Thất bại rất cần cho sự trải nghiệm và trưởng thành của mỗi chúng ta. Tất cả những gì tôi đạt được ngày hôm nay đều do trước đây tôi dám cho phép mình phạm sai lầm.

Rick Pitino

 
 
 
 
 
Tác giả: Thuỳ An
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2903 / 22
Cập nhật: 2015-12-15 07:59:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
rả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát…"
Tôi bước ra cổng trường Luật, vừa đi vừa hát nho nhỏ. Những ngày đầu niên học buồn thật buồn, giáo sư dạy chưa thường xuyên và hình như tôi xa lạ giữa đám bạn bè đông đúc này. Tiếng Huế khó nghe lắm, đó là ý kiến của Châu Hà, cô bạn người Nam đến làm quen với tôi hôm tựu trường đã khiến tôi mặc cảm, tôi không dám mở miệng nếu không ai hỏi đến, và chính vì vậy mà tôi chưa có thêm một người bạn nào thêm nữa ngoài Châu Hà. Sáng nay Châu Hà nghỉ, học hai giờ đầu tôi một mình thả bộ theo đường Duy Tân suy nghĩ vẩn vơ. Tôi nhìn sang công trường Duy Tân, hai nụ hoa súng đỏ hồng nổi trên mặt hồ nước thật dễ thương và một đôi nhân tình nhỏ dìu nhau đi trên thành hồ lát đá hoa, ríu rít chân sáo làm tôi chạnh nghĩ đến thân phận lẻ loi của mình. Mười tám mùa Xuân trôi qua trong cuộc đời, lần đầu tiên, tôi đã nhận thức được thế nào là tình yêu. Nhưng ánh lửa tình yêu vừa nhen nhúm trong tôi sao mong manh dễ tắt quá, tôi đặt tình cảm mình không đúng chỗ rồi chăng? Hữu ơi, tôi gọi thầm tên anh, giờ này anh ở đâu và có một giây phút nào đó nghĩ đến em không, hay anh chỉ xem em như một đứa con nít, bởi bên cạnh em còn có chị Quyên, chị Quyên đẹp đẽ, chị Quyên duyên dáng, chị Quyên lịch thiệp mà cách đây ba năm, chị đã một thời vang danh hoa khôi Đồng Khánh, em đã lu mờ, em đã chìm đắm hoàn toàn trước sắc đẹp chị Quyên.
- Ngọc, cô Ngọc.
Tôi quay lại. Tôi nhìn lầm chăng. Hữu đó, Hữu của tôi đó từ trong viện Đại Học đi ra, trên tay ôm tập sách, đôi môi tươi cười:
- Cô Ngọc đi học về đó à?
Tim tôi đập mạnh:
- Dạ.
- Cô Ngọc đã quen với không khí Saigon chưa?
- Dạ rồi.
Tôi trả lời cộc lốc. Lưỡi tôi như líu lại giữa hai hàm răng, chân tôi luýnh quýnh và hai tay tôi thừa thãi vụng về. Hữu đi song song bên tôi hồi nào tôi cũng không hay biết.
- Hai tuần nay tôi đi công tác ở Nha Trang, cả nhà vẫn bình yên chứ cô Ngọc?
- Dạ.
Hai đứa rẽ về phía tay mặt, suốt con đường rợp mát bóng me. Tôi lặng người. Hình ảnh nầy tôi đã được thấy một lần trong mộng, cũng Hữu bên cạnh tôi cùng đếm bước trên một con đường mơ hồn nào đó với ánh nắng êm soi cành lá, lung linh bóng hàng me nhảy múa trên mặt đường nhựa đen tuyền. Tôi còn nhớ, tôi có đọc trong một số báo về Siêu hình, người ta giải thích giấc mơ như sau: Có nhiều loại, có những giấc mơ vẩn vơ nhưng cũng có nhiều khi ta xuất hồn thật, nghĩa là, khi ngủ say, linh hồn ta có thể trở về quá khứ hoặc đi vào tương lai, linh hồn sẽ gặp trước những sự kiện mà sau này khi gặp lại trong hiện tại, ta cứ ngợ ngợ rằng hình như ta đã gặp nó ở đâu rồi. Phải chăng tôi đã nghĩ đến Hữu nhiều quá nên trong buổi chiều ngủ muộn đó, linh hồn đam mê của tôi đã lang thang đi vào tương lai để tìm gặp người mình mơ tưởng?
Tôi lặng lẽ nhìn Hữu, anh vẫn điềm nhiên bước đều bên tôi, không hay biết được muôn ngàn niềm sung sướng đang reo vui trong hồn tôi, đang nở hoa trên đôi môi tôi ấp e lời nói.
- Con đường này nên thơ quá, cô Ngọc nhỉ?
Tôi lại nói không thành lời:
- Đây là đường…
- Trần quý Cáp đó cô Ngọc. Nhìn những cành lá hai bên đường giao nhau im mát, cô Ngọc có ý nghĩ gì không?
Tôi đáp không ngần ngại:
- Dạ, Ngọc không nghĩ chi hết, nhưng Ngọc nhớ đến một câu trong bản nhạc của Trịnh công Sơn: "Hàng cây lá xanh gần với nhau…"
Hữu nhíu mày:
- Đó là bài…
- Dạ Mưa Hồng.
- Chắc cô Ngọc thích nhạc lắm nhỉ?
- Dạ, Ngọc yêu tất những cái gì được gọi là nghệ thuật.
- Con đường này, dạo tôi và Trứ đón hai cô từ phi trường về, Trứ có lái xe qua đây, cô Ngọc còn nhớ không?
Tôi ngước nhìn lên khoảng trời xanh trong suốt như pha lê:
- Saigon nhiều đường quá, Ngọc không nhớ hết nổi, nhưng trong tư tưởng Ngọc, hai hàng me xanh mướt với cành lá giao nhau vẫn là hình ảnh sâu đậm nhất kể từ ngày Ngọc biết Saigon.
Có chiếc Honda màu đỏ đi ngược chiều, tôi thoáng nhận ra người con gái ngồi phía sau, chị Trinh.
Hữu quay sang tôi:
- Kìa, Trinh và Chuyên. Cô Ngọc biết Chuyên chứ?
Tôi gật đầu:
- Dạ, Ngọc mới biết đây, anh Chuyên con của bác Lễ tài xế nhà chị Trinh.
- Chuyên đi lính lâu rồi, chắc anh chàng được về phép.
- Ủa, anh không biết à? Ngọc nghe bác Lễ nói anh Chuyên được biệt phái về Nha kiều lộ đó.
- Vậy à - Hữu đưa một ngón tay lên trán - à mà đúng, Chuyên là cán sự công chánh mà, loại này được biệt phái về nhiều lắm, các Nha thiếu nhân viên.
Tôi không nói chuyện nữa. Tôi muốn nhắc đến bài thơ của một thi sĩ nào đó ca tụng con đường lá me nhưng tôi quên mất câu mở đầu. Mặt trời càng lên cao, bóng tôi và Hữu in trên mặt đường dần thu ngắn lại, mồ hôi tôi đổ lấm tấm hai bên thái dương. Hữu nhắc:
- Trưa rồi, mình về đi thôi.
Tôi bàng hoàng bước ra khỏi vùng mộng mơ:
- Dạ, thôi anh về trước đi, Ngọc đi từ từ ra đầu đường đón xe lam.
Hữu đưa tay vẫy chiếc Taxi:
- Để tôi đưa cô Ngọc về.
Tôi muốn con đường cứ dài mãi ra để xe đừng bao giờ tới nhà được, nhưng chiếc cổng vôi trắng đã hiện ra đằng kia, anh Trứ vừa đi làm về đang dắt chiếc xe Vespa vô ngõ.
- Kìa Hữu, đến chơi gì mà trưa thế? Cả Ngọc cũng về nữa à? Hai người gặp nhau ở đâu mà tương ngộ thế?
Hữu cười vui vẻ:
- Đi công tác về nghỉ phép buồn quá, đi lang thang chơi thì gặp cô Ngọc.
Anh Trứ nhìn tôi chăm chú. Tôi bước nhanh lên bậc thềm đi vào nhà, có tiếng Hữu cáo từ.
- Thôi tao về đã, hẹn gặp mày ngày mai.
- Vô nhà chơi đã nào, xe máy đâu?
- Xe nổ lốp hồi sáng, bỏ sửa rồi.
- Thôi, lên đây tôi chở về ông ơi.
Tôi đưa hai tay lên ngực. Toàn thân tôi nóng bừng, giòng máu luân lưu trong huyết quản tôi chạy nhanh hơn bởi trái tim tôi đang đập mạnh, Hữu đưa tôi về, chỉ với mục đích đó thôi, không phải nhân dịp Hữu đến thăm anh Trứ hay chị Quyên, sao tự nhiên, tôi cảm thấy đời đẹp đến thế này?
Tôi huýt sáo bản: "La vie en rose" làm chị Quyên đang nằm trên giường đọc sách phải nhăn mặt:
- Ngọc, dị rứa, con gái mà huýt sáo như con trai. Cái tật me la hoài không bỏ.
- Em đang vui mà.
- Vui thì hát hò lên có được không, còn bày đặt huýt sáo, tao nể mi luôn rồi đó.
Tôi mỉm cười một mình. Chị Quyên trở mình, quay mặt vào trong:
- Mấy giờ rồi Ngọc?
Tôi nhìn đồng hồ:
- Gần 12 giờ rồi chị. Hai bác đi mô chưa về hả?
Chị Quyên ngồi dậy:
- Hai bác đi Bình Dương từ sáng, chiều mới về.
Tôi chép miệng:
- Làm thầu khoán thiệt mệt, đi hoài.
Chị Quyên vén mái tóc:
- Con ni nói vô duyên. Có rứa mới giàu chứ. Làm công chức như ba me suốt đời không mua nổi xe đi.
Tôi đưa một ngón tay lên môi:
- Nì chị Quyên, em vừa khám phá ra một chuyện ni, bí mật lắm.
Gương mặt chị Quyên sáng lên, chị là chúa tò mò:
- Chi? Chuyện chi rứa Ngọc.
- Du dương lắm!
- Ai du dương?
- Mùi mẫn lắm!
- Ai mùi mẫn?
- Tuyệt vời lắm!
- Ai tuyệt vời?
- Đắm say lắm!
Chị Quyên củng vào đầu tôi:
- Con ni thúi.
- Thúi thì thôi, tôi không kể nữa.
Chị Quyên đấu dịu:
- Thôi mà, ai biểu mi úp mở làm chi.
Tôi xoa xoa đầu:
- Đánh người ta đau vô hậu.
- Xin lỗi mi mà, kể tao nghe đi Ngọc.
Tôi xích lại gần chị Quyên:
- Chuyện chị Trinh đó.
Chị Quyên lại xích sát vào người tôi thêm:
- Chị Trinh răng mi?
Tôi nói bằng hơi gió:
- Chị Trinh có bồ nì, em mới bắt gặp quả tang hai ông bà đang dẫn nhau đi chơi.
- Mà người nó là ai, mi có biết không?
Tôi vênh mặt:
- Sức mấy mà không biết, đố chị ai? Nói trúng tôi thưởng 100 đồng.
Chị Quyên suy nghĩ một lát rồi lắc đầu:
- Nuốt một trăm bạc của mi coi bộ khó quá. Tao chịu thua. Nói đi.
- Anh Chuyên con bác Lễ đó.
Chị Quyên giật mình:
- Bậy nà, có lý mô…
Tôi trợn mắt:
- Răng lại không có lý, tình yêu mà.
- Anh Chuyên chỉ là…
Tôi cướp lời:
- Chị muốn nói anh Chuyên chỉ là con một ông tài xế nghèo hèn thôi phải không? Răng chị nặng thành kiến rứa, theo em, anh Chuyên rất xứng đáng…
- Ngọc, em còn con nít quá, em còn mơ mộng quá nên em thường thi vị hóa các mối tình…
Tôi tức quá, tính con trai trong người tôi bừng dậy, tôi la lên:
- Rứa tại răng chị yêu thầy Thông được, mà chị không muốn chị Trinh và anh Chuyên yêu nhau?
Chị Trinh hốt hoảng bịt lấy miệng tôi, nước mắt chị ứa ra làm tôi quýnh lên:
- Chết cha, em xin lỗi chị, em lỡ lời, chị đừng giận em nghe chị Quyên.
Chị Quyên cúi đầu:
- Chị không giận em mô, nhưng lần sau Ngọc gắng giữ gìn lời ăn tiếng nói. Đừng khơi lại nỗi buồn mà chị đang cố gắng quên, đừng làm khổ chị - có tiếng máy xe nổ, tôi mở xắc lấy khăn tay đưa cho chị:
- Chị lau nước mắt đi rồi ra ăn cơm, anh Trứ về nơi tề.
Chị Trinh đi chơi vẫn chưa về, anh Trứ bảo chị bếp:
- Chị khỏi để cơm cho con Trinh. Đi về đúng bữa thì ăn, chả ai hầu.
Chị bếp dạ nhỏ, để mâm cơm trên bàn rồi lui ra.
Tôi ái ngại nhìn anh Trứ:
- Thưa anh, hình như bữa ni anh có điều chi bực mình?
Anh Trứ bưng chén cơm lên:
- À, chuyện con Trinh đó mà.
Chị Quyên lại tò mò:
- Chuyện chi rứa anh?
Anh Trứ không đáp, lặng lẽ gắp thức ăn bỏ vào chén. Chúng tôi cũng nín luôn, không dám hỏi nữa. Một lát, anh Trứ trầm ngâm:
- Quyên và Ngọc là cháu ruột của ba anh, anh xem như người trong gia đình này rồi, thành thử, anh cũng chả dấu diếm gì hai em nữa. Anh muốn nhắc đến chuyện con Trinh…
Tôi nhìn chị Quyên, chị cũng đang len lén nhìn tôi. Anh Trứ tiếp:
- Con Trinh nó yêu thằng Chuyên con bác Lễ tài xế. Chúng nó ngày xưa học cùng lớp, tình bạn dần đổi thành tình yêu, điều mà gia đình không thể ngờ trước để ngăn ngừa.
Chị Quyên xen vào:
- Thưa anh, theo em thì vấn đề tình cảm, làm răng mà ngăn cấm được?
Anh Trứ dằn chén cơm hơi mạnh lên bàn:
- Được chứ, được chứ. Tuổi trẻ nông nổi, con Trinh nông nổi. Thằng Chuyên chắc gì đã yêu nó thành thật.
Tôi nói nhỏ:
- Em thấy… anh Chuyên cũng là người đôn hậu…
Anh Trứ nghiêm nghị nhìn tôi:
- Ngọc nhỏ hơn cả Trinh nữa, Ngọc làm sao hiểu được lòng người. Con trai thời bây giờ ghê lắm đó. Theo anh nghĩ, thằng Chuyên theo con Trinh chỉ vì tiền, thằng đào mỏ…
Thằng đào mỏ. Ba tiếng dội mạnh, âm thanh vang vọng từ bốn bức tường trong phòng ăn, tôi cảm thấy tội nghiệp cho Chuyên quá. Tôi nhớ lại ánh mắt Chuyên nhìn chị Trinh buổi sáng tôi sang thăm nhà bác Lễ, nồng nàn và trìu mến, con người như vậy không thể nào có tâm địa xấu được. Tôi hơi bất bình, anh Trứ có thể phản đối cuộc tình giữa chị Trinh và Chuyên bởi vì Chuyên nghèo, chứ anh không thể khinh Chuyên quá thế. Tôi nghĩ vậy nhưng không dám nói ra, khoảng thời gian sau này, tôi có một nhận xét khi giao tiếp với những người thân yêu quanh tôi là, hai bác tôi chỉ biết sống bằng lý trí, tình cảm của hai bác đã bị bẹp dí dưới đống tiền cao ngất càng ngày càng dồi dào, càng ngày càng phong phú mà hai bác tôi đã dùng biết bao nhiêu thủ đoạn để tạo nên. Chị Trinh như lạc lõng, như bơ vơ trong tình thương nhạt nhèo của cha mẹ, có lần chị tâm sự với tôi:
- Ba má chị đi tối ngày Ngọc ạ, ba má chị cứ tưởng cho chị tiền nhiều là chị sung sướng, như vậy là tình thương đó ư? Chị không cần, chị chỉ muốn được thấy hàng ngày sự săn sóc ân cần của ba chị, chị chỉ muốn được nép mãi trong vòng tay ấm nồng của má chị, thế thôi, tiền bạc để làm gì, của phù du.
Tôi an ủi:
- Thôi chị đừng buồn nữa, hai bác ham làm giầu cũng chỉ cốt là lo tương lai cho chị, cho anh Trứ…
Chị Trinh nói như khóc:
- Nhưng ba má chị không từ bỏ một thủ đoạn nào để làm giầu cả, chị sợ quá Ngọc ạ, chị sợ trời trả báo quá đi.
Anh Trứ cũng giống hệt hai bác tôi ư? Tôi tự hỏi. Anh luôn luôn nghĩ đến tiền đó kia, làm thế nào để có thật nhiều tiền, vậy thôi. Chuyên nghèo, Chuyên lại yêu chị Trinh, tại vì Chuyên ham tiền. Kết luận của anh Trứ thật giản dị như hướng ý nghĩ nông cạn của anh. Tình cảm tôi dành cho anh Trứ như vơi đi thật nhiều trong bữa ăn trưa này.
Có tiếng mở cửa nhẹ, chị Trinh rón rén đi vào. Anh Trứ đập bàn mạnh làm tôi và chị Quyên giật mình theo.
- Trinh, mày đi đâu bây giờ mới về?
Chị Trinh ấp úng:
- Dạ, em… lên trường…
- Láo, sáng nay mày nghỉ, tao vừa gặp con Huệ thực tập cùng nhóm với mày. Trinh, mày đi chơi với thằng đào mỏ phải không?
Đôi má chị Trinh chợt đỏ bừng vì giận:
- Anh không được gọi anh Chuyên như vậy.
Anh Trứ xô ghế đứng dậy:
- Tao gọi đấy, tao gọi thằng Chuyên là thằng đào mỏ đấy, rồi ai cấm được tao? Đẹp mặt nhỉ. Đồ mất dạy.
Chị Trinh buông chiếc xắc xuống bàn cúi mặt khóc. Anh Trứ vẫn không tha:
- Tao cũng mong nó đi lính mất đất cho rồi, ai ngờ nhà này còn xui nên mới khiến nó được biệt phái về. Này Trinh, mày coi chừng đấy, mày tự xét xem, nó yêu mày hay yêu cái gia tài của mày?
Chị Trinh vẫn tấm tức khóc. Anh Trứ đấu dịu:
- Nói trước cho mày biết để mà liệu lấy. Ba me mà biết chuyện này, ông bà sẽ không để yên cho mày đâu.
Bàn tay chị Trinh bấu mạnh trên tấm khăn bàn, hình như chị đang đè nén niềm đau thương vừa dâng nghẹn trong tim. Anh Trứ đã đứng dậy ra ngoài, chị Quyên gọi nhỏ:
- Chị Trinh.
Chị Trinh ngước lên, nuớc mắt chảy dòng trên má:
- Mình khổ quá, Quyên ơi.
Tôi đến bên chị:
- Thôi chị đừng buồn nữa, tính anh Trứ nóng lắm.
Chị Trinh đưa tay chùi nước mắt:
- Mình không buồn vì bị mắng đâu. Mình chỉ đau đớn một điều là anh Trứ đã hiểu lầm Chuyên, hai đứa mình yêu nhau thành thật mà.
- Chị ăn cơm chưa? Để em xuống bếp…
Chị Trinh khoác tay:
- Thôi Ngọc, chị hơi mệt, để chị vào nghỉ một tí.
- Em đưa chị vào.
Nụ cười chị Trinh héo hắt:
- Ngọc làm như chị sắp xỉu đến nơi không bằng.
Chị Quyên dục tôi:
- Để chị Trinh đi nghỉ, còn Ngọc, dọn thức ăn xuống đi.
Trời sắp chuyển mưa, mây đang trắng bỗng xám hẳn lại, gió xua hơi nóng bên ngoài bốc vào cửa sổ, chị Quyên để chiếc dĩa xuống bàn, hắt hơi liên tiếp:
- Trời ở đây thiệt độc.
- Sao em thấy không khí ngột ngạt quá chị Quyên ơi, vừa khí hậu ngoài trời, vừa cả dưới mái nhà này nữa.
Chị Quyên gật đầu:
- Ừ, chị cũng thấy rứa. Những người trong nhà này đối với nhau có vẻ bề ngoài quá, tình cảm hời hợt, hai bác ham làm ra tiền quá rồi không ngó ngàng chi đến con cái cả.
- Tội nghiệp chị Trinh.
Chị Quyên thở dài:
- Chị Trinh muốn tìm một bóng mát bên anh Chuyên, nhưng… chắc là khó đạt thành.
Tôi nói như giận dữ:
- Chi lạ ghê, anh Trứ với hai bác răng mà giống nhau như rứa không biết, thích tiền rồi cứ tưởng ai cũng ham tiền hết. Chuyến ni em phải làm răng cho chị Trinh và anh Chuyên thành vợ thành chồng, hai người ngó đẹp đôi bắt chết.
Chị Quyên xí một tiếng:
- Con ni vô duyên, chuyện của mình không lo, đi lo chuyện thiên hạ.
Tôi hỏi chị:
- Chuyện của em là chuyện chi? Dị chưa? Người ta còn nhỏ, còn ngây thơ vô tội mà.
- Ở đó mà ngây thơ trăm lá. Chuyện mi với thằng Hoàng ai mà không biết.
Hôm qua tôi có nhận một lá thư của Hoàng. Chắc bà chúa tò mò này muốn lái câu chuyện sang vấn đề Hoàng để tìm hiểu nội dung lá thư đây. Đâu có được, tôi phải dấu kỹ để chọc tức chị Quyên chơi dù trong thư Hoàng không có gì cả ngoài những câu thăm hỏi thân mật giữa hai người bạn. Tôi đánh trống lảng:
- Thôi dọn bàn, còn đi ngủ trưa nữa, em buồn ngủ bắt chết.
Chị Quyên có vẻ tức vì không hỏi được thêm gì nơi tôi, chị nguýt dài:
- Mi đi ngủ đi, để đó cho tao.
Tôi thao thức hoài với hình bóng Hữu chập chờn trong trí. Tôi vừa đi dạo với Hữu đó ư? Tôi vừa cùng Hữu sánh bước trên con đường Trần Quý Cáp lợp mát bóng me, màu xanh dìu dịu ru hồn tôi về một bến mộng mơ nào đó thật xa vời, thật ư Hữu? Thật ư anh? Em không mơ chứ? anh vẫn bằng xương bằng thịt chứ không phải là ảo ảnh mà em vẫn nghĩ từ khi gặp anh lần ban sơ đó rồi hình bóng anh biền biệt xa mờ, phải không anh? Tôi úp mặt vào gối, tôi tựa má vào tay, tôi cố tạo một tư thế thoải mái để dỗ giấc ngủ muộn, mà vẫn không được. Đồng hồ trên tường gõ hai tiếng, sắp đến giờ tôi đi học, tôi uể oải ngồi dậy, gian phòng im vắng, cả nhà im vắng, chắc giờ này mọi người đang thả hồn vào giấc ngủ. Có tiếng nước giội thật mạnh ở cuối vườn, nơi chiếc giếng nhỏ mới đào hồi tháng trước, tôi mở cửa sau bước ra vườn. Nắng không lên, bầu trời âm u ngột ngạt, khóm hồng khô héo tàn tạ dưới tiết trời nóng nực, tôi ghé hôn nhẹ lên những cánh hoa, hương thơm dìu dịu thoảng qua xua tan cơn buồn ngủ.
Tôi nhìn ra xa, bên giếng nước, Chuyên đang chùi rửa một chiếc xe jeep mang bảng hiệu V A mầu trắng, thoáng thấy tôi, Chuyên ngước lên, mỉm cười. Tôi đi lại:
- Xe của ai rứa anh Chuyên?
Chuyên kéo chiếc gàu từ giếng lên.
- À, xe trong sở tôi phế thải, tôi lấy về sửa lại để dùng.
Tôi tròn mắt:
- Xe còn tốt mà, anh khiêm nhường rứa, Ngọc hỏi anh phải nói thật nghe, có phải xe của sở cấp cho anh đi không?
Chuyên cười:
- Cô Ngọc làm như tôi làm cái chức gì thật to trong sở ấy.
- Cần chi phải địa vị lớn, theo Ngọc thấy, làm công chức, cỡ Cán sự như anh là đã có xe đi rồi.
- Cũng tùy nơi chứ cô Ngọc.
Tôi lại bảo:
- Anh chưa trả lời câu hỏi của Ngọc mà.
Chuyên lại cười, nụ cười hiền hòa đôn hậu:
- Thôi, xin chịu thua Ngọc.
- Ủa, ngày nay anh không đi làm à?
- Tôi còn phép thường niên cô Ngọc ạ. Chiều nay cô Ngọc có giờ không?
- Ngọc sắp đi đây, chiều nay Ngọc có giờ Kinh tế.
- Cô Ngọc vào đây học có cảm thấy vui hơn khi ở Huế không?
Tôi lắc đầu:
- Buồn lắm anh. Chắc tại Ngọc chưa quen, hơn nữa, Ngọc thấy cuộc sống ở đây có vẻ xô bồ quá.
- Nhưng mà ở Saigon có cái hay là dư luận dễ dãi, ai làm gì mặc ai, ít người dòm ngó.
Tôi nghĩ đến chuyện của chị Quyên, tôi gật đầu:
- Đúng đó anh, ở ngoài Huế dư luận khắt khe lắm, mình làm gì người ta cũng biết cả, con gái giao thiệp với con trai là một trọng tội, thiên hạ xầm xì bàn tán dữ lắm, đôi lúc Ngọc thấy vô duyên ghê. Nhưng Ngọc được sinh ra và lớn lên ở đó gần mười tám năm trời, Ngọc quen thuộc từng bờ lau ngọn cỏ, những con đường êm đềm men theo từng nhánh nhỏ của giòng sông Hương thơ mộng, Ngọc quyến luyến mỗi buổi chiều đi học về qua mấy nhịp cầu Tràng Tiền gió lộng thổi, Ngọc yêu tha thiết những đêm trời nóng thả bộ ra vườn hoa Nguyễn Hoàng ăn chè hạt sen ướp nước đá... những kỷ niệm đó như khắc sâu vào tâm khảm Ngọc, những kỷ niệm đó không thể tìm thấy được giữa cái thành phố náo nhiệt này, do đó Ngọc nhớ Huế kinh khủng là nhớ.
Lời Chuyên trầm ngâm:
- Ở đâu quen đó. Tôi thì thích Saigon hơn. Có một dạo tôi đi công tác ở Huế một tháng, cảnh vật trầm lặng quá, tịch mịch quá, thiệt tôi buồn muốn khóc... lên đó.
Tôi cười:
- Ngọc không tin. Anh đàn ông mà biết khóc à?
Chuyên vừa chùi khung kính xe vừa tròn mắt nhìn tôi:
- Sao lại không biết, bộ Ngọc tưởng tôi nói đùa hả. Con người ai cũng có tuyến nước mắt chứ.
- Nhưng con trai ít xúc động hơn con gái.
Chuyên gật đầu:
- Ngọc nói như vậy tôi chịu. Nhưng phản đối thành kiến con trai không biết khóc.
Tôi đưa tay nhìn đồng hồ:
- Đến giờ Ngọc phải lên trường. Anh ở nhà nghe.
Con Đường Lá Me Con Đường Lá Me - Thuỳ An Con Đường Lá Me