Nguyên tác: 傾城之戀 | Love In A Fallen City
Số lần đọc/download: 0 / 41
Cập nhật: 2020-10-24 12:43:08 +0700
Chương 2 - Lưu Tình
N
hà họ tháng Mười một đã đốt lò sưởi. Một chậu lửa nho nhỏ, lớp tro màu trắng xám ủ những viên than hồng. Than ban đầu là gỗ, đã chết đi rồi, bây giờ lại hồi sinh nhờ ngọn lửa hồng thầm kín trong cơ thể, song le, sống lại như thế, rồi cũng sắp trở thành tro mất. Cái sinh mệnh đầu tiên của nó mang màu xanh nõn chuối, sinh mệnh thứ hai mang màu đỏ sậm. Chậu lửa có mùi thơm của than, vứt một quả táo đỏ vào đó, quả táo đỏ cháy lên, tỏa ra vị ngọt của cháo Lạp Bát[5]. Tiếng nổ khe khẽ của những viên than, lép bép lép bép, nghe như tiếng băng vỡ.
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng có, lồng trong khung kính treo trên tường, góc trên in nổi hình thiên sứ với đôi cánh hoa hồng quấn dải lụa bay phủ nhũ vàng, phía dưới là hình một dòng nước xanh nhạt uốn lượn, có hai con uyên ương đang bơi lội, ở giữa ngay ngắn hàng chữ:
Mễ Tinh Nghiêu, người huyện Vô Vi tỉnh An Huy, năm mươi chín tuổi, sinh giờ Hợi ngày 11 tháng Giêng năm Ất Dậu (năm Quang Tự thứ 11)
Thuần Vu Đôn Phượng, người huyện Vô Tích tỉnh Giang Tô, ba mươi sáu tuổi, sinh giờ Thân ngày 9 tháng Ba năm Mậu Thân (năm Quang Tự thứ 34)
Đôn Phượng đứng dưới cái khung kính, một chân quỳ trên ghế sô pha, soi những mũi len ra nắng để đếm. Ông Mễ bước tới lấy áo khoác, nói với vẻ nịnh bợ: “Anh ra ngoài một chút nhé.” Đôn Phượng cứ cắm cúi đếm, môi hơi mấp máy. Ông Mễ đã xỏ một tay áo khoác vào rồi lại nhìn cô, cười nhẫn nhịn. Mãi một lúc, Đôn Phượng mới ngẩng đầu lên, nói: “À?” rồi lại cúi nhìn đám len màu tro lẫn lộn rất nhiều những cục rối nhỏ màu trắng.
Ông Mễ nói: “Anh đi một lúc rồi về.” Thật khó tìm lời để nói. Nếu bảo “đi sang bên kia”, lại thành ra bên này bên kia! Nói: “Đi sang chỗ đường Tiểu Sa Độ”, thì coi như bảo bên đường Tiểu Sa Độ có một tư gia, bên này lại cũng có một tư gia. Khi trước, mỗi lần nhắc đến bà vợ đó ông thường dùng từ “bà ấy”, sau này đã có lần Đôn Phượng nói rõ với ông: “Ở đâu ra cái kiểu nói như thế?” Cho nên hiếm hoi lắm mỗi lần nhắc đến, ông chỉ đành dùng những câu cụt. Lúc này ông bảo: “Bệnh cũng không nhẹ đâu, anh phải sang xem thế nào.” Đôn Phượng đáp gọn lỏn: “Anh đi đi.” Nghe giọng cô, ông Mễ đi cũng chẳng tiện, lại tì tay lên bệ cửa sổ nhìn ra ngoài, lẩm bẩm một mình: “Không biết có mưa không đây?” Đôn Phượng dường như hơi sốt ruột, cuộn đống len lại, nhét vào cái túi vải hoa, vẻ như định đi ra ngoài. Cô vừa mở cửa, ông Mễ liền chặn cô lại, giải thích: “Không phải đâu… dù sao cũng từng ấy năm rồi... bệnh nặng lắm, lại chẳng có ai chăm sóc, dù gì anh cũng không thể không...” Đôn Phượng bắt đầu cáu, nói: “Nói với tôi những chuyện này! Để người khác nghe thấy còn ra gì nữa?” Bà Trương đang giặt quần áo trong căn phòng tắm để ngỏ cửa. Bà Trương là người làm lâu năm nhà họ, biết ngọn ngành sự việc, lát nữa lại chẳng cho rằng chính cô giữ chặt lấy ông ấy không cho về chăm vợ ốm, chẳng phải thành trò cười hay sao!
Đôn Phượng đứng ở cửa, gọi: “Bà Trương!” rồi dặn dò: “Tối nay chúng tôi đều không ăn cơm nhà, hai món rau đừng giữ lại nữa, đậu phụ bà để ra ngoài lan can cho nó đông lại, đổ một ít tro vào ủ cái bếp lò, nhé!” Cô nói với người làm, bao giờ cũng có một giọng điệu âm trầm đặc biệt, như là đã rất già nua, khó tính, thế nhưng lại cũng có vẻ hơi nũng nịu, như một bà chủ phường đầy quyền uy ở chốn ăn chơi trăng gió. Cô hất cao cái cằm vốn chẳng còn có cằm của mình, khuôn mặt béo tròn thoa dày phấn sáp sệ xuống nặng nề, kéo mi mắt trễ xuống, cái mũi thẳng và cao như kiểu người Hy Lạp thì lại hếch lên trên, càng làm nổi bật vẻ cao quý của đôi cánh mũi thon nhỏ. Đôn Phượng xuất thân rất có gốc gác, trong một gia đình làm kinh doanh lớn lâu đời vào hạng nhất nhì ở Thượng Hải, mười sáu tuổi lấy chồng, hai mươi ba tuổi chồng chết, để tang chồng đến hơn mười năm rồi mới lấy ông Mễ. Bây giờ sống rất vui vẻ, nhưng cũng không quá đà, bởi vì dù sao cũng đã từng trải qua cái đận hồi đó. Cô vuốt vuốt tóc, phần tóc trên đỉnh đầu độn một nắm bông, bới lên khá cao, phần tóc phía sau gáy uốn thành từng lọn nhỏ chỉnh tề, chỉnh tề như chính những tư tưởng trong đầu cô vậy. Cô lấy ví da, cầm túi lưới, khoác áo khoác. Cơ thể béo trắng của cô được bọc trong tầng tầng lớp lớp quần áo, chắc nịch như một cái bánh tét. Chiếc xường xám may rất thoải mái, không hề chật, mà không hiểu sao cứ căng phồng lên, cứ như bên trong có mặc loại đồ lót nẹp sợi thép ôm chặt lấy thân mình vậy.
Ông Mễ đi theo hỏi: “Em cũng định ra ngoài à?” Đôn Phượng nói: “Em sang bên nhà mợ, đằng nào anh cũng không chắc đã về ăn cơm, ở nhà đỡ phải nấu. Hôm nay vốn cũng chẳng có món nào là của em, một món hầm niêu đất, một món cá nấu đông, đều chuẩn bị cho anh cả.” Ông Mễ quay vào phòng khách, đứng trước bàn sách, trên bàn bày một xấp cao những mẫu chữ khắc bằng gỗ tử đàn, ông đưa tay xếp lại cho ngay ngắn, chiếc hộp mực dấu màu xanh ngọc, ống đựng bút men rạn, âu nước, chìa khóa bằng đồng, chạm vào cái gì cũng thấy lạnh; trời âm u, càng khiến ô cửa sổ trong phòng trở nên sáng trong, nổi bật.
Lúc Đôn Phượng quay ra, ông vẫn còn đứng đó sắp xếp cái này, phủi phủi cái kia, lưng chỉ hơi cúi được một chút, bởi vì chiếc áo khoác đang mặc quá cứng, vả lại cũng đã có tuổi rồi, thêm cái bụng chắn ngay ở giữa. Đôn Phượng lạnh nhạt hỏi: “Ô, anh còn chưa đi à?” Ông Mễ cười cười, không trả lời. Cô cầm lấy ví da túi lưới đi ra ngoài, ông cũng đi ra theo. Cô làm như không thấy, bước nhanh sang phía bên kia đường, lại sợ ông hổn hà hổn hển đuổi theo phía sau, mặc dù đang giận ông, cô cũng không muốn khiến ông lộ ra vẻ già yếu, nên cố tình chọn lúc có ô tô đi qua rồi mới sang đường, để ngãng ra một lúc.
Đi một quãng khá xa mới biết trời đang mưa. Một chút mưa nhỏ, chỉ như chút tơ lạnh của trời, hoàn toàn không có cảm giác đang mưa. Đôn Phượng lo cổ áo da bị ướt, định cởi áo khoác ra, nhưng tay lại đang cầm quá nhiều đồ lỉnh kỉnh. Ông Mễ đỡ lấy ví da túi lưới và chiếc túi vải bố đựng mấy cuộn len của cô, hỏi: “Sao thế? Định cởi áo khoác ra à?” lại bảo: “Đừng để bị lạnh, gọi một cái xe kéo mà đi!” Đợi đến lúc ông gọi một chiếc xe đôi rồi, Đôn Phượng mới nói: “Anh có đi cùng đường với em đâu!” Ông Mễ bảo: “Anh đi cùng em.” Từ trong cái cổ áo da màu đen rộng thùng thình, Đôn Phượng quay đầu lại, nửa như cười nửa như không cười, liếc ông Mễ một cái. Cô từ nhỏ đã lớn lên cùng với vợ bé của bố mình, sau khi lấy chồng lại sống cùng đám các bà vợ bé trong nhà chồng, nên tự nhiên có một vẻ yêu kiều nũng nịu kiểu những hạng ca kỹ chốn lầu xanh từ lúc nào không biết.
