Số lần đọc/download: 256 / 22
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 3
K
hi những nhân vật chủ chốt của Việt Nam Quốc dân Đảng ôm hận lên đoạn đầu đài, nhận cái chết dũng cảm, mong mỏi “không thành công cũng thành nhân”, để lại danh thơm cho hậu thế, hẳn họ không ngờ được những kẻ kế tục họ, chẳng bao lâu đã đổ đốn đến như thế. Lịch sử đã không ít những chuyện như vậy. Những kẻ tự xưng là hậu bối của Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Ký Con..., sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, cuối cùng chỉ còn lại là những tên đầu cơ, trục lợi, mau chóng biến thành những tên tay sai hèn hạ nhất của các thế lực nước ngoài. Chạy dài trong cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp ở phía này, những phần tử hèn nhát ấy lập tức được các tướng Lư Hán và Long Vân thu nạp, nuôi dưỡng. Hồi sức trở lại, chúng lại bắt đầu múa may trên sân khấu chính trị, cũng đảng nọ phái kia, điều lệ này, cương lĩnh khác, huênh hoang những khẩu hiệu quốc gia dân tộc. Nhật vào Đông Dương, bọn này vượt biên giới Việt — Trung, bắt đầu thực thi nhiệm vụ điệp báo viên của những tập đoàn quân Tưởng đóng ở Mông Tự. Và khi quân đội Tưởng thay mặt Đồng minh vào miền Bắc Việt Nam giải giáp vũ khí quân đội Nhật thì chúng trơ trẽn vác mặt trở về, rồi dựa thế quan thầy nhảy lên làm cuộc cướp đoạt chính quyền ở tỉnh này. Cuộc cướp giật thật vội vàng, luộm thuộm. Giật gấu vá vai, tập hợp một số cốt cán ở “quốc ngoại” trở về cùng những hào lý chức dịch có mưu đồ bá vương và một ít thanh niên mơ hồ, hiếu danh, tỉnh đảng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng tỉnh Lào Cai được dựng lên một cách vội vàng và cẩu thả. Thôi thì cũng đủ mâm bát. Cũng Quốc gia thanh niên đoàn. Cũng quốc dân quân, đặc vụ, liêm phóng, trừng thanh cục. Song cho đến tận giờ, hình như công việc của chúng chưa tiến hành được bao lăm. Các thổ ty khôn ngoan, như cái cây cổ thụ già lòng thòng rễ phụ, bám thật chặt mảnh đất và đặc quyền phụ truyền tử kế, cát cứ từng vùng rộng lớn, các châu, huyện trong tỉnh, ra mặt chống lại mọi yêu sách đất đai và quyền hành của chúng. Thổ ty, họ mới là những ông chủ thật sự của đất này!
Có lẽ, công việc mà chúng làm có kết quả nhất vẫn chỉ là việc núp dưới bóng quân Tưởng, bất ngờ làm cuộc đảo chính cướp chính quyền, lật đổ ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh do Lê Chính, một cán bộ Việt Minh làm chủ tịch, — một chính quyền mới thành lập khi Nhật đầu hàng — ở tỉnh này. Và cái “công tích” này trước hết thuộc về Lý Tư Lệnh — tư lệnh quân đoàn 93 — và Triệu Đại Lộc.
Lộc tức Cấp, tức Đạo, tức Hồi... nguyên cai lục lộ tỉnh Thái Bình. Sau khởi nghĩa Yên Bái thất bại năm 1930, sợ khủng bố, Lộc bỏ quê chạy tọt lên châu Pa Kha mai danh ẩn tích. Ở Pa Kha, y mở tiệm rượu, lấy một người đàn bà Hoa, chung vốn cùng ả buôn thuốc phiện lậu. Buôn thuốc phiện tận gốc, bán thuốc phiện tận ngọn, vợ chồng y chẳng mấy chốc đã phất lên hàng cự phú. Y thêm giàu thì cũng thêm thù. Năm bốn mươi y bị làm phản một cú lớn. Toàn bộ gia sản bị tịch thu. Y phải vào tù mười lăm năm. Đã tưởng thế là chôn vùi cơ nghiệp. Nhưng không, số y còn may. Trong tù, y kết thân với một tướng cướp gian ác khét tiếng tên là Voòng Sắt. Nhờ Sắt giúp, y vượt ngục. Rắp tâm trả thù những kẻ làm phản mình và chọi lại với bọn nhà đoan đã chơi y một vố quá đau, y đi tìm minh chủ lấy chỗ dựa. Bây giờ, bọn Việt Nam Quốc dân Đảng “quốc ngoại” đang lần mò trở về gây cơ sở ở biên giới. Đôi bên gặp nhau, đều như đại hạn gặp mưa. Tàn bạo, trắng trợn, bất trung bất tín, nhưng lắm thủ đoạn và cũng còn đồng tiền, y mau chóng leo lên địa vị chủ chốt ở cái nhóm gián điệp Việt gian này. Và khi cuộc đảo chính thắng lợi, y nghiễm nhiên ra công khai với chức vị Tỉnh đảng trưởng.
