Nguyên tác: The Picture Of Dorian Gray
Số lần đọc/download: 0 / 48
Cập nhật: 2022-04-16 15:25:07 +0700
Chương Ba
Vào một buổi chiều, Dorian Gray đang ngồi trong chiếc ghế bành đắt tiền, kê tại thư phòng nhà riêng của Henry thuộc phố Curzon. Một căn phòng đẹp với những thiết kế trang trí hình cửa sổ đứng, sơn màu quả olive chín và màu gỗ sồi, trần sơn màu kem với những hoa văn đắp hình nổi. Nền nhà trải thảm thêu nhập cảng từ Ba-tư. Trên chiếc bàn nhỏ là một bức tượng do chính nghệ nhân Clodion tạc. Cạnh đó là bản thảo cuốn Les Cent Nouvelles gáy sách đóng riêng cho Margaret Valois do Clovis Eve thực hiện. Bìa cuốn sách có rắc nhũ phấn vàng. Một chiếc bình gốm sứ lớn cắm đầy hoa huệ tulip được trang trí trên kệ tường. Xuyên qua những khe mành, ánh sáng màu hoa mơ tràn từ ngoài vào căn phòng khi mùa hè của London luôn đầy ánh nắng.
Henry vẫn chưa về nhà. Bao giờ anh ta cũng trễ nải. Theo triết lý của mình, Henry cho rằng người giữ đúng giờ hẹn chỉ là những kẻ ăn cắp thời gian. Chàng trai trẻ Dorian đang chờ đợi tỏ ra rất sốt ruột. Những ngón tay nặng nhọc lật từng trang sách cuốn Mannon Lescaut mà anh đã tìm thấy trên kệ sách. Tiếng kêu tích tắc của chiếc đồng hồ đúng hiệu Louis Quatorze khiến Dorian cảm thấy thật khó chịu. Đã mấy lần Dorian toan đứng lên bỏ về. Cuối cùng Dorian nghe được tiếng bước chân thật nhẹ ở phía ngoài hành lang và cánh cửa mở ra. Dorian cất tiếng trách:
- Sao anh về trễ quá vậy, anh Henry!
- Tôi không phải là Henry, thưa ông Gray. – Giọng một người đàn bà cất lên.
Dorian liếc nhìn quanh thật nhanh rồi nhổm bật dậy:
- Xin lỗi bà, tôi cứ nghĩ bà là…
- Ông nghĩ đấy là chồng tôi chứ gì. Nhưng tôi là vợ ông ta. Tôi xin được tự giới thiệu. Tôi biết ông khá rõ qua những tấm ảnh của ông. Chồng tôi có đến hai mươi bảy tấm ảnh của ông đấy!
- Không phải hai mươi bảy tấm chứ, thưa phu nhân Henry?
- À. Thế thì hai mươi sáu tấm. Tôi nhìn thấy ông và chồng tôi đêm nọ tại buổi hòa nhạc. – Người đàn bà bật cười một cách không tự nhiên mỗi khi chị ta nói chuyện. Vợ Henry quan sát Dorian với đôi mắt không dễ dàng quên được. Chị ta là một người đàn bà hiếu kỳ, ăn mặc diêm dúa nhưng rất luộm thuộm. Bao giờ chị ta cũng tơ tưởng chuyện tình ái với một ai đó nhưng chẳng bao giờ được đáp trả. Thế là chị ta càng lúc càng tưởng tượng nhiều hơn. Chị ta cố tình ăn mặc như trong các bức tranh, nhưng điều đó càng khiến chị ta trông lôi thôi hơn. Người đàn bà tên Victoria; một phụ nữ bao giờ cũng siêng năng hăng hái nghĩ đến chuyện đi nhà thờ.
Dorian hỏi người đàn bà:
- Buổi hòa nhạc hôm ấy ở Lohengrin, phải thế không phu nhân Henry?
- Vâng, ở chỗ ấy đấy. Tôi thích nhạc của Wagner lắm. Chỗ ấy nhạc đệm rất lớn và người ta có thể tự do chuyện trò cả buổi mà không sợ người khác nghe thấy. Kể ra như thế cũng hay, ông Gray nhỉ? – Tiếng cười tinh ranh lại vuột ra từ đôi môi mỏng dính của người đàn bà. Những ngón tay của Victoria đang đùa nghịch với một con dao sử dụng để rọc bì thư.
Dorian mỉm cười rồi lắc đầu:
- Tôi e rằng mình sẽ không nghĩ như thế, phu nhân Henry ạ. Tôi không bao giờ vừa nghe nhạc vừa nói chuyện – nhất là tại một buổi hòa nhạc hấp dẫn. Còn khi phải nghe nhạc hòa quá dở, người ta có thể chết ngạt vì chán đấy, làm sao có thể nói chuyện với người khác được!
- À. Ông nói chuyện nghe cứ y như là Henry ấy, ông Gray ạ. Xin đừng nghĩ là tôi không thích nghe nhạc hay. Tôi yêu âm nhạc lắm, nhưng tôi lo lắng mỗi khi nghe nhạc hay, chúng khiến tôi trở thành con người lãng mạn. Tôi rất thích song tấu piano, mặc dù tôi chẳng biết tí gì về loại âm nhạc này, cứ như thể đấy là nhạc của người ngoại quốc ấy, phải thế không ông? Tôi nghĩ mấy nghệ sĩ Anh Quốc sau một thời gian cũng trở thành người ngoại quốc luôn. Họ thật mới thông minh làm sao? Đúng là nghệ thuật ông nhỉ, rất đại chúng. Ông nhất định là hay đi nghe hòa nhạc. Tôi thì không thể mua được hoa phong lan, càng không thể tiêu tiền với những người ngoại quốc. Cả hai thứ này đều khiến cho một căn phòng cứ lộn xộn cả lên…
Henry lúc đó bước vào, Victoria vội nói lảng:
- Ô. Henry đây rồi. Em định đi kiếm mình để hỏi vài thứ lặt vặt thì gặp ông Gray chờ mình ở đây – Giờ thì em lại quên khuấy đi mất điều em muốn hỏi mình rồi. Ông Gray và em đã có một buổi nói chuyện rất thú vị về âm nhạc. Nói chung là cả hai cùng có một quan điểm(!) Không. Hình như là không khác nhau nhiều lắm. Nhưng ông Gray đây quả thật rất lịch sự. Em rất vui khi biết hai người là bạn của nhau.
