viết bài đăng lên Thời Thế trong lúc Mai Trung theo phương pháp của anh còn đang dò dẫm tìm tòi...
Mai Trung vì vậy vẫn gờm Lê Phong và coi anh như một cừu địch. Một cừu địch giỏi hơn ông ta những mấy bực, và mỗi cuộc đắc thắng của Phong là thêm một điều căm tức cho ông ta.
Phong vẫn biết vậy, và lại biết thêm rằng không ai nhiệt thành hơn Mai Trung để mong cho anh thất bại. Nhờ một người giúp đỡ, Mai Trung hẳn cũng có cái ý muốn kín đáo đánh bại được Phong lần này. Nay lại thấy người giúp đỡ ấy lại chính là Kỳ Phương, một bực anh tài lỗi lạc ẩn danh và có phần sắc sảo hơn cả Phong. Mai Trung hẳn được dịp coi thường cái anh chàng nhà báo tự phụ và đáng ghét ấy.
Phong đưa mắt nhìn khắp phòng và soát lại một lượt nữa những điều anh đã có thì giờ quan sát. Thấy Kỳ Phương trở lại chỗ ngồi để tiếp theo cuộc thẩm vấn bỏ dở, anh hỏi Mai Trung:
- Hai ông đã hỏi đến ai rồi?
Trung đáp lửng lơ:
- Gần xong cả rồi.
- Đáng tiếc nhỉ, tôi đến chậm thành thử bỏ mất đoạn hay nhất bài tường thuật..
- Tường thuật sao?
- Cho báo Thời Thế ngày mai... Nhưng không hề gì, các ông cho biết sau cũng được.
Phong đã để ý cái xác chết từ lúc mới vào, nhưng cũng hỏi:
- Con dao các ông đã xem xét kỹ đó chứ?
- Cái đó đã hẳn.
- Dao của hung thủ đem đến hay dao của người trong nhà?
Kỳ Phương mỉm cười:
- Ông Lê Phong hỏi một câu thừa, vì ông cũng biết như chúng tôi rằng người An Nam không ai dùng thứ dao ấy, và khi một vật khác thường như thế đến cắm trên lưng một người chết ở đây thì tất nhiên...
- Tất nhiên người ấy không phải là người nhà. Vâng, nhưng hung thủ...
- Hung thủ là ai, là hạng người nào, tôi xin nói sau khi hỏi cụ nhà này mấy câu nữa.
Kỳ Phương quay lại hỏi ông cụ:
- Cụ có nghe những câu nói trọ trẹ nhưng không hiểu nghĩa?
- Vâng.
- Mà cũng không nhận được là thứ tiếng gì?
Phong toan nói ngay là tiếng Thổ, nhưng anh đưa mắt cho Văn Bình bảo im, để xem cách làm việc của Kỳ Phương. Ông cụ chưa kịp đáp thì Phương bảo:
- Cụ không nhận được, song hẳn cụ đã nghe một lần, tất phải nhớ lại... Vậy cụ để ý đến bằng này câu xem.. Tôi xin rành rẽ đọc từng câu, mỗi câu theo một thứ thổ âm khác:
- "Ngổ dẩu mạt yể chồi cô?" Có giống câu nói lúc nãy không? Đó là tiếng Khách.
Ông cụ lắc đầu:
- Không.
- Vậy cụ nghe câu khác: "Cố nhả tệ tchơu hmồng hứng..." Đó là tiếng Mèo.
- Hơi giống, hình như..
- Hay cụ nghe câu này: "Bản mừ quây lai mí? Mí quây lai? Thì pây..."
Mặt ông cụ bỗng tươi lên, ông vội nói:
- Vâng, chính cái giọng nói vừa rồi giống nhất.
Phương thở dài một tiếng, ngửng lên bảo mọi người.
- Vậy người đứng ngoài đường sau khi gọi cửa chính là một người Thổ. Vì câu vừa rồi tôi nói là câu tiếng Thổ. Ông Lê Phong nghĩ sao?
Phong nghiêm trang đáp:
- Tôi nghĩ rằng từ xưa đến nay không ai có một thiên năng sắc sảo đến thế. Cũng không mấy ai có những phương pháp tài tình, giản dị và đáng phục hơn. Vâng, quả là một người Thổ, một người Thổ nếu không là hung thủ thì cũng là một người rất trọng yếu trong vụ này.
Mai Trung cười:
- Nếu không là hung thủ?... Còn "nếu" gì nữa? Chứng cớ ngay trước mắt kia chứ đâu?
Phương gật đầu, ôn tồn nửa như bảo mình, nửa như nói với Phong:
- Phải, có nhiều chứng cớ tỏ ra rằng kẻ giết người là người Thổ. Thí dụ, con dao chuôi gỗ bịt bạc, dùng làm khí giới giết Đường với một mảnh giấy chúng tôi đã tìm thấy trong túi áo người chết...
Phong vội hỏi:
- Mảnh giấy nào?
Phương trỏ vào cuốn sổ cầm tay:
- Mảnh giấy tôi giữ đây: Trên mảnh giấy có một hàng chữ vội vàng không có nghĩa gì, nhưng đến bây giờ tôi đã hiểu.
Phong cầm lên đọc:
- Hắn đang xuống Hà Nội, Điềm He... 143 bis D
Anh chau mày lẩm bẩm:
- Vậy ra... chính là người Thổ thực sao? Ồ! Lạ lùng! Chính người Thổ... Hừ!..
Tiếng cười của Mai Trung vừa ngạo mạn vừa khiêu khích:
- Ông Lê Phong có lẽ tìm ra thủ phạm ở bọn người Mèo chắc?
Nhưng Phương nhã nhặn hơn, chỉ thong thả nói:
- Chính người Thổ này là hung thủ đó. Người Thổ giết Ông Đường hẳn vì có thâm thù và dự định tội ác của hắn đã lâu, mà việc dự định ấy ông Đường hình như cũng biết nên vẫn có ý lo. "Hắn" đây tức là kẻ thù ông Đường. "Điềm He" là tên một châu ở Lạng Sơn, còn "143 bis D" hẳn là chỗ trọ của người Thổ ở Hà Nội.