There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Văn Lợi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6552 / 67
Cập nhật: 2016-03-29 17:18:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
gày thứ tám. Chúng tôi lên đường từ sáng sớm, khi sương còn giăng trắng rừng. Ánh mặt trời rọi qua sương tạo nên một bức màn màu hồng mờ mờ. Những cành lá đọng nước quệt vào người làm quần áo ướt sũng. Đôi dép cao su chốc chốc lại tụt khỏi chân. Chừng tám giờ sáng thì sương tan hết, nhưng đường đi ngày càng dốc hơn. Chúng tôi đang leo lên sườn của một ngọn núi nào dó. Chân người đi trước gần như ở trên đầu người đi sau. Anh Đằng thỉnh thoảng phải dừng lại, một tay níu cây, một tay kéo giúp từng người vượt qua chỗ dốc ngược. Anh nói:
- Cố lên các cậu! Chưa ăn thua gì đâu, sắp tới còn khó đi hơn đấy!
- Sao vậy anh? - Tôi hỏi.
- Mấy hôm nay ta đang leo lên sống lưng của dãy Trường Sơn. Đến lúc sang sườn đông cậu mới biết, hiểm trở hơn nhiều.
Tôi tặc lưỡi:
- Kệ, đi được tất! Em chỉ trông mau tới nơi thôi.
- Đừng tưởng đến đỉnh chỉ cần vắt chân một cái là sang sườn đông như lúc cưỡi trâu đâu nhá! Còn phải leo chán - Anh Sơn trêu.
Mặt trời dần lên cao, ánh nắng đốt nóng trên cổ, trên vai áo. Chúng tôi níu cây vất vả leo từng đoạn dốc. Lúc này chẳng ai còn sức để trò chuyện. Mũi và miệng bắt đầu đua nhau thở, hơi thở lùng bừng trong lỗ tai. Từ nãy mồ hôi đã đầm đìa cả người tôi, giờ nó chảy thành dòng vào mắt cay xè. Chiếc ba lô và khẩu súng càng nặng hơn, nhiều lúc như níu lấy vai kéo ngược trở lại.
- Nghỉ tí đã, các cậu? - Tiếng anh Đằng nói ngay trên đầu. Tôi xoay người ngồi phịch xông đất, một tay vẫn níu lấy cành cây. Đoạn này dốc quá, không cẩn thận là lăn lông lốc xuống sườn núi. Anh Hùng và anh Sơn cũng lên tới, vừa thở vừa nhìn tôi cười:
- Thế nào? Mệt không?
Tôi gật đầu thay cho lời đáp, miệng vẫn há ra làm thêm phần việc của mũi. Ngồi một lúc, khi hơi thở đã điều hòa trở lại, tôi mới lựa thế tỳ chân vào gốc cây để rảnh tay lấy bi đông nước mở nắp đưa lên miệng uống. Nước trong bi đông nóng hầm hập. Tôi quay sang phía anh Đằng:
- Từ đầu tới giờ, nay mới được bữa leo đã đời!
- Chưa hết đâu, đoạn sau còn dốc hơn đấy! Này, cậu đưa bao gạo lát mình mang cho.
- Anh đừng lo, em đi được. Hồi ở ngoài kia, mỗi lần đi lấy gạo là em mang bốn chục cân đi cả ngày đấy!
Tôi ngước nhìn lên. Vách núi cao tít, ở đây không nhìn thấy đỉnh vì bị cây che khuất. Những thân cây trắng mốc mọc chưa theo phương thẳng đứng tạo với vách núi thành một góc hẹp. Dưới gốc vẫn các loài cây thấp mọc um tùm.
Nghỉ được mươi phút, anh Đằng giục đi tiếp. Phải tranh thủ vì chưa biết con dốc này cao đến đâu. Nắng ngày càng gay gắt, đất rừng bốc hơi nóng ngột ngạt. Được nghỉ một lúc nên tôi bước nhanh hơn, mặc dù đôi vai mỏi nhừ.
Phía trên, anh Đằng thỉnh thoảng lại vung dao phạt những nhánh cây vướng lối đi. Hơn một giờ sau, đang chúi người leo lên, tôi bỗng vấp đầu vào chân anh.
- Có việc gì thế anh? - Tôi hỏi.
Anh không đáp, ngoái xuống gọi:
- Hùng ơi, lên đây? Anh Hùng vội bươn lên...
- Phải dùng dây Hùng ạ?
Anh Hùng gật đầu, mắt ngước nhìn vách núi sừng sững. Anh Đằng bảo chúng tôi:
- Các cậu rút dây võng ra, ta nối lại làm dây leo cho an toàn.
Chúng tôi lựa chỗ đặt ba lô, tháo dây võng nối lại với nhau. Anh Hùng kiểm tra các mối nối, chập lại làm bốn và gút hai đầu thành sợi dây dài hai chục mét, đủ chịu được sức nặng của người leo. Cuốn cuộn dây quanh thắt lưng, anh khoác chéo súng sau vai rồi bám vách núi thoăn thoắt leo lên. Khi leo hết chiều dài sợi dây, anh buộc một đầu vào gốc cây giật thử mấy cái và ngoái xuống bảo:
- Xong rồi, các vị lên đi? Anh Đằng ẩy vào vai tôi: "Xuất phát”. Tôi nắm lấy sợi dây, bắt đầu leo. Dễ hơn lúc nãy nhiều vì hai tay có chỗ níu chắc chắn. Lúc gần đến nơi, mồ hôi túa ra lòng bàn tay làm tròn dây, mấy lần tôi suýt tuột tay, may nhờ kịp đạp chân giữ người lại. Lên tới chỗ anh Hùng đứng, tôi phải há mồm hớp lấy hớp để những ngụm không khí nhằm làm dịu quả tím đang đập rộn trong lồng ngực đòi thêm ôxy.
Đến lượt anh Sơn. Anh leo nhẹ nhàng hơn tôi nhiều, nhưng lên đến nơi cũng phải há hốc mồm ra thở. Anh Đằng thì khỏi nói! Anh túm dây bươn lên một cách thoải mái, dáng mềm mại như mèo.
Mặt trời gần tới đỉnh đầu, ánh nắng làm tôi lóa mắt khi nhìn lên. Những ngọn cây lay động trên cao nhưng dưới gốc chẳng có chút gió nào, cái nóng vẫn hầm hập trong đám lá vây quanh người. Anh Hùng đã lại leo lên buộc dây cho chặng thứ hai. Lúc này không thể dừng lại được. Vách núi gần như dựng đứng. Chúng tôi phải tựa lưng vào thân cây, tay níu cành cây trước mặt để chờ.
Cứ như thế, từng người thay nhau nắm lấy sợi dây dù trơn tuột, nóng ran trong lòng bàn tay mà leo lên dưới cái nắng thiêu đốt. Mồ hôi trên người tôi vã ra như tắm rồi nhanh chóng bốc hơi, chiếc mũ vải và bộ quần áo khô rộp lên.
Chặng thứ ba...
Chặng thứ tư! Vẫn vách núi dựng ngược nhưng cây mọc thưa thớt. Lác đác mấy tảng đá đen xám chênh vênh nóng đến khét nồng. Bây giờ hầu như không ai nói gì. Mọi người lặng lẽ thực hiện từng động tác lặp lại lần trước, cố gắng không có cử động nào thừa.
Chặng thứ năm!
Tôi ôm một thân cây, choãi người tựa hẳn vào nó thở gấp, ngẩng đầu nhìn. Anh Hùng đang dán người vào vách núi bám từng mẩu rễ leo lên, đất đá rào rào dưới chân. "Chỉ một cái tuột tay...", tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp. Ở xung quanh cây cối đang nghiêng ngả, mấy thân cây gầy guộc vươn những chiếc rễ ngoằn ngoèo cố bám vào vách núi như để khỏi bị rơi xuống. Hình như gốc cây tôi ôm đang lung lay... “Mình bị chóng mặt..." Tôi cố không nhìn lại đoạn dốc vừa leo qua, nhưng càng cố gượng càng có cái gì đó bắt tôi phải nhìn lui... Tôi co cứng cánh tay ôm chặt thân cây. Ánh nắng chói chang. Những quầng xanh quầng đỏ vụt qua trước mặt loang loáng, loang loáng... Gió rít ù ù bên tai. Cảm nhận về cái vách núi sâu hun hút bên dưới làm người tôi rợn lên, sống lưng lạnh buốt...
Bất chợt, một cánh tay choàng qua vai tôi. Anh Đằng lần tới từ lúc nào, vòng tay ôm lấy cả tôi và gốc cây. “Cố lên Hải, sắp tới nơi rồi...", tiếng anh thoảng trong hơi thở. Một tay anh cầm bi đông nước kề vào miệng tôi: "Uống một ngụm, cậu sẽ thấy khỏe ngay..." Tôi hớp ngụm nước và hít mấy hơi thở sâu, thấy người tỉnh táo hơn. Lát sau tiếng mạch đập thình thịch trong đầu dịu đi, cảm giác rờn rợn dưới chân cũng tan dần, mắt không hoa nữa. Đúng lúc đó, một tiếng reo chợt vỡ òa bên trên: “Đến nơi rồi, các cậu ơi, đến đỉnh núi rồi...". Tôi nhìn lên. Anh Hùng đang đạp chân trên gốc cây mọc nghiêng, một tay níu vào bờ dốc rướn người nhìn về phía trước, tay còn lại vẫy rối rít. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Nghỉ một lúc, chúng tôi leo lên lần cuối. Chặng này ngắn hơn, đoạn dây còn lại dưới chân anh Đằng có đến năm mét. Lần này anh Sơn lên trước. Đến lượt, tôi bám dây định leo thì anh Đằng giữ lại: "Cậu bỏ ba lô ra, lát sẽ kéo lên" Tôi ngần ngừ nhưng rồi cũng tuột ba lô đặt xuống gốc cây. Anh nói đúng, tôi đã lừ cả người.
Không có chiếc ba lô trên vai nên người như nhẹ bổng, tôi leo khá nhanh. Lúc sắp tới đỉnh, anh Hùng vươn người túm tay tôi kéo tuột lên. "Đến nơi rồi...", tôi reo thầm, chùng người lăn ra bãi cỏ. Một làn gió thổi tới mát rượi. Mặt đất dưới lưng không nghiêng nữa và trời xanh lồng lộng trên cao. Nắng vẫn gay gắt nhưng có gió nên không nóng như lúc nãy. Tôi nhoài người nhìn xuống, thấy anh Đằng đang buộc dây vào ba lô để kéo lên.
Đợi anh lên đến nơi, chúng tôi tháo dây rồi xếch ba lô và súng chạy vào bóng cây gần đó. Tôi ngồi bệt xuống cỏ, vặn nắp bi đông dốc nốt ngựa nước cuối cùng vào miệng.
Đến lúc này tôi mới nhìn rõ cảnh vật xung quanh. Chúng tôi đã gặp may khi leo đúng vào chỗ trũng hình yên ngựa của một dãy núi, hai bên là hai mỏm núi cao cây phủ xanh rì. Nơi chúng tôi đang ngồi tương đối bằng phẳng, chỉ có vài bóng cây thưa thớt trên vạt cỏ ngả màu vàng úa.
Nghỉ một lúc đỡ mệt, tôi mượn anh Đằng chiếc ống nhòm, bước đến sát vách núi để nhìn phong cảnh bên dưới. Trước mắt tôi, một màu xanh mênh mông phủ lên những dãy núi uốn lượn mềm mại nhấp nhô như lớp lớp sóng dồn. Màu xanh của rừng Lào trải ra xa ngút ngàn cho đến lúc hòa lẫn vào vùng mây xám đen lô xô ở phía chân trời. Phía ấy đang mưa.
Từ trên cao nhìn xuống, rừng im hai như đang ngủ say dưới ánh nắng chói chang. Nhưng tôi biết dưới tấm thảm xanh được kết bởi triệu triệu tán lá cây rừng kia, cuộc sống vẫn diễn ra sôi động như vốn có từ thuở xa xưa. Tôi rê ống nhòm tìm mỏm núi có những bộ xương voi nhưng không thấy, chắc nó bị khuất sau ngọn núi nào đó. Cũng không nhìn ra lối rừng nào chúng tôi đã đi qua. Tất cả như đã chìm trong cõi mông lung vô tận.
Tôi trở về chỗ gốc cây, thấy anh Sơn đang trải bản đồ trên cỏ. Mọi người xúm lại. Anh lấy kính lúp ra soi rồi đặt thước đo. Loại bản đồ này dựng bằng kỹ thuật không ảnh, chắc ta thu được của địch vì lề bên dưới có dòng chữ "Quân lực Việt Nam cộng hòa".
Anh Sơn chỉ vào một điểm trên bản đồ, nói:
- Ta đang ở chỗ này! Như vậy đoạn đường đi trong mấy ngày qua là gần năm mươi cây số theo đường chim bay.
Điểm anh chỉ nằm giáp biên giới Lào - Việt, ở phía bắc phần đất nhô về hướng tây của tỉnh Quảng Nam. Trên bản đồ, vùng này chi chít những vệt nâu không đồng màu, thể hiện các dãy núi cao thấp khác nhau. Ngọn núi chúng tôi đang đứng có độ cao trên hai ngàn mét.
Anh Đằng vươn vai đứng dậy:
- Gần tám ngày đi được năm chục cây, thế cũng tốt rồi! Giờ ta tìm nơi nào có nước nghỉ hẳn buổi chiều hôm nay, lấy sức mai đi tiếp.
Nói xong, anh ngẩng đầu nhìn ngọn cây để ước lượng rồi khoác ống nhòm vào cổ bám thân cây leo lên. Tôi nhìn về hướng đông, nhưng tầm mắt bị chắn bởi dãy đồi mọc toàn cỏ tranh nên chẳng thấy được gì ngoài màu cỏ vàng sém trong nắng.
Lúc tụt xuống, anh Đằng nói:
- Dưới kia có vạt cây xanh, chắc có suối. Ta đến đó xem sao.
Chúng tôi khoác ba lô lên vai, xách súng đi về hướng anh chỉ. Cỏ dày quá, phải dùng chân giẫm rạp xuống mới đi được. Mọi người nối nhau lội trong cỏ rậm, thỉnh thoảng lại ngóng cổ nhìn qua ngọn cỏ để nhắm hướng.
Hơn nửa giờ sau, chúng tôi gặp một con suối khá lớn đổ xuống từ rặng núi phía bắc, nước trong veo chảy xiết cuộn ào ào qua những tảng đá chắn giữa dòng.
Không ngờ ở trên cao này lại có con suối tuyệt vời đến thế. Khi bước vào bóng râm của tán rừng rậm rạp, tôi cảm thấy mát rượi như không hề có mặt trời đang đổ lửa trên cao. Cái mát lạnh tỏa ra từ dòng nước, từ những tảng đá lô nhô hai bên bờ, từ bụi nước bắn tung trên ghềnh đá, tạo nên một ốc đảo khí hậu riêng biệt trái ngược với cái nóng gay gắt ngoài đồi cỏ. Tôi tụt ba lô, khoan khoái ngả người trên một thớt đá to như tấm phản. Mát lạnh đến rùng mình.
Sau khi nghỉ ráo mồ hôi, chúng tôi xuống suối tắm giặt. Tôi phát hiện ra ở khúc suối phía dưới có một vũng nước rộng sâu ngập đầu, được tạo bởi nước xói khi dòng suối uốn quanh. Mọi người dìm mình trong nước mát, gột sạch bụi bặm của chặng đường dài và vùng vẫy bơi lội thỏa thuê. Những hạt nước tung lên gặp nắng loé sáng như những hạt thủy tinh.
Lúc tôi phơi xong mớ đồ vừa giặt, quay vào đã thấy anh Hùng chặt về một bó cọc. Chúng tôi xúm lại đóng cọc căng mấy tấm tăng dựng lều. Anh Sơn ra mé đồi cắt mấy ôm cỏ tranh về rải trong lều để nằm cho êm.
Việc tiếp theo là chuẩn bị bữa ăn. Sau khi tắm xong, tôi đã thấy đói cồn cào vì lúc trưa chỉ ăn mỗi một miếng lương khô. Khi anh Đằng và anh Sơn đi lấy củi, anh Hùng rủ tôi:
- Này Hải, ta đi câu đi?
- Đi câu? Đi câu cá?
- Ở đây có cá à?
Anh Hùng cười:
- Sao lại không? Ở đâu có nước là có cá! Cứ đi theo tớ khắc biết!
Anh móc trong túi cóc ba lô ra cuộn dây cước có buộc lưỡi câu, kéo tôi đi xuống vũng suối.
Mặt trời đã xế ngọn cây, nắng chiều vàng rực ngoài đồi cỏ tranh. Vũng suối phẳng lặng. Những tia nắng xuyên qua tán lá lấp lánh trên mặt nước. Anh Hùng chặt một nhánh cây buộc sợi cước vào rồi cầm hai đầu dây tuốt qua đầu gối cho thẳng. Hai chúng tôi ngồi xuống tảng đá bên mép nước. Tôi hỏi:
- Thế mồi đâu anh?
- Mồi ở quanh đây chứ đâu? Anh đáp, đưa tay véo một cục đất mềm bên dưới tảng đá Khi anh xòe tay ra, đã có mấy chú giun con ngọ nguậy trên chỗ đất vừa bị bóp vỡ. Anh túm một con móc vào lưỡi câu rồi thòng xuống nước. "Lạ quá, câu cá mà chẳng có phao...", tôi thầm thắc mắc, mắt chăm chú nhìn đoạn dây cước rung rung gần mặt nước.
Gần mười phút trôi qua mà chưa thấy gì. Tôi bắt đầu sốt ruột nhưng anh Hùng vẫn ung dung như một người nhàn rỗi đi câu cốt để tiêu khiển. Có tiếng động trên vòm lá. Tôi ngước lên, bắt gặp hai chú sóc đang đuổi nhau trên cây. Chúng chuyền nhanh thoăn thoắt, đuôi xù lên như hai túm bông lau màu nâu.
Chợt anh Hùng vung tay, một con cá nhỏ đang vùng vẫy đầu sợi cước. Tôi tròn mắt nhìn anh gỡ cá ra khỏi lưỡi câu "Bẻ cái nhánh cây, xâu vào?", anh giúi con cá vào tay tôi, tay kia đã lại véo đất tìm con mồi khác. Tôi cắt đoạn dây leo xỏ vào mang cá. Nó chỉ to bằng ngón tay cái, thân tròn và có những chiếc vảy nhỏ lốm đốm đen.
- Cá bống phải không anh?
- Gọi cá bống cũng được. Muốn chắc ăn thì gọi là "bống núi". - Anh cười - Tên con vật là do con người đặt ra mà!
Lúc này cá cắn câu liên tiếp. Chỉ lát sau xâu cá đã được hơn chục con. Anh Hùng bảo:
- Cá này nấu canh chua ngon chẳng chê vào đâu được. Chừng này đủ rồi, ta chuyển sang món khác.
Anh lấy từ túi áo ngực ra một cục chì nhỏ, buộc vào sợi cước ở phía trên lưỡi câu, móc mồi thả xuống nước. Tôi hồi hộp dán mắt vào sợi dây chờ kết quả. Chưa biết anh định câu con gì, nhưng tôi không hỏi. Càng bất ngờ càng thú vị.
Bỗng sợi cước bị giật mạnh, rồi căng ra chạy xé nước. Anh Hùng đứng bật dậy, vung tay giật theo hướng chạy của sợi dây. Một chú cá đen trũi bật lên khỏi mặt nước vùng vẫy dữ dội. Anh kéo dây hất nó lên bờ. Tôi chồm tới giữ chặt con cá băng cả hai tay, mặc cho một vật gì sắc nhọn đảm vào tay đau nhói. Khi gỡ lưỡi câu ra, tôi mới nhìn rõ nó: con cá to gần bằng cổ tay, thân dài và trơn nhẫy, hàng vi trên lưng có những chiếc gai nhọn.
- Cá gì vậy anh? - Tôi lấy dây xỏ vào mang cá và hỏi.
- Cá lầu đấy? Ngoài mình gọi là "lầu gai” vì ví lưng nó có gai. Cũng họ hàng với cá chình, thật ngon lắm!
- Thế sao lúc nãy mình không câu được con nào?
- Con này chỉ ăn mồi sát đáy. Ở đây nước sâu, nếu không có chì, lưỡi câu không chìm tới được.
Sau khi giật thêm hai con nữa, anh đưa cần câu cho tôi:
- Cậu câu nhé! Mình chạy đi kiếm ít rau nấu canh.
Bước được mấy bước, anh ngoái lại dặn: "Chú ý lúc cá cắn câu, xem sợi cước rung là biết!"
Tôi hồi hộp móc mồi thả xuống nước. Sau hai lần giật hụt, tôi cũng vớ được một con to hơn hẳn mấy con trước. Níu đoạn dây câu giật giật nặng trĩu trên tay mà tôi sướng run người, y như hồi nhỏ đi câu ở ao làng lần đầu giật được con rô cụ to bằng bàn tay...
Chiều hôm ấy, anh Hùng làm món cá nướng theo cách riêng như đã hứa hôm trước. Anh lấy dao đào một cái hố vuông vắn, mỗi bề chừng bốn tấc và sâu cỡ gang tay, rồi chất củi lên nhóm lửa. Tôi được giao đi kiếm cái bẹ chuối và chặt mấy tàu lá. Ở đoạn bờ suối phía dưới mọc vô khối những cây chuối rừng cao ngồng.
Lúc về tới nơi, thấy mớ cá đã được làm sạch sẽ. Anh Hùng nhặt bốn con cá lầu đặt lên tấm lá chuối, dùng dao khía mấy đường ở hai bên lườn, bốc một nhúm muối xát đều lên rồi gói chúng lại trong nhiều lớp lá chuối, lấy bẹ chuối ốp bên ngoài như kiểu người ta ốp mo cơm. Lúc này đống củi đã cháy rừng rực bắn ra những tia lửa lách tách. Anh dỡ mấy thanh củi đang cháy, gạt tro nóng và than hồng gần đầy miệng hố, đặt gói cá xuống, lại phủ lên một lớp tro dày rồi xếp thêm củi cho lửa tiếp tục cháy. Tôi treo hai chiếc gô lên nấu cơm và bắc xoong nấu món canh cá với mớ lá anh hái về lúc nãy.
Khi cơm canh vừa chín tới, anh Hùng gạt lửa moi gói cá lên. Mới mở lớp lá chuối cháy sém bọc ngoài, mùi cá nướng đã bốc lên thơm lừng khiến ai cũng phải nuốt nước bọt. Bữa cơm tối được bày ra trên mấy tấm lá chuối. Món canh chua có thêm vị hơi đắng, rất ngon. Còn món cá nướng thì khỏi chê: thịt cá dai chứ không bở, và ngọt lừ trong miệng. Riêng lớp da cá dày cháy vàng lại béo ngậy và thơm phức.
Đã nhá nhem tối. Những tia nắng cuối cùng xòe nan quạt trên nền trời phía tây. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ câu chuyện xoay quanh các món ăn ở rừng. Anh Hùng nói:
- Không chỉ cá đâu nhé, mà các món thịt rừng nướng theo kiểu này đều ngon hết ý, ăn thơm và không bị mất nước ngọt trong thịt. Chỉ tiếc ở đây không có đủ gia vị. Này, Hải ăn thịt rắn bao giờ chưa?
- Chưa! Em chỉ đọc trong sách, thấy kể trong Nam Bộ người ta làm nhiều món thịt rắn ngon lắm. Em thì chỉ nhìn con rắn đã phát khiếp. - Tôi nhớ tới con rắn hổ mang hôm trước.
Anh Sơn nói:
- Ngoài Bắc, có những làng chuyên làm nghề bắt rắn. Họ chế biến thành những món đặc sản, bán rất đắt. Ai nhiều tiền mới ăn được.
- Đó là ăn kiểu vương giả, kể gì? - Anh Hùng nói - Đây mình làm theo cách ở rừng. Này nhé! Con rắn bắt được, mình lột da bỏ ruột bỏ đầu, dùng lá chuối khô lau sạch. Xong, anh lấy dao vằm nhỏ, bỏ vào soong. Đào lấy một củ chuối rừng gọt thành cái chày, rồi cứ thế mà giã. Cho đến khi xương rắn cắm hết vào củ chuối thì thịt nó cũng vừa nhuyễn. Anh cho tiêu, mì chính, hành khô xắt nhỏ vào; bỏ thêm tí muối, tí đường, tí ớt bột, vắt thêm chút nước củ riềng. Anh trộn đều tất cả, giã thêm một lúc nữa rồi viên lại thành viên, thả vào chảo mỡ sôi mà rán. Nhớ đừng rán cháy quá chỉ vàng cạnh là được. Còn nếu không thích rán thì cứ bọc lá chuối mà nướng hạ thổ như lúc nãy. Bảo đảm cứ là thơm phức, béo ngậy, giòn tan, mùi vị không món nào sánh được ăn một miếng nhớ cả đời.
- Nhưng... - Tôi ngần ngừ - ở đây lấy đâu ra từng ấy gia vị?
- Nếu thế thì thôi vậy nhé! Lúc nào có đủ, mình sẽ làm cho cậu ăn. - Anh Hùng nháy mắt với tôi.
Mọi người cùng cười phá lên. Đang ăn, nhìn anh Sơn nghiêng soong múc canh, tôi chợt nhớ ra điều mấy hôm nay vẫn thắc mắc trong đầu, liền hỏi:
- Anh Sơn này? Nếu có vỉa quặng thì mình cần gì đãi mà mang cái soong to vậy anh?
Anh cười:
- Cứ cho là có vỉa quặng, nhưng giữa rừng mênh mông, dù mình đến đúng tọa độ cũng dễ gì tìm thấy ngay được? Lúc đó tìm nó còn khó hơn tìm cái kim rơi trên bãi cỏ. Mình phải đãi đất cát ở các lòng khe, con suối, xác định hướng mà tìm chứ!
Tôi vẫn chưa hiểu, nên băn khoăn một lúc, lại hỏi:
- Thế anh xác định bằng cách nào? - Tính tôi vốn vậy! Việc gì cũng muốn biết tới cùng, nếu không cứ ấm ức mãi.
Chắc cũng thông cảm với sự tò mò của tôi, nên anh Sơn ngẫm nghĩ rồi trả lời:
- Mình giải thích sơ qua thôi nhé, chứ cặn kẽ thì nhiều việc lắm. Ở những nơi có quặng vàng nằm lộ thiên, mưa gió lâu ngày xói mòn làm trôi đi những hạt vàng cám nhỏ li ti, và tất nhiên nó trôi xuống chỗ thấp hơn. Nếu một bãi trũng hoặc đoạn suối nào đó ta đãi có những hạt vàng thì có thể lần theo hướng chảy của nó để tìm. Cách làm đó thô sơ nhưng đơn giản nên dễ áp dụng. Tuy vậy, cũng cần có những hiểu biết nhất định về địa chất, ví như các dạng cấu trúc địa tầng, lịch sử hình thành của vùng đất... Để lúc này bắt tay vào việc, mình sẽ nói thêm cho Hải biết.
Tôi chưa thỏa mãn lắm, nhưng hiểu rằng lúc này chưa thể hỏi để biết hết mọi việc được. Không lo! Còn đi với anh, còn được hỏi nhiều. Miễn là tìm đến đúng nơi, sau đó sẽ tha hồ vừa làm vừa học...
Tôi mường tượng trong đầu một vỉa đá khổng lồ có những mạch vàng sáng lấp lánh, như có lần được xem trong một bộ phim nào đó chiếu cảnh một người đi lạc vào hang đá có vàng. Hình như phim thần thoại thì phải...
Đội Đặc Nhiệm Tk1 Đội Đặc Nhiệm Tk1 - Phan Văn Lợi Đội Đặc Nhiệm Tk1