Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.

Lou Holtz

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: l Maruchan l
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3274 / 51
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Đám Ma
áng hôm sau, Minh dậy thực sớm. Nói đúng, thì nàng có ngủ được đâu. Nàng mong từng giờ, từng phút, để cho chóng đến tang tảng.
Minh mở cửa, ra sân lấy nước rửa mặt, rồi đội khăn, mặc áo sẵn sàng.
Nhưng bà Tuần chưa dậy, vì hôm trước bà mệt thức khuya để đánh tổ tôm. Vả ngày thường, bà cũng vẫn ngủ muộn.
Minh bảo chồng lên gác đánh thức mẹ, nhưng Sanh rụt rè mãi. Song, vì thương và chiều vợ, nên Sanh đùn cho Oanh đến chỗ mẹ ngủ, vờ vẩn đi mạnh và nói to.
Quả nhiên bà Tuần mất giấc ngủ. Bà cựa, vươn vai, oằn oài một lúc, rồi tung chăn ra, ngồi nhổm dậy. Bà cau có, uể oải, lại cho hai chân vào chăn, vớ lấy cái áo lót lông cừu khoác lên lưng. Và chống tay xuống giường, ngồi ngẩn mặt.
Minh rón rén, bước vào, nói:
- Bẩm mẹ, con xin phép mẹ cho con về.
Bà gật đầu, rồi trỏ tay xuống chân giường. Minh không hiểu chi cả, bụng bảo dạ hay mẹ chồng lại sắp ra một lệnh oái oăm nữa hay sao? Bà vẫn trỏ mà không nói. Thấy Minh ngơ ngác, bà ngửa cổ lên, bảo:
- Ống nhổ.
Minh nhịn cười, nhanh nhảu chạy cầm ống nhổ đặt lên giường. Bà lê cả khối thịt phệnh đường lại gần cúi đầu, thả ra một bãi nước bọt phong phú, đoạn bà vừa ngáp và nói:
- Ừ, con về nhé. Đạo làm con, nên giữ chữ hiếu làm đầu, mà nghĩa tử là nghĩa tận, con nên làm cho thế gian người ta trông vào nhé. Mẹ ái ngại cho con lắm. Thôi, nó cũng là cái số, bà cụ như thế, con không nên buồn, nghe chưa?
Không muốn đứng lâu để phải nghe những lời nói vớt đuôi suông lạt, Minh vâng, nhìn ra cửa.
Bà Tuần giơ tay:
- Khoan! Thế cậu nó đã sắm sửa xong chưa?
Sanh chạy vào, nói:
- Bẩm xong ạ.
- Ừ, mẹ cho hai vợ chồng con đi nhé. Rồi mấy giờ đưa bà cụ, thì con cho người về báo cho mẹ biết, để mẹ cho người đến phúng, nhân tiện mẹ đi một thể nhé.
Rồi bà nhìn Minh, ái ngại Minh thưa:
- Bẩm mẹ, chắc nhà con bề bộn công việc, mà họ hàng con thì tùy con chủ trương, con xin phép mẹ ở lại đằng nhà đến sáng mai.
Vừa nói đến đó, Minh nhận thấy sáu con mắt nghiêm trang đổ dồn cả lại mình, như sáu khẩu súng chĩa ra sắp bắn. Oanh hỏi:
- Chị xin phép mẹ đến bao giờ thì về nhỉ?
Thấy em chồng có ý hoạnh, Minh bực mình biết rằng sắp phải nghe một câu trả lời trái ý, nhưng nàng cố tươi cười.
- Mai, cô ạ.
Bà Tuần nghiêng đầu, ghé tai, nheo một bên mắt để nghe:
- Mợ xin đến bao giờ?
- Bẩm mẹ mai...
Nhưng sực nhớ ra, nàng chữa:
- À quên, mơi ạ.
