Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Chương 4
L
ê Văn Tố chống lại cơn sốt rét rừng bằng cả nghị lực, sức chịu đựng tích lũy của tuổi hai mươi tư trai trẻ. Gặp lại Cắm, người quần chúng trung kiên của cách mạng từ những năm xưa, anh có cảm giác được nhân thêm sức chống trả.
Cuối cùng, với những viên thuốc kí ninh mang theo, cơn sốt rét cách nhật đã không quật ngã được anh. Sung sướng tràn trề, anh nhận ra hạnh phúc thật sự là lớn lao khi mình có sức khỏe để hoạt động cho cách mạng.
Học dở năm thứ nhất thành chung[25], Tố bị đuổi học vì tham gia tổ chức học sinh cứu quốc bí mật ở Hà Nội. Anh vào học việc ở nhà in IDEO[26]. Sáu tháng sau, nhà in dãn thợ, anh bật ra vỉa hè. Tay cầm com-pốt-tơ, túi gài díp[27] anh qua hết nhà in này tới nhà xuất bản kia xin việc. Thợ thất nghiệp lúc này nhan nhản ngõ phố. Cậy cục mãi, gần năm sau anh xin được vào làm thư kí cho một hãng buôn, lương tháng năm đồng bạc Đông Dương. Được hai tháng, hãng buôn vỡ nợ. Mất việc, trở về cái xóm nhỏ ngoại ô thành phố, anh mở lớp học dạy tư cho con cái những người lao động. Cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, nhà trường bị đóng cửa vì không có giấy phép. Lang thang vất vưởng mất ba tháng, cuối cùng anh xin được vào chân thợ phụ tài xế hỏa xa. Tuyến đường sắt Hà Nội - Vân Nam những năm ấy là đường giao liên của cách mạng, và ở đây, vào năm 1941 sôi động, anh đã gặp tổ chức cách mạng.
Chao ôi! Tươi đẹp quá là những tháng ngày tuổi trẻ gặp gỡ lí tưởng. "Mặt trời chân lí chiếu qua tim. Hồn tôi là một vườn hoa lá.”[28] “Diệt phát xít giết bầy chó đê hèn của chúng, tiến lên nền dân chủ cộng hòa.”[29] Rợp trời cờ đỏ sao vàng bay trong tiếng hát “Tiến quân ca”. Hào hùng và sôi động quá những tháng ngày cả Thủ đô sục sôi chuẩn bị bước vào cuộc trường chinh. Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! L’indépendant ou la Mort. Độc lập hay là chết! Và từ đây, lịch sử đời Tố được viết bằng những dòng chữ lửa. Tháng mười một năm 1946: Bộ đội giải phóng Lào Cai, anh được phân công về xã Cam Đồng làm cán bộ chính trị. Tháng mười năm 1947, giặc Pháp trở lại chiếm Lào Cai, Cam Đồng rơi vào tay giặc. Và bây giờ, tháng bảy năm nay, 1948, anh từ vùng tự do Yên Bái bí mật trở lại đất Cam Đồng!
Trở về! Trở về với đồng bào đang rên xiết dưới ách thống trị của quân xâm lược! Có ý nghĩ nào thiết tha và giục giã hơn. Một khẩu súng ngắn giắt lưng. Một con dao găm. Mấy viên thuốc kí ninh. Vài đồng bạc trắng hoa xoè. Cuốn “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi”, kim chỉ nam hành động. Và một ý chí quyết thắng! Trở về! Trở về! Âm thầm và mạnh mẽ, đoàn cán bộ như một mũi tên bay, lách qua hệ thống đồn bốt, phòng tuyến của giặc, vượt qua những vùng vành đai, những làng tề gian ác, những cánh rừng nguyên thủy không dân, để trở về.
o O o
Tối sẫm, Tố mới từ khu rừng Khuổi Pất lần về chỗ nơi hẹn gặp Cắm. Cắm đến rất đúng giờ. Đặt nắm cơm nóng hôi hổi xuống cạnh Tố, ngồi sát lại cạnh anh cán bộ, Cắm vào ngay công việc:
- Theo kế hoạch anh dặn, tôi vận động các cụ lên gặp tổng đoàn Ngao đòi nó chặn dòng chảy về cối ngàn của nó, để bà con có nước cấy vụ này. Lúc đầu nó không nghe. Ông Yểng nói: Không có nước cấy, không có thóc nộp cho đồn, lúc ấy ông đừng có trách. Bà cụ mẹ cô Va kêu: Từ đời ông đời cha, không ai ác thế đâu. Nó đuối lí, lúng túng ậm ừ, cuối cùng đành phải chấp nhận.
Thấy Tố gật đầu, Cắm phấn khởi, tiếp:
- Tôi cũng bắt đầu thăm dò ý kiến nhiều người rồi. Đồng bào chưa nói rõ thành lời, nhưng lòng ai cũng thế cả. Khổ quá, chẳng ai chịu được. Bà cụ Va bảo: Mày cứ gọi bộ đội về, tao góp gạo cùng mọi người nuôi nó.
Tố cắn môi:
- Bộ đội chưa vào được đâu.
- Tôi tưởng súng phải đối đầu với súng, bộ đội phải vào đánh Tây thì mới giải phóng dân được chứ?
Tố gật đầu:
- Bộ đội và súng sẽ vào khi có điều kiện. Nói thế là đồng chí hiểu rồi chứ. Còn bây giờ là bước giác ngộ, đưa bà con vào cuộc đấu tranh trực diện với bọn thống trị, đòi quyền lợi dân sinh, rồi xây dựng cơ sở chính trị, từng bước tổ chức lực lượng võ trang.
- Lá dáy, lá vả đắp phai nước được à?
- Đồng chí vừa kể chuyện tổng đoàn Ngao phải nhận mở nước đấy thôi.
- Đó là việc nhỏ.
- Việc lớn cũng sẽ như thế! Bà con mình là lực lượng quyết định tất cả mọi thắng lợi.
Cắm cắn môi. Trong anh có cái gì vừa đổ vỡ lại có cái gì mới chồi lên. Im lặng một lát, Cắm mới quay lại nhìn Tố, gật đầu:
- Tôi hiểu rồi, anh Tố ạ.
- Dân không phải là lá đâu. Hay nếu có là lá thì là cái lớp lá chuối ai đó giải cho tôi nằm kia. Anh Cắm à, trưa hôm qua tôi về đến lều thì thấy lạ quá: Lại đã có một lượt lá chuối khô rất dày và ấm giải trên chỗ tôi nằm.
Hơi nhổm người dậy, Cắm cau mày:
- Ai giải lá trong lều của anh nhỉ? Tôi nghĩ chỗ ấy kín lắm cơ mà.
- Tôi cũng không rõ.
- Lạ nhỉ? Hôm qua tôi đã đi hỏi dò bọn trẻ trâu trong xóm, nhưng chưa biết được đứa nào nó hay lên đó chơi hay thả trâu. Hừ! Trẻ con dạo này nó ranh lắm. Quái nhỉ! Hay là bọn trẻ trâu nó giải lá chuối nằm chơi thôi. Người lớn không ai lên nằm ở đấy đâu!
- Lá chuối khô lồng phồng còn mới nguyên, chưa có vết người nằm đâu.
- Lạ nhỉ?
Cắm nghĩ, cái cằm hất ra phía trước một góc nhọn. Lát sau, anh quả quyết:
- Phải chuyển địa điểm thôi, anh à. Có thể đó là người tốt, nhưng cứ phải đề phòng. Giờ, tôi đưa anh xuống lều ruộng của bà cụ Va. Ở đấy khuất nẻo, không có người qua lại.
