We have more possibilities available in each moment than we realize.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hermann Hesse
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hoài Khanh
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2657 / 69
Cập nhật: 2015-07-14 03:36:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
urkhardt ngồi dựa một cách thoải mái vào chiếc ghế mây, cái nón rơm rộng vành của y đeo ở phía sau ót đang đọc một tờ tạp chí và phì phèo thuốc lá dưới ánh mặt trời lọc qua vòm cây ở phía tây họa phòng; bên cạnh là Veraguth ngồi trên chiếc ghế xếp nhỏ, trước mặt ông là cái giá vẽ. Cái chân dung một người đang ngồi đọc sách đã được phác họa, từng khối màu sắc đã ở vào vị trí, hiện giờ ông đang vẽ cái khuôn mặt và toàn thể bức họa đã nổi bật trong những sắc màu rực rỡ, phơi phới, tắm đẫm mặt trời song tuy vậy vẫn là những sắc màu chừng mực phải chăng. Không khí thoang thoảng mùi sơn dầu và hương vị thuốc xì gà, những con chim ẩn mình dưới tàng lá thốt ra những tiếng kêu ban trưa mong manh mơ hồ của chúng, và chúng cất tiếng đối đáp véo von trong những giọng điệu mơ màng ngái ngủ. Pierre ngồi dưới đất, chen chúc say mê trên một tấm bản đồ lớn, diễn tả thiện cảm những cuộc hành trình với ngón tay trỏ mảnh khảnh của em.
- Đừng có ngủ chứ! - Nhà họa sĩ la lên.
Burkhardt nheo mắt với ông, mỉm cười và gật đầu.
- Bây giờ cháu ở đâu rồi, Pierre? - Y hỏi cậu bé.
- Đợi đã, cháu đang xem đây - Pierre trả lời một cách say mê và đánh vần địa danh trong bức bản đồ của em - Ở Lu... Luce... ở tại Lucerne. Có một cái hồ hay một đại dương. Có phải nó lớn hơn cái ao của chúng tôi không chú Burkhardt?
- Lớn hơn nhiều chứ? Lớn hơn gấp hai mươi lần ấy chứ. Một ngày nào đó cháu phải đi đến đó mới được.
- Ô, vâng. Khi nào cháu có một chiếc ô tô, cháu đi đến Vienne, Lucerne, Bắc Hải và Ấn Độ, nơi có nhà cửa của chú ấy. Nhưng chú sẽ có mặt ở nhà không?
- Nhất định rồi Pierre. Chú luôn luôn có ở nhà khi khách khứa đến. Rồi chú cháu mình sẽ đi xem con khỉ của chú, nó có cái tên là Pendek, nó không có đuôi nhưng nó có một bên râu mép trắng như tuyết, và rồi chú cháu mình sẽ lấy súng ống và xuôi thuyền trên sông để bắn cá sấu!
Thân hình mảnh khảnh của Pierre lắc lư lui tới với thích thú. Chú Burkhardt tiếp tục nói về đồn điền của chú ở tại rừng rú Mã Lai, và y nói một cách vui thú và lâu đến nỗi sau cùng cậu bé đã chán ngây và không thể còn theo dõi câu chuyện nổi, và một cách lơ đãng tiếp tục cuộc hành trình của em trên tấm bản đồ, nhưng thân phụ em thì lắng nghe tất cả câu chuyện ấy của bạn ông một cách chú tâm hơn, y đã kể câu chuyện với một không khí của kẻ giàu sang biếng nhác làm việc và săn bắn, những cuộc du ngoạn trên ngựa và trên thuyền, những làng mạc nhẹ nhàng xinh xắn xây cất bằng tre, những con khỉ, con bồ nông, con phượng hoàng và bươm bướm, đưa ra những cái thoáng thấy quyến rũ như vậy về cái đời sống tĩnh lặng quạnh quẽ ở khu rừng nhiệt đới mà nhà họa sĩ đã có cái ấn tượng nhìn suốt qua kẽ hở vào một cõi thiên đường rạng rỡ, đầy màu sắc. Ông nghe thấy những dòng trường giang lặng lờ chảy trong rừng, nghe thấy rừng hoang đầy dẫy những cây dương sỉ cao nghệu, nghe thấy các bình nguyên mênh mông nơi giống cỏ lalang đứng cao bằng đầu người, ông nghe thấy những buổi chiều đầy màu sắc trên bãi biển đôi lại những hòn đảo san hô và những ngọn hỏa sơn xanh thẳm, nghe thấy mây ngàn cuồn cuộn bay đi và những cơn gió nóng hừng hực, những buổi chiều mộng mị trầm tư ngồi trên hàng hiên mát rộng của những căn nhà đồn điền màu trắng cũng như những ngày nóng nực chìm đắm vào bóng hoàng hôn, về những đường phố đô thị Trung Hoa ồn ào náo nhiệt và về các người Mã Lai nghỉ ngơi khi đêm xuống bên cạnh chiếc ao đá cạn trước thánh đường Hồi giáo.
