Số lần đọc/download: 5824 / 104
Cập nhật: 2014-11-19 09:40:34 +0700
Chương 4
- An Tiêm có công to, cần trọng thưởng. Mưu sĩ tâu:
- An Tiêm có tội, phải khép nó vào tội chết mới được. Nhà vua ngạc nhiên hỏi cớ sao. Mưu sĩ lại tâu:
- Hơn mười năm nay, An Tiêm toàn mưu đồ những chuyện phạm thượng và phản trắc. Đất lở, sóng tràn, nhưng nhờ oai đức nhà vua, đất đã bồi, sông đã lặng, cớ sao nó vẫn đặt tên là Bãi Lở, nó mong cho đất nước long lở à? Ngăn sông lở làm sao nó dám đắp lên ba ngôi núi đá. Đất nước ta mở ra trên sông Cái, có núi Tản Viên và núi Tam Đảo trấn hai hướng trời, nay nó dám đắp núi lên đọ với hướng trời, thế là nó muốn thế nào? ở kinh đô này và trên cả mười lăm bộ nước Văn Lang nhà vua cũng chưa đắp núi đá, chưa đặt bài vè tụng công đức, mà nó dám bắt dân hát kể công, nó dám đắp núi đá cao hơn cả kinh đô, thế là có ý gì? Đất phía ấy có thế chín mươi chín núi, bây giờ nó muốn thêm một ngọn núi nữa để vua tôi phải quay mặt chầu về phía ấy. Nó thật có ý hiểm đến nơi rồi. Ngày nay, ơn nhà vua, nó được về kinh dự hội, lại càng càn rỡ quá lắm. Xưa nay, không cõi nào dám để đứa con trẻ vào đứng trước mặt các quan chấm giải, chẳng những thế, nó còn dám xui trẻ lên đài, làm nhục quan lạc tướng bộ Vũ Ninh ngay trước mặt nhà vua, không còn ra thể thống nữa. Lại như hôm qua, giữa đại tiệc vua ban, nó dám nói ngông, bịa tạc, gây tao loạn trong các hàng quan. Xưa rày, đã nhiều người kể nó vẫn thường khoe rằng làm người ở đời chỉ có mình làm nên mình, không biết trên dưới có ai. Không thể còn kẻ cuồng loạn nào đến như thế nữa! Bây giờ cái thế nó đang lấn tới, được cả ba giải hội, càng ngông cuồng hơn, nếu không tức khắc ngăn chặn đi thì họa về sau không biết đâu mà lường. Chi bằng, nhân nó còn đương ở trong tay ta, như hổ lìa rừng, chim cúp cánh, xin nhà vua hãy kịp thời xử trí. Nhà vua thất kinh:
- Bây giờ ta mới nghĩ ra. Rồi bối rối:
- Làm thế nào bây giờ? Mưu sĩ tâu:
- Ngoài bể Đông có dải đất chưa ai đến bao giờ, nó xấc xược như thế thì bắt nó phải chung thân biệt xứ ra đảo hoang giữa bể để xem nó có phép biến chết thành sống, để xem nó có thân lập nổi thân như nó thường khoác lác hay không. Vả chăng, như thế cũng để dứt mối lo về sau. Nhà vua gật đầu. Thế là cả nhà An Tiêm bị bắt bỏ ngục. Mịt mù ngày đêm. Hai buổi, cai ngục mở hé khe cửa đưa cơm. Ngoài cửa nhà ngục xám ngắt mấy lớp tường đá. Mỗi ngày người tù chỉ còn biết trông lên cái khe đầu tường để đoán lờ mờ lúc ấy là lúc nào. Trong nhà ngục gồ ghề, ngồi nằm trên đá, bốn phía tường đá tảng. Phải khi trời nồm, mồ hôi đá toát nhầy nhụa, lạnh như xăm vào người. Thế mà thỉnh thoảng, trong vòm đá ẩm ướt, nghe vẳng tiếng cười khúc khích, lại có khi tiếng thút thít khóc. Mon và cái Gái đấy. Trẻ con thì cứ vui đấy, buồn đấy, như mưa như nắng. Mon hỏi bố:
- Bố ơi! Nhà ta phải ở đây mãi à? An Tiêm đáp:
- Chưa biết. Gái hỏi bố:
- Bố ơi! Nhà ta có về Bãi Lở nữa không? An Tiêm vuốt đuôi tóc con gái. Mon lại hỏi:
- Bố ơi! Không ở đây thì rồi nhà ta đi đâu. An Tiêm đáp:
- Đợi xem, con ạ. Trong bóng tối đầy hơi đá nhớp nháp. Gái nằm vào lòng mẹ, tiu nghỉu. Mon im lặng, vẻ tấm tức. Nhiều lúc, chẳng cười chẳng khóc, hai đứa cứ buồn thiu như thế. Vì không thể hiểu đầu đuôi ra sao, đương ở ngoài nhà trạm, người Bãi Lở quây quần sửa soạn trở về thì đột nhiên có lính đến gọi đi, rồi đuổi cả nhà phải chui vào hầm đá này. Cái gì không rõ thì tức không chịu được! Lát sau, An Tiêm nói:
- Các con ơi, ngồi nhích lại đây bố kể các con nghe chuyện ngày trước. Các con lớn lên chỉ trông thấy Bãi Lở đã thành làng xóm, các con không biết những ngày đầu ra Bãi Lở gian nan chẳng khác mấy hôm nay ở trong nhà đá này đâu...
Chuyện Bãi Lở ngày xưa... Những câu chuyện tung hoành ngày trước của An Tiêm được đem kể lại trong cái hầm đá bức bối, ẩm ướt. Ngoài tường, cái vui ấm giêng hai còn đương giỡn qua. Mon và Gái thấy mình ngồi ướp trong mùi thơm hoa đại. Anh em nó đoán ngoài bờ tường đá có cây đại, mùi hoa thì không biết đâu tòa ngang dãy dọc, đâu là ngục tối, mùi hoa cứ ngọt ngào đưa khắp nơi, đến cho tất cả mọi người. Một tiếng chim hót anh ánh trên khe đá. Rồi bóng chiếc lá đại hơi xô động, vờn lên tường một chút nắng nhạt. Một con chim bạc má nho nhỏ vừa nhún chân nhảy qua. Quả nhiên là mùa nảy lộc còn đương hớn hở thấp thoáng ngoài kia. Câu chuyện kỳ thú bố kể càng mê mải, chờn vờn như bông hoa lấp ló trên vách đá. Ngày ấy, sông Cái chưa hiền như bây giờ. Mùa nước đến, sông cứ réo ầm ầm, thúc lên thúc xuống từng tảng nước, tảng đất. Chỉ một thoáng mà những con nước đã hùng hục ngoạm xuống được cả một cánh bãi. Đất và nước vào trận giáp lá cà. Người cứu đất rầm rầm kéo đi vác đá ném xuống đánh nhau với nước. Có lúc nước thúc dữ, quét sạch đá, đuổi mọi người phải bạt vào núi. Nước vẫn đuổi theo ùa lên, ngập tràn lan. Nhưng con người càng tỏ ra kiên gan. Nước không thể dâng mãi. Đến một lúc nước cũng phải mỏi, nước rút xuống, thế là người lại lũ lượt hò nhau vác đá xô ra, ném xuống chặn sông. Cứ thế, dằng dai năm này sang năm khác, giữ từng sải đất, phải, từng sải đất, mới nên được cái Bãi Lở trù phú bên sông ngày nay. Mon nằm gối lên đầu gối bố. Câu chuyện hay đã xua không cho cơn buồn ngủ đậu xuống. Đôi mắt cứ thao láo. Gái thì thao thức hỏi mẹ: nếu ngày ấy con mà được đi ném đá chặn nước lũ thì hòn đá con vác có to bằng tảng đá vách hầm này không? An Tiêm nói:
- Các con ạ, khổ thế nhưng vẫn sống. Bởi vì con người có lá gan. Mon định hỏi, lại thôi. Cho đến lúc đi ngủ, Mon mới hỏi câu ấy:
- Làm thế nào bố có được cái gan? An Tiêm nói:
- Con ạ, bố sẽ kể chuyện bố ngày xưa cho các con nghe. Lại đến những đêm nghe bố kể chuyện thuở bé của bố. Tiếng trống đồng ập ình xa xa. Đến lúc đã buồn ngủ díp hai mắt lại mà còn nghe tiếng trống và tiếng sóng trong câu chuyện trào lên....