Henry nói:
- Tôi cũng rất vui được làm quen với Dorian, mình ạ. Rất vui là đằng khác. – Đôi chân mày màu gỗ gụ đậm nét nhướng lên khi Henry nhìn cả hai đang đứng trong thư phòng với nụ cười thỏa mãn. – Thành thật xin lỗi Dorian vì anh về trễ. Chả là hôm nay anh đi tìm một miếng vải thêu kim tuyến ở phố Wardour và phải trả giá hàng giờ. Thời buổi này người ta chỉ biết nói đến giá cả chứ không hiểu thế nào là chất lượng của đồ vật.
Victoria nói chen vào:
- Ô tôi phải đi thôi. – Chị ta nói sau một lúc đứng thừ người ra. – Tôi đã hứa sẽ đi đến nhà một nữ huân tước chơi. Xin chào ông Gray, tạm biệt Henry. Tôi đoán là hai vị sẽ đi ăn cơm ở ngoài tối nay. Tôi cũng thế. Có thể chúng ta sẽ gặp nhau ở nhà phu nhân Thornbury cũng không biết chừng.
- Thôi cứ quyết định như thế, mình nhé. – Henry nói rồi đóng cửa lại. Victoria biến thật nhanh như một con chim bị ướt nước mưa, để lại đằng sau một mùi hôi rất lạ. Henry bắt tay Dorian rồi xòe diêm châm một điếu xì gà. Sau đó người đàn ông gieo mình xuống ghế sô-pha:
- Chớ có dại mà lấy đàn bà tóc vàng nhá! – Henry nói sau khi đã bập vài hơi thuốc.
- Sao lại thế hả, anh Henry?
- Ồ. Họ đa cảm lắm.
- Nhưng em lại thích những người đa cảm. – Dorian nói.
- Thế thì chú đừng bao giờ lấy vợ, Dorian ạ. Đàn ông lấy vợ vì đã mệt mỏi. Phụ nữ lấy chồng vì tò mò. Kết quả là cả hai sẽ cùng đều thất vọng.
- Em không nghĩ là mình sẽ lấy vợ đâu Henry à. Em chỉ đang yêu thôi. Em đang nghe theo lời khuyên của anh đấy. Em hoàn toàn thực hiện những điều anh đã chỉ giáo. Em sẽ làm tất cả mọi điều anh đã nói với em.
- Chú đang yêu ai thế? – Henry hỏi và nhìn Dorian với một nụ cười đầy bí hiểm.
- Một nữ diễn viên đóng kịch, anh ạ. – Dorian Gray mặt đỏ bừng lên.
- Đấy cũng là một khởi đầu thông thường. – Henry nhún vai, giọng nói hạ thấp xuống.
- Anh mà gặp cô bé, anh nhất định sẽ không nói như thế đâu, Henry ạ!
- Vậy thì cô bé ấy là ai nào?
- Tên cô ta là Sibyl Vane. – Dorian trả lời, tỏ đầy vẻ hãnh diện.
- Tôi chả bao giờ nghe thấy cái tên ấy bao giờ cả.
- Bây giờ thì chưa, nhưng sau này mọi người sẽ biết đến tiếng tăm của cô ta. Cô ấy đúng là một nghệ sĩ có tài thực sự.
- Chú em của anh ơi, chẳng có người đàn bà nào là thiên tài cả: Đàn bà chỉ là một giới tính được trang trí lòe loẹt. Họ chẳng có điều gì ý nghĩa để nói. Nhưng cách họ nói chuyện nghe thật quyến rũ. Họ cứ cho rằng vật chất quan trọng hơn tinh thần, giống như đàn ông chúng mình quan trọng tinh thần nhiều hơn là đạo lý. Có hai loại đàn bà: Một loại đơn giản và một loại thì lòe loẹt diêm dúa. Loại đàn bà đơn giản rất có lợi ích cho phái nam. Nếu chú không muốn bị mang tiếng là bị vợ xỏ mũi, chú cứ phải ấy người đàn bà bình thường. Còn người đàn bà thích trang điểm luôn đem lại những điều phiền phức. Họ nghĩ cứ phải trang điểm để khiến mình trẻ mãi. Thế hệ bà nội bà ngoại chúng ta tự tô son cho mình bằng những câu nói bóng bẩy. Giờ thì chuyện ấy đã hết. Bây giờ người đàn bà nào nhìn mình trẻ hơn con gái họ mười tuổi sẽ là người hạnh phúc. Còn chuyện ăn nói mềm mỏng dễ thương quyến rũ thì cả London này may ra chỉ kiếm được năm người. Thật buồn là hai người trong số họ lại không thể hội nhập được với trào lưu xã hội chung. Mà Dorian này, hãy kể về cô bạn gái thiên tài của chú đi. Chú quen cô ấy được bao lâu rồi?
- Mới chỉ chừng ba tuần thôi anh ạ. Chưa lâu lắm đâu. Chính xác là hai tuần và hai ngày.
- Hai người gặp nhau như thế nào? – Henry hỏi.
- Để em kể cho anh nghe, Henry. Nhưng anh sẽ không hiểu nhiều lắm đâu. Giá như em chưa gặp anh thì điều này đã chẳng bao giờ xảy ra. Anh đã khơi dậy trong em đam mê tìm kiếm tất cả những giá trị của đời sống. Sau những ngày gặp anh, em biết mạch máu của mình đập loạn xạ một cách rất lạ. Kể cả trong lúc ngồi ngoài công viên hay đi dạo phố. Em bắt đầu quan sát tất cả mọi người em nhìn thấy và tưởng tượng xem cuộc sống của họ như thế nào. Một số người thật sự hấp dẫn em. Nhiều người khiến em hoảng sợ. Nhưng cứ như thể lúc nào cũng có chất độc trong không khí. Có lúc em cảm thấy thật sự rạo rực vì những cảm xúc nồng nàn. Một buổi tối; chừng khoảng bảy giờ, em quyết định đi tìm cho mình một cảm giác lạ. Em tin rằng thành phố London kỳ quái xám ngắt này sẽ có nhiều loại người. Trong đó sẽ có những con người trụy lạc trác táng. Em nhớ anh đã từng nói như thế, và em tin mình sẽ tìm ra một thứ cảm giác nào đó mà em đang kiếm tìm. Ôi. Em muốn cả ngàn điều, anh ạ. Cảm giác mạo hiểm khiến toàn thân em rạo rực. Em nhớ lần đầu ăn cơm tối với anh, anh kể về việc đi tìm vẻ đẹp chả khác nào như đi tìm kho báu bí hiểm của cuộc đời. Em cũng chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Em cứ đi đại ra đường, đi mãi về phía tây. Rồi em đi lạc vào mê cung của những khu phố ổ chuột nhọ nhem. Khoảng tám giờ rưỡi em đi ngang qua một rạp hát hạng ba. Em cảm thấy thật lạ khi em nhìn một người đàn ông Do Thái mặc áo khoác, mồm phì phèo điếu xì gà, một viên kim cương to đùng đính trên áo khoác mặc ngoài, che khuất bên trong là một cái áo sơ mi bẩn thỉu. Ông ta nói:
- Phải chăng ngài đang muốn mua một chỗ ngồi tốt chứ, thưa ngài. – Ông ta ngả nón ra chào em, tỏ vẻ cung kính. Chẳng hiểu sao nơi người đàn ông này có một thứ lực hấp dẫn khiến em suy nghĩ mãi. Trông ông ta cứ như là quái vật ấy. Anh sẽ cười cho mà xem, nhưng em đã đi vào và mua hẳn một phòng riêng trong rạp hát. Đến bây giờ em vẫn chưa biết tại sao mình làm như thế. Nhưng nếu em không đi vào rạp hát thì em sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nếm được hương vị của cuộc tình lãng mạn nhất cuộc đời em. Em biết thế nào anh cũng cười em. Anh đểu thật đấy!
