A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ột việc nữa mà Johanna định làm từ lâu nhưng vẫn chần chừ mãi chưa làm. Cô phải đến hiệu quần áo tên Milady để mua một bộ cánh mới cho mình. Cô chưa vào cửa hiệu đó bao giờ, vì khi cần mua thứ gì, như bít tất chẳng hạn, cô đâu tới Cửa hàng quần áo Nam Nữ Trẻ em Callaghans. Cô có khối quần áo được thừa hưởng từ bà Willets, toàn đồ như chiếc áo choàng này, mặc không biết đến đời nào mới sờn. Và Sabitha - đứa bé gái mà cô phải trông nom ở nhà ông McCauley - thì mặc không xuể quần áo của bọn chị em họ thải ra, toàn những thứ đắt tiền.
Ngoài quầy kính trưng bày tiệm Milady có hai ma nơ canh mặc bộ vét với váy thật ngắn và áo vét ngắn vạt vuông. Một bộ màu vàng xỉn còn bộ kia màu xanh lá cây đằm và nền nã. Những chiếc lá phong to làm bằng giấy màu sặc sỡ rải khắp quanh chân các ma nơ canh và dính đây đó trên kính quầy trưng bày. Vào mùa này trong năm, khi hầu hết mọi người phải lo vun lá lại đem đốt thì ở đây lá lại được chọn làm vật trang trí. Một dòng quảng cáo với kiểu chữ mềm mại màu đen đính chéo qua tấm kính, có nội dung: Đơn giản đến trang nhã, mốt mùa thu.
Cô đẩy cửa bước vào.
Ngay trước mắt cô là một tấm gương cao bằng đầu người, khiến cô nhìn thấy ngay toàn thân mình trong chiếc áo choàng dài của bà Willets, tuy là hàng cao cấp nhưng cứ đuồn đuỗn chẳng ra phom dáng gì, dưới đó là bắp chân to mập hở ra khoảng nửa gang tay trên đôi tất ngắn chỉ che đến mắt cá. Tất nhiên, họ làm việc ấy có chủ ý. Để tấm gương ở đó thì khách hàng mới thấy ngay những khiếm khuyết của mình, và rồi - chủ hàng hy vọng vậy - vội kết luận rằng mình phải mua món gì đó để thay đổi hình ảnh. Một ngón nghề lộ liễu đến thế đáng lẽ có thể khiến cô quay ra ngay lập tức, nếu trước đó cô không hạ quyết tâm phải mua cho xong những thứ mình cần.
Dọc một bức tường là giá treo váy dạ hội, chiếc nào cũng xứng đáng dành cho các nàng hoa khôi dạ vũ, với những mảng ren và vải taffeta, với những gam màu mơ mộng. Tiếp đó, trong một chiếc tủ kính để ngăn những ngón tay tò mò là khoảng nửa chục váy cưới, cái bằng lụa màu trắng tinh khôi, cái bằng xa tanh màu kim nhạt, cái bằng đăng ten màu ngà, chêm thêm hạt cườm bạc hay hạt ngọc trai xinh xinh. Phần eo bó sát, viền cổ lượn sóng, chân váy bung xòe. Khi còn trẻ cô cũng không bao giờ hình dung được sự hoang phí đến mức ấy, không chỉ riêng về tiền bạc mà còn cả về kỳ vọng, về niềm hy vọng vô lối vào khả năng biến hóa, vào niềm hạnh phúc.
Phải mất hai, ba phút mới có người ra. Hình như họ quan sát cô từ một khe ngắm bí mật, và nghĩ rằng cô không phải là loại khách họ chào đón, thầm mong cô sẽ đi ra. Nhưng cô không đi. Cô lướt qua tấm gương - bước từ khoảng sàn thô gần cửa lên tấm thảm bông - và cuối cùng thì tấm rèm ở góc cuối cửa hàng cũng mở ra, để chính bà chủ Milady xuất hiện trong bộ vét màu đen với hàng khuy lấp lánh. Giày cao gót, cổ chân thon, thắt lưng bó, đôi tất giấy sột soạt, tóc vàng ánh kim chải ốp về phía sau khoe khuôn mặt được trang điểm kỹ.
“Tôi muốn thử bộ vét bày ngoài quầy kính.” Johanna nói với giọng điệu được chỉnh kỹ trước khi thốt ra. “Bộ màu xanh lục ấy.”
“A, mẫu ấy đẹp thật,” bà chủ nói. “Nhưng bộ ngoài tủ kính lại là cỡ số mười. Trông cô… chắc mặc số mười bốn?”
Bà ta sột soạt vượt qua Johanna vào phía trong cửa hàng, nơi treo quần áo thường nhật, vét và váy đi làm.
“May cho cô đấy nhé. Có số mười bốn đây.”
Việc đầu tiên Johanna làm là nhìn tem giá. Ít nhất gấp đôi con số cô dự định, và cô cũng không cố giấu ý nghĩ đó.
“Cũng đắt nhỉ.”
“Chất len xịn mà.” Bà ta lần mò cho đến khi moi được mác, rồi bóc thông tin về chất liệu nhưng Johanna nghe câu được câu mất vì đang mải soi chất lượng đường may trên gấu.
“Sờ nhẹ như lụa nhưng mặc chắc như áo giáp. Cô trông lớp lót kỹ chưa này, tuyền chất lụa pha sợi tổng hợp thích ghê. Bộ này giữ phom tốt lắm, không xộc xệch khi ngồi xuống như hàng rẻ tiền đâu. Xem viền cổ tay với cổ áo bằng nhung điểm thêm hàng khuy bọc nhung xinh xắn trên ống tay này.”
“Tôi thấy rồi.”
“Hàng kỹ đến thế cơ mà, đắt xắt ra miếng, tiền nào của đấy cả cô ạ. Tôi thích chất nhung này lắm. À chỉ có màu lục mới có cổ và gấu tay nhung đấy nhé - màu mận không có đâu, mà giá cũng y hệt.”
Thực ra Johanna cũng thấy chính những mảng nhung ở gấu tay và cổ áo đã tôn cho chiếc áo một vẻ sang trọng mà tinh tế khiến cô muốn mua. Nhưng cô không nói ra ý nghĩ đó.
“Tôi đi mặc thử nhé?”
Cô đã chuẩn bị cho việc này từ trước khi đến đây. Đồ lót mới và phấn rôm thoa dưới hai cánh tay.
Bà chủ cửa hàng giữ ý, để cô một mình trong buồng mặc thử quần áo ngập ánh sáng. Johanna cố tránh không nhìn vào tấm kính cám dỗ cho đến khi vuốt thẳng thớm chiếc váy và cài đủ khuy áo.
Đầu tiên cô chỉ nhìn vào bộ vét. Trông cũng ổn. Khá vừa vặn - dù chân váy có ngắn hơn mức cô quen mặc, nhưng gu quần áo cô thường mặc không ra kiểu thời trang gì. Chẳng có gì phải băn khoăn với bộ vét cả. Vấn đề là ở những chỗ không được bộ vét che. Cổ và mặt, tóc và đôi bàn tay thô, bắp chân cục mịch.
“Cô mặc xong chưa? Để tôi ngó chút nhé?”
Cứ ngó nghiêng thoải mái đi, Johanna nghĩ thầm, rồi bà sẽ thấy ngay đôi tai lừa[1] của tôi.
Bà chủ cửa hàng ngắm nghía hết bên này đến bên kia.
“Đúng rồi, cô phải đi thêm tất dài và giày cao gót. Cô mặc thấy thế nào? Thoải mái không?”
“Bộ vét mặc thì ổn,” Johanna đáp. “Chả có vấn đề gì với bộ vét hết.”
Qua gương, cô thấy bà chủ đổi hẳn nét mặt. Bà tắt ngay nụ cười, lộ ra vẻ mặt thất vọng và mệt mỏi, nhưng tử tế hơn.
“Chuyện đôi khi vẫn xảy ra ấy mà. Trông thì đẹp nhưng mặc vào mới biết. Thực tế là,” bà ta nói, giọng điệu có vẻ thuyết phục trở lại nhưng ôn hòa hơn, “thực tế là dáng người cô cân đối, nhưng mạnh mẽ. Khung xương cô nở nang, nhưng thế thì đã làm sao? Cái kiểu khuy bọc nhung lắt nhắt này không hợp với tạng cô. Đừng băn khoăn mẫu này nữa. Cứ cởi ra đi?”
Rồi khi Johanna vừa trút xong bộ vét chỉ còn đồ lót thì có tiếng gõ cửa rồi một bàn tay thò vào qua tấm rèm che.
“Cứ choàng thử cái này vào xem ra làm sao.”
Một cái váy len dài màu nâu, có gót, chân váy xòe xếp nếp mềm mại, ống tay lửng và cổ khoét tròn đơn giản. Đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn, trừ dải thắt lưng nhỏ màu vàng. Không đắt như bộ vét, nhưng giá vẫn có vẻ cao quá, nếu xét tất cả các yếu tố từ chất liệu đến kiểu dáng. Ít ra chân váy cũng dài vừa đủ, và chất vải ôm khéo quanh đôi chân cô.
Nín thở để lấy quyết tâm xong cô mới nhìn vào gương. Lần này trông cô không như bị nhồi vào bộ đồ trên người để làm một con rối.
Bà chủ cửa hàng đến đứng đằng sau cô, bật lên cười, nhưng với vẻ nhẹ cả người.
“Cùng màu với mắt cô đấy. Cô không cần mặc đồ nhung. Cô có đôi mắt nhung rồi.”
Đó là lời khen sến đến mức lúc bình thường thể nào Johanna cũng phải trả đũa lại bằng những lời mỉa mai, nhưng đúng vào thời điểm đó lại có vẻ chân thực. Mắt cô không lớn, và nếu buộc phải tả màu mắt, cô chắc sẽ nói, “tôi nghĩ là màu nâu nâu.” Nhưng lúc này đây, cặp mắt cô trông thật sâu với sắc nâu trầm, mềm mại và lấp lánh.
Không phải cô chợt có ý nghĩ rằng mình xinh đẹp hay thế nào đó. Chỉ là đôi mắt cô, nếu là một mảnh vải thì hẳn sẽ có sắc màu thật đẹp.
“Rồi, tôi cá là cô không hay đi giày da,” bà ta nói. “Nhưng nếu cô mang tất dài và giày đế cao chút xíu thôi… Và tôi cá là cô không đeo trang sức, cũng có lý thôi, cô không cần thêm nữ trang gì ngoài cái dây lưng đó.”
Để bà ta khỏi phải nói thêm những lời chào hàng, Johanna nói, “Thôi, để tôi cởi ra cho bà gói giúp.” Cô thấy tiếc nuối phải rời xa cảm giác mềm mại từ chiếc váy và dải ruy băng kín đáo màu vàng quanh eo. Chưa bao giờ trong đời cô có cảm giác vô lý như thế, rằng giá trị bản thân có thể được nâng lên bởi những thứ mình mang trên người.
“Tôi mong là nó sẽ được dùng vào một dịp quan trọng,” bà chủ nói vọng vào khi Johanna đang khoác vội lại quần áo, giờ trông thật thảm hại.
“Chắc tôi sẽ mặc trong lễ cưới của mình,” Johanna nói.
Rồi cô thấy ngạc nhiên vì mình đã nói ra kiểu đó. Cũng không phải là sai lầm lớn - bà ta chẳng biết cô là ai, và chắc cũng chẳng nói với những người quen biết cô. Nhưng dù sao cô cũng từng tự nhủ mình sẽ giữ kín chuyện này. Chắc là do cô thấy mình mang nợ con người này - sau khi đã cùng trải qua sự cố bộ vét màu xanh lục và cùng phát hiện ra chiếc váy nâu, dường như giữa họ đã hình thành một thứ tình cảm. Một điều thật vô lý. Công việc của bà ta là bán quần áo, và bà ta vừa thực hiện được một giao dịch thành công.