Cho đến bây giờ, khi nhớ lại thuở ấy, bên tai An Tiêm cũng còn vang tiếng nước vỗ. Mới sinh ra, An Tiêm ở bờ biển. Những đợt sóng cao lù lù từ ngoài khơi chạy vào, vừa chạy vừa gào, ập xuống, muốn lôi ngay thằng bé ra khơi. Nhưng thằng bé vẫn bám được vào đất. Thằng bé vẫn lang thang sống trên dọc biển Đông. An Tiêm lớn lên, cha mẹ mất từ lúc ẵm ngửa, không biết mình là ai. Những chòm xóm ven biển đã chuyền tay nhau nuôi thằng bé. Mới đầu thì ai cũng có lòng thương. Nhưng sau vì mỗi người đều phải đêm ngày mải miết đi đâm cá, đi gõ hà, gõ ngao kiếm miếng ăn, thế là thằng bé cứ bò đi vơ vẩn, người phải đổi tay nuôi, người này vứt cho người khác. Có người không muốn nuôi, đem bỏ nó ra bãi cho sóng liếm đi. Có người thương, lại ra ẵm về. Bồng bềnh giữa cái sống cái chết như thế, thằng bé trải gian truân từng ngày, vừa lớn lên, vừa lưu lạc, đi nhiều quá đến nỗi trí nhớ mỏng manh của nó không còn nhớ được hôm qua, năm qua ở đâu nữa. Quãng mười tuổi, trạc như Mon, như Gỵi - như tuổi các con bây giờ, bằng tuổi ấy, bé An Tiêm đã dày dạn lắm, khắp mình đã trổ chàm vằn vèo, xám xịt, để hằng ngày xuống mò cái ăn dưới nước thì cá mập, cá trình khó nhìn thấy mà đuổi bắt ăn thịt. Có một lần, bé An Tiêm cắp xĩa ra biển đâm cá. An Tiêm bơi một hơi ra ngoài khơi, rồi lặn xuống. Muốn được cá to phải tìm chỗ nước sâu. Dưới nước, mở mắt tìm cá trong ánh sáng vàng chóe. Một đàn cá mập ngửi thấy hơi người, xộc đến. Những cái miệng cá mập hoác ra bằng cái chiêng, đỏ như máu, răng xít lủa tủa nhọn hoắt, có thể cắn đôi, có thể nuốt chửng người. An Tiêm quẫy như con cá măng bé nhỏ, giữa cơn gầm gào của đàn sói nước. Bình tĩnh, An Tiêm vừa bơi lùi, vừa giơ xĩa lên chống đỡ. Một cái miệng cá mập đỏ lừ ngoạp tới, chĩa răng, bị luôn một xĩa. Con cá nghiêng người, nhảo ra. Mấy cái mồm máu khác nhâu nhâu đến. Vừa đâm con này trước mặt, con khác đã xông đến đớp đằng chân. An Tiêm thoắt co chân, quay xĩa lại, đâm suốt... Cứ vùng vẫy tơi bời thế, dần dần, An Tiêm lùi vào được chỗ cạn. Đuổi theo mùi máu, bọn cá mập lồi mắt tròn xoe, càng say máu. Nhưng đã vào tới nơi nước nông nổi gờ lưng lên rồi, đàn cá mập không dám theo nữa, cứ đánh sóng ầm ầm té nước lên.
An Tiêm lóp ngóp bò vào bờ. Bị những cái đuôi cá mập tát vào, bấy giờ An Tiêm mới nhìn thấy khắp người bật máu, chảy ròng ròng, đỏ xám. Nhưng tay vẫn cầm cái xĩa. An Tiêm lớn lên giữa những hiểm nghèo ấy. Trong cái chết mà không chết, thì cái sống phải mạnh. Mon và Gái cứ nín hơi, nhịn thở, dán mắt lên nhìn bố, lòng đầy kính trọng, khâm phục. Bây giờ thì quên hẳn mình đương ngồi trong nhà đá. Hai đứa trẻ thả mình vào những tưởng tượng mênh mông tuổi thơ của bố đương kể, có cá mập, có xĩa mũi đồng sắc như nước, có đêm trăng ngủ trên tảng đá mát rợi, có bóng sao như những cái hoa đèn rơi xuống chân trời, có miếng cá tươi ngọt thơm, có bước chân len lỏi đi trên bờ cát mãi đến tận cuối trời. Hết ngày sang đêm, bố vẫn kể chuyện. Tiếng con chim mê ngủ bỗng hót trên vách đá đọng lại trong ánh trăng. Rồi một con chim gáy nào, tưởng trời sáng, tiếng cúc cu của nó vui hẳn lên. Đến một ngày kia, vua cha xuống bộ Ninh Hải mở hội thi cày. Nhà vua cũng cày thi với dân các cõi mới đến đấy phá đất. An Tiêm chỉ đứng cao ngang ngực người lớn, đã đến hội. Chẳng những thế, An Tiêm cày vừa nhanh vừa chắc, được nhà vua thưởng lụa, cho đứng ngang hàng những người cày giỏi. Sau đó, nhà vua gọi An Tiêm đến, rồi cho theo về kinh đô.... Chợt nghe gà nhà ai le te gáy sang canh ngoài đầu tường đá, Mon hỏi bố:
- Về kinh đô rồi sao nữa, hả bố?
- Vài năm sau, đi đắp núi trị thủy ở Bãi Lở.
- à đi đánh nhau với trâu thần ở sông Cái...
- Bố chỉ ở bể Đông đến năm ấy nhưng nghĩa câu chuyện gian truân ấy thì còn dài suốt đời, các con ạ. Cái nghĩa làm người, có chí thì nên. Gái ngẫm nghĩ, buông một câu không đầu đuôi:
- Bây giờ, bố ạ. An Tiêm cười, quen tay xoa mớ tóc đuôi bò nhỏ mướt, lưa thưa trên đầu con gái. An Tiêm nói như ăn ý với câu nói đứt quãng của con gái:
- Phải, như bây giờ. Trong bốn bức tường đá, mà không buồn, vẫn có tiếng cười, các con vẫn cười. Tường đá có dày mấy cũng không giữ nổi chân con người đâu. Gái bảo mẹ:
- Thế thì mẹ đừng buồn, mẹ ạ. Nàng Hoa cũng phải cười:
- Mới thật bố nào con ấy! Mon nói:
- Bây giờ đến lượt mẹ kể chuyện! Nàng Hoa lại kể chuyện cổ tích trầu cau cho các con nghe. Chuyện kể đến chỗ người em hóa hòn đá, người anh hóa cây cau, vợ người anh thành dây trầu không leo cây cau, thì Mon và Gái đều bùi ngùi thương. Gái rơm rớm nước mắt. Cũng từ lúc ấy, cảm thấy anh em càng quý mến nhau hơn.
Tảng sáng hôm ấy, nghe ngoài tường có tiếng ầm ầm, rồi tiếng kêu khóc râm ran lúc xa lúc gần. An Tiêm đứng dậy, áp tai ra phía khe hở. Cũng không hiểu chuyện gì đương xảy ra ngoài kia. Khi đó, ngoài các phường dân càng ngày càng xôn xao từ lúc loang cái tin cả nhà ông An Tiêm bị bắt bỏ ngục. Người thật thà như đếm cũng phải nghĩ ra đây là thủ đoạn của bọn độc ác, mà thế nào cũng có bàn tay quan lạc tướng bộ Vũ Ninh và bộ Hoài Hoan, hai ông quan này còn đương cay đắng vì nỗi mất mặt trong chuyện giật giải vừa rồi. Chẳng bao lâu, tiếng đồn cả nhà An Tiêm bị bỏ ngục đã dậy khắp. Lại thêm, những người Bãi Lở tự dưng mất chủ, hàng trăm người ngày nào cũng lang thang đi nghe ngóng. Họ đi ngơ ngác, tiu nghỉu như người có tội, như gà con lạc mẹ. Càng làm cho cả trong thành ngoài nội động lòng thương và thêm tức những kẻ hại người. Cơn giận của mọi người mỗi lúc một tăng. Câu chuyện kín không còn ai ghé tai thì thào và không chờ đợi được nữa. Những tiếng ồn ào đôi lúc vẳng vào tận khe đá chính là tiếng hò hét, kêu khóc của người kinh đô căm uất vì nỗi oan của An Tiêm. Tưởng như nếu cứ cả hàng nghìn người tụ lại thì chắc không thể mũi mác hay tường đá nào cản nổi. Bọn mưu sĩ bàn nhau:
- Hay là...
- Tâu nhà vua cho đày ngay nó đi.
- Phải.
- Cứ phao tin ngày ấy... ngày ấy... nhà vua cho quan lạc tướng An Tiêm đi nhậm chức ở Cửu Chân.
-...