Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Hai
K
hi tôi không còn chịu đựng nổi cảnh cái xe tải trắng han gỉ lần lữa trước mặt mình, tôi lượn chiếc MGF sang làn đường bên cạnh và giậm mạnh chân ga.
Chiếc xe mới của tôi vọt qua cái xe tải cũ kỹ với một tiếng gầm khàn khàn đầy tự tin. Khi tạt đầu nó tôi thoáng thấy gã tài xế - mờ mờ những răng sâu, xăm trổ và căm ghét - trước khi gã ta mất tăm trong kính hậu của tôi. Tôi thấy thật ổn. Chiếc MGF nghĩa là tôi không còn phải nhìn những cái xe tải trắng han gỉ hay tài xế của chúng nữa. Tất cả những cái đó đã ở lại đằng sau. Tôi có thể thấy trước một tương lai đầy những cuốc xe mui trần và những cái nhìn thán phục. Rồi cái xe tải lại đỗ ngay cạnh tôi ở đèn đỏ tiếp theo.
Chúa ơi, tôi nghĩ. Cơn giận khi tham gia giao thông.
“Cái thằng bựa đần độn này,” gã ta bảo tôi, kéo cửa sổ xuống để lộ ra khuôn mặt như bánh burger cỡ đại trong một xô bia. “Ra ngoài mà đẩy xe đi.”
Sau khi gã ta đã lái xe đi mất lúc đèn xanh, tôi ngồi đó run rẩy một lúc, nghĩ về những gì đáng lẽ tôi phải nói với gã.
Nếu tôi mà ra ngoài, anh bạn ạ, thì sẽ là để đẩy cái xe tải dở đời của anh vào cái hậu môn xăm trổ của anh đấy! Nếu tôi đẩy cái này, anh bạn ạ - gọi gã ta là anh bạn thì nghe sẽ rất ổn đấy - tôi sẽ vẫn đi nhanh hơn anh. Cái thằng điên bụng bia này! Đồ chó phệ!
Tôi thấy bản thân đang phát ngôn những câu trả miếng hoàn hảo và rồi lái xe đi mất trong tiếng rít của cao su, trên mặt nở một nụ cười đáng ghét. Nhưng chuyện thực sự xảy ra là tôi chỉ ngồi đó run run và mơ màng cho đến khi tất cả những chiếc xe đằng sau tôi bấm còi và la hét về việc đèn đã chuyển màu.
Thế là tôi lái xe đi, nghĩ về những gì cha tôi sẽ làm nếu ông ở đó.
Ông chắc chắn sẽ không ngồi đấy nín thinh. Ông sẽ không mất thời gian nghĩ ra lời đối đáp ngang ngửa câu đanh thép tuyệt đỉnh của Oscar Wilde.
Cha tôi sẽ lẳng lặng xuống khỏi chiếc MGF và đấm cho cái gã lái xe tải ấy bất tỉnh. Thực sự là ông sẽ làm vậy.
Tuy thật lòng mà nói, cha tôi thà chết còn hơn bị nhìn thấy trong một cái xe thể thao. Cha tôi cho rằng chúng là dành cho mấy thằng đần.
Cha tôi sẽ thấy thoải mái hơn nhiều trong một chiếc xe tải trắng.
Gina đã tỏ ra vô cùng thông cảm về chiếc MGF. Cô còn động viên tôi quay lại và nói chuyện với người bán hàng khi mà ngay cả tôi cũng bắt đầu thấy ý tưởng mua một cái xe thể thao thật ngớ ngẩn.
Và có rất nhiều lý do tại sao việc mua nó lại thật điên rồ. Cái cốp xe còn nhỏ hơn cả xe đẩy siêu thị. Chúng tôi thực sự không cần đến hai cái ô tô. Một cái xe mui trần ở London là đối tượng thù ghét của những thằng ngu si mặt mụn mười bốn tuổi thích gây sự và giắt dao trong tất. Nhưng Gina chẳng bận tâm.
Cô bảo tôi hãy mua cái xe và thôi nghĩ rằng cuộc đời đã chấm dứt chỉ vì tôi chuẩn bị ba mươi. Cô bảo tôi là tôi thật thảm hại, nhưng cô cười khi nói câu đấy và quàng tay quanh người tôi, lắc lắc. Cố nhét chút lý trí vào đầu tôi. Còn lâu.
Ở bất kỳ thời điểm nào khác trong bảy năm mà chúng tôi bên nhau, chúng tôi đều không thể mua nổi một chiếc ô tô thứ hai ngon lành. Thực chất, ở bất kỳ thời điểm nào khác chúng tôi sẽ không mua nổi dù là một chiếc ô tô thứ hai vô cùng dở đời. Chúng tôi còn chưa sở hữu cái ô tô dở đời đầu tiên được bao lâu.
Nhưng chúng tôi không còn phải gần như lên cơn đau tim mỗi lần nhận được một cái hóa đơn nho nhỏ nữa. Cuối cùng thì công việc của tôi cũng trôi chảy.
Tôi là nhà sản xuất The Marty Mann Show, một chương trình trò chuyện đêm khuya được phát mỗi thứ Bảy trên hệ thống truyền hình mặt đất. Tôi là nhà sản xuất The Marty Mann Show từ sáu năm trước, hồi nó còn thuộc đài phát thanh địa phương và phần lớn đất nước này còn chưa nghe đến bất kỳ tin đồn gì về gã MC điên rồ của nó. Chuyện đó có vẻ đã xưa lắm rồi.
Trong mười hai tháng vừa qua Marty và tôi đã biến một chương trình radio không-mất-một-đồng thành một chương trình ti vi kinh-phí-thấp. Ranh giới giữa hai cái đó mỏng manh một cách bất ngờ. Nhưng vượt qua cái ranh giới mỏng manh ấy đủ để làm Marty Mann thành một ngôi sao.
Nếu bạn đi vào nhà hàng với cậu ta, ai cũng sẽ ngừng ăn uống và nói chuyện chỉ để được nhìn cậu ta. Các cô gái, những người mà vài năm trước còn không thèm sờ đến cậu ta ngay cả khi đeo găng tay phẫu thuật, giờ coi cậu ta là một chàng trai trong mộng. Cậu ta được chụp ảnh ngay cả khi cậu ta chẳng làm gì đặc biệt cả. Đời Marty đã đến lúc lên hương và cậu ta đủ tử tế để kéo tôi theo cùng.
Những nhà phê bình, hay ít nhất là những người thích cậu ta, gọi Marty là trẻ con - có nghĩa là cậu ta cởi mở, thẳng thắn và có trực giác tốt. Họ nghĩ rằng cậu ta hỏi loại câu hỏi mà những người phỏng vấn khác cho rằng ngay cả nghĩ đến thôi cũng không nên rồi. Và đó là sự thật - quy trình biên tập cắt xén vốn tồn tại trong hầu hết chúng ta có vẻ hoàn toàn mất tích trong đầu óc Marty. Và cậu ta có được câu trả lời, ngay cả khi cái mà cậu ta đáng được nhận là một quả đấm vào mồm.
Những nhà phê bình không thích Marty cũng gọi cậu ta là trẻ con - có nghĩa là cậu ta ích kỷ, non nớt và độc ác. Nhưng Marty không hề trẻ con chút nào. Có những lúc tôi nhìn Pat yên lặng chơi hàng tiếng đồng hồ với mấy thứ đồ chơi Chiến tranh giữa các vì sao của nó. Đấy mới là trẻ con. Sức tập trung của Marty kém xa. Marty không trẻ con. Chỉ là cậu ta kém phát triển.
Chúng tôi gặp nhau ở một đài phát thanh địa phương nơi mà đám nhân viên hoặc đang trên đường thăng tiến hoặc đang trên đường nghỉ việc. Đó là một tòa nhà nhỏ bẩn thỉu chất đầy những tham vọng đã bị vón cục và mùi thuốc lá ỉu, và hầu hết những người thường xuyên gọi đến cho chúng tôi hoặc là cô đơn một cách tuyệt vọng hoặc là chuẩn bị điên đến nơi. Nhưng một phần nào đó tôi vẫn luôn luôn nhớ nơi ấy. Vì đấy là nơi tôi đã gặp Gina.
Đài lúc nào cũng vất vả tìm kiếm khách mời - vì một lý do nào đó người ta chẳng hề chạy tới tranh giành khoản thù lao của chúng tôi, nhỏ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường - và thế nên thường có yếu tố ứng biến trong việc chọn khách mời của chúng tôi.
Ví dụ, khi những ngân hàng Nhật Bản bắt đầu bị phá sản, người chúng tôi mời đến nói về những chuyện đó không phải là một nhà kinh tế hay một nhà báo tài chính, mà là giáo sư dạy tiếng Nhật ở trường đại học bên kia phố.
Thôi được, ông ấy là một giáo viên ngoại ngữ, nhưng như bao giáo viên ngoại ngữ khác ông yêu cái đất nước có thứ ngôn ngữ ông đang dạy. Có ai phù hợp hơn để bàn luận về lý do tại sao những con hổ châu Á lại đang biến thành những con mèo thiến? Đúng là có rất nhiều người, chắc vậy. Nhưng ông là người tốt nhất mà chúng tôi có thể mời. Có điều ông không xuất hiện.
Như thể đồng cảm với bong bóng Nhật Bản đang vỡ tung, ruột thừa của giáo sư bị vỡ vào buổi sáng mà ông có hẹn, và để thay thế ông, chúng tôi đã mời từ hàng ghế dự bị học sinh ngôi sao của ông - Gina.
Gina, người phụ nữ cao ráo, rạng rỡ. Cô nói tiếng Nhật trôi chảy, có vẻ là một chuyên gia về văn hóa, và có cặp chân dài hàng dặm. Tôi đưa cô vào phòng thu và không có đủ can đảm để bắt chuyện với cô, thậm chí còn không dám nhìn vào mắt cô. Cô xinh đẹp, duyên dáng, thông minh. Nhưng quan trọng hơn cả, cô cách xa, rất xa tầm với của tôi.
Và rồi khi đèn đỏ bật sáng trong phòng thu, có chuyện gì đó xảy ra. Hay đúng hơn, không có chuyện gì xảy ra cả. Gina bị tê liệt do hoảng sợ. Cô không nói nổi.
Khi tôi nhìn thấy cô lần đầu tôi đã nghĩ cô thật khó gần. Nhưng trong lúc nhìn cô lắp bắp và toát mồ hôi khi kể câu chuyện rời rạc về sự suy thoái của nền kinh tế, bỗng dưng cô lại là người trần. Và tôi biết mình có một cơ hội. Một cơ hội mong manh, có thể. Một cơ hội nhỏ như một quả bóng tuyết xuất hiện ở địa ngục, cũng có thể. Nhưng vẫn là một cơ hội.
Tôi biết chính xác cảm giác của cô. Cái đèn đỏ cũng khiến tôi thành ra như vậy. Tôi chưa bao giờ thoải mái trước một cái micro hay máy ảnh, và chỉ nghĩ đến nó thôi cũng làm tôi toát mồ hôi lạnh.
Vậy nên khi việc thu âm đã xong xuôi và sự khổ sở của cô đã chấm dứt, tôi không thấy khó khăn gì trong việc tỏ lòng thương cảm với cô. Và cô cũng rất thoải mái về chuyện này, còn cười vui trước sự hoảng sợ của mình và thề rằng sự nghiệp phát thanh của cô đã chấm dứt.
Tim tôi chìm nghỉm.
Tôi nghĩ - thế thì đến bao giờ tôi mới được gặp lại em?
Điểm mà tôi thích ở Gina là cô không coi trọng ngoại hình của mình. Cô biết mình ưa nhìn, nhưng cô không quan tâm. Hay đúng hơn, cô nghĩ đó là thứ ít thú vị nhất ở mình. Nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn tôi hai lần trên phố cả. Và một người có ngoại hình tầm thường như tôi sẽ không bao giờ có thể coi nhẹ sắc đẹp như vậy được.
Cô đưa tôi đi ăn sushi ở Sogo, cửa hàng bách hóa tổng hợp Nhật Bản lớn ở Piccadilly Circus, nơi đây tất cả nhân viên đều biết cô. Cô nói chuyện với họ bằng tiếng Nhật và họ gọi cô là “Gina-san”.
“Gina-san?” tôi hỏi.
“Cái này dịch cho chính xác thì khó lắm,” cô mỉm cười. “Nó có nghĩa gần như là - Gina chính trực, đáng kính.”
Gina chính trực, đáng kính. Cô đã đem lòng yêu văn hóa Nhật Bản ngay từ khi còn nhỏ. Thực ra Gina đã sống ở đó trong năm đệm trước khi vào đại học, dạy tiếng Anh ở Kyoto - “Năm hạnh phúc nhất đời em” - và cô đang định quay lại. Có một lời mời làm việc từ một ngân hàng Mỹ ở Tokyo. Không có cái gì ngăn cản cô. Tôi cầu mong là mình có thể.
Khi tuyệt vọng vắt nát óc để lục lọi ra chỗ hiểu biết ít ỏi của mình về Nhật Bản, tôi nhắc đến Yukio Mishima. Cô gạt đi, cho rằng tác giả đó là một kẻ cánh hữu ảo tưởng - “không phải chỉ có ăn cá sống và tự tử theo lễ nghi, anh biết đấy” - và bảo tôi rằng tôi nên đọc Kawabata nếu thực sự muốn hiểu Nhật Bản. Cô nói sẽ cho tôi mượn vài tác phẩm của ông ta, nếu tôi muốn. Tôi nhìn thấy cơ hội của mình và chớp lấy nó.
