Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Thao Chuyên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1195 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 -
à Cửu ngồi ở mép ghế, tay tì lên chiếc bàn tròn bằng đá nổi lên những lằn vân xanh bóng loáng. Chiếc bàn ăn nặng chình chịch duy nhất một chân chạm trổ bằng tay hết sức tinh vi. Chung quanh tám chiếc ghế tròn cùng bộ cũng tỉ mỉ khắc đẽo không khác gì chân bàn. Ngay từ lúc mới tới, bà đã thấy những chiếc gối tròn màu trắng ngà đặt lên mặt ghế và mãi cho đến lúc ngồi vào bàn ăn bà mới biết rằng phải dùng nó cho khỏi đau mông. Xưa rày bà chỉ ngồi trên ghế hoặc giường nệm, còn gối thì để gối đầu hoặc có quá quắt lắm cũng để dựa lưng chứ ngồi lên trông thật ngứa mắt, nhất là chúng được bọc bằng lớp satin màu trắng ngà căng phồng với lớp độn bên trong. Ngồi một tí cho biết thì được chứ còn suốt bữa ăn thì sao chịu nổi. Nghĩ thế nhưng khi nhìn mọi người thoải mái ngồi ăn, bà quên chuyện cái gối và chấp nhận rằng tại chúng giầu có thì biến con chuột thành con gà cũng được.
Mà chúng giầu có thật, bà nhớ lại hôm qua, lúc từ phi trường về nhà, vợ Phước lái xe chạy thẳng vào cổng sau đậu ngay chỗ hàng dọc nơi đã có sẵn ba chiếc nữa ở đó. Đi bộ dọc theo con đường nhỏ trải sỏi trắng, hai bên trồng mào gà, bà bước lên bậc tam cấp để chờ vợ Phước mở cửa. Từ trên cao nhìn ra chung quanh, dù đèn tỏa ánh sáng mờ mờ cũng đủ cho bà nhìn thấy căn nhà quá đồ sộ. Nội mảnh sân cao hơn mặt đất cả gần nửa thước đóng lan can sắt chạy hết vòng đã cho bà thấy rõ sự giầu có quan liêu của chúng nó cho đến khi cánh cửa sau nhà mở lớn và đèn được bật sáng hẳn lên thì mắt bà hoàn toàn bị chói lòa vì tràn ngập ánh đèn. Ngay giữa bếp một chiếc đèn treo bốn tầng xòe lớn như ở mấy ngôi nhà của bá tước vua chúa vẫn thấy chiếu trong ti vi. Cả mấy chục bóng đèn nhỏ như trái chuối cau cắm từng lớp trên những cánh tay bằng đồng toẽ ra từ một điểm, mà điểm đó lại là thằng bé to như đứa mới đẻ ngửa mặt lên trời ngậm những tay đồng. Những cánh tay vươn rộng cong cong và xoè như hoa trang lớn gần bằng hai cái thúng đội gạo. Chóa mắt vì chiếc đèn nào đã xong, ngay dưới khối sáng khổng lồ là chiếc bàn đá bày la liệt thức ăn với những chén dĩa ly tách kiểu cọ sang trọng khiến bà đờ người.
- Thầy bu vào trong tắm rồi dùng bữa, đi suốt từ sáng đến giờ cũng đói rồi. Cảnh nói trong khi tiến về phía bếp hâm đồ ăn cho nóng.
Bà tần ngần trước nền thảm mịn như nhung màu xám nhạt, nửa muốn bỏ dép nửa lại ngần ngừ.
- Thầy bu cứ tự nhiên thích gì làm đó vì nhà chúng con không ra luật lệ nào cả, Phước nói khi thấy ông đang lui cui cởi giầy, có dép cho thầy để sẵn trong phòng ngủ. Thầy bu theo con vào phòng cất quần áo đã.
Bà bước theo con như đang bị mộng du. Qua phòng ăn là một cửa lớn không cánh, bên trái thông sang phòng tắm và dọc theo với lối đi rộng có những chiếc đèn cong cong vươn cao gắn từ hai bên tường.
- Nhà này của vợ chồng con hở? Bà hỏi bằng giọng run run cố đè nén cơn xúc động.
- Con mua được tám năm rồi. Dạo đó mọi thứ đều rẻ lại thêm vào vụ trúng áp phe máy computer nên chúng con trả hết nợ luôn. Cũng may chứ bây giờ thì khó lòng lắm.
Bây giờ khó lòng lắm mà những bốn cái xe, bà ngẩm nghĩ, cái khó của chúng nó bằng sự giàu có của muôn vạn người...
Đêm đó cả ông lẫn bà đều không chợp mắt, phần vì vui mừng trong cảnh đoàn tụ, phần vì quá xúc động. Thật vậy, như một cuộc đổi đời, trước hôm đi ông bà nghĩ trong lòng là xuống dưới Phước có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Mẹ con dẫu chui rúc trong căn nhà nhỏ bé, chật hẹp nhưng ít ra Cảnh cũng nể tình ngày xưa mà cho ông bà ăn nhờ ở đậu đến khi nào có phương tiện sẽ trở về Việt Nam, một điều mà không bao giờ ông bà dám nghĩ đến chỉ vì sợ nhục. Thật vậy, ngày ra đi ông bà huy hoàng bao nhiêu thì ngày trở về thê thảm đói khổ bấy nhiêu. Tiền đã mất thì danh đâu còn để được xóm giềng trọng vọng và trở về cũng chỉ là bước đường cùng nếu vợ chồng Phước bạc bẽo. Ai ngờ trái với điều bà nghĩ, chẳng những Phước đã không nghèo mà lại còn giầu, quá giầu là đàng khác...
****
- Bu vào giường nằm nghỉ cho khỏe, bảo cháu Dung mang máy đấm bóp cho bà.
Bà Cửu giật mình buông vội ý nghĩ, nhìn sang con dâu. Gần bàn úp chén, Cảnh đang cầm con dao nhọn mũi lóc xương vịt một cách lanh lẹ. Chân bà bỏ xuống đất tìm đôi dép:
- Cả ngày hôm qua chúng mày ra tiệm nên ở nhà tao ngủ đẫy mắt rồi.
- Con nghĩ đường xa mà thầy bu lại già cả nên cũng phải cần vài ngày cho lại sức. Hơn nữa... Cảnh ngần ngừ một lúc, tối nay con làm bữa cơm mời một số bạn bè thân thuộc tới chúc mừng ngày gia đình mình đoàn tụ.
Hèn gì từ sáng sớm vợ chồng nó đã khuân về một lô thịt thà cá mú, giá có ăn uống phung phí thì bằng đó người cả tháng cũng chẳng sao hết. Bà cười gượng:
- Đi làm suốt năm ngày trong tuần, còn có mỗi ngày thứ bảy và chủ nhật để nghỉ ngơi lại còn bày vẽ nấu nướng làm gì vừa cực lại vừa tốn kém.
- Không bày vẽ cũng không được bu ạ! Tin thầy bu sang đây ai cũng biết hết nên họ đến để chúc mừng, không lẽ tiếc với họ vài ba chén rượu?
Bà Cửu có vẻ bằng lòng với lối trả lời đó nên đến bên cạnh Dung nhìn đôi tay nó đang thoăn thoắt bọc tôm đã giã nhuyễn vòng quanh đẫn mía lau:
- Cháu làm món gì thế? Để bà làm hộ cho.
- Bà làm không được đâu, khó lắm.
Cảnh nhìn con mắng yêu:
- Bà đẻ ra bố đấy con ạ! Chuyện cơm nước, bếp núc mẹ còn học lại của bà, và quay sang mẹ chồng Cảnh bào chữa cho Dung, con nít ở đây ăn nói khó nghe vì tiếng Việt không rành rẽ nhưng chúng không màu mè kiểu cách, nghĩ sao nói vậy nên nhiều bậc cha mẹ không bằng lòng hay mắng chửi là vô phép. Thực ra cháu nó chỉ sợ bà làm rồi mệt.
- Mệt gì, chúng mày làm được thì tao làm cũng được, nhà có khách tao đỡ đần một tí cho bớt công bớt việc.
- Vâng thì bu giúp cháu cũng được. Con làm chạo tôm, bu cứ coi thế mà quết. Món này làm dễ mà ăn lại ngon.
Cảnh bỏ con vịt xuống, lấy thau tôm mang sang cho bà rồi bảo con:
- Mở tủ lạnh cầm bịch thịt ướp nhân cho mẹ đi Dung, để tôm bà làm hộ cho.
Bà Cửu bưng lấy thau tôm ngồi xuống chiếc ghế cao ngay chỗ làm cơm. Trước mặt là chiếc bàn nhỏ nhưng phải dài tới bốn thước, ở giữa là bếp nấu ăn và bồn rửa chén, đầu bên kia để rổ úp chén và bên đây là chỗ băm, chặt thịt cá. Trong bếp mà Cảnh bày biện chẳng khác gì phòng khách nhà Tâm. Từ dãy kệ dài và cao của hết khoảng tường bên kia chưng những chiếc bình cổ quý giá. Dãy đối diện kê tủ lạnh, máy rửa chén và nhiều loại máy có dây cắm điện mà bà chẳng biết gọi là máy gì. Sát tường bên này, trên cao là tủ đựng ly tách, bên dưới lát bằng đá nhỏ li ti chưng những bình lớn, bình nhỏ đủ bộ, bộ nào ra bộ đó, cái nào cũng mang hình thù ngộ nghĩnh nhìn thích cả mắt. Bình đẹp thế mà nó dùng để đựng đường, tỏi, bột ngọt, ớt khô, gia vị nấu nướng, đếm phải hơn ba mươi cái. Thật là phí của trời. Nhưng thôi, chúng có tiền mà...
Vừa trét tôm vào đẫn mía chẻ tư bà vừa nhớ lại chiều hôm qua sau giấc ngủ say sưa vì chuyến hành trình mệt mỏi và cả đêm thức trắng, bà bò nhổm dậy khi nghe điện thoại reo vang. Cảnh gọi về nhắc chừng cơm canh nấu sẵn để ở bếp vì Dung đi học mãi bốn giờ mới về. Gác ống điện thoại, bà lồm cồm bò qua người ông đi vào phòng tắm. Phòng tắm ăn thông trong phòng ngủ nên tiện lợi cho ông bà đêm hôm khỏi phải lặn lội ra ngoài. Nhà giàu có khác, cái gì cũng vệ sinh ngăn nắp. Trên kệ xếp cả hơn chục chiếc khăn lông dầy cộm nổi rõ trong bốn mặt kính ghép. Cái phòng nho nhỏ vuông vức như được rộng thêm ra, nhất là nhìn đâu cũng thấy những chồng khăn mới cao ngất ngưởng tiệp với màu nền gạch.
Rửa mặt cho tỉnh người, bà vén cao ống quần nhưng mặt chợt đỏ rần khi thấy hình ảnh mình trong gương. Chẳng hiểu phòng này trước kia của đứa nào mà bày trò gớm ghê thế! Tắm là phải cởi quần áo mà kiếng bốn mặt. Đã vậy nào yên, bước vào trong bồn lại cũng thấy hình mình lồ lộ như Evà thuở xưa khi chưa ăn trái cấm. Cả đời có bao giờ bà dám nhìn ngắm bóng mình trong gương mà không có quần áo? Hồi mới lấy ông, mỗi khi có dịp lễ lậy, đình đám, dẫu có thích vuốt ve, chải chuốt cách mấy thì bà cũng phải ngó trước ngó sau vì sợ mẹ chồng hoặc xóm giềng vô tình đi qua nhìn thấy sẽ cười. Lúc ấy mắt năm đổ lộn mắt mười, bà quay bên này, ngoái bên kia vài cái làm dáng vội vàng rồi thôi chứ nào quá quắt như ở đây.
Cẩn thận giật nước đoạn đóng cửa phòng tắm lại, bà rón rén bước ra phòng ngoài. Đi ngang chỗ chồng ngủ, ông vẫn ngáy khò khò. Nhà mở máy lạnh nên ông đắp cả chiếc phủ giường bằng nhung lên đến tận cổ. Bà khép nhẹ cánh cửa và chậm rãi từng bước một đi lần theo hành lang. Lối đi vẫn còn bật điện như đêm qua vì căn nhà quá nhiều phòng nên ánh sáng ngoài trời không thể lọt vào giữa. Ngang phòng tắm mà tối qua Phước đã dẫn đi rửa mặt, bà đẩy cửa nhìn một lần nữa để ngắm nghía cái bồn tắm khổng lồ đến năm người ngồi. Nó chìm phân nửa xuống mặt đất, còn phân nửa gồ cao có bậc thang lên xuống tráng gạch men. Từng viên gạch nhỏ bằng đốt ngón tay màu đỏ rượu chát lượn theo tiệp với bồn tắm, bồn rửa mặt, bồn cầu và tiệp luôn cả với xấp khăn tắm, miếng thảm chùi chân. Phần còn lại là màu xanh cẩm thạch đi với màn cửa và những chậu hoa khô. Sát mặt tường, một tấm gương khổng lồ được dựng đứng trong vòng tay người đàn bà trần truồng nằm nghiêng đúc bằng đồng, dưới chân tượng bày la liệt những cục xà bông đủ màu sắc thơm nức mũi. Đứng ngất ngây một hồi, bà định bước qua phòng ngủ của mấy đứa mà tối qua chưa có dịp vào nhưng nghĩ thế nào bà lại xăm xăm ra ngoài nhà ăn. Hôm nay, căn phòng như rộng thêm ra, nhất là chiếc bàn tròn bằng đá để chênh vênh hai cái chén, một ít đồ ăn đã bọc nilon cẩn thận và nồi cơm Nhật vẫn còn đỏ đèn. Rời phòng ăn, bà tiến ra phòng ngoài và đứng chết sững...
Không nghĩ mình đang trong cơn mộng du, bà rờ cái này, mó cái kia. Ra vậy nhà có đến hai phòng ăn. Sở dĩ bà gọi là phòng ăn vì nơi đây cũng kê cái bàn vĩ đại với mười sáu chiếc ghế bằng gỗ mun bóng loáng, tất cả chạm trổ tinh vi hợp với tủ đựng ly tách khổng lồ. Trong tủ từng bộ bình nhỏ xíu như những chung trà cổ thời xưa và những chén đũa kiểu bày hết lên bốn tầng kệ với hai ngọn đèn bật sáng. Đầu phòng là chiếc lò sưởi bằng đá xanh, bà mân mê và cả quyết là đá vì rờ nó lạnh ngắt, lay cũng không rung chuyển. Cuối phòng là một hồ kiếng nuôi cá nằm choán hết cả một góc. Bỏ phòng ăn, bà tiến ra phòng đọc sách, phòng khách và cứ thế càng lúc càng thẫn thờ. Cảm giác vui mừng và tò mò như không còn nữa, có một cái gì nao nao se thắt, buồn cũng không đúng mà ghen tuông cũng không phải. Bà chưa thể đoán được tâm trạng mình trong lúc này nhưng sự khác biệt giữa gia đình Phước và đám trên Cali cho bà một dấu hỏi. Nguyên do nào chúng lại dấu diếm sự giàu có? Tại sao mỗi lần ông bà xin tiền vợ chồng chúng nó lại rỉ ra từng chút một như táo bón? Nếu đã giàu nứt đất đổ vách như thế thì tiếc gì với cha mẹ già vài ba ngàn bạc? Nội cái tiền sắm sửa đồ chưng chơi trong nhà cũng phải biết là chúng có cuộc sống quá dư thừa sung sướng. Tại sao con Tâm, cái Nụ lại chẳng biết một tí gì về cuộc sống của anh nó? Tại sao...? Tại sao...? Cả ngàn dấu hỏi bao quanh đầu óc bà.
