Số lần đọc/download: 2511 / 42
Cập nhật: 2015-07-30 00:41:14 +0700
Chương 4: Nửa Đêm Dạ Quỷ Viếng Chùa
B
ệnh Hiệp thấy Tâm Đăng nhận lời, lòng mừng khấp khởi, nắm chặt lấy vai Tâm Đăng mà nói:
- Mi đã hứa... mi hứa thật sự... chẳng dối ta?
Tâm Đăng nước mắt lưng tròng, nức nở:
- Tôi không nói dối, tôi là người nhà Phật, tôi không biết nói dối.
Bệnh Hiệp nghe nói ha hả cả cười, nhưng tiếng cười có vẻ mệt nhọc lắm.
Ông ta nhổm dậy bảo:
- Ngày mai ta nghỉ một hôm, bắt đầu từ ngày kia mi lại phải vào hang tối cho ta dạy võ.
Nói rồi lão lách mình đi ra khỏi điện. Tâm Đăng nhìn theo bóng dáng gầy gò khấp khểnh của ông ta, mà nổi lên một nỗi lòng chua xót.
Chú thở dài lẩm bẩm:
- Bắt đầu từ ngày kia, ta lại trở về biển khổ của đời!
Sáng ngày hôm sau có một vị Lạt Ma ở Sắc La tự tên là Thanh Lộc mang bức thư của Đạt Lai đến Bố Đạt La Cung, do Mạc Cổ đọc cho chúng tăng được rõ.
Đại ý trong thư nói rằng, Đạt Lai không rảnh đến Bố Đạt La Cung nên tạm thời giao quyền cho Mạc Cổ trụ trì. Mười hôm sau, Đạt Lai sẽ chọn một vị cao tăng đến thế chức.
Bố Đạt La Cung bắt đầu yên tĩnh trở lại.
Phần Tâm Đăng thì vẫn tu hành một cách khổ hạnh, hễ có thì giờ thì dâng hương niệm Phật, dường như chú muốn lợi dụng thời gian một năm cuối cùng này, nỗ lực tu hành để hiểu thêm Phật pháp.
Qua đêm hôm sau, đó là một đêm tối trời, sao thưa trăng lặn. Tâm Đăng buồn bã, âu sầu lần mò vào hang tối để tìm Bệnh Hiệp.
Lần này, Bệnh Hiệp đối với Tâm Đăng không còn gắt gỏng như xưa nữa, ông ta hết lòng hết dạ truyền Đại Thừa thần công cho chú.
Thời gian đi thật nhanh, thấm thoát mà đã mười hôm lại qua.
Bố Đạt La Cung đổi một vị trụ trì mới, đó là Điệp Bố đại sư.
Đời sống của Tâm Đăng từ đây thật là trầm lắng, ban ngày chú tụng kinh gõ mõ, ban đêm lần mò vào hang thẳm học Đại Thừa thần công.
Mặc dầu chú chưa bước chân đến chỗ giang hồ nhưng nhờ Cô Trúc hết lòng dạy bảo bản lĩnh của chú nay đã thuộc hàng cao thủ.
Bây giờ lại học thêm Đại Thừa thần công, chàng thấy đó là một võ học thật cao thâm và hữu ích, trong lòng lấy làm mừng rỡ, biết rằng nếu mình học được trọn vẹn, nghệ thuật sẽ tăng tiến gấp mười lần.
Đêm đó, theo lệ thường, Tâm Đăng lần mò vào động, sau khi gặp Bệnh Hiệp ông ta bảo với Tâm Đăng:
- Đại Thừa thần công mi đã học đủ, bây giờ phải trải qua Thất Kiếp thì thần công tự nhiên có thể ứng dụng, bây giờ mi hãy theo ta.
Dứt lời, Tâm Đăng nghe thấy ông ta di chuyển thân hình, chú vội vã nghe theo tiếng động mà bước theo.
Đi quanh qua lộn lại một hồi, Tâm Đăng thấy dưới chân mình ẩm ướt lắm, thì ra đó là một vùng ứ nước, mực nước ngập đến mắt cá chân, hơi lạnh thấu xương.