“Ôi trời!” bà ta thốt lên. “Ôi, thế thì thật tuyệt.”
Vâng, có lẽ vậy, Johanna thầm nghĩ, mà cũng có thể là không. Cái người cô sắp cưới chưa biết là loại người như thế nào. Có thể là một bác nông dân khổ cực muốn có thêm tay thêm chân giúp việc đồng áng, hay một cụ lụ khụ ốm o muốn tìm một người hộ lý. Bà chủ cửa hàng này không thể biết cô sắp chọn người đàn ông loại nào, mà đằng nào thì cũng chả liên quan gì tới bà ta hết.
“Tôi chắc đó là cuộc hôn nhân vì tình yêu,” bà ta nói, cứ như là vừa đọc được những thắc mắc của cô vậy. “Thảo nào tôi thấy ánh mắt cô rực lên trong gương. Tôi đã gói cẩn thận bằng giấy mềm rồi, cô chỉ việc dỡ ra rồi treo bên mắc là nó tự suôn ra thôi. Nếu muốn thì cô có thể lấy bàn ủi là sơ qua, nhưng có lẽ không cần đâu.”
Rồi đến thủ tục trao nhận tiền. Cả hai bên đều vờ không nhìn vào tệp tiền, nhưng họ đều làm vậy.
“Cũng đáng đồng tiền,” bà chủ cửa hàng nói. “Ai cũng chỉ làm đám cưới có một lần. À, nhưng không hẳn luôn phải như vậy.”
“Đối với tôi thì sẽ là như vậy đấy,” Johanna nói. Mặt cô đỏ bừng lên vì, thực ra, hai người chưa từng nói đến đám cưới. Dù là trong bức thư gần đây nhất. Cô vừa tiết lộ cho bà chủ cửa hàng điều mình đang kỳ vọng, và có lẽ cần kiêng không nên làm thế để tránh nói trước bước không qua.
“Cô gặp người ấy ở đâu?” bà ta hỏi, vẫn với giọng điệu vui vẻ đầy quan tâm. “Lần hẹn hò đầu tiên ra sao?”
“Qua họ hàng giới thiệu,” Johanna nói thành thực. Cô không định nói gì thêm nhưng cứ tự thốt ra. “Hội chợ miền Tây. Ở London.”[2]
“Hội chợ miền Tây à?” bà ta nhắc lại. “Ở London?” Cô tưởng như bà ta có thể nói tiếp “Trong buổi dạ vũ ở cung vua à?”
“Con gái anh ấy và bạn nó đi cùng chúng tôi,” Johanna nói, nghĩ bụng đúng ra thì anh và bé Sabitha cùng bé Edith đón cô, Johanna, đi cùng với họ.
“Rồi, giờ tôi có thể nói hôm nay mình cũng làm được việc có ích. Tôi vừa chuẩn bị váy cưới cho một cô dâu hạnh phúc. Thế là đã đủ lý do cho sự tồn tại của tôi trên cõi đời này rồi.” Bà chủ cửa hàng buộc một sợi ruy băng mảnh dẻ màu hồng bên ngoài hộp đựng chiếc váy, thắt thành một chiếc nơ lớn quá mức cần thiết, kết thúc bằng một nhát kéo rất gọn và khéo.
“Suốt cả ngày tôi cứ quanh quẩn với cửa hàng này,” bà ta nói. “Và đôi khi tôi thắc mắc không hiểu mình có biết mình đang làm cái gì đây không. Tôi tự vấn, ‘Mi nghĩ mi đang làm gì ở đây thế hả?’ Tôi bày hàng mới ra quầy kính, và tôi làm việc này việc kia để thu hút khách vào mua hàng, nhưng có những ngày - có nhiều ngày - tôi chẳng thấy ma nào bước qua cửa kia. Tôi biết - người ta nghĩ quần áo ở đây quá đắt - nhưng toàn hàng tốt đấy chứ. Quần áo ở đây toàn hàng tốt. Muốn có chất lượng ra tấm ra món thì phải trả giá cao thôi.”
“Muốn mặc kiểu đồ như thế kia thì phải vào đây,” Johanna vừa nói vừa nhìn vào những chiếc váy dạ hội. “Không thì còn tìm ở đâu ra được chứ?”
“Chết ở chỗ ấy đấy. Họ chẳng vào đây. Họ lên thành phố - họ đi tìm ở đấy đấy. Họ lái xe hàng chục, hàng trăm cây số, không tính đến tiền xăng, và tự nhủ rằng đi xa thế thì họ tìm được món hời hơn đồ của tôi ở đây. Nhưng rốt cuộc có tìm được đâu. Chất lượng chẳng tốt hơn, mẫu mã chẳng đẹp hơn. Chẳng có gì. Chỉ để khỏi phải thấy xấu hổ khi nói là mua trang phục cưới ở ngay cái tỉnh lẻ này. Đôi khi họ vào thử đồ này đồ khác rồi nói sẽ suy nghĩ. Tôi sẽ quay lại sau, họ nói thế đấy. Tôi nghĩ bụng, dạ vâng, tôi biết tỏng thế nghĩa là thế nào rồi. Thế nghĩa là họ sẽ cố tìm hàng như thế nhưng rẻ hơn ở mấy thành phố London hay Kitchener, và đến đó rồi thì dù không rẻ hơn họ vẫn phải mua, vì đã chạy xe ngần ấy đường rồi, và đi xem đến phát mệt rồi.”
“Tôi cũng không biết nữa,” bà ta nói tiếp. “Nếu tôi là người gốc ở đây thì có khi chuyện lại khác. Tôi thấy ở đây thủ cựu lắm. Cô không phải người ở đây phải không?”
“Không,” Johanna đáp.
“Cô không thấy ở đây thủ cựu à?”
“Thủ… cựu?”
“Ý tôi là khó dung nạp người ngoài ấy.”
“Tôi quen sống một mình một kiểu rồi,” Johanna nói.
“Nhưng cô đã tìm được một người rồi. Cô sẽ không sống một mình một kiểu nữa, như thế đáng yêu quá đi chứ? Đôi lúc tôi nghĩ cưới chồng rồi ở nhà chăm sóc gia đình hẳn là rất tuyệt. Tất nhiên, tôi đã từng có chồng, nhưng vẫn đi làm. Thế đấy. Rồi biết đâu một ngày sẽ có một người đàn ông từ cung trăng bước vào đây, rồi mẹ tôi, thói đời tôi sẽ ổn!”
Johanna đang vội - nhu cầu trò chuyện của bà chủ cửa hàng đã giữ chân cô. Cô phải vội về nhà, cất gói đồ mới mua trước khi Sabitha đi học về.
Rồi cô nhớ ra Sabitha không ở đây, cuối tuần rồi con bé đã được người em họ của mẹ, dì Roxanne, đón đi để trải nghiệm cuộc sống như một nữ sinh giàu có ở Toronto, đi học trường dành cho các nữ sinh giàu có. Nhưng cô vẫn bước gấp đến nỗi mấy chú lỏi ranh đang vật vờ bên hiệu thuốc có cớ giật giọng trêu cô, “Em ơi cháy ở đâu đấy?” khiến cô phải đi chậm lại để tránh gây chú ý.
Cái hộp đựng váy thật phô - cô đâu có biết được cửa hàng ấy lại thửa riêng loại hộp các tông màu hồng, với tên hiệu Milady vắt ngang màu tím trông như như chữ viết tay để dựng đồ. Lộ liễu quá. Cô thấy mình thật ngốc vì đã nói đến đám cưới, trong khi anh chưa hề đả động tới việc ấy, và đáng ra cô phải nhớ điều đó. Hai người đã nói, đúng hơn là viết cho nhau, quá nhiều điều khác, bày tỏ tình cảm và nói nhớ nhung, khiến việc cưới xin cụ thể dường như đã bị bỏ qua. Kiểu như người ta nói buổi sáng sẽ dậy như thế nào mà không nhắc đến ăn sáng, dù chắc chắn là có ý định ăn sáng.
Nhưng lẽ ra cô vẫn nên giữ kín việc này.
Cô trông thấy ông McCauley đi bộ ngược hướng với mình ở phía lề đường bên kia. Nhưng không có gì đáng lo - cho dù có giáp mặt cô thì ông cũng chẳng ác ý đến cái hộp cô đang cầm. Chắc ông sẽ lấy ngón tay nâng mũ rồi đi tiếp, có thể nhận ra cô là người giúp việc nhà mình, cũng có thể không. Ông có quá nhiều thứ khác trong đầu, và ai hiểu ông cũng biết, có lẽ cái thị trấn hiện lên trong mắt ông khác với thị trấn mà họ đang thấy. Tất cả các ngày trong tuần - và đôi khi, những lúc ông đãng trí, vào cả những ngày nghỉ và Chủ nhật - ông đóng nguyên bộ com lê đủ cả gi lê, một trong số vài bộ ông có, với áo choàng nhẹ hoặc áo khoác dày, mũ phớt xám, giày da bóng lộn, tản bộ từ đường Triển Lãm lên văn phòng được ông mở từ thời dưới nhà còn là cửa hàng bán va li, túi xách. Mọi người gọi đó là Văn phòng bảo hiểm, dù đã lâu rồi ông không còn bán bảo hiểm nữa. Đôi khi cũng có người leo lên cầu thang gặp ông, hình như để hỏi về hợp đồng bảo hiểm của họ nhưng đa phần và về ranh giới các lô dấu, về lịch sử của các mảnh bất động sản trong thị trấn hay trang trại ngoài đồng quê. Văn phòng ông đầy các bản đồ cũ có mới có, và không gì làm ông thích thú hơn việc mở bản đồ ra tra cứu và khơi mào một cuộc thảo luận sẽ lan man ra ngoài câu hỏi ban đầu rất xa. Ba hay bốn lần trong ngày, ông rời văn phòng và đi dạo phố, như lúc này. Trong thời chiến, ông đã cất chiếc xe hơi hiệu McLaughlin-Buick lên bục trong nhà kho, và đi đâu cũng đi bộ như muốn làm gương cho người khác. Mười lăm năm sau, dường như ông vẫn xứng đáng là tấm gương ấy. Tay chắp sau lưng, trông ông như một người địa chủ tốt bụng đi khám điền thổ, hay một nhà thuyết giáo đang trìu mến nhìn bầy con chiên của mình. Tất nhiên, đến một nửa số người ông gặp chẳng hề biết ông là ai.
Thị trấn đã thay đổi nhiều, kể cả so với thời điểm Johanna tới đây. Hoạt động kinh doanh đang chuyển ra ngoài gần đường cao tốc, ở đó đã mọc lên một cửa hàng giảm giá, một cửa hàng lốp ô tô và một nhà khách với quầy rượu có vũ nữ ngực trần. Vài cửa hàng ở trung tâm thị trấn từng cố tô điểm lại với màu sơn hồng hay tím hoa cà hay xanh ô liu, nhưng nước sơn đã bắt đầu tróc, lộ ra nền gạch cũ và một số cửa hàng thì bên trong đã trống trơn. Chẳng mấy mà cửa hàng quần áo của bà Milady cũng sa sút vậy.
Nếu Johanna mà là bà chủ cửa hàng thì cô sẽ làm gì? Đầu tiên là cô sẽ không nhập vào nhiều váy dạ hội diêm dúa đến thế. Thế thì thay bằng gì? Nếu chuyển sang hàng quần áo rẻ tiền hơn thì chỉ tự đưa mình vào thế cạnh tranh trực tiếp với tiệm Callaghans và cửa hàng giảm giá, và chắc sẽ không giành được đủ thị phần trong phân khúc này. Hay là đi vào thị trường quần áo trẻ sơ sinh, quần áo trẻ em cao cấp để thu hút các bà nội bà ngoại, bà dì bà bác có tiền và sẽ không ngại chi tiêu vào những thứ đó? Đành là phải quên các bà mẹ trẻ đi, vì với túi tiền eo hẹp hơn và đầu óc thực dụng hơn, họ chắc sẽ đến cửa hàng Callaghans.