Bây giờ bà ra vào căn nhà này không còn là để trầm trồ thán phục mà để suy nghĩ tìm ra manh mối vì sự nghi ngờ đã nảy sinh. Bà trở lại bàn ăn nhìn mâm cơm. Một tô canh mùng tơi nấu mướp hương với tôm khô, một hũ cà muối còn trong lọ trắng bóc, một đĩa thịt nạc kho tiêu và một dĩa thịt heo luộc. Tất cả mọi thức ăn đều là những món ông bà ưa thích. Nhìn miếng thịt thì biết, nó trắng tươi và bốn phần nạc một phần mỡ rồi mới tới lớp da thật mỏng mà bà vẫn gọi là thịt mông sấn. Đĩa thịt heo kho cũng vậy, thịt nạc thăn cắt nguyên bản nhưng thật mỏng kho khô cong nhìn là đã thấy đói cồn cào ruột gan. Bà đoán vợ Phước kho riêng cho ông bà vì qua Mỹ mười sáu năm rồi làm gì chúng còn thèm khát những thứ này nhưng dù cơm cá ngon lành để tỏ tình chăm sóc yêu thương thì lòng bà cũng đã có những biến chuyển. Giá vợ chồng Phước nghèo như ông bà vẫn nghĩ thì mâm cơm này hẳn là mâm cơm tình nghĩa sâu đậm nhưng bây giờ...
...Bây giờ ngồi đây ăn cơm, ông cũng cho rằng bà đã nghĩ đúng.
- Vậy ra từ xưa đến giờ nó đối xử với mình quá tệ bạc, cả năm cho có vài trăm. Hiếu đễ gì đâu thứ này trong khi nhà nó của đổ đi không hết, đã vậy còn quần áo đồ đạc của con vợ nó nữa.
Đang lùa chén cơm trong miệng, ông đứng bật dậy:
- Bà đi theo tôi, vào phòng vợ chồng nó là biết liền...
Bữa cơm ngưng lại nửa chừng, ông lon ton bước vào phòng ngủ, đến căn phòng thứ ba, rộng nhất và cũng đẹp nhất thì không thể lầm lẫn được vì gần mười tấm hình bán thân của vợ Phước to như những tấm lịch ngoại quốc treo kín các mặt tường.
- Bà thấy chưa, tiền của đổ hết vào đây mà.
Những tấm hình nhìn ông như cười cợt trêu ghẹo.
- Xưa như thế nào nay như thế ấy. Đã bảo cái nết đánh chết không chừa. Tôi hiểu nguyên do rồi. Con vợ Phước cầm quyền trong gia đình, mọi chi chế phải qua tay con này nên tại sao vợ Tâm, cái Nụ lại xa lánh anh mình.
Từ lúc nhìn thấy Cảnh ăn mặc mà theo ông cho là quá đáng và cũng từ lúc nhìn thấy nhà cửa xe cộ cùng sự sắm sửa chưng bày trong nhà thì mọi ác cảm của ông đối với dâu suốt bao nhiêu năm trời được dịp bung ra.
- Ông có chắc không mà nói. Đồ đạc trong nhà không lẽ sắm cho riêng nó? Tuy buồn bực trong lòng nhưng bà vẫn phân vân lưỡng lự vì sợ ngờ oan.
- Nó sắm tại vì hoang đàng, vì muốn phá của chứ còn biết nghĩ gì tới ai. Bà xem nuôi con khôn lớn bằng ấy, giờ già cả có xin có nhờ cậy thì nó chi li tính toán từng ly từng tí. Như vậy hiếu đễ ở đâu? Cái thứ đội quần vợ lên đầu thì muôn đời ngu ngốc.
- Ông cứ mãi một câu chịt vào cổ nó. Hôm có bầu con Dung, tôi đã bắt thằng Phước bước ngang người vợ nó rồi cơ mà! Hơn nữa trên đời này chả lẽ có đứa ngu đến nỗi cứ vác quần của vợ mà đội lên đầu?
- Thì đây này, ông Cửu đẩy rộng cánh cửa tủ quần áo như thể chứng minh lời mình là đúng, đấy tôi nói có sai đâu, bây giờ thì lỗi cả của bà nữa đấy. Ai bảo ngày xưa cứ một hai bắt thằng Phước phải lấy nó? Cái thứ móng tay móng chân dài là chỉ về phá của.
Tủ quần áo chật cứng không còn chỗ chen tay lấy đồ, hàng trăm cái móc treo đủ loại, đủ kiểu, đủ thời trang, màu sắc, cái nào cũng mới, cũng bóng bẩy và thơm mùi vải. Đến nước này thì bà Cửu tuy không ghét nhưng cũng không thể bênh vực cho dâu được. Bà thở dài:
- Ai ngờ chúng nó ăn mặc sung sướng lại tàn nhẫn để lũ em rách rưới, đói khổ như vậy. Thôi được rồi, tôi sẽ hỏi thằng Phước cho ra chuyện.
Nói để mà nói và nói cho oai chứ thực ra bà biết hỏi cũng bằng thừa. Phước sẽ có muôn ngàn lý lẽ để bào chữa, để bênh vực cho vợ và lý do nào thì cũng đúng, cũng tốt lành cả. Từ dạo vợ chồng Phước qua Mỹ, bà chẳng thương cũng chẳng ghét Cảnh. Ai khen cũng ừ hử, ai chê bà cũng chẳng thêm thắt hoặc góp chuyện vào. Có điều bà thấy mình chưa làm gì đến nỗi để cho Cảnh phải đối xử mà theo bà từ lúc nhìn thấy sự sang giàu của Phước mới cả quyết là chúng quá tệ bạc, tệ bạc quá đỗi...
- Bu ạ! Bọc ít thôi. Cần nhất cho mỏng, đều và láng mặt thì khi xém bên ngoài là bên trong cũng vừa chín tới mới ngon.
Mải suy nghĩ, bà Cửu quên là mình đang đắp lóng mía dầy cộm như nắm cơm "tay cầm," bà gỡ bớt xuống rồi vỗ đều cho mướt:
- Mời những bao nhiêu người ăn mà làm nhiều quá vậy?
- Khoảng bốn, năm chục người bu ạ!
Có bốn, năm chục người mà những mười con vịt? Bà ngẩm nghĩ trong khi Cảnh đổ tô hạt sen đang ngâm ra rổ cho ráo nước:
- Con làm món vịt rút xương, món mà thầy bu thích nhất mỗi lần có lễ lậy giỗ chạp.
Có đến mười sáu năm bà không được ăn món vịt rút xương của con dâu. Chẳng hiểu nó học của bạn bè hay đó là món gia truyền mà ngon đáo để. Con vịt lắm xương thế mà chỉ trong vòng mười lăm phút xương lớn xương bé, xương cổ xương đầu, xương chân xương cánh nó lấy ra hết không còn một chút nào. Khi con vịt chỉ còn là một đống da bầy nhầy nó mới dồn nhân vào. Nhân thì ôi thôi đủ thứ thập cẩm trong ấy. Nào là thịt nạc bằm, hạt sen, táo tàu, mục nhĩ, ngũ vị hương, kim châm, nấm đông cô, trứng chim cút, miến tàu, tiêu, hành, tỏi, bột ngọt và còn biết bao nhiêu thứ đã được nghiền nát mà chỉ có nó mới biết. Nhồi xong, nó uốn nắn con vịt nằm theo ý thích rồi lấy kim chỉ khâu vết mổ lại và cho vào chảo chiên vàng, xong đâu đó mới trét loại phẩm bột màu đỏ nâu vào lớp da bóng nhẫy thơm phức kia mà cho vào nồi hấp cách thủy.
Ở Việt Nam mỗi lần tiệc tùng Cảnh hay làm món này vì vừa ngon miệng lại vừa trông đẹp mắt. Mấy chục con vịt được hấp chín mang ra để trên đĩa hình bầu dục. Cái đĩa đỏ gụ tiệp với da vịt nổi bên những cánh rau xanh, ngò và củ dền đỏ được tỉa hoa xếp vòng chung quanh phần thoai thoải của đĩa. Đầu con vịt rụt lại, đưa cao chiếc mỏ vàng hơi há hở cái lưỡi nhỏ xíu xiu. Vợ Phước cắm lên đầu con vịt chiếc vương miện được kết khéo léo bằng những trái ớt đỏ chẻ dài như những sợi tăm tõe tròn. Những hột ớt màu vàng lợt nổi dọc theo sống hoa làm chiếc vương miện thêm phần sắc sảo. Con vợ Phước cũng khéo màu mè, hành hoa nó chẻ dài như chẻ rau muống rồi túm lại một đầu bằng cộng hành dài, sau đó nó vảy nước lên cho đến khi nào chùm hành bung tròn đều như pháo bông mới chịu cắm vào chiếc phao câu. Như vậy con vịt đã được trang điểm khéo léo nhờ chùm lông đuôi xanh và cái mào đỏ chót. Thế mà vợ Phước vẫn chưa vừa ý, nó xâu củ kiệu, tỏi và hành củ muối chua vòng qua cổ con vịt như đeo tràng hoa. Con vịt bỗng chốc biến thành mỹ miều, xinh xắn dưới bàn tay khéo léo của vợ Phước. Chỉ nhìn không đã thấy ngon rồi nói gì đến lúc nó đưa con dao cắt từng khoanh bỏ vào đĩa cho từng người, làn khói nhẹ bốc lên quyện theo mùi táo tầu, hạt sen, thịt, hành, tiêu, tỏi thơm phức. Kế đó, nước "sốt" được rưới vào, màu nước chế biến đặc biệt sóng sánh những gia vị nổi đều trên mặt trông thật hấp dẫn.
Bà nhớ lúc đó, khách đang ồn ào cười nói bỗng vơi hẳn đi khi phần vịt được múc sang dĩa của mình rồi tiếng nói cũng im bặt để thay vào đó tiếng nhai tóp tép lẫn tiếng hít hà luôn miệng của thực khách và đôi lúc tim bà muốn đứng lại khi có ai buột miệng khen. Gì chứ nghe người ta khen con dâu thì có bà mẹ chồng nào ưa nhưng bà lại khác. Bà đã quá cực khổ trong suốt bao nhiêu năm trời làm dâu nên thông cảm được nỗi cay đắng nhục nhằn, hơn nữa vợ Phước tuy thích ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón nhưng công việc trong ngoài mình nó xếp đặt nên cũng đỡ đần cho bà phần nào. Bà nghĩ người ta khen con dâu chính là hình thức gián tiếp khen mẹ chồng cho nên suốt buổi tiệc bà luôn nở nụ cười. Người ta có quý hóa vợ Phước thì mới trọng vọng bà, người ta có khen vợ Phước khéo chân khéo tay cũng là nhờ đức của bà để lại cho con cháu. Bà Cửu thở dài, ngày xưa Cảnh làm có thể là vì ông bà chứ bây giờ chắc gì ông bà còn thích thú ăn uống mà bày ra rồi mới nói thì có phải là môi miếng mồm mép không? Với lại ông bà ăn một hai gắp chứ nào có thể ăn cả chục con vịt như thế. Bà chép miệng:
- Thầy bu ăn bao nhiêu mà vẽ ra cho tốn tiền tốn bạc. Rồi nào chỉ có đồ ăn, còn bia còn rượu còn dọn dẹp cho cực thân.
Cảnh nhìn mẹ cười như phân trần:
- Thực ra ăn uống chỉ là hình thức bên ngoài, chúng con muốn mời bạn bè đến để chúc thọ thầy bu.
Bà Cửu giật mình. Ngày xưa Cảnh đâu có màu mè rào trước đón sau, sao bây giờ... Hay là nó muốn lấy lòng mình để khỏi bị la mắng những năm trời thiếu sót bổn phận? Nó quên rằng cả đời làm tốt mà chỉ một vài lầm lẫn sai trái thì mọi tốt lành cũng tan biến huống hồ gì bao nhiêu năm trót quên hiếu nghĩa thì chuộc lại biết đến bao giờ? Bà cất giọng trầm buồn:
- Tùy các con tính sao cho phải. Có điều bu thấy thay vì đãi tiệc, con để tiền xin lễ cho các linh hồn tiên nhân hoặc giúp đỡ anh em họ hàng.
- Năm nào chúng con chả xin lễ. Còn anh em thì kiến giả nhất phận, thân ai người đó lo. Nhiều khi gửi tiền giúp đỡ, họ còn cười cho là mình ngu, còng lưng làm cho thằng ngay lưng ăn.
Không còn gì để bào chữa cho Cảnh vì cũng cùng một luận điệu của chồng nó như trong khuôn đúc ra. Nếu vậy thì trách cứ nó đâu có oan. Bà bắt đầu kể lể:
- Tao đâu có ngờ cái Nụ lại nghèo nàn đến như thế vậy, nhà cửa chẳng có phải ở "hao dinh", ăn uống thất thường bữa đói bữa no. Sao chúng mày không kêu em nó về ở chung mà lại mỗi đứa một nơi để nó đói khổ như vậy?
- Bu ơi, cô ấy chẳng nghèo đâu, độc thân mỗi tháng hơn sáu trăm ăn sao cho hết. Đã vậy nhà cửa chẳng phải lo lắng chi cả, cứ nằm chơi chờ đầu tháng check gửi về không sướng a!
Dĩ nhiên Cảnh không dám nói hết vì còn nhiều vấn đề tế nhị cần được che dấu nhưng bà Cửu lại cho rằng Cảnh lơ là với em mình.
- Tương lai ra sao với một kẻ khố rách áo ôm, không nhà không cửa, không chồng không con như nó?
- Ôi, hơi sức nào mà bu phải nhọc lòng, Cảnh tặc lưỡi, bây giờ chưa có gia đình thì còn lè phè, sau này đùm đề con cái không tự lo thì ai lo cho.
- Chắc chúng mày biết cái Nụ đã ngoài ba mươi?
- Nhiều khi sống độc thân như cô ấy lại còn nhàn hạ đỡ vất vả cực nhọc.
- Mày nói như thế mà nghe được. Tao nghĩ thằng Phước phải có trách nhiệm với nó một tí, dù gì cũng quyền huynh thế phụ.
- Bu nói gì đến quyền huynh thế phụ. Ngay thầy còn sống sờ sờ mà có cản cô ấy đừng về Việt nam được đâu.
Bà Cửu giật mình nhìn con dâu. Không hiểu Cảnh chỉ nói khơi khơi hay có ý châm chọc gì khác. Chẳng nhẽ trong nhà chưa rõ mà ngoài ngõ đã tường? Chẳng nhẽ ông Cửu chưa biết mà vợ Phước đã lời to lời nhỏ? Không, không đời nào. Chuyện bí mật của đời Nụ chỉ mình bà với nó biết. Mẹ con dễ thông cảm tha thứ và che đậy lấp liếm cho nhau chứ còn người ngoài chỉ vạch lá tìm sâu, chỉ bới móc khuyết điểm của nhau để thỏa mãn sự ghen tị.
- Con thấy ở Việt Nam còn chẳng dùng quyền làm anh được chứ nói gì bên đây. Bảo nhẹ có bao giờ thèm nghe, giá có giơ chân giơ tay lỡ đánh nó một cái là đi vào tù ngay. Hồi mới sang anh em sống nương tựa với nhau được vài tháng nhưng có thể vì muốn sống phóng túng buông thả hơn nên hai chị em đòi dọn ra riêng với lý do nhờ vậy mới xin được tiền trợ cấp cao. Anh Phước cảm thấy mình bất lực và thừa thãi nên dọn xuống dưới này.
Bà Cửu thở phào nhẹ nhõm. Thì ra chuyện khi xửa khi xưa từ thời mười mấy năm về trước. Thời con Nụ còn ngu ngơ chưa biết yêu đương rung động là gì. May mà chưa có gì. May mà giữa đường giữa xá nên con xẽo chỉ rướn người ôm xiết lấy thằng Mễ lông lá và cũng may mà bà xấn tới lôi con ranh ra mới biết Nụ chẳng còn hồn người. Đôi mắt con ranh lờ đờ đầy dục vọng như một con thú tới ngày động tình. Lôi Nụ ra mà bà vẫn phải nhớn nhác nhìn quanh. Chưa ai thấy tức là chưa ai biết gì. Như vậy chuyện vẫn còn có thể cứu vãn được. Có điều tiếng tây tiếng u bà không biết mà mắng cho thằng khốn một trận. Xô đẩy, đạp đá bà lại càng không dám vì thằng chó kia to lớn như con dã nhân.