Chợt nghe Bệnh Hiệp nghiêm giọng nói:
- Bây giờ mi phải ngồi ròng rã dưới nước này bảy ngày bảy đêm, và hơn nữa... nước lạnh lắm nhưng mi nhờ có Đại Thừa thần công nên có thể chống lại hơi lạnh, chừng nào mi nghe thấy thân thể ấm áp là mi đã qua được một lần tai nạn, và phải trải qua bảy lần như thế mới gọi là thành công. Trong bảy ngày ta sẽ mang đồ ăn đến cho mi.
Tâm Đăng nghe nói, giật mình gượng hỏi:
- Thế chừng nào mới bắt đầu?
Bệnh Hiệp trả lời:
- Bắt đầu ngay từ giờ phút này.
Tâm Đăng cắn răng nói thầm:
- Thôi bất chấp, đức Phật ngày xưa phải trải qua trăm lần tai nạn mới thành chính quả, nay ta chịu nạn bảy lần thì thấm vào đâu.
Chợt nghe Bệnh Hiệp nói:
- Bây giờ mi hãy ngồi ngay ngắn và bắt đầu...
Tâm Đăng vội ngồi xếp bằng xuống nước, bỗng nghe hơi lạnh xông tới đan điền, toàn thân run lên bần bật.
Chàng vội vận dụng Đại Thừa thần công ngự hàn, chống chọi thật lâu với hơi lạnh mới thấy lần lần giảm bớt, toàn thân đại huyệt lần lần cảm thấy thư thả...
Cố gắng chịu đựng như thế đến ngày thứ năm thì hơi lạnh ngày càng giảm bớt, từ đan điền bắt đầu tỏa ra một làn hơi ấm áp.
Lại qua một ngày nữa, Tâm Đăng cảm thấy khoẻ khoắn lắm.
Đến ngày cuối cùng, Tâm Đăng cứ ngồi dưới nước mà nhập định tham thiền, Bệnh Hiệp mang đồ ăn đến mà chú vẫn không hay.
Ông ta thấy vậy, vội sờ tay vào ngực của Tâm Đăng, thấy có một làn hơi ấm áp, mừng rỡ vô cùng.
Tiếp theo đó, Tâm Đăng lại trải qua sự chịu đựng về gió, về hơi nóng, về sự đau đớn, về sự đói rét, mỗi lần đều phải trải qua bảy ngày. Tâm Đăng cảm thấy trong cái hang tối âm u này thật chứa đựng nhiều điều bí mật, lần lần... hai mạch Nhâm, Đốc của chú được đả thông, và vô tình chú đã luyện được đến giai đoạn Kim Thân Bất Hoại Thể.
Vượt qua sáu lần khó khăn, tức Lục Kiếp, Bệnh Hiệp mới cười nói rằng:
- Tâm Đăng! Mi thật là một bậc kỳ tài, ta không qua nổi Tam Kiếp mà mi vượt qua Lục Kiếp, thật là đáng khen cho đó, bây giờ còn một kiếp cuối cùng là Tâm Kiếp, đoạn đường này là đoạn đường khó khăn nhất, chông gai nhất, nhưng may nhờ mi xuất thân là người cửa Phật, chắc có lẽ dễ thành công. Bây giờ mi hãy về chùa ngơi nghỉ, ba ngày sau sẽ trở lại.
Tâm Đăng mừng rỡ, lạy tạ Bệnh Hiệp mà lui ra, bất giác chuyến đi này, Tâm Đăng đã lưu lại trong hang tối bảy lần sáu là bốn mươi hai ngày.
Tâm Đăng vừa đến chùa, đồng đạo hỏi thăm rối rít, nhưng nhờ chú ứng đối lưu loát nên cũng tạm qua.
Ba ngày say Tâm Đăng lại trở về hang tối.
Nhưng mới bước vào cửa hang chú vụt cảm thấy lạ, vì rằng mọi lần trong hang tối tăm u ám, nhưng lần này không biết có ánh sáng từ đâu rọi vào, đường sá trông thật rõ ràng, làm cho Tâm Đăng lấy làm lạ tự hỏi:
- Bây giờ vào lúc về đêm, cớ sao trong hang lại sáng sủa thế này?
Đi sâu vào bên trong thấy Bệnh Hiệp đang bó gối tựa vào tường, bên mình ông ta có một bộ xương khô, Tâm Đăng vội thi lễ hỏi:
- Thưa sư phụ, cớ sao đêm nay trong này sáng rực?