Nhưng nếu là chủ cửa hàng, cô - Johanna - sẽ không bao giờ thu hút được một người khách này bước vào tiệm. Cô có thể xét đoán xem cần làm những việc gì, và làm như thế nào, và cô cũng có thể tổ chức và quán xuyến người khác làm những việc ấy, nhưng cô không bao giờ quyến rũ hay chèo kéo được. Phong cách của cô là, mua thì mua không mua thì đi. Đương nhiên là khách sẽ đi.
Người mến được cô thì hiếm lắm, và từ lâu cô đã biết điều đó. Đến bé Sabitha cũng không hề nhỏ một giọt nước mắt khi chia tay cô - dù đối với Sabitha, cô Johanna gần như là người thay thế mẹ, kể từ khi mẹ bé mất. Ông McCauley chắc sẽ buồn phiền khi cô đi, vì cô làm việc tốt và thật khó kiếm được người thay thế cô, nhưng chỉ thế mà thôi. Cả ông lẫn cô cháu ngoại đều chỉ biết nghĩ đến bản thân vì quen được nuông chiều. Còn những người hàng xóm, đương nhiên là họ sẽ vui mừng. Johanna đã có hiềm khích với cả hai bên láng giềng. Một bên thì có con chó cứ sang đào bới vườn của cô để giấu và tìm những khúc xương được chủ cho - mà đáng lẽ nó phải đào ở nhà nó chứ. Và bên kia thì vì cây anh đào đen, gốc thì ở trên đất nhà McCauley nhưng quả thì lại chỉ sai ở các cành vươn sang phía sân nhà bên cạnh. Trong cả hai vụ thì cô đều lên tiếng trước, và giành phần thắng. Con chó bị xích lại còn người hàng xóm bên kia thì không dám đụng đến những quả anh đào nữa. Nếu bắc thang thì cô có thể với sang phía bên sân nhà họ hái quả, nhưng họ lại không buồn đuổi lũ chim đến ăn trên các cành ấy nữa, khiến lượng quả thu hoạch giảm đáng kể.
Nếu để mặc ông McCauley thì ông đã kệ cho họ hái. Mà ông cũng kệ cho con chó đào. Ông cứ để kệ cho người ta lợi dụng mình. Một phần nguyên nhân là ông muốn thể hiện rằng mình không buồn để ý đến họ, là những người mới đến, sống trong những căn nhà mới xây. Đã có thời trên cả đường Triển Lãm chỉ có ba bốn căn nhà lớn thôi. Bên kia đường là bãi hội chợ, nơi tổ chức hội chợ mùa thu (tên gọi chính thức là Triển lãm Nông nghiệp, nên nhờ đó mới có tên thế). Và giữa các căn nhà đó là vườn quả, bãi cỏ. Trong một thập niên trước, hay quãng đó, đất này được phân thành lô đều nhau để bán và các ngôi nhà mới mọc lên - những ngôi nhà nhỏ với hai kiểu kiến trúc đan xen, một kiểu có vài tầng còn kiểu kia chỉ có một tầng. Nhiều ngôi nhà xây từ dạo đó giờ đây trông đã khá xập xệ.
Ông McCauley chỉ quen biết và thân thiện với chủ nhân của vài ngôi nhà cùng phố - ông thầy giáo, cô Hood và bà mẹ, nhà Shultz có cửa hàng sửa giày. Con gái nhà Shultz, bé Edith, đang hoặc đã từng là bạn thân của Sabitha. Điều đó cũng tự nhiên thôi, vì hai đứa ở gần nhà mà lại học cùng lớp cùng trường - ít nhất là vào năm học trước, khi Sabitha bị đúp. Ông McCauley không hề buồn phiền - hình như ông đã manh nha cảm thấy rồi Sabitha sẽ rời khỏi đây sớm để có một cuộc sống khác ở Toronto. Johanna chắc sẽ không chọn Edith để làm bạn với Sabitha, dù cô bé không bao giờ mất lịch sự hay gây phiền hà khi tới nhà chơi. Và cô bé không hề ngốc nghếch. Có lẽ đó chính là vấn đề - cô bé thông minh còn Sabitha thì không. Cô bé đã làm cho Sabitha trở nên tinh quái hơn.