Ngay lúc ấy, sáu khẩu súng mắt đồng thời hạ cả xuống. Bà Tuần ôn tồn đáp:
- Được, mợ cứ về.
Minh vái chào, toan ra, thì bà gọi giật lại:
- Này mợ cả, thế cậu nó không dặn gì mợ à?
Minh ngạc nhiên:
- Bẩm không.
- À, hèn nào, mợ ăn mặc lôi thôi thế. Mợ ạ, đã đành rằng vợ chồng con về vì việc bà cụ, nhưng mẹ không muốn để người ngoài biết thế. Vậy thì hôm nay cậu mợ đi, là đi nhị hỷ. Vậy mợ cần phải khăn áo chỉnh tề như hôm qua, kẻo phố phường người ta nói, nghe chưa?
Minh thấy mẹ chồng gàn dở, thưa:
- Bẩm mẹ, con tưởng mẹ con bên nhà mất, giá mẹ cho phép con về ngay hôm qua, người ta cũng không thể nói vào đâu được.
Bà Tuần nhăn mặt, lắc đầu:
- Không phải. Hôm qua mẹ giữ mợ là tại mẹ không muốn cho mợ về như thế, sợ nó sái. Nhưng hôm nay là ngày nhị hỷ thì phải cho ra nhị hỷ không có người ta lại bảo đám cưới thiếu nhị hỷ thì còn ra thế nào.
- Bẩm mẹ, con tưởng chỉ có bên nhà với nhà con là có quyền trong đám cưới này. Hiện bên nhà con tang tóc, còn ai nghĩ đến việc vui, mừng nữa.
- Không, mợ không biết, mợ còn trẻ người non dạ lắm. Mẹ lại chẳng muốn tỉnh giảm các công việc hay sao, nhưng ở chỗ phố phường, mình cần phải giữ cho người ta khỏi nói. Mà người nói thì nói mẹ, chứ các con có phải để vào tai đâu. Thế thì cậu mợ cứ nghe mẹ. Nhất là nhà ta lại là nhà quan, thì càng nên “kiển” thận.
Biết rằng nói nữa chỉ mất thì giờ vô ích. Minh hặm hực xuống nhà thay áo. Rồi hết đứng lại ngồi, thở dài, nàng chờ đến mãi tám giờ, Oanh mới sửa soạn xong lễ vật lại mặt.
Một chiếc ô tô hòm kín đưa bà Phán và cô dâu chú rể mặc toàn áo gấm rực rỡ, đi loanh quanh một vài phố đông đúc rồi mới đến nhà Minh.
Vừa bước chân xuống đường, Minh thấy trong nhà câu đối, khăn, áo, trắng lôm lốp, tiếng khóc ồn ào, nàng hoa mắt lên, ôm mặt, chạy thẳng vào phía màn thờ đèn thắp sáng trưng, lăn lộn khóc rầm rĩ. Họ hàng, bạn hữu ai nấy ái ngại. Cô Minh đập vào lưng nàng và trách:
- Chị mãi thú vui, chẳng nghĩ gì đến mẹ, đến cửa nhà cả. Bây giờ mới khóc! Thôi, hãy vào thay khăn áo đi, con hay khách mà ăn mặc thế kia, người ta cười cho đấy!
Nàng cực lắm, khóc to hơn, rồi thấy em Lãng lôi thôi cái áo xô, mũ chuối gậy vông, nàng âu yếm, nỉ non, kể lể:
- Chị khổ lắm, em ơi!
Lãng nhìn Minh, ái ngại, song chẳng hiểu cái gì cả. Minh sụt sịt nhìn vào cái xô sổ gấu, khăn ngang của nàng. Nàng biết rằng mặc những thứ này vào, rồi về nhà chồng sao cũng có chuyện; song nàng bực dọc, nói với Lãng:
- Hôm nay, chị không là còn mẹ nữa hay sao?
Khăn áo xong, nàng gật đầu sụt sịt, lễ ở bàn thờ hai lễ. Rồi nàng đứng dậy vào trong nhà, chỗ giường mẹ, để nhìn mặt mẹ một lần cuối cùng. Song than ôi cái giường người ta đã khênh đi, để chỗ đặt cái quan tài mà nàng thấy Nhã đương lúi húi quệt hồ, phất giấy đỏ.
Cảnh không ngờ ấy làm cho nàng đứt gan đứt ruột. Nàng đứng lặng một giây đồng hồ, trợn mắt nhìn, rồi chạy mau gần chỗ có hai linh hồn thân yêu, nàng ôm chầm lấy quan tài, cất lên tiếng khóc lanh lảnh.
Tiếng bi thảm ở tận đáy lòng mà ra, mới thiết tha não nùng làm sao. Nhã đứng yên cúi đầu, tâm hồn man mác, lạnh lùng, chàng nhắm mắt, thở dài.
Lăn lộn một lúc, Minh mệt, bèn lên gác nằm nghỉ. Họ hàng, bạn hữu xúm lại hỏi chuyện và nói chuyện. Minh biết rằng mọi công việc đã sắp đặt xong xuôi, và đến mười giờ thì đám tang khởi hành. Nàng lại rất cảm động vì thấy các bạn, nhất là Nhã đã tất lực giúp đỡ các việc như người nhà. Nàng than với Xuân:
- Nào ngờ đâu Nhã không là rể, mà hết lòng như con.
Rồi liếc mắt, nhìn xuống nhà ngoài, Minh thấy Sanh mặc áo thụng trắng phủ áo gấm, ngồi vắt chân chữ ngũ, run đùi và uống chè tàu vặt.
Tự nhiên nàng ngượng hộ chồng lạ lùng, trơ trẽn, bẽn lẽn; rồi chẳng muốn mình cũng đóng vai thừa trong gia đình, Minh gượng dậy, xuống nhà trông nom gióng giả các công việc.
Gần mười giờ, có tin báo xe tang đã tới. Người chủ xe trịnh trọng vào nói với Minh xin để dùng xe bốn ngựa, vì bà cụ mất thế là hợp cảnh lắm.
Cả nhà không bằng lòng, nhất định không trả tiền thêm, vì trước kia chỉ mặc cả có hai ngựa, nhưng vừa lúc ấy thì bà Tuần vào.
Bà Tuần ở trên xe bước xuống đất. Cố nhiên là đôi díp xe được vuổn vai. Bà kệ nệ vào trong, chào mọi người, rồi chép miệng phàn nàn:
- Khốn nạn, tôi không ngờ bà cụ trở bệnh chóng thế.
Đồ lễ bày lên án, bà thong thả đặt cái thân lềnh kềnh xuống chiếu, xếp gọn các vạt áo, rồi vừa lễ vừa nói rất thân mật với linh hồn dâu gia:
- Bà mẹ vợ khôn thiêng, phù hộ cho con rể nhé.
Rồi rán sức đứng dậy, bà nhìn Lãng đáp lễ. Bà giúm cả mắt lẫn môi lại để nở ra một nụ cười hổ phù, rồi nói với mọi người:
- Gớm! thương hại bà cụ quá! Giá khỏe mạnh mà sống lấy ít ngày nữa, có phải hai nhà đi lại thân thiết sầm uất không nhỉ! Thế quan tài kê đâu?
- Thôi ạ, xin cụ lớn chước cho, rước cụ lớn ngồi chơi ạ.
Bà vẫn cười:
- Ừ, hỏi cho biết thế thôi. À, mợ cả đâu nhỉ?
Minh tiến lên, thưa:
- Dạ.
Bà lại gần con dâu, nghểnh lên, ghé vào tai, thì thào dặn dò, ra dáng rất thân mật:
- Kinh tế này, không nên bày vẽ xa xỉ, nghe chưa con! Gọi là đủ lễ thì thôi, chứ ma chê cưới trách, biết thế nào cho phải được. À, mẹ có đem phúng một cân chè, bốn chai rượu, vàng hương và mười đồng bạc, nó đã nói với mợ chưa nhỉ?