Câu hỏi chưa dứt thì Bệnh Hiệp mừng rỡ hỏi rằng:
- Trong động sáng thật ư?
Tâm Đăng vội trả lời:
- Phải, sáng như ban ngày.
Bệnh Hiệp ha hả cười:
- Tốt lắm, mi vượt qua được giai đoạn Tâm Kiếp thì có thể biến thành Kim Cang Bất Hoại Thân.
Tâm Đăng không hiểu, hỏi Bệnh Hiệp, ông ta trả lời rằng:
- Trong động này vẫn tối như xưa, nhưng mi sở dĩ nhìn thấy sáng như ban ngày vì mi đã luyện thành Đại Thừa thần công, cặp mắt của mi bây giờ quí giá vô song, nhãn lực của những người luyện võ tầm thường không thể nào so sánh được.
Tâm Đăng nghe nói mừng rỡ khôn cùng, lại nghe Bệnh Hiệp cười rằng:
- Bây giờ mi hãy ngồi xuống nghe ta thổi sáo.
Tâm Đăng biết đây là cửa ải cuối cùng nên không dám chểnh mảng, vội vàng vâng lời ngồi xuống.
Bệnh Hiệp thò tay vào ống tay áo rút ra một ống sáo bé tí teo nói rằng:
- Bất luận những người tu hành hay những người luyện võ trong lòng đều có Tâm Ma, nếu có thể trừ được Tâm Ma thì có thể vượt hơn người thường, tên tục của mi là Chính Dung, pháp danh là Tâm Đăng, vậy thì mi phải giữ cho lòng mình trong suốt như hai chữ Tâm Đăng vậy.
Tâm Đăng gật đầu, tỏ vẻ đồng ý, gã ngồi xếp bằng tròn, nhắm nghiền cặp mắt tập trung tinh thần ý chí.
Chợt nghe bên tai vang lên một tiếng sáo trong veo như tiếng hạc lưng trời, tiếng sao nhẹ như một đường tơ, khi đứt khi nối, lững lờ theo tiếng gió đưa vào.
Tâm Đăng cảm thấy tiếng sáo thật là não nùng ai oán, như khóc như than, như oán như hờn, có lúc như vượn hú đầu non, có lúc lại như chim kêu cuối bãi, làm cho cõi lòng của Tâm Đăng bất giác não nề chua xót, tâm chú rung động...
Chính vào lúc thần hồn điên đảo, bỗng nhiên tiếng sáo thình lình thay đổi.
Giọng sáo từ chỗ tha thiết, não nùng đổi sang rầm rộ như thiên quân vạn mã, như dông tố bão bùng, như chiêu hồn bá tánh, thật là thảm thiết nhất trần gian.
Trong lòng của Tâm Đăng theo tiếng sáo mà bi ai thống khổ, chợt tiếng sáo đổi sang giọng khác.
Lần này nhẹ nhàng như én lượn qua rèm, như cánh chuồn đớp bọt, như muôn hoa đua nở, muôn hồng nghìn tía, có lúc lại thanh tao lảnh lót như ngọc rơi vào đĩa, thế rồi tiếng sáo ngưng bặt.
Tiếng sáo đã ngưng nhưng cõi lòng của Tâm Đăng vẫn còn thổn thức rào rạt, dường như muốn bay bổng đến một phương trời xa lạ, nơi ấy có một người thân đang tựa cửa ngóng chờ.
Trong chớp mắt, tâm hồn của chàng bừng bừng trỗi dậy, nào là bảo kiếm của người tráng sĩ, sắc đẹp của bậc giai nhân, giáp trụ đều thể hiện lên một cách say mê cuồng loạn.
Thình lình... trong ảo tưởng của chú vang lên một tiếng kêu thê thảm, trước mắt chú đen sầm lại, bên tai chú văng vẳng lên hai tiếng kêu não nùng:
- Con ơi! Con ơi!
Vậy thì ta là con ai? Mẹ ta là ai? Giờ này ở đâu? Còn sống hay chết? Cha ta là ai? Ai làm cho gia đình ta tan nát?!...
Những câu hỏi mơ hồ mà đáng sợ đó như những đợt sóng hải triều dâng lên trong tâm khảm, làm cho tâm hồn chú điên đảo bồi hồi!...
Ngần ấy câu hỏi hỗn tạp và đáng sợ bỗng nhiên bị một tiếng thanh thoát yểu điệu đuổi mất, tiếng đó thật là trong trẻo nhẹ nhàng, mà hương thơm thoang thoảng...
Quá nhiều ý tưởng phức tạp dồn vào tâm tư, làm cho chú kinh hoàng, sợ sệt, xen lẫn với vài nét vui mừng....
Những ngần ấy tâm tư chính là Tâm Ma của Tâm Đăng vậy.
Bệnh Hiệp ngồi bên cạnh, đăm đăm nhìn Tâm Đăng không chớp mắt, ông ta nhìn thấy sắc mặt của Tâm Đăng khi xanh khi đỏ, mồ hôi vã ra đầy trán, chiếc áo cà sa của chú ướt đầm đìa.
Trong lòng ông ta đăm chiêu lo lắng, khấn thầm:
- Xin Trời Phật phù hộ cho Tâm Đăng qua khỏi bảy ngày bảy đêm để vượt qua cửa ải cuối cùng....
Đến ngày thứ tư, sắc mặt của Tâm Đăng dần dễ chịu ông ta mới vững dạ.
Thì ra đây là một giai đoạn khó khăn nhất trong Thất Kiếp, đây là một việc làm mạo hiểm mà ông ta đem sinh mạng của Tâm Đăng ra thử thách, bây giờ ông ta yên trí lắm vì ông ta đã thắng.
Đến ngày thứ sáu, sắc mặt của Tâm Đăng trở lại bình thường, hơi thở điều hoà, sắc diện phương phi.
Vào nửa đêm ngày thứ bay, Tâm Đăng bỗng thình lình tỉnh lại, như một người đau mới mạnh, tứ chi rũ liệt, chân khí dường như tản mác, tiêu tan.
Tâm Đăng nhướng mắt nhìn thấy Bệnh Hiệp đang ngồi tựa lưng vào tường, nhắm nghiền cặp mắt.
Chú nói:
- Bệnh sư phụ, con đã trải qua Tâm Kiếp.
Giọng nói của chú yếu ớt, mà Bệnh Hiệp cũng tiều tuỵ lắm, vì rằng trót tháng nay ông đã mệt nhọc rất nhiều, bây giờ đang ngồi yên dưỡng thần.
Nghe Tâm Đăng nói chuyện, ông ta biết chú đã tỉnh lại, vội vàng nhướng mắt lên, trên khuôn mặt của ông ta tràn đầy vui sướng, ông ta nói:
- Bây giờ thì mi không nên trách ta như khi xưa nữa, mi nghĩ thử xem mi học môn võ công này đâu có trở ngại cho việc tu hành của mi.
Tâm Đăng nghĩ đến lúc trước khi chú đang tụng kinh trong Bố Đạt La Cung, Bệnh Hiệp xuất hiện một cách bất thần quấy rầy bị chú từ chối một cách tàn nhẫn, rốt cuộc thầy trở lại năn nỉ trò để truyền võ nghệ, việc này thật là phá cái lệ từ nghìn xưa để lại...
Nghĩ đến đó, chú bất giác hổ thẹn vô cùng.
Bệnh Hiệp lại nhắc:
- Bây giờ mi hãy ngồi yên dưỡng thần thêm một ngày một đêm nữa thì có thể tự do ra về Bố Đạt La Cung.
Tâm Đăng gật đầu, Bệnh Hiệp lại nói:
- Mi trở về chùa rồi đừng trở lại đây nữa, vì ta phải đi một nơi khác, một tháng sau chúng ta lại gặp nhau.
Nói rồi chuệnh choạng đứng dậy, Tâm Đăng biết ông ta sắp rời khỏi mình, hốt hoảng gọi:
- Sư phụ đi đâu?
Bệnh Hiệp mỉm cười, xoa đầu Tâm Đăng mà nói:
- Khi xưa mi đuổi ta, bây giờ ta muốn đi thì mi kêu lại.
Tâm Đăng nức nở nói:
- Sư phụ hãy nán lại để đệ tử có dịp săn sóc thuốc men.
Bệnh Hiệp nghiêm trang trả lời:
- Mi có lòng tốt đó, ta lấy làm cảm kích nhưng ta phải đi vì chúng ta sẽ lại gặp nhau.
Dứt lời, ông ta mỉm cười và lui gót, chỉ còn lại Tâm Đăng nhắm mắt dưỡng thần dưới hang sâu.
* * * * *
Tâm Đăng trở về chùa đã ba hôm rồi, ban ngày tụng kinh, ban đêm luyện võ.
Chú biết đã có duyên với nghề võ thì dầu sao trong tương lai không thể tránh khỏi tai ương, nên bây giờ chú tụng kinh niệm Phật và tu hành dữ lắm, e rằng sau này không có thì giờ để gần Phật nữa.
Chú quyết định rằng, đời sống của chú thay đổi thế nào đi nữa, ví dụ như hoàn tục chẳng hạn thì cũng có ngày chú trở về đây nương bóng Phật đài, và chú sẽ ở lại vĩnh viễn dưới chân bồ tát.
Đêm ấy, Tâm Đăng từ trong đại điện đi ra, bên ngoài gió lạnh thổi từng cơn, chú ngửa mặt nhìn vầng trăng vành vạnh, nghĩ thầm:
- Vào tháng này năm tới ta sẽ rời khỏi nơi đây.
Nghĩ đến đó, trong thâm tâm chú bàng hoàng khôn tả xiết, dường như chú lưu luyến ngôi chùa này lắm.
Đang nghĩ ngợi triền miên, thình lình thấy sau lưng mình gió dậy vì vèo, Tâm Đăng vội vàng nhón gót theo thế Thừa Phong Truy Lãng, thân hình của chú bắn vút về phía trước hơn một trượng.
Chưa kịp quay đầu nhìn lại, sau lưng chú vang lên một chuỗi cười rùng rợn, và gió lại nổi lên vi vút.
Tâm Đăng rợn tóc gáy nghĩ thầm:
- Chính tên này là hung thủ giết hòa thượng đây!
Không kịp quay đầu lại, chú sử luôn một thế Thừa Phong Truy Lãnh bắn vút về phía trước thêm một lần nữa.
Chân chưa chấm đất thì trên đầu chú gió lại nổi vì vèo, thì ra người này tấn công hụt một đòn, bây giờ biết trước nên chẳng để cho Tâm Đăng kịp thời đối phó, vượt trước mà tung ra một đòn thần tốc.
Tâm Đăng nhác trông thấy một chiếc bóng mờ từ trên phủ xuống, giương hai tay ra chụp lấy đầu chàng.
Chú giật mình, dựng hai bàn tay đẩy mạnh về phía trước, để cho thân hình bắn vù ra phía sau bảy thước, mới tránh khỏi song chưởng độc ác đó.
Chú gằn giọng hỏi:
- Thí chủ cớ sao lại vấn vít với tôi...
Người ấy nhẹ nhàng đáp xuống trước mặt của Tâm Đăng, chú nhìn kỹ thấy đó là một lão già tuổi ngoại thất tuần, mặt vuông mày rậm, thân thể khôi ngô vạm vỡ.
Lão già ấy ha hả cười:
- Tiểu hòa thượng..., hèn chi những nhân vật trong làng võ Trung Nguyên thảy đều lũ lượt đến nơi đây, chỉ vì tiểu hòa thượng.
Tâm Đăng nghe câu nói nửa úp nửa mở này, trong lòng lấy làm nghi hoặc, vội chắp tay làm lễ hỏi:
- Lão thí chủ! Tiểu tăng nghe không thấu lời nói của thí chủ, tiểu tăng là người xuất gia xin thí chủ tha cho.
Lão già nghe nói lại ha hả cả cười:
- Xem mi thật giống người xuất gia, nhưng mi đừng sợ, ta không có ác ý, chỉ có một điều...
Tâm Đăng thấy sắc mặt của người này không phải là người lương thiện, không muốn nói dài dòng, vội trả lời:
- Thí chủ có việc gì xin hãy nói gấp, tiểu tăng còn có nhiều việc chưa làm.
Người ấy lại buông ra một chuỗi cười quái dị, ngắm nhìn Tâm Đăng không chớp mắt, nói một cách đắc chí:
- Hay cho tiểu hòa thượng, cốt cách của mi thật là phi phàm, ta hỏi mi, mi có biết ta là ai chăng?
Tâm Đăng lắc đầu:
- Tôi không biết.
Người ấy cười lanh lảnh:
- Ta họ Vạn tên Tiềm, biệt hiệu Dạ Quỷ!
Tâm Đăng nghe nói giật mình nghĩ thầm:
- Cứ cái biệt hiệu đó thì hắn không phải là người tốt, ta phải tìm kế tránh trước là hay.
Vạn Tiềm nói:
- Mi xuất gia từ thủa bé, nên không biết những việc trong chốn giang hồ. Khi ta còn ở Ngọc Thọ, nghe người ta đồn đại rằng trong Bố Đạt La Cung có một pho kỳ thư, và có một kỳ tăng, hai vật này nếu được một có thể giải được một việc đại sự trên chỗ giang hồ, vì vậy mà ta chẳng nề đường xa vạn dặm tìm đến nơi nay... vì việc này có liên quan đến ta...
Nghe Vạn Tiềm nói tới đây, Tâm Đăng nghĩ thầm:
- Hèn chi Bệnh Hiệp, Lư Âu đều đến chỗ này, thì ra chỗ này có một điều bí mật.
Vạn Tiềm tiếp tục nói:
- Ta đến đây đã bảy ngày, ta đã soát qua cả bảy nghìn mấy Lạt Ma, mà không thấy người nào xuất chúng. Còn pho kỳ thư đó, ta đoán đã không còn ở trong chùa này nữa, bởi vì Bố Đạt La Cung xảy ra nhiều vụ lưu huyết, ta biết trong này có nhiều điều bí ẩn.
Tâm Đăng lại nghĩ:
- Thằng già này khá thông minh.
Vạn Tiềm tiếp tục nói:
- Ta biết ở nơi đây đã có vài ba người đến trước, ta xem võ công của mi quá cao, đủ biết mi đã trải qua trên mười năm luyện tập.
Tâm Đăng nghe nói giật mình thầm nghĩ:
- Lão già này thật có nhãn lực, nhìn thoáng qua cũng biết ta học võ bao nhiêu năm, không biết lai lịch của lão ra làm sao.
Thần sắc của Vạn Tiềm rất thư thả, dường như đang trò chuyện với một người thân vậy, ông ngọt ngào hỏi Tâm Đăng:
- Thầy mi là ai? Ta nghĩ rằng thầy mi đến xứ này trên mười năm mà truyền võ cho mi, thì dụng ý của ông ta không phải vì việc ấy. Nếu bảo rằng vì việc ấy mà lặn lội đến đây truyền võ cho mi suốt mười năm trời thì dụng ý của người này chắc là cao thâm lắm. Bây giờ ta không nói dài dòng lôi thôi nữa, ta hỏi mi một việc?
Tâm Đăng cau mày, lấy làm khó chịu hỏi:
- Vạn thí chủ hỏi điều chi?
Vạn Tiềm do dự một chút, thoáng nở một nụ cười hỏi:
- Võ nghệ của mi cao siêu lắm nhưng vẫn chưa phải là một tay vô địch trong thiên hạ, vậy mi có bằng lòng học thêm vài món nghề riêng nữa không?
Tâm Đăng lại giật mình đánh thót, bụng bảo dạ:
- Lại có người muốn truyền võ cho ta, thật là kỳ quặc!
Tâm Đăng lúc bấy giờ đã chán chường võ nghệ, nghe Vạn Tiềm nói thế lắc đầu quầy quậy, trả lời:
- Tôi là người trong cửa Phật, Vạn thí chủ đừng tìm cách vấn vít làm cho tôi phải khổ vì đời.
Vạn Tiềm nghe nói trợn mắt thét vang:
- Câm mồm lại! Thằng Dạ Quỷ này muốn làm việc gì thì làm cho kỳ được, thuận ta thì còn, nghịch ta thì chết.
Câu nói của lão ta chưa dứt thì Tâm Đăng đã chắp tay lẩm bẩm:
- A di đà Phật! Nhà ngươi dùng cái chết để uy hiếp người xuất gia thật là một việc buồn cười. Xin hỏi thí chủ, sống là đâu, chết là đâu? Cái sống cái chết chẳng qua nằm chung trong một thể...
Vạn Tiềm thấy Tâm Đăng không có vẻ sợ hãi mà còn đem giáo lý nhà Phật ra thuyết với mình, cả giận thét vang:
- Tiểu hòa thượng! Mi có bằng lòng học võ không thì bảo?
Tâm Đăng ngang nhiên trả lời sang sảng:
- Thưa thí chủ, tôi là con nhà Phật, tôi không học những nghề giết chóc lẫn nhau.
Vạn Tiềm buông ra một chuỗi cười kinh rợn:
- Miệng lưỡi thật là chua ngoa, nằng nặc quyết cho mình là con nhà Phật, để ta xem trong lòng ruột mi có bao nhiêu Phật?
Câu nói vừa dứt, hắn vươn bàn tay hữu tống ra một chưởng, một luồng sức mạnh tức tốc ập vào ngực của Tâm Đăng làm cho chú phải bắn lùi hơn một trượng.
Vừa đứng vững chú tức tốc xoay mình chạy ra khỏi chùa nhanh như biến.
Thì ra Tâm Đăng biết mình không thể không ra tay chiến đấu với người này, sợ ở trong chùa làm kinh động đến đồng đạo, nên giả vờ chạy tuốt ra ngoài tìm chỗ vắng vẻ mà so với tên này một trận.
Vạn Tiềm chẳng rõ tâm tư của Tâm Đăng, ngỡ rằng chú sợ hãi mà chạy trốn, nên thong thả đuổi theo sau lưng một cách đắc chí, lão nghĩ thầm:
- Hãy để cho nó ra khỏi chùa rồi trị cho nó một mẻ, chừng đó nó mới không dám nghịch ý ta, hà hà... Nếu việc mà thành công thì...
Nghĩ đến đây lão mừng lắm, cười vang không ngớt tiếng. Ở phía trước Tâm Đăng vẫn lầm lũi chạy như bay, trong lòng chú không sợ nhưng nổi lên một nỗi buồn man mác, nhiều nghi vấn hiện ra trong trí mà không thể nào giải quyết ổn thoả.
Không bao lâu, Tâm Đăng chạy đến chỗ đỉnh đồi mà ngày thường chú học võ với Cô Trúc. Thình lình chú dừng chân, quay phắt đầu lại nói:
- Thí chủ đừng đuổi nữa, tiểu tăng sẽ so tài với thí chủ tại chỗ này.
Vạn Tiềm ngã ngửa, thì ra Tâm Đăng không phải sợ mà chạy, cốt ý dụ mình ra đây để thử sức.
Nhưng ông ta không những không giận mà còn vui vẻ cả cười:
- Hay cho tiểu hòa thượng! Ta sẽ so với mi vài hiệp.
Vừa nói thân hình của lão nhảy xổ tới như một con chim đại bàng, trổ ra hai ngón móc một đường thần tốc vào huyệt Thiên Đột của đối phương.
Tâm Đăng nào dám ơ hờ, sử một thế Di Bộ Tẩu Cung, để cho thân hình lệch sang năm bước, tránh thoát hai ngón tay độc hiểm...
Liền đó chú đưa bàn tay hữu ra theo thế Xảo Đả Sơn Mai, ấn một chưởng kinh hồn vào đầu của Vạn Tiềm...
Vạn Tiềm đánh hụt chưa kịp giật mình thì đòn của Tâm Đăng đã tới, sức mạnh rào rào, thoáng nghe cũng biết công lực của chú tiểu này không sút kém mình bao nhiêu, bất giác trong lòng kinh hãi nghĩ thầm:
- Tiểu hòa thượng thật là lợi hại, không biết thầy nó là ai...
Vừa nghĩ đến đây thì bàn tay của Tâm Đăng uy hiếp một cách dữ dội, Vạn Tiềm vội rùn vai né tránh trong cái thế Hàn Giang Thí Điếu, năm ngón tay của lão như năm chiếc vòng sắt móc mạnh vào ngực của Tâm Đăng.
Chính vào lúc Vạn Tiềm biến thế thì Tâm Đăng thu tay trở về, thì ra đòn Xảo Đả Sơn Mai chỉ là đòn giả, khả hư khả thực...
Chờ khi ngón tay của Vạn Tiềm kê sát nách mình rồi, Tâm Đăng bất thình lình biến ra thế Tỳ Bà Hoạch Tuyến, dùng bàn tay của mình trảm vút vào mạch máu của đối phương.
Vạn Tiềm rú lên một tiếng kinh hoàng, rút phắt bàn tay trở về, tung hữu chưởng theo thế Tang Hải Tầm Chu, dùng hai ngón tay móc vào mắt của Tâm Đăng.
Tâm Đăng thấy đòn của người này quá ư ác độc, công lực lại cao, trong lòng cả sợ, nên đem hết bình sinh sở học ra đối phó.
Hai chiếc bóng xoắn tít vào nhau dưới bóng cây trên đồi như hai con chim bằng tranh đấu cùng nhau, thật là đáng sợ.
Hai người đó có biết đâu vào giờ này trên một cành cây cổ thụ có một người đang ngồi mỉm cười mà ngắm hai người đang đánh nhau.
Trong chớp mắt đã hai mươi hiệp trôi qua mà không phân cao hạ, Vạn Tiềm nổi cơn thịnh nộ la hét om sòm mà Tâm Đăng vẫn đối phó có thêm phần thanh nhã.
Cuộc chiến càng kéo dài, Vạn Tiềm thở hồng hộc, mồ hôi ra như tắm, mà dưới bóng trăng trên cành cây, người bí mật nụ cười khẽ nở trên môi của hắn.
Chiếc áo cà sa của Tâm Đăng tung bay trong gió thật là đẹp mắt.
Chính vào lúc cuộc chiến ác liệt, bỗng nhiên một chuỗi cười kinh rợn vang lên làm cho Vạn Tiềm và Tâm Đăng giật mình thối lui ba bước.
Dưới bóng trăng lạnh âm u, bỗng xuất hiện một bà già buông chuỗi cười lạnh lẽo.
Nhác trông thấy bà già, Vạn Tiềm sững sờ nhìn Tâm Đăng.
- Té ra mi là đồ đệ của mụ ta.
Câu nói chưa dứt, bà già đó chính là Lư Âu, trợn trừng quát lớn:
- Vạn Tiềm! Mi muốn chết hay sao mà động thủ với nó?
Vạn Tiềm nghe nói, run rẩy trả lời:
- Lư cô! Tôi không biết nó là học trò của cô...
Nói tới đây, Lư Âu cắt ngang:
- Mi yên trí, thằng nhỏ này không phải học trò của ta, thày của nó không phải tay vừa, nếu ông ta hay được, ông ta sẽ xé mi ra làm trăm mảnh...
Vạn Tiềm nghe nói, hú hồn thầm trong dạ, lẩm bẩm:
- Tên này không phải là học trò của cô, bằng không đêm nay ta chết như chơi...
- Ta không muốn nói dài dòng, mi hãy rời khỏi Tây Tạng trở về Tân Cương. Nơi ấy sa mạc mênh mông chẳng ai tìm theo mi làm gì, kể luôn kẻ thù của mi cũng không buồn đi tìm mi nữa, thôi... mi đi đi!
Vạn Tiềm thở phào một hơi nhẹ nhõm, như người vừa được ân xá, cảm ơn rối rít:
- Cảm ơn Lư cô hết lòng chỉ bảo, lần này tôi về Tân Cương, nếu...
Lư Âu tỏ vẻ khó chịu cắt ngang câu nói:
- Thôi thôi, cút đi cho rảnh, đừng lảm nhảm dài dòng.
Tâm Đăng nhịn không được, bật phì cười, Lư Âu nạt:
- Mi đừng cười, mi cũng chẳng phải là người tốt.
Tâm Đăng bị mắng sượng sùng, Lư Âu thấy Vạn Tiềm còn đứng đó lại mắng:
- Cút đi!
Vạn Tiềm giật mình, xoay lưng bỏ đi trong mồm càu nhàu một câu Tây Tạng:
- Mẹ kiếp!
Tiếng chửi chưa dứt thì bỗng thình lình ông ta rú lên một tiếng hãi hùng...
Xem tiếp chương 5 Một bí mật tày trời