- Nụ, cút về ngay. Sao mày dại vậy hở con?
Bà đẩy Nụ về nhà mà có cảm tưởng như là lôi nó xềnh xệch đến mệt lả người.
- Mày đâu còn nhỏ dại gì mà làm chuyện đảo lộn luân thường đạo lý. Đúng bôi tro trét trấu vào mặt ông tổ ông tiên mày.
- Sao hôm nọ bu bảo con không có bạn trai. Giờ mới nhìn thấy đã tru tréo nhục với chả nhục.
Con động cỡn trả treo với bà lời một lời hai. Bạn là bạn chứ đâu phải ôm nhau như chó xà nẹo giữa đường. Vậy là nó mất hẳn tính người thật rồi. Vì mất tính người nên mới nói năng lố bịch dơ dáng mà không biết ngượng mồm ngượng miệng. Kẻ mất tính người có khác nào đứa bé lên ba. Con nít lên ba biết gì mà đánh mắng? Sau hôm đó bà Cửu theo rình Nụ sát nút. Thằng Mễ sợ vạ lây nên cũng nhân cơ hội đó tránh mặt Nụ luôn. Mọi chuyện kể như tạm êm xuôi nhưng bà vẫn sợ. Xứ Mỹ nhiều trò lố bịch mà cái thằng Mễ ngoại quốc to lớn kia nếu có lấy con Nụ thì làm sao con bà chịu cho nổi. Chỉ nghĩ tới đó bà đã thấy muốn khóc và tội nghiệp cho Nụ vô cùng. Thôi thì thuyết phục nó về Việt Nam lấy chồng cho xong...
Chuyện về Việt Nam lấy chồng tự dưng bùng nổ trong mỗi bữa ăn. Nụ bị thằng Mễ quay lưng nên nghe cha mẹ khuyến khích cũng có vẻ hăng hái lắm. Nàng cũng muốn làm một chuyến trước là để thăm bạn bè gia đình sau gần hai mươi năm xa cách, sau cũng là để kiếm tấm chồng mà theo như lời ông bà Cửu kể xưa nay đã ngấm nghé cho Nụ một đám tươm tất nhưng chưa có dịp mở lời.
Thật ra ông bà có ý định ấy thật và chính bên kia tuy là dân thuyền chài cào tôm cào tép lo từng bữa một nhưng là người trọng lễ nghĩa nhân cách. Chuyện ông bà có ý thì họ cũng chỉ biết vậy chứ không hề tơ hào mơ ước được gọi cô út Nụ là con dâu bởi vì tương lai Nụ đã được tô điểm sáng chói cả một vùng bà ở.
Bà có ý định là một chuyện nhưng chắc gì Nụ đã bằng lòng mà hy vọng. Khi xưa ông bà cũng nghĩ thế nhưng bây giờ đối diện sự thật thì thôi nồi nào úp vung nấy, cái Nụ cũng chẳng cao sang gì mà mà chê thằng kia chân thấp chân cao.
- Mày còn nhớ thằng Nhơn con ông Phả thuyền chài chứ Nụ?
- Có phải cái thằng hồi xưa chuyên ăn cắp me và chọi đá vào nhà mình?
- Lớn lên phải đổi chứ không lẽ cứ chọi đá mãi à! Hồi xưa thì thế nhưng sau này chững chạc hẳn ra.
- Chững chạc gì, què không lo thân què còn bày đặt chọc phá. Con nhớ có lần nó ăn cắp ổi ban đêm bị thầy vác cây đuổi. Chạy không nổi nó phải bò như chó.
- Ấy vậy mà lại là đứa con có hiếu và chu chí làm ăn.
Mặc bà nói gì thì nói, Nụ không hy vọng ở Nhơn chút nào vì nàng biết cái giá trị riêng của mình. Nội cái mác ngoại kiều đủ để trăm ngàn đôi mắt của đủ loại đàn ông thèm khát. Bằng chứng dạo này phong trào về Việt Nam lấy vợ ồ ạt mà toàn đa số toàn là thứ già khú đế bị vợ bỏ vất vưởng lang thang, toàn những hạng thất nghiệp mất sở, toàn những tay thương mại bị phá sản cố bòn cọt gỡ gạc vài ngàn về Việt Nam ăn chơi hưởng thụ trước ngày nhắm mắt không ngờ chiến dịch làm hôn thú với ngoại kiều để sang Mỹ đang lan tràn rộng nên đâu ai ngại gì già trẻ, tốt xấu. Biết đó chỉ là hình thức tạm bợ và lợi dụng nhau nhưng Nụ vẫn thấy xốn xang vì người ta cứ ùn ùn về như một phong trào. Kẻ có gia đình con cái đề huề cũng muốn về một lần để hưởng mùi vị quê hương vừa ngon vừa tinh khiết, vừa rẻ lại vừa chắc. lỡ có bệnh gì cũng đã có thuốc chữa, hoa liễu giang mai cũng chỉ vài vốc thuốc hoặc một mũi chích là xong ngay. Xưa kia Nụ coi khinh những hạng người này vì họ đã lợi dụng cái mác ngoại kiều để bịp bợm dân nghèo nhưng bây giờ mới thấy rõ chẳng ai lợi dụng ai. Gái bên ấy khôn lanh có thừa. Ngày xưa người ta tìm tự do phải vượt biên hoặc phải đổi bằng cả sinh mạng, bây giờ chỉ vài lần ôm ấp hoặc nói cho cùng phải đổi cả trinh tiết để được đi nước ngoài vẫn còn rẻ chán. Sắp bang giao tới nơi nhưng dân chúng ai ai cũng vẫn còn thèm khát ra đi bởi cuộc sống bấp bênh tạm bợ dẫu bọn con buôn, thành phần bất hảo đi đi về về nhố nhăng làm mang tiếng cho những người tốt lành và có thể gây băng hoại cả một thế hệ. Nụ biết và vẫn biết thế vì những thảm trạng dở khóc dở cười xảy ra chung quanh đây hàng ngày. Cô hoa khôi vừa mới sang đã ly dị chồng vì nghĩ rằng chồng mình là ông chủ bự như đã từng tuyên bố. Ông ca sĩ nọ vừa được bảo lãnh sang đã đá bà bồ già vì bà không cung phụng tiền bạc cho ông theo đúng như ý ông muốn. Chủ một nhà hàng ăn thu vào lợi tức mỗi tháng trên dưới ba chục ngàn. Bên Việt Nam tính ra ăn cả đời không hết trong khi đâu biết rằng ông chủ dấu nhẹm vụ chi chế trả công thợ thuế má tính ra chỉ còn hơn ngàn bỏ túi, ấy là chưa nói đến những thành phần chấp nhận thua lỗ chỉ vì tăm tiếng ông chủ, bà bầu...
Nụ biết và biết hết nhưng có ai về Việt Nam một lần mà không muốn sang nữa? Ngoại kiều dù khố rách áo ôm vẫn bị ngộ nhận và để tung hô săn đón như một ông vua con. Bao tinh hoa nước người được các ông bôi bẩn bằng chữ nghĩa bồi trọ trẹ, bằng những đồng đô la trợ cấp, bằng những bát hụi hốt non, bằng những đồng tiền gom góp tin cẩn của người thân nhờ chuyển về cho gia đình họ để tiêu xài vung vít, để làm một phút huy hoàng rồi chợt tắt mà quên rằng nhân phẩm của mình đã dính nhọ. Con sâu làm sầu nồi canh, một người làm xấu, cả tập thể sống bên nước ngoài bị vạ lây. Nụ biết và biết hơn thế nữa rằng ở đất nước mình đang thời kỳ tranh tối tranh sáng, đang khốn khổ đói khát gặp cỗ bàn là xà xuống ăn đâu cần biết bên trong có tẩm thuốc độc dù vẫn phải đổi chác tiền trao cháo múc. Ngoại kiều mang cái bả vinh hoa giàu sang phú quý đã đầu độc muôn triệu người ở lại. Ai chẳng ham tiền ham của? Đất nước nghèo đói suốt gần hai mươi năm được tiền bạc, quần áo rải dầy đường ai lại chẳng bị mờ mắt, ai chẳng coi rẻ giá trị con người? Đàn bà tham tiền bán thân xác. Con gái thèm đi ngoại quốc làm nghề mãi dâm quốc tế để có cơ hội đi nước ngoài. Số còn lại cố giữ nhân phẩm thì ăn cơm khoai độn chạy từng bữa ăn một hoặc chờ một cái đám cưới ngoại kiều.
Nụ biết nhưng giá như trước kia, giá như chưa bị cha mẹ mình khinh thị, giá như chưa bị thằng Mễ tàn phá cuộc đời, giá như khối óc ngây dại chưa vẩn lên những đòi hỏi xác thịt và giá như Nụ đừng chạy theo cái mác ngoại kiều vinh thăng của người đời thì nàng sẽ không có ý nghĩ về du lịch Việt Nam trong lúc này. Tránh được đàng này thì vấp phải đàng kia. Xưa nay Nụ cố tránh nhưng rồi cũng như một số người chung quanh chưa ý thức được giá trị thực thụ con người đã chạy theo cái bóng của phồn hoa giả tạo.
- Hay là để sang năm kha khá chút tiền cho thày bu về thăm quê tiện thể nghe Nụ?
Vậy là bà Cửu tính chuyện vợ chồng ăn đời ở kiếp cho Nụ thật sự. Nàng dãy nảy.
- Sang năm tính chuyện sang năm. Còn bây giờ để con về thăm anh chị Chẩn và mấy đứa cháu cái đã.
Tháng sau Nụ về Việt Nam cũng là ngày ông bà xuống đây. Thoát được gánh nợ cái Nụ và thằng Mễ vậy mà không ngờ Cảnh nhỏ mọn lôi ra những xích mích tự thuở nào kể lể.
- Chuyện qua lâu rồi nhưng nếu bu muốn biết ngọn ngành thì nên hỏi nhà con, anh ấy nói trung thực hơn. Con không muốn mang tiếng chị dâu em chồng vì xưa nay tình cảm của riêng con đối với các cô ấy như bát nước đầy. Đã nhiều lần con gọi về đây anh em sống đùm bọc, nương tựa lẫn nhau, khi no ấm đã vậy còn những lúc hoạn nạn thì cần thăm nom, săn sóc cho nhau nhưng cô ấy bảo không thích sống ở nơi khỉ ho cò gáy, quanh năm tiếp xúc toàn những người đánh ghe, đánh chài cho uổng cuộc đời đi. Lại cũng có lần Nụ bảo con: "Từ đây xuống chị hết sáu trăm khứ hồi, em chờ vé on sale đi Hawai đã hơn." Vậy thì con còn biết nói gì nữa.
Cảnh kể rành mạch nhưng thiếu, thứ tự từ trên xuống dưới nhưng là chuyện con tôm cắn con tép lạc quá xa về cái Nụ.
- Chúng trẻ người non dạ mà sao mày lại chấp nhất từng lời nói như vậy?
- Bu ơi tuổi đó đã có người làm xui rồi mà bu bảo non dạ non lòng. Tuy nhiên nói để bu hiểu thêm về cuộc sống bên đây chứ con đâu dám trách cứ lời nào. Theo con sống ở đâu thì sống miễn thấy thoải mái là được rồi. Chúng con tuy không gặp nhau nhưng vẫn nói chuyện điện thoại mỗi tuần. Mà thầy bu già cả rồi nên lo cho sức khoẻ mình là trọng vì cô Tâm đã có gia đình cuộc sống khá giả còn cô Nụ thì độc thân đâu phải lo.
Đúng đích thực là nó chưa biết gì. Ngay chuyện về Việt Nam để lấy chồng Cảnh cũng không biết nốt. Nó đã chấp nhất khó khăn như vậy thì bà dấu luôn cho xong.
- Giá lúc mới qua cô ấy chịu khó học hành cho đến nơi đến chốn thì không giúp cho xã hội cũng giúp cho chính bản thân mình. Con chẳng hiểu vì mặc cảm hay thích tự do phóng túng mà cô ấy chẳng muốn bị bó buộc. Bu xem học là phải cực khổ, phải thức đêm thức hôm...
- Thôi thôi, bà Cửu ngắt lời, nó thân tật nguyền sống được đã phước.
Có lẽ không hiểu được những ý nghĩ trong đầu của bu chồng nên Cảnh vẫn vô tình:
- Thường thường có tật là có tài. Ở Mỹ con thấy có nhiều người cụt sát hai chân phải đi bằng tay, thế mà còn là cầu thủ basketball. Cũng có người cụt cả hai chân mà vẫn nấu cơm đi chợ, sinh con đẻ cái. Lại cũng có người mù hai mắt mà vẫn trở thành văn sĩ nổi tiếng. Còn cô Nụ nếu dùng tiếng tật nguyền cũng không đúng, chân tay chỉ hơi yếu nhưng vẫn đạp xe được cơ mà! Giờ thì chỉ có thầy bu bảo ban may ra...
- Ối dào, mặt bà đỏ bừng vì giận và tự ái, nó còn sướng gấp vạn những đứa lành lặn khác, cũng có nhà có cửa, cũng sắp lấy chồng rồi.
- Lấy chồng? Lấy ai?
Cả hai khuôn mặt ngỡ ngàng nhìn nhau...
Bộ salon có lẽ phải đến hơn một trăm năm trước. Hình thù gồ gồ cong cong của khung ghế màu đỏ gụ bóng loáng nổi lên những vân đen đang lên nước. Trên mặt gỗ chạm trổ kín những đầu người mình thú chạy xuống tận chân ghế và kết thúc bằng những móng của loại cọp vằn giương vuốt sắc. Ông Cửu ngồi trong phòng khách, hai chân rút gọn trên ghế. Là người chơi đồ cổ mà ông cũng phải thầm phục kỹ thuật điêu khắc quá tỉ mỉ tinh vi của người ngoại quốc. Ngắm chán ghế, ông lại đưa mắt nhìn chiếc bàn con đặt cây đèn mạ vàng rồi đến cái bàn uống nước và cuối cùng dừng lại ở chiếc ghế "ngựa phi" vợ ông ngồi.
Lúc ấy bà Cửu đang đong đưa đôi chân theo điệu nhún nhẩy của chiếc rocking chair, nhường hẳn câu chuyện quan trọng cho hai cha con giải quyết.
- Con nghĩ thế nào cho thầy bu biết? Ông Cửu nhắc lại câu hỏi với nét mặt không vui.
Phước vẫn ngồi không cử động, đôi chân mày nhíu lại.
- Thì cũng để từ từ con bàn với nhà con xem sao.
- Lại cũng vợ mày, ông Cửu khó chịu, cho đến bây giờ mày vẫn còn đội nó lên đầu?
- Thầy nói vậy sao phải. Dù một ngàn hay một trăm, mà đã dính líu đến tiền bạc là phải có sự thỏa thuận của hai người. Con đâu thể lấy quyền làm chồng mà lấn lướt nó. Hơn nữa mọi sự sản này là do hai đứa tạo ra chứ đâu phải mình con.
- Tóm lại mày muốn nói rằng thầy bu phải đợi lệnh của nó?
Phước lắc đầu ra dáng phân bua:
- Ý con chỉ muốn là nên có thêm ý kiến của nhà con vì như thầy thấy nhà cửa ở Cali hiện tại đang xuống giá. Chẳng những ảnh hưởng bởi trận động đất bốn năm trước mà còn cả công ăn việc làm. Đa số họ bị thất nghiệp nên mất nhà mất cửa vì không kiếm đâu ra tiền trả note hàng tháng. Vả lại, cái gì lên cao quá sẽ tự động xuống thấp, trong năm năm nay, nhà cửa đang từ một tăng gấp đôi, gấp ba. Sống không nổi mọi người ùn ùn kéo nhau đi thì thầy lại bảo về đó mua nhà thì quả là chuyện điên dại.
- Tao có bảo mày về đó ở đâu mà rộn. Mày chỉ cần mua một căn nhà, đứng tên các cái, thuế má giấy tờ. Còn việc chăm sóc, quét tước, sửa chữa hoặc vườn tược đã có thầy bu lo.