- Bẩm đã.
- Này, chè tốt đáo để, những ba đồng tám một cân đấy. Có khách hãy pha, chứ đừng làm phí làm hoài đi nhé.
Một lát đồng hồ điểm mười tiếng. Giờ đã đến. Ở trong buồng, tiếng khóc nổi lên như ri. Bọn phu vào chuyển cữu.
Bà Tuần đang ngồi nhai trầu phóm phém, thấy cái quan tài đỏ lù lù tiến đến gần, vội vã đứng dậy, hớt hơ hớt hải, cắp ô, lạch bạch ra cửa, đứng tận hè phố bên kia.
Sanh chấp tay đi theo cữu. Nhã tới tấp, hết ra lại vào, dặn dò các người.
Đám tang cử hành. Người đưa đám rất đông. Ai nấy im phăng phắc. Không có một tiếng khóc. Không có một tiếng nói.
Người hai bên phố, đứng cả lên bục hàng, hoặc châu đầu trong cửa chấn song sắt, có vẻ chuồng gấu. Họ chỉ trỏ nói:
- Kia kìa, cái người tóc xoắn tít đây.
Bà Tuần phải một mình tự khênh lấy cả tám mươi tư cân rưỡi của mình nên không biết kêu ai được. Bà nực lắm, quệt mồ hôi, phùng mồm ra, thở phù phù. Bà vừa đi, vừa mặc cả rau. Đám ma đi gần hết hàng Gai bà bước thong thả dần. Rồi đám ma đi quá nhà bà, bà che ô lắp mặt, vờ vịt đứng lại, rồi đánh tháo, yên trí rằng không ai trông thấy.
Trời có nắng đâu. Mùa thu ảm đạm đã nhuộm cảnh vật bằng một màu ảm đạm. Suốt từ sáng, vùng trời trắng đục. Ngọn gió may thỉnh thoảng làm xào xạc mấy chiếc lá vàng rơi giạt lênh đênh trên mặt hồ xanh.
Minh lặng lẽ, cúi đầu, trầm ngâm. Nàng đưa mắt nhìn lên, thấy Nhã nghiêm trang, rắn rỏi, trong bộ quần áo nát nhầu. Chồng nàng thì vẫn để tay bưng miệng đi sát gần bọn Xuân và các bạn gái.
Vì lúc hạ huyệt, Minh kêu gào vật vã, lăn lộn quá nên thành ra khan tiếng, về đến nhà, nàng nằm vật trên giường. Và cũng vì ít lâu nay lao tâm lao lực nhiều, nàng thấy gây gấy sốt.
Vào khoảng sáu giờ chiều, Lãng đến gần nàng nói:
- Chị ơi, anh cả bảo chị đi về đấy.
Giận đầy hơi đến cổ, Minh bảo em:
- Em nói với anh về trước, chị sẽ xin phép cụ Tuần ở nhà tối hôm nay rồi. Anh có biết rằng chị sốt không?
- Có.
Cô Minh chạy lên, hỏi:
- Thế nào? Lại phải về ngay thế à?
- Thưa cô, mẹ cháu đã cho phép rồi. Đó là nhà cháu không biết đấy ạ.
- Ừ, có thế chứ! Công việc bề bề thế này, chứ có phải ở lại chơi đâu. Vả lại đầu nóng hôi hổi thì đi thế nào được. Cô tưởng bà ấy không cho, thì bà ấy nghiệt quá.
Minh nghe tiếng nghiệt, động lòng, thở dài.
Xuân vào thăm Minh. Minh kể lể tình cảnh cho bạn nghe, rồi nói:
- Nhờ chị cảm ơn anh Nhã hộ tôi nhé.
