Books - the best antidote against the marsh-gas of boredom and vacuity.

George Steiner

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
uổi trưa thằng Hữu đi học về thấy lão Bành đang lọ mọ chống gậy tập đi, nó cười sung sướng;
- Thế là cái thuốc của bà lang Đồng Mụng bắt đầu đuổi con bệnh ra ngoài được rồi đấy bố ạ!
Thấy thằng Hữu hồn nhiên, lão Bành ngậm ngùi:
- Bố cũng đang cố gượng tập để tự đi lại được cho con bớt vất vả. À, bà Tứ mang cho nhà ta gạo và trứng vịt đấy, ở trong cái túi kia kìa, con cất sách vở rồi khều lửa nấu cơm mà ăn con ạ!
Giọng lão Bành ân cần. Thằng Hữu cười tít cả hai mắt. Nó tăng tưởi treo cái túi sách vào cái đanh ở chỗ cột nhà rồi mở cái túi bà Tứ đem cho, nó ứa nước mắt vì thấy trong cái túi đầy gạo và trứng vịt. Nó ngậm ngùi bảo lão Bành:
- Trưa nay bố con mình làm chút canh trứng nấu với cà chua bố ạ!
Nói rồi nó lại lóm thóm vào bếp khời lửa. Lão Bành vẫn lọc thọc lê cái gậy vòng quanh nhà, dường như lão muốn nói điều gì với thằng Hữu nhưng cái cổ cứ nghẹn đắng. Lão ho khù khụ. Thằng Hữu bảo:
- Bố mệt rồi thì nghỉ đã, tập nhiều cũng không hay lắm đâu. Bố lại chõng nằm nghỉ một lúc cơm chín thôi mà. À, con có kế hoạch này bố nhá! - Giọng thằng Hữu sôi nổi- Con định khi bố khỏi hẳn bệnh, bố con mình làm cái lễ bố sẽ đi cùng con lên bản Đồng Mụng để dâng sêu cây thuốc và cũng nhân đó bố nói lời cảm ơn bà lang, chắc là bà ấy sẽ mừng nhiều đấy bố.
- Ừ, cứ biết thế đã con ạ, nhưng trong nhà bây giờ có còn cái gì đâu để bán lấy tiền mà sắm lễ.
Lão Bành thở dài. Thằng Hữu hồn nhiên:
- Bố không sợ đâu. Con có mà. Chị Sơn đi lấy chồng để lại cho con đồng bạc trắng, đồng bạc của bầm con dành cho chị ấy mà. Con sợ bố biết bán uống rượu hết, con vùi ở dưới đáy cái vại nước bao nhiêu ngày rồi mà bố không biết. Bây giờ bố không uống rượu nữa, nhà lại có việc khó khăn con bới lên để dùng, sắm lễ sêu cây thuốc mà còn. Con sẽ nhờ bà Tứ lên cửa hàng thuốc ở Khổng Xuyên mua thuốc bổ về cho bố uống, uống cho bố thật khỏe. Khi bố có sức khỏe rồi, bố con mình sẽ ngả bụi tre ở góc vườn nhờ bọn thằng Tùng, cái Dần cùng xúm vào chẻ nan đan phên vách và lấy rơm rạ băm nát ra nhào với đất bùn chít chát lại phên liếp quanh nhà cho thật kín đáo để ở bố nhề!
Thấy thằng Hữu hồn nhiên, lòng dạ lão Bành cứ đắng ngắt, cổ lão ứ nghẹn nhưng trong đầu lão những lời của bà Tứ vừa nói lại như que diêm cứ nhòe sáng, lão thấy đúng. Đúng là trời đem của báu dâng cho lão mà lão không hay. Bấy nay lão đã lấy bàn chân bùn đất giày xéo lên nó. Giọng lão nghẹn ngào:
- Ừ, con nói phải lắm, bố ơn con nhiều, nay mai khỏe lại bố sẽ sửa sang lại cái bàn thờ gia tiên nhà ta nữa!... - Nước mắt lão cứ òi ra. Lão khẽ lén tay áo lau không để cho thằng Hữu biết rồi lại lặng lẽ chống cái gậy lọc thọc đi về chỗ cái chõng tre ngồi. Lão ngồi rất im, hai tay lão bo chặt hai thái dương. Thằng Hữu thấy lạ hỏi.
- Bố lại đau đầu à?
- Không, bố làm thế cho nó sảng khoái dễ chịu thôi mà, con đừng lo.
- Vâng.
Thằng Hữu lại lúi húi đẩy những đầu củi sâu vào lòng bếp cho ngọn lửa cháy to lên. Lão Bành vẫn ngồi tư lự. Ngước mắt nhìn lên cái bàn thờ xiêu vẹo mấy cái chân nhang, mạng nhện giăng đầy, lão thấy xót xa. Những ngày quá khứ lại như những vết nhọ nồi nguệch ngoạc vẽ ra trong đầu lão. Lão định chống gậy đi lại chỗ bếp lửa nói chuyện để cho thằng Hữu biết tất cả nhưng lão không tài nào nhúc nhích được chân tay. Lão đảo mắt nhìn lên chỗ cái bàn thờ, trong những lớp mạng nhện chi chít, dường như có một áng mây trắng nhòa, khuất trong áng mây trắng ấy là vóc dáng một người đàn bà cao dỏng, đầu vấn khăn mỏ quạ, bà cứ nhìn lão trằng trằng và bà khẽ kéo tay lão nằm xuống cái chõng. Giọng bà như hơi thở ấm áp:
- Ông cứ nằm nghỉ, nghĩ ngợi lắm làm gì, mọi việc cũng đã qua rồi. Việc quan trọng là ông có thương yêu thằng Hữu thật lòng không? Ông thương nó thật thì mọi trận đòn roi ông đã dáng xuống thân thể nó cũng dần dần được xóa đi, bằng không tự nó, nó cũng sẽ biết tất cả thôi mà. Ông cố chữa cho khỏi bệnh đi đã!.
Giọng nói ấy ắng dần rồi tan vào áng mây trắng cứ thế bồng bềnh bay vút lên cao. Lão Bành ngơ ngác, hai tay cứ quờ lên trời và lão khóc lên ông ổng! Thằng Hữu giật mình vội chạy lại ôm lấy lão cứ thế gọi. Lão khẽ quàng tay ngang vai thằng Hữu giọng lập cập:
- Bầm con vừa mới về, bầm con định bắt bố đi theo đấy! Bố sợ quá!
Nghe lão nói thằng Hữu cười toét miệng:
- Bố cả nghĩ quá đấy, người đã chết rồi thì về thế nào được? Bố phải cố gắng uống thuốc và ăn uống thật khỏe vào cho cái bệnh nó chạy cút đi hết bố nhá!
Thằng Hữu lại cười tít mắt. Lão Bành ngồi lặng, nắng buổi trưa dột xuống căn nhà những giọt nắng méo mó kỳ lạ. Thằng Hữu bưng cơm canh từ bếp lên, mồm miệng nó vẫn tíu tít, hồn nhiên: “Ăn cơm đi bố, ăn cho nó nóng" và nó lại nhắc đến chuyện mai này khi lão khỏi bệnh sẽ đi cùng với nó lên nhà bà lang ở Đồng Mụng để sêu cây thuốc. Lão Bành chả biết nói gì. Lão xúc từng thìa cơm ăn và trong lòng lão chợt mờ tỏ hiện ra buổi sáng ban mai ấy.
***
Sau cơn bệnh hoạn, tâm xác lão Bành dần dần thích nghi với thực tại. Lão bắt đầu quen gần với mọi đồ vật trong nhà từ cái đũa bếp gời than củi đến cái gáo dừa múc nước rồi con dao cùn thằng Hữu dùng để đi kiếm củi, cái cuốc lưỡi mèo thằng Hữu đi bới củ mài củ chụp, cái sẹo nhành tre để xỏ mũi con trâu, cái móm thằng Hữu đi mót lúa... Tự nhiên lão thấy những vật này quý giá như vàng bạc. Nhìn cái gì lão cũng thấy linh thiêng. Giọt sương buổi sáng đậu trên tàu lá chuối, sợi nắng cuối ngày vương trên mái hiên lão thấy đẹp, nhìn thằng Hữu siêng năng nhọc nhằn lão thấy yêu thương, nhiều lúc lão thấy như có một thế giới khác mặt đất bầu trời này cứ từ đâu ám vào tâm chí lão. Lão không giải thích được. Lão không biết con người lão có còn phải là lão nữa không. Lão bắt đầu ghét những cái cút, cái chai lăn lóc ở xó bếp, xó nhà. Những lúc thằng Hữu đi vắng lão tự lọc thọc chống gậy nhặt nhạnh những thứ đó vứt hết xuống sông Lô. Việc xong lão lại lấy cái chổi cùn tự quýét nhà quét bếp thật sạch sẽ. Lão tự thấy trong người sảng khoái, trái tim lão tự nhiên cứ xốn xang cùng tiếng chim hót, rạt rào cùng ngọn cây cỏ múa reo trong gió trời. Những giây phút này lão chả rõ được linh hồn bầm của thằng Hữu đã hiện về nhập vào lão, sai khiến lão hay chính bởi tâm hồn tuổi thơ hồn nhiên trong trắng của thằng Hữu cảm hóa để những cái ác trong lòng lão tan biến đi? Lão không tự giải thích được nhưng cái chân, cái tay lão thì cứ làm theo mệnh lệnh của cái đầu. Lão lọc thọc cái gậy dọn dẹp sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, công việc lão làm tuy chả cái gì vào cái gì nhưng lão cứ làm. Cái đầu cứ xui bàn tay lão phải làm việc. Dần dần lão khỏe ra, bắp tay cổ chân có da có thịt. Sự thay đổi từ lão khiến thằng Hữu rất sung sướng, đám cái Dần, thằng Tùng năng đến đây nhiều hơn. Sau những buổi đi hoc, đi chăn trâu về, buổi tối chúng thường tụ bên cái nong rách cùng xúm vào cái chai đèn đom đóm học bài, học khi nào buồn ngủ chúng cùng lăn ra cái nong bo nhau ngáy khò khò. Nhìn chúng ngủ lão Bành tự nhiên lại thấy đau đớn vì những tháng ngày say nhè lão vác giường, vác ghế đi bán để lấy tiền đổ vào cái cút!... Một hôm ngồi ăn cơm lão bùi ngùi nói với thằng Hữu:
- Chủ nhật này nghỉ học, con nhờ thằng Tùng, thằng Phú ngả cây mai bố đóng cho cái bàn thật dài mà ngồi học bài với nhau, quây vào cái nong nom khổ lắm!
- Vâng, nhưng mà phải để bố thật khỏe đã, bố khỏe con còn phải dẫn bố lên Đồng Mụng sêu cây thuốc của bà lang nữa kia mà.
Thằng Hữu cười sung sướng, lão Bành cũng cười theo, giọng lão bùi ngùi:
- Bố cũng chưa biết tục lệ này như thế nào cả, vả tiền nong nhà ta bây giờ lần đâu ra, con học bài còn phải dùng cái đèn đom đóm đấy thôi.
- Bố lại nghĩ quẩn rồi, nghĩ quẩn là phụ cây thuốc của bà lang đấy. Ngày con đến lấy thang thuốc cuối cùng để về chiết sạch cái bệnh trong người bố, con có hỏi chuyện sêu cây thuốc, bà lang chỉ cười bảo: “Sêu cây thuốc không ai tính được giá cả mà phải tính bằng tấm lòng thành con ạ!"
Tấm lòng thành! Lão Bành ngẩn người, lão cũng chẳng biết lão có còn tấm lòng thành nữa hay không nhưng lão vẫn ngậm ngùi bảo Thằng Hữu:
- Ừ, hôm nào sắm được lễ thì bố bảo.
- Lễ có rồi bố ạ! Nhà ta vẫn còn đồng bạc trắng của bầm Cúc để lại, con mới moi ở dưới đáy cái vại nước lên, thế mà bố đã quên rồi. Bố đã khỏi bệnh, mình sêu một đồng bạc trắng chứ có mười đồng bạc trắng cũng chả thấm gì. Con chắc đồng bạc này bà lang rất cảm động vì nó là vật vô giá bầm con để lại mà! Con nghĩ đây mới là tấm lòng thành đấy cho dù nó chả to tát gì!... Hôm con lấy ba thang thuốc đầu tiên, con đã đưa đồng bạc này ra nhưng bà lang chưa nhận, bà bảo khi nào khỏi mang lễ sêu. Bà ấy bảo con thế nhưng không hiểu tại sao bà ấy cứ nhìn đồng bạc rồi lại thở dài? Con chả dám hỏi gì thêm nhưng con nghĩ khi nào bố khỏi, con vẫn mang đồng bạc này thay cho lễ vật. Con sẽ nói rõ sự tích đồng bạc này, đảm bảo bà lang sẽ rất cảm động. Bà sẽ tin đây là tấm lòng thành của bố con mình với cây thuốc quý đó có phải thế không bố nhề!
Lão Bành tròn mắt, lão cũng không rõ trong lòng lão có còn tấm lòng thành nữa không và cái bà lang đang chữa bệnh cho lão là ai? Lão mơ hồ tìm kiếm trong kí ức nhưng cái đầu lão thì cứ tối om om, cổ lão tự nhiên cứ nghẹn đắng lại, nước mắt lão lại òi ra đầy hai hốc mắt. Lão nhìn thằng Hữu khẽ gật đầu. Thằng Hữu lại cười tít mắt và gắp thức ăn vào bát cho lão. Chợt từ ngoài cổng có bước chân người. Thằng Hữu nhìn ra thấy bác Bếp Thìn và cả bầm cái Dần cùng bà Tứ đang từ ngoài cổng đi vào. Giọng bác Bếp Thìn oang oang:
- Thế nào, chú Bành đã khỏe hẳn chưa, ăn được mấy bát cơm rồi?
