Nguyên tác: Paranoia
Số lần đọc/download: 1102 / 21
Cập nhật: 2016-01-04 19:55:41 +0700
Chương 1: Dàn Xếp
D
àn xếp: Thuật ngữ của CIA bắt nguồn từ thời Chiến tranh lạnh, chỉ một người phải thỏa hiệp hoặc bị hăm dọa buộc thực hiện mệnh lệnh của Tổ chức.
- Từ điển tình báo
1
Cho tới khi mọi chuyện xảy ra, tôi không hề tin vào lời người xưa rằng bạn nên cẩn thận với điều mình mong ước, bởi bạn có thể sẽ toại nguyện.
Giờ tôi tin rồi.
Giờ tôi tin vào tất cả những câu tục ngữ răn dạy đó. Tôi tin rằng kiêu ngạo dẫn tới thất bại. Tôi tin rằng lá rụng về cội, rằng họa vô đơn chí, rằng chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng, rằng cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Trời ạ, cứ kể thêm đi. Tôi tin hết.
Tôi có thể nói với bạn rằng mọi chuyện bắt đầu từ một hành động hào phóng, nhưng như thế không phải lắm. Là một hành động ngu xuẩn thì đúng hơn. Cứ gọi nó là tiếng cầu cứu. Có lẽ giống việc giơ ngón tay giữa lên hơn. Dù là gì đi nữa thì đó cũng là lỗi của tôi. Tôi nửa nghĩ rằng mình sẽ thoát vụ này, nửa chờ mình sẽ bị đuổi việc. Phải nói rằng khi nhìn lại cách mọi việc bắt đầu, tôi tự thấy sửng sốt trước sự kiêu căng ngu xuẩn của mình. Tôi không phủ nhận mình đáng bị như vậy. Chỉ là không như những gì tôi mong đợi - nhưng ai lại mong đợi những điều như thế này chứ?
Tất cả những gì tôi làm là gọi vài cuộc điện thoại. Mạo nhận làm Phó Chủ tịch ban Sự kiện tập đoàn và gọi tới nhà tổ chức sự kiện ngoài trời lừng danh đã tổ chức tất cả các buổi tiệc tùng của hãng Viễn thông Wyatt. Tôi bảo họ chỉ cần tổ chức hệt như vụ giải thưởng Người bán hàng của năm mà họ vừa làm tuần trước là được. (Dĩ nhiên tôi không biết nó xa xỉ tới cỡ nào.) Tôi đưa họ tất cả những số liệu giải ngân chính xác, đồng ý chuyển tiền trước. Mọi chuyện dễ dàng đến kinh ngạc.
Ông chủ của Bữa ăn Huy hoàng bảo tôi rằng ông ta chưa bao giờ tổ chức vụ gì trên sân xếp dỡ của công ty, và điều này là sự "thách thức về trang trí", nhưng tôi biết ông ta sẽ không thể quay lưng lại với tờ séc lớn của hãng Viễn thông Wyatt.
Không hiểu sao tôi ngờ rằng Bữa ăn Huy hoàng cũng chưa từng tổ chức bữa tiệc nghỉ hưu nào cho một Phó Quản đốc.
Tôi nghĩ đó mới là điều thực sự khiến Wyatt nổi giận. Trả tiền cho tiệc về hưu của Jonesie - một lão công nhân xếp dỡ, Lạy Chúa! - là vi phạm trật tự tự nhiên. Thay vì thế, nếu tôi đem tiền đi trả cho một chiếc Ferrari 360 Modena mui trần, Nicholas Wyatt hẳn đã hiểu được. Ông ta hẳn sẽ nhìn nhận sự tham lam của tôi như bằng chứng về những thói phàm cả hai cùng có, như say mê rượu, hay "đĩ điếm" như cách ông ta vẫn gọi đàn bà.
Nếu biết trước chuyện này sẽ kết thúc như thế nào, liệu tôi có làm không? Chết tiệt, không.
Dù sao thì tôi cũng phải nói là nó khá tuyệt. Tôi muốn nói về việc bữa tiệc của Jonesie đã được trả từ quỹ dành riêng cho những hoạt động "ngoài lề" của Chủ tịch Hội đồng Quản trị và các Phó Chủ tịch cấp cao ở khu nghỉ mát Guanahani trên đảo St. Barthélemy và cho những thứ đại loại thế.
Tôi cũng thích được nhìn cảnh những gã bốc dỡ cuối cùng cũng được nếm mùi lối sống của đám lãnh đạo. Hầu hết vợ chồng bọn họ, những người thấy Tiệc Tôm ở quán Tôm Hùm Đỏ hay món Sườn Barbie ở quán nướng Hoang Dã đã khá là phung phí rồi, chẳng biết phải làm gì với mấy món kỳ lạ, như trứng cá osetra muối và thịt lưng bê Provencal. Nhưng họ ngốn ngấu lườn bò tẩm bột, sườn cừu, tôm hùm nướng kèm với mì ravioli. Mấy hình điêu khắc bằng băng rất được chú ý. Rượu sâm banh Dom Perignon rót tới tấp, và bia Budweiser còn ào ạt hơn. (Tôi gọi thứ này rất đúng, vì thường các buổi chiều thứ Sáu, trong khi tôi vừa hút thuốc vừa loanh quanh trong khu bốc dỡ, sẽ có ai đó, thường là Jonesie hay đốc công Jimmy Connolly mang tới cả bom Budweiser lạnh để ăn mừng vì một tuần nữa đã kết thúc.)
Jonesie vui cả tối. Đó là người đàn ông luống tuổi với khuôn mặt ngượng nghịu dãi dầu sương gió có thể khiến người khác vừa mới gặp đã thấy thích ngay. Vợ ông, Esther, bốn mươi hai tuổi, mới nhìn thì có vẻ khó gần, nhưng hóa ra lại nhảy giỏi không ngờ. Tôi đã thuê cả một nhóm nhảy Reggae Jamaica tuyệt vời, và ai cũng tham gia, thậm chí cả những người không ai ngờ là sẽ nhảy.
Dĩ nhiên chuyện này xảy ra sau cuộc suy thoái lớn của ngành công nghệ, các công ty ở khắp mọi nơi sa thải nhân sự và ban hành chính sách "tiết kiệm", có nghĩa là bạn phải tự trả tiền cho thứ cà phê dở tệ, không còn Coca-cola miễn phí trong phòng giải lao, và đại loại như vậy. Vào một chiều thứ Sáu, Jonesie bị cho thôi việc, mất vài giờ để ký giấy tờ ở phòng Nhân sự và sẽ ở nhà cả quãng đời còn lại, không còn tiệc tùng, không còn gì cả. Trong lúc ấy, ban điều hành của hãng Viễn thông Wyatt đang chuẩn bị bay tới đảo St. Bart bằng máy bay riêng hiệu Learjet, phang vợ hay bồ bọn họ ở biệt thự riêng, thoa đẫm dầu dừa lên những ngấn bụng và bàn chính sách tiết kiệm quy mô công ty trong bữa sáng tự chọn xa xỉ có cả đu đủ và lưỡi chim ruồi. Jonesie và bạn bè ông không dò hỏi nhiều lắm về chuyện ai đã trả tiền. Nhưng nó vẫn khiến tôi thầm cảm thấy sung sướng ít nhiều.
Cho tới khoảng một giờ ba mươi sáng, hẳn là tiếng ghi ta điện và tiếng la ó của vài thanh niên say mèm đã khơi dậy sự tò mò của một nhân viên an ninh, rõ ràng là mới được thuê (tiền lương thì tệ hại, tốc độ thay người thì nhanh không tin nổi), gã này không biết ai trong chúng tôi và không hề có ý định nhẹ tay cho bất cứ ai.
Hắn béo lùn với khuôn mặt hồng hào, giông giống chú lợn hoạt hình Porky, chỉ khoảng ba mươi tuổi. Hắn cứ nắm chặt lấy máy bộ đàm như thể nó là khẩu Glock mà nói: "Chuyện quái gì thế này?"
Và cuộc sống quen thuộc của tôi đã chấm dứt.
2
Tin nhắn thoại đã đợi sẵn khi tôi tới chỗ làm, vẫn muộn như thường lệ.
Thật ra là thậm chí còn muộn hơn thường lệ. Người tôi nôn nao, đầu nhức như búa bổ và tim đập quá nhanh do cốc cà phê rẻ tiền to đùng tôi đã nốc trên xe điện ngầm. Một làn sóng a xít trào lên trong dạ dày tôi. Tôi đã định báo ốm, nhưng giọng nói sáng suốt nhỏ bé trong đầu tôi bảo rằng sau những chuyện đêm qua, khôn ngoan hơn cả là chường mặt tới công ty và sẵn sàng chịu trận.
Vấn đề là tôi hoàn toàn nghĩ mình sẽ bị đuổi việc - gần như là chờ đợi điều đó, cũng như khi ta vừa sợ hãi vừa mong đợi được khoan cái răng sâu. Khi tôi ra khỏi thang máy và đi nửa dặm qua bốn mươi lô làm việc để tới chỗ của mình, tôi thấy những cái đầu ngẩng lên, dáng như chó sói, để liếc nhìn tôi. Tôi đã nổi tiếng, chuyện lộ ra rồi. Chắc chắn e-mail đang bay tá lả.
Mắt tôi ngầu đỏ, tóc rối tung, trông tôi giống như điểm dịch vụ công cộng biết đi HÃY NÓI KHÔNG.
Màn hình LCD nhỏ của chiếc điện thoại IP hiện dòng chữ, "Bạn có mười một tin nhắn thoại." Tôi bật loa và lướt qua chúng. Chỉ cần nghe những tin nhắn, điên rồ có, chân thành có, nịnh bợ có, cũng làm tôi tăng nhãn áp. Tôi lôi lọ Advil từ đáy ngăn kéo dưới cùng ra và nuốt khan hai viên. Thế là đã sáu viên Advil sáng nay, vượt quá mức tối đa được phép. Vậy chuyện gì có thể xảy ra với tôi? Chết vì quá liều thuốc chống viêm không steroid ngay trước khi bị đuổi việc?
Tôi là quản lý sơ cấp của dòng sản phẩm thiết bị định tuyến trong Bộ phận Kinh doanh. Bạn không muốn nghe giải nghĩa đâu, nó buồn tẻ đến mức tê liệt cả đầu óc. Suốt ngày tôi phải nghe những cụm từ như "dịch vụ mô phỏng mạch băng thông rộng", "thiết bị truy cập tích hợp", "mạng xương sống ATM", "giao thức đường hầm bảo mật IP", và tôi thề tôi chẳng biết một nửa trong số chúng nghĩa là gì.
Tin nhắn từ một gã thuộc bộ phận Bán hàng tên Griffin, thường gọi tôi là "ông lớn", khoe khoang mình đã bán được mấy chục thiết bị định tuyến do tôi quản lý bằng cách cam đoan với khách hàng rằng họ sẽ có thêm tính năng đặc biệt - giao thức phát đa phương cho truyền hình trực tiếp - mà hắn biết quá rõ rằng còn khuya mới có. Nhưng nếu tính năng đó được thêm vào sản phẩm trước hạn giao hàng, có thể trong hai tuần tới chăng, thì tốt quá. Phải rồi, cứ mơ đi.
Sau đó năm phút là cuộc gọi tiếp theo từ sếp của Griffin để "kiểm tra tiến độ về giao thức phát đa phương chúng tôi nghe nói các anh đang thực hiện", cứ như thể tôi là người làm mấy việc kỹ thuật ấy vậy.
Và một giọng gãy gọn, đầy quyền lực của người có tên là Arnold Meacham, cho biết mình là Giám đốc An ninh Tập đoàn và mời tôi "ghé qua" văn phòng ngay khi tôi đến.
Ngoài chức vụ ra thì tôi không biết tí gì về thằng cha Arnold Meacham này. Tôi chưa bao giờ nghe tên hắn. Tôi thậm chí còn không biết phòng An ninh Tập đoàn nằm ở đâu.
Thật buồn cười: khi tôi nghe tin nhắn, tim tôi không đập nhanh như bạn chắc phải nghĩ đâu. Thực ra nó còn chậm lại ấy chứ, cứ như là cơ thể tôi biết đã đến lúc rồi. Thật sự là có thứ gì đó rất Thiền đang diễn ra, sự bình thản nội tại vì nhận ra rằng dù sao cũng chẳng làm gì được. Tôi gần như còn tận hưởng giây phút ấy.
Trong vài phút, tôi trân trối nhìn ván tường lô của mình, vải Avora sần màu than giống như lớp phủ sàn trong căn hộ của bố tôi. Tôi để mặt ván tường trống, không có dấu hiệu nào của con người - không ảnh vợ và con cái (dễ thôi, vì tôi chưa có), không truyện tranh trào phúng công sở Dilbert, không thứ gì khéo léo hay lộ liễu thể hiện rằng tôi miễn cưỡng làm ở đây, vì với tôi nói miễn cưỡng vẫn còn là nhẹ. Tôi có một giá sách đựng cuốn hướng dẫn tra cứu về giao thức định tuyến và bốn cặp bìa đen dày cộp đựng "thư viện tính năng" cho thiết bị định tuyến MG-50K. Tôi sẽ không luyến tiếc lô làm việc này đâu.
Hơn nữa, đâu phải tôi sắp bị bắn; tôi cho rằng tôi đã bị bắn rồi. Giờ chỉ còn lại việc vứt xác và lau sạch máu. Tôi nhớ hồi ở trường cao đẳng đã có lần tôi đọc về máy chém trong lịch sử Pháp và cách mà một tên đao phủ, cũng là bác sĩ nội khoa, thử làm một thí nghiệm khủng khiếp (tôi nghĩ là bạn sẽ sốc đấy). Vài giây sau khi đầu bị chặt đứt, hắn quan sát mắt và môi co giật cho tới khi mi mắt khép lại và mọi thứ ngừng hẳn. Rồi hắn gọi to tên người chết, và đôi mắt trên cái đầu đã đứt lìa bật mở trân trối nhìn người hành quyết. Vài giây sau, mắt lại nhắm lại, rồi ông bác sĩ gọi tên lần nữa, và đôi mắt lại mở trừng trừng. Dễ thương chưa. Vậy là ba mươi giây sau khi lìa khỏi cổ, đầu vẫn có phản ứng. Tôi cũng cảm thấy như vậy. Lưỡi dao chém xuống rồi, và họ đang gọi tên tôi.
Tôi nhấc điện thoại gọi tới văn phòng của Arnold Meacham, bảo trợ lý của hắn rằng tôi đang đến, và hỏi đường tới đó.
Cổ họng khô khốc nên tôi dừng ở phòng giải lao để lấy một cốc soda trước-thì-miễn-phí-giờ-thì-nửa-đô. Phòng giải lao ở tít phía sau, giữa tầng, gần khu thang máy, và khi tôi bước vào, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê kỳ quặc, một vài đôi cùng là đồng nghiệp nhìn thấy tôi và vội quay đi bối rối.
Tôi nhìn các chai soda lấm tấm nước và quyết định không chọn Diet Pepsi như mọi khi - tôi thực sự không cần thêm cafein lúc này - mà lôi ra một chai Sprite. Tôi không bỏ tiền vào bình để thể hiện thái độ chống đối. Chà, cho chúng nó biết tay. Tôi mở nắp và hướng về thang máy.
Tôi ghét công việc của mình, thực sự ghê tởm nó, và vì vậy ý nghĩ sắp mất việc không hẳn làm tôi suy sụp lắm. Mặt khác, cũng không hẳn là tôi có quỹ ủy thác và chắc chắn là tôi vẫn cần tiền chứ. Điểm cốt yếu là đó, không phải sao? Tôi chuyển về đây chủ yếu là để giúp trả chi phí y tế cho bố tôi - bố tôi, người coi tôi là đồ bỏ đi. Ở Manhattan làm nghề pha chế rượu, thu nhập của tôi chỉ bằng một nửa nhưng sống tốt hơn. Chúng ta đang nói tới Manhattan đấy! Còn ở đây tôi sống trong căn hộ nhỏ, tồi tàn như cái ổ chuột trên phố Pearl luôn sặc mùi tắc nghẽn giao thông, với những ô cửa sổ rung lách cách khi xe tải rầm rầm chạy qua vào năm giờ sáng. Phải công nhận là tôi có thể đi bù khú với bạn bè vài đêm một tuần, nhưng thường thì thế nào tôi cũng phải tiêu kịch trần hạn mức tín dụng trong tài khoản chi phiếu khoảng một tuần trước khi tờ chi phiếu trả lương thần kỳ hiện ra vào ngày mười lăm hàng tháng.
Nói như thế không có nghĩa là tôi làm việc cật lực. Chỉ làng nhàng thôi. Tôi làm đủ số giờ cần thiết tối thiểu, đi muộn và về sớm, nhưng tôi làm được việc. Các con số thể hiện thành tích của tôi không tốt lắm - tôi là "người đóng góp nòng cốt", nhóm hai, chỉ một bậc trên "người đóng góp thấp nhất" khi mà bạn nên bắt đầu gói ghém đồ đạc là vừa.
Tôi vào thang máy, nhìn xuống những thứ mình đang mặc - quần jean đen và áo polo xám, giày đế mềm - và ước gì mình đeo cà vạt.
3
Khi làm cho một tập đoàn lớn, bạn sẽ không bao giờ biết được mình nên tin điều gì. Luôn luôn là kiểu nói chuyện cứng rắn hùng hổ phát sợ. Lúc nào họ cũng bảo bạn phải "dập tắt sự cạnh tranh", "làm cú xuyên tim", Họ bảo bạn rằng: "giết hoặc bị giết", "nuốt hay là bị nuốt", rằng phải "nhai gọn đối thủ", "tự săn tự tiêu" rồi là "ngốn ngấu sức trẻ đi".
Bạn là một kĩ sư phần mềm, là người quản lý sản phẩm hay phụ tá kinh doanh, nhưng rồi một thời gian sau, bạn bắt đầu nghĩ rằng không biết làm thế nào mà mình đã bị kẹt giữa một trong những bộ tộc thổ dân ở Papua New Guinea, những kẻ xuyên nanh lợn lòi qua mũi và đeo quả bầu trên chim. Và thực tế là nếu bạn gửi thư điện tử cho thằng bạn ở bộ phận Công nghệ Thông tin để kể một câu chuyện cười thô tục, châm biếm về chính trị, rồi cậu ta lại gửi cho vài gã khác cách mình vài lô, bạn có thể sẽ bị nhốt cả tuần trong phòng họp của bộ phận Nhân sự, đẫm mồ hôi và mệt nhoài nghe đào tạo về sự đa dạng. Chôm một cái kẹp giấy là bạn sẽ bị cái thước đời nham nhở đánh cho ngay.
Dĩ nhiên vấn đề là tôi đã gây ra một chuyện nghiêm trọng hơn một chút so với chuyện đi cướp tủ đồ văn phòng phẩm.
Họ bắt tôi đợi ở phòng ngoài nửa tiếng trời, rồi bốn nhăm phút, nhưng cảm giác còn lâu hơn thế. Không có gì để đọc - chỉ có cuốn Quản lý an ninh, đại loại thế. Nhân viên lễ tân để kiểu đầu bát úp với tóc màu vàng tro, những xoáy vàng vọt của người hút thuốc dưới mắt. Cô ta trả lời điện thoại, gõ bàn phím và cứ thỉnh thoảng lại ngầm liếc nhìn tôi, giống như kiểu bạn vừa cố liếc nhìn vụ tai nạn xe hơi rùng rợn, vừa cố nhìn đường.
Tôi ngồi đó lâu tới nỗi sự tự tin trong mình bắt đầu dao động. Chắc vấn đề nằm ở đó. Tờ chi phiếu lương hàng tháng bắt đầu tỏ ra là ý tưởng sáng suốt. Có lẽ thách thức cũng không phải là hay. Có khi tôi phải thật quy lụy thôi. Mà có lẽ đã quá cả mức đó rồi.
Arnold Meacham không đứng dậy khi cô tiếp tân dẫn tôi vào. Hắn ngồi sau cái bàn lớn màu đen trông như đá granit bóng loáng. Người này khoảng bốn mươi tuổi, gầy, người to ngang, dáng như hình nhân đất sét Gumby với cái đầu vuông vắn, mũi cao mảnh, môi mỏng dính. Tóc nâu bắt đầu ngả bạc. Hắn mặc áo cộc tay xanh dương hai lớp và đeo cà vạt sọc xanh như trưởng câu lạc bộ du thuyền. Hắn trừng mắt nhìn tôi qua cặp kính gọng sắt quá khổ kiểu phi công. Dễ thấy tay này hoàn toàn không có máu đùa. Ngồi trên ghế bên phải bàn là một phụ nữ hơn tôi vài tuổi, chắc đang ghi chép. Văn phòng lớn và rộng, có nhiều chứng chỉ đóng khung treo trên tường. Ở phía cuối, một cánh cửa mở hé dẫn tới phòng họp tối tăm.
"Vậy anh là Adam Cassidy." Cách hắn nói toát lên vẻ chính xác và khó tính. "Tiệc tàn rồi hả, anh bạn?" Rồi hắn nhếch mép cười.
Ôi Chúa ơi. Thế này không ổn rồi. "Vâng, sếp gọi tôi có việc gì ạ?" tôi hỏi, cố tỏ ra lúng túng và lo lắng.
"Có chuyện gì à? Sao ta không bắt đầu bằng việc nói thật nhỉ? Đó là điều anh làm được cho tôi." Giọng hắn có chút dấu vết tiếng miền Nam.
Thường thì ai cũng ưa thích tôi. Tôi rất giỏi trong việc gây thiện cảm - ông thầy toán đang tức tối, khách hàng của công ty với đơn đặt hàng bị chậm sáu tuần, và còn nhiều nữa. Nhưng tôi thấy ngay đây không phải là lúc làm như Dale Carnegie 1. Cơ may cứu vãn được công việc ghê tởm này mỗi lúc một nhỏ dần đi.
"Chắc chắn rồi." tôi nói. "Sự thật về cái gì?"
Hắn khịt mũi thích thú. "Về sự kiện vừa tổ chức tối qua thì thế nào nhỉ?"
Tôi dừng lại ngẫm nghĩ rồi nói: "Sếp đang nói về bữa tiệc nghỉ hưu nho nhỏ đó à?" Tôi không biết họ biết được bao nhiêu, vì tôi đã che đậy dấu vết tiền khá cẩn thận. Tôi phải cẩn trọng với những gì mình nói. Người phụ nữ cầm quyển sổ, người mảnh khảnh, mái tóc quăn màu đỏ và mắt to màu xanh lá cây, có lẽ ở đây làm nhân chứng. "Chuyện đó sẽ khích lệ tinh thần anh em rất nhiều," tôi nói thêm. "Sếp cứ tin tôi, nó sẽ có tác dụng kỳ diệu với năng suất của các phòng ban."
Đôi môi mỏng dính cong lên. " 'Khích lệ tinh thần' à. Dấu tay anh nhan nhản trên ngân quỹ cho vụ 'khích lệ tinh thần' đó."
"Ngân quỹ?"
"Ồ, thôi làm trò đi, Cassidy."
"E là tôi chưa hiểu ý sếp."
"Anh nghĩ tôi ngu à?" Giữa chúng tôi là cái bàn giả granit sừng sững rộng gần hai mét, vậy mà tôi vẫn cảm thấy nước bọt hắn bắn ra.
"Tôi cho là... không, thưa sếp." Ánh cười xuất hiện trên khóe miệng tôi. Tôi không ngừng được: Tự hào vì mình cao tay quá mà. Sai lầm lớn rồi.
Khuôn mặt nhợt nhạt của Meacham đỏ ửng lên. "Anh nghĩ buồn cười lắm hả, hack cơ sở dữ liệu thuộc sở hữu của công ty để lấy số liệu chi tiêu mật? Anh nghĩ thế là tiêu khiển, là khôn ngoan hả? Như thế không đáng gì phải không?"
"Không, thưa sếp..."
"Cục cứt dối trá, thằng khốn nạn, chuyện đó chẳng khác gì ăn cắp ví bà già trên xe điện ngầm."
Tôi cố tỏ ra đang kiềm chế, nhưng tôi có thể thấy cuộc nói chuyện này sẽ dẫn tới đâu và có vẻ làm vậy cũng vô vọng.
"Anh trộm bảy mươi tám nghìn đô la từ quỹ Sự Kiện của Tập đoàn để làm bữa tiệc mắc dịch cho bọn bạn ở khu xếp dỡ?"
Tôi nuốt nước bọt một cách khó nhọc. Mẹ nó. Bảy mươi tám nghìn đô la? Tôi biết vụ đó khá hoành tráng, nhưng không hiểu nổi nó hoành tráng tới mức nào.
"Người này cũng cùng một giuộc với anh?"
"Sếp nói ai? Tôi nghĩ có lẽ sếp nhầm lẫn..."
" 'Jonesie'? Lão già đó, tên trên cái bánh?"
"Jonesie không dính dáng gì tới chuyện này," tôi phản pháo.
Meacham dựa ra sau, trông đắc thắng vì cuối cùng cũng đã nắm được thóp tôi.
"Nếu sếp muốn đuổi việc tôi thì cứ việc, nhưng Jonesie hoàn toàn vô tội."
"Đuổi việc cậu?" Meacham trông như thể tôi vừa nói bằng tiếng Serbia-Croatia vậy. "Cậu nghĩ tôi đang nhắc tới chuyện đuổi việc cậu à? Cậu khôn lắm mà, cậu giỏi vi tính và toán như thế, hẳn cậu phải biết làm tính cộng chứ? Vậy chắc cậu sẽ cộng được mấy con số này. Biển thủ két là năm năm tù và hai trăm năm mươi nghìn đô la tiền phạt. Lừa đảo qua điện tín và thư là thêm năm năm tù nữa, nhưng khoan đã - nếu vụ lừa gạt ảnh hưởng tới một tổ chức tài chính - và may mắn quá, cậu đã lừa được cả ngân hàng của chúng tôi và ngân hàng bên nhận, đúng ngày may mắn nhỉ, thằng khốn - như thế cộng lại là ba mươi năm tù và một triệu đô la tiền phạt. Cậu vẫn hiểu được đấy chứ? Thế nào rồi nhỉ, ba mươi lăm năm tù? Và chúng ta còn chưa nhắc tới tội giả mạo và tội về vi tính, thu thập thông tin trong máy tính bảo mật để lấy cắp dữ liệu, mấy thứ đó sẽ cho cậu thêm từ một đến hai mươi năm trong tù và thêm tiền phạt nữa. Vậy giờ chúng ta có gì rồi nhỉ, bốn mươi, năm mươi, năm mươi lăm năm trong tù? Giờ cậu mới hai mươi sáu tuổi, để xem nào, cậu sẽ tám mươi mốt tuổi khi được thả."
Tôi bắt đầu toát mồ hôi hột dưới áo polo, thấy lạnh run và ướt sũng. Chân tôi run lẩy bẩy. "Nhưng," tôi cất tiếng khàn khàn, rồi hắng giọng. "Bảy mươi tám nghìn đô la chỉ là con số làm tròn đối với một tập đoàn ba mươi tỷ đô la."
"Tôi nghĩ cậu nên câm cái miệng khốn của mình lại đi," Meacham nhỏ nhẹ. "Chúng tôi đã bàn với các luật sư, họ tự tin rằng họ sẽ quy được tội biển thủ trước tòa. Hơn nữa, cậu rõ ràng đã ở thế có thể lấn tới, và chúng tôi tin đó chỉ là một phần trong âm mưu lừa đảo hãng Viễn thông Wyatt, một phần của chuỗi thụt két và biển thủ. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng." Lần đầu tiên hắn quay sang người phụ nữ đang lặng lẽ ghi chép. "Ngừng ghi đi." Hắn quay lại tôi. "Chưởng lý Hoa Kỳ từng là bạn cùng phòng hồi đại học với cố vấn pháp luật của bọn tao, Cassidy, và tao cam đoan rằng ông ấy muốn kết án mày mức nặng nhất có thể đấy. Hơn nữa, mày có thể không để ý nhưng văn phòng biện lý quận đang tổ chức chiến dịch chống tội phạm cổ cồn trắng và họ đang tìm ai đó để làm gương. Họ muốn một vụ điển hình, Cassidy ạ."
Tôi trân trối nhìn hắn. Đầu lại đau nhức. Tôi cảm thấy dòng mồ hôi bên trong áo chảy từ nách xuống tới thắt lưng.
"Cả bang này, cả chính quyền liên bang đều đứng về phía bọn tao. Bọn tao đã tóm được mày, đơn giản thế thôi. Vấn đề bây giờ chỉ là bọn tao sẽ dần mày đến mức nào, hủy hoại mày đến đâu. Và cũng đừng mường tượng rằng mình sẽ tới câu lạc bộ tư hạng sang nào đó. Thằng trai ngon lành như mày, mày sẽ bị đè ra giường đâu đó trong nhà tù liên bang Marion. Lúc ra mày sẽ là một lão già chẳng còn răng. Và phòng trường hợp mày không cập nhật thông tin về hệ thống luật hình sự của chúng ta, tao nói thêm là đến mức liên bang thì không còn chuyện ân xá nữa. Đời mày thay đổi từ đây. Mày tiêu rồi, nhóc." Hắn nhìn người phụ nữ cầm quyển sổ. "Giờ chúng ta tiếp tục ghi biên bản. Chúng ta hãy nghe xem cậu có gì để nói, và tốt nhất là nói hay vào."
Tôi nuốt khan, miệng khô khốc. Mắt tôi hoa lên nhìn thấy toàn chớp trắng. Lão ta hoàn toàn nghiêm túc.
Hồi ở trường trung học và đại học, tôi bị chặn lại khá nhiều lần vì phóng quá tốc độ. Và tôi khét tiếng là bậc thầy trong việc thoát vé phạt. Bí quyết là phải khiến bọn cớm cảm nhận được sự đau khổ của mình. Đó là cuộc chiến tâm lý. Chính vì vậy mà chúng đeo kính râm phản chiếu để bạn không nhìn được vào mắt chúng khi bạn van nài. Cớm thì cũng là con người thôi. Tôi thường giữ một vài cuốn giáo trình thi hành pháp luật ở ghế trước và bảo họ tôi đang học để trở thành sĩ quan cảnh sát và tôi rất hy vọng vé phạt này sẽ không làm ảnh hưởng tới cơ hội của mình. Hoặc tôi giơ lên cho họ xem đơn thuốc và bảo tôi đang gấp vì tôi phải mua thuốc động kinh cho mẹ càng sớm càng tốt. Về cơ bản thì tôi đã học được rằng nếu bạn định bắt đầu câu chuyện, bạn phải đi đến cùng; bạn phải toàn tâm toàn ý với nó.
Giờ chuyện đã vượt quá xa khỏi mục tiêu chỉ là cứu vãn việc làm. Tôi không thể xua đi hình ảnh về cái giường đó ở nhà tù liên bang Marion. Tôi sợ vãi tè.
Vậy là tuy không tự hào lắm về việc mình phải làm, nhưng bạn thấy đấy, tôi không còn cách nào khác. Hoặc tôi rút ruột rút gan thêu dệt câu chuyện hay nhất cho thằng cha an ninh ghê rợn này, hoặc tôi sẽ biến thành con chó cái của gã nào đó trong tù.
Tôi hít một hơi thật sâu. "Nghe này," tôi nói. "Tôi sẽ trao đổi thẳng thắn với sếp."
"Cũng đến lúc rồi đó."
"Chuyện là như thế này. Jonesie - vâng, Jonesie bị ung thư."
Meacham cười tự mãn và ngả người vào ghế như thể đang nói: Mua vui cho tao đi.
Tôi thở dài, nhai nhai bên trong má như thể tôi đang tiết lộ điều gì đó tôi thực sự không muốn. "Ung thư tuyến tụy. Không thể phẫu thuật được."
Meacham chăm chăm nhìn tôi, mặt lạnh như tiền.
"Ông ấy được chẩn đoán ba tuần trước. Tôi muốn nói là không làm được gì nữa - ông ấy đang chết dần. Và như sếp biết, Jonesie - à vâng, sếp không biết ông ấy, nhưng ông luôn tỏ ra can đảm. Ông bảo bác sĩ chuyên khoa ung thư, 'Thế là tôi ngừng chăn gối được rồi à?' Tôi cười buồn bã. "Jonesie là như thế đấy."
Người phụ nữ ghi chép ngừng một lúc, trông có vẻ thực sự bị tác động, rồi cô ta lại tiếp tục ghi chép.
Meacham liếm môi. Tôi lay động được lão rồi chứ? Tôi không thể biết chắc, Tôi phải khuếch đại lên, thực sự dốc sức vào đó,
"Sếp chẳng có lý gì để phải biết những chuyện này," tôi nói tiếp. "Ý tôi là Jonesie cũng không hẳn quan trọng lắm ở đây. Ông ấy không phải là Phó Chủ tịch hay gì cả, chỉ là một ông công nhân bốc dỡ thôi. Nhưng ông ấy quan trọng với tôi, vì..." Tôi nhắm mắt lại vài giây, hít thật sâu. "Quả thực tôi không bao giờ muốn nói cho ai biết điều này, nó như một bí mật giữa tôi và ông, nhưng, Jonesie là bố tôi."
Ghế của Meacham chầm chậm rướn về phía trước. Giờ thì hắn chú ý rồi.
"Họ thì đúng là khác thật - mẹ tôi đổi tên tôi theo họ của bà khi bà bỏ ông ấy vào khoảng hai mươi năm trước và đưa tôi đi theo. Hồi ấy tôi chỉ là thằng nhóc, tôi cũng không biết gì hơn. Nhưng bố tôi, ông ấy..." Tôi cắn môi dưới. Giờ thì mắt tôi ngấn nước. "Ông vẫn giúp đỡ tôi và mẹ, làm một lúc hai, có khi ba việc. Không bao giờ đòi hỏi điều gì. Mẹ không hề muốn ông gặp tôi, nhưng vào Giáng sinh..." Một hơi thở sâu, gần như là tiếng nấc. "Giáng sinh nào bố cũng ghé qua nhà, đôi khi ông phải bấm chuông cả tiếng đồng hồ ngoài cửa trong tiết trời rét buốt rồi mẹ tôi mới cho ông vào. Luôn luôn có quà cho tôi, thứ gì đó lớn và đắt tiền mà ông ấy khó khăn lắm mới mua được. Sau này, khi mẹ tôi bảo tiền lương của y tá không đủ cho tôi đi học đại học, bố bắt đầu gửi tiền tới. Ông... ông nói ông muốn tôi được sống cuộc đời mà ông không có cơ hội. Mẹ chưa bao giờ dành cho ông chút tôn trọng nào, và bà cũng tiêm nhiễm để tôi căm ghét ông ấy, sếp hiểu chứ? Vậy nên tôi thậm chí chưa từng cảm ơn ông. Tôi thậm chí còn không mời ông tới dự lễ tốt nghiệp, vì tôi biết mẹ sẽ không vui nếu có ông ở đó, vậy mà ông vẫn tới. Tôi thấy ông quanh quẩn ở đó, mặc bộ com lê cũ xấu xí - tôi chưa bao giờ thấy ông mặc com lê hay đeo cà vạt cả, có lẽ ông đã xin được nó ở tổ chức từ thiện Đội quân Cứu tế, vì ông thực sự mong được thấy tôi tốt nghiệp đại học và ông không muốn làm xấu mặt tôi."
Mắt Meacham thật sự bắt đầu ngân ngấn. Người phụ nữ đã ngừng ghi chép và chỉ nhìn tôi, cố chớp mắt để không rơi lệ.
Tôi được đà lấn tới. Meacham xứng đáng để tôi trổ mọi tài nghệ, và hắn đang nuốt lấy từng lời. "Khi tôi bắt đầu làm việc ở hãng Wyatt này, tôi không ngờ rằng mình lại thấy bố làm việc ở cái khu bốc dỡ chết tiệt đó. Việc đó như thể một tai nạn quá lớn. Mẹ tôi mất vài năm trước, và giờ tôi ở đây, nối lại quan hệ với bố, con người ngọt ngào và tuyệt vời chưa bao giờ yêu cầu tôi điều gì, không bao giờ đòi hỏi gì, lao lực làm việc đến kiệt quệ, giúp đỡ đứa con vô ơn trời đánh mà ông chẳng mấy khi được gặp. Cứ như thể là số phận vậy, sếp thấy không? Và rồi khi ông nhận được tin đó, rằng ông bị ung thư tuyến tụy không thể phẫu thuật, rồi ông bắt đầu bảo muốn tự tử trước khi bị bệnh ung thư hạ gục, ý tôi là..."
Người phụ nữ ghi chép với tay lấy khăn giấy Kleenex và hỉ mũi. Giờ cô ta quắc mắc nhìn Arnold Meacham. Hắn ta rụt người lại.
Tôi thì thầm. "Tôi phải cho ông ấy biết ông có ý nghĩa như thế nào với tôi - với tất cả mọi người. Tôi nghĩ đó có lẽ là kiểu quỹ Biến-ước-mơ-thành-hiện-thực của riêng mình. Tôi nói với ông - tôi nói với ông là mình đã thắng cú ăn ba ở trường đua, tôi không muốn ông biết chuyện rồi lo lắng hay gì cả. Sếp hãy tin tôi, tôi biết chuyện mình làm là sai trái, hoàn toàn sai trái. Tôi sai cả trăm ngàn lần. Tôi không nói nhảm với sếp đâu. Nhưng có lẽ theo một phạm vi nhỏ bé nào đó, nó cũng có phần đúng." Người phụ nữ lại với lấy cái khăn giấy khác và nhìn Meacham như thể hắn là đồ cặn bã nhất quả đất. Meacham cúi gằm xuống, đỏ mặt và không dám nhìn vào mắt tôi. Tôi đang làm chính mình cũng phải ớn lạnh.
Rồi tôi nghe thấy tiếng cửa mở và tiếng gì đó như vỗ tay từ khoảng tối cuối văn phòng. Tiếng vỗ tay chậm và vang.
Đó là Nicholas Wyatt, người sáng lập và là Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Viễn thông Wyatt. Ông ta vừa vỗ tay vừa bước đến, cười to. "Cuộc trình diễn tuyệt vời," ông ta nói. "Cực kỳ tuyệt vời."
Tôi nhìn lên, giật mình rồi buồn bã lắc đầu. Wyatt có dáng cao lớn, khoảng hai mét, có vóc người đô vật. Càng tới gần ông ta trông càng to lớn, và tới khi chỉ còn đứng cách tôi chừng một thước, Wyatt trông to lớn như Trời vậy. Wyatt vẫn có tiếng là sành ăn mặc và cũng đúng, ông ta đang mặc com lê xám trông như của hãng Armani với sọc thẳng mờ. Ông ta không chỉ nắm quyền lực, ông ta toát ra quyền lực.
"Anh Cassidy, tôi hỏi anh một câu nhé."
Tôi không biết phải làm gì, vì vậy tôi đứng lên chìa tay ta cho ông ta.
Wyatt không bắt tay tôi. "Jonesie tên thánh là gì?"
Tôi do dự một nhịp quá dài. "Al," cuối cùng tôi cũng trả lời.
"Al? Trong cái tên nào?"
"Al - Alan," tôi nói. "Albert. Chó thật."
Meacham trân trối nhìn tôi.
"Tiểu tiết, Cassidy," Wyatt nói. "Bao giờ chúng cũng sẽ lật tẩy anh. Nhưng tôi cũng phải nói là anh đã làm tôi cảm động - đúng là như vậy đây. Đoạn về bộ đồ của Đội quân Cứu tế đúng là đã tác động tới chỗ này." Ông ta gõ nắm tay lên ngực mình. "Phi thường đó."
Tôi cười gượng, thực sự cảm thấy như một thứ công cụ. "Ông đây bảo tôi phải nói cho hay mà."
Wyatt cười. "Anh đúng là một thanh niên vô cùng tài năng, Cassidy. Một nàng Seherazat chết dẫm. Và tôi nghĩ ta có chuyện phải bàn."
4
Nicholas Wyatt là một lão đáng sợ. Trước đây tôi chưa bao giờ gặp lão, nhưng tôi đã thấy lão trên ti vi, trên kênh CNBC, trên website của tập đoàn và trong những thông điệp ghi hình lão. Tôi thậm chí còn thoáng thấy lão vài lần, tận mắt, trong ba năm tôi làm việc ở cái công ty mà lão đã sáng lập ra. Nhìn gần Wyatt trông còn đáng sợ hơn nữa. Da rám nắng, tóc đen như xi giày, được vuốt keo và chải thẳng về sau. Răng đều tăm táp và trắng như ở Vegas.
Lão năm mươi sáu tuổi, nhưng trông không giống như vậy, cho dù ở tuổi năm mươi sáu người ta thường nhìn như thế nào đi nữa. Dù sao thì lão chắc chắn trông không giống bố tôi ở tuổi năm mươi sáu, một ông già trọc đầu bụng phệ thậm chí ngay cả khi sung sức nhất. Đây là một dạng năm mươi sáu tuổi khác.
Tôi mù tịt không biết tại sao lão lại ở đây. Tổng Giám đốc điều hành công ty có thể lấy thứ gì ra để đe dọa tôi mà Meacham còn chưa viện tới? Chết vì hàng nghìn vết giấy cứa? Bị lợn rừng nuốt sống?
Tôi thoáng bí mật mơ mộng rằng lão sẽ đập tay chúc mừng tôi, khen tôi vì thực hiện một nghĩa cử cao đẹp, bảo rằng mình thích tinh thần và sự gan dạ đó. Nhưng giấc mơ ban ngày bé nhỏ teo tóp lại cũng nhanh như khi nó vụt xuất hiện trong cái đầu tuyệt vọng của tôi. Nicholas Wyatt không phải là mấy ông tu sĩ chơi bóng rổ. Lão là đồ khốn không biết khoan dung.
Tôi đã nghe nhiều chuyện. Tôi biết nếu biết suy nghĩ thì bạn sẽ khác vào lòng là phải tránh mặt Wyatt. Bạn sẽ cúi đầu xuống, cố không khiến lão chú ý. Wyatt khét tiếng với những cơn cáu giận, thịnh nộ và những trận to tiếng. Mọi người nói lão từng đuổi người ngay lập tức, gọi nhân viên an ninh thu dọn bàn của họ và tống cổ họ ra khỏi tòa nhà. Trong những cuộc họp ban chấp hành, lão luôn lựa ra một người để làm bẽ mặt cả buổi. Bạn không đem tin xấu tới gặp Wyatt, và bạn không làm lão lãng phí dù chỉ nửa giây. Nếu bạn xui xẻo tới mức phải làm bài thuyết trình Power Point nào đó cho Wyatt nghe, bạn sẽ diễn đi diễn lại cho tới khi nó hoàn hảo, nhưng nếu có dù chỉ một tí sơ suất trong bài thuyết trình, lão sẽ ngắt lời bạn và hét lên: "Không thể tin nổi!"
Người khác bảo Wyatt dẻo dai hơn nhiều so với thời trai trẻ, nhưng so với mức nào chứ? Tính Wyatt ganh đua dữ dội, vừa chơi cử tạ vừa chơi thể thao ba môn phối hợp. Những người làm ở phòng tập thể dục của tập đoàn bảo lão luôn thách thức những gã đô vật đáng gờm theo kiểu mặt đối mặt. Wyatt chẳng bao giờ thua, và khi đối phương bỏ cuộc, lão sẽ chế giễu, "Muốn tao tiếp tục chứ?" Họ bảo lão có cơ thể của nam diễn viên Arnold Schwarzenegger, giống như cái bao cao su màu nâu tọng đầy quả óc chó.
Lão không chỉ hiếu thắng điên rồ, mà với lão thắng lợi còn chưa ngọt ngào nếu chưa nhạo báng kẻ thua cuộc, ở một bữa tiệc Giáng sinh toàn công ty, Wyatt từng viết tên đối thủ lớn của mình, Hệ thống Trion, lên chai rượu rồi đập nó vào tường trong hàng đống tiếng cổ vũ và huýt gió say mèm.
Lão lãnh đạo một tập hợp toàn các con đực. Bọn lính thân cận đều mặc như lão, với những bộ com lê bảy nghìn đô la hiệu Armani, Prada, Brioni, Kiton hay những nhà thiết kế khác mà tôi thậm chí chưa từng nghe tới. Và họ chịu đựng những trò cặn bã đó vì họ được đền bù hậu hĩnh tới ghê tởm. Câu chuyện đùa về lão mà bây giờ ai cũng biết: Sự khác biệt giữa Chúa và Nicholas Wyatt là gì? Chúa không nghĩ mình là Nicholas Wyatt.
Nick Wyatt ngủ ba tiếng mỗi đêm, dường như chẳng ăn gì khác ngoài PowerBars trong bữa sáng và bữa trưa, là thứ lò phản ứng hạt nhân hừng hực năng lượng, và suốt ngày toát mồ hôi đầm đìa. Người ta gọi Wyatt là "Kẻ hủy diệt". Lão điều hành bằng sự sợ hãi và không bao giờ quên tí sơ sót nào. Khi một người bạn cũ bị đuổi việc khỏi vị trí tổng giám đốc điều hành của công ty công nghệ lớn nào đó, lão gửi tặng một vòng hoa hồng đen - các trợ lý luôn biết phải tìm hoa hồng đen ở đâu. Câu nói nổi tiếng của Wyatt, điều lão lặp đi lặp lại nhiều tới mức nó nên được khắc vào đá granit trên cửa chính hay làm thành trình bảo vệ màn hình trên máy tính để bàn của mọi người: "Dĩ nhiên tôi hoang tưởng. Tôi muốn ai làm việc cho mình cũng phải hoang tưởng. Thành công đòi hỏi sự hoang tưởng."
Tôi theo Wyatt xuống hành lang, rời văn phòng An ninh Tập đoàn tới phòng điều hành của lão, và thật khó để theo kịp - lão đi bộ rất nhanh. Tôi gần như phải chạy. Meacham đi đằng sau tôi, vung vẩy cặp hồ sơ bìa da đen như đang vung gậy. Khi chúng tôi đi tới khu vực điều hành, tường chuyển từ màu trắng đắp trang trí thạch cao sang màu gụ; thảm trở nên mềm và có tuyết dày. Chúng tôi đã tới văn phòng, hang ổ của lão. Cặp nhân viên hành chính rất đồng bộ của lão ngước lên và nhìn lão tươi cười rạng rỡ khi chúng tôi nối nhau đi qua. Một cô tóc vàng. Một cô tóc đen. Lão bảo "Linda, Yvette" như thể chú thích cho họ. Tôi không ngạc nhiên khi thấy họ đều đẹp như người mẫu - ở đây cái gì cũng cao cấp, như tường, thảm và đồ đạc. Tôi tự hỏi liệu mô tả nghề nghiệp của họ có kèm theo những trách nhiệm ngoài nghiệp vụ thư ký không, như thổi kèn chẳng hạn. Dù sao thì đó cũng là lời đồn thôi.
Văn phòng Wyatt rộng mênh mông. Cả một làng Bosnia có thể sống ở đó. Hai bức tường toàn là kính từ sàn tới trần, và cảnh thành phố thì không thể tin nổi. Hai bức tường còn lại làm bằng gỗ sậm màu đắt tiền, phủ đầy những thứ đóng khung, bìa tạp chí có mặt mũi lão trên đó, Fortune, Forbes, Tuần báo Kinh doanh. Tôi trợn tròn mắt nhìn khi vừa đi vừa chạy qua bức ảnh lão và vài người khác chụp với cố Công nương Diana. Rồi ảnh lão chụp cùng cả hai bố con nhà George Bush.
Lão dẫn chúng tôi ra "nhóm đàm luận" với một đám những ghế và trường kỷ da trông như của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Lão ngồi lún vào một đầu cái trường kỷ lớn.
Đầu tôi ong ong. Tôi mất phương hướng và đang chìm trong một thế giới khác. Tôi không tưởng tượng nổi tại sao mình lại ở đây trong văn phòng của Nicholas Wyatt. Có lẽ lão đã từng là một trong những thằng nhóc thích dùng nhíp giật từng cái chân côn trùng ra, rồi đốt chúng chết bằng kính lúp.
"Vậy mày đã bày ra được trò lừa gạt tinh vi ra phết," lão lên tiếng. "Ấn tượng đấy."
Tôi cười, cúi đầu khiêm tốn. Thậm chí không thể nghĩ tới chuyện phủ nhận. Tạ ơn Chúa, tôi nghĩ thầm. Có vẻ như chúng tôi đang chuẩn bị đập tay chúc mừng cho lòng gan dạ.
"Nhưng không ai chơi tao mà thoát được, có lẽ bây giờ mày đã biết. Không một thằng khốn nào hết."
Lão đã lôi cái nhíp và kính lúp ra.
"Vậy chuyện của mày là như thế nào? Mày đã làm quản lý vòng đời sản phẩm ở đây ba năm, kết quả công việc thì tệ hại, suốt thời gian ở đây mày chưa bao giờ được tăng lương hay thăng chức, làm việc thì chiếu lệ qua loa đại khái. Không hẳn là có tham vọng lắm nhỉ?" Lão nói nhanh, khiến tôi càng căng thẳng hơn.
Tôi lại cười. "Tôi nghĩ là không. Tôi có những ưu tiên khác."
"Như là?"
Tôi do dự. Lão đã tóm được tôi. Tôi nhún vai.
"Ai cũng phải đam mê một thứ gì đó, không thì đếch bằng cục phân. Mày rõ ràng không đam mê công việc, vậy mày đam mê thứ gì?"
Tôi gần như không bao giờ hết thứ để nói, nhưng lúc này tôi không nghĩ ra được điều gì sáng suốt cả. Meacham cũng đang quan sát tôi, một nụ cười kinh tởm và tàn ác trên khuôn mặc sắc như dao của hắn. Tôi nghĩ mình biết trong công ty, trong đơn vị kinh doanh của mình có những người luôn tính toán làm sao để có được ba mươi giây với Wyatt, trong thang máy hay trong buổi giới thiệu sản phẩm, đại loại thế. Thậm chí họ còn chuẩn bị cả "bài hùng biện trong thang máy" 2. Giờ đây tôi ở trong văn phòng của ông lớn thế mà tôi câm lặng như một con ma nơ canh.
"Lúc rỗi rãi mày làm diễn viên hay sao?"
Tôi lắc đầu.
"Ờ, dù sao thì mày cũng khá. Một thằng diễn viên Marlon Brando chết tiệt điển hình. Có thể mày tệ hại khi làm quảng bá thiết bị định tuyến cho khách hàng doanh nghiệp, nhưng mày lại là thằng nghệ sĩ nhảm nhí khốn nạn tầm cỡ Olympic."
"Nếu đó là lời khen thì tôi xin cảm ơn, thưa sếp."
"Tao nghe nói mày vẽ một bức rõ xịn về Nick Wyatt - thật không? Hãy xem nào."
Tôi đỏ mặt và lắc đầu.
"Dù sau thì điểm mấu chốt là mày đã trộm tiền của tao và mày nghĩ mày sẽ trốn thoát được."
Tôi tỏ vẻ kinh hoảng. "Không thưa sếp, tôi không nghĩ mình sẽ 'trốn thoát được'."
"Thôi cho tao xin. Tao không cần cuộc trình diễn nào nữa. Chú mày đã cho tao thấy ngay từ lời chào rồi." Lão phẩy tay như hoàng đế La Mã và Meacham đưa cho lão một cặp hồ sơ. Lão liếc nhìn nó. "Điểm năng khiếu của mày thuộc nhóm dẫn đầu. Mày theo chuyên ngành kỹ thuật ở đại học, ngành nào vậy?"
"Ngành điện."
"Mày muốn trở thành kỹ sư khi lớn lên?"
"Bố tôi muốn tôi học ngành nào chắc chắn kiếm được việc. Còn tôi thì muốn làm người chơi ghi ta chính cho ban nhạc Rock Pearl Jam."
"Thành công chứ?"
"Không," tôi thừa nhận.
Ông ta cười hờ. "Chú mày học đại học mất tới năm năm. Có chuyện gì vậy?"
"Tôi bị đuổi một năm."
"Trung thực đáng khen đấy. Ít ra thì mày cũng không lôi cái trò 'năm đầu du học' nhảm nhí ra. Có chuyện gì vậy?"
"Tôi làm trò ngu ngốc. Tôi bị một kỳ học rất là tệ hại, thế nên tôi hack vào hệ thống máy tính của trường đặng sửa học bạ của mình, cả của đứa bạn cùng phòng nữa."
"Ra lần này là trò xưa rồi." Lão nhìn đồng hồ, liếc sang Meacham rồi quay lại tôi. "Tao có ý này cho mày, Adam." Tôi không thích lão gọi thẳng tên tôi. Nó làm tôi sởn cả gai ốc. "Một ý rất hay. Thực ra phải gọi là lời mời cực kỳ hào phóng thì đúng hơn."
"Cảm ơn sếp." Tôi không biết lão đang nói về chuyện gì, nhưng tôi biết nó sẽ chẳng tốt đẹp hay hào phóng gì đâu.
"Tao muốn cho mày biết một điều là tao sẽ phủ nhận điều tao sắp nói đây. Thực ra thì tao sẽ không chỉ phủ nhận nó đâu, tao sẽ kiện mày tội bôi nhọ danh dự cá nhân nếu mày nhắc lại, mày hiểu chứ? Tao sẽ nghiền nát mày ra." Dù lão đang nói về việc gì thì lão cũng làm được hết. Lão là tỷ phú, là người giàu thứ ba hay thứ tư ở Mỹ, đã từng đứng thứ hai trước khi giá cổ phiếu của chúng tôi sụt giảm. Lão muốn trở thành người giàu nhất - đang nhắm tới chỗ của Bill Gates - nhưng điều đó chắc khó mà xảy ra được.
Tim tôi đập thình thịch. "Chắc chắn rồi."
"Mày rõ hoàn cảnh của mày chưa? Sau cánh cửa số một, mày chắc chắn có ít nhất hai mươi năm trong tù, chắc chắn bỏ mẹ lên được. Vậy hoặc là chọn nó, hoặc là chấp nhận bất cứ thứ gì khác đằng sau tấm màn. Mày muốn chơi trò 'Hãy cùng thương lượng' chứ?"
Tôi nuốt nước bọt. "Dĩ nhiên."
"Tao sẽ nói cho mày biết đằng sau tấm màn có gì, Adam. Đó là một tương lai rất tốt đẹp cho gã ngành kỹ thuật khôn khéo như mày, chỉ có điều chú mày phải chơi theo luật. Luật của tao."
Mặt tôi nóng như bị kim châm.
"Tao muốn mày đảm nhận một dự án đặc biệt cho tao."
Tôi gật đầu.
"Tao muốn mày kiếm việc ở Trion."
"Ở... Hệ thống Trion?" Tôi không hiểu.
"Về quảng bá sản phẩm mới. Chúng có vài chỗ đang để ngỏ ở những vị trí chiến lược trong công ty."
"Họ sẽ không bao giờ thuê tôi."
"Phải, mày nói đúng, họ sẽ không bao giờ thuê mày. Không phải thằng bỏ đi lười nhác như mày. Nhưng nếu là ngôi sao của Wyatt, một tâm điểm trẻ trung sáng giá chuẩn bị vụt lên như sao băng, họ sẽ thuê mày trong một phần nghìn giây."
"Tôi không hiểu ý Giám đốc."
"Một kẻ ma lanh đường phố như mày ấy hả? Hẳn mày vừa mất vài ba điểm IQ rồi. Thôi nào, thằng ngu. Lucid, đó là con đẻ của mày, phải không?"
Lão đang nói về sản phẩm đầu tàu của hãng Viễn thông Wyatt, máy PDA tích hợp mọi chức năng, kiểu như con Palm Pilot dùng thuốc kích thích vậy. Một món đồ chơi phi thường. Tôi chẳng liên quan gì tới nó. Tôi thậm chí còn không có cái nào.
"Họ sẽ không bao giờ tin điều đó," tôi nói.
"Nghe này, Adam. Tao đã ra những quyết định kinh doanh quan trọng nhất dựa vào cảm tính, và cảm tính của tao đang bảo rằng mày có sự trơ tráo, sự tinh ranh và tài năng để làm điều đó. Mày vào cuộc hay không đây?"
"Giám đốc muốn tôi báo cáo lại, phải vậy không?"
Ánh mắt lão dồn vào tôi sắt đá. "Không chỉ thế. Tao muốn mày thu thập thông tin."
"Giống như là gián điệp. Tình báo hay đại loại thế."
Lão mở bàn tay ra như thể nói, mày là thằng ngu hay sao thế? "Mày muốn gọi nó là gì cũng được. Có mấy thứ, ừm, sở hữu trí tuệ đáng giá của bọn Trion mà tao muốn có trong tay, và hệ thống an ninh khốn kiếp của chúng gần như không thể chọc thủng được. Phải có tay trong ở Trion mới lấy được thứ tao muốn, mà không phải bất cứ tên tay trong nào cũng được. Phải là một tay chơi xịn. Hoặc thuê một thằng, hoặc mua một thằng, hoặc đưa một thằng vào bằng cửa chính, ở đây chúng ta có một anh chàng tinh ranh, dễ coi, phương án tối ưu - tao nghĩ bọn tao đã ngắm khá chuẩn rồi."
"Và nếu tôi bị bắt?"
"Mày sẽ không bị bắt đâu." Wyatt nói.
"Nhưng nếu tôi bị...?"
"Nếu mày làm tốt việc của mình," Meacham nói, "Mày sẽ không thể bị bắt được. Và nếu mà mày làm hỏng việc thế nào đó và bị bại lộ - chà, vẫn còn bọn tao ở đây bảo vệ chú mày mà."
Tôi nghi ngờ điều đó biết chừng nào. "Họ sẽ cảnh giác tuyệt đối."
"Về điều gì?" Wyatt nói. "Trong ngành này lúc nào người ta chả nhảy việc. Tài năng lớn luôn được săn lùng. Lại là món hời dễ kiếm. Mày vừa làm cú thắng lớn ở Wyatt, có thể mày không được trọng vọng như mày nghĩ, mày đang mong mỏi được giao nhiều trách nhiệm hơn, tìm cơ hội tốt hơn, kiếm nhiều tiền hơn - những trò vớ vẩn thường thấy thôi."
"Họ sẽ nhìn thấu ruột gan tôi ngay."
"Nếu mày làm tốt việc của mày thì không," Wyatt nói. "Mày sẽ phải học tiếp thị sản phẩm, mày phải trở nên giỏi tới mức lỗi lạc, mày phải làm việc cật lực hơn bất cứ lúc nào trong cả cuộc đời lầm lỗi của mày. Phải chổng mông lên mà làm. Chỉ một tay chơi ngoại hạng mới lấy được thứ tao muốn. Cứ thử cái trò qua loa đại khái của mày ở Trion đi, rồi mày sẽ hoặc bị bắn bỏ hoặc bị đẩy ra ngoài, và rồi cuộc thử nghiệm nho nhỏ của chúng ta sẽ kết thúc. Và mày sẽ nhận được cửa số một."
"Tôi tưởng mấy gã làm về sản phẩm mới đều phải có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chứ?"
"Ôi dào, Goddard nghĩ mấy thứ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh là đồ vớ vẩn - một trong số ít những điều tao và hắn đồng tình. Hắn làm gì có cái bằng đó. Hắn nghĩ rằng như thế là giới hạn. Mà nói về giới hạn..." Lão búng tay, Meacham liền trao cho lão thứ gì đó, một hộp kim loại nhỏ, trông quen thuộc. Một hộp kẹo Altoids. Lão mở ra. Bên trong là vài viên thuốc màu trắng trông giống aspirin nhưng không phải là aspirin. Chắc chắn là quen thuộc. "Mày phải bỏ thứ rác rưởi này, thuốc lắc hay bất cứ cái tên nào mày thích." Tôi để hộp Altoids trên bàn cà phê ở nhà mình. Tôi tự hỏi khi nào và làm thế nào mà họ lấy được nó, nhưng tôi choáng váng tới nỗi không tức giận nổi. Lão thả chiếc hộp vào cái thùng rác đen nhỏ bằng da ở gần trường kỷ. Nó kêu thịch một cái. "Cá cược, rượu chè và mấy thứ rác rưởi khác cũng phải như vậy. Chú mày phải gọn ghẽ và đáng tin cậy, cậu em."
Đó có vẻ chỉ là vấn đề nhỏ nhất. "Và nếu tôi không được thuê thì sao?"
"Cửa số một." Lão cười ghê rợn. "Và đừng có mang theo giày chơi gôn làm gì. Hãy mang dầu bôi trơn K-Y ấy."
"Kể cả nếu như tôi đã cố hết sức?"
"Việc của mày là không được làm hỏng việc. Với những thứ bọn tao sắp cho mày và với huấn luyện viên như tao, mày sẽ không thể bào chữa được."
"Còn tiền thì thế nào?"
"Tiền thì thế nào á? Tao biết thế quái nào được? Nhưng tin tao đi, nó sẽ hơn nhiều so với con số mày nhận được ở đây. Dẫu thế nào thì cũng phải sáu con số." Tôi cố gắng không để họ thấy mình nuốt nước bọt quá lộ liễu.
"Cộng cả tiền lương của tôi ở đây nữa."
Lão quay khuôn mặt căng láng về phía tôi và trợn trừng mắt. Ánh mắt lão chẳng biểu hiện gì cả. Lão già dùng thuốc chống nhăn Botox phải không nhỉ? Tôi tự hỏi. "Mày đang đùa tao đấy à."
"Tôi sắp phải chịu rủi ro lớn mà."
"Xin lỗi? Tao mới là người chịu rủi ro. Mày chỉ là cái hộp đen chết tiệt, một dấu chấm hỏi to đùng thôi."
"Nếu thực sự nghĩ thế thì sếp đã không bảo tôi làm chuyện này."
Lão quay sang Meacham. "Tao không tin nổi, thằng khốn này."
Meacham nhìn như vừa nuốt phải phân. "Thằng khốn kiếp," hắn nói. "Có lẽ tao nên nhấc điện thoại lên ngay bây giờ."
Wyatt đường bệ đưa tay lên. "Không sao. Nó can đảm đấy. Tao thích can đảm. Mày được thuê, mày làm tốt việc, mày được khoắng cả hai món. Nhưng nếu mày làm hỏng chuyện..."
"Tôi biết rồi. Cửa số một. Để tôi nghĩ kỹ đã, mai tôi sẽ trả lời."
Wyatt há hốc miệng, mắt ngây ra. Lão ngừng lời, rồi nói tiếp lạnh lùng. "Tao cho mày tới chín giờ sáng mai. Đó là lúc Chưởng lý Hoa Kỳ tới văn phòng này."
"Tao khuyên mày đừng hé nửa lời với bất cứ ai về chuyện này, kể cả bạn bè hay bố mày, bất cứ ai," Meacham đế vào. "Nếu không mày không biết mình sẽ bị xử thế nào đâu."
"Tôi hiểu," tôi trả lời. "Không phải đe dọa tôi."
"Ồ, đấy không phải là đe dọa." Nicholas Wyatt nói. "Đấy là lời hứa đấy."
5
Xem ra chẳng còn lý do nào để quay lại làm việc, vì vậy tôi về nhà. Thật lạ khi ở trên xe điện ngầm vào một giờ chiều với các cụ già, học sinh, bà mẹ và trẻ con. Đầu tôi vẫn quay cuồng và tôi thấy buồn nôn.
Căn hộ của tôi ở cách trạm dừng xe điện ngầm mười phút đi bộ. Ngày hôm nay sáng sủa, vui tươi tới kỳ quặc.
Áo tôi vẫn ẩm và bốc mùi mồ hôi hôi hám kinh tởm. Vài đứa con gái mặc áo rộng lùng thùng xỏ đầy khuyên đang lôi xềnh xệch lũ nhóc bằng một sợi dây thừng dài. Bọn nhóc ré lên. Mấy gã da đen cởi trần chơi bóng rổ trên sân chơi rải nhựa đường sau hàng rào mắt lưới. Gạch trên vỉa hè gập ghềnh và tôi suýt thì vấp té, rồi tôi cảm thấy dưới đế giày mình trơn kinh tởm, tôi giẫm phải phân chó rồi. Hình ảnh biểu trưng hoàn hảo.
Cổng vào căn hộ nồng nặc mùi nước đái, hoặc của mèo hoặc của gã lang thang nào đó. Thư vẫn chưa tới. Chiếc chìa khóa kêu xủng xoảng khi tôi mở ba ổ khóa trên cánh cửa căn hộ. Bà lão phòng bên kia hành lang hé mở cửa trong phạm vi của xích an toàn, rồi đóng sập lại; bà già quá thấp không với tới lỗ nhòm ra. Tôi vẫy chào bà thân thiện.
Căn phòng tối mù dù mành che đang mở rộng. Không khí ngột ngạt, bốc mùi thuốc lá để lâu. Vì căn hộ ở ngang với phố, tôi không thể mở cửa sổ ban ngày để xua nó ra.
Đồ đạc của tôi khá thảm hại: một cái trường kỷ kiêm giường ngủ choán chỗ trong phòng, nó màu lục nhạt, sọc ô vuông, lưng cao, thấm đầy bia, chỉ vàng dệt ngang dọc. Đối diện với nó là chiếc ti vi mười chín inch hiệu Sanyo đã mất điều khiển từ xa. Một cái tủ sách cao hẹp bằng gỗ thông chưa bào nhẵn đứng đơn độc trong góc. Tôi ngồi phịch xuống trường kỷ và một đám mây bụi bốc lên không. Thanh thép dưới nệm ghế làm mông tôi ê ẩm. Tôi nghĩ tới cái ghế trường kỷ bằng da màu đen của Nicholas Wyatt và tự hỏi liệu lão đã bao giờ sống ở nơi rác rưởi như thế này chưa. Người ta vẫn bảo lão lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng tôi không tin; tôi không tưởng tượng nổi lão lại từng sống ở nơi ổ chuột thế này. Tôi tìm thấy bật lửa hiệu Bic dưới bàn cà phê lắp kính, châm một điếu thuốc và nhìn sang đống hóa đơn trên bàn. Tôi thậm chí không mở phong bì ra nữa. Tôi có hai thẻ MasterCard và ba thẻ Visa, tất cả đều có số dư tài khoản tệ hại, và tôi chỉ xoay xở vừa đủ cho những khoản chi trả tối thiểu nhất.
Dĩ nhiên tôi đã quyết định xong.
6
"Mày bị tóm cổ không?"
Seth Marcus, bạn chí cốt của tôi từ thời trung học, làm nghề pha chế rượu ba đêm một tuần ở một dạng quán bar bình dân cho đám thanh niên thời thượng có tên là Mèo Hoang. Ban ngày cậu ta làm trợ lý luật sư tại một công ty luật ở khu trung tâm. Seth bảo mình cần tiền, nhưng tôi đoán chắc cậu ta bí mật đứng quầy để giữ chút phong cách, để mình không biến thành hạng mọt công sở mà cả hai chúng tôi đều thích chế nhạo.
"Tóm cổ vì chuyện gì?" Tôi đã kể cho Seth bao nhiêu? Tôi đã nói với cậu ta về cuộc gọi của Meacham, tên giám đốc an ninh chưa? Tôi hy vọng là chưa. Bây giờ tôi không thể kể cho cậu ta bất cứ điều chết tiệt nào về cái gọng kìm họ đã kẹp tôi.
"Bữa tiệc lớn của mày." Ồn quá, tôi không nghe rõ Seth nói, và ai đó ở cuối đầu bên kia quầy rượu đang huýt sáo với hai ngón tay trong miệng, tiếng to đến chói tai. "Thằng đó huýt sáo với tao? Như tao là con chó chết dẫm?" Cậu ta lờ gã vừa huýt sáo đi.
Tôi lắc đầu.
"Thế là mày thoát được hả? Mày làm được chuyện đó thật, kinh ngạc quá. Tao lấy cho mày thứ gì để ăn mừng nhỉ?"
"Brooklyn Brown?"
Seth lắc đầu. "Không."
"Newcastle? Guinness?"
"Bia tươi thì sao? Họ không theo dõi thứ đó."
Tôi nhún vai. "Được thôi."
Cậu ta lấy cho tôi một ly vàng hươm đầy bọt: rõ ràng là dân mới vào việc. Nó trào ra cả mặt gỗ sứt sẹo của quầy. Seth cao, tóc sậm màu, dễ nhìn - một thỏi nam châm hút gái thật sự - với chỏm râu dê nực cười và một cái khuyên tai. Cậu ta mang nửa dòng máu Do Thái nhưng lại muốn làm dân da đen. Cậu ta chơi và hát trong một ban nhạc tên là Slither, tôi đã nghe họ chơi vài lần rồi; họ không khá lắm, nhưng Seth nói rất hăng về chuyện "ký được hợp đồng". Cậu ta làm cả chục chuyện xấu xa một lúc chỉ để không phải thừa nhận mình là dân lao động.
Seth là gã duy nhất tôi biết còn cay độc hơn tôi. Có lẽ đó là lý do chúng tôi trở thành bạn. Lý do đó cộng với việc cậu ta chẳng thèm quan tâm tới chuyện bố tôi, dù cậu ấy từng chơi trong đội bóng đá trường trung học được Frank Cassidy huấn luyện (và hành hạ). Hồi lớp bảy chúng tôi học cùng lớp và ưa nhau ngay vì cả hai đều hay bị lão Pasquale dạy toán lôi ra làm trò cười. Lên lớp chín, tôi rời khỏi trường công lập để tới học ở Bartholomew Browning & Knightley, ngôi trường tư thục hoành tráng nơi bố tôi vừa được nhận làm huấn luyện viên bóng bầu dục và khúc côn cầu, và nhờ vậy tôi được miễn học phí. Trong hai năm liền tôi ít gặp Seth, cho tới khi bố bị đuổi việc vì làm gẫy hai xương cánh tay phải và một xương cánh tay trái của một đứa nhóc. Mẹ tên nhóc đó là trưởng ban giám thị của trường Bartholomew Browning. Vậy là vòi nước miễn học phí bị khóa lại, và tôi quay về trường công lập. Bố cũng được tuyển vào đó, sau vụ trường Bartholomew Browning.
Hồi trung học, chúng tôi cùng làm ở một trạm ngoài Vịnh, rồi Seth phát chán với sự trì trệ và tới tiệm bánh rán Dunkin để làm bánh rán cả đêm. Trong vài mùa hè, tôi và Seth lau cửa kính cho một công ty đã xây nhiều tòa nhà chọc trời ở khu trung tâm, cho tới lúc chúng tôi nhận ra treo lơ lửng trên dây ở tầng hai mươi bảy thực ra chẳng hay ho như tưởng tượng. Không những việc đó buồn chán mà còn đáng sợ kinh khiếp, thật là một sự kết hợp tồi tệ. Có lẽ có vài người cho rằng treo lơ lửng bên rìa tòa nhà, cách mặt đất cả trăm mét là một kiểu thể thao mạo hiểm, nhưng với tôi nó giống việc cố gắng tự tử một cách chậm rãi hơn.
Tiếng huýt sáo to lên. Mọi người quay nhìn kẻ huýt sáo, một gã mập đầu hói mặc com lê, vài người cười khúc khích.
"Tao sắp nổi điên lên mất," Seth nói.
"Đừng," tôi nói, nhưng quá muộn, cậu ta đã đi ra đầu kia quầy rượu. Tôi lôi một điếu thuốc ra châm trong khi nhìn cậu ta rướn người qua quầy, quắc mắt nhìn tên huýt sáo, trông như thể sắp tóm lấy ve áo gã nhưng dừng lại kịp. Cậu ta nói gì đó. Xung quanh tên huýt sáo rộ lên tiếng cười. Rồi Seth quay lại chỗ tôi, trông bình tĩnh và thoải mái. Cậu ta ngừng bước để nói chuyện với hai cô em xinh đẹp - một em tóc vàng, em kia tóc nâu, rồi ném lại cho họ một nụ cười.
"Đó. Tao không tin là mày vẫn hút thuốc," Seth nói với tôi. "Thật ngu xuẩn, khi bố mày đã bị như vậy." Cậu ta lấy một điếu từ gói của tôi, châm lửa, hít một hơi rồi đặt nó xuống gạt tàn.
"Cảm ơn vì mày không cảm ơn tao chuyện không hút thuốc," tôi nói. "Còn mày thì có lý do gì?"
Seth thở ra qua lỗ mũi. "Tao thích làm nhiều việc cùng lúc. Mà ung thư không di truyền trong họ nhà tao. Chỉ có chứng điên thôi."
"Ông ấy không bị ung thư."
"Khí thũng. Cái mẹ gì cũng được. Ông già thế nào rồi?"
"Ổn." Tôi nhún vai. Tôi không muốn đề cập tới chuyện đó, Seth cũng vậy.
"Trời ạ, một trong hai con nhỏ đó muốn một ly Cosmopolitan, đứa còn lại muốn thứ gì đó thật lạnh. Rõ là ghét."
"Sao vậy?"
"Quá mất công, rồi bọn nó sẽ chỉ boa tao 25 xu. Tao đã rút ra là đàn bà chẳng bao giờ boa. Chúa ạ, chỉ cần bật nắp hai chai Buds, mày đã kiếm được vài đô rồi. Đồ uống lạnh cơ đấy!" Cậu ta lắc đầu. "Ôi dào."
Seth quay đi vài phút, khua khoắng loảng xoảng vài thứ, máy trộn rú lên. Rồi cậu ta mang cho bọn con gái đồ uống cùng với một trong các điệu cười sát gái của mình. Bọn nó sẽ chẳng boa cho cậu ta xu nào. Cả hai đều quay sang nhìn tôi và mỉm cười.
Khi Seth quay lại, cậu ta hỏi: "Mày định làm gì sau đây?"
"Sau đây?" Đã gần mười giờ và tôi phải gặp một kỹ sư của Wyatt vào bảy giờ rưỡi sáng. Sẽ có vài ngày đào tạo với hắn, một nhân vật chủ chốt của dự án Lucid, rồi thêm vài ngày nữa với tay quản lý tiếp thị sản phẩm mới, và còn những buổi đều đặn với một vị "huấn luyện viên điều hành". Họ đã vạch ra một lịch trình hà khắc. Trại huấn luyện cho bọn liếm gót, tôi nghĩ như thế đấy. Không còn nhởn nhơ, tới làm lúc chín hay mười giờ. Nhưng tôi không thể nói với Seth; tôi không thể kể cho ai cả.
"Một giờ là tao xong việc," cậu ta nói. "Hai con bé đó mời tao chút nữa tới quán Lượn Đêm. Tao bảo bọn nó là tao có bạn. Bọn nó vừa nghía mày đấy, bọn nó đồng ý rồi."
"Chịu," tôi đáp.
"Hả?"
"Phải đi làm sớm. Đúng giờ, rất đúng giờ."
Seth nhìn hoảng hốt và không thể tin nổi. "Cái gì? Có chuyện gì thế?"
"Công việc đang căng lắm. Mai phải dậy sớm. Dự án lớn."
"Mày đùa đúng không?"
"Rất tiếc là không. Chẳng phải là mày cũng cần đi làm sớm sao?"
"Mày đang trở thành một kẻ trong số Bọn Chúng đấy à? Lũ người pod vô cảm ấy?"
Tôi nhe răng cười. "Đến lúc phải lớn lên rồi. Không chơi mấy trò trẻ con được nữa."
Seth ra chiều ghê tởm lắm. "Anh bạn, có tuổi thơ hạnh phúc không bao giờ là quá muộn cả."
7
Sau mười ngày mệt lử nghe các kỹ sư và dân tiếp thị sản phẩm chuyên về điện thoại cầm tay Lucid dạy kèm và truyền thụ, đầu tôi bị tọng đầy đủ mọi loại thông tin vô dụng. Tôi được cho một "văn phòng" nhỏ xíu trước là phòng vật tư trong khu điều hành, nhưng tôi hầu như chẳng bao giờ đến đó. Tôi đi làm đầy đủ, không gây chút xíu rắc rối nào cho ai. Tôi không biết mình còn có thể tiếp tục như vậy mà không bỏ cuộc tới bao giờ, nhưng hình ảnh cái giường tầng ở nhà tù Marion đã cho tôi động lực.
Rồi một buổi sáng, tôi được gọi tới một phòng làm việc cách văn phòng của Nicholas Wyatt hai cánh cửa xuôi xuống hành lang khu điều hành. Tên ở tấm biển đồng trên cửa là JUDITH BOLTON. Văn phòng này hoàn toàn trắng - thảm trắng, nội thất đều bọc trắng, phiến đá cẩm thạch trắng làm bàn, thậm chí hoa cũng màu trắng.
Trên chiếc ghế trường kỷ da màu trắng, Nicholas Wyatt ngồi cạnh một người phụ nữ hấp dẫn, trông khoảng bốn mươi, cô nàng đang tán gẫu thân mật, chạm vào cánh tay lão và cười đùa. Tóc màu đồng đỏ; chân dài vắt chéo, một cơ thể mảnh dẻ mà hẳn cô nàng phải vất vả để có được, mặc bộ vét màu xanh hải quân. Mắt xanh, môi trái tim bóng loáng, lông mày cong lên khiêu khích. Chắc chắn cô ta đã từng đẹp ngất ngây, nhưng giờ đã có phần già dặn hơn.
Tôi nhận ra trước đây mình đã thấy cô ta rồi, khoảng đầu tuần trước ở bên cạnh Wyatt khi lão tới thăm chóng vánh các buổi đào tạo của tôi với nhân viên tiếp thị và các kỹ sư. Cô ta dường như lần nào cũng thì thầm vào tai lão, quan sát tôi nhưng chúng tôi chưa bao giờ được giới thiệu, và tôi luôn tự hỏi đó là ai.
Không đứng dậy khỏi trường kỷ, cô ta đưa tay ra khi tôi tới gần - những ngón tay dài, móng sơn màu đỏ - và bắt tay tôi chặt, không hề hờ hững.
"Judith Bolton."
"Adam Cassidy."
"Anh tới muộn," Judith nói.
"Tôi bị lạc đường," tôi nói, cố làm chuyện nhẹ đi.
Cô ta lắc đầu, cười mím môi. "Anh có vấn đề với việc đúng hẹn. Tôi không bao giờ muốn thấy anh tới muộn nữa, rõ chưa?"
Tôi cười đáp trả, cũng kiểu nụ cười với bọn cớm khi bọn họ hỏi liệu tôi có biết tôi đang phóng nhanh thế nào không. Quý cô này khó nhằn đây. "Chắc chắn rồi." Tôi ngồi xuống ghế đối diện cô ta.
Wyatt thích thú quan sát cuộc trao đổi. "Judith là một trong những tay chơi đáng giá nhất tao có," lão nói. " 'Huấn luyện viên điều hành' của tao. Là cố vấn của tao, là nhà thôi miên Svengali của chú mày đấy. Tao khuyên chú mày nên nghe từng lời cô ta nói. Tao vẫn nghe đấy." Lão đứng dậy cáo lui. Cô nàng hơi vẫy tay chào khi lão đi ra.
Bạn sẽ không nhận ra tôi được nữa đâu. Tôi đã thành người khác rồi. Không còn chiếc xe Bondomobile nữa: giờ tôi lái con Audi A6 màu bạc công ty cho mượn. Tôi cũng có cả tủ quần áo mới. Một nhân viên hành chính của Wyatt, nàng tóc đen ấy, cô nàng hóa ra trước là người mẫu ở Công ty Tây Ấn của Anh, một chiều kia đã dẫn tôi đi mua quần áo ở một cửa hàng rất đắt đỏ mà trước đây tôi mới chỉ từ bên ngoài nhìn vào. Cô ta bảo đây là chỗ mình mua đồ cho Nick Wyatt. Cô ta chọn vài bộ com lê, áo sơ mi, cà vạt và giày, rồi tính hết vào chiếc thẻ Amex của công ty. Thậm chí cô ta còn mua cả thứ mà cô ta gọi là "vớ dài", nghĩa là mấy đôi tất ấy. Và đồ mua chẳng phải mấy thứ tạp nham hiệu Structure tôi thường mặc, đây là hiệu Armani, Ermenegildo Zegna. Chúng toát lên cái vẻ như được những bà góa người Ý khâu tay trong khi nghe mấy vở opera của Verdi.
Cô ta muốn tóc mai dài - mà cô ta gọi là "ria quai" - phải biến đi. Và không còn đầu tóc lởm chởm như vừa từ giường dậy nữa. Cô ta dẫn tôi tới một hiệu làm đầu hào nhoáng và tôi bước ra như người mẫu của hãng Ralph Lauren, chỉ có cái là không khêu gợi bằng. Tôi kinh hoảng khi nghĩ tới lần tới tôi và Seth gặp nhau. Tôi biết nó sẽ nhai đi nhai lại chuyện này mãi thôi.
Bọn họ chế ra một câu chuyện để lấp liếm. Bạn đồng nghiệp và sếp cũ ở đội Thiết bị định tuyến của Bộ phận Kinh doanh được thông báo là tôi "chuyển công tác". Có tin đồn lan ra rằng tôi bị điều tới Siberia vì quản lý bộ phận đã quá mệt mỏi với thái độ của tôi. Lại có tin đồn khác là vị phó chủ tịch cao cấp nào đó của Wyatt thích một bản ghi nhớ tôi viết và có "cảm tình với thái độ của tôi", và tôi được giao nhiều trọng trách hơn chứ chẳng ít đi tẹo nào. Không ai biết sự thật. Tất cả những gì mọi người biết là đột nhiên một ngày kia tôi biến mất khỏi lô làm việc của mình.
Nếu có ai đó chịu khó nhìn kỹ sơ đồ tổ chức trên website của tập đoàn, hẳn họ sẽ thấy giờ chức tôi là Giám đốc Dự án Đặc biệt, Văn phòng Tổng Giám đốc Điều hành.
Chuỗi dấu vết đang được tạo ra cả trên giấy tờ và cả bằng điện tử.
Judith quay lại tôi, tiếp tục nói như thể Wyatt chưa bao giờ ở đây vậy. "Nếu anh được Trion nhận, anh phải đến làm sớm bốn mươi lăm phút. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng không được uống rượu trong bữa trưa hoặc sau khi tan sở. Không giờ vui vẻ, không tiệc tùng cocktail, không 'đàn đúm' với 'bạn' đồng nghiệp. Không hội hè gì hết. Nếu anh phải đi dự tiệc liên quan tới công việc, hãy uống soda."
"Chị nói cứ như thể tôi ở trong hội Những Người Nghiện Rượu Giấu Tên vậy."
"Say xỉn là dấu hiệu của sự yếu kém."
"Vậy thì chắc là hút thuốc cũng vậy rồi."
"Sai," Judith nói. "Nó là một thói quen bẩn thỉu và ghê tởm, và nó thể hiện sự thiếu khả năng kiểm soát bản thân, nhưng cũng có những điểm cần cân nhắc khác. Loanh quanh ở khu vực hút thuốc là cách tuyệt vời để gây ảnh hưởng, tạo quan hệ với những người ở các bộ phận khác và thu được những tin tức hữu ích. Giờ thì về cách bắt tay." Cô ta lắc đầu. "Anh làm hỏng rồi. Quyết định tuyển dụng được tạo nên ngay trong năm giây đầu - lúc bắt tay. Ai bảo anh khác đi là nói dối thôi. Anh nhận được việc nhờ cái bắt tay và rồi phần còn lại của buổi phỏng vấn là cuộc chiến để giữ được nó, để không bị mất nó. Vì tôi là phụ nữ nên anh nhẹ tay. Đừng làm như vậy. Hãy chắc chắn, mạnh bạo, và giữ..."
Tôi cười ranh mãnh, cắt ngang: "Người phụ nữ cuối cùng bảo tôi thế..." Tôi để ý thấy cô ta bị ngắt lời giữa chừng. "Xin lỗi."
Giờ nghiêng đầu sang bên như mèo con, cô ta cười. "Cảm ơn." Rồi dừng một chút. "Hãy giữ tay lâu hơn khoảng một hai giây. Nhìn thẳng vào mắt tôi và cười. Đặt toàn tâm ý vào tôi. Nào, thử lại."
Tôi đứng dậy, bắt tay lại Judith Bolton.
"Tốt hơn rồi," cô ta nói. "Anh có tài bẩm sinh. Người ta gặp anh sẽ nghĩ là: ở tay này có cái gì đó mình thích, mình không biết đó là cái gì. Anh có tài đó." Cô ta nhìn tôi ước lượng. "Anh từng bị gẫy mũi phải không?"
Tôi gật đầu.
"Để đoán xem nào: chơi bóng bầu dục hả?"
"Thực ra là khúc côn cầu."
"Dễ thương nhỉ. Anh là vận động viên chứ, Adam?"
"Đã từng thôi." Tôi ngồi xuống.
Judith rướn người về phía tôi, tỳ cằm lên mu bàn tay, thăm dò. "Tôi đoán vậy. Nó thể hiện trong cách anh đi, tư thế của anh. Tôi thích như thế. Nhưng anh không đồng bộ."
"Sao cơ?"
"Anh phải đồng bộ. Phản chiếu y hệt. Tôi rướn về phía trước, anh cũng làm như vậy. Tôi ngả người, anh cũng ngả người. Tôi vắt chéo chân, anh cũng vắt chéo chân. Nhìn tôi nghiêng đầu và làm giống vậy. Thậm chí đồng bộ cả nhịp thở với tôi. Tinh tế thôi, đừng lộ liễu quá. Đây là cách anh kết nối với người khác ở mức tiềm thức, khiến họ thấy thoải mái với anh. Người ta thích những ai giống mình. Hiểu chứ?"
Tôi cười thân thiện, hay dù sao thì ít nhất tôi cũng nghĩ đó là thân thiện.
"Và một điều nữa." Cô ta rướn người còn gần hơn tới khi mặt chỉ cách tôi vài phân, rồi thì thầm. "Anh dùng nhiều nước hoa cạo râu quá đấy."
Mặt tôi đỏ bừng xấu hổ.
"Thử đoán nhé: hiệu Drakkar Noir." Judith không chờ tôi trả lời vì biết mình đã đoán đúng. "Rất trung học. Tôi cá là nó khiến lũ con gái ở đội cổ vũ thấy mềm cả gối."
Sau này tôi biết được Judith Bolton là ai. Cô ta là một phó giám đốc cấp cao vào Hãng Viễn thông Wyatt, vài năm trước với vai trò người tư vấn đắc lực của công ty McKinsey, giờ là cố vấn riêng cho Nicholas Wyatt về những vấn đề nhân sự nhạy cảm, "giải quyết xung đột" tại những nấc thang cao nhất của tập đoàn, và những vấn đề tâm lý chiến nào đó trong các cuộc làm ăn, đàm phán hay thâu tóm. Cô ta có bằng Tiến sĩ về tâm lý học hành vi, và vì vậy mà vẫn được gọi là Tiến sĩ Bolton. Dù gọi Judith là "huấn luyện viên điều hành" hay là "nhà chiến lược về thuật lãnh đạo" thì cô ta cũng giống như một huấn luyện viên Olympic riêng của Wyatt. Cô ta khuyên lão ai có tố chất điều hành, ai không, ai nên bị đuổi việc, ai đang có mưu đồ sau lưng lão. Mắt cô ta như tia X-quang nhìn thấu sự bất trung. Không nghi ngờ gì nữa, hẳn Wyatt đã giành lấy cô ta từ McKinsey với mức lương cao tới lố bịch, ở đây cô ta có quyền lực và vị thế vững vàng đến nỗi có thể phản bác thẳng mặt Wyatt, nói với lão những điều khó chịu mà lão sẽ không chấp nhận bất cứ ai khác nói với mình.
"Giờ thì, bài đầu tiên của chúng ta là học cách tham gia phỏng vấn xin việc," Judith nói.
"Tôi được tuyển vào đây kia mà," tôi lí nhí.
"Chúng ta đang chơi ở một sân hoàn toàn mới, Adam," cô ta cười. "Anh là hàng xịn, và anh phải phỏng vấn như hàng xịn, ai đó ở Trion phải lăn lóc để giành được anh từ chúng tôi. Anh có thích làm ở Wyatt không?"
Tôi nhìn cô ta, cảm thấy thật ngu ngốc. "Thì tôi đang cố rời khỏi đây, chẳng phải sao?"
Judith đảo mắt, thở sâu. "Không. Anh phải nói theo hướng tích cực." Cô ta nghiêng đầu sang bên và bắt chước giọng tôi giống đến ngạc nhiên. "Tôi rất thích! Rất hứng thú! Các bạn đồng nghiệp đều rất tuyệt!" Giọng bắt chước giống đến mức tôi thấy kỳ quái; cứ như thể là bạn đang nghe giọng mình trong cuốn băng thu ở máy trả lời tự động vậy.
"Vậy tại sao tôi lại tới phỏng vấn ở Trion?"
"Cơ hội, Adam ạ. Chẳng có vấn đề gì với công việc của anh ở Wyatt cả. Anh không bực tức. Anh chỉ đi bước hợp logic tiếp theo trong sự nghiệp của mình, và ở Trion có nhiều cơ hội để làm những việc lớn lao và tốt đẹp hơn. Điểm yếu lớn nhất của anh là gì, Adam?"
Tôi nghĩ một giây. "Không có gì cả, thật vậy," tôi nói. "Không bao giờ thừa nhận điểm yếu."
Judith cau có. "Ôi, vì Chúa. Họ sẽ nghĩ anh nếu không ảo tưởng thì cũng ngu xuẩn."
"Đó là câu hỏi đánh lừa."
"Dĩ nhiên đó là câu hỏi đánh lừa. Phỏng vấn xin việc là một bãi mìn, anh bạn ạ. Anh phải 'thừa nhận' yếu điểm, nhưng anh không bao giờ được nói thứ gì làm giảm giá trị mình. Vì vậy anh sẽ thú nhận mình là người chồng quá chung thủy, người cha quá thương con." Cô ta lại nói bằng giọng-bắt-chước-Adam: "Đôi khi tôi quá quen một ứng dụng phần mềm đến mức không tìm hiểu những chương trình khác. Hay là: Thỉnh thoảng khi bị những việc lặt vặt gây phiền phức, tôi thường không nói ra, vì tôi cho là phần lớn mọi chuyện rồi sẽ qua hết. Anh phàn nàn quá ít! Hoặc thế này thì sao: Tôi có xu hướng thực sự bị hút chặt vào một dự án, vì thế thỉnh thoảng tôi bỏ ra hàng giờ, rất nhiều giờ đồng hồ cho nó, vì tôi thích làm việc, làm việc một cách hiệu quả. Có lẽ tôi bỏ công ra nhiều hơn cần thiết. Hiểu chứ? Họ sẽ nhỏ nước miếng, Adam."
Tôi gật đầu cười. Ôi trời, tôi đã vướng vào chuyện gì thế này?
"Sai lầm lớn nhất anh phạm phải khi làm việc là gì?"
"Rõ ràng là tôi phải thừa nhận cái gì đó," tôi lo lắng.
"Anh học nhanh đấy," cô ta đáp khô khan.
"Có lẽ là tôi đã nhận quá nhiều việc cùng lúc, và tôi..."
"... Và anh làm hỏng chuyện? Vậy anh không hiểu nổi mình bất tài đến mức độ nào? Tôi không nghĩ thế. Anh sẽ nói, 'Ồ, cũng không có gì lớn lắm. Có lần tôi đang làm một bản báo cáo lớn cho sếp và tôi quên không sao lưu dữ liệu, và máy tính bị hỏng, tôi mất hết cả. Tôi phải thức tới ba giờ sáng, cày lại mọi thứ từ đầu. Chà, đúng là tôi đã được một bài học - luôn luôn sao lưu dữ liệu.' Hiểu chưa? Sai lầm lớn nhất anh mắc không phải do lỗi của anh, hơn nữa anh kéo lại được mọi chuyện."
"Tôi hiểu rồi." Tôi thấy cổ áo sơ mi quá chật, và tôi muốn ra khỏi chỗ đó.
"Anh có tài bẩm sinh, Adam," cô ta nói. "Rồi anh sẽ ổn thôi."
8
Tối trước buổi phỏng vấn đầu tiên ở Trion, tôi tới thăm bố. Tuần nào tôi cũng đi ít nhất một lần, thỉnh thoảng nhiều hơn, tùy xem ông có gọi và bảo tôi tới không, ông gọi nhiều, một phần là vì ông thấy cô đơn (Mẹ tôi đã mất sáu năm trước) và một phần vì ông bị steroid làm hoang tưởng và tin rằng những người chăm sóc mình đang cố giết mình. Vì vậy mà các cuộc gọi của ông chẳng bao giờ thân thiện, chẳng bao giờ rôm rả; luôn luôn là phàn nàn, cường điệu hóa và buộc tội. Vài viên thuốc giảm đau biến mất, ông nói, và ông tin là y tá Caryn đã chôm chỉa nó. Ô xy do công ty ô xy cung cấp có chất lượng tệ hại. Y tá Rhonda cứ vấp mãi vào ống thở và giật những cái ống nhỏ, ống thông ra khỏi mũi ông, suýt thì giật đứt cả tai.
Bảo rằng khó giữ chân người chăm sóc ông là đã nói giảm nhẹ tới mức khôi hài. Hiếm khi có ai ở lại được quá vài tuần. Francis X. Cassidy là người nóng tính, đã luôn như vậy theo trí nhớ của tôi, và càng già và ốm yếu thì càng dễ nổi khùng hơn. Ông luôn hút vài bao thuốc mỗi ngày và ho khan ầm ĩ, luôn luôn bị viêm phế quản. Vì vậy không ai ngạc nhiên khi ông bị chẩn đoán mắc khí thũng. Ông còn mong gì chứ? Ông đã không sao thổi tắt nến trên bánh sinh nhật của mình nhiều năm trời rồi. Giờ bệnh khí thũng đã tới lúc mà người ta gọi là giai đoạn cuối, có nghĩa là ông có thể đi trong vài tuần, vài tháng, cũng có thể là cả mười năm. Không ai đoán trước được.
Thật không may việc lo chăm sóc ông lại tới tay tôi, đứa con duy nhất, ông vẫn sống trong căn hộ tầng-một-cộng-tầng-hầm trong khu nhà ba tầng mà tôi đã lớn lên, và ông chưa thay đổi bất cứ điều gì kể từ khi mẹ tôi mất - vẫn cái tủ lạnh vàng hươm chẳng bao giờ chạy bình thường, vẫn cái ghế trường kỷ sệ xuống cả một bên, vẫn những tấm rèm cửa viền đăng ten đã ố vàng theo thời gian, ông không tiết kiệm được tí tiền nào và lương hưu thì thảm hại; ông chỉ vừa đủ trả chi phí thuốc men cho mình. Điều đó có nghĩa là một phần lương của tôi phải dùng để trả tiền thuê nhà, tiền lương cho người trợ giúp y tế, gì gì nữa. Tôi chẳng bao giờ hy vọng được cảm ơn, và chưa bao giờ nhận được lời cảm ơn nào. Dù có cả triệu năm nữa thì ông cũng sẽ không hỏi xin tiền tôi. Chúng tôi giả bộ như ông ấy đang sống nhờ vào một cái quỹ ủy thác hay đại loại thế.
Khi tôi đến, ông đang ngồi trên chiếc ghế bành hiệu Barcalounger ông thích nhất trước cái ti vi to tướng, thú vui chủ yếu của ông. Nó giúp ông có cái gì đó trong thực tế để mà phàn nàn. Ống thở cắm vào mũi (giờ thì ông phải thở ô xy cả ngày), ông đang xem phim quảng cáo trên truyền hình cáp.
"Chào bố," tôi lên tiếng.
Trong khoảng một phút, ông không nhìn lên - bị chương trình quảng cáo hút hồn, cứ như thể đó là cảnh tắm vòi sen trong phim Tâm thần hoảng loạn 3 vậy. Ông gầy đi, dù ngực vẫn thùng phi, và đầu húi cua đã bạc trắng. Khi nhìn lên tôi, ông bảo: "Con chó cái đó định thôi, mày biết chứ?"
"Con chó cái" mà ông nói là nhân viên hỗ trợ chăm sóc y tế tại nhà mới nhất của ông, một phụ nữ tuổi chừng năm mươi người Ai len có gương mặt nhăn nhó ủ rũ và mái tóc đỏ chói tên là Maureen. Bà ta lê bước qua phòng khách, như thể chọn đúng lúc để vào - bà bị đau hông - rổ quần áo nhựa đầy nhóc áo phông trắng và quần đùi gấp gọn ghẽ, mấy thứ đồ chủ đạo trong tủ quần áo của bố tôi. Điều ngạc nhiên duy nhất trong chuyện bà nghỉ việc chỉ là bà quyết định điều đó quá lâu mà thôi. Bố tôi có cái chuông cửa không dây hiệu Radio Shack trên bàn nhỏ cạnh ghế Barcalounger, ông dùng nó để gọi Maureen bất cứ khi nào ông cần, và điều đó cũng chẳng khác gì luôn luôn. Bình ô xy của ông không hoạt động, hay mấy cái ống thông đang làm mũi ông khô khốc, hay ông cần giúp ra phòng tắm để đi tiểu. Thỉnh thoảng Maureen đưa bố tôi ra ngoài "đi dạo" trên chiếc xe lăn gắn động cơ để ông có thể tuần tra quanh khu mua sắm và phàn nàn về bọn "du côn" và bắt nạt bà hơn nữa. Ông buộc tội bà tìm cách đầu độc mình. Điều đó sẽ khiến người bình thường phải hóa điên, mà Maureen thì vốn đã dễ xúc động rồi.
"Sao ông không bảo cậu ấy ông gọi tôi như thế nào?" bà nói, đặt đồ giặt xuống ghế dài.
"Ôi, vì Chúa," ông nói, lời ngắn, câu cụt lủn, vì ông lúc nào cũng thiếu hơi. "Mày bỏ thuốc chống đông vào cà phê của tao. Tao nếm thấy rồi. Cái đó gọi là giết người già, mày thấy đó. Kiểu giết người mờ ám."
"Nếu tôi muốn giết ông thì tôi sẽ dùng thứ tốt hơn là thuốc chống đông đấy," bà gắt trả miếng. Giọng bà vẫn đậm chất Ai len dù đã sống ở đây ngoài hai chục năm. Ông vô cớ buộc tội người chăm sóc mình muốn giết mình. Nếu họ có làm thế thật thì ai trách họ được chứ? "Ông ta gọi tôi bằng từ - bằng từ tôi thậm chí không nhắc lại nổi."
"Lạy Chúa chết dẫm, tao gọi mụ ta là con đĩ. Với mụ thì đó còn là từ lịch sự đấy. Mụ hành hung tao. Tao ngồi chết dí ở đây cắm đầy những cái ống hơi mắc dịch, và con chó cái này còn tát tao nữa."
"Tôi giật điếu thuốc ra khỏi tay ông ấy," Maureen nói. "Ông ấy định lén hút thuốc khi tôi đi xuống dưới nhà giặt đồ. Cứ như thể tôi không ngửi thấy khắp nhà ấy." Bà nhìn tôi, một con mắt hướng ra xa. "Ông ấy không được phép hút thuốc! Tôi thậm chí không biết ông ấy giấu thuốc ở đâu - ông giấu chúng ở đâu đó, tôi biết mà!"
Bố tôi cười đắc thắng nhưng không nói gì.
"Mà sao tôi lại phải quan tâm chứ?" bà nói cay đắng. "Đây là ngày cuối cùng của tôi. Tôi hết chịu nổi rồi."
Đám khán giả thuê trong đoạn phim quảng cáo há hốc miệng và vỗ tay nhiệt liệt.
"Làm như tao để ý ấy," bố tôi nói. "Con mụ này chẳng làm gì cả. Nhìn đám bụi quanh chỗ này xem. Con chó cái này thì đã làm cái gì chứ?"
Maureen nhấc giỏ đồ giặt lên. "Đáng lẽ ra tôi nên bỏ từ tháng trước. Đáng lẽ ra tôi không nên nhận công việc này." Bà rời khỏi phòng với kiểu đi kỳ cục như ngựa què chạy nước kiệu nhỏ.
"Đáng lẽ ra tao nên đuổi cổ mụ ngay lúc trông thấy," bố tôi lầm bầm. "Tao biết là mụ cùng một giuộc với bọn giết người già mà." Ông mím môi lại mà thở như thể đang hít vào bằng ống hút.
Tôi không biết giờ mình sẽ làm gì. Ông không thể ở một mình được - ông không thể vào phòng tắm mà không có người giúp. Ông cự tuyệt tới nhà an dưỡng; bảo rằng thà tự tử còn hơn.
Tôi đặt tay mình lên tay trái ông, bàn tay với ngón tay trỏ được nối với một máy hiển thị sáng đỏ, tôi nghĩ nó được gọi là máy đo ô xy dạng xung. Con số điện tử trên màn hình báo 88%. Tôi nói, "Chúng ta sẽ kiếm được ai đó, đừng lo bố ạ."
Ông nhấc tay lên, hất tay tôi ra. "Mà mụ là loại y tá quái quỷ nào vậy?" ông nói. "Mụ không thèm quan tâm tới ai cả." Rồi ông ho một tràng dài, khạc nhổ vào cái khăn mùi xoa vo viên lôi ra từ đâu đó trên ghế. "Tao không hiểu vì cái quái gì mà mày không chuyển lại về đây. Mày có cái mẹ gì để làm chứ? Mày chỉ có cái công việc chẳng đi đến đâu cả."
Tôi lắc đầu và nhẹ nhàng nói, "Con không thể, bố ạ. Con còn phải trả nợ hồi sinh viên." Tôi không muốn nói là cũng phải có người kiếm tiền để trả cho những người hỗ trợ luôn luôn đòi nghỉ việc.
"Học đại học tốt quá đấy nhỉ," ông nói. "Tất cả chỉ là lãng phí tiền. Bỏ thời gian đi chè chén với đám bạn mày, lẽ ra tao không cần phải tốn hai mươi nghìn đô mỗi năm chỉ để mày chảy thây ra đấy. Cái đó thì mày làm ở đây cũng được."
Tôi cười để ông biết là tôi không thấy khó chịu. Tôi không biết có phải do steroid, dòng prednisone ông uống để giữ khí quản luôn mở mà ông thành người khó chịu như vậy không, hay đó vốn là bản chất tự nhiên. "Mẹ mày, mong bà ấy yên nghỉ, mẹ mày chiều mày hư rồi. Biến mày thành thằng ẻo lả béo phị." Ông hớp vào một ít không khí. "Mày đang lãng phí cuộc đời đấy. Mẹ, lúc chết tiệt nào thì mày mới kiếm được việc cho ra việc chứ hả?"
Bố rất giỏi đánh trúng đích. Một cơn khó chịu tràn qua tôi. Không thể nào coi những lời ông nói là nghiêm túc được, bạn sẽ phát rồ mất. Ông có tính khí nóng nảy như một con chó canh gác ở bãi phế liệu. Tôi luôn nghĩ sự tức giận của ông như bệnh dại - ông không kiểm soát được, vì vậy mà không thể trách ông. Ông chưa bao giờ kiểm soát được cơn giận của mình. Khi tôi còn là thằng nhóc, quá nhỏ không đỡ lại được, chỉ cần bị chọc tức một chút thôi là ông có thể tháo phắt thắt lưng da mà dần tôi nhừ tử. Ngay khi vừa đánh xong, ông luôn luôn lẩm bẩm, "Xem mày bắt tao phải làm gì này?"
"Con đang giải quyết chuyện đó," tôi nói.
"Họ ngửi được mùi kẻ thua cuộc cách cả dặm, biết không."
"Bố nói ai?"
"Các công ty ấy. Chẳng ai muốn một kẻ thua cuộc. Ai cũng muốn có được người chiến thắng. Mày đi lấy cho tao một chai cô ca đi?"
Đó là câu cửa miệng của ông, nó bắt nguồn từ những ngày ông còn làm huấn luyện viên - rằng tôi là "kẻ thua cuộc", rằng chỉ thắng cuộc mới có ý nghĩa, rằng về nhì cũng là thua. Đã từng có lúc kiểu nói đó làm tôi tức tối. Nhưng giờ thì tôi đã quen; tôi thậm chí bỏ ngoài tai.
Tôi vào bếp, nghĩ xem giờ chúng tôi sẽ làm gì. Bố tôi cần trợ giúp cả ngày, chuyện đó không có gì bàn cãi. Nhưng sẽ không cơ sở nào gửi bất cứ ai tới nữa. Lúc đầu chúng tôi có y tá thực sự từ bệnh viện, họ làm ca ngoài giờ để kiếm tiền. Khi ông đã hành hạ hết lượt bọn họ, chúng tôi cố xoay xở tìm được một loạt những người chỉ vừa vặn đủ điều kiện vì đã qua khóa huấn luyện hai tuần để lấy chứng chỉ hỗ trợ y tá. Rồi thì nhận bất cứ ma nào chúng tôi tìm được qua quảng cáo trên báo.
Maureen đã sắp xếp cái tủ lạnh hiệu Kenmore màu vàng hươm gọn tới mức cứ như nó thuộc về một phòng thí nghiệm của chính phủ. Dãy lon cô ca đứng thẳng hàng, lon này sau lon kia trên cái giá bằng dây kim loại mà bà đã điều chỉnh cao vừa tầm. Thậm chí cốc trong tủ cũng sáng loáng thay vì đục và cáu bẩn như thường lệ. Tôi lấy đá đầy hai cốc và rót mỗi cốc một lon. Tôi sẽ phải ngồi lại với Maureen, thay mặt bố xin lỗi, van vỉ và nài nỉ, mua chuộc bà ta nếu cần thiết. Ít nhất thì cũng làm bà ở lại cho tới khi tôi tìm được người thay thế. Có lẽ tôi có thể đánh vào ý thức về trách nhiệm của bà với người già, dù tôi đoán là nó đã bị xói mòn phần lớn bởi tính cáu gắt của bố tôi rồi. Thật sự thì tôi đã hết nước. Nếu làm hỏng buổi phỏng vấn ngày mai, tôi sẽ có tất cả thời gian trên thế giới này, nhưng tôi sẽ ở sau song sắt ở đâu đó tại Illinois. Thế sẽ chẳng thay đổi được gì.
Tôi cầm cốc bước ra, đá kêu leng keng theo mỗi bước đi. Đoạn phim quảng cáo vẫn đang tiếp tục. Mấy thứ đó đã kéo dài được bao lâu rồi? Ai mà xem chúng chứ? Nghĩa là ngoại trừ bố tôi ra.
"Bố ạ, đừng lo lắng gì cả," tôi bảo, nhưng ông đã thiếp đi rồi.
Tôi đứng trước mặt ông vài giây, nhìn xem ông còn thở không. Ông vẫn còn thở. Cằm tì lên ngực, đầu ngoẹo một góc trông rất buồn cười. Khí ô xy tạo thành âm huýt khe khẽ. Đâu đó dưới tầng hầm, Maureen đang khua khoắng các thứ loảng xoảng, có lẽ là đang diễn tập lại lời kết của mình. Tôi đặt hai ly cô ca xuống chiếc bàn nhỏ đầy thuốc men và điều khiển từ xa.
Rồi tôi rướn người hôn lên cái trán lấm bẩn đỏ ửng của ông già. "Sẽ tìm được ai đó thôi," tôi nói nhỏ.
9
Trụ sở chính của Hệ thống Trion trông giống như Lầu Năm Góc phủ crôm mài. Mỗi một trong năm mặt là một "cánh" nhà bảy tầng. Nó đã được một kiến trúc sư nổi tiếng nào đó thiết kẽ. Bên dưới là nhà để xe đày những chiếc BMW và Range Rovers, và rất nhiều VW, và đại loại như thế, nhưng không có ô giữ trước nào, theo như mắt tôi thấy.
Tôi nêu tên mình cho "đại sứ tiền sảnh" của Cánh B, cái tên hoa mỹ mà họ đặt cho nhân viên tiễp tân. Cô ta in ra một miếng dán đánh mã có ghi KHÁCH. Tôi dán nó lên túi áo ngực bộ com lê Armani xám của mình và ngồi ở sảnh chờ người phụ nữ có tên là Stephanie đến đón.
Đó là trợ tá cho Phó Giám đốc Nhân sự, Tom Lundgren. Tôi cố tĩnh tâm, thư giãn, thoải mái đầu óc. Tôi tự nhắc mình là không thể mong được vụ sắp đặt nào tốt hơn thế này nữa. Trion đang tìm người lấp chỗ trống cho vị trí quản lý tiếp thị sản phẩm - một người đột ngột bỏ đi mất, và tôi đã được đo ni đóng giày cho công việc đó, được thiết kế theo di truyền học, được tái bản theo kỹ thuật số. Trong vài tuần gần đây, một số tay săn đầu người được lựa chọn và được cho biết về anh chàng trẻ tuổi đáng kinh ngạc ở Wyatt đã chín sẵn chỉ còn chờ hái. Quả mọng treo cành thấp. Tin lan truyền một cách ngẫu nhiên, lúc ở hội nghị công nghiệp, khi qua lời đồn đại. Tôi bắt đầu nhận được đủ loại cuộc gọi từ các nhà tuyển dụng trong hộp thư thoại.
Thêm nữa tôi đã nhọc công tìm hiểu về Hệ thống Trion. Tôi biết nó là một gã khổng lồ trong lĩnh vực thiết bị điện tử tiêu dùng được sáng lập vào đầu những năm 70 dưới bàn tay của Augustine Goddard huyền thoại, tên thường gọi là Jock chứ không phải Gus. Ông ta gần như là một hình tượng được sùng bái. Goddard tốt nghiệp từ trường Công nghệ Cal, phục vụ trong hải quân, từng làm việc ở hãng Fairchild Semiconductor, rồi Lockheed, và sáng chế ra một công nghệ đột phá nào đó về sản xuất đèn hình ti vi màu. Ông ta được nhiều người coi là thiên tài, nhưng không giống như những thiên tài kiểu bạo chúa sáng lập nên các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ, ông ta rõ ràng không tệ hại như thế. Người ta thích ông ta, trung thành với ông ta khủng khiếp. Ông ta giống như một hình tượng vừa xa vời, vừa gần gũi như cha mẹ. Chỉ thoáng nhìn thấy Jock Goddard trong những dịp hiếm hoi người ta cũng gọi là "chứng kiến", cứ như thể ông ta là vật thể bay không xác định vậy.
Dù Trion không còn chế tạo đèn hình ti vi màu nữa, đèn hình Goddard đã được bán bản quyền cho Sony và Mitsubishi, cũng như tất cả những công ty Nhật Bản sản xuất ti vi bán vào thị trường Mỹ. Sau này, Trion chuyển hướng sang truyền thông điện tử - lấy thiết bị truyền tín hiệu Goddard làm bệ phóng. Bây giờ Trion làm ra điện thoại di động và máy nhắn tin, linh kiện máy tính, máy in laser màu, thiết bị hỗ trợ điện tử cá nhân và đại loại như thế.
Một phụ nữ rắn rỏi với tóc nâu uốn quăn xuất hiện ở cửa vào sảnh chờ. "Chắc anh là Adam."
Tôi dành cho chị ta một cái bắt tay chắc chắn và dễ chịu. "Rất vui được gặp chị."
"Tôi là Stephanie," chị nói. "Trợ lý của Tom Lundgren." Chị dẫn tôi vào thang máy và lên tầng sáu. Chúng tôi nói chuyện phiếm với nhau. Tôi cố tỏ ra nhiệt tình nhưng không lóng ngóng, và chị ta có vẻ không tập trung lắm. Tầng sáu là khu làm việc chia lô điển hình, các khoang kéo dài đến hút tầm nhìn, rộng bạt ngàn. Lối tôi được dẫn đi như một mê cung; dù có thả vụn bánh mì đánh dấu tôi cũng không thể tìm được lối ra thang máy. Tất cả mọi thứ ở đây đều theo chuẩn của một tập đoàn, trừ cái màn hình máy tính tôi đi qua, trên đó trình bảo vệ màn hình hiển thị hình ảnh ba chiều là đầu của Jock Goddard đang cười nhăn nhở và quay mòng mòng như Linda Blair trong phim Quỷ ám. Cứ thử làm thế ở Wyatt xem, ý tôi là với cái đầu của Nick Wyatt ấy, thể gì bọn đầu gấu đánh thuê của tập đoàn Wyatt cũng sẽ đập vỡ đầu gối bạn.
Chúng tôi đến một phòng họp có tấm biển trên cửa ghi STUDEBAKER.
"Studebaker à?" tôi lên tiếng.
"Phải, tất cả các phòng họp đều được đặt tên theo các loại ô tô kinh điển của Mỹ. Mustang, Thunderbird, Corvette, Camaro. Jock thích ô tô Mỹ." Chị nói từ Jock hơi khang khác, như thể nó được đóng trong ngoặc kép, dường như ám chỉ rằng chị không thực sự thân tới mức gọi thẳng tên Tổng Giám đốc Điều hành, nhưng đó là cách ai cũng gọi ông ta. "Tôi lấy gì cho anh uống được nhỉ?"
Judith Bolton bảo tôi luôn luôn trả lời có, bởi người ta thích bày tỏ thiện ý, và tất cả mọi người, thậm chí cả nhân viên hành chính, sẽ có phản hồi lại về cách nghĩ của họ đối với tôi. "Cô ca, Pepsi, gì cũng được," tôi nói. Tôi không muốn tỏ ra quá kiểu cách. "Cảm ơn chị."
Tôi ngồi xuống một phía bàn, chọn mặt đối diện với cửa ra vào chứ không phải đầu bàn. Vài phút sau, một gã chắc nịch mặc quần ka ki và áo chơi gôn màu xanh hải quân có đính lô gô Trion vụt vào phòng. Tom Lundgen: Tôi lập tức nhận ra hắn nhờ hồ sơ mà Tiến sĩ Bolton chuẩn bị cho mình. Phó giám đốc Bộ phận Truyền thông Nhân sự. Bốn mươi ba tuổi, năm đứa con và phát cuồng với môn đánh gôn. Stephanie đi ngay sau hắn, mang theo một lon Cô ca và một chai nước Aquafina.
Hắn bắt tay tôi rất chặt. "Adam, tôi là Tom Lundgren."
"Rất vui được gặp ông."
"Rất vui được gặp anh. Tôi đã nghe nhiều điều hay về anh."
Tôi cười, nhún vai khiêm tốn. Lundgren thậm chí không đeo cà vạt, tôi nghĩ thầm, và tôi thì giống như trưởng ban tang lễ vậy. Judith Bolton đã cảnh báo là điều đó có thể xảy ra, nhưng lại bảo thà mặc quá trang trọng cho buổi phỏng vấn còn hơn mặc quá xuề xòa. Đại thể là dấu hiệu tôn trọng.
Hắn ngồi xuống bên cạnh, quay lại đối diện với tôi. Stephanie nhẹ nhàng khép cửa lại khi đi ra.
"Tôi đoán làm ở Wyatt hẳn căng thẳng lắm nhỉ?" Hắn có môi mỏng dính và điệu cười thoắt ẩn thoắt hiện. Da mặt thô nháp, đỏ ửng, như thể là hắn hoặc đã chơi gôn quá nhiều, hoặc bị rối loạn da mãn tính gì đó. Hắn ta ngồi rung chân phải. Gã đàn ông đó là một bầu năng lượng căng tràn, một trung tâm sức mạnh; hắn dường như đã hấp thụ quá nhiều cafein và buộc tôi phải nói nhanh. Rồi tôi nhớ ra hắn là người theo dòng đạo Mormon và không uống cà phê. Tôi sẽ ghét phải gặp hắn sau một chầu cà phê lắm. Có khi hắn ta sẽ bắn vào quỹ đạo ngoài ngân hà mất.
"Tôi thích căng thẳng như thế."
"Tôi mừng là anh nói vậy. ở đây chúng tôi cũng thế." Nụ cười của hắn lại lóe lên rồi tắt. "Tôi nghĩ ở đây nhiều người nhóm A 4 hơn bất cứ nơi nào khác. Ai cũng có tốc độ đồng hồ nhanh hơn." Hắn vặn nắp chai nước và uống một ngụm. "Tôi luôn nói Trion là nơi làm việc rất tốt - khi anh đi nghỉ mát. Anh có thể trả lời thư điện tử, thư thoại và làm xong đủ loại việc, nhưng chà, anh phải trả giá để nghỉ ngơi. Anh quay lại và hộp thư thoại đầy ắp, anh bị nghiền nát như quả nho luôn."
Tôi gật đầu, cười đồng tình. Thậm chí cả những gã làm về tiếp thị ở một tập đoàn công nghệ cao cũng thích nói chuyện như dân kỹ sư, vì vậy tôi đáp lời. "Giống nhau rồi," tôi nói. "Anh chỉ có ngần đó vòng xoay, anh phải quyết định dùng vòng xoay của mình vào việc gì." Tôi đang bắt chước ngôn ngữ điệu bộ của hắn, gần như nhái lại, nhưng hắn dường như không để ý.
"Rõ ràng là thế rồi. Những ngày này chúng tôi không hẳn trong đợt tuyển dụng - chẳng nơi nào đang tuyển cả. Nhưng một trong các quản lý sản phẩm mới của chúng tôi đột nhiên chuyển chỗ."
Tôi lại gật đầu.
"Con Lucid đúng là thiên tài đấy - đã cứu nguy cho Wyatt khỏi một quý ảm đạm. Nó là con cưng của anh hả?"
"Là đội của tôi thì đúng hơn. Tôi chỉ là một phần trong đội thôi. Không điều hành vụ đó."
Hắn có vẻ thích thế. "Dù gì thì theo những gì tôi nghe được, anh cũng là một nhân vật chủ chốt."
"Tôi không dám nói vậy. Tôi làm việc chăm chỉ và thích những gì mình làm, và tôi gặp đúng chỗ đúng thời thôi."
"Anh khiêm tốn quá."
"Có lẽ," tôi cười. Hắn cắn câu, thực sự là ngấu nghiến những khiêm tốn và thẳng thắn giả tạo đó.
"Anh làm thế nào vậy? Có bí quyết gì không?"
Tôi bặm môi thở ra một hơi, như thể đang nhớ lại chuyện chạy đua ma ra tông vậy. Tôi lắc đầu. "Không có bí quyết gì. Đó là công việc nhóm. Những con người đồng tâm và có động lực."
"Cụ thể hơn xem nào."
"Thú thực thì mục đích cơ bản ban đầu là để đè chết máy Palm." Tôi đang nói về con PDA không dây của Wyatt, con đã thắng được dòng Palm Pilot. "Trong những cuộc họp lên ý tưởng đầu tiên, chúng tôi hợp được một nhóm đa chức năng - kỹ sư, dân tiếp thị, những tay ID trong nội bộ, một công ty ID bên ngoài." ID là từ chuyên ngành cho thiết kế công nghiệp. Tôi đang nhồi câu trả lời cho hắn; tôi đã thuộc lòng nó. "Chúng tôi xem bản nghiên cứu thị trường, tìm ra khiếm khuyết trong sản phẩm của Trion, trong máy Palm, Handspring, Blackberry."
"Và khiếm khuyết ở sản phẩm của chúng tôi là gì?"
"Tốc độ. Mạng không dây dở tệ, nhưng chắc ông cũng biết điều đó rồi." Đây là một cú thúc được tính toán cẩn thận. Judith tải về cho tôi một vài nhận xét thẳng thắn mà Lundgren đã nói ở những hội thảo công nghiệp trong đó hắn ta cũng thừa nhận như vậy. Hắn nghiêm khắc phê bình những thành quả của Trion bất cứ khi nào chúng không đạt yêu cầu. Sự thẳng thừng của tôi là nước mạo hiểm được tính toán kỹ của Judith. Dựa trên đánh giá về phong cách quản lý của hắn, Judith kết luận rằng hắn ghét cay ghét đắng thói xu nịnh và có thói quen thẳng thắn.
"Chính xác," hắn nói và nở nụ cười một mi li giây.
"Dù sao thì chúng tôi cũng xét qua rất nhiều tình huống. Một bà mẹ suốt ngày quanh quẩn với con cái thực sự muốn gì, rồi người điều hành công ty hay quản đốc công trình xây dựng nữa? Chúng tôi trao đổi về bộ tính năng, tiêu chuẩn vỏ máy, tất cả những chuyện như thế. Các cuộc thảo luận khá tự do. Ý tưởng của tôi là thiết kế thanh nhã kết hợp với sự đơn giản."
"Tôi nghĩ có lẽ các anh đã thiên quá mức về mặt thiết kế mà hy sinh tính năng chăng," Lundgren chen vào.
"Ý anh là gì?"
"Thiếu đèn chụp flash. Điểm yếu nghiêm trọng duy nhất trong sản phẩm mà tôi thấy."
Một cú ném xa, và tôi lao tới đánh. "Tôi hoàn toàn đồng ý." Nhìn xem, tôi đã chuẩn bị đầy những câu chuyện về những thành công "của tôi" và những thất bại giả tạo mà tôi diễn khéo léo tới mức chúng có thể trở thành thắng lợi trên chiến trường. "Sai sót thảm hại. Đó rõ ràng là tính năng lớn nhất bị vứt bỏ - nó có trong ý niệm sản phẩm ban đầu, nhưng nó khiến tiêu chuẩn vỏ máy vượt quá phạm vi chúng tôi muốn, vì vậy nửa chừng thì nó bị bỏ mất." Nếm đòn đi.
"Bên anh có định làm gì về chuyện đó ở thế hệ máy tiếp theo không?"
Tôi lắc đầu. "Xin lỗi, tôi không thể nói được. Đó là độc quyền của hãng Viễn thông Wyatt. Đây không phải chỉ là việc tuân thủ pháp luật, nó còn là chuyện đạo đức với tôi - khi anh đã giao ước thì anh phải giữ lời. Nếu như thế có vấn đề thì..."
Hắn dành cho tôi một nụ cười có vẻ tán thưởng và thật lòng. Dễ như bỡn. "Hoàn toàn không thành vấn đề. Tôi tôn trọng điều đó. Bất cứ ai làm lộ thông tin của người từng thuê mình cũng có thể làm điều đó với tôi."
Tôi để ý thấy cụm từ "người từng thuê mình": Lundgren đã hoàn toàn ưng tôi rồi, hắn ta vừa lộ ra điều đó.
Hắn lôi máy nhắn tin ra kiểm tra nhanh. Hắn đã nhận được khoảng chục tin trong khi chúng tôi nói chuyện, để ở chế độ rung. "Tôi không định làm mất thêm thời gian của anh nữa, Adam. Tôi muốn anh gặp Nora."
10
Nora Sommers tóc vàng, khoảng năm mươi tuổi với cặp mắt to trừng trợn. Bà ta có dáng vẻ ăn tươi nuốt sống như thú hoang. Có lẽ tôi bị thành kiến bởi hồ sơ của bà, trong đó mô tả bà là người tàn nhẫn và chuyên chế. Bà làm giám đốc, trưởng nhóm dự án Maestro, một mẫu nhái theo Blackberry hiện đang bị giảm sản lượng và sắp tiêu đời. Bà khét tiếng vì bắt nhân viên họp vào bảy giờ sáng. Chẳng ai muốn vào đội của bà, vì thế mà họ gặp khó khăn trong việc lấp đầy chỗ trống bằng nhân sự nội bộ.
"Phải làm việc cho Nick Wyatt hẳn chẳng có gì vui vẻ nhỉ?" bà ta bắt đầu.
Tôi không cần Judith Bolton phải nói cũng biết bạn không bao giờ được phàn nàn về ông chủ trước. "Thực ra," tôi trả lời, "ông ấy yêu cầu cao, nhưng ông ấy cũng khiến tôi phát huy được những mặt tốt nhất của mình, ông ấy là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Với ông ấy thì tôi chỉ biết kính phục mà thôi."
Nora gật đầu với vẻ từng trải, cười cứ như thể tôi đã chọn đúng câu trả lời cho câu hỏi nhiều lựa chọn. "Tạo động lực hả?"
Bà ta muốn tôi nói gì chứ, sự thật về Nick Wyatt? Rằng lão là đồ thô lỗ, là đồ khốn ư? Tôi không nghĩ thế đâu. Tôi ngân lại điệp khúc thêm một lúc nữa: "Làm việc ở Wyatt giống như đạt được mười năm kinh nghiệm trong một năm - thay vì một năm kinh nghiệm mười lần."
"Trả lời hay lắm," Nora nói. "Tôi thích nhân viên tiếp thị tìm cách đánh lạc hướng mình. Nó là thành phần chủ chốt của bộ kỹ năng. Nếu anh có thể đánh lạc hướng tôi, anh cũng có thể lừa được tờ Nhật báo."
Nguy hiểm đấy, Will Robinson 5. Tôi không tới đó đâu. Tôi thấy được cái bẫy đó đang giương nanh. Vì vậy tôi chỉ ngây ra nhìn bà ta.
"Chà," bà ta tiếp tục. "Rõ ràng là có nhiều tin phát tán về anh. Trận chiến khó khăn nhất của anh trong dự án Lucid là gì?"
Tôi hâm lại câu chuyện tôi đã kể với Tom Lundgren, nhưng có vẻ không gây được ấn tượng với Nora. "Nghe chẳng giống một trận chiến lắm," bà ta đối lại. "Tôi thấy nó giống một sự thỏa hiệp hơn."
"Có lẽ bà phải ở đó mới thấy," tôi nói. Tầm thường quá. Tôi lướt qua ổ đĩa CD trong đầu chứa những giai thoại về sự phát triển của sản phẩm Lucid. "Và cũng có một vụ đấu đá khá lớn xoay quanh thiết kế của phím điều khiển. Đó là một phím năm hướng với loa tích hợp."
"Tôi có biết nó. Thế cuộc tranh cãi là về gì vậy?"
"À, các tay ID của chúng tôi thực sự chấm nó làm điểm sáng cho sản phẩm - nó thực sự bắt mắt. Nhưng tôi bị các kỹ sư phản đối dữ quá, họ nói nó gần như không thể làm được, quá rắc rối; họ muốn tách loa ra khỏi phím định hướng. Bên ID thì nhất quyết là nếu tách chúng ra thì thiết kế sẽ trở nên lộn xộn và mất cân đối. Vụ đó cũng căng. Vì vậy tôi phải kiên quyết. Tôi bảo đó là mốc rẽ. Thiết kế không chỉ là lời tuyên bố về mặt thị giác mà còn là lời tuyên bố hùng hồn về công nghệ - nói với thị trường rằng chúng tôi có thể làm được điều mà đối thủ cạnh tranh của mình không làm được."
Cặp mắt to trừng trợn của Nora đang chiếu laze vào tôi như thể tôi là chú gà con què quặt. "Tụi kỹ sư," bà ta rùng mình nói. "Quả thực nhiều khi không thể chấp nhận nổi bọn họ. Chẳng có chút cảm nhận kinh doanh nào."
Những răng cưa kim loại của cái bẫy kẹp lại đang sáng loáng đầy máu. "Thật ra thì tôi chưa bao giờ gặp rắc rối với các kỹ sư," tôi nói. "Tôi nghĩ họ thật sự là trái tim của doanh nghiệp. Tôi không bao giờ đối đầu với họ; tôi truyền cảm hứng cho họ, hoặc ít nhất là cố gắng làm thế. Tôi nghĩ sự lãnh đạo và chia sẻ là chìa khóa. Đó là một trong những điều gây ấn tượng nhất với tôi ở Trion - các kỹ sư rất có ảnh hưởng ở đây, điều đó là rất nên. Chính là văn hóa của sự cách tân."
Được rồi, đúng là tôi hầu như đã nhai vẹt lại bài phỏng vấn mà Jock Goddard từng làm với tờ Fast Company nhưng tôi nghĩ nó có tác dụng. Các kỹ sư của Trion nổi tiếng yêu quý Goddard, vì ông ta là một người trong bọn họ. Họ coi Trion là một nơi làm việc rất thoải mái, vì quỹ của tập đoàn đổ khá nhiều vào Nghiên cứu và Phát triển.
Bà ta không nói nên lời một giây. Rồi tiếp tục, "Cuối cùng thì cách tân chính là nhiệm vụ then chốt." Chúa ơi, tôi nghĩ tôi đã tệ lắm rồi, nhưng bà này dùng sáo ngữ về kinh doanh còn như ngôn ngữ thứ hai ấy. Cứ như thể bà ta đã học được nó từ một cuốn sách của trường ngôn ngữ Berlitz vậy.
"Chắc chắn rồi," tôi đồng tình.
"Vậy hãy cho tôi biết, Adam - điểm yếu lớn nhất của anh là gì?"
Tôi cười, gật đầu và trong thâm tâm thì thầm lời cảm ơn Judith Bolton.
Trúng tủ.
Chà, tất cả gần như quá dễ.
11
Tôi nhận được tin từ chính Nick Wyatt. Khi tôi được Yvette dẫn vào văn phòng lão, tôi thấy lão đang ở trên máy tập đa năng hiệu Precor trong góc văn phòng. Lão mặc áo ba lỗ đẫm mồ hôi và quần đùi thể thao đỏ, trông đô con. Tôi tự hỏi liệu lão có dùng steroid không. Lão đeo tai nghe không dây và đang quát tháo ra lệnh.
Đã hơn một tuần trôi qua kể từ buổi phỏng vấn ở Trion, và chẳng có gì khác ngoài im lặng tuyệt đối. Tôi biết mọi chuyện diễn biến tốt, và tôi không nghi ngờ rằng lý lịch của tôi rất bắt mắt, nhưng ai mà biết được, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Tôi lầm tưởng rằng một khi đã phỏng vấn xong, tôi sẽ được thoát khỏi trường KGB, nhưng làm gì được may mắn thế. Cuộc rèn luyện tiếp tục, bao gồm cả thứ mà họ gọi là "ngón nghề tình báo" - làm thế nào để ăn trộm đồ mà không bị bắt, sao chép tài liệu và tệp tin máy tính, làm thế nào để lục lọi trong cơ sở dữ liệu của Trion, làm thế nào để liên lạc với họ nếu có chuyện xảy ra mà không thể đợi đến cuộc gặp theo hẹn. Meacham và một cựu binh khác của đội an ninh Tập đoàn Wyatt, từng làm ở FBI tới cả hai thập kỷ, dạy tôi phải liên lạc với họ bằng email như thế nào, sử dụng một chương trình "vô danh hóa", một hệ gửi thư trung gian đặt ở Phần Lan cho phép xóa sạch dấu vết tên và địa chỉ thật của người gửi; làm thế nào để mã hóa thư điện tử của tôi với phần mềm 1.024 bit cực mạnh được phát triển ở đâu đó ngoài khơi trái với pháp luật Mỹ. Họ dạy tôi những trò gián điệp truyền thống như thả hộp chết và các tín hiệu, làm thế nào để tôi báo được là tôi có văn bản muốn chuyển cho họ. Họ dạy tôi cách sao chép phù hiệu có mã vạch mà đa phần các tập đoàn bây giờ hay dùng, loại sẽ mở cửa nếu bạn quét qua máy cảm biến. Một vài thứ trong những trò đó cũng khá hay ho. Tôi bắt đầu cảm thấy mình như một gián điệp thực thụ. Dù sao thì lúc đó tôi cũng đã dấn thân vào rồi. Tôi chẳng biết phải làm gì hơn.
Nhưng rồi sau vài ngày chờ đợi và chờ đợi mãi tin từ Trion, tôi sợ đến đờ đẫn. Meacham và Wyatt đã nói khá rõ điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không nhận được việc.
Nick Wyatt thậm chí không thèm nhìn tôi.
"Chúc mừng," lão nói. "Tao vừa nhận được tin từ tay săn đầu người. Mày vừa được tạm tha đó."
"Tôi được nhận rồi?"
"Khởi điểm là một trăm bảy mươi lăm ngàn, thêm quyền lựa chọn cổ phiếu, toàn bộ là thế. Mày được tuyển vào như một chuyên viên độc lập ở cấp lãnh đạo, nhưng không có báo cáo trực tiếp, mười điểm đó."
Tôi nhẹ người, và sửng sốt trước con số. Nó gấp khoảng ba lần số tiền bây giờ tôi đang kiếm ra. Thêm vào với lương ở Wyatt, tất cả lên tới hai trăm ba mươi lăm ngàn. Lạy Chúa.
"Hay thật," tôi nói. "Vậy giờ chúng ta làm gì, đàm phán?"
"Mày đang nói cái quái gì vậy? Chúng phỏng vấn tám người khác cho vị trí đó. Sao biết được ai có ứng cử viên yêu thích nào không, ông bạn nối khố hay gì đó? Đừng mạo hiểm, chưa đến lúc đâu. Hãy vào đó, cho chúng thấy mày có cái gì."
"Cái tôi có..."
"Cho chúng thấy mày đáng kinh ngạc thế nào. Mày vừa gợi chúng thèm bằng vài món khai vị. Giờ mày phải đánh gục bọn chúng. Nếu mày không thể làm bọn chúng gục hẳn sau khi đã tốt nghiệp khỏi ngôi trường phù thủy bé nhỏ của chúng ta ở đây, và với tao và Judith thì thầm vào tai mày, thì mày là thằng thảm bại khốn nạn còn hơn tao nghĩ nữa."
"Vâng." Tôi thấy đầu óc mình đang diễn lại giấc mơ bệnh hoạn muốn chửi rủa Wyatt một trận rồi bước ra khỏi cửa để đến làm ở Trion, cho tới khi tôi nhớ ra không những Wyatt vẫn là sếp mình mà còn đang nắm đằng chuôi nữa.
Wyatt bước xuống khỏi máy tập, ướt sũng mồ hôi, giật chiếc khăn tắm trắng xuống khỏi thanh treo và lau mặt, cánh tay và nách. Lão đứng gần tôi đến mức tôi có thể ngửi được mùi mồ hôi nồng nặc và hơi thở chua phè của lão. "Giờ thì nghe kỹ đây," lão nói giọng uy hiếp rõ rệt. "Khoảng mười sáu tháng trước, Hội đồng Quản trị của Trion đã duyệt một khoản chi bất thường gần năm trăm triệu đô cho một sản phẩm đặc biệt nào đó."
"Một cái gì?"
Lão khịt mũi. "Một dự án nội bộ tuyệt mật. Dù thế nào thì cũng rất bất thường khi Hội đồng Quản trị duyệt khoản chi lớn như vậy mà chẳng có mấy thông tin. Trong trường hợp này, bọn họ nhắm mắt duyệt nó, chỉ hoàn toàn dựa vào sự cam đoan của Tổng Giám đốc. Goddard là người sáng lập nên chúng tin hắn. Đòng thời hắn cũng trấn an chúng rằng thứ công nghệ chúng đang phát triển, dù đó là cái chết tiệt gì đi nữa, thì cũng là bước đột phá bất hủ. Tao muốn nói là vĩ đại, là sự chuyển hệ, là bước nhảy vọt lượng tử. Cú xuyên phá vượt qua cả xuyên phá. Hắn cam đoan với bọn chúng rằng đây là thứ vĩ đại nhất kể từ sau thiết bị bán dẫn, và bất cứ ai không tham gia vào chuyện này sẽ bị tụt hậu hết."
"Nó là cái gì vậy?"
"Nếu tao biết, mày đã không ở đây, thằng ngu. Nguồn tin của tao khẳng định rằng nó sẽ làm thay đổi nền công nghiệp viễn thông, làm đảo lộn tất cả mọi thứ. Và tao không định bị tụt hậu. Mày hiểu chứ?"
Tôi không hiểu, nhưng vẫn gật đầu.
"Tao đã đầu tư quá nhiều vào tập đoàn này không phải để nó theo chân voi răng mấu và chim cưu tuyệt chủng. Vì vậy nhiệm vụ của mày, chiến hữu ạ, là phải tìm ra mọi thứ mày có thể về sản phẩm đặc biệt đó, tiến độ nó tới đâu, bọn chúng đang phát triển cái gì. Tao không cần biết có phải hóa ra chúng lại chế tạo một cây cà kheo điện tử chết tiệt hay không, vấn đề là tao không định liều lĩnh. Rõ chứ?"
"Vậy làm thế nào?"
"Đó là việc của mày." Lão quay đi, bước qua khoảng rộng của văn phòng về phía lối ra mà trước đó tôi không để ý. Lão mở cửa, để lộ một phòng tắm cẩm thạch lấp lánh có vòi hoa sen. Tôi lúng túng đứng đó, không rõ liệu tôi phải đợi lão, hay đi ra, hay phải làm gì nữa.
"Mày sẽ nhận được cuộc gọi trong sáng nay," Wyatt nói mà không quay lại. "Tỏ ra ngạc nhiên vào nhé."
Chú thích
(1)Nhà thuyết trình Mỹ, tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm.
(2)Nghệ thuật mô tả sản phẩm nhanh chỉ trong hơn trăm từ và trình bày với thời gian tương đương như một chuyến thang máy.
(3)Cảnh tắm dưới vòi hoa sen của Janet Leigh trong phim Psycho - Tâm thần hoảng loạn được bình chọn là cảnh chết trong phim hay nhất mọi thời đại, theo một cuộc bình bầu của các nhà phê bình được công bố trên tạp chí điện ảnh Total.
(4)Một học thuyết tâm lý chia con người thành Nhóm A và Nhóm B, trong đó Nhóm A được mô tả là thiếu kiên nhẫn, có nhận thức tốt về thời gian, rất có tính cạnh tranh, nhiều tham vọng, mạnh mẽ và ít nghỉ ngơi.
(5)Câu nói quen thuộc của nhân vật Robot với Will Robinson trong bộ phim truyền hình Mỹ "Lost in space" vào thập niên 60.