- À, này, anh Nhã và anh Sanh khi nãy nói chuyện với nhau mãi. Nghe chừng hai người tương đắc đáo đế.
Minh cười lạt:
- Không khi nào! Hai người không thể là bạn nhau được. Chắc rằng nhà tôi tưởng Nhã là họ hàng nhà vợ, nên chuyện trò đó.
Xuân bật cười:
- Mà anh Nhã lại tiếp Sanh, như chủ nhà tiếp khách.
Câu chuyện đương dở, thì Lãng đưa thằng xe bên bà Tuần đến cạnh giường Minh nằm. Thằng xe nói:
- Bẩm mợ, cụ sai con đến đón mợ về.
Minh cáu tiết, ngồi nhổm dậy gắt:
- Về về cái gì! Cụ cho phép tao ban sáng bây giờ cụ bảo về là cái gì?
- Bẩm mợ, cụ con bảo thế.
- Cậu về chưa?
- Bẩm rồi ạ.
- Tao không về. Tao bận. Tao ốm.
Xuân can:
- Chớ thế. Chị không nên bướng. Cô dâu mới hãy nên phục tòng mẹ chồng.
Thím và cô Minh biết chuyện cũng khuyên ngăn Minh và bảo Minh không nên ở lại. Minh căm hờn đứng phắt dậy, sắm sửa qua loa rồi đi, vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Vô nhân đạo!
Rồi bảo thằng xe:
- Mày cứ đi trước, chốc tao về. Tao không cần đi xe tao không cần mày đón.
Thằng xe ra cửa, Minh nói to tướng:
- Đành rằng về thì về, cũng phải tự do mà đi, chứ không phải cho người áp giải như dẫn tù mới được!
Cả nhà nhìn Minh, thương hại, nhưng không ai đang tâm đổ dầu thêm vào đống lửa, mà lai khuyên can nữa.
Đến bảy giờ, Minh ngồi trước bàn thờ mẹ, lễ bốn lễ, rồi sụt sịt khóc:
- Mẹ ơi, nếu con biết rằng mẹ cho con đi lấy chồng là mẹ mất con, thì thà con chịu bất hiếu với mẹ còn hơn.
Rồi nàng dằn mãi câu:
- Được chồng thì mất mẹ! Đời ơi là đời!
Xuân tiễn Minh đi đến nhà bà Tuần thì thuê xe đi thẳng.
Minh đứng cửa, lắng tai nghe ở trong, vẫn còn khách khứa nói cười vui vẻ xôn xao. Nàng chưa vào vội, hãy ngắm nghía phố xá và những người qua lại. Còn một mẩu tự do, nàng cố hưởng cho hết. Nàng quên cả mình đương sốt, gió máy cần phải kiêng.
Rồi thấy lạnh, nàng giơ tay toan gõ cửa, nhưng lại dừng. Nàng đứng thần người ra đến năm phút, để ngắm nghía một lần nữa. Nàng thèm cảnh ngộ của hết cả mọi người mà nàng chắc rằng được tự do hơn nàng.
Một lát, chịu không nổi sương gió, nàng thấy chóng mặt cần về nằm nghỉ ngơi. Nàng gõ cửa. Có tiếng hỏi ai, rồi cái lỗ tròn mở ra, nàng thấy mặt cô em chồng ngó. Nàng làm bộ vui vẻ, tiến lại gần nói:
- Cô mở cửa cho chị với.
Oanh không đáp. Cái lỗ tròn lại đóng sập. Minh sắp sửa để vào. Nhưng không có tiếng động then cửa. Nàng băn khoăn đứng chờ. Bỗng ở trong nhà, Minh nghe rõ bà Tuần gắt:
- Cậu ra bảo mợ cậu, tôi không cho vào như thế.
Minh rụng rời, càng thấy rét run. Nàng biết có chuyện xảy ra, nhưng chưa rõ chuyện gì cả.
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh