Số lần đọc/download: 1136 / 10
Cập nhật: 2015-07-10 14:38:12 +0700
Chương 4
C
on vụt thật mạnh, Thủy lùi lại phía sau đưa vợt lên đỡ. Nhưng trái cầu cao quá, Lại sẵn đà bay vút vào một phòng học của trường Trần Thượng Xuyên. Thủy kêu:
- Con quỷ nhỏ, đánh gì dữ vậy?
Đoạn, nhỏ chạy vào phòng học nọ tìm trái cầu. May mà là phòng nữ sinh bên ấy, chứ phòng nam sinh thì không biết phải tính sao? Hồng và con cũng chạy lại. Trái cầu đang ở trong tay một cô nhỏ. Con ngước nhìn tấm bảng treo nơi cửa lớp: 10A. Thủy cười ngoại giao:
- Cho chị xin lại trái cầu đi cưng.
Tưởng những lời dễ thương đó có hiệu quả, dè đâu cô nhỏ lớp mười trường bạn bỗng xí lên một tiếng:
- Xí! Ai chị ai? Ai cưng ai?
Ba đứa con ngạc nhiên chút xíu mới hiểu ra. Cô nhỏ tuy mới học lớp 10 nhưng khá lớn con, còn Thủy, ngồi 12, cô tú đơn rồi chứ bộ, lại kém vóc. Nhỏ con mà xưng chị, gọi người ta là cưng thì quả là… xí xọn.
Dù biết thế, Thủy vẫn giữ nụ cười xã giao:
- Chị học lớp 12 Ngô Quyền đó cưng.
Một cô nhỏ khác bạn cùng lớp với cô nhỏ giữ trái cầu, hơi trề môi rồi hát theo điệu “học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau!”:
- Học sinh Ngô Quyền mập ú như con heo quay…
Hồng hỏi nhỏ bên tai con:
- Còn học sinh Trần Thượng Xuyên thì sao mày?
Con đáp:
- Vừa điên vừa khùng.
Rồi hai đứa cùng cười khúc khích. Thủy làm mặt tỉnh:
- Ừ, thì cứ cho là mập ú như heo quay đi. Thế mấy cưng có chịu cho “con heo quay” này xin lại trái cầu không?
Hai cô nhỏ lớp 10 nhìn nhau rồi cùng cười. Cô nhỏ giữ trái cầu chìa trái cầu ra nói:
- Nè! Trả heo ốm!
Thủy bắt chước mấy gã nam sinh, chào quân sự hai cô nhỏ một phát rồi quay sang Hồng và con nói:
- Về sân Ngô Quyền chơi, không thèm chơi ké sân Trần Thượng Xuyên vừa điên vừa khùng nữa. Không khéo có ngày lại vào Dưỡng trí viện mất. A lê, một, hai, ba, bốn…
Cả ba đứa vừa đi vừa ngoái lại nhìn hai cô nhỏ bên Trần Thượng Xuyên cười trêu.
Sân Ngô Quyền đầy nghẹt học sinh. Hai ba đám đánh vợt chia nhau những khoảng trống. Thủy chống vợt xuống đất khẽ lắc đầu nói:
- Thôi, tụi mình nghỉ chơi.
Hồng rủ:
- Uống nước không?
Con hỏi:
- Mầy bao?
Hồng cười gật đầu nói “chứ sao”, rồi ba đứa cùng hướng về góc trường, nơi quán nước đang nhộn nhịp. Thầy từ phía cư xá giáo sư hướng về đằng văn phòng. Thủy khoanh tay ra điệu:
- Chào thầy ạ.
Thầy cười đáp rồi bước vội.
“Chưa tới giờ vào học mà thầy”. Hồng nói khẽ rồi quay gọi nước cho ba đứa. Sân trường thật nhộn. Buổi nữ sinh, toàn những tà áo trằng, thỉnh thoảng xen lẫn vài nam sinh với quần xanh, áo trắng ngắn tay lạc lõng -- thuộc vài lớp vừa nam vừa nữ -- Mấy cô nhỏ lớp 6, lớp 7 đuổi bắt nhau với những tiếng cười thật ròn khiến con nhớ lại những ngày còn nhỏ. Dạo ấy, Ngô Quyền khác hẳn bây giờ. Trường mới chỉ có hai dãy lầu song song. Thư viện bây giờ là nhà để xe hồi đó. Dãy lầu mới bây giờ là khu đất trống, nơi thỉnh thoảng tụi con lại phải ra làm cỏ -- công tác hiệu đoàn mà. Có đến hai, ba năm, những bồn bông vẫn là nơi tụi con đuổi bướm, những tàn dương vẫn là nơi tụi con kiệu nhau ngắt lá, bứt từng lóng rồi ráp lại, đố nhau. Trường thu thêm học sinh vào lớp 6, phòng học phải xây thêm. Và bây giờ, gần hai mươi lớp ngày xưa đã lên đến gần sáu mươi lớp với trên dưới ba ngàn học sinh nam nữ. Trường bây giờ chật chội, nhiều lúc, con có cảm tưởng như trên mảnh đất nhỏ hẹp của nhà trường, càng ngày, người ta càng úp lên thêm những cái hộp -- những phòng học mới xây cất.
Thủy gọi con:
- Nước nè, uống đi. Nghĩ ngợi gì vậy? Nhớ chàng nào rồi phải không? Thú thật đi rồi tao làm mai cho.
Con tiếp ly nước, một tay với tới ngắt Thủy một cái thật đau:
- Giỏi nói bậy đi con quỷ.
Thủy ái ái kêu đau nhưng lại cười. Nhỏ khuấy muỗng, những tiếng lách cách vang rộn rã. Hồng nói với con:
- Năm nay con Thủy ra đó Trân à.
- Gì?
- Ban điều hành học sinh.
Thủy hất mặt:
- Được không mày?
Con hỏi:
- Mày ra trong liên danh duy nhất phải không?
Thủy lắc đầu:
- Không. Có hai liên danh tranh nhau. Việc hợp tác bất thành rồi.
Con nhớ lại lới thầy. Ở tuổi học trò, các con chẳng nên tranh giành nhau làm gì. Nhưng thầy ơi! Thầy nghĩ thế nhưng người ta vẫn tập cho chúng con tranh nhau từng lá phiếu, tập cho chúng con nói xấu nhau, tập cho chúng con những đòn phép người lớn. Biết sao bây giờ thầy? Ban điều hành của ba ngàn học sinh đủ thành phần chứ đâu phải chỉ có con, có Hồng, có Thủy, có Quỳnh…
Con nhỏ giọng:
- Thầy biết chuyện chưa?
- Rồi.
- Thầy có nói gì không?
- Thầy chỉ chép miệng. Thầy có nhắc tới mày.
- Tao sao?
- Thầy dặn tụi tao có làm gì thì làm, tụi tao đã có cái phần nhất và sức học khá làm vốn rồi, còn mày, thầy muốn tụi tao sẽ không rủ mày cùng hoạt động…
- Nhưng mày nghĩ sao Trân?
Hồng hỏi rồi sau đó một giây, nhỏ nói tiếp:
- Tao nghĩ rằng mày sẽ không bỏ mặc con Thủy.
Thủy tiếp:
- Liên danh tao rất cần đến mày. Mày có tài ăn nói, sẽ là cổ động viên đắc lực cho liên danh tao, nhất là ở các lớp đệ nhất cấp. Dĩ nhiên, tao chỉ xin mày góp sức trong giai đoạn vận động này mà thôi. Sau đó, tao hứa sẽ để mày yên trí học tập cho đúng với ý mong của thầy. Mày nghĩ sao Trân? Có thể giúp tao được chứ?
Con ngồi yên lặng không đáp. Hồng nói:
- Tao hiểu mày đang đắn đo. Mày không muốn làm trái lời hứa với thầy Bằng và anh mày, nhưng tao chắc chắn, mày cũng không muốn để tụi tao, nhất là Thủy, phải thất vọng.
Hồng nói rất đúng. Không hoạt động, con bồn chồn không yên. Thủy ra tranh cử dù thế nào đi nữa, con cũng thấy là mình cần giúp bạn. Nhưng…
Tiếng Thủy cứ vẳng bên tai con, nào liên danh nhỏ gồm những ai, nhỏ đảm nhận chức vụ gì trong đó… Những cái tên quen thuộc của một số bạn bè đã hoạt động chung năm ngoái chừng như không thấu nhập được vào trí óc con, chừng như có một hàng rào ngăn cản…
Chuông vào học reo vang. Hồng gom ba cái ly trả chủ quán. Thủy đứng dậy cùng con. Nhỏ nói:
- Mày nghĩ kỹ đi nghe. Xem có thể giúp tao được không. Tao hy vọng là mày sẽ nhận lời.
Chúng con chia tay. Con bước chầm chậm về phía lớp học. Có tiếng chân chạy xầm xập của mấy cô nhỏ nghịch ngợm. Con thấy những lá phiếu giơ cao bỏ vào thùng thăm. Có nụ cười trên môi Thủy hay cái nhăn mặt của bạn? Con biết tính sao bây giờ, thầy ơi?
° ° °
Thầy đập thước, lớp vẫn ồn ào. Phương, nhỏ trưởng lớp ngoái ra sau nạt:
- Im dùm chút coi tụi bây, thầy phạt cả lớp bây giờ.
Vẫn không cản được sự ồn ào. Những tràng pháo tay hay những tiếng la ó từ lớp bên cạnh thỉnh thoảng lại vang lên gây ra tình trạng nhốn nháo trong lớp. Có lẽ không lâu lắm, đại diện hai liên danh tranh cử sẽ sang lớp con để vận động. Thầy lại đập thước. Và trong cái ồn ào bướng bỉnh thầy lật sổ điểm:
- Vũ Thúy Lan!
Nhỏ Lan đứng lên trong sự im lặng đột ngột của cả lớp. Thầy nói:
- Đem tập Grammaire lên trả bài.
Nhỏ Lan nhăn mặt đau khổ. Có lẽ nhỏ thầm trách cả lớp gây ồn ào để nhỏ trở thành nạn nhân. Cả lớp học im phăng phắc. Thầy đón lấy tập của nhỏ Lan, nhưng để nhỏ đứng nguyên trước bàn, chưa hỏi bài vội. Thầy hướng xuống dưới lớp nói:
- Các chị làm phiền tôi hết sức. Chừng nào người ta đến, tôi cho các chị tự do mà. Tôi có cấm đâu. Bài học chỉ còn một đoạn ngắn cuối cùng mà các chị cũng không cho tôi dạy nốt. Các chị chê môn Pháp văn sinh ngữ 2 này hệ số nhỏ chắc? Tôi đã nói từ đầu năm, chị nào không muốn học giờ này thì cứ nghỉ, tôi không phạt.
Thầy không dùng tiếng các con êm dịu như mọi khi, mà nhấn mạnh tiếng các chị. Ngồi dưới lớp, chẳng cần đứa nào giải thích, chúng con tất cả cùng ngầm hiểu thầy đang giận. Tự nhiên có những cánh tay khoanh lại ngoan ngoãn. Một vài nhỏ cúi đầu không dám nhìn lên. Phương nhìn quanh lớp rồi đứng lên:
- Thưa thầy, con thay mặt các bạn xin thầy tha lỗi cho chúng con.
Thầy cúi xuống xem tập của nhỏ Lan mà không đáp. Phương ấp úng:
- Thưa thầy…
Có tiếng gõ cửa. Chúng con nhìn ra cả phía hành lang. Nơi đó, lố nhố cả chục người. Thầy trả tập vở lại cho nhỏ Lan, nói:
- Thôi, cho con về chỗ.
Nhỏ Lan mừng hơn bắt được vàng, vội vã trở về. Thầy ra trước cửa lớp, tiếp chuyện với giáo sư hướng dẫn hai liên danh. Họ lục tục kéo cả vào. Thầy trao lớp học cho giáo sư hướng dẫn rồi ra ngoài hành lang đứng. Trong những lời giới thiệu của vị giáo sư hướng dẫn, con nghe tiếng diêm quẹt xoè lên, rồi thấy làn khói thuốc phảng phất ngoài hành lang. Con nhớ lại lời kể của thầy ngày nào. Thầy bị yếu phổi, bác sĩ khuyên không nên hút thuốc, thầy nghe theo lời khuyên nhưng thường khi buồn quá, thầy lại cãi lời khuyên đó. Thầy hút thuốc. Điều đó khiến con hiểu là thầy đang buồn. Có điều, không hiểu thầy buồn lớp chúng con ồn ào trong giờ học hay buồn vì sự tranh đua của hai liên danh học sinh ứng cử ban điều hành trường?
Hai liên danh có hai người đại diện lên trình bày lập trường của mình. Trong hai người ấy, Thủy là một – mà đáng lẽ, vai trò của Thủy là của con. Thủy nói trơn tru và duyên dáng. Nhưng những tiếng vỗ tay cũng chỉ vang lên rời rạc và ngắn ngủi như sau khi đại diện của liên danh kia dứt lời. Cả lớp chúng con còn lòng dạ nào nữa, chúng con còn đang mắc nợ thầy một cái lỗi mà chúng con xin chưa được. Chúng con vỗ tay vì lịch sự tối thiểu thế thôi. Trong sự tẻ nhạt lan tràn khắp lớp, nhóm vận động từ giã để sang lớp kế bên. Chúng con vỗ tay đưa tiễn, vẫn thưa và ngắn. Những người kia ra khỏi lớp túm đầu nhau thì thào, có lẽ ngạc nhiên về thái độ thờ ơ của lớp con đối với họ.
Thầy bước vào lớp. Bốn mươi mấy đứa học trò im lặng như tờ. Tiếng lật tập của nhỏ nào đó vang lên rõ mồn một. Phương lại đứng lên:
- Thưa thầy, chúng con…
Thầy đang bước chầm chậm bỗng đứng lại. Thầy khoác tay ra dấu bảo Phương im lặng. Thầy nhìn chúng con một lượt. Bốn mươi mấy đứa cùng hồi hộp vô chừng. Rồi thầy chợt mỉm cười. Chúng con thở phào nhẹ nhõm. Thầy đã tha thứ cho chúng con. Thầy nói:
- Các con lật sách ra, mình học tiếp đoạn cuối.
Tiếng lật sách, tập vang lên. Cuốn Mauger chừng tươi hẳn lên, hoà đồng niềm vui vừa len nhẹ hồn con. Thầy đi xuống giữa lớp, bắt đầu lên tiếng giảng. Nét mặt thầy rạng tươi hẳn. Tươi như lúc thầy hỏi con: “Con có đi vận động cho liên danh Thủy không?” Và con đáp: “Thưa thầy không, con đã hứa với thầy, với anh An con rồi”.
° ° °
Chỉ kém vài trăm phiếu, liên danh của Thủy đành chịu thua liên danh kia, liên danh mà lúc đầu, ai cũng tưởng sẽ thua xa. Họ đã đạt thắng lợi nhờ số phiếu ủng hộ của các lớp đệ nhất cấp trong khi liên danh của Thủy chỉ được các lớp đệ nhị cấp, ít hơn, tín nhiệm. Học sinh truyền miệng nhau và chỉ trong một buổi, toàn trường đã biết kết quả dù rằng thông cáo chính thức chưa được loan báo.
Thủy rươm rướm nước mắt, cắn môi không nói một lời nào. Nét nhí nhảnh thường ngày không còn tìm được nơi nhỏ nữa. Thật lâu, nhỏ mới nói với con:
- Tụi tao sẽ bất hợp tác.
- Sao trong lúc vận động, hai liên danh cùng hứa là dù thắng hay thua, hai liên danh vẫn làm việc chung với nhau.
Thủy nhếch mép:
- Nói để mà nói thế chứ nếu đoàn kết được thì đã không có hai liên danh.
Nắng nhạt chậm. Sân trường vắng vẻ với vài ba tà áo trắng nhởn nhơ. Giờ học thứ năm buổi chiều vẫn thế. Giáo sư, học sinh sau bốn tiếng đầu chừng như muốn kiệt sức. Thầy Giám Thị cũng lười bấm chuông. Ngoài cổng trường, trên mặt đường, đầu con dốc nhỏ, còn vài ba học sinh đón xe trễ đứng xúm lại chuyện trò. Con từ giã Thủy:
- Tao về trước nghe.
Thủy gật đầu nhẹ. Con ái ngại:
- Mầy có trách gì tao không?
Thủy lắc đầu rồi đi thẳng. Chuông báo hiệu đã đến giờ học thứ năm vang lên. Một cơn gió tạt qua, tà áo của Thủy tung lên, dáng nhỏ gầy gầy xiêu vẹo. Con nghĩ đến ý nghĩ mấy ngày nay. Con có trách nhiệm trong việc thất cử của liên danh Thủy chứ? Con đối với bạn như thế mà đành lòng được sao? Không giúp gì cho bạn, cũng không cả những lời rỉ tai bạn cùng lớp. Hồng nói với con:
- Mày xấu lắm. Trước khi đến lớp mày, Thủy nó tin chắc liên danh nó sẽ được lớp mày ủng hộ, thế mà không ngờ…
Không lẽ con đem chuyện chúng con làm thầy buồn hôm đó ra để biện hộ. Dù sao đi nữa, mọi chuyện cũng đã xong xuôi. Con cũng đã ân hận.
Con bước lần lên con dốc, con dốc mà hôm nào, trong một câu chuyện, Vượng gọi là con dốc thủy chung của ngôi trường đã quá nhiều thay đổi. Tiếng phản lực cơ từ đằng phi trường thật xa gầm gừ. Con đứng nơi lưng chừng dốc nhìn vào sân trường. Trong đó thật vắng vẻ. Nhưng trong một lớp học, có Thủy ngồi đó, không biết nhỏ có dồn được gì vào tâm trí sau những giờ mệt mỏi và khi nỗi buồn xâm chiếm? Có điều, chắc chắn, vương vấn trong cái quạnh hiu của ngôi trường đáng mến, có niềm ân hận của con.