Hai người ngồi cùng một xe, lướt êm ái vào một con đường trong khu tư gia. Bên đường lộ ra một khoảng đất trống, rải đá răm đen sì, xen lẫn những bụi cỏ lia vàng, một căn biệt thự nhỏ kiểu Âu màu nâu đậm, cửa sổ chớp sơn màu xanh nhạt đã phai màu, nằm lặng lẽ như tờ trong mưa, không biết tại sao lại mang một cảm giác ngoại quốc vô cùng rõ rệt. Ông Mễ bất giác nhớ lại thời còn du học ở nước ngoài, Ông ngoái đầu lại, thấy một con chó đen ngồi chồm hỗm trên nền đất đá răm, đôi tai nhỏ cụp lại, đám lông màu đen ướt hơi xoăn, nghiêng mình về phía trước, vẻ vô cùng chăm chú, không biết đang nghe ngóng xem xét cái gì. Ông Mễ nhớ lại cái biểu tượng hình con chó trên chiếc máy hát kiểu cổ, những lần mở máy hát khiêu vũ miệt mài, hơi ấm và mùi vị tỏa ra từ chiếc cổ áo khoét sâu của những cô gái phương Tây. Lại nhớ đến con chó bằng thủy tinh màu xanh lục, cao bằng một đốt ngón tay trong những món đồ chơi đầu tiên hồi ông còn bé, cũng ngồi chồm hỗm như thế, hai mắt nạm hai viên thủy tinh nhỏ màu đỏ. Nhớ đến con chó nhỏ thủy tinh màu xanh lục sẫm gần như trong suốt ấy, lại thấy miệng lưỡi xót xa, có thể lúc còn bé chơi với bọn trẻ con, ông đã từng cho nó vào mồm ngậm, cũng có thể ông đã ngăn cấm bọn trẻ con cho vào mồm ngậm, nên trong miệng giờ cũng đâm ra lạnh lẽo chua xót vì đồng cảm - ông không nhớ rõ nữa. Đứa con đầu tiên của ông sinh ở nước ngoài, vợ ông là một cô bạn học, người Quảng Đông. Hồi trước học sinh nữ người Trung Quốc ở nước ngoài vô cùng hiếm hoi, gặp nhau liền nảy sinh tình cảm rất nhanh, sau đó kết hôn luôn. Vợ ông từ xưa tính khí đã vô cùng thất thường, sau này lại càng quá quắt, con cái đứa nào cũng mâu thuẫn không hòa giải được, may mà bọn chúng đều về Đại lục đi học, nên cũng bớt xung đột. Mấy năm nay ông rất hiếm khi ở cùng bà, ngay cả hồi xưa khi còn tình cảm với nhau, cuộc sống cũng rất tạm bợ qua quýt, chỉ nhớ những cuộc cãi vã hết lần này đến lần khác, chẳng có hồi ức vui vẻ nào đáng lưu luyến cả. Thế nhưng vẫn chính là những tháng ngày trẻ trai đau khổ, hoang tàn đó đã thật sự chạm đến tim ông, khiến ông bây giờ nhớ lại, có cảm giác như những làn mưa bụi bay nhè nhẹ và cả mùa đông cùng ùa vào trong mắt, mắt mũi đều cay sè như có nước ứ bên trong.
Ông Mễ định thần lại, đẩy cái gọng kính vàng lên, hơi xoay người trong lớp áo, bên ngoài lạnh, càng cảm giác rõ rệt sự ấm cúng sạch sẽ trong xe. Thời tiết mưa nhỏ giống như một con chó to màu nâu thẫm, bộ lông rậm rì, ẩm ướt, cái mũi đen lạnh ngắt gí sát vào mặt người ta ngửi hít mãi không thôi. Đôn Phượng dừng xe xuống mua một túi hạt dẻ rang đường, tạm thời đưa ông Mễ cầm hộ để mở ví da trả tiền. Chiếc túi giấy nóng hổi trong tay ông, nóng đến không còn cảm giác. Cách cả tầng tầng lớp lớp những quần những áo, ông vẫn có thể cảm thấy bờ vai cô; bị ngăn cách bởi lớp đệm vai áo khoác của ông, lớp đệm vai áo khoác của cô, đó là người đàn bà trong hiện tại của ông, hiền dịu, thượng lưu, hai ba năm trước cũng là một người đẹp. Lần này ông không hề xông vào đời sống hôn nhân một cách hồ đồ hấp tấp, mà đã nghe ngóng thăm dò từ trước, có kế hoạch đàng hoàng, hy vọng những năm tuổi già được hưởng chút niềm hạnh phúc êm đềm, có hồng nhan tri kỷ bên mình, để bù đắp cho những chuyện không vừa ý khi xưa. Vậy mà... ông mỉm cười đưa túi hạt dẻ cho cô, cô đổ vài hạt ra bóc ăn; đối lập với mặt đường đen bóng và những thân cây màu nâu, mặt cô đỏ hồng, bèn bẹt, mắt mi đều rõ nét, không trang điểm mà cũng như vẽ mắt kẻ mày. Ông Mễ mỉm cười nhìn cô. Đối với người đàn bà trước đây ông chỉ toàn cãi vã đánh lộn, đối với cô lại khi thì “xin lỗi” lúc nói “cảm ơn”, cũng chỉ có cảm ơn với xin lỗi mà thôi.
Đôn Phượng vứt vỏ hạt dẻ đi, xoa xoa tay rồi đeo lại găng vào. Vai kề vai ngồi cạnh người đàn ông của mình, cảm giác rất bình yên. Bên đường có người vén áo bông đứng đái vào tường - cũng không biết sợ lạnh! Chiếc xe kéo đi qua bưu điện, đối diện bưu điện có một ngôi biệt thự màu xám xây theo lối Âu kiểu cũ, trên ban công có một con vẹt to, cứ thê thiết kêu khèng khẹc, lần nào đi ngang qua cũng làm cô nhớ lại nhà chồng cô lúc trước, vốn dĩ cô định chỉ cho ông Mễ xem, nhưng hôm nay lại đúng lúc vừa dỗi ông, nên không bảo ông xem nữa. Cô ngẩng đầu nhìn con vẹt già màu xám trắng đi lại trên giá, lần này lại không thấy kêu. Trên lan can đặt hai chậu hoa cúc màu đỏ, một bà già đang lom khom đóng cánh cửa kính.
Từ nhà chồng cô cho đến được bên nhà ông Mễ đây, giữa đường có biết bao nhiêu là trắc trở. Đôn Phượng là người đàn bà có tình có nghĩa, có tiết có tháo, may một bộ quần áo mà có khi cũng bị tay thợ may vô lương tâm làm hỏng, trải qua biết bao vui buồn tan hợp, huống hồ là chuyện hôn nhân của cô? Cô cất túi hạt dẻ vào túi lưới. Cái túi giấy được làm từ báo cũ, cô nhớ lại hôm kia có tờ báo Hoa Bắc gói đồ không biết ở đâu ra, trên có in một quảng cáo phim, tên bộ phim là “Hôn nhân một thời”, cô vừa nhìn thấy liền nghĩ ngay đến bản thân. Cuộc hôn nhân của cô trải qua những lần cô kể với người này thế này, kể với người kia thế nọ, hay giờ bản thân cô nghĩ lại tức thời cũng cảm thấy không rõ ràng, nên chỉ đành mỉm cười than thở: “Nói ra thì dài lắm.”
Ngay cả sau này khi sự việc đã yên ổn rồi, lại có một tay em họ đầu trộm đuôi cướp của cô đến tống tiền, bảo sẽ nói hết với ông Mễ, chồng cô mắc bệnh giang mai mà chết. Đương nhiên là nói láo. Song điều tra cho thật kỹ, các thiếu gia công tử nhà anh ta, có cậu nào là chưa từng phải tiêm thuốc kháng sinh đâu. Sau đó cũng chính nhờ mợ cô đứng ra điều đình, bỏ tiền mua lấy yên ổn. Họ hàng thân thích của cô rất nhiều, nhưng hiện nay trừ nhà cậu ra, cô hầu như rất ít khi đi lại. Anh em trong nhà cô hầu hết đều là con bà hai, ông Mễ từ đó đến giờ cũng chưa hề gặp gỡ với bọn họ, bởi vì bà vợ trước của ông vẫn còn đó, có gặp cũng khó xưng hô. Về phần Đôn Phượng, nếu tỏ ra giàu có trước mặt họ thì sợ bị vay tiền, nhưng có chỗ nào không được như ý, lại cũng không muốn kể khổ với họ, sợ bị cười chê. Mấy người họ hàng tích cực mai mối cho cô hồi xưa thì lúc nào cũng kể lể công lao, đặc biệt là bà chị dâu họ Dương, tính khí bốc đồng, càng khiến cô không chịu nổi. Mẹ chồng chị ta chính là mợ của Đôn Phượng, trong đám họ hàng, chỉ có bà mợ và ông anh họ này là còn nói chuyện được. Cũng chẳng qua là buồn quá không chịu nổi, chứ không Đôn Phượng cũng chẳng thường xuyên đến nhà họ Dương làm gì.
Nhà họ Dương sống trong một căn biệt thự thuộc hàng trung thượng lưu trong ngõ. Dương phu nhân ngồi đánh mạt chược trong phòng ăn, trời tối sớm, ba giờ chiều mà đã bật đèn điện. Một cái bàn vuông mặt bọc da bốn bên nẹp đồng, là đồ dùng từ nhiều năm về trước. Nhà họ Dương xưa nay vẫn theo lối mới, từ thời bố chồng Dương phu nhân còn sống đã có truyền thống nói tiếng Anh, đi học trường tư. Đến khi chồng Dương phu nhân du học ở nước ngoài về, mốt này lại càng mãnh liệt. Vợ vừa sinh con, anh đã dụ ăn hoa quả, đi ngủ để mở cửa sổ, vì thế mà đắc tội với mẹ vợ. Dương phu nhân được cổ vũ để trở thành một nàng dâu lanh lợi, phòng khách nhà chị ta rất có hơi hướng phòng khách kiểu Tây, cũng có người gửi hoa gửi kẹo đến tặng như những phu nhân nước Pháp, cưng nựng đến nỗi chị ta trở nên điệu rớt. Cũng có rất nhiều quý ông, cứ có cơ hội là kể lể với chị ta, rằng phu nhân của họ không biềt điều thế nào. Trước đây ông Mễ cũng là một trong số đó, ông chẳng nhận được chút an ủi nào từ gia đình mình, nên rất thích quanh quẩn với mấy bà phu nhân, dù chỉ cười đùa tán phét cũng thấy vui. Cũng chính vì thế, Dương phu nhân luôn cho rằng ông Mễ là của chị ta nhường cho Đôn Phượng.
Dưới ánh đèn, Dương phu nhân mặt dài, hai vệt phấn phủ dài từ mi mắt xuống đến đưới cằm, gương mặt rươi roi rói, trắng hồng, cười như hoa nở, híp cả mí lại, vài sợi tóc mái bay cả vào mắt; ở nhà mà cũng khoác một cái áo choàng giả da dê cũ, vai hơi so lại, một tay đặt trước ngực giữ cái áo choàng cho khỏi tuột xuống, một tay nắm lấy tay Đôn Phượng, cười nói: “Ồ, em ơi, ồ... Mễ tiên sinh... lâu lắm không gặp, khỏe không?” Lúc hỏi thăm ông Mễ, hai mắt không nhìn thẳng, như để tránh ngờ vực; lúc kéo tay Đôn Phượng thì lại rất thân mật, hạ thấp giọng nhắc lại lần nữa câu “khỏe không?”, say sưa dùng ánh mắt đầy yêu thương ngưỡng mộ nhìn từ đầu đến chân, cứ như cả con người Đôn Phượng đều do chị ta một tay nhào nặn nên vậy. Đôn Phượng hận chị ta chính là ở điểm này!
Đôn Phượng hỏi: “Anh họ em có nhà không?” Dương phu nhân khe khẽ thở dài, nói: “Anh ấy có bao giờ về sớm thế đâu? Em không biết đấy thôi, bây giờ nhà bọn chị có còn giống cái nhà nữa đâu?” Đôn Phượng cười nói: “Cũng chỉ có anh chị, bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn như vợ chồng son, suốt ngày cãi vã.” Lần đầu tiên Đôn Phượng và ông Mễ gặp gỡ, cũng là ở nhà họ Dương, hôm đó vợ chồng chủ nhà cũng cãi nhau, rất Tây, cứ như một đôi tình nhân. Ông Mễ ở đó, tự nhiên thấy ghen tị, bèn cố tình lân la nói chuyện với Đôn Phượng để chọc tức Dương phu nhân, sau đó lại lấy xe ô tô đưa Đôn Phượng về nhà, mọi chuyện bắt đầu như thế... Quả thật là bắt đầu từ chuyện nhỏ nhặt như vậy, nhưng Đôn Phượng cũng không thể thừa nhận - vì như vậy thì tổn thương cho lòng tự trọng của cô quá. Song nếu bảo hoàn toàn chẳng liên quan gì đến Dương phu nhân thì cũng không đúng, sự ghen tị của Đôn Phượng xưa nay không bao giờ là vô căn cứ, cô tin như vậy.
Cô còn nhớ buổi tối hôm đó, ngồi quanh chiếc bàn vuông mặt bọc da nẹp đồng này đánh mạt chược, cô không được quyền thua, nhưng lại phải làm ra vẻ rất điềm nhiên. Bây giờ cô dư dả rồi, tha hồ hà tiện một chút cũng chẳng sao; chứ làm một người họ hàng nghèo, lúc nào cũng phải chăm chăm cư xử sao cho rộng rãi. Bây giờ cô dư dả rồi, còn nhà họ Dương, trong cái đận khó khăn này, lại giống như hầu hết các gia đình khác, càng ngày càng sa sút. Nhưng Dương phu nhân vẫn phải chơi bài, chỉ những người chơi bài là đã thay sang nhóm khác, hầu hết là bọn thanh niên vô công rồi nghề; Đôn Phượng thấy thật chướng mắt. Trong số đó có một người vận Âu phục đen, đến áo gi lê mặc trong cũng không có, ngồi đằng sau Dương phu nhân, nói: “Bác Dương, cháu đi gọi điện thoại một chút, nhân tiện mua xà phòng, có cần mua luôn cho bác một bánh không?” Hỏi một hồi, Dương phu nhân vẫn lờ đi, cái áo choàng tuột xuống khỏi vai, cậu ta liền đưa ngón tay trỏ khẽ vạch vào lưng chị ta. Chị ta hình như không biết buồn nên cũng chẳng nhận ra. Cậu ta bèn quay người đi nhổ đờm, chị ta lại ấn một quân bài lên lưng cậu ta, vạch quân bài trượt xuống thành một đường thẳng, nói: “Đấy, vẽ một ranh giới, nam nữ bất thân, nhé!” Mọi người đều bật cười. Dương phu nhân xưa nay nổi tiếng mồm mép, nhưng Đôn Phượng nghĩ, giữa những hạng nhân sĩ phu nhân ngày trước, vì ai nấy đều là người đàng hoàng, nên chỉ cảm thấy chị ta bạo dạn dễ thương; cùng những lời như vậy, giờ nói với hạng người này, chỉ thấy rõ sự hạ lưu.
Trong căn phòng bên cạnh có người đang thổi sáo. Đôn Phượng bước đến đẩy cửa ngó vào thì thấy Nguyệt Nga, con gái Dương phu nhân, hai tay đang lật bản nhạc để trên bàn, cúi đầu khe khẽ hát kịch, bên cạnh có một người đệm sáo. Đôn Phượng hỏi Dương phu nhân: “Nguyệt Nga học Kịch côn khúc à?” Ông Mễ cũng nói: “Nghe tao nhã quá!” Dương phu nhân cười nói: “Sắp tới nữa hai mẹ con tôi còn lên sân khấu biểu diễn đấy, diễn vở Phán Mã Ký[6], nó đóng vai kép, tôi đóng vai đào”. Ông Mễ cười: “Dương phu nhân vẫn giữ nhiều sở thích tao nhã thật!” Dương phu nhân nói: “Tôi chẳng qua tham dự góp vui thôi, đám trẻ con trong hội nghiên cứu côn khúc đó thì lại cứ nhiệt tình lắm. Trong đó có cả cô tiểu thư con nhà Vương Thúc Đình, còn có hai cậu thiếu gia nhà Cố Bảo Sinh - chứ nếu tạp nham quá, tôi cũng chẳng để Nguyệt Nga nhà mình tham gia vào.”
Trong hội đánh bài có người hỏi: “Bác Dương, mấy cô cậu tiểu thư thiếu gia nhà bác tên đều là gì gì Hoa, sao riêng cô cả lại gọi là Nguyệt Nga?” Dương phu nhân cười nói: “Vì nó sinh vào đúng Trung thu.” Ngày sinh của họ hàng Đôn Phượng là người nhớ rõ nhất, bởi vì bao nhiêu năm nay, càng không có tiền cô lại càng sợ mình chi tiêu cư xử không chu đáo, để người ta bàn tán, nên liền nói ngay: “Ơ, sinh nhật Nguyệt Nga là cuối tháng Tư mà!” Dương phu nhân cười sằng sặc, kéo áo choàng lên vai, rụt cổ lại, rồi sáp đến sát trước mặt Đôn Phượng, lim dim nhìn cô, hạ giọng nói thành thật: “Ra đời vào tháng Tư, nhưng lúc nó bắt đầu thành hình, là vào đêm rằm tháng Tám.” Mọi người đều nghe thấy, cười rộ lên, tranh nhau nói: “Bác Dương...” “Bác Dương...” Đôn Phượng thấy xấu hổ, vì muốn giữ thể diện gia đình nhà mình nên không muốn để ông Mễ nghe thêm nữa, vội nói: “Em lên nhà chăm lão phu nhân,” gật đầu chào rồi đi luôn. Dương phu nhân cũng gật đầu nói: “Hai người cứ lên trước, lát nữa tôi sẽ lên ngay.”
Bước lên cầu thang, Đôn Phượng đi trước, quay đầu lại liếc ông Mễ một cái, hơi cười bĩu môi như muốn nói: “Hoài công anh trước đây cứ xem chị ta như báu vật không bằng!” Ông Mễ trước sau vẫn giữ nguyên nụ cười mỉm đầy tự trọng. Mấy đứa con của Dương phu nhân xuất hiện ở đầu cầu thang, đồng thanh chào cô rồi lẩn đi mất.
Dương lão phu nhân ưa sạch sẽ, bọn trẻ con không mấy khi dám vào phòng, nên không đứa nào đi theo cô. Trong phòng có một cái bàn viết bằng kim loại màu xanh lục xỉn, một cái ghế khuyên kỷ[7] bằng kim loại, một cái tủ cao đựng giấy tờ cũng bằng kim loại, tủ lạnh, điện thoại. Do truyền thống khoáng đạt của nhà họ Dương, nên đến cả Dương lão phu nhân cũng thích các loại đồ đạc ngoại quốc tân tiến, nhưng trong không khí âm u của căn phòng không mở của sổ, người ta vẫn có cảm giác đó là căn phòng của một bà lão. Mặc dù lão phu nhân đã cai nghiện nha phiến rồi, nhưng vẫn còn để một cái bàn đèn. Lão phu nhân nằm trên một tấm đệm in hoa đọc báo, dưới vạt áo bông lộ ra chiếc quần len màu tím chết, dùng dây buộc lại ở chỗ mắt cá chân, thành ra kiểu quần bo gấu. Bà ngồi dậy nói chuyện với bọn họ, kéo kéo chiếc quần len xuống, cười vẻ xin lỗi, nói: “Cháu xem mợ làm ra cái bộ dạng thế này! Năm nay rét sớm, cũng định may một cái quần bông đấy, cơ mà một cái quần bằng giá cả một cái xường xám! Đành mặc tạm thế này rồi tính sau.”
Ông Mễ nói: “Bên bọn cháu đã đốt một chậu than rồi, nhưng đến lúc lạnh thật thì cũng vẫn không ổn.” Đôn Phượng tiếp lời: “Anh ấy khuyên cháu may một cái áo da. Bên nhà cháu lại có tới hai cái áo da cũ của nam, nên định đem ra sửa lại.” Dương lão phu nhân nói: “Thế thì tốt quá còn gì, vải ngày xưa chỉ có vừa tốt vừa bền hơn bây giờ.” Đôn Phượng nói: “Chỉ sợ không đủ vải.” Dương lão phu nhân nói: “Áo nam giới to hơn, lại không đủ cho cháu sửa sao?” Đôn Phượng đáp: “Hai cái áo đó của cháu, chỗ eo rất chật.” Dương lão phu nhân cười nói: “Là áo của cháu chứ gì? Mợ còn nhớ ngày xưa cháu mặc theo kiểu con trai, đội cái mũ mỏ vịt, lại còn tết một bím tóc dài, trông giống như bọn hát kịch.” Đôn Phượng thưa: “Không, không phải áo của cháu.” Cô hất cao gương mặt đầy đặn trắng hồng, mỉm cười bình thản, đường đường chính chính thể hiện mình có muôn vàn quá khứ.
Anh chồng đã mất của cô là một chàng trai nhỏ nhắn, Dương lão phu nhân biết hai cái áo cô nói đến là của anh này, ông Mễ đương nhiên cũng biết, cảm thấy rất không vui, đứng dậy, chắp tay sau lưng, xem hai câu đối trên tường. Thấy một cô bé gái lấp ló ở của, ông liền bước tới, quỳ gối ngồi xuống chơi với nó. Lão phu nhân bảo đứa bé: “Sao không biết chào? Không nhận ra hay sao? Đây là ai?” Đứa bé chỉ vùng vằng. Ông Mễ nghĩ thầm, ngoài cách chào là “ông Mễ” ra, cũng chẳng còn cách xưng hô nào khác. Lão phu nhân thì cứ ép nó, cả Đôn Phượng cũng hùa theo: “Chào đi, rồi cô cho ăn hạt dẻ!” Ông Mễ nghe thấy bực mình, cắt ngang lời cô, nói: “Hạt dẻ đâu?” Đôn Phượng thò tay vào túi lưới lấy ra vài hạt, lão phu nhân ngồi bên cạnh nói: “Chừng ấy đủ rồi.” Ông Mễ nói: “Lão phu nhân không ăn à?” Đôn Phượng vội nói: “Mợ không bao giờ ăn vặt đâu, em nhớ mà.” Ông Mễ vẫn cố mời, Dương lão phu nhân thành ra hơi khó xử, nói: “Đừng khách sáo, ta không ăn thật mà.” Trên cái bàn uống trà cạnh giường lò[8] lại có một túi vỏ hạt dẻ, lão phu nhân tiện tay lấy một tờ báo phủ lên trên che đi. Đôn Phượng than thở: “Bây giờ hạt dẻ lạc rang đều bán tính hạt rồi!” Dương lão phu nhân nói: “Đã đắt hơn lại còn không ngon; gọi là hạt dẻ rang đường, chứ chắc lúc rang cũng chẳng bỏ đường, cho nên năm nay hạt dẻ rất nhạt.” Đôn Phượng cũng không nghe ra chỗ sơ hở trong câu nói.
Ông Mễ hỏi: “Bên này lão phu nhân đã lĩnh đường phân phối chưa?” Lão phu nhân nói: “Đã có đâu, hôm nay xem báo cũng không thấy nói. Đặt một tờ báo cũng chỉ là để xem tin gạo với đường phân phối thôi! Nhà này những việc này ta mà không lo thì chẳng có ai lo cả! Ai dè sống đến bây giờ để phải chịu đựng những ngày tháng thế này đây. Chắc ta phải đi xem bói xem thế nào.” Đôn Phượng cười nói: “Cháu đang định kể với mợ, hôm kia hai bọn cháu cùng đi ra ngoài, mới xem một ông thầy bói bên đường.” Dương lão phu nhân hỏi: “Có đúng không?” Đôn Phượng cười đáp: “Chúng cháu chỉ xem cho vui thôi, ông ấy xem có năm mươi đồng.” Dương lão phu nhân nói: “Thế thì rẻ thật, ông ta nói thế nào?” Đôn Phượng cười nói: “Nói là...” cô nhìn về phía ông Mễ, rồi nói tiếp: “Nói cháu với anh ấy sau này việc gì cũng như ý, nói anh ấy còn thọ mười hai năm nữa.”
Cô rất hân hoan, cứ như gặp được niềm vui bất ngờ, nhưng cái con số mười hai năm này vào đến tai ông Mễ dường như lại hơi quái dị, làm ông lạnh toát cả người. Dương lão phu nhân là người có tuổi, cũng có cùng một cảm giác, thầm trách Đôn Phượng nói năng không ý tứ, vội vàng ngắt lời bảo: “Cái ông Trương Thiết Khẩu ngày xưa cháu hay xem, nghe nói bây giờ nổi tiếng lắm?” Đôn Phượng khoát tay nói: “Bây giờ không xem nổi ông đó nữa đâu, đăng ký trước mà còn không chen vào nổi.” Dương lão phu nhân nói: “Bây giờ cũng hiếm khi nghe cháu nhắc đến chuyện xem bói nữa. Có câu ‘người nghèo xem bói nhà giàu thắp hương’!” nói rồi bật cười.
Những lời như thế Đôn Phượng không thích nghe, cũng chẳng để tâm, chỉ chú ý dõi theo ông Mễ. Ông Mễ về chỗ ngồi, lúc đi qua lò sưởi liếc nhìn đồng hồ. Cái đồng hồ kiểu cũ, hình chữ nhật viền bọc da đỏ, mặt kính vàng xỉn, hai cái kim rất mảnh, chạy lù rù, cũng chẳng nhìn rõ là mấy giờ mấy phút. Đôn Phượng biết ông lại đang lo lắng đến bà vợ ốm của mình.
Dương lão phu nhân hỏi ông Mễ: “Ở nước ngoài có xem bói không?” Ông Mễ đáp: “Có, cũng có người xem theo ngày giờ sinh, có người xem bằng quả cầu pha lê, hoặc quân bài tú lơ khơ.” Đôn Phượng lại khoát tay nói: “Cháu cũng đã từng đi xem bói kiểu nước ngoài, không đúng đâu, xem một bà rất nổi tiếng. Chính cái hồi cháu với cái người đã mất ấy cứ cãi vã suốt, điểm này thì bà ấy nhìn ra, nói cháu và chồng cháu không hợp. Cháu nói: ‘Thế phải làm thế nào?’ Bà ấy nói: ‘Cô dẫn anh ta đến đây, tôi khuyên anh ta vài câu là được.’ Như thế chẳng phải chuyện đùa sao? Trong nhà bao nhiêu người khuyên can không được, bà ta khuyên vài câu mà được? Cháu nói: ‘Không được đâu, tôi không đưa anh ấy đến đuợc. Anh ta đã không hòa hợp với tôi, đời nào lại nghe lời tôi chứ?’ Bà ấy nói: ‘Thế thì dẫn một người bạn của anh ta đến. Thế có phải càng nói càng buồn cười không? Dẫn một người bạn của anh ta đến thì có tác dụng gì? Rõ ràng là cố tình muốn kiếm thêm. Sau đó cháu cũng không đến đó xem nữa.”
Dương lão phu nhân thấy cô cứ nhắc đi nhắc lại chuyện chồng cũ, ông Mễ rõ ràng rất khó chịu, hai chân gác lên nhau ngồi đó, hai tay khoanh trước bụng, môi mím chặt, mỉm cười vô cùng miễn cưỡng. Dương lão phu nhân lại cắt ngang lời: “Các cháu bảo muốn thay đầu bếp, vốn dĩ ông Vương bên này nói muốn giới thiệu một người, bây giờ chính ông Vương cũng bỏ đi làm ăn riêng rồi.” Ông Mễ nói: “Bây giờ tìm người làm khó thật.” Đôn Phượng hỏi: “Vậy bên này mợ còn đủ người dùng không?” Dương lão phu nhân liếc thấy ngoài cửa không có ai, thấp giọng nói: “Cháu không biết đâu, mợ thà bớt đi vài người ở, chứ nếu không thì lại toàn ra đứng hầu cạnh bàn bài bạc đó, bưng đồ này thức nọ cho chị dâu cháu thôi! Bây giờ mấy việc nặng nhọc, mợ đều giao cho thằng bảo vệ khu ngõ, chấp nhận cho thêm nó một ít tiền. Hôm nay không hiểu tại sao chị dâu cháu lại biết mợ có thưởng thêm tiền cho nó, liền sai phái nó đi mua thuốc lá, cứ như là chủ của nó vậy... cháu xem thế có phải là...?” Đôn Phượng bật cười, hỏi: “Chị dâu bây giờ mời khách đến đánh bài, có còn mời cơm nữa không ạ?” Dương lão phu nhân đáp: “Lấy đâu ra mà cung phụng cho nổi? Đến giờ ăn cơm thì ai về nhà nấy thôi! Cho nên bây giờ đám bạn này của nó đều là cùng ngõ cả, chỉ được cái dễ đuổi về.”
Lão phu nhân lấy mấy món đồ cố định đem bán ra cho ông Mễ xem, mời ông định giá. Lại thấy một bức trung đường, lão phu nhân cầm đầu trên của cuộn tranh, ông Mễ cầm đầu dưới cuộn tranh, hai người cùng đứng ngắm. Đôn Phượng ngồi trên một chiếc ghế nhỏ phía trước cái giường lò, tay bó gối, đôi vai béo tròn, đôi đầu gối béo tròn, tự thấy mình biến thành một đứa trẻ, dưới sự che chở của người lớn, vô cùng yên vui. Thế giới này đang thay đổi, mợ cô thì bán đồ đạc để sống qua ngày, chị dâu vẫn vớt vát ngồi đó đánh bài và chòng ghẹo, đóng vai một phu nhân trẻ lắm tiền, nhưng cũng đã thảm hại đi rồi. Chỉ có cô, Đôn Phượng, dù đã trải qua một lần hôn nhân mạo hiểm, nay lại trở về trong vòng tay một người đáng tin cậy, cứ như là xưa nay chưa hề có ly biệt bao giờ.
Ông Mễ xem tranh, nói: “Bức này của Hà Thi Tôn, cũng đáng tin cậy đó, nhưng bây giờ tranh của Hà Thi Tôn bên ngoài cũng nhiều lắm...” Lão phu nhân nhìn ông ta, lòng nghĩ: “Người có địa vị như thế ở công ty cổ phiếu, lại có học vấn thế này, cả cổ học lẫn tân học đều thông hiểu, lại biết lễ, chu đáo - Đôn Phượng lấy được người thế này cơ đấy! Cái con bé Đôn Phượng này, tuổi cũng không nhỏ nữa, thế mà chẳng ý tứ gì, ăn nói cứ toàn làm ông ta đau lòng! Tội nghiệp ông ta, cứ nhẫn nhịn mãi! Thời buổi bây giờ khác rồi, phục đàn ông ở điểm chịu nhịn! Nếu là ngày xưa đời nào thế được? Nhưng mà Đôn Phượng ngày xưa cũng có phải chưa từng chịu khổ vì đàn ông đâu, sao bây giờ có phúc mà không biết chứ! Năm nay Mễ tiên sinh cũng đến sáu mươi rồi chắc? Cùng tuổi với mình. Mình thì khổ thế này, gánh vác cả cái nhà bao nhiêu người, con dâu không giữ đạo con dâu, làm cho thằng con trai buồn bã đến nỗi chẳng mấy khi về nhà, việc gì cũng rơi xuống đầu mình, làm thế nào được như Đôn Phượng thanh thản nhẹ nhàng hai vợ chồng sống trong một ngôi nhà nhỏ kiểu Âu thì hay biết mấy! Giờ mình đã nhiều tuổi thế này rồi, lẽ nào lại còn những suy nghĩ khác, cũng chẳng qua là thèm cái tự do tự tại đó thôi...”
Bà cuộn bức họa lại, miệng nói: “Đã hẹn một nhà buôn tranh ngày mai đến, đem ra cho Mễ tiên sinh xem qua thôi, thế là tôi yên tâm rồi.” Dù chỉ là thuận miệng mà nói, nhưng trong lời nói lại mang giọng điệu dịu dàng tin cậy, thành ra nghe rất cảm động. Cả đời ông Mễ chẳng nhận được bao nhiêu dịu dàng từ đàn bà, chỉ một chút ý tốt là ông cũng nhận ra ngay. Ông cười nói: “Hôm nào mời lão phu nhân sang bên chúng cháu ăn cơm, bên nhà có vài món đồ, cũng đáng xem.” Lão phu nhân cười nói: “Trời lạnh một cái là ngại ra ngoài.” Đôn Phượng nói: “Đi xe kéo, cũng nhanh lắm. Đợi cháu thuê được đầu bếp, cháu đến đón mợ sang.” Lão phu nhân miệng đồng ý, trong lòng lại nghĩ: “Trả tiền xe kéo cho ta cũng là phải lẽ; nếu ta tự đến, thế nào cũng phải có một người theo hầu, lại thêm một miệng ăn, tính ra thì cũng bằng nhau.” Đôn Phượng lại nói: “Cái kiểu xe kéo này, chỉ hai người phụ nữ ngồi chung còn ra thể thống. Nếu là hai ông đàn ông ngồi, không hiểu sao trông cứ ngu ngơ thế nào ấy. Mà một nam một nữ ngồi, thế nào cũng thấy ngường ngượng làm sao.” Lão phu nhân cười, nói: “Nếu ngồi cùng với người chẳng liên quan gì đến mình thì quả là không được, chứ như cháu ngồi với Mễ tiên sinh đây thì có gì mà ngượng?” Đôn Phượng nói: “Cháu cứ thấy không quen thế nào ấy.” Cô nghĩ cô đẹp như hoa như ngọc, ngồi bên ông Mễ, ông Mễ ngoài điểm có đeo mắt kính, còn lại trông tổng thể giống hệt một đứa trẻ sơ sinh, mũi nhỏ mắt nhỏ, như thể chính ông đang không quyết định được chắc chắn liệu mình có nên khóc hay không vậy. Mặc bộ Âu phục thì người ngợm lại cứng đơ thẳng tuột trông như trẻ con bị quấn tã chặt quá, chỉ còn cách thẳng đơ cả người ra. Đôn Phượng liếc nhanh Mễ tiên sinh một cái, quay đầu đi. Cả đầu lẫn mặt ông đều sáng bóng, rất chỉnh tề, như một cái bánh bao được trịnh trọng đặt lên trên áo sơ mi và cà vạt. Người chồng đầu tiên của cô dù có cả trăm điều không phải, ít ra cũng không đến nỗi khiến cô xấu hổ trước người khác khi nhận đó là chồng mình. Lúc chết anh ta mới hai mươi nhăm, gương mặt hẹp, mắt mũi thanh tú, lúc cười trông đôi mắt mới hư hỏng làm sao!
Ông Mễ vươn người với tờ báo, lão phu nhân cầm lấy đưa cho ông, nhân đó hỏi: “Gần đây hai cháu có xem kịch gì không. Có một vở Phù sinh lục ký, mấy đứa cháu gái tôi xem đều khen hay, nói có diễn đám cưới kiểu cũ, thú vị lắm.” Đôn Phượng lắc đầu nói: “Cháu xem rồi, chẳng giống chút nào! Đám cưới bọn cháu ngày xưa đâu có như vậy?” Lão phu nhân nói: “Phong tục mỗi nơi mỗi khác.” Đôn Phượng nói: “Thì cũng không thể khác nhiều đến thế!” Lão phu nhân liếc trộm ông Mễ, ông Mễ có vẻ rất chán chường, cầm tờ báo liếc từ trên xuống dưới một lượt, lại cuộn vào, gấp đôi lại. Lúc gấp tờ báo bèn ngó nhìn đồng hồ. Đôn Phượng lạnh lùng nói: “Muộn rồi chứ gì, anh có phải về thì về trước đi.” Ông Mễ mỉm cười nói: “Anh không vội, đợi em rồi cùng về.” Đôn Phượng không nói gì nữa. Nhưng ông vẫn không ngừng xem giờ, cô liếc nhìn ông, ông cũng liếc nhìn cô. Lão phu nhân cảm thấy khó hiểu, nhìn bọn họ thần sắc lạ lùng, trong lòng thầm nghĩ, nếu là một người tế nhị, cũng nên tìm cớ bỏ ra khỏi phòng, để chúng nó nói xong chuyện rồi mới quay vào, nhưng thực lòng ngại chẳng muốn động đậy, vả lại cũng đáng đời chúng nó, hai vợ chồng cả ngày ở với nhau, có gì không muốn cho người khác biết sao không nói ở nhà đi, lại dẫn nhau đến nhà người ta mà nhấm nha nhấm nháy?
Nói đến chuyện xem kịch, ông Mễ bèn nói về ca kịch và kịch nói của nước ngoài, nghệ thuật khiêu vũ của đảo Bali. Dương lão phu nhân nói: “Mễ tiên sinh đi nhiều nơi thật!” Mễ tiên sinh lại nói về điện thờ của Vương quốc Campuchia, nền lát lớp gạch bạc dày hai thước, một pho tượng Phật toàn chân dát vàng, những bức phướn đính đầy đá quý hồng lam. Nhưng Đôn Phượng chỉ lạnh lùng nhìn ông, hận ông, bởi vì ông tâm tâm niệm niệm nhớ đến bà vợ trước, bởi vì ngồi chung một chiếc xe kéo với cô trông ông không đủ đẹp trai.
Ông Mễ nói: “Đó là ngày trước, bây giờ muốn đi du lịch cũng chẳng được nữa rồi.” Dương lão phu nhân nói: “Chỉ cần chiến tranh kết thúc, các cháu muốn đi lại chẳng dễ sao?” Ông Mễ cười nói: “Đôn Phượng đã giao hẹn trước rồi, nếu đi phải cho cô ấy đi cùng nữa.” Dương lão phu nhân nói: “Thế thì chắc nó vui lắm!” Đôn Phượng thở dài lạnh lẽo, nói: “Ôi dào! Chuyện sau này biết thế nào mà nói? Cũng phải xem có còn sống được cả đời không...” Cô cũng mơ hồ cảm thấy, câu này nói ra rất dễ gây tổn thương, rất nặng nề, nên bản thân cũng có chút hoang mang, lại nói thêm một câu: “Ý em là, cũng không biết là anh chết hay em chết...” Cô lại muốn che giấu bản thân, nên bật ra tiếng cười nhạt thếch.
Gượng gạo một lúc, ông Mễ đứng lên cầm mũ, cười cười bảo phải về. Lão phu nhân giữ ông ngồi lại thêm lúc nữa, Đôn Phượng nói: “Anh ấy còn phải rẽ qua chỗ khác, mợ cứ kệ anh ấy về trước đi.”
Sau khi ông Mễ đi rồi, lão phu nhân hỏi Đôn Phượng: “Ông ấy đi đâu thế?” Đôn Phượng chuyển lên cái giường lò ngồi sát cạnh lão phu nhân, nói khẽ: “Bà vợ già bị ốm, anh ấy đi thăm.” Lão phu nhân nói: “Ồ, bệnh gì thế?” Đôn Phượng đáp: “Bác sĩ còn chưa chẩn đoán được có phải là viêm phế quản không. Mấy hôm nay ngày nào anh ấy cũng phải sang thăm một chuyến.” Nói đến đây, cô lại không kìm được, sưng mặt lên, hai tay đặt trên đầu gối, một tay nắm lại thành nắm đấm đấm nhè nhẹ, một tay mở ra xoa lên xoa xuống, vừa đấm vừa bóp, trông đầy vẻ ấm ức. Lão phu nhân cười nói: “Thì cháu cứ kệ cho ông ấy đi, dù gì cũng biết ông ấy thực lòng với cháu mà.” Đôn Phượng vội nói: “Đương nhiên là cháu kệ ông ấy rồi. Thứ nhất cháu không phải người ghen tuông, hơn nữa đối với ông ấy, cháu cũng chẳng có tình cảm gì.” Lão phu nhân cười nói: “Đây chẳng qua cháu nhất thời nóng giận nên mới nói thế phải không?” Đôn Phượng ngây người ngước đôi mắt lên, trên gương mặt béo tốt hồng hào của cô, chỉ riêng có đôi mắt là nghiêm khắc, vô hồn, như thể sắp sửa trợn lên, thế nhưng cô vẫn cười nói: “Chuyện của cháu, nào phải mợ không rõ? Cháu cũng chỉ là vì cuộc sống.” Lão phu nhân cười nói: “Nhưng bây giờ dù gì cũng là vợ chồng...” Đôn Phượng vội vã nói: “Chẳng giấu gì mợ, nếu chỉ vì cần đàn ông, cháu cũng chẳng lấy ống Mễ.” Cô đỏ cả mặt lên, lại ngồi sát thêm một chút, mỉm cười nói khẽ: “Thực ra bọn cháu cũng thật hiếm khi lắm, không biết mấy tháng mới có một lần.” Nói xong, cô mở to đôi mắt nhìn thẳng vào bà mợ, trên môi vẫn giữ nụ cười mỉm. Lão phu nhân nhất thời không nghĩ ra lời nào để đáp lại, chỉ cười cười. Đôn Phượng đoán biết được suy nghĩ của lão phu nhân, bèn cướp lời nói: “Đương nhiên tình cảm vợ chồng cũng không quan trọng mấy chuyện đó. Nhưng đối với người như Mễ tiên sinh, cũng thực rất khó mà có tình cảm với ông ấy được.” Lão phu nhân nói: “Ông ấy đối với cháu thật rất tốt đấy, mợ thấy cháu đối với ông ấy cũng tốt.” Đôn Phượng nói: “Vâng, vì bản thân mình, cháu cũng phải quan tâm đến ông ấy, quần áo, ăn uống... cũng mong chăm sóc ông ấy đâu ra đấy, sống được lâu thêm vài năm là tốt rồi.” Cô tự nói đùa rồi tự bật cười. Lão phu nhân nói: “May mà Mễ tiên sinh cũng tráng kiện, trông chẳng giống người sáu mươi tuổi chút nào.” Đôn Phượng lại nói: “Cái ông thầy xem bói ngoài đường lúc nãy cháu nói với mợ đó, có mặt ông ấy, cháu chưa nói hết. Ông thầy bảo ông ấy là người có tiếng tăm trong giới làm ăn, nói số ông ấy không chỉ có một đời vợ, lại nói năm nay nhất định vợ chết.” Lão phu nhân nói: “Ồ... nói vậy cái bệnh này không khỏi được rồi.” Đôn Phượng nói: “Vâng, lúc đó cháu hỏi luôn: thế là tôi sắp chết sao? Ông thầy bói nói: không phải cô, sau này cô chỉ có tốt thôi.” Lão phu nhân nói: “Thực ra cái người đàn bà đó có chết cũng phải rồi.” Đôn Phượng cúi xuống vừa đấm vừa xoa đầu gối, lặng lẽ cười nói: “Ai mà không biết thế chứ?”
Bà già giúp việc bước vào nói: “Tiệm nước nóng Lão Hô vừa mang nước tắm đến.” Lão phu nhân nói: “Nước tắm gọi từ sáng, bây giờ mới mang đến, đúng vào lúc người ta có khách ở đây!” Đôn Phượng vội nói: “Mợ lại xem cháu là khách sao? Mợ cứ tắm đi, cháu ngồi một mình một lúc.” Người của tiệm nước nóng là một ông lão già nua khắc khổ, gánh một gánh nước, xiêu xiêu vẹo vẹo đi qua phòng. Lão phu nhân đi theo vào nhà tắm, chỉ huy ông ta đổ nước vào bồn tắm, lại nhắc nhở ông ta cẩn thận, đừng dựa cái đòn gánh chạm vào làm bẩn cái khăn tắm to.
Đôn Phượng ngồi một mình trong phòng, bỗng nhiên thấy lặng lẽ hẳn. Tiếng chuông điện thoại nhà bên cạnh từ xa vọng lại, trong không gian tĩnh lặng, nghe như ở sát bên tai: “Reng reng reng... Reng reng reng!” liên hồi, chẳng hiểu vì sao không có người nghe máy. Cứ như có ngàn vạn lời muốn nói mà chẳng nói ra được, như một màn kịch đầy bứt rứt, khẩn cầu, bức thiết. Đôn Phượng tự nhiên lại vì thế mà cảm thấy rúng động, nhớ lại tình cảnh tâm thần bất định của ông Mễ mấy hôm nay. Sự lo buồn của ông, cô không hiểu, cũng không muốn hiểu. Cô đứng dậy, hai bàn tay đan vào nhau, ánh mắt đầy vẻ tự vệ nhìn lên bức tường. “Reng... reng... reng! Reng... reng... reng!” Chuông điện thoại vẫn tiếp tục kêu, bắt đầu mang một âm sắc bi thiết. Đến cả căn nhà bên này cũng bắt đầu trông giống một căn nhà trống mất rồi.
Lão phu nhân cùng đi ra theo người gánh nước, Đôn Phượng quay người lại, nói: “Tiếng chuông điện thoại nhà bên cạnh nghe rõ mồn một.” Lão phu nhân nói: “Căn nhà này xây vốn qua loa, tường mỏng lắm.”
Lão phu nhân trả tiền nước, một xấp tiền đã được chuẩn bị sẵn đặt trên bệ lò sưởi, lại đưa thêm một tờ mười đồng để ông ta uống rượu. Người gánh nước lau nước mũi dính trên râu, cảm ơn rồi ra về.
Lão phu nhân than phiền: “Thời buổi bây giờ, thưởng mười đồng tiền uống rượu có mấy ai biết cám ơn? Đúng là người già cả mới phúc đức thế.” Đôn Phượng cũng bật cười phụ họa.
Lão phu nhân đi vào nhà tắm, đóng cửa lại chưa được bao lâu thì Dương phu nhân lên, vừa vào phòng liền hỏi: “Lão phu nhân đang tắm trong đó à?” Đôn Phượng gật đầu bảo vâng; Dương phu nhân nói: “Tôi có cái áo len màu nhung treo phía sau cánh cửa, muốn lấy ra, trong đó đầy hơi nước sợ làm phai hết màu.” Chị ta thử đẩy cửa, Đôn Phượng nói: “Sợ chốt bên trong rồi.” Dương phu nhân ngồi xuống bên bàn đèn, hơi xốc cái áo choàng giả da dê lên, kéo cho chặt hơn một chút; không có đàn ông bên cạnh, chị ta bèn đem những hoạt bát vui vẻ giấu kỹ lại. Đôn Phượng hỏi: “Đánh mấy ván rồi, sao giải tán sớm thế?” Dương phu nhân nói: “Có hai người mắc việc phải về trước.” Đôn Phượng nhìn chị ta cười nói: “Cũng chỉ có chị, suy nghĩ thoáng, biết cách tiêu khiển.” Dương phu nhân nói: “Ai mà không biết tôi chứ. Thực ra tôi chơi bài thế này tháng thua có là bao? Như anh họ cô đấy, bây giờ anh ấy tan giờ làm chẳng về nhà, đi đâu ngồi không thôi cũng tốn tiền chứ! Nói ra thì lại thành tôi làm cho anh ấy không ở nhà được. Nói ra thì lại thành mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều trông vào lão phu nhân.” Chị ta vươn người về phía trước, hạ giọng nói khẽ: “Những chuyện bây giờ, nếu chỉ trông vào lão phu nhân từ sáng đến tối làu bàu tiết kiệm mấy đồng bạc, liệu có được không? Đừng thấy tôi chỉ biết đánh bài, trong ngõ này cũng có vài người làm ăn nhỏ mà phát tài lớn đấy, họ mua cái gì, chỉ cần cho mình góp một ít vốn vào đấy, còn ra tiền hơn nhiều!” Đôn Phượng cười nói: “Vậy gần đây chắc chị phát tài lắm!” Dương phu nhân hơi ưỡn người, hai tay chống lưng, cười nhạt nói: “Góp vốn cũng cần tiền chứ, tiền lại không phải do tôi quản. Tôi mà muốn quản thì phải cãi vã với bà ấy chán, mà không quản thì lại bảo tôi không chịu quản!” Chị ta bỗng nhiên nhảy dựng lên, chỉ những bàn sách ghế bành, những tủ đựng giấy tờ kia, uất ức nói: “Cô xem cái này, cái này, cái gì cũng để trong phòng bà ấy! Cô xem đến cả điện thoại, tủ lạnh... tôi cũng chẳng so bì mấy thứ này, chứ nếu không...”
Đôn Phượng biết tường nhà họ không dày, chỉ sợ trong nhà tắm nghe thấy, nên không dám nói hùa vào theo chị ta, nhân lúc ngừng lời bèn đánh lạc hướng hỏi: “Lúc nãy ở dưới gác, cái người thổi sáo với Nguyệt Nga là ai vậy?” Dương lão phu nhân nói: “Cũng là người trong hội nghiên cứu côn khúc với nó. Cái con bé Nguyệt Nga này lầm lì lắm, nhưng mấy đứa bạn học của nó lại khá hợp chuyện với tôi. Tôi cũng là nịnh bọn chúng một chút, mấy môn phụ con bé không theo kịp, có bọn chúng nó kèm cho, cũng đỡ phải mời thầy dạy tư. Thỉnh thoảng chúng còn chạy giúp vài việc lặt vặt, người làm trong nhà bận không mở mắt ra được, thấy thế cũng thích. Nhưng cũng có lúc lại sinh ra vài phiền phức không ngờ tới.” Chị ta ngồi bên mép giường, khom lưng xuống, hai khuỷu tay chống trên đầu gối, giấu mặt vào trong cổ áo choàng, đưa mũi hít mạnh, cười thoải mái, nói: “Tôi cứ tự nói đùa là cái số đào hoa vẫn còn chưa dứt cơ đấy!”
Chị ta chờ Đôn Phượng hỏi lại, chờ một lúc, liếc nhìn Đôn Phượng một cái. Đôn Phượng đã từng có thời rất hào hứng với mấy chuyện kiểu này của Dương phu nhân, bây giờ tình thế của bản thân cô không còn như trước nữa, cô đã kết hôn đàng hoàng, đối với những mối quan hệ ngoài hôn nhân, không tránh khỏi giữ một thái độ nghiêm nghị. Dương phu nhân có rất nhiều người tình, thứ nhất không thể kết hôn, thứ hai không thể nuôi dưỡng cung phụng gì, vì thế Đôn Phượng nghiêm sắc mặt lại, thể hiện chỉ có việc chung thân đại sự của Nguyệt Nga là có giá trị thảo luận, cô hỏi: “Nguyệt Nga đã có bạn chưa?” Dương phu nhân nói: “Tôi vốn không hỏi đến chuyện của nó. Tôi mà cứ có ý gì, bà nội và bố nó nhất định sẽ phản đối.” Đôn Phượng nói: “Cái người lúc nãy, em thấy không tốt lắm.” Dương phu nhân nói: “Cô nói cái cậu thổi sáo đó à? Cậu đó không liên quan gì đâu.” Thế nhưng Đôn Phượng là kiểu phụ nữ “cuồng mộ hôn nhân”, đối với cô, bất cứ người đàn ông nào cũng có thể là đối tượng, cho đến khi anh ta chứng minh anh ta không thể là đối tượng. Cô vẫn cố chấp nói: “Em thấy cậu ta không được lắm, chị thấy thế nào?” Dương phu nhân chán nản đưa tay chống cằm, nhịp nhịp bàn chân xuống sàn nhà nói: “Cậu ta không có liên quan gì đâu.” Đôn Phượng nói: “Mặc dù em mới chỉ nhìn cậu ta có một lát, nhưng trông có vẻ hơi giảo hoạt.” Dương phu nhân cười nói: “Tôi biết cô thích kiểu đàn ông thế nào. Tướng mạo chỉ là thứ yếu, quan trọng là phải đáng tin cậy, sau đó phải ân cần chu đáo, như Mễ tiên sinh đó.” Đôn Phượng liền im bặt, mặt lại dần đỏ lên.
Dương phu nhân giơ bàn tay trắng muốt, lạnh ngắt ra nắm lấy tay Đôn Phượng, cười nói: “Gần đầy trông khí sắc cô tốt thật!... Như cô bây giờ quả đúng là lý tưởng!” Trước mặt Dương phu nhân, nếu Đôn Phượng mà thừa nhận mình hạnh phúc cũng tức là thừa nhận ơn điển của Dương phu nhân, vì vậy cô càng phải cố tình kể khổ: “Chị có biết đâu những chuyện rầu lòng của em!” Dương phu nhân nói: “Sao thế?” Đôn Phượng cúi đầu xuống, một bàn tay lại nắm thành nắm đấm, đấm nhè nhẹ lên đầu gối, một tay mở ra xoa lên xoa xuống, chăm chú vừa đấm vừa bóp, dẩu miệng lên đầy vẻ trẻ con, nói: “Bà già ấy bị bệnh rồi. Thầy bói nói ông ấy năm nay vợ chết. Chị còn chưa thấy cái vẻ mất hồn mất vía của ông ấy!” Dương phu nhân nửa mặt vẫn giấu trong áo choàng, chỉ lộ ra đôi mắt một mí híp lại, lạnh lùng nhìn Đôn Phượng, trong lòng nghĩ: “Làm vợ bé đúng là không thoát được cái bộ dạng vợ bé! Mở mồm ra là ‘bà già ấy’ chỉ thiếu điều gọi Mễ tiên sinh là ‘ông già ấy’ thôi!”
Dương phu nhân cười nói: “Bà ấy chết đi chẳng tốt hay sao?” Đôn Phượng nghe giọng điệu khắc nghiệt của chị ta lại không vừa lòng, trả lời: “Ai muốn bà ta chết chứ? Bà ấy có phiền gì đến em đâu!” Dương phu nhân nói: “Cũng phải. Tôi mà là cô, tôi chẳng đi tranh giành mấy cái danh phận với bọn họ, chỉ cần tiền cứ cầm chắc trong tay là được.” Đôn Phượng than vãn: “Người ra lại cứ tưởng em lấy được nhiều tiền của ông ấy lắm! Đương nhiên em cũng biết, sau này di chúc của ông Mễ chắc sẽ không để em thiệt thòi, nhưng ông ấy không nói đến, em cũng không tiện nhắc chuyện này.” Dương phu nhân trợn tròn mắt, nóng ruột thay cô ta, nói: “Cô có thể hỏi ông ấy chứ!” Đôn Phượng nói: “Chị nghĩ xem, làm thế ông ấy lại chẳng nghi ngờ sao?” Dương phu nhân ngây ra suy nghĩ một lát, lại nói: “Cô ngốc thật! Tiền đằng nào cũng qua tay cô, cô không biết mỗi lúc để dành lại một ít sao?” Đôn Phượng nói: “Cũng phải xem có để dành được không chứ! Thời buổi bây giờ không như xưa nữa, bọn đàn ông cũng từ sáng đến tối chỉ bàn chuyện giá gạo giá than, ai mà chẳng biết rõ giá cả thế nào. Bây giờ ông Mễ cũng chỉ là treo cái bảng tên ở công ty thôi, coi như đã về hưu rồi. Chi tiêu trong nhà, nếu chỉ cho riêng mấy đứa con trong Đại lục, thì còn khả quan, bảo để dành chút ít cũng là nên làm vậy. Nhưng trong nhà lại toàn người già cả, cái gì cũng phải theo lối cũ. Bà Trương về quê một chuyến, cũng tốn một khoản lớn, nói: ‘Phu nhân, phu nhân, tôi muốn hỏi bà xin ít tiền, mua mấy súc vải mang về làm quà’, lúc quay lên lại mang nào gà nào trứng nào mì sợi lên. Không thể cứ thế nhận không của người ta - quả thật không biết lấy đâu ra cho đủ! Cứ hễ một tí là sưng mặt lên, ra đứng trước mặt chủ, ‘Phu nhân, phu nhân’. Ông Mễ cũng thế, cứ hễ một tí là: ‘Đi hỏi phu nhân!’ Ông ấy cũng là có ý tốt, muốn để cho em được đóng vai người tốt...”
Dương phu nhân liếc mắc nhìn Đôn Phượng, tủm tỉm cười nghe cô ta nhại đi nhại lại giọng người làm “phu nhân, phu nhân”, trong lòng nghĩ: “Đúng cái kiểu vợ bé có khác!”
Dương lão phu nhân tắm xong mở cửa đi ra, vừa gọi bà già vào giúp việc cọ bồn tắm vừa hỏi: “Sao thấy có mùi gì khét khét, đang là quần áo đấy à?” Không đợi bà già trả lời, bà đã vội vàng đi ra ngoài hành lang xem xét, quả nhiên thấy một cái giá là quần áo ngay đầu cầu thang. Lão phu nhân mắng: “Ai bảo là thế? Dùng quá đi đến lúc cắt điện lại một mình tôi phải lo! Lẽ nào tôi thích lải nhải suốt hay sao - thời thế bây giờ khác rồi nhá!”
Còn đang quát mắng, đã thấy ông Mễ lại đến.
Đôn Phượng ngồi trong phòng, nhìn qua cánh cửa mở rộng thấy ông Mễ đi lên lầu, trong lòng vô cùng vui sướng, giả bộ ngạc nhiên, nói: “Ồ, sao anh lại đến thế?” Ông Mễ mỉm cười nói: “Anh cũng nhân tiện đi qua, nghĩ ra qua đón em.” Dương phu nhân đang cầm chiếc áo len từ nhà tắm bước ra, tay luồn vào ống áo len màu nhung rũ rũ, véo Đôn Phượng mấy cái, trêu chọc: “Cô xem, cô xem, Mễ tiên sinh tốt chưa! Chu đáo chưa! Mưa thế này, lại còn đến đón nữa!” Ông Mễ phủi phủi chiếc áo khoác đang mặc trên người, cười nói: “Bây giờ cũng hết mưa rồi.” Dương phu nhân nói: “Ngồi thêm một lúc nữa, chẳng mấy khi đến.” Ông Mễ cởi áo khoác ra, ngồi xuống, Dương phu nhân liếc mắt lườm ông ta, cười nói nhấn nhá: “Khỏe không thế, Mễ tiên sinh?” Ông Mễ thận trọng cười nói: “Tôi vẫn khỏe, chị có khỏe không?” Dương phu nhân thở dài một tiếng, chỉ nói đúng một tiếng “khỏe” như thở hắt ra vậy.
Đôn Phượng ngồi bên cạnh nghe, trong lòng chê chị ta làm bộ làm tịch, lại chê cái giọng điệu quá mức cẩn trọng của ông Mễ, cứ như sợ cô lại hiểu lầm không bằng. Cô nghĩ: “Nói thật với anh, chị ta có thế nào đi nữa, cũng chẳng đời nào thích một ông già như anh! Chẳng lẽ chị ta thật có ý gì với anh chắc!” Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến, Đôn Phượng đều thấy có chút cay mũi đối với Dương phu nhân, một phần cũng vì không có đối tượng nào mới để ghen tị - đối với “bà vợ già” ấy, cô lại chẳng hận đến thế. Lúc này, cô với Dương phu nhân và ông Mễ cùng ngồi trong căn phòng đang chìm dần vào bóng tối, cô bắt đầu bới lông tìm vết đem hồi ức về cái mối tình tay ba mơ hồ ấy ra ôn lại một lượt. Cô là người chiến thắng. Mặc dầu chẳng đáng kể là chiến thắng lớn lao gì, nhưng dù sao cũng là chiến thắng. Cô làm như không có chuyện gì, bưng cốc trà lên. Bưng một cốc trà nguội ngồi trong ngôi nhà lạnh lẽo của người họ hàng. Cô nhìn thấy một dấu son trên miệng cốc, liền hơi xoay cái cốc đi, lại vẫn thấy có một vết màu đỏ hình trăng khuyết. Cô chau mày, loại son đắt tiền của cô chắc chắn là son không phai, nhất định là cốc trà nhà họ Dương chưa rửa sạch, cũng không biết trước cô ai đã dùng nữa. Cô lại xoay cái cốc, xoay đến chỗ sạch hơn, nhưng từ đầu đến cuối cô không hề có ý định uống trà.
Dương lão phu nhân thấy ông Mễ đến, cũng muốn ngăn Dương phu nhân bắt chuyện với ông ta, liền đuổi bà già là quần áo đi rồi vội vã bước vào phòng. Dương phu nhân cũng nhận ra, nên để lộ một nụ cười khinh bạc, khịt khịt mũi, đứng dậy vẻ thờ ơ, cười bảo: “Để tôi đi bảo họ mua điểm tâm,” nói rồi liền đi ra ngoài, dưới vạt áo choàng để lộ ra một đôi bắp chân thon nhỏ, thoăn thoắt bước đi như hoa như liễu. Lão phu nhân lại sợ chị ta nhân cớ này mua quá nhiều đồ điểm tâm, nên cũng bước ra theo, nói to: “Mua một ít khoai lang sấy, mấy hôm nay vừa mới có khoai lang.” Đôn Phượng vội bảo: “Mợ ơi thật không cần cầu kỳ thế đâu, bọn cháu không đói.” Lão phu nhân cứ mặc kệ.
Mẹ chồng con dâu hai người đứng ở cầu thang, sai người làm đi mua khoai lang, nhưng lại âm thầm than vãn với nhau. Lão phu nhân nói: “Trong những chuyện này, Đôn Phượng xưa nay vốn rất chu đáo, ăn của nhà người ta một hai bữa cơm là thấy ngại, có khi còn mang theo chút đồ điểm tâm đến. Bây giờ nó không để ý những chuyện này nữa, chắc nghĩ nhà chúng ta cũng không để ý đến nữa...” Dương phu nhân cười nói: “Người giàu nào chẳng có đức tính đó, không keo kiệt làm sao mà giàu nổi!”
Đôn Phượng và ông Mễ ngồi riêng lại trong phòng, không hiểu sao cả hai đều có chút ngượng ngùng. Đôn Phượng dù vẫn đang xị mặt, nhưng lại thấy đôi mắt mình đang nheo lại cười. Ông Mễ cười hỏi: “Thế nào? Bao giờ thì về nhà đây?” Đôn Phượng nói: “Về nhà cũng chẳng có cơm mà ăn... đã dặn bà Trương không ăn cơm ở nhà rồi.” Nói rồi không nhịn được nhoẻn miệng cười, lại bảo: “Sao anh đi nhanh thế, vừa đi đã thấy về rồi?”
Ông Mễ còn chưa kịp trả lời, Dương lão phu nhân và con dâu đã quay lại phòng, mọi người ngồi nói chuyện, ăn khoai lang sấy. Còn lại hai củ, Dương lão phu nhân bảo người làm gọi đứa cháu gái nhỏ nhất đến, bảo nó ăn ngay cho nóng. Đứa bé gái vừa vào phòng đã nói: “Bà ơi xem kìa, trên trời có cầu vồng.” Dương lão phu nhân mở cánh cửa kính, mọi người bước ra ban công xem. Đôn Phượng giấu hai bàn tay vào ống áo, run rẩy nói: “Trời đã nắng rồi sao càng lạnh thế. Không biết bây giờ là bao nhiêu độ?” Cô bước đến bên bệ lò sưởi, cái hàn thử biểu phía trên lò sưởi là vật trang trí quen thuộc từ hồi cô còn là tiểu thư chưa chồng, đó là một cái tháp nhỏ bằng thủy tinh xanh, ánh mặc trời chiếu lên bề mặt, phản chiếu trên lớp vải bọc ghế sô pha một điểm sáng màu xanh biếc. Đúng là mặt trời đã xuất hiện rồi.
Đôn Phượng đưa tay cầm cái hàn thử biểu lên, bỗng nhiên nghe thấy tiếng chuông điện thoại nhà bên cạnh lại kêu vang: “Reng reng reng! Reng reng reng!” Cô chăm chú lắng nghe. Đột nhiên có người nhấc máy - cô bỗng nhẹ cả người. Giọng một bà già nói oang oang, bực bội “a lô” lên một tiếng, cắt đứt sự khẩn cầu thầm lặng hết lần này đến lần khác từ phía đầu dây bên kia. Sau đó là một loạt câu xì xà xì xồ không nghe rõ được. Đôn Phượng đứng đó, ngây người ra. Lúc quay lại nhìn ra ban công, lại thấy dáng phía sau của ông Mễ, cái đầu đằng sau đã hói một nửa nối liền với cái cổ to bự thành một khối. Bị ngăn cách bởi ông Mễ, bầu trời màu xanh nhạt phía sau hiển hiện một đoạn cầu vồng sót lại, ngắn và thẳng, hồng, vàng, tím, da cam. Ánh nắng chiếu xuống ban công, sắc trời ánh lên trên lan can xi măng một màu vàng óng đặc quánh, vừa như trong phút chốc, vừa như ngưng đọng từ lâu.
Ông Mễ ngẩng mặt nhìn cầu vồng, nghĩ đến bà vợ của ông sắp chết rồi, cả một phần rất lớn của cuộc đời ông cũng chết đi theo. Tất cả những nỗi đau thương phiền muộn khi ông sống cùng bà sẽ không còn nữa, không tính đến nữa. Ông Mễ nhìn cầu vồng, tình yêu của ông dành cho cái thế giới này không phải là yêu mà là đau xót.
Đôn Phượng tự mình mặc áo khoác vào, đem cái khăn quàng cổ của ông Mễ ra đưa cho ông, nói: “Quàng vào đi, lạnh rồi đấy.” Vừa nói vừa nhìn sang cười với bà mợ và chị dâu vẻ hối lỗi, dường như muốn nói: “Cháu thế này chẳng qua cũng chỉ vì tiền thôi. Cháu chăm sóc ông ta, cũng là vì lo cho bản thân cháu - đằng nào thì trong lòng mọi người đều biết rõ mà.” Ông Mễ quàng khăn vào, cười nói: “Mình về được rồi nhỉ, ăn cũng ăn rồi, uống cũng uống rồi.” Bọn họ chào rồi đi ra, bước ra đến ngoài ngõ, đi qua đường, không biết ai để một cái lò nhỏ ngay bên đường, lách tách nhả khói trắng, cứ như một đồ vật sống, trong con ngõ nhỏ vắng lặng, mới nhìn qua cứ tưởng là một con chó, hay một đứa trẻ con.
Đi hết con ngõ ra đến đường, người qua lại thưa thớt, cứ như lúc sáng sớm. Cả khu này đều sơn tường màu vàng nhạt, vì ẩm ướt nên đều mốc đen. Hai bên đường trồng ngô đồng, lá vàng rực một màu, cứ như loài hoa nghênh xuân đang mùa nở rộ, cả dãy cây vàng rực một màu tương phản với những bức tường tối tăm, trông vô cùng rực rỡ. Những chiếc lá trên cành đung đưa đung đưa, rụng chao xuống thành hình vòng cung, bay qua trước mặt, rơi xuống đất rồi còn bay tiếp rất xa.
Sống trên đời này, chẳng có tình cảm nào mà không đầy mình thương tích, thế nhưng trên đường về nhà Đôn Phượng và ông Mễ vẫn yêu thương nhau. Bước đi suốt dọc con đường lá rơi như hoa rụng, Đôn Phượng nghĩ, đi qua chỗ đối diện bưu điện, phải nhớ kể cho ông nghe câu chuyện về chú vẹt kia.
(Nguyên đăng trên Tạp chí, kỳ 6 số 14, Thượng Hải tháng 1 năm 1944)
Trần Trúc Ly dịch