Tác giả: Thuỳ An
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1386 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
uổi chiều trời thật nực, tôi nhờ chị Hai cùng mang chiếc xích đu ra vườn đặt dưới giàn thiên lý. Vừa đưa qua lại được mấy cái đã nghe tiếng gọi tíu tít ngoài cổng:
--Thảo Phương, Thảo Phương.
Tuấn xuất hiện với chiếc xe đạp mới tinh sơn màu huyết dụ. Tôi mở rộng hai cánh cổng:
--Vào chơi Tuấn, sao lâu nay đi đâu mất biệt thế?
Tuấn bước theo tôi ra phía góc vườn:
--Tuấn vừa đi Nha Trang về nè.
Tôi liếc:
--Thú vị quá hén, vậy mà chả cho người ta biết tin, tệ ơi là tệ.
Tuấn ngồi xuống chiếc ghế mây:
--Tại ba má Tuấn đi bất ngờ quá, cho Tuấn xin lỗi nhen. - Rồi Tuấn lục giỏ xách - Có quà cho Phương nè.
Tuấn lấy ra một gói nhỏ rồi tự tay mở lớp giấy bao: một chuỗi hạt bằng vỏ ốc đủ màu lấp lánh và một chiếc thuyền buồm đính bằng những mảnh vỏ sò rất mỹ thuật, tôi reo lên:
--Ồ, đẹp ghê!
Tuấn do dự một lát rồi quàng chuỗi hạt qua đầu tôi, trông mặt anh chàng vừa đẹp trai vừa ngây ngô đến tội nghiệp. Sau Minh Châu, Tuấn là người bạn thân thứ hai của tôi. Tôi quen Tuấn vào năm học lớp Sáu, khi tất cả các học sinh Nhạc viện học hết văn hóa cấp 1 ở trường ngoài, phải chuyển toàn bộ hồ sơ vào đây để học tiếp phần văn hóa. Tôi được cô chủ nhiệm xếp ngồi giữa Tuấn và Minh Châu, từ đó ba đứa trở thành thân thiết. Tuấn học violon, cùng vào trường một lần với tôi nhưng Tuấn học ký xướng âm và hợp xướng vào nhóm buổi chiều nên mãi đến bây giờ tôi mới biết Tuấn.
Cũng trong năm này, cuộc sống gia đình tôi bước vào một lối rẽ đầy lạc quan. Ba gặp lại bác Trân - một người bạn cũ rất thân - hiện làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu. Bác đến nhà ngoại thăm ba má cùng với sự giúp đỡ tận tình của một người bạn chân thành lâu ngày gặp lại. Vài lạng sâm nhung cho ông bà ngoại, một xấp vải hàng mousseline cho má may áo dài, chiếc đồng hồ đeo tay cho ba, nhiều đồ chơi thật đẹp cho tôi, bác như một làn hương mới thay đổi nếp sống của gia đình tôi. Sau một thời gian bàn tính, ba làm đơn xin nghỉ dạy để vào làm kế toán trưởng cho công ty của bác Trân, má vẫn tiếp tục đi dạy nhưng nếp sống của chúng tôi trở nên khá hơn. Đã có những tiện nghi nho nhỏ làm tươi thêm cuộc đời như một cái cassette ru giấc ngủ từng đêm, một cái máy đánh trứng đỡ tay má mỗi tuần làm nên những ổ bánh thơm ngon, mái nhà ngoại đã được sửa sang lại để vào mùa mưa không còn dột khắp nơi nữa. Điều vui nhất là chúng tôi đã dọn về ở ngay thành phố, rất tiện cho việc dạy dỗ của má và việc học hành của tôi. Công ty của bác Trân đã cấp cho ba một căn nhà tuy nhỏ nhưng mát mẻ khang trang. Lúc mới dọn về tới, tôi như bị cuồng chân, vì nhà không có vườn, không có sân, suốt ngày đi ra đi vào đụng bàn đụng ghế, bởi vậy nên những ngày có giờ học, tôi ở lại trường chơi cho thỏa thích đến tối mới chịu cho ba đón về.
--Phương đang nghĩ gì vậy?
Tiếng hỏi của Tuấn làm tôi giật mình:
--À, Phương ... Phương đang nghĩ lung tung.
Tuấn đưa tay đẩy chiếc xích đu đong đưa:
--Phương có bài mới chưa?
--Cô của Phương mới cho một bài étude thôi. Phương đánh còn quỷnh lắm. Mai có giờ chuyên môn rồi, sợ cô la ghê.
--Tuấn cũng vậy, mấy ngày Tết chẳng đụng tới cây đàn, kỳ này chắc là thầy Tuấn nạo cho te tua.
Tôi mân mê chuỗi hạt nơi cổ:
--Mới đó mà nhanh ghê, đã hết Tết rồi.
Tuấn đứng dậy:
--Thôi Tuấn về, hẹn mai gặp lại nhé.
Tôi tiễn Tuấn ra cổng rồi đứng yên lặng nhìn người qua lại. Một chiếc xe hơi dừng nhanh bên đường, tôi suýt reo lên vui mừng, ngỡ ba về, nhưng không phải, bác Trân bệ vệ mở cửa xe bước xuống đến bên tôi, bác đưa cho tôi một gói nhỏ, nằng nặng:
--Của ba cháu đấy, nhớ cất cho kỹ nhé, hai hôm nữa ba cháu sẽ về.
--Mời bác vào chơi đã.
--Thôi bác bận lắm, bác đi đây. Nhớ bỏ cái đó vào tủ khóa lại nhé.
Tôi quay vào nhà, bữa cơm chiều đã sẵn sàng trên bàn ăn. Chị Hai từ bếp đi lên, tay bưng ly nước cam:
--Uống miếng nước cho khỏe rồi ăn cơm, cô.
Tôi định ngồi vào ghế nhưng nhớ đến cái gói còn cầm trên tay, tôi nói:
--Chờ em chút xíu.
Tôi chạy lên lầu, mở tủ, nhét vội gói đồ dưới đống quần áo chưa ủi. Lại vàng, lại tiền, lại ngọc ngà châu báu, chưa bao giờ tôi thấy chúng nguy hiểm như bây giờ, chúng đưa con người lên tận đỉnh cao danh vọng rồi cũng chính chúng dìm họ vào vũng lầy đam mê, mà một khi thức tỉnh thì mọi việc đã muộn màng. Công ty của bác Trân càng ngày càng phát triển thì công việc của ba cũng tiến nhanh như tia chớp. Cuộc hội ngộ giữa ba và bác Trân chẳng khác gì cá gặp nước, rồng gặp mây, hai người đã ăn ý với nhau đến độ không ngờ. Bao nhiêu cú áp phe lớn nhỏ thành công, những chuyến làm ăn xa tận Hà Nội, Hải Phòng đã đem về cho ba rất nhiều nguồn lợi. Ba đã tậu nhà riêng, sắm xe hơi và thực hiện được ước mơ của đứa con gái duy nhất: một cây đàn piano bóng lộn bắt đầu làm bạn đêm ngày với tôi vào năm tôi lên sơ cấp 5. Từ đó trong vườn nhà mới, tôi đã gặp lại tiếng chim thân yêu của tuổi ấu thơ cùng với mặt trời và hoa lá, tất cả đã tạo nên nguồn cảm hứng trong tôi ngày một dạt dào. Tôi vẫn là đứa học trò giỏi nhất của cô Nguyệt Hằng, chỉ trừ một lần chín điểm, tất cả mọi lần thi học kỳ tôi đều đạt điểm mười. Hồi mới làm quen với âm thanh, tôi rất yêu nét tươi sáng trong nhạc của Mozart, nhưng đến khi biết buồn, biết mơ mộng tôi lại say mê tính sâu lắng của nhạc Chopin hơn. Đã nhiều lần tôi mơ ước được thành công như Đặng Thái Sơn, đem tiếng đàn của mình đi khắp nơi trên thế giới cho mọi người, mọi sắc da cùng thưởng thức, để họ biết rằng trên hành tinh này có một nước Việt Nam vô cùng nhỏ bé đã sản sinh ra những nghệ sĩ tài ba như Đặng Thái Sơn, như Trần thị Thảo Phương chẳng hạn... (Nói nhỏ cho các bạn nghe, đó là ước ao thật lòng nhất của tôi đó, nhưng tôi chả bao giờ dám hé môi, kể cả với những đứa bạn thân, nhỡ có lúc nó giận mình, nó hở ra cho các bạn trong lớp cùng biết thì khi đó chỉ có nước độn thổ, bởi vì... Thảo Phương chưa là cái gì cả, con ếch làm sao to được bằng con bò, phải không các bạn?)
Tối nay nhớ má quá, chả học hành gì được, định ra hàng hiên ngồi chơi thì chị Hai đến bên cạnh:
--Cô Phương, tối nay thứ bảy cô không mở ti vi à? Có tuồng cổ Minh Tơ hay lắm.
Tôi quay lại:
--Tôi không ưa cải lương, chị có thích thì cứ bật lên xem.
Nét mặt chị Hai hớn hở:
--Vậy thì tôi coi một mình nghe, lát nữa ông có gọi, nhớ kêu tôi.
Tôi bước ra sân. Đêm không trăng trời thật đen, cảnh vật chìm khuất trong bóng tối, nhấp nháy trên vài phiến lá, ánh đèn đường bên ngoài hắt vào, vàng vọt, loãng tan... Ba đã về từ chiều, đang ngủ trên lầu. Một xe chở đầy hàng đã theo ba vào nằm yên vị trong căn phòng xép phía sau nhà. Tôi đã quen với những chuyến đi như thế của ba, những chuyến đi mở đường cho một vực thẳm lôi cuốn hạnh phúc êm đềm của chúng tôi vào nỗi buồn đau. Tiền bạc tràn vào nhà tôi như giòng suối, vật chất đã thay thế ân tình. Ba vắng nhà luôn, nay chiêu đãi, mai tiệc tùng... những khuya về đến cửa mặt mày đỏ ửng nồng nặc men say, những lần cãi vả với má vì những nguyên do nào đó rất người lớn mà tôi không thể hiểu được... Và để trả thù ba, má đã xin nghỉ dạy, bắt đầu một cuộc sống xả láng, nghĩa là má trút bỏ không nuối tiếc bộ áo đạo đức sư phạm để khoác lên mình những kiểu áo thời trang nổi tiếng nhất. Má còn trẻ và đẹp, lại sẵn tiền trong tay, tha hồ chưng diện. Má từ giã đám bạn bè thuở hàn vi để bước vào một thế giới mới, thế giới có nhạc hay, có rượu nồng và có những bước chân quay cuồng trên sàn nhảy. Bao nhiêu người đàn ông đã quỳ dưới chân má và điều này đã khiến ba ghen điên lên. Sóng gió bắt đầu dậy lên trong gia đình tôi mà kết quả là lá đơn ly hôn đã gửi lên tòa án. Mặc cho tôi khóc lóc, mặc cho tôi van lơn, ba má đã vì tự ái không chịu nhường nhau một bước nào. Tôi biết ba má vẫn rất yêu thương tôi, đứa con duy nhất tội nghiệp từ đây hoặc vắng má hoặc thiếu ba, nên ai cũng giành được có tôi bên cạnh. Nhưng tôi đành gạt nước mắt xa má thôi, vì tôi phải ở cạnh ba mới tiện việc học hành, nhất là năm nay, bước vào trung cấp, còn phải học rất nhiều món mới như hòa âm, trích giảng... có khi thiếu phòng phải học ban đêm rất bất tiện. Thỉnh thoảng, tôi cũng có về Thủ Đức thăm ngoại và má, nhưng sao cảnh cũ vườn xưa cứ làm tôi buồn da diết và hoài nhớ bao kỷ niệm đã tàn phai. Này là chiếc ghế xi măng cũ mòn, từng chiều tôi đã ngồi đây lắng nghe tiếng chim, kia là dãy hàng rào dâm bụt với những đóa hoa rực lửa tôi thường hái chơi mỗi sáng, và lối đi qua vườn bằng cát mịn đã bao lần in dấu chân ba má hằng ngày bên nhau bàn chuyện tương lai. Ôi, tương lai nào ai ngờ đến, giờ ba má đã chia xa còn tôi thì lạc lõng tới bao giờ?
Cung Đàn Tuổi Thơ Cung Đàn Tuổi Thơ - Thuỳ An