- Dorian này, anh đâu có cười ai, ít nhất là anh không bao giờ cười chú. Nhưng nếu bảo đấy là cuộc tình lãng mạng nhất trong cuộc đời chú thì chưa hẳn đã đúng. Nói là cuộc tình lãng mạng lần đầu tiên thì đúng hơn. Bao giờ con người chẳng muốn yêu và muốn được yêu. Sẽ có những điều tuyệt diệu khác đang chờ chú. Đây chỉ là một khởi điểm bắt đầu thôi!
- Thế ra anh đang nghĩ em là hạng người nông cạn à? – Dorian nói, giọng có vẻ giận.
- Không đâu, tôi tin là chú là người khá sâu sắc đấy!
- Thế anh đang định nói gì?
- Chú em của tôi này, con người chỉ yêu một lần duy nhất trong đời mới là người nông cạn. Họ gọi đấy là chung tình, là thủy chung. Anh gọi đấy là những hành vi ngốc nghếch vì thiếu hẳn trí tưởng tượng. Khi chung thủy, ta không có niềm tin đối với cuộc sống tình cảm phong phú. Đấy là giáo điều cứng nhắc. Đấy chính là đời sống của bọn trí thức rởm – Chỉ là một sự thú nhận mình là người thất bại. Nhưng anh không muốn ngăn cản chú nữa, hãy cứ kể tiếp câu chuyện của mình đi.
- Vâng, em ngồi một mình trong căn phòng rộng tẻ ngắt dành cho khách VIP. Trong đầu em có một cảm giác rất lạ khi bị người nào đó nhìn thẳng vào mặt mình. Em dáo dác nhìn quanh, xuyên qua bức màn nhung, quan sát tất cả hý viện. Không khí ở đó rất luộm thuộm, vách tường trang trí toàn là những hình thiên thần tình yêu và những giỏ hoa trái vẽ trên tường. Lối trang trí này cho em một cảm giác như thể cả hý viện này trông chả khác nào một chiếc bánh cưới loại rẻ tiền. Nói chung tường hý viện trang trí rất lòe loẹt. Hai hàng ghế gần như trống rỗng. Trong hý viện chẳng có ai ăn mặc tử tế cả. Đàn bà thì chỉ ăn cam và uống bia nấu từ củ gừng và người ta đua nhau cắn hạt dẻ.
- Thế thì cũng giống như không khí những ngày vui vẻ náo nức trong các kịch bản của người Anh chúng ta rồi còn gì?
- Thì là y như thế đấy. Em đã nghĩ như thế nhưng vẫn cảm thấy bứt rứt khó chịu. Em chẳng biết mình sẽ phải nên làm gì. Khi em đọc tờ lịch diễn, anh có biết đấy là vở kịch gì không, Henry?
- Anh nghĩ là họ sẽ diễn vở Cậu bé ngốc nghếch hay là vở Ngốc nghếch và ngây thơ. Thế hệ bình dân ngày trước thường hay thích những vở diễn như thế. Càng sống lâu, anh càng nghiệm ra rằng những gì thế hệ trước thích sẽ chẳng phù hợp với chúng ta nữa. Cả trong nghệ thuật lẫn trong chính trị – les grand peres ont toujours tort – Tất cả ông cha chúng ta đều sai lầm tuốt!
- Không, vở kịch này rất hay đối với chúng ta, anh Henry ạ. Đấy là vở Romeo và Juliet. Em khá bất ngờ khi nhìn thấy người ta diễn kịch của Shakespeare tại một rạp hát nghèo nàn như thế. Nhưng em vẫn thấy kỳ quặc làm sao ấy. Vì thế em quyết định coi xem họ diễn hết màn một như thế nào. Giàn nhạc giao hưởng nghe rất tệ; được chỉ huy bởi một tay nhạc sĩ người Do Thái còn trẻ. Anh ta ngồi trước một cây đàn dương cầm đã cũ. Nhìn cảnh ấy em đã muốn bỏ đi nhưng khi màn giới thiệu trước vừa xong thì màn hai diễn tiếp luôn. Romeo là một gã đàn ông vạm vỡ nhưng đã có tuổi, chân mày cứng, giọng nói khàn đục nghe rất chán. Người thì cục mịch như một vại bia. Nhân vật Mercutio đóng bởi một diễn viên hề hạng kém; tự giới thiệu mình với đám khán giả quen thuộc của rạp hát. Tất cả đều xộc xệch và nhớp nháp như quang cảnh cũ kỹ của rạp hát này. Có vẻ như rạp hát đã được xây dựng cách đây hơn năm mươi năm. Còn Juliet – Anh Henry hãy tưởng tượng thử xem – nàng chỉ mới mười bảy tuổi, gương mặt xinh như hoa, mái tóc sẫm màu kết bím như một thiếu nữ Hy Lạp, đôi mắt là hai suối tình cảm dạt dào màu tím thẫm, đôi môi thì đúng là hai cánh hồng màu đỏ tươi. Chưa bao giờ em nhìn thấy một người con gái nào đẹp như thế trong đời mình. Anh đã từng nói cảm xúc không hề có ảnh hưởng gì đến chúng ta. Nhưng vẻ đẹp, vẻ đẹp đơn giản thật sự sẽ khiến chúng ta chảy nước mắt đấy! Anh Henry ạ, em gần như không thể nhìn thấy cô gái nữa vì mắt em ướt đẫm. Còn giọng hát của cô bé – Ôi, em chưa bao giờ nghe một giọng hát ngọt ngào như thế, giọng thật trầm có thể chìm hẳn vào những nốt nhạc gam thấp nhất, nhưng thật rõ, mơn trớn lỗ tai người nghe. Rồi thì tiếng hát vút cao lên, nghe như tiếng sáo thổi từ xa vọng lại. Giống như em đang ngồi trong một khu vườn vào lúc bình minh đầu ngày hay lúc hoàng hôn buông xuống, tràn ngập những âm thanh sánh mật. Rồi thì vài phút sau, tiếng đàn vĩ cầm cất lên thật ngọt. Và như anh đã biết rõ, giọng hát của một ca sĩ có tài sẽ khiến cõi lòng khán giả xao động. Em nhận ra âm thanh tiếng nói của anh mỗi khi anh nói chuyện và giọng hát của Sibyl Vane là hai chất giọng em không bao giờ quên được. Mỗi khi nhắm mắt là em nghe thấy hai âm thanh ấy. Mỗi âm thanh có một cách diễn đạt khác nhau. Em không biết mình nên nghe theo âm thanh nào nữa. Tại sao em lại không thể yêu cô bé được chứ? Henry ơi, em yêu cô bé thật sự. Cô ta là tất cả đối với em. Rồi cứ mỗi khi màn đêm buông xuống em đi xem cô ta diễn kịch. Đêm nay cô ta sắm vai Rosalind, đêm mai thì đóng vai Imogen. Em đã nhìn thấy cô ta tắt thở trong một nhà mồ lạnh lẽo của Ý, cố tình mút cạn chút độc dược từ đôi môi gã bạn diễn Romeo. Em đã nhìn thấy cô bé đi dạo trong khu vườn Arden, rồi hóa trang thành một chàng trai trong trang phục ngộ nghĩnh. Cô ta đã từng giận dữ đứng trước mặt một ông vua có tội. Cô ta thật ngây thơ trong vai diễn khi bàn tay ghen vô của số phận nghiệt ngã luôn tìm cách xiết chặt cổ cô ấy. Em đã nhìn thấy cô ấy trong trang phục của mọi thời đại. Anh biết không? Những người đàn bà tầm thường chẳng bao giờ để lại trong chúng ta bất cứ ấn tượng nào. Họ chỉ lưu lại dấu ấn của họ trong thời điểm họ đang sống. Chẳng có bất cứ vinh quang thành công nào có thể biến đổi họ. Đàn bà bây giờ hiểu về tâm trí của họ ít hơn cách họ hiểu về cái mũ của mình. Chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó lắm. Chẳng có điều gì khó hiểu ở đây cả. Họ dạo chơi trong công viên buổi sáng và buổi chiều thì uống trà. Họ có những nụ cười đầy thành kiến cũng như những cách ăn mặc của riêng mình. Tất cả đều rất lộ liễu. Còn một nữ nghệ sĩ! Cô ta thì rất khác. Tại sao anh không bao giờ nói với em rằng một nữ nghệ sĩ là điều đáng yêu, đáng quý nhất?
- Vì anh đã yêu quá nhiều nữ nghệ sĩ trong số họ, Dorian à!
- Ồ. Thế thì tội nghiệp những con người nhuộm tóc và vẽ mặt trên sàn diễn quá! – Dorian nói, giọng mỉa mai.
- Đừng nói như thế về những người nghệ sĩ, Dorian. Thỉnh thoảng vẫn có những nét đẹp từ những mái tóc nhuộm màu và những khuôn mặt hóa trang đấy.
- Em rất hối hận vì đã nói chuyện về Sibyl Vane với anh!
- Chú không nói cũng không được Dorian ạ. Anh biết cả đời chú, chú sẽ nói cho anh biết tất cả những gì chú đang nghĩ và những gì chú sẽ làm.
- Đúng vậy. Em cũng nghĩ như thế đấy, Henry. Em chẳng giấu anh được bất cứ chuyện gì. Anh đúng là một ảnh hưởng quái đản, đánh thẳng vào suy nghĩ của em. Kể cả việc em phạm một tội ác, khi tâm sự với anh, em biết anh sẽ luôn hiểu được cõi lòng của em.
- Mẫu người như chú, cũng giống như những tia nắng bình yên nhưng đầy tham vọng – Chú sẽ không bao giờ phạm pháp đâu, Dorian. Nhưng anh nghĩ mình có trách nhiệm phải nói chuyện với chú. Tất cả đều như thế thôi. Anh sẽ nói ra tất cả với chú hôm nay. Nào. Lấy hộ cho anh hộp diêm với, ngoan đi. Cảm ơn chú. Hãy kể tiếp xem quan hệ của chú với cái cô Sibyl Vane kia như thế nào?
Dorian kiễng chân lên, đôi gò má đỏ ửng, hai con mắt ươn ướt:
- Anh Henry ơi! Sibyl Vane chính là một nữ thần!
- Dorian này, chỉ có nữ thần mới thật sự xứng đáng để chúng ta kề cận ân ái mà thôi. – Henry nói, hình như có chút cảm xúc trong câu nói của mình – Vậy thì tại sao chú lại cứ bứt rứt lên như thế. Anh tin là cô bé sẽ thuộc về chú một ngày nào đó. Khi con người đã yêu, họ hay tự dối gạt tâm tư của mình lắm, rồi thì cuối cùng là đánh lừa người khác. Đấy là điều mà cả thế giới này gọi là lãng mạn. Thế chú có biết tí gì về cô ta không nào?
- Tất nhiên là em biết cô ta chứ. Vào đêm đầu tiên tại nhà hát, gã đàn ông xấu xí người Do Thái đã đến chỗ em và đề nghị sẽ dẫn em đến gặp riêng cô ta. Em còn nổi quạu với ông ấy: Juliet đã chết cách đây cả mấy trăm năm rồi, và xác cô ta đang nằm ở một nhà mồ tại Verona. Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của người đàn ông Do Thái, em đoán ông ta nghĩ rằng em đã say vì uống quá nhiều rượu champagne.
- Anh cũng không ngạc nhiên về chú lắm đâu.