Cắm đưa Tố chiếc khăn. Tố đứng dậy. Một vóc người dong dỏng. Đôi mắt chìm sâu trong hốc mắt thâm trầm. Cái gò mũi cao cao. Một làn da bánh mật dãi dầu. Một gương mặt gầy gò khắc khổ nhưng vẫn ánh lên một nguồn sáng của nghị lực và vững vàng đáng tin cậy. Có chiếc khăn chàm quấn trên đầu, trông anh nhang nhác một thanh niên Tày có học. Hai người đi chầm chậm. Đến một bụi ô rô[30], Cắm dừng lại:
- Anh Tố à, cô Va là em họ tôi. Cô ấy là người tốt. Anh xem, tôi có thể bắt đầu tuyên truyền cách mạng cho cô ấy được chưa?
o O o
Ngày đang xám nhờ, phẳng lặng, bỗng rạng rỡ ánh mặt trời chói lọi và hây hẩy ngọn gió tươi lành. Niềm vui say tô điểm gương mặt, nụ cười, dáng vóc, cử chỉ của cô gái mười bảy tuổi. Va không ngồi yên thật lâu ở một chỗ nào. Đi cấy, cô cắm cây mạ thun thút. Lúa kín ruộng, cô đi chữa cái cối nước. Một mình cô vác nổi cái cối đá bị lũ cuốn dạt xuống cuối làng. Khúc gỗ chò chỉ nặng về làm trục cối cũng một vai cô vác. Anh Cắm tới, vừa đục đẽo bộ cánh quạt vừa trò chuyện với Va. Cái cối nước lại bắt đầu đập nhịp bên dòng suối.
Nhận ra những biến động trong tính tình của con gái, đã có lúc bà cụ Va bóng gió: Dạo này làng lại có đám lượn[31] đến mời rồi hay sao mà vui thế nhỉ? Va cười, hàm răng trắng nõn:
- Có nước cấy, lúa kín đồng rồi, sao mà không vui, mè[32]!
- Cũng còn lo, còn sợ đấy!
- Lo gì, sợ gì, mè? Cứ như hôm mè cùng mọi người lên nhà tổng đoàn Ngao đòi nước cấy là chẳng lo chẳng sợ gì cả nữa, mè à.
Nhớ lại cái buổi cùng mấy chục con người chen vào tận nhà tổng đoàn Ngao đòi nước cấy, Ngao hung hăng, ác độc thế mà cũng sợ dân, sợ cả bà già, bà mẹ Va tủm tỉm cười. Một tối nọ, khi thấy Va nắm một nắm cơm to, xếp cùng bốn cái trứng vịt luộc vào giỏ mây, bà cụ định cất tiếng hỏi, thì chợt nhận ra con gái mình vừa giật thọt mình và thế là bà cụ vội nuốt nước bọt, ngậm miệng nín thinh, lặng lẽ đi vào buồng.
Căn buồng tối âm âm. Nằm im mà bà cụ có ngủ được đâu. Nghe tiếng chân Va sàn sạt ở cầu thang, bà cụ lại nhổm dậy. Chao ôi! Thế là bà cụ biết rồi. Họ đã về. Những người mang cờ đỏ sao vàng năm xưa đã trở về. Mà làm thế nào họ về đây được? Họ về thì họ ở đâu?
Gần sáng nhìn ra trời thấy sương đọng trắng đục, dày như bông gạo, thấy Va rón rén trở dậy, đi xuống cầu thang, bà cụ cũng bật mình trở dậy.
- Đem trâu đi đâu sớm thế, Va à?
- Con đem trâu sang đồng Phà. Bên ấy có cỏ mật ngon lắm, mè à.
Nín thinh, bà cụ thấy ngực đập dồn.
Con trâu ngoan ngoãn bước. Bốn vó to, chắc, đủng đỉnh đặt từng bước một. Đất ẩm ướt. Đêm qua, có một người đã đi qua con đường này. Bàn chân người này hơi dài, năm ngón chụm, chứng tỏ người thành phố, quen đi giày, in trên mặt đất năm vết lõm nhỏ.
Va kéo con trâu đi nhanh. Quãng quãng cô lại dừng trâu ngoái về phía sau. Mặt đường nơi con trâu vừa đi qua, dấu bàn chân người nọ đã được xoá nhòa, lẫn vào vết chân trâu.
Gần tới làng Giềng, đường đã khô ráo, Va dẫn trâu lộn lại.
Sương chưa tan. Khoảng trống trước mặt Va, sương mỏng như giăng xô màn.
- Chúng mày thấy không? Cỏ may rạp cả về phía làng Giềng. Đúng là đêm qua có kẻ lạ đã lọt vào vùng này!
Vừa nhận ra tiếng tổng đoàn Ngao, Va đã thấy y đứng sừng sững ngay trước mặt mình.
- Hứ! Con gái con đứa đi đâu mà về sớm thế?
- Tôi đi lấy trâu trong rừng Khuổi Pất. Lúa cấy rồi thả rông nó ăn mất lúa.
- Có gặp người nào đi ngược lại đây không?
- Không gặp người, chỉ thấy một con trâu đen nhà ai chạy ngược lại thôi.
Một người dõng răng cửa bịt vàng, từ phía sau Ngao, như từ màn sương chui ra, đi tới. Vừa đổi vai súng, anh vừa càu nhàu:
- Làm gì có người mà ông đa nghi thế! Làm việc thế này chả mấy lúc mà ốm chết.
- Mẹ kiếp, ốm chết hay là chết vì Việt Minh nó cho ăn kẹo đồng. Đi!
Về đến nhà, buộc con trâu vào gốc bưởi, Va đã thấy mẹ đang gập mình xuống chum chàm ở chân thang.
- Không thả trâu nữa à, con?
- Còn sớm quá, đợi nắng con mới đi.
- Sương ướt hết người rồi, lên nhà thay áo đi.
- Lát nữa con còn ra đồng. Để con nhuộm vải với mè.
- Sương muối là là mặt đất, ai có thóc đem phơi hôm nay là được nắng đấy, Va à.
Nắng đã lên, thứ nắng sớm pha hơi sương, mỏng mảnh, nhuộm một màu vàng tơ những chùm lá non trên ngọn lớp cơi[33] mọc ven suối. Tới khi húi mai già tẽ nắng thành những tia rẻ quạt màu mơ chín thì làng Nhớn đã bắt đầu một ngày mới. Các sàn phơi chẳng mấy lúc đã nhộn nhịp bóng người...
Đường thôn thấp thoáng bóng người đi vội. Người ra đồng coi nước. Người lên rừng kéo củi. Thì thụt tiếng chân trâu bước lẫn tiếng mõ trâu lốc cốc giòn giòn mỗi lúc một xa xa.
Ngoài sân, trên những sợi song[34] ngà, vải nhuộm chàm từng tấm giăng dài. Nắng đã đậm màu lòng đỏ trứng. Căn nhà đổ bóng âm âm trên nền đất trắng nhờ. Thu tấm vải đã se mặt, bà cụ Va lại cúi xuống chum chàm. Công việc biết mấy là công phu! Tấm vải dệt xong phải dấn vào nước chàm liền cả tháng, cả ba tháng mới lên màu. Để nó ngả màu tím hồng còn phải dấn nước củ nâu suốt một tuần và tiếp đó là mỏi chân lăn đá cho mặt vải nhẵn mịn như da thịt con gái rồi mới có thể may thành áo thành khăn.
Đoàng! Mải mê với công việc, bà cụ Va bỗng giật bắn mình vì một tiếng súng nổ đột ngột trên đỉnh đồi sau nhà. Lúc ấy vừa giăng xong tấm vải, ngoảnh lại bà cụ nhận ra ngay một bóng người vừa từ phía nhà anh Cắm nhảy qua rặng xương rồng, vào vườn nhót nhà mình. Người này còn trẻ, dáng thanh, mặc quần áo Tày, đầu chít khăn chàm. Anh chạy qua cái vườn nhót, rồi bước nhanh tới, nhìn bà cụ, hơi cúi xuống, khe khẽ:
- Mẹ! Con bị tổng đoàn Ngao đuổi bắt!
Trời! Điều gì đã xảy ra vậy? Trong giây lát, nhìn ánh mắt anh, bà cụ lập tức bình tĩnh trở lại. Tất cả thế là đã rõ ràng. Cứ như đã được báo trước, bà cụ liền cầm tay người nọ và như đã quen thuộc từ lâu rồi, vội vã dẫn anh lên cầu thang.
Ngao cùng một người dõng từ đỉnh đồi phía sau nhà hồng hộc lao xuống. Vạt áo dài rách toạc một đường, quả ké[35] bám đầy quần, giậm thình thịch đôi giày săng đá[36] dính đầy bùn đỏ, Ngao gắt:
- Bà Va! Bà có thấy người nào vừa chạy qua đây không?
Ngẩng lên, hai bàn tay hoen hoen nước chàm nhuộm đặt trước bụng, đầu lắc lắc, bà cụ thản nhiên:
- Ôi dỏ, cần ké xu nắc, người già nặng tai, không nghe thấy gì đâu.
- Đừng có vờ vẫn. Có thấy đứa nào chạy vào đây không?
- Không có người nào qua đây cả mà!
- Đi tìm! Đứng trơ mắt ếch ra thế à? Đúp pú mưng! Vào đến lều ruộng rồi mà còn để nó thoát. Tội mày đấy, Sẩu ạ.
Người dõng tên Sẩu cau mặt, không đáp, đeo súng lên vai. Có tiếng chân trâu tuồn tuột theo chiều đồi dốc. Người nọ quay lại. Trên lưng trâu là một chú bé trạc mười ba tuổi, đầu đội mũ nồi, mặt tròn, tai vềnh, mũi hơi hếch, vẻ láu lỉnh hiện lên ở hai con mắt rất tươi và sáng.
- Có chuyện gì thế, anh Sẩu? - Chú bé tụt từ trên lưng trâu xuống, hỏi người dõng.
- Đi lùng cán bộ Việt Minh chứ còn đi đâu nữa. - Người dõng hất mắt về phía tổng đoàn Ngao.
Trợn mắt, Ngao nhìn chú bé:
- Mày là thằng Tiển, con lão Yểng, em thằng Sào ở hội sư tử có phải không? Mày có thấy thằng cán bộ Việt Minh ở đâu không?
- Ông còn không biết nữa là...
Chửi tục một câu, Ngao thình thịch lên thang. Đứng ở giữa nhà, ngó nghé một lúc rồi y bước ra sàn phơi. Lát sau, y huỳnh huỵch bước xuống, hất tay:
- Cai Sẩu! Iheo tao, sang làng Giềng! A lê[37] đi! Nhanh chân lên!
Thấy chú bé nọ nhảy lên lưng trâu, Ngao đứng lại, gằn:
- Hứ! Thằng oắt con! Mày là con ma ám tao hay sao mà cứ đi theo tao thế, Tiển!
- Đi xem thôi. Không cho xem thì tôi về.
Chú bé giật mũi trâu. Con trâu quay trái, đủng đỉnh qua chỗ bà cụ đang nhuộm vải, rồi đi ra đường làng.
Từ đồng về, gặp Tiển, Va cũng chẳng kịp hỏi một câu. Cò vứt cái cuốc ở ngoài sân, xáp lại cạnh mẹ đang giăng tấm vải nhuộm, tiếng nói lấp trong hơi thở:
- Mè ơi, mè có thấy tổng đoàn Ngao không?
Bà cụ lắc đầu, nét mặt thơ thới:
- Tổng đoàn Ngao nó đi rồi, con à.
- Nó không bắt được ai chứ mè?
- Có lí nào chàm không ăn vải, hả con? Có người đang ở trên nhà đấy, Va à. Mẹ giấu anh ấy ở buồng con gái. Có lí nào tổng đoàn dám phạm điều cấm kị, con nhỉ!
Va ôm chầm lấy mẹ. Mùi chàm tươi nguyên ngào ngạt bao bọc hai mẹ con.