Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Em Ơi! Tổ Quốc Là Gì?
ềnh! Kềnh! Kềnh!
Những nốt nhạc khổng lồ sống động phát ra từ cái kẻng sắt như chim vỗ cánh bay khoan thai lên ngự vòm trời cao. Thiêm bước vào lớp, dừng lai trước hai dẫy bàn mộc xếp hàng ngay ngắn. Bộ quần áo ta vừa khít, tôn thân hình cân đối. Mái tóc đen cứng, đường ngôi trắng nhờ tinh khôi như khuôn mặt từng nét mắt nét miệng rành rọt như vẽ, buổi sớm mai một ngày trời đẹp. Bên trái Thiêm là các em học trò lớp ba. Bên phải anh là các trò lớp hai. Toàn là ngọc ngà châu báu nhờ tay thợ trau chuốt mà có cả đấy. Còn nhớ hôm nào, thầy hỏi, trò chỉ biết lắc đầu, ngu ngơ kêu: Chi pau ề. Không biết! Không biết! Không biết chữ! Không hiểu tại sao lại phải đi học! Không hiểu thế nào là ông thầy và học trò nghĩa là làm sao? Nay trưởng lớp Giàng A Tú, hồng hào, mắt sáng như mắt chim, thầy vừa vào lớp đã hô các bạn đứng dậy chào, rồi rành rọt: “Thưa thầy, hôm nay học sinh chúng em đi học đủ. Lớp ba có mười một. Lớp hai có mười hai. Tổng số cả hai lớp là hai mươi ba.” Ôi, biết mấy là công phu. Dòng tộc từ thời hình thành tới nay quẩn quanh ở miền biên viễn liên miên chinh chiến và sấp mặt xuống đất để kiếm miếng ăn. Bước lên một bậc cao hơn đời sống đã thành bất di bất dịch từ trong quan niệm là cả một cuộc đổi đời. Khởi đầu việc nhỏ cũng còn khó. Thiêm đêm ngày canh cánh nỗi lo âu. Vừa phải nhẫn nại chăm chút như dắt trẻ tập đi, lại vừa như người cha lo toan sau trước gánh vác việc đại sự. Đại sự bao hàm cả việc lập nghiệp, lập thân.
Giờ, không kể lớp xoá mù, bổ túc cho người lớn, riêng trẻ nhỏ đã có đến ba lớp đặt ở thôn trung tâm Bãi Đá. Hội đồng nhà trường là cách gọi tên sự vật cho sang trọng, chứ thực ra chỉ có một mình Thiêm. Một mình Thiêm vừa là chỉ huy vừa là lính chiến, vừa đánh kẻng truyền báo, vừa như người chỉ huy dàn nhạc nhiều bè, một buổi dậy cùng lúc mấy lớp. Sáng, lớp hai, lớp ba, chiều, lớp một cùng lớp vỡ lòng. Vất vả, nhưng không thế không được. Cố qua được cái đận này, sang năm mở lớp bốn, sẽ mời huyện và ông Trần Đổng về thăm, để họ mục sở thị, hết nghi ngờ: Cuộc sống lắm khó khăn thật đấy, nhưng tuấn kiệt chẳng bao giờ vắng bóng, dù chỉ là một mình. Lúc đó sẽ xin thêm giáo viên, sẽ mở thêm lớp ở Bản Ngò, ở các xóm nhỏ.
Gõ cạch cái thước trên mặt bàn, Thiêm đưa mắt qua hai dẫy bàn học trò:
- Tiết này các em lớp hai làm toán tập. Các em nghe thầy đọc đề bài một lần, tiếp đó thầy sẽ chép đề bài lên bảng, theo đó các em làm bài vào vở để thầy chấm. Còn các em lớp ba, chuẩn bị bài Tập đọc môn Tiếng Việt.
Trên tấm bảng vốn là hai mảnh ở cỗ hậu sự của hố pẩu mượn về đánh đai mây, xát lá khoai lang thâm sì, lờ mờ hiện dần dòng phấn trắng Thiêm viết: “Tổ đổi công thôn Bãi Đá gieo 90 cân giống ngô vụ đông. Thôn Bản Ngò gieo 120 cân cũng giống ấy. Bốn xóm nhỏ khác gieo bằng nửa số thôn Bãi Đá gieo. Hỏi….”
Lau sạch bàn tay dính phấn xong, Thiêm quay lại dẫy bàn mười một trò lớp ba:
- Các em nhớ lời thầy dặn chứ? Chưa có sách giáo khoa thì chúng ta sẽ tìm cách khắc phục, chứ nhất định không chịu bó tay. Có đúng không?
- Thưa thầy, đúng ạ.
- Bây giờ các em đặt hết thư từ, bài báo thu thập được lên mặt bàn. Thầy sẽ xem qua một lượt rồi mời từng em đọc.
Mười một cái miệng cùng ngẩng lên ho hó ngóng đợi. Mười một cánh tay cùng đồng loạt dựng thẳng như măng mọc.
Đi qua một lượt ba hàng bàn, Thiêm trở lại bục giảng, vui vẻ.
- Giờ thầy mời em Giàng A Tú lớp trưởng đọc trước. Các em khác chăm chú lắng nghe.
Tú mười ba tuổi, nhỏ nhắn, tóc bò liếm, đứng dậy, tay cầm tờ giấy gấp đã mở sẵn:
– Thưa thầy, em xin đọc lá thư của anh trai em là bộ đội biên phòng gửi cho chị dâu em ạ. “Gửi em kính mến. Anh đã nhận được thư em hồi bẩy giờ ba mươi phút ngày hai mươi mốt tháng tư vừa rồi. Anh không ngờ, em ở nhà, học bổ túc mà viết thạo và chữ lại đẹp thế! Nhưng khen chữ em viết mà lòng anh buồn rầu. Anh vừa đi đổi gác ở trên cầu biên giới về. Tại sao có con rồi mà em còn nghĩ đến ăn lá ngón chết? Hay là em định thử lòng anh? Mình không là đất. Mình không là hạt thóc. Nếu em chết, con không có ai làm mẹ. Bố mẹ không có ai làm con…”
Quay mặt ra cửa lớp, Thiêm bật cười thầm. Phải lấy cả thư gia đình các em để làm bài tập đọc thay sách giáo khoa. Chuyện này kể lại, ai tin? Nhìn Tú, Thiêm niềm nở:
- Em Tú đọc rõ ràng, diễn cảm tốt. Thầy cho em Tú điểm năm, điểm cao nhất. Các em thấy đấy, anh trai em Tú đi bộ đội, nhờ giỏi chữ mà viết thư diễn tả được ý nghĩ, tình cảm chân thực của mình. Giờ, thầy mời em Giàng A Pùa đọc tiếp nhé.
Pùa phục phịch đứng dậy, hai môi uốn tròn:
- Thưa thầy, em tìm thấy một lá thư ở trong túi áo bố em.
- Em đọc đi.
- Việt Nam dân chủ cộng hoà. Báo cáo. Kính gửi ông trưởng họ Giàng Dìn Chiên. Hôm nay có một cán bộ xưng là Quốc Thanh, từ Xin Ma Chải vào Bản Ngò tôi. Ông này tự giới thiệu là phái viên đặc biệt của huyện. Thấy tôi có một con chó muốn mổ được rồi, Quốc Thanh hỏi, tôi nói giá mười bẩy đồng đấy. Hay được bao nhiêu thì trả bao nhiêu. Quốc Thanh gật đầu, rồi cầm dây dắt chó. Tôi chạy theo nói, nếu chê đắt thì thôi. Quốc Thanh không nói gì, nhưng từ hôm ấy đi đâu mất cả người lẫn chó. Hay là đã lấy tia hồng, thịt chó thành bã rồi mà chưa thấy trả tiền tôi?
Xem lại lá thư Pùa vừa đọc, Thiêm chau mày vừa nghĩ ngợi vừa buồn cười. Cho em Pùa bốn điểm cộng, anh gọi tiếp em Giàng Thị Xay. Xay là một thiếu nữ mười sáu tuổi, em gái Seo Mùa, xinh xắn như chị, giọng trong vắt:
- Thưa thầy, em có một lá thư anh rể em gửi chị cả em.