- Nhưng khả năng chúng con đâu thể một lúc lo nổi mấy trăm ngàn tiền mặt. Còn nếu chỉ down vài chục ngàn rồi trả hàng tháng thì nợ cho đến muôn đời. Thầy không biết chứ tụi nhà băng ăn lời khiếp lắm. Mượn hai trăm ngàn, ba mươi năm sau trả thành năm trăm ngàn.
Nhìn bộ mặt khó đăm đăm của Phước, ông thở dài:
- Sao không mượn vài năm thôi cho ít tiền lời?
- Dài hạn mà còn trả hơn hai ngàn mỗi tháng, ngắn hạn đào đâu ra mỗi tháng năm, bẩy ngàn?
- Sao hôm nọ chúng mày bảo nếu thầy bu không thích ở chung thì sẽ mua biếu một căn?
- Vâng, nhưng ở gần đây cơ. Tiểu bang này nhà cửa rất rẻ. Căn nhà gạch khang trang gần bờ sông cho thầy bu hưởng khí trời trong sạch hoặc chiều chiều vác cần đi câu, tiêu khiển ngày tháng cũng chỉ ba, bốn chục ngàn. Chúng con chỉ có thể làm được những gì vừa tầm sức và nhìn thấy thầy bu có cuộc sống thoải mái an hưởng tuổi già. Còn ở Cali, một thành phố xô bồ, bon chen cho lớp trẻ, thầy bu về đó chỉ hít bụi, khói xe và những ô nhiễm.
- Thôi, đủ rồi. Tao hiểu. Nói tóm lại là chúng mày không bằng lòng? Ông có vẻ giận khi ngừng ở câu hỏi.
- Con không hiểu nổi một nơi không thích hợp cho tuổi già tại sao thầy lại cứ thích về ở đó?
- Tao muốn lo cho cái Nụ, mai mốt nó lấy chồng rồi cũng về ở cả đấy chứ đâu.
Phước đã được vợ kể chuyện Nụ về Việt nam lấy chồng. Sẵn bực dọc chàng tuôn ra một hơi:
- Thầy bu sống ở Việt Nam biết hoàn cảnh rõ ràng hơn ai hết mà con không hiểu sao lại xúi cái Nụ về bên ấy lấy chồng. Lấy ai thì chả lấy được nhưng liệu có ăn đời ở kiếp với nhau khi cả hai cùng có ý lừa bịp nhau. Con hỏi thầy nó đang hưởng tiền tàn tật không đủ nuôi thân nó lại còn rước cái thằng báo cô qua nuôi có phải tội nghiệp nó không? Đã vậy thằng nọ chắc gì thương cái Nụ hay cũng chỉ vì muốn được qua bên này. Chuyện vợ chồng là do duyên số chứ nào phải vẽ rắn thêm chân sẽ hóa rồng? Đấy rồi thầy xem thằng nào qua đây thì cũng bỏ nó cho mà xem. Lúc đó đúng là dại mặt.
- Ối dào, chuyện của nó để tao lo. Mày phủi bỏ trách nhiệm từ hồi nào đến giờ thì tao cứ kể như mày đã chết.
- Đã chết sao thầy còn bảo con mua nhà? Thầy mua nhà hay thêm gánh nặng cho nó? Thầy bu ở dưới này đêm hôm có trái gió trở trời ra vô còn có con cháu trông nom hoặc bệnh hoạn ốm đau còn có người săn sóc thuốc men. Về đó rồi ai sẽ lo cho thầy bu?
Càng lúc Phước càng tấn công tới tấp như muốn ông bà bỏ hẳn ý định lấy chồng cho Nụ và về Cali trong khi ông Cửu lại đang muốn níu kéo cái danh thuở nào đã mất. Từ lúc nghe được bài học vệ sinh ở nhà Thành, ông luôn có ý nghĩ là chỉ khi có nhà có cửa, ông mới dám ăn to nói lớn trước đám đông, trước giòng tộc họ hàng, nhất là với Thành, thằng con rể đã có ít nhất một lần coi thường ông. Nhưng thôi, bước đầu như thế tạm coi như đã đủ, chỉ cần cho vợ chồng nó biết ý tưởng của ông rồi thì liệu cơm mà gắp mắm. Tất cả phải từ một điểm nhỏ, như vết dầu loang cho tới một ngày...
Ý nghĩ này làm ông lấy lại tinh thần nên chuyển sang đề tài khác một cách nhanh chóng:
- Tuần này chúng mày không định quay phim à?
Phước hơi ngỡ ngàng vì sự chuyển tiếp đột ngột nhưng lại cho là thầy đã xiêu lòng nên vui vẻ trả lời:
- Ba chủ nhật liền cháu Dung chở ông bà đi quay hết danh lam thắng cảnh. Theo con nghĩ cũng đủ gởi về Việt Nam rồi.
- Nhưng nào chúng mày đã chở tao đi thăm vườn rau ao cá đâu. Tao muốn cho những người ở xứ mình biết rằng nơi đây cũng có vườn tược ao bờ trồng đủ rau rợ cà pháo mùng tơi bầu bí...
- Vâng, thì để tuần sau chứ hôm nay mẹ con nó đi shopping có về cũng tối mịt.
Nãy giờ có lẽ mỏi nên bà Cửu không còn đu đưa nữa. Bà rút hai chân lên ghế ngóng chuyện rồi chợt buột miệng:
- Chúng nó mua gì mà khoẻ đi thế!
- Thì quần áo, giày dép, son phấn. Ôi, hai mẹ con mê sắm đồ còn hơn mê vàng.
Nhớ lúc con dâu đón mình ở phi trường với cái váy ngắn cũn cỡn, bà chau mày khó chịu:
- Ở xứ nào cũng vậy, có tiện tặn thì mới có của dư. Mày xem cả đời có bao giờ tao dám nghĩ tới bản thân. Được chín đồng ráng kiếm thêm đồng nữa cho đủ mười.
- Thì tiện tặn cho lắm đùng một cái cũng tay trắng, Phước cười nhìn da thịt mẹ trắng hồng hẳn ra khác hôm mới xuống, tiện tặn cũng tay trắng, ăn xài cũng tay trắng thì tội gì không xài cho thích.
- Sư mày. Không chắt chiu lấy cứt nuôi chúng mày ăn học. Tao bảo thật cho mà biết, con vợ mày cũng hoang đàng lắm, quần áo gì mà chật cứng một tủ.
- Đàn bà mà bu! Ai chẳng vậy. Với lại con quan niệm sự làm việc và hưởng thụ đừng nên để quá chênh lệch. Ở Mỹ không giống như Việt Nam cứ quần quật làm đầu tắt mày tối, tậu nhà, tậu đất cho đứa này đứa kia mà thực ra chúng đâu cần của ấy. Ở đây, một đứa trẻ chín, mười tuổi cũng có thể kiếm ra tiền. Phải tập cho chúng biết giá trị của đồng tiền thì sự tiêu xài mới có ý nghĩa. Con thấy có nhiều đứa trẻ được nuông chiều từ thuở nhỏ nên lớn lên hư hỏng. Cha mẹ vừa nằm xuống để lại đất đai nhà cửa đầy dẫy thế mà vẫn bị chính phủ lấy mất vì không có tiền trả thuế hàng năm. Nghĩ thật là đau.
- Mày nói như vậy nghĩa là làm ra đồng nào ăn tiêu cho hết ngay đồng ấy không cần biết đến anh em bà con?
- Bu cứ nghĩ như vậy hèn gì khổ cả đời, ăn chẳng dám ăn ngon, mặc cũng không dám mặc đẹp.
- Mày nghĩ đời này có phúc có họa chứ!
Giọng bà hơi sẵng làm Phước phải vội cười cho bớt căng thẳng
- Vâng thì có.
- Vậy tao làm phước ai hưởng?
Không phải bây giờ mà ngay từ hồi xưa, mỗi lần thấy ông bà Cửu gom góp tiền bạc cho đầu nọ đầu kia vay mượn là Phước đã bất bình vì có bao giờ họ trả ngoài những lời tâng bốc nịnh hót nhưng lần nào cũng như lần ấy, Phước vừa mới hé môi cản là bị xỉ vả cho một trận nên thân, nào là thứ ích kỷ riết róng chỉ biết sống cho riêng mình. Kinh nghiệm đã có sẵn nên chàng chỉ cười hề hề thay câu trả lời. Bấy giờ ông Cửu mới xen vào:
- Chúng mày mở tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi có khấm khá không?
Được ông Cửu gỡ rối Phước trả lời mau mắn:
- Một lời ba thầy ạ! Có điều phải mướn người bán, trả lời điện thoại và coi sóc bên ngoài. Tụi Mỹ ở đâu cũng kỳ thị nên chúng con chỉ ngồi trong văn phòng lo giấy tờ sổ sách và kiểm điểm hàng tồn kho.
- Vậy thì khá quá rồi còn gì?
- Vâng, chi phí xong mỗi tháng cũng còn dư dăm ba ngàn.
Tim ông Cửu bắt đầu đập liên hồi. Một tháng dư vài ngàn trong khi cái Nụ lãnh vỏn vẹn có sáu trăm. Nhà nó có bốn chiếc xe hơi trong khi em nó còng lưng trên chiếc xe đạp. Rồi còn chị nó, chú nó ở Việt Nam đang đói khổ... Rồi còn bà con hàng xóm, nhà thờ xứ đạo đang trong thời kỳ xây cất tu sửa. Mọi thứ nếu không có mỗi tháng dư vài ngàn thì biết trông nhờ vào tay ai? Đầu óc ông quay cuồng với muôn ngàn ý nghĩ và biết là chưa phải lúc nhưng ông vẫn buột lời:
- Hồi tao đi xứ mình đang xây nền.
- Lúc con sửa soạn đi thì cũng đang xây mà? Phước ngạc nhiên.
- Xi măng lúc bấy giờ pha trộn không tốt nên cứ thế vỡ ra hết. Trời mưa theo vết lở trôi đất cát ra ngoài làm nhà thờ dơ bẩn. Đám thanh niên đâu chịu lau chùi quét dọn cứ dừa cho hội bô lão viện cớ mắc làm thủy lợi hoặc phải lo kiếm tiền nuôi gia đình vợ con.
- Con nghĩ xây cái nền mới đâu đáng là bao, cả xứ bổ đầu người thì mỗi gia đình chỉ tốn khoảng nửa chỉ.
- Những kẻ không đủ ăn lấy đâu nửa chỉ? Có đến quyên tiền thì chúng khất lần khất lữa, lỡ gặp đứa hung tợn nó còn chửi cho. Nhiều lần tao nổi sùng mắng toáng lên, chúng chảy nước mắt: "Cơm gạo không đủ ăn lết sao nổi đến nhà thờ mà phụng với chẳng thờ." Mày xem thật đúng là quân vô đạo.
- Chắc tại thầy bắt ép họ chứ gì?
Ông Cửu quật ngược câu Phước vừa nói:
- Vậy chứ sao mày bảo là bổ đầu mỗi gia đình?
Không muốn nghe Phước bào chữa, ông nói tiếp:
- Trong xứ nhà nào giàu, nghèo họ đều tận tường hết, cho nên khi hội họp quyết định xây nền họ đều nhìn tao với lòng thành khẩn: "Nếu không có ông đứng ra cáng đáng thì việc này không thể xong."
- Thì kẻ giúp công người giúp của, đi quyên tiền cũng là một hình thức đóng góp.
- Cả xứ có mỗi nhà mình là trổi bật hơn hết thẩy, con cái cháu chắt cả tá bên Mỹ. Mình không giúp của thì còn ai vào đó nữa?
- Rồi thầy hứa với họ?
- Không hứa để chịu nhục làm con chó ăn cứt à!
Phước im lặng ra chiều suy nghĩ, một hồi lâu mới chậm rãi:
- Sân nhà thờ đổ ciment hao tốn lắm cũng chỉ khoảng năm cây là cùng. Thôi thì chúng con biếu thầy bu tiền ấy để làm tròn lời hứa với hàng xứ. Có điều đã qua tới đây thì cũng nên...
Ông Cửu ngắt lời như sợ Phước chuyển lạc đề tài:
- Ai bảo mày năm cây mà đủ? Tao đã tính kỹ lắm rồi, này nhé: Sau nhà thờ là con sông nhỏ tuy nước chảy chậm nhưng cứ từ từ cuốn rút hết đất cát, bây giờ mua thêm đất đổ nền cho bằng với sân đằng trước. Vườn bên hông sau khi khai phá xong sẽ mua vài chục gốc dừa để lấy huê lợi trả tiền điện nước, sáp nến. Bằng đó thứ công làm cũng phải kéo dài vài tuần. Đám thanh niên xứ mình có đến năm chục thằng thất nghiệp nằm ở nhà, có kêu chúng làm dù không trả công cũng phải nuôi ngày ba bữa...
- Dạo này đọc báo con thấy Việt Kiều mang tiền về đầu tư và dân mình làm ăn khấm khá, buôn bán sầm uất thịnh vượng chứ không như lúc con vừa mới ra đi sao thầy nói nghe như họ chết đói cả.
- Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Thối nát cả chùm cả đống, toàn bọn con buôn sống bám vào nhau trong giai đoạn tạm bợ chứ còn dân chúng đói khổ thiếu thốn và suy đồi hơn lúc nào. Vì miếng ăn con người ta tranh sống nên coi thường phẩm giá, vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ để tự do đạt mộng ước cao hơn. Lại có những người con chí hiếu bán thân nuôi gia đình nhưng lại đua theo phong trào chỉ chọn lựa ngoại kiều để còn có dịp thoát ra ngoại quốc. Bên cạnh, một số thanh niên vô ý thức đã biến thành ma cô bám theo gấu quần đàn bà để sống. Tao chỉ biết có thế còn các nhân viên cán bộ từ cao cấp đến thâm niên thâm đế đều hối lộ, tham nhũng, bóc lột tận cùng xương máu của đồng bào. Tao chẳng hơi đâu dòm ngó chuyện thiên hạ, có thối bằng trời cũng vẫn phải bịt mũi kêu thơm. Kẻ có quyền bao giờ sai cũng thành đúng, trái cũng thành phải. Còn dân chúng những người quê mùa an phận, thấp cổ bé miệng như tao thì chỉ biết đặt niềm tin vào tín ngưỡng. Con người sống ở thời nào cũng thế, không có tín ngưỡng khác nào bọn vô thần phản cha bán chúa. Xóm mình khối đứa nghèo đói đi ăn mày nhưng ăn mày cũng phải có sức khoẻ và băng đảng đút lót mới có chỗ tốt mà đứng ăn xin còn không thì cũng bị đánh đập không dám bén mảng tới...
- Người ta khổ như vậy mà bố còn bày ra xây cất. Tại sao không quyên tiền cho họ?
- Nuôi thế nào được khi cả nước nghèo đói? Tiền bạc nào cho xuể khi ai cũng khốn khổ khốn nạn chi bằng nuôi dưỡng tinh thần họ. Xây nhà thờ cũng là mục đích cho họ tăng thêm phần đức tin và sống tốt lành thánh thiện.
- Nhưng đâu phải nuôi cả làng cả xóm như vậy? Đúng là lối lý luận thiển cận của thầy.
- Thiển cận nhưng thực tế. Thời buổi này ai cũng đói ăn, chỉ mong có việc làm để cố kiếm ngày hai bữa cơm. Bây giờ hàng xứ có công chuyện chẳng lẽ để người ngoài họ đâm đầu vào hưởng?
Phước lạnh người khi nghe ông Cửu kể kế hoạch với chương trình. Xây nhà thờ chứ nào phải đình đám, hội chợ mà kéo dài ngày tháng?
- Con nghĩ gọi công ty khoán cho họ, vừa nhanh lại vừa rẻ.
Và rồi nhớ đến những ngày giỗ chạp và ngày cưới hỏi của mình, cả một rừng người ồ ạt kéo đến ăn uống nói cười, Phước nóng mặt:
- Thầy cứ giữ cái tật háo danh mà nghèo cả đời. Đã vậy con không bỏ xu nào nữa cả.