Nhưng giờ thì mọi chuyện đã kết thúc. Giờ đây người em họ của mẹ con bé, dì Roxanne - vợ ông Huber - đã tới đón Sabitha, và cô bạn nhà Shultz đã trở thành một ký ức tuổi thơ của nó.
Em sắp chuyển hết đồ nội thất của anh bằng tàu hỏa tới cho anh ngay khi bên họ sẽ xếp được chuyến sớm nhất. Em sẽ trả trước tiền cước vận chuyển ngay khi họ báo giá. Em vẫn nghĩ bây giờ anh đang cần những đồ đạc đó. Em chắc anh sẽ không ngạc nhiên lắm vì em đoán anh sẽ không phiền lòng về việc em cũng tới trên cùng chuyến tàu để giúp được anh như em mong muốn.
Đó là nội dung lá thư cô đã mang gửi ở bưu điện, trước khi đến đặt chuyến ở nhà ga xe lửa. Đây là lá thư đầu tiên cô gửi trực tiếp cho người ấy. Các lá thư trước đó luôn được kẹp cùng những lá thư cô bảo bé Sabitha viết. Và thư từ anh gửi cho cô cũng bằng cách đó, được gấp cẩn thận và có tên cô, Johanna, đánh máy ở mặt sau để khỏi bị nhầm. Cách đó vừa khiến những nhân viên bưu điện không thể phát hiện ra mối liên hệ, vừa tiết kiệm thêm được một con tem. Tất nhiên, Sabitha cũng có thể báo cho ông nó, hay thậm chí đọc được nội dung những tờ thư viết cho Johanna, nhưng Sabitha không còn hứng thú chuyện trò với ông già cũng như chẳng có hứng viết hay nhận thư.
Đồ nội thất được cất vào nhà kho, một cái kho kiểu thành phố chứ không phải kho trang trại nơi trữ thóc và làm chỗ ngủ cho gia súc. Khi Johanna để mắt đến những đồ đạc đó quãng một năm về trước, cô thấy chúng đã phủ một lớp bụi mờ và rải rác phân chim bồ câu. Những món đồ bị xếp đống tùy tiện và không được che phủ gì cả. Cô đã phải mang hết những thứ có thể tự bê được ra ngoài sân, để trong kho đủ khoảng không tiếp cận những đồ to nặng cô không bê được - cái ghế xô pha, tủ búp phê, tủ ly, bàn ăn. Cái giường thì cô dỡ ra được. Những phần gỗ cô lấy phất trần mềm phủi trước, rồi dùng tinh dầu chanh. Khi cô làm xong, nước gỗ bóng lên như kẹo. Kẹo mật phong - quả đúng là gỗ phong vân mắt chim. Giờ đây cô thấy đống đồ nội thất nhìn thật hấp dẫn, ngang với ga giường lụa hay mái tóc vàng. Hấp dẫn và hiện đại, tương phản hoàn toàn với những đồ gỗ sẫm màu và chạm trổ rối rắm cô thường phải lau chùi trên nhà chính. Lúc đó cô nghĩ chúng là đồ đạc của anh ấy và vẫn tin như vậy khi cô lấy chúng ra vào ngày thứ Tư. Cô đã phủ thảm cũ lên lớp dưới cùng để khỏi bị lớp trên đè vào, và trải mấy mảnh ga giường lên trên bề mặt lớp cao nhất để tránh lũ chim nên khi lấy ra chỉ có một lớp bụi thưa. Nhưng cô lại quét tước và đánh dầu chanh toàn bộ trước khi xếp lại nguyên như thế, chờ xe tải đến chở đi vào ngày thứ Sáu.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới