To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: Herman Wouk
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1585 / 26
Cập nhật: 2015-09-18 09:02:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: May Wynn
rong mấy năm đầu cuộc chiến, Willie thong thả rong chơi, không cần phải vào tỵ nạn với Hải quân vì số gọi quân dịch của Willie là một trong những số cao nhất nước 1.
Trong nhà cũng có lúc bàn tới việc Willie trở lại Princeton sau khi ra trường để theo chương trình cao học về văn chương, bước đầu vào ngành giáo dục. thế nhưng vào tháng Chín ở Rhode Island với ông bà nội về, sau một mùa hè đầy tennis và trai gái, anh chàng kiếm được việc làm ở một quán nhạc trong bar rượu một khách sạn nhỏ ở New York, chơi đàn dương cầm và hát mấy bài hát ngắn anh sáng tác. Đồng bạc đầu tiên kiếm ra được bằng sức lao động có mãnh lực quyết định trong việc chọn ngành của mình, Willie quyết định chọn ngành nghệ thuật. lương anh không bao nhiêu. Thật ra đó là lương tối thiểu trả cho một người đánh dương cầm dho Nghiệp đoàn nhạc sĩ định ra. Willie chẳng thèm để ý, miễn là mẹ anh tiếp tục giúi cho anh những tờ năm chục. Người chủ, một người gốc Hy Lạp, nước da ngăm đen, da mặt nhăn nheo vạch ra cho anh thấy rằng, anh làm ở đây anh sẽ thâu thập được kinh nghiệm chuyên môn.
Các bài hát của anh thuộc loại được coi là duyên dáng, chứ chưa được là sâu sắc hay du dương êm ái. Bài hát chính của anh, chỉ từ khi có đông khách, là bản If You Knew What the Gru Knew, so sánh cách làm tình của loài người và loài vật. những bài khác dựa nhiều vào các vần điệu như "plastered" và "bastard", và "Ywitches" và "bitches" - nhưng thay vì dùng những lời không mấy văn hoa đó, thì anh nhìn khán giả, cười cười rồi dùng những tiếng vô hại nhưng chẳng ăn nhập âm điệu gì hết. cách này thường gây cho khán giả trong quầy rượu la rộ lên vui vẻ. kiểu hớt tóc Princeton gọn ghẽ, trang phục đắt tiền, cái vẻ mặt nontrẻ khả ái của Willie bù đắp cho tài năng non nớt của anh. thường thường khi trình diễn anh mặc quần áo màu hơi nâu, áo vét màu xanh nhạt, giày kiểu Anh, vớ đồng màu với áo vét, sơ mi trắng, cà vạt thắt theo thời thượng. Coi như việc giải trí khách hàng chỉ là có tính chất màu mè mà thôi thì ông chủ người Hy lạp này thực là được hời khi mướn Willie.
Mấy tháng sau, ông chủ một hộp đêm tồi tàn ở đường 52, gọi là Hội Quán Tahiti, coi mấy màn trình diễn của Willie rồi mua anh ra khỏi tiệm ông Hy Lạp bằng cách tăng cho anh 10 đồng mỗi tuần. việc thay đổi này thực hiện trong một buổi gặp gỡ phỏng vấn vào buổi chiều ở quán Tahiti, trong hầm rượu ẩm thấp chất đầy những cây dừa làm bằng giấy bồi, trái dừa khô bám bụi, và những chiếc ghế lật ngược đặt lên bàn. ngày hôm đó là ngày mùng 7 tháng 12 năm 1941.
Willie ra về trên đường đầy nắng ấm, đầy hứng chí và kiêu hãnh. Anh chàng bây giờ đã được trên mức tối thiểu của nghiệp đoàn rồi còn gì. chàng ta có cảm giác như mình đã vượt hơn Cole Peeter và sắp đẩy Noel Coward vào dĩ vãng. Với những bảng hiệu loè loẹt cũ kỹ của các hộp đêm đầy hình ảnh phóng lớn của những tên vô danh như anh, đường phố này bỗng trở nên hoa lê.. Anh dừng lại ở một quầy bán báo. Một tựa thật lớn tại trang đầu đập vào mắt anh: Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Anh chẳng biết Trân Châu Cảng ở đâu, một ý nghĩ thoáng qua, anh nghĩ Trân Châu Cảng đâu khoảng gần kênh đào Panama bên phía Thái Bình Dương nhưng cái đó đâu có quan trọng bằng việc anh bắt đầu hợp tác với Hội quán Tahiti đâu. Cái số thẻ quân dịch thật cao vào thời buổi này thực sự giúp mình thật rất yên tâm về chiến tranh.
Sự kiện ngôi sao Willie đang nổi lên trong ngành nghệ thuật được thông báo cho cả nhà vào ngay buổi tối hôm đó đã chấm dứt mộng bà mẹ đang vận động Willie trở lại ngành văn học đối chiếu. cuộc vận động của bà mẹ vốn cũng đã không mấy triển vọng. Dĩ nhiên mọi người cũng bàn tới chuyện Willie phải nhập ngũ. Trên chuyến xe lửa về nhà ở Manhassett, anh nghe những cuộc tranh luận của hành khách đang sôi nổi về chiến tranh làm cho lương tâm đang yên ổn của anh bị náo động lên một chút. Vào cuối bữa ăn, Willie mang vấn đề ra:
- Việc con phải làm là...- Willie nói trong khi bà mẹ xúc cho anh ly kem Barvarian thứ hai - là liệng bỏ dương cầm và luôn cả văn học đối chiếu cũng thế, rồi gia nhập Hải quân. Con chắc con có thể tốt nghiệp sĩ quan được.