Một lần nữa, cũng như nhiều lần trước đây, Veraguth đã viếng thăm căn nhà xa xôi của bạn ông trong trí tưởng tưởng của ông, hoàn toàn không ý thức rằng nỗi khao khát không nói nên lời của ông đã đáp ứng lại những ý định của Brukhardt. Cái gì đã làm ông quyến rũ say mê với những hình ảnh và gợi dậy nỗi khát khao mong mỏi của ông không chỉ là sự rực rỡ của những đại dương ở miền nhiệt đới và những quần đảo, hoặc trò chơi đầy màu sắc của những dân tộc bán khai nửa trần truồng. Còn hơn thế nữa, đấy là chốn khuất tịch và tĩnh lặng của một thế giới nơi mà nỗi thống khổ và sự chú tâm của ông, cuộc tranh đấu và sự biệt lập của ông sẽ biến thái đi, nơi mà trí óc ông sẽ lột bỏ đi hằng trăm cái nặng nề vặt vãnh và một khung cảnh mới mẻ, thuần khiết và tự do từ lỗi lầm và khốn khổ sẽ bao bọc cưu mang ông.
Buổi chiều đã trôi qua, bóng chiều đã xế. Pierre đã bỏ chạy trước đó từ lâu, Burkhardt dần dần rơi vào im lặng và thiu thỉu ngủ, nhưng bức họa thì gần như đã xong. Nhà họa sĩ khép đôi mắt mỏi mệt lại một lát, buông tay ông xuống, và với cái nhẹ nhõm gần như đau đớn hít thở sâu vào cái giờ khắc im lặng đầy nắng đó, với sự hiện diện của bạn ông, với sự mệt mỏi đã nguôi ngoai sau việc làm có thành quả ấy, và trút bỏ sự gắng sức quá độ của ông. Cùng với sự hăng hái của sự hoạt động không hạn chế, từ lâu ông đã tìm thấy cái lạc thú nhất, sâu xa nhất trong những khoảnh khắc dịu dàng của sự nới lỏng sự mỏi mệt này, có thể so sánh với cái trạng thái yên lặng tăng trưởng của cái tranh tôi tranh sáng giữa ngủ và thức.
Lặng lẽ đứng dậy vì sợ đánh thức Burkhardt, ông cẩn thận mang khung họa về họa phòng. Tại đây, ông cởi bỏ cái áo choàng để vẽ, đi rửa tay chân và một cách nhẹ nhàng tắm đẫm đôi mắt mỏi mệt của mình bằng nước lạnh. Một vài phút sau đó ông lại trở ra, vào trong một phút đưa mắt nhìn tò mò vào cái khuôn mặt nằm ngủ của người khách và rồi đánh thức y dậy với tiếng huýt gió quen thuộc từ lâu mà họ đã áp dụng hai mươi năm trước đó như là cái dấu hiệu bí mật và ra hiệu của sự nhìn nhận.
- Nếu anh đã ngủ đầy đủ rồi, ông cụ, ông nói một cách vui vẻ, thì anh có thể kể cho tôi nghe ít nhiều gì đó về Ấn Độ, tôi chỉ có thể nghe được một nửa trong khi tôi đang vẽ. Anh có nói một điều gì đó về các bức hình; anh có đem theo đây chứ, có thể nào chúng ta xem qua được chăng?
- Chắc hẳn chúng ta có thể xem được chứ; vậy thì đi.
Vì rằng Burkhardt đã từng trông đợi có được cái phút giây này trong mấy ngày nay. Đã từ lâu niềm mong ước của y là để quyến rũ Veraguth với miền Á Đông và giữ ông ở lại đó với y một thời gian. Đối với y thì đây có vẻ như là cơ hội cuối cùng, và y đã chuẩn bị cho công việc đó có phương pháp. Khi hai người ngồi trong phòng của Burkhardt nói về Ấn Độ trong làn ánh sáng của buổi chiều, y đã đưa ra càng lúc càng nhiều tập ảnh và các gói hình lấy từ va-li của y. Nhà họa sĩ đã hết sức vui sướng và ngạc nhiên rằng sẽ có nhiều hình ảnh làm vậy; Burkhardt vẫn rất là điềm tĩnh và có vẻ chảng coi trọng các bức hình ấy gì cả, song trong thâm tâm, một cách nôn nao, thì y đã đợi chờ phản ứng.
- Hình ảnh đẹp quá! - Veraguth kêu lên với sự thích thú - Bộ anh chụp hết cả đấy hả?
- Chụp một số thôi - Burkhardt nói vẻ lạnh nhạt - Một số thì do các bạn tôi ở bên ấy chụp đấy. Tôi chỉ muốn đưa ra cho anh một ý niệm về nơi chốn ấy giống như thế nào mà thôi.
Y nói câu này như thể để cho qua chuyện và bằng một cung cách lãnh đạm đặt các bức ảnh xuống từng xấp. Veraguth vẫn còn xa với sự ngờ vực là ông đã đặt cái bộ hình này lại kỹ lưỡng như thế nào. Đầu tiên thì y có một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi người Anh từ Singapore, rồi tới một người Nhật ở Bangkok ở lại với y nhiều tuần lễ, và trong thời gian ở nhiều cuộc hành trình từ biển cả đến những miền sâu của rừng rậm họ đã khám phá ra và đã chụp được mọi vật mà dù sao cũng có vẻ là đẹp hoặc đáng chú ý; và rồi các bức hình ấy được phóng lớn ra và được in với sự cực độ cẩn thận. Các bức hình ấy là con mồi của Burkhardt, và y đã cùng xem chung với sự cực độ kích thích khi bạn y đã cắn mồi và phập sâu răng của ông vào miếng mồi ấy. Y chỉ cho ông xem các bức hình về các căn nhà, đường phố, làng mạc và đền đài lăng tẩm, về những cái hang Batu quái dị gần Kuala Lumpur, và đá vôi lởm chởm đẹp một cách hoang dã và các ngọn núi cẩm thạch gần Ipoh, và khi Veraguth hỏi phải chăng không có hình các người bản xứ thì y đã moi ra các bức hình người Mã Lai, Trung Hoa, Tích Lan, Ả Rập, và người Java, các phu bến tàu mình trần lực lưỡng, các ngư phủ già nhăn nheo cằn cỗi, những tay thợ săn, các nông phu, những bác thợ dệt, các thương gia, những người đàn bà xinh đẹp với trang sức phẩm bằng vàng, lũ bé trần truồng đen đúa, các ngư phủ với lưới cá, người Saika đeo khoen tai thổi sáo bằng mũi, và các vũ nữ Java lởm chởm với đồ nữ trang giả bằng lụa. Y có những tấm hình cho thấy mỗi loại cây dừa, những cầy pisang lá to tướng xanh um, những khoảng rừng mưa quét qua bởi gấp ngàn lần những cây leo, các lùm cây có đền đài thiêng liêng và những ao hồ có con đồi mồi, trâu nước ở các ruộng lúa, các con voi nuôi tại nhà làm việc và các con voi rừng nô đùa dưới nước và vung những cái vòi khoe khoang của nó hướng lên trời.
Nhà họa sĩ nhặt lên từ tấm hình này tới tấm hình kia. Một số ông thảy qua một bên sau khi xem sơ qua, một số ông xếp bên cạnh nhau để so sánh, một số hình dáng và đầu ông đã xem xét một cách cẩn thận qua lòng bàn tay ông. Nhiều lần ông hỏi bức hình được chụp vào giờ nào, cân nhắc những cái bóng của nó và càng lúc càng trở nên say mê sâu xa.
Một lần ông đã thốt lên một cách vô ý. "Người ta có thể vẽ tất cả các bức hình ấy".
- Đủ rồi - Sau cùng ông kêu lên và thở khì ra một cái - Anh phải kể lại cho tôi nghe nhiều nữa. Thật là tuyệt diệu có anh tại đây! Bây giờ thì mọi sự trông có vẻ khác biệt đối với tôi. Thôi đi, chúng ta sẽ cuốc bộ chừng một giờ. Tôi muốn chỉ cho anh xem một cái gì.
Đứng phắt dậy, sự mệt mỏi của ông đã biến mất, ông bước ra ngoài, Burkhardt theo sau. Đầu tiên họ đi ra đường cái. Những toa tàu chở cỏ khô về nhà chạy qua về hướng đổì diện. Ông hít thở cái hương vị nồng nàn của cỏ khô và một hoài niệm đã đến với ông.
- Anh còn nhớ chứ - Ông hỏi, cười lên - Cái mùa hè sau khóa học đầu tiên của tôi tại Học viện ấy, khi chúng ta cùng đi với nhau ở miền quê đấy? Tôi đã vẽ cỏ khô, chẳng gì cả nhưng cỏ khô, anh còn nhớ chứ? Vì lẽ trong hai tuần lễ tôi đã nhọc mệt để cố gắng vẽ một số các đống cỏ khô lớn ở đồng cỏ trên núi mà nó chẳng giống vì tôi không thể vẽ đúng cái màu sắc của nó, cái màu cỏ xám khô khan ấy! Và rồi khi sau cùng tôi đã vẽ được - nó cũng vẫn không đích xác với cái màu dịu nhạt đó, song ít ra tôi đã biết pha trộn giữa màu đỏ và màu xanh - tôi sung sướng đến nỗi tôi không còn thấy gì cả ngoại trừ cỏ khô. Ô, thật là một điều tuyệt diệu, cái lần đầu tiên gắng sức, tìm tòi và khám phá ra đó!
- Đối với tôi thì điều đó hình như, - Otto nói - luôn luôn có nhiều điều để học hỏi.
- Cố nhiên. Nhưng những điều mà hiện nay nó hành hạ tôi thì chẳng ăn nhập gì với kỹ thuật cũ. Anh biết không, càng lúc càng thường xuyên hơn trong ít năm cuối cùng đã qua có một cái gì tôi thấy đã mang tôi trở lại với thời thơ ấu của tôi. Vào những ngày đó mọi sự trông khác hẳn đi; một hôm tôi hy vọng đặt một cái gì đó trong họa phẩm của tôi. Đôi khi tôi giữ lại cái cảm giác đó trong một hoặc hai giây; hốt nhiên mọi sự lại có được cái ánh sáng đặc biệt đó - nhưng cũng chưa đủ. Chúng ta đã có nhiều họa sĩ giỏi giang thế kia, những người nhạy cảm, biết biện biệt họ đã vẽ thế giới như một người thông minh, biết phân biệt, một nhà quý tộc tuổi tác khiêm tốn nhìn thế giới ấy vậy. Nhưng chúng ta chẳng có ai vẽ được cái thế giới như một đứa bé lạ thường, dũng cảm, hách dịch nhìn thế giới ấy cả, và hấu hết các kẻ nào cố gắng làm điều đó đều là những bác thợ khéo tay nghèo nàn mà thôi.
Mải mê theo ý tưởng, ông đưa tay ngắt một đóa hồng hoang có màu hồng thắm ở mé ruộng và trừng trừng nhìn nó.
- Tôi có làm anh chán nản không? - Ông hỏi như thể bất thần thức giấc với một cái nhìn rụt rè đến bạn ông.
Otto chẳng nói gì chỉ mỉm cười.
- Anh xem, - Họa sĩ nói tiếp - một trong các họa phẩm tôi vẫn còn ưa vẽ là một bó hoa dại. Anh biết không, mẹ tôi có thể kiếm được những bó hoa dại như vậy mà tôi chưa hề thấy kể từ lúc ấy, về việc đó thì bà là một thiên tài. Bà giống như một đứa bé, gần như luôn luôn ca hát, hước chân bà rất khinh phiêu và bà đội một cái nón rơm màu nâu to tướng, đây là điều tôi luôn luôn thấy bà trong các giấc mơ của tôi như thế nào. Một ngày nào đó tôi sẽ thích vẽ một bó hoa dại, thứ hoa mà bà yêu thích: hoa hồng dại và cỏ thi, và cây bìm tím nhỏ tí với một vài lá cỏ xinh xắn và một cọng lúa kiều mạch xanh. Tôi đã mang về nhà hàng trăm bó hoa như vậy, cái hương thơm trọn vẹn của nó vẫn có đấy nhưng chúng chẳng bao giờ hoàn toàn đúng cả, như thể là chính bà đã làm ra cái hương thơm ấy vậy. Chẳng hạn bà không ưa cỏ thi trắng, bà chỉ lấy thứ đẹp biến hóa hãn hữu với một tí màu tím trong ấy; bà sẽ để ra cả nửa buổi chiều để lựa chọn giữa hàng ngàn lá cỏ trước khi tuyển chọn lấy một... ồ, chẳng ích gì, anh không hiểu đâu.
Burkhardt gật đầu.
- Tôi hiểu chứ.
- Vâng, thỉnh thoảng tôi đã nghĩ đến bó hoa ấy hằng giờ mới thôi. Tôi biết đích xác bức họa đó phải như thế nào. Không phải là sự trích tuyển trứ danh của thiên nhiên được nhìn bởi một nhà quan sát giỏi và đã được giản lược bởi một họa sĩ cương quyết có tài trí và cũng không phải là dịu dàng và đa cảm, như một họa sĩ của khung cảnh bản xứ sẽ làm được. Họa phẩm này phải hoàn toàn chân chất mộc mạc, như là được nhìn qua cặp mắt của một đứa bé có thiên bẩm, phi kiểu mẫu và đầy giản dị. Bức họa cá và sương mù sớm mai ở họa phòng là sự đích xác đối lại - nhưng một họa sĩ phải có thể vẽ cả hai điều đó... Ô, tôi có nhiều điều để vẽ lắm, nhiều lắm!
Ông quẹo sang con đường mòn nhỏ hẹp dẫn qua cánh đồng cỏ, nhẹ nhàng leo lên một ngọn đồi nhỏ có hình tròn.
- Bây giờ hãy để mắt anh mở rộng ra, ông nói giọng mê mải, chúi về phía trước giống như một tay thợ săn. Anh sẽ nhìn thấy nó từ trên đỉnh kia! Đấy là những gì tôi sẽ vẽ vào mùa thu này.
Họ leo lên tới đỉnh, ở phía xa một chiếc lá dứa khô được phủ qua bởi cái ánh chiều nghiêng ngả dừng ngang tầm mắt, làm cho cánh đồng cỏ mở rộng khoảng khoát đó bất động khó chịu, đã từ từ tìm lại ánh chiếu của nó qua những thân cây. Một con đường mòn dẫn đến một khóm những cây dẻ gai cao lớn, ở dưới có một cái băng bằng đá phủ đầy rong rêu. Đi theo con đường mòn, mắt gặp phải một khoảng trời mở rộng; đi qua chiếc băng, con đuờng dẫn qua một hành lang tối tăm giữa các đỉnh cây tỏa sáng ở đằng xa, một thung lũng mọc ngay hàng thẳng lối nào cây liễu và cây còi cụt, con sông hai nhánh lóng lánh xanh rờn và ở xa tít, từng dãy đồi kéo dài bất tận.
Veraguth chỉ xuống. Tôi sẽ đến đấy vẽ ngay khi các cây dẻ gai có màu sắc. Tôi sẽ đặt Pierre ngồi trên chiếc băng dưới bóng mát đó như vậy để nhìn qua đầu nó ngó xuống thung lũng.
Burkhardt chẳng nói gì cả. Trong tâm hồn y tràn ngập lòng trắc ẩn khi y lắng nghe bạn y nói. Anh ta đã cố gắng khó nhọc biết bao để nói dối với mình, Burkhardt nghĩ ngợi với một cái mỉm cười kín đáo. Anh ta đã nói đến các chương trình và công việc như thế nào! Trước đây anh ta chẳng bao giờ làm điều đó cả. Hình như anh ta đã cẩn thận liệt kê ra những điều mà anh ta vẫn còn lấy làm thích thú, mà cái đó nó vẫn còn dung hợp giữa anh ta với đời sống. Bạn ông đã biết ông và không cố gắng để sẩn sàng hòa giải với ông. Y biết rằng điều đó không thể nào kéo dài trước khi Johann phá vỡ sự im lặng mà nó đã trở nên không chịu nổi và cởi bỏ cái gánh nặng về mọi sự của chính mình mà nó đã chồng chất hằng nhiều năm qua. Và như vậy y bước đi dọc bên cạnh ông, đợi chờ với lòng thanh thản hiện lộ ra ngoài, tuy bên trong đã lấy làm buồn rầu, ngạc nhiên sao mà một con người thượng đẳng như thế lại sẽ trở thành một đứa bé con trong nỗi bất hạnh, như thể đang tìm kiếm con đường của mình qua những bụi rậm mà tay thì đã bị trói và mắt thì đã bị bịt kín.
Khi họ trở về Rosshalde họ đã hỏi thăm Pierre thì được cho hay là em đã đi ra phố với bà Veraguth để đón cậu Albert.
Đâu Mái Nhà Xưa Đâu Mái Nhà Xưa - Hermann Hesse Đâu Mái Nhà Xưa