Phố xá đang xôn xao về cuộc đời nhớp nhúa, vô sỉ của Lộc, Lộc cũng chẳng giấu. Mà giấu sao được. Trước sau Lộc cũng vẫn là một gã con buôn.
Hôm qua, một lần nữa Lộc lại mò xuống thôn Vạn Hoa. Dụ dỗ và đe dọa, mơn trớn và thô bạo, Dung vẫn khăng khăng. Lộc giở bài bây. Nhưng sức của cô gái tự vệ vẫn mạnh hơn. Lại đúng lúc bà cụ đi chợ về. Bà cụ la gọi cả thôn tới. Lộc vừa ức vì mất mồi, vừa nhục. Gỡ mãi, y mới thoát trở về được.
Hôm nay trở dậy muộn hơn thường lệ, Lộc rửa mặt xong, đang thắt bao súng, thì có tiếng gõ cửa.
— Vào đi!
Lách qua khe cửa, tên sĩ quan cận vệ còm nhom bước vào phòng, khép cửa lại và thong thả tiến đến trước mặt Lộc.
“Lại công điện từ mặt trận về”. Lộc nghĩ, mặc tên sĩ quan đứng ngay đơ chìa bức điện. Cúi xuống gài khóa ghệt, Lộc thủng thẳng:
— Để bức điện đó cho tôi lên bàn. Mộng Huyền, anh đã cho người đi gặp Voòng Sắt chưa?
— Báo cáo...
— Nội nhật hôm nay phải cử người đi tìm gặp được ông ta. Nói với ông ta rằng: Tỉnh đảng trưởng chúng tôi lưu ý ông bạn không nên chơi xấu nhau như thế. Địa giới đã khoanh. Đất này là của chúng tôi.
— Thưa, tối hôm nọ Voòng Sắt chỉ đốt làng Kim ở cây số bảy. Còn bọn Man di khai sáng mới là kẻ cướp nhà ông Phán Thông và nhà ông Nông Vĩnh Yêng.
— Man di khai sáng là bọn Trương Cam ở Bản Lẩu ấy à? Ta bắt hắn rồi cơ mà?
— Báo cáo, họ trả thù... Còn đây, trình tỉnh đảng trưởng, bức công điện thượng khẩn...
— Cái gì?
— Thưa, Yên Bái thất thủ. Ủy viên trưởng Vũ Khanh sắp lên đây cùng sáu trăm binh sĩ.
Cầm bức công điện, Lộc ngây người. Cho tới lúc cửa lại mở, một tên sĩ quan vào nhắc Lộc: các công chức đã có mặt, y phải ra ngay để chủ tọa cuộc họp, y mới vội vàng đội mũ, hấp tấp xuống thang gác. Chiếc Tắc-xông A-văng đã đợi sẵn rì rì nổ máy, đón Lộc, lăn ra đường.
Căn phòng họp ở trụ sở thị trấn lúc này đã chật ních những người là người. Người được triệu đến họp đã yên vị. Thuần là những nhân vật tai mắt, tiếng tăm, thuộc đủ các giới công thương, trí thức, công chức ở tỉnh. Đám công chức ngồi vây quanh ông Bằng chủ sự nhà dây thép và ông Huyền giáo học. Ông Bằng có uy tín lớn trong hàng công chức vì tuổi tác, vì tính khảng khái vô tư và vì tầm hiểu biết sâu rộng. Còn ông giáo Huyền tốt nghiệp moniteur Phan Thiết, con người của phong trào vui khỏe Đuycôroay, lên đây dạy học, nổi danh là một thanh niên tân tiến, lại có công gây dựng phong trào tennít trong đám công chức. Ngồi ở cuối phòng là các ông chủ hãng xe khách, thầu khoán, các cửa hàng buôn lớn ở thị trấn. Đám các ông y tá, y sĩ, kiểm lâm thì đang vây quanh tờ báo “Việt Nam” mới xuất bản, bàn bạc về việc Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tự giải tán, về Hội nghị Fông-ten-nơ-blô...
Ngồi ở giữa hai nhóm đó là một phụ nữ trạc ba mươi tóc phi-dê, mặt tròn, vú nở, đang soi gương tô lại cặp môi. Người đó là Hoàng Uyên một me tây mới xuất hiện ở trấn này trong những ngày này.
Canh chừng cho cuộc họp, một tên hiến binh cao lớn, mặc soóc đen, đeo kính gọng to, khoanh tay trước ngực, đứng ở bên cửa lầm lì như tượng đá.
Trọng đón Lộc ở cửa:
— Trình Tỉnh đảng trưởng. Cử tọa đã đến đông đủ.
— Tốt!
Gật đầu lấy lại sự vui vẻ, Lộc nhanh nhẹn bước vào phòng họp. Đang lào xào trò chuyện, thấy Lộc mọi người lập tức im phắc.
— Hà hà, chào quý vị...
Tiến đến cái bàn phủ tấm khăn thêu hình con rồng nổi, vừa bỏ mũ xuống, dọn giọng vào chuyện, Lộc bỗng ngây người:
— Ơ kìa, ông Huyền.
— Kính thưa quý ngài Tỉnh đảng trưởng...
— Có việc gì thế?
Ông giáo Huyền vừa đứng dậy, hai tay chắp trước bụng, trịnh trọng:
— Dạ, tôi đại diện cho một số anh em công chức.
— Để tôi nói đã, ông Huyền.
— Dạ... tôi đại diện cho một số anh em công chức đã có đơn kính trình Tỉnh đảng trưởng, cho phép chúng tôi được trở về quê hương ạ. Dạ.
— Thế nào! — Cắt ngang lời ông giáo, Lộc đập khẽ tay xuống bàn, mặt cau cau:
— Trở về quê! Ông Huyền, sao ông lại có ý nghĩ quái lạ vậy. Việt Minh đang xâm lấn khắp các tỉnh miền xuôi và miền ngược. Ông xin về để làm gì? Hay để đi theo họ? Hừ, các ông hẳn cũng biết rằng, bất kỳ một mưu đồ nào, bất kỳ một kẻ nào định làm phản chúng tôi, chúng tôi cũng thẳng tay trừng trị chứ?
Căn phòng xẹp xuống như một quả bóng xì hơi. Chống tay lên sườn, Lộc nhìn cử tọa. Cái bàn cao rộng nên trông y càng bé. Mớ tóc trên thóp đã rụng thưa khiến đầu y như to thêm và cái mặt thiết bì càng choắt lại. Tiền đầu thế là bất lợi. Lộc biết vậy nên đứng im một lúc, đợi cho mọi người trật tự trở lại mới liếm môi nhận ra, đổi giọng trở lại bình thường:
— Thôi nhé... Xin quý vị đừng để bụng lời nói thẳng của người quen tranh đấu nơi chính trường. À... ông Phán Thông có đây không nhỉ?
— Dạ, ông ấy đi đâu từ đầu tháng cơ ạ.
— Đi đâu nhỉ?
— Dạ, chúng tôi không rõ ạ.
“Hừ, thằng cha tinh khôn như con cáo này chắc là lại tót vào Pa Kha với Hoàng Văn Chao rồi. “Thoảng qua Lộc một ý nghĩ bực bội. Nhưng lại sợ mất cái không khí hòa hợp cần thiết cho cuộc họp quan trọng này — buổi họp đề cử ra một chính quyền dân sự ở thị trấn — Lộc vội dãn ngay khuôn mặt vừa cau cau:
— Thưa quý vị... Thôi nhé, cho qua mọi chuyện vừa rồi đi. Giờ tôi xin mạn phép thông báo để quý vị biết sự nghiêm trọng của tình hình hiện tại, để chúng ta cùng chung sức nỗ lực phấn đấu.
Câu mào đầu mượt mà trôi chảy, được cất lên thật mạch lạc, khiến Lộc cảm thấy hào hứng trở lại. Hơi nhô người về phía trước, Lộc cao giọng dần:
— Thưa quý vị, chẳng lẽ chúng ta lại dương mắt nhìn tỉnh này rơi vào tay Cộng sản? Bài học còn sờ sờ ra đấy. Việt Minh Cộng sản nói cách mạng, nhưng cách mạng xong thì đờ oi đoi sắc đói. Rồi lụt. Hà Đông, Bắc Ninh. Thái Bình. Nam Định, Thanh Hóa. Đói và lụt khắp nơi. Việt Minh nói đánh Tây, đuổi Nhật. Nhưng họ lại thò tay ký Hiệp ước sơ bộ. Như thế là họ cõng rắn cắn gà nhà. Nay họ lại còn đem quân đánh lên đây. Rõ thật họ muốn gây cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt rồi còn gì. Thành ra, lúc này đây, phàm là kẻ có tí tri thức thì không thể làm ngơ trước cảnh điêu linh của đất nước. Thưa quý vị. Đã có câu: Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn. Lại có câu, Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai. Cái lẽ tùy thời lớn vậy thay!! Tôi xin đơn cử với quý vị một ví dụ. Họa sĩ Đoàn Trọng, một con người rất thức thời như thế. Họa sĩ là một tài năng lớn về hội họa của nước Việt. Nhưng lúc này họa sĩ không thể an lòng ở lại trong tháp ngà nghệ thuật...
Ông Bằng ngúc ngắc cái cổ nổi gân nhằng nhằng. Mặt đờ đẫn, ông giáo Huyền chuyển cái nhìn ngơ ngác, khó hiểu ra ngoài cửa, nơi Trọng đứng.
Từ lúc bắt đầu cuộc họp, Trọng vẫn đứng tựa cột cạnh tên hiến binh đeo kính đen. Chợt thấy Lộc nhắc đến mình và khi thấy mấy chục con mắt từ trong phòng hất ra nhìn mình, anh liền từ từ chuyển ra cái cửa ngách.
— Vì vậy — Lộc tiếp — Chúng ta phải cố kết lại. Tiện đây, tôi nói để quý vị rõ: ngày hôm nay, các chiến binh của ta, từ đây đã lên đường đi tiếp viện cho mặt trận Phong Thổ, chặn quân thực dân Pháp. Huyết chiến đang xảy ra ở Phong Thổ, miền Tây của tỉnh ta.
Trọng bước ra cửa. Cái giọng thuyết pháp của Lộc mách qué nghe chán tai quá. Ở cửa, Mộng Huyền đang đứng, tay tì trên bao súng lục trễ bên hông.
— Anh Trọng, anh biết tin gì chưa?
— Huyết chiến đang xảy ra ở Phong Thổ... — Trọng nhếch mép:
— Không! Tin mới kia... Vũ Khanh sắp lên...
— Sao?
— Anh Trọng! — Mộng Huyền kéo tay áo Trọng — Như thế có phải là ta đang đại bại không? Việt Minh lại đang đánh lên. Tại sao họ lại như thế? Họ đã đồng ý với ta, hòa hợp trong tỉnh thành Việt Nam kia mà?
Trọng nhìn tên sĩ quan gầy gò xanh xao, cắn môi, quay đi. “Tinh thành Việt Nam! Vậy tại sao chúng mày lại đi lùng bắt Việt Minh? Chính mày! Mày ngu lắm. Đang yên ấm trong gia đình giàu có lại đâm đầu vào Trường Quốc gia thanh niên đoàn với bọn đói khổ như tao làm gì. Mày định xây mộng vàng gì hở, đồ ngu!”.
Vừa lúc, phòng họp ồn ồn tiếng người. Trọng và Mộng Huyền cùng quay lại. Cửa sổ lô nhô bóng người.
Ông Bằng trịnh trọng trong bộ com-lê xám, đang đứng, mặt nghiêm nghị, giọng từ tốn, rành rẽ:
— Thưa ngài Tỉnh đảng trưởng. Ngài đã có nhã ý như vậy, tôi xin có lời đa tạ. Nhưng hiềm vì tôi đã có tuổi...
— Thế nào? Thế nào?
— Thưa, tôi đã có lời...
— Không! Không.
Lộc xua tay:
— Ông không nên khước từ một vinh hạnh. Ông nên nhớ, hồi Việt Minh lên đây lập chính quyền, ông đã từng là..
— Thưa, lúc đó...
— Không lôi thôi gì hết! — Đập tay xuống bàn, Lộc dứt khoát — Ông phải ra làm Chủ tịch chính quyền thị trấn của chúng tôi. Hứ, hay là ông định nằm chờ Việt Minh?
Mộng Huyền kéo tay Trọng:
— Ông già bướng cũng không xong đâu. Tỉnh đảng trưởng ta máu gấu lắm. Ta ra quán Biên Thùy uống trà đi. À! Cái tên tôi tóm trượt ở quán ấy đêm hôm vừa rồi, hôm kia bọn Trừng thanh cục bắt được ở Phố Mới rồi. Trùm Việt Minh chính tông đấy. Hắn mới từ dưới xuôi lên, anh ạ.
Trọng đi theo tên sĩ quan. Anh muốn đi tìm Ngọc.