Bà Keith liếc qua chồng. Người bác sĩ hiền lành có khuôn mặt giống hệt Willie, ngậm chặt điếu xì gà trong miệng để có cớ giữ im lặng.
- đừng có điên chứ, Willie.
Lượng tính trong chớp nhoáng, bà bỏ ngay cái mộng huy hoàng, Giáo sư tiến sĩ Willie Seward Keith, bà nói:
- đúng lúc này sự nghiệp nghệ thuật của con đang lên mà. Dĩ nhiên mẹ đã lầm. nếu con được lên lương nhanh chóng như thế thì chắc hẳn là con phải có năng khiếu. mẹ muốn con tận dụng tài năng thiên phú của con. Bây giờ thực sự mẹ nghĩ con sẽ trở thành một Noel Coward thứ hai.
- Phải có người đi đánh giặc chứ mẹ.
- Cưng ơi, đừng có làm khôn hơn cả Quân đội. khi họ cần con, họ sẽ gọi ngay mà.
Willie nói:
- Bố nghĩ sao hả bố?
Người bác sĩ mập mạp đưa tay vuốt qua mấy lọn tóc còn sót lại trên mái tóc đen của ông. Ông lấy điếu xì gà ra khỏi miệng, và nói ngọt ngào, nhẹ nhàng:
- Willie à, bố chắc mẹ con sẽ rất buồn nếu con phải xa nhà.
Thế là Willie tiếp tục ca hát và chơi đàn tại Hội quán Tahiti từ tháng chạp 1941 đến tháng tư 1942, trong khi Nhật Bản chiếm đóng Phi Luật Tân, và thiết giáp hạm Prince of Wales và Repulse bị đánh đắm và những lò thiêu của đức quốc xã hoạt động tối đa tiêu thụ đàn ông, đàn bà và con nít mỗi ngày tới số hàng ngàn.
Vào mùa xuân, hai biến cố to lớn trong đời Willie đã xảy đến: anh chàng vướng vào tình yêu và anh được lệnh gọi nhập ngũ.
Anh chàng đã quen được hưởng thụ tình yêu thông thường của một sinh viên bằng cách tung tiền. anh tán tỉnh các cô gái cùng tầng lớp, và đẩy xa hơn với các cô thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn. Có đến ba hay bốn lần, anhchàng đã tính lao mình vào đam mê tình ái, nhưng việc May Wynn xâm chiếm đời sống anh chàng có một tầm vóc hoàn toàn khác biệt.
Anh tới Hội quán Tahiti vào một ngày mưa phùn lầy lội để đệm dương cầm giúp tuyển lựa ca sĩ cho những màn trình diễn mới trong Hội quán. Giờ nào, thời tiết nào thì Hội quán Tahiti cũng có vẻ ảm đạm thê lương, nhất là vào buổi chiều. tia nắng xám chui vào qua cửa chính, làm lộ ra những đốm tróc đến lớp trong của những rèm nhung đỏ bẩn thỉu treo trong hành lang, những vết tròn đen kẹo cao su dính cứng vào thảm xanh, và những chỗ sơn vàng giộp lên ở trên cửa và đến cả khung nữa. bức tranh tường vẽ những cô gái khoả thân ở Biển Nam mang những vết bẩn kỳ dị vì nước uống văng lên, nền xám đen do khói thuốc tích tụ lâu năm, và biết bao nhiêu lớp ghét bụi. Willie quý mến nơi này vì chính những thứ như thế. Cái vẻ tồi tàn như thế đó, cái mốt như thế đó với cái hôi của khói thuốc, của rượu mạnh, mùi nước hoa rẻ tiền, nhưng đây chính là giang sơn của anh, nơi đây anh trổ tài thao lược và biểu dương quyền lực.
Hai cô gái đang ngồi gần cái đàn cuối căn phòng giá lạnh. Ông chủ mập mạp, mặt trắng bệch với đôi hàm vuông, da nhăn sâu hõm, nghiêng người trên cây đàn, nhai điếu xì gà cháy dở, lật lật qua mấy xấp nhạc.
- Rồi, Princeton đây rồi. Mình bắt đầu là vừa.
Willie tụt đôi giày cao su sũng nước liệng xuống cạnh cây đàn, vội bỏ bao tay nâu da thỏ, vẫn mặc áo khoác và ngồi trên ghế đẩu quan sát hai cô gái với cặp mắt của một tên lái ngựa trong một thanh niên hai mươi hai tuổi. cô tóc vàng đứng dậy trao cho anh bản nhạc của cô:
- Anh có thể nhìn qua là đổi tông được không? Nó ở tông sol nhưng em muốn hát ở tông mi thứ - cô nói.
Cái giọng mũi sặc mùi Broadway của cô, Willie biết ngay bộ mặt xinh đẹp đó chỉ là một cái mặt nạ rỗng tuyếch, một trong hàng trăm cái mặt nạ lềnh bềnh trôi nổi quanh vùng đường thứ 52.
- Mi thứ à? Có liền.
Mắt anh tảh qua cô gái thứ hai, một cô bé nhỏ nhắn không có gì đặc biệt trong cái mũ đen lớn che kín cả tóc, anh nghĩ, tối nay chả làm nên trò trống gì cả.
Cô gái tóc vàng nói:
- Hy vọng cái bệnh cảm đừng có giết em. Cho em xin đoạn giáo đầu đi.
Cô cày qua bản Nights and Days với một giọng chắc nịch, ngoài ra thì không hoa hoè gì thêm. Ông Dennis, người chủ quán, cám ơn cô và bảo sẽ liên lạc qua điện thoại với cô. Cô gái nhỏ người bỏ chiếc mũ ra, rồi bước lại. cô đặt một tập nhạc dầy cộm lên giá nhạc trước mặt Willie.
- Anh chịu khó coi qua bản này. Có phần hơi rắc rối một chút.
Rồi cô cất tiếng nói với ông chủ:
- Tôi mặc áo choàng ngoài được không?
- Tuỳ cô, trước khi vê cho tôi coi qua vóc dáng của cô là đủ rồi.
- Vậy thôi big đi cho tiện - cô gái mở vạt áo mưa và xoay hẳn người lại.
- Xinh lắm - ông Dennis nói - cô cũng hát được chứ?
Willie đang mải coi nốt nhạc, hụt quang cảnh đó dù anh có quay lại nhìn. Vạt áo che lại. cô bé nhìn anh nở một nụ cười nhẹ tinh quái. Cô giữ hai tay trong túi áo.
- Có cần thêm ý kiến của ông không, ông Keith? - cô làm bộ như sắp mở vạt áo.
Willie nhăn mũi. Anh chỉ tay vào tập nhạc:
- Khác thường đó.
- Em tốn hết một trăm bạc đó - cô gái nói - Anh sẵn sàng chưa?
Bản nhạc soạn lại cho cô gái mang tham vọng không kém gì bản tình ca của Cherobino từ bản The Marriage of Figaro với lời Ý. Tới nửa chừng, bản nhạc chuyển thành một lời nhái bằng tiếng Anh vụng về. tới cuối, bản nhạc trở lại với nhạc Mozart và lời của Da Ponte.
- Cô còn bản nào khác không?
Willie hỏi. anh nhận ra cô bé có cặp mắt nâu tinh anh lạ lùng và một mái tóc màu hạt dẻ xinh đẹp cuốn gọn trên đầu. anh tiếc là lúc nãy không thấy được vóc dáng của cô. Cái này hơi lạ, vì Willie luôn dửng dưng với các cô nhỏ người và không thích tóc màu nâu. Việc này khi anh học năm thứ hai, qua lý thuyết của Freud về cơ cấu áp chế theo phức cảm Oedipus, anh đã giải thích được rành rẽ lý do tại sao.
- Sao vậy, anh chơi được mà.
- Tôi nghĩ - Willie nói với giọng thì thầm như người nhắc tuồng trên sân khấu - ông ấy không thích lắm đâu. Trình độ cao quá.
- Thôi kệ nó, một lần thôi, cho chàng Princeton yêu quý thôi mà. Thử đi hở?
Willie bắt đầu đàn. Nhạc Mozart là một trong số ít việc trên đời này có ảnh hưởng sâu đậm đến Willie. Anh thuộc lòng đoạn nhạc cho người đơn ca. khi anh bắt đầu những nốt nhạc đầu tiên trên phím đàn ngả màu, xốc xếch, loang lổ với những vết thuốc lá cháy xạm thì cô gái nghiêng người trên mặt đàn, chống một tay trên nắp đàn, bàn tay hơi nắm lại, hững hờ gần sát mắt anh. Bàn tay nhỏ nhắn, nhưng thon nhỏ, cứng cáp. Vết sần sùi quanh những ngón tay chứng tỏ cô phải rửa chén bát thường xuyên.
Cô có vẻ như chỉ hát cho vui bạn bè, chứ chẳng phải để lo kiếm việc làm ăn. Willie với nhiều năm được tập luyện nghe nhạc opera, biết ngay giọng của nàng chẳng phải là một giọng hát có triển vọng lớn, cũng chẳng phải là một giọng hát nhà nghề. Chỉ có thể là một tiếng hát của một người lanh lợi vui vẻ, có lòng yêu thích âm nhạc và một giọng hát ngọt ngào. Và đó là một giọng hát quyến rũ không thể có được trong những nhà trình diễn lớn và thêm cái tươi mát ríu rít của bài hát cũng giúp cho giọng hát thêm được một chút giá trị.
Bài hát du dương tràn ngập căn hầm ảm đạm một tia sáng vui mới. cô tóc vàng đang đi ra cửa, ngừng bước nghe. Willie nhìn lên cô tóc nâu bây giờ đang chờ nhạc, mỉm cười và gật đầu ra hiệu vừa tiếp tục đánh đàn. Cô nàng cười trả lễ, làm điệu như búng một dây đàn tưởng tượng theo nhịp đệm Susana. Hành động đầy vẻ trào phúng nhẹ nhàng và thanh lịch. cô gái tóc nâu hát lời ca tiếng Ý rất đúng giọng, dường như hiểu hết ý nghĩa của lời ca.
- Cẩn thận chỗ chuyển âm vực đây nghe.
Cô nói nhanh với Willie, vào lúc lời ca ngừng. Cô thò tay rất nhanh và lật sang trang bên, chỉ vào chỗ bản nhạc. Willie đánh vào khúc jazz. Người ca sĩ đứng ra xa đàn, giang tay theo dáng điệu cổ điển của các ca sĩ phòng trà, cố gắng cao giọng cho nốt nhạc cuối, quay mông, nheo mũi, bắt chước theo giọng miền Nam, miệng cười tươi, hất đầu về phía sau mỗi khi đến nốt nhạc cao, rồi xoay cổ tay giơ lên cao. Sức hấp dẫn của cô bỗng chốc tan biến mất hết.
Phần jazz chấm dứt. bài nhạc bây giờ trở lại phần Mozart, thì cô gái cũng trở lại thoải mái tự nhiên hơn. Willie nghĩ, không có gì dễ chịu hơn là thấy cô nàng hững hờ tựa vào mặt đàn, hai tay đút sâu trong túi áo, ngân giọng hát những nốt nhạc cuối cùng. Chàng đánh những nốt nhạc vọng sau cùng, hơi hơi tiếc.
- Em có mang theo mấy nhạc thường của em không đó.. - ông chủ hỏi.
- Em có bản Sweet Sue, Talk of the Town...Em chỉ mang mấy bản đó thôi, nhưng em cũng biết nhiều bản khác.
- Vậy ngon lành rồi. chờ đây chút nghe. Willie, vào trong này nói chuyện một chút hở?
Phòng của ông chủ là một phòng ngăn sơn màu xanh để làm việc ở phía sau của hầm rượu. Trên vách dán đầy hình ảnh các tài tử và ca sĩ. Chỉ có độc một ngọn đèn điện treo lủng lẳng trên trần. Ông Dennis không muốn tốn tiền trang hoàng những chỗ khách hàng không ngó tới.
- Anh thấy sao? - ông nói, châm mồi cho điếu xì gà đã tắt.
- Cái cô tóc vàng không hấp dẫn lắm.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Còn cô tóc nâu thì sao?
- Mà cô ta tên gì vậy?
- May Wynn - ông chủ nói, nheo mắt về phía Willie vì bây giờ đầu điếu xì gà cháy cách mắt ông chỉ một khúc.
Đôi khi có một cái tên nói lên làm rúng động con tim mình, giống như một tiếng vang dội trong một phòng lớn trống rỗng. Cũng có khi cảm giác nói lên cái ảo tưởng mê muội. dù gì chăng nữa, thì Willie cũng thấy rúng động khi nghe cái tên đó, "May Wynn". Anh chàng lặng yên.
- Sao? Anh thấy cô bé ra sao?
- Vóc dáng cô ta ra sao?
Ông Dennis bị sặc khói thuốc, dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn.
- Giá một con cá cơm mà đòi hỏi gì nhiều. Tôi hỏi anh về giọng hát của cô ta thôi.
- Tôi vốn thích Mozart - Willie nói mơ hồ - nhưng....
- Cô ta thuộc loại rẻ tiền - ông Dennis trầm ngâm nói.
- Rẻ tiền? - Willie thấy bị xúc phạm.
- Là tiền lương, Princeton. Trả rẻ hơn nữa thì thế nào cũng bị người ta biểu tình đầy đường. Tôi cũng không biết. Có thể cái màn Mozart sẽ mạng lại một cái gì mới mẻ - sang, đặc biệt, thu hút - Cũng có thể là một thứ không đúng chỗ như một trái bom nặng mùi... Thôi để coi cô ta trình diễn mấy bài bình dân khác xem sao.
May Wynn hát bài Sweet Sue khá hơn là nhạc jazz bởi vì bài hát không đặt nặng trong khung cảnh của Mozart. Ít động tác mông, giang tay hay là cái giọng nhờ nhợ miền nam.
- Ai là người đại diện của em?
- Marty Martin - May Wynn nói, giọng hơi hụt hẫng.
- Em có thể bắt đầu thứ hai đi làm không?
- Thứ hai? - cô gái sững sờ.
- Vậy được rồi, Princeton, dẫn cô bé coi quanh một vòng giùm nghe.
Nói xong, ông Dennis biến mất vào phòng làm việc. Willie và May Wynn một mình trong đám cây dừa và dương xỉ giả.
- Chúc mừng em - Willie nói và chìa tay. Cô gái bắt tay nhẹ, ấm áp và cứng cáp.
- Cám ơn anh. không biết làm sao mà em được nhận làm. Em quả thực là đã giết Mozart chết mấy lần.
Willie bỏ chân vào bốt cao su.
- Em đi ăn ở đâu?
- đi ăn hả? Em phải về nhà, ăn cơm tối ở nhà. anh không tính đưa em đi coi mọi chỗ hả?
- Có cái gì mà đưa em đi coi nhỉ? Phòng thay đồ của em là có màn xanh đối diện với phòng vệ sinh. Đó là một cái lỗ nhỏ, không có cửa sổ, không có bồn rửa mặt. Mình trình diễn vào lúc 10 giờ, 12 giờ và 2 giờ. em cần có mặt khoảng 8 giờ rưỡi. Chỉ thế thôi - Willie đứng dậy - Em có muốn ăn pizza không?
- Tại sao anh muốn đưa em đi ăn? Anh đâu cần phải làm như vậy.
- Tại vì - Willie nói - giờ này tôi không biết dùng đời tôi vào việc gì cả.
Mắt May Wynn mở lớn ngạc nhiên, pha lẫn với lo âu trong một trò chơi có phần mạo hiểm. willie nắm chắc khuỷu tay nàng:
- đi nào.
- Em phải gọi điện thoại đã - cô gái nói, để mặc Willie dìu nàng ra cửa.
Luigi's là một tiệm ăn nhỏ nhắn, sáng sủa, với những bàn ăn ngăn riêng rẽ ấm cúng. Sự ấm áp và mùi thức ăn thơm tâm hồn là một thay đổi dễ chịu khỏi cái cảnh mưa lạnh lẽo bên ngoài. May Wynn giữ nguyên áo lạnh ướt sũng ngồi trong cái bàn ăn riêng sát ngay bếp lửa hừng hực. Willie nhìn nàng:
- Trời đất quỷ thần ơi, làm ơn cởi giùm cái áo lạnh ra đi chớ.
- Không. Em lạnh.
- Nói láo. Đây là một tiệm ăn nóng nhất, ngột ngạt nhất thành phố New York.
May Wynn đứng dậy, ngần ngại gần giống như bị người ta lột trần.
- Em bắt đầu nghĩ rằng anh là một tên rất là dớ dẩn... - và nàng đỏ mặt la lên - đừng có nhìn em như vậy chớ...
Willie trông giống như con nai bị chói đèn..với lý do rất chính đáng. May Wynn có thân hình lộng lẫy. nàng mặc bộ đồ lụa màu tím, thắt dây lưng nhỏ màu xám. Cô ngồi xuống, bối rối, cố gắng không dám cười Willie.
- Em có dáng vóc thật xinh đẹp - Willie ngồi xuống từ từ - Tôi tưởng có lẽ em là chân voi hay không có ngực chớ.
- Kinh nghiệm chua cay há. Em không muốn nhận được việc hay làm quen được bạn nhờ thân hình mình. Có những chuyện người ta mong đợi nơi mình mà mình không đáp ứng được.
- May Wynn - Willie ngẫm nghĩ nói - Tôi thích cái tên đó.
- Tôi quá. em mất bao nhiêu lâu mới nghĩ ra được cái tên đó.
- Không phải tên em sao?
- đâu có, em làm sao có được cái tên quá tốt đó - cô gái nhún vai.
- Em tên gì vậy?
- Em nói anh đừng buồn, nhưng cuộc nói chuyện này thật là kỳ dị. Anh là ai mà tọc mạch điều tra em như vậy?
- Anh xin lỗi...
- Em không ngại nói cho anh biết, nhưng thường thì em không ba hoa như vậy. Tên em là Marie Minotti.
- Ô... - Willie nhìn người hầu bàn bưng một đĩa đầy ngập spaghetti - Như vậy chỗ này là chỗ giống quê nhà em vậy hả.
- đúng như vậy.
Khám phá ra May Wynn gốc Ý, phản ứng của Willie rất phức tạp và quan trọng: vừa nhẹ nhõm, vừa dễ chịu, và vừa thất vọng. Anh vén bỏ bức màn kỳ bí về cô gái. Một ca sĩ phòng trà có khả năng ca một khúc đơn ca của Mozart mà hiểu được hết ý nghĩa, đối với Willie là dấu hiệu của một gia đình trí thức quen thuộc với tuồng hát opera, ngoại trừ người ấy gốc Ý. Lúc đó thì nó trở thành một cái thành kiến về chủng tộc hàm ý một gia đình hạ lưu và như vậy cái khả năng ấy chẳng còn giá trị gì nữa. Marie Minotti là một người Willie có thể thích ứng được. nàng an phận là một ca sĩ phòng trà tầm thường dù là một ca sĩ rất xinh đẹp. cái cảm giác rằng chàng sẽ lăn vào một cuộc phiêu lưu tình ái chỉ là ảo tưởng. Anh biết rõ rằng anh sẽ không bao giờ có thể cưới một cô người Ý làm vợ được. họ phần lớn nghèo khổ, xô bồ, tầm thường và là tín đồ đạo Chúa Catholic. Nhưng điều này không có nghĩa là những cuộc vui phải chấm dứt. ngược lại, bây giờ anh có thể vui vẻ làm bạn với cô một cách an toàn hơn vì không có chuyện gì có thể xảy tới được.
May Wynn nhìn chàng chăm chú:
- Anh đang nghĩ gì vậy?
- Những điều tốt đẹp nhất về em.
- Tên thật của anh dĩ nhiên là Willie Seward Keith, phải không?
- đúng vậy.
- Và là gia đình cổ và danh giá phải không?
- Cổ nhất và danh giá nhất..Mẹ anh là dòng Seward, thuộc về dòng Seward qua Mỹ vào thời Mayflower. Ba anh thì thuộc dòng hơi tồi, dòng họ Keith qua đây năm 1795.
- Uổng quá hở. Hụt nguyên cuộc Cách mạng.
- Một khoảng thiệt xa. Chỉ là di dân thường thôi. Ông nội anh bù vào khuyết điểm đó một chút khi cụ được bổ nhiệm vào chức Y sĩ trưởng khoa Giải phẫu bệnh viện Chase là bệnh viện lớn nhất ở miền đông Hoa Kỳ.
- Này, Princeton - cô gái nói với nụ cười nhẹ nhàng - rõ ràng là mình khó mà môn đăng hộ đối đó nghe. Nói về vụ di dân, gia đình em qua đây năm 1922. ba em có một tiệm bán trái cây ở Bronx. Mẹ em chỉ bập bẹ được vài tiếng Mỹ mà thôi.
Hai đĩa pizza bằng thiếc được mang tới nóng hổi, phủ đầy pho mát và sốt cà, và trên cái đĩa của Willie, một nửa đầy cá cơm. May Wynn cầm một miếng lên, dùng ngón tay khéo léo gập lại, cắn một miếng.
- Má em làm pizza ngon hơn thế này nhiều. thực ra, nó là pizza thuộc loại ngon nhất thế giới.
- Em có chịu lấy anh không?
- Không, mẹ anh sẽ không chịu.
- Hay lắm - Willie nói - Mình thật hiểu nhau. Như vậy anh xin phép được nói với em là anh đang mê em.
Mặt cô gái sa sầm:
- đứng đắn một chút nào.
- Anh không có ý xấu.
- Anh bao nhiêu tuổi vậy?
- Hai mươi hai. Chuyện gì vậy?
- Anh trông trẻ hơn tuổi nhiều.
- Tại cái mặt sữa của anh. Có lẽ họ phải chờ tới khi anh được bảy mươi mới cho anh được vào phòng bỏ phiếu.
- Không phải. Đó là...đó là con người của anh. Em nghĩ em thích cái vẻ đó của anh.
- Em mấy tuổi?
- Em chưa có được đi bầu.
- May, em có hứa hôn hay là có bồ, hay có gì không?
- Trời đất! - May kêu lên, ho sặc.
- Sao?
- Thôi nói chuyện sách vở xem. Anh là dân Princeton mà.
Sau đó họ vừa nói chuyện về sách vở, vừa ăn pizza và uống rượu vang. Willie bắt đầu bằng những truyện mới xuất bản và đang được kể là sách đang bán chạy nhất. may cũng biết qua. Khi trở về thế kỷ 18, 19 thì cô gái chỉ trả lời lờ mờ.
- Dickens - Willie hăng hái nói, đang cao hứng về môn văn học đối chiếu - Nếu anh có thì giờ và nghị lực, anh sẽ bỏ nguyên một đời nghiên cứu và phê bình về Dickens. Sau khi tiếng Anh trở thành từ ngữ như Latin thì chắc chỉ còn lại Dickens và Shakespeare thôi. Em có đọc cuốn nào của Dickens không?
- Em chỉ đọc có mỗi cuốn Christmas Carol thôi.
- Vậy hả.
- Coi này anh, em chỉ mới chưa quá tú tài. Khi em học xong trung học thì tiệm trái cây ế ẩm. có quần áo cho em mặc và thức ăn cho gia đình cũng là khó khăn rồi. em làm cho tiệm bán đồ vặt vãnh và xe bán nước cam. Có một vài lần em đọc Dickens. Khó nuốt trôi được, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc.
- Sau này em sẽ mê Dickens.
- Em mong như vậy. em nghĩ mình sẽ mê Dickens khi mình có mười ngàn trong nhà băng.
- Anh không có một cắc trong nhà băng.
- Mẹ anh có. Cũng vậy thôi.
Willie ngồi tựa lưng trên ghế một cách phong lưu, và châm một điếu thuốc lá. giống như bao giờ anh đang ở trong một buổi hội thảo văn học.
- Hẳn là rất đúng là trình độ yêu mến nghệ thuật tăng theo với thì giờ nhàn rỗi. nhưng điều đó không thể làm hoen ố giá trị của nghệ thuật được. như thời cổ Hy Lạp...
- Mình đi được chưa anh? Em muốn tập ngay tối nay cho buổi trình diễn của em vì bây giờ em có việc làm rồi.
Ở ngoài trời mưa nặng hạt. ánh đèn màu néon của các bảng hiệu màu xanh, đỏ chiếu vào đường nhựa đen đúa thành những vũng màu trộn lộn. may chìa bàn tay có đeo găng.
- Tạm biệt anh. Cám ơn anh đã cho ăn pizza.
- Tạm biệt sao? Anh sẽ đưa em về bằng taxi.
- Nè anh, taxi từ đây về đại lộ Honeywell phải mất ít nhất là 5 đô la đó.
- Anh còn 5 đô la mà.
- Không, cám ơn anh. Xe điện ngầm là quá tốt cho giới của em rồi.
- Vậy mình đi taxi tới trạm xe điện vậy.
- Taxi, taxi, tối ngày taxi. vậy trời cho mình hai cái cẳng để làm gì vậy? Đi với em tới đường 50th thôi.
Willie chợt nhớ tới những bản hùng ca của George Meredith về những cuộc đi bộ dưới mưa. Anh chàng vui vẻ riu ríu đi theo cô ca sĩ nhỏ nhắn. nàng khoác tay Willie. Họ đi thong thả trong im lặng, những giọt nước mưa bắn vào mặt họ và lăn xuống quần áo. Bàn tay mềm mại đặt trên cánh tay anh truyền một luồng ấm áp khắp người anh. Anh nhận xét:
- đi dưới mưa thật là ngọt ngào êm ái vô cùng.
- Nếu mình phải đi dưới mưa thì mình sẽ không nghĩ được như vậy đâu, Princeton - May liếc ngang qua chàng và nói.
- Coi kìa, đừng có nói cái giọng của cô bé bán diêm nghèo khổ mà - Willie nói - đây là chỗ hát đầu tiên của em phải không?
- đầu tiên ở New York. Em mới đi hát được bốn tháng. Làm vô số trong những quán rượu chui ở New Jersey.
- Mozart làm sao mà lọt được vào đám New Jersey?
May nhún vai:
- Chưa bao giờ thử ở đó. Ở đó thì Star Dust cũng đã là nặng ký cổ điển lắm rồi, giống như nhạc nhà thờ của Bach vậy.
- Ai viết lời tiếng Anh cho mấy bản nhạc của em vậy? em hả?
- Marty Rubin, anh quản lý của em.
- Lời dở ẹc!
- Anh viết lời hay hơn cho em đi.
- Anh sẽ viết cho em - Willie nói to đúng lúc họ băng qua đường Broadway qua dám kẹt xe taxi và xe bus, còi bóp inh ỏi - Ngay tối nay.
- Em đùa chơi thôi. Em không có tiền trả anh đâu.
- Em trả cho anh rồi. trong đời anh, anh chưa bao giờ được thưởng thức Mozart thích thú như bữa nay.
May rút bàn tay lại.
- Anh không cần phải nói những lời như vậy. Em ghét những lời nói bông lơn lắm. em chán nó tới tận cổ rồi.
- Thỉnh thoảng - Willie trả lời - độ chừng một tuần lễ, anh cũng thực thà được một lần.
May nhìn thẳng vào mặt Willie:
- Em xin lỗi.
Họ ngừng lại trước quầy báo. Người bán báo rao những tin chiến thắng tưởng tượng, giọng khàn khàn. Hàng tựa lớn của tờ báo dấu kín dưới giấy dầu. Đám đông lấn qua mặt họ.
- Cám ơn vì bữa ăn - May nói - Thứ hai sẽ gặp lại anh.
- Trước thứ hai không gặp được sao? Anh rất mong được gặp sớm hơn. Điện thoại của em số mấy?
- Em không có điện thoại.
Willie chùn lại. quả thật, May Wynn thuộc loại quá nghèo. May nói tiếp:
- Cạnh nhà có tiệm kẹo bánh. Khi nào khẩn cấp thì có thể gọi được. Chỉ có chỗ đó thôi.
- Lỡ chó chuyện khẩn cấp thì sao? Cho anh số điện thoại tiệm kẹo đi.
- để lúc khác đi - cô cười, cái vẻ lo âu trong ánh mắt cô tan đi trong khoảnh khắc vào nét đỏm đáng - Cũng không gặp anh trước thứ hai được vì phải bận cho cuộc trình diễn đó. Chào anh nghe.
- Anh sợ làm em chán ngấy nói chuyện sách vở - Willie cố gắng hâm nóng cuộc nói chuyện đang sắp tàn.
- Không đâu, em rất vui - cô ngừng một chút, chìa tay - Một buổi chiều học hỏi được rất nhiều.
May Wynn chìm mất vào đám đông trước khi tới được bậc thang xuống ga điện ngầm. Willie bước khỏi trạm xe với cảm giác kỳ lạ như đang được tái sinh. Cái mái cửa ra vào tiệm Roxy, cái cột đèn của toà nhà Radio City long lanh ánh sáng vàng chiếu sáng, ánh đèn màu của mấy bảng hiệu các tiệm ăn, tiếng máy xe rầm rầm khi phóng nhanh, tất cả bơi lội trong một vùng kỳ ảo. chàng thấy rõ thành phố New York quả thật diễm lệ và huyền bí, giống thành phố Bagdad vậy.
Vào lúc ba giờ sáng, mẹ Willie chợt mở mắt trong phòng ngủ còn tối, tỉnh giấc mơ rõ ràng sống động, tiếng nhạc như vừa coi hát ra. Bà lặng yên trong giấy lát để lắng nghe âm vang của tiếng nhạc vẫn phảng phất trong trí bà. Bà ngồi dậy, và bà nhận ra đó là tiếng nhạc thực sự, bản tình ca của Cherubino soạn, trôi nhẹ qua hành lang từ phòng Willie. Bà bước ra khỏi giường, khoác lên chiếc áo kimono lụa.
- Willie, giờ này còn nghe nhạc sao cưng?
Willie đang đóng bộ sơ mi cụt tay, ngồi cạnh máy hát, tay cầm bút chì và một xấp giấy. anh nhìn lên mẹ, thấy có lỗi, và tắt máy ngay lập tức.
- Con xin lỗi, không ngờ tiếng lớn quá.
- đang làm gì vậy con?
- Con đang tính thuổng một khúc nhạc của Mozart cho một màn trình diễn mới ở tiệm.
- Thằng này hư quá - bà quan sát con và nhận ra vẻ say mê chính là dấu hiệu của nghệ sĩ trong cơn sốt sáng tác - Tường thường con về tới nhà là lăn vào ngủ rồi.
- Chợt con có ý thoáng qua trong đầu. thôi, con cũng mệt rồi. Nhạc này sáng mai con làm cũng còn kịp.
- Con có muốn lấy một ly sữa không? Maritna có làm bánh chocolat ngon lắm đó.
- Con đã ăn một miếng lớn rồi. xin lỗi đã làm mẹ thức giấc. Chúc mẹ ngủ ngon.
- Nhạc khúc đó dễ thương quá, ăn cắp cũng có lý đó - bà nói và nhận nụ hôn trên má.
- Dạ, mẹ nói đúng, khúc nhạc đó thật dễ thương - Willie tiễn bà ra cửa phòng và đóng cửa lại.
Việc làm của May Wynn ở quán Tahiti được ba tuần thì hết. Màn ca nhạc Mozart được hoan nghênh. Nàng trình diễn mỗi ngày một khá hơn, giản dị hơn, cách diễn tả trong sáng hơn, và ít những cử chỉ chân tay thừa thãi. Người quản lý cũng là ông bầu của nàng, Marty Rubin, tới tiệm dăm lần một tuần để coi cô trình diễn. Sau buổi trình diễn của cô, Marty thường hỏi chuyện với cô hàng tiếng đồng hồ, có khi ở trong phòng thay đồ, hay cũng có khi ở bàn khách. Anh ta người mập mạp, mặt mũi tròn trịa, khoảng ba mươi lăm tuổi, tóc màu trắng nhạt, đeo một cặp kínhkg có gọng, dày cộm. cái áo kiểu vai thật dài và quần rộng thùng thình thì đúng là mua ở Broadway, nhưng màu thì là màu xám hay nâu nhợt. Willie nói chuyện bình thường với anh ta. Willie biết chắc anh ta là người gốc Do Thái, nhưng không để ý tới đặc điểm đó của Marty. Willie thích người Do Thái trong cộng đồng Do Thái vhì họ rất niềm nở, nồng hậu, óc khôi hài tinh tế và rất khôn. Dù vậy, nhà Willie ở trong khu phố người Do Thái không đủ sức mua tới.
Ngoại trừ những buổi tiếp xúc với Marty, Willie chiếm trọn thời gian giữa các màn trình diễn của May. Thường họ ngồi trong phòng thay đồ, hút thuốc và nói chuyện. Willie, nhà bác học thông thái, May nửa phần kính phục, nửa phần trào lộng của một người học ít. Sau mấy đêm như vậy, Willie dụ được nàng cho gặp ban ngày. Willie dẫn nàng tới bảo tàng viện Nghệ thuật Mới, nhưng cô nàng không hứng thú lắm. cô rùng mình nhìn kiệt tác của Dali, Chagall, và Tselitchew và bật cười. bảo tàng viện Trung tâm thì khá hơn, May thấy thoải mái ngắm nghía các tác phẩm của Renoir và El Greco. Cô xin Willie đưa cô trở lại. Anh chàng là một hướng dẫn viên giỏi.
- Trời đất! - có lần cô kêu lên thán phục khi Willie giải thích sơ lược cho cô về sự nghiệp của Whistler - anh học tất cả mấy thứ đó trong bốn năm đại học thôi đó hả?
- Không hẳn đâu. Mẹ anh đưa anh đi coi các viện bảo tàng từ năm anh 7 tuổi lận. Bà là hội viên ở đấy.
- Ô, ra là vậy - May Wynn có phần thất vọng.
Không bao lâu Willie đã kiếm được số điện thoại của tiệm kẹo, và họ tiếp tục nói chuyện với nhau sau khi May hết làm ở hội qúan. Lúc đó là tháng tư. Giao tình của hai người bây giờ gồm thêm những buổi đi dạo thật lâu trong công viên cỏ xanh, hoa nở ngập đường, những buổi ăn tối trong những nhà hàng sang trọng, những nụ hôn trên taxi, và những món quà mang đầy tình cảm như con mèo bằng ngà, con gấu đen lông xù, và vô số hoa tươi. Wilie cũng có sáng tác một số bài thơ trữ tình ngắn, chẳng hay gì, nhưng May ôm về nhà đọc đi đọc lại, nhỏ vài giọt lệ nóng hổi. chưa bao giờ có ai làm thơ vì nàng hết.
Vào cuối tháng tư, Willie nhận được giấy của Uỷ Ban Quân dịch gọi trình diện khám sức khoẻ nhập ngũ. Tiếng chuông báo động này nhắc anh chàng tới cuộc chiến tranh và chàng đi ngay tới trạm tuyển mộ Hải quân. Anh được nhận vào trường sinh viên Sĩ quan Trừ bị hải quân khai giảng vào tháng 12. như vậy anh thoát được khỏi nanh vuốt của Bộ binh và hoãn nhập ngũ được một thời gian dài mấy tháng.
Mẹ Willie thì coi việc nhập ngũ như một thảm họa. bà tức giận bọn vô tích sự ở Hoa Thịnh đốn đã vụng về để chiến tranh kéo dài đằng đẵng. bà vẫn tin là chiến tranh sẽ chấm dứt trước khi khi Willie phải khoác quân phục, nhưng bà vẫn bị những lúc lạnh người khi nghĩ tới Willie bị đem đi xa. Bà âm thầm hỏi han những người bạn có thế lực, nhưng ai cũng lạnh lùng một các lạ thường khi bàn tới việc xin cho Willie một công việc an toàn tại Mỹ. Vì vậy bà nhất định sẽ tạo cho ba tháng dân sự sau cùng là ba tháng tươi đẹp nhất cho Willie. May Wynn cũng thành công không kém, nhưng dĩ nhiên là bà Keith không biết chuyện đó. Bà cũng chẳng biết trên đời này có cô gái đó trong cuộc sống của cậu con trai yêu quý. Bà ép Willie nghỉ việc và đưa Willie và vị bác sĩ ngoan ngoãn làm một chuyến du lịch Mexico. Willie chán ngấy những mũ rơm to vành sombrero, cái nắng chói chang và những con rắn có lông vẽ trên các kim tự tháp đổ nát, đổ hết tiền lên hòn đảo để gọi viễn liên đến tiệm kẹo. May lúc nào cũng cằn nhằn về việc xài phí này, nhưng chỉ riêng nghe cái giọng hớn hở khi cô cằn nhằn, Willie cũng cảm thấy là đã được đền bù đáng tiền rồi. khi cả nhà trở về vào tháng bảy, bà mẹ cương quyết kéo anh chàng hưởng một "mùa hè kỳ diệu cuối cùng" ở Rhode Island. Anh chàng viện cớ nhỏ nhít để trở về New York dăm lần, và tận hưởng tối đa những chuyến đi này. vào mùa thu, Marty Rubin dẫn May đi lưu diễn các hộp đêm ở thành phố Chicago và St. Louis. May trở về vào tháng 11, vừa vặn được hưởng ba tuần hạnh phúc với Willie. Anh chàng trở nên một kỳ tài sáng tạo một loạt các lý do vắng nhà để trình với mẹ, nhiều đến đủ để xuất bản thành một cuốn truyện ngắn dày cộm.
Hai người chưa bao giờ nói đến chuyện hôn nhân. Anh có lúc ngạc nhiên thấy nàng không nhắc tới chuyện đó, nhưng anh cũng mừng là May cũng bằng lòng để mối liên hệ ngừng ở trong vòng những nụ hôn nồng cháy mà thôi. Ý định của anh là vị ngọt này để hưởng trong bốn tháng khi ở trường sinh viên Sĩ quan, rồi anh sẽ đi biển, và việc dứt tình trở nên tự nhiên và không đau đớn. anh cảm thấy khoan khoái vì xếp đặt được một mối tình thơ mộng đầy vui tươi mà lại không bị vướng mắc. Điều này chứng tỏ anh là một tay chơi già dặn. anh rất hãnh diện đã không nài ép nàng. Chính sách đúng nhất, anh quyết định, là vui hưởng tình bạn nóng bỏng và hứng thú của cô gái mà không bị dính vào những chuyện lộn xộn khó xử. một đường lối rất khôn ngoan, nhưng thật ra anh không đáng được khen nhiều, bởi vì dựa trên mối quan hệ trong sáng và ước lượng thầm qua tiềm thức, anh chàng cũng nghĩ rằng dù anh có nài ép, chưa chắc gì anh đã thành công.
Chú thích
1 Trong hệ thống gọi nhập ngũ, nước Mỹ tổ chức một cuộc bốc thăm để chỉ định số thứ tự may rủi cho những ngày sinh của các thanh niên trong tuổi quân dịch. Người nào mà sinh nhật bắt phải số nhỏ nhất được gọi đi trước tiên.
Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine - Herman Wouk Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine