Số lần đọc/download: 6226 / 19
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 4 -
S
au những ngày tháng chăm chỉ học tập cho kỳ thi cuối học kỳ, giờ đây hai cô bé được tự do thả hồn theo những ước mơ riêng của mình. Để “tẩm bổ” cho những ngày gian khổ ấy, Uyển Nhi lên tiếng đề nghị:
− Mai Nguyễn! Ta có ý kiến này, mi xe có được không nhé?
− Thì nhỏ cứ nói ta nghe. - Vẫn ngồi sau lưng ôm eo bạn, Mai Nguyễn hồn nhiên trả lời.
− Mấy ngày nay do “chiến đấu với sách vở, đối phó với những bài thi”, ta và mi đều mệt rã rời, lại bơ phờ hốc hác vì thức khuya dậy sớm. Nên hôm nay, ta cho phép mình được “xả láng” một bữa, chịu không?
− Nhỏ nói chuyện thi cử mà giống như ra chiến trận ghê. Ai đi ngang nghe được, cười cho ê mặt cả hai đấy. Mà nhỏ nói “xả láng” là “xả láng” điều gì mới được?
− Ý ta muốn rủ mi đi ăn để bồi bổ cơ thể đó. Nhìn mi tiều tụy xanh xao, ta thương lắm, mi ơi. Ta thì ngày nào cũng được mẹ dặn chị bếp nấu toàn thức ăn bổ dưỡng, còn mi… Ta biết mẹ không có khả năng lo cho mi nhiều như nhà ta. Ta thương mẹ, thương mi nên định giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, vậy mà lại bị chối từ. Mẹ thì ta hiểu và cảm thông được, còn mi… sao mi không chịu hiểu cho tấm lòng thành của ta đối với mi? Sao mi nỡ chối từ làm lòng ta đau xót?
Mai Nguyễn rưng rưng lệ khi nghe những lời nói xuất phát tận đáy lòng của bạn mình. Cô đáp:
− Ta biết nhỏ thương mẹ, thương ta, thương cảnh nhà neo đơn khốn khó của ta, nhưng xin nhỏ lại hiểu cho ta… Nhỏ hãy thử đặt mình vào vị trí ta, xem nhỏ có thể nào nhận sự giúp đỡ vô điều kiện của người bạn thân còn sống nhờ vả vào gia đình hay không? Nhận sự giúp đỡ của nhỏ là một việc, nhưng nhỏ còn đi học chưa kiếm ra tiền, đang sống nhờ vào gia đình, lẽ nào ta lại nhẫn tâm sống trên mồ hôi nước mắt, sức lao động của cha mẹ nhỏ. Nếu hai bác ấy biết việc này, sẽ nghĩ sao về mẹ ta? Ta không muốn mẹ ta buồn vì bất kỳ lý do nào cả. Nhỏ quên câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” hay sao?
− Vậy mi quên câu “lá lành đùm lá rách” ư? Trong trường, mỗi khi có phong trào cứu trợ đồng bào thiên tai lũ lụt, mi vẫn đóng góp vui vẻ, còn nói: “Cái này là lá rách đùm lá nát, phải không Uyển Nhi?” Huống chi ta, gia đình thuộc hạng khá giả lại không giúp đỡ được bạn mình trong khốn khó, ta có còn là ta nữa hay không? Mi muốn chỉ mình mi làm việc thiện để đức lại cho đời mà mi không cho ta làm theo, nghĩa là sao? Mi khôn vậy Mai Nguyễn.
Rồi Uyển Nhi đắc thắng nói tiếp:
− Ta không chịu thua mi, nhất định ta không để mi hơn ta đâu. Bắt đầu từ nay, ta sẽ chăm sóc, lo lắng cho mi như người chị lo cho em, để ta còn được tiếng thơm nữa chứ.
Biết bạn cố ý giúp mình, Mai Nguyễn chỉ cười trước câu nói “khẩu xà tâm phật” của bạn.
− Nói cho mi hay, ta không giúp đỡ, cho không mi đâu, mà ta có điều kiện đi kèm đó. Ta giúp đỡ mi một, mai này mi đi làm trả cả vốn lẫn lời cho ta đến mười. Ta lời chán, phải không mi? Còn điều kiện nữa là mi phải hết lòng cùng ta lo cho mẹ cuộc sống về già được an nhàn thanh thản, không phải bưôn bán cực nhọc như bây giờ.
Khẽ gật đầu đáp lại lòng bạn, Mai Nguyễn nói:
− Trả lãi cho nhỏ có bấy nhiêu thôi sao?
− Còn nữa, ta chưa nói hết mà. Mi phải yêu thương, chung thủy với anh Huy trọn đời, không được thay lòng đổi dạ, không được tự ý bỏ rơi người yêu nếu không có sự cho phép của ta. Hứa nhé?
Mai Nguyễn xúc động trước tấm chân tình bạn dành cho mình. Cô không biết nói gì hơn ngoài cái siết tay đồng ý pha lẫn sự biết on của mình đối với bạn.
Chợt Uyển Nhi tấp và quán ăn nổi tiếng trên đường Cao Thắng, rồi quay sang với bạn giọng đầy vẻ… người lớn:
− Đã chấp nhận điều kiện của ta, thì mi theo ta vào trong này. Xuống xe mau lên cô nương.
Không đợi Mai Nguyễn phản ứng, cô nắm tay kéo bạn đi thẳng vào trong. Chọn cho cả hai chiếc bàn hướng ra đường, ấn Mai Nguyễn ngồi xuống, cô nói:
− Chị ơi! Cho em hai con gà ác tiềm thuốc bắc, hai trứng vịt lộn tiềm, hai bộ óc heo chưng với chai bia.
− Trời ạ! Nhỏ kêu chi mà nhiều thế, làm sao ăn hết?
− Ăn không hết cũng ráng mà ăn, đó là lệnh. Chỉ bấy nhiêu đây, mi không mập lên đâu mà sợ. Cho dù mi có mập, có xấu đi chăng nữa, ta vẫn “yêu mi” như thường.
− Nhỏ nói không sợ người ta nghe rồi tưởng tụi mình… đồng tình luyến ái hay sao?
− Hơi đâu lo sợ miệng đời. Nè! Ăn đi, có cả bia nữa đó.
− Sao hôm nay nhỏ bày đặt uống bia nữa?
− Ăn những món này phải có bia mới dễ tiêu. Uống một chút không say đâu mà sợ. Mi say với ta thì được, nhưng không nên say trước Trường Huy, nguy hiểm lắm. Rượu vào sẽ không làm chủ được mình đâu, nhớ nghe mi.
Mai Nguyễn cười không nói gì, cô ăn từ tốn nhỏ nhẹ từng miếng, trong khi Uyển Nhi “vô tư” sử dụng cả hai tay xé gà. Vừa ăn, cô vừa giải thích:
− Ăn gà là phải dùng tay xé mới ngon, ăn nhỏ nhẹ tiểu thư như mi, biết khi nào xong con gà bé xíu ấy.
Thoáng chốt, Uyển Nhi đã “xử” xong con gà. Co lau tay vẻ tự đắc:
− Mi thấy ta nói đúng không?
Bất chợt, cô bước ra khỏi bàn, kêu lớn:
− Trường Huy! Trường Huy!
Theo cái vẫy tay của bạn, Mai Nguyễn đã nhận ra dáng người yêu. Anh đang băng qua đường để đến chỗ hai người.
− Hôm nay sinh nhật ai mà làm tiệc lớn vậy, Uyển Nhi?
Trường Huy vừa bước vào đã thấy trên bàn ngổn ngang ly chén bèn hỏi, nhưng ánh mắt anh hiện lên nét vui mừng.
− Anh Huy này tệ thật, cả sinh nhật bọn em mà cũng không nhớ, còn hỏi thế nữa, đáng bị phạt lắm.
− Thế, Uyển Nhi định phạt anh thế nào? - Trường Huy kéo ghế ngồi đối diện hai người vừa cười vừa hỏi.
Chưa vội trả lời câu hỏi của anh, Uyển Nhi nói:
− Anh Huy ăn gì, để em gọ.
− Thôi khỏi, cám ơn em. Anh mới ăn cơm với đồng nghiệp, định về nhà thì gặp hai em ở đây.
− Thế, đồng nghiệp của anh là trai hay gái? - Uyển Nhi tiếp tục tấn công.
− À! Ca mổ do anh đảm trách đã hoàn thành tốt đẹp, nên anh “chiêu đãi” các cô y tá cùng phụ anh đứng mổ, gọi là chút tình đồng nghiệp với nhau vậy mà.
− Vậy anh có… tội rồi.
− Tội gì? Với ai? - Trường Huy ngơ ngác hỏi:
− Có người trông ngóng tin anh mỗi ngày, hằng đêm khẩn nguyện cho những ca anh đứng mổ thành công. Vậy mà khi anh thành công lại quên đi người ta. Anh thấy mình đáng bị phạt không?
− Nhưng người đó là ai mới được?
− Anh thừa hiểu là ai rồi mà.
− Uyển Nhi lo cho anh thế sao? Cám ơn em nhé. Nhưng hiện giờ em đang ăn toàn “cao lương mỹ vị”, lại có cả bia nữa, không biết ai sướng hơn ai à nghe? - Trường Huy đùa.
− Em không nói em mà em nói nhỏ này. - Chỉ tay vào Mai Nguyễn, cô tiếp – Anh phụ tình cảm của nó, còn bữa ăn này là em đãi nó. Anh không thấy vì mấy hôm nay bài vở thi cử nhiều, nên nó xanh xao, vàng vọt ư? Anh không xót cho người yêu, nhưng em xót cho bạn em.
Không đợi Uyển Nhi nói hết câu, Trường Huy nhìn sang Mai Nguyễn đang đỏ mặt vì thẹn.
− Á! - Uyển Nhi la lên.
− Gì vậy Uyển Nhi? - Trường Huy hỏi khi thấy khuôn mặt cô bé nhăn lại.
− Sao mi đá ta? Ta nói sự thật chứ có thêm bớt lời nào đâu.
Thì ra Mai Nguyễn vì ngăn không cho bạn kể lể với người yêu, cô đã ra dấu cho bạn bằng cách… đá nhẹ vào chân Uyển Nhi, nhưng Uyển Nhi cố tình la lớn, Mai Nguyễn chỉ còn biết hết nhìn bạn, rồi quay sang nhìn người yêu.
− Nhỏ này nhiều chuyện lắm, anh đừng để ý. Mẹ em ở nhà chăm sóc em kỹ đến độ lên cân đấy.
“Ôi! Anh vô tâm quá. Anh vì mải mê công việc của anh mà để em gầy ốm đến thế. Anh lo cho bệnh nhân mà anh quên rằng, người yêu của anh là con bệnh đang cần anh chăm sóc từng cái ăn, từng viên thuốc bổ. Anh đáng trách lắm, phải không Mai Nguyễn?”
− Anh Huy! Anh có nghe em nói gì không? - Tiếng Uyển Nhi kéo anh về thực tại.
− Uyển Nhi nói gì, nói lại anh nghe đi. - Trường Huy cố dỗ ngọt cô bé khó tính này.
− Anh ngồi với tụi em mà hồn để tận đâu đâu ấy. Hay anh còn vấn vương mấy cô y tá đó?
− Uyển Nhi nói oan cho anh quá. Tại anh đang suy nghĩ cách nào để chuộc lỗi với Mai Nguyễn và cũng để cám ơn em đã nhắc nhở anh.
− Có thật không? - Uyển Nhi hỏi dò xét.
− Thật mà. Em không tin anh sao? - Trường Huy cố thuyết phục.
Thật ra, Uyển Nhi biết anh nói rất thật lòng. Gia đình cô với gia đình Trường Huy vốn là bạn thân của nhau từ thuở còn tay trắng cho đến khi cả hai cùng làm ăn phát đạt. Cô và Trường Huy chơi thân với nhau khi tóc còn để chỏm. Tánh tình anh ra sao, cô biết khá rõ. Trái đất quả thật tròn, khi anh dẫn người yêu ra mắt cô em gái thuở ấu thơ của mình, thì họ mới hay cả hai là đôi bạn thân với nhau từ những năm trung học.
− Được. Để chứng tỏ lời nói của mình, anh hãy trả tiền bữa ăn này nhé. Em sẽ bỏ qua tất cả, không để bụng điều gì. Còn “nói vô” cho anh trước mắt mẹ Mai Nguyễn nữa.
Uyển Nhi giở chiêu “dụ khỉ” ra, nhưng với Trường Huy bây giờ, anh hoàn toàn không chủ động “phòng ngự” nên dễ dàng mắc bẫy:
− Ừ, anh cám ơn Uyển Nhi trước nha.
− Nhưng em muốn ăn thêm, em ăn chưa no.
− Thôi mà nhỏ, đừng ác quá. Bấy nhiêu còn than đói nữa sao? – Mai Nguyễn chen lời khi thấy người yêu bị ăn hiếp.
− Mi không ăn, ta ăn. Hơn nữa, anh Huy đãi ta mà, phải không anh Huy?
Trường Huy chỉ biết gật đầu như cái máy khi mà cô bé lém lỉnh cố tình nói nhỏ vào tai anh “Em cố tình ăn để nhỏ đó ăn theo, em giúp anh chứ không phải bắt nạt anh đâu nhé. Anh phải cám ơn em không hết đấy”.
− Nói thật, anh Huy nghe – Cô gật gù nói khi đĩa mì xào giòn bốc khói trước mặt hai nàng – Không phải tụi này không có tiền trả, nhưng kẹt nỗi… “tình hình kinh tế” lúc này biến động quá.
Nói đến chữ “tình hình kinh tế”, mặt Uyển Nhi lộ vẻ nghiêm trang, trông nó lúc này chẳng khác gì các vị giáo sư kinh tế đang trên bục giảng. Trường Huy không biết cô nói thật hay đùa, đành ngồi im, giương mắt lắng tai nghe cô nói.
− Anh cũng biết rồi đó. Mấy hôm nay, đồng Euro lên xuống một cách bất ngờ, không thương tiếc các nước Châu Âu cũng như thị trường chứng khoán. Rồi đồng Yen lên giá so với đồng đô la khiến Nhật Bản lao đao…
Trường Huy không biết tại sao cô bé lém lỉnh thường ngày này bỗng dưng lại nổi hứng bàn luận về đề tai cao xa, tầm cỡ thế giới như vậy, liền bất giác sử lại thế ngồi chon ngay ngắn, rửa tai nghe.
− Các thị trường chứng khoá New York, London, Tokyo chao đảo, các khoản nợ của các nước đang phát triển đột ngột tăng vọt…
Trường Huy nghe tai mình lùng bung, ù đi. Anh tưởng mình đang dự hội nghị tài chính quốc tế. Bất chấp ánh mắt sửng sốt của anh, Uyển Nhi vẫn thản nhiên tiếp:
− Các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam dĩ nhiên không khỏi bị ảnh hưởng. Đặc biệt, em bị “ảnh hưởng” nặng nhất. Em bị hết sạch tiền, do đó đành nhờ anh trả bữa nay vậy.
Nghe đến câu cuối cùng, Trường Huy suýt tí nữa té lăn khỏi ghế. Uyển Nhi nói vòng vo một hồi, hóa ra cũng chỉ để nhắc anh vụ trả tiền hôm nay. Đã vậy cứ nói trắng ra, còn bày đặt làm sang, nào là đồng Euro lên xuống thất thường, nào là đồng Yen lên giá… Thị trường chứng khoán London, Nhật Bản chao đảo… Thật khổ cho hai lỗ tai hết sức.
Anh nhìn Uyển Nhi, nhăn nhó:
− Anh đâu có định “làm lơ” đâu, mà em giải thích dài dòng thế.
− Anh quên là em đã từng nói với anh, nhỏ đi lộn ngành sao? – Mai Nguyễn đã quen cách nói của bạn, nên cô không hề bị Uyển Nhi gạt.
Uyển Nhi tặc lưỡi, nói:
− Tính em xưa nay nói cái gì cũng phải có đầu đuôi rõ ràng. Nói không đầu không đuôi, anh lại hiểu lầm. lại nghĩ em chuyên nghề “bốc lột” nữa.
Uyển Nhi “bốc lột” Trường Huy thẳng tay, nhưng mặt mày thì cứ tỉnh rụi, cười cười ra vẻ ta đây tử tế nhất thế gian. Trường Huy biết vậy, nhưng trước miệng lưỡi dẻo quẹo của Uyển Nhi, anh chỉ còn biết cách cười gượng gạo.
− Vả lãi, hồn nãy anh Huy nói, anh đã khao mấy cô y tá một chầu vì họ có công một phần trong ca mổ phức tạp của anh, đúng không? - Uyển Nhi vẫn tiếp tục tấn công anh.
− Đúng. - Trường Huy đáp gọn.
− Em cũng có phần công trong đó nữa.
− Nhỏ có công gì, nói thử ta nghe xem? Nhỏ chỉ tài giỏi ăn hiếp người ta thôi. – Mai Nguyễn chợt lên tiếng bênh vực Trường Huy.
− A! Hôm nay mi dám bỏ bạn theo tình nghe. Bênh hả? Có giỏi thì chịu đòn thế đi. Hứ! Uổng công ta xem mi là bạn đó?
− Thôi mà nhỏ. Ta chỉ hỏi vì chưa biết “công” của nhỏ trong sự thành công của anh Huy, nên thắc mắc hỏi vậy, chứ có bênh ai đâu. – Mai Nguyễn phân bua.
− Sao không có công được chứ? Để em nói cho anh Huy nghe, xem có đúng không. Em biết anh Huy bận, trưa phả đứng mổ một ca quan trọng, nên thay anh chăm sóc nhỏ này, để khi anh xuống ca, thì người yêu của anh còn nguyên vẹn, không bị sức mẻ lại còn tẩm bổ thay anh. Anh nói xem, em có công không chứ? Ai đời lại quên người ơn của mình chứ?
Uyển Nhi tức giận nói một hơi như sợ ai đó chen vào. Thấy nét mặt cô bé chuyển sang giận, Trường Hu vội đính chính:
− Anh có nói gì đâu mà Uyển Nhi hờn giận. Anh cũng có nói là quên công em đâu mà em gây khó dễ với anh như thế. Bây giờ em còn muốn anh làm gì nữa để chứng minh cho em thấy cả anh và Mai Nguyễn rất biết ơn vvà có thành ý với em? Nói đi, anh sẽ làm theo điều kiện của em.
Chỉ chờ có thế, Uyển Nhi vội nói.
− Anh hứa rồi đó nhé. Em đang thèm ăn kem đây. Anh có thể dẫn bọn em ra bến Bạch Đằng vừa ăn kem vừa ngắm thuyền buồm qua lại hay không?
Lại một lần nữa, Trường Huy sập bẫy của Uyển Nhi. Bây giờ anh mới biết cô bé lém lỉnh kia chỉ vờ làm mặt giận để được vòi vĩnh ăn kem. Trường Huy chỉ còn biết gật đầu và than thầm trong bụng. Anh tự hứa với lòng sẽ “sáng suốt” hơn để không lọt vào bẫy của Uyển Nhi giăng nữa.
Riêng Uyển Nhi, cô vô cùng đắc thắng vì liên tiếp hai lần trong cùng ngày, cô “bốc lột” Trường Huy, bắt anh phải trả tiền cho bữa ăn mà đáng lý ra cô phải trả, lại còn được đi ăn kem nữa. Thật là một ‘chiến thắng” vẻ vang. Hay nói đúng hơn, chính nhờ vào tình yêu mà Trường Huy không kịp đề phòng, để cô có dịp “tung hoành” như thế này.
Mai Nguyễn chỉ còn biết mỉm cười cho sự đùa giỡn này.