- Em mạnh dạn đọc đi.
- “Em ơi. Anh rất nhớ em và con. Ngủ không được. Một câu cũng không muốn theo ai nói. Tuy vậy anh đi bộ đội dẫu sao cũng không buồn bằng em ở nhà. Nhưng, em ở nhà có con nên còn thoả lòng. Em ơi, vì Tổ Quốc, nên anh muốn theo em ở nhà cũng không được.”Thưa thầy…
- Em Xay định nói gì?
- Thưa thầy em muốn hỏi: Tổ Quốc nghĩa là gì ạ?
- Rồi thầy sẽ giảng em nghe. Em đọc tiếp đi.
- “Em ơi, vì Tổ Quốc nên mọi người mới phải xa nhau. Ở nhà, em đừng đi chơi bời để họ hàng chê cười. Lấy người nào cần hết đời theo người đó, em à.”
- Em Xay đọc lưu loát, gẫy gọn. Thầy cho em điểm cao nhất là năm. Giờ là phần thầy giảng. Trước hết, thầy giải đáp thắc mắc của em Xay: Tổ Quốc nghĩa là gì? Để giảng từ này, thầy thử đọc một bài thơ xem các em có hiểu không nhé.
Thiêm hắng giọng, lẩm nhẩm trước một lần, rồi cất tiếng, giọng bay bay:
Thầy ơi, Tổ Quốc là gì
Thầy nghe em hỏi mà suy nghĩ nhiều
Em ơi trăm mến ngàn yêu
Là sông là núi là nhiều đất đai
Rất đông già trẻ gái trai
Góp công góp sức, góp tài mới nên.
- Chà, bài thơ định nghĩa Tổ Quốc của thầy Thiêm hay tuyệt đó. Trộm phép thầy tôi nghe được cả lời bình giảng uyên bác, hậu tình của thầy. Thật không ngờ nơi cùng trời cuối đất này lại có được một danh sĩ ẩn dật, một anh tài thơ văn khẩu khí trượng phu vậy.
Bãi Đá sáng choang ánh mặt trời mùa xuân vừa dựng một cái lán lợp ván thông, nơi ăn ở của tốp thợ mộc người Kinh mới ở dưới xuôi lên. Từ trong lán đi ra ông thợ cả, trạc ngũ tuần, vóc thấp to ngang, mắt hổ, mũi diều, da nâu, râu quai nón rậm rì, so với ảnh treo trong lớp, học trò bảo hệt ông Kác Mác; vừa thấy Thiêm từ lớp học đi ra, ông tiến lại, nhìn Thiêm nắc nỏm.
Thiêm ngượng ngập:
- Bài thơ của ông nội tôi, tôi thuộc lòng từ khi còn nhỏ. Tôi sửa lại vài chỗ cho hợp cảnh. Bác và các anh bắt đầu khởi công rồi à? Có cần tôi giúp một tay không?
Ông Kác Mác nheo nheo hai con mắt:
- Dạ, không dám phiền thầy.
- Bác đừng ngại. Việc thổ mộc là việc tôi quen từ thuở thiếu niên.
- Thợ mộc nhìn gỗ biết dùng để đóng đồ gì. Thầy không nói tôi cũng tự khắc hiểu. Nhìn qua phong độ cũng đoán chắc thầy là người có thiên tính hoà hợp với càn khôn.
Đầu lán, Seo Mùa vừa dắt con trâu sừng quặp kéo khúc gỗ dẻ mới hạ trên núi cao về; để hai người thợ xẻ trai trẻ cầm xà beng kích đẩy khúc gỗ lớn, cô tháo vai trâu, đứng tần ngần nhìn Thiêm, hai con mắt thoáng sắc xanh da trời.
Ông Kác Mác cười trong hàm râu rậm:
- Thầy giáo đã có cô giáo chưa?
- Tôi tính, tiền bán trúc góp lại đã đủ. Nhờ bác và hai anh xẻ gỗ đóng cho chục bộ bàn ghế học trò, mở thêm hai lớp nữa. Lúc ấy tôi sẽ xin huyện cho thêm một hai cô giáo về dậy cùng.
Ông Kác Mác tủm tỉm, biết Thiêm lơ đãng, hiểu nhầm ý câu hỏi. Đầu lán đằng kia, hai người thợ trẻ hò nhau dùng đòn kích, kê chèn dựng cây gỗ dẻ. Ngoắt một đường tròn, Seo Mùa đã dẫn con sừng quặp đi về phía Thiêm.
Ông Kác Mác chíp chíp môi:
- Chứ thầy Thiêm quê ở đâu ta?
- Kìa!
Không kịp trả lời câu hỏi của ông thợ cả, Thiêm bật kêu, đâm bổ về nơi hai người thợ trẻ đang dựng cây gỗ dẻ. Không kịp rồi! Chính Thiêm cũng phải nhún chân phốc ngay lên một tảng đá, như hai người thợ trẻ. Khúc gỗ lớn, dài, dùng hết lực mới chỉ nâng lên được chênh chếch mười lăm độ, đã buột khỏi sự điều khiển của họ, động đầu xuống đá, nẩy tầng tầng, lăn lông lốc rồi chổng phộc gốc lên trời. “Thầy Thiêm!” Thiêm nghe thoáng tiếng Seo Mùa. Anh bước tới cạnh cây gỗ. Hai người thợ trẻ lò dò đi lại, chặc chặc lưỡi, xuýt xoa, chưa hết cơn kinh sợ. Ông thợ cả khin khít hai lỗ mũi: “Các chú hữu dũng vô mưu là không có được!”
- Để tôi thử nhé!
Thiêm nói, xắn hai ống tay áo. Cây gỗ dài hai mét, đỏ rau rảu thớ vặn, quý lắm. Để nó nằm ngang xẻ nín cũng được, nhưng phí gỗ. Khó ở chỗ vanh nó khéo phải đến một vòng người ôm, to quá, lại thêm nặng quá, làm sao dựng được?
Áp hẳn ngực vào sát cây gỗ, hai tay vòng ôm thân gỗ, quả nhiên thấy vừa trọn một vòng tay, Thiêm hiểu ngay đây sẽ là một cuộc đấu lực và đấu trí quyết liệt. Việc đầu tiên là anh dệch dạc đôi bàn chân xoè hết mười ngón rộng để tìm thế đứng. Mặt anh dồn máu cùng lúc mười ngón chân như mọc thêm móng bấm vào đá đỏ bầm. Nín thở, mắt lim dim, Thiêm có cảm giác vệt quai hàm của anh tì vào thân gỗ đã hoá đá và bỗng nhiên anh thấy mệt lử lả. Mệt lắm, quái lạ, đã vào cuộc đâu mà anh thấy dường như sức đã cạn kiệt, như cái lúc địu cái vành xe ô tô về tới Bãi Đá hôm nào. “Hỏng rồi, ta đến bỏ cuộc mất!” Anh nghĩ trong loáng thoáng tiếng Seo Mùa gọi tên anh. May thay, cảm giác mệt lả chỉ là do anh quá hồi hộp và âu lo thôi. Sức anh thật ra vẫn còn nguyên vẹn đây. Nó ở trong lồng ngực của anh, trong đường gân, thớ thịt anh. Ngực anh nổi phồng lên, bụng anh hoắm hóp lại. Nó đang dồn sức cho anh và giúp anh chọn thời điểm. Quả nhiên, một giây im lặng qua, bụng anh bỗng nở phồng và cổ anh phình căng bất thình lình, anh thét một tiếng lớn, bật người dậy:
- Đệm!
Khúc gỗ lớn như có phép thần điều khiển, trong vòng tay Thiêm đã nhâng khỏi mặt đất và nhẹ nhàng tì đầu lên hai đầu gối Thiêm thoắt cái đã gập thước thợ thành cái bệ đỡ. Hai anh thợ trẻ biết ngay là gặp được tay cao thủ trong nghề, vội vàng đủn một khúc gỗ nhỏ đệm vào phía dưới thân gỗ đỡ cho Thiêm.
- Tài quá! Tài quá!
Ông thợ cả xoa xoa hai tay ngượng nghịu và thán phục. Hai mắt Thiêm lặng phắc, trưng trừng. Mồ hôi loã trán Thiêm. Mặt Thiêm bệch bạc. Thiêm đã mất đi một năng lượng lớn. Nhưng, tình huống lúc này cũng giống như mọi tình huống của kẻ dám dấn thân, đương đầu: họ chỉ có thể dựa vào chính mình thôi. Thiêm hiểu. Xưa rày Thiêm dù có cạn kiệt thì Thiêm cũng phải đi tới đích, cũng phải trọn vẹn, tròn đầy. Cái vành xe ô tô một khi đã địu về thì nó phải phát đi khúc gọi đàn, bản hoà ca. Thiêm không bỏ cuộc. Thiêm đang lặng tờ, bất động để tính toán thời điểm đó thôi. Và Thiêm đã cảm nhận được khoảng khắc phát lực hợp lý nhất. Bật đầu gối, dựng thẳng người, hai bàn tay dồn sức đẩy theo một đà hất tự nhiên, đầu cây gỗ đang đè nghiến hai đầu gối Thiêm bỗng trở nên nhẹ bẫng, rốt cuộc đã được nâng cao tới mặt Thiêm, sau đó bằng một động tác né đầu thật kịp thời, chính xác của Thiêm, đã ngoan ngoãn ghé đầu vào vai Thiêm, tạo một thế đứng trực siêu vững chắc và thần kỳ.
Hai người thợ trẻ nhanh nhẹn đặt hai cái chạc đỡ và đóng cọc, đặt hòn chèn, ổn định thế dựng của cây gỗ. Ông thợ cả hổn hển:
- Thầy Thiêm, thầy có việc gì không?
Thiêm rũ tóc. Tóc anh ướt đầm. Mồ hôi tràn vào mắt, anh thấy loà nhoà bóng Seo Mùa ôm má kinh hãi. Anh vội lắc lắc đầu cốt để cô yên lòng:
- Không sao! Không sao đâu, đừng lo cho tôi!
Ngồi xuống phiến đá, Thiêm nhận ca nước từ tay Seo Mùa truyền qua ông thợ cả. Nước trong ca chẩy từ từ qua miệng Thiêm, cho tới lúc Thiêm dốc ngược cái ca và thấy Seo Mùa cắn làn môi dưới, hai con mắt biêng biếc trầm ấm nhẹ vợi dắt con trâu sừng quặp đi. Anh vùng đứng dậy thật sảng khoái:
- Tôi lại sức rồi. Ông nội tôi rèn cặp tôi từ nhỏ. Ông nội tôi dậy tôi cầy bừa, trồng cây, xẻ gỗ, đục đá ong…
- Tôi biết, tôi biết.
- Có sức không dùng là không biết tận hưởng, bác ạ.
- Tôi biết! Gừng và quế cũng là từ đất mọc lên, nhưng cay thơm là do bản tính. Văn chương học mới biết, nhưng tài giỏi là nhờ thiên tư.
Thiêm nhìn ông thợ cả, kinh ngạc:
- Đúng là thiên hạ nhân, thiên hạ tài. Hẳn ông Kác Mác đang đóng vai thợ mộc đây cũng như ông Kác Mác thiên tài ở bên nước Châu Âu Đức, vốn xuất thân từ nòi học vấn uyên thông?
Ông thợ cả xoa hai đầu gối tròn lông lốc:
- Thì cũng gọi là nho nhe dăm ba chữ học đòi.
- Sao giờ lại chuyển nghề thợ mộc?
- Nói ra thì dài lại mang tiếng là kẻ tiểu nhân. Tựu trung thì cũng là do bản tính không chịu luỵ, lại rắc rối thêm vì cái án văn chương. Án văn chương! Thôi thì đánh trống qua cửa nhà sấm, với lại chữ nghĩa là cách quỷ biện của con người, thầy cứ cho phép tự xưng như vậy. Chuyện chỉ là thế này. ở trường trung cấp tôi được đóng vai ông giáo có một bầy quan lại, thực chất chỉ là một lũ cầy cáo gian manh. Ngứa mắt quá, đau xót quá, cầm súng đánh đuổi thằng Tây đi, chẳng lẽ lại để lũ đầu trâu mặt ngựa này nó khuynh loát, bóp nặn. Thế là thành thơ phú. In hẳn thành sách, coi như lời tuyên chiến. Ngặt cái sức bọn nọ như con nước cường. Tôi cũng chẳng ngán. Đối địch thì dịch lại đây. Thưa rằng là chính Kác Mác vĩ đại đã dậy: Các cuộc cách mạng phải luôn luôn tự phê phán, phải tạm dừng bước tiến của mình, quay lui trở lại để làm lại từ đầu những việc hầu như đã được làm xong rồi, chế diễu thậm tệ những ý đồ cách mạng ban đầu… cho đến khi chính ngay hoàn cảnh cũng thét lên: Hoa hồng rồi đây, đây là chỗ nhẩy múa!
Thiêm reo lớn:
- Hoa hồng rồi đây, đây là chỗ nhảy múa!
Ông thợ cả gật đầu:
- Chính thế! Kác Mác đã viết như thế trong “Ngày 18 tháng Sương Mù của Louis Bonapác.” Nhưng than ôi, nhân bất học bất tri lý, nói gì đến cái lý cao siêu của thầy Kác Mác. Thế là đành phải mắc tội tầy đình. Kẻ cầm quyền ra oai sấm sét, tri thức có sức đâu chống nổi! Thế là không chu di tam tộc cũng vong gia thất thổ, chịu phần thua thiệt.
- Chà!
- Giờ đã được minh oan. Thời thế xoay vần, lũ sâu mọt đã lần lượt vào nhà đá. Đã tính trở về nghề thầy, nhưng lại ngại, rằng đã thành nho hủ, tụt hậu so với thiên hạ rồi.
Thiêm lắc đầu:
- Sao lại nho hủ! Nghề càng lâu, càng trải đời thì càng tinh xảo chứ. Tôi nhớ, hồi tôi còn nhỏ, ông nội tôi kể chuyện Bao Dinh mổ trâu.
- Chuyện thế nào? Thầy Thiêm kể lại cho chúng tôi giải lao ít phút nghe với.
Hai người thợ trẻ xong việc dựng cây gỗ quay lại phiến đá ngồi xuống cạnh Thiêm, háo hức, gần như đồng thanh. Thiêm nói:
- Bao Dinh làm nghề mổ trâu. Ông nói: ban đầu, lúc mổ trâu, không con nào không phải là trâu. Sau ba năm hành nghề, ông lại nói: chưa thấy con nào là trâu toàn vẹn cả.
- Nghĩa là làm sao?
- Nghĩa rằng là: ba năm sau, thạo nghề rồi, mới thông thuộc đến chân tơ kẽ tóc đối tượng. Có nghĩa rằng: muốn làm được điều gì huyền diệu, phải gắng sức lâu dài.
Nghe thấy tiếng tặc tặc lưỡi khâm phục của hai người thợ trẻ, Thiêm cao hứng tiếp:
- Ông nội tôi dậy tôi đủ các nghề thổ mộc. Ông bảo: nghề một khi không có thì tâm lấy cái gì để dụng, đức lấy cái gì để biểu hiện, nhân nghĩa dùng cái gì để cất tiếng? Khi học nghề mộc, ông tôi kể chuyện phó mộc Khanh đẽo gỗ làm giá.
- Cũng chuyện cổ?
- Chuyện cổ! Phó mộc Khanh đẽo gỗ làm giá đựng đồ tài tình lắm. Người ta hỏi: ông làm bằng thuật gì? Phó mộc Khanh đáp: phải tập trung ý chí! Tức vừa phải có nghị lực, vừa phải khéo khôn.
Ông thợ cả vỗ đùi đánh bộp, khoái trá và ngẩn ngơ:
- Tôi hiểu thầy Thiêm đến chân tơ kẽ tóc được rồi chưa nhỉ? Ôi, thầy Thiêm!
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn