Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Đường Đến Kumasi
B
ến xe buýt ở Accra trông giống cái gì? Giống đoàn xe của một gánh xiếc lớn đang dừng chân trong một lần nghỉ ngắn. Màu sắc sặc sỡ và nhạc vui nhộn. Những chiếc xe buýt trông giống những chiếc xe xiếc hơn là những chiếc xe Chausson sang trọng lướt trên đường cao tốc châu Âu hay châu Mỹ.
Xe buýt ở Accra thì như những chiếc xe tải với thân xe bằng gỗ có mái gắn vào các cột. Nhờ không có thành xe mà làn gió lành sẽ thổi mát khi xe chạy. Gió trong khí hậu này là thứ của quý được săn tìm. Nếu anh muốn thuê nhà, câu hỏi đầu tiên cho chủ nhà sẽ là: “ Ở đây có gió không?” Anh ta sẽ trả lời bằng cách mở toang cửa sổ và luồng không khí lưu động thân ái ôm lấy anh ngay: anh thở sâu hơn, cảm thấy dễ chịu: anh lại bắt đầu sống.
Trên sa mạc Sahara, cung điện của các vua chúa có cấu trúc tuyệt thế tài tình: vô số khe cửa, rãnh tường, lối thông gió và hành lang được thiết kế, dựng ra và xây lên để có được luồng gió thông khả dĩ nhất. Trong cái nóng ban trưa, nhà vua ngự trên tấm thảm đặt ở nơi tốt nhất và vui sướng hít thở bầu không khí có phần mát mẻ hơn ấy. Gió là thứ đo được bằng tiền: các ngôi nhà đắt giá nhất là ở những nơi có nhiều gió nhất. Không khí khi đứng yên chẳng có chút giá trị gì, nhưng chỉ cần chuyển động – nó lập tức có giá.
Những chiếc xe buýt vẽ hình sặc sỡ, sơn nhiều màu. Trên ca bin và sườn xe, cá sấu nhe răng nhọn sắc, rắn căng người ra chực tấn công, bầy công nô đùa trên cây, linh dương bị sư tử rượt đuổi trên đồng cỏ xa-van. Khắp nơi đầy ngập chim chóc cũng như những tràng hoa, bó hoa. Lòe loẹt, nhưng đầy trí tưởng tượng và sức sống.
Quan trọng nhất vẫn là các hàng chữ. Những hàng chữ lớn, chạy dài, được trang trí bằng các dây hoa, có thể thấy rõ từ xa, vì chúng phải mời gọi hoặc cảnh báo. Chúng viết về Thượng đế, về loài người, những bổn phận và các điều cấm kỵ.
Thế giới tâm linh của một “người châu Phi” (tôi ý thức được rằng mình đã rất đơn giản hóa khi sử dụng từ này) rất giàu có và phức tạp, cuộc sống nội tâm của anh ta thấm đẫm trong tín ngưỡng sâu thẳm. Anh ta tin rằng có ba thế giới dù tương quan nhưng khác biệt cùng tồn tại.
Thế giới thứ nhất là thế giới xung quanh anh ta, nghĩa là hiện thực sờ mó và nhìn thấy được bao gồm người sống, thú vật, cây cối, cũng như những thứ vô tri: đá, nước, không khí. Thế giới thứ hai – thế giới của tổ tiên, những người đã chết trước chúng ta, nhưng hồ như chưa chết hẳn, chưa chết hoàn toàn, tuyệt đối. Thực ra, họ vẫn tồn tại với ý nghĩa siêu hình, thậm chí họ còn tham sự vào cuộc sống thực của chúng ta, hình thành và ảnh hưởng tới nó. Do đó giữ mối liên hệ tốt với tổ tiên là điều kiện của một cuộc sống tốt đẹp, đôi khi là điều kiện sinh tồn. Cuối cùng, thế giới thứ ba là vương quốc phong phú của linh hồn, các linh hồn tồn tại độc lập nhưng đồng thời hiện hữu trong mỗi bản thể, mỗi sự sống, mỗi vật, trong mọi thứ và mọi nơi.
Đứng đầu ba thế giới này là Đấng Chí tôn, Thượng đế. Bởi thế nhiều hàng chứ trên xe buýt thầm nhuần sự siêu việt của ngài: “ Thượng đế vô sở bất tại”, “Thượng đế biết ngài đang làm gì”, “Thượng đế là thần bí”. Cũng có cả các hàng chữ thực tế, gần gũi với con người hơn: “Cười lên nào”, “Hãy nói với em rằng em xinh đẹp”, “Yêu nhau lắm cắn nhau đau”.
Chỉ cần ta xuất hiện trên quảng trường có hàng chục chiếc xe buýt đang chen chúc này là một đám trẻ con vây lấy hỏi ngay:
- Ông muốn đi đâu: đến Kumasi, đến Takoradi hay đến Tamale?
- Đến Kumasi.
Những đứa trẻ săn khách đi Kumasi chìa tay cho ta, nhày lên mừng rõ, dẫn ta đến đúng xe buýt. Chúng vui sướng vì sẽ được bác tài thưởng quả chuối hay trái cam cho việc kiếm được khách.
Ta lên xe và ngồi vào chỗ. Ở thời điểm này có thể xảy ra đụng độ, va chạm, xung đột giữa hai nền văn hóa. Điều đó xảy ra nếu hành khách là một người ngoại quốc không thông thạo châu Phi. Người ấy sẽ bắt đầu nhìn quanh, nhấp nhổm và hỏi:
- Bao giờ thì xe chạy?
- Bao giờ nghĩa là sao? – Bác tài ngạc nhiên đáp. Khi nào xe đầy người thì chạy.
Người châu Âu và người châu Phi có khái niệm hoàn toàn không giống nhau về thời gian, họ nhìn nhận nó khác nhau, có mối liên hệ khác nhau với nó. Trong suy nghĩ của người châu Âu thời gian tồn tại ngoài con người, tồn tại một cách khách quan, dường như ở bên ngoài chúng ta, có các đặc điểm tuyến tính và đo lường được. Theo Newton, thời gian là tuyệt đối: “Thời gian toán học, thực hữu, tuyệt đối trôi qua chính nó và bằng bản chất của chính nó, đều đặn, không phụ thuộc vào bất cứ sự việc bên ngoài nào”. Người châu Âu cảm thấy mình là nô lệ của thời gian, anh ta phụ thuộc vào nó, bị nó cai trị. Để tồn tại và hoạt động, anh ta phải tuân theo các quy luật sắt bất di bất dịch, những nguyên tắc và luật lệ cứng nhắc của nó. Anh ta phải tuân thủ các kì hạn, ngày tháng, giờ giấc. Anh ta di chuyển trong sự khắt khe của thời gian và không thể tồn tại ngoài chúng. Chúng áp đặt cho anh ta các kỷ luật nghiêm ngặt, những đòi hỏi và tiêu chuẩn của mình. Giữa con người và thời gian tồn tại mối xung đột không thể giải quyết, luôn kết thúc bằng thảm bại của con người – thời gian hủy diệt con người.
Những người bản xứ, người châu Phi hiểu thời gian theo cách khác. Đối với họ thời gian là một khái niệm lỏng lẻo, rộng mở, mềm dẻo và chủ quan hơn nhiều. Là con người có ảnh hưởng đến sự hình thành của thời gian, đến dòng chảy và nhịp điệu của nó (tất nhiên, con người hành động với sự đồng ý của tổ tiên và thánh thần). Thời gian thậm chí còn là thứ mà con người có thể tạo ra, ví dụ sự tồn tại của thời gian được biểu hiện qua một sự kiện, mà sự kiện có xảy ra hay không là phụ thuộc vào con người. Nếu hai đạo quân không tham chiến thì trận đánh sẽ không xảy ra (nghĩa là thời gian sẽ không thể hiện sự có mặt của mình, sẽ không tồn tại).
Thời gian xuất hiện như là kết quả hành động của chúng ta, và biến mất khi ta sao lãng hoặc không thực hiện nó. Đó là thứ chất liệu dưới ảnh hưởng của chúng ta có thể luôn luôn sống dậy, nhưng sẽ rơi vào trạng thái ngủ hay thậm chí là trạng thái không tồn tại nếu ta không truyền sinh lực của ta cho nó. Thời gian là một thực thể thụ động, bổ trợ, và quan trọng nhất – phụ thuộc vào con người.
Hoàn toàn trái ngược với tư duy châu Âu.
Áp dụng vào hoàn cảnh thực tế, điều đó có nghĩa là nếu anh đến một làng quê nơi sẽ có cuộc họp vào buổi sáng nhưng ở chỗ họp không có ai hết, câu hỏi: “Bao giờ thì hop?” sẽ là vô nghĩa. Vì anh đã biết trước câu trả lời: “Khi nào mọi người đến thì họp”.
Do đó, một người châu Phi khi lên xe buýt sẽ không hỏi bao giờ xe chạy, anh ta chỉ lên xe, ngồi vào chỗ trống và lập tức rơi vào trạng thái mà anh ta trải qua phần lớn cuộc đời mình – trạng thái chờ đợi bất động.
- Những người này có tài chờ đợi thật kì lạ! – Một người Anh đã sống ở đây nhiều năm nói với tôi. Sự tài tình, sức chịu đựng, một thứ bản năng đặc biệt!
Có một thứ năng lượng bí ẩn luân chuyển đâu đó trong vạn vật, nếu nó tới gần và rót đầy vào chúng ta, cho chúng ta sinh lực để khởi động thời gian, thì một điều gì đó sẽ bắt đầu xảy ra. Nhưng chừng nào điều này chưa xảy ra, chúng ta phải chờ đợi – mọi hành xử khác đều là ảo tưởng và viển vông.
Sự chờ đợi bất động này là thế nào? Người ta đi vào trạng thái này, hoàn toàn ý thức được những gì sẽ diễn ra, vì vậy, họ cố gắng đặt mình xuống một cách thoải mái, ở nơi càng thoải mái càng tốt. Khi thì họ nằm, khi thì ngồi bệt xuống đất, lên tảng đã hoặc ngồi xổm. Họ ngừng nói. Nhóm người chờ đợi bất động là nhóm người câm. Họ không phát ra tiếng, họ im lặng. Cơ bắp thả lỏng. Thân mình mềm lả, rũ xuống, co vào. Cổ bất động, đẩu không động đậy. Con người không nhìn quanh, không quan sát, không tò mò. Đôi khi anh ta nhắm mắt, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Thường là mắt mở, nhưng không có ánh nhìn, không một tia sang của sự sống. Vì đã quan sát hàng giờ các đám đông ở trong trạng thái chờ đợi bất động, tôi có thể khẳng định là họ rơi vào một kiểu giấc ngủ sinh lý sâu: họ không ăn, không uống, không đi tiểu. Họ không phản ứng với ánh nắng ác ôn đang thiêu đốt, với đám ruồi phàm ăn hung tợn đang bâu lên môi, lên mi mắt họ.
Điều gì diễn ra trong đầu óc họ khi ấy?
Tôi không biết, hoàn toàn không có khái niệm. Họ không nghi gì hết? Họ mơ? Họ hồi tưởng? Họ lên các kế hoạch? Họ ngẫm nghĩ? Họ đi vào thế giới bên kia? Rất khó nói.
Rốt cuộc, sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi, chiếc xe buýt đầy người rời bến. Trên con đường gồ ghề, bị xóc lên xóc xuống, các hành khách hồi sinh. Người này lấy bánh quy ra ăn, người kia bóc chuối. Mọi người nhìn quanh, lau gương mặt đẫm mồ hôi, gấp khăn mùi soa ướt lại cẩn thận. Bác tài luôn miệng nói gì đó, một tay cầm vô lăng, tay kia làm điệu bộ. Mọi người cười ầm lên hết lần này đến lần khác, bác tài cười to nhât, những người khác cười nhỏ hơn; có thể chỉ vì lịch sự, vì họ thấy nên làm vậy?
Chúng tôi đi. Những người đồng hành trên xe buýt với tôi là thế hệ thứ hai, cũng có thể cả thế hệ thứ nhất, của những người may mắn được đi xe ở châu Phi. Hàng nghìn năm, châu Phi đã đi bộ. Người dân ở đây không có khái niệm về bánh xe cũng như không biết cách thích nghi với nó. Họ đi bộ, lang thang, những gì cần mang theo thì đeo trên lưng, vác trên vai, thường nhất là đội lên đầu.
Những con thuyền trên các hồ nước nằm sâu trong lục địa từ đâu mà ra? Chúng đã được tháo rời ra từng bộ phận ở các hải cảng, các bộ phận ấy được người ta đội lên đầu mang đi và lắp ghép lại bên các bờ hồ. Các thành phố, công xưởng, thiết bị mỏ, nhà máy điện, bệnh viện đều được mang từng phần vào sâu trong châu Phi. Toàn bộ nền văn minh kỹ thuật thế kỉ XIX đã được chuyển vào lòng châu Phi trên đầu các cư dân của nó.
Dân Bắc Phi, thậm chí cả các cư dân của sa mạc Sahara, có nhiều may mắn hơn: họ đã có thể dùng súc vật thồ - dùng lạc đà. Nhưng lạc đà hay ngựa không thể thích nghi với vùng châu Phi phía Nam sa mạc Sahara – chúng chết hàng loạt vì ruồi xề xề cũng như vì các loại bệnh chết người của miền nhiệt đới nóng ẩm.
Vấn đề của châu Phi là sự bất hòa giữa con người và môi trường, giữa không gian Phi châu mênh mông (hơn ba mươi triệu ki lô mét vuông) và con người chân đất, cùng khổ, không có khả năng tự vệ là cư dân của nó. Dù quay về hướng nào thì nơi đâu cũng xa xôi, nơi đâu cũng vắng vẻ, hoang vu, bao la bát ngát. Người ta đã phải đi hàng trăm, hàng nghìn cây số để gặp những người khác (không thể nói là để gặp “người khác”, vì con người đơn lẻ không thể sống sót trong các điều kiện ấy). Không có bất cứ thông tin, kiến thức, phát minh khoa học, kinh nghiệm của những người khác, của cải hay hàng hóa nào thâm nhập, tìm được đường vào. Sự trao đổi như là một hình thức tham gia vào văn hóa thế giới đã không tồn tại. Nếu nó xuất hiện thì đó chỉ là một sự ngẫu nhiên, một sự kiện hiếm hoi, ngoại lệ. Mà thiếu sự trao đổi thì không có tiến bộ.
Thường gặp nhất là các nhóm, bộ tộc, sắc dân sống cô lập, mất hút, phân tan trên các vùng đất mênh mông, thù địch, bị bệnh sốt rét, hạn hán, cái nóng và nạn đói đe dọa.
Mặt khác, việc sống và di chuyển trong các nhóm nhỏ cho phép họ chạy trốn khỏi những nơi nguy hiểm, ví dụ các vùng bị hạn hán hay dịch bệnh, và bằng cách ấy tồn tại. Các sắc dân này dùng chính chiến thuật được các kỵ binh nhẹ sử dụng trên chiến trường. Nguyên tắc của nó là sự linh hoạt, tránh đối đầu, đi đường vòng và khôn khéo với các hiểm nguy. Điều này khiến cho một người châu Phi truyền thống là con người luôn ở trên đường. Ngay cả khi an cư trong một làng xóm, thì anh ta cũng đang trên đường, vì cả làng thỉnh thoảng lại rời đi: khi thì nước cạn hết, khi thì đất đai ngừng sinh sôi, khi khác là dịch bệnh bùng phát, vậy là lên đường, để tìm kiếm sự cứu giúp, với hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Chỉ có cuộc sống ở thành phố mới đem đến cho họ sự ổn định chừng mực.
Cư dân châu Phi là một mạng lưới khổng lồ, rối rắm, chồng chéo, phủ lên khắp lục địa, liên tục chuyển động, không ngừng dậy song, cụm lại ở chỗ này và tản ra ở chỗ khác, một mảnh vải sặc sỡ, một tấm thảm đầy màu sắc.
Sự lưu động cưỡng bách của cư dân này khiến cho nội địa châu Phi không có các thành phố cổ, cổ như các thành phố thường gặp ở châu Âu hay vùng Cận Đông còn tồn tại đến ngày nay. Tương tự - một lần nữa lại trái ngược với châu Âu hay châu Á – đại đa số các cộng đồng(một số người cho là tất cả các cộng đồng) đang chiếm giữ các vùng đất trước đây họ chưa từng ở.
Tất cả mọi người đều từ nơi khác đến, tất cả đều là người nhập cư. Thế giới chung của họ là châu Phi, nhưng bên trong lòng nó, họ đã lang thang và thay đổi nơi ở qua hàng thế kỷ (ở một số nơi trên lục địa quá trình này diễn ra cho đến tận ngày nay). Vì thế mà đặc điểm nổi bật của nền văn minh này là tính tạm thời, thiếu sự liên tục của vật chất. Túp lều vừa được dựng lên hôm qua, hôm nay đã không còn. Cánh đồng ba tháng trước còn được trồng cấy, hôm nay đã bị bỏ hoang.
Sự nối tiếp sống động và dệt nên từng cộng đồng ở đây là sự nối tiếp của truyền thống dòng họ và nghi lễ, của việc thờ cúng tổ tiên sâu rọng. Cộng đồng tâm linh gắn kết một người châu Phi với những người thân thiết nhất của anh ta.
Xe buýt đi mỗi lúc một sâu hơn vào rừng nhiệt đới cây cao rậm rạp. Giới thực vật ở các vùng ôn đới biểu lộ kỷ luật và trật tự: nơi này là rừng thông, nơi kia là sồi, ở nơi khác nữa là bạch dương. Ngay ca trong các khu rừng hỗn hợp thì sự rõ ràng và chỉn chu cũng ngự trị. Trái lại, giới thực vật của vùng nhiệt đới ở trong trạng thái điên loạn, trong mê cuồng của những sinh sôi này nở hoang dại nhất. Ở đây, ta kinh ngạc vì cái trù phú chen chúc và ngạo mạn, vì sự bùng nổ không ngừng của khối cây cối rậm rạp hổn hển mà mỗi bộ phận của nó – cây, bụi rậm, dây leo, cây bò – đều lớn lên, chèn ép, thúc đẩy, kích thích lẫn nhau, đã đan xen, cài chặt và siết lấy nhau đến mức chỉ có lưỡi gươm sắc với sức mạnh khủng khiếp mới có thể phạt xuống để mở đường, mở lối hay đường hầm đi xuyên qua nó.
Bởi không có các loại xe có bánh nên thời trước trên lục địa khổng lồ này chưa có đường đi. Đầu thế kỷ XX, khi những chiếc xe hơi đầu tiên được mang tới, chúng gần như chẳng thể đi được ở đâu. Đường nhựa là một thứ mới mẻ ở châu Phi, mới có từ vài chục năm. Và nó vẫn luôn là của hiếm ở nhiều vùng. Thay vì đường sá, chỉ có các lối mòn, dành cho người, cho gia súc, thường là chung nhau. Hệ thống giao thông của các lối mòn này lý giải tại sao người dân ở đây có thói quen đi hàng một. Ngay cả ngày nay, khi đi trên đường cái quan, họ cũng đi hàng một. Bởi vậy một nhóm người đang đi luôn im lặng: khó có thể tranh luận khi người ta hàng một mà đi.
Mỗi người cần phải có một chuyên gia địa lý của các lối mòn này. Ai không thông thạo nó thì sẽ lạc đường, mà nếu bị lạc lâu khi không có nước và thức ăn, anh ta sẽ bỏ mạng. Điều cốt yếu là ở chỗ các làng, thị tộc, bộ lạc khác nhau có những lối mòn riêng chồng chéo lên nhau, ai không biết có thể đi vào các lối mòn này, tưởng rằng chúng sẽ dẫn anh ta đi đúng hướng, nhưng chúng đưa anh ta đến ngõ cụt hoặc cái chết. Bí ẩn là nguy hiểm nhất là các lối mòn trong rừng. Người ta luôn bị vướng gai hay cành cây, toàn thân bị cào xước và sưng phồng trước khi đến đích. Nên có một cây gậy, vì nếu có rắn nằm ngang lối (điều thường xảy ra) thì phải xua nó đi, tốt nhất là bằng gậy. Một vấn đề khác là các bùa chú. Người dân của vùng nhiệt đới sống trong hoang vu dày đặc, có bản chất cảnh giác và mê tín. Vì thế trên các lối mòn họ treo nhiều thứ bùa chú để đuổi các loại tà ma. Khi bắt gặp bộ da thằn lằn, cái đầu chim, túm cỏ hay chiếc răng cá sấu treo ngang đường, người ta không biết phải làm gì: đánh liều đi tiếp hay tốt hơn là quay lại, bởi vì đằng sau dấu hiệu cảnh báo ấy có thể ẩn giấu điều gì đó thực sự tệ hại.
Chốc chốc xe buýt lại dừng bên vệ đường. Ai đó muốn xuống xe. Nếu một phụ nữ trẻ xuống xe với một hoặc hai đứa con (phụ nữ trẻ không có con là cảnh hiếm thấy), khi ấy chúng ta sẽ được thấy một cảnh tượng đầy duyên dáng và khéo léo. Trước tiên, người phụ nữ địu con lên lưng bằng chiếc khăn hoa sặc sỡ (đứa bé vẫn luôn ngủ, không phản ứng gì). Tiếp theo, cô ngồi xuống đặt cái chậu hay cái thúng bất ly thân đựng đầy thức ăn và các loại hàng hóa khác lên đầu. Bây giờ cô đứng thẳng người dậy và làm một động tác như người đi trên dây lúc đặt bước chân đầu tiên lên sợi dây trên không trung: giữ người cho cân, cô lấy thăng bằng. Tay trái cô giữ chặt tấm đệm cuộn chặt, còn tay phải thì dắt đứa con thứ hai. Và như thế - bước ngày những bước đều đặn – cô đi vào con đường mòn dẫn tới thế giới mà tôi không biết và sẽ không bao giờ hiểu được.
Người ngồi bên cạnh tôi trên xe buýt. Một chàng trai trẻ. Kế toán viên trong một công ty ở Kumasi không kịp nghe rõ tên.
- Ghana độc lập! – anh nói sôi nổi, say sưa. Ngày mai cả châu Phi sẽ độc lập! – anh cả quyết. Chúng tôi tự do!
Và anh bắt tay tôi với điệu bộ mang hàm ý: giờ đây Người Da Đen có thể bắt tay Người Da Trắng không chút tự ti.
- Anh nhìn thấy Nkrumah chưa? – anh tò mò hỏi. Rồi à? Vậy thì anh là người may mắn đấy! Anh có biết chúng tôi sẽ xử các kẻ thù của châu Phi thế nào không?
Anh cười ha hả nhưng không nói rõ sẽ xử thế nào.
- Bây giờ quan trọng nhất là giáo dục. Giáo dục, đào tạo, thu lượm kiến thức. Chúng tôi thật là lạc hậu, thật lạc hậu! Tôi nghĩ là cả thế giới sẽ giúp chúng tôi. Chúng tôi phải ngang bằng với các nước phát triển! Không chỉ tự do mà còn phải ngang bằng nữa. Hiện giờ chúng tôi đang hít thở tự do cái đã. Và đó là thiên đường. Thật tuyệt vời!
Lòng nhiệt thành như của anh ở đây là phổ biến. Nhiệt thành và tự hào rằng Ghana đứng đầu phong trào, làm gương, dẫn đầu cho cả châu Phi.
Người ngồi cạnh tôi bên kia, bên trái (xe buýt có ghế hàng ba), thì khác hẳn: khép kín, ít nói, không tham gia câu chuyện. Anh lập tức gây chú ý, vì người dân ở đây thường cởi mở, dễ bắt chuyện hay kể lể và nêu ý kiến. Từ bấy tới giờ, anh chỉ nói với tôi là anh thất nghiệp và có khó khăn trong công việc. Những khó khăn gì thì anh không nói.
Nhưng rồi cuối cùng – khi khu rừng lớn thu hẹp lại và thưa hơn, báo hiệu chúng tôi đang dần đến Kumasi – anh quyết định thú nhận với tôi một điều. Đó là: anh có vấn đề. Anh bị bệnh. Không phải lúc nào anh cũng bị bệnh, nhưng thỉnh thoảng, từng đợt một. Anh đã đến gặp nhiều chuyên gia bản xứ, nhưng chẳng ai giúp được anh. Vấn đề là anh có các con vật trong đầu, trong hộp sọ. Không phải là anh nhìn thấy các con vật này, nghĩ ngợi về chúng hay sợ chúng. Không. Hoàn toàn không phải thế. Những con vật này ở trong đầu anh, chúng sống ở đấy, chạy nhảy, đuổi bắt nhau, săn mồi hay đơn giản là ngủ. Nếu đó là những thú vật hiền lành như linh dương, ngựa vằn hay hươu cao cổ, thì anh chịu được chúng, thậm chí chúng còn dễ mến. Nhưng đôi khi có một con sư tử đói. Nó đói, hung dữ - vậy là nó hống lên. Khi đó tiếng hống của con sư tử này làm sọ anh nổ tung.