Chúng tôi gặp nhau uống nước và cô mang theo một quyển sách có tên là Xứ tuyết. Về nhà một cái là tôi đọc ngay - một anh chàng ăn chơi đã hết thời đem lòng yêu một cô geisha bất hạnh ở một khu nghỉ dưỡng trên núi, và nó thực ra khá hay - trong lúc mơ màng về đôi mắt, cặp chân của Gina, cái cách mà cả khuôn mặt cô như bừng sáng khi nở nụ cười.
Cô nấu bữa tối ở căn hộ của mình. Tôi phải cởi giày ra trước khi vào. Chúng tôi bàn luận về văn hóa Nhật Bản - hay đúng hơn là Gina nói còn tôi nghe, đánh rơi mấy mẩu thịt gà teriyaki lên thảm khi dùng đũa - cho tới giờ gọi taxi hoặc giờ đánh răng. Và rồi chúng tôi làm tình trên sàn nhà - hay trên cái nệm futon, như Gina gọi. Tôi sẵn lòng thả bom Trân Châu Cảng vì cô.
Và tôi muốn cô ở lại với tôi mãi mãi. Thế nên tôi hứa với cô tất cả - hạnh phúc, tình yêu vĩnh cửu và, yếu tố quyết định, một gia đình. Tôi biết vụ gia đình sẽ làm cô xiêu lòng - cha cô đã biến mất khi Gina mới bốn tuổi, và cô lớn lên trong nỗi mong mỏi sự yên ổn của cuộc sống gia đình. Nhưng cô vẫn khóc khi nói với ngân hàng rằng rốt cuộc thì cô sẽ không đi Tokyo được.
Thay vì sống ở Nhật Bản, cô làm một dịch giả tự do cho những công ty Nhật Bản trong thành phố. Nhưng phần nhiều trong số họ hoặc đang gặp khó khăn hoặc chuẩn bị quay về nước. Công việc của cô không được như nó đáng lẽ phải thế. Tôi biết cô đã hy sinh rất nhiều để ở bên tôi. Nếu không phải bản thân đang hạnh phúc đến phát điên, thì có lẽ tôi còn cảm thấy tội lỗi một chút.
Sau khi chúng tôi kết hôn và Pat ra đời, cô ở nhà. Cô nói cô không buồn khi phải từ bỏ công việc vì Pat và tôi - “hai nhóc của em,” cô gọi chúng tôi như thế.
Tôi ngờ rằng con đường sự nghiệp đáng thất vọng cũng ảnh hưởng đến quyết định ở nhà của cô ngang với mong muốn có một cuộc sống gia đình thực thụ. Nhưng cô luôn cố làm cho chuyện đó nghe như điều tự nhiên nhất trên đời.
“Em không muốn con mình được nuôi nấng bởi một người lạ,” cô nói. “Em không muốn một thiếu niên béo phị nào đó đến từ Baravia dính chặt thằng bé trước màn hình trong khi em đi làm.”
“Được rồi,” tôi đáp.
“Và em không muốn nó phải ăn tất cả các bữa sau khi hâm trong lò vi sóng. Em không muốn về nhà từ cơ quan trong tình trạng quá mệt mỏi để chơi với nó. Em không muốn nó lớn lên mà không có em. Em muốn nó có một cuộc sống gia đình nào đó - cho dù điều đó là gì đi chăng nữa. Em không muốn tuổi thơ của nó giống em.”
“Đúng đấy,” tôi nói. Tôi biết đây là một vấn đề nhạy cảm. Gina trông như sắp òa khóc đến nơi. “Một người phụ nữ ở nhà với con thì có gì sai?” cô nói. “Mấy cái theo-đuổi-hoài- bão ấy thật cổ lỗ sĩ. Mấy cái đảm-việc-công-ty-giỏi-việc- nhà ngớ ngẩn ấy. Ít tiền hơn thì chúng ta vẫn xoay xở được, phải không anh? Và anh sẽ mua cho em sushi mỗi tuần một lần, đúng không?”
Tôi nói với cô là tôi sẽ mua nhiều cá sống đến mức cô sẽ mọc vây. Thế nên cô ở nhà để trông con.
Và khi từ cơ quan về nhà hằng đêm tôi luôn gọi to, “Chào em yêu, anh về rồi,” như thể chúng tôi là những nhân vật trong mấy phim sitcom từ những năm năm mươi, với Dick Van Dyke mang tiền về nhà còn Marty Tyler Moore làm bánh mì kẹp thịt hun khói.
Tôi không biết tại sao tôi cố biến nó thành một trò cười. Có thể vì trong thâm tâm tôi tin là Gina chỉ đang giả vờ làm một bà nội trợ, trong khi tôi giả vờ làm cha tôi.