Biết tính con mình riết róng xưa nay, ông buông lời châm biếm:
- Cả mười sáu năm nay nhờ chị em con Tâm mà tao không phải vục mặt xuống đống cứt.
Phước không nhịn được, giọng chàng trở nên gay gắt:
- Tại chúng nó cũng háo danh nên bây giờ mới chả ra gì. Người ta qua đây chỉ vài năm cần cù là khá, còn đàng này nghèo không dám nói thật sợ xấu hổ, cứ dấu đút che đậy. Thầy xem chẳng những khổ cho chúng mà còn làm khổ cả cho những người ở quê nhà. Cứ tưởng ăn uống vui mừng chia xẻ sự giầu có của con cái nào ngờ ăn trên mồ hôi và nước mắt của chúng.
- Thằng khốn, mày dạy khôn thầy bu mày đấy phải không? Ông Cửu cố đè nhịn sự nóng giận nhưng tiếng quát vẫn vang như sấm.
Phước không dám nhìn ông, cố hạ giọng cho nhỏ nhẹ, ôn tồn:
- Con nghĩ việc xây cất nhà thờ là việc tốt lành thánh thiện nhưng Chúa đâu muốn người ta dựng đền thờ nguy nga trong khi dân chúng đang lầm than đói khổ, bóp chắt từng nắm ngô hạt thóc. Chúa đâu muốn con chiên Ngài nhịn ăn nhịn uống để lo việc hình thức bên ngoài. Hơn nữa, lòng thành phát xuất tự tâm chứ không phải làm để được mọi người nể vì. Xứ mình có biết bao nhiêu người khá giả có con đi Mỹ mà sao họ chỉ đứng trong bóng tối để thúc thầy bu ra làm con cờ thí điểm. Họ lợi dụng sự háo thắng của thầy bu để chạy trốn những con mắt dòm ngó khác. Con nghĩ khả năng của mình đến đâu thì giúp đến đó. Cố gắng làm gì, chẳng những chuốc khổ cho mình mà còn cho cả những người khác.
Thực ra vì bản tánh hà tiện sẵn có nên Phước chỉ đứng về một phía mà xét đoán công việc của ông Cửu. Không phải ai giúp việc và công đức trong nhà thờ cũng đều háo danh. Có những người bỏ cả đời phụng vụ nhà Chúa chỉ vì đức tin. Đức tin là một động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy con người ta quên đói, quên khổ, quên nhọc nhằn để đến với Chúa. Đức tin cũng là một phương thuốc nhiệm màu giúp bao kẻ sa ngã, tội tù trở thành tốt lành. Có nhiều xứ đạo nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, từ cha đến con đói tơi tả nhưng bánh thánh và rượu nho, của lễ hàng sống, vẫn có cho mỗi ngày. Cũng có nhiều nhà mái rách, vách xiêu nhưng vẫn hăng say lo tu bổ nhà Chúa khang trang tươm tất. Với họ, nhà Chúa mới là nhà của họ, là nơi xoa dịu tâm hồn sau những giờ vất vả cực khổ, sau những lo lắng buồn phiền, là nơi than thở tâm sự những khi lâm vào cảnh khốn cùng và cũng là nơi mơ ước có cuộc sống tốt lành như trong ảnh Thánh Gia.
Đức tin chỉ là hình thể trừu tượng nhưng lại có sức phản kháng dữ dội. Thử đụng vào khối đức tin của Công giáo, Phật giáo, Tin Lành... xem sức chống trả của họ sẽ kinh khủng như thế nào? Vậy mà chẳng những Phước vừa đả kích bố mình lại còn dám đụng đến nhóm hàng xứ tốt lành của ông. Mặt ông Cửu đỏ bừng, giọng rít cao:
- Mày bảo chuốc khổ cả cho những người khác nhưng trong đó không có mày. Mày là thằng ăn cháo đá bát. Ai nuôi mày ăn học tới giờ này để rồi bây giờ bạc bẽo như thế? Tao bảo thật, kể lể vụ nhà thờ không phải tao có ý xin tiền mày đâu. Trước hôm xuống đây tao đã nhờ con Tâm gửi hết năm ngàn về Việt Nam dâng cúng vào nhà thờ rồi.
Phước tròn mắt nhìn như không tin chuyện có thật nhưng khi khám phá số tiền kếch xù ấy phát xuất từ đâu, chàng tối tăm mắt mũi phải bám chặt vào thành ghế cho khỏi ngã.
Giàn mướp được kết bằng những cành khô cắt từ mấy nhánh cây xòa xuống bên hông nhà. Hôm mới xuống ông Cửu thấy cây cối mọc um tùm, bóng mát từ những cành cổ thụ che quanh làm âm u tối mắt. Lại nữa vợ chồng Phước trồng kiểng quá nhiều mà không coi sóc nên khô cằn èo ọt. Hai hôm sau, ông vác dao ra chặt những nhánh thấp rồi lôi cuốc xẻng vừa đào vừa xới.
Nhà thế mà rộng, suốt cả ngày ông chỉ làm được một khoảng nhỏ. Bà Cửu sức yếu nên chỉ ngồi nhổ cỏ, nhặt nhạnh ba cái rác rến. Buổi tối vừa thấy vợ chồng Phước bước vào cửa, ông đã lắc đầu:
- Trong nhà sạch sẽ mà để bên ngoài chẳng khác nhà hoang.
- Tháng này trời ấm nên cỏ mọc nhanh lắm thầy ạ! Phước rửa tay rồi ngồi vào bàn ăn nói chuyện với ông bà trong khi chờ vợ sửa soạn bữa cơm tối, con cắt hoài đấy chứ! Cách tuần một lần.
- Cách tuần một lần mà gai bò ra tua tủa như đậu đũa, cào rách cả mặt mày, chân tay?
- Thứ đó chui từ trong những cây kiểng mà ra, giết nó là giết cả kiểng. Mà thôi kệ nó thầy ơi, để ý làm gì cho nhọc.
Cảnh bưng ba tách trà nóng để trên bàn nhưng vẫn lắng tai nghe chuyện. Mặc dù ngoài vườn cứ vài tháng một lần nàng mướn người cắt tỉa nhưng cây kiểng đa số phải chăm sóc hàng tuần mới đẹp tốt được.
- Từ lâu con vẫn thường nói với anh ấy, chỉ có thầy bu mới có thể biến vườn hoa còi cọt thành xanh tươi, rực rỡ. Mà quả đúng như vậy, mới có từ sáng đến chiều đã khác hẳn, lúc quẹo xe vào con cứ ngỡ đi lộn vào nhà ai.
Câu nói thông thường như khen ngợi công sức không ngờ lại có tác dụng khiến ông cười hả hê tuy đầu gối tê chồn và mỏi nhừ. Giọng ông thoáng chút hãnh diện:
- Phải hai tuần nữa mới đẹp được. Tao thấy đất đai dưới này tốt quá, cũng may hồi đi bu mày mang theo ít hạt giống ở quê nhà nên định làm vài luống rau mà ăn cho mát bụng.
Cảnh nhìn chồng mặt thoáng biến sắc khi hình dung những mảnh cỏ xanh tươi sẽ bị cuốc lên như nhiều gia đình Việt Nam đã làm nhưng trái lại Phước gật gù ra chiều thích thú:
- Dưới này đất đai có sẵn, thầy bu muốn làm gì thì làm, muốn trồng gì đó thì trồng. Mặc dù ăn uống chẳng bao nhiêu và nếu tính ra nhiều khi còn mắc hơn mua ở chợ nhưng bù lại thầy bu hoạt động cho giãn gân cốt, đi ra đi vào vừa khoẻ người vừa trông thấy vườn rau xanh tốt tạo thêm niềm vui và cũng là sự hãnh diện cho chính mình vì chưa đến nỗi vô dụng.
Cũng vì sự khuyến khích của Phước mà ngay hôm sau đi làm về, Cảnh điếng hồn khi thấy một khoảng vườn sau to hơn hai chiếc chiếu đôi được cuốc sạch cỏ, từng luống đất được xới xốp lên chạy dài thẳng tắp, nàng lặng người đến vài giây trong khi Phước trấn an:
- Em cứ để thầy bu làm theo ý thích, mai mốt anh mướn người trồng cỏ mới cho em.
- Mai mốt là đến khi nào? Cảnh hỏi bằng giọng buồn bã khi nhìn từng cụm cỏ tươi bị dẫy lên chất đống gần đấy.
- Chắc gì thầy bu ở với chúng mình, rồi em xem.
- Ở với chúng mình thì đã có sao nhưng giá anh nói thầy làm miếng đất ở sau garage thì khách khứa ra vô cũng không để ý.
- Em ở với thầy bu bao lâu còn không biết tính tình? Hai ông bà muốn khoe tài làm vườn mà chỗ này lại là chỗ thuận tiện nhất.
- Nhưng nó kế vườn hoa của em.
Phước cười lớn:
- Không chừng vườn hoa của em cũng bị lấn đất trồng cà cũng nên...
Hơn ba tuần sau, nhìn những hạt giống đã lú nhú xanh non như mạ, Cảnh không còn tiếc mảnh vườn nữa dù vườn hoa của nàng đã bị nhổ trụi và sát nhập luôn vào. Mỗi chiều vừa bước chân xuống xe, vai còn đeo bóp, Cảnh đã đi tắt qua luống mào gà để đứng nhìn. Thôi thì không thiếu thứ gì, từ cải ngọt, cần tây, mùng tơi, rau đay, cải cúc đang lú nhú nảy mầm trên ô đất xốp cho đến những cây giống xin được như tía tô, kinh giới, ngò gai cùng một lượt vươn cành lá xinh xắn. Cả một công trình và biết bao niềm vui lẫn hy vọng của lớp tuổi già được gói tròn trong ấy.
Bà Cửu có vẻ cảm động khi thấy con dâu thích vườn rau của mình. Cứ nhìn bàn tay nó vuốt nhẹ trên từng lá cải non mỏng như cánh chuồn chuồn, miệng liến thoắng không ngừng là bà lại mỉm cười sung sướng:
- Trời, có cả xu hào nữa hả bu? Đã vào hè rồi mà bu còn trồng được là hay lắm.
Trồng thì trồng chứ bà không có hy vọng vì hình như ở đây độ nóng mỗi ngày một tăng. Có nhiều lúc nắng thiêu đốt không khác gì Việt Nam.
- Dễ đến hơn chục năm rồi con không ăn rau cải làn, thèm chết đi được, không ngờ đất cằn cỗi thế này mà cũng lên, bu tài thật...
Bà Cửu đang bị cơn sốt của rau hành hạ nên mọi hạt giống bà đều ngâm mỗi thứ một ít và gieo từng ô một. Thứ nào mọc tốt thì bà đánh từng cây trồng ra luống, còn không lại gieo thứ khác chồng lên. Hôm đám mướp, bầu bí cùng lên một loạt bà bảo Phước làm cho cái giàn. Phước lắc đầu ngoay ngoảy:
- Bu cho nó trèo lên cây cổ thụ chứ làm giàn trông quê lắm!
A! Thì ra Phước cũng cảm thấy quê mà! Cảnh mỉm cười nhưng vẫn im lặng lắng tai nghe mẫu đối thoại giữa mẹ và chồng.
- Sư khỉ, có mày trèo chứ mướp nào trèo được. Cái tay nó kéo ra được bao nhiêu mà vòng hết gốc cổ thụ để lấy chỗ lên?
- Trời sinh voi, sinh cỏ. Nó không trèo lên được thì kiếm chỗ trèo xuống, trèo xuống không được thì trèo ngang.
- Trèo ngang cho đè hết lên rau rợ hở thằng lười? Đã vậy chả thèm nhờ nữa, mai tao bảo thầy mày lấy chà khô chất vào trông còn ghê hơn nữa.
Tưởng bà đe thôi ai ngờ chiều đi làm về Cảnh đã thấy sừng sững một cái giàn to như mái nhà tranh dựng chung quanh gốc cổ thụ. Từ cây cổ thụ dẫn đến những gốc bầu gốc mướp xa đến ba thước cũng được xếp chà nối dính liền.
- Anh kìa! Xem bu làm cái gì thế này! Cảnh đưa tay chỉ đám chà xếp ngổn ngang hỏi chồng.
- Thì cho nó bò theo để khỏi đi lung tung ra ngoài.
- Sao thầy không trồng mướp ngay gốc cổ thụ? Em nghĩ...
Phước chặn lời vợ:
- Vậy mà cũng đòi làm dâu nhà anh, khờ ạ! Không trồng ngoài này để lấy ánh sáng thì dẫu đất có tốt cách mấy cây cũng vẫn èo ọt, không chừng chẳng có trái mà ăn.
Cảnh nhìn đám chà nằm ngổn ngang thở dài:
- Vậy là khu vườn bỗng chốc thành khu rừng.
Phước trấn an vợ:
- Vài tuần nữa lá phủ xanh um là đẹp ngay.
- Đẹp đâu em chả thấy, chỉ thấy là anh quá lười không chịu làm cái giàn cho bu để giờ nhìn không thẩm mỹ chút nào.
- Dại, anh đã thấy mướp leo cổ thụ rồi, không khác dây trầu quấn cau. Tới kỳ nở hoa vàng ối cả một vùng...
Nghe chồng kể, Cảnh mường tượng tới những loại dây Wistaria hay quấn quanh cây cổ thụ. Mùa xuân nở hoa tím, từng chùm buông rơi ở những nhánh thấp là đà, lên trên cao hoa xòe rộng và tản mát như chiếc lưới khổng lồ phủ kín tàng cây. Hoa mướp vàng sẽ rực rỡ hơn nhiều, lại còn trái của nó nữa. Nhưng mà... Cảnh buột miệng:
- Làm sao hái trái được hả anh? Nó đâu phải như trái ổi trái cóc, cuống và dây đều bằng nhau lại dai khó cắt. Giựt xuống được một trái nó đứt cả giàn, đã vậy ăn hết ngon vì bị dập.
Phước cười gạt đi:
- Chắc gì ăn tới nó, anh đã nói thầy bu trồng để khoe mà! Sang năm mình có mấy trăm cái sơ mướp tha hồ tắm.
- Vậy thì mình cũng sẽ có những chiếc bầu nậm đựng rượu.
Phước bật cười:
- Hồi xưa chai lọ hiếm nên mới phải dùng những thứ ấy. Bây giờ xài vứt đi không hết mà tội gì phải dùng nó cho mất vệ sinh.
- Không thì em cũng phải để vài trái chưng trong nhà cho đẹp.
- Ai trèo lên mỗi ngày uốn nó thành cái bầu nậm cho em?
Cảnh ngạc nhiên:
- Em tưởng tự giống của nó mang hình thù như thế?
- Chỉ một phần nhưng chính yếu vẫn là phải uốn nắn mỗi ngày theo ý mình chứ...
****
Mới đó mà đã hơn hai tháng. Từ hôm về Việt Nam, Nụ chỉ đánh điện sang có một lần rồi mất biệt. Vợ chồng Chẩn viết thư sang thì cũng chỉ nói vắn tắt là đám con ông Nhơn không thành vì Nụ quá kén chọn. Bởi thế, nhờ mù tịt tin tức mà ông bà dỡ phải lo nhưng mỗi buổi trưa đứng nắng, ông bà hay ngồi dựa dưới gốc cây tay phe phẩy chiếc quạt và vẫn tưởng nhớ thời xa xưa còn ở quê nhà... Họ nhớ đến vườn rau ao cá, nhớ đến những hàng dừa xum xuê trái, nhớ đến những cây vú sữa trắng trước cửa nhà rồi thở dài ra chiều tiếc nuối quãng thời gian đã qua.
- Ở Việt Nam thế mà vui bà nhỉ!
- Chứ còn gì nữa. Tôi nhớ mọi lần giờ này thằng Lài đang bò đôi tay mập lên đầu tôi mò từng con chấy.
- Tưởng gì chứ nhớ thằng Lài bắt chấy thì tôi cũng phục bà thật. Ông cười buồn trong khi đưa tay giết con kiến đang bò trên quần mình.
- Bộ không phải vậy sao? Gà bên mình ăn nó ngọt thịt.
- Bà có ăn được thịt gà đâu mà rộn.
- Ông này cứ chận họng người ta, cứ chưa nói hết câu thì ông lại bít lời. Bà cười, làn da được dịp căng ra. Dễ chừng bà mập lên cũng phải mấy ký.
- Lời của bà ai mà bít được, ơ hay ăn với nói.
Bà biết chồng trêu nên cười ha hả, hàm răng màu vàng đục chưa rụng mất cái nào.
- Dưới này khí hậu thế mà tốt, tôi hết cả bệnh đau lưng.
- Thì nóng có khác gì Việt Nam, với lại chỉ vài chục bước là ra tới bờ sông. Nó khỏe là ở chỗ ấy.
- Vậy mà sao ông cứ một hai đòi về?
Ông Cửu không trả lời mà bắt đầu thở dài. Người ta bảo lá rụng về cội, nước chảy về nguồn. Còn ông, cội nguồn, họ hàng, giòng tộc cũng chỉ một phần. Tiếng gọi của quê cha đất tổ không đủ mãnh liệt làm ông bồi hồi xúc cảm. Có một cái gì thật mơ hồ, thật nhẹ nhàng, không hình không sắc chỉ thoáng lướt qua nhưng đủ cứa vào da thịt ông. Mỗi lúc ra vườn ông lại thấy lòng nhói lên, mắt rưng rưng muốn khóc và cảm giác mất mát từ đâu tràn tới. Phải rồi, nó từ luống rau bò qua giàn mướp và len lỏi trong các giậu đậu đũa. Nó từ vồng đất xốp mới rắc phân bám trên những hạt non vừa nhú mầm. Bây giờ thì ông chợt hiểu sự mơ hồ đó chính là cái dĩ vãng. Cái dĩ vãng một mình làm chủ trong nhà, làm cột trụ của họ hàng anh em. Còn giờ đây tuy ăn uống đầy đủ sung sướng nhưng nào có khác chuột rơi chĩnh gạo, ăn no nằm kềnh ra đó, cứ ăn rồi lại ngủ. Ông bây giờ có khác gì kẻ tột cùng cô đơn lạc lõng trong hoang đảo, một hoang đảo chỉ toàn đất khô cằn sỏi đá, không có tiếng chim kêu, không có tiếng róc rách của suối chảy và ngay trái rừng ngọt cũng chả có. Ngày nào mà ông chẳng than buồn, than nhớ Việt Nam đến nỗi nhiều lúc bực quá Phước cũng phải gắt:
- Thầy qua đây là để sống vui với con cháu chứ đâu phải vì vật chất mà cứ than với trách.
- Tao không có trách nhưng mày thử nghĩ xem, xưa rày có khi nào tao chịu ngửa tay xin tiền đứa nào thế mà bây giờ không những nuốt nhục há miệng xin cũng chẳng có đứa nào cho.
- Vì thế nên thầy đòi về Việt Nam?
- Không hẳn như vậy, tao về chỉ vì khí hậu không hợp.
- Bây giờ còn ai nữa mà thầy đòi về? Anh chị vài tháng nữa qua đây, nhà cửa cũng cho đi...
Phước đâu hiểu ý ông, về để tạo dựng từ đầu thì sức nào nữa mà ganh đua. Ông bắt đầu giãi bày tâm sự:
- Năm ngoái tao thấy có nhiều người qua đây nhưng không thính hợp họ lại quay trở về mua nhà cửa, vườn tược...
- Thôi cho con xin. Chỉ có những người điên mới để cha mẹ mình đi đi về về như thế. Thầy bu ở đây với chúng con, Chúa cho sống được ngày nào an vui ngày nấy. Mai kia con cháu lớn lên lập gia đình thì họ nhà Nguyễn mình lại lan rộng sợ không đủ đất chứa.
Ông có vẻ giận:
- Tao chết ở đây được bao nhiêu người vuốt mắt? Bán anh em xa mua láng giềng gần, về bên đó lỡ có ốm đau cũng còn có bà con làng xóm chạy qua chạy lại, khi chết cháu chắt cũng vài trăm đứa mặc áo tang và cả ngàn người đi đưa ma.
- Chúa ơi! Sống chưa qua mà thầy đã lo chết. Xác đất vật hèn, chết là hết, là nhắm mắt hai tay buông xuôi còn biết đâu ma chay cỗ bàn.
Ông Cửu lườm con, mặt ông đanh lại:
- Ai bảo con người không có linh hồn? Cái xác nằm đây nhưng tao biết hết. Về bên đó ít ra tao cũng còn được cả trăm lễ Misa.
- Con hứa sẽ xin cho thầy một ngàn lễ.
- Một ngàn lễ của mày không bằng một trăm lễ của họ và một năm cầu nguyện của mày cũng không bằng một tuần kinh của họ. Mày không biết là chỉ những lời cầu nguyện tập thể mới đến tai Chúa?
Phước lắc đầu. Đã bảo Chúa ở khắp mọi nơi, hằng nghe thấy ta cầu nguyện mà giờ này đã gần đất xa trời mà ông cụ vẫn một lòng lo sợ không được về nước Chúa nếu không có đám ma và lễ lậy thật lớn.
- Mai kia già như tao rồi chúng mày mới thấy cái chết sẽ ám ảnh ghê sợ như thế nào. Giá Chúa cất ngay về thì còn bảo là không kịp dọn phần linh hồn, đàng này chết già mà cũng không sửa soạn cho chính mình trước được hay sao?
- Con tưởng dọn hồn cho trong sạch là đủ chứ đâu cần phải dọn cả xác?
- Mày nói thế mà nghe được à! Không sẵn sàng thì ai sẽ vào đó mà lo ma chay đám táng, ai khiêng hòm đắp mộ?
- Không lẽ cỗ hòm miếng đất con mua không nổi? Nếu thầy lo lắng quá thì cuối tuần này chúng con chở thầy bu đi lựa bia mộ, xong xuôi vào nhà hòm lựa kiểu luôn.
- Tao không cần, ông ra chiều tủi thân, hòm đẹp làm gì, mộ xây mộ đúc làm gì khi người nằm xuống chẳng nghe được tiếng gào khóc tiếc thương của người còn sống.
Phước bực bội vì tính quái đản của ông. Người già ương dở đã đành, riêng ông lại còn thêm cái tính màu sắc phô trương bóng lộn của trẻ con. Chàng thở dài:
- Con cũng đến sợ sự lo xa của thầy. Thế bây giờ thực sự thầy bu muốn về?
- Chứ còn gì nữa. Chúng mày cho vài chục ngàn, về bên đó tao mua hơn trăm gốc dừa và căn nhà đúc là kể như hiếu chúng mày đã trả xong. Có chết tao cũng yên lòng nhắm mắt, còn có nhớ đến thì chúng mày xin Cha dâng lễ mỗi năm một lần là đủ rồi.
Bây giờ thì Phước đã hiểu ra. Vài trăm gốc dừa và căn nhà đúc vẫn quyến rũ hơn cuộc sống thanh nhàn và hơn cả cái hạnh phúc xum vầy với thằng con ruột thịt. Một cái đám ma kèn trống vang trời cờ tang bay phất phới bên nhà vẫn hơn những giọt nước mắt chân tình và tiếng khóc thương tiếc của đám con cháu bên này. Câu một chén máu đào hơn ao nước lã làm Phước thấy xót xa. Chính thầy mình đã quên đi những giọt máu ruột thịt thân tình chỉ vì mãi đeo đuổi tiếng tăm hão huyền. Tuy phiền muộn nhưng Phước vẫn cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến chuyện xa cách:
- Thầy nói gì những lời trăn trối xa nhau đó. Con để thầy bu về là đã mang tội bất hiếu rồi vì trả hiếu đâu phải trả bằng tiền bạc. Từ hồi nào đến giờ, chúng con chưa được đền đáp công sanh thành dưỡng dục thì thôi bây giờ con cũng xin thầy bu cho chúng con cơ hội ấy.
- Tao đã nói rồi, ông Cửu khăng khăng, đó là cách trả hiếu con ạ!
Phước thở dài khi nghĩ đến số tiền kếch xù sẽ chi một cách vô lý và lúc cha mẹ mình bị đám họ hàng xa gần dùng miệng lưỡi tâng bốc để mà đục đẽo bòn rút. Chàng chỉ có thể nuôi được cha mẹ chứ làm sao gánh vác nổi cả xóm làng anh em. Không phải qua Mỹ kiếm được đồng tiền khó khăn Phước mới có ý nghĩ đó mà ngay hồi còn ở quê nhà, chàng đã cảm thấy bực dọc mỗi lần đình đám vì thấy họ đến đâu phải góp lời cầu nguyện. Không tin thử bày ra vài ấm nước trà với chõ xôi đậu xem anh em bà con xa gần có ai thèm đến nữa không. Hoặc nếu gia đình Phước nghèo khổ, chắc gì họ đã bén mảng chứ đừng nói chi chầu chực đình đám. Giá cha mẹ Phước có cuộc sống nhàn hạ sung sướng và của ăn của để dư giả thì tạm cho là đúng, còn đàng này ông bà phải đổ từng giọt mồ hôi để lấy chén cơm, ký ca ký cóp bòn nhặt từng đồng, nuôi con gà con qué khổ cực, vất vả thì có lý nào chỉ vì một cuộc vui, với Phước là cái danh vọng hão huyền, mà tiêu xài phí phạm như vậy?
Đã biết bao người khá giả, nằm ăn chơi cả ngày, đến khi có việc lỡ chạy đến mượn tiền, vậy mà cha mẹ chàng cũng vẫn đưa, viện cớ họ khá thế mà phải xấp mặt xuống mình mượn tiền là sự chẳng vừa. Phản đối hoặc giải thích cách mấy ông bà cũng một mực không nghe thì thôi Phước cũng phải bó tay. Cũng chính vì thế mà buộc lòng chàng phải chi li, keo kiệt là vì muốn ông bà nhìn thấy những việc làm mù quáng điên rồ ấy. Nào ngờ cho đến giờ này qua bao dâu bể thăng trầm, ông cụ vẫn còn mơ vài trăm gốc dừa.
Nhớ những ngày mới qua, chân ướt chân ráo Phước đã phải chạy bạy đi làm hai jobs với số lương nhỏ nhoi, thấp nhất nhằm mục đích tạo căn bản sau này. Phương tiện di chuyển chỉ là chiếc xe cũ kỹ bánh mòn nhẵn. Ngày cũng như đêm Phước lái xe lầm lũi trên những con đường mờ mịt sương mù hoặc những lúc mọi người còn đang đắm chìm bên giấc ngủ. Phước nhớ những lúc bóp mồm bóp miệng, nhịn thèm nhịn khát và hạn chế luôn cả sự tiêu xài tối thiểu cần phải có cố dành dụm từ một xu nhỏ. Chàng biết mình còn nặng gánh gia đình và cũng là người cầu tiến nên bằng bất cứ mọi cách phải có chút vốn liếng để vươn lên. Cảnh cũng làm việc không kém chồng, ban ngày đi nhận hàng, cơm nước, quần áo, lo việc học cho con, ban đêm chong đèn làm bạn với cái máy may cho đến sáng để kịp giao hàng đúng kỳ hẹn.
Phước không coi trọng đồng tiền nhưng chàng hiểu nơi xứ Mỹ tiền kiếm chẳng dễ, nhất là bằng mồ hôi và nước mắt của mình. Chàng xài những gì đáng xài và để cho vợ toàn quyền sắm những gì đáng sắm. Từ một kẻ thất trận phải lìa bỏ quê hương, từ một tù cải tạo, từ một thuyền nhân và từ đau khổ mất mát tận cùng, Phước đã đánh ngã được mềm yếu thường tình để không còn mặc cảm với Vietnamese refugee suốt đời sống bám vào xã hội Mỹ hưởng tiền trợ cấp. Cái cửa tiệm nhỏ cũng đủ nói lên phần nào sự kiêu hãnh của người mang giòng máu Việt, tạo sự ghen tị với chính dân bản xứ.
Phước cũng không tiếc số tiền vài chục ngàn nếu đồng tiền mang đến cho cha mẹ mình một niềm hạnh phúc thật sự. Chàng có cảm tưởng hạnh phúc đó chỉ là ảo tưởng, như những vệt nắng lung linh ngoài cửa sổ, thấy đó rồi tan biến đó. Hơn nữa mẹ chàng, người đàn bà cả đời khổ cực, nay ốm mai đau, bà đã từng rên rỉ bên nhà là chỉ cần sang Mỹ chữa cái lưng thì không lẽ vừa qua đây lưng chưa chữa đã muốn trở về? Không, Phước cương quyết phải cứng rắn để giữ cha mẹ mình ở lại, bằng bất cứ hình thức nào. Với giọng tính toán như ngày xưa, chàng dõng dạc:
- Con không hứa gì hết, nếu thầy quyết về thì chờ anh chị Chẩn sang rồi tính và số tiền vài chục ngàn sẽ chia đều cho bốn người, chúng con chịu một phần.
Ông Cửu ngẩn người nhìn thằng con keo kiệt. Cái thứ đã keo thì tiền chục tiền trăm cũng vẫn keo:
- Chúng nó làm gì có tiền mà bổ với chia? Vậy chứ tao nằm xuống chúng mày cũng dừa nhau, tị nạnh nhau cho cái xác xình thối lên à?
- Thưa thầy, Phước nhỏ nhẹ, chết là chuyện bắt buộc xảy ra nên dù muốn dù không mặc lòng vợ chồng con cũng phải có ít nhiều trách nhiệm. Còn đàng này, chuyện làm ăn của thầy...
- À! Thì ra mày cho rằng gia tài tao không để cho nên mày không phải có bổn phận? Tao già cả thế này, xin miếng đất để ở mà mày bảo là lo chuyện làm ăn riêng tư? Đúng là thứ bạc. Ngày xưa tao nuôi mày thế nào, có bao giờ tính toán so đo mà bây giờ mày chi chiết với tao từng đồng...
Ông vừa kể lể vừa gay gắt được phụ họa bằng giọng thương thân trách phận, những tiếng như ai oán từ miệng người cha già làm lòng dạ Phước rối bời. Không lẽ chỉ vài chục ngàn mà Phước để cho cha mình khổ tâm đến như vậy và chẳng lẽ chỉ vài chục ngàn mà để ông phải mất đi niềm hy vọng cũng như sự hãnh diện của cuộc sống? Khổ nỗi nếu Phước làm thỏa đáng những đòi hỏi của ông có khác nào đồng lõa đẩy ông lùi về thế kỷ xa xưa, sống với đám người hủ lậu mua bán địa vị chức tước. Ở đây giá trị con người không nhìn vào những thứ đó mà chính bản thân, tư cách và công việc làm ăn. Giúp ông số tiền to tát về Việt Nam có khác nào may cho ông chiếc áo hào nhoáng lòe bịp những con dân đói khổ, tự đẩy họ vào cái gông cũi mặc cảm nghèo hèn và cha mình, kẻ chuyên dùng tiền bạc tạo giá trị có cơ hội khoe khoang, kênh kiệu, tự cao tự đại lên đến tận trời.
- Thôi để từ từ con tính. Phước lại khất lần cho êm chuyện.
- Tao biết mày chờ con vợ mày về để xin lệnh nó.
Để kết thúc câu chuyện ông lại lôi Cảnh vào. Cảnh là đầu mối của mọi tội lỗi, mối hờn như chất rỉ sét ăn dần trong sắt khó có thể rửa sạch...
- Ông nghĩ gì mà tôi hỏi đến mấy lần cũng chẳng nói?
Bà Cửu lắc mạnh tay ông. Đôi mắt lạc thần đã trở lại tinh anh, ông nói trớ:
- Đang riu riu ngủ.
- Vậy thì vào nhà chứ ngồi đây cho muỗi nó cắn?
- Cái Dung đã đi học, còn ai mà vào nhà làm gì cho buồn?
Bà biết chồng đang có tâm sự nên nhỏ nhẹ an ủi:
- Hay là đừng về nữa. Quyết định thế nào nói cho con cháu bớt lo lắng. Ngay cả đến tôi còn ăn ngủ không yên vì ông cứ nay thay mai đổi.
- Chứ thật tình bà không muốn về hở?
- Về làm gì, ở đây không sướng chán ư! Mới qua vài tháng mà ông trắng bóc, trẻ hẳn ra.
- Tôi chẳng cần trẻ hay già. Có điều sống nhờ chúng nó mãi thế này thấy hèn người đi.
- Ở đâu mà chẳng phải nhờ chúng nó? Tuổi mình bây giờ đâu còn làm được gì. Thôi thì hứa một lời cho chúng nó vui. Mà tôi bảo thật, nếu ông cứ khăng khăng tôi để ông về một mình.
Ông Cửu thở dài buồn bã:
- Bà nhất định ở lại?
- Ừ! Tôi thấy ra ngoài mặc dù lạ nước lạ cái, dù không cùng tiếng nói màu da nhưng về nhà có con có cháu. Chúng hiếu thảo lễ phép, cuộc sống lại nhàn hạ không phải lo gì.
- Bà sống trong nhung lụa nhưng nhung lụa có phải là của bà? Bà sống trong nhà cao cửa rộng nhưng nó cũng chẳng phải là của bà. Có muốn đi đâu đều bị tù túng lệ thuộc vào con cái, như chó rúc gầm chạn mà bà bảo được rồi?
Ông gắt lên làm bà chột dạ. Thực ra bà không có lập trường vì xưa nay ông nói sao bà nghe vậy, phải cũng nghe mà trái cũng nghe. Chính vì thế nên chỉ một chút khó chịu của chồng bà cũng phải đặt dấu hỏi là mình đã làm gì quá đáng. Thuyết phục chồng bằng hình thức ở lại rất là khó vì bà chỉ dọa chứ nào dám xa ông. Bà đăm chiêu:
- Lỡ chúng không cho tiền về thì sao?
- Bởi vậy mới phải tính.
Tại sao lại phải tính? Đã quyết thì dù có tiền hay không cũng về chứ sao lại tính? Chợt như một thức tỉnh, bà sững sờ nhìn ông rồi buột miệng:
- Này tôi hỏi thật. Có phải ông định đánh lừa chúng nó?
****
- Hello... Vâng, con nghe đây.
- Việc tao nhờ mày đến đâu rồi?
Ông Cửu ghé sát tai vào chiếc điện thoại, giọng oang oang. Bên cạnh, vợ ông đứng lắng tai nghe ngóng.
- Ba năm họ mới cho tiền già. Nếu thầy muốn mượn bây giờ thì phải khai báo rắc rối lắm.
- Có gì đâu, tao cứ bảo là chúng mày bạc đãi, hất hủi nên phải đi lang thang.
- Thầy cứ vớ vẩn, Tâm hạ thấp giọng xuống, con nghĩ anh Phước không bằng lòng làm như thế là đúng, vì có ai mượn mà không phải trả?
- Mượn là một chuyện, trả lại là chuyện khác. Với lại họ có đòi liền một lúc đâu? Sau ba năm khi được lãnh tiền già, có trừ đi mỗi tháng vài chục bạc thì liệu lúc đó tao còn sống? Mày đừng có giở giọng thằng Phước ra mà chết với tao.
Bên kia đường dây Tâm thở dài thườn thượt:
- Con chẳng hiểu ai xúi bẩy thầy như vậy không biết. Mình đâu đến nỗi nào.
- Chuyện, tiền chùa không xài cũng uổng đi. Đám con nhà Chẩn bảo tiền này là của mình hồi trẻ đi làm đóng thuế, bây giờ lấy về có sao đâu.
- Lại đám con chị Chẩn, cái lũ lười biếng. Nếu cứ như chúng nó có già cũng chỉ hai bàn tay trắng. Mà hồi trẻ, thầy có ở đây đâu mà bảo đi làm?
Ông Cửu bực dọc:
- Tao không làm nhưng mày, thằng Phước, vợ Cảnh, còn ai vào đấy nữa?
Tâm ngần ngừ một chút rồi thở ra:
- Con có hỏi rồi, cả thầy bu mới chỉ có hơn ba trăm bạc.
- Trời ơi, ba trăm mỗi tháng mà không nhiều à? Mày cứ lo cho thầy bu đi.
Bên đầu giây Tâm im lặng không trả lời khiến ông sốt ruột:
- Sao mày không nói gì hết vậy?
Giọng Tâm có vẻ lo ngại:
- Nếu quả thực anh Phước khá như vậy sao thầy không ở yên trên ấy rồi bảo mỗi tháng anh chị biếu vài trăm cho thầy bu tiêu xài, chứ về đây biết ở đâu?
Điều này ông đã nghĩ từ trước nhưng số tiền to tát kia vẫn hấp lực ông mạnh hơn.
- Tao đã nói rồi, ở với cái Nụ chứ còn ai nữa.
- Ở với anh Phước sung sướng như thế không muốn, thầy lại muốn xuống dưới này để tiếp tục ôm mền gối như dạo nọ.
Câu nói của Tâm khiến ông chột dạ. Nhớ đến lời gớm ghiếc của Thành hôm nào lòng ông lại nao nao se thắt.
- Tới giờ làm việc rồi. Thôi để con tính lại rồi mai sáng sẽ gọi cho thầy.
- Khoan... Khoan đã.
Điện thoại cúp vội và tiếng ù ù vang lên. Ông uể oải gác ống nghe về chỗ cũ. Cả tuần nay liên lạc với đám cháu, con của vợ Chẩn, đứa nào cũng xúi ông xin tiền già, vậy mà ở đây gần hai tháng rồi thằng Phước dấu biệt chuyện đó. Tuần rồi lựa lời mãi ông mới dám hỏi thì nó gạt phăng đi:
- Thầy cần tiền để làm gì cơ chứ! Ở với con ai cho tiền mà xin với chẳng xin?
Thế là ông im ngay dù trong lòng ấm ức. Thằng này hễ đụng tới tiền là nó co rút lại như con quấn chiếu. Hôm nọ xin vài chục ngàn về Việt Nam mua đất cát nó lờ tiệt, cũng may ông không nói thật ý định của mình. Đó chỉ là một cái cớ để khi về thăm ông có tiền ra tiền vào đủng đỉnh xài, cho người này, bố thí kẻ kia. Hôm ra đi ông đã chẳng hứa với họ sẽ về thăm là gì! Cho nên định bụng chơi vài tháng một năm, hết tiền ông sẽ gọi con mua vé cho ông sang lại. Nào ngờ...
- Ông tính sao?
Bà Cửu chờ đợi mãi, cứ thấy chồng ngồi tư lự chịu không nổi bèn hỏi lại:
- Ông tính sao?
- Còn bà tính thế nào?
- Tôi có biết gì đâu mà tính. Nghe tiếng được tiếng mất, chả hiểu nổi.
- Đại khái vợ Tâm bảo tôi là họ cho mượn hai người khoảng hơn ba trăm mỗi tháng.
- Chỉ có ba trăm thôi à? Bà hỏi bằng giọng thản nhiên.
- Chứ còn muốn mấy nữa. Mình có xài gì đến nó đâu, của dư của để.
- Biết rồi, nhưng mấy đứa con vợ Chẩn bảo nếu về "Tếch Xịt" được những hơn sáu trăm.
- Chao ơi! Ông giật nảy mình, sao mãi giờ này bà mới nói cho tôi biết?
- Đêm qua lúc ông ngủ, tôi gọi cho chúng rồi sáng nay quên tiệt.
- Mà bà có biết đám con vợ Chẩn ở khúc nào không?
- Ai mà biết! Nó bảo Tếch Xịt là biết Tếch Xịt. Hôm nọ con vợ Tâm nói từ nhà nó xuống đám con vợ Chẩn hết hơn một ngày một đêm.
- Cũng chẳng xa là bao. Như vậy tôi quyết định về ở với mấy đứa cháu ngoại. Bà tính sao?
- Tiền thì ai chả ham nhưng phải để từ từ xem chúng ăn ở thế nào chứ còn xin được sáu trăm mà xài hết thì đi làm gì?
- Chứ mình không ở chung với đám kia được sao?
- Thì con vợ thằng Hạnh bảo về ở chung với chúng coi sóc hộ mấy đứa cháu cho nó đi làm. Nhưng đã chắc đâu đấy! Chưa đến, chưa nhìn tận mắt thì đừng nghĩ rằng mọi sự xảy ra đều tốt đẹp như ý mình muốn.
- Ôi! Bà cứ lo xa. Cả hai vợ chồng chúng nó đi làm thì khối gì tiền mà bà phải sợ chúng bổ ngửa ra lấy của mình mấy trăm bạc? Quyết định như vậy bà nhá!
Không đợi bà góp thêm ý kiến, ông hăm hở chạy vào phòng lấy mảnh giấy và cây viết ra, miệng lẩm nhẩm tính toán. Sáu trăm đồng một tháng, một năm mười hai tháng được những bẩy ngàn hai. Năm năm lên tới ba mươi sáu ngàn. Chao ơi! Ông bật kêu to, toàn thân lạnh toát và run lẩy bẩy. Năm năm được ba mươi sáu ngàn. Mười năm được bẩy mươi hai ngàn. Trời mà cho ông sống thêm vài chục năm nữa thì chẳng mấy chốc thành triệu phú. Vậy ở xứ Mỹ đâu khó kiếm tiền như nhiều người vẫn than thở mà khó hay không là tự nơi mình.
Người ông bần thần như sắp sửa lên cơn sốt. Cơn sốt tiền quả thật khó chữa trị, nó cứ nóng bừng bừng, làm chùng những sợi dây thần kinh đầu khiến cho cơ thể ông bải hoải tạo dịp ngưng nghỉ chờ đón tính toán vĩ đại của ông thuận dịp được phụ họa bằng tất cả năng lực thể xác cũng như tinh thần có cơ hội bung ra. Giấc mộng triệu phú không mơ mà được. Chỉ vài ba tháng nữa thôi, sau khi rời khỏi nơi này, ông sẽ làm cho các con ông sáng mắt. Nhất là thằng Phước có ăn có học mà còn không biết cách làm ra tiền, để cho cha mẹ già một chữ tiếng tây, tiếng u chẳng biết, xe cộ cũng không mà chỉ một chút khôn ngoan, tính toán trở nên sung sướng cả đời...
Ông Cửu chống tay lên cằm nhâm nhi từng ngụm trà nóng sắp đặt mọi kế hoạch trong đầu. Bên cạnh, vợ ông cứ làm như sẽ đi ngay, chép miệng tiếc rẻ mấy chục gốc mướp, vài luống mùng tơi sắp được ăn. Mặc, đầu óc ông bây giờ chỉ còn nhộn nhịp quang cảnh đón rước tấp nập ngày ông bà từ Mỹ Quốc trở về thăm làng... Xe du lịch mới tinh chính hiệu nhập cảng sẽ đưa ông về đến tận nhà và túc trực ngày đêm ở đó. Ông sẽ có những chuyến du ngoạn về Cái Sắn, Vũng Tàu, Rạch Sỏi thăm bà con anh em. Ông sẽ bỏ ra vài chục đô la mua bò heo rượu đãi cả làng cả xã cho họ phục lăn. Ông sẽ có những bữa ăn thật sang trọng ở nhà hàng nổi bến Bạch Đằng hoặc ghé phở Hiền Vương, bún chả hẻm Casino và những tiệm chẳng sang mấy mà dám ngang nhiên kỳ thị chia hai loại khách riêng biệt: một cho những người Mỹ gốc Việt về thăm quê hương với những tô đặc biệt thịt đầy ắp, quất giá thật cao, một cho dân bản xứ với chất lượng và giá cả phải chăng như lời kể của vợ chồng Chẩn. Ông sẽ đi từng nhà hàng một, ngang nhiên vào chỗ sang trọng và sẵn sàng vung tiền vào mặt họ để cho họ biết rằng không phải chỉ có những người ngoại quốc mới được tiếp đãi nồng hậu mà tất cả mọi người, nhất là những người như ông sau chuyến du lịch từ Mỹ trở về.
****
Buổi trưa,
Mặt trời đứng ngay đỉnh đầu rọi ánh nắng qua mái nhà bằng kiếng đục làm những cánh hoa lan trắng như sữa nổi bật bên những lá xanh dài như muốn cắt đứt không gian. Xen kẽ vào hình ảnh sống động đó, từng khóm cúc tây rực rỡ đang rung rinh trong ánh nắng. Cách khoảng, bụi trầu bà bò ngoằn ngoèo, thòng xuống từng dây dài lơ lửng ở khoảng không. Tất cả được trồng vòng chung quanh lan can hình chữ nhật rộng gấp bốn chợ Bến Thành. Nơi ông bà Cửu ngồi là tầng thứ hai trong Esplanade Mall, một trong những thương xá tương đối lớn ở thành phố New Orleans. Từng tiệm bán quần áo, mỹ phẩm, bông tai, đồ chơi, máy móc, bàn ghế, tranh ảnh v.v... nằm san sát. Đi suốt từ sáng đến trưa mà ông bà chỉ ghé vào chưa hết tám tiệm. Còn cả gần trăm tiệm nữa nếu cố theo chân vợ chồng Phước có lẽ cũng rã cẳng nên ăn trưa xong, ông bà ngồi lại mặc cho đám con cháu muốn đi đâu thì đi.
Mùa hè, trường học đóng cửa, mọi sinh hoạt hầu như dồn hết về những cuộc vui chơi ngoài trời như cắm trại, thể thao, du thuyền, câu cá hoặc mua sắm trong các thương xá. Cuối tuần, trong thương xá đông nghẹt những khách bộ hành. Người ta qua lại, cười nói, ồn ào, vui nhộn như phố Lê Lợi vào những dịp lễ. Có khác chăng nơi đây được gói tròn trong chiếc hộp khổng lồ với máy lạnh, ánh sáng, điện, nhạc, hoa, hương thơm và nhất là sự thoải mái khi đi lại. Chiếc hộp khổng lồ với đầy đủ tiện nghi, ăn uống, vệ sinh, điện thoại đã ngăn cách hẳn thành phố xô bồ bên ngoài, một thành phố nghẹt thở với xe cộ, khói xăng và nóng. Nóng ở Lousiana không thua gì Texas, Mecico và chắc chắn nóng hơn cả Việt Nam. Nhiều hôm mới ra ngoài vườn, lưng ông bà đã ướt đẫm mồ hôi, cũng may trong nhà Phước luôn bật sẵn máy lạnh nên khi trở vào chỉ một thoáng là áo đã khô và cảm thấy dễ chịu ngay.
- Đi đi ông ạ! người dọn bàn qua lại mấy lượt cứ thấy mình ngồi đây kỳ chết.
Bà Cửu lay tay chồng trong khi ông vẫn ngồi tư lự, mắt hết nhìn khóm hoa lại quay xuống những túi quần áo vừa mới mua để ở dưới chân:
- Kỳ gì mà kỳ. Nó chém mình cả gần năm chục bạc chứ đâu phải ít. Mà có gì đâu, vài cái "hót đoóc", vài bểu mì xào khô cứng phải cố nuốt.
- Rồi ông ngồi đây bắt vạ nó? Rõ là trẻ con, đã ăn thì phải trả tiền, trả tiền thì phải đi cho người khác ngồi.
- Ở đây đắt hàng lắm mà bà cứ rộn? Cứ ngồi thêm một chút có chết ai đâu, nó còn cầu cho mình ngồi để "câu" những khách khác.
Thấy ông không muốn đi, bà Cửu đành ngồi im, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn dãy đèn thắp sáng ngời chạy dài dọc hai bên hành lang của thương xá thở hắt từng chập. Không như ông vô tư, bà lúc nào cũng nhớ đến hình ảnh Nụ với đôi mắt đục ngầu dục vọng và bàn tay lông lá của thằng Mễ. Cái hình ảnh thảm thương đó ám ảnh bà mãnh liệt vô cùng, nó đi theo bà mỗi tối trong từng giấc ngủ, trong những cơn mơ chập chờn với cái Nụ mất tính người. Giá Nụ bình thường thì bà còn tự an ủi hay là nó đã yêu, hay là nó mất nết hư hỏng, còn đàng này không còn tính người thì biết gì là tốt với xấu. Thương con bà tưởng cho Nụ về Việt Nam là yên ai ngờ ba tháng trời về bên nhà im vắng, sang đây Nụ cũng không một lần thăm gọi. Tuần rồi nghe vợ Tâm cho biết Nụ đang ở nhà, bà gọi điện thoại thì chỉ nghe reng, một lần mà mười lần cũng vậy. Cái Nụ muốn lánh mặt tất cả mọi người kể cả chuyện trò! Chuyện trọng đại như thế mà cả nhà cứ vững chân như vại làm như chuyện trời ơi đất hỡi ở đâu. Đôi ba lần bà muốn nói riêng cho Phước biết nhưng lại sợ làm cản trở chuyến đi sang Texas của bà. Thôi thì ráng chỉ hai ngày nữa sang đến đó rồi nói cũng chẳng muộn. Với lại chuyện chỉ là phỏng đoán trong trí tưởng tượng của bà chứ chưa có gì chính xác để phải nổi trống gióng phèng. Và có nói với ông Cửu chỉ thêm khổ bởi vì ông sẽ làm rùm lên rồi chửi phủ đầu như đã từng làm. Đã thương con thì thương cho trót, Nụ có thế nào bà cũng cắn răng chịu đựng mà khuyên bảo...
- Ông ạ, mình kiếm chỗ khác đi, ngồi đây mãi họ cứ nhìn đâm ngượng.
Nói xong bà Cửu liều lĩnh đứng dậy làm ông phải làm theo và từng bước băng ngang qua sân, ở đó còn một chiếc băng trống kê sát lan can.
- Ngồi đây nhé ông! Chỗ này thế mà hay.
Hay thực vì ở đây ông bà có thể nhìn được tứ phía và nhìn được cả từ trên xuống dưới. Mùi thơm của hoa phong lan xông thẳng vào khứu giác khiến ông đảo mắt một vòng như thể ước lượng số tiền trồng hoa lên tới đâu, rốt cuộc cũng đành chịu thua vì càng tính thì càng rối óc không biết đâu mà lần.
- Ông ơi nhìn kìa, lạ quá!
Đổi chỗ ngồi mới bà Cửu thấy lòng thanh thản hẳn. Thì ra cảnh buồn làm cho người cũng buồn. Trước mắt bà nhộn nhịp đám trẻ đứng vòng một góc quanh hồ cá ở tầng dưới. Chúng đang ném những vật tròn óng ánh như đồng xuống nước. Đàn cá vàng bơi từng bầy, con nào con nấy lớn hơn bàn chân đang ở góc kia vội vã bu lại đớp những vật ấy nhưng lại nhả ra.
- Bà không nhìn ra thì tôi nhìn sao được? Chắc lại ngô rang chứ gì?
- Tôi nghĩ là tiền xu, chỉ có đồng một xu mới có màu ấy. Ông nhìn xem nguyên hồ cá rộng lớn như vậy mà trải hết khoảng đáy màu đồng.
- Giào ơi, bà thì lúc nào đầu óc cũng chỉ tiền với bạc. Ừ thì tiền đấy, xuống mà lượm cho lính nó còng tay.
- Ông nói thế mà nghe được à! Tôi nói xứ sở họ giàu có nên làm những điều lố bịch cũng vẫn cho là hay. Tiền mà đi cho cá, cá đâu phải ăn mày.
Ông Cửu nhìn xuống, đám con nít vừa ăn ice cream, popcorn vừa thọc tay xuống nước nghịch đàn cá.
- Tôi không nghĩ như bà, đám con nít làm gì được với vài hào ranh đó nên thay vì vứt dọc đường chúng tìm chỗ để chơi.
- Bằng đó xu ông gom lại không được vài chục bạc à?
- Ừ, vài chục bạc nằm chình ình giữa trời không sao mà hễ mò tay vào bốc là thể nào cũng bị nhốt ngay vào khám.
- Ông này cứ hở ra là còng tay với còng chân, nào tôi có ham cái của quỷ đó mà vác cho nặng xác. Ý tôi muốn nói nước họ giầu nên không có ăn xin.
- Nước nào chẳng có ăn mày, ông ra giọng hiểu biết, chỉ nhiều hay ít mà thôi. Ở đây ăn mày cũng gọi là một nghề vì họ xin tiền đâu phải tại nghèo đói, không có nơi ăn chốn ở? Nghèo cách mấy cũng vẫn được chính phủ nuôi, trẻ thì ăn ở, học hành, già đã có viện dưỡng lão. Ở đây người ta chỉ đói tình hoặc cần tiền tiêu pha ba cái nha phiến, bạch phiến chứ đâu có thiếu ăn mà phải gọi là ăn xin. Chẳng nói ai xa lạ, ngay đến vợ Tâm mà có bữa tôi thấy nó đổ cả nửa nồi cơm hoặc nguyên cái đùi gà vào thùng rác. Giá chúng nuôi con gà con heo thì nội đồ ăn thừa cũng chẳng hết, nhưng nuôi heo, gà vào đâu? Cho gà vào cái chuồng nhỏ chúng mổ nhau kêu quang quác cả đêm hoặc phân tiết ra mùi hôi chỉ làm phiền hàng xóm. Đồ ăn thừa đó mà được chuyển về Việt Nam thì cứu được nạn đói.
Bà Cửu im lặng như thể chia xẻ niềm bất hạnh của những người cùng màu da. Tiền ở đây con nít đã không lượm còn dục đi trong khi ở quê bà đám trẻ nhặt nhạnh từng ống lon, giấy, bao ni lông vướng trong những ống cống đầy bùn đất nhơ nhớp hoặc những hố rác tanh tưởi, bẩn thỉu. Trẻ nít ở đây ăn sung mặc sướng, chỉ biết đòi hỏi vòi vĩnh những thứ đồ chơi bằng điện tử mắc tiền trong khi trẻ nít ở Việt Nam chỉ một con búp bê chột mắt, rụng tay hay chiếc xe hơi cũ kỹ cũng có thể là kỷ niệm khó quên. Giữa một thế hệ nhưng hai cuộc sống khác nhau và cùng lứa tuổi nhưng hai lối nhìn khác nhau. Cái nhìn của trẻ thơ Việt Nam bây giờ là mong sao đủ ngày hai bữa cơm, mong sao có đủ tiền mua sách vở đến trường. Và niềm mơ ước to tát nhất vẫn là cảnh gia đình đoàn tụ, cha không bị bắt bớ và mẹ không bị công an đánh dập, đánh dụi vì bán hàng rong ở ngoài đường...
- Bà kìa, nhìn thằng bé kia hay quá!
Tiếng nói của ông Cửu khá lớn làm bà giật mình và chú ý ngay đến thằng bé đang chập chững tiến tới. Thằng bé khoảng hai tuổi, da nó trắng hồng nổi bật dưới màu áo đỏ và chiếc quần yếm trắng sọc đỏ. Đôi mắt nó tròn như hai hòn bi màu xanh lơ nằm giữa hai hàng mi thưa hoe vàng. Tóc nó cũng ngộ nghĩnh, trọc chẳng ra trọc mà dài cũng chẳng ra dài, chỉ khoảng hai phân lởm chởm, dựng đứng như trái chôm chôm, phía sau để một chùm dài quá gáy không khác con nòng nọc. Thằng bé đeo cái tã thật bự ở mông nên dáng đi khệnh khạng bước dài bước ngắn. Thấy bà giơ tay vẫy, nó toét miệng cười đưa hai chiếc răng thưa nằm chênh vênh như hột bắp luộc.
- Bà đừng có ấm ớ nhé! Con nít ở đây mà đụng vào là ở tù ngay.
Nãy giờ mãi nín nhịn nên tưởng ông thừa dịp bắt nạt, bà lườm chồng:
- Ơ hay, đụng tí là còng tay, là ở tù. Ông làm như ông là Tổng Thống ra lệnh bắt tôi.
Nghe vợ hậm hực, bắt bẻ, ông vừa cười vừa rung đùi:
- Chẳng phải Tổng Thống hay chính phủ gì cả nhưng bà cứ thử đụng vào là biết. Mẹ nó chỉ cần trờ tới hô ầm lên là bà bắt cóc con của họ thì chối vào đâu?
- Ai bảo ông thế! Bắt cóc về mà thờ à? Rồi lấy gì cho nó ăn?
- Bên mình nói thế thì còn nghe được chứ bên đây một đứa con nít phải mua cả chục ngàn.
- Hú hu... hú hu... hú hu...
Tiếng hú gọi thật nhẹ và êm từ phía sau như rót vào tai ông bà. Cả hai cùng quay lại, cô Mỹ tóc vàng với túi đồ nặng trĩu trên tay đang hú kêu thằng bé.
- Thấy chưa, tôi bảo mà. Đụng vào là có chết tươi.
Bà chẳng thèm để ý lời ông nhìn thằng bé tất tưởi chạy trốn mẹ nó. Tiếng hú hu cứ đuổi đàng sau và cuối cùng thì cô ta bắt được thằng bé bồng trên tay. Hai mẹ con ôm nhau cười như nắc nẻ bước xuống thang lầu. Chiếc thang máy có từng bậc nhưng xành xạch chạy như vòng dây sên xe đạp không ngừng nghỉ. Cứ nấc trên cùng đưa ra thì nấc bên dưới lại bị đẩy sâu vào bên trong.
- Ông xem từ đây xuống đó có vài thước mà họ cũng phải làm cầu thang máy cho tốn điện.
- Bà nhìn thấy có một cái thôi à? Riêng chỗ mình ngồi đã bốn cái chạy lên, bốn cái chạy xuống không kể tám cầu thang bộ và bên kia kìa, ông đưa tay chỉ, bà nhìn thấy cầu thang đứng thẳng chỉ dành riêng cho những người già cả, bầu bì hoặc kềnh càng đồ đạc.
Cầu thang đứng vuông vức như chiếc hộp, bốn bên ghép kiếng và bên trong lố nhố những người, ép chặt như bó giò. Cứ vài phút nó lại trồi lên thả người và lại đón kẻ khác trên lầu mang xuống dưới.
- Hay thật ông nhỉ! Đúng là tân tiến có khác.
Ông bà Cửu chưa hề đi vào những khách sạn lớn trên Sài Gòn bao giờ nên không hề biết là nước Việt Nam chậm tiến của bà đã có cầu thang máy, nước nóng, nước lạnh từ thuở xửa thuở xưa thời Pháp thuộc. Vì thế nơi đất Mỹ bất cứ điều gì mới lạ ông bà đều cho là văn mình tân tiến. Ngồi nhìn chiếc cầu thang máy chán chê ông bà lại chú ý đến khách bộ hành. Người đi kẻ lại cười nói vui vẻ. Có người tay xách nách mang đi như chạy lại cũng có người cứ thong thả đếm từng bước một. Vài cặp nhân tình ôm nhau thản nhiên như chỗ không người. Cũng nhiều kẻ đứng nghỉ chân dọc theo lan can trao nhau những nụ hôn mặn mà.
- Bà nhìn xem đám này khiếp không?
Nãy giờ bà Cửu hết nhìn ngang rồi lại nhìn dọc. Đôi mắt hầu như quá mỏi mệt cần nhắm lại nghỉ ngơi thì ông lại gọi khiến bà mở vội ra nhìn. Sự xuất hiện quá đột ngột cùng với tiếng cười nói của một đám thanh niên thiếu nữ làm vang dội cả một góc. Chúng khoảng trên dưới mười đứa, mặt mày xanh đớt, áo quần sạch sẽ nhưng chẳng hiểu theo kiểu, theo mốt gì mà cắt rách tơi tả. Cái thì hở rốn hở ngực, cái thì hở đùi hở mông. Có đứa chỉ nghễu nghện có mỗi hai mảnh vải nhỏ xíu. Tóc đứa nào cũng khoét từng mảng như chó ngoạm. Lại có đứa chải đàng trước dựng đứng như cái bờm ngựa nhuộm màu đỏ máu, hai bên cạo trắng ởn hoặc cắt tỉa, đẽo gọt như cái sọ người.
- Ối giời ơi!
Bà hốt hoảng kêu to nhưng lanh tay bịt vội lấy miệng. Một thằng Mỹ đen to lớn, da dẻ đen đủi như quỷ sứ mặc có mỗi cái quần lót bó chẽn lấy của quý. Đầu nó cạo nhẵn chỉ chừa ba chỏm tóc tỉa theo hình ba số chín. Bên cạnh, con bồ trắng bóc phơi bày từ trên xuống dưới chỉ thịt là thịt. Người nó núng na núng nính, từng bước nhún nhảy như cố làm cho hai mảnh bi ki ni cuối cùng đang bám hờ trên người rớt xuống và như cố gắng cười nói thản nhiên trước những đôi mắt khó chịu nhìn về phía nó. Mặt bà Cửu đỏ rần vì ngượng lẫn vì bực. Ngữ này mà trúng con cháu của bà thì chúng chỉ có nước chết, người không ra người, quái thai chẳng ra quái thai. Đúng là tự do quá đâm ra loạn.
- Mấy giờ rồi ông? Ngồi mãi ở đây tôi hoá điên mất.
- Ai bảo bà nhìn?
Đâu ai muốn nhìn những hình thù quái gỡ ấy nhưng chúng cứ nhăn nhẳn trước mắt bà. Cũng như bà đâu muốn chứng kiến cảnh Nụ ôm thằng Mễ to lớn lông lá xồm xoàm mà tự động chuyện nó xảy đến. Nhìn đám quái thai thời đại bà lại nhớ đến quái thai đang ươm chồi trong đầu óc con mình. Nụ chẳng còn hồn người mà bà đành lòng mẹ một nơi con một nẽo quên đi việc dạy dỗ tu sửa nó. Khốn nỗi ở trên đó nay xét mai đuổi thì ở sao được, với lại không theo ông về sống với mấy đứa cháu thì làm sao có số tiền kếch xù như ông đã tính toán?
- Tham bát bỏ mâm, ông cứ lừng chừng mãi từ hôm đó đến nay cả hơn nửa tháng.
- Xuống đó đã có tiền ngay ấy mà rộn. Còn phải điền đơn rồi chờ họ "in tẹc viu" cho đến khi cầm tiền trong tay cũng phải cả tháng.
Nghe chồng nói có lý nhưng phải chờ lâu nên bà vẫn lụng bụng:
- Kỳ trước vợ Tâm mua cho tôi ít quần áo đã xài tới đâu?
- Vợ Tâm khác, thằng Phước khác. Bà không biết chứ chúng nó sắm toàn đồ mắc tiền không à!
- Vác đi cho nặng, để tiền mang xuống đó tha hồ xài.
- Chúng nó có cho đâu mà bà rộn. Hôm nọ tôi khăng khăng đòi đi, vợ chồng nó giận bảo là thầy bu coi tình nghĩa nhẹ hơn tiền. Nếu xuống đó vì tiền thì lấy tiền ở đây mang đi có khác nào chở củi về rừng? Bà thấy không, chúng cay đắng như vậy thì sức gì cho tiền mà cứ hóng.
- Vậy chứ sắm sửa không phải tốn tiền hử?
- Ấy thế mà chúng lại không tiếc mới kỳ. Nó bảo của sắm là của để. Ôi, đời mà, hơi đâu nói trước, nay nhục mai vinh mấy hồi.
- Nhục vinh chưa xảy tới chưa biết. Có điều không hiểu sao tôi sốt ruột việc cái Nụ quá.
- Người ta đi du lịch về Việt Nam đầy có chết ai đâu mà rộn. Còn cái Nụ có tiền đâu để bị bắt đòi chuộc tiền mà bà lo cho khổ vào thân. Đã quyết định xuống đó thì cứ yên chí mà đi...
Đuổi Theo Vệt Nắng Đuổi Theo Vệt Nắng - Lê Thao Chuyên