Nguyên tác: Dos Novelas De Macondo
Số lần đọc/download: 1130 / 17
Cập nhật: 2016-06-27 09:56:48 +0700
Chương 3
C
a nô rúc một hồi còi dài và ngay tại giữa dòng sông nó quay một vòng. Trong lúc đó dân chúng tụ tập trên bến cảng và những người đàn bà đứng bên cửa sổ nhà mình đang ngắm nhìn lần cuối cùng Rôsariô đê Môngtêrô ngồi bên cạnh mẹ trên một chiếc vali sắt tây mà cách đây bảy năm cô đã mang nó đến làng. Đang cạo râu bên cửa sổ phòng khám bệnh, bác sĩ Octavio Hiranđô ngắm nhìn quang cảnh ấy với cảm tưởng rằng chuyến ra đi kia, nếu xét về một phương diện nào đó, là chuyến du lịch trở về thực tại.
Bác sĩ Octavio Hiranđô đã nhìn thấy Rôsariô trong buổi chiều cô đến làng này: vận bộ đồng phục nữ sinh trường sư phạm, đi đôi giày đàn ông, đang loay hoay tìm ở bến cảng xem có ai đồng ý mang vali của mình về trường với giá rẻ nhất. Hình như cô sẵn sàng chịu sống cho đến già mà chẳng hề có hoài bão gì hết tại cái làng mà tên của nó – theo đúng như lời cô kể – cô đã nhìn thấy lần đầu tiên trên một tờ phiếu được rút ra trong một chiếc mũ khi người ta chọn sáu người trong số mười một người muốn đến làng này. Cô sống trong một căn phòng nhỏ của nhà trường, có một chiếc giường sắt và một vòi nước chảy xuống chậu rửa mặt. Trong những giờ rảnh rỗi cô thêu khăn đăngten trong lúc đợi cho nồi cháo ngô sôi trên bếp dầu. Cũng năm đó, vào dịp lễ Giáng sinh, cô quen Xêxa Môngtêrô trong một buổi dạ hội của nhà trường. Lúc đó ông còn là một người chưa vợ, có gốc gác không rõ ràng, giàu lên nhờ khai thác gỗ, sống trong rừng rậm bên cạnh bầy chó và muông thú và chỉ có mặt ở làng trong những dịp hiếm hoi, râu tóc không cắt tỉa, đi ủng và khoác khẩu súng săn hai nòng. Đó cũng tựa như là lần thứ hai Rôsariô đã rút trúng số độc đắc, bác sĩ Octavio Hiranđô nghĩ thế. Vừa hay lúc đó cái mùi khẳn lặn đến nôn mửa đã lôi ông ra khỏi những kí ức.
Hoảng hốt trước những cơn sóng cuộn do ca nô gây nên, bầy quạ đen nhớn nhác bay ở phía bờ sông bên kia. Mùi con vật thối rữa lởn vởn trên bến cảng một lúc lâu, lẫn theo gió sớm lùa vào từng nhà.
- Của khỉ, vẫn cái mùi chết tiệt ấy! – Trong lúc nhìn đàn quạ bay, xã trưởng thốt lên như vậy ngay ở ban công phòng ngủ – vẫn cái con bò chết trương ấy.
Lấy khăn tay bịt mũi, ngài đi vào phòng ngủ và đóng kín cửa ban công lại. Ngay trong phòng, xã trưởng vẫn ngửi thấy mùi khó chịu, vẫn không cởi chiếc mũ kêpi ra, ngài treo chiếc gương vào một cái đinh tường rồi cẩn thận cạo râu bên má còn sưng. Sau đó một lát, chủ rạp xiếc bước vào phòng mà không gõ cửa.
- À, người ta đã báo cho tôi biết lời ca thán đầu tiên về các ông – xã trưởng nói trong lúc đưa dao cạo nốt những đám râu hai tuần không cạo – Chính đêm qua mà.
- Về điều gì thế?
- Rằng các ông cho đám trẻ con đi bắt trộm mèo.
- Không đúng thế – chủ rạp xiếc nói. – Chúng tôi mua mèo với giá một đồng pêxô một con mà không hỏi mèo của ai để cho bầy thú ăn.
- Các ông cứ quẳng mèo đang sống cho thú ăn hay sao?
- Không phải thế. Nếu cho thú ăn con vật đang sống sẽ đánh thức bản năng hung dữ của thú.
Sau khi rửa mặt xong, xã trưởng quay mặt về phía chủ rạp xiếc. Đến tận lúc này, xã trưởng mới nhận ra rằng chủ rạp xiếc đeo nhẫn ở tất cả các ngón tay.
- Vậy ông hãy làm bất cứ việc gì để có thịt tươi cho thú. Các ông có thể săn cá sấu nếu thích, hoặc có thể lấy cá cho thú ăn. Nhưng mua mèo sống theo kiểu ấy thì dừng, nghe chưa.
Chủ rạp xiếc nhún hai vai và đi theo xã trưởng ra tận đường cái. Đàn ông tụ tập thành từng nhóm đang nói chuyện trên bến cảng bất chấp cái mùi khó chịu của con bò chết trương nổi lềnh bềnh ở bờ bên kia sông.
- Cái đồ đàn bà kia – xã trưởng quát – Thay cho cái việc ngồi tán nhảm như đàn bà, các ông có thể tổ chức ngay từ chiều qua một đoàn đi đẩy xác con bò chết ra giữa dòng cho nó trôi đi chứ.
Một số người xúm đến quanh ngài.
- Năm mươi đồng pêxô đấy – xã trưởng đặt giá. – Tôi trả năm mươi đồng cho ai mang những chiếc xương của con bò kia về văn phòng cho tôi.
Tại đầu kia của bến cảng nhiều tiếng la thét cùng một lúc cất lên. Có một số người nghe thấy xã trưởng đặt thưởng đã nhảy xuống các thuyền, í ới gọi nhau và tháo gỡ thừng buộc thuyền. “Một trăm đồng pêxô đấy”, xã trướng nói hào hứng hơn. “Nghĩa là năm mươi đồng cho mỗi chiếc sừng của con bò”. Ngài dẫn chủ rạp xiếc tới tận đầu bên kia bến cảng. Cả hai người cùng đợi cho đến khi những chiếc thuyền đầu tiên cập bờ bên kia. Lúc đó xã trưởng quay mặt về phía chủ rạp xiếc, nói:
- Đây là một làng hạnh phúc.
Chủ rạp xiếc gật đầu tán thưởng “Cái duy nhất mà chúng tôi còn thiếu là những việc như cái việc này”, xã trưởng tiếp tục nói. – “Dân chúng vẫn còn suy nghĩ quá nhiều vì thiếu việc làm”.
Một nhóm trẻ con dần dần tụ tập ngày một đông xung quanh hai người.
- Kìa bọn nhóc, xiếc ở đằng kia – chủ rạp xiếc nói.
Xã trưởng nắm lấy cánh tay chủ rạp xiếc đưa ông ta đi về phía quảng trường.
- Các ông trình diễn tiết mục gì nào? – Xã trưởng hỏi.
- Chúng tôi có đủ loại tiết mục. Chúng tôi trình diễn một tiết mục hỗn hợp phục vụ cho tất cả trẻ em và người lớn.
- Chưa đủ – xã trưởng nói – Ngoài ra còn phải bán vé rẻ cho tất cả đều vào xem được.
- Vâng, điều đó chúng tôi cũng đã tính cả rồi ạ.
Hai người cùng nhau đi đến bãi đất bằng ở phía sau rạp chiếu bóng. Tại đây rạp xiếc đã được dựng. Những người đàn ông và đàn bà vẻ trầm tư đang lôi ra khỏi các thùng lớn những dụng cụ, phông màn, quần áo hóa trang của đoàn xiếc. Khi theo sau chủ rạp xiếc đang vượt qua đoàn người đang làm việc, vừa đi xã trưởng vừa xiết chặt tay từng người một, và cảm thấy mình đang ở trong khung cảnh buồn nôn. Một người đàn bà to béo với điệu bộ dứt khoát và hàm răng hầu như được bịt vàng hết, sau khi bắt tay xã trưởng đã xem tay cho ngài.
- Trong tương lai của ngài có cái gì đó rất lạ.
Xã trưởng rụt tay lại mà không thể kìm nén một khoảnh khắc buồn chán ào đến với mình. Chủ rạp xiếc khẽ đánh cây roi lên cánh tay người đàn bà ấy. “Hãy để cho ngài thiếu úy được yên nào”. Ông ta nói mà không hề dừng chân, đẩy xã trưởng đi tiếp về phía cuối bãi bằng. Bọn thú làm xiếc được nhốt ở đấy.
- Ngài có tin bói toán không? – Chủ rạp xiếc hỏi.
- Tùy từng trường hợp – xã trưởng trả lời.
- Tôi hoàn toàn không tin chuyện bói toán. Khi người ta cứ đi xem bói hoài thì chẳng tin vào ý chí của mình đâu.
- Xã trưởng ngắm nhìn bầy thú ngủ lim dim trong không khí oi nóng. Từ các chuồng thú bay ra không khí khai khai và nóng nực. Trong nhịp thở đều đều của bầy thú có cái gì đó biểu tượng cho nỗi đau không hy vọng. Chủ rạp xiếc lấy chiếc roi gãi gãi vào mũi một con báo.
- Nó gọi tên là gì nhỉ? – Xã trưởng hỏi
- Arixtôt.
- Không phải. Tôi muốn hỏi tên người phụ nữ ban nãy kia.
- À! Chủ rạp xiếc reo lên – Chúng tôi gọi cô ấy là Caxăngđra, tấm gương của tương lai đấy.
Xã trưởng để lộ một nỗi buồn trong cô đơn.
- Tôi muốn ngủ với cô ta, được không?
- Xong thôi, ngài xã trưởng ạ – chủ rạp xiếc trả lời.
Bà góa Môngtiên trong lúc buông rèm phòng ngủ đã lẩm bẩm nói: “Ôi những người đàn ông đáng thương”. Bà sắp đặt lại cái bàn ngủ cho gọn gàng, đặt tràng hạt và cuốn kinh vào ngăn kéo bàn, lau gót giầy lên tấm da hổ trải trước giường nằm. Sau đó bà đi khắp nhà để khóa ba cửa ra vào, khóa chiếc tủ vuông trong đó để bức tượng Thánh Raphaen bằng thạch cao. Cuối cùng bà khóa cửa phòng ngủ.
Trong lúc bà xuống cầu thang rộng xây gạch, bà nghĩ đến số phận trớ trêu của Rôsariô đê Môngtêrô. Khi nhìn thấy cô ta rẽ vào bến cảng, bà góa Môngtiên, khi ấy đã bước ra ban công nhà mình, cảm thấy rằng đã hết thời rồi cái đáng lẽ phải hết thời từ rất lâu.
Ngay ở chỗ nghỉ của cầu thang, bà bắt gặp khung cảnh bề bộn và sôi động của sân nhà, nó y như chợ phiên. Ngay bên cạnh tay vịn cầu thang gác này là hàng dàn giáo đựng những tảng bơ được gói trong những tàu lá mới, phía sau đó là những tải muối và những đống da khô và cuối sân là chuồng lừa và chuồng ngựa. Bên cạnh lối đi là những chiếc yên ngựa treo la liệt. Ngôi nhà bà nồng nặc mùi con vật lẫn với mùi da thuộc và mùi hôi cối ép mật.
Tại văn phòng, bà góa Môngtiên chào ngài Carmichaen, người đang xếp riêng từng xấp tiền trên bàn viết trong lúc kiểm tra số lượng trong sổ sách kế toán. Khi mở cánh cửa sổ nhìn ra sông, ánh sáng lúc chín giờ ùa vào phòng dán đầy những đồ trang trí rẻ tiền, với những chiếc ghế bọc da màu ghi xám, và một bức chân dung lớn của Hôsê Môngtiên có viền băng tang. Bà quả phụ nhận ra mùi thối rữa của con vật chết trước khi nhìn thấy những con thuyền cập bờ bên kia.
- Bờ bên kia có chuyện gì thế? – Bà hỏi.
- Người ta đang tìm cách đưa xác con bò chết ra giữa dòng cho nước cuốn đi – Carmichaen trả lời.
- À ra thế. Cả đêm qua tôi cứ nghĩ mình nằm mộng thấy cái mùi chết tiệt ấy – bà nhìn Carmichaen đang tập trung tư tưởng vào công việc và nói thêm: – Bây giờ chúng ta chỉ còn thiếu trận đại hồng thủy nữa mà thôi.
Không hề ngẩng đầu lên, Carmichaen nói:
- Bắt đầu từ mười lăm ngày nay rồi, thưa bà.
- Đúng thế – bà quả phụ thừa nhận. Giờ đây, chúng ta đã đi đến đoạn cuối cùng rồi. Chúng ta chỉ còn thiếu nằm vào trong mồ, đương diện với nắng mưa cho đến khi thần chết đến với mình.
Carmichaen nghe bà nói mà không hề ngừng công việc tính toán của mình. “Nhiều năm nay chúng ta ca thán rằng chẳng có gì xảy ra ở cái làng này”, bà quả phụ nói tiếp. “Bỗng xảy ra tấn bi kịch cứ như thể Thượng đế đã sắp đặt sẵn: trong nhiều năm mọi chuyện nằm im một chỗ nay cùng lúc thi nhau cùng xảy ra”.
Từ chiếc két sắt, Carmichaen quay lại nhìn bà và ngài thấy, bà chống khuỷu tay lên cửa sổ, mắt chăm chăm nhìn về bờ bên kia sông. Bà quả phụ mặc đồ tang màu đen, tay áo trùm kín cổ tay. Bà đang cắn móng tay.
- Khi nào trời tạnh mọi chuyện sẽ khá lên. – Sẽ chẳng bao giờ tạnh mưa cả. Bất hạnh không bao giờ đến một mình cả. Ông vẫn chưa thấy Rôsariô đê Môngtêrô sao?
Carmichaen từng nhìn thấy cô ta. “Đó là vụ ồn ào vô lối”, ngài nói. “Nếu người ta cứ chú ý lời bịa tạc trên những tờ rơi thì rồi sẽ phát điên”.
- Ôi, những tờ rơi – bà góa thở dài.
- Người ta còn viết tờ rơi về tôi nữa đấy – Carmichaen nói.
Với vẻ ngơ ngác, bà góa đến gần bàn viết.
- Cả ông nữa người ta cũng viết hả?
- Đúng thế, cả tôi nữa đấy – Carmichaen khẳng định. – Thứ bảy tuần qua người ta viết về tôi rất đầy đủ và rất kinh. Nó cứ như là một quảng cáo phim ấy.
Bà góa kéo chiếc ghế đến gần bàn viết. “Đó là sự vu cáo”, bà thốt lên. “Không có gì để nói xấu về một gia đình mẫu mực như gia đình ông”. Ngài Carmichaen không hề ngạc nhiên.
- Vì bà nhà tôi là người da trắng nhưng các con tôi đều là người da màu, thế mới thành chuyện chứ. Mười một đứa đều là người da màu.
- Đúng thế rồi.
- Bởi vậy tờ rơi viết rằng tôi chỉ là cha của những đứa con da đen thôi. Nó còn ghi cả một danh sách tên cha của những đứa con khác của tôi. Thậm chí nó còn đưa cả tên đôn Chêpê Môngtiên, người đã yên nghỉ trong sự thanh bình của Chúa, vào danh sách đó.
- Cả chồng tôi nữa sao?
- Chồng bà và chồng của bốn bà nữa – Carmichaen nói.
Bà quả phụ nức nở khóc. “Cũng may, các con tôi đều ở rất xa”, bà nói. “Chúng nó bảo rằng chúng không muốn trở về cái đất nước dã man này, là nơi người ta giết hại nhau và tôi đã trả lời chúng rằng chúng có lý, rằng chúng nên ở lại Pari mãi mãi”. Ngài Carmichaen xoay nửa vòng trên chiếc ghế mà hiểu rằng chuyện rắc rối của ngày thường lại một lần nữa bắt đầu tác oai tác quái.
- Bà chẳng việc gì mà phải bận tâm cả
- Ngược lại – bà quả phụ khóc lóc – Tôi là người đầu tiên nên thu dọn đồ dùng tùy thân và đi khỏi cái làng này cho dù có bị mất đất đai điền sản và những công việc buộc ta cả ngày cứ phải nhìn thấy nỗi bất hạnh, ông Carmichaen ạ, tôi không thích có những chiếc bô bằng vàng để nhổ máu.
Carmichaen an ủi bà:
- Bà cần phải thực hiện đầy đủ các trọng trách của mình chứ. Bà không thể ném qua cửa sổ cả một gia tài như thế này.
- Bạc vàng là cạm bẫy lớn của quỷ dữ – bà góa nói.
- Nhưng trong trường hợp này nó cũng là công lao khó nhọc của đôn Chêpê Môngtiên đấy.
Bà góa cắn các móng tay.
- Ông thừa biết rằng điều đó là không đúng. Đó là những đồng tiền tội lỗi và người đầu tiên phải đền tội vào lúc chết mà không kịp rửa tội là Hôxê Môngtiên.
Đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên bà nói về điều này.
- Dĩ nhiên tội lỗi là của cái tên tội phạm kia – bà nói, đồng thời chỉ tay vào xã trưởng, người đang khoác tay chủ rạp xiếc đi ở lề đường bên kia – Nhưng tôi lại là kẻ phải gánh chịu cái đận mạt vận này.
Carmichaen thôi không an ủi bà góa nữa. Ngài bỏ những xấp tiền giấy được buộc bằng dây cao su vào thùng các – tông rồi đi ra cửa ăn thông ra sân, gọi tên những tá điền theo thứ tự A. B. C.
Trong lúc những tá điền nhận tiền công ngày thứ tư, bà góa Môngtiên cảm thấy họ bước vào nhà mà không đáp lại lời chào của họ. Bà sống một mình dưới bóng tối ngôi nhà rộng chín phòng. Đó là nhà của Bà Mẹ Vĩ Đại và Hôxê Môngtiên mua nó mà không biết rằng chính vợ mình sẽ phải sống cô đơn cho đến khi chết, về ban đêm, trong lúc mang bình phun thuốc muỗi đi khắp các phòng trống trải bà đã bắt gặp Bà Mẹ Vĩ Đại đang giết chấy rận ở ngoài hành lang và bà đã nói rằng: “Khi nào con chết?”. Nhưng cuộc gặp gỡ hạnh phúc với người ở thế giới bên kia chỉ làm tăng thêm nỗi bối rối trong tâm hồn bà vì những câu trả lời thường ngớ ngẩn và mâu thuẫn.
Sau lúc mười một giờ trưa, bà góa, qua hai hàng lệ, đã nhìn thấy cha Anghen đang đi qua quảng trường. “Đức cha, thưa đức cha”, bà gọi mà cảm thấy rằng với tiếng gọi ấy mình đang bước cái bước đi cuối cùng. Nhưng cha Anghen không nghe thấy. Cha gõ cửa nhà bà quả phụ Axit, ở mé đường bên kia, và cánh cửa từ từ mở để lấy lối cho cha vào nhà một cách thật kín đáo.
Tại hành lang ồn ĩ tiếng chim kêu, bà quả phụ Axit nằm trên chiếc ghế, mặt che tấm khăn tay tẩm nước hoa Phloriđa. Cứ theo cung cách gọi cửa bà biết đó là cha Anghen nhưng vẫn nằm yên cho đến khi nghe thấy lời chào hỏi. Lúc đó bà bỏ khăn che mặt ra.
- Xin cha thứ lỗi cho – bà nói. – Con không nghĩ rằng cha đến sớm như vậy.
Cha Anghen quên mất rằng bà mời cha đến dùng cơm trưa. Với vẻ hơi lúng túng cha xin lỗi, nói rằng cả buổi sáng hôm nay cha đau đầu và cha muốn đi qua quảng trường trước khi trời nóng.
- Không sao – bà quả phụ nói. – Con chỉ muốn nói rằng con đang gặp một nỗi bất hạnh.
Cha rút từ trong túi áo ra một cuốn kinh đã rách bìa. “Nếu thích, xin bà cứ tự nhiên nằm nghỉ trong lúc tôi cầu kinh”, cha nói. Bà quả phụ không đồng ý với cha.
- Con đỡ rồi cha ạ.
Với hai con mắt nhắm hờ, bà đi đến đầu bên kia hành lang và khi trở lại bà trang trọng phanh chiếc khăn ra rồi vắt nó lên tay ghế. Khi ngồi đối diện với cha Anghen, hình như bà trẻ ra mấy tuổi.
- Thưa cha – bà nói mà không hề giả vờ đau khổ – Con cần cha giúp cho một việc
Cha Anghen cất cuốn kinh vào túi.
- Tôi sẵn lòng giúp bà.
- Lại một lần nữa con muốn nói đến Rôbertô Axit. Trái với lời hứa sẽ quên những tờ rơi, Rôbertô Axit đã chào tạm biệt và hẹn sẽ trở về vào ngày thứ bảy nhưng ngay chính đêm ấy anh đã kín đáo trở về nhà. Từ lúc trở về cho đến khi trời sáng nghĩa là khi đã mệt lử, anh ngồi trong bóng tối căn phòng rình đợi kẻ tình địch.
Cha Anghen nghe mà lòng dạ bàng hoàng.
- Làm gì có chuyện ấy – cha nói.
- Cha không biết những Axit nhà này, thưa cha. Trong trí tưởng tượng của mình họ nghĩ đến cả địa ngục đấy cha ạ.
- Rêberca thừa biết quan điểm của ta về những tờ rơi. Nhưng nếu bà muốn tôi có thể nói chuyện trực tiếp với Rôbertô Axit. – Không nên một chút nào. Nếu làm vậy có khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Ngược lại, nếu cha để tâm nói đến những tờ rơi trong bài thuyết giảng ngày chủ nhật tới thì con tin chắc rằng Rôbertô Axit sẽ phải suy nghĩ lại.
Cha Anghen dang rộng hai cánh tay.
- Không thể được – cha thốt lên. – Nếu vậy chẳng hóa ra những tờ rơi lại quan trọng đến thế hay sao.
- Thưa cha, không gì quan trọng bằng việc tránh cho tội ác xảy ra.
- Bà tin rằng Rôbertô Axit lại có thể đi đến những hành động quá trớn ấy sao?
- Con không những tin mà còn chắc chắn rằng con không đủ sức để ngăn chặn nó gây tội ác.
Một lát sau hai người ngồi vào bàn ăn. Một cô hầu gái không đi tất bưng cơm và thức ăn lên. Cha lặng lẽ xơi cơm. Muối tiêu cay, cái vắng lặng của ngôi nhà, và cảm giác không rõ rệt xâm chiếm trái tim cha trong cái khoảnh khắc ấy, tất cả những thứ đó đưa cha trở lại cái phòng chật hẹp của cha trong buổi trưa oi nóng của Macônđô. Trong một ngày như ngày ấy, bụi bậm và oi nóng, cha đã làm lễ mai táng cho một người thắt cổ tự vẫn mà dân cư ương bướng của làng Macônđô không chịu chôn cất cho ông ta.
Cha cởi cúc áo cổ cho mát.
- Được, tôi nhận lời bà – cha nói với bà quả phụ – Bà hãy lo liệu để Rôbertô Axit không vắng mặt trong lễ misa ngày chủ nhật.
Bà quả phụ Axit xin hứa với cha.
Bác sĩ Hiranđô và bà vợ vốn không bao giờ ngủ trưa, đang ngồi đọc một truyện ngắn của Đichken. Bọn họ ngồi ở hành lang trong. Ông nằm trên võng hai bàn tay chắp lại gối sau gáy, chăm chú nghe. Bà vợ ngồi quay lưng về phía ánh sáng dọi vào, với quyển sách để trên đầu gối ngay trước mặt, đọc to lên cho bác sĩ cùng nghe. Bà chăm chú đọc cho đến hết truyện vẫn không ngẩng đầu lên trong khi đó bác sĩ dậy đến chậu nước rửa mặt. Trời oi nóng khủng khiếp.
Với những động tác khéo léo học được trong nghề phẫu thuật, bác sĩ từ từ rút đầu mình ra khỏi vòi nước đang chảy. “Người ta bảo rằng nó là một tiểu thuyết ngắn”, bác sĩ nói khi đứng trước tấm gương soi, đang bôi brigiăngtin lên tóc. “Anh bảo rằng, đúng hơn nó là một truyện dài”. Cuối cùng ông kết luận:
- Các nhà phê bình bảo rằng nó là một truyện ngắn, nhưng mà dài.
Được bà vợ giúp tay, bác sĩ mặc bộ đồ lanh trắng. Bà vợ có thể bị nhầm lẫn với chị cả của bác sĩ không chỉ vì thái độ điềm tĩnh trong việc chăm sóc ông mà còn vì vẻ lạnh lùng trong đôi mắt khiến bà ta giống như người lớn tuổi hơn. Trước khi ra đi, bác sĩ cho bà vợ xem danh sách ghi thứ tự các cuộc đến thăm bệnh nhân trong chiều hôm ấy để phòng khi có trường hợp khẩn cấp bà còn đi gọi.
Ngoài đường nóng hầm hập. Bác sĩ Hiranđô đi bên mé đường có bóng râm, vừa đi vừa nghĩ rằng dù cho trời oi nóng là thế, chiều ấy vẫn sẽ không mưa. Tiếng còi rúc ngoài bến cảng chỉ làm đậm đặc thêm nỗi cô đơn. Con bò chết trương đã được dòng nước cuốn đi rồi và do đó đã để lại khoảng trống rỗng thật là lớn trong không khí bến cảng.
Từ trong khách sạn, điện báo viên gọi bác sĩ:
- Ông đã nhận được điện báo chưa hả?
Bác sĩ Hiranđô vẫn chưa nhận được.
- Báo cho biết những điều kiện đã được thỏa thuận, kí tên Accôphăng – điện báo viên nhắc lại nguyên văn bức điện.
Hai người cùng nhau về phòng điện báo. Trong lúc bác sĩ viết bức điện trả lời, nhân viên điện báo lắc đầu.
- Đó là Axit muriatich – bác sĩ giải thích mà chẳng có hiểu biết khoa học – Bất chấp cảm nhận của mình, bác sĩ nói khi viết xong bức điện: “Có thể đêm nay sẽ mưa!”
Điện báo viên đếm số chữ. Bác sĩ không để ý đến ông ta. Bác sĩ đang để ý đến cuốn sách dày cộp để bên cạnh cần manip. Bác sĩ hỏi có phải đấy là một cuốn tiểu thuyết không.
- Những người khốn khổ của Vichto Huygô đấy – điện báo viên trả lời trong lúc đóng dấu vào bức điện. Sau đó ông ta trở lại quầy tiếp khách cùng với cuốn sách – Tôi nghĩ rằng với cái này chúng ta sẽ chậm đến tháng Chạp mất.
Từ nhiều năm nay, bác sĩ biết rằng trong những giờ rỗi rãi điện báo viên vẫn truyền đi những bài thơ của mình đến cô điện báo viên ở Xăng Bernađô đến Viêntô. Bác sĩ không biết rằng điện báo viên cũng còn đọc cả tiểu thuyết nữa.
Buổi chiều ấy, bác sĩ Hiranđô cũng dành cho đôn Xabat một giờ đến thăm. Bác sĩ thấy ngài mệt mỏi nằm trên giường bụng đắp một chiếc khăn tắm.
- Kẹo có ngon không? – Bác sĩ hỏi.
- Tại nóng đấy chứ không phải tại ăn kẹo đâu – đôn Xabat ca cẩm, quay tấm thân to lớn nhưng già nua về phía cửa. Sau bữa cơm trưa tôi đã tiêm thuốc rồi.
Bác sĩ Hiranđô mở chiếc túi ngay trên chiếc bàn kê bên cửa sổ. Ve sầu kêu inh ỏi ngay trong sân và phòng ở của đôn Xabat có không khí đồng nội. Ngồi ngay trên chiếc bô, đôn Xabat đi tiểu ra nước đái vàng. Khi bác sĩ cầm lấy ống nghiệm thủy tinh trong đựng thứ nước ngầu bọt ấy, người bệnh liền cảm thấy mình đã được bình phục. Trong lúc quan sát bác sĩ đang phân tích, đôn Xabat nói:
- Xin bác sĩ hãy hết sức cẩn thận cho kẻo tôi không muốn chết mà không biết cái cuốn tiểu thuyết này kết thúc như thế nào.
Bác sĩ Hiranđô bỏ một viên thuốc màu xanh vào ông nghiệm.
- Cuốn tiểu thuyết nào kia? – Bác sĩ hỏi.
- Những tờ rơi.
Với ánh mắt hiền hòa, đôn Xabat theo dõi bác sĩ cho đến khi ông đun ống nghiệm trên bếp đèn cồn. Ông ngửi mùi của nó bốc ra. Những con mắt bạc phếch màu của con bệnh đang chờ đợi ông với một câu hỏi.
- Tốt rồi – bác sĩ nói trong lúc đổ nước tiểu trong ống nghiệm vào bô. Sau đó ông hỏi đôn Xabat: – Ngài cũng quan tâm đến chuyện tờ rơi à?
- Tôi không. Nhưng trước sự giật thót của đám đông, tôi rất khoái chí, ông ạ.
Bác sĩ Hiranđô chuẩn bị xilanh.
- Ngoài ra – đôn Xabat tiếp tục – cách đây hai ngày họ đã viết tờ rơi về tôi rồi, vẫn là những chuyện nực cười: Chuyện về những đứa con tôi và chuyện về những con lừa.
Bác sĩ dùng dây cao su buộc chặt cánh tay để tìm ven của đôn Xabat. Người bệnh phản đối kể chuyện những con lừa nhưng ông ta buộc phải kể lại vì bác sĩ không tin là có thật.
- Đó là chuyện buôn lừa của tôi cách đây chừng hai mươi năm. Những con lừa tôi vừa bán xong hai ngày thì lăn đùng ra chết không hề có vết thương.
Đôn Xabat chìa cánh tay gầy ra cho bác sĩ lấy máu làm thí nghiệm. Khi bác sĩ dùng bông dịt vào chỗ mũi kim và rút ra, đôn Xabat cử động cánh tay vừa bị tiêm xong. – Vậy ông có biết người ta bịa gì không?
Bác sĩ lắc đầu.
- Người ta bịa rằng chính tôi là kẻ về ban đêm đã lẻn vào vườn dùng súng lục dí nòng vào lỗ đít con vật mà bắn chết nó.
Bác sĩ Hiranđô cất ống nghiệm đựng thứ máu của người bệnh.
- Chuyện ấy có vẻ thật quá rồi – bác sĩ nói.
- Đó là những con rắn hổ mang – Đôn Xabat ngồi trên giường với vẻ trầm tư của người phương Đông nói – Họ nói toàn những chuyện cả thiên hạ biết tỏng.
- Đó chính là một đặc tính của những tờ rơi.
Đôn Xabat bị mệt một lúc. “Đúng thế”, ngài nói trong lúc lấy ga giường lau mồ hôi trên hai mí mắt sưng húp. Ngay lập tức ngài nói thêm:
- Có điều là ở cái đất nước này không có một kho của nào mà phía sau nó không có một con lừa chết.
Trong lúc cúi người xuống chậu rửa, bác sĩ nghe câu nói ấy. Trên mặt nước phản chiếu, ông nhìn thấy chính sự phản ứng của mình: hàm răng rất đều của ông đến mức không như thật. Ngoảnh mặt lại sau vai để tìm người bệnh của mình. Ông nói:
- Đôn Xabat tôn kính của tôi ạ, bao giờ tôi cũng tin rằng đức tính duy nhất của ngài là sự trơ trẽn.
Người bệnh sôi nổi hẳn lên. Câu nói chọc tức của bác sĩ khiến đôn thấy mình bỗng trẻ trung hẳn lại “ồ, cái của ấy và khả năng tình dục của tôi”, đôn nói và đi kèm với ngôn từ là sự ve vẩy của cánh tay có thể xem như là sự cổ vũ cứ việc nói tiếp đi. Nhưng bác sĩ lại nhận thấy đó là sự trơ trẽn điển hình cho con người đôn Xabat. Đôn Xabat ve vẩy bộ mông của mình.
- Vì thế mà tôi chết cười về những tờ rơi. Chúng nói rằng con cái của tôi lúc nhúc ở trước mặt bao cô gái vừa mới khai xuân ở những quả núi kia và tôi nói rằng chúng là con của cha chúng, thế thôi.
Trước khi ra về, bác sĩ Hiranđô còn phải nghe cả một loạt những cú mạo hiểm tình dục của đôn Xabat.
- Ô, đó là thời thanh xuân vui vẻ – Cuối cùng đôn Xabat thốt lên – Đó là thời hạnh phúc trong đó một cô gái trinh mười sáu tuổi không đắt hơn một con bê, ông ạ.
- Những kí ức ấy chỉ làm tăng thêm lượng đường trong nước tiểu của ngài thôi – bác sĩ nói.
Đôn Xabat há hốc miệng.
- Ngược lại hoàn toàn – đôn cãi lại. – Chúng hơn hẳn những mũi tiêm của bác sĩ đấy.
Khi ra ngoài đường, bác sĩ vẫn mang ấn tượng rằng trong huyết quản của đôn Xabat đã có mỡ đọng rồi. Nhưng lúc đó còn có chuyện khác khiến ông bận tâm hơn: những tờ rơi. Từ hai ngày nay những lời đồn đại đã bay đến phòng khám của ông. Buổi chiều ấy, sau khi thăm bệnh cho đôn Xabat, ông mới biết rằng từ một tuần nay ông chỉ nghe thấy người ta nói về tờ rơi mà thôi.
Sau đó ông đi thăm vài con bệnh và ở chỗ nào ông cũng thấy người ta nói về những tờ rơi. Ông nghe chuyện mà không bình luận, cố làm ra vẻ vô tư nhưng thực ra đang cố gắng đi đến một kết luận. Ông trở về phòng khám thì vừa hay Anghen, người vừa ở nhà bà góa Môngtiên bước ra, đã làm ông phải ngừng suy nghĩ.
- Bệnh nhân của ông thế nào rồi hả bác sĩ – Cha Anghen hỏi.
- Thưa cha, người bệnh của con đều khá cả ạ. Thế con chiên của cha thế nào rồi ạ?
Cha Anghen cắn môi lại. Cha cầm lấy cánh tay bác sĩ rồi đi qua quảng trường.
- Vì sao bác sĩ lại hỏi ta như thế?
- Không biết nữa cha ạ. Con được tin rằng trong giới con chiên của cha đang có một thứ dịch nguy hiểm.
Cha Anghen tảng lờ nói sang chuyện khác nhưng không giấu được bác sĩ Hiranđô.
- Ta vừa nói chuyện với bà góa Môngtiên – cha nói. – Nỗi sợ đang tiêu diệt người đàn bà khốn khổ ấy.
- Có thể là do lương tri cắn rứt cha ạ. – Bác sĩ phỏng đoán.
- Đó là nỗi ám ảnh về cái chết.
- Dù hai người sống ở hai ngả đường ngược chiều nhau, cha Anghen vẫn cùng đi với bác sĩ về tận phòng khám.
- Thưa cha, con hỏi nghiêm chỉnh đấy. Cha nghĩ gì về những tờ rơi, thưa cha?
- Ta không nghĩ về chúng. Nhưng nếu ông buộc ta phải nghĩ thì ta sẽ nói rằng đó là tác phẩm của lòng đố kị trong một làng mẫu mực.
- Thưa cha, ngay cả ở thời kì trung cổ những người thầy thuốc chúng con không phỏng đoán như vậy.
Hai người dừng chân trước phòng khám. Trong lúc thong thả quạt cho mình, cha Anghen nhắc lại lần thứ hai trong ngày hôm ấy đã nói rằng: “Không nên gán cho các sự vật cái tầm quan trọng mà chúng vốn không có”. Bác sĩ rùng mình bởi thất vọng trước lời nói của cha.
- Thưa cha, làm sao cha biết rằng chẳng có gì rõ ràng trong nội dung những tờ rơi đề cập ạ?
- Ta biết được là nhờ các buổi xưng tội.
Bác sĩ lạnh lùng nhìn thẳng vào mắt cha. – Càng nguy hiểm hơn khi cha không biết gì qua các buổi xưng tội.
Buổi chiều ấy cha Anghen quan sát thấy rằng trong nhà những người nghèo người ta cũng nói đến những tờ rơi nhưng với một hình thức khác hẳn và với thái độ vui vẻ lành mạnh. Cha ăn cơm mà không thấy ngon miệng. Sau đó cha tìm sự đánh giá đạo đức về bộ phim sẽ chiếu trong đêm nay. Lần đầu tiên trong đời mình cha cảm thấy kiêu hãnh khi kéo mười hai tiếng chuông dứt khoát báo tin rằng bộ phim hoàn toàn bị cấm xem. Cuối cùng cha đặt chiếc ghế ngay ở cửa trông ra đường cái và cảm thấy đầu mình nhức như búa bổ. Cha ngồi xuống sẵn sàng công khai kiểm tra xem ai dám trái lệnh cấm của mình đi xem phim đêm ấy.
Xã trưởng bước vào rạp chiếu bóng, ngài ngồi tít vào một xó, hút liền hai điếu thuốc trước khi chiếu phim. Cơn đau răng đã khỏi hẳn nhưng cơ thể ngài vẫn còn váng vất những đêm mất ngủ và những viên thuốc giảm đau. Hai điếu thuốc đã làm ngài buồn nôn.
Rạp chiếu bóng là một cái sân được xây tường xi măng. Bên trên lớp mái tôn hết một nửa sân, với thứ cỏ hầu như sống lại vào các buổi sáng và sống nhờ đờm dãi và mẩu thuốc lá. Bỗng xã trưởng nhìn thấy những hàng ghế gỗ không bào, nhìn thấy tấm lưới sắt ngăn giữa buồng chiếu với khán giả, và nhận ra một luồng sóng chóng mặt tại khoảng sơn trắng trên bức tường cuối phòng dùng làm phông.
Ngài cảm thấy dễ chịu hơn khi đèn tắt hết. Lúc đó âm nhạc chói tai phát ra từ loa phóng thanh đã ngừng nhưng tiếng động của máy nổ đặt trong một nhà gỗ cạnh máy chiếu càng ồn ĩ hơn.
Trước khi chiếu phim, những tấm kính quảng cáo được chiếu lên màn bạc. Bỗng những tiếng nói thầm thào, những bước chân dò tìm và những tiếng cười khúc khích đã khiến cho bóng tối trong rạp phải quay đảo ít phút đồng hồ. Trong khung cảnh ồn ào bất thường đó, xã trưởng nghĩ rằng việc khách xem bí mật vào rạp kia có đặc điểm của một cuộc nổi dậy chống lại những chuẩn mực ngặt nghèo của cha Anghen.
Dù chỉ ngửi thấy cái mùi nước hoa thôi, xã trưởng đã nhận ra ngay ông chủ rạp khi ông ta đi qua.
“Đồ buôn lậu” – xã trưởng thầm thì nói trong lúc tay nắm lấy cánh tay của ông chủ rạp – Ông phải trả một khoản tiền đặc biệt.
- Bộ phim hay đấy – ông chủ rạp cười rồi ngồi xuống ghế bên cạnh, nói.
- Tôi thích tất cả các phim đều là phim tầm bậy. Không gì chán hơn là phim đạo đức – xã trưởng nói.
Những năm trước không ai coi trọng sự kiểm duyệt của cha được thông báo bằng những tiếng chuông nhà thờ. Nhưng mỗi ngày chủ nhật, từ trên bục thuyết giảng, cha Anghen đã chỉ mặt và thẳng cánh đuổi ra khỏi lễ Misa những người đàn bà trong tuần đã dám chống lại những lời chỉ bảo của cha.
- Sự cứu vớt linh hồn là cái cửa phụ ở phía sau – chủ rạp nói.
Xã trưởng bắt đầu theo dõi phim thời sự đã cũ rồi. Ngài nói và thi thoảng dừng lại khi thấy trên màn bạc một điểm thú vị.
- Tóm lại sự việc chỉ là một mà thôi – ngài nói – Cha rút phép thông công đối với những người đàn bà mặc áo cộc tay. Các bà các cô ấy cứ mặc áo cộc tay nhưng trước khi đi lễ misa họ đeo thêm cái ống tay áo giả.
Sau phim thời sự đến quảng cáo một vài đoạn của bộ phim sẽ chiếu trong tuần sau. Hai người im lặng xem. Khi hết phim quảng cáo, ông chủ rạp nghiêng hẳn đầu về phía xã trưởng.
- Thiếu úy này – ông ta nói thầm – Hãy mua cho tôi cái rạp.
Xã trưởng vẫn nhìn lên màn ảnh.
- Không phải là chuyện buôn bán.
- Đối với tôi thì không – ông chủ rạp nói. – Ngược lại, đối với ngài, rạp này là cả một cái mỏ đấy. Hiển nhiên là đối với ngài, cha cố không thể đến mà mè nheo với chuyện kéo chuông cấm người ta đi xem phim được.
Xã trưởng suy nghĩ trước khi trả lời.
- Được, nghe được đấy – ngài nói.
Nhưng ngài vẫn không đi đến kết luận dứt khoát. Ngài để chân lên chiếc ghế trước mặt rồi đăm chiêu suy nghĩ về những con đường vất vả của một tấm bi kịch mà cuối cùng, theo như ngài nghĩ, chẳng đáng bốn tiếng chuông cảnh tỉnh của cha cố.
Sau khi ra khỏi rạp chiếu bóng ngài dừng lại ở tiệm chơi bi-a là nơi người ta đang chơi xổ số. Đang oi bức và hơn nữa máy thu thanh đang phát ra thứ nhạc kêu rè rè. Sau khi uống hết chai nước khoáng, xã trưởng về nhà đi ngủ.
Xã trưởng lòng thanh thản đi dọc theo bờ sông. Vừa đi ngài vừa cảm thấy con sông đang dâng nước trong bóng tối, cảm thấy lòng dạ mình đang sôi ùng ục và cảm thấy cái mùi con vật to xác của mình. Ngài đứng khựng lại ngay trước cửa phòng ngủ của mình. Ngài nhảy lùi về phía sau đồng thời rút súng ra.
- Ai? Hãy bước ra ánh sáng mau nếu không tôi bắn – ngài quát to.
Từ trong bóng tôi vọng ra một giọng nói ngọt ngào.
- Đừng hoảng hốt như thế đi, thiếu úy.
Ngài cứ đứng yên với khẩu súng đã lên đạn như thế cho đến khi người nấp trong bóng tối bước ra chỗ sáng. Đó là Caxăngđra.
- May đấy, cô đã thoát chết – xã trưởng nói.
Ngài đưa cô ta lên phòng ngủ. Caxăngđra nói thao thao bất tận trong một lúc lâu. Cô ta ngồi trên chiếc võng và trong lúc nói cởi giày và nhìn những móng chân tô son đỏ của mình với vẻ thích thú.
Ngồi trước mặt cô, xã trưởng lấy mũ kêpi vừa quạt cho mình vừa theo dõi câu chuyện. Ngài lại hút thuốc lá. Khi chuông đồng hồ điểm mười hai giờ, Caxăngđra nằm sấp xuống võng và chìa cánh tay đeo vòng hạt kêu lẻng xẻng, véo mũi ngài, nói:
- Muộn rồi, Cưng. Hãy tắt đèn đi nào.
Xã trưởng nhoẻn miệng cười.
- Tôi gọi cô đến không phải để làm chuyện ấy.
Caxăngđra không hiểu làm ra làm sao.
- Cô biết bói phải không? – Xã trưởng hỏi. Caxăngđra ngồi lại trên võng. “Dĩ nhiên”, cô nói. Sau đó, do đã hiểu được ý của xã trưởng, cô ta đi giày.
- Nhưng em không mang theo cỗ bài rồi – cô nói.
- Muốn ăn thịt thỏ phải có chó săn – Xã trưởng mỉm cười nói.
Ngài rút vài quân bài sờn cất trong đáy rương. Caxăngđra xem kỹ từng quân bài một, hết mặt trước lại mặt sau, với thái độ chăm chú rất nghiêm chỉnh. “Những quân bài khác sẽ tốt hơn” cô nói. “Nhưng dù thế nào đi nữa, điều quan trọng vẫn là các thần có ứng báo hay không”. Xã trưởng kéo một chiếc bàn nhỏ đến bên cạnh, rồi ngồi xuống trước mặt cô ta. Caxăngđra đặt bài. – Chuyện tình hay chuyện buôn bán đây? – Cô hỏi.
Xã trưởng lau mồ hôi tay.
- Chuyện buôn bán – ngài trả lời.