That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hi hai người bước xuóng bậc thềm, Giác Dân hài lòng mỉm cười nói với Ngọc Cầm, "Khóa học này các anh học hết cuốn Ðảo Kho Tàng. Khoá tới tụi anh sẽ học cuốn Phục Sinh của Tolstoy. Giáo sư phụ trách chương trình Trung Hoa của tụi anh sẽ là người viết về đề tài Luân Lý Khổng Mạnh Ăn Thịt Người trong tờ tạp chí Tân Thanh Niên! Chuyện ấy tuyệt vời không?"
Ngọc Cầm kêu lên, mặt đỏ bừng vì thán phục. "Anh thực là may mắn. Tụi em chỉ có những nhà học giả cổ điển giữ chức giáo sư, những người mà sách ưa thích của họ là Tuyển Tập Cổ Văn Trung Hoa; hiện nay tụi em đọc cuốn Chamber's English Reader trong mấy năm vừa qua, và bây giờ nghe nói sẽ chuyển sang cuốn Tales From Shakespear - lúc nào cũng là tác phẩm cổ điển buồn tẻ!... Em sẽ chịu bất cứ cái gì nếu trường anh bãi bỏ lệnh cấm nữ sinh ngay bây giờ, và cho phép em chuyển trường."
Giác Tuệ mỉa mai dò hỏi, "Cuốn Chamber's English Reader thì đã sao? Cuốn đó đã được dịch sang tiếng Trung Hoa dưới cái tựa Những Nụ Cười Của Thi Nhân!"
Ngọc Cầm nghiêm khắc nhìn chàng. "Anh bao giờ cũng đùa được. Chúng tôi nói chuyện đứng đắn mà."
Giác Tuệ nhăn mặt nói, "Ðược rồi, tôi sẽ im miệng. Hai người cứ việc nói chuyện đi." Chàng đi chậm lại để Giác Dân và Ngọc Cầm vào căn nhà phụ trước, trong lúc chàng đứng lại tại lối đi và ngó quanh hoa viên.
Những ngọn đèn sáng rực rỡ cả hai bên cánh phải và cánh trái toà nhà chính cũng như cánh nhà phụ đối diện với nơi hai anh em ở. Quân mà chược kêu lách cách về phía trái của tòa nhà chính. Mọi góc của hoa viên đều sống động với tiếng cười nói. Khu vườn phủ tuyết sao mà đẹp và tinh khiết đến thế! Giác Tuệ muốn la to vì vui thích, cười thật to và trong trẻo. Chàng vung hai cánh tay ra, chào đón cái quang cảnh mở rộng trước mắt. Chàng cảm thấy tự do, không bị gò bó.
Chàng nhớ lại vai Hắc Cẩu của chàng trong vở kịch Ðảo Kho Tàng, đấm xuống bàn trong quán trọ và gầm lên. Cái cảm hứng của cảnh đó dâng lên bên trong chàng. Quay đầu lại, chàng la to:
"Minh Phương, mang ba tách trà."
Có tiếng vâng lời vọng lại, và một vài phút sau, cô gái ấy bước vào từ cánh trái của căn nhà chính, bưng trà tới.
"Tại sao chỉ có hai tách? Ta rõ ràng đòi ba tách cơ mà!" Giác Tuệ vẫn la to khiến Minh Phượng giật mình khi bước lại gần chàng. Bàn tay nàng run rẩy, làm trà sóng sánh ra ngoài.
Nó mỉm cười nói, "Em chỉ có hai tay thôi."
Giác Tuệ cười, "Thông minh lắm, phải không? Em có thể bưng một cái khay cơ mà. Thôi được rồi, mang hai tách này cho cô Ngọc Cầm và Nhị Thiếu gia." Chàng lùi lại, sát lưng về phía trái để con nô tỳ đi qua.
Một lúc sau, nghe thấy tiếng bước chân trở lại của Minh Phương, Giác Tuệ đứng dạng chân trong lối đi, và quay nhìn ra hoa viên. Minh Phương mau lẹ bước tới sau lưng chàng, sau một lát nàng khẽ nói:
"Tam Thiếu gia, cho em đi qua." Giọng của nó không to lắm.
Hoặc là Giác Tuệ không nghe thấy, hoặc chàng giả bộ không nghe, chàng vẫn tiếp tục đứng y nguyên như cũ.
Bỗng có tiếng gọi, "Minh Phương... Minh Phương!" Ðó là tiếng gọi của bà Châu, kế mẫu của Giác Tuệ, vang lên từ toà nhà chính.
Minh Phương năn nỉ, "Cho em đi, bà Châu cần em. Bà sẽ mắng em nếu em tới trễ."
Giác Tuệ quay lại và mỉm cười. "Bà mắng thì đã sao? Cứ bảo bà là tôi sai em làm việc gì đó."
"Bà không tin đâu. Nếu em làm cho bà giận, bà sẽ hành hạ em khi khách ra về rồi." Giọng của cô gái rất khẽ, chỉ mình Giác Tuệ nghe thấy được.
Tiếng gọi của một cô gái khác, của Thục Hoa, em gái Giác Tuệ, vang lên khắp hoa viên. "Minh Phương, bà gọi muốn mày bỏ thuốc vào ống điếu."
Giác Tuệ lùi ra, và Minh Phương vội bước qua.
Thục Hoa bước ra khỏi toà nhà chính, và hỏi Minh Phương, "Mày ở đâu vậy? Tại sao không lên tiếng khi người ta gọi?"
"Em mang trà cho Tam Thiếu gia." Minh Phương trả lời, cúi đầu xuống. Giọng của nó lạnh lùng.
"Mang trà không mất nhiều thì giờ như thế! Mày không câm. Tại sao mày không trả lời khi tao gọi mày?" Thục Hoa mới mười bốn tuổi, nhưng cô bé đã học cách mắng đầy tớ rồi, giống như những người lớn trong nhà, và cô ta mắng mỏ rất tự nhiên. "Bây giờ vào đây. Nếu bà Châu biết mày chủ ý không trả lời, bà ta sẽ nói với mày vài lời."
Thục Hoa quay lưng bước vào trong nhà. Minh Phương lặng lẽ đi theo.
Giác Tuệ nghe thấy mọi lời của cuộc nói chuyện này, và mỗi lời cắt da thịt chàng như thể bị roi quất vào người. Mặt chàng đỏ bừng vì xấu hổ. Chính chàng đã gây khó cho Minh Phương. Thái độ của em gái làm chàng thấy tởm. Chàng muốn bước ra bênh vực Minh Phương, nhưng có một cái gì giữ chàng lại. Chàng đứng lại, im lặng trong bóng tối, trông thản nhiên như thể không có gì xảy ra.
Một mình ngoài hoa viên, chàng vẫn có thể trông thấy khuôn mặt xinh đẹp của Minh Phương. Một khuôn mặt thực là chịu đựng, không than phiền gì. Minh Phương giống như biển cả, chấp nhận mọi thứ, nuốt đi mọi thứ, không hề gây một tiếng động.
Từ phòng chàng, một giọng nói con gái khác tới tai chàng, và chàng hình dung ra người con gái này. Khuôn mặt cô ta cũng xinh đẹp, nhưng nó phản ảnh những loại xúc động khác nhau. Phản kháng, nồng nhiệt, quyết tâm, từ chối phục tùng mọi sự bất công nhỏ nhoi nào. Sự biểu lộ của hai bộ mặt là biểu thị của hai cách sống, hai số phận khác nhau. Tuy Ngọc Cầm, người con gái thứ hai được hưởng sự tràn đầy hạnh phúc và vui vẻ, nhưng chàng có cảm tình với Minh Phương hơn.
Khuôn mặt của Minh Phương lại hiện lên trong tâm trí chàng, lôi cuốn chàng bằng nét hiền hậu, và vẻ mặt cầu khẩn. Chàng muốn giúp nàng, cho nàng một thứ an ủi. Nhưng chàng có thể cho nàng cái gì? Số phận nàng đã được định trước khi nàng sinh ra đời rồi. Nhiều cô gái trong hoàn cảnh nàng đã phải chịu cùng một số phận. Dĩ nhiên, nàng không thể là ngoại lệ được. Giác Tuệ muốn la to lên, chống lại sự bất công của cái số phận ấy, chiến đấu chống lại nó, và thay đổi nó. Bỗng nhiên, một ý nghĩ mới lạ đến với tâm trí chàng, một ý nghĩ cứu vớt Minh Phương. Sau một lúc chàng bật ra một tiếng cười nhạt.
Chàng nói hơi to tiếng, "Không thể như thế được. Chuyện ấy không thể làm được."
Chàng trầm tư mặc tưởng. Ôi, ước gì có thể làm được. Nhưng khi chàng nghĩ tới hậu quả có thể xảy ra sau đó, sự can đảm của chàng không còn nữa. Chàng tự nhủ với một nụ cười nhăn nhó, Ðó chỉ là một giấc mơ, chỉ là một giấc mơ thôi.
Dù chỉ là một giấc mơ hay không, cái ý nghĩ ấy cũng rất quyến rũ chàng và chàng không muốn từ bỏ cái ý nghĩ ấy. Chàng tự hỏi giả dụ Minh Phương và Ngọc Cầm có cùng một địa vị xã hội thì sao?
Chàng tự nhủ chuyện này sẽ không có gì phải thắc mắc! Trong lúc này đối với chàng, dường như nàng thực sự là một cô gái như Ngọc Cầm, và tình cảm thân thiết giữa chàng và nàng là chuyện rất bình thường.
Rồi chàng bật cười, cười tự chế nhạo. Thực là ngớ ngẩn!... Dẫu sao ta có yêu nàng đâu? Ta chỉ rất thích ở bên nàng thôi.
Dần dần khuôn mặt nhẫn nhục của Minh Phương thay thế trong tâm trí Giác Tuệ bởi bộ mặt bướng bỉnh và hăng hái của một người con gái khác. Nhưng ngay lập tức hình ảnh này mờ nhạt đi.
"Có thể nào một nam nhi có thể ở nhà trong lúc quân Hung Nô chưa dẹp xong?" Mặc dù chàng không để tâm tới cái câu xáo ngôn này, nhưng bây giờ nó dường như chứa đựng một giải pháp như phép lạ cho mọi vấn đề của chàng. Chàng bạo dạn và la to tiếng ấy lên. Những tên "Hung Nô" của chàng không phải là quân ngoại xâm, và chàng cũng không có ý rút gươm vung dao ra đâm chém chúng trong một trận chiến. Tiếng kêu ấy có ý nghĩa với chàng là một người đàn ông thực sự phải cắt bỏ sự ràng buộc của gia đình; chàng phải bước vào đời và làm những hành động vĩ đại. Chàng chỉ có một ý niệm lờ mờ thế nào là một hành động vĩ đại thôi. Giác Tuệ bước vào phòng với một câu nói anh hùng ấy trên môi.
"Nó lại điên khùng rồi!" Giác Dân đứng bên bàn giấy, quay lại trước tiếng la của Giác Tuệ, rồi bật cười và nói lời nhận xét này với Ngọc Cầm. Ngọc Cầm đang ngồi trong một chiếc ghế mây.
Ngọc Cầm liếc nhìn Giác Tuệ. Nàng mỉm cười hỏi, "Anh không biết anh ấy là một nhân vật anh hùng vĩ đại hay sao?"
"Chắc nó không phải thế; nó chỉ là Hắc Cẩu. Hắc Cẩu cũng là một anh hùng vĩ đại!" Giác Dân vừa cười vừa nói. Ngọc Cầm cũng cười.
Giác Tuệ nóng nẩy cãi lại, hơi có vẻ tức giận vì tiếng cười của hai người. "Dẫu sao Hắc Cẩu cũng tốt hơn Bác sĩ Livesey nhiều. Bác sĩ Livesey chỉ là một người trưởng giả."
Giác Dân dò hỏi, nửa ngạc nhiên nửa đùa cợt. "Em nói thế nghĩa là gì? Em sẽ không trở thành một người trưởng giả hay sao?"
Giác Tuệ nóng nảy la lên. "Không, em sẽ không trở thành một người trưởng giả. Ông nội và ba chúng ta là giới quan lại không có nghĩa là chúng ta cũng sẽ như vậy." Chàng bậm môi và chờ đợi người anh trả lời.
Giác Dân thoạt đầu chỉ nói đùa thôi, nhưng bây giờ thấy Giác Tuệ thực sự tức giận, chàng cố tìm lời làm dịu em. Tuy nhiên đúng lúc ấy, chàng không nghĩ được gì thích hợp, và chỉ biết chăm chú nhìn Giác Tuệ đang trong trạng thái mê muội. Ngọc Cầm ngồi về một phía, quan sát hai anh em, không nói gì.
Giác Tuệ không thể nén lòng lâu hơn nữa. "Em đã có quá đủ cái đời sống này rồi! Tại sao anh Giác Tân thở dài tối ngày? Có phải anh ấy không thể chịu đựng được làm một người trưởng giả không, bởi vì anh ấy không chịu được cái không khí đàn áp của cái gia đình trưởng giả này, phải không? Anh biết thế mà... Chúng ta tứ đại đồng đường trong một mái nhà; chúng ta chỉ một thế hệ kém hơn một gia đình lý tưởng là ngũ đại đồng đường thôi, nhưng không ngày nào là không có những sự cãi vã và tranh chấp bí mật. Tất cả đều cố gắng vồ lấy một phần lớn hơn của tài sản gia đình..."
Giác Tuệ hầu như nghẹn ngào vì giận dữ. Chàng có nhiều điều nữa để nói, nhưng không nói ra được. Thực ra cái điều làm chàng giận dữ không phải là số phận của người anh cả, nhưng là số phận của Minh Phương, người con gái dáng vẻ rất dịu hiền. Chàng cảm thấy chàng bị tách lìa khỏi người con gái ấy bởi một bức tường cao vô hình, và bức tường ấy chính là cái gia đình trưởng giả của chàng. Nó ngăn cản chàng không đạt được đối tượng của niềm mơ uớc của chàng; do đó chàng thù ghét nó.
Giác Dân nhìn bộ mặt đỏ bừng và đôi mắt toé lửa của em. "Em nói đúng lắm. Sự đau khổ của em là sự đau khổ của anh. Hai chúng ta bao giờ cũng đứng bên nhau..." Chàng vẫn chưa biết người con gái trong tim Giác Tuệ.
Giác Tuệ dịu lại và lặng lẽ gật đầu.
Ngọc Cầm đứng lên và bước lại gần hai người. Nàng nói với Giác Tuệ bằng một giọng run rẩy. "Ðáng lẽ em không nên cười anh. Em muốn bao giờ cũng liên kết với hai anh. Em cũng phải chiến đấu nữa. Hoàn cảnh của em còn tệ hơn hoàn cảnh của hai anh."
Hai người nhìn nàng. Trong đôi mắt đẹp của nàng có một tia sáng buồn bã; cái tính hoạt bát của nàng không còn nữa. Một vẻ lo lắng nói lên sự phấn đấu nội tâm của nàng. Hai người con trai chưa thấy nàng như thế bao giờ, nhưng họ biết ngay chuyện gì đã làm phiền nàng. Nàng nói rất đúng - hoàn cảnh của nàng tệ hơn hoàn cảnh của họ. Hai người cảm động vì nỗi buồn này, một nỗi buồn rất ít thấy ở nàng. Họ sẵn sàng hy sinh hoàn toàn chính mình, nếu họ có thể giúp cho những ước muốn của cô gái này được sớm toại nguyện. Ðây chỉ là một hy vọng vô tích sự, bởi vì hai người anh họ không rõ có thể làm gì, nhưng cảm thấy họ có bổn phận phải giúp nàng.
Hai chàng thanh niên quên ngay vấn đề riêng của mình, và chỉ nghĩ đến Ngọc Cầm.
Giác Dân bảo đảm với nàng, "Ðừng lo, tụi anh sẽ tìm ra được cách cho em, anh là người rất tin rằng 'nếu có chí thì sẽ có cách'. Em còn nhớ lần đầu tụi anh đi học trường công không? Ông nội cực lực phản đối chuyện ấy. Nhưng cuối cùng tụi anh đã thắng."
Ngọc Cầm nắm lấy cạnh bàn giấy để đứng vững. Nàng nhìn hai người anh họ như thể trong một giấc mơ.
Giác Tuệ hăng hái cầu khẩn Ngọc Cầm. "Giác Dân nói đúng lắm. Ðừng lo lắng gì cả. Hãy tập trung ôn lại bài vở. Phải chú trọng môn Anh Văn nhiều hơn. Chừng nào em thi đậu kỳ thi tuyển vào Trường Ngoại Ngữ rồi thì giải quyết những vấn đề khác sẽ không khó khăn nữa."
Ngọc Cầm đưa những ngón tay khéo léo lên sửa lại tóc. Nàng mỉm cười, nhưng trong giọng nói của nàng vẫn còn một sự quan tâm. "Em cũng hy vọng thế. Mẹ em thì không có vấn đề gì. Mẹ sẽ cho em chuyển trường. Nhưng em sợ bà nội sẽ không đồng ý, và nhiều người trong họ sẽ nói ra nói vào. Ngay cả gia đình anh - ngoại trừ hai anh ra, mọi người khác chắc chắn sẽ phản đối."
"Họ thì có ảnh hưởng gì đến em đâu? Ði học là chuyện riêng của em. Ngoài ra em không phải là người trong gia đình này!" Giác Tuệ hơi ngạc nhiên khi Ngọc Cầm nhắc tới gia đình chàng. Tuy mẹ của Ngọc Cầm là con gái Cao Ðại lão gia, nhưng khi bà ta lấy chồng, theo tập tục bà ta sẽ nằm dưới quyền hạn của gia đình chồng, và bà ta không còn có một quyền hạn gì trong gia đình cũ.
"Anh không biết mẹ em phải tranh đấu thế nào để em có thể vào học tại trường Nữ Sư Phạm. Người trong họ nói 'một đúa con gái lớn như nó, đi ra ngoài đường hàng ngày, người ta sẽ nghĩ thế nào! Con gái một nhà tử tế không bao giờ hành động như thế.' Tuy mẹ em rất cổ, mẹ giác ngộ hơn những người trong họ, nhưng mẹ em cũng có những giới hạn không vượt qua được. Mẹ em sẵn sàng chịu gánh nặng trên vai, dù bà con chê cười khinh bỉ thế nào, bởi vì mẹ em yêu em. Không phải mẹ em nghĩ em có quyền đi học - không phải mẹ em dễ dàng cho em đi học đâu. Bây giờ em xin vào học tại trường dành riêng cho con trai, ngồi chung lớp với học sinh con trai! Anh có thể nghĩ được một người bà con nào có thể chấp nhận một việc như thế không?"
Ngọc Cầm càng nói càng khích động. Nàng đứng rất thẳng, đôi mắt long lanh của nàng nhìn Giác Dân, như thể tìm kiếm sự trả lời của chàng.
Giác Dân nhận xét, "Ðại Ca sẽ không phản đối."
Ngọc Cầm nói, "Nếu chỉ một mình anh Giác Tân thôi thì có ích gì? Mợ Châu sẽ phản đối, và sẽ có thêm chuyện cho mợ Vương và mợ Thẩm đi ngồi lê đôi mách."
Giác Tuệ xen vào, "Ðể mặc họ nói! Họ chẳng có việc gì để làm, ngoại trừ hóng chuyện cả ngày. Tự nhiên là họ có nhiều chuyện ngồi lê đôi mách rồi. Ngay cả khi người ta không làm gì sai quấy, họ cũng bịa chuyện để công kích. Vì đằng nào họ cũng chê cười chỉ trích, thì cứ mặc họ."
Giác Dân khuyến khích, "Ngọc Cầm, nó nói cũng có lý đấy. Em hãy quyết tâm đi."
"Em đang quyết định bây giờ," Khuôn mặt Ngọc Cầm bỗng trở nên rạng rỡ, và sự quả quyết và hoạt bát cố hữu của nàng trở lại. "Em biết em phải trả một giá cao cho bất cứ một sự cải cách nào, và phải hy sinh nhiều. Em sẵn sàng là một nạn nhân."
Giác Dân nói an ủi. "Nếu em quyết tâm như thế, em sẽ thành công."
Ngọc Cầm mỉm cười, trả lời bằng sự cứng đầu cố hữu của nàng. "Dù em thành công hay không cũng không quan hệ gì. Nhưng em phải thử cho biết." Hai anh em thán phục nhìn nàng.
Trong phòng bên cạnh, đồng hồ gõ chín tiếng.
Ngọc Cầm vuốt lại tóc. "Em phải đi đây. Chắc bây giờ bốn ván mà chược đã xong rồi." Nàng bước ra cửa, rồi quay lại mỉm cười, "Hãy lại thăm em nếu hai anh rảnh rỗi. Em ở nhà suốt ngày, chẳng có việc gì làm cả."
Hai anh em cùng trả lời một lúc, hứa sẽ lại thăm nàng. Hai người bước cùng với nàng ra cửa và đứng nhìn cho tới lúc nàng biến vào trong toà nhà chính. Bên ngoài hoa viên rất lạnh, nhưng trong tim của hai anh em có một sự ấm áp đáng kể, khi quay trở vào phòng.
Giác Dân nói, "Ngọc Cầm quả thực là một cô gái can đảm." Chàng chìm vào mơ mộng, rồi bật nói, "Ngay cả một cô gái hoạt bát như Ngọc Cầm cũng có vấn đề khó khăn. Ðó là điều anh chưa bao giờ tin thế."
"Mọi người đều có vấn đề. Em cũng có vấn đề của em nữa." Giác Tuệ trả lời. Chàng bật nói, như thể chàng bộc lộ một điều mà chàng không định nói.
Giác Dân ngạc nhiên hỏi, "Em có vấn đề à? Chuyện gì thế?"
Giác Tuệ đỏ mặt. "Không có chuyện gì đâu. Em nói đùa đấy mà."
Giác Dân nghi ngờ nhìn em.
"Kiệu của bà Trương!" giọng nói trong trẻo ròn tan của Minh Phương vang lên bên ngoài.
"Kiệu của bà Trương!" vọng lại giọng nói của Nguyên Thành, người đầy tớ trung niên. Một vài phút sau, cổng trong mở ra và hai người khiêng kiệu đi vào. Họ đặt kiệu xuống trước bậc thềm của tòa nhà chính.
Ngoài đường, tiếng chiêng của người gác đêm vang lên sâu thẳm và thê lương một hai lần. Lúc đó là mười giờ đêm.
Dòng Thác Cuốn Dòng Thác Cuốn - Nguyễn Vạn Lý Dòng Thác Cuốn