- Em cũng không ngạc nhiên mà. Rồi ông ta hỏi xem em có viết bài cho một tờ báo nào không? Em bảo ông ta là đến đọc báo em còn chả đọc thì làm sao viết được báo. Ông ta có vẻ thất vọng lắm, ông ta than thở rằng giới báo chí đang xúm vào viết bài bôi nhọ bài xích nhà hát của ông ta. Gần như bắt ông phải bán rẻ nhà hát của mình.
- Anh nghĩ ông ta hoàn toàn nói đúng. Nhìn chung là mọi thứ bây giờ đều khó khăn lắm. Nhất là giới báo chí.
- Em nghĩ ông ta hình như hoàn toàn bị xử ép. Đến khi đèn bật sáng trong nhà hát thì em phải về nhà. Ông ta mời em vài điếu xì gà một cách khá khẩn thiết. Em từ chối. Dĩ nhiên là đêm hôm sau em lại đến nhà hát ấy. Khi gặp em, ông ta cúi gập người và nói em đúng là một mạnh thường quân của nghệ thuật. Ông ta có vẻ khen em quá lời. Nhưng em phải thú thật là ông ta tỏ ra khá am tường về Shakespeare. Với một niềm tự hào không giấu giếm; ông ta bảo em ông ta đã ba lần bị phá sản, hoàn toàn khánh kiệt chỉ vì dính vào thơ phú. Ông ta tin rằng trường hợp của ông ta là một trường hợp hy hữu đấy.
- Hy hữu quá đi chứ còn gì nữa, Dorian – Một sự hy hữu vĩ đại đấy. Nhưng chú đã nói chuyện với cô nàng Sibyl Vane vào lúc nào? – Henry tỏ ra sốt ruột.
- Vào đêm thứ ba, anh ạ. Hôm ấy cô đang diễn vai Rosalind. Em không thể không đi vòng quanh sân khấu. Em đã tặng hoa cho cô ấy và cô ấy đã nhìn em, nhất là khi em chan chứa nhìn cô ấy. Còn gã chủ nhà hát người Do Thái thì vẫn rất kiên nhẫn. Ông ta tin rằng ông nhất định phải đưa em ra hậu trường, thế là em đồng ý. Thật khó tin tại sao em lại không muốn biết cô ấy, phải vậy không anh?
- Không. Anh không nghĩ như thế.
- Anh Henry à? Sao lại không chứ?
- Anh sẽ nói cho chú nghe vào một dịp khác. Anh muốn biết chuyện của chú với cô gái này trước đã.
- Ôi. Sibyl ấy à. Cô ấy cả thẹn lắm, rất dịu dàng. Cứ như là trẻ con ấy. Đôi mắt luôn mở lớn một cách kỳ diệu khi em nhận xét về khả năng biểu diễn của cô ấy, tất nhiên là cô bé hoàn toàn không ý thức được về năng khiếu của mình. Em nghĩ cả hai đứa đều bồi hồi run run. Lão Do Thái già khọm kia cứ đứng chặn bên ngoài cửa, lảm nhảm về những chuyện không đâu trong khi em và cô bé cứ đứng nhìn nhau như hai đứa trẻ. Ông ta luôn mồm gọi em bằng Ngài nên em phải đính chính với Sibyl rằng em không phải là loại người quý tộc. Cô bé thì cứ bảo em là:
- Nhìn anh giống như là một hoàng tử.
Henry giọng châm chọc:
- Theo anh thì cái cô Sibyl kia đúng là biết cách ăn nói đấy, Dorian ạ.
Dorian vội vã đính chính:
- Anh chẳng hiểu gì về cô ấy đâu, anh Henry ạ. Cô ấy hoàn toàn coi em như một người khách đi xem hát. Cô ấy chẳng biết gì về các sự đời đâu. Em chẳng bao giờ tin cô ấy đã nói ngọt để lấy lòng em. Cô ta sống với một người mẹ đã mệt mỏi, cả đời đã từng thủ vai Phu nhân Capulet trong những vở kịch xoàng. Người mẹ này bao giờ cũng hy vọng vào tương lai tươi sáng của cô con gái.
- Anh biết về những kỳ vọng ngu ngốc kiểu ấy rồi. Chúng luôn khiến anh rất khó chịu, chú Dorian ạ.
- Còn lão Do Thái kia cứ muốn kể với em về gia cảnh của cô bé nhưng em bảo với lão là em không có hứng thú biết về chuyện ấy.
- Chú làm thế là đúng đấy. Bao giờ cũng có những ý nghĩa rất riêng về số phận của những người khác. Mọi sự còn phải tùy duyên nữa.
- Sibyl Vane là người duy nhất em quan tâm đến. Xuất thân của cô ấy không phải là điều quan trọng đối với em. Từ mái tóc mềm mại đến hai bàn chân xinh xắn, đối với em cô ấy hoàn toàn rất thiêng liêng. Em sẽ đi xem cô ấy biểu diễn cả đời mình. Càng xem cô ấy diễn xuất, em càng thấy cô ấy thật kỳ diệu.
- Anh đoán đấy chính là một lý do chú không còn ăn cơm tối thường xuyên với anh nữa, đúng không? Anh nghĩ là chú bận rộn vì muốn khám phá về chuyện tình cảm lãng mạn. Giờ thì đúng như thế thật rồi, nhưng mọi chuyện vẫn không giống như những điều anh đang kỳ vọng.
- Anh Henry này, chúng ta vẫn ăn trưa mọi ngày với nhau mà. Rồi em đi nghe hòa nhạc với anh mấy lần buổi tối anh không nhớ sao?
- Bao giờ chú cũng đến muộn, gần như là sắp kết thúc buổi hòa nhạc.
- Chà. Em không thể bỏ những cơ hội đến xem Sibyl biểu diễn, dù là chỉ một cảnh thôi. Em gần như mê muội muốn được nhìn thấy cô bé. Nhất là khi em tưởng tượng về một linh hồn trong trắng bên trong xác thân ngọc ngà ấy, em hoàn toàn cảm thấy lòng mình rất rạo rực. Gần như em đang tôn thờ Sibyl Vane.
- Chú có thể ăn cơm tối với anh hôm nay được không, Dorian?
Dorian lắc đầu:
- Đêm nay cô ấy diễn tại rạp Imogen – Chàng trai trẻ nói – Và cô ấy sẽ đóng vai Juliet.
- Thế bao giờ thì cô bé mới là Sibyl Vane thực sự ở ngoài đời đối với chú đây? Chả lẽ cô ta sẽ phải là Juliet với chú suốt đời sao?
- Không bao giờ đâu anh Henry ạ.
- Chúc mừng chú nhé! – Henry thở phào ra.
- Anh xỏ lá lắm cơ. Cô ấy là một người con gái tuyệt vời nhất trong những người phụ nữ trên hành tinh này. Cô ấy không phải chỉ là một cá nhân. Anh cứ việc cười em đi. Nhưng em sẽ vẫn nói rằng cô ấy là một thiên tài. Em yêu cô bé này lắm. Em sẽ tìm mọi cách để cô ấy yêu em. Anh ơi. Anh biết đủ mọi điều bí ẩn của cuộc đời, hãy dạy cho em cách chinh phục Sibyl, đi anh. Em muốn chính Romeo cũng phải ghen tuông với em. Em muốn linh hồn Romeo đã chết trong lòng của Juliet (bây giờ là Sibyl) phải bật dậy khi nghe tiếng cười hạnh phúc của bọn em. Em muốn hơi thở của em và Sibyl sẽ đánh thức tình cảm nồng nàn của người đã chết và khiến cho xương cốt của họ phải trải qua những cơn đau êm ái. Trời ơi. Anh Henry này, em thật sự tôn sùng cô bé. – Dorian vừa đi vừa nói trong phòng, những vết son đỏ ửng lên trên đôi gò má cho thấy Dorian đang thật sự xúc động.
Henry theo dõi quan sát Dorian với một cảm giác khoan khoái thầm lặng. Chàng trai này bây giờ không còn là một cậu bé rụt rè ngây thơ, đầy sợ sệt như Henry đã gặp lần đầu tại phòng họa của Basil. Lúc này Dorian đang như một bông hoa vào thời kỳ nở tươi đẹp nhất. Từ sâu thẳm của tâm hồn Dorian, ánh sáng và mùi thơm của những bông hoa đang ngào ngạt tỏa hương. Cuối cùng là khao khát đam mê của Dorian bây giờ đang co thắt dữ dội, bùng cháy.
- Thế thì chú sẽ đề nghị với anh về tương lai của hai người như thế nào đây. – Henry cuối cùng lên tiếng.
- Em muốn cả anh và anh Basil cùng đi xem cô ấy biểu diễn với em. Em hoàn toàn tin rằng cô ấy sẽ thuyết phục hai anh. Em muốn chứng minh để hai anh biết rằng cô ấy là một thiên tài. Rồi thì chúng ta sẽ đưa cô ấy ra khỏi bàn tay của gã chủ nhà hát người Do Thái. Cô ấy đã phục vụ trong nhà hát của lão ba năm rồi. Ít nhất cũng phải là hai năm tám tháng, tính đến hôm nay. Tất nhiên em sẽ không ngại trả cho lão một khoản tiền chuộc cô bé. Khi mọi chuyện ổn thỏa, em sẽ đưa cô ấy đến nhà hát ở West End để trình bày tài năng của cô ấy với công chúng. Cô ấy sẽ khiến cho cả thế giới này cuồng nhiệt như cách cô ấy khiến em cuồng nhiệt.
- Không thể như thế được đâu, chú Dorian ạ.
- Được chứ. Nhất định cô ấy sẽ làm được. Cô ấy không phải là nghệ thuật tầm thường đâu. Cô ấy có khả năng nghệ thuật bẩm sinh. Và cô ấy có cả nhân cách nữa. Chính anh cũng đã từng bảo em rằng nhân cách con người mới khiến cho mọi thời đại ngưỡng mộ chứ không phải những chủ kiến nguyên tắc, hay những thủ thuật, kỹ năng thao tác được tập tành?
- Chà. Thế bao giờ chúng ta cùng nhau đi xem cô ấy diễn đây?
- Để em tính coi… Hôm nay là thứ Ba. Hay chúng ta quyết định ngày mai nhé. Cô ấy sẽ đóng vai Juliet.
- Được rồi. Tám giờ tối mai tại quán Bristol nhé, tôi sẽ cùng rủ Basil cho chú.
- Đừng đợi đến tám giờ mới đến nhá anh Henry. Hãy đến lúc sáu rưỡi đi. Chúng ta phải có mặt ở đó trước lúc kéo màn. Chúng ta phải nhìn thấy cô ấy diễn màn đầu tiên khi cô ấy gặp Romeo.
- Sáu rưỡi à! Giờ giấc gì mà kỳ cục thế. Cứ như thể là vừa uống trà vừa ăn cơm ấy. Nhưng nếu chú muốn thế thì anh sẽ cố gắng. Liệu chú có thể gặp Basil trước được không? Hay là anh có nên viết thư cho Basil hộ chú hay không?
- Ồ anh Basil ấy à? Em đã không gặp anh ấy cả tuần rồi. Kể ra em cũng tệ thật đấy, anh ấy đã gửi bức tranh cho em lộng trong một khung gỗ rất đẹp do chính tay anh thiết kế. Nhìn vào bức tranh em thấy ghen với nó vì bức tranh trẻ hơn em một tháng. Nhưng nhìn mình trong tranh em lại cảm thấy tự hào. Có lẽ anh nên viết thư cho anh ấy hộ em. Em không muốn gặp riêng anh Basil. Anh ấy toàn nói những lời lẽ đạo đức rất khó nghe.
Henry mỉm cười:
- Anh ta đã cho chú những lời khuyên hữu ích, anh đoán thế. Con người thường nói ra những điều ý nghĩa liên quan cần thiết đối với họ nhất.
- Anh không phải định nói là anh Basil chẳng có bất cứ một cảm giác tình cảm nồng nàn nào bên trong con người anh ấy chứ!
- Anh cũng không biết Basil có nồng nàn hay không; nhưng anh ta nhất định là người rất lãng mạn – Henry nói với một vẻ tinh nghịch thỏa mãn trong ánh mắt – Thế anh Basil không bao giờ nói với chú như thế à?
- Chưa bao giờ cả. Em sẽ hỏi anh ấy về chuyện này mới được. Em sẽ ngạc nhiên khi nghe anh ấy nói về chuyện lãng mạn đấy. Anh ta là một trong những người bạn tốt nhất. Nhưng lắm lúc em với anh ấy cứ như là kẻ thù hay sao ấy. Từ khi em quen anh Henry thì em mới nhận ra điều đó rõ hơn.
- Cái anh chàng Basil ấy, này chú Dorian ơi… Anh ta đặt tất cả niềm vui của anh ta vào công việc. Kết quả là anh ta chẳng còn gì sót lại cho chính mình ngoài những thành kiến, những khái niệm, và những điều hợp lý với nhãn quan của anh ta. Tất cả những nghệ sĩ có những cá tính vui vẻ hào nhoáng là những nghệ sĩ loại xoàng. Người nghệ sĩ có tài sẽ dồn tất cả tâm huyết của anh ta vào nghệ thuật, kết quả là anh ta sẽ trở thành một người khô khan. Một nhà thơ lớn, anh muốn nói đến những nhà thơ thật lớn sẽ rất vô vị trong ứng xử. Còn những nhà thơ quèn thì lại khá hấp dẫn chúng ta. Thơ càng kém thì anh ta càng hào hoa trong cách nói chuyện. Còn chuyện xuất bản một cuốn sách hạng trung luôn khiến con người ta hứng thú. Anh ta sẽ sống chất thơ mà anh ta không thể viết ra được. Một số đã dám viết lên những vần thơ mà chính họ cũng không nhận ra vì sao họ lại gan dạ như thế!
- Em đang tự hỏi trường hợp của Basil có phải như thế thật không đấy, anh Henry. – Dorian Gray nói trong khi xịt nước hoa vào chiếc khăn tay từ chiếc bình mạ vàng thật lớn đặt trên bàn. – Nhưng nếu anh đã nói thế thì có lẽ phải đúng thôi. Giờ em phải đi rồi. Rạp Imogen đang chờ em. Đừng quên đêm mai chúng ta gặp nhau ở quán Bistol nhé! Giờ thì em chào anh đây.
Khi Dorian đi khỏi, đôi mắt nặng trĩu của Henry sụp xuống và anh bắt đầu ngẫm nghĩ. Kể ra rất ít người tỏ ra yêu thích Henry như Dorian đã thích anh. Rõ ràng là Dorian đã gần như say mê anh như điếu đổ. Cu cậu mê anh đến độ không còn nhận ra những người khác là đúng nữa. Dù sao đấy cũng là một cảm giác dễ chịu đối với Henry. Dorian thật sự đúng là một đối tượng đáng để Henry nghiên cứu.
Henry luôn thích thú những phương pháp nghiên cứu khoa học, nhưng những chuyện vụn vặt khác của khoa học thường không khiến anh chú ý đến. Henry thường mổ xẻ chính mình cũng như anh mổ xẻ người khác. Đời sống con người – đấy là phạm trù duy nhất Henry cho là xứng đáng để tìm hiểu. Chẳng có gì khó khăn để tìm hiểu về con người. Sự thật thì chúng ta luôn theo dõi cuộc sống, quan sát về những điều khó hiểu, về niềm vui và nỗi đau. Con người không thể đeo mặt nạ bằng thủy tinh; hoặc ngăn cản những nan đề ngùn ngụt bốc khói trong bộ não để tìm ra những trí tưởng tượng quay cuồng. Chúng ta tỏ ra e ngại với những ảo tưởng ma quái vốn luôn tạo ra những giấc mơ dị tật.
Hình như luôn có những chất độc với nồng độ rất nhẹ mà chúng ta đã quen thuộc nhưng không biết chất lượng ấy là gì. Nhiều căn bệnh chúng ta cứ phải trượt qua. Chẳng hạn như chúng ta đang cố gắng đi tìm những thiếu sót của mình. Và rồi chúng ta sẽ nhận được phần thưởng gì nào? Phải chăng cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn nếu cả thế giới này trở thành một đặc thể duy nhất. Hay là chúng ta chỉ nhận ra những lý luận cứng cỏi của đam mê, của màu sắc nhục thể, và của những cảm xúc vặt vãnh giữa đời thường. Chúng ta tỏ ra có đầy trí tuệ – sử dụng chúng để quan sát những gì chúng ta gặp gỡ, những lần chia tay đổ vỡ, và cả những đau khổ sẽ hội tụ lại. Rồi ở đâu đó mọi điều trong cuộc đời quay qua mâu thuẫn với nhau – Chả lẽ niềm vui của con người là ở chỗ đó ư? Giá phải trả để sống thật ra có ý nghĩa gì kia chứ! Chúng ta chẳng ai có can đảm để đánh giá cao những cảm giác của mình và của người khác.
Henry hoàn toàn tỉnh táo – Những tư tưởng trong đầu anh đem lại một sự dễ chịu. Sự thoải mái dễ chịu ấy hiện ra trong đôi mắt màu nâu của Henry – Thì ra chỉ với những từ ngữ của Henry, thứ ngôn ngữ đầy âm nhạc Henry đã nói mà tâm hồn Dorian đã trở thành quay cuồng. Chàng trai đã cung phụng tôn sùng đến độ mù quáng một cô gái. Nói khác đi, số phận của chàng trai trẻ này do chính Henry tạo ra. Chính Henry đã khiến cho Dorian trở thành nông cạn. Kể ra đấy cũng là một điều khá thú vị. Một người bình thường sẽ chờ đợi những kinh nghiệm bí ẩn cuộc đời tự chúng xảy đến. Với một số ít người khác – tuy số này rất ít – những bí ẩn của cuộc đời sẽ trải ra trước mắt họ trước khi chúng kịp xảy ra. Có lúc đây là hệ quả của nghệ thuật, nhất là nghệ thuật văn chương, một đối tượng chỉ liên hệ trực tiếp đến đam mê và trí tuệ của con người. Tất nhiên là nhân cách của mỗi cá nhân luôn quá phong phú, hầu như choán gần hết chỗ đứng của nghệ thuật. Nhưng chung quy lại mọi nhân cách vẫn không thoát khỏi vòng xoáy của nghệ thuật được. Kết quả là cuộc đời đã tạo ra những kiệt tác, trong thơ ca, trong điêu khắc và trong hội họa.
Đúng vậy. Chàng trai trẻ ấy còn nông cạn lắm. Anh ta đã gặt mùa hè khi mùa xuân chưa kịp gieo hạt. Xung động và đam mê tuổi trẻ đang vẫy vùng bên trong nhưng Dorian đang quá chú trọng đến những ý thức bên ngoài của bản thân mình. Thật thú vị khi quan sát theo dõi Dorian. Một khuôn mặt đẹp trai, một tâm hồn rất đẹp, Dorian chính là một kỳ quan của sự ngây thơ trong trắng. Sẽ chẳng còn ý nghĩa nào nữa – Dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra – định mệnh sẽ kết thúc như thế nào. Chàng trai trẻ ấy sẽ là điểm tập trung thu hút của mọi sự kiện. Niềm vui của Dorian sẽ trở nên rất xa lạ đối với chính cậu ta. Còn nỗi đau thì cứ khuấy tung trong cảm giác về vẻ đẹp bề ngoài của mình. Những vết thương sẽ cứ tươi rói lên như những cánh hoa hồng không bao giờ chịu tàn héo.
Linh hồn và thể xác. Thể xác và linh hồn – Chúng thật bí hiểm và kỳ diệu làm sao! Henry tin rằng có cả thú tính trong linh hồn bên trong mỗi một con người. Có lúc anh nghĩ thể xác đẫm những nét đẹp tinh thần, thuần khiết đến độ khó có thể tin được.
Cảm giác nhục thể có thể được tinh luyện. Đôi lúc trí tuệ sẽ xuống cấp, thoái hóa và mục rữa. Chẳng ai có thể nói vào thời điểm nào thì xung động của xác thịt sẽ ngừng đập và xung động tâm lý sẽ bừng sống dậy. Những định nghĩa lắt léo cắc cớ của các nhà tâm lý mới thật nghèo nàn làm sao! Tại sao các trường phái tâm lý lại không tìm ra được giá trị trung lập. Phải chăng linh hồn bao giờ cũng bị nhốt chặt trong một nhà tù xám xịt của tội lỗi. Hay thân xác chính là cốt lõi của linh hồn như Giordano Bruno đã từng nghĩ như thế? Sự tách rời giữa tinh thần và vật chất chính là một điều bí hiểm, còn sự kết hợp giữa tâm hồn và thể xác cũng bí hiểm tương tự y như thế mà thôi.
Henry bắt đầu tự hỏi xem con người có bao giờ nhận ra tâm lý học chính là một ngành khoa học thực sự để giải thích những vận hành trong đời sống con người diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Tại sao con người cứ phải như thế? Chúng ta bao giờ cũng nhầm lẫn với chính mình và càng hiếm hoi hơn khi chúng ta có thể hiểu rõ về cảm xúc của người khác.
Kinh nghiệm xem ra chẳng có bất cứ một giá trị đạo lý nào. Đấy chỉ là một danh từ hay là một tên gọi chúng ta đặt ra cho những lỗi lầm của mình.
Con người đã vay mượn kinh nghiệm như một não thức cảnh giác, cố tình đặt ra để áp dụng trong những trường hợp đạo đức nào đó. Cốt ý đạt được những hiệu quả cao nhất trong quá trình hình thành nhân cách. Cuối cùng kinh nghiệm nghiễm nhiên trở thành những bài học giáo dục hướng dẫn để chúng ta tránh xa những điều cần tránh.
Nhưng kinh nghiệm của con người – bản thân chúng không có những quyền lực hay động cơ. Chúng không phải là những nguyên nhân chủ lực mạnh mẽ như ý thức. Kinh nghiệm cuối cùng chỉ minh họa một phần tương lai của chúng ta; có thể sẽ giống như trong quá khứ. Những tội lỗi chúng ta một lần đã sai phạm, sau đó chúng ta tự khinh ghét mình. Rồi thì chúng ta lại tiếp tục tái diễn rất nhiều những sai phạm ấy. Thường thì đấy là những chiếc bánh niềm vui có nhân cám dỗ ngọt ngào bên trong mà chúng ta không sao cưỡng lại được. Đấy cũng là một hình thái của kinh nghiệm.
Với Henry chỉ có phương pháp thí nghiệm mới là phương pháp giúp con người có thể tìm ra những phân tích khoa học về cấu trúc của đam mê khao khát: và Dorian chính là một nhân vật thí nghiệm đang nằm trong tay Henry. Nhất định Dorian sẽ là một hứa hẹn hiệu quả cho những thí nghiệm thành công ý nghĩa. Sự yêu đương cuồng nhiệt đến độ mù quáng mà Dorian đã giành cho Sibyl Vane là một hiện tượng tâm lý không thể xem nhẹ được.
Tất nhiên vai trò của hiếu kỳ trong trường hợp này là không nhỏ. Hiếu kỳ chính là bào thai của khát khao dẫn đến việc thúc đẩy con người đi tìm những kinh nghiệm mới mẻ khác. Nhưng hiếu kỳ không đơn giản chút nào, trái lại nó thật phức tạp khi đặt vào đẳng thức chung của đam mê. Sẽ phải có một vài bào thai quái thai chứ! Cốt lõi của hiếu kỳ chính là cảm giác chủ lực. Đây là phạm trù thuần túy nhất của bản năng thời trai trẻ. Hiếu kỳ đang chuyển hóa thực tế thành những tác phẩm xám ngoắt trong trí tưởng tượng. Hiếu kỳ đã thay đổi não thức của chàng trai Dorian và biến chúng trở thành một cõi xa xăm, tách biệt khỏi thế giới cảm giác. Đây là lý do tại sao cuộc phiêu lưu này của Dorian là cuộc phiêu lưu nguy hiểm nhất.
Tại sao đam mê về những giá trị bản năng nguyên thủy như nhục cảm có thể đánh lừa chúng ta? Tại sao đam mê và hiếu kỳ có thể trở thành hai kẻ độc tài, lũng đoạn tất cả những hành vi và tư tưởng của chúng ta? Phải chăng động cơ yếu đuối nhất của con người nằm ngay chính giữa những phạm trù chúng ta có ý thức nhiều nhất? Thường thì chúng ta nghĩ rằng mình đang làm thí nghiệm với người khác. Nhưng thật ra chúng ta đang thí nghiệm với chính bản thân của mình.
Khi Henry đang mơ màng về những liên tưởng này thì có tiếng gõ cửa và người đầy tớ của anh đi vào, nhắc nhở anh đã đến giờ thay quần áo để đi ăn tối. Henry đứng lên và nhìn ra ngoài phố. Ánh nắng mặt trời bây giờ đang đan quyện vào màu vàng của những khung cửa sổ những ngôi nhà đối diện. Những mặt kiếng phản chiếu như mấy tấm kim loại đang được nung đỏ. Bầu trời thẫm đen như một đóa hoa hồng đang hồi héo rữa. Henry cứ mải suy nghĩ về tương lai cuộc đời đầy những gam màu sắc cạnh của Dorian sau này sẽ kết thúc như thế nào đây.
Khi Henry về đến nhà, khoảng chừng ba mươi phút sau mười hai giờ khuya, anh ta nhìn thấy một điện tín nằm ngay trên chiếc bàn đặt ở hành lang. Anh mở ra đọc và biết được đấy là điện tín của Dorian. Nội dung bức điện tín cho biết là chàng trai trẻ đã đính hôn với Sibyl Vane.