Vừa nói bác Bếp Thìn vừa lạch bạch bước vào nhà. Mọi người cùng vào theo. Họ cùng ngồi tụm xuống cái chõng tre. Lão Bành ngẩng mặt nhìn mọi người giọng bùi ngùi:
- Em khỏi rồi, cứ tưởng phải ra vườn Hốn nằm với bầm thằng Hữu, ai ngờ giời còn cho sống! Và cũng phải nhờ ơn bà Tứ với thằng cháu Hữu này nhiều lắm đấy!
Lão Bành lại chép miệng thở dài. Bác Bếp Thìn bảo:
- Thế là may, là phúc đức lắm rồi, đừng có nghĩ ngợi nhiều làm gì, cái gì đã qua là qua, nhớ làm gì. Cố mà ăn uống vào cho nó thật khỏe còn đi làm công điểm với bà con chứ. Bây giờ làm ăn hợp tác rồi vui lắm. Chú khỏe, tôi lại cử chú vào cái chân bảo vệ của hợp tác xã. Công việc ấy chú vừa giúp được thằng Hữu chăn con trâu cho nó đi làm thêm những việc nhẹ vừa với lứa tuổi nó để có thêm hạt lúa, bố con nuôi nhau ăn học và sửa sang lại cái nhà cái cửa cho thật đàng hoàng vào.
Nói rồi bác Bếp thìn cùng bày trứng gà, gạo nếp xếp lên cái chõng tre. Lão Bành tròn mắt nhìn mọi người, tự nhiên nước mắt lão cứ ứa ra. Thằng Hữu thì khoanh hai tay lên ngực giọng ỏn ẻn:
- Cháu cám ơn các bác, các bá!
Bác Bếp Thìn xoa đầu nó và nói với mọi người:
- Thằng bé vừa ngoan, siêng năng chăm chỉ lại học giỏi. Ông giáo Thuyên hết lời khen đấy. Thôi, bố con cứ ăn uống tự nhiên, đến ngó nhau một tí, khỏe thế này là mừng lắm rồi.
Vừa nói mọi người cùng đứng dậy. Thằng Hữu lại khoanh tay chào và tiễn chân mọi người ra tận cửa. Lão Bành ngẩng nhìn theo, nước mắt lão lại òi ra đầy hai hốc mắt. Gió ngoài cánh đồng Cây Mơ thổi vào rào rạt trên mái lá. Xa xa phía chân trời vài ngôi sao dậy sớm đang nhấp nháy rủ nhau bò xuống đỉnh núi Châm. Mấy con đom đóm ở trong cái đèn chai bắt đầu động đậy bò ngược, bò xuôi tỏa ánh lân tinh nhấp nháy trong cái chai. Lão Bành ngậm ngùi bảo thằng Hữu:
- Sắm lấy cái đèn mà học cho nó rõ chữ con ạ! Dùng cái đèn đom đóm nó nhập nhòe hại cái mắt lắm!
- Vâng, nhưng bây giờ nhà ta chưa có tiền đành phải khắc phục dần dần thôi bố ạ! Ngày xưa nhiều người nghèo cũng phải học bằng đèn đom đom nhưng còn phải đựng vào vỏ quả trứng thế mà họ còn học được thành trạng nguyên đấy bố ạ! Mình có cái chai thủy tinh thế này còn tốt hơn nhiều, bố khỏi lo.
Nói rồi thằng Hữu lại xách cái chai cắm cổ chạy một mạch ra cổng. Bóng nó lẫn vào trời đêm nhập nhòa. Lão Bành biết nó lại ra đồng bắt thêm đom đóm thả vào cái chai. Trong đầu lão tự nhiên như có những ánh sáng lân tinh tỏa sáng. Lão nằm lặng và cứ thế ngủ thiếp đi.
Thằng Hữu từ ngoài đồng về, thấy lão ngủ ngon, nó khẽ rón chân ra chỗ cái nong mở sách ra học bài. Một lát thì đám cái Dần, thằng Tùng cũng lục đục kéo đến, chúng lặng lẽ tụm cả vào cái nong. Gặp phải bài toán khó, chúng vò đầu, cắn bút. Thằng Tùng bảo:
- Đứa nào làm được bài toán này trước thì được ngủ cạnh cái Dần.
Thằng Phú cười tít mắt:
- Thế thì lại béo thằng Hữu thôi.
Cái Dần cau mặt:
- Béo bở cái chó gì, từ nay cứ học bài thuộc xong là tao về, bầm tao bảo thế. Tao đếch thèm ngủ đây với bọn mày nữa. Ngủ bọn mày ngáy như dế suốt đêm ai chịu được, mà lớn rồi con gái không được ngủ lẫn với con trai.
- Ngủ cùng chứ ai bảo là ngủ lẫn.
- Cùng hay lẫn cũng thế, thôi học bài đi. Phải làm bằng được bài toán này thì mới đi ngủ.
Cả đám lại tụm đầu vào cái đèn chai. Công việc của đám trẻ những buổi tối tại căn nhà phên tre lợp lá đã siêu vẹo này cứ như những ánh lửa tỏa vào tâm trí lão Bành. Lão cảm thấy những ánh lửa này đã thắp sáng và sưởi ấm cho tâm hồn lão sống lại. Đêm nay, khi đám trẻ lăn ra ngủ, lão lọ mọ đi lại chỗ cái nong rách mấy đứa trẻ đang bo nhau nằm ngáy như dế. Lão ngó nhìn những con chữ nhập nhòe qua ánh sáng từ đít những con đom đóm tỏa ra. Lão chả biết gì nhưng tự nhiên lão thấy lạ, không biết tại sao từ những nét chữ chi chít thế kia mà sao nó lại có sức thu hút bọn trẻ mê mẩn quên ăn, quên ngủ, nhất là thằng Hữu. Lão đã từng đốt hết sách vở đánh nó lằn mông, rách đùi thế mà nó vẫn thì thụt với cái Dần con bà Dậu tìm mọi cách để học cái chữ. Đúng là những cái chữ kia có phép, có hồn ma của ông bà Cúc nhập vào thật. Lão nghĩ đơn sơ vậy và lão lặng lẽ sắp xếp lại những quyển sách, quyển vở gọn gàng vào một chỗ rồi lão ngồi tựa lưng vào cái cột nhà nhìn chúng ngủ ngon lành. Lão tự thấy mình phải có trách nhiệm lớn trong cái nhà này thì mới làm thanh thản được linh hồn của bố bầm thằng Hữu ở nơi chín suối. Lão thổn thức khóc. Thằng Hữu giật mình thức dậy, thấy lão tựa cột nhà, hai tay bo mặt. Thằng Hữu rón rén lại gần, giọng nó thủ thỉ hồn nhiên:
- Bố đi ngủ đi, khuya lắm rồi đấy bố ạ! Không ngủ cái bệnh nó lại quay về thì khổ lắm đấy bố ạ!
- Con đừng lo, bố khỏe lắm rồi, cái bệnh nó không về được nữa đâu. Ngày mai bố sẽ đi sắm lễ để sêu cây thuốc, sêu cây thuốc rồi bố sẽ đến bảo ông Bếp Thìn cử việc cho bố đi làm, cứ ở nhà mãi thế này lấy gì mà ăn vả không đi làm cái bệnh nó lại quay về đấy- Lão lại thở dài và nhìn thằng Hữu, giọng lão âu yếm- Có phải thế không con?
- Phải bố ạ! Khỏi bệnh bố đi làm nếu bác Bếp Thìn cử bố làm bảo vệ thì hay cho nhà mình lắm.
- Ừ, bố cũng thấy thế, làm bảo vệ buổi chiều bố vẫn có thể kết hợp chăn thêm được con trâu.
- Vâng, nếu bố chăn thêm được con trâu thì buổi sáng con đi học, buổi chiều con xin bác Bếp Thìn cho con đi làm các việc vừa với sức của con thì nhà mình sẽ có thêm nhiều công điểm hoặc con sẽ đi lấy củi, gặt lúa chong thêm vào, mỗi thứ một tí dần sẽ hết khó khăn thôi bố nhề!
Thằng Hữu cười tít mắt. Lão Bành gật đầu. Câu chuyện của hai bố con cứ thì thầm mãi đến lúc đàn chim Liếu điếu ở vòm cây nhãn ven sông lô ran lên. Đám cái Dần và thằng Tùng ngọ ngoạy trong cái nong vục dậy, thấy thằng Hữu và lão Bành ngồi tựa cột, chúng trố mắt nhìn nhau. Thấy chúng ngơ ngác, giọng lão Bành ân cần:
- Các cháu ra vại rửa mặt mũi, ăn khoai mà đi học.
Mấy đứa tròn mắt nhìn lão cười rúc rích và chúng cùng nắm tay nhau ra vại nước. Lão Bành cũng chả biết chúng cười cái gì nhưng lão tin chúng đã có thiện cảm với lão hơn. Lão lọ mọ đi xuống bếp bưng rổ khoai luộc lên đặt ở giữa cái nong. Mấy đứa túm tụm lại. Chúng hồn nhiên bóc khoai ăn. Cái Dần bảo:
- Thằng Hữu học cũng khá, luộc khoai cũng ngon, từ rày cứ mang khoai góp vào đây cho nó luộc, sáng dậy bọn mình chỉ việc ăn mà đi học.
- Mày là con gái nói thế mà không biết xấu hổ. Bóc lột thằng Hữu vừa vừa thôi chứ, làm lụng nhiều quá nó ốm ra đấy ai bày bài khó cho - Thằng Tùng làu bàu.
Cái Dần bĩu môi, nó chưa kịp nói thì thằng Hữu cười khì khì:
- Khoai bố Bành tao luộc đấy. Bố Bành khỏi bệnh rồi, từ nay tao chả vất vả nữa đâu, mọi việc trong nhà bố Bành sẽ làm hết, tao chỉ việc sáng đi học, chiều về đi chăn trâu với chúng mày thôi.
- Thế thì tuyệt trần, hoan hô bố Bành, hoan hô!...
Cả bọn cùng reo toáng lên chả khác gì đám chim Liếu điếu ở lùm cây chỗ bờ sông Lô. Tự nhiên lão Bành cũng thấy có cái gì cứ xốn xang ở trong lòng. Lão ngậm ngùi nói với thằng Hữu và đám trẻ:
- Từ rày các cháu cứ đến đây học bài với thằng Hữu cho nó vui, khỏe tay lão Bành này sẽ đóng cho bọn mày cái bàn thật đẹp. Sáng nay trời quang lắm, đi học nhớ đội nón, đội mũ vào không có buổi trưa về nắng các cháu nhá!
Thằng Hữu và đám trẻ cùng đồng thanh:
- Vâng ạ, vâng ạ!...
Và chúng cùng nhau đeo túi, cắp sách tung tăng đi ra cổng. Vừa đi chúng vừa hát: " Đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng... " Lão Bành chống tay vào cái gậy nhìn theo đám trẻ, lòng lão dạt dào như có cơn gió lạ tràn qua!...
***
Lão Bành khỏe khoắn dần lên, cuộc sống trong căn nhà này ấm cúng lại, bản năng một tay thợ thổ dần dần lại hồi sinh trong lão. Những buổi sáng thằng Hữu đi học lão lại tự rọ rạy nhào đất chát chít lại những lỗ vách đã thủng cho gió khỏi lùa vào. Hết việc trong nhà lão lại lần là ra việc ở ngoài sân, ngoài vườn. Sáng nay thằng Hữu vừa cắp sách ra khỏi cổng, lão đã lọ mọ vác cái cuốc lưỡi mèo ra góc vườn vun đắp cho mấy gốc cây chuối tiêu đã bị trâu bò xé tướp lá. Lão đang hì hụi làm thì ông Bếp Thìn từ ngoài đồng Cây Mơ lạch bạch vác cái cuốc đi vào. Thấy lão đang hì hụi, giọng ông Bếp Thìn sang sảng:
- Đúng là bà lang ở Đồng Mụng có thuốc tiên thật, nếu không hôm nay nằm đất ngoài vườn Hốn cũng có cỏ rồi nhề! Mừng cho nhau, mừng cho nhau lắm.
Vừa nói ông Bếp Thìn vừa chống cái cuốc đứng đối diện với lão Bành. Lão Bành cũng ngẩng lên nhìn ông Bếp Thìn cười hề hề:
- Cũng nhờ ông trời còn thương hại. Mà công lao lớn là của thằng cháu Hữu đấy bác ạ! Thôi vào nhà uống với tôi bát nước vối đã.
Nói rồi lão dựng cái cuốc vào bụi chuối cứ thế kéo tay ông Bếp Thìn vào chỗ cái chõng tre. Rót đầy bát nước đưa cho ông Bếp Thìn giọng lão vừa vui vừa ngậm ngùi:
- Bác bỏ qua cho cái thằng thợ thổ ngụ cư này nhá, cũng tại ngu ngốc cả thôi mà.
- Sao chú lại nói thế. Đời người có lúc mà. Dân làng Thông ta có một nhúm người với nhau, chú biết thế là được rồi, đừng chì chiết mình quá cái bệnh nó lại phình ra đấy- Ông Bếp Thìn cười ha hả- Chú khỏi bệnh, thằng Hữu nó có chỗ dựa để học hành cùng chúng bạn, hợp tác có thêm một xã viên để đi cày đi cấy, sướng thế còn gì.
- Vâng, em cảm ơn bác. Bây giờ em có sức rồi, bác cử làm việc gì em cũng chấp hành nhưng em có một đề nghị thế này.
Lão Bành ngước mắt nhìn ông Bếp Thìn, giọng ngần ngừ. Ông Bếp thìn vẫn vui vẻ:
- Có gì chú cứ đề đạt thẳng ra, hợp lí là tôi ủng hộ ngay. Tôi biết hoàn cảnh của chú nhiều chứ.
- Vâng, Thế thì em nói luôn nhá! - Lão Bành mạnh dạn- Em vốn là thằng thợ thổ quen ăn no vác nặng, chuyện cũ ở cái nhà này bác bỏ ngoài tai cho em. Bây giờ bệnh khỏi rồi, hợp tác đang có nhiều ngành, nhiều nghề nhưng bác biết đấy, việc cấy hái, nông gia em có biết gì nhiều, ngày xưa cứ bám váy quần vợ sống. Lội xuống ruộng thì sợ con đỉa, đi làm cỏ chạy đỉa nát hàng bãi lúa, còn có ích gì nữa! Bây giờ hợp tác có tổ bảo vệ, có trại chăn nuôi, đội chuyên canh... em thấy đội chuyên canh là phù hợp với năng lực của em nhiều nhất, vì em đi làm thợ thổ quen rồi. Làm ở đội chuyên canh dứt khoát em sẽ là xã viên xuất sắc cho mà xem, bác cứ mạnh dạn tin em một lần nữa, em sẽ làm lại cuộc đời, chí ít em cũng sẽ là cái cột cho thằng cháu Hữu nó lớn lên cùng được ăn học như đám cái Dần, thằng Tùng ở làng Thông này, được như thế em chắc bố bầm thằng Hữu ở dưới âm phủ cũng mát lòng, mát dạ và không oán trách em nữa. Còn việc riêng tư, nhất là cái cô Khăn, nếu bác biết cô ấy ở đâu, bác giúp để cho cô ấy về với em cùng chung sức chăm lo thằng Hữu thì em ơn bác suốt đời. Gần miệng lỗ rồi em mới ngấm sự đời bác ạ! Em biết ơn cái thằng Hữu này lắm, nhờ nó mà em sống được đến hôm nay. Nghĩ lại những lúc em đánh đòn nó mà ân hận. Nhưng cũng thật lạ lùng, cái thằng này nó không hề thù oán gì em cả, em sợ và nể nó là ở chỗ này. Nhiều lúc có hai bố con ngồi ở cái chõng tre này, em vạch chân nó lên, chỉ vào những vết sẹo do roi cật nứa và dùi đục em quất vào và hỏi nó, có thù oán không? Nó chỉ cười bảo: “Bố đừng nghĩ chuyện cũ mãi làm gì cho nặng lòng, nếu con thù oán bố, con chả phải lặn lội đi lên Đồng Mụng kiếm bà lang chữa thuốc làm gì. Những khi cực khổ nhất con thường nhớ lời bầm con trăng trối: " Dù sao ông ấy cũng là cái cột trong căn nhà này, bầm đã tự nguyện chọn ông ấy thay quyền hành của người đẻ ra con, dù có thế nào con cũng phải sống đúng là đứa con nhé!... " Và thằng Hữu nó đã sống đúng cái nghĩa đó, em phục nó, nể nó và ân hận nhiều lắm bác ạ! Em đối xử với nó thật tàn nhẫn thế mà nó vẫn lầm lũi học cái chữ, học nhờ qua sách vở của đám cái Dần và thằng Tùng với cái chai đèn đom đóm nó tự đi bắt lấy. Thằng bé thật ngoan vừa kiên nhẫn vừa có chí hướng bác ạ! Không biết cái gì cứ như đuốc sáng trong đầu nó? Em đoán đấy không biết có phải là hồn sáng của bố bầm nó soi vào hay là những cái chữ trong những quyển sách quyển vở của nó?
Lão Bành thở dài. Ông Bếp Thìn tròn mắt nhìn lão cười hà hà:
- Chú thế mà hay, nghĩ được thế là rất hay, chú phải tự tìm hiểu lấy, hiểu để mà bù đắp cho nó, chú không đẻ nó, đừng nghĩ nó không phải máu mủ ruột rà mà thịa. Trời cho chú báu vật đấy, đừng để nó tuột khỏi tay mình! Tôi nghĩ thằng cháu Hữu nó vừa có dòng máu của ông bà Cúc lại vừa có ánh sáng từ những nét chữ tỏa sáng nên nó kiên nhẫn và đôn hậu. Mình chưa già nhưng phải nhìn chúng nó mà sống đừng để nhà dột từ nóc thì còn ăn nhằm gì. Hôm xưa ông giáo Thuyên đến họp với đội để phổ biến một số quy định của nhà trường với dân xã và thông báo tình hình học tập của từng đứa trong làng. Ông giáo khen mấy đứa làng mình lắm, nhất là thằng Hữu. Ông giáo Thuyên bảo: "Em Hữu tuy hoàn cảnh nhưng ngoan ngoãn chăm học đang là tấm gương sáng cho toàn trường noi theo. Trên bàn học của mỗi học sinh trong trường đều tự ghi dòng chữ đặt ngay trước mặt: " Vượt kịp bạn Hữu". Tự hào lắm chứ chú. Tôi mà được nó ắt... - Ông Bếp Thìn lại cười ha hả. Đoạn ông vỗ vai lão Bành- Thôi, thế là tôi hiểu được sự thay đổi từ trong cái bụng của chú thật rồi. Tốt, rất tốt. Những việc chú đề đặt tôi sẽ bàn với ban chủ nhiệm hợp tác đáp ứng, còn việc cô Khăn, tôi tin cô ấy không đi xa nhưng việc để đón cô ấy trở về thì không thể ngày một, ngày hai. Việc này là của chú. Chú cứ thực lòng yêu thương thằng Hữu như con đẻ, tôi tin sẽ có cơ! Thôi chú nghỉ đi. Tôi phải ra đồng xem mấy cái dông nước ở đồng Cây Mơ, Cây Mận đã.
Vừa nói ông Bếp Thìn vừa lạch bạch đứng dậy vác cái cuốc đi một mạch.
Lão Bành đứng ngẩn nhìn theo, trong lòng lão như bụi cỏ bòng bong đang được cơn gió lạ thổi tốc lên. Lão hùng hục đi ra chỗ mấy bụi chuối vớ cái cuốc xới cỏ đấp đất thật to vào gốc nó. Lão hy vọng vườn chuối sẽ xanh lại để nhà lão có thêm nguồn thu nhập, có thêm đồng tiền mua muối, mua mắm và giấy mực, dầu đèn cho thằng Hữu đi học. Nghĩ vậy lão càng thấy sảng khoái trong lòng, cái chân, cái tay lão như rắn chắc hẳn ra. Lão cứ hì hụi làm, mãi đến khi thấy tiếng bọn trẻ đi học về nhí nhéo ở ngoài phía cống Thông lão mới vội buông cái cuốc vào bếp khời lửa nấu cơm. Ngọn lửa cháy lên niêu cơm sôi ành ạch, mùi hương ruộng đồng ngát lên càng làm cho lòng dạ lão thêm sóng sánh. Lão ngồi lặng nhìn bếp lửa, tự nhiên lão thấy xót xa, lão ân hận với cô Khăn, người vợ hiền của lão xưa kia, và nhớ bầm thằng Hữu day dứt, nước mắt lại ứa đầy hai hốc mắt lão. Lão vớ cái đũa bếp vẽ nguệch ngoạc trên tro. Lão ước lúc này lão cũng biết cái chữ như thằng Hữu để tâm lòng lão hiền sáng ra, để cho bầm thằng Hữu mát mặt bỏ qua những tội lỗi của lão với đất và người làng Thông đã từng đùm bọc lão và bà sẽ rộng lòng tìm kiếm cô Khăn về chung sức với lão để nuôi nấng thằng Hữu. Nghĩ vậy lòng lão cứ bập bùng như ngọn lửa. Thằng Hữu cũng về đến cổng, nó vừa đi vừa tháo cái quai túi khỏi vai móc vào cái đinh trên cái cột nhà vội chạy xuống bếp, giọng nó mừng rỡ:
- Bố lại chõng nằm nghỉ để con nấu cho. A, bố này! Ăn cơm xong nghỉ ngơi rồi bố con mình đi lên Đồng Mụng sêu cây thuốc nhá, bà Tứ bảo hôm nay ngày tốt mà. Con đã nhờ bọn cái Dần và thằng Tùng đi chăn trâu hộ rồi.
Lão Bành tròn mắt nhìn thằng Hữu giọng hơi ngại ngùng:
- Nhưng bố con mình đã sắm được lễ đâu!
- Bố khỏi lo, bà lang dặn khi nào khỏi hẳn bệnh chỉ cần cơi trầu, nải chuối, chai rượu và tấm lòng thành là được, mọi thứ con đã nhờ bầm của cái Dần đi chợ sắm đủ rồi, tẹo nữa nó mang đến bố ạ!
Giọng thằng Hữu sung sướng. Lão Bành nhìn nó khẽ thở dài rồi gật đầu.
Lão lầm lũi đi theo thằng Hữu, đến chỗ con suối nước xanh ngắt đổ ra cánh đồng Mụng, giọng thằng Hữu tưng bừng:
- Hôm đầu tiên con lặn lội đến chỗ này thì gặp mấy bà dân tộc đi mò ốc ở suối, mấy bà xi xồ bằng tiếng trong bản con chả hiểu gì, mấy bà đổi sắc mặt con sợ quá, con cứ nói đại: “Cháu đi lấy thuốc cho bố... "May có một bà nghe ra, họ không nghi con là người xấu nữa. Các bà ấy chỉ lối cho con lên tận nhà của bà lang. Người dân tộc cẩn thận và tốt bụng lắm bố ạ!
Giọng thằng Hữu tấm tắc và cứ thế nó dẫn lão Bành leo ngược núi. Đến chỗ có cây si đại thụ xòa bóng trùm kín căn nhà, thằng Hữu bảo:
- Nhà bà lang ở đây.
Nói rồi nó xóng lại quần áo lễ phép bước vào cổng. Bà lang đang ngồi trước đền cây thuốc, thấy có khách bà chỉ chắp tay nói một câu:
- Mô Phật.
Hiểu nghi lễ của bà, thằng Hữu dẫn lão Bành lẳng lặng ngồi vào chiếc ghế bằng những hòn đá ghép lại kê ở ngay dưới gốc cây si. Xong việc ở đền cây thuốc, bà lang ra chỗ bàn nước dưới gốc si tiếp khách, bà vẫn nghi lễ:
- Mô Phật! Ta biết thế nào cũng có ngày con trở lại đây, bệnh tình của ông nhà đã qua, ta mừng nhiều.
Bà như không biết lão Bành đang có mặt ở đây, bà đổ ánh nhìn âu yếm về phía thằng Hữu giọng chứa chan:
- Con mang lễ ra đền cây thuốc bà thắp hương cho.
Nói rồi bà kính cẩn đứng dậy đi lại chỗ đền thờ cây thuốc, thằng Hữu và lão Bành bưng lễ đi theo. Đặt lễ lên đền, bà thắp nhang quỳ phục trước đền vái ba lễ. Thằng Hữu cũng cúi đầu vái theo, lão Bành lóng ngóng chưa biết nên làm như thế nào khi lão nhận ra bà lang chữa bệnh cho lão lại chính là cô Khăn, người đã phải chịu bao nhiêu cực hình của lão. Bây giờ bà đang tu và lấy thuốc cứu người ở đây. Lão Bành chắp tay, mồm há hốc không nói thành tiếng được. Bà lang vẫn chắp tay ngồi trước đền cây thuốc, giọng trang nghiêm:
- Mô Phật.
Khi nhang khói tỏa khắp đền thờ, bà lang cúi đầu vái ba lễ nữa rồi đứng dậy đi về phía cái bàn đá kê ở dưới gốc cây si, thằng Hữu và lão Bành lặng lẽ đi theo. Bà rót nước mời khách và vào trong nhà lấy ra một cái gói vuông vắn đặt lên bàn, giọng ân cần bảo thằng Hữu:
- Chúa Ngàn gửi lại lộc cho con, nghĩa là Người đã nhận được tấm lòng thành của con rồi đấy. Con mang cái lộc này về sắc cho người bệnh uống tiếp, uống hết gói lộc này tâm xác người bệnh sẽ vượng, con cứ tin lời ta nói, sẽ có ngày ta gặp lại con.
Lão Bành tròn mắt nhìn bà, hai tay lão bo lên mặt, lão định bày tỏ hết nỗi niềm nhưng bà lang đã chắp tay:
- Mô Phật.
Cổ lão Bành tự nhiên nghẹn ứ. Biết được nghi lễ của bà, thằng Hữu khoanh tay chào rồi ôm cái gói lộc trên bàn lặng lẽ đứng dậy. Bà tiễn hai bố con thằng Hữu xuống tận suối nước bà mới quay về. Lão Bành không dám ngoái lại, lủi thủi bước theo thằng Hữu. Lão muốn nói cho nó biết tất cả sự thật về bà lang nhưng chả biết tại sao cổ họng lão cứ nghẹn đắng. Thằng Hữu không hề biết chuyện này nó lón thón vừa đi vừa bảo lão Bành:
- Đường rừng bố đi cẩn thận kẻo vấp ngã.
Lão Bành chỉ gật đầu và lặng lẽ bước theo nó. Nắng chiều cũng tắt dần, phía sau lão âm thanh của suối nước từ núi Lịch đổ ra đồng Mụng rì rầm, trong trẻo. Tiếng rì rầm trong trẻo của suối làm cho tâm trí lão Bành vừa trong ngần vừa đau đớn.
***
Lão Bành được cử vào làm ở đội chuyên canh của hợp tác xã làng Thông. Lão rất hân hoan vì cái nghề đào đất đã thuộc về bản năng truyền thống, nghề nghiệp của lão. Lão tích cực đi làm, một phần để cho công việc nó xóa nhòa đi những dằn vặt trong đầu lão bấy nay nhất là từ khi lão gặp lại cô Khăn người đã từng chung giường chung chiếu với lão một thời, bây giờ lại cam phận ở một mình giữa cánh rừng mênh mông mãi tít bản Đồng Mụng. Bà ấy lại lấy thuốc cứu lão khỏi cái chết. Nhờ cái thuốc của bà ấy mà bây giờ lão lại gánh được bốn giành đất mà vẫn thấy dư lực. Có lẽ cái cây thuốc nó hành lão đây, nó bắt lão phải tự nguyện lao động, tự nguyện gánh đất, không những chỉ gánh bốn giành mà còn phải gánh sáu giành mới tiêu hao hết được năng lực ở cái tuổi ngoại tứ tuần của lão. Lão hùng hục làm, ngày mưa như ngày nắng, nhiều lúc thấy lão làm quá sức mấy bác ở trong đội chuyên canh vừa đùa vừa thật bảo:
- Làm vừa vừa chứ còn để sức mà lấy cô vợ kiếm đứa con nối dõi và cũng để cho thằng Hữu nó có bạn chứ.
Lão hơi chạnh lòng nhưng lão chỉ lắc đầu và cứ hùng hục gánh đất. Ngày xã mở chiến dịch nâng cấp con đê, đội chuyên canh là lực lượng xung kích trong phong trào này và tự nhiên lão thành hạt nhân của đội. Lão làm quần quật, làm đến nỗi ông đội trưởng cũng phải nể, lão cứ lèn mỗi bên ba giành đất đi băng băng. Đội tuyên truyền cứ đọc tên lão oang oang trên cái loa sắt, lão lại càng làm hăng. Tên tuổi lão lan khắp làng xã. Cuối chiến dịch nâng cấp con đê lão được huyện cấp cho cái giấy khen to tướng lồng trong cái khung rất trang trọng. Mang cái giấy khen về lão bảo thằng Hữu treo lên gian nhà giữa. Thằng Hữu loay hoay mãi cũng gắn được cái giấy khen bám vào tấm phên liếp lành phành. Lão ngồi lặng ở cái chõng tre cứ thế ngắm. Lão ước làng xã sẽ mở nhiều chiến dịch để lão lấy giấy khen. Quả mong muốn của lão cũng được đáp ứng ngay. Phong trào hợp tác xã phát triển rầm rộ, hết chiến dịch đắp đê lại đến chiến dịch đào mương máng, chiến dịch phá hoang phát rừng để tăng diện tích trồng trọt, chiến dịch đại sỏi khơi thông dòng sông Lô, chiến dịch phá đình chùa chống mê tín dị đoan để xây dựng đời sống văn hóa mới... Chiến dịch nào lão cũng được xã, huyện tặng giấy khen. Riêng cái chiến dịch phá đình chùa là lão không đạt, nguyên do khi thấy mấy ông là thành viên tiên tiến trong làng cứ rụt rè rồi lại hô lão làm tiên phong, lão xông vào ngôi đình nhưng không hiểu tại sao tay chân lão cứ run lên cầm cập. Lão sực nhớ cái đền thờ cây thuốc của vợ lão (bà Khăn) ở trên bản Đồng Mụng. Chân tay Lão rời rã. Lão vứt bụp cái búa xuống nền nhà hai tay bo mặt khóc tu tu. Thế là cả đám người chả ai dám đụng vào cái cột đình nữa. Bao nhiêu lần đội hạ quyết tâm nhưng ngôi đình vẫn lù lù đứng đấy. Họ khôn khéo đổ lỗi cho lão Bành. Lão phải đưa ra đội hợp tác xã kiểm thảo. Lão chỉ một mực nói:
- Tôi không chống đối việc phá đình chùa nhưng bắt làm tôi không làm được. Cứ cầm vào cái búa, cái rìu là tay chân tự nhiên cứ bở ra, bây giờ làng bắt tội gì tôi cũng phải chịu, mà tội gì thì tội, đi đến đâu tôi cũng chỉ là thằng thợ thổ ngụ cư ở làng Thông này thôi mà. Xin bà con tha thứ để tôi được làm ở tổ chuyên canh lấy công điểm nuôi thân và nuôi thằng Hữu.
Lão lại ôm mặt khóc tu tu. Cả đội hợp tác xã làng Thông ngồi im lặng và ông Bếp Thìn ngậm ngùi tuyên bố giải tán cuộc họp.
Lão rầu rĩ đứng dậy lững thững đi về nhà. Đêm cũng đã khuya. Đám thằng Hữu vẫn ngồi tụm quanh ngọn đèn. Lão lặng lặng lại chỗ cái chõng tre ngồi. Qua ánh đèn nhập nhòe từ chỗ cái bàn học của đám thằng Hữu hắt lên, lão lại nhìn thấy những cái giấy khen to trên vách ở gian nhà giữa, lão xót xa thở dài. Thằng Hữu giật mình ngẩng lên, thấy lão ngồi lo xo ở góc cái chõng, nó vội hỏi:
- Bố về lúc nào thế? Họp xã viên tối nay bình bầu, lần này bố có được giấy khen nữa không?
Nghe thằng Hữu hỏi, lão Bành lại thở dài. Giọng lão uể oải:
- Khen ngợi gì đâu, bà con còn đưa bố ra để kiểm thảo đấy!
- Kiểm thảo về tội gì hả bố?
Thằng Hữu hỏi trộ. Giọng lão Bành vẫn ể oải:
- Tội bố không tiên phong phá đền chùa!
Nghe lão nói, thằng Hữu và cả bọn cái Dần, thằng Tùng cùng cười rinh lên.
- Thế là bố có thành tích đấy, bận gì bố phải buồn!
- Thành tích sao người ta lại kiểm thảo?
- Thành tích là cái đình, cái chùa vẫn còn. Nếu bố mà lại tiên phong như những công việc khác thì đền chùa làng mình mất hết và như thế bố sẽ bị bia miệng để đời: " Lão Bành phá đình chùa"!... Đình chùa là nét đẹp văn hóa của mỗi làng quê Việt Nam đấy bố ạ! Thầy giáo Thuyên thường giảng bài và dạy chúng con như thế. Lão Bành ngẩn người, lão định hỏi lại nhưng nghe bọn trẻ bảo ông giáo Thuyên dạy thế lão lại tin. Lão rón rén ngả lưng xuống cái chõng tre. Lão nằm quay mặt về phía bọn thằng Hữu đang cặm cụi học bài. Lão nghĩ những cái chữ trong sách vở mà ông giáo Thuyên dạy chắc phải có gì thú vị lắm nên bọn trẻ nó mới say mê vậy. Ông giáo Thuyên đã dạy thì điều gì chắc cũng đúng, cũng hay. Ông giáo bảo đình chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi làng quê chắc là không sai. Đã là nét đẹp thì phải bảo nhau giữ lấy, sao lại ra lệnh phá đi! Mà tại sao lại cứ phải bắt cái thằng Bành này làm tiên phong nhỉ? Tại sao trước khi làm làng xã lại không hỏi ý kiến ông giáo Thuyên nhỉ? May mà mình lại không dám làm tiên phong nên đình chùa còn nguyên đấy. Lão thở dài và thiu thiu ngủ. Đám thằng Hữu vẫn hí hoáy học bài mãi đến khi những con đom đóm trong cái chai nằm im cái Dần mới bảo:
- Bọn mày ngủ, tao về đây, mai đi học ới nhau một tiếng nhá.
Vừa nói cái Dần vừa xách cái đèn đứng dậy. Thằng Tùng khúc khích cười bảo:
- Con ma ông Hai Mẫn giờ này đang bò lên miệng cống Thông, đi qua đấy có mà!...
- Có thì sao nào? Tao ghét cái mặt mày lắm rồi Tùng nhé, mày mà không sửa chữa tao sẽ bảo cả bọn tống cổ không cho chơi cùng nữa.
Nói rồi cái Dần xách cái đèn cùn cũn đi. Thằng Hữu vẫn không hiểu tại sao cái Dần lại nói vậy. Nó dàn hòa bằng một câu rất chân tình:
- Thôi để tao đưa về.
Thằng Tùng nhìn theo vẫn cười khúc khích.
Thằng Hữu quay về đến nhà, thằng Tùng đã nằm cong tôm trong cái nong nhưng mắt nó vẫn lim dim. Thằng Phú bảo:
- Cái Dần nó dỗi đấy.
- Dỗi cái gì?
- Tại thằng Tùng đùa dai, lại hơi quá nữa.
Nó cứ nói xơi xơi:
- Ngực cái Dần mọc hai cái gai gạo, tao ngủ quờ phải cứng lắm nhá, thảo nào cái Dần lại cứ thích nằm gần thằng Hữu. Tao thấy cái Dần đỏ mặt tưng bừng rồi mắng thằng Tùng là đồ láo toét. Thằng Tùng vẫn nhe răng cười hềnh hệch, làm cho cái Dần càng tức. Nó bảo không thèm chơi với thằng Tùng nữa. Nếu thằng Tùng không bỏ kiểu đùa bố láo bố toét ấy đi nó sẽ thưa với thầy Thuyên đấy. Mày bảo Thằng Tùng chừa cái kiểu đùa cợt ấy đi, chúng mình lớn rồi đấy. Sang năm là đi học trên trường huyện rồi còn gì.
Thằng Phú im lặng đưa mắt nhìn thằng Hữu. Chợt thằng Tùng đuột người ra cái nong cười khè khè:
- Tao khùa vào hai cái gai gạo ở ngực cái Dần thật. Tao hứa từ nay quên chuyện này, chúng mày đừng giận tao nhá!
Thằng Tùng khẩn khoản rồi lại co chân nằm quận hình con tôm trong cái nong. Thằng Hữu không nói gì, nó gấp sách vở cùng nằm xuống. Ba thằng lại quắp chặt lấy nhau, chỉ một lúc thằng Tùng và thằng Phú đã ngáy khò khò. Thằng Hữu nhắm mắt nhưng nó cứ thao thức không thể nào ngủ được. Những câu chuyện thằng Phú và thằng Tùng vừa nói làm nó vừa buồn cười vừa băn khoăn bởi trong đám mục đồng của chúng nó từng gắn bó với nhau thì cái Tráng đang đi học, bố mẹ nó đã nhận cơi trầu của nhà ông Xuyến Cự gả nó cho thằng Dương ngốc, thế là cái Tráng bỏ học ở nhà đi theo công điểm của hợp tác xã và chờ ngày cưới chồng. Còn cái Dung thì nộp đơn đi học chuyên nghiệp. Bây giờ chỉ còn có bốn đứa tụ học trong cái nong này mà thằng Tùng lại có chiều lười biếng ham chơi lại tò mò những chuyện rất lạ. Cái Dần thì cứ to phổng lên. Thằng Tùng lại thô thiển, đùa cợt bố láo bố toét. Nếu không cẩn thận cái Dần tự ái không đến đây học nữa thì chán chết vả nó vẫn đến học mà thằng Tùng cứ lấn thêm những chuyện bông phèng thì không chuyện này, chuyện khác cũng sẽ xẩy ra. Mà biết đâu chúng nó lại dẫm vào lối của cái Tráng thì còn học hành phấn đấu gì được nữa. Phải có cách khuyên bảo chúng nó. Thằng Hữu nằm lặng suy tính, vô tình nó cùa tay động vào thằng Tùng. Thằng Tùng giật mình nhổm dậy, thấy thằng Hữu vẫn thức, nó cười khè khè:
- Nhớ cái gai gạo của cái Dần đếch ngủ được à?
- Mày đừng bậy Tùng nhá. Chúng mình bắt đầu lớn rồi đấy. Lớn rồi phải tập suy nghĩ làm người lớn chứ. Việc chính của bọn mình bây giờ là phải tập trung vào học hành để cả mấy đứa mình cùng thi đậu trường làng, cùng đi học trường huyện. Phải cùng nhau cố gắng thì mới đạt được mơ ước đó. Mấy đứa mình phải quyết tâm cùng thi đỗ, cùng đi học trường huyện cho dù phải vượt qua nhiều vất vả nữa. Mình phải cố đừng để thầy Thuyên buồn, đừng dẫm vào lối mòn như cái Tráng với thằng Dương Ngốc thì chả làm gì giúp ích cho quê nhà ta đâu. Nghe tao Tùng nhá!...
Thằng Hữu nói như cầu xin. Thằng Tùng lại cười khè khè và nó đứng thẳng lên giữa cái nong hai tay khoanh trước ngực:
- Em xin vâng lời " thầy Hữu ạ".... sáng mai đi học em sẽ xin lỗi cô Dần ngay ạ!
Và nó ôm lấy thằng Hữu nằm quận giữa cái nong cười khè khè. Thấy thằng Tùng chịu, thằng Hữu cũng ôm ghì lấy nó quận tròn giữa cái nong cùng ngủ thiếp đi, ở chỗ cái chõng tre lão Bành cũng bắt đầu ngáy khò khò. Căn nhà chìm vào màn đêm tĩnh lặng cố hữu của quê nhà. Gió ngoài sông Lô lại hắt lên tràn vào mái lá rào rào.
Đồng Làng Đom Đóm Đồng Làng Đom Đóm - Trịnh Thanh Phong Đồng Làng Đom Đóm